SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  46
Nhuận Đạt - TMT

1
THÀNH KÍNH TRI ÂN CHA MẸ,
THẦY BẠN VÀ NHỮNG NHÂN DUYÊN MẦU NHIỆM ĐÃ NUÔI LỚN
CON ĐƯỜNG LÝ TƯỞNG TRONG CON.

2
Mục Lục
Có Một Con Đường ..................................................... 2
Sự Thật Công Bằng ..................................................... 6
Nghịch Lý Bồ Tát ........................................................ 10
Sức Mạnh Thói Quen ................................................ 13
Kiếp Người Và Thân Phận ....................................... 15
Tình Yêu ...................................................................... 18
Sự Thật Hạnh Phúc ................................................... 22
Chân Lý Tương Đối ................................................... 24
Tự Do ........................................................................... 26
Hòa Bình ...................................................................... 28
Giàu Có Đích Thực .................................................... 31
Ước Mơ ....................................................................... 33
Kiên Nhẫn Và Đam Mê.............................................. 35
Niềm Tin....................................................................... 37
Mình Thưởng Cho Mình ............................................ 39
Trên Đường Lý Tưởng .............................................. 42

3
Có Một
Con Đường
Là một cậu bé nhiều bệnh tật, mất cha sớm và rời khỏi vòng tay yêu thương
của mẹ khi mới mười sáu tuổi, mình đã trải qua nhiều biến cố tinh thần và
những thiếu thốn tình cảm, đã kinh nghiệm nhiều biểu hiện bất nhân của thế
thái nhân tình. Từ nhân duyên đó, mình muốn đi tìm một con đường lý tưởng
- con đường của tình yêu thương nhân loại, hòa bình thế giới, hạnh phúc nội
tâm - để vượt thoát cá nhân dục vọng và trung hòa sức mạnh của bản năng.
Mười lăm năm trôi qua, đi từ quê hương nhỏ bé của mình lên thành phố; học
từ giảng đường Phật giáo tỉnh lẽ đến những đại học thủ đô; thảo luận và kết
bạn với nhiều anh em khác màu da và tín ngưỡng ở nhiều quốc gia đã đến,
mình luôn thao thức, suy tư và trăn trở cho sự xói mòn của đạo đức và tâm
linh nhân loại.
Mùa đông năm 2005, mình đến được đất thiêng Lumbini - nơi Đức Phật Thích
Ca giáng trần hơn 2600 năm trước, theo thầy Huyền Diệu học hỏi, làm công
quả cho Việt Nam Phật Quốc Tự và thực tập tỉnh tâm. Năm 2006, mình đến
chiêm bái và tỉnh tâm bên cội Bồ Đề nơi Phật Thích Ca giác ngộ ở Buddha
Gaya, đặc biệt những đêm trăng mùa Đông trầm tư về nhân sinh và thế giới,
mơ ước cho một con đường lý tưởng từ lâu trong mình nhẹ sáng.
Thật hạnh phúc! Từ đó, mình thật sự bước đi trên con đường mơ ước của
mình. Càng đi càng thấy hạnh phúc, đặc biệt là những lúc vận dụng hết khả
năng Bi-Trí- Dũng của mình để vượt qua sức mạnh ái dục cá nhân. Tất nhiên
không phải lúc nào mình cũng đi thẳng trên con đường lý tưởng đó. Đôi lúc,
mình cũng té ngã rất nặng, cũng phải đi chậm và nhẹ từng bước để tiến lên.
Tuy nhiên, mình luôn vui, bởi ánh sáng của quy luật công bằng; của chân lý
4
tương đối; của sự kiên nhẫn và niềm tin trong mình chưa bao giờ tắt, và mình
luôn tự thưởng cho mình trên những bước đường.
Mình nghĩ, ai trong chúng ta cũng từng mơ ước đi trên một con đường đẹp.
Biết đâu con đường mơ ước của bạn lại giống mình, có khi bạn lại thích đi
cùng mình nữa. Vì thế, mình sẽ không ngại chia sẻ về con đường lý tưởng
mình đi: Paramita
Đối với mình, con đường Paramita này là con đường đẹp, con đường của
vượt thoát cá nhân dục vọng và mặc cảm “hơn – kém – bằng” đã chi phối suy
tư nhân loại, ràng buộc nhân loại trong đau khổ. Một con đường dẫn đến sự
an tỉnh và niềm vui chân thực cho cá nhân và xã hội, ngay trong thế giới này.
Mình tin tưởng bạn cũng có thể đi, có khi bạn còn đi nhanh hơn vận tốc mình
đang có. Tuy nhiên, bạn đừng vội. Hãy hiểu và xác tín cho mình niềm tin về
quy luật công bằng; nghịch lý Bồ Tát; thân phận kiếp người; chân lý tương
đối; sự thật hạnh phúc…trước đã. Cũng giống như bạn leo núi hay đi trekking
vậy. Trước hết bạn cần có bản đồ, rèn luyện sức khỏe, lên kế hoặch, hiểu rõ
thời tiết vào thời điểm khởi hành… và nhớ cũng đừng ngại “đường đi khó vì
ngăn sông cách núi”, mình rất tin tưởng bạn. Mình tin nơi nào có ý chí nơi ấy
sẽ có con đường. Cái khó không phải “vì ngăn sông cách núi” mà cái khó
nằm ở “lòng người ngại núi e sông”. Hãy tự tin bước đi, bạn không hề đơn
độc trên con đường Paramita lý tưởng, bởi ít nhất trên ấy, bạn đã có mình.

5
Sự Thật

Công Bằng
Từ khi biết suy tư về nhân sinh và cuộc sống, mình đã được học và tin tưởng
tính công bằng của vạn hữu, những ngày ấy mình ngây thơ hiểu rằng công
bằng đơn giản như 1 + 1 = 2 và 2 - 1 = 1. Nhưng khi lớn lên, quán sát và tư
duy, mình thấy vấn đề không đơn giản. Mình bắt đầu tự hỏi: Công bằng nghĩa
là gì? Thước đo nào cho kết quả của nó? Tại sao nhiều người xung quanh
mình có vẻ rất hiền hòa nhưng kết quả cuộc sống của họ không đẹp như họ
mơ ước, không như những đúc kết tinh thần “có đức mặc sức mà ăn” từ
nghìn xưa của cha ông.
Ngược lại, những người ác tâm tại sao có vẻ giàu có và thành công ở nhiều
phương diện? Từ những quán sát ban đầu như thế đã làm cho mình hoài
nghi về tính chân lý của sự thật công bằng. Nhưng thời gian đi qua, mái tóc
và thịt da mình được phủ thêm màu năm tháng, tâm hồn mình được lớn thêm
bởi những tri thức nhân loại và tư duy, ánh sáng của sự thật công bằng hé
mở, bao câu hỏi ngày xưa tan chảy dần với những giờ tỉnh tâm thiền quán,
ánh sáng xa xa mỗi lúc một gần, soi rõ cho mình thấy dần chân lý công bằng
là có thật trong từng góc cạnh của cuộc sống thật, từ khía cạnh thiên nhiên
thuộc thế giới vật chất, cho đến sự phức tạp của những hành vi thuộc thế giới
tâm hồn. Mình bắt đầu khám phá 1 công thức cũ đã được cất kỷ từ lâu trong
kho tàng tâm thức của con người: Gieo Hạt + Điều Kiện Chăm Sóc + Thời
Gian = Kết Quả
Hạt A được gieo thì kết quả thu được cũng đồng loại là A. Có thể A kết quả
sẽ khác A hạt giống về kích thước và màu sắc tùy điều kiện chăm sóc, nhưng
không bao giờ khác loại A. Ví dụ: hạt đậu xanh trồng xuống không bao giờ

6
cho trái đậu ván, cho dù điều kiện chăm sóc có dẫn đến hạt đậu xanh kết quả
nhỏ hơn hạt đậu xanh đã gieo.
Một hạt được gieo nếu điều kiện chăm sóc tốt, kết quả bao giờ cũng là một
cây. Điều này có nghĩa kết quả thu được từ một hạt gieo có thể rất nhiều,
vượt ngoài sự ước tính và dự đón. Ví dụ: Một hạt xoài được gieo khi trở thành
cây xoài trưởng thành, kết quả thu được thường theo cấp số nhân, tức là luôn
nhiều hơn hạt giống gieo ban đầu.
Hạt giống là một điều kiện cần, nó muốn được kết quả thì phải có hai điều
kiện đủ khác: điều kiện chăm sóc và thời gian. Điều kiện chăm sóc là yếu tố
quyết định sự tồn tại của hạt giống được gieo và thời gian là tấm gương phản
chiếu sự lớn lên của hạt giống và ngược lại. Ví dụ: để trồng một cây sầu
riêng, trước hết phải có là cây sầu riêng con (hạt giống). Cây sầu riêng ấy
phải được trồng ở một vùng đất thích hợp, cần có thời gian để kiểm chứng sự
lớn lên của cây, sau cùng mới là kết quả, tức là những trái sầu riêng thực tế
sinh ra từ cây sầu riêng.
Một chú ý đặc biệt là: Mỗi một loại hạt giống có quá trình nẩy mầm và thời
gian kết quả khác nhau. Cây ớt thì một tháng có quả, nhưng cây sầu riêng thì
phải nhiều năm. Điều kiện chăm sóc là yếu tố làm kết quả tốt hoặc không tốt,
đồng thời có thể làm thời gian ra quả ngắn đi.
Những hành vi thuộc thế giới tâm hồn cũng theo qui luật vận hành của tự
nhiên. Hành vi được xem là hạt giống, cường độ quyết tâm và sự lập đi lập lại
của hành động là điều kiện chăm sóc. Kết quả của một hành vi có thể được
biểu hiện bằng một công thức : Hành Vi + Cường Độ Quyết Tâm Và Sự Lập
Đi Lập Lại + Thời Gian = Kết Quả. Cái khó là xác định cường độ quyết tâm
của một hành vi, bởi nó thuộc về kinh nghiệm cá nhân. Từ cái khó này dẫn
người quan sát đến hoài nghi về tính chân lý của sự công bằng - nhân quả.
Người quan sát thấy bất bình với hành động xấu xa của những kẻ bất lương
7
giàu có và ngạo mạn; thương tâm cho những người hướng thiện nhưng đau
khổ khốn cùng.
Mình cũng từng như nhiều người quan sát, cũng từng hoài nghi, nhưng trong
sự bình tỉnh sâu xa của tâm hồn thông qua thiền quán, mọi hoài nghi trong
mình dần tan biến. Mình thấy 5-3=2 và 1+1cũng =2. Số 2 của 5-3=2 là số 2
của sự giảm dầu tích lũy; còn số 2 của 1+1=2 là số 2 của sự tăng dần thặng
dư. Những kẻ bất lương nếu cứ tiếp tục bất lương và không biết dừng lại và
thay đổi thì kết quả âm là chắc chắn: 5+-6=-1. Ngược lại, người được xem là
bất lương nhưng đã thay đổi và hướng thiện thì kết quả âm giảm dương tăng
cũng là hiển nhiên: -6+5=-1.
Cuộc sống xung quanh ta không thiếu những minh chứng chúng ta có thể
quan sát tính chân lý của nó, nếu cần chúng ta cũng có thể tự thân thể
nghiệm chân lý công bằng này. Hãy thử làm nhiều điều lành bạn sẽ thấy tâm
hồn bạn luôn an vui và thể xác bạn khỏe mạnh thế nào và ngược lại.
Mọi lý luận mang tính lý thuyết, cho dù là được công nhận hợp lý và khả thi
nhưng khi ứng dụng thực tế không mang lại kết quả thiết thực cho hạnh phúc
cá nhân và nhân loại thì những lý thuyết ấy cần nên vứt bỏ, hoặc ít nhất cần
nghiên cứu thêm. Đối với cá nhân mình, qui luật công bằng là một chân lý
khách quan, mình hoàn toàn thấy rõ quả báo của những hành vi thuộc thế
giới tâm hồn cũng như mọi hiện hữu thuộc thiên nhiên.
Cuộc đời mình có thể được xem như là cuộc đời “âm” so với nhiều người.
Nhưng sự hướng thiện và lòng chân thành, cũng như nguyện ước góp phần
bé nhỏ tư duy của mình cho hòa bình thế giới và tình yêu thương con người
cùng làm chút ít việc thiện, đã làm chuyển hướng cuộc đời mình và đưa đến
cho mình một kết quả tốt đẹp hơn những gì mình đã từng mơ ước đến. Cuộc
đời mình thay đổi từ một cậu bé quê ít học, xấu xí và bị xem thường trở thành
một con người có cơ duyên học hành chút ít ở những nơi ước mơ: thành phố
8
HCM, Bắc kinh, India, Pháp..., được nhiều người quý mến gọi là “Thầy” và
hướng về học hỏi.
Rõ ràng có sự công bằng, có nhân có quả, mình hoàn toàn thấy rõ chân lý
của sự thật công bằng. Cầu nguyện mọi người cũng nhìn thấy để sống đẹp và
sống hạnh phúc. Đừng gieo những hạt giống xấu của chiến tranh và khổ đau
cho nhân loại. Hãy gieo những hạt giống tốt cho hòa bình thế giới và tình yêu
thương con người, như biểu hiện của lòng tri ân hạnh phúc và những trải
nghiệm cuộc sống mình có.

9
Nghịch Lý
Bồ Tát
Khi thấy rõ sự thật công bằng và bắt đầu bước chân trên con đường thiện,
mình cũng bắt đầu thấy một sức mạnh có vẻ nghịch lý nhưng có thật đẩy theo
hướng ngược lại, làm mòn quyết tâm, làm nản ý chí vươn tới sự thành công
hạnh phúc và giá trị cao thượng của cuộc sống, mình gọi những nghịch lý này
là “nghịch lý Bồ Tát’’. Bồ Tát tiếng Sanskrit là Bodhisattva, có nghĩa là người
có ước nguyện lớn giúp đỡ người khác. Nghịch lý Bồ Tát , mình nghĩ là
những nghịch lý cuộc sống giúp người sống và cống hiến cho hòa bình hạnh
phúc của nhân loại và tình yêu thương con người biết được sức mình, mạnh
mẽ hơn cho sự sống cao thượng và nổi bật lên giữa vô số con người trên
đường đang đi.
1. Người đời thường vô lý không biết điều và vị kỷ.
2. Khi bạn làm điều tốt có thể nhiều người cho rằng bạn làm vì tư lợi và
danh tiếng.
3. Nếu thành công, bạn có thể gặp những kẻ giả dối và kẻ thù thật sự.
4. Việc tốt bạn làm hôm nay có thể bị lãng quên ngày mai.
5. Thẳng thắn và trung thực thường làm bạn tổn thương.
6. Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi suy tính thấp hèn.
7. Người ta thường tỏ ra thông cảm với người yếu thế, nhưng lại đi theo
kẻ mạnh.
8. Những thành quả mà bạn mất nhiều năm xây dựng có thể bị phá hủy
trong phút chốc.
9. Bạn có thể bị phản bội khi giúp đỡ người khác.
10. Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất nhưng có thể
nhận lại một cái tát phũ phàng.
10
Mười nghịch lý trên là một đội quân ma, chúng tập hợp để đánh bại sự kiên
cường sự quyết tâm, ý tưởng lớn lao, lòng trung thực của một con người
muốn hướng tới giá trị cao thượng của đời sống. Một khi chúng ta quyết tâm
đi trên con đường thiện, quyết sống đời sống cao thượng, quyết góp phần
cho hòa bình thế giới và tình yêu thương con người, chúng ta phải sẵn sàng
cho một cuộc chiến với những nghịch lý đó. Cuộc chiến ở đây chúng ta đừng
hiểu là có kẻ thắng người thua, kẻ còn người mất. Chúng ta là người từ bỏ
thắng bại, có nghĩa là trong chúng ta không có khái niệm thắng thua. Những
nghịch lý cuộc sống là những nghịch lý Bồ Tát, những nghịch lý giúp cho
kháng thể của ta mạnh hơn để tiếp tục hành trình lý tưởng. Vũ khí chúng ta
sử dụng là tình yêu thương, nghệ thuật tiếp xúc và lòng dũng cảm, cùng với
niềm tin chân lý công bằng.
Có thể thành quả nhiều năm xây dựng của chúng ta bị hủy trong phút chốc
bởi những kẻ vô lý, không biết điều và vị kỷ. Hãy thương họ, khéo tiếp xúc và
dũng cảm tiếp tục xây.
Có thể ý tưởng lớn lao của chúng ta bị đánh gục bởi suy tính của những kẻ
thấp hèn. Hãy thương họ, khéo tiếp xúc và dũng cảm tiếp tục lại ý tưởng lớn
lao.
Chúng ta hết lòng làm điều tốt, nhưng có thể bị cho là làm vì danh vọng và tư
lợi. Hãy thương họ, khéo tiếp xúc và dũng cảm tiếp tục việc làm ý nghĩa đã
ước mơ.
Qui luật công bằng là công lý, chúng ta đừng lo mây đen che mãi mặt trời.
Mây đen có thể che tối mặt trời, nhưng không bao giờ là mãi mãi. Mặt trời rồi
sẽ tỏa sáng. Sự thật công bằng, sự thật việc làm của chúng ta rồi sẽ sáng
như mặt trời thoát khỏi mây đen. Chúng ta không cần chiến thắng; Chúng ta
cũng không là người chiến bại. Chiến thắng và chiến bại là nhân dẫn đến
11
chiến tranh và hận thù. Chúng ta sống và làm việc là để hướng tới một giá trị
cao thượng của hạnh phúc thật, phần thưởng ở trên con đường chúng ta đi
mà không phải ở cuối đường chúng ta đến. Sự chiến thắng trong cuộc đối
đầu với những nghịch lý Bồ Tát là chiến thắng chính mình.
Chúng ta biết những gương sáng của Đức Phật Sakya Muni, Chúa Jesu;
chúng ta thấy những gương sáng của Mahatma Gandhi, Martin Luther King
cũng như nhiều gương sang khác của nhân loại. Những nghịch lý cuộc sống
chỉ là những điều kiện làm mạnh ý chí và ước mơ vĩ đại trong họ. Họ có thể
từ giã nhân loại trước khi họ hoàn tất công trình mơ ước, chúng ta cũng có
thể như thế.
Hãy yên tâm, công trình mơ ước đẹp sẽ được tiếp tục bởi những con người
có mơ ước đẹp ở tương lai. Cũng như chúng ta đang tiếp tục đi trên những
con đường của những tâm hồn cao thượng trước mình.

12
Sức Mạnh

Thói Quen
Trên con đường lý tưởng của chúng ta có nhiều sức mạnh đi ngược bước
chân hướng về giá trị cao đẹp, trong ấy sức mạnh thói quen tiêu cực là một.
Điều này thật giản dị, nhưng là một chân lý.
Chúng ta thử tưởng tượng rằng nếu mỗi ngày chúng ta sử dụng rượu, hút
thuốc lá hay ma túy, trong khoảng thời gian nhất định, khi chúng có đủ sức
mạnh, có bao nhiêu người trong chúng ta đủ sức mạnh ý chí để dứt khoát nói
lời tạm biệt vô điều kiện với những thói quen tiêu cực đó của mình đã lập lại
hằng ngày?
Sức mạnh thói quen là một chân lý giản dị. Trên con đường lý tưởng, nếu
chúng ta biết tập hợp những thói quen tích cực, nó cũng là những người bạn
trung thành, đồng hành trên đường hạnh phúc cao thượng của chúng ta. Cái
khó là làm sao xác định được thói quen nào tiêu cực, thói quen nào tích cực;
thước đo nào minh định một thói quen tích cực để nuôi dưỡng và phương tiện
nào nhận biết một thói quen tiêu cực đang hình thành sức mạnh để chúng ta
kịp lúc chia tay.
Con người sinh ra trên cuộc đời này điều có ước muốn sống hạnh phúc, hay
nói cách khác ước muốn về sự bảo đảm thức ăn; bảo đảm an ninh; bảo đảm
danh dự; bảo đảm sinh tồn. Thế nhưng vì sinh sống trong những môi trường
văn hóa khác nhau, học tập những hệ tư tưởng khác nhau, làm việc dưới
những áp lực xã hội khác nhau, dẫn đến những nhìn nhận khác nhau về thế
giới quan, nhân sinh quan, giá trị sống và phương tiện sống.

13
Từ khác biệt về nhận thức dẫn đến khác biệt trong hành động, vô tình hoặc
cố tình, tạo nên những sức mạnh thói quen chi phối và hình thành số phận
của chính mình. Con người bây giờ trở thành kẻ thừa kế gia tài hành động
của chính mình; kẻ hạnh phúc tích cực hay kẻ khổ đau bị nô lệ bởi những
người bạn hành động có sức mạnh tiêu cực mình đã lỡ kết thân. Tuy nhiên,
có thể muộn nhưng không bao giờ trễ, bởi ước muốn sống hạnh phúc thật
luôn luôn không mất trong mỗi con người. Người ta có thể bắt đầu một ngày
mới sau một chuỗi ngày mệt, đói và khổ đau, một khi người ta nắm được
thước đo cho những hành động tích cực và tiêu cực; biết được qui luật vận
hành tạo nên sức mạnh của nó và phương pháp chuyển hóa sức mạnh của
thói quen tiêu cực.
Một hành động tiêu cực là một hành động khi được thực hiện trong khoảng
thời gian nhất định, nó dẫn đến sự bất an cho thể xác và xuất hiện một tâm lý
lệ thuộc, hối hận, căng thẳng, ám ảnh cho cá nhân, gia đình và xã hội. Một
hành động tích cực là hành động thực hiện trong khoảng thời gian nhất định,
nó cho kết quả vui sướng, an tĩnh, hân hoan, tự do cho tâm hồn và khỏe
mạnh năng động cho thể xác. Qui luật tạo nên sức mạnh của những hành
động là sự lập đi lập lại hành động ấy với cường độ gia tăng. Phương pháp
nhận ra và chuyển hóa sức mạnh thói quen là tĩnh giác và an trú trong giây
phút hiện tại.
Con đường lý tưởng hướng về sự cao đẹp của đời sống chân hạnh phúc là
một con đường đẹp, con đường đã làm nên những con người bất tử như Đức
Phật Sakya Muni, Chúa Jesu, Mahatma Gandhi, Martin Luther King… và cũng
sẽ là con đường làm nên những gương sáng thành công và hạnh phúc cho
những ai có ước mơ và lòng quyết tâm cho đời sống hạnh phúc cá nhân, hòa
bình thế giới và tình yêu thương con người. Sức mạnh của thói quen là một
phương tiện mà người đi trên đường lý tưởng phải hiểu và vận dụng sáng
tạo. Chướng ngại trên con đường lý tưởng thật ra chỉ là những hóa thân từ
14
nhận thức, thái độ và hành động được biểu hiện thành sức mạnh đi ngược
của chúng ta.

Kiếp Người
Và Thân Phận
Mình sinh ra từ một vùng biển nghèo của quê hương Việt Nam, có 2 người
cha: một người sinh ra nhưng cho đến bây giờ trong ký ức vẫn là một người
xa lạ. Người cha khác là người dưỡng nuôi, nuôi từ khi chưa sinh ra, mình
mang họ người cha nuôi ấy. Ký ức và tình cảm của mình tràn ngập người cha
nuôi nhân ái này.
Mẹ mình là người đàn bà không biết chữ, nhưng thích yêu những người có
học và thông minh. Cha nuôi chia tay mình từ khi mình tròn sáu tuổi, Mẹ cũng
theo ông khi mình gần tuổi thành niên.
Sinh ra và lớn lên như thế giúp cho mình sớm ý thức về kiếp người và thân
phận. Mình thường tự hỏi mỗi đứa trẻ tại sao không giống nhau? Tại sao phải
lớn lên để rồi một ngày phải chết? Có thể không chết được không? Tại sao
mình có lúc vui có lúc buồn? Có cách nào để ngày buồn dần ít đi không?
Càng hỏi, mình càng tuyệt vọng, càng thấy kiếp người thật đau khổ. Mình
mặc cảm kiếp người của mình sao không đẹp như kiếp người của các bạn.
Bạn mình lại mặc cảm kiếp người của bạn không như kiếp người của người
khác. Lại thêm ám ảnh của một cái chết tương lai gần làm mình thường ít nói
và trầm tư.

15
Thế rồi một ngày, có một hạt nắng đẹp đi qua đời mình, mình thấy biết
thương một người con gái. Tình thương rất lạ, hay hay, nó như một viên
thuốc giúp mình mộng mơ trong thế giới ảo của thiên đường. Bao nhiêu phép
lạ bắt đầu xuất hiện trong đời mình, làm mình thấy bao nhiêu là hoa đẹp và cỏ
xanh của đời sống. Kiếp người bây giờ có vẻ thú vị.
Người con gái đó đã mang đến cho mình một thế giới quan đẹp. Bạn ấy đã
bắt cho mình một chiếc cầu tiếp xúc với những người sống đạo đức, những
tư tưởng nhân ái và cao thượng. Mình bắt đầu thích đọc sách, thích nghe
chuyện danh nhân, thích những bài giảng đạo lý. Mình còn thích học tĩnh tâm,
tập thiền quán.
Thật cảm ơn. Tĩnh tâm và thiền quán đã cho mình mở được cánh cửa của sự
thật kiếp người và thân phận kiếp người.
Mình thấy, con người hiện hữu giữa cuộc đời có hai phần: tâm hồn và thể
xác, nó tồn tại và hoại diệt theo qui luật vô thường. Giữa tâm hồn và thể xác
có một mối quan hệ biện chứng. Khi tâm hồn con người vui thể hiện thành nụ
cười; khi nụ cười được thay bằng gương mặt nhăn nhó cũng là lúc tâm hồn
đang khổ đau.
Thể xác của con người được cấu tạo từ những yếu tố vật chất: nhiệt độ,
nước, gió và đất. Tâm hồn con người được nuôi dưỡng bởi: cảm thọ, tri giác,
động cơ ý chí và sự nhận thức phân biệt.
Bản chất của con người là vô ngã, không có một nguyên tắc tối cao hay một
thần linh quyền năng nào độc lập chi phối con người. Mọi sự tìm hiểu khách
quan về điểm khởi đầu cho sự sống con người điều dừng lại ở bắt đầu hình
thành sự sống trong bào thai mẹ. Mọi tranh cãi về sự tồn tại và không tồn tại
sau khi xác thân con người tan rã cũng chỉ là những dẫn chứng và lý lẽ thuộc
cá nhân chủ quan.

16
Vấn đề quan trọng của kiếp người không phải là vấn đề nó từ đâu đến và nó
đi về đâu, mà là vấn đề của nó là vấn đề thân phận và làm sao hạnh phúc với
thân phận. Con người từ đâu đến hay đi về đâu thì cái thân phận già, bệnh
chết là một sự thật. Cái ước muốn sống với người mình yêu nhưng khó được;
cái đau khổ muốn xa người mình ghét lại không thành là một sự thật.
Câu hỏi hay cho một đời người không phải là vấn đề tồn tại hay không tồn tại
sau khi chết; vấn đề bắt đầu và kết thúc của một xác thân. Câu hỏi hay phải là
làm sao để hiểu qui luật vận hành của xác thân và những hiểu biết có tình
cảm và ý chí của tâm thức để sống một đời sống thật sự hạnh phúc và cao
thượng, một đời sống tự do khỏi những chi phối của tham ái, sân hận và si
mê.
Người bạn gần và dễ ghét nhất của con người là bản năng dục vọng. Con
người vì đi tìm sự thỏa mãn bản năng đã bị tù tội trong tiền bạc, danh dự, ăn
uống, ngủ nghỉ và ái tình. Người bạn xa hơn và dễ ghét hơn là sự ngu dốt
không nhìn thấy sự thật, sự thật của mọi hiện hữu.
Tại sao con người lại mất tự do và tù đầy trong bản năng dục vọng? Những
bậc thầy vĩ đại của nhân loại như Đức Phật Sakya Muni cho rằng do vô minh,
ngu dốt không nhìn thấy sự thật như thật của mọi hiện hữu.
Mình thấy thêm một nhân tố làm tươi mát cho thân phận con người là tình
yêu. Tình yêu cho xác thân con người cũng như nước cho cây cỏ. Cái thân
phận con người luôn luôn có hạn; tình yêu thì vô cùng. Tình yêu làm mềm mại
một xác thân, làm con người sống và cống hiến trong hạnh phúc.

17
Tình

Yêu

Từ tình yêu với một người con gái, Mình đến được với tình yêu của những
bậc thầy và trải nghiệm được cuộc sống hạnh phúc và giá trị cao thượng của
sự sống. Tình yêu làm tươi mát xác thân khô héo của mình; làm nở hoa nhân
ái trong tâm hồn mặc cảm của mình, giúp mình bắt đầu bước chân trên con
đường lý tưởng.
Có người nói với mình thương nhau không phải nhìn nhau mà nhìn về một
hướng; người khác lại nói: thương nhau là phải nhìn nhau và cùng nhìn về
một hướng; người khác nữa lại nói tình yêu là vô cùng, tình yêu sẽ cứu chuộc
thân phận…Nói chung, tình yêu đối với con người là nhựa sống, nhưng nó
phải được hướng dẫn bởi trí tuệ giải thoát khỏi dục vọng tiền bạc, danh dự,
ăn uống, ngủ nghỉ và dục tình.
Một khi tình yêu không có được sự soi sáng hướng dẫn của trí tuệ, tình yêu
đó có thể được ngụy trang cho một mục đích thấp hèn hay lòng vị kỷ cá nhân,
để rồi dẫn đến kết quả khổ đau vô tình hay cố ý cho cả hai người cho và
người nhận.
Thực tế đã minh chứng: rất nhiều tình yêu trai gái lãng mạn đổ vỡ chỉ trong
một vài tuần sống và hiểu sự thật về nhau; rất nhiều tấm lòng tốt vì tình yêu
nhân loại đã bị lợi dụng khôn khéo của những con người nhân danh từ thiện,
tôn giáo và tâm linh hay hòa bình nhân loại. Tình yêu cho dù được giới hạn
trong phạm vi tình cảm nam nữ, hay mở rộng biên giới đến lòng vị tha và tình
yêu quê hương nhân loại, điều phải thể hiện qua ánh sáng của trí tuệ. Hay nói
cách khác phải có hiểu biết đúng đắn về chính người thương và đối tượng
được thương. Có hiểu thì mới có tình yêu thương chân thật - Một thứ tình yêu
18
không có oán trách và khổ đau theo sau. Ngược lại không có hiểu mà chỉ biết
thương yêu, tình yêu có thể trở thành thù hận hay một viên thuốc độc cho một
trong hai.
Khi chúng ta yêu thương một con người nào đó, đơn giản chỉ là yêu thương vì
thấu hiểu tình cảnh cần yêu thương của người đó, cũng như khả năng cho
phép của cá nhân, thì tình yêu của chúng ta sẽ mang lại ấm áp, hạnh phúc
cho cả ta và người nhận. Ngược lại, tình yêu thương của chúng ta có thể nuôi
dưỡng một mầm xấu cho tương lai chung của thế giới, trong ấy ta là một
trong những người sẽ nhận lãnh kết quả của hành động yêu thương không
được soi sáng của trí tuệ đó.
Năm 2005, mình rời quê hương việt nam đến sống tại Buddha Gaya của
India. Mình có biết một người bạn rất nhân ái. Mỗi ngày trên đường đi tĩnh
tâm từ việt Nam Phật Quốc Tự đến Mahabodhi Maha Vihara có rất nhiều
người già, người tàn tật và các em ăn xin. Ngày ngày đi qua con đường nhiều
hình ảnh cần yêu thương như thế, bạn mình rất xúc động và tâm anh xuất
hiện một tình yêu thương họ có cường độ rất cao. Thế là anh quyết định thể
hiện tình thương của anh bằng cách cho tiền người già, tàn tật và trẻ em ăn
xin trên đường anh gặp.
Những ngày đầu làm việc này anh vô cùng vui sướng. Mỗi ngày anh kể tôi
nghe say sưa về hạnh phúc bố thí của mình. Nhưng rồi một hôm mặt anh đỏ
lên như một hòn lửa, anh bực bội nói với tôi về đám ăn xin không một lời cảm
ơn, cứ bám mãi theo anh làm anh phải sân si để giải tán họ. Nghe anh kể,
mình không có gì ngạc nhiên, bởi lẽ mình đã thấy được kết quả việc làm của
anh nhiều ngày trước đó.
Xã hội India là một xã hội phân chia giai cấp từ hàng nghìn năm nay, cảm ơn
là một lời nói hiếm hoi được nghe ở xứ này, đặc biệt trong những giai cấp
thấp của xã hội. Người ăn xin ở Buddha Gaya là những người nghèo, nhưng
19
nhìn trên gương mặt họ không hề thấy biểu hiện của khổ đau, nhất là những
em bé còn tuổi vô tư của tiểu học và những cô bé long nhong chuẩn bị lấy
chồng.
Mình khuyên anh không nên để tắt ngọn lửa nhiệt tình yêu thương người bất
hạnh. Nhưng anh nên tĩnh tâm để giữ năng lượng yêu thương đủ mạnh cho
những con người cần được yêu thương thật sự phía trước. Anh nên yêu
thương những người khi anh thấy rõ rằng tình yêu thương của anh sẽ mang
lại hạnh phúc nho nhỏ thật sự về lâu dài cho người kia. Đặc biệt chú ý mầm
xanh của nhân loại : các em nhỏ. Tình thương là dưỡng chất vô cùng quan
trong cho các em trưởng thành và có ích cho thế giới. Nhưng sáng suốt đừng
cho các em phương tiện có thể làm hỏng cuộc đời các em như tiền bạc. Phải
cho các em giáo dục để các em ý thức sự vươn lên và tự tin đứng trên đôi
chân của chính mình để sống; phải cho các em thể dục và y tế để các em là
mầm xanh khỏe mạnh cho loài người.
Mọi thứ yêu thương không sáng suốt có thể biến các em thành những kẻ ăn
xin và bệnh hoạn tinh thần suốt đời. Tất nhiên, lúc đó kết quả tình yêu thương
của mình là gánh nặng cho xã hội và chính gia đình các em. Và, biết đâu có
một người trong số các em lại oán trách cho hành động không sáng suốt của
chúng ta.
Tình yêu, nó là nước cho cây xanh, nhưng nếu quá nhiều nước cây xanh có
thể chết hoặc bệnh. Tình yêu không được hướng dẫn bởi trí tuệ cũng giống
như cho nước quá nhiều cho cây xanh, kết quả hạnh phúc của tình yêu
thương sẽ là một viễn cảnh xa vời. Không có hiểu tình yêu thương sẽ lạc lối.
Người đi trên đường lý tưởng Paramita là người thẳng tiến trên đường tình
yêu, nhưng không hề lạc lối. Bởi tình yêu của họ được hướng dẫn bằng trí
tuệ và lòng dũng cảm trong một tâm hồn an tĩnh, hạnh phúc và ít vô minh.
20
21
Sự Thật
Hạnh Phúc
Hạnh phúc là thứ nhân loại đã đi tìm từ thời nguyên thủy. Hạnh phúc là gi?
làm sao để có hạnh phúc? là hai câu hỏi tốn nhiều giấy mực và công sức nhất
của nhân loại. Từ một hiền triết đến một tu sĩ, từ một quân vương đến một
thường dân điều đi tìm hạnh phúc. Hay nói cách khác đi tìm sự thỏa mãn tâm
trí cho một ước muốn công bằng, chân lý, của cải vật chất, quyền lực, danh
dự… Khi một con người thỏa mãn những nhu cầu của mình về tâm lý và sinh
lý được gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự thỏa mãn chừng mực nào đó có
tính chủ quan của cá nhân. Khi cá nhân không có thỏa mãn thì cá nhân không
có hạnh phúc. Mức độ hạnh phúc tỉ lệ thuận với mức độ thỏa mãn.
Cứ như thế, con người nghĩ có thỏa mãn là sẽ có hạnh phúc, con người đi
tìm thỏa mãn hết góc này đến góc khác, cho đến một ngày ngất xỉu, người ta
mới nhận ra một sự thật rằng cơn khác của sự thỏa mãn là vô tận. Nó như
những con sóng của đại dương. Con sóng này vào bờ, con khác lại tiếp tục.
Không bao giờ biển mất đi những con sóng, cũng như cơn khát thỏa mãn
không bao giờ dừng lại. Con người tìm sự hạnh phúc bằng sự thỏa mãn
nhưng không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn, nên càng đi tìm vị ngọt
của thỏa mãn, con người càng nếm vị đắng của khổ đau.
Quán sát và suy tư về cái gọi là hạnh phúc và những cá nhân đi tìm hạnh
phúc, mình bắt đầu khám phá ra rằng hạnh phúc có hai loại. Một loại là hạnh
phúc ngắn ngủi, có kèm theo khổ đau, nó như là một giấc mơ đẹp, nhưng khi
thức giấc mọi thứ điều tan biến, mình gọi là hạnh phúc mộng. Ví dụ: người
hút ma túy hay sử dụng chất say rất hạnh phúc trong giai đoạn dùng thuốc.
Nhưng sau một thời gian không dùng thuốc, anh ta đau khổ và nô lệ cho ma
22
lực của ma túy và chất say. Hạnh phúc mộng là thứ hạnh phúc của phụ thuộc
và nô lệ. Một loại hạnh phúc khác là hạnh phúc của những việc thiện, của sự
an tĩnh nội tâm, xuất phát từ tình thương, lòng độ lượng và trí tuệ thấu hiểu
thế giới duyên khởi vô ngã, qui luật biến đổi của sự sống. Loại thứ hai mình
gọi là hạnh phúc thực, tức là hạnh phúc thuần khiết, sau đó không kèm đau
khổ, chỉ có một nguồn an lạc xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hạnh phúc không khó tìm, tùy chúng ta, tùy vào trí tuệ tiếp xúc tích cực của
chúng ta. Nếu chúng ta biết cách tiếp xúc với sự sống thì hạnh phúc ở trong
tầm tay, hạnh phúc sẽ gõ cửa nhà ta.
Khổ đau hay hạnh phúc không phải là quà tặng của ai cả. Nó là nợ hay là
thặng dư của hành động do chính chúng ta thực thi trong cuộc sống quá khứ,
hiện tại, tương lai. Con người cao thượng hay không cao thượng cũng từ
hành động của họ thể hiện trong cuộc sống.
Một tâm hồn an tĩnh, một trí tuệ sáng suốt, một tấm lòng nhân ái lớn, một trái
tim dũng cảm cho công lý và quyền sống nhân loại luôn là một đức tính của
những con người sống hạnh phúc. Người đi trên đường lý tưởng là người
nuôi trong mình những đức tính của con người sống hạnh phúc. Hạnh phúc
không phải là điểm đến của một con đường đối với họ mà hạnh phúc là niềm
vui hiện tại trên con đường đang đi.

23
Chân Lý

Tương Đối
Hơn 2600 năm trước, một vĩ nhân giác ngộ của nhân loại Sakya Muni Buddha
nói: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này này
sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Ngài giải thích rằng thế giới
là một mối liên hệ bất khả phân ly, con người và những hiện hữu xung quanh
con người cùng có mặt và cùng biến mất. Nói cách khác thế giới hiện hữu
trong sự tương đối. Cái đẹp nhờ cái xấu mà người ta tôn quý và ngưỡng mộ;
hiền triết nhờ kẻ vô lương mà người ta kính trọng và học theo. Không một cái
gì trong thế giới này tồn tại độc lập và bất biến, nó chỉ có chuyển hóa từ dạng
này sang dạng khác thôi.
Năm 1905, một bộ óc được xem là vĩ đại nhất của thế kỷ XX là Albert Einstein
phát biểu E=MC2, một “thuyết tương đối” làm chấn động giới khoa học và
nhân loại. Có nhiều người nói thuyết tương đối của ông khó hiểu, ông liền trả
lời “có gì là khó hiểu, chẳng hạn khi người ta ngồi một giờ bên người yêu thì
thấy một giờ ngắn, còn ngồi trên lò lửa hồng thì một phút lại lâu bằng 1 giờ”1.
Năm 1999, khi được học hiểu và thiền quán về sự tương đối mình như một kẻ
lưu vong tìm được đường về. Chân lý tương đối soi sáng cho mình hiểu sự
bình thường phải có của thế giới thắng thua, phải trái, vinh nhục, sang hèn.
Tâm mình không còn nông nổi với những đòi hỏi người xung quanh nhìn theo
hướng mình nhìn. Tâm mình cũng tan biến những ước mơ như kiểu một ngày
đại dương không còn sóng. Mình bắt đầu khám phá mọi hiện hữu trên đời
này điều có lý do tồn tại của nó. Ai ai cũng ước mơ mình thành công hạnh
phúc, có điều con đường và phương pháp đi đến hạnh phúc của phần lớn họ
1

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

24
không đúng, nên càng đi họ càng lạc lối trong thế giới vô minh, dẫn họ đến
những khổ đau tuyệt vọng và đánh mất niềm tin vào thế giới và nhân loại.
Vấn đề của kiếp người không phải là vấn đề được mất hơn thua; không phải
là vấn đề đúng sai hay vinh nhục. Trong thế giới tương đối thì làm sao có tiêu
chuẩn duy nhất cho chân lý? Làm sao chúng ta dùng chuẩn mực thế gian
công ước để đo được sự khác nhau của một giờ ngồi bên người yêu và một
phút ngồi trên lò lửa hồng trong phát biểu của nhà bác học Albert Einstein?
Hiểu về chân lý tương đối cho mình nhận thức rõ vấn đề của nhân loại trong
thế giới con người là vấn đề khổ đau và hạnh phúc. Ai cũng muốn tránh đau
khổ, ai cũng muốn tìm hạnh phúc. Từ một hiền triết cho đến một người ngu;
từ một nhà tu cho đến một người vô đạo đức…tất cả điều hướng về hướng
được cho là hạnh phúc theo nhận thức riêng của cá nhân.
Làm sao để sống hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu của loài người. Đúng sai;
được mất; hơn thua; vinh nhục chỉ là những giá trị tương đối. Nó chỉ làm nên
những giấc mơ hạnh phúc và tồn tại ngắn ngủi, nhưng con người phải trả giá
đắt cho những cuộc tìm kiếm nó.
Tại sao ta phải giành phần đúng về nhau để vợ chồng chia tay, con cái đau
khổ? Tại sao ta phải giành phần hơn về nhau để thế giới quanh ta sinh thù
hận và chiến tranh? Nếu nhận sai mà gia đình hạnh phúc trọn vẹn; nếu nhận
thua mà thế giới hòa bình, tại sao ta lại nói No?
Hiểu được chân lý tương đối, người đi trên con đường lý tưởng sẽ không còn
mất thời gian và lạc hướng, sẽ sáng suốt và kiên định mục tiêu trên mỗi bước
chân đi.

25
Tự

Do

Tự do là khát vọng muôn đời của nhận loại, nhất là tự do tư duy và tín
ngưỡng.
Từ những ngày đầu của bình minh văn minh nhân loại, con người đã ý thức
đến sự tự do, sự giải phóng những nô lệ bên trong cá nhân và bên ngoài cuộc
sống. Gần 3000 năm qua, kể từ ngày văn minh Hy lạp rực sáng với Platon,
Aristoteles; văn minh sông Hằng bao trùm lục địa India của tri thức Vệ Đà;
văn minh Hoàng Hà khai minh cho Đông Á gắn liền với Lão tử và Khổng tử
cho đến nay, con người không ngừng tìm kiếm tự do. Nhiều định nghĩa về tự
do xuất hiện. Người cần tự do khỏi đói; người cần tự do khỏi tù tội; người cần
tự do khỏi nô lệ; người cần tự do được suy nghĩ; người cần tự do về tín
ngưỡng… tạo thành những làn sóng thúc đẩy con người đi đến những định
chế xã hội khác nhau, mà biểu hiện cụ thể có thể thấy mỗi ngày trên phương
tiện truyền thông hay những cuộc nghị luận bỏ túi: tự do báo chí, tự do tín
ngưỡng, tự do dân chủ … Tự do trở thành một nhu cầu thiết yếu của đời
sống cá nhân trong một xã hội. Nhưng như thế nào là sự tự do? Làm sao để
thực sự có tự do? Phần đông con người lại tỏ ra lúng túng. Có người cho
rằng tự do là thỏa mãn thực hiện những gì mình mơ ước và yêu thích. Người
khác lại cho rằng tự do phải được giới hạn trong những qui định chung hướng
đến giá trị đạo đức cao thượng, ổn định xã hội, phát triển văn minh.
Từ những quan niệm tự do khác nhau, con người đi đến những nhận thức về
phương pháp để có tự do khác nhau. Thế giới bắt đầu có chiến tranh, hận thù
trong nhân loại bắt đầu có mặt. Thế là từ ước muốn tự do, nhưng không nhìn
thấy được bản chất thật của tự do, con người vô tình tạo ra một cộng đồng
không tự do, một thế giới không tự do.
26
Tất nhiên, sự khác biệt trong quan niệm sống là điều không thể không có
trong xã hội, bởi lẽ tư duy con người không bao giờ là một. Con người
thường đến với nhau khi có cùng cảnh ngộ, hay cùng hướng có lợi cho nhau.
Cái mới phá vỡ cái cũ, phủ định cái cũ cũng là lẽ thường của sự sống. Tuy
nhiên, trong sự an tĩnh của tâm hồn, để tìm về một sự tự do đích thực – sự tự
do không có chiến tranh và thù hận, sự tự do đưa đến hạnh phúc lâu dài, sự
tự do giúp con người bình tâm trước thân phận già, bệnh và chết của thân thể
- người ta sẽ thấy rằng tự do khỏi sức mạnh của tham ái, của sân hận và của
ngu si chính mình mới đích thực tự do.
Chính hành động của tham ái, sân hận và ngu si lặp đi lặp lại trong cuộc đời
chúng ta tạo nên sức mạnh ngăn cản con đường tự do của chúng ta. Một con
người không còn bị chi phối bởi sức mạnh của dục vọng cá nhân tiêu cực,
một con người hành động mà không mang theo tự ngã của mình để hành
động mới đích thực con người tự do.
Tự do của một người đi trên đường lý tưởng phải được hiểu là tự do chính
mình. Mình mới chính là người có thẫm quyền cho mình tự do.

27
Hòa

Bình

Chiến tranh và hòa bình là hai vấn đề lớn của nhân loại, không phải chỉ hôm
nay mà nó đã là những vấn đề lớn của lịch sử nhân loại từ những ngày đầu
của bình minh văn minh. Sự mất đi của một bộ tộc này, sự mở rộng của một
bộ tộc kia, sự hủy diệt của một đất nước này, sự mở rộng của một đất nước
khác là một sự thật đã và đang hiện hữu.
Từ chiến tranh thế giới thứ I đến chiến tranh thế giới thứ II, bao nhiêu cuộc
chiến tranh đẫm máu khác của nhân loại trên thế giới đã làm cho thế giới cạn
kiệt tài nguyên, đã phá hủy bao nhiêu nền văn minh, đã chôn vùi bao nhiêu
huy hoàng văn hóa nhân loại, đặc biệt đã kết thúc bao nhiêu mạng sống quý
giá của con người, trong ấy trẻ em và phụ nữ là những nạn nhân đau khổ
nhất.
Từ khi loài người bắt đầu biết tổ chức xã hội, biết phân công lao động thì loài
người cũng bắt đầu chú ý đến cạnh tranh. Mâu thuẫn cạnh tranh nâng cao thì
chiến tranh có mặt.
Ngày nay người ta thường nói đến sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng thật ra
làm sao có thể cạnh tranh lành mạnh khi tâm hồn con người không lành
mạnh? cạnh tranh thế giới không thể đơn giản như một cuộc đua Marathon
có trọng tài. Và, cho dù có trọng tài giữ thước đo cho cạnh tranh công bằng
và lành mạnh đi nữa, chưa chắc trọng tài là người có tâm hồn lành mạnh và
công bằng.

28
Nghèo đói sẽ có chiến tranh; bất công xã hội sẽ có chiến tranh; mâu thuẫn tôn
giáo và ý thức hệ sẽ có chiến tranh; tham vọng quyền lực sẽ có chiến tranh;
ảo tưởng thức ăn và dự trữ thức ăn sẽ có chiến tranh… Ngoài ra còn có
những cuộc chiến tranh xâm chiếm với danh nghĩa đẹp đẽ là khai hóa văn
minh cho người khác. Một khi có chiến tranh thì con người ta mới có ý thức
lớn về nhu cầu hòa bình. Nhiều người còn cho rằng chiến tranh là để có hòa
bình, để lập lại hòa bình, để đổi cái cũ thành cái mới giá trị hơn, tốt đẹp hơn,
văn minh hơn, nên chiến tranh cũng như hòa bình, cũng cần thiết để con
người thấy qui luật vô thường và trân trọng cuộc sống.
Chiến tranh và hòa bình là vấn đề muôn thuở của nhân loại. Nó là vấn đề hao
tốn nhiều nhất tài nguyên và trí tuệ của loài người. Mỗi ngày thế giới có
khoảng 25.0002 người chết vì thiếu thức ăn, nhưng chỉ năm 2010 thế giới đã
tiêu đến 1.600 tỷ USD3 để trang bị vũ khí. Liệu có một giải pháp nào có thể
trung hòa giữa chiến tranh và hòa bình để con người sống vui và an bình hơn
không. Giống như người ta nói lửa và nước không cùng tồn tại, nhưng thật ra
khi lửa + nước sẽ tạo thành nước sôi. Điều này có nghĩa lửa và nước có thể
là anh em của nhau.
Sakya Muni Buddha ở India hơn 2600 năm trước nói: “ Hận thù không thể
chấm dứt được hận thù, chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù” 4.
Liệu đây có nên xem như một tuyên ngôn cho giải pháp chiến tranh và hòa
bình?
Thực tế quan sát từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử xa xưa của nhân
loại cho đến chiến tranh thế giới thứ I và thứ II, kể cả những cuộc Thập Tự
Chinh của Thiên Chúa Giáo và những cuộc đấu tranh bảo vệ tín ngưỡng của
người Hồi Giáo, chiến tranh có mang lại sự chấm dứt tận gốc chiến tranh?
2

56th Berlin International Film Festival on the Theme: Food, Taste and Hunger
Global military expenditure 2010 - Global Issues
4
Dhammapada – Kinh Pháp cú
3

29
Hay ngược lại, càng chiến tranh hận thù càng lớn? Càng chiến tranh càng
tiêu hao tài nguyên của nhân loại, càng hủy diệt sinh mạng của con người?
Chiến tranh thật sự không bao giờ là giải pháp tốt nhất cho hòa bình thế giới.
Chỉ có tình thương biểu hiện thành thái độ hiểu biết, chia sẽ, hợp tác, trân
trọng… mới có thể đưa đến hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, có một biểu hiện bất
hợp lý nhưng là sự thật rằng: sống lâu quá trong hòa bình con người có
khuynh hướng bạo động và chiến tranh. Đây là điều mà các triết gia Trung
hoa gọi là “nhàn cư vi bất thiện”. Bởi thế, hòa bình thực sự phải là hòa bình
ngay trong chính tâm hồn con người – tâm bình thế giới bình. Khi con người
tìm thấy hòa bình bên trong cá nhân, con người ấy không có nhu cầu bạo
động, hòa bình sẽ vĩnh viễn có mặt. Tất nhiên, hòa bình trong mỗi trái tim
nhân loại là điều khó làm, nhưng hòa bình trong tâm một cá nhân, một cộng
đồng là điều khả thi.
Có chiến tranh để người ta thấy qui luật vô thường và trân trọng hòa bình là
một sự thật. Sống lâu trong hòa bình con người ta có khuynh hướng bạo
động là một sự thật. Hòa bình trong tâm hồn của tất cả mọi người là điền khó
làm cũng là một sự thật. Nhưng, tình thương biểu hiện thành thái độ thân
thiện, hiểu biết chia sẽ… có thể hóa giải chiến tranh cũng là một sự thật. Hòa
bình trong tâm hồn một cá nhân hay một cộng đồng lại càng là một sự thật
khả thi. Cho nên hi vọng hóa giải chiến tranh thông qua thái độ thân thiện,
hiểu biết, hợp tác, chia sẽ từ những cá nhân có hòa bình bên trong tâm hồn là
khả thi. Thế giới càng có nhiều người có hòa bình an lạc nội tại, thế giới càng
có nhiều hòa bình hạnh phúc và càng có ít chiến tranh.

30
Giàu Có
Đích Thực
Trong thực tế, ngoại trừ những chân sư , nhà hiền triết, cuộc sống ai cũng
thích giàu có, bởi lẽ người ta điều cho rằng giàu có là chìa khóa cho ước
muốn tôn trọng, ước muốn quyền thế, sự đầy đủ về ăn ngủ và nhu cầu thỏa
mãn tình ái. Sự giàu có từ đó trở thành ám ảnh và mơ ước của nhiều người.
Có những con người bị ám ảnh bởi sự giàu có đến nỗi họ sẵn sang hi sinh
người thân và những mối quan hệ thiêng liêng như cha mẹ hay anh em huyết
thống, kể cả vợ chồng. Sự giàu có có một sức hút kinh khủng đối với nhân
loại. Con người say nó như một kẻ nghiện nặng đến nỗi quên hỏi giàu có đích
thực là gì, tuổi thọ và giá trị của nó?
Đọc lại lịch sử và quan sát thực tế cuộc sống, người ta thấy rằng người giàu
có mà không biết tuổi thọ và giá trị thực của giàu có thường là những người
đau khổ hay tàn phế ở cuối đường đi của một đời người. Những cái gọi là
hạnh phúc do sự giàu có mang lại cho họ thường ngắn ngủi hơn đau khổ và
phiền não. Nên có một câu nói vui là “bắt lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ hơn là
cho một người giàu lên thiên đường “.
Thực ra sự giàu có không có gì là xấu, của cải vật chất là những phương tiện
để mang lại tiện nghi và sự dễ chịu nhất định cho cuộc sống nếu con người
biết sử dụng chúng. Cao hơn nữa, nếu con người biết sử dụng sự giàu có
của mình cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học hay bảo vệ môi sinh như
Rocketfiller hay Bill Gate, thì sự giàu có rõ ràng là cần thiết.

31
Vấn đề của sự giàu có là vấn đề của hiểu và sử dụng cái giàu có đó. Nếu một
người giàu có hiểu được tuổi thọ của giàu có, hiểu được giá trị vật chất sở
hữu, nói cách khác người giàu có thấy được sự giàu có sẽ không theo mình
qua bên kia thế giới, giá trị của nó chỉ là giúp ta và người quanh ta hạnh phúc,
thì sự giàu có và tài sản của họ bắt đầu đi vào thiên đường của những ánh
sáng bất tử, như Rockerfiller của Mỹ hay Cấp Cô Độc của India. Nhân loại sẽ
nhớ họ như những anh hùng, và cuộc đời họ là nguồn cảm hứng vô tận cho
sự cống hiến, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương. Giàu có bấy giờ là
giàu có đích thực, một sự giàu có vươn khỏi những con sóng tình cảm cá
nhân, danh vọng quyền lực hay những bản năng tiêu cực của con người. Tất
nhiên quà tặng của sự giàu có đích thực này là một niềm hạnh phúc viên
mãn, một tâm trí minh triết, một trái tim dũng cảm và một cuộc sống vị tha vô
tận mà nhân loại có thể thấy biểu hiện của nó từ những con người như Trần
Nhân Tông của Việt Nam, Martin Luther King của Mỹ và Mahatma Gandhi của
India …
Người đi trên con đường lý tưởng phải là người giàu có đích thực, người có
niềm hạnh phúc viên mãn, tâm trí minh triết, trái tim dũng cảm và một tình yêu
vô tận với chúng sanh.

32
Ước

Mơ

Những ngày ngồi trên ghế giảng đường đại học, có một thầy giáo dạy Xã Hội
Học đã nói với mình: ước mơ là tài sản của những người nghèo. Ông giải
thích: bạn là người nghèo, có nghĩa là bạn không có hay ít có những gì bạn
muốn có, nếu bạn không có ước mơ bạn sẽ còn lại những gì? Câu nói này đã
tác động mạnh đến tâm hồn mình. Mình bắt đầu ước mơ và nuôi dưỡng ước
mơ bằng việc sưu tập những gì liên quan đến nó. Mỗi buổi sáng mình thường
nhìn những gì đang có về ước mơ đó vài phút hoặc lâu hơn để làm mạnh sự
quyết tâm.
Ước mơ của mình giản dị thôi, chỉ là mong ước một ngày mình có thể sử
dụng được tốt tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Pháp để giao tiếp với những bạn
bè thế giới, để hiểu về họ và chia sẽ hiểu biết của mình với họ, đặc biệt ý
nghĩa cuộc sống, ước muốn tự do và thân phận nhân sinh.
Năm cuối cùng của 4 năm đại học, mình bắt đầu bày tỏ ước mơ của mình với
nhiều người. Mình thử lên kế hoặch thực hiện nó cho mình và tưởng tượng
tính khả thi của nó, đồng thời suy tư để tìm kiếm điểm bắt đầu. Mình thấy
mình phải bắt đầu học tiếng Anh, ít nhất mỗi ngày phải thuộc hai mươi chữ
mới, và tự học là ưu tiên đầu tiên. Nghĩ như thế, mình bắt tay ngay vào học.
Những bài học đầu tiên không dễ nhưng mình kiên nhẫn. Dần dần học được
chút ít, đọc được vài mẫu chuyện tiếng Anh hay, mình thấy tự tin và thích thú
với mơ ước của mình…
Từ đó, cuộc đời mình thay đổi, ước mơ mình được chấp cánh. Mình được
nhiều người nhìn thấy ánh sáng của sự quyết tâm, của lý tưởng và mơ ước.
33
Họ giúp mình, giới thiệu mình tiếp xúc với những người thành công và hạnh
phúc, trong đó có Thầy Huyền Diệu. Cánh cửa cơ duyên học hỏi được mở
rộng và mình làm được chút ít việc phúc đức cho nhân sinh ở nhiều nơi. Ước
mơ nhỏ của mình ngày nào đã thu hẹp, mình đã đi gần hết đoạn đường mình
mơ.
Ước mơ là một phép lạ. Tuổi trẻ cần phải có ước mơ và dám bày tỏa ước
mơ. Obama, tổng thống Mỹ là một minh chứng cho một ước mơ và hi vọng
táo bạo. Có điều con người chỉ nói ra điều mình ước mơ nhưng không nghĩ
đến tính khả thi và sự bắt đầu của nó. Bởi thế, phần lớn ước mơ chỉ là mơ
ước. Không thể có sự thành công cho một ước mơ nếu không có sự khởi
đầu. Làm sao một cuộc hành trình không thể không bắt đầu bằng bước chân
đầu tiên được?
Không đi thì sẽ không bao giờ đến và năng lượng của sự khởi động ban đầu
đó là lòng kiên nhẫn và đam mê.

34
Kiên Nhẫn
Và

Đam Mê

Một ước mơ nếu không có đam mê và kiên nhẫn, ước mơ ấy sẽ như những
bọt sóng của đại dương, sẽ tan biến khi những con sóng vỗ bờ. Đam mê là
một điều kiện cần thần kỳ, kiên nhẫn là nguồn năng lượng vô tận để đi tới.
Hầu hết những bậc vĩ nhân của nhân loại điều đi qua con đường của kiên
nhẫn và đam mê.
Albert Einstein, người phát minh E = MC 2 làm đảo lộn giới khoa học thế kỷ
XX, lớn lên và học hành trong sự khó khăn. Ông đã có lần thất vọng về việc
học của mình. E = MC2 không phải là một phát minh ra đời ở một đại học
danh tiếng hay một phòng thí nghiệm tối tân, từ một giáo sư hay nhà nghiên
cứu tên tuổi. Thật giản dị, nó ra đời trong một văn phòng cấp bằng sáng chế
từ một anh phụ trách tầm thường đam mê và kiên nhẫn với toán học và vật lý
tên là Albert Einstein5.
Một vĩ nhân khác của nhân loại là Mahama Gandhi 6. Cũng từ yêu lý tưởng bất
bạo động và kiên nhẫn cho con đường giải phóng dân tộc bất bạo động, ông
đã thành công đem lại độc lập cho dân tộc India theo một con đường độc nhất
vô nhị trên thế giới – con đường bất bạo động , con đường không có súng
đạn của chiến tranh. Ông đã từ bỏ danh lợi của một luật sư để bộ hành gần
nữa cuộc đời cho sự độc lập của India theo con đường bất bạo động không
đổ máu, tránh chiến tranh. Ông đi bộ cho đến tuổi 78, với tình yêu dân tộc
India và lòng kiên nhẫn kêu gọi bất hợp tác với chính phủ thuộc địa. Ông đã

5
6

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

35
thành công và vui vẻ ra đi để lại yêu thương trong muôn triệu trái tim India và
người yêu hòa bình thế giới.
Xa hơn và vĩ đại hơn là hình ảnh Siddhatha 7 của vương triều Sakya thuộc
vùng Himalaya của thời kỳ bình minh văn minh sông Hằng hơn 2600 năm
trước, đã yêu thương nhân thế và lý tưởng giải thoát khỏi thân phận già bệnh
chết của kiếp người, kiên nhẫn rời bỏ xa hoa hoàng cung sống đời khổ hạnh
suốt sáu năm của một ẩn sĩ để tìm ra Chân Lý Duyên Sinh, Chân Lý Tứ Đế 8
… đưa con người từ trong tăm tối của vô minh dục vọng ra ánh sáng của giải
thoát và hạnh phúc giữa cuộc sống đời thường.
Một ước mơ, một tâm nguyện ban đầu có thể chỉ là một điểm mờ cuối đường
thành công trong tâm trí. Nhưng đam mê và kiên nhẫn bước đến, điểm mờ ấy
sẽ sáng dần và kết quả của ước mơ đó có thể là mặt trời cho sự sống của
hàng triệu sinh linh.

Niềm

Tin

7

Tham khảo Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan dịch
Tham khảo thêm sách Phật Học Khái Luận của H.T Thích Chơn Thiện và sách What The Buddha
Taught của Rahula.
8

36
Có ước mơ, có kế hoặch tương lai, có đam mê và kiên nhẫn, nhưng không có
niềm tin, đặc biệt là tự tin thì một kết quả thất bại phía trước là điều có thể.
Niềm tin như là nền móng của một ngôi nhà trên ấy bao nhiêu ước mơ và kế
hoặch được xây dựng. Thiếu tự tin là đôi tay sẽ yếu, đôi chân sẽ run, bước
chân đầu tiên của hành trình đi đến ước mơ sẽ khập khiển, thành công sẽ là
một viễn cảnh xa vời.
Năm 1940 người sáng lập Mc Donal có ý tưởng làm giàu bằng việc bán
Hamburger. Ông lên kế hoặch và phương án chi tiết, sau đó tự tin đi thuyết
phục những nhà đầu tư. Hết nhà đầu tư này đến nhà đầu tư khác ông đến gõ
cửa, họ điều bắt đầu với kế hoặch của ông bằng một câu nói nhẹ nhàng: tôi
tin kế hoặch kinh doanh của anh, nhưng tôi không nghỉ trở thành tỉ phú nhờ
bán Hamburger.
Dù bị từ chối nhiều lần, nhưng Mc Donal vẫn tin tưởng vào ước mơ của mình.
Ông có một niềm tin quyết liệt vào những gì ông thấy. Thời gian đã chứng
minh ông đúng. Năm 2008, doanh thu của tập đoàn Mc Donal là khoảng 22,8
tỷ USD, trong đó lợi nhuận ròng vào khoảng 3,5 tỷ USD9. Mc Donal ngày nay
đã thành công không những trên đất Mỹ mà còn lan rộng toàn thế giới. Câu
nói bán Hamburger không thể thành tỉ phú đã sai.
Một ví dụ khác của niềm tin: năm 1993 Dr. Lâm Trung Quốc, người gốc Việt
Nam quốc tịch pháp đầu tiên đến vườn Lumbini – nơi Phật Thích Ca giáng
trần – sống hơn sáu tháng dưới căn lều bạt giữa rừng hoang nước động cùng
hoang thú và chim muông. Ông đến đây với một niềm tin là phục hưng thánh
địa Lumbini, nơi đã đi vào quên lãng từ gần một nghìn năm trước10.
Khi ông sống dưới căn lều bạt, nhiều người bạn giáo sư và một số học trò
nghĩ rằng ông cuồng điên, giấc mơ và niềm tin của ông là không tưởng. Bao
nhiêu lời bình luận như thế, nhưng ông vẫn tự tin và kiên trì. Với 60 USD còn
9

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

10

Xem thêm sách Khi Hồng Hạc Bay Về - Huyền Diệu

37
lại trong túi, ông đã vui sống và xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự và cơ sở
văn hóa Việt Nam tại Lumbini - ngôi chùa và trung tâm văn hóa quốc tế đầu
tiên nơi Phật Thích Ca giáng trần. Ngoài ra ông đã thành công vận động
những tổ chức và đại diện các nước đến Lumbini để xây dựng cơ sở văn hóa
và chùa tháp của họ, hình thành một Liên Hiệp Quốc Phật Tự, vực dậy một
vùng đất chết gần một nghìn năm, làm sáng lên một Thánh Địa Phật Giáo
được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bị bỏ quên gần nghìn
năm qua.
Niềm tin là nền tảng của thành công, là sức mạnh mềm đẩy cá nhân thành
người vĩ đại, nhất là niềm tin vào cái thiện, tính công bằng và chân lý thực
nghiệm của cuộc sống.
Không có niềm tin sẽ thiếu mất lực đẩy của bước chân đầu tiên trên lộ trình
hiện thực hóa ước mơ. Tuy nhiên, nhớ rằng niềm tin phải được soi sáng bằng
cái thiện, cái đẹp, tính công bằng và chân lý thực nghiệm của hiện thực cuộc
sống.

Mình Thưởng
Cho Mình
Ngay từ thời còn học phổ thông cơ sở, mình đã có cơ duyên tiếp xúc và yêu
mến âm nhạc, thường theo các anh chị lớn tuổi để tập đàn và vui hát những
bản tình ca về tình yêu con người của Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh Công Sơn
38
từ ấy đã nhẹ đi vào hồn mình và để lại cho mình những rung động nội tâm về
kiếp người tình yêu và thân phận.
Trong một bản nhạc, anh Sơn hỏi người em gái: Sống trên đời sống cần có
một tấm lòng để làm gì em biết không? Rồi Anh tự trả lời là “để gió cuốn
trôi”11.
Những ngày ấy mình không hiểu nhiều câu hát đó của Anh. Mình chỉ thích hát
và thích sống với mọi người bằng một tấm lòng. Nhưng rồi thời gian đi qua,
mình lớn lên và được cơ duyên học hiểu về tâm linh, về diễn biến tâm lý, về
đạo đức và thiền định, cũng như tham gia làm chút ít việc thiện tại Nepal và
india, mình mới trực nhận ra ý nghĩa sâu xa ngày nào của câu hát.
Khi sống với mọi người bằng một tấm lòng tự nó là một phần thưởng. Mỗi
một hành động thiện tự nó là một niềm vui, một niềm hạnh phúc. Hành động
thiện càng lớn hạnh phúc càng cao, không cần phải thêm một điều gì nữa cả.
Gió cuốn trôi ư? Không sao! Mà làm sao cuốn trôi hạnh phúc thật trong tâm
hồn của con người.
Trong cuộc sống đời thường, khi một người hành động, họ cần một phần
thưởng xứng đáng cho hành động đó. Họ sẽ không bao giờ chịu làm tốt công
việc được giao một cách tự nguyện và vui vẻ nếu họ không có được sự
tưởng thưởng xứng đáng. Điều này cũng đúng thôi. Nhưng người làm việc
với ý thức như thế sẽ không bao giờ có một tâm hồn vắng mặt những lo toan,
trách móc, oán hận và đấu tranh. Họ rất sợ thất bại, họ rất sợ sự qua mặt của
đồng nghiệp. Họ có thể có đến một nghìn lẻ một thứ sợ trong cuộc đời.
Cuộc sống một kiếp người có thể dài, nhưng cũng có thể rất ngắn. Sáu mươi
năm cuộc đời thực sự chỉ là ngày hôm qua khi quay lại ngắm nhìn. Không nói

11

Nghe thêm bài hát Để Gió Cuốn Trôi của Trịnh Công Sơn

39
đến thời gian của công việc kiếm sống, thời gian ăn uống và ngủ nghỉ, thời
gian còn lại của một đời người thực sự không bao nhiêu !
Phải chăng mọi con người có mặt trên cuộc đời này là để hạnh phúc? Phải
chăng hạnh phúc là niềm mơ ước hướng nhân loại đi về. Từ nhà vua cho đến
thường dân; từ hiền triết cho đến kẻ dại; từ thầy tu cho đến kẻ ngông cuồng,
phải chăng tất cả điều bằng cách riêng của mình để đi tìm hạnh phúc? Trong
khi hạnh phúc thật giản dị là sống và làm việc giữa đời sống bằng một tấm
lòng!
Trong thế giới của “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không,
cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt” có gì thất bại khi con
người vui với công việc của mình trong từng phút giây của sự sống? Có gì
thất bại khi mình sống trọn vẹn một tấm lòng? Mục tiêu của đời sống con
người phải chăng là hạnh phúc? Nếu cái gọi là thất bại có thể mang lại cho ta
kinh nghiệm hay niềm vui thì thất bại cũng là hạnh phúc thôi. Hơn nữa, thất
bại cũng chỉ giả danh của một tên gọi vì thế khi mình hết lòng với một ước mơ
hay lý tưởng nào đó trong cuộc sống là mình đã có niềm vui. Thất bại hay
thành công là kết quả tất yếu của công việc tùy thuộc vào sự chăm sóc và
phương pháp thực hiện của người làm, có khi vượt ngoài nỗ lực của cá nhân.
Và nếu nói “thất bại là mẹ đẻ của sự thành công” thì có gì phải khổ đau khi
thất bại?
Đừng chờ đợi một phần thưởng cho mình ở cuối lộ trình mơ ước. Cũng đừng
hy vọng ai đó tưởng thưởng xứng đáng cho công sức làm việc mà mình bỏ
ra. Hãy tự thưởng cho mình bằng niềm vui của một con người có trách nhiệm,
có lòng với nhân loại, có hứng thú với công việc mình đang làm. Sống và
công việc say sưa như đó là công việc vinh hạnh cuối cùng mà mình có thể
làm trong kiếp sống. Không cần ai thưởng, mà cũng không có ai có thể cho
mình phần thưởng ưng ý nhất ngoại trừ mình. Phần thưởng ưng ý nhất phải
do mình thưởng, nên mình không có khổ đau cho dù “gió có cuốn trôi”.
40
41
Trên Đường

Lý Tưởng
Từ khi biết nhận thức, biết suy tư về cuộc sống và ý nghĩa cuộc sống, ai cũng
có những ước mơ, những lý tưởng đẹp cho riêng mình. Nhưng thời gian đi
qua, chúng ta bắt đầu mệt mỏi, bắt đầu lệch hướng. Ta bắt đầu thấy cái
hướng đi về hạnh phúc, ước mơ sao xa quá. Ta bắt đầu bi quan về chính
mình. Cũng có khi ta đi được đúng hướng đi về hạnh phúc, nhưng ta quá
ngạo mạn, quên chú ý bước chân, thế là té ngã không còn sức gượng dậy,
chỉ còn nhìn về phía hạnh phúc mà ngậm ngùi .
Con đường lý tưởng Paramita là một con đường đẹp nhưng không phải là
con đường dễ đi cho tất cả mọi người. Bởi sức mạnh ma sát của dục ái trần
gian trên con đường lý tưởng Paramita không nhỏ. Người đi trên con đường
lý tưởng phải thông minh nắm rõ nguyên lý vận hành của sức mạnh dục ái.
Có như thế mới đủ niềm tin, bước chân mới vững chãi trên lộ trình.
Dục ái được nuôi dưỡng bởi cảm thọ; cảm thọ được nuôi dưỡng bởi xúc và
tác ý; xúc và tác ý sinh ra từ những phân biệt của các giác quan khi tiếp xúc
với đối tượng; sự phân biệt sinh ra từ sự thúc đẩy có tính bản năng của thể
xác và tâm hồn (sinh lý và tâm lý). Khi tâm hồn được soi sáng bởi chánh niệm
tĩnh giác; thể xác được quân bình trên Trung Đạo âm dương thì dục ái sẽ
vắng mặt, con đường lý tưởng Paramita sẽ thênh thang.
Người đi trên đường lý tưởng Paramita là người của hiện thân đạo đức, là
người của một tia nắng vàng góp đẹp cho mùa xuân. Không có thắng hay
42
thua trên đường Paramita, cũng không có đúng hay sai dưới bước chân họ
đang đi. Chỉ có khổ đau và hạnh phúc là hai bờ của một con kênh cần nhìn rõ.
Người đi trên đường lý tưởng Paramita là người tin tưởng trọn vẹn chân lý
công bằng của vũ trụ, qui luật nhân quả của muôn loài, với ước mơ thế giới
nhiều an bình, nhân loại nhiều yêu thương, chiến tranh bớt bùng nổ, môi sinh
được trong lành, thiên nhiên được chăm sóc và một ý nguyện theo đuổi ước
mơ đầy đam mê, kiên nhẫn và tự tin, nhưng không yêu cầu phần thưởng ở
mọi người. Phần thưởng của họ là niềm vui được giúp đỡ và chia sẽ, được
yêu thương, được góp phần hòa bình thế giới và bảo vệ môi sinh, được sống
với thiên nhiên và gần gũi con người.
Trên con đường lý tưởng Paramita, quá khứ là lịch sử tương lai la bí ẩn. Chỉ
có hiện tại là hiện hữu. Việc làm của người đi trên con đường lý tưởng
Paramita là việc làm có định hướng trong hiện tại. Niềm vui của người đi trên
con đường lý tưởng Paramita cũng là niềm vui hiện tại trên mỗi bước chân.

43
Nhuận Đạt – TMT
VIET NAM PHAT QUOC TU - LUMBINI
P.O. BOX 4. SIDDHATHA NAGAR, BHAIRAHAWA, LUMBINI, NEPAL

Email: nhuandattmt@gmail.com

HẠNH PHÚC BÊN THẦY

CHIÊM BÁI NGŨ ĐÀI SƠN

44
TRÊN ĐỈNH FANXIPAN

HỒNG HẠC TẠI LUMBINI

HÌNH ẢNH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TRÊN ĐẤT PHẬT

45
TRÊN NÚI HYMALAYA

46

Contenu connexe

Tendances

24 bài học thần kì nhất thế giới bài 2
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 224 bài học thần kì nhất thế giới bài 2
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 2
Linh Hoàng
 
Tam ly dao_duc
Tam ly dao_ducTam ly dao_duc
Tam ly dao_duc
Hung Duong
 
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3
Ngọa Long
 
Nhung Loi Cuoi Cung Cua Phat
Nhung Loi Cuoi Cung Cua PhatNhung Loi Cuoi Cung Cua Phat
Nhung Loi Cuoi Cung Cua Phat
mercury3969
 

Tendances (20)

Quang ganh lo di va vui song
Quang ganh lo di va vui songQuang ganh lo di va vui song
Quang ganh lo di va vui song
 
Hoa Vô Ưu Tập 5 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 5 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 5 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 5 (Thích Thanh Từ)
 
Thiền và Hạnh phúc
Thiền và Hạnh phúcThiền và Hạnh phúc
Thiền và Hạnh phúc
 
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 2
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 224 bài học thần kì nhất thế giới bài 2
24 bài học thần kì nhất thế giới bài 2
 
Xây Dựng hạnh phúc gia đình (Thích Thắng Hoan)
Xây Dựng hạnh phúc gia đình (Thích Thắng Hoan)Xây Dựng hạnh phúc gia đình (Thích Thắng Hoan)
Xây Dựng hạnh phúc gia đình (Thích Thắng Hoan)
 
Vòng luân hồi卍 đây quả thật là lời dạy của đức thế tôn hai pháp có thể hiểu b...
Vòng luân hồi卍 đây quả thật là lời dạy của đức thế tôn hai pháp có thể hiểu b...Vòng luân hồi卍 đây quả thật là lời dạy của đức thế tôn hai pháp có thể hiểu b...
Vòng luân hồi卍 đây quả thật là lời dạy của đức thế tôn hai pháp có thể hiểu b...
 
[Sách] 32 nguyên tắc căn bản của cuộc sống
[Sách] 32 nguyên tắc căn bản của cuộc sống[Sách] 32 nguyên tắc căn bản của cuộc sống
[Sách] 32 nguyên tắc căn bản của cuộc sống
 
Tam ly dao_duc
Tam ly dao_ducTam ly dao_duc
Tam ly dao_duc
 
TLH.TL.Tâm lý học giáo dục đạo đức.
TLH.TL.Tâm lý học giáo dục đạo đức.TLH.TL.Tâm lý học giáo dục đạo đức.
TLH.TL.Tâm lý học giáo dục đạo đức.
 
Vui vẻ - Hạnh Phúc Tới Từ Bên Trong (Osho)
Vui vẻ - Hạnh Phúc Tới Từ Bên Trong (Osho)Vui vẻ - Hạnh Phúc Tới Từ Bên Trong (Osho)
Vui vẻ - Hạnh Phúc Tới Từ Bên Trong (Osho)
 
Lời phật dạy, sự tái sinh trong quan niệm của Phật - Xây lăng mộ phật giáo An...
Lời phật dạy, sự tái sinh trong quan niệm của Phật - Xây lăng mộ phật giáo An...Lời phật dạy, sự tái sinh trong quan niệm của Phật - Xây lăng mộ phật giáo An...
Lời phật dạy, sự tái sinh trong quan niệm của Phật - Xây lăng mộ phật giáo An...
 
Chết Đi Về Đâu (Thích Nhật Từ)
Chết Đi Về Đâu (Thích Nhật Từ)Chết Đi Về Đâu (Thích Nhật Từ)
Chết Đi Về Đâu (Thích Nhật Từ)
 
Con duong thien - path of meditation - OSHO
Con duong thien - path of meditation - OSHOCon duong thien - path of meditation - OSHO
Con duong thien - path of meditation - OSHO
 
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 3
 
Ve dau
Ve dauVe dau
Ve dau
 
Tử vi thứ 7 ngày 3/3/2018 của 12 con giáp
Tử vi thứ 7 ngày 3/3/2018 của 12 con giápTử vi thứ 7 ngày 3/3/2018 của 12 con giáp
Tử vi thứ 7 ngày 3/3/2018 của 12 con giáp
 
Tìm lại chính mình
Tìm lại chính mìnhTìm lại chính mình
Tìm lại chính mình
 
Nhung Loi Cuoi Cung Cua Phat
Nhung Loi Cuoi Cung Cua PhatNhung Loi Cuoi Cung Cua Phat
Nhung Loi Cuoi Cung Cua Phat
 
[Sách] Nghệ thuật tạo hạnh phúc đạt lai lạt ma
[Sách] Nghệ thuật tạo hạnh phúc   đạt lai lạt ma[Sách] Nghệ thuật tạo hạnh phúc   đạt lai lạt ma
[Sách] Nghệ thuật tạo hạnh phúc đạt lai lạt ma
 
Hạnh phúc tại tâm
Hạnh phúc tại tâmHạnh phúc tại tâm
Hạnh phúc tại tâm
 

Similaire à Trên Đường Lý Tưởng - Nhuận Đạt TMT

Những chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quảNhững chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quả
Hung Duong
 
Rmth va phat_trien
Rmth va phat_trienRmth va phat_trien
Rmth va phat_trien
Hung Duong
 
Báo ứng Hiện Đời Tập 3
Báo ứng Hiện Đời Tập 3Báo ứng Hiện Đời Tập 3
Báo ứng Hiện Đời Tập 3
Nhân Quả Luân Hồi
 
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Ngọa Long
 
Truong thanh
Truong thanhTruong thanh
Truong thanh
Ok Jung
 
Nhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đờiNhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đời
Hung Duong
 

Similaire à Trên Đường Lý Tưởng - Nhuận Đạt TMT (20)

430
430430
430
 
Những chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quảNhững chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quả
 
430
430430
430
 
Làm thế nào để xây dựng một nhân sinh quan lý trí
Làm thế nào để xây dựng một nhân sinh quan lý tríLàm thế nào để xây dựng một nhân sinh quan lý trí
Làm thế nào để xây dựng một nhân sinh quan lý trí
 
Rmth va phat_trien
Rmth va phat_trienRmth va phat_trien
Rmth va phat_trien
 
Luật nhân quả
Luật nhân quả Luật nhân quả
Luật nhân quả
 
Ve dau
Ve dauVe dau
Ve dau
 
Cuốn sách và giá trị trong đó hiện lan tỏa khắp thế giới, Bạn tôi chia sẻ cùn...
Cuốn sách và giá trị trong đó hiện lan tỏa khắp thế giới, Bạn tôi chia sẻ cùn...Cuốn sách và giá trị trong đó hiện lan tỏa khắp thế giới, Bạn tôi chia sẻ cùn...
Cuốn sách và giá trị trong đó hiện lan tỏa khắp thế giới, Bạn tôi chia sẻ cùn...
 
Quy luat cuoc song
Quy luat cuoc songQuy luat cuoc song
Quy luat cuoc song
 
Báo ứng Hiện Đời Tập 3
Báo ứng Hiện Đời Tập 3Báo ứng Hiện Đời Tập 3
Báo ứng Hiện Đời Tập 3
 
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
Kinh đại thừa vô lượng thọ tập 2
 
Con đường đến tự do vô thượng
Con đường đến tự do vô thượngCon đường đến tự do vô thượng
Con đường đến tự do vô thượng
 
Giản tư trung đúng việc.docx
Giản tư trung đúng việc.docxGiản tư trung đúng việc.docx
Giản tư trung đúng việc.docx
 
Truong thanh
Truong thanhTruong thanh
Truong thanh
 
Những bí kíp "vàng" giúp bạn trở thành bà mẹ thông thái
Những bí kíp "vàng" giúp bạn trở thành bà mẹ thông tháiNhững bí kíp "vàng" giúp bạn trở thành bà mẹ thông thái
Những bí kíp "vàng" giúp bạn trở thành bà mẹ thông thái
 
Ánh sáng Chân Tâm (Lời Khuyên Về Sống Tốt và Ra Đi trong Tỉnh Thức - Đạt Lai ...
Ánh sáng Chân Tâm (Lời Khuyên Về Sống Tốt và Ra Đi trong Tỉnh Thức - Đạt Lai ...Ánh sáng Chân Tâm (Lời Khuyên Về Sống Tốt và Ra Đi trong Tỉnh Thức - Đạt Lai ...
Ánh sáng Chân Tâm (Lời Khuyên Về Sống Tốt và Ra Đi trong Tỉnh Thức - Đạt Lai ...
 
Ánh Sáng Chân Tâm
Ánh Sáng Chân TâmÁnh Sáng Chân Tâm
Ánh Sáng Chân Tâm
 
Nhân Quả Công Bằng
Nhân Quả Công BằngNhân Quả Công Bằng
Nhân Quả Công Bằng
 
Nhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đờiNhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đời
 
Nhân quả báo ứng hiện đời.
Nhân quả báo ứng hiện đời.Nhân quả báo ứng hiện đời.
Nhân quả báo ứng hiện đời.
 

Plus de FaTaMuTu (7)

Như Thế Sẽ Đi Qua - Nhuận Đạt TMT
Như Thế Sẽ Đi Qua - Nhuận Đạt TMTNhư Thế Sẽ Đi Qua - Nhuận Đạt TMT
Như Thế Sẽ Đi Qua - Nhuận Đạt TMT
 
Thiền Quán Niệm Hơi Thở - Nhuận Đạt TMT
Thiền Quán Niệm Hơi Thở - Nhuận Đạt TMTThiền Quán Niệm Hơi Thở - Nhuận Đạt TMT
Thiền Quán Niệm Hơi Thở - Nhuận Đạt TMT
 
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMTCám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
 
Ngày Mới - Nhuận Đạt TMT
Ngày Mới - Nhuận Đạt TMTNgày Mới - Nhuận Đạt TMT
Ngày Mới - Nhuận Đạt TMT
 
Paramita Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
Paramita   Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMTParamita   Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
Paramita Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
 
Trung Hoa một góc nhìn - Nhuận Đạt TMT
Trung Hoa một góc nhìn - Nhuận Đạt TMTTrung Hoa một góc nhìn - Nhuận Đạt TMT
Trung Hoa một góc nhìn - Nhuận Đạt TMT
 
Đi Để Thấy Mình - Nhuận Đạt TMT
Đi Để Thấy Mình - Nhuận Đạt TMT Đi Để Thấy Mình - Nhuận Đạt TMT
Đi Để Thấy Mình - Nhuận Đạt TMT
 

Trên Đường Lý Tưởng - Nhuận Đạt TMT

  • 2. THÀNH KÍNH TRI ÂN CHA MẸ, THẦY BẠN VÀ NHỮNG NHÂN DUYÊN MẦU NHIỆM ĐÃ NUÔI LỚN CON ĐƯỜNG LÝ TƯỞNG TRONG CON. 2
  • 3. Mục Lục Có Một Con Đường ..................................................... 2 Sự Thật Công Bằng ..................................................... 6 Nghịch Lý Bồ Tát ........................................................ 10 Sức Mạnh Thói Quen ................................................ 13 Kiếp Người Và Thân Phận ....................................... 15 Tình Yêu ...................................................................... 18 Sự Thật Hạnh Phúc ................................................... 22 Chân Lý Tương Đối ................................................... 24 Tự Do ........................................................................... 26 Hòa Bình ...................................................................... 28 Giàu Có Đích Thực .................................................... 31 Ước Mơ ....................................................................... 33 Kiên Nhẫn Và Đam Mê.............................................. 35 Niềm Tin....................................................................... 37 Mình Thưởng Cho Mình ............................................ 39 Trên Đường Lý Tưởng .............................................. 42 3
  • 4. Có Một Con Đường Là một cậu bé nhiều bệnh tật, mất cha sớm và rời khỏi vòng tay yêu thương của mẹ khi mới mười sáu tuổi, mình đã trải qua nhiều biến cố tinh thần và những thiếu thốn tình cảm, đã kinh nghiệm nhiều biểu hiện bất nhân của thế thái nhân tình. Từ nhân duyên đó, mình muốn đi tìm một con đường lý tưởng - con đường của tình yêu thương nhân loại, hòa bình thế giới, hạnh phúc nội tâm - để vượt thoát cá nhân dục vọng và trung hòa sức mạnh của bản năng. Mười lăm năm trôi qua, đi từ quê hương nhỏ bé của mình lên thành phố; học từ giảng đường Phật giáo tỉnh lẽ đến những đại học thủ đô; thảo luận và kết bạn với nhiều anh em khác màu da và tín ngưỡng ở nhiều quốc gia đã đến, mình luôn thao thức, suy tư và trăn trở cho sự xói mòn của đạo đức và tâm linh nhân loại. Mùa đông năm 2005, mình đến được đất thiêng Lumbini - nơi Đức Phật Thích Ca giáng trần hơn 2600 năm trước, theo thầy Huyền Diệu học hỏi, làm công quả cho Việt Nam Phật Quốc Tự và thực tập tỉnh tâm. Năm 2006, mình đến chiêm bái và tỉnh tâm bên cội Bồ Đề nơi Phật Thích Ca giác ngộ ở Buddha Gaya, đặc biệt những đêm trăng mùa Đông trầm tư về nhân sinh và thế giới, mơ ước cho một con đường lý tưởng từ lâu trong mình nhẹ sáng. Thật hạnh phúc! Từ đó, mình thật sự bước đi trên con đường mơ ước của mình. Càng đi càng thấy hạnh phúc, đặc biệt là những lúc vận dụng hết khả năng Bi-Trí- Dũng của mình để vượt qua sức mạnh ái dục cá nhân. Tất nhiên không phải lúc nào mình cũng đi thẳng trên con đường lý tưởng đó. Đôi lúc, mình cũng té ngã rất nặng, cũng phải đi chậm và nhẹ từng bước để tiến lên. Tuy nhiên, mình luôn vui, bởi ánh sáng của quy luật công bằng; của chân lý 4
  • 5. tương đối; của sự kiên nhẫn và niềm tin trong mình chưa bao giờ tắt, và mình luôn tự thưởng cho mình trên những bước đường. Mình nghĩ, ai trong chúng ta cũng từng mơ ước đi trên một con đường đẹp. Biết đâu con đường mơ ước của bạn lại giống mình, có khi bạn lại thích đi cùng mình nữa. Vì thế, mình sẽ không ngại chia sẻ về con đường lý tưởng mình đi: Paramita Đối với mình, con đường Paramita này là con đường đẹp, con đường của vượt thoát cá nhân dục vọng và mặc cảm “hơn – kém – bằng” đã chi phối suy tư nhân loại, ràng buộc nhân loại trong đau khổ. Một con đường dẫn đến sự an tỉnh và niềm vui chân thực cho cá nhân và xã hội, ngay trong thế giới này. Mình tin tưởng bạn cũng có thể đi, có khi bạn còn đi nhanh hơn vận tốc mình đang có. Tuy nhiên, bạn đừng vội. Hãy hiểu và xác tín cho mình niềm tin về quy luật công bằng; nghịch lý Bồ Tát; thân phận kiếp người; chân lý tương đối; sự thật hạnh phúc…trước đã. Cũng giống như bạn leo núi hay đi trekking vậy. Trước hết bạn cần có bản đồ, rèn luyện sức khỏe, lên kế hoặch, hiểu rõ thời tiết vào thời điểm khởi hành… và nhớ cũng đừng ngại “đường đi khó vì ngăn sông cách núi”, mình rất tin tưởng bạn. Mình tin nơi nào có ý chí nơi ấy sẽ có con đường. Cái khó không phải “vì ngăn sông cách núi” mà cái khó nằm ở “lòng người ngại núi e sông”. Hãy tự tin bước đi, bạn không hề đơn độc trên con đường Paramita lý tưởng, bởi ít nhất trên ấy, bạn đã có mình. 5
  • 6. Sự Thật Công Bằng Từ khi biết suy tư về nhân sinh và cuộc sống, mình đã được học và tin tưởng tính công bằng của vạn hữu, những ngày ấy mình ngây thơ hiểu rằng công bằng đơn giản như 1 + 1 = 2 và 2 - 1 = 1. Nhưng khi lớn lên, quán sát và tư duy, mình thấy vấn đề không đơn giản. Mình bắt đầu tự hỏi: Công bằng nghĩa là gì? Thước đo nào cho kết quả của nó? Tại sao nhiều người xung quanh mình có vẻ rất hiền hòa nhưng kết quả cuộc sống của họ không đẹp như họ mơ ước, không như những đúc kết tinh thần “có đức mặc sức mà ăn” từ nghìn xưa của cha ông. Ngược lại, những người ác tâm tại sao có vẻ giàu có và thành công ở nhiều phương diện? Từ những quán sát ban đầu như thế đã làm cho mình hoài nghi về tính chân lý của sự thật công bằng. Nhưng thời gian đi qua, mái tóc và thịt da mình được phủ thêm màu năm tháng, tâm hồn mình được lớn thêm bởi những tri thức nhân loại và tư duy, ánh sáng của sự thật công bằng hé mở, bao câu hỏi ngày xưa tan chảy dần với những giờ tỉnh tâm thiền quán, ánh sáng xa xa mỗi lúc một gần, soi rõ cho mình thấy dần chân lý công bằng là có thật trong từng góc cạnh của cuộc sống thật, từ khía cạnh thiên nhiên thuộc thế giới vật chất, cho đến sự phức tạp của những hành vi thuộc thế giới tâm hồn. Mình bắt đầu khám phá 1 công thức cũ đã được cất kỷ từ lâu trong kho tàng tâm thức của con người: Gieo Hạt + Điều Kiện Chăm Sóc + Thời Gian = Kết Quả Hạt A được gieo thì kết quả thu được cũng đồng loại là A. Có thể A kết quả sẽ khác A hạt giống về kích thước và màu sắc tùy điều kiện chăm sóc, nhưng không bao giờ khác loại A. Ví dụ: hạt đậu xanh trồng xuống không bao giờ 6
  • 7. cho trái đậu ván, cho dù điều kiện chăm sóc có dẫn đến hạt đậu xanh kết quả nhỏ hơn hạt đậu xanh đã gieo. Một hạt được gieo nếu điều kiện chăm sóc tốt, kết quả bao giờ cũng là một cây. Điều này có nghĩa kết quả thu được từ một hạt gieo có thể rất nhiều, vượt ngoài sự ước tính và dự đón. Ví dụ: Một hạt xoài được gieo khi trở thành cây xoài trưởng thành, kết quả thu được thường theo cấp số nhân, tức là luôn nhiều hơn hạt giống gieo ban đầu. Hạt giống là một điều kiện cần, nó muốn được kết quả thì phải có hai điều kiện đủ khác: điều kiện chăm sóc và thời gian. Điều kiện chăm sóc là yếu tố quyết định sự tồn tại của hạt giống được gieo và thời gian là tấm gương phản chiếu sự lớn lên của hạt giống và ngược lại. Ví dụ: để trồng một cây sầu riêng, trước hết phải có là cây sầu riêng con (hạt giống). Cây sầu riêng ấy phải được trồng ở một vùng đất thích hợp, cần có thời gian để kiểm chứng sự lớn lên của cây, sau cùng mới là kết quả, tức là những trái sầu riêng thực tế sinh ra từ cây sầu riêng. Một chú ý đặc biệt là: Mỗi một loại hạt giống có quá trình nẩy mầm và thời gian kết quả khác nhau. Cây ớt thì một tháng có quả, nhưng cây sầu riêng thì phải nhiều năm. Điều kiện chăm sóc là yếu tố làm kết quả tốt hoặc không tốt, đồng thời có thể làm thời gian ra quả ngắn đi. Những hành vi thuộc thế giới tâm hồn cũng theo qui luật vận hành của tự nhiên. Hành vi được xem là hạt giống, cường độ quyết tâm và sự lập đi lập lại của hành động là điều kiện chăm sóc. Kết quả của một hành vi có thể được biểu hiện bằng một công thức : Hành Vi + Cường Độ Quyết Tâm Và Sự Lập Đi Lập Lại + Thời Gian = Kết Quả. Cái khó là xác định cường độ quyết tâm của một hành vi, bởi nó thuộc về kinh nghiệm cá nhân. Từ cái khó này dẫn người quan sát đến hoài nghi về tính chân lý của sự công bằng - nhân quả. Người quan sát thấy bất bình với hành động xấu xa của những kẻ bất lương 7
  • 8. giàu có và ngạo mạn; thương tâm cho những người hướng thiện nhưng đau khổ khốn cùng. Mình cũng từng như nhiều người quan sát, cũng từng hoài nghi, nhưng trong sự bình tỉnh sâu xa của tâm hồn thông qua thiền quán, mọi hoài nghi trong mình dần tan biến. Mình thấy 5-3=2 và 1+1cũng =2. Số 2 của 5-3=2 là số 2 của sự giảm dầu tích lũy; còn số 2 của 1+1=2 là số 2 của sự tăng dần thặng dư. Những kẻ bất lương nếu cứ tiếp tục bất lương và không biết dừng lại và thay đổi thì kết quả âm là chắc chắn: 5+-6=-1. Ngược lại, người được xem là bất lương nhưng đã thay đổi và hướng thiện thì kết quả âm giảm dương tăng cũng là hiển nhiên: -6+5=-1. Cuộc sống xung quanh ta không thiếu những minh chứng chúng ta có thể quan sát tính chân lý của nó, nếu cần chúng ta cũng có thể tự thân thể nghiệm chân lý công bằng này. Hãy thử làm nhiều điều lành bạn sẽ thấy tâm hồn bạn luôn an vui và thể xác bạn khỏe mạnh thế nào và ngược lại. Mọi lý luận mang tính lý thuyết, cho dù là được công nhận hợp lý và khả thi nhưng khi ứng dụng thực tế không mang lại kết quả thiết thực cho hạnh phúc cá nhân và nhân loại thì những lý thuyết ấy cần nên vứt bỏ, hoặc ít nhất cần nghiên cứu thêm. Đối với cá nhân mình, qui luật công bằng là một chân lý khách quan, mình hoàn toàn thấy rõ quả báo của những hành vi thuộc thế giới tâm hồn cũng như mọi hiện hữu thuộc thiên nhiên. Cuộc đời mình có thể được xem như là cuộc đời “âm” so với nhiều người. Nhưng sự hướng thiện và lòng chân thành, cũng như nguyện ước góp phần bé nhỏ tư duy của mình cho hòa bình thế giới và tình yêu thương con người cùng làm chút ít việc thiện, đã làm chuyển hướng cuộc đời mình và đưa đến cho mình một kết quả tốt đẹp hơn những gì mình đã từng mơ ước đến. Cuộc đời mình thay đổi từ một cậu bé quê ít học, xấu xí và bị xem thường trở thành một con người có cơ duyên học hành chút ít ở những nơi ước mơ: thành phố 8
  • 9. HCM, Bắc kinh, India, Pháp..., được nhiều người quý mến gọi là “Thầy” và hướng về học hỏi. Rõ ràng có sự công bằng, có nhân có quả, mình hoàn toàn thấy rõ chân lý của sự thật công bằng. Cầu nguyện mọi người cũng nhìn thấy để sống đẹp và sống hạnh phúc. Đừng gieo những hạt giống xấu của chiến tranh và khổ đau cho nhân loại. Hãy gieo những hạt giống tốt cho hòa bình thế giới và tình yêu thương con người, như biểu hiện của lòng tri ân hạnh phúc và những trải nghiệm cuộc sống mình có. 9
  • 10. Nghịch Lý Bồ Tát Khi thấy rõ sự thật công bằng và bắt đầu bước chân trên con đường thiện, mình cũng bắt đầu thấy một sức mạnh có vẻ nghịch lý nhưng có thật đẩy theo hướng ngược lại, làm mòn quyết tâm, làm nản ý chí vươn tới sự thành công hạnh phúc và giá trị cao thượng của cuộc sống, mình gọi những nghịch lý này là “nghịch lý Bồ Tát’’. Bồ Tát tiếng Sanskrit là Bodhisattva, có nghĩa là người có ước nguyện lớn giúp đỡ người khác. Nghịch lý Bồ Tát , mình nghĩ là những nghịch lý cuộc sống giúp người sống và cống hiến cho hòa bình hạnh phúc của nhân loại và tình yêu thương con người biết được sức mình, mạnh mẽ hơn cho sự sống cao thượng và nổi bật lên giữa vô số con người trên đường đang đi. 1. Người đời thường vô lý không biết điều và vị kỷ. 2. Khi bạn làm điều tốt có thể nhiều người cho rằng bạn làm vì tư lợi và danh tiếng. 3. Nếu thành công, bạn có thể gặp những kẻ giả dối và kẻ thù thật sự. 4. Việc tốt bạn làm hôm nay có thể bị lãng quên ngày mai. 5. Thẳng thắn và trung thực thường làm bạn tổn thương. 6. Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi suy tính thấp hèn. 7. Người ta thường tỏ ra thông cảm với người yếu thế, nhưng lại đi theo kẻ mạnh. 8. Những thành quả mà bạn mất nhiều năm xây dựng có thể bị phá hủy trong phút chốc. 9. Bạn có thể bị phản bội khi giúp đỡ người khác. 10. Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất nhưng có thể nhận lại một cái tát phũ phàng. 10
  • 11. Mười nghịch lý trên là một đội quân ma, chúng tập hợp để đánh bại sự kiên cường sự quyết tâm, ý tưởng lớn lao, lòng trung thực của một con người muốn hướng tới giá trị cao thượng của đời sống. Một khi chúng ta quyết tâm đi trên con đường thiện, quyết sống đời sống cao thượng, quyết góp phần cho hòa bình thế giới và tình yêu thương con người, chúng ta phải sẵn sàng cho một cuộc chiến với những nghịch lý đó. Cuộc chiến ở đây chúng ta đừng hiểu là có kẻ thắng người thua, kẻ còn người mất. Chúng ta là người từ bỏ thắng bại, có nghĩa là trong chúng ta không có khái niệm thắng thua. Những nghịch lý cuộc sống là những nghịch lý Bồ Tát, những nghịch lý giúp cho kháng thể của ta mạnh hơn để tiếp tục hành trình lý tưởng. Vũ khí chúng ta sử dụng là tình yêu thương, nghệ thuật tiếp xúc và lòng dũng cảm, cùng với niềm tin chân lý công bằng. Có thể thành quả nhiều năm xây dựng của chúng ta bị hủy trong phút chốc bởi những kẻ vô lý, không biết điều và vị kỷ. Hãy thương họ, khéo tiếp xúc và dũng cảm tiếp tục xây. Có thể ý tưởng lớn lao của chúng ta bị đánh gục bởi suy tính của những kẻ thấp hèn. Hãy thương họ, khéo tiếp xúc và dũng cảm tiếp tục lại ý tưởng lớn lao. Chúng ta hết lòng làm điều tốt, nhưng có thể bị cho là làm vì danh vọng và tư lợi. Hãy thương họ, khéo tiếp xúc và dũng cảm tiếp tục việc làm ý nghĩa đã ước mơ. Qui luật công bằng là công lý, chúng ta đừng lo mây đen che mãi mặt trời. Mây đen có thể che tối mặt trời, nhưng không bao giờ là mãi mãi. Mặt trời rồi sẽ tỏa sáng. Sự thật công bằng, sự thật việc làm của chúng ta rồi sẽ sáng như mặt trời thoát khỏi mây đen. Chúng ta không cần chiến thắng; Chúng ta cũng không là người chiến bại. Chiến thắng và chiến bại là nhân dẫn đến 11
  • 12. chiến tranh và hận thù. Chúng ta sống và làm việc là để hướng tới một giá trị cao thượng của hạnh phúc thật, phần thưởng ở trên con đường chúng ta đi mà không phải ở cuối đường chúng ta đến. Sự chiến thắng trong cuộc đối đầu với những nghịch lý Bồ Tát là chiến thắng chính mình. Chúng ta biết những gương sáng của Đức Phật Sakya Muni, Chúa Jesu; chúng ta thấy những gương sáng của Mahatma Gandhi, Martin Luther King cũng như nhiều gương sang khác của nhân loại. Những nghịch lý cuộc sống chỉ là những điều kiện làm mạnh ý chí và ước mơ vĩ đại trong họ. Họ có thể từ giã nhân loại trước khi họ hoàn tất công trình mơ ước, chúng ta cũng có thể như thế. Hãy yên tâm, công trình mơ ước đẹp sẽ được tiếp tục bởi những con người có mơ ước đẹp ở tương lai. Cũng như chúng ta đang tiếp tục đi trên những con đường của những tâm hồn cao thượng trước mình. 12
  • 13. Sức Mạnh Thói Quen Trên con đường lý tưởng của chúng ta có nhiều sức mạnh đi ngược bước chân hướng về giá trị cao đẹp, trong ấy sức mạnh thói quen tiêu cực là một. Điều này thật giản dị, nhưng là một chân lý. Chúng ta thử tưởng tượng rằng nếu mỗi ngày chúng ta sử dụng rượu, hút thuốc lá hay ma túy, trong khoảng thời gian nhất định, khi chúng có đủ sức mạnh, có bao nhiêu người trong chúng ta đủ sức mạnh ý chí để dứt khoát nói lời tạm biệt vô điều kiện với những thói quen tiêu cực đó của mình đã lập lại hằng ngày? Sức mạnh thói quen là một chân lý giản dị. Trên con đường lý tưởng, nếu chúng ta biết tập hợp những thói quen tích cực, nó cũng là những người bạn trung thành, đồng hành trên đường hạnh phúc cao thượng của chúng ta. Cái khó là làm sao xác định được thói quen nào tiêu cực, thói quen nào tích cực; thước đo nào minh định một thói quen tích cực để nuôi dưỡng và phương tiện nào nhận biết một thói quen tiêu cực đang hình thành sức mạnh để chúng ta kịp lúc chia tay. Con người sinh ra trên cuộc đời này điều có ước muốn sống hạnh phúc, hay nói cách khác ước muốn về sự bảo đảm thức ăn; bảo đảm an ninh; bảo đảm danh dự; bảo đảm sinh tồn. Thế nhưng vì sinh sống trong những môi trường văn hóa khác nhau, học tập những hệ tư tưởng khác nhau, làm việc dưới những áp lực xã hội khác nhau, dẫn đến những nhìn nhận khác nhau về thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị sống và phương tiện sống. 13
  • 14. Từ khác biệt về nhận thức dẫn đến khác biệt trong hành động, vô tình hoặc cố tình, tạo nên những sức mạnh thói quen chi phối và hình thành số phận của chính mình. Con người bây giờ trở thành kẻ thừa kế gia tài hành động của chính mình; kẻ hạnh phúc tích cực hay kẻ khổ đau bị nô lệ bởi những người bạn hành động có sức mạnh tiêu cực mình đã lỡ kết thân. Tuy nhiên, có thể muộn nhưng không bao giờ trễ, bởi ước muốn sống hạnh phúc thật luôn luôn không mất trong mỗi con người. Người ta có thể bắt đầu một ngày mới sau một chuỗi ngày mệt, đói và khổ đau, một khi người ta nắm được thước đo cho những hành động tích cực và tiêu cực; biết được qui luật vận hành tạo nên sức mạnh của nó và phương pháp chuyển hóa sức mạnh của thói quen tiêu cực. Một hành động tiêu cực là một hành động khi được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, nó dẫn đến sự bất an cho thể xác và xuất hiện một tâm lý lệ thuộc, hối hận, căng thẳng, ám ảnh cho cá nhân, gia đình và xã hội. Một hành động tích cực là hành động thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, nó cho kết quả vui sướng, an tĩnh, hân hoan, tự do cho tâm hồn và khỏe mạnh năng động cho thể xác. Qui luật tạo nên sức mạnh của những hành động là sự lập đi lập lại hành động ấy với cường độ gia tăng. Phương pháp nhận ra và chuyển hóa sức mạnh thói quen là tĩnh giác và an trú trong giây phút hiện tại. Con đường lý tưởng hướng về sự cao đẹp của đời sống chân hạnh phúc là một con đường đẹp, con đường đã làm nên những con người bất tử như Đức Phật Sakya Muni, Chúa Jesu, Mahatma Gandhi, Martin Luther King… và cũng sẽ là con đường làm nên những gương sáng thành công và hạnh phúc cho những ai có ước mơ và lòng quyết tâm cho đời sống hạnh phúc cá nhân, hòa bình thế giới và tình yêu thương con người. Sức mạnh của thói quen là một phương tiện mà người đi trên đường lý tưởng phải hiểu và vận dụng sáng tạo. Chướng ngại trên con đường lý tưởng thật ra chỉ là những hóa thân từ 14
  • 15. nhận thức, thái độ và hành động được biểu hiện thành sức mạnh đi ngược của chúng ta. Kiếp Người Và Thân Phận Mình sinh ra từ một vùng biển nghèo của quê hương Việt Nam, có 2 người cha: một người sinh ra nhưng cho đến bây giờ trong ký ức vẫn là một người xa lạ. Người cha khác là người dưỡng nuôi, nuôi từ khi chưa sinh ra, mình mang họ người cha nuôi ấy. Ký ức và tình cảm của mình tràn ngập người cha nuôi nhân ái này. Mẹ mình là người đàn bà không biết chữ, nhưng thích yêu những người có học và thông minh. Cha nuôi chia tay mình từ khi mình tròn sáu tuổi, Mẹ cũng theo ông khi mình gần tuổi thành niên. Sinh ra và lớn lên như thế giúp cho mình sớm ý thức về kiếp người và thân phận. Mình thường tự hỏi mỗi đứa trẻ tại sao không giống nhau? Tại sao phải lớn lên để rồi một ngày phải chết? Có thể không chết được không? Tại sao mình có lúc vui có lúc buồn? Có cách nào để ngày buồn dần ít đi không? Càng hỏi, mình càng tuyệt vọng, càng thấy kiếp người thật đau khổ. Mình mặc cảm kiếp người của mình sao không đẹp như kiếp người của các bạn. Bạn mình lại mặc cảm kiếp người của bạn không như kiếp người của người khác. Lại thêm ám ảnh của một cái chết tương lai gần làm mình thường ít nói và trầm tư. 15
  • 16. Thế rồi một ngày, có một hạt nắng đẹp đi qua đời mình, mình thấy biết thương một người con gái. Tình thương rất lạ, hay hay, nó như một viên thuốc giúp mình mộng mơ trong thế giới ảo của thiên đường. Bao nhiêu phép lạ bắt đầu xuất hiện trong đời mình, làm mình thấy bao nhiêu là hoa đẹp và cỏ xanh của đời sống. Kiếp người bây giờ có vẻ thú vị. Người con gái đó đã mang đến cho mình một thế giới quan đẹp. Bạn ấy đã bắt cho mình một chiếc cầu tiếp xúc với những người sống đạo đức, những tư tưởng nhân ái và cao thượng. Mình bắt đầu thích đọc sách, thích nghe chuyện danh nhân, thích những bài giảng đạo lý. Mình còn thích học tĩnh tâm, tập thiền quán. Thật cảm ơn. Tĩnh tâm và thiền quán đã cho mình mở được cánh cửa của sự thật kiếp người và thân phận kiếp người. Mình thấy, con người hiện hữu giữa cuộc đời có hai phần: tâm hồn và thể xác, nó tồn tại và hoại diệt theo qui luật vô thường. Giữa tâm hồn và thể xác có một mối quan hệ biện chứng. Khi tâm hồn con người vui thể hiện thành nụ cười; khi nụ cười được thay bằng gương mặt nhăn nhó cũng là lúc tâm hồn đang khổ đau. Thể xác của con người được cấu tạo từ những yếu tố vật chất: nhiệt độ, nước, gió và đất. Tâm hồn con người được nuôi dưỡng bởi: cảm thọ, tri giác, động cơ ý chí và sự nhận thức phân biệt. Bản chất của con người là vô ngã, không có một nguyên tắc tối cao hay một thần linh quyền năng nào độc lập chi phối con người. Mọi sự tìm hiểu khách quan về điểm khởi đầu cho sự sống con người điều dừng lại ở bắt đầu hình thành sự sống trong bào thai mẹ. Mọi tranh cãi về sự tồn tại và không tồn tại sau khi xác thân con người tan rã cũng chỉ là những dẫn chứng và lý lẽ thuộc cá nhân chủ quan. 16
  • 17. Vấn đề quan trọng của kiếp người không phải là vấn đề nó từ đâu đến và nó đi về đâu, mà là vấn đề của nó là vấn đề thân phận và làm sao hạnh phúc với thân phận. Con người từ đâu đến hay đi về đâu thì cái thân phận già, bệnh chết là một sự thật. Cái ước muốn sống với người mình yêu nhưng khó được; cái đau khổ muốn xa người mình ghét lại không thành là một sự thật. Câu hỏi hay cho một đời người không phải là vấn đề tồn tại hay không tồn tại sau khi chết; vấn đề bắt đầu và kết thúc của một xác thân. Câu hỏi hay phải là làm sao để hiểu qui luật vận hành của xác thân và những hiểu biết có tình cảm và ý chí của tâm thức để sống một đời sống thật sự hạnh phúc và cao thượng, một đời sống tự do khỏi những chi phối của tham ái, sân hận và si mê. Người bạn gần và dễ ghét nhất của con người là bản năng dục vọng. Con người vì đi tìm sự thỏa mãn bản năng đã bị tù tội trong tiền bạc, danh dự, ăn uống, ngủ nghỉ và ái tình. Người bạn xa hơn và dễ ghét hơn là sự ngu dốt không nhìn thấy sự thật, sự thật của mọi hiện hữu. Tại sao con người lại mất tự do và tù đầy trong bản năng dục vọng? Những bậc thầy vĩ đại của nhân loại như Đức Phật Sakya Muni cho rằng do vô minh, ngu dốt không nhìn thấy sự thật như thật của mọi hiện hữu. Mình thấy thêm một nhân tố làm tươi mát cho thân phận con người là tình yêu. Tình yêu cho xác thân con người cũng như nước cho cây cỏ. Cái thân phận con người luôn luôn có hạn; tình yêu thì vô cùng. Tình yêu làm mềm mại một xác thân, làm con người sống và cống hiến trong hạnh phúc. 17
  • 18. Tình Yêu Từ tình yêu với một người con gái, Mình đến được với tình yêu của những bậc thầy và trải nghiệm được cuộc sống hạnh phúc và giá trị cao thượng của sự sống. Tình yêu làm tươi mát xác thân khô héo của mình; làm nở hoa nhân ái trong tâm hồn mặc cảm của mình, giúp mình bắt đầu bước chân trên con đường lý tưởng. Có người nói với mình thương nhau không phải nhìn nhau mà nhìn về một hướng; người khác lại nói: thương nhau là phải nhìn nhau và cùng nhìn về một hướng; người khác nữa lại nói tình yêu là vô cùng, tình yêu sẽ cứu chuộc thân phận…Nói chung, tình yêu đối với con người là nhựa sống, nhưng nó phải được hướng dẫn bởi trí tuệ giải thoát khỏi dục vọng tiền bạc, danh dự, ăn uống, ngủ nghỉ và dục tình. Một khi tình yêu không có được sự soi sáng hướng dẫn của trí tuệ, tình yêu đó có thể được ngụy trang cho một mục đích thấp hèn hay lòng vị kỷ cá nhân, để rồi dẫn đến kết quả khổ đau vô tình hay cố ý cho cả hai người cho và người nhận. Thực tế đã minh chứng: rất nhiều tình yêu trai gái lãng mạn đổ vỡ chỉ trong một vài tuần sống và hiểu sự thật về nhau; rất nhiều tấm lòng tốt vì tình yêu nhân loại đã bị lợi dụng khôn khéo của những con người nhân danh từ thiện, tôn giáo và tâm linh hay hòa bình nhân loại. Tình yêu cho dù được giới hạn trong phạm vi tình cảm nam nữ, hay mở rộng biên giới đến lòng vị tha và tình yêu quê hương nhân loại, điều phải thể hiện qua ánh sáng của trí tuệ. Hay nói cách khác phải có hiểu biết đúng đắn về chính người thương và đối tượng được thương. Có hiểu thì mới có tình yêu thương chân thật - Một thứ tình yêu 18
  • 19. không có oán trách và khổ đau theo sau. Ngược lại không có hiểu mà chỉ biết thương yêu, tình yêu có thể trở thành thù hận hay một viên thuốc độc cho một trong hai. Khi chúng ta yêu thương một con người nào đó, đơn giản chỉ là yêu thương vì thấu hiểu tình cảnh cần yêu thương của người đó, cũng như khả năng cho phép của cá nhân, thì tình yêu của chúng ta sẽ mang lại ấm áp, hạnh phúc cho cả ta và người nhận. Ngược lại, tình yêu thương của chúng ta có thể nuôi dưỡng một mầm xấu cho tương lai chung của thế giới, trong ấy ta là một trong những người sẽ nhận lãnh kết quả của hành động yêu thương không được soi sáng của trí tuệ đó. Năm 2005, mình rời quê hương việt nam đến sống tại Buddha Gaya của India. Mình có biết một người bạn rất nhân ái. Mỗi ngày trên đường đi tĩnh tâm từ việt Nam Phật Quốc Tự đến Mahabodhi Maha Vihara có rất nhiều người già, người tàn tật và các em ăn xin. Ngày ngày đi qua con đường nhiều hình ảnh cần yêu thương như thế, bạn mình rất xúc động và tâm anh xuất hiện một tình yêu thương họ có cường độ rất cao. Thế là anh quyết định thể hiện tình thương của anh bằng cách cho tiền người già, tàn tật và trẻ em ăn xin trên đường anh gặp. Những ngày đầu làm việc này anh vô cùng vui sướng. Mỗi ngày anh kể tôi nghe say sưa về hạnh phúc bố thí của mình. Nhưng rồi một hôm mặt anh đỏ lên như một hòn lửa, anh bực bội nói với tôi về đám ăn xin không một lời cảm ơn, cứ bám mãi theo anh làm anh phải sân si để giải tán họ. Nghe anh kể, mình không có gì ngạc nhiên, bởi lẽ mình đã thấy được kết quả việc làm của anh nhiều ngày trước đó. Xã hội India là một xã hội phân chia giai cấp từ hàng nghìn năm nay, cảm ơn là một lời nói hiếm hoi được nghe ở xứ này, đặc biệt trong những giai cấp thấp của xã hội. Người ăn xin ở Buddha Gaya là những người nghèo, nhưng 19
  • 20. nhìn trên gương mặt họ không hề thấy biểu hiện của khổ đau, nhất là những em bé còn tuổi vô tư của tiểu học và những cô bé long nhong chuẩn bị lấy chồng. Mình khuyên anh không nên để tắt ngọn lửa nhiệt tình yêu thương người bất hạnh. Nhưng anh nên tĩnh tâm để giữ năng lượng yêu thương đủ mạnh cho những con người cần được yêu thương thật sự phía trước. Anh nên yêu thương những người khi anh thấy rõ rằng tình yêu thương của anh sẽ mang lại hạnh phúc nho nhỏ thật sự về lâu dài cho người kia. Đặc biệt chú ý mầm xanh của nhân loại : các em nhỏ. Tình thương là dưỡng chất vô cùng quan trong cho các em trưởng thành và có ích cho thế giới. Nhưng sáng suốt đừng cho các em phương tiện có thể làm hỏng cuộc đời các em như tiền bạc. Phải cho các em giáo dục để các em ý thức sự vươn lên và tự tin đứng trên đôi chân của chính mình để sống; phải cho các em thể dục và y tế để các em là mầm xanh khỏe mạnh cho loài người. Mọi thứ yêu thương không sáng suốt có thể biến các em thành những kẻ ăn xin và bệnh hoạn tinh thần suốt đời. Tất nhiên, lúc đó kết quả tình yêu thương của mình là gánh nặng cho xã hội và chính gia đình các em. Và, biết đâu có một người trong số các em lại oán trách cho hành động không sáng suốt của chúng ta. Tình yêu, nó là nước cho cây xanh, nhưng nếu quá nhiều nước cây xanh có thể chết hoặc bệnh. Tình yêu không được hướng dẫn bởi trí tuệ cũng giống như cho nước quá nhiều cho cây xanh, kết quả hạnh phúc của tình yêu thương sẽ là một viễn cảnh xa vời. Không có hiểu tình yêu thương sẽ lạc lối. Người đi trên đường lý tưởng Paramita là người thẳng tiến trên đường tình yêu, nhưng không hề lạc lối. Bởi tình yêu của họ được hướng dẫn bằng trí tuệ và lòng dũng cảm trong một tâm hồn an tĩnh, hạnh phúc và ít vô minh. 20
  • 21. 21
  • 22. Sự Thật Hạnh Phúc Hạnh phúc là thứ nhân loại đã đi tìm từ thời nguyên thủy. Hạnh phúc là gi? làm sao để có hạnh phúc? là hai câu hỏi tốn nhiều giấy mực và công sức nhất của nhân loại. Từ một hiền triết đến một tu sĩ, từ một quân vương đến một thường dân điều đi tìm hạnh phúc. Hay nói cách khác đi tìm sự thỏa mãn tâm trí cho một ước muốn công bằng, chân lý, của cải vật chất, quyền lực, danh dự… Khi một con người thỏa mãn những nhu cầu của mình về tâm lý và sinh lý được gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự thỏa mãn chừng mực nào đó có tính chủ quan của cá nhân. Khi cá nhân không có thỏa mãn thì cá nhân không có hạnh phúc. Mức độ hạnh phúc tỉ lệ thuận với mức độ thỏa mãn. Cứ như thế, con người nghĩ có thỏa mãn là sẽ có hạnh phúc, con người đi tìm thỏa mãn hết góc này đến góc khác, cho đến một ngày ngất xỉu, người ta mới nhận ra một sự thật rằng cơn khác của sự thỏa mãn là vô tận. Nó như những con sóng của đại dương. Con sóng này vào bờ, con khác lại tiếp tục. Không bao giờ biển mất đi những con sóng, cũng như cơn khát thỏa mãn không bao giờ dừng lại. Con người tìm sự hạnh phúc bằng sự thỏa mãn nhưng không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn, nên càng đi tìm vị ngọt của thỏa mãn, con người càng nếm vị đắng của khổ đau. Quán sát và suy tư về cái gọi là hạnh phúc và những cá nhân đi tìm hạnh phúc, mình bắt đầu khám phá ra rằng hạnh phúc có hai loại. Một loại là hạnh phúc ngắn ngủi, có kèm theo khổ đau, nó như là một giấc mơ đẹp, nhưng khi thức giấc mọi thứ điều tan biến, mình gọi là hạnh phúc mộng. Ví dụ: người hút ma túy hay sử dụng chất say rất hạnh phúc trong giai đoạn dùng thuốc. Nhưng sau một thời gian không dùng thuốc, anh ta đau khổ và nô lệ cho ma 22
  • 23. lực của ma túy và chất say. Hạnh phúc mộng là thứ hạnh phúc của phụ thuộc và nô lệ. Một loại hạnh phúc khác là hạnh phúc của những việc thiện, của sự an tĩnh nội tâm, xuất phát từ tình thương, lòng độ lượng và trí tuệ thấu hiểu thế giới duyên khởi vô ngã, qui luật biến đổi của sự sống. Loại thứ hai mình gọi là hạnh phúc thực, tức là hạnh phúc thuần khiết, sau đó không kèm đau khổ, chỉ có một nguồn an lạc xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Hạnh phúc không khó tìm, tùy chúng ta, tùy vào trí tuệ tiếp xúc tích cực của chúng ta. Nếu chúng ta biết cách tiếp xúc với sự sống thì hạnh phúc ở trong tầm tay, hạnh phúc sẽ gõ cửa nhà ta. Khổ đau hay hạnh phúc không phải là quà tặng của ai cả. Nó là nợ hay là thặng dư của hành động do chính chúng ta thực thi trong cuộc sống quá khứ, hiện tại, tương lai. Con người cao thượng hay không cao thượng cũng từ hành động của họ thể hiện trong cuộc sống. Một tâm hồn an tĩnh, một trí tuệ sáng suốt, một tấm lòng nhân ái lớn, một trái tim dũng cảm cho công lý và quyền sống nhân loại luôn là một đức tính của những con người sống hạnh phúc. Người đi trên đường lý tưởng là người nuôi trong mình những đức tính của con người sống hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là điểm đến của một con đường đối với họ mà hạnh phúc là niềm vui hiện tại trên con đường đang đi. 23
  • 24. Chân Lý Tương Đối Hơn 2600 năm trước, một vĩ nhân giác ngộ của nhân loại Sakya Muni Buddha nói: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Ngài giải thích rằng thế giới là một mối liên hệ bất khả phân ly, con người và những hiện hữu xung quanh con người cùng có mặt và cùng biến mất. Nói cách khác thế giới hiện hữu trong sự tương đối. Cái đẹp nhờ cái xấu mà người ta tôn quý và ngưỡng mộ; hiền triết nhờ kẻ vô lương mà người ta kính trọng và học theo. Không một cái gì trong thế giới này tồn tại độc lập và bất biến, nó chỉ có chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác thôi. Năm 1905, một bộ óc được xem là vĩ đại nhất của thế kỷ XX là Albert Einstein phát biểu E=MC2, một “thuyết tương đối” làm chấn động giới khoa học và nhân loại. Có nhiều người nói thuyết tương đối của ông khó hiểu, ông liền trả lời “có gì là khó hiểu, chẳng hạn khi người ta ngồi một giờ bên người yêu thì thấy một giờ ngắn, còn ngồi trên lò lửa hồng thì một phút lại lâu bằng 1 giờ”1. Năm 1999, khi được học hiểu và thiền quán về sự tương đối mình như một kẻ lưu vong tìm được đường về. Chân lý tương đối soi sáng cho mình hiểu sự bình thường phải có của thế giới thắng thua, phải trái, vinh nhục, sang hèn. Tâm mình không còn nông nổi với những đòi hỏi người xung quanh nhìn theo hướng mình nhìn. Tâm mình cũng tan biến những ước mơ như kiểu một ngày đại dương không còn sóng. Mình bắt đầu khám phá mọi hiện hữu trên đời này điều có lý do tồn tại của nó. Ai ai cũng ước mơ mình thành công hạnh phúc, có điều con đường và phương pháp đi đến hạnh phúc của phần lớn họ 1 Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 24
  • 25. không đúng, nên càng đi họ càng lạc lối trong thế giới vô minh, dẫn họ đến những khổ đau tuyệt vọng và đánh mất niềm tin vào thế giới và nhân loại. Vấn đề của kiếp người không phải là vấn đề được mất hơn thua; không phải là vấn đề đúng sai hay vinh nhục. Trong thế giới tương đối thì làm sao có tiêu chuẩn duy nhất cho chân lý? Làm sao chúng ta dùng chuẩn mực thế gian công ước để đo được sự khác nhau của một giờ ngồi bên người yêu và một phút ngồi trên lò lửa hồng trong phát biểu của nhà bác học Albert Einstein? Hiểu về chân lý tương đối cho mình nhận thức rõ vấn đề của nhân loại trong thế giới con người là vấn đề khổ đau và hạnh phúc. Ai cũng muốn tránh đau khổ, ai cũng muốn tìm hạnh phúc. Từ một hiền triết cho đến một người ngu; từ một nhà tu cho đến một người vô đạo đức…tất cả điều hướng về hướng được cho là hạnh phúc theo nhận thức riêng của cá nhân. Làm sao để sống hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu của loài người. Đúng sai; được mất; hơn thua; vinh nhục chỉ là những giá trị tương đối. Nó chỉ làm nên những giấc mơ hạnh phúc và tồn tại ngắn ngủi, nhưng con người phải trả giá đắt cho những cuộc tìm kiếm nó. Tại sao ta phải giành phần đúng về nhau để vợ chồng chia tay, con cái đau khổ? Tại sao ta phải giành phần hơn về nhau để thế giới quanh ta sinh thù hận và chiến tranh? Nếu nhận sai mà gia đình hạnh phúc trọn vẹn; nếu nhận thua mà thế giới hòa bình, tại sao ta lại nói No? Hiểu được chân lý tương đối, người đi trên con đường lý tưởng sẽ không còn mất thời gian và lạc hướng, sẽ sáng suốt và kiên định mục tiêu trên mỗi bước chân đi. 25
  • 26. Tự Do Tự do là khát vọng muôn đời của nhận loại, nhất là tự do tư duy và tín ngưỡng. Từ những ngày đầu của bình minh văn minh nhân loại, con người đã ý thức đến sự tự do, sự giải phóng những nô lệ bên trong cá nhân và bên ngoài cuộc sống. Gần 3000 năm qua, kể từ ngày văn minh Hy lạp rực sáng với Platon, Aristoteles; văn minh sông Hằng bao trùm lục địa India của tri thức Vệ Đà; văn minh Hoàng Hà khai minh cho Đông Á gắn liền với Lão tử và Khổng tử cho đến nay, con người không ngừng tìm kiếm tự do. Nhiều định nghĩa về tự do xuất hiện. Người cần tự do khỏi đói; người cần tự do khỏi tù tội; người cần tự do khỏi nô lệ; người cần tự do được suy nghĩ; người cần tự do về tín ngưỡng… tạo thành những làn sóng thúc đẩy con người đi đến những định chế xã hội khác nhau, mà biểu hiện cụ thể có thể thấy mỗi ngày trên phương tiện truyền thông hay những cuộc nghị luận bỏ túi: tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do dân chủ … Tự do trở thành một nhu cầu thiết yếu của đời sống cá nhân trong một xã hội. Nhưng như thế nào là sự tự do? Làm sao để thực sự có tự do? Phần đông con người lại tỏ ra lúng túng. Có người cho rằng tự do là thỏa mãn thực hiện những gì mình mơ ước và yêu thích. Người khác lại cho rằng tự do phải được giới hạn trong những qui định chung hướng đến giá trị đạo đức cao thượng, ổn định xã hội, phát triển văn minh. Từ những quan niệm tự do khác nhau, con người đi đến những nhận thức về phương pháp để có tự do khác nhau. Thế giới bắt đầu có chiến tranh, hận thù trong nhân loại bắt đầu có mặt. Thế là từ ước muốn tự do, nhưng không nhìn thấy được bản chất thật của tự do, con người vô tình tạo ra một cộng đồng không tự do, một thế giới không tự do. 26
  • 27. Tất nhiên, sự khác biệt trong quan niệm sống là điều không thể không có trong xã hội, bởi lẽ tư duy con người không bao giờ là một. Con người thường đến với nhau khi có cùng cảnh ngộ, hay cùng hướng có lợi cho nhau. Cái mới phá vỡ cái cũ, phủ định cái cũ cũng là lẽ thường của sự sống. Tuy nhiên, trong sự an tĩnh của tâm hồn, để tìm về một sự tự do đích thực – sự tự do không có chiến tranh và thù hận, sự tự do đưa đến hạnh phúc lâu dài, sự tự do giúp con người bình tâm trước thân phận già, bệnh và chết của thân thể - người ta sẽ thấy rằng tự do khỏi sức mạnh của tham ái, của sân hận và của ngu si chính mình mới đích thực tự do. Chính hành động của tham ái, sân hận và ngu si lặp đi lặp lại trong cuộc đời chúng ta tạo nên sức mạnh ngăn cản con đường tự do của chúng ta. Một con người không còn bị chi phối bởi sức mạnh của dục vọng cá nhân tiêu cực, một con người hành động mà không mang theo tự ngã của mình để hành động mới đích thực con người tự do. Tự do của một người đi trên đường lý tưởng phải được hiểu là tự do chính mình. Mình mới chính là người có thẫm quyền cho mình tự do. 27
  • 28. Hòa Bình Chiến tranh và hòa bình là hai vấn đề lớn của nhân loại, không phải chỉ hôm nay mà nó đã là những vấn đề lớn của lịch sử nhân loại từ những ngày đầu của bình minh văn minh. Sự mất đi của một bộ tộc này, sự mở rộng của một bộ tộc kia, sự hủy diệt của một đất nước này, sự mở rộng của một đất nước khác là một sự thật đã và đang hiện hữu. Từ chiến tranh thế giới thứ I đến chiến tranh thế giới thứ II, bao nhiêu cuộc chiến tranh đẫm máu khác của nhân loại trên thế giới đã làm cho thế giới cạn kiệt tài nguyên, đã phá hủy bao nhiêu nền văn minh, đã chôn vùi bao nhiêu huy hoàng văn hóa nhân loại, đặc biệt đã kết thúc bao nhiêu mạng sống quý giá của con người, trong ấy trẻ em và phụ nữ là những nạn nhân đau khổ nhất. Từ khi loài người bắt đầu biết tổ chức xã hội, biết phân công lao động thì loài người cũng bắt đầu chú ý đến cạnh tranh. Mâu thuẫn cạnh tranh nâng cao thì chiến tranh có mặt. Ngày nay người ta thường nói đến sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng thật ra làm sao có thể cạnh tranh lành mạnh khi tâm hồn con người không lành mạnh? cạnh tranh thế giới không thể đơn giản như một cuộc đua Marathon có trọng tài. Và, cho dù có trọng tài giữ thước đo cho cạnh tranh công bằng và lành mạnh đi nữa, chưa chắc trọng tài là người có tâm hồn lành mạnh và công bằng. 28
  • 29. Nghèo đói sẽ có chiến tranh; bất công xã hội sẽ có chiến tranh; mâu thuẫn tôn giáo và ý thức hệ sẽ có chiến tranh; tham vọng quyền lực sẽ có chiến tranh; ảo tưởng thức ăn và dự trữ thức ăn sẽ có chiến tranh… Ngoài ra còn có những cuộc chiến tranh xâm chiếm với danh nghĩa đẹp đẽ là khai hóa văn minh cho người khác. Một khi có chiến tranh thì con người ta mới có ý thức lớn về nhu cầu hòa bình. Nhiều người còn cho rằng chiến tranh là để có hòa bình, để lập lại hòa bình, để đổi cái cũ thành cái mới giá trị hơn, tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nên chiến tranh cũng như hòa bình, cũng cần thiết để con người thấy qui luật vô thường và trân trọng cuộc sống. Chiến tranh và hòa bình là vấn đề muôn thuở của nhân loại. Nó là vấn đề hao tốn nhiều nhất tài nguyên và trí tuệ của loài người. Mỗi ngày thế giới có khoảng 25.0002 người chết vì thiếu thức ăn, nhưng chỉ năm 2010 thế giới đã tiêu đến 1.600 tỷ USD3 để trang bị vũ khí. Liệu có một giải pháp nào có thể trung hòa giữa chiến tranh và hòa bình để con người sống vui và an bình hơn không. Giống như người ta nói lửa và nước không cùng tồn tại, nhưng thật ra khi lửa + nước sẽ tạo thành nước sôi. Điều này có nghĩa lửa và nước có thể là anh em của nhau. Sakya Muni Buddha ở India hơn 2600 năm trước nói: “ Hận thù không thể chấm dứt được hận thù, chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù” 4. Liệu đây có nên xem như một tuyên ngôn cho giải pháp chiến tranh và hòa bình? Thực tế quan sát từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử xa xưa của nhân loại cho đến chiến tranh thế giới thứ I và thứ II, kể cả những cuộc Thập Tự Chinh của Thiên Chúa Giáo và những cuộc đấu tranh bảo vệ tín ngưỡng của người Hồi Giáo, chiến tranh có mang lại sự chấm dứt tận gốc chiến tranh? 2 56th Berlin International Film Festival on the Theme: Food, Taste and Hunger Global military expenditure 2010 - Global Issues 4 Dhammapada – Kinh Pháp cú 3 29
  • 30. Hay ngược lại, càng chiến tranh hận thù càng lớn? Càng chiến tranh càng tiêu hao tài nguyên của nhân loại, càng hủy diệt sinh mạng của con người? Chiến tranh thật sự không bao giờ là giải pháp tốt nhất cho hòa bình thế giới. Chỉ có tình thương biểu hiện thành thái độ hiểu biết, chia sẽ, hợp tác, trân trọng… mới có thể đưa đến hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, có một biểu hiện bất hợp lý nhưng là sự thật rằng: sống lâu quá trong hòa bình con người có khuynh hướng bạo động và chiến tranh. Đây là điều mà các triết gia Trung hoa gọi là “nhàn cư vi bất thiện”. Bởi thế, hòa bình thực sự phải là hòa bình ngay trong chính tâm hồn con người – tâm bình thế giới bình. Khi con người tìm thấy hòa bình bên trong cá nhân, con người ấy không có nhu cầu bạo động, hòa bình sẽ vĩnh viễn có mặt. Tất nhiên, hòa bình trong mỗi trái tim nhân loại là điều khó làm, nhưng hòa bình trong tâm một cá nhân, một cộng đồng là điều khả thi. Có chiến tranh để người ta thấy qui luật vô thường và trân trọng hòa bình là một sự thật. Sống lâu trong hòa bình con người ta có khuynh hướng bạo động là một sự thật. Hòa bình trong tâm hồn của tất cả mọi người là điền khó làm cũng là một sự thật. Nhưng, tình thương biểu hiện thành thái độ thân thiện, hiểu biết chia sẽ… có thể hóa giải chiến tranh cũng là một sự thật. Hòa bình trong tâm hồn một cá nhân hay một cộng đồng lại càng là một sự thật khả thi. Cho nên hi vọng hóa giải chiến tranh thông qua thái độ thân thiện, hiểu biết, hợp tác, chia sẽ từ những cá nhân có hòa bình bên trong tâm hồn là khả thi. Thế giới càng có nhiều người có hòa bình an lạc nội tại, thế giới càng có nhiều hòa bình hạnh phúc và càng có ít chiến tranh. 30
  • 31. Giàu Có Đích Thực Trong thực tế, ngoại trừ những chân sư , nhà hiền triết, cuộc sống ai cũng thích giàu có, bởi lẽ người ta điều cho rằng giàu có là chìa khóa cho ước muốn tôn trọng, ước muốn quyền thế, sự đầy đủ về ăn ngủ và nhu cầu thỏa mãn tình ái. Sự giàu có từ đó trở thành ám ảnh và mơ ước của nhiều người. Có những con người bị ám ảnh bởi sự giàu có đến nỗi họ sẵn sang hi sinh người thân và những mối quan hệ thiêng liêng như cha mẹ hay anh em huyết thống, kể cả vợ chồng. Sự giàu có có một sức hút kinh khủng đối với nhân loại. Con người say nó như một kẻ nghiện nặng đến nỗi quên hỏi giàu có đích thực là gì, tuổi thọ và giá trị của nó? Đọc lại lịch sử và quan sát thực tế cuộc sống, người ta thấy rằng người giàu có mà không biết tuổi thọ và giá trị thực của giàu có thường là những người đau khổ hay tàn phế ở cuối đường đi của một đời người. Những cái gọi là hạnh phúc do sự giàu có mang lại cho họ thường ngắn ngủi hơn đau khổ và phiền não. Nên có một câu nói vui là “bắt lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ hơn là cho một người giàu lên thiên đường “. Thực ra sự giàu có không có gì là xấu, của cải vật chất là những phương tiện để mang lại tiện nghi và sự dễ chịu nhất định cho cuộc sống nếu con người biết sử dụng chúng. Cao hơn nữa, nếu con người biết sử dụng sự giàu có của mình cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học hay bảo vệ môi sinh như Rocketfiller hay Bill Gate, thì sự giàu có rõ ràng là cần thiết. 31
  • 32. Vấn đề của sự giàu có là vấn đề của hiểu và sử dụng cái giàu có đó. Nếu một người giàu có hiểu được tuổi thọ của giàu có, hiểu được giá trị vật chất sở hữu, nói cách khác người giàu có thấy được sự giàu có sẽ không theo mình qua bên kia thế giới, giá trị của nó chỉ là giúp ta và người quanh ta hạnh phúc, thì sự giàu có và tài sản của họ bắt đầu đi vào thiên đường của những ánh sáng bất tử, như Rockerfiller của Mỹ hay Cấp Cô Độc của India. Nhân loại sẽ nhớ họ như những anh hùng, và cuộc đời họ là nguồn cảm hứng vô tận cho sự cống hiến, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương. Giàu có bấy giờ là giàu có đích thực, một sự giàu có vươn khỏi những con sóng tình cảm cá nhân, danh vọng quyền lực hay những bản năng tiêu cực của con người. Tất nhiên quà tặng của sự giàu có đích thực này là một niềm hạnh phúc viên mãn, một tâm trí minh triết, một trái tim dũng cảm và một cuộc sống vị tha vô tận mà nhân loại có thể thấy biểu hiện của nó từ những con người như Trần Nhân Tông của Việt Nam, Martin Luther King của Mỹ và Mahatma Gandhi của India … Người đi trên con đường lý tưởng phải là người giàu có đích thực, người có niềm hạnh phúc viên mãn, tâm trí minh triết, trái tim dũng cảm và một tình yêu vô tận với chúng sanh. 32
  • 33. Ước Mơ Những ngày ngồi trên ghế giảng đường đại học, có một thầy giáo dạy Xã Hội Học đã nói với mình: ước mơ là tài sản của những người nghèo. Ông giải thích: bạn là người nghèo, có nghĩa là bạn không có hay ít có những gì bạn muốn có, nếu bạn không có ước mơ bạn sẽ còn lại những gì? Câu nói này đã tác động mạnh đến tâm hồn mình. Mình bắt đầu ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ bằng việc sưu tập những gì liên quan đến nó. Mỗi buổi sáng mình thường nhìn những gì đang có về ước mơ đó vài phút hoặc lâu hơn để làm mạnh sự quyết tâm. Ước mơ của mình giản dị thôi, chỉ là mong ước một ngày mình có thể sử dụng được tốt tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Pháp để giao tiếp với những bạn bè thế giới, để hiểu về họ và chia sẽ hiểu biết của mình với họ, đặc biệt ý nghĩa cuộc sống, ước muốn tự do và thân phận nhân sinh. Năm cuối cùng của 4 năm đại học, mình bắt đầu bày tỏ ước mơ của mình với nhiều người. Mình thử lên kế hoặch thực hiện nó cho mình và tưởng tượng tính khả thi của nó, đồng thời suy tư để tìm kiếm điểm bắt đầu. Mình thấy mình phải bắt đầu học tiếng Anh, ít nhất mỗi ngày phải thuộc hai mươi chữ mới, và tự học là ưu tiên đầu tiên. Nghĩ như thế, mình bắt tay ngay vào học. Những bài học đầu tiên không dễ nhưng mình kiên nhẫn. Dần dần học được chút ít, đọc được vài mẫu chuyện tiếng Anh hay, mình thấy tự tin và thích thú với mơ ước của mình… Từ đó, cuộc đời mình thay đổi, ước mơ mình được chấp cánh. Mình được nhiều người nhìn thấy ánh sáng của sự quyết tâm, của lý tưởng và mơ ước. 33
  • 34. Họ giúp mình, giới thiệu mình tiếp xúc với những người thành công và hạnh phúc, trong đó có Thầy Huyền Diệu. Cánh cửa cơ duyên học hỏi được mở rộng và mình làm được chút ít việc phúc đức cho nhân sinh ở nhiều nơi. Ước mơ nhỏ của mình ngày nào đã thu hẹp, mình đã đi gần hết đoạn đường mình mơ. Ước mơ là một phép lạ. Tuổi trẻ cần phải có ước mơ và dám bày tỏa ước mơ. Obama, tổng thống Mỹ là một minh chứng cho một ước mơ và hi vọng táo bạo. Có điều con người chỉ nói ra điều mình ước mơ nhưng không nghĩ đến tính khả thi và sự bắt đầu của nó. Bởi thế, phần lớn ước mơ chỉ là mơ ước. Không thể có sự thành công cho một ước mơ nếu không có sự khởi đầu. Làm sao một cuộc hành trình không thể không bắt đầu bằng bước chân đầu tiên được? Không đi thì sẽ không bao giờ đến và năng lượng của sự khởi động ban đầu đó là lòng kiên nhẫn và đam mê. 34
  • 35. Kiên Nhẫn Và Đam Mê Một ước mơ nếu không có đam mê và kiên nhẫn, ước mơ ấy sẽ như những bọt sóng của đại dương, sẽ tan biến khi những con sóng vỗ bờ. Đam mê là một điều kiện cần thần kỳ, kiên nhẫn là nguồn năng lượng vô tận để đi tới. Hầu hết những bậc vĩ nhân của nhân loại điều đi qua con đường của kiên nhẫn và đam mê. Albert Einstein, người phát minh E = MC 2 làm đảo lộn giới khoa học thế kỷ XX, lớn lên và học hành trong sự khó khăn. Ông đã có lần thất vọng về việc học của mình. E = MC2 không phải là một phát minh ra đời ở một đại học danh tiếng hay một phòng thí nghiệm tối tân, từ một giáo sư hay nhà nghiên cứu tên tuổi. Thật giản dị, nó ra đời trong một văn phòng cấp bằng sáng chế từ một anh phụ trách tầm thường đam mê và kiên nhẫn với toán học và vật lý tên là Albert Einstein5. Một vĩ nhân khác của nhân loại là Mahama Gandhi 6. Cũng từ yêu lý tưởng bất bạo động và kiên nhẫn cho con đường giải phóng dân tộc bất bạo động, ông đã thành công đem lại độc lập cho dân tộc India theo một con đường độc nhất vô nhị trên thế giới – con đường bất bạo động , con đường không có súng đạn của chiến tranh. Ông đã từ bỏ danh lợi của một luật sư để bộ hành gần nữa cuộc đời cho sự độc lập của India theo con đường bất bạo động không đổ máu, tránh chiến tranh. Ông đi bộ cho đến tuổi 78, với tình yêu dân tộc India và lòng kiên nhẫn kêu gọi bất hợp tác với chính phủ thuộc địa. Ông đã 5 6 Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 35
  • 36. thành công và vui vẻ ra đi để lại yêu thương trong muôn triệu trái tim India và người yêu hòa bình thế giới. Xa hơn và vĩ đại hơn là hình ảnh Siddhatha 7 của vương triều Sakya thuộc vùng Himalaya của thời kỳ bình minh văn minh sông Hằng hơn 2600 năm trước, đã yêu thương nhân thế và lý tưởng giải thoát khỏi thân phận già bệnh chết của kiếp người, kiên nhẫn rời bỏ xa hoa hoàng cung sống đời khổ hạnh suốt sáu năm của một ẩn sĩ để tìm ra Chân Lý Duyên Sinh, Chân Lý Tứ Đế 8 … đưa con người từ trong tăm tối của vô minh dục vọng ra ánh sáng của giải thoát và hạnh phúc giữa cuộc sống đời thường. Một ước mơ, một tâm nguyện ban đầu có thể chỉ là một điểm mờ cuối đường thành công trong tâm trí. Nhưng đam mê và kiên nhẫn bước đến, điểm mờ ấy sẽ sáng dần và kết quả của ước mơ đó có thể là mặt trời cho sự sống của hàng triệu sinh linh. Niềm Tin 7 Tham khảo Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan dịch Tham khảo thêm sách Phật Học Khái Luận của H.T Thích Chơn Thiện và sách What The Buddha Taught của Rahula. 8 36
  • 37. Có ước mơ, có kế hoặch tương lai, có đam mê và kiên nhẫn, nhưng không có niềm tin, đặc biệt là tự tin thì một kết quả thất bại phía trước là điều có thể. Niềm tin như là nền móng của một ngôi nhà trên ấy bao nhiêu ước mơ và kế hoặch được xây dựng. Thiếu tự tin là đôi tay sẽ yếu, đôi chân sẽ run, bước chân đầu tiên của hành trình đi đến ước mơ sẽ khập khiển, thành công sẽ là một viễn cảnh xa vời. Năm 1940 người sáng lập Mc Donal có ý tưởng làm giàu bằng việc bán Hamburger. Ông lên kế hoặch và phương án chi tiết, sau đó tự tin đi thuyết phục những nhà đầu tư. Hết nhà đầu tư này đến nhà đầu tư khác ông đến gõ cửa, họ điều bắt đầu với kế hoặch của ông bằng một câu nói nhẹ nhàng: tôi tin kế hoặch kinh doanh của anh, nhưng tôi không nghỉ trở thành tỉ phú nhờ bán Hamburger. Dù bị từ chối nhiều lần, nhưng Mc Donal vẫn tin tưởng vào ước mơ của mình. Ông có một niềm tin quyết liệt vào những gì ông thấy. Thời gian đã chứng minh ông đúng. Năm 2008, doanh thu của tập đoàn Mc Donal là khoảng 22,8 tỷ USD, trong đó lợi nhuận ròng vào khoảng 3,5 tỷ USD9. Mc Donal ngày nay đã thành công không những trên đất Mỹ mà còn lan rộng toàn thế giới. Câu nói bán Hamburger không thể thành tỉ phú đã sai. Một ví dụ khác của niềm tin: năm 1993 Dr. Lâm Trung Quốc, người gốc Việt Nam quốc tịch pháp đầu tiên đến vườn Lumbini – nơi Phật Thích Ca giáng trần – sống hơn sáu tháng dưới căn lều bạt giữa rừng hoang nước động cùng hoang thú và chim muông. Ông đến đây với một niềm tin là phục hưng thánh địa Lumbini, nơi đã đi vào quên lãng từ gần một nghìn năm trước10. Khi ông sống dưới căn lều bạt, nhiều người bạn giáo sư và một số học trò nghĩ rằng ông cuồng điên, giấc mơ và niềm tin của ông là không tưởng. Bao nhiêu lời bình luận như thế, nhưng ông vẫn tự tin và kiên trì. Với 60 USD còn 9 Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 10 Xem thêm sách Khi Hồng Hạc Bay Về - Huyền Diệu 37
  • 38. lại trong túi, ông đã vui sống và xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự và cơ sở văn hóa Việt Nam tại Lumbini - ngôi chùa và trung tâm văn hóa quốc tế đầu tiên nơi Phật Thích Ca giáng trần. Ngoài ra ông đã thành công vận động những tổ chức và đại diện các nước đến Lumbini để xây dựng cơ sở văn hóa và chùa tháp của họ, hình thành một Liên Hiệp Quốc Phật Tự, vực dậy một vùng đất chết gần một nghìn năm, làm sáng lên một Thánh Địa Phật Giáo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bị bỏ quên gần nghìn năm qua. Niềm tin là nền tảng của thành công, là sức mạnh mềm đẩy cá nhân thành người vĩ đại, nhất là niềm tin vào cái thiện, tính công bằng và chân lý thực nghiệm của cuộc sống. Không có niềm tin sẽ thiếu mất lực đẩy của bước chân đầu tiên trên lộ trình hiện thực hóa ước mơ. Tuy nhiên, nhớ rằng niềm tin phải được soi sáng bằng cái thiện, cái đẹp, tính công bằng và chân lý thực nghiệm của hiện thực cuộc sống. Mình Thưởng Cho Mình Ngay từ thời còn học phổ thông cơ sở, mình đã có cơ duyên tiếp xúc và yêu mến âm nhạc, thường theo các anh chị lớn tuổi để tập đàn và vui hát những bản tình ca về tình yêu con người của Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh Công Sơn 38
  • 39. từ ấy đã nhẹ đi vào hồn mình và để lại cho mình những rung động nội tâm về kiếp người tình yêu và thân phận. Trong một bản nhạc, anh Sơn hỏi người em gái: Sống trên đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? Rồi Anh tự trả lời là “để gió cuốn trôi”11. Những ngày ấy mình không hiểu nhiều câu hát đó của Anh. Mình chỉ thích hát và thích sống với mọi người bằng một tấm lòng. Nhưng rồi thời gian đi qua, mình lớn lên và được cơ duyên học hiểu về tâm linh, về diễn biến tâm lý, về đạo đức và thiền định, cũng như tham gia làm chút ít việc thiện tại Nepal và india, mình mới trực nhận ra ý nghĩa sâu xa ngày nào của câu hát. Khi sống với mọi người bằng một tấm lòng tự nó là một phần thưởng. Mỗi một hành động thiện tự nó là một niềm vui, một niềm hạnh phúc. Hành động thiện càng lớn hạnh phúc càng cao, không cần phải thêm một điều gì nữa cả. Gió cuốn trôi ư? Không sao! Mà làm sao cuốn trôi hạnh phúc thật trong tâm hồn của con người. Trong cuộc sống đời thường, khi một người hành động, họ cần một phần thưởng xứng đáng cho hành động đó. Họ sẽ không bao giờ chịu làm tốt công việc được giao một cách tự nguyện và vui vẻ nếu họ không có được sự tưởng thưởng xứng đáng. Điều này cũng đúng thôi. Nhưng người làm việc với ý thức như thế sẽ không bao giờ có một tâm hồn vắng mặt những lo toan, trách móc, oán hận và đấu tranh. Họ rất sợ thất bại, họ rất sợ sự qua mặt của đồng nghiệp. Họ có thể có đến một nghìn lẻ một thứ sợ trong cuộc đời. Cuộc sống một kiếp người có thể dài, nhưng cũng có thể rất ngắn. Sáu mươi năm cuộc đời thực sự chỉ là ngày hôm qua khi quay lại ngắm nhìn. Không nói 11 Nghe thêm bài hát Để Gió Cuốn Trôi của Trịnh Công Sơn 39
  • 40. đến thời gian của công việc kiếm sống, thời gian ăn uống và ngủ nghỉ, thời gian còn lại của một đời người thực sự không bao nhiêu ! Phải chăng mọi con người có mặt trên cuộc đời này là để hạnh phúc? Phải chăng hạnh phúc là niềm mơ ước hướng nhân loại đi về. Từ nhà vua cho đến thường dân; từ hiền triết cho đến kẻ dại; từ thầy tu cho đến kẻ ngông cuồng, phải chăng tất cả điều bằng cách riêng của mình để đi tìm hạnh phúc? Trong khi hạnh phúc thật giản dị là sống và làm việc giữa đời sống bằng một tấm lòng! Trong thế giới của “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt” có gì thất bại khi con người vui với công việc của mình trong từng phút giây của sự sống? Có gì thất bại khi mình sống trọn vẹn một tấm lòng? Mục tiêu của đời sống con người phải chăng là hạnh phúc? Nếu cái gọi là thất bại có thể mang lại cho ta kinh nghiệm hay niềm vui thì thất bại cũng là hạnh phúc thôi. Hơn nữa, thất bại cũng chỉ giả danh của một tên gọi vì thế khi mình hết lòng với một ước mơ hay lý tưởng nào đó trong cuộc sống là mình đã có niềm vui. Thất bại hay thành công là kết quả tất yếu của công việc tùy thuộc vào sự chăm sóc và phương pháp thực hiện của người làm, có khi vượt ngoài nỗ lực của cá nhân. Và nếu nói “thất bại là mẹ đẻ của sự thành công” thì có gì phải khổ đau khi thất bại? Đừng chờ đợi một phần thưởng cho mình ở cuối lộ trình mơ ước. Cũng đừng hy vọng ai đó tưởng thưởng xứng đáng cho công sức làm việc mà mình bỏ ra. Hãy tự thưởng cho mình bằng niềm vui của một con người có trách nhiệm, có lòng với nhân loại, có hứng thú với công việc mình đang làm. Sống và công việc say sưa như đó là công việc vinh hạnh cuối cùng mà mình có thể làm trong kiếp sống. Không cần ai thưởng, mà cũng không có ai có thể cho mình phần thưởng ưng ý nhất ngoại trừ mình. Phần thưởng ưng ý nhất phải do mình thưởng, nên mình không có khổ đau cho dù “gió có cuốn trôi”. 40
  • 41. 41
  • 42. Trên Đường Lý Tưởng Từ khi biết nhận thức, biết suy tư về cuộc sống và ý nghĩa cuộc sống, ai cũng có những ước mơ, những lý tưởng đẹp cho riêng mình. Nhưng thời gian đi qua, chúng ta bắt đầu mệt mỏi, bắt đầu lệch hướng. Ta bắt đầu thấy cái hướng đi về hạnh phúc, ước mơ sao xa quá. Ta bắt đầu bi quan về chính mình. Cũng có khi ta đi được đúng hướng đi về hạnh phúc, nhưng ta quá ngạo mạn, quên chú ý bước chân, thế là té ngã không còn sức gượng dậy, chỉ còn nhìn về phía hạnh phúc mà ngậm ngùi . Con đường lý tưởng Paramita là một con đường đẹp nhưng không phải là con đường dễ đi cho tất cả mọi người. Bởi sức mạnh ma sát của dục ái trần gian trên con đường lý tưởng Paramita không nhỏ. Người đi trên con đường lý tưởng phải thông minh nắm rõ nguyên lý vận hành của sức mạnh dục ái. Có như thế mới đủ niềm tin, bước chân mới vững chãi trên lộ trình. Dục ái được nuôi dưỡng bởi cảm thọ; cảm thọ được nuôi dưỡng bởi xúc và tác ý; xúc và tác ý sinh ra từ những phân biệt của các giác quan khi tiếp xúc với đối tượng; sự phân biệt sinh ra từ sự thúc đẩy có tính bản năng của thể xác và tâm hồn (sinh lý và tâm lý). Khi tâm hồn được soi sáng bởi chánh niệm tĩnh giác; thể xác được quân bình trên Trung Đạo âm dương thì dục ái sẽ vắng mặt, con đường lý tưởng Paramita sẽ thênh thang. Người đi trên đường lý tưởng Paramita là người của hiện thân đạo đức, là người của một tia nắng vàng góp đẹp cho mùa xuân. Không có thắng hay 42
  • 43. thua trên đường Paramita, cũng không có đúng hay sai dưới bước chân họ đang đi. Chỉ có khổ đau và hạnh phúc là hai bờ của một con kênh cần nhìn rõ. Người đi trên đường lý tưởng Paramita là người tin tưởng trọn vẹn chân lý công bằng của vũ trụ, qui luật nhân quả của muôn loài, với ước mơ thế giới nhiều an bình, nhân loại nhiều yêu thương, chiến tranh bớt bùng nổ, môi sinh được trong lành, thiên nhiên được chăm sóc và một ý nguyện theo đuổi ước mơ đầy đam mê, kiên nhẫn và tự tin, nhưng không yêu cầu phần thưởng ở mọi người. Phần thưởng của họ là niềm vui được giúp đỡ và chia sẽ, được yêu thương, được góp phần hòa bình thế giới và bảo vệ môi sinh, được sống với thiên nhiên và gần gũi con người. Trên con đường lý tưởng Paramita, quá khứ là lịch sử tương lai la bí ẩn. Chỉ có hiện tại là hiện hữu. Việc làm của người đi trên con đường lý tưởng Paramita là việc làm có định hướng trong hiện tại. Niềm vui của người đi trên con đường lý tưởng Paramita cũng là niềm vui hiện tại trên mỗi bước chân. 43
  • 44. Nhuận Đạt – TMT VIET NAM PHAT QUOC TU - LUMBINI P.O. BOX 4. SIDDHATHA NAGAR, BHAIRAHAWA, LUMBINI, NEPAL Email: nhuandattmt@gmail.com HẠNH PHÚC BÊN THẦY CHIÊM BÁI NGŨ ĐÀI SƠN 44
  • 45. TRÊN ĐỈNH FANXIPAN HỒNG HẠC TẠI LUMBINI HÌNH ẢNH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TRÊN ĐẤT PHẬT 45