SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  213
AI QPHẠM AN MIÊN - NGUYỄN LÊ HUÂN




   HỌC TỐT NGỮ VĂN 10
            NÂNG CAO (TẬP HAI)




NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
                                                1
2
LỜI NÓI ĐẦU
     Từ năm học 2006-2007, sách giáo khoa Trung học phổ thông môn Ngữ văn
được triển khai dạy học bao gồm: sách giáo khoa Ngữ văn (biên soạn theo chương
trình chuẩn) và sách giáo khoa Ngữ văn nâng cao theo nguyên tắc tích hợp (văn
học, tiếng Việt và làm văn), nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo
của học sinh.
     Nhằm giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo để tăng cường khả
năng tự học, chúng tôi biên soạn bộ sách Học tốt Ngữ văn Trung học phổ thông.
Bộ sách sẽ được biên soạn tương ứng các lớp 10, 11 và 12, mỗi lớp hai cuốn.
Theo đó, cuốn Học tốt Ngữ văn 10 nâng cao – tập hai sẽ được trình bày theo thứ
tự tích hợp các phân môn:
    - Văn học
    - Tiếng Việt
    - Làm văn
     Cách tổ chức mỗi bài trong cuốn sách sẽ gồm hai phần chính:
           I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
           II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    Nội dung phần KIẾN THỨC CƠ BẢN với nhiệm vụ củng cố và khắc sâu
kiến thức sẽ giúp học sinh tiếp cận với những vấn đề thể loại, giới thiệu những
điều nổi bật về tác giả, tác phẩm (với phần văn học); giới thiệu một số khái niệm,
yêu cầu cần thiết mà học sinh cần nắm vững để có thể vận dụng được khi thực
hành.
    Nội dung phần RÈN LUYỆN KĨ NĂNG đưa ra một số hướng dẫn về thao tác
thực hành kiến thức (chẳng hạn: Luyện tập vận dụng các hình thức kết cấu văn
bản thuyết minh, Luyện tập đọc – hiểu văn bản văn học, Luyện tập về liên kết
trong văn bản, Thực hành thao tác chứng minh, giải thích, quy nạp, diễn dịch,
                                                                                3
Luyện tập trình bày một vấn đề,...). Mỗi tình huống thực hành trong phần này đặt
ra một yêu cầu học sinh phải thông hiểu kiến thức cơ bản của bài học; ngược lại,
qua công việc thực hành, kiến thức lí thuyết cũng có thêm một dịp được cũng cố.
Vì thế, giữa lí thuyết và thực hành có mối quan hệ vừa nhân quả vừa tương hỗ rất
chặt chẽ.
    Ngoài các nhiệm vụ trên, ở một mức độ nhất định, nội dung cuốn sách còn
hướng tới việc mở rộng và nâng cao kiến thức cho học sinh lớp 10. Điều này thể
hiện qua cách tổ chức kiến thức trong từng bài, cách hướng dẫn thực hành cũng
như giới thiệu các ví dụ, các bài viết tham khảo.
    Cuốn sách chắc sẽ còn những khiếm khuyết. Chúng tôi rất mong nhận được ý
kiến đóng góp để có thể nâng cao chất lượng trong những lần in sau.
    Xin chân thành cảm ơn.


                                                         NHÓM BIÊN SOẠN




                                                                              4
Tuần 19
    PHÚ SÔNG BẠCH ĐẰNG
    (Bạch Đằng giang phú)
                                                          TRƯƠNG HÁN SIÊU

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
     1. Trương Hán Siêu (? – 1354), tự là Thăng Phủ, quê ở thôn Phúc Am, xã
Ninh Thành, nay thuộc thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Các vua Trần rất kính
trọng Trương Hán Siêu, thường gọi ông là “thầy”. Là người tài đức vẹn toàn nên
khi qua đời, ông được thờ ở Văn Miếu. Tác phẩm của Trương Hán Siêu có: Bạch
Đằng giang phú, Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí (Bài kí ở tháp Linh Tế trên núi
Dục Thuý), Khai Nghiêm tự bi kí (Bài kí trên bia chùa Khai Nghiêm) và Cúc hoa
bách vịnh,… Thơ văn Trương Hán Siêu thể hiện tình cảm yêu nước, ý thức dân
tộc, tinh thần trách nhiệm đối với xã tắc của một người đề cao Nho học.
     2. Phú sông Bạch Đằng là loại phú cổ thể: mượn hình thức đối đáp chủ –
khách để thể hiện nội dung, vận văn và tản văn xen nhau, kết thúc bằng một bài
thơ. Loại phú cổ thể (có trước đời Đường) được làm theo lối văn biền ngẫu hoặc
lối văn xuôi có vần, khác với phú Đường luật (có từ đời Đường) có vần, có đối, có
luật bằng trắc chặt chẽ.
    3. Bài Phú sông Bạch Đằng thể hiện niềm hoài niệm về chiến công của các
anh hùng dân tộc, nêu cao vai trò của yếu tố con người với tinh thần ngoan cường,
bất khuất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Tìm hiểu xuất xứ bài phú
    Gợi ý:
    Phú sông Bạch Đằng có lẽ được Trương Hán Siêu sáng tác vào đời Trần Hiến
Tông, Trần Dụ Tông, khi nhà Trần suy thoái, có nguy cơ sụp đổ. Khi có dịp du
ngoạn trên sông Bạch Đằng, một nhánh sông Kinh Thầy đổ ra biển nằm giữa


                                                                               5
Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi lưu dấu chiến tích lịch sử Ngô Quyền đánh thắng
quân Nam Hán và nhà Trần tiêu diệt quân Nguyên Mông, ông đã cảm khái mà
làm thành bài phú này.
    2. Phân tích bố cục của bài phú
    Gợi ý:
    Bài phú này có có kết cấu ba phần theo như lối kết cấu thường thấy ở thể phú:
    - Mở đầu: Giới thiệu nhân vật, nêu lí do sáng tác (từ đầu cho đến …dấu vết
luống còn lưu.).
    - Nội dung: Đối đáp (từ Bên sông các bô lão… cho đến Nhớ người xa chừ lệ
chan.).
    - Kết thúc: Lời từ biệt của khách (phần còn lại).
    3. Cách miêu tả khái quát, ước lệ kết hợp với tả thực trong đoạn mở đầu:
     - Ước lệ: Nguyên Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách
Việt, đầm Vân Mộng; sóng kình, muôn dặm, đuôi trĩ, ba thu,…
    - Cảnh thực: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng, bờ lau san sát,
bến lách đìu hiu,…
    4. Thủ pháp liệt kê trùng điệp được sử hiệu quả.
    - Miêu tả không gian rộng lớn, thời gian liên hoàn: "giương buồm giong
gió…, lướt bể chơi trăng…; sớm gõ thuyền…, chiều lần thăm…"
   - Làm nổi bật những kì tích: "Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt
Ô Mã - Cũng là bãi đất xa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao"; "Tất Liệt thế c-
ường, Lưu Cung chước dối,…"
    5. Các hình ảnh đối nhau diễn tả không khí bừng bừng chiến trận ("Thuyền bè
muôn đội tinh kì phấp phới – Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói"), hay để
miêu tả thế giằng co quyết liệt ("ánh nhật nguyệt chừ phải mờ – Bầu trời đất chừ
sắp đổi").
    6. Về nghệ thuật chọn lọc hình ảnh, sử dụng điển tích

                                                                               6
Tác giả đã lựa chọn hình ảnh, điển tích diễn tả nổi bật sự thất bại của quân
giặc, khẳng định một cách trang trọng tài trí của vua tôi nhà Trần:
    - "Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay – Trận Hợp Phì, giặc Bồ
Kiên hoàn toàn chết trụi."
   -"Hội nào bằng hội Mạnh Tân, có lương sư họ Lã – Trận nào bằng trận Dục
Thuỷ, có quốc sĩ họ Hàn."
    7. Vần trong đoạn 1 và 2:
    - Vần lưng: vơi – chơi, lâu - đâu
    - Vần chân: Việt – biết – thiết
    - Vần gián cách: nhiều – Triều – chiều, đối - đổi – dối – lối – nổi, Hàn – nhàn
– chan.
    8. Nhân vật “khách” – cái tôi của tác giả:
     Sông Bạch Đằng và những hoài niệm về chiến công trên dòng sông này đều
xuất phát từ sự quan sát của nhân vật “khách” – tác giả. Chính qua sự quan sát ấy,
nhân vật khách hiện lên với vẻ đẹp phóng khoáng, mạnh mẽ của bậc tráng sĩ: "…
chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều – Mà lòng tráng sĩ bốn phương vẫn còn tha
thiết". “Khách” ấy cũng là người thích ngao du, thăm thú và tìm hiểu lịch sử dân
tộc:"Học Tử Trường chừ thú tiêu dao".
    9. Nhân vật “bô lão” – hình ảnh của tập thể, xuất hiện trong hình thức đối đáp
ở đoạn hai như sự hô ứng, qua đó tái hiện lại kì tích xưa, bộc lộ niềm ngưỡng
vọng, tự hào hùng tráng:
     - Những chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng: Chiến thắng gắn với tên
tuổi Ngô Quyền và chiến thắng gắn với tên tuổi Trần Hưng Đạo. Các chiến thắng
vang dội này được đặc biệt tô đậm nhờ những hình ảnh, điển tích được chọn lựa
hết sức đặc sắc: “tinh kì phấp phới, giáo gươm sáng chói”, “ánh nhật nguyệt...
phải mờ, bầu trời đất... sắp đổi”, “tan tác tro bay,... hoàn toàn chết trụi...; Xích
Bích, Hợp Phì,…”
    - Ngẫm lại xưa, thấy chiến thắng oanh liệt là bởi “trời đất cho nơi hiểm trở”,

                                                                                  7
“nhân tài giữ cuộc điện an” và “bởi đại vương coi thế giặc nhàn”, nghĩ đến nay
chỉ thêm hoài tiếc: "Đến bên sông chừ hổ mặt – Nhớ người xa chừ lệ chan".
    10. Đoạn cuối bài, trong lời thơ, “bô lão” và “khách” như hiện thân hô ứng
của xưa – nay ca lên niềm tự hào về non sông hùng vĩ, bình luận về chiến thắng
sông Bạch Đằng bằng khúc anh hùng ca về tinh thần ngoan cường, bất khuất của
con người:
     - Lời ca của “bô lão” khẳng định sự hằng tồn của dòng sông Bạch Đằng lịch
sử, cũng là khẳng định chân lí: “Những người bất nghĩa tiêu vong – Nghìn thu chỉ
có anh hùng lưu danh”.
     - Lời ca của “khách” tiếp nối âm hưởng tự hào, tôn vinh ở lời ca của “bô lão”
đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của con người trong chiến công xa, cũng là chân
lí thấm đẫm tinh thần nhân văn cho muôn đời.


    Đọc thêm
    PHÚ NHÀ NHO VUI CẢNH NGHÈO
    (Trích Hàn nho phong vị phú)
                                                           NGUYỄN CÔNG TRỨ

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
     1. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), huý là Củng, tự Tôn Chất, hiệu Ngộ
Trai, biệt hiệu Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Cuộc đời làm quan của ông tuy lúc thăng lúc giáng thất thường, nhưng ông luôn
vui vẻ, một lòng vì dân, vì nước. Các sáng tác: 53 bài thơ Nôm luật Đường, 1 bài
thơ chữ Hán, 1 bài phú Nôm, 21 câu đối Nôm, 8 câu đối Hán, 62 bài ca trù,…
Nguyễn Công Trứ có vai trò đặc biệt trong thể thơ hát nói. Bài phú Hàn nho
phong vị phú cũng là một sáng tạo đặc sắc của ông. “Thơ văn Nguyễn Công Trứ
nhất là ca trù ngân lên một giọng điệu mới, phản ánh một khuynh hướng tư tưởng
khác với trước đó, tập trung vào một số chủ đề gắn bó với con người và cuộc đời
tác giả.”

                                                                                8
2. Phú có bốn loại chính: cổ phú, bài phú, luật phú và văn phú. Hàn nho
phong vị phú thuộc loại luật phú, chú trọng đối, vần.
    3. Qua miêu tả hết sức cặn kẽ cảnh nghèo, tác giả bộc lộ quan niệm về thú vui
sống, thanh thản, nhàn nhã của một nhà nho tài tử.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Các vế sóng đôi, đối nhau, với những hình ảnh cường điệu, cực tả cái
nghèo, thể hiện cái nhìn trào lộng, hóm hỉnh.
     2. Ngôn ngữ văn xuôi, dân dã được sử dụng với mật độ dày: chém cha, nó, ấy
ấy, đầu kèo, trước sân, ống nứa, đầu giường tre, thằng bé tri trô, rọi trứng gà bên
vách, xoi hang chuột trong nhà, ngấp ngó, trong cũi, đầu giàn, lợn nằm gặm
máng, chuột cậy khua niêu, vỗ bụng rau bình bịch, ngáy kho kho, áo vải thô nặng
trịch, khăn lau giắt đỏ lòm,… Qua đó, cảnh nghèo của nhà nho được miêu tả sinh
động, chân thực đến suồng sã.
    3. Tác giả đã đặt vấn đề gì ở bốn vế đầu của đoạn trích?
    Gợi ý: Ở bốn vế đầu, tác giả nói đến cái nghèo vừa như muốn vạch trần lại
vừa như chữa “tội”, đùa giỡn. Thái độ trước cái nghèo thể hiện ở bốn vế đầu được
cụ thể hoá bằng việc tả cảnh nghèo và bộc lộ bản lĩnh sống, thái độ trước cuộc
sống nghèo khó của nhà nho ở 16 vế tiếp sau.
    4. Nhận xét về cái nhìn của tác giả đối với cảnh nghèo.
     Gợi ý: Nửa như ca thán, chán ngán cảnh nghèo, nửa như bông đùa, bất chấp
cái khó khăn để tìm vui thú, tác giả đã có cái nhìn vừa hết sức thực tế đối với cuộc
sống, xót xa trước cảnh nghèo hèn vừa như bỡn cợt, “ngông”. Tác giả đứng ở tư
thế của người trong cảnh nghèo, nếm trải mọi điều đồng thời cũng là người vượt
lên trên hoàn cảnh, tìm lẽ tự tại cho mình.




                                                                                  9
CÁC HÌNH THỨC KẾT CẤU
                    CỦA VĂN BẢN THUYẾT MINH
    I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
    1. Văn bản thuyết minh nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về
cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,… của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề nào
đó. Có nhiều loại văn bản thuyết minh.
    2. Phù hợp với mối liên hệ bên trong của sự vật hay quá trình nhận thức của
con người, văn bản thuyết minh có thể có nhiều loại hình thức kết cấu khác nhau:
    - Kết cấu theo trình tự thời gian: trình bày sự vật theo quá trình hình thành,
vận động và phát triển.
    - Kết cấu theo trình tự không gian: trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của
nó (bên trên - bên dưới, bên trong - bên ngoài, hoặc theo trình tự quan sát,…).
    - Kết cấu theo trình tự lôgic: trình bày sự vật theo các mối quan hệ khác nhau
(nguyên nhân - kết quả, chung - riêng, liệt kê các mặt, các phương diện,…).
    - Kết cấu theo trình tự hỗn hợp: trình bày sự vật với sự kết hợp nhiều trình tự
khác nhau.
    II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Văn bản Lịch sử vấn đề bảo vệ môi trường thuyết minh về đối tượng nào?
Để thuyết minh về đối tượng ấy, người viết đã sử dụng hình thức kết cấu nào?
    - Văn bản thuyết minh về Lịch sử vấn đề bảo vệ môi trường.
     - Hình thức kết cấu của văn bản được tổ chức phối hợp giữa trình tự quan hệ
nhân quả (Từ nguyên nhân ô nhiễm môi trường đến sự nhận thức về tác hại của ô
nhiễm môi trường do Ra-sen Ca-xơn đưa ra trong tác phẩm Mùa xuân lặng lẽ và
từ đó dấy lên phong trào bảo vệ môi trường) và trật tự quan hệ thời gian (Ngày
nay…  Sau Chiến tranh thế giới thứ hai…  Năm 1962…  khởi đầu từ thập
kỉ sáu mươi…).
    2. Văn bản Thành cổ Hà Nội thuyết minh về đối tượng nào? Để thuyết minh

                                                                                10
về đối tượng ấy, người viết đã tổ chức hình thức kết cấu như thế nào?
    - Văn bản giới thiệu về đặc điểm trật tự kết cấu của thành cổ Hà Nội.
    - Để giới thiệu đặc điểm trật tự kết cấu của thành cổ Hà Nội, bài văn đã được
tổ chức theo trình tự không gian từ trong ra ngoài: Tử Cấm Thành  Hoàng
Thành  Kinh Thành.
    3. Văn bản Học thuyết nhân ái của Nho gia thuyết minh về đối tượng nào?
Để thuyết minh về đối tượng ấy, người viết đã tổ chức hình thức kết cấu ra sao?
    - Văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản của học thuyết nhân ái.
     - Người viết đã tổ chức kết cấu văn bản theo trình tự lô gích của đối tượng –
tư tưởng nhân ái:
    + Giới thiệu chung về thuyết nhân ái;
    + Nội dung hai chữ nhân, ái;
    + Nội dung hai chữ trung, thứ.
    4. Tìm hiểu kết cấu của phần Tri thức đọc – hiểu về thể loại Phú:
    Phú vốn là thể văn Trung Quốc thịnh hành vào thời Hán, dùng lối văn có nhịp
điệu, nhằm miêu tả, trình bày sự vật để biểu hiện tình cảm, ý chí của tác giả. Phú
có bốn loại chính: cổ phú, bài phú, luật phú và văn phú.
     Cổ phú thường dùng hình thức “chủ – khách đối đáp”, không đòi hỏi đối,
cuối bài thường kết lại bằng thơ; bài phú là phú dùng hình thức biền văn, câu văn
4 chữ, 6 chữ, 8 chữ sóng đôi với nhau; luật phú là phú thời Đường, chú trọng đến
đối, vần hạn chế, gò bó; văn phú là phú thời Tống, tương đối tự do, có dùng câu
văn xuôi.
    Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc loại cổ phú, sử dụng lối “chủ – khách đối
đáp”; câu thơ có xen tiếng chừ (ví dụ: “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương –
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”) đậm chất trữ tình và sử dụng câu đối theo kiểu vế
sau phô diễn tiếp mạch ý của vế trước (ví dụ: “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá -
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”), nhiều vần thay nhau (nguyên văn bài phú này


                                                                               11
bằng chữ Hán có 8 vần) làm cho hình thức vừa cổ kính vừa uyển chuyển.
    Cổ phú ở Trung Quốc chủ yếu thể hiện đời sống cung đình, thích khoa trương
hình thức. Bài phú của Trương Hán Siêu hoài niệm về chiến công của các anh
hùng dân tộc, nêu cao vai trò của yếu tố con người trong sự nghiệp dựng nước và
giữ nước.
    a) Về đối tượng thuyết minh: Văn bản thuyết minh về thể loại phú.
    b) Các đoạn của văn bản được sắp xếp kết cấu theo trình lô gích của đối
tượng – thể loại văn học:
    - Khái niệm chung về thể loại phú;
    - Đặc điểm của các thể phú;
    - Đặc điểm thể loại của bài Phú sông Bạch Đằng;
    - Sự sáng tạo thể loại của bài Phú Sông Bạch Đằng.


    Tuần 20
    THƯ DỤ VƯƠNG THÔNG LẦN NỮA
    (Tái dụ Vương Thông thư)
                                                          NGUYỄN TRÃI

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
    1. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là ức Trai, quê gốc tại làng Ngái (Chi
Ngại), huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải
Dương). Ông mất ngày 19 – 9 – 1442, tức 16 tháng tám năm Nhâm Tuất, niên
hiệu Đại Bảo thứ ba, trong vụ án Lệ Chi Viên (tức vụ án Trại Vải, huyện Gia Lư -
ơng, nay thuộc Bắc Ninh), vụ án tru di tam tộc oan khốc nổi tiếng trong lịch sử
Việt Nam. Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Trãi, mặc dù bị mất mát nhiều, song
vẫn còn khá đồ sộ về số lượng và kiệt xuất về chất lượng: Bình Ngô đại cáo,
Quân trung từ mệnh tập, Lam Sơn thực lục, Vĩnh Lăng thần đạo bi, Chí Linh sơn
phú, Dư địa chí, Băng Hồ di sự lục, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập.

                                                                             12
2. Trong thời trung đại, thư ban đầu là tên chung của loại thư tín, viết để trao
đổi thông tin công việc hoặc tình cảm giữa người với người, hoặc gửi cho vua
quan, bạn bè, người thân. Về sau, thư gửi vua được gọi là biểu, tấu còn thư chỉ là
hình thức thông tin giữa những người ngang hàng. Trong Quân trung từ mệnh, thư
là hình thức công văn, bàn việc nước, việc chiến, việc hoà nên mang đậm nét tính
chính luận.
    3. Với một nghệ thuật nghị luận bậc thầy, thư lại dụ Vương Thông của
Nguyễn Trãi cho thấy ý chí quyết thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của
quân và dân ta.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Tìm hiểu xuất xứ
    Gợi ý:
    Trong sự nghiệp phò tá Lê Lợi đánh quân Minh, Nguyễn Trãi có nhiệm vụ
soạn thảo các thư từ gửi cho các tướng nhà Minh và nhân danh Lê Lợi để khuyên
dụ. Nguyễn Trãi đã thực hiện chiến thuật “tâm công” hết sức hiệu quả.
     Thư lại dụ Vương Thông là thư số 35, một trong những bức thư gửi cho
Vương Thông. Bấy giờ thành Đông Quan (Hà Nội nay) bị quân ta vây hãm, quân
địch ở trong thành đang khốn đốn. Bức thư này viết vào khoảng tháng 2 – 1427
thì đến tháng 10 năm ấy, sau khi Liễu Thăng bị giết ở gò Mã Yên, Vương Thông
không đợi lệnh vua Minh đã “tự ý giảng hoà” với quân Lam Sơn rồi rút quân về n-
ước.
    2. Đặt vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể để phân tích mục đích của bức thư:
    Mục đích viết thư của Nguyễn Trãi là dụ giặc ra hàng và rút quân về nước.
Mục đích này được nói rõ trong các câu: “Các ông là những người xét rõ sự cơ,
hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân
dâng nộp. Như vậy, trong thành sẽ tránh được nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ
đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp bỏ. ”.
    3. Tìm hiểu bố cục bức thư

                                                                                  13
Gợi ý:
    Bức thư có bố cục 3 đoạn:
    - Đoạn 1 (từ đầu cho đến Sao đủ để cùng nói việc binh được?): Nêu lên
nguyên lí của người dùng binh là phải hiểu biết thời thế.
    - Đoạn 2 (từ Trước đây các ông trong lòng… cho đến … bại vong đó là sáu !):
Phân tích thời và thế của đối phương ở thành Đông Quan.
     - Đoạn 3 (phần còn lại): Khuyên hàng, hứa hẹn những điều tốt đẹp, thách đấu
và sỉ nhục tướng giặc.
    4. Phân tích mối quan hệ giữa các đoạn để thấy được mạch lập luận
    Gợi ý:
    Lôgic giữa các đoạn thể hiện mạch lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục:
Người làm dùng binh không thể không hiểu biết thời thế à Nay ở vào thời thế chỉ
chuốc lấy bại vong à Trong tình hình như vậy, nếu hiểu biết thời thế thì phải đầu
hàng và rút quân về nước à Nếu không thì ra giao chiến phân tài hơn kém, không
nên hèn nhát như thế.
    5. Phân tích tư tưởng được thể hiện trong đoạn mở đầu
     Gợi ý: Ở đoạn mở đầu, tác giả nêu tư tưởng về thời thế đối với người dùng
binh. Đưa ra tư tưởng thời thế như một nguyên lí căn bản trong việc dùng binh,
tác giả đã mở đầu bằng chân lí sáng rõ, phàm là người làm tướng đều thấu hiểu,
để từ đó sẽ đi đến phân tích thời thế cụ thể của đối phương nhằm mục đích thuyết
phục, dụ hàng; đồng thời khẳng định kẻ địch không những không hiểu thời thế mà
còn dối trá, che đậy nguy cơ thảm bại. Đây là đoạn văn có vai trò nêu chủ đề, mở
ra hướng lập luận cho toàn bài.
    6. Lời lẽ thể hiện tư thế của người viết thư như thế nào?
    Gợi ý:
    Mặc dù tư thế của người nắm phần chủ động, hơn về sức mạnh quân sự cũng
như thời thế, song thái độ của tác giả hết sức linh hoạt: đối với bọn Vương Chính,


                                                                               14
Mã Kì tàn ác, ngoan cố thì sỉ mắng, cương quyết tiêu diệt; đối với Vương Thông,
Sơn Thọ và các tướng khác thì phân tích thời thế, cương nhu linh hoạt, chủ yếu dụ
hàng. Cuối cùng, vừa khuyên nhủ, hứa hẹn lại vừa sỉ mắng, “khích tướng”, thách
đánh để chứng tỏ sức mạnh làm chủ tình thế của quân ta. Tác giả khuyên hàng với
lí lẽ vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn: một là đầu hàng, sẽ được bảo toàn; hai là đem
quân ra đọ sức, mà với thời thế như đã phân tích sáng rõ ở phần trên bức thư thì
phương án này chỉ đem lại kết quả thảm bại. Bức thư thể hiện địch vận “đánh vào
lòng người” của Nguyễn Trãi, cho thấy sự kết hợp tài tình giữa tính chiến đấu
mạnh mẽ với lòng yêu chuộng hoà bình thiết tha của tác giả.
    7. Thời và thế của quân Minh đã được tác giả phân tích trong đoạn 2 của bức
thư như thế nào?
    Gợi ý:
     - Thế của quân Minh ở Trung Quốc: Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc
lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời…; Phía Bắc
có giặc Nguyên, trong nước có nội loạn ở Tầm Châu.
    - Thế của quân Minh ở Đông Quan: kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt,
trong không lương thảo, ngoài không viện binh,…
    - Sáu cớ bại vong tất yếu, không thể bác bỏ.
     8. Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của
tác giả, cũng là của nhân dân ta:
    - Chỉ rõ sự thất bại của địch, khẳng định thế tất thắng của ta (sáu cớ bại
vong).
     - Khuyên dụ đầu hàng, mở ra đường thoái lui cho đối phương: “sửa sang cầu
cống, mua sắm tàu thuyền, thuỷ lục hai đường, tuỳ theo ý muốn; quân ra khỏi bờ
cõi, muôn phần bảo đảm được yên ổn”.
    - Bộc lộ quan điểm hoà hữu, bang giao thân thiện, lâu dài: “nước tôi lại phụng
cống xưng thần, theo như lệ trước”.



                                                                               15
PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT
    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
    Là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn
chương, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật khác với các phong cách ngôn ngữ khác
ở những điểm cơ bản sau:
    1. Tính thẩm mĩ
    Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn
ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình
tượng, có sự tổng hoà của ngữ âm và ngữ nghĩa, hoà phối để tạo nên hiệu quả
thẩm mĩ.
    2. Tính đa nghĩa
    Nghĩa của văn bản nghệ thuật gồm nhiều thành phần: thành phần biểu thị
thông tin khách quan, thành phần biểu thị tình cảm; thành phần nghĩa tường minh,
thành phần nghĩa hàm ẩn. Các thành phần nghĩa này thống nhất với nhau trong
những hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể, vừa sinh động. Trong đó, thành phần
nghĩa hàm ẩn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật, biểu thị
những suy ngẫm, gợi liên tưởng, tưởng tượng,… tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ,
những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.
    3. Dấu ấn riêng của tác giả
     Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt. Sở
thích và sở trường ấy được bộc lộ ở những tác phẩm có giá trị và tạo thành nét độc
đáo, dấu ấn riêng của tác giả.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Những loại văn bản nào sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật?
    Gợi ý: Các loại văn bản văn chương (văn xuôi nghệ thuật, thơ, kịch) sử dụng
phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
    2. Nói đến phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, cần phải nhớ đến những đặc

                                                                               16
điểm cơ bản nào?
    Gợi ý: Tính thẩm mĩ, tính đa nghĩa và dấu ấn riêng của tác giả là những đặc
điểm cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
    3. Hãy phân tích đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật biểu
hiện ở bài Phú nhà nho vui cảnh nghèo của Nguyễn Công Trứ.
    Gợi ý:
    - Về tính thẩm mĩ của văn bản:
    + Tính thẩm mĩ thể hiện ở cấu trúc văn bản theo thể loại phú: Văn bản Phú
nhà nho vui cảnh nghèo thuộc thể bài phú, ngôn ngữ được tổ chức theo hình thức
biền văn, có sáu mươi tám vế sóng đôi; hai mươi vế đầu miêu tả nơi ở, cách sống
và ăn mặc của một nhà nho nghèo.
    + Tính thẩm mĩ thể hiện ở các yếu tố ngôn ngữ, các biện pháp tu từ tập trung
diễn tả nơi ở, cách sống và ăn mặc của một nhà nho nghèo: sự lặp lại, sóng đôi,
điệp âm (Chém cha… chém cha, rành rành – ấy ấy, bình bịch – kho kho, chát
chát chua chua – nhai nhai nhổ nhổ,…; hiệp vần o, ô), đối (Bóng nắng rọi trứng
gà bên vách, thằng bé tri trô - Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp
ngó,…), lối nói “phô trương” (mọt tạc vẽ sao, nhện giăng màn gió, mối giũi
quanh co, giun đùn lố nhố, lợn nằm gặm máng, chuột cậy khua niêu, vỗ bụng rau
bình bịch, an giấc ngáy kho kho, áo vải thô nặng trịch, khăn lau giắt đỏ lòm,…),
…
    - Về tính đa nghĩa của văn bản: Tác giả không dùng chữ nghèo nào mà vẫn
miêu tả được cảnh nghèo của hàn nho; Qua việc miêu tả khách quan cảnh sống
nghèo (nơi ở, cách sống, ăn mặc), tác giả đã lột tả được cảnh sống nghèo đến cùng
cực, đồng thời cho thấy quan niệm, thái độ sống lạc quan của một nhà nho chân
chính.
    - Về dấu ấn riêng của tác giả: Dấu ấn riêng của tác giả thể hiện nổi bật qua
giọng điệu mỉa mai, châm biếm (đặc biệt là ở từ phong vị, hay việc sử dụng ngôn
ngữ trong cách nói “phô trương”,…). Cũng qua giọng điệu ấy mà hình tượng tác
giả hiện ra với một tư thế vừa ngao ngán vừa ngạo nghễ, bất chấp, ngông,…

                                                                              17
Nguyễn Công Trứ thường để lại ấn tượng về một cá tính ngang tàng, đậm chất tài
tử.
    4. Phân tích đoạn thơ sau đây để làm sáng tỏ đặc điểm chung của phong cách
ngôn ngữ nghệ thuật.
                       Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
                       Con thuyền xuôi mái nước song song;
                       Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
                       Củi một cành khô lạc mấy dòng.
                                                  (Huy Cận, Tràng giang)
    Gợi ý: Để phân tích những biểu hiện của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
trong đoạn thơ trên, hãy tham khảo đoạn văn sau.
     “Ngay câu thơ đầu bài thơ không chỉ nói sông, mà nói buồn, nói về một nỗi
buồn bất tận, bằng một hình ảnh ẩn dụ: sóng gợn tràng giang trùng trùng điệp
điệp, như nỗi buồn trùng trùng điệp điệp. Giữa tràng giang mà điểm nhìn nhà thơ
tụ vào con sóng nhỏ, tuy rất nhiều, nhưng hiện ra rồi tan, muôn thủa. Con thuyền
thường là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, cô đơn, vô định. ở đây
con thuyền buông mái chèo xuôi dòng (xuôi mái) theo dòng nước, nhưng thuyền
và nước chỉ “song song” với nhau chứ không gắn bó gì với nhau, bởi nước xuôi
trăm ngả, thuyền theo ngả nào? Thuyền đi với dòng để rồi chia li với dòng. Câu
thứ ba đã nói tới sự chia li: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Thuyền buồn vì
phải rẽ dòng. Nước buồn như không biết trôi về đâu. Câu cuối đoạn này càng thể
hiện tập trung cho kiếp người nhỏ nhoi, lạc lõng, vô định: “Củi một cành khô lạc
mấy dòng”. Cái nhìn của nhà thơ vẫn tập trung vào các vật nhỏ: sóng, thuyền, củi
khô.
    Tác giả lưu ý, không phải là cây gỗ, thân gỗ, mà chỉ là “củi một cành khô”,
một mảnh rơi gẫy, khô xác của thân cây.
    Cả khổ thơ đầu đã vẽ lên một không gian sông nước bao la, vô định, rời rạc,
hờ hững. Những đường nét: nước song song, buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, lạc

                                                                             18
mấy dòng không hứa hẹn gì về hội tụ, gặp gỡ mà chỉ là chia tan, xa vời. Trên con
sông đó một con thuyền, một nhánh củi lênh đênh càng tỏ ra nhỏ nhoi bất lực. ở
đây không chỉ thuyền buồn, cành củi khô buồn, mà cả sóng gợn, sông nước đều
buồn.”
                                        (Trần Đình Sử, Đọc văn học văn,
                                        NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 234-235)


                               BÀI VIẾT SỐ 5
                                (Văn thuyết minh)
    I – ĐỀ BÀI THAM KHẢO
    1. Giới thiệu về ca dao Việt Nam.
    2. Trình bày một số đặc điểm cơ bản của văn bản văn học.
    3. Giới thiệu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
    4. Thuyết minh yêu cầu đọc – hiểu văn bản văn học.
    5. Thuyết minh về đặc điểm của thể loại phú.
    II – HƯỚNG DẪN
     1. Đây là kiểu bài văn thuyết minh về một thể loại văn học, vấn đề văn học;
cần phải biết vận dụng sáng tạo các phương pháp thuyết minh thích hợp với từng
đối tượng để làm bài. Trong các đề bài trên, đề (1) và đề (5) có đối tượng thuyết
minh là thể loại văn học; các đề (2), (3), (4) thuộc dạng thuyết minh về một vấn đề
văn học.
    2. Để giải quyết được yêu cầu của đề bài, cần chuẩn bị tri thức cũng như tính
toán cách làm bài theo các bước sau:
    a) Huy động tư liệu, tìm hiểu tri thức về đối tượng thuyết minh (thể loại hoặc
vấn đề văn học).
    b) Lựa chọn nội dung thông tin chính xác, khách quan về đối tượng thuyết

                                                                                19
minh để trình bày trong bài văn.
    c) Lập dàn ý cho bài văn theo bố cục 3 phần:
    - Mở bài: Giới thiệu chung về đối tượng cần thuyết minh.
    - Thân bài: Trình bày nội dung thông tin về đối tượng thuyết minh theo trình
tự nhất định (trình tự lô gích của đối tượng hoặc trình tự nhận thức, quan hệ nhân
– quả,…).
    - Kết bài: Có thể đưa ra nhận định chung về đối tượng, ý nghĩa của việc tìm
hiểu đối tượng đã thuyết minh.
    d) Viết bài văn thuyết minh với dàn ý đã lập.
    3. Định hướng về nội dung thông tin để giải quyết các đề cụ thể:
    a) Giới thiệu về ca dao Việt Nam:
    - Ca dao là gì?
    Tham khảo:
    Ca dao (còn gọi là phong dao) được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác
nhau. Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc
điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong
dân gian có hoặc không có khúc điệu; trong trường hợp này, ca dao đồng nghĩa
với dân ca.
    Do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, từ ca dao
đã dần dần chuyển nghĩa. Hiện nay, từ ca dao thường được dùng để chỉ riêng
thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng
đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi). Với nghĩa này, ca dao là thơ dân gian truyền thống.
    (Theo Nhiều tác giả, Từ điển Thuật ngữ Văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội,
2004)
    - Ca dao Việt Nam có đặc điểm gì về nội dung?
    Ca dao là thơ trữ tình – trò chuyện diễn tả tình cảm, tâm trạng của một số
kiểu nhân vật trữ tình: người mẹ, người vợ, người con,… trong quan hệ gia đình;

                                                                                20
chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn, tình yêu lứa đôi; người phụ nữ, người
dân thường,… trong quan hệ xã hội. Nó không mang dấu ấn tác giả như thơ trữ
tình (của văn học viết) mà thể hiện tình cảm, tâm trạng của các kiểu nhân vật trữ
tình và có cách thể hiện tình cảm, thế giới nội tâm mang tính chung, phù hợp với
lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương,… của các kiểu nhân vật này. Tuy
nhiên, dù mang tính chất chung nhưng mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo,
sáng tạo, thể hiện được sự phong phú, da dạng của sắc thái tình cảm. (…)
    - Ca dao Việt Nam có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật?
     Hơn 90% các bài ca dao đã sưu tầm được đều sử dụng thể thơ lục bát hoặc
lục bát biến thể. Ngoài ra, ca dao còn có các dạng hình thức khác như thơ song
thất lục bát (câu thơ bảy tiếng kết hợp với câu thơ sáu – tám tiếng), vãn bốn (câu
thơ bốn tiếng), vãn năm (câu thơ năm tiếng).
    Ca dao rất giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ và biểu tượng mang tính truyền thống
như hạt mưa, tấm lụa đào, cái giếng, cây đa, bến nước, con thuyền, con đò, chiếc
khăn,… - những hình ảnh quen thuộc, gắn với cuộc sống của người bình dân.
     Các hình thức lặp lại cũng là đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của ca dao: lặp
kết cấu, lặp hình ảnh, lặp hình thức mở đầu hoặc lặp từ, cụm từ,…
    Được tổ chức dưới hình thức thơ ca nhưng ngôn ngữ của ca dao vẫn rất gần
gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, mang đậm chất địa phương và dân tộc.
    - Vai trò thẩm mĩ của ca dao?
    Mỗi người, bất kể giàu nghèo, sang hèn,… đều có thể lấy ca dao là tiếng nói
tâm tư, tình cảm của mình, có thể soi lòng mình trong ca dao. Cho nên, ca dao còn
được coi là “thơ của vạn nhà”, là gương soi của tâm hồn và đời sống dân tộc; nơi
lưu giữ vẻ đẹp tâm hồn dân tộc, nguồn mạch vô tận cho thơ ca,…
    b) Về đặc điểm cơ bản của văn bản văn học:
    - Văn bản văn học là gì?
    Văn bản văn học (còn gọi là văn bản nghệ thuật, văn bản văn chương) có
nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn bản văn học là tất cả các văn bản

                                                                               21
sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, văn bản văn học chỉ bao
gồm các sáng tác có hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng hư cấu (tức là tạo
ra những hình tượng bằng tưởng tượng). Văn bản văn học theo nghĩa hẹp vừa có
ngôn từ nghệ thuật vừa có hình tượng nghệ thuật.
    - Văn bản văn học có đặc điểm gì về ngôn từ?
    + Ngôn từ văn học được tổ chức đặc biệt, có tính nghệ thuật và thẩm mĩ.
    + Ngôn từ văn học là chất liệu để sáng tạo hình tượng, xây dựng thế giới
tưởng tượng.
    + Do yêu cầu sáng tạo hình tượng, ngôn từ văn học có tính biểu tượng và đa
nghĩa.
    - Văn bản văn họic có đặc điểm gì về hình tượng?
   + Hình tượng văn học là thế giới đời sống do ngôn từ gợi lên trong tâm trí
người đọc.
    + Hình tượng văn học là một phương tiện giao tiếp đặc biệt. Đọc – hiểu văn
bản văn học là thực hiện quá trình giao tiếp giữa người đọc và tác giả.
    - Văn bản văn học có đặc điểm gì về ý nghĩa?
    + Ý nghĩa của hình tượng văn học chính là ý nghĩa của đời sống được nhà
văn gợi lên qua hình tượng.
     + Ý nghĩa của hình tượng văn học thể hiện qua nhân vật, sự kiện, cảnh vật,
chi tiết, qua sự sắp xếp, kết cấu của các bộ phận văn bản và qua cách sử dụng
ngôn từ.
     + Có thể chia ý nghĩa của hình tượng thành các lớp: đề tài, chủ đề, cảm hứng,
tính chất thẩm mĩ, triết lí nhân sinh.
    - Văn bản văn học có đặc điểm gì về cá tính sáng tạo của nhà văn?
    + Văn bản văn học nào cũng do tác giả viết ra và ít nhiều đều để lại dấu ấn
của người sáng tạo ra văn bản.
    + Đặc điểm về cá tính sáng tạo của tác giả vừa tạo nên sự phong phú, đa dạng

                                                                               22
vừa đem lại tính độc đáo cho văn bản văn học.
    - Những hiểu biết về đặc điểm của văn bản văn học có tác dụng gì?
    + Định hướng về thao tác đọc – hiểu văn bản văn học cụ thể.
    + Định hướng về thao tác cảm thụ, đánh giá văn bản văn học cụ thể.
    c) Về đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
    - Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì?
    Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các
văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (văn xuôi nghệ thuật, thơ, kịch).
    Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có tính thẩm mĩ, tính đa nghĩa và dấu ấn
riêng của tác giả.
    - Tính thẩm mĩ của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
    Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn
ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình
tượng, có sự tổng hoà của ngữ âm và ngữ nghĩa, hoà phối để tạo nên hiệu quả
thẩm mĩ.
    - Tính đa nghĩa của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
    Nghĩa của văn bản nghệ thuật gồm nhiều thành phần: thành phần biểu thị
thông tin khách quan, thành phần biểu thị tình cảm; thành phần nghĩa tường minh,
thành phần nghĩa hàm ẩn. Các thành phần nghĩa này thống nhất với nhau trong
những hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể, vừa sinh động. Trong đó, thành phần
nghĩa hàm ẩn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật, biểu thị
những suy ngẫm, gợi liên tưởng, tưởng tượng,… tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ,
những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.
    - Đặc điểm về dấu ấn riêng của tác giả trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt. Sở thích
và sở trường ấy được bộc lộ ở những tác phẩm có giá trị và tạo thành nét độc đáo,
dấu ấn riêng của tác giả.


                                                                              23
- Tác dụng của những hiểu biết về đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ
thuật:
    + Tác dụng đối với hoạt động đọc – hiểu văn bản văn học.
    + Tác dụng đối với hoạt động sáng tạo văn bản văn học.
    d) Về yêu cầu đọc – hiểu văn bản văn học:
    - Bản chất của hoạt động đọc văn bản văn học là gì?
    Khi đọc văn bản văn học, dù với bất kì mục đích nào, người đọc đều thực
hiện việc tiếp nhận các giá trị tư tưởng, nghệ thuật; giao lưu tư tưởng, tình cảm
với tác giả, với những người đã đọc trước; bày tỏ thái độ đồng cảm hay không
đồng cảm với văn bản văn học.
    - Những yêu cầu chính của việc đọc – hiểu văn bản văn học:
    Người đọc phải trải qua quá trình đọc – hiểu: từ hiểu văn bản ngôn từ, hiểu ý
nghĩa của hình tượng, hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả; từ đó hình thành sự
đánh giá đối với văn bản và đạt đến mức độ thưởng thức các giá trị của văn bản.
    - Làm thế nào để hình thành được kĩ năng đọc – hiểu văn bản văn học?
    Người đọc chẳng những phải thường xuyên đọc nhiều tác phẩm văn học mà
còn phải biết tra cứu, học hỏi, biết tưởng tượng, suy ngẫm, tạo thành thói quen
phân tích và thưởng thức văn học.
    e) Về đặc điểm của thể loại phú, xem bài Các hình thức kết cấu của văn bản
thuyết minh.


    Tuần 21
                            ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ
                                 (Bình Ngô đại cáo)
                                                          NGUYỄN TRÃI

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

                                                                              24
1. Về tác giả, xem bài trước.
    2. Cáo là thể văn có nguồn gốc từ Trung Quốc xa. Cáo được chuyên dùng để
vua công bố việc lớn với muôn dân. Nguyễn Trãi dùng hai chữ đại cáo vốn là tên
gọi một bài cáo cổ xưa nhất của Trung Quốc để thay lời Lê Lợi công bố với thiên
hạ. Cáo thường hay dùng văn biền ngẫu. Văn biền ngẫu hay còn gọi là “biền văn”,
“biền lệ văn” hoặc “văn tứ lục” (biền là ngựa đi sóng đôi; ngẫu là đôi, cặp). Văn
biền ngẫu có năm đặc điểm:
    - Ngôn ngữ đối ngẫu: các vế đối nhau theo bằng trắc, từ loại;
    - Kiểu câu chỉnh tề, câu 4 chữ đối với câu 4 chữ, câu 6 chữ đối với câu 6 chữ
hoặc câu 4/4 và câu 6/6 đối nhau;
    - Có vần điệu, bằng trắc hài hoà;
    - Sử dụng điển cố;
    - Sử dụng từ ngữ bóng bẩy có tính phô trương.
    Trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi còn có loại câu 5 chữ, 7 chữ, 10
chữ, 14 chữ rất đa dạng.
    3. Đại cáo bình Ngô là một bản anh hùng ca về sức mạnh của truyền thống
yêu nước, tinh thần độc lập tự cường, tư tưởng đại nghĩa, ý chí của quân và dân ta
trong trong cuộc chiến đấu thắng lợi vang dội trước giặc ngoại xâm, đem lại cuộc
sống hoà bình, hạnh phúc cho toàn dân tộc ở thế kỉ XV.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Tìm hiểu xuất xứ bài cáo
    Gợi ý:
     Cuối năm 1427, sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi
viết Đại cáo bình Ngô nhằm tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến.
    2. Tìm hiểu bố cục bài cáo
    Gợi ý:
    Bài cáo gồm 5 đoạn:
                                                                               25
- Đoạn 1 (từ Từng nghe... đến Chứng cớ còn ghi): Nêu luận đề chính nghĩa.
    - Đoạn 2 (từ Vừa rồi... đến Ai bảo thần dân chịu được?): Tố cáo tội ác của
giặc.
    - Đoạn 3 (từ Ta đây... đến …lấy ít địch nhiều.): Lãnh tụ và nghĩa quân trong
buổi đầu dấy nghiệp.
    - Đoạn 4 (từ Trọn hay... đến Cũng là cha thấy xưa nay): Quá trình kháng
chiến đi đến thắng lợi.
    - Đoạn 5 (từ Xã tắc từ đây vững bền đến hết): Tuyên bố hoà bình, khẳng định
ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
    3. Tìm những từ ngữ, hình ảnh so sánh đặc sắc dùng để miêu tả thế chiến
thắng của quân ta và sự thất bại của giặc.
    Gợi ý:
     Khí thế chiến thắng của ta               Sự thất bại nhục nhã của giặc
                     Đoạn từ Trọn hay... đến …cho tất cả thế gian.
     sấm vang chớp giật                       máu chảy thành sông
     trúc chẻ tro bay                         thây chất đầy nội
     thừa thắng ruổi dài                      phải bêu đầu
     đất cũ thu về                            đành bỏ mạng
     hăng lại càng hăng                       cháy lại càng cháy
     mưu phạt tâm công                        trí cùng lực kiệt
                     Đoạn từ Bởi thế... đến …chưa thấy xưa nay.
     điều binh thủ hiểm                       chặt mũi tiên phong
     sai tướng chẹn đường                     tuyệt nguồn lương thực
     ngày mười tám                            Liễu Thăng thất thế
     ngày hai mươi                            Liễu Thăng cụt đầu
                                                                              26
ngày hăm lăm                              Lương Minh bại trận tử vong
     ngày hăm tám                              Lí Khánh cùng kế tự vẫn
     thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá    bí nước giặc quay mũi giáo đánh
                                          nhau
     đánh một trận                             sạch không kình ngạc
     đánh hai trận                             tan tác chim muông
     …                                         …
    Tuy cùng miêu tả chiến thắng của ta, thất bại của giặc nhưng ở những đoạn
khác nhau mức độ khác nhau: chiến thắng mỗi lúc một lớn, khí thế càng ngày
càng mạnh mẽ, dồn dập – càng ngoan cố, thất bại càng thảm hại, nhục nhã.
    4. Phân tích những thủ pháp nghệ thuật đã được sử dụng nhằm làm nổi bật
chiến thắng của ta và thất bại của giặc.
     Gợi ý: Các thủ pháp: liệt kê trùng điệp (những chiến thắng của ta, những thất
bại của giặc), đối lập (khí thế, tư thế của bên chủ động, chiến thắng – kẻ tan tác,
thất bại nặng nề, thảm khốc), so sánh tương phản (giữa chiến thắng của ta với thất
bại của giặc),… Các thủ pháp này kết hợp với sự thay đổi linh hoạt hình thức câu
văn ngắn - dài, tiết tấu nhanh – chậm tạo ra những sắc thái biểu cảm đa dạng: khi
thể hiện khí thế, sức mạnh của quân ta thì hào hùng, mạnh mẽ, với những câu văn
ngắn gọn, đanh chắc (Gươm mài đá, đá núi cũng mòn – Voi uống nước, nước
sông phải cạn - Đánh một trận sạch không kình ngạc - Đánh hai trận tan tác chim
muông); khi miêu tả sự thất bại của giặc thì thảm hại, tơi bời, với những câu văn
dài, như sự những thất bại liên tiếp, kéo dài vô kể (Bị ta chẹn ở Lê Hoa, quân Vân
Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật ! – Thua quân ta ở Cần Trạm, quân Mộc
Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân).
    5. Những luận điểm chính của đoạn trích:
    - Hình ảnh vị lãnh tụ nghĩa quân và những khó khăn trong buổi đầu dấy
nghĩa.


                                                                                27
- Quá trình kháng chiến và thắng lợi vẻ vang.
    - Tuyên bố hoà bình và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa.
    6. Về hình tượng người thủ lĩnh
     Gợi ý: Làm nên sức mạnh chiến thắng, còn phải kể đến vai trò của người thủ
lĩnh hết lòng vì sự nghiệp chung, có tài trí, mưu lược: ý thức trách nhiệm cao đối
với vận mệnh quốc gia, căm thù giặc sâu sắc, đặt nhiệm vụ cứu nước trở thành
hoài bão, điều nung nấu của mình, trọng người hiền tài, thu phục được lòng người
tạo thành sức mạnh đoàn kết, tinh thông binh pháp, chiến lược,…
    7. Tìm hiểu tư tưởng đại nghĩa trong bài cáo.
    Gợi ý:
    Đối với nhân dân, đại nghĩa là vì nhân dân, đem lại cuộc sống yên ổn, hạnh
phúc cho nhân dân, cũng tức là phải đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi (“Việc nhân
nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, khi chiến thắng rồi thì
“lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”); đại nghĩa trở thành phương châm,
sức mạnh chiến đấu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân để thay
cường bạo”.
    Đối với kẻ thù, đại nghĩa thể hiện ở chiến lược đánh bằng mưu lược, đánh vào
lòng người: “Chẳng đánh mà người chịu khuất – Ta đây mưu phạt tâm công”.
Hơn nữa, khi chiến thắng, chẳng những không giết mà còn cấp cho phương tiện
để rút về nước: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh – Mã
Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền… - Vương Thông, Mã Anh,
phát cho vài nghìn cỗ ngựa…”


                              NGUYỄN TRÃI
    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
    1. Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm thấy;
song cũng là người có số phận bi thương bậc nhất trong lịch sử. Ông là danh nhân
văn hoá, nhà thơ, nhà văn kiệt xuất có những đóng góp to lớn cho sự phát triển

                                                                               28
văn hoá, văn học dân tộc.
    2. Về nội dung, văn chương Nguyễn Trãi thể hiện nổi bật hai nguồn cảm
hứng truyền thống của văn học dân tộc: yêu nước và nhân đạo. Thơ văn ông thể
hiện một lí tưởng cao cả: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược – Có nhân, có trí, có
anh hùng” (Bảo kính cảnh giới, bài 5) và đồng thời cho thấy tấm lòng yêu thương
dân, gắn bó thiết tha với thiên nhiên, đất nước.
    3. Về nghệ thuật, văn chương Nguyễn Trãi đạt đến giá trị kết tinh ở cả hai
bình diện thể loại và ngôn ngữ. Ông là cây bút chính luận kiệt xuất, người khơi
dòng thơ Nôm, sáng tạo thể loại thất ngôn xen lục ngôn. Tinh thần dân tộc, tình
yêu đất nước là ngọn nguồn của vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng Việt trong thơ văn Nguyễn
Trãi.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Phân tích những sự kiện quan trọng thể hiện con người và tầm vóc vĩ đại
của Nguyễn Trãi.
    Gợi ý:
     - Nguyễn Trãi tên hiệu là Ức Trai, sinh năm Xương Phù thứ 4 đời Trần Đế
Phế (1380), tại dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long. Ông mất ngày
19 tháng 9 năm 1442, tức 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3.
    Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, vốn là một học trò nghèo, thi đỗ thái
học sinh (tức Tiến sĩ) đời Trần. Mẹ ông là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần
Nguyên Đán, dòng dõi quý tộc. Nguyễn Trãi quê ở làng Ngái (Chi Ngại) huyện
Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời
đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
     - Từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã tỏ ra thông minh hơn người. Năm 1400, ông đi thi
lần đầu, đỗ ngay Thái học sinh. Sau đó, ông được bổ làm quan Ngự sử đài chánh
chưởng. Khoảng cuối năm 1401 đầu 1402, cha ông cũng ra nhận chức quan Học
sĩ Viện hàn lâm, sau thăng đến Tư nghiệp Quốc tử giám của triều Hồ. Năm 1407,
giặc Minh xâm lược Đại Việt, cha con Hồ Quý Li và các triều thần bị bắt đem về
Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi muốn giữ tròn đạo

                                                                              29
hiếu, cùng em trai là Nguyễn Phi Hùng theo theo xe tù của cha. Đến ải Nam
Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi quay trở về tìm cách “rửa nhục
cho nước, trả thù cho cha, thì mới là đại hiếu”. Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở
về, nhưng vừa đến Đông Quan thì bị giặc Minh bắt giam. Trong thời gian bị giam
ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đã suy nghĩ về con đường cứu nước phục thù.
     - Trốn khỏi Đông Quan, Nguyễn Trãi tìm theo Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách
(tức Kế sách đánh đuổi quân Minh) và được Lê Lợi tin dùng và trở thành quân sư
số một của lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn. Ông cùng Lê Lợi bàn mưu tính kế, giúp
Lê Lợi soạn các loại văn thư, chiếu lệnh, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng
đất nước.
    Đuổi xong giặc nước, một năm sau (1429), Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên
Hãn mưu phản, truy bức, khiến vị danh tướng này phải nhảy xuống sông tự vẫn.
Vì Trần Nguyên Hãn là cháu nội quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi
cũng bị bắt, sau lại được tha nhưng không được tin dùng nữa. Nguyễn Trãi xin
cáo quan về Côn Sơn, mấy tháng sau vua Lê Thái Tông lại vời ông trở lại triều
làm việc nước.
     Đang hi vọng vào một cơ hội mới được cống hiến cho đất nước thì chỉ ba
năm sau; khi vua Lê Thái Tông đi tuần thú duyệt võ ở Chí Linh về ghé thăm
Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, lúc ra về đến Lệ Chi Viên (Trại Vải), huyện Gia Bình,
nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, nửa đêm đột ngột qua đời; ông cùng vợ là Nguyễn Thị
Lộ bị vu cho mưu giết vua. Nguyễn Trãi phải nhận án tru di tam tộc (bị giết cả ba
họ). Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi.
   Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc
(UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới.
    2. Nguyễn Trãi có những đóng góp quan trọng nào cho văn hoá dân tộc?
    Gợi ý:
    Với tài năng lỗi lạc, Nguyễn Trãi đã để lại cho nước nhà một di sản to lớn về
các mặt quân sự, văn hoá và văn học. Các tác phẩm về quân sự, chính trị, Nguyễn
Trãi có Quân trung từ mệnh tập và Đại cáo bình Ngô - một áng “thiên cổ hùng

                                                                               30
văn”, là những tác phẩm tiêu biểu. Về thơ ca, ông có Ức Trai thi tập – tập thơ chữ
Hán và Quốc âm thi tập – tập thơ Nôm đánh dấu sự hình thành nền thơ ca tiếng
Việt. Ngoài ra ông còn có các tác phẩm về lịch sử như Lam Sơn thực lục, Văn bia
Vĩnh Lăng và tác phẩm Dư địa chí – một tác phẩm có giá trị cả về địa lí, lịch sử và
dân tộc học.
    Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt
xuất. Với Quân trung từ mệnh tập và Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã thể hiện
nổi bật tư tưởng nhân nghĩa mà thực chất là tư tưởng yêu nước, thương dân. Văn
chính luận của Nguyễn Trãi đạt đến trình độ nghệ thuật mẫu mực.
   3. Tư tưởng yêu nước, thương dân, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên của
Nguyễn Trãi được biểu hiện như thế nào?
     Gợi ý: Với tư cách là nhà thơ trữ tình tiêu biểu của thơ ca trung đại Việt Nam,
thơ Nguyễn Trãi thể hiện triết lí thế sự sâu sắc, chan chứa tình yêu thiên nhiên và
con người. Hai tập thơ Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập cho thấy Nguyễn Trãi
vừa là một người anh hùng vĩ đại vừa là con người trần thế. Hình tượng người anh
hùng sáng lên vẻ đẹp hoà quyện giữa lí tưởng nhân nghĩa với yêu nước thương
dân, vẻ đẹp ngay thẳng cứng cỏi, thanh tao của bậc quân tử. Hình tượng con
người trần tục hiện ra khi Nguyễn Trãi đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu
của con người. Ông đau trước nghịch cảnh xã hội éo le, thói đời đen bạc. Nỗi đau
ấy còn như một hệ quả tất yếu của một tấm lòng luôn trăn trở, khao khát sự hoàn
thiện của con người và ước mơ thái bình, yên ấm, thịnh trị cho xã hội.
    Nguyễn Trãi cũng dành tình yêu cho thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc
sống. Vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước được tái hiện sinh động trong thơ ông, khi thì
trang trọng đầy tính ước lệ của Đường thi, lúc lại bình dị, dân dã, nguyên sơ. Thơ
Nguyễn Trãi cũng giàu tình người; viết về nghĩa vua tôi, về tình cha con hay lòng
bạn, có khi là tình quê hương,… thơ ông toát lên vẻ tự nhiên, tha thiết, cảm động,
thân thương.
    4. Ngyễn Trãi là người đặt nền móng cho thơ ca tiếng Việt.
    - Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ Nôm còn lại có thời gian ra đời

                                                                                 31
sớm nhất, với số lượng bài lớn nhất, hay nhất. Có thể nói, đến Nguyễn Trãi, với
Quốc âm thi tập, thơ Nôm đã thành thục và văn học chữ Nôm từ đây có vị trí như
là một thành phần cấu thành nên nền văn học Việt Nam.
     - Nguyễn Trãi cũng là người đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, sử dụng từ
láy độc đáo; lại cũng là người đã sáng tạo ra hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn
thể hiện tinh thần phá cách độc đáo, mạnh mẽ.


    Đọc thêm
    HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA
                                                           THÂN NHÂN TRUNG

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
    1. Thân Nhân Trung (1418 – 1499), tên chữ là Hậu Phủ, người Yên Ninh,
Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, đỗ tiến sĩ năm 1469. Thân Nhân Trung từng
là Tao đàn Phó Nguyên suý trong Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông sáng lập.
Ngoài bài văn bia này ông còn sáng tác thơ.
     2. Bài trích này nằm trong tác phẩm có tên là Bài kí đề danh tiến sĩ khoa
Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba, một trong 82 bài văn bia ở Văn Miếu Hà
Nội.
     Văn bia là loại văn khắc trên mặt đá nhằm ghi chép những sự việc trọng đại,
hoặc tên tuổi, cuộc đời của những người có công đức lớn để lưu truyền cho đời
sau. Bia có ba loại chính: bia ghi công đức, bia ghi việc xây dựng các công trình
kiến trúc và bia lăng mộ. Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại
Bảo thứ ba thuộc loại văn bia đề danh, ghi công đức. Bia ghi công đức thường có
phần tựa nêu lên lí do, quá trình làm bia; có phần ghi ngày tháng, họ tên người
làm bia (viết bằng văn xuôi) và phần minh (viết bằng văn vần). Dần dần, phần tựa
hoặc kí trở thành nội dung quan trọng nhất, thể hiện tư tưởng, quan điểm của
người dựng bia. Bài văn bia này giữ vai trò như một lời tựa chung cho cả 82 tấm
bia tiến sĩ ở Văn Miếu.

                                                                               32
3. Khẳng định Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, tác giả Thân Nhân Trung
đã phân tích vai trò của người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước, đồng thời
cũng chỉ rõ mục đích tốt đẹp của việc đề danh tiến sĩ.
       II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
       1. Tìm hiểu xuất xứ
    Gợi ý: Bài văn bia này được Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết năm 1484, thời
Hồng Đức. Trước phần trích có một đoạn dài kể việc từ khi Lê Thái Tổ dựng n-
ước (1428 – 1484), tuy các vua Lê thuở ấy đều chú ý bồi dưỡng hiền tài nhưng
chưa có điều kiện dựng bia tiến sĩ. Sau phần trích là danh sách 33 vị đỗ tiến sĩ
khoa Nhâm Tuất.
       2. Tìm hiểu bố cục đoạn trích
       Gợi ý:
     - Đoạn 1 (từ Tôi dẫu nông cạn… cho đến …làm đến mức cao nhất): Nêu lên
giá trị của hiền tài đối với đất nước.
       - Đoạn 2 (phần còn lại): Nêu ý nghĩa của việc dựng bia, khắc tên người hiền
tài.
       3. Nhận xét về kết cấu của đoạn trích
       Gợi ý:
    Mở đầu đoạn văn tác giả khẳng định vị trí “nguyên khí” của người hiền tài
đối với quốc gia và kết thúc cũng khẳng định vai trò “củng cố mệnh mạch cho nhà
nước”. Đây là lối kết cấu đồng tâm, nhằm nhấn mạnh vai trò của người hiền tài
đối với quốc gia và khẳng định mục đích của việc dựng bia đề danh.
     4. Cách diễn đạt đã làm nổi bật vai trò, mối quan hệ mật thiết của người hiền
tài đối với quốc gia như thế nào?
       Gợi ý:
    - Lập luận đối lập: “… nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao,
nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.

                                                                               33
- Liệt kê, trùng điệp đối lập: “…kẻ ác lấy đó mà răn, người thiện theo đó mà
gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu,
vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước”.
    5. Phân tích ý nghĩa của câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
    Gợi ý:
     Tác giả nói đến hiền tài là để chỉ những người có tài cao, học rộng và có đạo
đức. Hiền tài là nguyên khí, nghĩa là khẳng định những người có tài cao, học rộng
và có đạo đức chính là khí chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã
hội.
     Mối quan hệ giữa hiền tài đối với vận mệnh đất nước: người hiền tài có vai
trò quyết định đến sự thịnh – suy của một đất nước, hiền tài dồi dào thì đất nước
hưng thịnh, hiền tài cạn kiệt thì đất nước suy yếu. Như vậy muốn cho nguyên khí
thịnh, đất nước phát triển thì không thể không chăm chút, bồi dưỡng nhân tài.
    6. Dựa vào đoạn trích, để chứng minh: “Triều đình mừng được người tài,
không có việc gì không làm đến mức cao nhất”.
    Gợi ý: Câu này nói lên sự quan tâm, đãi ngộ hiền tài của những người đứng
đầu đất nước:
    - Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng trước trật.
    - Nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ.
    - Dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan
    7. Việc dựng bia “đề danh tiến sĩ” ở Văn Miếu nhằm mục đích gì?
    Gợi ý:
     - Lưu danh hiền tài muôn đời, thể hiện sự coi trọng, đề cao hiền tài của
“thánh minh”.
    - Để kẻ sĩ trông vào những gương hiền tài được lưu danh mà phấn chấn hâm
mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Việc lưu danh bia đá không những để
nêu gương mà còn để nhắc nhở và kêu gọi kẻ sĩ tự rèn đức luyện tài, cống hiến

                                                                               34
cho đất nước.
    - Việc lưu danh bia đá có thể khiến kẻ hiền tài lấy đó mà răn mình, tránh được
hư hỏng, sa đoạ.
    Tóm lại, lập bia lưu danh tiến sĩ là việc làm hết sức có ý nghĩa: kẻ ác lấy đó
mà răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để
rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước.


    PHẨM BÌNH NHÂN VẬT LỊCH SỬ
    (Trích Đại Việt sử kí toàn thư)
                                                                   LÊ VĂN HƯU

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
     1. Lê Văn Hưu (1230–1322), người làng Phủ Lí, Đông Sơn (nay là thôn Phủ
Lí Trung, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn), tỉnh Thanh Hoá, đỗ Bảng nhãn năm
1247, là nhà sử học nổi tiếng đời Trần. Lê Văn Hưu hoàn thành Đại Việt sử kí
năm 1272 gồm 72 quyển. Công trình này là một trong những cơ sở để nhóm Ngô
Sĩ Liên biên soạn thành Đại Việt sử kí toàn thư. Tác phẩm của Lê Văn Hưu hiện
thất lạc, chỉ còn lại 31 đoạn dưới dạng bình sử do nhóm Ngô Sĩ Liên ghi lại trong
Đại Việt sử kí toàn thư.
     2. Bình sử là một mục trong tác phẩm thời xưa, bắt đầu có từ đời Tống (Trung
Quốc) ghi lại lời bình luận, đánh giá của sử gia đối với các sự kiện và nhân vật
lịch sử.
    3. Những lời bình sử của Lê Văn Hưu cho thấy một thái độ trân trọng, ý thức
giữ gìn, tinh thần trách nhiệm cao đối với lịch sử, qua đó thể hiện lòng yêu nước
sâu đậm.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Những biện pháp nghệ thuật nào đã được tác giả sử dụng khi bàn về Trưng
Trắc, Trưng Nhị?


                                                                               35
Gợi ý:
    - So sánh: “việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”.
    - Hoán dụ: “bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay”.
    2. Khi bình về Tiền Ngô Vương, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
    Gợi ý: Hoán dụ: “một cơn giận mà yên được dân”.
    3. Nhận xét về bút pháp
    Gợi ý: Trong các lời bình, tác giả đã kết hợp giữa bút pháp chính xác của sử
học với nghệ thuật bình luận, nghị luận sắc sảo, cô đúc mà tái hiện được nổi bật
chân dung lịch sử cũng như thể hiện được quan điểm đánh giá của mình trước các
sự kiện.
    4. Bàn về Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Văn Hưu nhằm khẳng định tài năng và
khí phách phi thường của các anh hùng liệt nữ, khen ngợi đồng thời đem đến bài
học và lời nhắn nhủ đối với các bậc nam nhi, quân tử.
     5. Trong lời bàn của Lê Văn Hưu, vai trò lịch sử của Tiền Ngô Vương và
Đinh Tiên Hoàng được nhấn mạnh. Đối với Tiền Ngô Vương, là vai trò của người
nối lại chính thống của nước Việt sau nghìn năm Bắc thuộc. Đối với Đinh Tiên
Hoàng, vai trò nổi bật là dẹp loạn, yên ổn xã tắc, xưng hoàng đế, khẳng định nền
độc lập chính thống.
    6. Bình luận về tư tưởng, nhân cách của nhà bình sử.
    Gợi ý:
     Cái nhìn chân thực, xuất phát từ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức gìn
giữ, trân trọng truyền thống được thể hiện qua các lời bình sử của Lê Văn Hưu.
Cũng trong những lời bàn về lịch sử ấy, chúng ta còn thấy một tấm lòng ngay
thẳng, cương trực, một quan điểm lịch sử chân thực, có phê phán. Điều này thể
hiện ở lời bàn của tác giả về việc ban thưởng. Khi quan niệm điềm lành không có
nghĩa là đem những thứ quý giá để làm vừa lòng người trên, tác giả đã phê phán
thẳng thắn những lề thói, tật xấu của con người trong xã hội mọi thời. Thuở xưa là
cung tiến, ngày nay là đút lót, hối lộ, nịnh nọt, thực ra chỉ khác nhau về cách gọi

                                                                                36
tên mà thôi. Bàn về lịch sử, như thế không chỉ có ích đối với việc nhìn nhận quá
khứ mà còn có ích đối với cuộc sống hiện tại và cả với tương lai.


            PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT
                                   (Tiếp theo)


    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
    Không những cần phải hiểu về đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ
nghệ thuật mà còn phải biết cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách
ngôn ngữ nghệ thuật.
     1. Trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, các yếu tố ngữ âm được khai thác
tối đa để xây dựng hình tượng; các hình thức khác nhau của chữ viết cũng được
tận dụng để gia tăng giá trị biểu hiện của văn bản: viết hoa, xuống dòng, các loại
dấu câu, khoảng trống,…
     2. Một mặt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng có chọn lọc những yếu
tố của tất cả các lớp từ ngữ khác nhau để biểu hiện hình tượng; mặt khác (nhất là
trong văn học cổ, văn học lãng mạn) phong cách ngôn ngữ này còn có lớp từ
riêng, đó là lớp từ thi ca: giang sơn, hải hà, thiên thu, lệ, nguyệt, chàng, nàng,…
    3. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng rộng rãi mọi kiểu câu, đồng thời
còn có cách vận dụng đặc thù các kiểu câu, tạo nên kiểu cú pháp thi ca.
    4. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng tối đa mọi biện pháp tu từ (ngữ
âm, từ ngữ, ngữ pháp,…) để xây dựng hình tượng, tổ chức tác phẩm văn chương.
    5. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật hết sức coi trọng vẻ đẹp cân đối, hài hoà
trong chiều sâu bố cục, trình bày của tác phẩm.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
     1. Ở tất cả các phương diện (ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, tu từ, bố
cục, trình bày), phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có đặc điểm gì nổi bật?

                                                                                37
Gợi ý: Các phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
không chỉ có chức năng biểu đạt thông thường. Gắn với đặc thù của hoạt động
sáng tạo nghệ thuật, các phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ này
đều được sử dụng vào việc biểu hiện thẩm mĩ, truyền tải tư tưởng nghệ thuật của
tác giả. Mọi khả năng biểu hiện của ngôn ngữ được tận dụng vào mục đích nghệ
thuật, nhằm tạo ra hiệu quả tác động thẩm mĩ cao nhất.
    2. Phân tích các trích dẫn để thấy được cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ
trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
                - Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
                Đầy buồng lạ màu thâu đêm;
                Tình thư một bức phong còn kín,
                Gió nơi đâu gượng mở xem.
                                             (Nguyễn Trãi – Cây chuối)
              - Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.
                                             (Thép Mới – Cây tre Việt Nam)
               - Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
               Heo hút cồn mây súng ngửi trời
               Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
               Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
                                             (Quang Dũng, Tây Tiến)
    Gợi ý:
    - Về ngữ âm:
    + Chú ý hình thức tổ chức câu văn với dấu phảy ngắt nhịp đều đều, âm ay
được điệp lại (xay, quay, nay) có tác dụng gợi tả vòng quay của chiếc cối xay lúa,
hàm ý về sự tuần hoàn trì trệ, không biến đổi của xã hội nông nghiệp Việt Nam
thủa trước.

                                                                               38
+ Sự cộng hưởng âm thanh ở đoạn thơ của Quang Dũng: Năm tiếng vần trắc
trong câu đầu (Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm) và các tiếng vần bằng trong
câu cuối (Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi) có tác dụng gợi tả, khắc hoạ địa thế
hiểm trở của Tây Bắc cùng những cảm nhận của người lính Tây Tiến trên đường
hành quân.
   + Hiệp vần trong đoạn thơ của Nguyễn Trãi (thêm, đêm, xem) và đoạn thơ của
Quang Dũng (trời, khơi).
    - Về từ ngữ: Các từ bén, gượng,… trong bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi
gợi tả sức xuân và những cảm nhận tinh tế của tác giả; các từ láy (khúc khuỷu,
thăm thẳm, heo hút) được sử dụng rất có hiệu quả gợi tả hình ảnh và cảm xúc
trong những câu thơ của Quang Dũng.
    - Về biện pháp tu từ: biện pháp ẩn dụ (tình thư), nhân hoá (gió gượng mở,
súng ngửi trời),…


    Bài 22
                       TỰA “TRÍCH DIỄM THI TẬP”
                                     (Trích)
                                                            HOÀNG ĐỨC LƯƠNG

    I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
     1. Hoàng Đức Lương người làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, nay thuộc tỉnh
Hưng Yên, sau chuyển đến ở làng Ngọ Kiều, Gia Lâm, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ
năm năm 1478. Ông để lại: Trích diễm thi tập, đề tựa năm 1479, thơ chữ Hán còn
lại 25 bài chép trong Trích diễm thi tập, sau này được Lê Quý Đôn đưa vào Toàn
Việt thi lục.
     2. Tựa là bài văn đặt ở đầu tác phẩm văn học hoặc sử học, địa lí, hội hoạ, âm
nhạc,… nhằm giới thiệu mục đích, nội dung, quá trình hình thành và kết cấu của
tác phẩm ấy. Bài tựa có thể do tác giả tự viết hoặc do một ai đó thích thú tác phẩm
mà viết. Cuối bài tựa thường có phần lạc khoản: ghi rõ họ tên, chức tước của

                                                                                39
người viết và ngày tháng, địa điểm làm bài tựa. Bài tựa cũng thể hiện những quan
điểm mang tính thời đại và của chủ quan người viết. Văn của thể tựa có tính chất
thuyết minh, thường được kết hợp với nghị luận và tự sự, có khi mang sắc thái trữ
tình.
    3. Trong công việc biên soạn cũng như sáng tác, Trần Đức Lương bộc lộ một
quan niệm thẩm mĩ tiến bộ. Đó là sự chú ý đến tính thẩm mĩ của văn chương. Tấm
lòng yêu nước của ông được thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, ý thức trân trọng,
giữ gìn di sản văn hoá dân tộc.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Tìm hiểu xuất xứ
    Gợi ý:
    Bài tựa này nằm trong Trích diễm thi tập (1497), một tập thơ gồm sáu quyển
do Hoàng Đức Lương sưu tầm, tuyển chọn tác phẩm của các tác giả từ thời Trần
đến thời Tiền Lê.
    2. Tìm hiểu bố cục
    Gợi ý:
    - Đoạn 1: Lí do làm sách Trích diễm thi tập.
    - Đoạn 2: Quá trình hoàn thành Trích diễm thi tập.
    Ngoài ra còn phải kể đến phần Lạc khoản.
    3. Phân tích mạch lập luận của bài tựa.
    Gợi ý: Mạch lập luận sáng rõ: Những lí do khiến thơ văn không lưu truyền
được à Ý thức gìn giữ, tinh thần trân trọng di sản văn hoá dân tộc à Công việc
biên soạn sách.
    4. Những phân tích và trình bày lí lẽ được kết hợp với yếu tố biểu cảm làm
tăng thêm sức thuyết phục cho những điều tác giả muốn diễn đạt:
    - Thái độ đối với thực trạng thất truyền của thơ văn, sách vở: Lòng tha thiết
đối với vẻ đẹp của thơ văn; Những câu hỏi đầy day dứt, thể hiện sự xót xa trước

                                                                              40
thực trạng thơ văn không được lưu truyền và với những mặt trái của đời sống xã
hội.
    - Tinh thần tự trọng, ý thức dân tộc và niềm đau xót được bộc lộ trực tiếp:
“Than ôi ! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có
quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà
Đường. như thế chả đáng thương xót lắm sao !”
    5. Những lời lẽ nào thể hiện thái độ nghiêm túc, thận trọng, khiêm tốn trước
công việc biên soạn sách?
   Gợi ý: “Tôi không tự lượng sức mình… chẳng khác gì hiện nay ta chê trách
người xa vậy”.
    6. Theo tác giả, có những lí do nào khiến thơ văn không lưu truyền hết ở đời?
    Gợi ý:
    Theo Hoàng Đức Lương, thơ văn không lưu truyền được ở đời vì:
    Thứ nhất, chỉ thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca.
    Thứ hai, người có học thì ít quan tâm đến thơ ca.
    Thứ ba, người quan tâm đến thơ ca thì năng lực kém, không đủ kiên trì.
    Thứ tư, chính sách phát hành của nhà nước còn nhiều hạn chế.
    Có thể xem đây là các lí do chủ quan.
    Thơ văn không lưu truyền được ở đời còn vì những lí do khách quan. Lí do
này được tác giả phân tích trong đoạn từ “Vì bốn lí do kể trên…” đến “… mà
không rách nát tan tành. ”, cụ thể là:
    - Thời gian làm hư nát sách vở.
    - Binh lửa chiến tranh tiêu huỷ.
    7. Động cơ nào thôi thúc tác giả biên soạn Trích diễm thi tập?
    Gợi ý:
    Tác giả trình bày rõ động cơ biên soạn Trích diễm thi tập:

                                                                              41
- Xuất phát từ những bức xúc trong tình hình biên soạn sách về thơ ca Việt
Nam ở thời của tác giả (các lí do khiến thơ văn không được lưu truyền).
        - Trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hiến dân tộc.
        8. Tác giả trình bày quá trình biên soạn Trích diễm thi tập như thế nào?
     - Sưu tầm, biên soạn sách thơ văn có nhiều khó khăn, tác giả đã có cái nhìn
rất thực tiễn, đồng thời thể hiện thái độ thận trọng, khiêm tốn.
        - Thu lượm, chọn lấy những bài tiêu biểu, phân loại.
        - Biên soạn thành sáu quyển, ở cuối mỗi quyển có tác phẩm do chính tác giả
viết.
        9. Có thể so sánh bài tựa này với các lời nói đầu trong sách vở ngày nay?
        Gợi ý:
     Cùng với sự đa dạng, phong phú của sách vở hiện nay, những lời nói đầu
cũng có nhiều dạng, nhiều phong cách. Nhìn chung, ở các lời nói đầu, giống với
tính chất của bài tựa, đều có những nhận định khái quát về giá trị của tác phẩm,
cũng như thâu tóm những nội dung chính của cuốn sách. Tuy nhiên, chức năng,
đặc điểm của lời nói đầu ở những quyển sách sưu tầm, biên soạn gần hơn cả với
chức năng, đặc điểm của bài tựa theo kiểu bài tựa của Hoàng Đức Lương: Trình
bày kết cấu sách; quan điểm tập hợp, tuyển chọn; tên người viết, nơi viết, thời
gian viết,…


        THÁI PHÓ TÔ HIẾN THÀNH
        (Trích Đại Việt sử lược)
        I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
        1. Hiện chưa xác định được tác giả của Đại Việt sử lược.
     2. Sử là tác phẩm viết về các sự kiện lịch sử. Mục đích của sử là ghi chép sự
thật, nhằm cung cấp những sự kiện lịch sử của dân tộc và thể hiện quan điểm, thái
độ của sử gia đối với các sự kiện, nhân vật lịch sử để đời sau học tập, suy ngẫm.

                                                                                    42
Trong văn học trung đạiViệt Nam, các tác sử thuộc loại hình văn học chức năng
hành chính. Tác phẩm sử xưa có hai thể: biên niên và kỉ sự. Đại Việt sử lược
thuộc viết theo lối biên niên. Biên niên là lối viết sử theo trình tự thời gian, khác
với kỉ sự là lối viết sử theo các sự kiện hoặc từng sự việc của nhân vật lịch sử.
    Đại Việt sử lược có kết hợp với lối viết của kỉ sự.
    Viết sử theo lối biên niên nhưng đồng thời chú ý đến việc khắc hoạ tính cách
nhân vật lịch sử, tác giả Đại Việt sử lược đã tái hiện được chân dung Tô Hiến
Thành với một nhân cách đáng kính.
    3. Năm 1175, Lí Cao Tông huý là Long Cán, con thứ sáu của Lí Anh Tông,
mẹ là Vương hậu Đỗ Thuỵ Châu, lên ngôi lúc mới hai tuổi, theo di chúc của vua
cha. Vương đương ấu thơ, mọi việc lớn nhỏ đều giao cho Thái Phó Tô Hiến
Thành. Thái hậu có ý phế Long Cán lập Long Sưởng, bèn hối lộ Lã Thị, vợ của
Tô Hiến Thành, nhờ tác động để ông thuận theo ý mình, rồi lại trực tiếp gặp Tô
Hiến Thành lấy danh lợi phú quý hòng mua chuộc. Tô Hiến Thành một lòng trung
thành với cố thác của Tiên Vương, phò ấu chúa, nhất định không nghe theo. Thái
hậu bất chấp pháp luật, triệu Bảo Quốc Vương Long Sưởng vào để tự lập làm vua
nhưng Tô Hiến Thành đã cùng với triều thần kiên quyết dùng pháp luật để Thái
hậu không thực hiện được mưu đồ.
    Khi Tô Hiến Thành ngã bệnh, chỉ có Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày
đêm hầu hạ bên cạnh; quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận bịu nhiều việc,
không lúc nào rảnh rang để đến thăm. Lúc bệnh của Hiến Thành đã nguy kịch,
Thái hậu đến thăm và hỏi rằng khi ông mất, ai sẽ thay chức Tể tướng. Hiến Thành
không vì tình riêng, tiến cử Trần Trung Tá vì đó mới là “ngay thần”. Thái hậu tuy
khen Hiến Thành nhưng không nghe lời ông mà lấy Đỗ An Thuận coi việc triều
chính.
    II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
    1. Tìm hiểu xuất xứ
    Bài Thái phó Tô Hiến Thành được trích từ tác phẩm lịch sử Đại Việt sử lược
của một sử gia sống vào khoảng nửa cuối thế kỉ XIV. Ở Việt Nam, tác phẩm này

                                                                                  43
đã thất truyền từ lâu. Tác phẩm được in lần đầu tiên ở Trung Hoa, thời Càn Long
thế kỉ XVIII do Tuần phủ Sơn Đông dâng lên và Tiền Hi Tộ hiệu đính.
    2. Tìm hiểu nghĩa của các từ ngữ: lời cố thác, tuổi đã xế chiều, phụng mệnh,
…
    Gợi ý:
    - lời cố thác: lời dặn dò, gửi gắm của nhà vua trước khi mất.
    - tuổi đã xế chiều: tuổi đã cao, ý nói đã đến tuổi sắp chết.
    - phụng mệnh: vâng theo mệnh lệnh.
    …
    3. Nhận xét về nghệ thuật tạo kịch tính bất ngờ trong đoạn nói về việc Tô
Hiến Thành tiến cử người thay mình.
    Gợi ý:
    - Kể việc Tô Hiến Thành ốm nặng, Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ còn Trần
Trung Tá bận bịu nhiều việc nên không có lúc nào đến thăm. Đây là bước tạo tình
huống, chuẩn bị cho những diễn biến kịch tính tiếp theo.
    - Cuộc đối thoại giữa Thái hậu và Tô Hiến Thành:
    + Khi Thái hậu hỏi “Nếu có mệnh hệ nào, ai thay ông?”, từ chuyện đã kể ở tr-
ước, theo lôgic thông thường, ai cũng nghĩ rằng Hiến Thành sẽ tiến cử Vũ Tán
Đường. Nhưng bất ngờ Hiến Thành lại trả lời “chỉ có Trung Tá mà thôi”.
    + Kịch tính lên đến cao điểm: Khi Thái hậu nhắc đến ân tình của Tán Đường
đối với Hiến Thành, ai cũng nghĩ rằng hoặc là Hiến Thành sẽ thuận theo Thái hậu,
hoặc là giải thích rằng Tán Đường không đủ khả năng để làm Tể tướng,… Nhưng
bất ngờ Hiến Thành đáp: “Thái hậu hỏi người thay thần, nên thần nói tới Trung
Tá; nếu hỏi người hầu hạ phụng dưỡng thần thì phi Tán Đường còn ai nữa?”.
    Ở thời điểm kịch tính lên cao này, từ câu trả lời của Hiến Thành, bật ra ý
nghĩa mỉa mai trước nghịch lí: Chọn người thay chức Tể tướng kiêm Thái phó hay
chọn người hầu hạ, phụng dưỡng Tể tướng kiêm Thái phó?

                                                                             44
Người viết đã chọn lựa đưa ra một cảnh huống có thật nhưng trái với suy
đoán thông thường của người đời để khắc hoạ nổi bật tính cách nhân vật và ngụ ý
những điều sâu xa về thời thế, nhân sinh.
    4. Nhận xét về cách viết sử của tác giả Đại Việt sử lược.
    Gợi ý:
     - Viết theo lối biên niên, tác giả vừa đảm bảo tôn trọng tính chân thực của sự
kiện, nhân vật, vừa tuân thủ trình tự diễn biến thời gian. Viết sử biên niên tóm
lược, tập trung vào việc khắc hoạ nhân vật Tô Hiến Thành, tác giả đã chọn hai
thời điểm (1175 và 1179) cách nhau bốn năm, một mặt vẫn đảm bảo trình tự trước
sau, mặt khác đó là những thời điểm diễn ra những sự kiện mà qua đó chân dung
tinh thần nhân vật bộc lộ rõ nét.
     - Tác giả không trực tiếp miêu tả tâm lí nhân vật, nhưng qua hành động, lời
nói của nhân vật đã được lựa chọn để đưa ra, tính cách của nhân vật vẫn được bộc
lộ.
   5. Những sự kiện lịch sử nào ở triều Lí trong năm 1175 liên quan đến vận
mệnh đất nước được tái hiện trong đoạn trích?
    Gợi ý:
    - Lí Anh Tông qua đời; con trai thứ là Long Cán mới hai tuổi lên nối ngôi;
mọi việc triều chính đều uỷ thác cho Thái phó Tô Hiến Thành.
   - Thái hậu Đỗ Thuỵ Châu muốn phế Long Cán, lập Long Sưởng – anh của
Long Cán, lên ngôi.
    - Long Cán và Long Sưởng đều là con đẻ của Thái hậu Thuỵ Châu. Long
Sưởng trước đây đã từng được lập làm Thái tử, nhưng do mắc lỗi nên bị giáng
xuống làm Bảo Quốc Vương.
    6. Phân tích hành vi của thái hậu trong việc ép Tô Hiến Thành phế Lí Long
Cán.
    Gợi ý:


                                                                                45
- Thái hậu tiến hành từng bước lôi kéo Thái phó Tô Hiến Thành – người phù
Long Cán và có vai trò rất lớn trong triều đình.
    + Thái hậu hối lộ vợ Hiến Thành.
   + Đánh vào tâm lí người nhiều tuổi, Thái hậu trực tiếp mua chuộc Tô Hiến
Thành bằng việc đưa ra mồi danh vọng, phú quý.
     + Thái hậu bất chấp pháp luật, triệu Bảo Quốc Vương Long Sưởng vào để tự
lập làm vua.
     - Như vậy, mặc dù hành động từng bước, từ tính toán xảo quyệt cho đến liều
lĩnh, nhưng Thái hậu vẫn không đạt được âm mưu của mình
    7. Đánh giá về nhân vật Tô Hiến Thành.
    Gợi ý:
    - Tô Hiến Thành trước mưu đồ phế lập của Thái hậu:
     Tô Hiến Thành đã từng bước đánh bại âm mưu phế lập của Thái hậu. Khi
Thái hậu mua chuộc vợ ông, Hiến Thành đã dùng đạo lí làm người, nhấn mạnh
đến vai trò Tể tướng của mình và viện cả đến tín ngưỡng để thuyết phục vợ (“…ta
biết lấy lời nào để trả lời Tiên Vương ở suối vàng?”). Khi Thái hậu trực tiếp dùng
mồi danh vọng, phú quý để dụ Hiến Thành, ông đã dùng lời lẽ của Khổng Tử về
cách làm người (“Bất nghĩa mà được phú và quý, đó không phải là điều người
trung thần nghĩa sĩ vui làm.”) và cách đối xử với người quá cố trong văn hoá ứng
xử truyền thống (lời di chúc của Tiên Vương còn ở bên tai) để từ chối Thái hậu.
Trước sự liều lĩnh, bất chấp của Thái hậu, Hiến Thành kiên quyết dùng luật pháp
để giữ vững kỉ cương, không cho Thái hậu thực hiện mưu đồ tự phế lập.
    - Tô Hiến Thành với việc chọn người thay thế mình:
    Chức Tể tướng và chức Thái uý là những trọng trách lớn nhất trong triều
đình. Việc chọn người thay thế các vị trí ấy là rất hệ trọng. Nếu như ở sự kiện tr-
ước, Tô Hiến Thành đã chứng tỏ đức chính trực, cương trung, “Phú quý bất năng
dâm, uy vũ bất năng khuất. ” thì ở sự kiện chọn người thay thế mình ta càng thấy
được sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm vì đất nước của ông.

                                                                                46
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com

Contenu connexe

Tendances

Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.comHướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Tai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep vanTai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep vandolethu
 
Chương trình chuyên sâu thpt chuyên môn ngữ văntruonghocso.com
Chương trình chuyên sâu thpt chuyên môn  ngữ văntruonghocso.comChương trình chuyên sâu thpt chuyên môn  ngữ văntruonghocso.com
Chương trình chuyên sâu thpt chuyên môn ngữ văntruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9Tam Vu Minh
 
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.comHệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)Chu Choa
 
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...Thế Giới Tinh Hoa
 
Chiều tối (1)
Chiều tối (1)Chiều tối (1)
Chiều tối (1)Nhái Kurl
 
ý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.com
ý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.comý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.com
ý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet 80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet onthi360
 
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtĐề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtMaloda
 
Phân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng
Phân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang DũngPhân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng
Phân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang DũngJackson Linh
 
110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet
110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet 110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet
110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet onthi360
 
Người lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.com
Người lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.comNgười lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.com
Người lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...phamhieu56
 

Tendances (20)

Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.comHướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
 
Tai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep vanTai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep van
 
Chương trình chuyên sâu thpt chuyên môn ngữ văntruonghocso.com
Chương trình chuyên sâu thpt chuyên môn  ngữ văntruonghocso.comChương trình chuyên sâu thpt chuyên môn  ngữ văntruonghocso.com
Chương trình chuyên sâu thpt chuyên môn ngữ văntruonghocso.com
 
On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9
 
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.comHệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
 
De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)
 
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
 
Ai đã đặt tên cho dòng sông
Ai đã đặt tên cho dòng sôngAi đã đặt tên cho dòng sông
Ai đã đặt tên cho dòng sông
 
Chiều tối (1)
Chiều tối (1)Chiều tối (1)
Chiều tối (1)
 
ý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.com
ý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.comý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.com
ý Nghĩa nhan đề các bài văn thơ trong lớp 9truonghocso.com
 
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet 80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
 
VIỆT BẮC
VIỆT BẮCVIỆT BẮC
VIỆT BẮC
 
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtĐề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
 
Phân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng
Phân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang DũngPhân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng
Phân tích bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng
 
110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet
110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet 110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet
110 bai tap doc hieu chon loc co loi giai chi tiet
 
Tho hien dai
Tho hien daiTho hien dai
Tho hien dai
 
Tố hữu
Tố hữuTố hữu
Tố hữu
 
Người lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.com
Người lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.comNgười lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.com
Người lái đò sông đà ( có phim mh)truonghocso.com
 
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
 
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người TàyThi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
 

En vedette

Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...
Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...
Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Phong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việtPhong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việtHọc Huỳnh Bá
 
Bach dang giang phu truong han sieu
Bach dang giang phu truong han sieuBach dang giang phu truong han sieu
Bach dang giang phu truong han sieunhatthai1969
 
Bài thuyết trình môn văn
Bài thuyết trình môn vănBài thuyết trình môn văn
Bài thuyết trình môn vănNhật Linh
 
GIAO TRINH COREL DRAW X3
GIAO TRINH COREL DRAW X3GIAO TRINH COREL DRAW X3
GIAO TRINH COREL DRAW X3jenlien
 
Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...
Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...
Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...Học Tập Long An
 
Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc
Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc  Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc
Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc ManhToan Chuyentoan5
 
Bài t p oxi ôzn- -áp án 6
Bài t p oxi ôzn- -áp án 6Bài t p oxi ôzn- -áp án 6
Bài t p oxi ôzn- -áp án 6Huyenngth
 
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ anThuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ anThu Thu
 
CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...
CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...
CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...Hoàng Thái Việt
 
Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...
Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...
Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...phamnhakb
 
Axit sunuric tiet 2
Axit sunuric tiet 2Axit sunuric tiet 2
Axit sunuric tiet 2thinhcs
 
Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...
Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...
Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...Vinh Nguyen
 
Chuyen de luong giac 1 www.mathvn.com
Chuyen de luong giac 1   www.mathvn.comChuyen de luong giac 1   www.mathvn.com
Chuyen de luong giac 1 www.mathvn.comhoabanglanglk
 
Báo cáo thực tập tiền lương năm 2013
Báo cáo thực tập  tiền lương năm 2013Báo cáo thực tập  tiền lương năm 2013
Báo cáo thực tập tiền lương năm 2013Công ty TNHH Nhân thành
 

En vedette (20)

Học tốt ngữ văn 10 nâng
Học tốt ngữ văn 10 nângHọc tốt ngữ văn 10 nâng
Học tốt ngữ văn 10 nâng
 
Van 8
Van 8Van 8
Van 8
 
Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...
Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...
Th s33.014 kết cấu vận luật của thể song thất lục bát trong tiến trình phát t...
 
Phong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việtPhong cách ngôn ngữ tiếng việt
Phong cách ngôn ngữ tiếng việt
 
Môn ngữ văn
Môn ngữ vănMôn ngữ văn
Môn ngữ văn
 
Bach dang giang phu truong han sieu
Bach dang giang phu truong han sieuBach dang giang phu truong han sieu
Bach dang giang phu truong han sieu
 
Bài thuyết trình môn văn
Bài thuyết trình môn vănBài thuyết trình môn văn
Bài thuyết trình môn văn
 
GIAO TRINH COREL DRAW X3
GIAO TRINH COREL DRAW X3GIAO TRINH COREL DRAW X3
GIAO TRINH COREL DRAW X3
 
Giáo án văn 6
Giáo án văn 6Giáo án văn 6
Giáo án văn 6
 
Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...
Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...
Sáng kiến kinh nghiệm: Nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc thông qua việc cả...
 
Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc
Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc  Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc
Skkn mot song phuong phap giup tre mam non 5 6 tuoi lam quen voi van hoc
 
Bài t p oxi ôzn- -áp án 6
Bài t p oxi ôzn- -áp án 6Bài t p oxi ôzn- -áp án 6
Bài t p oxi ôzn- -áp án 6
 
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ anThuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
 
CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...
CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...
CHUYÊN ĐỀ GIỚI HẠN VÀ TÍNH LIÊN TỤC HÀM SỐ & ĐỀ KIỂM TRA - CHƯƠNG 4 ĐẠI SỐ 11...
 
Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...
Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...
Đề thi Đề thi Tuyển Sinh vào 10 THPT - Môn Ngữ Văn - Nam Định - Năm học 2013 ...
 
Axit sunuric tiet 2
Axit sunuric tiet 2Axit sunuric tiet 2
Axit sunuric tiet 2
 
Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...
Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...
Hướng dẫn đồ án môn học Bê tông cốt thép 1 - Sàn sườn toàn khối có bản dầm ( ...
 
GIÁO ÁN BỒI DƯỠNG HSG TẬP LÀM VĂN LỚP 4
GIÁO ÁN BỒI DƯỠNG HSG TẬP LÀM VĂN LỚP 4GIÁO ÁN BỒI DƯỠNG HSG TẬP LÀM VĂN LỚP 4
GIÁO ÁN BỒI DƯỠNG HSG TẬP LÀM VĂN LỚP 4
 
Chuyen de luong giac 1 www.mathvn.com
Chuyen de luong giac 1   www.mathvn.comChuyen de luong giac 1   www.mathvn.com
Chuyen de luong giac 1 www.mathvn.com
 
Báo cáo thực tập tiền lương năm 2013
Báo cáo thực tập  tiền lương năm 2013Báo cáo thực tập  tiền lương năm 2013
Báo cáo thực tập tiền lương năm 2013
 

Similaire à Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com

Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxTuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxWendyWilliams978623
 
kiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mới
kiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mớikiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mới
kiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mớiNguynYn792481
 
Đề thi tuyển sinh vào 10 Môn Ngữ Hà Nội văn 2011- 2012
Đề thi tuyển sinh vào 10  Môn Ngữ Hà Nội  văn  2011- 2012 Đề thi tuyển sinh vào 10  Môn Ngữ Hà Nội  văn  2011- 2012
Đề thi tuyển sinh vào 10 Môn Ngữ Hà Nội văn 2011- 2012 tieuhocvn .info
 
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2hach nguyen phan
 
De thi-van10-hai-phong-2015
De thi-van10-hai-phong-2015De thi-van10-hai-phong-2015
De thi-van10-hai-phong-2015onthitot .com
 
Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...
Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...
Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...nataliej4
 
Tổng quan văn học Việt Nam
Tổng quan văn học Việt NamTổng quan văn học Việt Nam
Tổng quan văn học Việt NamNguyễn Hậu
 
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfAI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfngTrang74
 
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfMẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfjackjohn45
 
CẢNH-NGÀY-HÈ.docx
CẢNH-NGÀY-HÈ.docxCẢNH-NGÀY-HÈ.docx
CẢNH-NGÀY-HÈ.docx16LChungKin
 
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)jackjohn45
 
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt LongÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Longlongvanhien
 
88 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 588 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 5dung nguyễn
 

Similaire à Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com (20)

Xuat duong luu biet
Xuat duong luu bietXuat duong luu biet
Xuat duong luu biet
 
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxTuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
 
kiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mới
kiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mớikiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mới
kiểm tra giữa kỳ 2 hoá 11 năm 2024 BGD mới
 
Đề thi tuyển sinh vào 10 Môn Ngữ Hà Nội văn 2011- 2012
Đề thi tuyển sinh vào 10  Môn Ngữ Hà Nội  văn  2011- 2012 Đề thi tuyển sinh vào 10  Môn Ngữ Hà Nội  văn  2011- 2012
Đề thi tuyển sinh vào 10 Môn Ngữ Hà Nội văn 2011- 2012
 
Câu 1
Câu 1Câu 1
Câu 1
 
Nha tho nha giao hp (ban sua) (1)
Nha tho nha giao hp (ban sua) (1)Nha tho nha giao hp (ban sua) (1)
Nha tho nha giao hp (ban sua) (1)
 
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
 
MÂU PP NGUYỄN DU.pptx
MÂU PP NGUYỄN DU.pptxMÂU PP NGUYỄN DU.pptx
MÂU PP NGUYỄN DU.pptx
 
Bang
BangBang
Bang
 
Truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc Tày
Truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc TàyTruyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc Tày
Truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc Tày
 
De thi-van10-hai-phong-2015
De thi-van10-hai-phong-2015De thi-van10-hai-phong-2015
De thi-van10-hai-phong-2015
 
Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...
Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...
Khóa luận tốt nghiệp các kiểu câu có tác dụng tu từ nổi bật trong truyện ngắn...
 
Chân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyyChân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyy
 
Tổng quan văn học Việt Nam
Tổng quan văn học Việt NamTổng quan văn học Việt Nam
Tổng quan văn học Việt Nam
 
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfAI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
 
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfMẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
 
CẢNH-NGÀY-HÈ.docx
CẢNH-NGÀY-HÈ.docxCẢNH-NGÀY-HÈ.docx
CẢNH-NGÀY-HÈ.docx
 
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
 
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt LongÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
 
88 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 588 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 5
 

Plus de Thế Giới Tinh Hoa

Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019
Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019
Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019Thế Giới Tinh Hoa
 
Bảng báo giá sản phẩm rèm bạch dương
Bảng báo giá sản phẩm rèm bạch dươngBảng báo giá sản phẩm rèm bạch dương
Bảng báo giá sản phẩm rèm bạch dươngThế Giới Tinh Hoa
 
Album sổ mẫu Rèm cửa Bạch Dương
Album sổ mẫu Rèm cửa Bạch DươngAlbum sổ mẫu Rèm cửa Bạch Dương
Album sổ mẫu Rèm cửa Bạch DươngThế Giới Tinh Hoa
 
Cách tắm cho bé vào mùa đông
Cách tắm cho bé vào mùa đôngCách tắm cho bé vào mùa đông
Cách tắm cho bé vào mùa đôngThế Giới Tinh Hoa
 
Giáo trình tự học illustrator cs6
Giáo trình tự học illustrator cs6  Giáo trình tự học illustrator cs6
Giáo trình tự học illustrator cs6 Thế Giới Tinh Hoa
 
Nữ quái sân trườngtruonghocso.com
Nữ quái sân trườngtruonghocso.comNữ quái sân trườngtruonghocso.com
Nữ quái sân trườngtruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Những chàng trai xấu tính nguyễn nhật ánhtruonghocso.com
Những chàng trai xấu tính  nguyễn nhật ánhtruonghocso.comNhững chàng trai xấu tính  nguyễn nhật ánhtruonghocso.com
Những chàng trai xấu tính nguyễn nhật ánhtruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Những bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.com
Những bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.comNhững bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.com
Những bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 

Plus de Thế Giới Tinh Hoa (20)

Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019
Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019
Cách chụp ảnh công ty đẹp 2019
 
Lỗi web bachawater
Lỗi web bachawaterLỗi web bachawater
Lỗi web bachawater
 
Bảng báo giá sản phẩm rèm bạch dương
Bảng báo giá sản phẩm rèm bạch dươngBảng báo giá sản phẩm rèm bạch dương
Bảng báo giá sản phẩm rèm bạch dương
 
Album sổ mẫu Rèm cửa Bạch Dương
Album sổ mẫu Rèm cửa Bạch DươngAlbum sổ mẫu Rèm cửa Bạch Dương
Album sổ mẫu Rèm cửa Bạch Dương
 
thong tin lam viec tren lamchame
thong tin lam viec tren lamchamethong tin lam viec tren lamchame
thong tin lam viec tren lamchame
 
Cách tắm cho bé vào mùa đông
Cách tắm cho bé vào mùa đôngCách tắm cho bé vào mùa đông
Cách tắm cho bé vào mùa đông
 
Giáo trình tự học illustrator cs6
Giáo trình tự học illustrator cs6  Giáo trình tự học illustrator cs6
Giáo trình tự học illustrator cs6
 
Nang luc truyen thong
Nang luc truyen thongNang luc truyen thong
Nang luc truyen thong
 
Huongdansudung izishop
Huongdansudung izishopHuongdansudung izishop
Huongdansudung izishop
 
Ho so nang luc cong ty
Ho so nang luc cong tyHo so nang luc cong ty
Ho so nang luc cong ty
 
seo contract
seo contractseo contract
seo contract
 
di google cong
di google congdi google cong
di google cong
 
E1 f4 bộ binh
E1 f4 bộ binhE1 f4 bộ binh
E1 f4 bộ binh
 
E2 f2 bộ binh
E2 f2 bộ binhE2 f2 bộ binh
E2 f2 bộ binh
 
E3 f1 bộ binh
E3 f1 bộ binhE3 f1 bộ binh
E3 f1 bộ binh
 
E2 f1 bộ binh
E2 f1 bộ binhE2 f1 bộ binh
E2 f1 bộ binh
 
E1 f1 bộ binh
E1 f1 bộ binhE1 f1 bộ binh
E1 f1 bộ binh
 
Nữ quái sân trườngtruonghocso.com
Nữ quái sân trườngtruonghocso.comNữ quái sân trườngtruonghocso.com
Nữ quái sân trườngtruonghocso.com
 
Những chàng trai xấu tính nguyễn nhật ánhtruonghocso.com
Những chàng trai xấu tính  nguyễn nhật ánhtruonghocso.comNhững chàng trai xấu tính  nguyễn nhật ánhtruonghocso.com
Những chàng trai xấu tính nguyễn nhật ánhtruonghocso.com
 
Những bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.com
Những bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.comNhững bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.com
Những bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 10truonghocso.com
 

Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com

  • 1. AI QPHẠM AN MIÊN - NGUYỄN LÊ HUÂN HỌC TỐT NGỮ VĂN 10 NÂNG CAO (TẬP HAI) NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH 1
  • 2. 2
  • 3. LỜI NÓI ĐẦU Từ năm học 2006-2007, sách giáo khoa Trung học phổ thông môn Ngữ văn được triển khai dạy học bao gồm: sách giáo khoa Ngữ văn (biên soạn theo chương trình chuẩn) và sách giáo khoa Ngữ văn nâng cao theo nguyên tắc tích hợp (văn học, tiếng Việt và làm văn), nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh. Nhằm giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo để tăng cường khả năng tự học, chúng tôi biên soạn bộ sách Học tốt Ngữ văn Trung học phổ thông. Bộ sách sẽ được biên soạn tương ứng các lớp 10, 11 và 12, mỗi lớp hai cuốn. Theo đó, cuốn Học tốt Ngữ văn 10 nâng cao – tập hai sẽ được trình bày theo thứ tự tích hợp các phân môn: - Văn học - Tiếng Việt - Làm văn Cách tổ chức mỗi bài trong cuốn sách sẽ gồm hai phần chính: I. KIẾN THỨC CƠ BẢN II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG Nội dung phần KIẾN THỨC CƠ BẢN với nhiệm vụ củng cố và khắc sâu kiến thức sẽ giúp học sinh tiếp cận với những vấn đề thể loại, giới thiệu những điều nổi bật về tác giả, tác phẩm (với phần văn học); giới thiệu một số khái niệm, yêu cầu cần thiết mà học sinh cần nắm vững để có thể vận dụng được khi thực hành. Nội dung phần RÈN LUYỆN KĨ NĂNG đưa ra một số hướng dẫn về thao tác thực hành kiến thức (chẳng hạn: Luyện tập vận dụng các hình thức kết cấu văn bản thuyết minh, Luyện tập đọc – hiểu văn bản văn học, Luyện tập về liên kết trong văn bản, Thực hành thao tác chứng minh, giải thích, quy nạp, diễn dịch, 3
  • 4. Luyện tập trình bày một vấn đề,...). Mỗi tình huống thực hành trong phần này đặt ra một yêu cầu học sinh phải thông hiểu kiến thức cơ bản của bài học; ngược lại, qua công việc thực hành, kiến thức lí thuyết cũng có thêm một dịp được cũng cố. Vì thế, giữa lí thuyết và thực hành có mối quan hệ vừa nhân quả vừa tương hỗ rất chặt chẽ. Ngoài các nhiệm vụ trên, ở một mức độ nhất định, nội dung cuốn sách còn hướng tới việc mở rộng và nâng cao kiến thức cho học sinh lớp 10. Điều này thể hiện qua cách tổ chức kiến thức trong từng bài, cách hướng dẫn thực hành cũng như giới thiệu các ví dụ, các bài viết tham khảo. Cuốn sách chắc sẽ còn những khiếm khuyết. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp để có thể nâng cao chất lượng trong những lần in sau. Xin chân thành cảm ơn. NHÓM BIÊN SOẠN 4
  • 5. Tuần 19 PHÚ SÔNG BẠCH ĐẰNG (Bạch Đằng giang phú) TRƯƠNG HÁN SIÊU I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Trương Hán Siêu (? – 1354), tự là Thăng Phủ, quê ở thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, nay thuộc thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Các vua Trần rất kính trọng Trương Hán Siêu, thường gọi ông là “thầy”. Là người tài đức vẹn toàn nên khi qua đời, ông được thờ ở Văn Miếu. Tác phẩm của Trương Hán Siêu có: Bạch Đằng giang phú, Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí (Bài kí ở tháp Linh Tế trên núi Dục Thuý), Khai Nghiêm tự bi kí (Bài kí trên bia chùa Khai Nghiêm) và Cúc hoa bách vịnh,… Thơ văn Trương Hán Siêu thể hiện tình cảm yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm đối với xã tắc của một người đề cao Nho học. 2. Phú sông Bạch Đằng là loại phú cổ thể: mượn hình thức đối đáp chủ – khách để thể hiện nội dung, vận văn và tản văn xen nhau, kết thúc bằng một bài thơ. Loại phú cổ thể (có trước đời Đường) được làm theo lối văn biền ngẫu hoặc lối văn xuôi có vần, khác với phú Đường luật (có từ đời Đường) có vần, có đối, có luật bằng trắc chặt chẽ. 3. Bài Phú sông Bạch Đằng thể hiện niềm hoài niệm về chiến công của các anh hùng dân tộc, nêu cao vai trò của yếu tố con người với tinh thần ngoan cường, bất khuất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Tìm hiểu xuất xứ bài phú Gợi ý: Phú sông Bạch Đằng có lẽ được Trương Hán Siêu sáng tác vào đời Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, khi nhà Trần suy thoái, có nguy cơ sụp đổ. Khi có dịp du ngoạn trên sông Bạch Đằng, một nhánh sông Kinh Thầy đổ ra biển nằm giữa 5
  • 6. Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi lưu dấu chiến tích lịch sử Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán và nhà Trần tiêu diệt quân Nguyên Mông, ông đã cảm khái mà làm thành bài phú này. 2. Phân tích bố cục của bài phú Gợi ý: Bài phú này có có kết cấu ba phần theo như lối kết cấu thường thấy ở thể phú: - Mở đầu: Giới thiệu nhân vật, nêu lí do sáng tác (từ đầu cho đến …dấu vết luống còn lưu.). - Nội dung: Đối đáp (từ Bên sông các bô lão… cho đến Nhớ người xa chừ lệ chan.). - Kết thúc: Lời từ biệt của khách (phần còn lại). 3. Cách miêu tả khái quát, ước lệ kết hợp với tả thực trong đoạn mở đầu: - Ước lệ: Nguyên Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng; sóng kình, muôn dặm, đuôi trĩ, ba thu,… - Cảnh thực: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng, bờ lau san sát, bến lách đìu hiu,… 4. Thủ pháp liệt kê trùng điệp được sử hiệu quả. - Miêu tả không gian rộng lớn, thời gian liên hoàn: "giương buồm giong gió…, lướt bể chơi trăng…; sớm gõ thuyền…, chiều lần thăm…" - Làm nổi bật những kì tích: "Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã - Cũng là bãi đất xa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao"; "Tất Liệt thế c- ường, Lưu Cung chước dối,…" 5. Các hình ảnh đối nhau diễn tả không khí bừng bừng chiến trận ("Thuyền bè muôn đội tinh kì phấp phới – Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói"), hay để miêu tả thế giằng co quyết liệt ("ánh nhật nguyệt chừ phải mờ – Bầu trời đất chừ sắp đổi"). 6. Về nghệ thuật chọn lọc hình ảnh, sử dụng điển tích 6
  • 7. Tác giả đã lựa chọn hình ảnh, điển tích diễn tả nổi bật sự thất bại của quân giặc, khẳng định một cách trang trọng tài trí của vua tôi nhà Trần: - "Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay – Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi." -"Hội nào bằng hội Mạnh Tân, có lương sư họ Lã – Trận nào bằng trận Dục Thuỷ, có quốc sĩ họ Hàn." 7. Vần trong đoạn 1 và 2: - Vần lưng: vơi – chơi, lâu - đâu - Vần chân: Việt – biết – thiết - Vần gián cách: nhiều – Triều – chiều, đối - đổi – dối – lối – nổi, Hàn – nhàn – chan. 8. Nhân vật “khách” – cái tôi của tác giả: Sông Bạch Đằng và những hoài niệm về chiến công trên dòng sông này đều xuất phát từ sự quan sát của nhân vật “khách” – tác giả. Chính qua sự quan sát ấy, nhân vật khách hiện lên với vẻ đẹp phóng khoáng, mạnh mẽ của bậc tráng sĩ: "… chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều – Mà lòng tráng sĩ bốn phương vẫn còn tha thiết". “Khách” ấy cũng là người thích ngao du, thăm thú và tìm hiểu lịch sử dân tộc:"Học Tử Trường chừ thú tiêu dao". 9. Nhân vật “bô lão” – hình ảnh của tập thể, xuất hiện trong hình thức đối đáp ở đoạn hai như sự hô ứng, qua đó tái hiện lại kì tích xưa, bộc lộ niềm ngưỡng vọng, tự hào hùng tráng: - Những chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng: Chiến thắng gắn với tên tuổi Ngô Quyền và chiến thắng gắn với tên tuổi Trần Hưng Đạo. Các chiến thắng vang dội này được đặc biệt tô đậm nhờ những hình ảnh, điển tích được chọn lựa hết sức đặc sắc: “tinh kì phấp phới, giáo gươm sáng chói”, “ánh nhật nguyệt... phải mờ, bầu trời đất... sắp đổi”, “tan tác tro bay,... hoàn toàn chết trụi...; Xích Bích, Hợp Phì,…” - Ngẫm lại xưa, thấy chiến thắng oanh liệt là bởi “trời đất cho nơi hiểm trở”, 7
  • 8. “nhân tài giữ cuộc điện an” và “bởi đại vương coi thế giặc nhàn”, nghĩ đến nay chỉ thêm hoài tiếc: "Đến bên sông chừ hổ mặt – Nhớ người xa chừ lệ chan". 10. Đoạn cuối bài, trong lời thơ, “bô lão” và “khách” như hiện thân hô ứng của xưa – nay ca lên niềm tự hào về non sông hùng vĩ, bình luận về chiến thắng sông Bạch Đằng bằng khúc anh hùng ca về tinh thần ngoan cường, bất khuất của con người: - Lời ca của “bô lão” khẳng định sự hằng tồn của dòng sông Bạch Đằng lịch sử, cũng là khẳng định chân lí: “Những người bất nghĩa tiêu vong – Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”. - Lời ca của “khách” tiếp nối âm hưởng tự hào, tôn vinh ở lời ca của “bô lão” đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của con người trong chiến công xa, cũng là chân lí thấm đẫm tinh thần nhân văn cho muôn đời. Đọc thêm PHÚ NHÀ NHO VUI CẢNH NGHÈO (Trích Hàn nho phong vị phú) NGUYỄN CÔNG TRỨ I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), huý là Củng, tự Tôn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc đời làm quan của ông tuy lúc thăng lúc giáng thất thường, nhưng ông luôn vui vẻ, một lòng vì dân, vì nước. Các sáng tác: 53 bài thơ Nôm luật Đường, 1 bài thơ chữ Hán, 1 bài phú Nôm, 21 câu đối Nôm, 8 câu đối Hán, 62 bài ca trù,… Nguyễn Công Trứ có vai trò đặc biệt trong thể thơ hát nói. Bài phú Hàn nho phong vị phú cũng là một sáng tạo đặc sắc của ông. “Thơ văn Nguyễn Công Trứ nhất là ca trù ngân lên một giọng điệu mới, phản ánh một khuynh hướng tư tưởng khác với trước đó, tập trung vào một số chủ đề gắn bó với con người và cuộc đời tác giả.” 8
  • 9. 2. Phú có bốn loại chính: cổ phú, bài phú, luật phú và văn phú. Hàn nho phong vị phú thuộc loại luật phú, chú trọng đối, vần. 3. Qua miêu tả hết sức cặn kẽ cảnh nghèo, tác giả bộc lộ quan niệm về thú vui sống, thanh thản, nhàn nhã của một nhà nho tài tử. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Các vế sóng đôi, đối nhau, với những hình ảnh cường điệu, cực tả cái nghèo, thể hiện cái nhìn trào lộng, hóm hỉnh. 2. Ngôn ngữ văn xuôi, dân dã được sử dụng với mật độ dày: chém cha, nó, ấy ấy, đầu kèo, trước sân, ống nứa, đầu giường tre, thằng bé tri trô, rọi trứng gà bên vách, xoi hang chuột trong nhà, ngấp ngó, trong cũi, đầu giàn, lợn nằm gặm máng, chuột cậy khua niêu, vỗ bụng rau bình bịch, ngáy kho kho, áo vải thô nặng trịch, khăn lau giắt đỏ lòm,… Qua đó, cảnh nghèo của nhà nho được miêu tả sinh động, chân thực đến suồng sã. 3. Tác giả đã đặt vấn đề gì ở bốn vế đầu của đoạn trích? Gợi ý: Ở bốn vế đầu, tác giả nói đến cái nghèo vừa như muốn vạch trần lại vừa như chữa “tội”, đùa giỡn. Thái độ trước cái nghèo thể hiện ở bốn vế đầu được cụ thể hoá bằng việc tả cảnh nghèo và bộc lộ bản lĩnh sống, thái độ trước cuộc sống nghèo khó của nhà nho ở 16 vế tiếp sau. 4. Nhận xét về cái nhìn của tác giả đối với cảnh nghèo. Gợi ý: Nửa như ca thán, chán ngán cảnh nghèo, nửa như bông đùa, bất chấp cái khó khăn để tìm vui thú, tác giả đã có cái nhìn vừa hết sức thực tế đối với cuộc sống, xót xa trước cảnh nghèo hèn vừa như bỡn cợt, “ngông”. Tác giả đứng ở tư thế của người trong cảnh nghèo, nếm trải mọi điều đồng thời cũng là người vượt lên trên hoàn cảnh, tìm lẽ tự tại cho mình. 9
  • 10. CÁC HÌNH THỨC KẾT CẤU CỦA VĂN BẢN THUYẾT MINH I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Văn bản thuyết minh nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,… của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề nào đó. Có nhiều loại văn bản thuyết minh. 2. Phù hợp với mối liên hệ bên trong của sự vật hay quá trình nhận thức của con người, văn bản thuyết minh có thể có nhiều loại hình thức kết cấu khác nhau: - Kết cấu theo trình tự thời gian: trình bày sự vật theo quá trình hình thành, vận động và phát triển. - Kết cấu theo trình tự không gian: trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của nó (bên trên - bên dưới, bên trong - bên ngoài, hoặc theo trình tự quan sát,…). - Kết cấu theo trình tự lôgic: trình bày sự vật theo các mối quan hệ khác nhau (nguyên nhân - kết quả, chung - riêng, liệt kê các mặt, các phương diện,…). - Kết cấu theo trình tự hỗn hợp: trình bày sự vật với sự kết hợp nhiều trình tự khác nhau. II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Văn bản Lịch sử vấn đề bảo vệ môi trường thuyết minh về đối tượng nào? Để thuyết minh về đối tượng ấy, người viết đã sử dụng hình thức kết cấu nào? - Văn bản thuyết minh về Lịch sử vấn đề bảo vệ môi trường. - Hình thức kết cấu của văn bản được tổ chức phối hợp giữa trình tự quan hệ nhân quả (Từ nguyên nhân ô nhiễm môi trường đến sự nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường do Ra-sen Ca-xơn đưa ra trong tác phẩm Mùa xuân lặng lẽ và từ đó dấy lên phong trào bảo vệ môi trường) và trật tự quan hệ thời gian (Ngày nay…  Sau Chiến tranh thế giới thứ hai…  Năm 1962…  khởi đầu từ thập kỉ sáu mươi…). 2. Văn bản Thành cổ Hà Nội thuyết minh về đối tượng nào? Để thuyết minh 10
  • 11. về đối tượng ấy, người viết đã tổ chức hình thức kết cấu như thế nào? - Văn bản giới thiệu về đặc điểm trật tự kết cấu của thành cổ Hà Nội. - Để giới thiệu đặc điểm trật tự kết cấu của thành cổ Hà Nội, bài văn đã được tổ chức theo trình tự không gian từ trong ra ngoài: Tử Cấm Thành  Hoàng Thành  Kinh Thành. 3. Văn bản Học thuyết nhân ái của Nho gia thuyết minh về đối tượng nào? Để thuyết minh về đối tượng ấy, người viết đã tổ chức hình thức kết cấu ra sao? - Văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản của học thuyết nhân ái. - Người viết đã tổ chức kết cấu văn bản theo trình tự lô gích của đối tượng – tư tưởng nhân ái: + Giới thiệu chung về thuyết nhân ái; + Nội dung hai chữ nhân, ái; + Nội dung hai chữ trung, thứ. 4. Tìm hiểu kết cấu của phần Tri thức đọc – hiểu về thể loại Phú: Phú vốn là thể văn Trung Quốc thịnh hành vào thời Hán, dùng lối văn có nhịp điệu, nhằm miêu tả, trình bày sự vật để biểu hiện tình cảm, ý chí của tác giả. Phú có bốn loại chính: cổ phú, bài phú, luật phú và văn phú. Cổ phú thường dùng hình thức “chủ – khách đối đáp”, không đòi hỏi đối, cuối bài thường kết lại bằng thơ; bài phú là phú dùng hình thức biền văn, câu văn 4 chữ, 6 chữ, 8 chữ sóng đôi với nhau; luật phú là phú thời Đường, chú trọng đến đối, vần hạn chế, gò bó; văn phú là phú thời Tống, tương đối tự do, có dùng câu văn xuôi. Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc loại cổ phú, sử dụng lối “chủ – khách đối đáp”; câu thơ có xen tiếng chừ (ví dụ: “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương – Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”) đậm chất trữ tình và sử dụng câu đối theo kiểu vế sau phô diễn tiếp mạch ý của vế trước (ví dụ: “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá - Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”), nhiều vần thay nhau (nguyên văn bài phú này 11
  • 12. bằng chữ Hán có 8 vần) làm cho hình thức vừa cổ kính vừa uyển chuyển. Cổ phú ở Trung Quốc chủ yếu thể hiện đời sống cung đình, thích khoa trương hình thức. Bài phú của Trương Hán Siêu hoài niệm về chiến công của các anh hùng dân tộc, nêu cao vai trò của yếu tố con người trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. a) Về đối tượng thuyết minh: Văn bản thuyết minh về thể loại phú. b) Các đoạn của văn bản được sắp xếp kết cấu theo trình lô gích của đối tượng – thể loại văn học: - Khái niệm chung về thể loại phú; - Đặc điểm của các thể phú; - Đặc điểm thể loại của bài Phú sông Bạch Đằng; - Sự sáng tạo thể loại của bài Phú Sông Bạch Đằng. Tuần 20 THƯ DỤ VƯƠNG THÔNG LẦN NỮA (Tái dụ Vương Thông thư) NGUYỄN TRÃI I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là ức Trai, quê gốc tại làng Ngái (Chi Ngại), huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông mất ngày 19 – 9 – 1442, tức 16 tháng tám năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba, trong vụ án Lệ Chi Viên (tức vụ án Trại Vải, huyện Gia Lư - ơng, nay thuộc Bắc Ninh), vụ án tru di tam tộc oan khốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Trãi, mặc dù bị mất mát nhiều, song vẫn còn khá đồ sộ về số lượng và kiệt xuất về chất lượng: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Lam Sơn thực lục, Vĩnh Lăng thần đạo bi, Chí Linh sơn phú, Dư địa chí, Băng Hồ di sự lục, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập. 12
  • 13. 2. Trong thời trung đại, thư ban đầu là tên chung của loại thư tín, viết để trao đổi thông tin công việc hoặc tình cảm giữa người với người, hoặc gửi cho vua quan, bạn bè, người thân. Về sau, thư gửi vua được gọi là biểu, tấu còn thư chỉ là hình thức thông tin giữa những người ngang hàng. Trong Quân trung từ mệnh, thư là hình thức công văn, bàn việc nước, việc chiến, việc hoà nên mang đậm nét tính chính luận. 3. Với một nghệ thuật nghị luận bậc thầy, thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi cho thấy ý chí quyết thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của quân và dân ta. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Tìm hiểu xuất xứ Gợi ý: Trong sự nghiệp phò tá Lê Lợi đánh quân Minh, Nguyễn Trãi có nhiệm vụ soạn thảo các thư từ gửi cho các tướng nhà Minh và nhân danh Lê Lợi để khuyên dụ. Nguyễn Trãi đã thực hiện chiến thuật “tâm công” hết sức hiệu quả. Thư lại dụ Vương Thông là thư số 35, một trong những bức thư gửi cho Vương Thông. Bấy giờ thành Đông Quan (Hà Nội nay) bị quân ta vây hãm, quân địch ở trong thành đang khốn đốn. Bức thư này viết vào khoảng tháng 2 – 1427 thì đến tháng 10 năm ấy, sau khi Liễu Thăng bị giết ở gò Mã Yên, Vương Thông không đợi lệnh vua Minh đã “tự ý giảng hoà” với quân Lam Sơn rồi rút quân về n- ước. 2. Đặt vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể để phân tích mục đích của bức thư: Mục đích viết thư của Nguyễn Trãi là dụ giặc ra hàng và rút quân về nước. Mục đích này được nói rõ trong các câu: “Các ông là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy, trong thành sẽ tránh được nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp bỏ. ”. 3. Tìm hiểu bố cục bức thư 13
  • 14. Gợi ý: Bức thư có bố cục 3 đoạn: - Đoạn 1 (từ đầu cho đến Sao đủ để cùng nói việc binh được?): Nêu lên nguyên lí của người dùng binh là phải hiểu biết thời thế. - Đoạn 2 (từ Trước đây các ông trong lòng… cho đến … bại vong đó là sáu !): Phân tích thời và thế của đối phương ở thành Đông Quan. - Đoạn 3 (phần còn lại): Khuyên hàng, hứa hẹn những điều tốt đẹp, thách đấu và sỉ nhục tướng giặc. 4. Phân tích mối quan hệ giữa các đoạn để thấy được mạch lập luận Gợi ý: Lôgic giữa các đoạn thể hiện mạch lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục: Người làm dùng binh không thể không hiểu biết thời thế à Nay ở vào thời thế chỉ chuốc lấy bại vong à Trong tình hình như vậy, nếu hiểu biết thời thế thì phải đầu hàng và rút quân về nước à Nếu không thì ra giao chiến phân tài hơn kém, không nên hèn nhát như thế. 5. Phân tích tư tưởng được thể hiện trong đoạn mở đầu Gợi ý: Ở đoạn mở đầu, tác giả nêu tư tưởng về thời thế đối với người dùng binh. Đưa ra tư tưởng thời thế như một nguyên lí căn bản trong việc dùng binh, tác giả đã mở đầu bằng chân lí sáng rõ, phàm là người làm tướng đều thấu hiểu, để từ đó sẽ đi đến phân tích thời thế cụ thể của đối phương nhằm mục đích thuyết phục, dụ hàng; đồng thời khẳng định kẻ địch không những không hiểu thời thế mà còn dối trá, che đậy nguy cơ thảm bại. Đây là đoạn văn có vai trò nêu chủ đề, mở ra hướng lập luận cho toàn bài. 6. Lời lẽ thể hiện tư thế của người viết thư như thế nào? Gợi ý: Mặc dù tư thế của người nắm phần chủ động, hơn về sức mạnh quân sự cũng như thời thế, song thái độ của tác giả hết sức linh hoạt: đối với bọn Vương Chính, 14
  • 15. Mã Kì tàn ác, ngoan cố thì sỉ mắng, cương quyết tiêu diệt; đối với Vương Thông, Sơn Thọ và các tướng khác thì phân tích thời thế, cương nhu linh hoạt, chủ yếu dụ hàng. Cuối cùng, vừa khuyên nhủ, hứa hẹn lại vừa sỉ mắng, “khích tướng”, thách đánh để chứng tỏ sức mạnh làm chủ tình thế của quân ta. Tác giả khuyên hàng với lí lẽ vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn: một là đầu hàng, sẽ được bảo toàn; hai là đem quân ra đọ sức, mà với thời thế như đã phân tích sáng rõ ở phần trên bức thư thì phương án này chỉ đem lại kết quả thảm bại. Bức thư thể hiện địch vận “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi, cho thấy sự kết hợp tài tình giữa tính chiến đấu mạnh mẽ với lòng yêu chuộng hoà bình thiết tha của tác giả. 7. Thời và thế của quân Minh đã được tác giả phân tích trong đoạn 2 của bức thư như thế nào? Gợi ý: - Thế của quân Minh ở Trung Quốc: Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời…; Phía Bắc có giặc Nguyên, trong nước có nội loạn ở Tầm Châu. - Thế của quân Minh ở Đông Quan: kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh,… - Sáu cớ bại vong tất yếu, không thể bác bỏ. 8. Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của tác giả, cũng là của nhân dân ta: - Chỉ rõ sự thất bại của địch, khẳng định thế tất thắng của ta (sáu cớ bại vong). - Khuyên dụ đầu hàng, mở ra đường thoái lui cho đối phương: “sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thuỷ lục hai đường, tuỳ theo ý muốn; quân ra khỏi bờ cõi, muôn phần bảo đảm được yên ổn”. - Bộc lộ quan điểm hoà hữu, bang giao thân thiện, lâu dài: “nước tôi lại phụng cống xưng thần, theo như lệ trước”. 15
  • 16. PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT I – KIẾN THỨC CƠ BẢN Là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật khác với các phong cách ngôn ngữ khác ở những điểm cơ bản sau: 1. Tính thẩm mĩ Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình tượng, có sự tổng hoà của ngữ âm và ngữ nghĩa, hoà phối để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ. 2. Tính đa nghĩa Nghĩa của văn bản nghệ thuật gồm nhiều thành phần: thành phần biểu thị thông tin khách quan, thành phần biểu thị tình cảm; thành phần nghĩa tường minh, thành phần nghĩa hàm ẩn. Các thành phần nghĩa này thống nhất với nhau trong những hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể, vừa sinh động. Trong đó, thành phần nghĩa hàm ẩn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật, biểu thị những suy ngẫm, gợi liên tưởng, tưởng tượng,… tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ, những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người. 3. Dấu ấn riêng của tác giả Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt. Sở thích và sở trường ấy được bộc lộ ở những tác phẩm có giá trị và tạo thành nét độc đáo, dấu ấn riêng của tác giả. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Những loại văn bản nào sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật? Gợi ý: Các loại văn bản văn chương (văn xuôi nghệ thuật, thơ, kịch) sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. 2. Nói đến phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, cần phải nhớ đến những đặc 16
  • 17. điểm cơ bản nào? Gợi ý: Tính thẩm mĩ, tính đa nghĩa và dấu ấn riêng của tác giả là những đặc điểm cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. 3. Hãy phân tích đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện ở bài Phú nhà nho vui cảnh nghèo của Nguyễn Công Trứ. Gợi ý: - Về tính thẩm mĩ của văn bản: + Tính thẩm mĩ thể hiện ở cấu trúc văn bản theo thể loại phú: Văn bản Phú nhà nho vui cảnh nghèo thuộc thể bài phú, ngôn ngữ được tổ chức theo hình thức biền văn, có sáu mươi tám vế sóng đôi; hai mươi vế đầu miêu tả nơi ở, cách sống và ăn mặc của một nhà nho nghèo. + Tính thẩm mĩ thể hiện ở các yếu tố ngôn ngữ, các biện pháp tu từ tập trung diễn tả nơi ở, cách sống và ăn mặc của một nhà nho nghèo: sự lặp lại, sóng đôi, điệp âm (Chém cha… chém cha, rành rành – ấy ấy, bình bịch – kho kho, chát chát chua chua – nhai nhai nhổ nhổ,…; hiệp vần o, ô), đối (Bóng nắng rọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô - Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó,…), lối nói “phô trương” (mọt tạc vẽ sao, nhện giăng màn gió, mối giũi quanh co, giun đùn lố nhố, lợn nằm gặm máng, chuột cậy khua niêu, vỗ bụng rau bình bịch, an giấc ngáy kho kho, áo vải thô nặng trịch, khăn lau giắt đỏ lòm,…), … - Về tính đa nghĩa của văn bản: Tác giả không dùng chữ nghèo nào mà vẫn miêu tả được cảnh nghèo của hàn nho; Qua việc miêu tả khách quan cảnh sống nghèo (nơi ở, cách sống, ăn mặc), tác giả đã lột tả được cảnh sống nghèo đến cùng cực, đồng thời cho thấy quan niệm, thái độ sống lạc quan của một nhà nho chân chính. - Về dấu ấn riêng của tác giả: Dấu ấn riêng của tác giả thể hiện nổi bật qua giọng điệu mỉa mai, châm biếm (đặc biệt là ở từ phong vị, hay việc sử dụng ngôn ngữ trong cách nói “phô trương”,…). Cũng qua giọng điệu ấy mà hình tượng tác giả hiện ra với một tư thế vừa ngao ngán vừa ngạo nghễ, bất chấp, ngông,… 17
  • 18. Nguyễn Công Trứ thường để lại ấn tượng về một cá tính ngang tàng, đậm chất tài tử. 4. Phân tích đoạn thơ sau đây để làm sáng tỏ đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái nước song song; Thuyền về nước lại sầu trăm ngả, Củi một cành khô lạc mấy dòng. (Huy Cận, Tràng giang) Gợi ý: Để phân tích những biểu hiện của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật trong đoạn thơ trên, hãy tham khảo đoạn văn sau. “Ngay câu thơ đầu bài thơ không chỉ nói sông, mà nói buồn, nói về một nỗi buồn bất tận, bằng một hình ảnh ẩn dụ: sóng gợn tràng giang trùng trùng điệp điệp, như nỗi buồn trùng trùng điệp điệp. Giữa tràng giang mà điểm nhìn nhà thơ tụ vào con sóng nhỏ, tuy rất nhiều, nhưng hiện ra rồi tan, muôn thủa. Con thuyền thường là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, cô đơn, vô định. ở đây con thuyền buông mái chèo xuôi dòng (xuôi mái) theo dòng nước, nhưng thuyền và nước chỉ “song song” với nhau chứ không gắn bó gì với nhau, bởi nước xuôi trăm ngả, thuyền theo ngả nào? Thuyền đi với dòng để rồi chia li với dòng. Câu thứ ba đã nói tới sự chia li: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Thuyền buồn vì phải rẽ dòng. Nước buồn như không biết trôi về đâu. Câu cuối đoạn này càng thể hiện tập trung cho kiếp người nhỏ nhoi, lạc lõng, vô định: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Cái nhìn của nhà thơ vẫn tập trung vào các vật nhỏ: sóng, thuyền, củi khô. Tác giả lưu ý, không phải là cây gỗ, thân gỗ, mà chỉ là “củi một cành khô”, một mảnh rơi gẫy, khô xác của thân cây. Cả khổ thơ đầu đã vẽ lên một không gian sông nước bao la, vô định, rời rạc, hờ hững. Những đường nét: nước song song, buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, lạc 18
  • 19. mấy dòng không hứa hẹn gì về hội tụ, gặp gỡ mà chỉ là chia tan, xa vời. Trên con sông đó một con thuyền, một nhánh củi lênh đênh càng tỏ ra nhỏ nhoi bất lực. ở đây không chỉ thuyền buồn, cành củi khô buồn, mà cả sóng gợn, sông nước đều buồn.” (Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 234-235) BÀI VIẾT SỐ 5 (Văn thuyết minh) I – ĐỀ BÀI THAM KHẢO 1. Giới thiệu về ca dao Việt Nam. 2. Trình bày một số đặc điểm cơ bản của văn bản văn học. 3. Giới thiệu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. 4. Thuyết minh yêu cầu đọc – hiểu văn bản văn học. 5. Thuyết minh về đặc điểm của thể loại phú. II – HƯỚNG DẪN 1. Đây là kiểu bài văn thuyết minh về một thể loại văn học, vấn đề văn học; cần phải biết vận dụng sáng tạo các phương pháp thuyết minh thích hợp với từng đối tượng để làm bài. Trong các đề bài trên, đề (1) và đề (5) có đối tượng thuyết minh là thể loại văn học; các đề (2), (3), (4) thuộc dạng thuyết minh về một vấn đề văn học. 2. Để giải quyết được yêu cầu của đề bài, cần chuẩn bị tri thức cũng như tính toán cách làm bài theo các bước sau: a) Huy động tư liệu, tìm hiểu tri thức về đối tượng thuyết minh (thể loại hoặc vấn đề văn học). b) Lựa chọn nội dung thông tin chính xác, khách quan về đối tượng thuyết 19
  • 20. minh để trình bày trong bài văn. c) Lập dàn ý cho bài văn theo bố cục 3 phần: - Mở bài: Giới thiệu chung về đối tượng cần thuyết minh. - Thân bài: Trình bày nội dung thông tin về đối tượng thuyết minh theo trình tự nhất định (trình tự lô gích của đối tượng hoặc trình tự nhận thức, quan hệ nhân – quả,…). - Kết bài: Có thể đưa ra nhận định chung về đối tượng, ý nghĩa của việc tìm hiểu đối tượng đã thuyết minh. d) Viết bài văn thuyết minh với dàn ý đã lập. 3. Định hướng về nội dung thông tin để giải quyết các đề cụ thể: a) Giới thiệu về ca dao Việt Nam: - Ca dao là gì? Tham khảo: Ca dao (còn gọi là phong dao) được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu; trong trường hợp này, ca dao đồng nghĩa với dân ca. Do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, từ ca dao đã dần dần chuyển nghĩa. Hiện nay, từ ca dao thường được dùng để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi). Với nghĩa này, ca dao là thơ dân gian truyền thống. (Theo Nhiều tác giả, Từ điển Thuật ngữ Văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004) - Ca dao Việt Nam có đặc điểm gì về nội dung? Ca dao là thơ trữ tình – trò chuyện diễn tả tình cảm, tâm trạng của một số kiểu nhân vật trữ tình: người mẹ, người vợ, người con,… trong quan hệ gia đình; 20
  • 21. chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn, tình yêu lứa đôi; người phụ nữ, người dân thường,… trong quan hệ xã hội. Nó không mang dấu ấn tác giả như thơ trữ tình (của văn học viết) mà thể hiện tình cảm, tâm trạng của các kiểu nhân vật trữ tình và có cách thể hiện tình cảm, thế giới nội tâm mang tính chung, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương,… của các kiểu nhân vật này. Tuy nhiên, dù mang tính chất chung nhưng mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo, sáng tạo, thể hiện được sự phong phú, da dạng của sắc thái tình cảm. (…) - Ca dao Việt Nam có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật? Hơn 90% các bài ca dao đã sưu tầm được đều sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Ngoài ra, ca dao còn có các dạng hình thức khác như thơ song thất lục bát (câu thơ bảy tiếng kết hợp với câu thơ sáu – tám tiếng), vãn bốn (câu thơ bốn tiếng), vãn năm (câu thơ năm tiếng). Ca dao rất giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ và biểu tượng mang tính truyền thống như hạt mưa, tấm lụa đào, cái giếng, cây đa, bến nước, con thuyền, con đò, chiếc khăn,… - những hình ảnh quen thuộc, gắn với cuộc sống của người bình dân. Các hình thức lặp lại cũng là đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của ca dao: lặp kết cấu, lặp hình ảnh, lặp hình thức mở đầu hoặc lặp từ, cụm từ,… Được tổ chức dưới hình thức thơ ca nhưng ngôn ngữ của ca dao vẫn rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, mang đậm chất địa phương và dân tộc. - Vai trò thẩm mĩ của ca dao? Mỗi người, bất kể giàu nghèo, sang hèn,… đều có thể lấy ca dao là tiếng nói tâm tư, tình cảm của mình, có thể soi lòng mình trong ca dao. Cho nên, ca dao còn được coi là “thơ của vạn nhà”, là gương soi của tâm hồn và đời sống dân tộc; nơi lưu giữ vẻ đẹp tâm hồn dân tộc, nguồn mạch vô tận cho thơ ca,… b) Về đặc điểm cơ bản của văn bản văn học: - Văn bản văn học là gì? Văn bản văn học (còn gọi là văn bản nghệ thuật, văn bản văn chương) có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn bản văn học là tất cả các văn bản 21
  • 22. sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, văn bản văn học chỉ bao gồm các sáng tác có hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng hư cấu (tức là tạo ra những hình tượng bằng tưởng tượng). Văn bản văn học theo nghĩa hẹp vừa có ngôn từ nghệ thuật vừa có hình tượng nghệ thuật. - Văn bản văn học có đặc điểm gì về ngôn từ? + Ngôn từ văn học được tổ chức đặc biệt, có tính nghệ thuật và thẩm mĩ. + Ngôn từ văn học là chất liệu để sáng tạo hình tượng, xây dựng thế giới tưởng tượng. + Do yêu cầu sáng tạo hình tượng, ngôn từ văn học có tính biểu tượng và đa nghĩa. - Văn bản văn họic có đặc điểm gì về hình tượng? + Hình tượng văn học là thế giới đời sống do ngôn từ gợi lên trong tâm trí người đọc. + Hình tượng văn học là một phương tiện giao tiếp đặc biệt. Đọc – hiểu văn bản văn học là thực hiện quá trình giao tiếp giữa người đọc và tác giả. - Văn bản văn học có đặc điểm gì về ý nghĩa? + Ý nghĩa của hình tượng văn học chính là ý nghĩa của đời sống được nhà văn gợi lên qua hình tượng. + Ý nghĩa của hình tượng văn học thể hiện qua nhân vật, sự kiện, cảnh vật, chi tiết, qua sự sắp xếp, kết cấu của các bộ phận văn bản và qua cách sử dụng ngôn từ. + Có thể chia ý nghĩa của hình tượng thành các lớp: đề tài, chủ đề, cảm hứng, tính chất thẩm mĩ, triết lí nhân sinh. - Văn bản văn học có đặc điểm gì về cá tính sáng tạo của nhà văn? + Văn bản văn học nào cũng do tác giả viết ra và ít nhiều đều để lại dấu ấn của người sáng tạo ra văn bản. + Đặc điểm về cá tính sáng tạo của tác giả vừa tạo nên sự phong phú, đa dạng 22
  • 23. vừa đem lại tính độc đáo cho văn bản văn học. - Những hiểu biết về đặc điểm của văn bản văn học có tác dụng gì? + Định hướng về thao tác đọc – hiểu văn bản văn học cụ thể. + Định hướng về thao tác cảm thụ, đánh giá văn bản văn học cụ thể. c) Về đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: - Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì? Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (văn xuôi nghệ thuật, thơ, kịch). Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có tính thẩm mĩ, tính đa nghĩa và dấu ấn riêng của tác giả. - Tính thẩm mĩ của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình tượng, có sự tổng hoà của ngữ âm và ngữ nghĩa, hoà phối để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ. - Tính đa nghĩa của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: Nghĩa của văn bản nghệ thuật gồm nhiều thành phần: thành phần biểu thị thông tin khách quan, thành phần biểu thị tình cảm; thành phần nghĩa tường minh, thành phần nghĩa hàm ẩn. Các thành phần nghĩa này thống nhất với nhau trong những hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể, vừa sinh động. Trong đó, thành phần nghĩa hàm ẩn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật, biểu thị những suy ngẫm, gợi liên tưởng, tưởng tượng,… tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ, những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người. - Đặc điểm về dấu ấn riêng của tác giả trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt. Sở thích và sở trường ấy được bộc lộ ở những tác phẩm có giá trị và tạo thành nét độc đáo, dấu ấn riêng của tác giả. 23
  • 24. - Tác dụng của những hiểu biết về đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: + Tác dụng đối với hoạt động đọc – hiểu văn bản văn học. + Tác dụng đối với hoạt động sáng tạo văn bản văn học. d) Về yêu cầu đọc – hiểu văn bản văn học: - Bản chất của hoạt động đọc văn bản văn học là gì? Khi đọc văn bản văn học, dù với bất kì mục đích nào, người đọc đều thực hiện việc tiếp nhận các giá trị tư tưởng, nghệ thuật; giao lưu tư tưởng, tình cảm với tác giả, với những người đã đọc trước; bày tỏ thái độ đồng cảm hay không đồng cảm với văn bản văn học. - Những yêu cầu chính của việc đọc – hiểu văn bản văn học: Người đọc phải trải qua quá trình đọc – hiểu: từ hiểu văn bản ngôn từ, hiểu ý nghĩa của hình tượng, hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả; từ đó hình thành sự đánh giá đối với văn bản và đạt đến mức độ thưởng thức các giá trị của văn bản. - Làm thế nào để hình thành được kĩ năng đọc – hiểu văn bản văn học? Người đọc chẳng những phải thường xuyên đọc nhiều tác phẩm văn học mà còn phải biết tra cứu, học hỏi, biết tưởng tượng, suy ngẫm, tạo thành thói quen phân tích và thưởng thức văn học. e) Về đặc điểm của thể loại phú, xem bài Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh. Tuần 21 ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ (Bình Ngô đại cáo) NGUYỄN TRÃI I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 24
  • 25. 1. Về tác giả, xem bài trước. 2. Cáo là thể văn có nguồn gốc từ Trung Quốc xa. Cáo được chuyên dùng để vua công bố việc lớn với muôn dân. Nguyễn Trãi dùng hai chữ đại cáo vốn là tên gọi một bài cáo cổ xưa nhất của Trung Quốc để thay lời Lê Lợi công bố với thiên hạ. Cáo thường hay dùng văn biền ngẫu. Văn biền ngẫu hay còn gọi là “biền văn”, “biền lệ văn” hoặc “văn tứ lục” (biền là ngựa đi sóng đôi; ngẫu là đôi, cặp). Văn biền ngẫu có năm đặc điểm: - Ngôn ngữ đối ngẫu: các vế đối nhau theo bằng trắc, từ loại; - Kiểu câu chỉnh tề, câu 4 chữ đối với câu 4 chữ, câu 6 chữ đối với câu 6 chữ hoặc câu 4/4 và câu 6/6 đối nhau; - Có vần điệu, bằng trắc hài hoà; - Sử dụng điển cố; - Sử dụng từ ngữ bóng bẩy có tính phô trương. Trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi còn có loại câu 5 chữ, 7 chữ, 10 chữ, 14 chữ rất đa dạng. 3. Đại cáo bình Ngô là một bản anh hùng ca về sức mạnh của truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự cường, tư tưởng đại nghĩa, ý chí của quân và dân ta trong trong cuộc chiến đấu thắng lợi vang dội trước giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống hoà bình, hạnh phúc cho toàn dân tộc ở thế kỉ XV. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Tìm hiểu xuất xứ bài cáo Gợi ý: Cuối năm 1427, sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết Đại cáo bình Ngô nhằm tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến. 2. Tìm hiểu bố cục bài cáo Gợi ý: Bài cáo gồm 5 đoạn: 25
  • 26. - Đoạn 1 (từ Từng nghe... đến Chứng cớ còn ghi): Nêu luận đề chính nghĩa. - Đoạn 2 (từ Vừa rồi... đến Ai bảo thần dân chịu được?): Tố cáo tội ác của giặc. - Đoạn 3 (từ Ta đây... đến …lấy ít địch nhiều.): Lãnh tụ và nghĩa quân trong buổi đầu dấy nghiệp. - Đoạn 4 (từ Trọn hay... đến Cũng là cha thấy xưa nay): Quá trình kháng chiến đi đến thắng lợi. - Đoạn 5 (từ Xã tắc từ đây vững bền đến hết): Tuyên bố hoà bình, khẳng định ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. 3. Tìm những từ ngữ, hình ảnh so sánh đặc sắc dùng để miêu tả thế chiến thắng của quân ta và sự thất bại của giặc. Gợi ý: Khí thế chiến thắng của ta Sự thất bại nhục nhã của giặc Đoạn từ Trọn hay... đến …cho tất cả thế gian. sấm vang chớp giật máu chảy thành sông trúc chẻ tro bay thây chất đầy nội thừa thắng ruổi dài phải bêu đầu đất cũ thu về đành bỏ mạng hăng lại càng hăng cháy lại càng cháy mưu phạt tâm công trí cùng lực kiệt Đoạn từ Bởi thế... đến …chưa thấy xưa nay. điều binh thủ hiểm chặt mũi tiên phong sai tướng chẹn đường tuyệt nguồn lương thực ngày mười tám Liễu Thăng thất thế ngày hai mươi Liễu Thăng cụt đầu 26
  • 27. ngày hăm lăm Lương Minh bại trận tử vong ngày hăm tám Lí Khánh cùng kế tự vẫn thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau đánh một trận sạch không kình ngạc đánh hai trận tan tác chim muông … … Tuy cùng miêu tả chiến thắng của ta, thất bại của giặc nhưng ở những đoạn khác nhau mức độ khác nhau: chiến thắng mỗi lúc một lớn, khí thế càng ngày càng mạnh mẽ, dồn dập – càng ngoan cố, thất bại càng thảm hại, nhục nhã. 4. Phân tích những thủ pháp nghệ thuật đã được sử dụng nhằm làm nổi bật chiến thắng của ta và thất bại của giặc. Gợi ý: Các thủ pháp: liệt kê trùng điệp (những chiến thắng của ta, những thất bại của giặc), đối lập (khí thế, tư thế của bên chủ động, chiến thắng – kẻ tan tác, thất bại nặng nề, thảm khốc), so sánh tương phản (giữa chiến thắng của ta với thất bại của giặc),… Các thủ pháp này kết hợp với sự thay đổi linh hoạt hình thức câu văn ngắn - dài, tiết tấu nhanh – chậm tạo ra những sắc thái biểu cảm đa dạng: khi thể hiện khí thế, sức mạnh của quân ta thì hào hùng, mạnh mẽ, với những câu văn ngắn gọn, đanh chắc (Gươm mài đá, đá núi cũng mòn – Voi uống nước, nước sông phải cạn - Đánh một trận sạch không kình ngạc - Đánh hai trận tan tác chim muông); khi miêu tả sự thất bại của giặc thì thảm hại, tơi bời, với những câu văn dài, như sự những thất bại liên tiếp, kéo dài vô kể (Bị ta chẹn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật ! – Thua quân ta ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân). 5. Những luận điểm chính của đoạn trích: - Hình ảnh vị lãnh tụ nghĩa quân và những khó khăn trong buổi đầu dấy nghĩa. 27
  • 28. - Quá trình kháng chiến và thắng lợi vẻ vang. - Tuyên bố hoà bình và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa. 6. Về hình tượng người thủ lĩnh Gợi ý: Làm nên sức mạnh chiến thắng, còn phải kể đến vai trò của người thủ lĩnh hết lòng vì sự nghiệp chung, có tài trí, mưu lược: ý thức trách nhiệm cao đối với vận mệnh quốc gia, căm thù giặc sâu sắc, đặt nhiệm vụ cứu nước trở thành hoài bão, điều nung nấu của mình, trọng người hiền tài, thu phục được lòng người tạo thành sức mạnh đoàn kết, tinh thông binh pháp, chiến lược,… 7. Tìm hiểu tư tưởng đại nghĩa trong bài cáo. Gợi ý: Đối với nhân dân, đại nghĩa là vì nhân dân, đem lại cuộc sống yên ổn, hạnh phúc cho nhân dân, cũng tức là phải đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi (“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, khi chiến thắng rồi thì “lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”); đại nghĩa trở thành phương châm, sức mạnh chiến đấu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Đối với kẻ thù, đại nghĩa thể hiện ở chiến lược đánh bằng mưu lược, đánh vào lòng người: “Chẳng đánh mà người chịu khuất – Ta đây mưu phạt tâm công”. Hơn nữa, khi chiến thắng, chẳng những không giết mà còn cấp cho phương tiện để rút về nước: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh – Mã Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền… - Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa…” NGUYỄN TRÃI I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm thấy; song cũng là người có số phận bi thương bậc nhất trong lịch sử. Ông là danh nhân văn hoá, nhà thơ, nhà văn kiệt xuất có những đóng góp to lớn cho sự phát triển 28
  • 29. văn hoá, văn học dân tộc. 2. Về nội dung, văn chương Nguyễn Trãi thể hiện nổi bật hai nguồn cảm hứng truyền thống của văn học dân tộc: yêu nước và nhân đạo. Thơ văn ông thể hiện một lí tưởng cao cả: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược – Có nhân, có trí, có anh hùng” (Bảo kính cảnh giới, bài 5) và đồng thời cho thấy tấm lòng yêu thương dân, gắn bó thiết tha với thiên nhiên, đất nước. 3. Về nghệ thuật, văn chương Nguyễn Trãi đạt đến giá trị kết tinh ở cả hai bình diện thể loại và ngôn ngữ. Ông là cây bút chính luận kiệt xuất, người khơi dòng thơ Nôm, sáng tạo thể loại thất ngôn xen lục ngôn. Tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước là ngọn nguồn của vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng Việt trong thơ văn Nguyễn Trãi. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Phân tích những sự kiện quan trọng thể hiện con người và tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Trãi. Gợi ý: - Nguyễn Trãi tên hiệu là Ức Trai, sinh năm Xương Phù thứ 4 đời Trần Đế Phế (1380), tại dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long. Ông mất ngày 19 tháng 9 năm 1442, tức 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3. Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, vốn là một học trò nghèo, thi đỗ thái học sinh (tức Tiến sĩ) đời Trần. Mẹ ông là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi quý tộc. Nguyễn Trãi quê ở làng Ngái (Chi Ngại) huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. - Từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã tỏ ra thông minh hơn người. Năm 1400, ông đi thi lần đầu, đỗ ngay Thái học sinh. Sau đó, ông được bổ làm quan Ngự sử đài chánh chưởng. Khoảng cuối năm 1401 đầu 1402, cha ông cũng ra nhận chức quan Học sĩ Viện hàn lâm, sau thăng đến Tư nghiệp Quốc tử giám của triều Hồ. Năm 1407, giặc Minh xâm lược Đại Việt, cha con Hồ Quý Li và các triều thần bị bắt đem về Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi muốn giữ tròn đạo 29
  • 30. hiếu, cùng em trai là Nguyễn Phi Hùng theo theo xe tù của cha. Đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi quay trở về tìm cách “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, thì mới là đại hiếu”. Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở về, nhưng vừa đến Đông Quan thì bị giặc Minh bắt giam. Trong thời gian bị giam ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đã suy nghĩ về con đường cứu nước phục thù. - Trốn khỏi Đông Quan, Nguyễn Trãi tìm theo Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách (tức Kế sách đánh đuổi quân Minh) và được Lê Lợi tin dùng và trở thành quân sư số một của lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn. Ông cùng Lê Lợi bàn mưu tính kế, giúp Lê Lợi soạn các loại văn thư, chiếu lệnh, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Đuổi xong giặc nước, một năm sau (1429), Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn mưu phản, truy bức, khiến vị danh tướng này phải nhảy xuống sông tự vẫn. Vì Trần Nguyên Hãn là cháu nội quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi cũng bị bắt, sau lại được tha nhưng không được tin dùng nữa. Nguyễn Trãi xin cáo quan về Côn Sơn, mấy tháng sau vua Lê Thái Tông lại vời ông trở lại triều làm việc nước. Đang hi vọng vào một cơ hội mới được cống hiến cho đất nước thì chỉ ba năm sau; khi vua Lê Thái Tông đi tuần thú duyệt võ ở Chí Linh về ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, lúc ra về đến Lệ Chi Viên (Trại Vải), huyện Gia Bình, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, nửa đêm đột ngột qua đời; ông cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ bị vu cho mưu giết vua. Nguyễn Trãi phải nhận án tru di tam tộc (bị giết cả ba họ). Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi. Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới. 2. Nguyễn Trãi có những đóng góp quan trọng nào cho văn hoá dân tộc? Gợi ý: Với tài năng lỗi lạc, Nguyễn Trãi đã để lại cho nước nhà một di sản to lớn về các mặt quân sự, văn hoá và văn học. Các tác phẩm về quân sự, chính trị, Nguyễn Trãi có Quân trung từ mệnh tập và Đại cáo bình Ngô - một áng “thiên cổ hùng 30
  • 31. văn”, là những tác phẩm tiêu biểu. Về thơ ca, ông có Ức Trai thi tập – tập thơ chữ Hán và Quốc âm thi tập – tập thơ Nôm đánh dấu sự hình thành nền thơ ca tiếng Việt. Ngoài ra ông còn có các tác phẩm về lịch sử như Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng và tác phẩm Dư địa chí – một tác phẩm có giá trị cả về địa lí, lịch sử và dân tộc học. Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất. Với Quân trung từ mệnh tập và Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã thể hiện nổi bật tư tưởng nhân nghĩa mà thực chất là tư tưởng yêu nước, thương dân. Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt đến trình độ nghệ thuật mẫu mực. 3. Tư tưởng yêu nước, thương dân, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi được biểu hiện như thế nào? Gợi ý: Với tư cách là nhà thơ trữ tình tiêu biểu của thơ ca trung đại Việt Nam, thơ Nguyễn Trãi thể hiện triết lí thế sự sâu sắc, chan chứa tình yêu thiên nhiên và con người. Hai tập thơ Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập cho thấy Nguyễn Trãi vừa là một người anh hùng vĩ đại vừa là con người trần thế. Hình tượng người anh hùng sáng lên vẻ đẹp hoà quyện giữa lí tưởng nhân nghĩa với yêu nước thương dân, vẻ đẹp ngay thẳng cứng cỏi, thanh tao của bậc quân tử. Hình tượng con người trần tục hiện ra khi Nguyễn Trãi đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người. Ông đau trước nghịch cảnh xã hội éo le, thói đời đen bạc. Nỗi đau ấy còn như một hệ quả tất yếu của một tấm lòng luôn trăn trở, khao khát sự hoàn thiện của con người và ước mơ thái bình, yên ấm, thịnh trị cho xã hội. Nguyễn Trãi cũng dành tình yêu cho thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc sống. Vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước được tái hiện sinh động trong thơ ông, khi thì trang trọng đầy tính ước lệ của Đường thi, lúc lại bình dị, dân dã, nguyên sơ. Thơ Nguyễn Trãi cũng giàu tình người; viết về nghĩa vua tôi, về tình cha con hay lòng bạn, có khi là tình quê hương,… thơ ông toát lên vẻ tự nhiên, tha thiết, cảm động, thân thương. 4. Ngyễn Trãi là người đặt nền móng cho thơ ca tiếng Việt. - Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ Nôm còn lại có thời gian ra đời 31
  • 32. sớm nhất, với số lượng bài lớn nhất, hay nhất. Có thể nói, đến Nguyễn Trãi, với Quốc âm thi tập, thơ Nôm đã thành thục và văn học chữ Nôm từ đây có vị trí như là một thành phần cấu thành nên nền văn học Việt Nam. - Nguyễn Trãi cũng là người đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, sử dụng từ láy độc đáo; lại cũng là người đã sáng tạo ra hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn thể hiện tinh thần phá cách độc đáo, mạnh mẽ. Đọc thêm HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA THÂN NHÂN TRUNG I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Thân Nhân Trung (1418 – 1499), tên chữ là Hậu Phủ, người Yên Ninh, Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, đỗ tiến sĩ năm 1469. Thân Nhân Trung từng là Tao đàn Phó Nguyên suý trong Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông sáng lập. Ngoài bài văn bia này ông còn sáng tác thơ. 2. Bài trích này nằm trong tác phẩm có tên là Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba, một trong 82 bài văn bia ở Văn Miếu Hà Nội. Văn bia là loại văn khắc trên mặt đá nhằm ghi chép những sự việc trọng đại, hoặc tên tuổi, cuộc đời của những người có công đức lớn để lưu truyền cho đời sau. Bia có ba loại chính: bia ghi công đức, bia ghi việc xây dựng các công trình kiến trúc và bia lăng mộ. Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba thuộc loại văn bia đề danh, ghi công đức. Bia ghi công đức thường có phần tựa nêu lên lí do, quá trình làm bia; có phần ghi ngày tháng, họ tên người làm bia (viết bằng văn xuôi) và phần minh (viết bằng văn vần). Dần dần, phần tựa hoặc kí trở thành nội dung quan trọng nhất, thể hiện tư tưởng, quan điểm của người dựng bia. Bài văn bia này giữ vai trò như một lời tựa chung cho cả 82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu. 32
  • 33. 3. Khẳng định Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, tác giả Thân Nhân Trung đã phân tích vai trò của người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước, đồng thời cũng chỉ rõ mục đích tốt đẹp của việc đề danh tiến sĩ. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Tìm hiểu xuất xứ Gợi ý: Bài văn bia này được Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết năm 1484, thời Hồng Đức. Trước phần trích có một đoạn dài kể việc từ khi Lê Thái Tổ dựng n- ước (1428 – 1484), tuy các vua Lê thuở ấy đều chú ý bồi dưỡng hiền tài nhưng chưa có điều kiện dựng bia tiến sĩ. Sau phần trích là danh sách 33 vị đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất. 2. Tìm hiểu bố cục đoạn trích Gợi ý: - Đoạn 1 (từ Tôi dẫu nông cạn… cho đến …làm đến mức cao nhất): Nêu lên giá trị của hiền tài đối với đất nước. - Đoạn 2 (phần còn lại): Nêu ý nghĩa của việc dựng bia, khắc tên người hiền tài. 3. Nhận xét về kết cấu của đoạn trích Gợi ý: Mở đầu đoạn văn tác giả khẳng định vị trí “nguyên khí” của người hiền tài đối với quốc gia và kết thúc cũng khẳng định vai trò “củng cố mệnh mạch cho nhà nước”. Đây là lối kết cấu đồng tâm, nhằm nhấn mạnh vai trò của người hiền tài đối với quốc gia và khẳng định mục đích của việc dựng bia đề danh. 4. Cách diễn đạt đã làm nổi bật vai trò, mối quan hệ mật thiết của người hiền tài đối với quốc gia như thế nào? Gợi ý: - Lập luận đối lập: “… nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. 33
  • 34. - Liệt kê, trùng điệp đối lập: “…kẻ ác lấy đó mà răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước”. 5. Phân tích ý nghĩa của câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Gợi ý: Tác giả nói đến hiền tài là để chỉ những người có tài cao, học rộng và có đạo đức. Hiền tài là nguyên khí, nghĩa là khẳng định những người có tài cao, học rộng và có đạo đức chính là khí chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội. Mối quan hệ giữa hiền tài đối với vận mệnh đất nước: người hiền tài có vai trò quyết định đến sự thịnh – suy của một đất nước, hiền tài dồi dào thì đất nước hưng thịnh, hiền tài cạn kiệt thì đất nước suy yếu. Như vậy muốn cho nguyên khí thịnh, đất nước phát triển thì không thể không chăm chút, bồi dưỡng nhân tài. 6. Dựa vào đoạn trích, để chứng minh: “Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất”. Gợi ý: Câu này nói lên sự quan tâm, đãi ngộ hiền tài của những người đứng đầu đất nước: - Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng trước trật. - Nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ. - Dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan 7. Việc dựng bia “đề danh tiến sĩ” ở Văn Miếu nhằm mục đích gì? Gợi ý: - Lưu danh hiền tài muôn đời, thể hiện sự coi trọng, đề cao hiền tài của “thánh minh”. - Để kẻ sĩ trông vào những gương hiền tài được lưu danh mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Việc lưu danh bia đá không những để nêu gương mà còn để nhắc nhở và kêu gọi kẻ sĩ tự rèn đức luyện tài, cống hiến 34
  • 35. cho đất nước. - Việc lưu danh bia đá có thể khiến kẻ hiền tài lấy đó mà răn mình, tránh được hư hỏng, sa đoạ. Tóm lại, lập bia lưu danh tiến sĩ là việc làm hết sức có ý nghĩa: kẻ ác lấy đó mà răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước. PHẨM BÌNH NHÂN VẬT LỊCH SỬ (Trích Đại Việt sử kí toàn thư) LÊ VĂN HƯU I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Lê Văn Hưu (1230–1322), người làng Phủ Lí, Đông Sơn (nay là thôn Phủ Lí Trung, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn), tỉnh Thanh Hoá, đỗ Bảng nhãn năm 1247, là nhà sử học nổi tiếng đời Trần. Lê Văn Hưu hoàn thành Đại Việt sử kí năm 1272 gồm 72 quyển. Công trình này là một trong những cơ sở để nhóm Ngô Sĩ Liên biên soạn thành Đại Việt sử kí toàn thư. Tác phẩm của Lê Văn Hưu hiện thất lạc, chỉ còn lại 31 đoạn dưới dạng bình sử do nhóm Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt sử kí toàn thư. 2. Bình sử là một mục trong tác phẩm thời xưa, bắt đầu có từ đời Tống (Trung Quốc) ghi lại lời bình luận, đánh giá của sử gia đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử. 3. Những lời bình sử của Lê Văn Hưu cho thấy một thái độ trân trọng, ý thức giữ gìn, tinh thần trách nhiệm cao đối với lịch sử, qua đó thể hiện lòng yêu nước sâu đậm. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Những biện pháp nghệ thuật nào đã được tác giả sử dụng khi bàn về Trưng Trắc, Trưng Nhị? 35
  • 36. Gợi ý: - So sánh: “việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”. - Hoán dụ: “bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay”. 2. Khi bình về Tiền Ngô Vương, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Gợi ý: Hoán dụ: “một cơn giận mà yên được dân”. 3. Nhận xét về bút pháp Gợi ý: Trong các lời bình, tác giả đã kết hợp giữa bút pháp chính xác của sử học với nghệ thuật bình luận, nghị luận sắc sảo, cô đúc mà tái hiện được nổi bật chân dung lịch sử cũng như thể hiện được quan điểm đánh giá của mình trước các sự kiện. 4. Bàn về Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Văn Hưu nhằm khẳng định tài năng và khí phách phi thường của các anh hùng liệt nữ, khen ngợi đồng thời đem đến bài học và lời nhắn nhủ đối với các bậc nam nhi, quân tử. 5. Trong lời bàn của Lê Văn Hưu, vai trò lịch sử của Tiền Ngô Vương và Đinh Tiên Hoàng được nhấn mạnh. Đối với Tiền Ngô Vương, là vai trò của người nối lại chính thống của nước Việt sau nghìn năm Bắc thuộc. Đối với Đinh Tiên Hoàng, vai trò nổi bật là dẹp loạn, yên ổn xã tắc, xưng hoàng đế, khẳng định nền độc lập chính thống. 6. Bình luận về tư tưởng, nhân cách của nhà bình sử. Gợi ý: Cái nhìn chân thực, xuất phát từ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức gìn giữ, trân trọng truyền thống được thể hiện qua các lời bình sử của Lê Văn Hưu. Cũng trong những lời bàn về lịch sử ấy, chúng ta còn thấy một tấm lòng ngay thẳng, cương trực, một quan điểm lịch sử chân thực, có phê phán. Điều này thể hiện ở lời bàn của tác giả về việc ban thưởng. Khi quan niệm điềm lành không có nghĩa là đem những thứ quý giá để làm vừa lòng người trên, tác giả đã phê phán thẳng thắn những lề thói, tật xấu của con người trong xã hội mọi thời. Thuở xưa là cung tiến, ngày nay là đút lót, hối lộ, nịnh nọt, thực ra chỉ khác nhau về cách gọi 36
  • 37. tên mà thôi. Bàn về lịch sử, như thế không chỉ có ích đối với việc nhìn nhận quá khứ mà còn có ích đối với cuộc sống hiện tại và cả với tương lai. PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT (Tiếp theo) I – KIẾN THỨC CƠ BẢN Không những cần phải hiểu về đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mà còn phải biết cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. 1. Trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, các yếu tố ngữ âm được khai thác tối đa để xây dựng hình tượng; các hình thức khác nhau của chữ viết cũng được tận dụng để gia tăng giá trị biểu hiện của văn bản: viết hoa, xuống dòng, các loại dấu câu, khoảng trống,… 2. Một mặt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng có chọn lọc những yếu tố của tất cả các lớp từ ngữ khác nhau để biểu hiện hình tượng; mặt khác (nhất là trong văn học cổ, văn học lãng mạn) phong cách ngôn ngữ này còn có lớp từ riêng, đó là lớp từ thi ca: giang sơn, hải hà, thiên thu, lệ, nguyệt, chàng, nàng,… 3. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng rộng rãi mọi kiểu câu, đồng thời còn có cách vận dụng đặc thù các kiểu câu, tạo nên kiểu cú pháp thi ca. 4. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng tối đa mọi biện pháp tu từ (ngữ âm, từ ngữ, ngữ pháp,…) để xây dựng hình tượng, tổ chức tác phẩm văn chương. 5. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật hết sức coi trọng vẻ đẹp cân đối, hài hoà trong chiều sâu bố cục, trình bày của tác phẩm. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Ở tất cả các phương diện (ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, tu từ, bố cục, trình bày), phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có đặc điểm gì nổi bật? 37
  • 38. Gợi ý: Các phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ có chức năng biểu đạt thông thường. Gắn với đặc thù của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ này đều được sử dụng vào việc biểu hiện thẩm mĩ, truyền tải tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Mọi khả năng biểu hiện của ngôn ngữ được tận dụng vào mục đích nghệ thuật, nhằm tạo ra hiệu quả tác động thẩm mĩ cao nhất. 2. Phân tích các trích dẫn để thấy được cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: - Tự bén hơi xuân tốt lại thêm, Đầy buồng lạ màu thâu đêm; Tình thư một bức phong còn kín, Gió nơi đâu gượng mở xem. (Nguyễn Trãi – Cây chuối) - Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc. (Thép Mới – Cây tre Việt Nam) - Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. (Quang Dũng, Tây Tiến) Gợi ý: - Về ngữ âm: + Chú ý hình thức tổ chức câu văn với dấu phảy ngắt nhịp đều đều, âm ay được điệp lại (xay, quay, nay) có tác dụng gợi tả vòng quay của chiếc cối xay lúa, hàm ý về sự tuần hoàn trì trệ, không biến đổi của xã hội nông nghiệp Việt Nam thủa trước. 38
  • 39. + Sự cộng hưởng âm thanh ở đoạn thơ của Quang Dũng: Năm tiếng vần trắc trong câu đầu (Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm) và các tiếng vần bằng trong câu cuối (Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi) có tác dụng gợi tả, khắc hoạ địa thế hiểm trở của Tây Bắc cùng những cảm nhận của người lính Tây Tiến trên đường hành quân. + Hiệp vần trong đoạn thơ của Nguyễn Trãi (thêm, đêm, xem) và đoạn thơ của Quang Dũng (trời, khơi). - Về từ ngữ: Các từ bén, gượng,… trong bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi gợi tả sức xuân và những cảm nhận tinh tế của tác giả; các từ láy (khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút) được sử dụng rất có hiệu quả gợi tả hình ảnh và cảm xúc trong những câu thơ của Quang Dũng. - Về biện pháp tu từ: biện pháp ẩn dụ (tình thư), nhân hoá (gió gượng mở, súng ngửi trời),… Bài 22 TỰA “TRÍCH DIỄM THI TẬP” (Trích) HOÀNG ĐỨC LƯƠNG I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Hoàng Đức Lương người làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, sau chuyển đến ở làng Ngọ Kiều, Gia Lâm, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ năm năm 1478. Ông để lại: Trích diễm thi tập, đề tựa năm 1479, thơ chữ Hán còn lại 25 bài chép trong Trích diễm thi tập, sau này được Lê Quý Đôn đưa vào Toàn Việt thi lục. 2. Tựa là bài văn đặt ở đầu tác phẩm văn học hoặc sử học, địa lí, hội hoạ, âm nhạc,… nhằm giới thiệu mục đích, nội dung, quá trình hình thành và kết cấu của tác phẩm ấy. Bài tựa có thể do tác giả tự viết hoặc do một ai đó thích thú tác phẩm mà viết. Cuối bài tựa thường có phần lạc khoản: ghi rõ họ tên, chức tước của 39
  • 40. người viết và ngày tháng, địa điểm làm bài tựa. Bài tựa cũng thể hiện những quan điểm mang tính thời đại và của chủ quan người viết. Văn của thể tựa có tính chất thuyết minh, thường được kết hợp với nghị luận và tự sự, có khi mang sắc thái trữ tình. 3. Trong công việc biên soạn cũng như sáng tác, Trần Đức Lương bộc lộ một quan niệm thẩm mĩ tiến bộ. Đó là sự chú ý đến tính thẩm mĩ của văn chương. Tấm lòng yêu nước của ông được thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, ý thức trân trọng, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Tìm hiểu xuất xứ Gợi ý: Bài tựa này nằm trong Trích diễm thi tập (1497), một tập thơ gồm sáu quyển do Hoàng Đức Lương sưu tầm, tuyển chọn tác phẩm của các tác giả từ thời Trần đến thời Tiền Lê. 2. Tìm hiểu bố cục Gợi ý: - Đoạn 1: Lí do làm sách Trích diễm thi tập. - Đoạn 2: Quá trình hoàn thành Trích diễm thi tập. Ngoài ra còn phải kể đến phần Lạc khoản. 3. Phân tích mạch lập luận của bài tựa. Gợi ý: Mạch lập luận sáng rõ: Những lí do khiến thơ văn không lưu truyền được à Ý thức gìn giữ, tinh thần trân trọng di sản văn hoá dân tộc à Công việc biên soạn sách. 4. Những phân tích và trình bày lí lẽ được kết hợp với yếu tố biểu cảm làm tăng thêm sức thuyết phục cho những điều tác giả muốn diễn đạt: - Thái độ đối với thực trạng thất truyền của thơ văn, sách vở: Lòng tha thiết đối với vẻ đẹp của thơ văn; Những câu hỏi đầy day dứt, thể hiện sự xót xa trước 40
  • 41. thực trạng thơ văn không được lưu truyền và với những mặt trái của đời sống xã hội. - Tinh thần tự trọng, ý thức dân tộc và niềm đau xót được bộc lộ trực tiếp: “Than ôi ! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. như thế chả đáng thương xót lắm sao !” 5. Những lời lẽ nào thể hiện thái độ nghiêm túc, thận trọng, khiêm tốn trước công việc biên soạn sách? Gợi ý: “Tôi không tự lượng sức mình… chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xa vậy”. 6. Theo tác giả, có những lí do nào khiến thơ văn không lưu truyền hết ở đời? Gợi ý: Theo Hoàng Đức Lương, thơ văn không lưu truyền được ở đời vì: Thứ nhất, chỉ thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca. Thứ hai, người có học thì ít quan tâm đến thơ ca. Thứ ba, người quan tâm đến thơ ca thì năng lực kém, không đủ kiên trì. Thứ tư, chính sách phát hành của nhà nước còn nhiều hạn chế. Có thể xem đây là các lí do chủ quan. Thơ văn không lưu truyền được ở đời còn vì những lí do khách quan. Lí do này được tác giả phân tích trong đoạn từ “Vì bốn lí do kể trên…” đến “… mà không rách nát tan tành. ”, cụ thể là: - Thời gian làm hư nát sách vở. - Binh lửa chiến tranh tiêu huỷ. 7. Động cơ nào thôi thúc tác giả biên soạn Trích diễm thi tập? Gợi ý: Tác giả trình bày rõ động cơ biên soạn Trích diễm thi tập: 41
  • 42. - Xuất phát từ những bức xúc trong tình hình biên soạn sách về thơ ca Việt Nam ở thời của tác giả (các lí do khiến thơ văn không được lưu truyền). - Trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hiến dân tộc. 8. Tác giả trình bày quá trình biên soạn Trích diễm thi tập như thế nào? - Sưu tầm, biên soạn sách thơ văn có nhiều khó khăn, tác giả đã có cái nhìn rất thực tiễn, đồng thời thể hiện thái độ thận trọng, khiêm tốn. - Thu lượm, chọn lấy những bài tiêu biểu, phân loại. - Biên soạn thành sáu quyển, ở cuối mỗi quyển có tác phẩm do chính tác giả viết. 9. Có thể so sánh bài tựa này với các lời nói đầu trong sách vở ngày nay? Gợi ý: Cùng với sự đa dạng, phong phú của sách vở hiện nay, những lời nói đầu cũng có nhiều dạng, nhiều phong cách. Nhìn chung, ở các lời nói đầu, giống với tính chất của bài tựa, đều có những nhận định khái quát về giá trị của tác phẩm, cũng như thâu tóm những nội dung chính của cuốn sách. Tuy nhiên, chức năng, đặc điểm của lời nói đầu ở những quyển sách sưu tầm, biên soạn gần hơn cả với chức năng, đặc điểm của bài tựa theo kiểu bài tựa của Hoàng Đức Lương: Trình bày kết cấu sách; quan điểm tập hợp, tuyển chọn; tên người viết, nơi viết, thời gian viết,… THÁI PHÓ TÔ HIẾN THÀNH (Trích Đại Việt sử lược) I – KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Hiện chưa xác định được tác giả của Đại Việt sử lược. 2. Sử là tác phẩm viết về các sự kiện lịch sử. Mục đích của sử là ghi chép sự thật, nhằm cung cấp những sự kiện lịch sử của dân tộc và thể hiện quan điểm, thái độ của sử gia đối với các sự kiện, nhân vật lịch sử để đời sau học tập, suy ngẫm. 42
  • 43. Trong văn học trung đạiViệt Nam, các tác sử thuộc loại hình văn học chức năng hành chính. Tác phẩm sử xưa có hai thể: biên niên và kỉ sự. Đại Việt sử lược thuộc viết theo lối biên niên. Biên niên là lối viết sử theo trình tự thời gian, khác với kỉ sự là lối viết sử theo các sự kiện hoặc từng sự việc của nhân vật lịch sử. Đại Việt sử lược có kết hợp với lối viết của kỉ sự. Viết sử theo lối biên niên nhưng đồng thời chú ý đến việc khắc hoạ tính cách nhân vật lịch sử, tác giả Đại Việt sử lược đã tái hiện được chân dung Tô Hiến Thành với một nhân cách đáng kính. 3. Năm 1175, Lí Cao Tông huý là Long Cán, con thứ sáu của Lí Anh Tông, mẹ là Vương hậu Đỗ Thuỵ Châu, lên ngôi lúc mới hai tuổi, theo di chúc của vua cha. Vương đương ấu thơ, mọi việc lớn nhỏ đều giao cho Thái Phó Tô Hiến Thành. Thái hậu có ý phế Long Cán lập Long Sưởng, bèn hối lộ Lã Thị, vợ của Tô Hiến Thành, nhờ tác động để ông thuận theo ý mình, rồi lại trực tiếp gặp Tô Hiến Thành lấy danh lợi phú quý hòng mua chuộc. Tô Hiến Thành một lòng trung thành với cố thác của Tiên Vương, phò ấu chúa, nhất định không nghe theo. Thái hậu bất chấp pháp luật, triệu Bảo Quốc Vương Long Sưởng vào để tự lập làm vua nhưng Tô Hiến Thành đã cùng với triều thần kiên quyết dùng pháp luật để Thái hậu không thực hiện được mưu đồ. Khi Tô Hiến Thành ngã bệnh, chỉ có Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh; quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận bịu nhiều việc, không lúc nào rảnh rang để đến thăm. Lúc bệnh của Hiến Thành đã nguy kịch, Thái hậu đến thăm và hỏi rằng khi ông mất, ai sẽ thay chức Tể tướng. Hiến Thành không vì tình riêng, tiến cử Trần Trung Tá vì đó mới là “ngay thần”. Thái hậu tuy khen Hiến Thành nhưng không nghe lời ông mà lấy Đỗ An Thuận coi việc triều chính. II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG 1. Tìm hiểu xuất xứ Bài Thái phó Tô Hiến Thành được trích từ tác phẩm lịch sử Đại Việt sử lược của một sử gia sống vào khoảng nửa cuối thế kỉ XIV. Ở Việt Nam, tác phẩm này 43
  • 44. đã thất truyền từ lâu. Tác phẩm được in lần đầu tiên ở Trung Hoa, thời Càn Long thế kỉ XVIII do Tuần phủ Sơn Đông dâng lên và Tiền Hi Tộ hiệu đính. 2. Tìm hiểu nghĩa của các từ ngữ: lời cố thác, tuổi đã xế chiều, phụng mệnh, … Gợi ý: - lời cố thác: lời dặn dò, gửi gắm của nhà vua trước khi mất. - tuổi đã xế chiều: tuổi đã cao, ý nói đã đến tuổi sắp chết. - phụng mệnh: vâng theo mệnh lệnh. … 3. Nhận xét về nghệ thuật tạo kịch tính bất ngờ trong đoạn nói về việc Tô Hiến Thành tiến cử người thay mình. Gợi ý: - Kể việc Tô Hiến Thành ốm nặng, Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ còn Trần Trung Tá bận bịu nhiều việc nên không có lúc nào đến thăm. Đây là bước tạo tình huống, chuẩn bị cho những diễn biến kịch tính tiếp theo. - Cuộc đối thoại giữa Thái hậu và Tô Hiến Thành: + Khi Thái hậu hỏi “Nếu có mệnh hệ nào, ai thay ông?”, từ chuyện đã kể ở tr- ước, theo lôgic thông thường, ai cũng nghĩ rằng Hiến Thành sẽ tiến cử Vũ Tán Đường. Nhưng bất ngờ Hiến Thành lại trả lời “chỉ có Trung Tá mà thôi”. + Kịch tính lên đến cao điểm: Khi Thái hậu nhắc đến ân tình của Tán Đường đối với Hiến Thành, ai cũng nghĩ rằng hoặc là Hiến Thành sẽ thuận theo Thái hậu, hoặc là giải thích rằng Tán Đường không đủ khả năng để làm Tể tướng,… Nhưng bất ngờ Hiến Thành đáp: “Thái hậu hỏi người thay thần, nên thần nói tới Trung Tá; nếu hỏi người hầu hạ phụng dưỡng thần thì phi Tán Đường còn ai nữa?”. Ở thời điểm kịch tính lên cao này, từ câu trả lời của Hiến Thành, bật ra ý nghĩa mỉa mai trước nghịch lí: Chọn người thay chức Tể tướng kiêm Thái phó hay chọn người hầu hạ, phụng dưỡng Tể tướng kiêm Thái phó? 44
  • 45. Người viết đã chọn lựa đưa ra một cảnh huống có thật nhưng trái với suy đoán thông thường của người đời để khắc hoạ nổi bật tính cách nhân vật và ngụ ý những điều sâu xa về thời thế, nhân sinh. 4. Nhận xét về cách viết sử của tác giả Đại Việt sử lược. Gợi ý: - Viết theo lối biên niên, tác giả vừa đảm bảo tôn trọng tính chân thực của sự kiện, nhân vật, vừa tuân thủ trình tự diễn biến thời gian. Viết sử biên niên tóm lược, tập trung vào việc khắc hoạ nhân vật Tô Hiến Thành, tác giả đã chọn hai thời điểm (1175 và 1179) cách nhau bốn năm, một mặt vẫn đảm bảo trình tự trước sau, mặt khác đó là những thời điểm diễn ra những sự kiện mà qua đó chân dung tinh thần nhân vật bộc lộ rõ nét. - Tác giả không trực tiếp miêu tả tâm lí nhân vật, nhưng qua hành động, lời nói của nhân vật đã được lựa chọn để đưa ra, tính cách của nhân vật vẫn được bộc lộ. 5. Những sự kiện lịch sử nào ở triều Lí trong năm 1175 liên quan đến vận mệnh đất nước được tái hiện trong đoạn trích? Gợi ý: - Lí Anh Tông qua đời; con trai thứ là Long Cán mới hai tuổi lên nối ngôi; mọi việc triều chính đều uỷ thác cho Thái phó Tô Hiến Thành. - Thái hậu Đỗ Thuỵ Châu muốn phế Long Cán, lập Long Sưởng – anh của Long Cán, lên ngôi. - Long Cán và Long Sưởng đều là con đẻ của Thái hậu Thuỵ Châu. Long Sưởng trước đây đã từng được lập làm Thái tử, nhưng do mắc lỗi nên bị giáng xuống làm Bảo Quốc Vương. 6. Phân tích hành vi của thái hậu trong việc ép Tô Hiến Thành phế Lí Long Cán. Gợi ý: 45
  • 46. - Thái hậu tiến hành từng bước lôi kéo Thái phó Tô Hiến Thành – người phù Long Cán và có vai trò rất lớn trong triều đình. + Thái hậu hối lộ vợ Hiến Thành. + Đánh vào tâm lí người nhiều tuổi, Thái hậu trực tiếp mua chuộc Tô Hiến Thành bằng việc đưa ra mồi danh vọng, phú quý. + Thái hậu bất chấp pháp luật, triệu Bảo Quốc Vương Long Sưởng vào để tự lập làm vua. - Như vậy, mặc dù hành động từng bước, từ tính toán xảo quyệt cho đến liều lĩnh, nhưng Thái hậu vẫn không đạt được âm mưu của mình 7. Đánh giá về nhân vật Tô Hiến Thành. Gợi ý: - Tô Hiến Thành trước mưu đồ phế lập của Thái hậu: Tô Hiến Thành đã từng bước đánh bại âm mưu phế lập của Thái hậu. Khi Thái hậu mua chuộc vợ ông, Hiến Thành đã dùng đạo lí làm người, nhấn mạnh đến vai trò Tể tướng của mình và viện cả đến tín ngưỡng để thuyết phục vợ (“…ta biết lấy lời nào để trả lời Tiên Vương ở suối vàng?”). Khi Thái hậu trực tiếp dùng mồi danh vọng, phú quý để dụ Hiến Thành, ông đã dùng lời lẽ của Khổng Tử về cách làm người (“Bất nghĩa mà được phú và quý, đó không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm.”) và cách đối xử với người quá cố trong văn hoá ứng xử truyền thống (lời di chúc của Tiên Vương còn ở bên tai) để từ chối Thái hậu. Trước sự liều lĩnh, bất chấp của Thái hậu, Hiến Thành kiên quyết dùng luật pháp để giữ vững kỉ cương, không cho Thái hậu thực hiện mưu đồ tự phế lập. - Tô Hiến Thành với việc chọn người thay thế mình: Chức Tể tướng và chức Thái uý là những trọng trách lớn nhất trong triều đình. Việc chọn người thay thế các vị trí ấy là rất hệ trọng. Nếu như ở sự kiện tr- ước, Tô Hiến Thành đã chứng tỏ đức chính trực, cương trung, “Phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất. ” thì ở sự kiện chọn người thay thế mình ta càng thấy được sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm vì đất nước của ông. 46