SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  97
Télécharger pour lire hors ligne
THÍCH HUỆ THÔNG




             MẸ
            TỪ
            SUỐI NGUỒN
            YÊU THƯƠNG
            ĐẾN
            CHÂN TRỜI
            GIÁC NGỘ




Nhà Xuất Bản VĂN HÓA SÀI GÒN - 2007
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                       Thích Huệ Thơng



                                          LỜI TỰA

        Hằng năm cứ mỗi độ thu về, vào dịp rằm tháng bảy, tâm thức người con Phật sâu lắng
hơn, cảm xúc về song thân phụ mẫu dạt dào hơn. Rằm tháng bảy, sự liên hệ giữa người đang
sống và người đã khuất trở nên mật thiết, tình người chan chứa nhiều hơn và truyền thống tâm
linh cũng được dịp tuôn trào ... Đơn giản, bởi đó là mùa Vu Lan báo hiếu.
        Tại Ấn Độ, cách đây trên 2550 năm, Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật dạy,
đã thỉnh cầu chư Tăng mười phương nhân ngày Tự tứ, chú nguyện cầu siêu độ thoát cho mẹ
đang thọ khổ nơi cảnh giới ngạ quỉ. Chính nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề
liền đó được sanh về Thiên giới.
        Tấm gương cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên được đề cập trong kinh Vu Lan Bồn
luôn được Phật tử xem là bài học sinh động sâu sắc về tấm gương hiếu đạo của người con đã
giác ngộ giáo lý Phật Đà.
         Từ tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên, thiết nghĩ, mỗi người hiện diện
trên cõi đời, ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, dù theo
bất cứ tôn giáo nào hay không theo tôn giáo, thì ai ai cũng có gia đình, huyết thống gia đình
và nguồn suối tâm linh. Do đó mùa Vu Lan báo hiếu đã vượt ra ngoài giới hạn của một ngày
lễ truyền thống trong Phật giáo, để rồi trở thành chuỗi ngày đại lễ cho những ai có tấm lòng
hiếu thảo đối với bậc sinh thành.
        Hơn nữa, dân tộc Việt Nam chúng ta là dân tộc có đạo lý “Ẩm thủy tri nguyên”, nên
khi Phật giáo du nhập vào nước ta, thì tinh thần hiếu đạo của người con Phật được khơi nguồn
sâu hơn, nhân lên rộng hơn. Chính nhờ nền đạo lý truyền thống dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn
với tâm đức từ bi cứu khổ và hạnh hiếu trong đạo Phật đã nghiễm nhiên biến mùa Vu Lan trở
thành ngày đại lễ của những người con Phật luôn lấy hạnh hiếu làm đầu.
       Để thể hiện tấm lòng hiếu đạo, hàng Phật tử tại gia vâng theo lời Phật dạy, trong đời
sống hằng ngày đã thực hành các thiện pháp, bố thí, phóng sanh, trì trai, giữ giới, sám hối,
niệm Phật... cuối cùng hồi hướng công đức về song thân phụ mẫu. Đặc biệt nhân mùa Vu
Lan, noi theo tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên, Phật tử thường đến chùa
cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ, nhờ tâm thanh tịnh và oai lực của chư Tăng chú
nguyện cho cha mẹ nhiều đời và cửu huyền thất tổ sớm thoát khỏi cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ,
súc sanh ... cũng nhân đây cha mẹ nhiều đời được kết duyên Tam Bảo, thêm nhiều lợi lạc.
        Đến chùa trong dịp lễ Vu Lan, nơi đây đã cho chúng ta một cảm xúc thiêng liêng về
tình mẹ. Chúng ta sẽ được cài lên trên áo một đóa hoa hiếu hạnh, và trong đóa hoa đó, chúng
ta sẽ cảm nhận sự hiện hữu của cha mẹ luôn tồn tại trong ta, dù đó là hoa hồng hay hoa trắng.
Nơi đây quí vị sẽ được tận tay dâng những chiếc y hoại sắc giải thoát lên chư Tăng Ni để
cúng dường với tâm nguyện cầu mọi sự an lành cho cha mẹ hiện đời và quá vãng.
       Tuy nhiên đối với người chưa có điều kiện đến chùa cúng dường chư Tăng nhân mùa
Vu Lan, hoặc trong đời sống chưa nhận thức đúng đắn về phương cách báo hiếu sao cho trọn
vẹn từ đời sống vật chất, tinh thần đến đời sống tâm linh, đã vậy việc báo hiếu tất nhiên sẽ
giới hạn. Qua đó chúng ta cần định hướng một phương cách báo hiếu sao cho hiệu quả thiết
thực, đồng thời nói lên ý nghĩa quan trọng của tinh thần hiếu đạo nhân mùa Vu Lan.
       Mùa Vu Lan trước đây không lâu, chúng tôi có dịp thuyết giảng đề tài “Xây dựng cõi
Tịnh Độ trong tâm hồn người con hiếu đạo”. Sau thời pháp này, một số Phật tử đã đề nghị
chúng tôi nên thực hiện thành cuốn sách nhỏ nhằm phổ biến rộng hơn trong Phật tử.
                                              2
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                    Thích Huệ Thơng


       Nay mùa Vu Lan lại về, chúng tôi thiết nghĩ, “Mẹ” đã ban cho tất cả chúng ta vị ngọt
ngào từ “Suối Nguồn Yêu Thương” và trong vòng tay êm ấm thiêng liêng của tình mẫu tử,
chúng ta đã cất bước đến bầu trời cao hơn, mở tầm nhìn đến chân trời xa hơn và đời sống của
mỗi chúng ta trở nên ý nghĩa hơn: - Đó là “Chân Trời Giác Ngộ”. Từ yêu cầu của Phật tử và
từ những ý tưởng nêu trên, chúng tôi đã hình thành nên tập sách nhỏ: “Mẹ! Từ Suối Nguồn
Yêu Thương Đến Chân Trời Giác Ngộ”. Thật ra, đây chỉ là tấm lòng thành mà chúng tôi dâng
lên cúng dường cha mẹ và đây cũng là điều mà chúng tôi cưu mang bấy lâu nay ngõ hầu đền
đáp phần nào thâm ân trời biển của hai đấng sinh thành. Nhân duyên này, chúng tôi xin được
gởi đến quí Phật tử tập sách nhỏ viết về “Mẹ” để làm món quà ý nghĩa trong mùa Vu Lan báo
hiếu.
        Dù tập sách nhỏ này đã thực hiện xong, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng, chữ nghĩa vẫn
là cái giới hạn so với tình Mẹ bao la vô hạn. Dù nói thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào
diễn tả hết thâm ân cao dày như trời biển của hai đấng sinh thành.
       Nội dung tập sách nhỏ này chắc hẳn cũng khó tránh khỏi những điều sơ xuất như bao
công việc khác trong cuộc sống. Do vậy, chúng tôi kính mong đón nhận sự đồng cảm của chư
Tôn Đức và Phật tử xa gần.


                                                 Chùa Hội Khánh, mùa Vu Lan – PL 2551
                                                                 THÍCH HUỆ THÔNG




                                                        Ý NGHĨA QUAN TRỌNG
                                                                            CỦA NGÀY
                                                                  CHƯ TĂNG TỰ TỨ



        Trong các sinh hoạt lễ hội truyền thống của Phật giáo Đại thừa, thì đại lễ Vu Lan
mang nhiều ý nghĩa trọng đại: Vừa thiêng liêng cao tột trong đời sống tâm linh của cộng đồng
Phật giáo, lại vừa mang chất liệu đạo đức và tình cảm gần gũi thân thương thấm sâu trong đời
sống dân gian, chan hòa trong đời sống mỗi gia đình.
                                             3
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                         Thích Huệ Thơng


        Trước khi nói đến mùa “Vu Lan báo hiếu” tất nhiên chúng ta cần phải nói đến ý nghĩa
trọng đại của ngày chư Tăng Tự tứ, vì ngày họp mặt của chư Tăng rất đặc biệt này đã tạo nên
dấu ấn quan trọng để hình thành nên mùa Vu Lan báo hiếu. Tuy nhiên, để hiểu rõ ý nghĩa
ngày chư Tăng Tự tứ, thiết nghĩ chúng ta cũng nên có đôi dòng về mùa “An cư kiết hạ”.
        Mùa “An cư kiết hạ” có từ thời Phật còn tại thế, nhưng khi Phật giáo du nhập vào
nước ta, do ảnh hưởng thời tiết khí hậu khu vực Á Đông và văn hoá vùng miền nên mùa an cư
kiết hạ của chư Tăng Phật giáo Bắc tông bắt đầu từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Sau ba
tháng an cư, những vị Tăng sĩ sẽ được giáo hội xác nhận thêm một “tuổi đạo” mà trong Phật
giáo thường gọi là “hạ lạp”. Có thể nói đây là một nét sinh hoạt độc đáo trong chốn Thiền
môn của Phật giáo Đại thừa (Bắc tông). Trong khoảng thời gian “ba tháng hạ”, chư Tăng (Ni)
được sống trong thanh quy giới luật của chốn thiền môn, được sống trong một không gian
thiêng liêng thanh tịnh và môi trường trong lành tinh khiết toả ra từ đạo đức giới hạnh của đại
chúng. Ba tháng an cư, chư Tăng Ni tập trung thúc liễm thân tâm tinh tấn tu hành (hơn thường
ngày) tất nhiên sẽ đạt được những kết quả công phu nhất định, cùng với việc nghiêm trì giới
luật trong đời sống thiền môn thì công phu tu học trong ba tháng an cư chính là nền tảng vững
chắc cho suốt quãng đời tu học về sau.
       Tại các trường hạ chư Tăng an cư trong ba tháng, thường có bốn chữ “Tịnh nghiệp
đạo tràng”, tức là tại những nơi đây đang xây dựng cảnh giới Tịnh Độ trang nghiêm thanh
tịnh. Thế nhưng muốn cho tâm hồn thanh tịnh thì đương nhiên chúng ta phải giác ngộ, mà
muốn cho giác ngộ thì trước mắt chúng ta phải từ bỏ ác nghiệp, mà muốn đoạn trừ ác nghiệp
thì chúng ta phải tha thiết sám hối, sửa chữa lỗi lầm. Đây chính là ý nghĩa và cũng là mục tiêu
hàng đầu của “Tịnh nghiệp đạo tràng” trong ba tháng an cư kiết hạ.
      Theo truyền thống sinh hoạt trong Phật giáo Đại thừa, để kết thúc mùa an cư kiết hạ,
chư Tăng tại các trường hạ thường tiến hành ngày Tự tứ vào rằm tháng bảy.
       Trong kinh Vu Lan Bồn, đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên muốn cứu độ mẹ mình thì
phải chờ sau ba tháng an cư, thành tâm cúng dường nhân ngày chư Tăng Tự tứ đặng nhờ sức
chú nguyện của chư Tăng thì mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực và đem lại lợi lạc cho
cha mẹ hiện đời cũng như quá vãng.
       Trên tinh thần cởi mở của người học đạo, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng: Tại sao đức
Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thì phải chọn ngày chư Tăng Tự tứ sau ba
tháng an cư kiết hạ? Ngày Tự tứ có ý nghĩa trong đại như thế nào mà ngay cả chư Phật mười
phương cũng quan tâm và hoan hỷ?
        Như chúng ta đã biết, ngày chư Tăng Tự tứ là ngày mà đại chúng phát lồ sám hối,
nghĩa là đại chúng Tăng (Ni) mỗi người tự đem cái lỗi của mình ra phơi bày trước mọi người
rồi thành tâm ăn năn sám hối, tự khắc kỷ bản thân sẽ không bao giờ phạm phải lỗi lầm đó nữa,
kế đến tha thiết khẩn cầu đại chúng chỉ rõ những lỗi lầm sai phạm của mình (do chủ quan
không nhận ra) để kịp thời khắc phục chuyển hóa bản thân. Có thể nói đây là một tinh thần tu
tập rất tự giác, một ý chí hướng thượng rất tuyệt vời, một hình ảnh vô cùng cao đẹp mà trên
thế gian này hiếm có một tôn giáo nào thực hiện được điều đó. Cũng cần nói thêm, tinh thần
tự giác và ý chí hướng thượng dõng mãnh của chư Tăng trong ngày Tự tứ đã làm tăng thêm
tính thuần khiết thanh tịnh trong tâm thể của chư Tăng vốn đã nghiêm tịnh trong suốt ba tháng
an cư kiết hạ vừa qua.
        Thấy được lỗi, sửa được lỗi, hiện tại và tương lai không sai phạm thì thân tâm chúng
ta mới trở nên thanh tịnh. Thật ra, tinh thần giác ngộ trong Phật giáo chính là tinh thần tự giác.
Tự giác để thường xuyên hướng thượng. Điều then chốt trong tinh thần tự giác đó là mỗi
người tự nhìn nhận một cách trung thực và chân thật nhất về những lỗi lầm nơi tự thân thì mới

                                                4
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                        Thích Huệ Thơng


có cơ hội để tiến tu trên con đường đạo pháp. Tựu trưng ngày chư Tăng Tự tứ trên căn bản
được hình thành từ tinh thần giác ngộ như đã nêu trên.
       Kết hợp giữa sức chú nguyện từ tâm thể thanh tịnh của oai lực đại chúng Tăng (Ni)
với tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật đã hình thành ý nghĩa thiêng liêng của mùa
Vu Lan báo hiếu.
       Tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật trong lễ Vu Lan là biểu hiện của niềm
tin Phật pháp một cách tuyệt đối, cũng là biểu hiện của tâm hạnh từ bi cứu khổ và tinh thần
hướng thượng. Bởi vì chỉ có hướng thượng, thành tâm nương về chánh pháp và được sự chú
nguyện của đại chúng Tăng thanh tịnh thì mới có thể tháo gở nghiệp lực và hoá giải mọi khổ
đau phiền trượt. Do vậy Vu-Lan-Bồn (U-Lan-Ba-Na) có nghĩa là tháo gỡ nghiệp lực, hoá giải
nghiệp lực, giải thoát mọi khổ đau ràng buộc …
       Thật ra, trong ngôi nhà Phật pháp, không riêng gì ngày chư Tăng Tự tứ mà đối với
những Phật tử thuần thành, trong đời sống hằng ngày, một khi biết mình có tội lỗi, tôi nghĩ ,
hầu như tất cả Phật tử chúng ta đều có tâm tha thiết sám hối, qua đó nổ lực tinh tấn tu hành để
không sai phạm nữa, điều này sẽ khiến cho thân tâm Phật tử trở nên thanh tịnh.
        Ở đây chúng ta cùng trao đổi về ngày chư Tăng Tự tứ tức là ngày chư Tăng thanh tịnh
đã đặt gót chân lên nấc thang giác ngộ. Chúng tôi thiết nghĩ, biết sám hối tức là đã giác ngộ vì
chỉ có người giác ngộ mới tha thiết và thành tâm sám hối. Ở đây chúng ta chợt nhận ra vì sao
ngày chư Tăng Tự tứ lại là ngày chư Phật mười phương vô cùng hoan hỷ! Cũng chính vì vậy
mà đức Phật đã dạy Tôn giả Mục Kiền Liên hãy chọn lấy ngày chư Tăng Tự tứ (giác ngộ) để
cứu mẹ mình thoát khỏi đói khổ đọa đày trong cảnh giới ngạ quỉ.
        Từ ý nghĩa trong đại của ngày chư Tăng Tự tứ , chúng ta thử liên hệ và so sánh giữa
tinh thần giác ngộ cũng như huớng thượng trong ngày chư Tăng Tự tứ và tinh thần hướng
thiện cao cả trong đời sống xã hội, để chúng ta có nhận thức đúng đắn và khách quan đối với
tính thiêng liêng cao tột của ngày chư Tăng Tự tứ.
        Trong dân gian vẫn thường hay nói “xấu che, tốt khoe” và trong đời sống gia đình xã
hội, thông thường cái gì xấu xa, tội lỗi thì người ta hay che đậy, bưng bít, còn cái gì tốt đẹp,
quý giá thì ai cũng tìm cách phô trương, khoe khoang trước mọi người, đó là bản chất của
cuộc sống và tâm lý chung của mọi người.
        Quả đúng là như vậy, trong đời sống thực tế, thật hiếm có người can đảm phơi bày cái
lỗi của mình trước thiên hạ hoặc nhờ người khác chĩ rõ cái lỗi của mình để mọi người cùng
biết. Thế nhưng đối với đệ tử của Phật thì sự thể hoàn toàn ngược lại. Đệ tử Phật một khi đã
giác ngộ chân lý, khi thấy mình có lỗi thì ngay đó thành tâm sám hối, chưa thấy thì nhờ người
khác chỉ giùm để kịp thời sửa chữa và không tiếp tục sai phạm. Phải chăng đó là thực tế sinh
động nhất về tinh thần hướng thượng và giác ngộ chân lý mà giới Tăng sĩ Phật giáo đã biểu
hiện trọn vẹn trong ngày chư Tăng Tự tứ.
        Trong đời sống hằng ngày, nếu người nào thường hay nhìn lại mình, thường tự kiểm
điểm bản thân, thường xấu hổ và xót xa mỗi khi bản thân gây ra lỗi lầm, thì người đó luôn có
cơ hội thăng tiến trong cuộc sống, và một điều chắc chắn là đời sống tinh thần cũng như tâm
linh của người này sẽ được an vui hạnh phúc, nhẹ nhàng thanh thản. Đồng thời người có tâm
cầu tiến hướng thiện ắt sẽ được mọi người tin yêu, quí mến và nể trọng. Nhờ thường xuyên
khắc phục những sai sót, sửa chữa lỗi lầm, người này sẽ nhanh chóng khẳng định mình trong
cuộc sống, đương nhiên uy tín của người này cũng sẽ được nhân lên tương ưng với nhân cách
và hạnh kiểm của họ.
      Đối với một người sống bình thường trong xã hội, chỉ với cái tâm biết xấu hổ với lỗi
lầm của bản thân mà đã có thể đàng hoàn đứng thẳng người để khẳng định mình và thành
                                               5
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


công như vậy, huống gì đối với một vị Tăng sĩ, suốt đời trường trai thanh tịnh, hằng ngày
được sống trong một môi trường trang nghiêm của oai nghi giới luật, tâm hạnh luôn thăng tiến
trên đường tu học theo giáo lý Phật Đà, nếu thường xuyên thúc liễm thân tâm, thường xuyên
quán sát những sai sót bản thân, tất nhiên đạo hạnh sẽ cao tột và như vậy chắc chắn rằng
người đời trong thế gian khó ai có thể sánh bằng.
        Đức Phật dạy rằng, trong đời sống có hai hạng người mạnh mẽ nhất: Một là người
hoàn toàn trong sạnh, nghĩa là người chưa từng chuốc lấy tội lỗi vào thân. Hai là hạng người
khi đã phạm phải tội lỗi sai lầm mà biết xấu hổ, tha thiết ăn năn sám hối, thành tâm sửa chữa
lỗi lầm đã gây ra. Như vậy rõ ràng là chư Phật luôn tán thán khen ngợi những người biết lỗi
và thành tâm sửa lỗi, không chỉ thế, đức Phật còn xác quyết hạng người này là mạnh mẽ nhất
trong thế giới con người.
        Lại nữa, cùng với hàng trăm hạng người từ đủ loại thành phần và giai cấp trong đời
sống thì giới Tăng sĩ Phật giáo từ xưa đến nay vẫn luôn được xã hội xem là thành phần cao
quí và được trọng vọng nhất trong đời sống cộng đồng.
       Khi đã thực thụ là một vị Tăng thì bản thân vị Tăng đó đã là kỳ hoa dị thảo trong thế
giới con người rồi, và theo như lời đức Phật dạy, nếu người nào mà biết xấu hổ, tha thiết ăn
năn sám hối, thành tâm sửa chữa lỗi lầm đã gây ra, thì đây là hạng người mạnh mẽ nhất. Như
vậy, đối với một vị chân Tăng, luôn quán sát những sai sót bản thân, tha thiết ăn năn sám hối,
thành tâm sửa chữa lỗi lầm đã gây ra, thì rõ ràng đây là bậc chân tu giác ngộ. Dù đã giác ngộ
chân lý nhưng phần đông giới Tăng sĩ vẫn luôn hướng thượng và không ngừng thăng hoa trên
bước đường mà đấng Đại Giác đã đi qua, như vậy dĩ nhiên họ là những con người, dù chưa
phải Thánh nhân, nhưng vẫn đáng được thế gian tôn quí cúng dường và quay về nương tựa.
        Từ ý nghĩa thiêng liêng và trọng đại trên tinh thần giác ngộ và hướng thượng của một
vị Tăng, lòng thành tín Phật pháp của chúng ta đã cảm thấy vô cùng kính trọng ngưỡng mộ,
và điều này thật đáng để chúng ta thành kính cúng dường, huống gì không phải một hay hai
ba vị Tăng như vậy mà là hàng chục hàng trăm vị Tăng thanh tịnh tề tựu về nhóm họp để phát
lồ sám hối trong ngày Tự tứ. Có thể nói đây là đại sự nhân duyên rất là hy hữu trong cõi Ta
Bà mà chúng ta đang sống, điều này càng trở nên ý nghĩa, trọng đại hơn đối với bất kỳ ai có
diễm phúc được cúng dường chư Tăng nhân ngày đại lễ trọng thể này. Hơn nữa, trong kinh
Phật thường nói đến “Phước chúng như hải” đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên
đại oai lực và không khí trang nghiêm thanh tịnh trong ngày đại lễ.
       Chúng ta vẫn biết rằng ý nghĩa thiêng liêng của mùa Vu Lan báo hiếu được hình thành
từ sự kết hợp chan hòa đồng nhất giữa sức chú nguyện và oai lực đại chúng Tăng thanh tịnh
với tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật. Tuy nhiên mùa Vu Lan báo hiếu cũng sẽ
mất đi một phần ý nghĩa thiết thực nếu như cha mẹ chúng ta vẫn mãi thọ khổ đau trong ác đạo
và nói một cách rõ ràng hơn nếu như tâm thức của cha mẹ chúng ta cứ khư khư ôm ghì ác
nghiệp, tà kiến cùng mọi cố chấp trong lòng.
        Nếu là Phật tử nặng lòng hiếu đạo, nếu là người con chí hiếu trong mỗi gia đình,
chúng ta hãy cùng nhau noi gương Tôn giả Mục Kiền Liên thực hành theo lời Phật dạy: Đó là
bằng tâm hồn Tịnh Độ của chính bản thân mình và bằng tất cả tấm lòng, tâm tư tình cảm nồng
hậu nhất của người con hiếu đạo dành cho cha mẹ, chúng ta phải thực sự tha thiết ân cần
hướng dẫn cha mẹ mình trở về nẽo thiện, khiến cho cha mẹ phát bồ đề tâm, qui y Tam Bảo,
lập nguyện tu hành theo chánh pháp, có như vậy chúng ta mới có thể chuyển hóa nghiệp lực
của cha mẹ mình, chúng ta mới thật sự góp phần làm cho ngày đại lễ báo hiếu trở thành Vu-
lan thắng hội trọn vẹn ý nghĩa tháo gỡ mọi nghiệp lực khổ đau trong đời sống nhân gian và cả
trong mai hậu.


                                              6
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                       Thích Huệ Thơng




         MÙA VU LAN BÁO HIẾU


        Theo truyền thống, chánh lễ Vu Lan hằng năm, đúng ra phải được tổ chức vào ngày
chư Tăng Tự tứ (rằm tháng bảy), nhưng trên thực tế, lễ Vu Lan tại nước ta lại diễn ra trong rất
nhiều ngày, việc tổ chức lễ Vu Lan ở hầu hết các chùa đều diễn ra chưa đồng bộ, chưa thống
nhất thời gian, lý do đơn giản là nếu như đúng ngày rằm tháng bảy, chư Tăng Ni tập trung hết
về một vài chùa lớn thì vô số ngôi chùa khác sẽ thiếu vắng hình bóng Tăng Ni và như vậy
buổi lễ Vu Lan sẽ không đáp ứng trọn vẹn được tinh thần cúng dường chư Tăng nhân ngày
Tự tứ. Đây cũng là một phần nguyên do mà người ta hay nói “rằm tháng bảy” là “mùa” Vu
Lan báo hiếu, chứ không giới hạn là “ngày” Vu Lan báo hiếu.
       Từ tấm lòng hiếu đạo của người con Phật và từ oai đức của chư Tăng nhân ngày Tự tứ,
mùa Vu Lan báo hiếu đã được hình thành trên tinh thần hóa giải nghiệp lực, cứu khổ ban vui,
khơi nguồn hiếu đạo trong cộng đồng Phật giáo và cả chốn nhân gian. Từ đó mùa Vu Lan báo
hiếu đã trở thành chuổi ngày đại lễ của những người con chí hiếu và cũng là cơ hội để những
người con Phật thể hiện tấm lòng hiếu đạo của mình.
        Hằng năm, chư Tăng Ni cùng Phật Tử thường tiến hành lễ Vu Lan báo hiếu vào dịp
rằm tháng bảy tại các chùa chiền tịnh viện. Đại lễ Vu Lan được tổ chức trang trọng, thu hút
rất đông Phật tử cùng quần chúng nhân dân địa phương đến tham dự. Do mang ý nghĩa đặc
thù của ngày lễ báo hiếu nên hầu hết Phật tử đều biểu lộ cảm xúc chân thật hướng về hai đấng
sinh thành, đặc biệt là hướng về người mẹ kính yêu nhiều hơn. Đây là một sinh hoạt tôn giáo
đậm tính truyền thống đạo đức tâm linh và bao hàm nhiều ý nghĩa trọng đại của Phật giáo Đại
thừa.
       Theo kinh Vu-Lan-Bồn, tấm gương cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên thoát khỏi
cảnh ngạ quỉ đọa đày, đối với Phật tử chúng ta, đó là bài học sinh động, chứa chan cảm xúc về
tấm lòng hiếu đạo của một người con đã giác ngộ giáo lý Phật Đà.
        Dù câu chuyện về tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên đã diễn ra cách nay
trên 25 thế kỷ tại Ấn Độ, thế nhưng hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên canh cánh trong lòng
chữ hiếu, mang nặng tình thâm, mong muốn báo đền ơn sâu sinh thành dưỡng dục của cha
mẹ, đối với người con Phật khắp năm châu thì hình ảnh đó đã đi vào bất tử, cảm xúc đó mãi
tồn tại và mãi khắc ghi trong tâm hồn những người con hiếu đạo về ý nghĩa thiêng liêng và
sâu thẳm của hai tiếng “Mẹ ơi”.
        Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam chúng ta, cùng với truyền thống đạo đức của một
dân tộc có 4000 năm văn hiến, chẳng hạn như “uống nước nhớ nguồn”, “chim có tổ người có
tông” … thì đại lễ Vu-Lan đã nhanh chóng trở thành một lễ hội đặc thù thuần nhất về tinh
thần hiếu đạo, có ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc và rất cụ thể về tình “mẫu tử”, chính vì vậy mà
đại lễ Vu-Lan cũng đã mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đạo đức dân tộc. Do sớm
thích nghi, phù hợp, rồi dễ dàng hòa quyện với văn hóa dân gian, ngày nay đại lễ Vu-Lan đã
không còn là ngày lễ riêng của Phật giáo mà nó đã trở thành ngày lễ truyền thống về hiếu đạo
của cả dân tộc.
       Từ một ngày lễ trong vô số ngày lễ vía của Phật giáo, lễ Vu-Lan mặc nhiên đã được
cộng đồng xã hội quan tâm và ngầm chấp nhận đó là ngày lễ báo hiếu chung cho cả dân tộc.
                                              7
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


Trước hết có thể nói, đây là điều rất đáng tự hào của Phật giáo, vì Phật giáo vốn không phô
trương hay quảng bá hình ảnh, thế nhưng mạch sống đạo đức và tâm linh của Phật giáo đã
thấm sâu một cách chắc thật trong tâm tư tình cảm của mỗi một người dân Việt. Thật ra, điều
này cũng dễ hiểu, bởi vì tất cả mọi người được sinh ra ở cõi đời này, từ một kẻ lam lũ ở miền
quê hẻo lánh đến một người giàu sang quyền quí ở chốn đô thành, từ một vị giáo sư đáng kính
đến một kẻ ít học ở một miền rừng núi xa xôi, thì không một ai có thể từ trên trời rơi xuống
mà không do cha mẹ sinh ra, không một ai có thể lớn khôn trưởng thành mà không ở trong
vòng tay nâng niu chăm sóc dưỡng nuôi của cha và mẹ, đặc biệt là không ai có thể sống đến
ngày hôm nay mà không từ nguồn suối yêu thương của hai bầu sữa mẹ. (Nói đến đây chúng
tôi mong quí vị hãy cùng lắng lòng sẻ chia với một vài trường hợp bất hạnh nào đó trong cuộc
sống này đã không có duyen may như hầu hết chúng ta).
       Như vậy thì ngoài vài trường hợp không may, hầu hết chúng ta, ngay từ thời thơ ấu
đều nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng của hai đấng sinh thành. Chính nhờ cha mẹ mà chúng
ta mới có hình hài này và cũng nhờ hình hài này mà chúng ta đã có thể biết đến đạo pháp, nhờ
đó mà chúng ta tạo nhiều thiện nghiệp, tu sửa bản thân, giảm bớt ác nghiệp, tạo phước điền
cho kiếp vị lai. Và thực tế ngay trong cuộc sống hiện nay, nhờ vào tấm thân cường tráng mà
cha mẹ ban cho, chúng ta mới có thể trở thành một công dân hữu ích, mới có thể đóng góp
công sức xây dựng quê hương đất nước và làm rạng danh cho tổ tiên và gia tộc. Khi nói về
công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành, chắc chắn là chúng ta sẽ không thể
nào diễn tả hết dù thiên kinh vạn quyển, huống gì trong một vài trang giấy. Ở đây chúng ta
đang cùng nhau nói về mùa Vu Lan báo hiếu, do vậy chúng tôi chỉ lướt sơ qua vài ý liên quan,
còn vấn đề trọng tâm này, chúng ta sẽ bàn đến trong các chương kế tiếp.
       Như chúng ta đã biết, kiếp sống của một con người có thể gói gọn trong phạm vi một
đời sống ngắn ngủi chỉ vài chục năm, người nào thọ lắm cũng chỉ “bách niên giai lão” là
cùng. Thế nhưng trải qua vô số kiếp trong quĩ đạo luân hồi sanh tử thì tất cả chúng ta không
thể nào thông tỏ về quá khứ lâu xa cũng như vị lai mà chúng ta vô cùng tối tăm mù mịt. Do
vậy chúng ta khó có thể hình dung ra được những gì mà chúng ta đã trải qua và những gì chưa
đến. Đối với bản thân mỗi chúng ta, khi nghĩ về hai đấng sinh thành, thường thì chúng ta chỉ
nghĩ đến cha mẹ hiện đời, thậm chí chữ hiếu có khi còn lo không trọn, huống gì là nghĩ đến
cha mẹ nhiếu đời nhiều kiếp? Có thể nói rằng đây là một điều đáng tiếc rất lớn đối với những
người con Phật. Tuy nhiên, nhờ vào kinh Vu-Lan-Bồn, chúng ta được biết đến tấm gương
hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên, nhất là khi được nghe đức Phật chỉ bày phương cách
báo hiếu cho cha mẹ hiện đời cũng như cha mẹ đã quá vãng, chúng ta mới thật sự thấy mình
là những đứa con bất hiếu, mới thật sự xót xa vì đã chưa thể hiện được điều gì thật ý nghĩa để
đền đáp thâm ân sinh thành dưỡng dục.
       Trải qua hàng ngàn năm, dân tộc ta đã từng chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa
Trung Hoa. Những thế hệ cha ông chúng ta hầu như đều thấm nhuần đạo lý Tam cương, Ngũ
thường, Tam tòng, Tứ đức … Trong hệ thống kinh sách của Khổng và Lão giáo cũng đều
bàng bạc những tấm gương hiếu đạo, bên cạnh đó các nhà đạo đức học Trung Hoa đã sưu tầm
tập hợp ghi chép về 24 tấm gương hiếu thảo rất cảm động và bộ sách “Nhị thập tứ hiếu” ấn
tượng này từ lâu đã trở thành một cẩm nang đặc thù về đạo hiếu trong chốn nhân gian.
       Đối với dân tộc ta, từ nền đạo đức truyền thống của dân tộc kết hợp với sự ảnh hưởng
bởi nền luân lý Trung Hoa, tâm hiếu đạo đã được xã hội xem là thước đo chuẩn về giá trị và
nhân cách con người, qua đó “hiếu hạnh vi tiên” trở thành đạo lý nghìn đời mà mỗi người dân
Việt đều luôn tâm niệm canh cánh trong lòng. Trong đời sống hàng ngày, ngoài bổn phận và
trách nhiệm làm con, hầu hết chúng ta đều tìm mọi cách để làm vui lòng cha mẹ, chúng ta
cung phụng vật chất, chăm sóc khi đau ốm, động viên tinh thần … và xem đó là cách báo hiếu
thông thường mà trong đời sống chúng ta có thể thực hiện được.

                                              8
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                           Thích Huệ Thơng


        Trong đời sống nhân gian, để thực hiện một phương cách báo hiếu rõ ràng, sâu sắc,
thiết thực, có thể nói đức Không Tử được xem là người tiên phong đã đưa ra những giáo điều
mang tính kim chỉ nam, giúp cho những người con hiếu thảo thể hiện tấm lòng hiếu đạo của
mình đối với bậc sinh thành dưỡng dục. Đức Khổng Tử thường dạy môn đồ của mình: “Hiếu
tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế
tắc trí kỳ nghiêm”, điều này ngụ ý rằng, là người con hiếu thảo, ngoài việc cung phụng cho
cha mẹ vật chất và những tiện nghi trong đời sống, thì phải thường xuyên ân cần chăm sóc,
phải thể hiện tấm lòng chân thành, yêu thương cha mẹ. Đặc biệt trong ăn ở cư xử phải hết
lòng cung kính, lúc nuôi dưỡng cha mẹ phải nhiệt tâm và vui vẻ, lúc cha mẹ đau ốm phải hết
lòng lo lắng thuốc thang chữa chạy, khi ma chay thì phải hết lòng thương xót, khi cúng tế tang
lễ thì phải nghiêm trang chánh niệm. Có thể nói rằng, đây là nguyên tắc báo hiếu rất thiết thực
và sâu sắc, chúng ta cũng dễ nhận ra rằng, người xưa chỉ dạy phương cách báo hiếu bằng cách
dụng tâm chân thật và hiếu đạo thông qua cách thể hiện, lễ nghi ứng xử hành đạo chứ không
lệ thuộc nhiều vào vật chất. Đối với người Trung Hoa có tấm lòng hiếu đạo, thì cách báo hiếu
như thế này được xem là tối ưu và rốt ráo. Còn đối với người Việt Nam chúng ta là một dân
tộc có truyền thống đạo đức lâu đời, bên cạnh đó đã ảnh hưởng không ít bởi nền văn hóa mỹ
tục Trung Hoa mà cụ thể là ảnh hưởng nền đạo đức tư tưởng Khổng học, do vậy mà nhân dân
ta, từ xa xưa đã thấm nhuần một nếp sống thuần lương hiếu hạnh. Những điều mà đức Khổng
Tử đã dạy môn đồ về đạo hiếu như nêu trên, đã được cha ông chúng ta nói tóm gọn trong
những câu ca dao đầy ý nghĩa: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chúng tôi nghĩ rằng,
mỗi một thành viên trong gia đình chỉ cần khắc ghi trong lòng và luôn thể hiện “một lòng thờ
mẹ kính cha” thì chắc chắn rằng mọi thế sự trên cuộc đời này sẽ chu toàn như ý. Và chính nhờ
đó mà đạo đức và tôn ty trật tự trong mỗi gia đình được duy trì, an ninh xã hội được ổn định,
kỷ cương phép nước được bảo toàn, bản sắc nhân văn không ngừng thăng hoa khởi sắc.
       Tuy nhiên, so với tinh thần hiếu đạo trong chốn nhân gian thì phương cách báo hiếu
của đạo Phật thiết thực rốt ráo với ý nghĩa xuyên suốt thẳm sâu hơn. Người Phật tử có tấm
lòng hiếu đạo, trước hết là phải xây dựng cho bản thân một thế giới an vui cực lạc, kế đến là
phải tìm mọi cách để chuyển hóa tâm hồn để cha mẹ mình tránh các điều ác, làm các việc
lành, phát tâm qui y hướng về Tam Bảo. Và như vậy, chỉ có đạo Phật mới có thể đưa ra một
phương cách báo hiếu hoàn mãn từ nhu cầu vật chất cho đến tinh thần, đặc biệt phương cách
báo hiếu trong Phật giáo sẽ ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tâm linh của các đấng sinh thành
xuyên suốt quá khư, hiện tại, và cho cả tương lai vô hạn lượng. Chúng ta sẽ bàn về phương
cách báo hiếu tối ưu này sau khi đã cùng nhau tham khảo nội dung và ý nghĩa kinh Vu Lan
Bồn trong phần mục kế tiếp.




                                                                    KINH VU LAN BỒN

         Hằng năm, lễ Vu Lan thường được tổ chức trang trọng vào dịp rằm tháng bảy. Đối
với người xuất gia, đây là khoảng thời gian thiêng liêng và vô cùng ý nghĩa, nó đánh dấu một
bước trưởng thành trên con đường đạo hạnh. Bởi vì chư Tăng vừa kết thúc một mùa an cư
kiết hạ, cũng có nghĩa là vừa được tăng thêm một tuổi đạo. Đặc biệt, trước khi giải hạ, theo
thông lệ và truyền thống tu tập của Phật giáo Đại thừa, đại chúng Tăng thường họp mặt để
cùng nhau phát lồ sám hối, ngõ hầu làm nền tảng vững chắc cho những ngày tu học và hành

                                                 9
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                     Thích Huệ Thơng


đạo về sau. Cũng trong giây phút thiêng liêng trọng đại này, đại lễ Vu Lan đã được diễn ra
đúng vào dịp chư Tăng Tự tứ (phát lồ sám hối).
         Trong giây phút thiêng liêng, tràn dâng cảm xúc, dạt dào tình yêu thương khi hướng
về hai đấng sinh thành, toàn thể Phật tử đoan nghiêm chánh niệm thành kính dâng lên đại
chúng Tăng Ni những tịnh tài, tịnh vật và những nén tâm nhang, những lời cầu nguyện tha
thiết, thành khẩn nhất để hồi hướng về cha mẹ hiện đời cũng như quá vãng được sống lâu
trăm tuổi, được siêu sanh Tịnh Độ.
        Hòa vào nguồn cảm xúc lắng sâu chân thành đó là những lời kinh Vu Lan Bồn du
dương trầm bổng theo tiếng mỏ và nhịp chuông ngân tràn đầy cảm động, qua đó tấm gương
hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên lần hồi hiện về trong tâm thức mỗi người, đã làm xao
xuyến, lay động tâm hồn những người con hiếu đạo. Điều này đã khơi dậy trong lòng những
người con Phật những hoài niệm thân thương về cha mẹ, về trách nhiệm và bổn phận làm con
đối với bậc sinh thành.
        Kinh Vu Lan Bồn được đức Bổn Sư của chúng ta thuyết tại tịnh xá Kỳ Viên, sau đó
được Tôn giả A Nan thuật lại, nội dung chúng tôi xin tóm lược như sau: Thuở nọ, Tôn giả
Mục Kiền Liên khi vừa chứng được lục thông, vì muốn báo đáp ân đức sâu dày của cha mẹ,
Ngài đã dùng thiên nhãn quan sát khắp các nơi, qua đó Ngài thấy mẹ mình là bà Thanh Đề
đang phải thọ khổ trong cảnh giới ngạ quỉ, nghiệp báo mà bà Thanh Đề phải chịu là không thể
ăn uống được, mặt dù bà rất đói khát, do vậy mà thân thể gầy ốm tiều tuỵ trông rất thảm
thương. Khi tận mắt (thiên nhãn) nhìn thấy mẹ mình phải chịu đau khổ đọa đày như vậy, lòng
Tôn giả quặn đau như dao cắt, Ngài bèn dùng bình bát đựng cơm đem dâng lên mẹ. Nhưng
hỡi ôi! Do nghiệp chướng quá nặng, cơm liền biến thành hòn than lửa không thể ăn được, cơn
đói khát tăng lên, khổ đau lại chồng chất, trông rất thê lương. Tôn giả đem tình cảnh thảm
thương vừa xảy ra tác bạch lên đức Phật. Ngay đó đức Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên rằng,
muốn cứu được mẹ mình thì phải nhờ đến thần lực của chư Tăng trong mười phương. Đặc
biệt vào dịp rằm tháng bảy, nên sắm sửa các phẩm vật thành kính dâng lên cúng dường mười
phương Tăng nhân ngày Tự tứ, đặng nhờ giới hạnh trong sạch và thần lực nhiệm mầu của đại
chúng Tăng thanh tịnh chú nguyện, nhân đó cha mẹ hiện đời được tăng long phước thọ, an vui
hạnh phúc, cha mẹ quá vãng trong bảy đời được sanh về cảnh giới an lành thánh thiện hơn.
       Vâng theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên bèn sắm sửa đầy đủ phẩm vật dâng lên cúng
dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ với lòng tha thiết khẩn cầu cho mẹ mình sớm siêu thoát khổ
đau trong cảnh ngạ quỉ. Chư Tăng trong lễ thọ nhận cúng dường của Tôn giả Mục Kiền Liên
đã thành tâm chú nguyện và ngay sau đó bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỉ sanh về Thiên
giới.
        Khi được biết nhờ tâm thành của mình và sức chú nguyện của chư Tăng mà mẹ mình
liền thoát khỏi cảnh ngạ quỉ sanh về Thiên giới, Tôn giả Mục Kiền Liên vô cùng vui mừng,
tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, cũng nhân đó Ngài đã thành tâm thỉnh cầu đức Phật chỉ bày
phương cách báo hiếu để chúng sanh có cơ hội đền đáp thâm ân sâu nặng của hai đấng sinh
thành. Trước sự thỉnh cầu tha thiết của Mục Kiền Liên, đức Phật dạy rằng, chúng sanh hiện
đời và muôn đời sau, nếu muốn thể hiện lòng hiếu đạo, báo đền ơn sâu của cha mẹ, thì đến
ngày chư Tăng Tự tứ vào dịp rằm tháng bảy hằng năm, nên sắm sửa phẩm vật, với lòng thanh
tịnh thành kính dâng lên cúng dường đại chúng Tăng, thì cha mẹ hiện đời cũng như quá vang
sẽ được nhiều lợi lạc.
       Như lời đức Phật từ bi chỉ dạy, với tấm lòng hiếu đạo, Phật tử chúng ta nên y giáo
phụng hành để trọn vẹn chữ hiếu. Đồng thời là Phật tử, thì chúng ta nên tuân giữ truyền thống
báo hiếu này để nhân rộng ra trong đời sống thế gian, ngõ hầu làm nền tảng đạo đức chung
cho cộng đồng của thế giới con người.

                                             10
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


        Trên đây là nội dung kinh Vu Lan Bồn, một bộ kinh thuần nhất về tinh thần hiếu đạo
trong Phật giáo. Kinh Vu-Lan-Bồn mà ngày nay chúng ta được biết đến là do đức Phật tuyên
thuyết tại tịnh xá Kỳ Viên trên quê hương của chính đức Phật, dù đã trên 25 thế kỷ qua, thế
nhưng cốt chuyện và hàm ý bộ kinh vẫn sống động, vẫn tràn đầy xúc cảm như vừa mới diễn
ra trong hiện tại và ngay trước mặt những người con Phật chúng ta.
       Theo như kinh Vu Lan Bồn thì nhờ lòng chí hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên kết hợp
với sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề được thoát khổ trong cảnh ngạ quỉ sanh về
Thiên giới, ở đây chúng tôi nhận thấy có một điều hết sức quan trọng cần phải nêu ra, đó là
việc bản thân bà Thanh Đề đã buông ác hướng thiện, đã cải tà qui chánh hay chưa? Hay chỉ
dựa vào tha lực của đại chúng Tăng và tấm lòng hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên mà
ngay đó được sanh về Thiên giới?
       Về điều này, dù trong kinh không nói rõ rằng, bà Thanh Đề, vẫn chưa hay là đã
“buông xả cố chấp, giải trừ ác nghiệp” … nhưng chúng ta vẫn ngầm hiểu rằng, nếu tự thân bà
Thanh Đề không tự hối và tự cứu lấy mình, thì cũng khó có thể nương nhờ trọn vẹn vào sức
chú nguyện của đại chúng Tăng mà giải thoát khổ đau, phát sanh hỷ lạc.
       Do vậy Phật tử chúng ta cũng nên nhận thức rằng, thông qua kinh Vu Lan Bồn, đức
Phật đã mở bày ra cho chúng ta một phương cách báo hiếu rốt ráo và hoàn hảo, tạo cho chúng
ta cơ hội đền đáp thâm ân mẹ cha đã cưu mang nuôi dưỡng, nhưng cũng bắt chúng ta phải tư
duy chín chắn rằng, trong phương cách báo hiếu, thì việc chuyển hóa tâm thức người đang thọ
khổ phải hướng thiện, hướng thượng là tối cần, là thiết yếu, vì đây là then chốt để tâm chú
nguyện và tâm cầu nguyện sẽ hòa hợp, dung thông được với tâm thức tự hóa giải (tự hối tự
cứu ) của người đang thọ khổ trong ba đường ác. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là chỗ sống động
của kinh Vu Lan Bồn, cho nên đã 25 thế kỷ trôi qua mà ý kinh vẫn tràn đầy xúc cảm, vẫn có
sức cuốn hút và mãi tươi nguyên như vừa mới diễn ra trong hiện tại.
        Nhân đây cũng cần nói thêm rằng, khi Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam, có thể
nói trong thời kỳ ban đầu, văn hóa Phật giáo vẫn còn không ít dị biệt với văn hóa truyền thống
dân tộc và còn phải chờ một khoảng thời gian cần thiết để thích ứng. Tuy nhiên với Kinh Vu
Lan Bồn thì có lẽ không cần phải đợi thời gian mà nó vẫn tương thích ngay với tinh thần hiếu
đạo của người Việt Nam chúng ta, đó là mong muốn thể hiện một việc gì đó thật có ý nghĩa,
thể hiện lòng hiếu đạo đối với hai đấng sinh thành và đặc biệt là người mẹ.
        Kinh Vu Lan Bồn thuật chuyện người con hiếu đạo là Mục Kiền Liên không quản gian
lao cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỉ đã gây xúc động và cảm thông sâu sắc
trong xã hội. Trước sự đồng cảm sâu sắc đó, nhân dân ta đã đồng hóa hai nhân vật: “Tôn giả
Mục Kiền Liên” và “bà Thanh Đề” thành câu cửa miệng “Mục Liên - Thanh Đề”, và cũng từ
rất lâu xa trong đời sống dân gian của người Việt Nam chúng ta, hể nói đến “Mục Liên -
Thanh Đề” tức là người ta nghĩ ngay đến một tấm gương hiếu thảo nào đó trong đời sống, vô
hình chung Tôn giả Mục Kiền Liên đã biến thành một người thuần Việt trong nếp nghĩ và đời
sống của người dân Việt và câu chuyện báo hiếu cảm động này gần như đã trở thành một câu
chuyện ấn tượng về những tấm gương hiếu thảo trong kho tàng trong chuyện cổ Việt Nam.




         TẤM GƯƠNG HIẾU ĐẠO
          CỦA ĐỨC THẾ TÔN
                                             11
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng




         Đức Thế Tôn Bổn Sư của chúng ta, khi mới phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, đã
vì tất cả chúng ta mà tu hành đạo Bồ tát, trải qua vô lượng kiếp, nếm đủ mọi mùi cay đắng
gian lao. Khi ta gây nghiệp, Ngài rất xót xa, tìm mọi cách giáo hóa. Khi chúng ta đọa vào địa
ngục, Ngài càng đau xót hơn, chỉ muốn thay chúng ta chịu khổ. Khi chúng ta sinh ra làm
người, Ngài dùng mọi phương tiện khai thị giúp chúng ta nhận ra bổn tâm thanh tịnh, gieo
trồng căn lành, phát tâm bồ đề, xa lìa ác đạo, đời đời kiếp kiếp, không lúc nào Ngài rời bỏ
chúng ta, điều này đã được Thế Tôn tuyên thệ rất rõ ràng trong tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng
sanh vô biên thệ nguyện độ”.
        Đối với những người con Phật có tấm lòng hiếu đạo, Ngài đã phương tiện thuyết kinh
Vu Lan Bồn chỉ bày phương cách báo hiếu rốt ráo và thiết thực ngõ hầu giúp chúng ta đền
đáp thâm ân mẹ cha trong muôn một. Đặc biệt, đã dù là bậc thầy của trời người, đức Thế Tôn
vẫn còn thị hiện là một người con chí hiếu đối với thân phụ của mình để làm bài học giúp cho
tất cả chúng sinh nhân đó noi gương sống cho tròn đạo hiếu. Sau đây là câu chuyện về tấm
gương hiếu đạo của Đức Thế Tôn, chúng tôi nghĩ rằng, thông qua câu chuyện này, tất cả
chúng ta sẽ có được nhận thức sâu sắc hơn nữa về bổn phận và trách nhiệm làm con đối với
hai đấng sinh thành.
         Vào thời Phật còn tại thế, thân phụ của đức Phật là Tịnh Phạn Vương làm vua nước
Xá Di. Vua Tịnh Phạn nỗi tiếng là một đấng quân vương nhân từ, thường dùng chánh pháp để
cai trị đất nước và lấy nhân nghĩa đạo đức để cảm hóa nhân dân, đối với muôn loài, ông cũng
hết lòng yêu thương gần gủi. Lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, mặc dù được các
quan ngự y hết lòng chữa trị, nhưng do tuổi già sức yếu nên bệnh tình không thuyên giảm.
Trong những ngày cuối đời tâm trạng nhà vua lộ vẻ ưu phiền. Lúc này các em của vua Tịnh
Phạn là Bạch Phạn, Hộc Phạn và Đại Xưng đồng lên tiếng an ủi: “ Sư huynh hằng ngày
thường gieo trồng căn lành, vun bồi đức hạnh, tu tập theo chánh pháp, đời sống quang minh
chánh đại, nhờ đó nhân dân được an lạc, đất nước thanh bình. Hơn nữa, sư huynh là bậc quân
vương đã giác ngộ lý vô thường, sanh lão bệnh tử là qui luật tất yếu của một kiếp người, thì
có gì đâu mà sư huynh phải ưu sầu phiền muộn”. Nghe xong, vua Tịnh Phạn mới đáp lời các
em mình: “Đúng vậy, dù ta có giả từ cuộc đời huyễn mộng này thì chẳng có gì luyến tiếc. Tuy
nhiên chỉ có điều là ta không thấy được mặt các con ta, các cháu ta, thì quả là đáng tiếc,đáng
buồn lắm. Nếu như tình trạng sức khỏe của ta có nguy kịch đi chăng nữa mà ta thấy được mặt
các con các cháu của ta thì cũng chẳng có gì là khổ đau hay luyến tiếc”.
        Khi vua Tịnh Phạn đáp lời các người em của mình, thì đức Phật lúc này đang tĩnh tọa
trên núi Linh Thứu, Ngài dùng thiên nhãn quán sát, thấy phụ vương đang lâm bệnh nặng. Tức
thì, đức Phật liền báo tin ngay cho Nan Đà, La Hầu La và A Nan biết rõ tình hình sức khỏe
vua cha. Ngài Nan Đà nghe xong liền tác bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, Tịnh
Phạn Vương là thân phụ của chúng ta, người đã sinh ra đấng Đại Giác trên thế gian này, đã
làm lợi ích rất lớn cho muôn loài, nay Ngài lâm bệnh, chúng ta nên mau về thăm để báo ân
sâu của thân phụ”. Ngài A Nan cũng tác bạch: “Bá phụ đã cho phép con xuất gia theo Phật
học đạo, ân này sâu nặng khó đáp đền. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép con về thăm bá phụ”.
Liền đó, La Hầu La cũng quì xin đức Phật: “Đức Thế Tôn là thân phụ của con, nhưng sớm bỏ
ngai vàng đi tìm chân lý. Lúc đó con đã nhờ ông nội nuôi dưỡng dạy dỗ trưởng thành, để ngày
hôm nay con mới được xuất gia theo Phật. Nay con cúi xin Thế Tôn cho con được về thăm
người lần cuối”. Nghe xong những lời tác bạch chí tình chí hiếu, đức Phật vô cùng hoan hỷ và
chấp thuận những lời cầu xin ấy. Ngay sau đó đức Phật dẫn mọi người đi về hướng hoàng
cung.

                                             12
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                       Thích Huệ Thơng


        Nói về vua Tịnh Phạn, dù đang trong cơn bệnh nặng, nhưng khi hay tin đức Phật dẫn
Nan Đà và La Hầu La trở về hoàng cung thăm mình, thì tâm hồn liền thanh thản, sức khỏe
bỗng dưng như được hồi phục một cách bất ngờ. Vua Tịnh Phạn gắng ngồi dậy, chấp tay xá
chào đức Phật, rồi thưa rằng: “Thân thể tôi đang bị bức bách bởi sự hoại diệt của vô thường,
đó là những cơn đau không thể chịu nỗi. Tôi sắp giả từ cõi đời này, có lẽ đây là lần cuối cùng
mà tôi được gặp Thế Tôn. Xin Thế Tôn hãy đặt bàn tay của Thế Tôn lên mình tôi cho đỡ bớt
cơn đau đang dày xéo tâm can. Nay được gặp Thế Tôn lần cuối, tôi mãn nguyện lắm rồi” Đức
Phật lắng nghe phụ vương bộc bạch nỗi niềm, lặng trong giây lâu, Thế Tôn mới thưa lại vua
cha: “ Kính thưa Phụ vương! Xin người chớ quá âu sầu. Suốt một đời người đã sống thiện
lành và lợi ích. Thế Tôn quán xét chẳng có điều gì khuyết điểm, đạo đức sáng ngời, giới hạnh
tròn đầy, nay người chẳng có gì phải âu sầu lo lắng cả”. Ân cần động viên phụ vương xong,
đức Phật bèn đưa bàn tay đặt lên trán vua cha, tiếp tục vỗ về an ủi: “Phụ vương là người giữ
giới thanh tịnh, tâm đã xa lìa cấu nhiễm, hơn nữa vạn vật không có gì bền chắc, vậy Phụ
vương không nên âu sầu mà hãy hoan hỷ, giữ cho tâm hồn bình yên, quán sâu vào nghĩa lý
giáo kinh “. Trong những giây phút cuối cùng, vua Tịnh Phạn đã được nghe những lời vỗ về
an ủi, dịu êm ngọt ngào như những giọt cam lồ nhỏ mát cõi tâm linh. Trong giây phút ấy,
Ngài sanh tâm hoan hỷ, chân hạnh phúc ngập tràn tâm hồn, Ngài bèn cầm tay Thế Tôn đặt lên
trái tim mình, như ngầm tỏ ý cảm tạ những lời giáo huấn cuối cùng của đức Thế Tôn. Cũng
trong giây phút thiêng liêng ấy, vua Tịnh Phạn thanh thản ra đi mà gương mặt vẫn còn rạng
rỡ.
        Sau khi nhà vua băng hà, kim quan của Tịnh Phạn Vương được hoàng tộc tôn trí trên
tòa sư tử, khi đó đức Phật của chúng ta cùng với Tôn giả Nan Đà cung kính đứng hầu phía
trước kim quan, còn A Nan và La Hầu La thì đứng hầu đằng sau kim quan. Mọi lễ nghi nhập
quan, tôn trí kim quan, đón tiếp các đoàn đến viếng thăm đã hoàn tất, sau cùng thì phút giây
trọng đại tiễn biệt Tịnh Phạn Vương cũng đã đến, đó là lễ di quan và lễ trà tỳ. Lúc bấy giờ đức
Phật của chúng ta tướng hảo quang minh, nghiêm thân oai lực, tận tay bưng lư trầm hương toả
thơm ngào ngạt, dẫn đầu các con cháu trong hoàng tộc và đệ tử hướng về khu hỏa táng. Lúc
bấy giờ còn có một ngàn hai trăm vị A La Hán từ núi Linh Thứu cũng tập trung về đự lễ tang.
Đến khi kim quan được đặt lên giàn hỏa, Phật và đại chúng chú nguyện và ngọn lửa bắt đầu
phừng cháy. Khi ngọn lửa bốc cao, đức Phật đã khuyên dạy mọi người: “Thế gian vô thường,
khổ, không, vô ngã. Tấm thân huyễn hóa này cũng như giọt sương đầu cành, cũng như tia
điện chớp, chẳng gì là kiên cố. Các người chỉ thấy sức nóng của ngọn lửa hoả thiêu, nhưng
không lường nỗi sự huỷ diệt của ngọn lửa tham sân si còn khủng khiếp hơn vạn ngàn lần. Vậy
các người hãy tinh tấn nổ lực tìm cầu giải thoát”.
        Khi đó đại chúng cùng lên tiếng thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn, đức vua Tịnh Phạn nay đã
thác sinh về cõi nào? Cúi xin Thế Tôn vì lòng từ bi giải bày cho đại chúng tỏ tường”. Bấy giờ
đức Phật mới hướng về đại chúng dõng dạc: “Phụ vương của ta là đạo nhân giới hạnh thanh
tịnh, tâm hồn trong sáng như đài gương bảy báu, nay đã được sanh về cõi Tịnh Cư Thiên”.
Đại chúng nghe xong vui mừng khôn xiết, đồng thời lễ Phật ra về.
        Ngoài tấm gương báo hiếu trong câu chuyên trên đây, thì trong tiền kiếp, đức Phật của
chúng ta đã trãi vô số kiếp làm người con chí hiếu. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo
Ân, đức Phật đã kể lại tiền thân của Ngài khi làm Thái tử tên là Tu Xà Đề, Ngài đã tự tay lóc
thịt mình dâng lên cha mẹ để cha mẹ qua cơn đói lòng trong lúc chạy giặc bị hết lương thực.
Một lần khác, Ngài làm Thái tử tên là Nhẫn Nhục, Ngài đã tự tay hiến dâng đôi mắt mình để
cứu cha thoát khỏi căn bệnh nguy kịch …
       Qua những câu chuyện mang tính tượng trưng này, chúng ta nhận thấy, đức Phật của
chúng ta là đấng Đại Giác đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh
Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

                                              13
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                    Thích Huệ Thơng


Dù Ngài là đấng Đại Giác, là Thầy của trời người, thế nhưng đối với song thân phụ mẫu, đức
Phật của chúng ta vẫn tự xem mình là một con người bình thường như muôn người sống trên
thế giới này. Ở đức Phật tình thương và lòng hiếu đạo vô bờ bến, hình ảnh đức Phật đứng hầu
kim quan thân phụ sau khi qua đời cũng như bao con người bình thường trong đời sống nhân
loại mà chẳng hề có biểu hiện mình là đấng Đại Giác Như Lai, và hình ảnh Ngài đã tự tay lóc
thịt mình dâng lên cha mẹ, rồi tự tay hiến dâng đôi mắt mình để cứu cha thoát khỏi căn bệnh
nguy kịch … đã thực sự gây xúc động và vô cùng ấn tượng về một tấm gương hiếu đạo.
       Trên thế giới Ta Bà này, chúng ta cũng khó có thể kiếm ra một vị giáo chủ nào đã thể
hiện tấm lòng hiếu đạo đối với bậc sinh thành như đức Phật của chúng ta.
       Đức Phật đã chí tình chí hiếu như vậy, có khi nào chúng ta thử hỏi lại mình, đã “một
lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” chưa? Hay chúng ta chỉ thực hiện
bổn phận và trách nhiệm với hai đấng sinh thành một cách miễn cưỡng và cho có lệ, trong khi
chúng ta chỉ là những con người tầm thường, thậm chí chưa có một vị trí, danh xưng gì, dù
trong đời sống tạm bợ ở thế gian này.




                                                               CÔNG ƠN CHA MẸ
                                                                 VÀ PHƯƠNG CÁCH
                                                                             BÁO HIẾU


        Nói đến công ơn cha mẹ và phương cách báo hiếu, chắc có lẽ rằng, ngoài những nội
dung chi tiết đã được đề cập đến trong kinh Vu Lan Bồn, thì chúng ta khó có thể tìm đâu ra
một bản kinh nào, một áng văn nào … nêu ra công ơn trời biển của cha mẹ và phương cách
báo hiếu cụ thể thiết thực đến như vậy.
       Trong phần mục “Công ơn cha mẹ và phương cách báo hiếu” này, chúng tôi chỉ trình
bày thêm một vài ý nghĩ từ cảm xúc chân thành nhất hướng về song thân phụ mẫu và chúng
tôi nghĩ rằng, đây cũng là dịp để tất cả chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về
tình cảm thiêng liêng mà các bậc cha mẹ đã trọn một đời chắt chiu tần tảo hy sinh dưỡng nuôi
chúng ta cho đến ngày khôn lớn.
        Nói đến hai chữ “công ơn” đối với “cha mẹ”, chúng tôi nghĩ rằng, dường như nó vẫn
còn quá giới hạn, vẫn còn cạn cợt hẹp hòi so với những gì mà cha mẹ đã ban tặng cho tất cả
chúng ta. Nếu gọi tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là “công ơn” thì vẫn có điều
gì đó chưa thật sự ổn trong cách tôn xưng, mà đối với những gì cha mẹ đã ban cho, chúng ta
phải tôn vinh đó là “công đức” sinh thành thì mới thấu tình trọn nghĩa. Thật ra khi chúng ta
dùng văn tự tán thán ca tụng công ơn cha mẹ, nào là “Thâm ân sâu nặng”, “Công ơn trời bể”,
nào là “Ân đức cù lao”, “Cha mẹ là Phạm Thiên”, “Cha mẹ là Phật tại tiền” … thì cũng không
thể nào diễn đạt hết tình yêu thương và sự chịu đựng vô bờ bến của cha mẹ đã trọn một đời hy
sinh vì con cái.


                                            14
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                          Thích Huệ Thơng


       Hơn nữa, khi đề cập đến những gì mà các bà mẹ đã ban tặng, chắt chiu tần tảo hy sinh
cho thế giới con người, trước hết chúng ta phải nói đến tình thương yêu vô bờ bến của người
mẹ, mà nói đến tình mẫu tử và công đức sinh thành dưỡng dục của người mẹ thì chúng ta
không thể so sánh hay tính toán cho rằng đó là “ơn” hay “nghĩa”.
        Đối với người Việt Nam chúng ta, thì việc báo hiếu chính là bổn phận thiêng liêng của
tất cả mọi người. Có lẽ do vậy mà đã có rất nhiều người được biết đến kinh Thi, một bản kinh
văn nằm trong hệ thống văn học cổ đại Trung Hoa, đã nêu ra công ơn của người mẹ rất vắn
gọn nhưng hàm súc và tương đối đầy đủ. Trong kinh Thi, công ơn của người mẹ được trình
bày tuần tự như sau: “Sinh – Cúc – Phủ – Dục – Súc – Trưởng – Cố – Phục – Phúc”, nghĩa là:
“Sinh nở – Nâng đỡ – Vỗ về – Dạy dỗ – Bú mớm – Nuôi dưỡng – Chăm sóc – Nuông chiều –
Che chở”. Đây là 9 đức hạnh hy sinh của người mẹ kể từ khi chúng ta vừa mới chào đời cho
đến trưởng thành mà tất cả chúng ta đều phải chịu ơn và đều phải có bổn phận đền ơn đáp
nghĩa.
        Như chúng ta đã biết, hiếu đạo vốn là một đạo lý có từ ngàn đời, nó tồn tại và thăng
hoa trong thế giới con người, vì từ muôn ngàn đời nay, tình yêu thương của cha mẹ dành cho
con cái không những không hề vơi cạn mà con lung linh dịu ngọt, êm đềm bay bỗng theo
dòng chảy thời gian để dưỡng nuôi những mầm sống được lớn khôn và trở thành người hữu
ích. Đối với những dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến và truyền thống đạo đức lâu đời như
dân tộc Việt Nam chúng ta, thì những tấm gương hiếu đạo trong đời sống, qua nhiều thời đại
là rất nhiều không thể nào tính đếm nỗi. Chẳng hạn, tấm gương hiếu đạo của vua Trần Anh
Tông đối với phụ hoàng hay của vua Tự Đức đối với mẫu hậu được nhân dân ta xem là hai
tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu thảo trong chốn hoàng cung.
        Dân tộc ta từ rất lâu xa đã sớm thích nghi và ứng dụng những tư tưởng tích cực về đạo
lý làm người của đức Khổng Tử như “Tam Cương”, “Ngũ thường”, “Tam Tòng”, “Tứ Đức”
… vào đời sống gia đình và xã hội, điều này đã giúp cho nền đạo đức trong đời sống được bảo
tồn và phát triển. Riêng đối với tinh thần hiếu đạo, người dân Việt Nam chúng ta cũng rất dễ
đồng cảm và nhạy bén trong việc học tập theo những tấm gương hiếu thảo của bất kỳ một dân
tộc nào. Có thể nói đạo lý về hiếu hạnh gần gũi với đời sống văn hóa đạo đức và nếp sống
hiếu hạnh của người dân Việt Nam chúng ta nhất phải nói đến những tấm gương hiếu đạo
trong “Nhị thập tứ hiếu”, ở đó là những tấm lòng chí hiếu, chỉ mới nghe qua cũng đã làm xao
động lòng người, nếu chịu khó tư duy loài người cũng có thể nhân đó mà cải hoá bản tâm,
điển hình như Hán Linh Đế đã đích thân sắc thuốc dâng mẹ mỗi khi mẹ ốm đau mà không để
ai làm thay công việc này, hoặc như Đinh Lăng khắc tượng mẹ để thờ và mỗi bữa ăn đều dâng
cơm nước lên mẹ như khi người vẫn còn sống … những tấm gương chí hiếu như vậy đã thật
sự gây xúc động và ấn tượng tốt đối với những tâm hồn hiếu đạo.
         Trong đời sống nhân gian, phương cách báo hiếu cũng đã được đức Không Tử đề ra:
“Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ
ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”, điều này hàm ý, trong cách ăn ở cư xử phải hết lòng cung kính, lúc
nuôi dưỡng cha mẹ phải nhiệt tâm và vui vẻ, lúc cha mẹ đau ốm phải hết lòng lo lắng thuốc
thang chữa chạy, khi ma chay thì phải hết lòng thương xót, khi cúng tế tang lễ thì phải trang
nghiêm. Có thể nói rằng, người xưa đã rất chú trọng đến tinh thần hiếu đạo, tuy nhiên việc
báo hiếu lại thiên về đời sống thế gian, vì vậy mà các đấng sinh thành vẫn còn chịu nhiều thiệt
thòi so với những gì mà họ đã ban cho thế giới con người.
       Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật đã nêu ra 10 công đức sâu dày của
người mẹ như sau:
                   1.Chín tháng cưu mang khó nhọc.
                   2.Sợ hãi đau đớn khi sinh.
                   3.Nuôi con cam đành cực khổ.
                                                15
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


                    4.Nuốt cay, mớm ngọt cho con.
                     5.Chịu ướt, nhường ráo con nằm.
                     6.Nhai cơm sú nước cho con.
                     7.Vui giặt đồ dơ cho con.
                     8.Thường nhớ khi con xa nhà.
                    9.Có thể tạo tội vì con.
                    10.Nhịn đói cho con được no”.
        Đây là 10 công đức của người mẹ, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã thọ nhận,
cũng đều phải chịu ơn, thế nhưng có điều là chúng ta ít khi tưởng nhớ đến sự hy sinh lớn lao
và thầm lặng của người mẹ, mặc dù trong số chúng ta đã có rất nhiều người trưởng thành và
không ít người đang nỗi danh nỗi tiếng. Do vậy khi đọc được những lời vàng ngọc từ kim
khẩu đức Phật nói về thâm ân sâu nặng của người mẹ, dường như tất cả chúng ta đều không
khỏi chạnh lòng bồi hồi xúc động, đồng thời tâm nguyện mong muốn thể hiện ngay một việc
gì đó thật có ý nghĩa đối với hai đấng song thân và đặc biệt là người mẹ.
        Trong 10 công đức sâu dày của người mẹ mà đức Phật đã nêu ra trong Kinh Đại Báo
Phụ Mẫu Trọng Ân, ngoài những điều như “Chín tháng cưu mang khó nhọc”, “Sợ hãi đau đớn
khi sinh”, “Nuôi con cam đành cực khổ”, “Nuốt cay, mớm ngọt cho con” … thì đặc biệt ở
điều thứ chín là “Có thể tạo tội vì con”, chúng ta nhận thấy, đức Phật không đơn thuần chỉ nêu
ra công ơn của người mẹ như những chi tiết khác, mà ở đó là tâm lượng vị tha quảng đại của
“Bồ tát”, là sự hy sinh lớn lao vô cùng, ở đó là tình thương không ngằn mé của người mẹ đã
vì sự sống của con mà chấp nhận tạo nên mọi tội lỗi. Chúng tôi nghĩ rằng, điều này dường
như chưa thấy ở một tôn giáo nào đề cập đến, chưa có một nền đạo lý nào chú tâm đến. Tạo
tội cho mình tức là tạo ác nghiệp cho mình, tức là phải chịu khổ vĩnh kiếp trầm luân mà vẫn
vui vẻ thản nhiên chấp nhận, thậm chí còn cảm thấy được hạnh phúc khi tạo tội vì con. Than
ôi! Tất cả cũng chỉ vì xuất phát từ tình yêu thương con vô bờ bến mà đấng sinh thành đã dành
cho con cái.
       Đây là vấn đề thực sự trọng yếu mà mỗi một người con Phật chúng ta không thể thờ ơ
hay xem nhẹ. Vì điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đời này cho người mẹ mà còn cho đời đời
kiếp kiếp về sau, vì thương con mà những quả báo khốn khổ này người mẹ phải gánh chịu
toàn bộ. Có thể nói đây là sự hy sinh hết sức vĩ đại, mà mỗi một người con như chúng ta
không thể nào đáp đền nỗi, nếu như chúng ta không có duyên với Phật pháp, nếu như chúng ta
không vâng theo lời Phật dạy.
       Trong Kinh Tâm Địa Quán, đức Phật đã đề cao công ơn cha mẹ cao như núi Thái, sâu
như biển Đông:
                     Ân từ phụ cao dường núi Thái
                     Đức mẫu thân sâu tợ biển Đông
                     Dù cho phụng hiến trọn đời
                     Cũng không trả nỗi công ơn sinh thành.
       Qua đó chúng ta nhận thấy rằng, đức Phật đã hình tượng hóa ân đức sinh thành của
cha mẹ như núi Thái, như biển Đông, và cuối cùng Ngài cảnh báo cho tất cả chúng ta biết
rằng, dù trọn một đời này chúng ta dâng hiến cung phụng tất cả những gì mà chúng ta đang có
thì cũng chưa chắc là có thể đền đáp nỗi công ơn trời biển của cha mẹ.
       Đặc biệt trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật của chúng ta đã đưa ra một ẩn dụ so
sánh rất ấn tượng khi nói về ân đức sinh thành và suối nguồn yêu thương của người mẹ đã
dành cho con cái: “Sữa của mẹ mà chúng ta đã thọ nhận so với nước của bốn đại dương, bên
nào nhiều hơn?”. Và cũng thật đầy bất ngờ, khi chúng ta được biết thêm một sự thật về những
gì mà chúng ta đã thọ nhận từ tình yêu thiêng liêng của người mẹ trong vô số kiếp từ trước
cho đến trở lại đây. Đó cũng là một điều hiển nhiên mà chúng ta đã không thể nào ngờ được,
                                             16
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


nếu như chúng ta chua từng nghe đức Phật chỉ dạy: “ Này các Thầy Tỳ kheo! Trong lục đạo
luân hồi, sữa mẹ mà các Thầy đã thọ nhận còn nhiều hơn là nước trong bốn đại dương”.
       Ôi! Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô biên, là bất tận, là sâu dày, là
vĩnh cữu … như vậy chúng ta có thể nào báo đáp ân sâu của hai đấng sinh thành bằng tất cả
những gì mà chúng ta đang sở hữu. Chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta vẫn có thể nếu như tự thân
mỗi chúng ta cố gắng xây dựng một cõi Cực Lạc ngay trong tâm hồn mình, rồi chúng ta đem
nguồn năng lượng hạnh phúc an lạc này chan hòa vào trong đời sống hằng ngày của cha mẹ,
biến gia đình mình thành một cõi Cực Lạc hiện hữu trong cõi Ta Bà khốn khổ. Vấn đề này,
chúng ta sẽ cùng bàn đến trong chương mục “Xây dựng cõi Tịnh Độ trong tâm hồn người con
hiếu hạnh” …
        Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục lắng lòng đón nhận những lời vàng ngọc mà
chính đức Từ Phụ của chúng ta nói về công ơn sâu dày của cha mẹ trong Kinh Tăng Nhất A
Hàm: “ Này các Thầy Tỳ kheo! Trong đời này, nếu có người nào nâng mẹ đặt lên bên vai
phải, nâng cha đặt lên bên vai trái, cõng cha mẹ đi xa ngàn dặm, lại phụng dưỡng cha mẹ
bằng các loại vật thực quí hiếm, ngon lành, chăn nệm và thuốc thang đầy đủ, dùng hương
trầm và dầu thơm xoa bóp thân thể cha mẹ cho bớt mỏi mệt, kéo tay chân cho giãn gân cốt,
tắm rửa nước ấm khi trời lạnh, nước mát khi trời nóng, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện
trên đôi vai của mình … thì cũng chưa hẳn là chúng ta đã trả được thâm ân sâu nặng của cha
mẹ”. Đức Phật lại dạy rằng: “Các Thầy phải hiểu rằng, ân đức sinh thành của cha mẹ sâu nặng
lắm, bồng ẳm dưỡng nuôi, tìm đủ mọi cách để ta khôn lớn trưởng thành … vì thế mà ơn này
khó trả. Này các Thầy Tỳ kheo! Có hai việc có thể làm cho hạng người phàm phu được công
đức lớn. Đó là phụng dưỡng cha và phụng dưỡng mẹ”.
        Còn nữa, bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn con mình xinh đẹp, giỏi dang,
thông minh sáng suốt, có trí tuệ, có ý chí, nghị lực … nhưng nếu có lỡ sinh ra một đứa con tật
nguyền như đui, mù, câm, điếc hay hư đốn, bất hiếu, ngỗ nghịch .. thì suối nguồn yêu thương
của người mẹ, không do vậy mà suy giảm hay giận ghét ruồng bỏ con cái, mà càng quan tâm
nhiều hơn, sự hy sinh càng tăng lên, trong đó có cả sự chịu đựng buồn tủi của một người mẹ
kém phần may mắn. Thật vậy, khi gặp những hoàn cảnh trớ trêu mà cuộc đời đã sắp đặt an bài
thì bậc cha mẹ nào cũng một tấm lòng yêu thương con mình, dù rằng nỗi bất hạnh đến với
mình ra sao đi nữa.
      Nói về tình yêu thương của người mẹ dành cho con cái, chúng ta thử xem lại câu
chuyện dưới đây, một câu chuyện được xem là khuôn mẫu điển hình khi nói về tình thương
không bờ bến của người mẹ dành cho con mình:
        “ Có một chàng thanh niên sống trong một gia đình có hai mẹ con. Anh ta rất siêng
năng chăm chỉ làm lụng để nuôi mẹ già. Anh ta lại có chí hướng thượng và rât kính ngưỡng
đức Phật, dù hằng ngày anh rất chăm chỉ làm lụng nuôi dưỡng mẹ già, nhưng trong lòng thì
luôn ao ước một ngày nào đó được diện kiến đức Phật. Niềm mong ước đó lớn dần theo thời
gian. Do quá sốt ruột được gặp Phật, không kiên nhẫn được nữa, thế là nên anh ta đã lén mẹ
già ra đi vào một buổi bình minh trong khi mẹ già còn đang say giấc.
       Anh ta hăm hở hướng về phía trước mà rảo bước, anh ta đi không kịp nghỉ ngơi nhưng
vẫn không biết mệt mỏi. Trải qua những chặng đường dài, suốt nhiều ngày tháng, anh ta đã đi
mòn không biết bao nhiêu là đôi giày, băng qua không biết bao nhiêu là suối, đồi, rừng, núi …
Thắm thoát đã tàn mùa Xuân rồi đến mùa Hạ, Thu lại về và Đông sắp đến, thế nhưng anh ta
vẫn không hề hay biết là bốn mùa đã trôi qua nhanh dưới gót chân tìm Phật khong biết mệt
mõi của mình …
      Khi chưa gặp Phật, chưa diện kiến đức Phật, anh ta vẫn quyết chí đến cùng. Thế
nhưng những ngày về sau bước chân của anh ta không còn đi nhanh và hăm hở như buổi ban
                                             17
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


đầu nữa. Và càng ngày anh ta càng lộ vẻ ngao ngán trên khuôn mặt cháy sạm vì nắng nóng
trên suốt chặng đường dài.
         Trước khi lên đường đi tìm Phật, anh vẫn thường nghe nhiều người bảo rằng: “Phật ở
mọi nơi”. Thế nhưng không hiểu sao đi hoài đi mãi mà anh vẫn không trông thấy Phật. Sau
khi rời gót khỏi một phố thị, anh ta bước từng bước chạm chạp về phía trước, đang lúc rã rời
tha thẩn, anh ta gặp một cụ già râu tóc bạc phơ. Ông lão nhìn anh hỏi:
       - Cậu đi đâu mà trông bộ dạng mệt mỏi và thất vọng đến vậy?
       - Dạ thưa cụ, cháu đi tìm Phật – Dù rất mệt mõi nhưng chàng thanh niên cũng lễ phép
trả lời.
       - Cậu đi tìm Phật, mà đã gặp Phật chưa? – Ông lão hỏi.
       - Dạ chưa cụ ạ, tìm Phật sao mà khó quá. Phật từ bi thương xót chúng sinh khắp mọi
nơi mà sao đến giờ con vẫn không thấy Ngài ở đâu cả.
       Chàng thanh niên trả lời cụ già mà như một lời than vãn.
       Cụ già nghe xong, ôn tồn bảo:
       - Thôi cậu hãy nghe tôi mà về nhà đi. Nhưng cậu hãy nhớ cho, trên đường về nhà, nếu
cậu gặp bất cứ ai mang dép trái (ngược) thì đó chính là đức Phật mà hằng ngày cậu mong tìm
gặp đó.
       Chàng thanh niên nghe lời ông cụ bèn quay gót trở về. Trên đường về với tâm trạng sẽ
được gặp Phật như lời ông cụ, anh ta luôn hướng đôi mắt xuống bàn chân của bất cứ ai mà
anh ta gặp được trên đường. Nhưng vẫn không thấy ai mang đôi dép ngược như ông lão nói.
Anh ta vô cùng thất vọng, tự trách mình hoài công va không có duyên với Phật.
        Đường về nhà mỗi lúc một gần, niềm hy vọng được gặp Phật của anh mỗi lúc mỗi vơi
cạn dần. Đang lúc ê chề thất vọng, bất chợt anh ta thấy đôi chân của một bà lão mang đôi dép
ngược đang chạy về phía mình. Trong lòng chàng thanh niên rộn lên niềm hân hoan vui sướng
khó tả. Sau khi vội vàng quì xuống dưới chân “Phật” đảnh lễ, đảnh lễ xong rồi anh ta mới
ngước nhìn lên và cũng đúng lúc ấy bà cụ già ôm chầm lấy cậu nghẹn ngào ràn rụa nước mắt
không nói được nên lời. Chàng thanh niên sững người trong giây lát khi thấy đó chính là mẹ
mình. Anh ta chợt hiểu ra và gục đầu xuống, anh ta ôm chầm lấy mẹ mình mà khóc nức nở …
Cũng trong giây phút xúc động đó, chàng trai chợt nhớ đến lời cụ già, anh ta liền ngữa mặt lên
trời nói như tự trách: “Đây là Phật của con mà đã bao năm nay con được kề cận sớm hôm mà
con chẳng hề hay biết. Bây giờ con mới cảm nhận ra một điều rằng, con đã có một vị Phật ở
trong nhà”. Kề từ đó anh ta cung phụng mẹ mình như cung phụng Phật.
       Thì ra kể từ lúc đứa con bỏ nhà ra đi, người mẹ đã vô cùng đau khổ, ngày đêm lo lắng
cho sự an nguy của đứa con thân yêu. Ngày qua ngày, lúc nào bà cũng tựa cửa trông ngóng tin
con. Bà hỏi thăm bất cứ ai đến nhà thăm, đêm bà không ngủ, ngày bà không ăn. Người mẹ già
thương nhớ con như điên như dại ấy, khi hay được tin đứa con thân yêu mà mình trông ngóng
ngày đêm đã về đến đầu làng, từ giường bệnh bà liền vùng dậy, quơ vội đôi dép và phóng ra
như bay ra khỏi nhà với mong ước được sớm thấy mặt con. Trong lúc vội vàng xỏ dép vào
chân bà đã không kịp chú ý, vì vậy người mẹ già đã mang ngược đôi dép … Bây giờ chàng
thanh niên kia đã biết, suốt những năm tháng qua mình không những được diện kiến “Phật”
mà còn được sống, được yêu thương, ấp ủ, bảo bọc trong vòng tay của “Phật” mà trước đây
mình không hề hay biết”.
       Tình thương thiêng liêng của người mẹ dành cho con nó bao la dạt dào như vậy đó!
       Đây là câu chuyện có ý nghĩa và rất xúc động về tính thiêng liêng cao cả của tình
thương yêu vô bờ bến mà người mẹ đã dành cho con mình. Qua câu chuyện này, trong đời
sống hằng ngày, Phật tử chúng ta hãy nên cung phụng tôn thờ và lễ lạy cha mẹ mình giống
như cung phụng tôn thờ và lễ lạy đức Phật vậy, mà chính đức Phật cũng dạy chúng ta điều
này: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”.
                                           18
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                      Thích Huệ Thơng


       Tình thương của người mẹ dành cho con mình thiêng liêng dạt dào như vậy, còn tình
thương của người cha dành cho con cái ra sao? Đương nhiên lòng mẹ thương con thì không
còn phải bàn nữa, nhưng tình thương yêu của người cha cũng thiêng liêng dạt dào không kém.
Điển hình về tình thương của người cha đối với con mình, chúng tôi xin kể ra đây một mẩu
chuyện ngắn về tình thương yêu của vua Tịnh Phạn dành cho đức Phật của chúng ta:
        “ Khi Thái tử Tất-Đạt-Đa từ bỏ cung vàng điện ngọc, trốn người cha của mình là vua
Tịnh Phạn đi vào rừng tu khổ hạnh, trải qua sáu năm ròng rã chuyên cần tinh tấn công phu
tịnh niệm. Đến khi thành Phật, đức Phật của chúng ta mới quay về hoàng cung để thuyết pháp
độ vua cha. Sau thời thuyết pháp của đức Phật, Tịnh Phạn Vương tỏ ngộ chân lý nhiệm mầu
và cũng ngay trong buổi gặp mặt hôm đó, vua Tịnh Phạn đã cầu xin đức Phật một điều, mà
người cho là rất quan trọng:
        - Thế Tôn có biết không? Khi Thế Tôn bỏ trẫm đi tu, trẫm nhớ thương Thế Tôn nhiều
lắm. Trẫm bỏ ăn, bỏ ngủ, thậm chí không lâm triều để lo quốc sự. Đến khi Thế Tôn đắc đạo,
trở về lập Tăng đoàn thì La–Hầu-La cũng bỏ trẩm xuất gia theo Thế Tôn, trẫm thêm một lần
buồn khổ nữa. Từ lòng thương con thương cháu của trẩm, trẩm mới hiểu ra rằng, còn có biết
bao nhiêu bậc cha mẹ khác cũng phải chịu cảnh cô đơn, sầu muộn vì con cháu họ cũng bỏ nhà
ra đi xuất gia theo Thế Tôn. Cho nên điều duy nhất mà trẫm cầu xin Thế Tôn là từ nay về sau,
nếu có nhận ai xuất gia thì trước hết phải được sự đồng ý của cha mẹ họ, rồi sau đó Thế Tôn
mới cho nhận vào Tăng đoàn.
       Khi nghe lời cầu xin lẫn tâm sự chân tình của vua cha, đức Phật cảm nhận ngay được
tình cảm của người cha dành cho con là vô cùng thiêng liêng, thẳm sâu không ngằn mé. Liền
đó đức Phật đã chấp nhận ngay lời cầu xin cua vua cha”.
        Cũng kể từ đây, trong giáo luật của đạo Phật có thêm điều luật là bất cứ người nào đi
tu, dù là bao nhiêu tuổi, dù có chức phận gì, nếu còn cha mẹ thì trước hết vẫn phải được sự
đồng ý của cha mẹ mình, sau đó mới được giáo hội tiếp nhận. Như vậy, chúng ta thấy rõ là đi
tu ở đạo Phat không phải là bất hiếu.
         Qua câu chuyện này, chúng ta cảm nhận thêm về tình cảm của người cha cũng mãnh
liệt, cũng sâu đậm như tình thương của mẹ dành cho con.
        Trên thực tế đời sống ở nhiều gia đình thì người cha thường không nhu mì, mềm mỏng
nâng niu chiều chuộng như người mẹ, ngược lại ở người cha tính cách lại luôn tỏ ra mạnh mẽ,
cứng rắn, cương nghị. Chính vì vậy mà trong quan hệ ở gia đình, với tính cách đó, người cha
giữ vị trí trụ cột trong việc giáo dục con cái. Dù tình thương của ngươi cha dành cho con cũng
sâu đậm không thua kém người mẹ, nhưng do sự khác biệt trong tính cách và trong dụng tâm
thể hiện mà tình thương yêu của người mẹ nặng về phần “Từ” và ở người cha thì nặng về
phần “Bi”, do vậy mà trong dân gian, người ta thường hay nói: “Mẫu từ – Nhiêm phụ”. Về
điều này chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong chương kế tiếp.
       Ngoài tình yêu thương con cái và trách nhiện làm trụ cột trong mỗi gia đình, thì đức
hy sinh chịu đựng ở người cha cũng không thua kém người mẹ. Để minh chứng điều này,
chúng tôi xin kể ra đây một câu chuyện rất cảm động về tình yêu thương và đức hy sinh chịu
đựng của Bình Sa Vương đối với người con bất hiếu của mình là Hoàng tử A Xà Thế:
        “Tại vương quốc Ma Kiệt Đà vào thời đức Phật còn tại thế, Bình Sa Vương có người
con trai bất hiếu tên là A Xà Thế. Vì nghe lời xúi dục của Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế âm mưu
sát hại vua cha để chiếm đoạt ngai vàng. Thế nhưng công việc bị bại lộ. Dù vậy, vua cha cũng
vì thương con mà sẵn sàng tha thứ, điều đáng nói là không những tha thứ mà vua cha còn
nhường ngôi lại cho con.


                                             19
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                        Thích Huệ Thơng


        Để trả ơn, vị hoàng tử bất hiếu này liền ra lệnh hạ ngục vua cha và bỏ đói cho đến khi
nào chết thì thôi. Duy chỉ có một đặc ân dành cho cha mình, đó là việc cho phép hoàng hậu
được vào thăm. Trong mỗi lần vào thăm vị hoàng đế bất hạnh này, hoàng hậu phải giấu đồ ăn
trong túi áo đem cho chồng. Sau nhiều lần như vậy, A Xà Thế biết được liền quở trách mẹ. Vì
quá thương chồng và bất lực trước đứa con bất hiếu, hoàng hậu phải lén giấu đồ ăn trong đầu
tóc, vậy mà A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường hoàng hậu bèn nghĩ ra cách tắm gội sạch
sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong trộn với đường và sữa. Vua cha mới
dùng vật cứng gọt lấy đồ ăn này mà sống. Đã vậy mà A Xà Thế cũng bắt được, lúc này y cấm
hẳn mẹ không cho vào thăm vua cha nữa.
       Cuối cùng A Xà Thế quyết định hạ lệnh cho người thợ cạo vào ngục giết chết cha
mình. Cũng trong ngày giết chết vua cha, thì vợ A Xà Thế hạ sinh một hoàng nam kháu
khỉnh. Tin tốt lành đến tai A Xà Thế cũng là lúc tin cha Bình Sa Vương bị thảm sát trong tù
ngục.
        Khi nghe tin chánh hậu vừa hạ sanh một hoàng nam, thì nỗi vui mừng được làm cha
lần đầu tiên của A Xà Thế không kìm hản nỗi. Cả người y ngập tràn một niềm hân hoan sung
sướng vô bờ bến. Tình thương của người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng A Xà Thế nó
mặn nồng và sâu sắc như thấm sâu vô từng khớp xương ống tủy. Đối với A Xà Thế lúc đó thì
cảm giác đầu tiên của người cha mới được đứa con đầu lòng dường như đưa y vào một cảnh
giới thánh thiện bất ngờ. Điều này khiến cho y có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã khai
sinh ra một dòng sống để nối tiếp đời mình.
        Tức thì A Xà Thế chạy đi tìm người mẹ và hỏi ngay rằng:
       - Thưa mẫu hậu, khi con còn nhỏ, phụ vương có thương con không?
       - Tại sao con hỏi vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không thể tìm đâu ra một người cha
thánh thiện hiền lành đạo đức như cha con.
       Bà nói tiếp:
      - Để mẹ thuật lại con nghe? Lúc mẹ còn mang bào thai con trong bụng, ngày nọ mẹ
bỗng thèm ăn một món lạ lùng kỳ quái, đó là mẹ thèm hút một vài giọt máu trong bàn tay mặt
của cha con, dù rất thèm mà nào mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao và sau cùng
phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ hút máu. Lúc
ấy, nhà tiên tri trong triều tiên tri rằng, con sẽ là người thù của cha con. Do đó, tên con là A
Xà Thế, có nghĩa là “kẻ thù chưa sinh”. Khi đó mẹ có ý định giết con trong lòng nhưng cha
con không cho. Khi con sinh ra, mẹ nhớ lời tiên tri, nên môt lần nữa muốn giết con. Một lần
nữa cha con lại ngăn cản. Một hôm, con có cái nhọt trên đầu ngón tay, đau nhức vô cùng,
khóc suốt đêm ngày không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình,
nghe vậy người cầm lòng không đặng, đã bế con vào lòng và không ngại ngậm ngón tay của
con trong miệng, nhè nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay! Cái nhọt bể, máu mủ tuông tràn ra
đầy miệng cha con, rồi cha con sợ lấy tay ra thì con sẽ đau, nên cha con nuốt luôn cả mũ lẫn
máu vào bụng! Phải, người cha hết lòng yêu thương con, vì tình phụ tử đậm đà, nhè nhẹ nuốt
hết vừa máu, vừa mủ của con như vậy đó …
       Nghe đến đó, A Xà Thế không chịu nỗi nữa, ông bèn đứng phắt dậy, kêu lên như điên,
như dại:
       - Hãy thả ngay lập tức người cha yêu quí của trẫm!
       Nhưng than ôi! Người cha yêu quí ấy đã ra người thiên cổ. Lúc bấy giờ, A Xà Thế
dậm chân than trời nức nở kêu gào như một đứa trẻ lên ba thương cha nhớ mẹ. Và cũng từ khi
đó, vua A Xà Thế mới nhận ra rằng chỉ khi bắt đầu làm cha thì mới biết được tình phụ tử mà
người cha dành cho con cũng mặn nồng sâu thẳm biết dường nào”.

                                              20
Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ                     Thích Huệ Thơng


        Trong đời sống nhân gian, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái lúc nào cũng
lai láng, dạt dào như vậy, thế thì đối với bậc Thánh nhân xuất thế, suối nguồn yêu thương này
có khác chăng? Để tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi xin mời quí vị cùng để tâm đến nội
dung của một bộ kinh có tên là “Ma-Ha-Ma-Da” hay còn được gọi là “Phật thăng Đao Lợi
Thiên vị mẫu thuyết pháp”. Một phần nội dung trong bản kinh này, đức Thế Tôn đã nói đến
tình yêu thương không bờ bến của Hoàng hậu Ma Da dành cho Ngài. Chúng tôi xin tóm lược
nội dung câu chuyện trong bản kinh để một lần nữa khẳng định tình thương yêu của người mẹ
dành cho con mình là vô biên và vĩnh cửu, dù người mẹ đó có là Thánh nhân như Hoàng hậu
Ma Da và người con đó có là đấng Đại Giác như đức Phật của chúng ta:
       “Tôi nghe như thế này, một thuở nọ đức Phật cùng với 1250 vị Tỳ kheo an cư tại gốc
cây Ba-Lợi-Chất-Đa-La, trong vườn Hoan Hỷ, nơi cung trời Đao Lợi. Bấy giơ Phật bảo Văn-
Thù-Sư-Lợi:
       - Ông mau đến chỗ mẫu thân ta báo tin rằng, ta đang ở đây, xin người hãy tạm thời dời
gót đến nơi này đảnh lễ Tam Bảo. Ông nhớ đọc thuộc bài kệ này, rồi đến đọc lại cho mẫu thân
ta nghe:
                        Thích Ca thành tựu Nhất Thiết Trí.
                        Diêm Phù Đề quang minh suốt thấu.
                        Nay khát ngưỡng gặp mặt mẫu thân.
                        Xưa sinh con chỉ mới bảy ngày.
                        Liền siêu Thiên, di mẫu dưỡng nuôi.
                        Đã thành Chánh Giác, độ chúng sinh.
                        Nay đến thời báo hiếu ơn mẹ.
                        Mong người, quyến thuộc quang lâm đến.
                        Lễ Phật Pháp Tăng, thọ thanh tịnh.
        Khi Ma-Ha-Ma-Da nghe đức Văn Thù đọc bài kệ đó xong, thì nơi bầu vú của người
liền vọt lên dòng sữa. Bà nói:
      - Nếu bậc Nhất Thiết Trí. ấy là Tất-Đạt-Đa con ta, thì những giọt sữa này hãy rơi vào
miệng người ấy.
       Khi Hoàng hậu Ma Da vừa dứt lời, bỗng nhiên từ nơi bầu vú, những tia sữa trắng tinh
khiết như hoa sen vọt ra rồi bay thẳng vào miệng đức Như Lai. Cảm nhận được điều này,
gương mặt Hoàng hậu Ma Da trở nên rạng rỡ. Bà nói với Văn-Thù-Sư-Lợi:
       - Từ khi ta được phúc duyên làm mẹ con với đấng Đại Giác đến nay. Thật chưa có lúc
nào lòng ta được an lạc hoan hỷ như giây phút này.
        Nói xong bà cùng Văn-Thù-Sư-Lợi liền đến chỗ Phật. Từ xa đức Phật nhìn thấy mẫu
thân, tự nhiên lòng dậy lên sự cảm kính tột độ. Khi đến gần, Ngài nói với mẹ:
       - Thưa mẫu từ, tấm thân tứ đại này trải qua vui khổ đã nhiều, nay đến thời cần phải tu
tập pháp Niết bàn để vĩnh viễn xa lìa những điều khổ ấy.
       Nghe lời Phật nói, bà tĩnh lặng suy tư, bất chợt cảm thán:
                               Vô số kiếp uống sữa của ta.
                               Nay chứng vô sanh, vô thượng đạo.
                               Nay báo ân, giúp ta lìa ba độc.
                              Qui mạng đấng Thế Tôn, ban ân huệ.
                              Quy mạng bậc Điều Ngự, không gì sánh.
                              Quy mạng Thiên Nhơn Sư, lìa si ái.
                              Ngày đêm nhớ nghĩ không đoạn tuyệt.
                              Cúi đầu đảnh lễ đấng Pháp Vương.
                                             21
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ

Contenu connexe

Tendances

AN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANH
AN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANHAN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANH
AN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANHPhát Nhất Tuệ Viên
 
Ấn Chứng Sự Thù Thắng Của Đạo
Ấn Chứng Sự Thù Thắng Của ĐạoẤn Chứng Sự Thù Thắng Của Đạo
Ấn Chứng Sự Thù Thắng Của ĐạoPhát Nhất Tuệ Viên
 
Hoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình kýHoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình kýHoàng Lý Quốc
 
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1Hoàng Lý Quốc
 
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng NghiệmĐào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng NghiệmPhát Nhất Tuệ Viên
 
Quần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lụcQuần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lụcHoàng Lý Quốc
 
Phố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa Tạng
Phố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa TạngPhố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa Tạng
Phố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa TạngNhân Quả Luân Hồi
 
Lợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đườngLợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đườngHoàng Lý Quốc
 
ấN quang pháp sư kết duyên huấn
ấN quang pháp sư kết duyên huấnấN quang pháp sư kết duyên huấn
ấN quang pháp sư kết duyên huấnHoàng Lý Quốc
 
Nhân quả thời đại khoa học
Nhân quả thời đại khoa họcNhân quả thời đại khoa học
Nhân quả thời đại khoa họcHoàng Lý Quốc
 
Giang giai kinh_niem_phat_ba_la_mat
Giang giai kinh_niem_phat_ba_la_matGiang giai kinh_niem_phat_ba_la_mat
Giang giai kinh_niem_phat_ba_la_matHoàng Hương
 
Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya)
Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya) Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya)
Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya) nataliej4
 

Tendances (18)

AN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANH
AN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANHAN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANH
AN CHUNG DAO CHANH LY CHANH THIEN MENH CHANH
 
Ấn Chứng Sự Thù Thắng Của Đạo
Ấn Chứng Sự Thù Thắng Của ĐạoẤn Chứng Sự Thù Thắng Của Đạo
Ấn Chứng Sự Thù Thắng Của Đạo
 
Hoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình kýHoạt ngục hiện hình ký
Hoạt ngục hiện hình ký
 
5 điều tu luyện của sinh mạng
5 điều tu luyện của sinh mạng5 điều tu luyện của sinh mạng
5 điều tu luyện của sinh mạng
 
Giao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1Nguồn suối trong tâm tánh   tập 1
Nguồn suối trong tâm tánh tập 1
 
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng NghiệmĐào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
 
Su Ton Quy Cua Dao
Su Ton Quy Cua DaoSu Ton Quy Cua Dao
Su Ton Quy Cua Dao
 
Quần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lụcQuần tiên gia ngôn lục
Quần tiên gia ngôn lục
 
Nghiep Luc Va Nguyen Luc
Nghiep Luc Va Nguyen LucNghiep Luc Va Nguyen Luc
Nghiep Luc Va Nguyen Luc
 
Phố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa Tạng
Phố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa TạngPhố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa Tạng
Phố khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ trì tụng Kinh Địa Tạng
 
Lợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đườngLợi ích của việc thường trở về phật đường
Lợi ích của việc thường trở về phật đường
 
ấN quang pháp sư kết duyên huấn
ấN quang pháp sư kết duyên huấnấN quang pháp sư kết duyên huấn
ấN quang pháp sư kết duyên huấn
 
Nhan Qua Vuong Binh Hoang Hien Hoa
Nhan Qua Vuong Binh Hoang Hien HoaNhan Qua Vuong Binh Hoang Hien Hoa
Nhan Qua Vuong Binh Hoang Hien Hoa
 
Nhân quả thời đại khoa học
Nhân quả thời đại khoa họcNhân quả thời đại khoa học
Nhân quả thời đại khoa học
 
Giang giai kinh_niem_phat_ba_la_mat
Giang giai kinh_niem_phat_ba_la_matGiang giai kinh_niem_phat_ba_la_mat
Giang giai kinh_niem_phat_ba_la_mat
 
Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya)
Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya) Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya)
Giáo Án Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya)
 
Giao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 

Similaire à Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ

Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệĐức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệtam1984
 
Rmth va phat_trien
Rmth va phat_trienRmth va phat_trien
Rmth va phat_trienHung Duong
 
Chết an bình tái sinh hạnh phúc
Chết an bình tái sinh hạnh phúcChết an bình tái sinh hạnh phúc
Chết an bình tái sinh hạnh phúcleolove04
 
Loi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5newLoi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5newThe Golden Ages
 
Lời ngỏ từ cõi tâm linh
Lời ngỏ từ cõi tâm linhLời ngỏ từ cõi tâm linh
Lời ngỏ từ cõi tâm linhNguyen Ha Linh
 
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)Phật Ngôn
 
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975OnTimeVitThu
 
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng, ...
Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng,  ...Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng,  ...
Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng, ...Tri Dung, Tran
 
Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.
Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.
Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.Chiến Thắng Bản Thân
 
Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...
Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...
Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...Xem Số Mệnh
 

Similaire à Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ (20)

Giao ancn cusi-2
Giao ancn cusi-2Giao ancn cusi-2
Giao ancn cusi-2
 
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệĐức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
 
Giao ancn cusi-3
Giao ancn cusi-3Giao ancn cusi-3
Giao ancn cusi-3
 
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬTLỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
 
Rmth va phat_trien
Rmth va phat_trienRmth va phat_trien
Rmth va phat_trien
 
Nhung buc tam thu tap1- 10-9-2013 -nxbtg- ban cat -in - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Nhung buc tam thu  tap1- 10-9-2013 -nxbtg- ban cat -in - THẦY THÍCH THÔNG LẠCNhung buc tam thu  tap1- 10-9-2013 -nxbtg- ban cat -in - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Nhung buc tam thu tap1- 10-9-2013 -nxbtg- ban cat -in - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Nhung buc tam thu tap1- 10-9-2013 -tvcn- ban goc - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Nhung buc tam thu  tap1- 10-9-2013 -tvcn- ban goc - THẦY THÍCH THÔNG LẠCNhung buc tam thu  tap1- 10-9-2013 -tvcn- ban goc - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Nhung buc tam thu tap1- 10-9-2013 -tvcn- ban goc - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Chết an bình tái sinh hạnh phúc
Chết an bình tái sinh hạnh phúcChết an bình tái sinh hạnh phúc
Chết an bình tái sinh hạnh phúc
 
Giao ancn cusi-1
Giao ancn cusi-1Giao ancn cusi-1
Giao ancn cusi-1
 
60.Khóa luận li hôn.doc
60.Khóa luận li hôn.doc60.Khóa luận li hôn.doc
60.Khóa luận li hôn.doc
 
Loi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5newLoi ngo tu coi tam linh a5new
Loi ngo tu coi tam linh a5new
 
Lời ngỏ từ cõi tâm linh
Lời ngỏ từ cõi tâm linhLời ngỏ từ cõi tâm linh
Lời ngỏ từ cõi tâm linh
 
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
 
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
LUẬN VĂN: PHẬT GIÁO Ở QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 1930-1975
 
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
Khóa luận tốt nghiệp Phật giáo ở Quảng Nam giai đoạn  1930 đến 1975
 
phật di lặc là ai.docx
phật di lặc là ai.docxphật di lặc là ai.docx
phật di lặc là ai.docx
 
Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng, ...
Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng,  ...Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng,  ...
Học Pháp Bà Phan Oanh về Đạo làm người, Đạo làm cha mẹ, Đạo nghĩa vợ chồng, ...
 
Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.
Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.
Bí pháp luyện đạo-Bát nương diêu trì cung.
 
Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...
Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...
Khám phá phong tục văn hóa Việt và những câu chuyện tâm linh co...
 
430
430430
430
 

Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ

  • 1. THÍCH HUỆ THÔNG MẸ TỪ SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG ĐẾN CHÂN TRỜI GIÁC NGỘ Nhà Xuất Bản VĂN HÓA SÀI GÒN - 2007
  • 2. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng LỜI TỰA Hằng năm cứ mỗi độ thu về, vào dịp rằm tháng bảy, tâm thức người con Phật sâu lắng hơn, cảm xúc về song thân phụ mẫu dạt dào hơn. Rằm tháng bảy, sự liên hệ giữa người đang sống và người đã khuất trở nên mật thiết, tình người chan chứa nhiều hơn và truyền thống tâm linh cũng được dịp tuôn trào ... Đơn giản, bởi đó là mùa Vu Lan báo hiếu. Tại Ấn Độ, cách đây trên 2550 năm, Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật dạy, đã thỉnh cầu chư Tăng mười phương nhân ngày Tự tứ, chú nguyện cầu siêu độ thoát cho mẹ đang thọ khổ nơi cảnh giới ngạ quỉ. Chính nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề liền đó được sanh về Thiên giới. Tấm gương cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên được đề cập trong kinh Vu Lan Bồn luôn được Phật tử xem là bài học sinh động sâu sắc về tấm gương hiếu đạo của người con đã giác ngộ giáo lý Phật Đà. Từ tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên, thiết nghĩ, mỗi người hiện diện trên cõi đời, ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, dù theo bất cứ tôn giáo nào hay không theo tôn giáo, thì ai ai cũng có gia đình, huyết thống gia đình và nguồn suối tâm linh. Do đó mùa Vu Lan báo hiếu đã vượt ra ngoài giới hạn của một ngày lễ truyền thống trong Phật giáo, để rồi trở thành chuỗi ngày đại lễ cho những ai có tấm lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam chúng ta là dân tộc có đạo lý “Ẩm thủy tri nguyên”, nên khi Phật giáo du nhập vào nước ta, thì tinh thần hiếu đạo của người con Phật được khơi nguồn sâu hơn, nhân lên rộng hơn. Chính nhờ nền đạo lý truyền thống dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn với tâm đức từ bi cứu khổ và hạnh hiếu trong đạo Phật đã nghiễm nhiên biến mùa Vu Lan trở thành ngày đại lễ của những người con Phật luôn lấy hạnh hiếu làm đầu. Để thể hiện tấm lòng hiếu đạo, hàng Phật tử tại gia vâng theo lời Phật dạy, trong đời sống hằng ngày đã thực hành các thiện pháp, bố thí, phóng sanh, trì trai, giữ giới, sám hối, niệm Phật... cuối cùng hồi hướng công đức về song thân phụ mẫu. Đặc biệt nhân mùa Vu Lan, noi theo tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên, Phật tử thường đến chùa cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ, nhờ tâm thanh tịnh và oai lực của chư Tăng chú nguyện cho cha mẹ nhiều đời và cửu huyền thất tổ sớm thoát khỏi cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh ... cũng nhân đây cha mẹ nhiều đời được kết duyên Tam Bảo, thêm nhiều lợi lạc. Đến chùa trong dịp lễ Vu Lan, nơi đây đã cho chúng ta một cảm xúc thiêng liêng về tình mẹ. Chúng ta sẽ được cài lên trên áo một đóa hoa hiếu hạnh, và trong đóa hoa đó, chúng ta sẽ cảm nhận sự hiện hữu của cha mẹ luôn tồn tại trong ta, dù đó là hoa hồng hay hoa trắng. Nơi đây quí vị sẽ được tận tay dâng những chiếc y hoại sắc giải thoát lên chư Tăng Ni để cúng dường với tâm nguyện cầu mọi sự an lành cho cha mẹ hiện đời và quá vãng. Tuy nhiên đối với người chưa có điều kiện đến chùa cúng dường chư Tăng nhân mùa Vu Lan, hoặc trong đời sống chưa nhận thức đúng đắn về phương cách báo hiếu sao cho trọn vẹn từ đời sống vật chất, tinh thần đến đời sống tâm linh, đã vậy việc báo hiếu tất nhiên sẽ giới hạn. Qua đó chúng ta cần định hướng một phương cách báo hiếu sao cho hiệu quả thiết thực, đồng thời nói lên ý nghĩa quan trọng của tinh thần hiếu đạo nhân mùa Vu Lan. Mùa Vu Lan trước đây không lâu, chúng tôi có dịp thuyết giảng đề tài “Xây dựng cõi Tịnh Độ trong tâm hồn người con hiếu đạo”. Sau thời pháp này, một số Phật tử đã đề nghị chúng tôi nên thực hiện thành cuốn sách nhỏ nhằm phổ biến rộng hơn trong Phật tử. 2
  • 3. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Nay mùa Vu Lan lại về, chúng tôi thiết nghĩ, “Mẹ” đã ban cho tất cả chúng ta vị ngọt ngào từ “Suối Nguồn Yêu Thương” và trong vòng tay êm ấm thiêng liêng của tình mẫu tử, chúng ta đã cất bước đến bầu trời cao hơn, mở tầm nhìn đến chân trời xa hơn và đời sống của mỗi chúng ta trở nên ý nghĩa hơn: - Đó là “Chân Trời Giác Ngộ”. Từ yêu cầu của Phật tử và từ những ý tưởng nêu trên, chúng tôi đã hình thành nên tập sách nhỏ: “Mẹ! Từ Suối Nguồn Yêu Thương Đến Chân Trời Giác Ngộ”. Thật ra, đây chỉ là tấm lòng thành mà chúng tôi dâng lên cúng dường cha mẹ và đây cũng là điều mà chúng tôi cưu mang bấy lâu nay ngõ hầu đền đáp phần nào thâm ân trời biển của hai đấng sinh thành. Nhân duyên này, chúng tôi xin được gởi đến quí Phật tử tập sách nhỏ viết về “Mẹ” để làm món quà ý nghĩa trong mùa Vu Lan báo hiếu. Dù tập sách nhỏ này đã thực hiện xong, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng, chữ nghĩa vẫn là cái giới hạn so với tình Mẹ bao la vô hạn. Dù nói thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào diễn tả hết thâm ân cao dày như trời biển của hai đấng sinh thành. Nội dung tập sách nhỏ này chắc hẳn cũng khó tránh khỏi những điều sơ xuất như bao công việc khác trong cuộc sống. Do vậy, chúng tôi kính mong đón nhận sự đồng cảm của chư Tôn Đức và Phật tử xa gần. Chùa Hội Khánh, mùa Vu Lan – PL 2551 THÍCH HUỆ THÔNG Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA NGÀY CHƯ TĂNG TỰ TỨ Trong các sinh hoạt lễ hội truyền thống của Phật giáo Đại thừa, thì đại lễ Vu Lan mang nhiều ý nghĩa trọng đại: Vừa thiêng liêng cao tột trong đời sống tâm linh của cộng đồng Phật giáo, lại vừa mang chất liệu đạo đức và tình cảm gần gũi thân thương thấm sâu trong đời sống dân gian, chan hòa trong đời sống mỗi gia đình. 3
  • 4. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Trước khi nói đến mùa “Vu Lan báo hiếu” tất nhiên chúng ta cần phải nói đến ý nghĩa trọng đại của ngày chư Tăng Tự tứ, vì ngày họp mặt của chư Tăng rất đặc biệt này đã tạo nên dấu ấn quan trọng để hình thành nên mùa Vu Lan báo hiếu. Tuy nhiên, để hiểu rõ ý nghĩa ngày chư Tăng Tự tứ, thiết nghĩ chúng ta cũng nên có đôi dòng về mùa “An cư kiết hạ”. Mùa “An cư kiết hạ” có từ thời Phật còn tại thế, nhưng khi Phật giáo du nhập vào nước ta, do ảnh hưởng thời tiết khí hậu khu vực Á Đông và văn hoá vùng miền nên mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Phật giáo Bắc tông bắt đầu từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Sau ba tháng an cư, những vị Tăng sĩ sẽ được giáo hội xác nhận thêm một “tuổi đạo” mà trong Phật giáo thường gọi là “hạ lạp”. Có thể nói đây là một nét sinh hoạt độc đáo trong chốn Thiền môn của Phật giáo Đại thừa (Bắc tông). Trong khoảng thời gian “ba tháng hạ”, chư Tăng (Ni) được sống trong thanh quy giới luật của chốn thiền môn, được sống trong một không gian thiêng liêng thanh tịnh và môi trường trong lành tinh khiết toả ra từ đạo đức giới hạnh của đại chúng. Ba tháng an cư, chư Tăng Ni tập trung thúc liễm thân tâm tinh tấn tu hành (hơn thường ngày) tất nhiên sẽ đạt được những kết quả công phu nhất định, cùng với việc nghiêm trì giới luật trong đời sống thiền môn thì công phu tu học trong ba tháng an cư chính là nền tảng vững chắc cho suốt quãng đời tu học về sau. Tại các trường hạ chư Tăng an cư trong ba tháng, thường có bốn chữ “Tịnh nghiệp đạo tràng”, tức là tại những nơi đây đang xây dựng cảnh giới Tịnh Độ trang nghiêm thanh tịnh. Thế nhưng muốn cho tâm hồn thanh tịnh thì đương nhiên chúng ta phải giác ngộ, mà muốn cho giác ngộ thì trước mắt chúng ta phải từ bỏ ác nghiệp, mà muốn đoạn trừ ác nghiệp thì chúng ta phải tha thiết sám hối, sửa chữa lỗi lầm. Đây chính là ý nghĩa và cũng là mục tiêu hàng đầu của “Tịnh nghiệp đạo tràng” trong ba tháng an cư kiết hạ. Theo truyền thống sinh hoạt trong Phật giáo Đại thừa, để kết thúc mùa an cư kiết hạ, chư Tăng tại các trường hạ thường tiến hành ngày Tự tứ vào rằm tháng bảy. Trong kinh Vu Lan Bồn, đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên muốn cứu độ mẹ mình thì phải chờ sau ba tháng an cư, thành tâm cúng dường nhân ngày chư Tăng Tự tứ đặng nhờ sức chú nguyện của chư Tăng thì mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực và đem lại lợi lạc cho cha mẹ hiện đời cũng như quá vãng. Trên tinh thần cởi mở của người học đạo, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng: Tại sao đức Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thì phải chọn ngày chư Tăng Tự tứ sau ba tháng an cư kiết hạ? Ngày Tự tứ có ý nghĩa trong đại như thế nào mà ngay cả chư Phật mười phương cũng quan tâm và hoan hỷ? Như chúng ta đã biết, ngày chư Tăng Tự tứ là ngày mà đại chúng phát lồ sám hối, nghĩa là đại chúng Tăng (Ni) mỗi người tự đem cái lỗi của mình ra phơi bày trước mọi người rồi thành tâm ăn năn sám hối, tự khắc kỷ bản thân sẽ không bao giờ phạm phải lỗi lầm đó nữa, kế đến tha thiết khẩn cầu đại chúng chỉ rõ những lỗi lầm sai phạm của mình (do chủ quan không nhận ra) để kịp thời khắc phục chuyển hóa bản thân. Có thể nói đây là một tinh thần tu tập rất tự giác, một ý chí hướng thượng rất tuyệt vời, một hình ảnh vô cùng cao đẹp mà trên thế gian này hiếm có một tôn giáo nào thực hiện được điều đó. Cũng cần nói thêm, tinh thần tự giác và ý chí hướng thượng dõng mãnh của chư Tăng trong ngày Tự tứ đã làm tăng thêm tính thuần khiết thanh tịnh trong tâm thể của chư Tăng vốn đã nghiêm tịnh trong suốt ba tháng an cư kiết hạ vừa qua. Thấy được lỗi, sửa được lỗi, hiện tại và tương lai không sai phạm thì thân tâm chúng ta mới trở nên thanh tịnh. Thật ra, tinh thần giác ngộ trong Phật giáo chính là tinh thần tự giác. Tự giác để thường xuyên hướng thượng. Điều then chốt trong tinh thần tự giác đó là mỗi người tự nhìn nhận một cách trung thực và chân thật nhất về những lỗi lầm nơi tự thân thì mới 4
  • 5. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng có cơ hội để tiến tu trên con đường đạo pháp. Tựu trưng ngày chư Tăng Tự tứ trên căn bản được hình thành từ tinh thần giác ngộ như đã nêu trên. Kết hợp giữa sức chú nguyện từ tâm thể thanh tịnh của oai lực đại chúng Tăng (Ni) với tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật đã hình thành ý nghĩa thiêng liêng của mùa Vu Lan báo hiếu. Tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật trong lễ Vu Lan là biểu hiện của niềm tin Phật pháp một cách tuyệt đối, cũng là biểu hiện của tâm hạnh từ bi cứu khổ và tinh thần hướng thượng. Bởi vì chỉ có hướng thượng, thành tâm nương về chánh pháp và được sự chú nguyện của đại chúng Tăng thanh tịnh thì mới có thể tháo gở nghiệp lực và hoá giải mọi khổ đau phiền trượt. Do vậy Vu-Lan-Bồn (U-Lan-Ba-Na) có nghĩa là tháo gỡ nghiệp lực, hoá giải nghiệp lực, giải thoát mọi khổ đau ràng buộc … Thật ra, trong ngôi nhà Phật pháp, không riêng gì ngày chư Tăng Tự tứ mà đối với những Phật tử thuần thành, trong đời sống hằng ngày, một khi biết mình có tội lỗi, tôi nghĩ , hầu như tất cả Phật tử chúng ta đều có tâm tha thiết sám hối, qua đó nổ lực tinh tấn tu hành để không sai phạm nữa, điều này sẽ khiến cho thân tâm Phật tử trở nên thanh tịnh. Ở đây chúng ta cùng trao đổi về ngày chư Tăng Tự tứ tức là ngày chư Tăng thanh tịnh đã đặt gót chân lên nấc thang giác ngộ. Chúng tôi thiết nghĩ, biết sám hối tức là đã giác ngộ vì chỉ có người giác ngộ mới tha thiết và thành tâm sám hối. Ở đây chúng ta chợt nhận ra vì sao ngày chư Tăng Tự tứ lại là ngày chư Phật mười phương vô cùng hoan hỷ! Cũng chính vì vậy mà đức Phật đã dạy Tôn giả Mục Kiền Liên hãy chọn lấy ngày chư Tăng Tự tứ (giác ngộ) để cứu mẹ mình thoát khỏi đói khổ đọa đày trong cảnh giới ngạ quỉ. Từ ý nghĩa trong đại của ngày chư Tăng Tự tứ , chúng ta thử liên hệ và so sánh giữa tinh thần giác ngộ cũng như huớng thượng trong ngày chư Tăng Tự tứ và tinh thần hướng thiện cao cả trong đời sống xã hội, để chúng ta có nhận thức đúng đắn và khách quan đối với tính thiêng liêng cao tột của ngày chư Tăng Tự tứ. Trong dân gian vẫn thường hay nói “xấu che, tốt khoe” và trong đời sống gia đình xã hội, thông thường cái gì xấu xa, tội lỗi thì người ta hay che đậy, bưng bít, còn cái gì tốt đẹp, quý giá thì ai cũng tìm cách phô trương, khoe khoang trước mọi người, đó là bản chất của cuộc sống và tâm lý chung của mọi người. Quả đúng là như vậy, trong đời sống thực tế, thật hiếm có người can đảm phơi bày cái lỗi của mình trước thiên hạ hoặc nhờ người khác chĩ rõ cái lỗi của mình để mọi người cùng biết. Thế nhưng đối với đệ tử của Phật thì sự thể hoàn toàn ngược lại. Đệ tử Phật một khi đã giác ngộ chân lý, khi thấy mình có lỗi thì ngay đó thành tâm sám hối, chưa thấy thì nhờ người khác chỉ giùm để kịp thời sửa chữa và không tiếp tục sai phạm. Phải chăng đó là thực tế sinh động nhất về tinh thần hướng thượng và giác ngộ chân lý mà giới Tăng sĩ Phật giáo đã biểu hiện trọn vẹn trong ngày chư Tăng Tự tứ. Trong đời sống hằng ngày, nếu người nào thường hay nhìn lại mình, thường tự kiểm điểm bản thân, thường xấu hổ và xót xa mỗi khi bản thân gây ra lỗi lầm, thì người đó luôn có cơ hội thăng tiến trong cuộc sống, và một điều chắc chắn là đời sống tinh thần cũng như tâm linh của người này sẽ được an vui hạnh phúc, nhẹ nhàng thanh thản. Đồng thời người có tâm cầu tiến hướng thiện ắt sẽ được mọi người tin yêu, quí mến và nể trọng. Nhờ thường xuyên khắc phục những sai sót, sửa chữa lỗi lầm, người này sẽ nhanh chóng khẳng định mình trong cuộc sống, đương nhiên uy tín của người này cũng sẽ được nhân lên tương ưng với nhân cách và hạnh kiểm của họ. Đối với một người sống bình thường trong xã hội, chỉ với cái tâm biết xấu hổ với lỗi lầm của bản thân mà đã có thể đàng hoàn đứng thẳng người để khẳng định mình và thành 5
  • 6. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng công như vậy, huống gì đối với một vị Tăng sĩ, suốt đời trường trai thanh tịnh, hằng ngày được sống trong một môi trường trang nghiêm của oai nghi giới luật, tâm hạnh luôn thăng tiến trên đường tu học theo giáo lý Phật Đà, nếu thường xuyên thúc liễm thân tâm, thường xuyên quán sát những sai sót bản thân, tất nhiên đạo hạnh sẽ cao tột và như vậy chắc chắn rằng người đời trong thế gian khó ai có thể sánh bằng. Đức Phật dạy rằng, trong đời sống có hai hạng người mạnh mẽ nhất: Một là người hoàn toàn trong sạnh, nghĩa là người chưa từng chuốc lấy tội lỗi vào thân. Hai là hạng người khi đã phạm phải tội lỗi sai lầm mà biết xấu hổ, tha thiết ăn năn sám hối, thành tâm sửa chữa lỗi lầm đã gây ra. Như vậy rõ ràng là chư Phật luôn tán thán khen ngợi những người biết lỗi và thành tâm sửa lỗi, không chỉ thế, đức Phật còn xác quyết hạng người này là mạnh mẽ nhất trong thế giới con người. Lại nữa, cùng với hàng trăm hạng người từ đủ loại thành phần và giai cấp trong đời sống thì giới Tăng sĩ Phật giáo từ xưa đến nay vẫn luôn được xã hội xem là thành phần cao quí và được trọng vọng nhất trong đời sống cộng đồng. Khi đã thực thụ là một vị Tăng thì bản thân vị Tăng đó đã là kỳ hoa dị thảo trong thế giới con người rồi, và theo như lời đức Phật dạy, nếu người nào mà biết xấu hổ, tha thiết ăn năn sám hối, thành tâm sửa chữa lỗi lầm đã gây ra, thì đây là hạng người mạnh mẽ nhất. Như vậy, đối với một vị chân Tăng, luôn quán sát những sai sót bản thân, tha thiết ăn năn sám hối, thành tâm sửa chữa lỗi lầm đã gây ra, thì rõ ràng đây là bậc chân tu giác ngộ. Dù đã giác ngộ chân lý nhưng phần đông giới Tăng sĩ vẫn luôn hướng thượng và không ngừng thăng hoa trên bước đường mà đấng Đại Giác đã đi qua, như vậy dĩ nhiên họ là những con người, dù chưa phải Thánh nhân, nhưng vẫn đáng được thế gian tôn quí cúng dường và quay về nương tựa. Từ ý nghĩa thiêng liêng và trọng đại trên tinh thần giác ngộ và hướng thượng của một vị Tăng, lòng thành tín Phật pháp của chúng ta đã cảm thấy vô cùng kính trọng ngưỡng mộ, và điều này thật đáng để chúng ta thành kính cúng dường, huống gì không phải một hay hai ba vị Tăng như vậy mà là hàng chục hàng trăm vị Tăng thanh tịnh tề tựu về nhóm họp để phát lồ sám hối trong ngày Tự tứ. Có thể nói đây là đại sự nhân duyên rất là hy hữu trong cõi Ta Bà mà chúng ta đang sống, điều này càng trở nên ý nghĩa, trọng đại hơn đối với bất kỳ ai có diễm phúc được cúng dường chư Tăng nhân ngày đại lễ trọng thể này. Hơn nữa, trong kinh Phật thường nói đến “Phước chúng như hải” đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên đại oai lực và không khí trang nghiêm thanh tịnh trong ngày đại lễ. Chúng ta vẫn biết rằng ý nghĩa thiêng liêng của mùa Vu Lan báo hiếu được hình thành từ sự kết hợp chan hòa đồng nhất giữa sức chú nguyện và oai lực đại chúng Tăng thanh tịnh với tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật. Tuy nhiên mùa Vu Lan báo hiếu cũng sẽ mất đi một phần ý nghĩa thiết thực nếu như cha mẹ chúng ta vẫn mãi thọ khổ đau trong ác đạo và nói một cách rõ ràng hơn nếu như tâm thức của cha mẹ chúng ta cứ khư khư ôm ghì ác nghiệp, tà kiến cùng mọi cố chấp trong lòng. Nếu là Phật tử nặng lòng hiếu đạo, nếu là người con chí hiếu trong mỗi gia đình, chúng ta hãy cùng nhau noi gương Tôn giả Mục Kiền Liên thực hành theo lời Phật dạy: Đó là bằng tâm hồn Tịnh Độ của chính bản thân mình và bằng tất cả tấm lòng, tâm tư tình cảm nồng hậu nhất của người con hiếu đạo dành cho cha mẹ, chúng ta phải thực sự tha thiết ân cần hướng dẫn cha mẹ mình trở về nẽo thiện, khiến cho cha mẹ phát bồ đề tâm, qui y Tam Bảo, lập nguyện tu hành theo chánh pháp, có như vậy chúng ta mới có thể chuyển hóa nghiệp lực của cha mẹ mình, chúng ta mới thật sự góp phần làm cho ngày đại lễ báo hiếu trở thành Vu- lan thắng hội trọn vẹn ý nghĩa tháo gỡ mọi nghiệp lực khổ đau trong đời sống nhân gian và cả trong mai hậu. 6
  • 7. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng MÙA VU LAN BÁO HIẾU Theo truyền thống, chánh lễ Vu Lan hằng năm, đúng ra phải được tổ chức vào ngày chư Tăng Tự tứ (rằm tháng bảy), nhưng trên thực tế, lễ Vu Lan tại nước ta lại diễn ra trong rất nhiều ngày, việc tổ chức lễ Vu Lan ở hầu hết các chùa đều diễn ra chưa đồng bộ, chưa thống nhất thời gian, lý do đơn giản là nếu như đúng ngày rằm tháng bảy, chư Tăng Ni tập trung hết về một vài chùa lớn thì vô số ngôi chùa khác sẽ thiếu vắng hình bóng Tăng Ni và như vậy buổi lễ Vu Lan sẽ không đáp ứng trọn vẹn được tinh thần cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ. Đây cũng là một phần nguyên do mà người ta hay nói “rằm tháng bảy” là “mùa” Vu Lan báo hiếu, chứ không giới hạn là “ngày” Vu Lan báo hiếu. Từ tấm lòng hiếu đạo của người con Phật và từ oai đức của chư Tăng nhân ngày Tự tứ, mùa Vu Lan báo hiếu đã được hình thành trên tinh thần hóa giải nghiệp lực, cứu khổ ban vui, khơi nguồn hiếu đạo trong cộng đồng Phật giáo và cả chốn nhân gian. Từ đó mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành chuổi ngày đại lễ của những người con chí hiếu và cũng là cơ hội để những người con Phật thể hiện tấm lòng hiếu đạo của mình. Hằng năm, chư Tăng Ni cùng Phật Tử thường tiến hành lễ Vu Lan báo hiếu vào dịp rằm tháng bảy tại các chùa chiền tịnh viện. Đại lễ Vu Lan được tổ chức trang trọng, thu hút rất đông Phật tử cùng quần chúng nhân dân địa phương đến tham dự. Do mang ý nghĩa đặc thù của ngày lễ báo hiếu nên hầu hết Phật tử đều biểu lộ cảm xúc chân thật hướng về hai đấng sinh thành, đặc biệt là hướng về người mẹ kính yêu nhiều hơn. Đây là một sinh hoạt tôn giáo đậm tính truyền thống đạo đức tâm linh và bao hàm nhiều ý nghĩa trọng đại của Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Vu-Lan-Bồn, tấm gương cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên thoát khỏi cảnh ngạ quỉ đọa đày, đối với Phật tử chúng ta, đó là bài học sinh động, chứa chan cảm xúc về tấm lòng hiếu đạo của một người con đã giác ngộ giáo lý Phật Đà. Dù câu chuyện về tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên đã diễn ra cách nay trên 25 thế kỷ tại Ấn Độ, thế nhưng hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên canh cánh trong lòng chữ hiếu, mang nặng tình thâm, mong muốn báo đền ơn sâu sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đối với người con Phật khắp năm châu thì hình ảnh đó đã đi vào bất tử, cảm xúc đó mãi tồn tại và mãi khắc ghi trong tâm hồn những người con hiếu đạo về ý nghĩa thiêng liêng và sâu thẳm của hai tiếng “Mẹ ơi”. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam chúng ta, cùng với truyền thống đạo đức của một dân tộc có 4000 năm văn hiến, chẳng hạn như “uống nước nhớ nguồn”, “chim có tổ người có tông” … thì đại lễ Vu-Lan đã nhanh chóng trở thành một lễ hội đặc thù thuần nhất về tinh thần hiếu đạo, có ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc và rất cụ thể về tình “mẫu tử”, chính vì vậy mà đại lễ Vu-Lan cũng đã mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đạo đức dân tộc. Do sớm thích nghi, phù hợp, rồi dễ dàng hòa quyện với văn hóa dân gian, ngày nay đại lễ Vu-Lan đã không còn là ngày lễ riêng của Phật giáo mà nó đã trở thành ngày lễ truyền thống về hiếu đạo của cả dân tộc. Từ một ngày lễ trong vô số ngày lễ vía của Phật giáo, lễ Vu-Lan mặc nhiên đã được cộng đồng xã hội quan tâm và ngầm chấp nhận đó là ngày lễ báo hiếu chung cho cả dân tộc. 7
  • 8. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Trước hết có thể nói, đây là điều rất đáng tự hào của Phật giáo, vì Phật giáo vốn không phô trương hay quảng bá hình ảnh, thế nhưng mạch sống đạo đức và tâm linh của Phật giáo đã thấm sâu một cách chắc thật trong tâm tư tình cảm của mỗi một người dân Việt. Thật ra, điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tất cả mọi người được sinh ra ở cõi đời này, từ một kẻ lam lũ ở miền quê hẻo lánh đến một người giàu sang quyền quí ở chốn đô thành, từ một vị giáo sư đáng kính đến một kẻ ít học ở một miền rừng núi xa xôi, thì không một ai có thể từ trên trời rơi xuống mà không do cha mẹ sinh ra, không một ai có thể lớn khôn trưởng thành mà không ở trong vòng tay nâng niu chăm sóc dưỡng nuôi của cha và mẹ, đặc biệt là không ai có thể sống đến ngày hôm nay mà không từ nguồn suối yêu thương của hai bầu sữa mẹ. (Nói đến đây chúng tôi mong quí vị hãy cùng lắng lòng sẻ chia với một vài trường hợp bất hạnh nào đó trong cuộc sống này đã không có duyen may như hầu hết chúng ta). Như vậy thì ngoài vài trường hợp không may, hầu hết chúng ta, ngay từ thời thơ ấu đều nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng của hai đấng sinh thành. Chính nhờ cha mẹ mà chúng ta mới có hình hài này và cũng nhờ hình hài này mà chúng ta đã có thể biết đến đạo pháp, nhờ đó mà chúng ta tạo nhiều thiện nghiệp, tu sửa bản thân, giảm bớt ác nghiệp, tạo phước điền cho kiếp vị lai. Và thực tế ngay trong cuộc sống hiện nay, nhờ vào tấm thân cường tráng mà cha mẹ ban cho, chúng ta mới có thể trở thành một công dân hữu ích, mới có thể đóng góp công sức xây dựng quê hương đất nước và làm rạng danh cho tổ tiên và gia tộc. Khi nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành, chắc chắn là chúng ta sẽ không thể nào diễn tả hết dù thiên kinh vạn quyển, huống gì trong một vài trang giấy. Ở đây chúng ta đang cùng nhau nói về mùa Vu Lan báo hiếu, do vậy chúng tôi chỉ lướt sơ qua vài ý liên quan, còn vấn đề trọng tâm này, chúng ta sẽ bàn đến trong các chương kế tiếp. Như chúng ta đã biết, kiếp sống của một con người có thể gói gọn trong phạm vi một đời sống ngắn ngủi chỉ vài chục năm, người nào thọ lắm cũng chỉ “bách niên giai lão” là cùng. Thế nhưng trải qua vô số kiếp trong quĩ đạo luân hồi sanh tử thì tất cả chúng ta không thể nào thông tỏ về quá khứ lâu xa cũng như vị lai mà chúng ta vô cùng tối tăm mù mịt. Do vậy chúng ta khó có thể hình dung ra được những gì mà chúng ta đã trải qua và những gì chưa đến. Đối với bản thân mỗi chúng ta, khi nghĩ về hai đấng sinh thành, thường thì chúng ta chỉ nghĩ đến cha mẹ hiện đời, thậm chí chữ hiếu có khi còn lo không trọn, huống gì là nghĩ đến cha mẹ nhiếu đời nhiều kiếp? Có thể nói rằng đây là một điều đáng tiếc rất lớn đối với những người con Phật. Tuy nhiên, nhờ vào kinh Vu-Lan-Bồn, chúng ta được biết đến tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên, nhất là khi được nghe đức Phật chỉ bày phương cách báo hiếu cho cha mẹ hiện đời cũng như cha mẹ đã quá vãng, chúng ta mới thật sự thấy mình là những đứa con bất hiếu, mới thật sự xót xa vì đã chưa thể hiện được điều gì thật ý nghĩa để đền đáp thâm ân sinh thành dưỡng dục. Trải qua hàng ngàn năm, dân tộc ta đã từng chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Trung Hoa. Những thế hệ cha ông chúng ta hầu như đều thấm nhuần đạo lý Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức … Trong hệ thống kinh sách của Khổng và Lão giáo cũng đều bàng bạc những tấm gương hiếu đạo, bên cạnh đó các nhà đạo đức học Trung Hoa đã sưu tầm tập hợp ghi chép về 24 tấm gương hiếu thảo rất cảm động và bộ sách “Nhị thập tứ hiếu” ấn tượng này từ lâu đã trở thành một cẩm nang đặc thù về đạo hiếu trong chốn nhân gian. Đối với dân tộc ta, từ nền đạo đức truyền thống của dân tộc kết hợp với sự ảnh hưởng bởi nền luân lý Trung Hoa, tâm hiếu đạo đã được xã hội xem là thước đo chuẩn về giá trị và nhân cách con người, qua đó “hiếu hạnh vi tiên” trở thành đạo lý nghìn đời mà mỗi người dân Việt đều luôn tâm niệm canh cánh trong lòng. Trong đời sống hàng ngày, ngoài bổn phận và trách nhiệm làm con, hầu hết chúng ta đều tìm mọi cách để làm vui lòng cha mẹ, chúng ta cung phụng vật chất, chăm sóc khi đau ốm, động viên tinh thần … và xem đó là cách báo hiếu thông thường mà trong đời sống chúng ta có thể thực hiện được. 8
  • 9. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Trong đời sống nhân gian, để thực hiện một phương cách báo hiếu rõ ràng, sâu sắc, thiết thực, có thể nói đức Không Tử được xem là người tiên phong đã đưa ra những giáo điều mang tính kim chỉ nam, giúp cho những người con hiếu thảo thể hiện tấm lòng hiếu đạo của mình đối với bậc sinh thành dưỡng dục. Đức Khổng Tử thường dạy môn đồ của mình: “Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”, điều này ngụ ý rằng, là người con hiếu thảo, ngoài việc cung phụng cho cha mẹ vật chất và những tiện nghi trong đời sống, thì phải thường xuyên ân cần chăm sóc, phải thể hiện tấm lòng chân thành, yêu thương cha mẹ. Đặc biệt trong ăn ở cư xử phải hết lòng cung kính, lúc nuôi dưỡng cha mẹ phải nhiệt tâm và vui vẻ, lúc cha mẹ đau ốm phải hết lòng lo lắng thuốc thang chữa chạy, khi ma chay thì phải hết lòng thương xót, khi cúng tế tang lễ thì phải nghiêm trang chánh niệm. Có thể nói rằng, đây là nguyên tắc báo hiếu rất thiết thực và sâu sắc, chúng ta cũng dễ nhận ra rằng, người xưa chỉ dạy phương cách báo hiếu bằng cách dụng tâm chân thật và hiếu đạo thông qua cách thể hiện, lễ nghi ứng xử hành đạo chứ không lệ thuộc nhiều vào vật chất. Đối với người Trung Hoa có tấm lòng hiếu đạo, thì cách báo hiếu như thế này được xem là tối ưu và rốt ráo. Còn đối với người Việt Nam chúng ta là một dân tộc có truyền thống đạo đức lâu đời, bên cạnh đó đã ảnh hưởng không ít bởi nền văn hóa mỹ tục Trung Hoa mà cụ thể là ảnh hưởng nền đạo đức tư tưởng Khổng học, do vậy mà nhân dân ta, từ xa xưa đã thấm nhuần một nếp sống thuần lương hiếu hạnh. Những điều mà đức Khổng Tử đã dạy môn đồ về đạo hiếu như nêu trên, đã được cha ông chúng ta nói tóm gọn trong những câu ca dao đầy ý nghĩa: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi một thành viên trong gia đình chỉ cần khắc ghi trong lòng và luôn thể hiện “một lòng thờ mẹ kính cha” thì chắc chắn rằng mọi thế sự trên cuộc đời này sẽ chu toàn như ý. Và chính nhờ đó mà đạo đức và tôn ty trật tự trong mỗi gia đình được duy trì, an ninh xã hội được ổn định, kỷ cương phép nước được bảo toàn, bản sắc nhân văn không ngừng thăng hoa khởi sắc. Tuy nhiên, so với tinh thần hiếu đạo trong chốn nhân gian thì phương cách báo hiếu của đạo Phật thiết thực rốt ráo với ý nghĩa xuyên suốt thẳm sâu hơn. Người Phật tử có tấm lòng hiếu đạo, trước hết là phải xây dựng cho bản thân một thế giới an vui cực lạc, kế đến là phải tìm mọi cách để chuyển hóa tâm hồn để cha mẹ mình tránh các điều ác, làm các việc lành, phát tâm qui y hướng về Tam Bảo. Và như vậy, chỉ có đạo Phật mới có thể đưa ra một phương cách báo hiếu hoàn mãn từ nhu cầu vật chất cho đến tinh thần, đặc biệt phương cách báo hiếu trong Phật giáo sẽ ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tâm linh của các đấng sinh thành xuyên suốt quá khư, hiện tại, và cho cả tương lai vô hạn lượng. Chúng ta sẽ bàn về phương cách báo hiếu tối ưu này sau khi đã cùng nhau tham khảo nội dung và ý nghĩa kinh Vu Lan Bồn trong phần mục kế tiếp. KINH VU LAN BỒN Hằng năm, lễ Vu Lan thường được tổ chức trang trọng vào dịp rằm tháng bảy. Đối với người xuất gia, đây là khoảng thời gian thiêng liêng và vô cùng ý nghĩa, nó đánh dấu một bước trưởng thành trên con đường đạo hạnh. Bởi vì chư Tăng vừa kết thúc một mùa an cư kiết hạ, cũng có nghĩa là vừa được tăng thêm một tuổi đạo. Đặc biệt, trước khi giải hạ, theo thông lệ và truyền thống tu tập của Phật giáo Đại thừa, đại chúng Tăng thường họp mặt để cùng nhau phát lồ sám hối, ngõ hầu làm nền tảng vững chắc cho những ngày tu học và hành 9
  • 10. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng đạo về sau. Cũng trong giây phút thiêng liêng trọng đại này, đại lễ Vu Lan đã được diễn ra đúng vào dịp chư Tăng Tự tứ (phát lồ sám hối). Trong giây phút thiêng liêng, tràn dâng cảm xúc, dạt dào tình yêu thương khi hướng về hai đấng sinh thành, toàn thể Phật tử đoan nghiêm chánh niệm thành kính dâng lên đại chúng Tăng Ni những tịnh tài, tịnh vật và những nén tâm nhang, những lời cầu nguyện tha thiết, thành khẩn nhất để hồi hướng về cha mẹ hiện đời cũng như quá vãng được sống lâu trăm tuổi, được siêu sanh Tịnh Độ. Hòa vào nguồn cảm xúc lắng sâu chân thành đó là những lời kinh Vu Lan Bồn du dương trầm bổng theo tiếng mỏ và nhịp chuông ngân tràn đầy cảm động, qua đó tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên lần hồi hiện về trong tâm thức mỗi người, đã làm xao xuyến, lay động tâm hồn những người con hiếu đạo. Điều này đã khơi dậy trong lòng những người con Phật những hoài niệm thân thương về cha mẹ, về trách nhiệm và bổn phận làm con đối với bậc sinh thành. Kinh Vu Lan Bồn được đức Bổn Sư của chúng ta thuyết tại tịnh xá Kỳ Viên, sau đó được Tôn giả A Nan thuật lại, nội dung chúng tôi xin tóm lược như sau: Thuở nọ, Tôn giả Mục Kiền Liên khi vừa chứng được lục thông, vì muốn báo đáp ân đức sâu dày của cha mẹ, Ngài đã dùng thiên nhãn quan sát khắp các nơi, qua đó Ngài thấy mẹ mình là bà Thanh Đề đang phải thọ khổ trong cảnh giới ngạ quỉ, nghiệp báo mà bà Thanh Đề phải chịu là không thể ăn uống được, mặt dù bà rất đói khát, do vậy mà thân thể gầy ốm tiều tuỵ trông rất thảm thương. Khi tận mắt (thiên nhãn) nhìn thấy mẹ mình phải chịu đau khổ đọa đày như vậy, lòng Tôn giả quặn đau như dao cắt, Ngài bèn dùng bình bát đựng cơm đem dâng lên mẹ. Nhưng hỡi ôi! Do nghiệp chướng quá nặng, cơm liền biến thành hòn than lửa không thể ăn được, cơn đói khát tăng lên, khổ đau lại chồng chất, trông rất thê lương. Tôn giả đem tình cảnh thảm thương vừa xảy ra tác bạch lên đức Phật. Ngay đó đức Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên rằng, muốn cứu được mẹ mình thì phải nhờ đến thần lực của chư Tăng trong mười phương. Đặc biệt vào dịp rằm tháng bảy, nên sắm sửa các phẩm vật thành kính dâng lên cúng dường mười phương Tăng nhân ngày Tự tứ, đặng nhờ giới hạnh trong sạch và thần lực nhiệm mầu của đại chúng Tăng thanh tịnh chú nguyện, nhân đó cha mẹ hiện đời được tăng long phước thọ, an vui hạnh phúc, cha mẹ quá vãng trong bảy đời được sanh về cảnh giới an lành thánh thiện hơn. Vâng theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên bèn sắm sửa đầy đủ phẩm vật dâng lên cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ với lòng tha thiết khẩn cầu cho mẹ mình sớm siêu thoát khổ đau trong cảnh ngạ quỉ. Chư Tăng trong lễ thọ nhận cúng dường của Tôn giả Mục Kiền Liên đã thành tâm chú nguyện và ngay sau đó bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỉ sanh về Thiên giới. Khi được biết nhờ tâm thành của mình và sức chú nguyện của chư Tăng mà mẹ mình liền thoát khỏi cảnh ngạ quỉ sanh về Thiên giới, Tôn giả Mục Kiền Liên vô cùng vui mừng, tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, cũng nhân đó Ngài đã thành tâm thỉnh cầu đức Phật chỉ bày phương cách báo hiếu để chúng sanh có cơ hội đền đáp thâm ân sâu nặng của hai đấng sinh thành. Trước sự thỉnh cầu tha thiết của Mục Kiền Liên, đức Phật dạy rằng, chúng sanh hiện đời và muôn đời sau, nếu muốn thể hiện lòng hiếu đạo, báo đền ơn sâu của cha mẹ, thì đến ngày chư Tăng Tự tứ vào dịp rằm tháng bảy hằng năm, nên sắm sửa phẩm vật, với lòng thanh tịnh thành kính dâng lên cúng dường đại chúng Tăng, thì cha mẹ hiện đời cũng như quá vang sẽ được nhiều lợi lạc. Như lời đức Phật từ bi chỉ dạy, với tấm lòng hiếu đạo, Phật tử chúng ta nên y giáo phụng hành để trọn vẹn chữ hiếu. Đồng thời là Phật tử, thì chúng ta nên tuân giữ truyền thống báo hiếu này để nhân rộng ra trong đời sống thế gian, ngõ hầu làm nền tảng đạo đức chung cho cộng đồng của thế giới con người. 10
  • 11. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Trên đây là nội dung kinh Vu Lan Bồn, một bộ kinh thuần nhất về tinh thần hiếu đạo trong Phật giáo. Kinh Vu-Lan-Bồn mà ngày nay chúng ta được biết đến là do đức Phật tuyên thuyết tại tịnh xá Kỳ Viên trên quê hương của chính đức Phật, dù đã trên 25 thế kỷ qua, thế nhưng cốt chuyện và hàm ý bộ kinh vẫn sống động, vẫn tràn đầy xúc cảm như vừa mới diễn ra trong hiện tại và ngay trước mặt những người con Phật chúng ta. Theo như kinh Vu Lan Bồn thì nhờ lòng chí hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên kết hợp với sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề được thoát khổ trong cảnh ngạ quỉ sanh về Thiên giới, ở đây chúng tôi nhận thấy có một điều hết sức quan trọng cần phải nêu ra, đó là việc bản thân bà Thanh Đề đã buông ác hướng thiện, đã cải tà qui chánh hay chưa? Hay chỉ dựa vào tha lực của đại chúng Tăng và tấm lòng hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên mà ngay đó được sanh về Thiên giới? Về điều này, dù trong kinh không nói rõ rằng, bà Thanh Đề, vẫn chưa hay là đã “buông xả cố chấp, giải trừ ác nghiệp” … nhưng chúng ta vẫn ngầm hiểu rằng, nếu tự thân bà Thanh Đề không tự hối và tự cứu lấy mình, thì cũng khó có thể nương nhờ trọn vẹn vào sức chú nguyện của đại chúng Tăng mà giải thoát khổ đau, phát sanh hỷ lạc. Do vậy Phật tử chúng ta cũng nên nhận thức rằng, thông qua kinh Vu Lan Bồn, đức Phật đã mở bày ra cho chúng ta một phương cách báo hiếu rốt ráo và hoàn hảo, tạo cho chúng ta cơ hội đền đáp thâm ân mẹ cha đã cưu mang nuôi dưỡng, nhưng cũng bắt chúng ta phải tư duy chín chắn rằng, trong phương cách báo hiếu, thì việc chuyển hóa tâm thức người đang thọ khổ phải hướng thiện, hướng thượng là tối cần, là thiết yếu, vì đây là then chốt để tâm chú nguyện và tâm cầu nguyện sẽ hòa hợp, dung thông được với tâm thức tự hóa giải (tự hối tự cứu ) của người đang thọ khổ trong ba đường ác. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là chỗ sống động của kinh Vu Lan Bồn, cho nên đã 25 thế kỷ trôi qua mà ý kinh vẫn tràn đầy xúc cảm, vẫn có sức cuốn hút và mãi tươi nguyên như vừa mới diễn ra trong hiện tại. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng, khi Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam, có thể nói trong thời kỳ ban đầu, văn hóa Phật giáo vẫn còn không ít dị biệt với văn hóa truyền thống dân tộc và còn phải chờ một khoảng thời gian cần thiết để thích ứng. Tuy nhiên với Kinh Vu Lan Bồn thì có lẽ không cần phải đợi thời gian mà nó vẫn tương thích ngay với tinh thần hiếu đạo của người Việt Nam chúng ta, đó là mong muốn thể hiện một việc gì đó thật có ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu đạo đối với hai đấng sinh thành và đặc biệt là người mẹ. Kinh Vu Lan Bồn thuật chuyện người con hiếu đạo là Mục Kiền Liên không quản gian lao cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỉ đã gây xúc động và cảm thông sâu sắc trong xã hội. Trước sự đồng cảm sâu sắc đó, nhân dân ta đã đồng hóa hai nhân vật: “Tôn giả Mục Kiền Liên” và “bà Thanh Đề” thành câu cửa miệng “Mục Liên - Thanh Đề”, và cũng từ rất lâu xa trong đời sống dân gian của người Việt Nam chúng ta, hể nói đến “Mục Liên - Thanh Đề” tức là người ta nghĩ ngay đến một tấm gương hiếu thảo nào đó trong đời sống, vô hình chung Tôn giả Mục Kiền Liên đã biến thành một người thuần Việt trong nếp nghĩ và đời sống của người dân Việt và câu chuyện báo hiếu cảm động này gần như đã trở thành một câu chuyện ấn tượng về những tấm gương hiếu thảo trong kho tàng trong chuyện cổ Việt Nam. TẤM GƯƠNG HIẾU ĐẠO CỦA ĐỨC THẾ TÔN 11
  • 12. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Đức Thế Tôn Bổn Sư của chúng ta, khi mới phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, đã vì tất cả chúng ta mà tu hành đạo Bồ tát, trải qua vô lượng kiếp, nếm đủ mọi mùi cay đắng gian lao. Khi ta gây nghiệp, Ngài rất xót xa, tìm mọi cách giáo hóa. Khi chúng ta đọa vào địa ngục, Ngài càng đau xót hơn, chỉ muốn thay chúng ta chịu khổ. Khi chúng ta sinh ra làm người, Ngài dùng mọi phương tiện khai thị giúp chúng ta nhận ra bổn tâm thanh tịnh, gieo trồng căn lành, phát tâm bồ đề, xa lìa ác đạo, đời đời kiếp kiếp, không lúc nào Ngài rời bỏ chúng ta, điều này đã được Thế Tôn tuyên thệ rất rõ ràng trong tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Đối với những người con Phật có tấm lòng hiếu đạo, Ngài đã phương tiện thuyết kinh Vu Lan Bồn chỉ bày phương cách báo hiếu rốt ráo và thiết thực ngõ hầu giúp chúng ta đền đáp thâm ân mẹ cha trong muôn một. Đặc biệt, đã dù là bậc thầy của trời người, đức Thế Tôn vẫn còn thị hiện là một người con chí hiếu đối với thân phụ của mình để làm bài học giúp cho tất cả chúng sinh nhân đó noi gương sống cho tròn đạo hiếu. Sau đây là câu chuyện về tấm gương hiếu đạo của Đức Thế Tôn, chúng tôi nghĩ rằng, thông qua câu chuyện này, tất cả chúng ta sẽ có được nhận thức sâu sắc hơn nữa về bổn phận và trách nhiệm làm con đối với hai đấng sinh thành. Vào thời Phật còn tại thế, thân phụ của đức Phật là Tịnh Phạn Vương làm vua nước Xá Di. Vua Tịnh Phạn nỗi tiếng là một đấng quân vương nhân từ, thường dùng chánh pháp để cai trị đất nước và lấy nhân nghĩa đạo đức để cảm hóa nhân dân, đối với muôn loài, ông cũng hết lòng yêu thương gần gủi. Lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, mặc dù được các quan ngự y hết lòng chữa trị, nhưng do tuổi già sức yếu nên bệnh tình không thuyên giảm. Trong những ngày cuối đời tâm trạng nhà vua lộ vẻ ưu phiền. Lúc này các em của vua Tịnh Phạn là Bạch Phạn, Hộc Phạn và Đại Xưng đồng lên tiếng an ủi: “ Sư huynh hằng ngày thường gieo trồng căn lành, vun bồi đức hạnh, tu tập theo chánh pháp, đời sống quang minh chánh đại, nhờ đó nhân dân được an lạc, đất nước thanh bình. Hơn nữa, sư huynh là bậc quân vương đã giác ngộ lý vô thường, sanh lão bệnh tử là qui luật tất yếu của một kiếp người, thì có gì đâu mà sư huynh phải ưu sầu phiền muộn”. Nghe xong, vua Tịnh Phạn mới đáp lời các em mình: “Đúng vậy, dù ta có giả từ cuộc đời huyễn mộng này thì chẳng có gì luyến tiếc. Tuy nhiên chỉ có điều là ta không thấy được mặt các con ta, các cháu ta, thì quả là đáng tiếc,đáng buồn lắm. Nếu như tình trạng sức khỏe của ta có nguy kịch đi chăng nữa mà ta thấy được mặt các con các cháu của ta thì cũng chẳng có gì là khổ đau hay luyến tiếc”. Khi vua Tịnh Phạn đáp lời các người em của mình, thì đức Phật lúc này đang tĩnh tọa trên núi Linh Thứu, Ngài dùng thiên nhãn quán sát, thấy phụ vương đang lâm bệnh nặng. Tức thì, đức Phật liền báo tin ngay cho Nan Đà, La Hầu La và A Nan biết rõ tình hình sức khỏe vua cha. Ngài Nan Đà nghe xong liền tác bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, Tịnh Phạn Vương là thân phụ của chúng ta, người đã sinh ra đấng Đại Giác trên thế gian này, đã làm lợi ích rất lớn cho muôn loài, nay Ngài lâm bệnh, chúng ta nên mau về thăm để báo ân sâu của thân phụ”. Ngài A Nan cũng tác bạch: “Bá phụ đã cho phép con xuất gia theo Phật học đạo, ân này sâu nặng khó đáp đền. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép con về thăm bá phụ”. Liền đó, La Hầu La cũng quì xin đức Phật: “Đức Thế Tôn là thân phụ của con, nhưng sớm bỏ ngai vàng đi tìm chân lý. Lúc đó con đã nhờ ông nội nuôi dưỡng dạy dỗ trưởng thành, để ngày hôm nay con mới được xuất gia theo Phật. Nay con cúi xin Thế Tôn cho con được về thăm người lần cuối”. Nghe xong những lời tác bạch chí tình chí hiếu, đức Phật vô cùng hoan hỷ và chấp thuận những lời cầu xin ấy. Ngay sau đó đức Phật dẫn mọi người đi về hướng hoàng cung. 12
  • 13. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Nói về vua Tịnh Phạn, dù đang trong cơn bệnh nặng, nhưng khi hay tin đức Phật dẫn Nan Đà và La Hầu La trở về hoàng cung thăm mình, thì tâm hồn liền thanh thản, sức khỏe bỗng dưng như được hồi phục một cách bất ngờ. Vua Tịnh Phạn gắng ngồi dậy, chấp tay xá chào đức Phật, rồi thưa rằng: “Thân thể tôi đang bị bức bách bởi sự hoại diệt của vô thường, đó là những cơn đau không thể chịu nỗi. Tôi sắp giả từ cõi đời này, có lẽ đây là lần cuối cùng mà tôi được gặp Thế Tôn. Xin Thế Tôn hãy đặt bàn tay của Thế Tôn lên mình tôi cho đỡ bớt cơn đau đang dày xéo tâm can. Nay được gặp Thế Tôn lần cuối, tôi mãn nguyện lắm rồi” Đức Phật lắng nghe phụ vương bộc bạch nỗi niềm, lặng trong giây lâu, Thế Tôn mới thưa lại vua cha: “ Kính thưa Phụ vương! Xin người chớ quá âu sầu. Suốt một đời người đã sống thiện lành và lợi ích. Thế Tôn quán xét chẳng có điều gì khuyết điểm, đạo đức sáng ngời, giới hạnh tròn đầy, nay người chẳng có gì phải âu sầu lo lắng cả”. Ân cần động viên phụ vương xong, đức Phật bèn đưa bàn tay đặt lên trán vua cha, tiếp tục vỗ về an ủi: “Phụ vương là người giữ giới thanh tịnh, tâm đã xa lìa cấu nhiễm, hơn nữa vạn vật không có gì bền chắc, vậy Phụ vương không nên âu sầu mà hãy hoan hỷ, giữ cho tâm hồn bình yên, quán sâu vào nghĩa lý giáo kinh “. Trong những giây phút cuối cùng, vua Tịnh Phạn đã được nghe những lời vỗ về an ủi, dịu êm ngọt ngào như những giọt cam lồ nhỏ mát cõi tâm linh. Trong giây phút ấy, Ngài sanh tâm hoan hỷ, chân hạnh phúc ngập tràn tâm hồn, Ngài bèn cầm tay Thế Tôn đặt lên trái tim mình, như ngầm tỏ ý cảm tạ những lời giáo huấn cuối cùng của đức Thế Tôn. Cũng trong giây phút thiêng liêng ấy, vua Tịnh Phạn thanh thản ra đi mà gương mặt vẫn còn rạng rỡ. Sau khi nhà vua băng hà, kim quan của Tịnh Phạn Vương được hoàng tộc tôn trí trên tòa sư tử, khi đó đức Phật của chúng ta cùng với Tôn giả Nan Đà cung kính đứng hầu phía trước kim quan, còn A Nan và La Hầu La thì đứng hầu đằng sau kim quan. Mọi lễ nghi nhập quan, tôn trí kim quan, đón tiếp các đoàn đến viếng thăm đã hoàn tất, sau cùng thì phút giây trọng đại tiễn biệt Tịnh Phạn Vương cũng đã đến, đó là lễ di quan và lễ trà tỳ. Lúc bấy giờ đức Phật của chúng ta tướng hảo quang minh, nghiêm thân oai lực, tận tay bưng lư trầm hương toả thơm ngào ngạt, dẫn đầu các con cháu trong hoàng tộc và đệ tử hướng về khu hỏa táng. Lúc bấy giờ còn có một ngàn hai trăm vị A La Hán từ núi Linh Thứu cũng tập trung về đự lễ tang. Đến khi kim quan được đặt lên giàn hỏa, Phật và đại chúng chú nguyện và ngọn lửa bắt đầu phừng cháy. Khi ngọn lửa bốc cao, đức Phật đã khuyên dạy mọi người: “Thế gian vô thường, khổ, không, vô ngã. Tấm thân huyễn hóa này cũng như giọt sương đầu cành, cũng như tia điện chớp, chẳng gì là kiên cố. Các người chỉ thấy sức nóng của ngọn lửa hoả thiêu, nhưng không lường nỗi sự huỷ diệt của ngọn lửa tham sân si còn khủng khiếp hơn vạn ngàn lần. Vậy các người hãy tinh tấn nổ lực tìm cầu giải thoát”. Khi đó đại chúng cùng lên tiếng thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn, đức vua Tịnh Phạn nay đã thác sinh về cõi nào? Cúi xin Thế Tôn vì lòng từ bi giải bày cho đại chúng tỏ tường”. Bấy giờ đức Phật mới hướng về đại chúng dõng dạc: “Phụ vương của ta là đạo nhân giới hạnh thanh tịnh, tâm hồn trong sáng như đài gương bảy báu, nay đã được sanh về cõi Tịnh Cư Thiên”. Đại chúng nghe xong vui mừng khôn xiết, đồng thời lễ Phật ra về. Ngoài tấm gương báo hiếu trong câu chuyên trên đây, thì trong tiền kiếp, đức Phật của chúng ta đã trãi vô số kiếp làm người con chí hiếu. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, đức Phật đã kể lại tiền thân của Ngài khi làm Thái tử tên là Tu Xà Đề, Ngài đã tự tay lóc thịt mình dâng lên cha mẹ để cha mẹ qua cơn đói lòng trong lúc chạy giặc bị hết lương thực. Một lần khác, Ngài làm Thái tử tên là Nhẫn Nhục, Ngài đã tự tay hiến dâng đôi mắt mình để cứu cha thoát khỏi căn bệnh nguy kịch … Qua những câu chuyện mang tính tượng trưng này, chúng ta nhận thấy, đức Phật của chúng ta là đấng Đại Giác đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. 13
  • 14. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Dù Ngài là đấng Đại Giác, là Thầy của trời người, thế nhưng đối với song thân phụ mẫu, đức Phật của chúng ta vẫn tự xem mình là một con người bình thường như muôn người sống trên thế giới này. Ở đức Phật tình thương và lòng hiếu đạo vô bờ bến, hình ảnh đức Phật đứng hầu kim quan thân phụ sau khi qua đời cũng như bao con người bình thường trong đời sống nhân loại mà chẳng hề có biểu hiện mình là đấng Đại Giác Như Lai, và hình ảnh Ngài đã tự tay lóc thịt mình dâng lên cha mẹ, rồi tự tay hiến dâng đôi mắt mình để cứu cha thoát khỏi căn bệnh nguy kịch … đã thực sự gây xúc động và vô cùng ấn tượng về một tấm gương hiếu đạo. Trên thế giới Ta Bà này, chúng ta cũng khó có thể kiếm ra một vị giáo chủ nào đã thể hiện tấm lòng hiếu đạo đối với bậc sinh thành như đức Phật của chúng ta. Đức Phật đã chí tình chí hiếu như vậy, có khi nào chúng ta thử hỏi lại mình, đã “một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” chưa? Hay chúng ta chỉ thực hiện bổn phận và trách nhiệm với hai đấng sinh thành một cách miễn cưỡng và cho có lệ, trong khi chúng ta chỉ là những con người tầm thường, thậm chí chưa có một vị trí, danh xưng gì, dù trong đời sống tạm bợ ở thế gian này. CÔNG ƠN CHA MẸ VÀ PHƯƠNG CÁCH BÁO HIẾU Nói đến công ơn cha mẹ và phương cách báo hiếu, chắc có lẽ rằng, ngoài những nội dung chi tiết đã được đề cập đến trong kinh Vu Lan Bồn, thì chúng ta khó có thể tìm đâu ra một bản kinh nào, một áng văn nào … nêu ra công ơn trời biển của cha mẹ và phương cách báo hiếu cụ thể thiết thực đến như vậy. Trong phần mục “Công ơn cha mẹ và phương cách báo hiếu” này, chúng tôi chỉ trình bày thêm một vài ý nghĩ từ cảm xúc chân thành nhất hướng về song thân phụ mẫu và chúng tôi nghĩ rằng, đây cũng là dịp để tất cả chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về tình cảm thiêng liêng mà các bậc cha mẹ đã trọn một đời chắt chiu tần tảo hy sinh dưỡng nuôi chúng ta cho đến ngày khôn lớn. Nói đến hai chữ “công ơn” đối với “cha mẹ”, chúng tôi nghĩ rằng, dường như nó vẫn còn quá giới hạn, vẫn còn cạn cợt hẹp hòi so với những gì mà cha mẹ đã ban tặng cho tất cả chúng ta. Nếu gọi tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là “công ơn” thì vẫn có điều gì đó chưa thật sự ổn trong cách tôn xưng, mà đối với những gì cha mẹ đã ban cho, chúng ta phải tôn vinh đó là “công đức” sinh thành thì mới thấu tình trọn nghĩa. Thật ra khi chúng ta dùng văn tự tán thán ca tụng công ơn cha mẹ, nào là “Thâm ân sâu nặng”, “Công ơn trời bể”, nào là “Ân đức cù lao”, “Cha mẹ là Phạm Thiên”, “Cha mẹ là Phật tại tiền” … thì cũng không thể nào diễn đạt hết tình yêu thương và sự chịu đựng vô bờ bến của cha mẹ đã trọn một đời hy sinh vì con cái. 14
  • 15. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Hơn nữa, khi đề cập đến những gì mà các bà mẹ đã ban tặng, chắt chiu tần tảo hy sinh cho thế giới con người, trước hết chúng ta phải nói đến tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ, mà nói đến tình mẫu tử và công đức sinh thành dưỡng dục của người mẹ thì chúng ta không thể so sánh hay tính toán cho rằng đó là “ơn” hay “nghĩa”. Đối với người Việt Nam chúng ta, thì việc báo hiếu chính là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Có lẽ do vậy mà đã có rất nhiều người được biết đến kinh Thi, một bản kinh văn nằm trong hệ thống văn học cổ đại Trung Hoa, đã nêu ra công ơn của người mẹ rất vắn gọn nhưng hàm súc và tương đối đầy đủ. Trong kinh Thi, công ơn của người mẹ được trình bày tuần tự như sau: “Sinh – Cúc – Phủ – Dục – Súc – Trưởng – Cố – Phục – Phúc”, nghĩa là: “Sinh nở – Nâng đỡ – Vỗ về – Dạy dỗ – Bú mớm – Nuôi dưỡng – Chăm sóc – Nuông chiều – Che chở”. Đây là 9 đức hạnh hy sinh của người mẹ kể từ khi chúng ta vừa mới chào đời cho đến trưởng thành mà tất cả chúng ta đều phải chịu ơn và đều phải có bổn phận đền ơn đáp nghĩa. Như chúng ta đã biết, hiếu đạo vốn là một đạo lý có từ ngàn đời, nó tồn tại và thăng hoa trong thế giới con người, vì từ muôn ngàn đời nay, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái không những không hề vơi cạn mà con lung linh dịu ngọt, êm đềm bay bỗng theo dòng chảy thời gian để dưỡng nuôi những mầm sống được lớn khôn và trở thành người hữu ích. Đối với những dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến và truyền thống đạo đức lâu đời như dân tộc Việt Nam chúng ta, thì những tấm gương hiếu đạo trong đời sống, qua nhiều thời đại là rất nhiều không thể nào tính đếm nỗi. Chẳng hạn, tấm gương hiếu đạo của vua Trần Anh Tông đối với phụ hoàng hay của vua Tự Đức đối với mẫu hậu được nhân dân ta xem là hai tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu thảo trong chốn hoàng cung. Dân tộc ta từ rất lâu xa đã sớm thích nghi và ứng dụng những tư tưởng tích cực về đạo lý làm người của đức Khổng Tử như “Tam Cương”, “Ngũ thường”, “Tam Tòng”, “Tứ Đức” … vào đời sống gia đình và xã hội, điều này đã giúp cho nền đạo đức trong đời sống được bảo tồn và phát triển. Riêng đối với tinh thần hiếu đạo, người dân Việt Nam chúng ta cũng rất dễ đồng cảm và nhạy bén trong việc học tập theo những tấm gương hiếu thảo của bất kỳ một dân tộc nào. Có thể nói đạo lý về hiếu hạnh gần gũi với đời sống văn hóa đạo đức và nếp sống hiếu hạnh của người dân Việt Nam chúng ta nhất phải nói đến những tấm gương hiếu đạo trong “Nhị thập tứ hiếu”, ở đó là những tấm lòng chí hiếu, chỉ mới nghe qua cũng đã làm xao động lòng người, nếu chịu khó tư duy loài người cũng có thể nhân đó mà cải hoá bản tâm, điển hình như Hán Linh Đế đã đích thân sắc thuốc dâng mẹ mỗi khi mẹ ốm đau mà không để ai làm thay công việc này, hoặc như Đinh Lăng khắc tượng mẹ để thờ và mỗi bữa ăn đều dâng cơm nước lên mẹ như khi người vẫn còn sống … những tấm gương chí hiếu như vậy đã thật sự gây xúc động và ấn tượng tốt đối với những tâm hồn hiếu đạo. Trong đời sống nhân gian, phương cách báo hiếu cũng đã được đức Không Tử đề ra: “Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”, điều này hàm ý, trong cách ăn ở cư xử phải hết lòng cung kính, lúc nuôi dưỡng cha mẹ phải nhiệt tâm và vui vẻ, lúc cha mẹ đau ốm phải hết lòng lo lắng thuốc thang chữa chạy, khi ma chay thì phải hết lòng thương xót, khi cúng tế tang lễ thì phải trang nghiêm. Có thể nói rằng, người xưa đã rất chú trọng đến tinh thần hiếu đạo, tuy nhiên việc báo hiếu lại thiên về đời sống thế gian, vì vậy mà các đấng sinh thành vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với những gì mà họ đã ban cho thế giới con người. Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật đã nêu ra 10 công đức sâu dày của người mẹ như sau: 1.Chín tháng cưu mang khó nhọc. 2.Sợ hãi đau đớn khi sinh. 3.Nuôi con cam đành cực khổ. 15
  • 16. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng 4.Nuốt cay, mớm ngọt cho con. 5.Chịu ướt, nhường ráo con nằm. 6.Nhai cơm sú nước cho con. 7.Vui giặt đồ dơ cho con. 8.Thường nhớ khi con xa nhà. 9.Có thể tạo tội vì con. 10.Nhịn đói cho con được no”. Đây là 10 công đức của người mẹ, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã thọ nhận, cũng đều phải chịu ơn, thế nhưng có điều là chúng ta ít khi tưởng nhớ đến sự hy sinh lớn lao và thầm lặng của người mẹ, mặc dù trong số chúng ta đã có rất nhiều người trưởng thành và không ít người đang nỗi danh nỗi tiếng. Do vậy khi đọc được những lời vàng ngọc từ kim khẩu đức Phật nói về thâm ân sâu nặng của người mẹ, dường như tất cả chúng ta đều không khỏi chạnh lòng bồi hồi xúc động, đồng thời tâm nguyện mong muốn thể hiện ngay một việc gì đó thật có ý nghĩa đối với hai đấng song thân và đặc biệt là người mẹ. Trong 10 công đức sâu dày của người mẹ mà đức Phật đã nêu ra trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, ngoài những điều như “Chín tháng cưu mang khó nhọc”, “Sợ hãi đau đớn khi sinh”, “Nuôi con cam đành cực khổ”, “Nuốt cay, mớm ngọt cho con” … thì đặc biệt ở điều thứ chín là “Có thể tạo tội vì con”, chúng ta nhận thấy, đức Phật không đơn thuần chỉ nêu ra công ơn của người mẹ như những chi tiết khác, mà ở đó là tâm lượng vị tha quảng đại của “Bồ tát”, là sự hy sinh lớn lao vô cùng, ở đó là tình thương không ngằn mé của người mẹ đã vì sự sống của con mà chấp nhận tạo nên mọi tội lỗi. Chúng tôi nghĩ rằng, điều này dường như chưa thấy ở một tôn giáo nào đề cập đến, chưa có một nền đạo lý nào chú tâm đến. Tạo tội cho mình tức là tạo ác nghiệp cho mình, tức là phải chịu khổ vĩnh kiếp trầm luân mà vẫn vui vẻ thản nhiên chấp nhận, thậm chí còn cảm thấy được hạnh phúc khi tạo tội vì con. Than ôi! Tất cả cũng chỉ vì xuất phát từ tình yêu thương con vô bờ bến mà đấng sinh thành đã dành cho con cái. Đây là vấn đề thực sự trọng yếu mà mỗi một người con Phật chúng ta không thể thờ ơ hay xem nhẹ. Vì điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đời này cho người mẹ mà còn cho đời đời kiếp kiếp về sau, vì thương con mà những quả báo khốn khổ này người mẹ phải gánh chịu toàn bộ. Có thể nói đây là sự hy sinh hết sức vĩ đại, mà mỗi một người con như chúng ta không thể nào đáp đền nỗi, nếu như chúng ta không có duyên với Phật pháp, nếu như chúng ta không vâng theo lời Phật dạy. Trong Kinh Tâm Địa Quán, đức Phật đã đề cao công ơn cha mẹ cao như núi Thái, sâu như biển Đông: Ân từ phụ cao dường núi Thái Đức mẫu thân sâu tợ biển Đông Dù cho phụng hiến trọn đời Cũng không trả nỗi công ơn sinh thành. Qua đó chúng ta nhận thấy rằng, đức Phật đã hình tượng hóa ân đức sinh thành của cha mẹ như núi Thái, như biển Đông, và cuối cùng Ngài cảnh báo cho tất cả chúng ta biết rằng, dù trọn một đời này chúng ta dâng hiến cung phụng tất cả những gì mà chúng ta đang có thì cũng chưa chắc là có thể đền đáp nỗi công ơn trời biển của cha mẹ. Đặc biệt trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật của chúng ta đã đưa ra một ẩn dụ so sánh rất ấn tượng khi nói về ân đức sinh thành và suối nguồn yêu thương của người mẹ đã dành cho con cái: “Sữa của mẹ mà chúng ta đã thọ nhận so với nước của bốn đại dương, bên nào nhiều hơn?”. Và cũng thật đầy bất ngờ, khi chúng ta được biết thêm một sự thật về những gì mà chúng ta đã thọ nhận từ tình yêu thiêng liêng của người mẹ trong vô số kiếp từ trước cho đến trở lại đây. Đó cũng là một điều hiển nhiên mà chúng ta đã không thể nào ngờ được, 16
  • 17. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng nếu như chúng ta chua từng nghe đức Phật chỉ dạy: “ Này các Thầy Tỳ kheo! Trong lục đạo luân hồi, sữa mẹ mà các Thầy đã thọ nhận còn nhiều hơn là nước trong bốn đại dương”. Ôi! Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô biên, là bất tận, là sâu dày, là vĩnh cữu … như vậy chúng ta có thể nào báo đáp ân sâu của hai đấng sinh thành bằng tất cả những gì mà chúng ta đang sở hữu. Chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta vẫn có thể nếu như tự thân mỗi chúng ta cố gắng xây dựng một cõi Cực Lạc ngay trong tâm hồn mình, rồi chúng ta đem nguồn năng lượng hạnh phúc an lạc này chan hòa vào trong đời sống hằng ngày của cha mẹ, biến gia đình mình thành một cõi Cực Lạc hiện hữu trong cõi Ta Bà khốn khổ. Vấn đề này, chúng ta sẽ cùng bàn đến trong chương mục “Xây dựng cõi Tịnh Độ trong tâm hồn người con hiếu hạnh” … Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục lắng lòng đón nhận những lời vàng ngọc mà chính đức Từ Phụ của chúng ta nói về công ơn sâu dày của cha mẹ trong Kinh Tăng Nhất A Hàm: “ Này các Thầy Tỳ kheo! Trong đời này, nếu có người nào nâng mẹ đặt lên bên vai phải, nâng cha đặt lên bên vai trái, cõng cha mẹ đi xa ngàn dặm, lại phụng dưỡng cha mẹ bằng các loại vật thực quí hiếm, ngon lành, chăn nệm và thuốc thang đầy đủ, dùng hương trầm và dầu thơm xoa bóp thân thể cha mẹ cho bớt mỏi mệt, kéo tay chân cho giãn gân cốt, tắm rửa nước ấm khi trời lạnh, nước mát khi trời nóng, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên đôi vai của mình … thì cũng chưa hẳn là chúng ta đã trả được thâm ân sâu nặng của cha mẹ”. Đức Phật lại dạy rằng: “Các Thầy phải hiểu rằng, ân đức sinh thành của cha mẹ sâu nặng lắm, bồng ẳm dưỡng nuôi, tìm đủ mọi cách để ta khôn lớn trưởng thành … vì thế mà ơn này khó trả. Này các Thầy Tỳ kheo! Có hai việc có thể làm cho hạng người phàm phu được công đức lớn. Đó là phụng dưỡng cha và phụng dưỡng mẹ”. Còn nữa, bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn con mình xinh đẹp, giỏi dang, thông minh sáng suốt, có trí tuệ, có ý chí, nghị lực … nhưng nếu có lỡ sinh ra một đứa con tật nguyền như đui, mù, câm, điếc hay hư đốn, bất hiếu, ngỗ nghịch .. thì suối nguồn yêu thương của người mẹ, không do vậy mà suy giảm hay giận ghét ruồng bỏ con cái, mà càng quan tâm nhiều hơn, sự hy sinh càng tăng lên, trong đó có cả sự chịu đựng buồn tủi của một người mẹ kém phần may mắn. Thật vậy, khi gặp những hoàn cảnh trớ trêu mà cuộc đời đã sắp đặt an bài thì bậc cha mẹ nào cũng một tấm lòng yêu thương con mình, dù rằng nỗi bất hạnh đến với mình ra sao đi nữa. Nói về tình yêu thương của người mẹ dành cho con cái, chúng ta thử xem lại câu chuyện dưới đây, một câu chuyện được xem là khuôn mẫu điển hình khi nói về tình thương không bờ bến của người mẹ dành cho con mình: “ Có một chàng thanh niên sống trong một gia đình có hai mẹ con. Anh ta rất siêng năng chăm chỉ làm lụng để nuôi mẹ già. Anh ta lại có chí hướng thượng và rât kính ngưỡng đức Phật, dù hằng ngày anh rất chăm chỉ làm lụng nuôi dưỡng mẹ già, nhưng trong lòng thì luôn ao ước một ngày nào đó được diện kiến đức Phật. Niềm mong ước đó lớn dần theo thời gian. Do quá sốt ruột được gặp Phật, không kiên nhẫn được nữa, thế là nên anh ta đã lén mẹ già ra đi vào một buổi bình minh trong khi mẹ già còn đang say giấc. Anh ta hăm hở hướng về phía trước mà rảo bước, anh ta đi không kịp nghỉ ngơi nhưng vẫn không biết mệt mỏi. Trải qua những chặng đường dài, suốt nhiều ngày tháng, anh ta đã đi mòn không biết bao nhiêu là đôi giày, băng qua không biết bao nhiêu là suối, đồi, rừng, núi … Thắm thoát đã tàn mùa Xuân rồi đến mùa Hạ, Thu lại về và Đông sắp đến, thế nhưng anh ta vẫn không hề hay biết là bốn mùa đã trôi qua nhanh dưới gót chân tìm Phật khong biết mệt mõi của mình … Khi chưa gặp Phật, chưa diện kiến đức Phật, anh ta vẫn quyết chí đến cùng. Thế nhưng những ngày về sau bước chân của anh ta không còn đi nhanh và hăm hở như buổi ban 17
  • 18. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng đầu nữa. Và càng ngày anh ta càng lộ vẻ ngao ngán trên khuôn mặt cháy sạm vì nắng nóng trên suốt chặng đường dài. Trước khi lên đường đi tìm Phật, anh vẫn thường nghe nhiều người bảo rằng: “Phật ở mọi nơi”. Thế nhưng không hiểu sao đi hoài đi mãi mà anh vẫn không trông thấy Phật. Sau khi rời gót khỏi một phố thị, anh ta bước từng bước chạm chạp về phía trước, đang lúc rã rời tha thẩn, anh ta gặp một cụ già râu tóc bạc phơ. Ông lão nhìn anh hỏi: - Cậu đi đâu mà trông bộ dạng mệt mỏi và thất vọng đến vậy? - Dạ thưa cụ, cháu đi tìm Phật – Dù rất mệt mõi nhưng chàng thanh niên cũng lễ phép trả lời. - Cậu đi tìm Phật, mà đã gặp Phật chưa? – Ông lão hỏi. - Dạ chưa cụ ạ, tìm Phật sao mà khó quá. Phật từ bi thương xót chúng sinh khắp mọi nơi mà sao đến giờ con vẫn không thấy Ngài ở đâu cả. Chàng thanh niên trả lời cụ già mà như một lời than vãn. Cụ già nghe xong, ôn tồn bảo: - Thôi cậu hãy nghe tôi mà về nhà đi. Nhưng cậu hãy nhớ cho, trên đường về nhà, nếu cậu gặp bất cứ ai mang dép trái (ngược) thì đó chính là đức Phật mà hằng ngày cậu mong tìm gặp đó. Chàng thanh niên nghe lời ông cụ bèn quay gót trở về. Trên đường về với tâm trạng sẽ được gặp Phật như lời ông cụ, anh ta luôn hướng đôi mắt xuống bàn chân của bất cứ ai mà anh ta gặp được trên đường. Nhưng vẫn không thấy ai mang đôi dép ngược như ông lão nói. Anh ta vô cùng thất vọng, tự trách mình hoài công va không có duyên với Phật. Đường về nhà mỗi lúc một gần, niềm hy vọng được gặp Phật của anh mỗi lúc mỗi vơi cạn dần. Đang lúc ê chề thất vọng, bất chợt anh ta thấy đôi chân của một bà lão mang đôi dép ngược đang chạy về phía mình. Trong lòng chàng thanh niên rộn lên niềm hân hoan vui sướng khó tả. Sau khi vội vàng quì xuống dưới chân “Phật” đảnh lễ, đảnh lễ xong rồi anh ta mới ngước nhìn lên và cũng đúng lúc ấy bà cụ già ôm chầm lấy cậu nghẹn ngào ràn rụa nước mắt không nói được nên lời. Chàng thanh niên sững người trong giây lát khi thấy đó chính là mẹ mình. Anh ta chợt hiểu ra và gục đầu xuống, anh ta ôm chầm lấy mẹ mình mà khóc nức nở … Cũng trong giây phút xúc động đó, chàng trai chợt nhớ đến lời cụ già, anh ta liền ngữa mặt lên trời nói như tự trách: “Đây là Phật của con mà đã bao năm nay con được kề cận sớm hôm mà con chẳng hề hay biết. Bây giờ con mới cảm nhận ra một điều rằng, con đã có một vị Phật ở trong nhà”. Kề từ đó anh ta cung phụng mẹ mình như cung phụng Phật. Thì ra kể từ lúc đứa con bỏ nhà ra đi, người mẹ đã vô cùng đau khổ, ngày đêm lo lắng cho sự an nguy của đứa con thân yêu. Ngày qua ngày, lúc nào bà cũng tựa cửa trông ngóng tin con. Bà hỏi thăm bất cứ ai đến nhà thăm, đêm bà không ngủ, ngày bà không ăn. Người mẹ già thương nhớ con như điên như dại ấy, khi hay được tin đứa con thân yêu mà mình trông ngóng ngày đêm đã về đến đầu làng, từ giường bệnh bà liền vùng dậy, quơ vội đôi dép và phóng ra như bay ra khỏi nhà với mong ước được sớm thấy mặt con. Trong lúc vội vàng xỏ dép vào chân bà đã không kịp chú ý, vì vậy người mẹ già đã mang ngược đôi dép … Bây giờ chàng thanh niên kia đã biết, suốt những năm tháng qua mình không những được diện kiến “Phật” mà còn được sống, được yêu thương, ấp ủ, bảo bọc trong vòng tay của “Phật” mà trước đây mình không hề hay biết”. Tình thương thiêng liêng của người mẹ dành cho con nó bao la dạt dào như vậy đó! Đây là câu chuyện có ý nghĩa và rất xúc động về tính thiêng liêng cao cả của tình thương yêu vô bờ bến mà người mẹ đã dành cho con mình. Qua câu chuyện này, trong đời sống hằng ngày, Phật tử chúng ta hãy nên cung phụng tôn thờ và lễ lạy cha mẹ mình giống như cung phụng tôn thờ và lễ lạy đức Phật vậy, mà chính đức Phật cũng dạy chúng ta điều này: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. 18
  • 19. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Tình thương của người mẹ dành cho con mình thiêng liêng dạt dào như vậy, còn tình thương của người cha dành cho con cái ra sao? Đương nhiên lòng mẹ thương con thì không còn phải bàn nữa, nhưng tình thương yêu của người cha cũng thiêng liêng dạt dào không kém. Điển hình về tình thương của người cha đối với con mình, chúng tôi xin kể ra đây một mẩu chuyện ngắn về tình thương yêu của vua Tịnh Phạn dành cho đức Phật của chúng ta: “ Khi Thái tử Tất-Đạt-Đa từ bỏ cung vàng điện ngọc, trốn người cha của mình là vua Tịnh Phạn đi vào rừng tu khổ hạnh, trải qua sáu năm ròng rã chuyên cần tinh tấn công phu tịnh niệm. Đến khi thành Phật, đức Phật của chúng ta mới quay về hoàng cung để thuyết pháp độ vua cha. Sau thời thuyết pháp của đức Phật, Tịnh Phạn Vương tỏ ngộ chân lý nhiệm mầu và cũng ngay trong buổi gặp mặt hôm đó, vua Tịnh Phạn đã cầu xin đức Phật một điều, mà người cho là rất quan trọng: - Thế Tôn có biết không? Khi Thế Tôn bỏ trẫm đi tu, trẫm nhớ thương Thế Tôn nhiều lắm. Trẫm bỏ ăn, bỏ ngủ, thậm chí không lâm triều để lo quốc sự. Đến khi Thế Tôn đắc đạo, trở về lập Tăng đoàn thì La–Hầu-La cũng bỏ trẩm xuất gia theo Thế Tôn, trẫm thêm một lần buồn khổ nữa. Từ lòng thương con thương cháu của trẩm, trẩm mới hiểu ra rằng, còn có biết bao nhiêu bậc cha mẹ khác cũng phải chịu cảnh cô đơn, sầu muộn vì con cháu họ cũng bỏ nhà ra đi xuất gia theo Thế Tôn. Cho nên điều duy nhất mà trẫm cầu xin Thế Tôn là từ nay về sau, nếu có nhận ai xuất gia thì trước hết phải được sự đồng ý của cha mẹ họ, rồi sau đó Thế Tôn mới cho nhận vào Tăng đoàn. Khi nghe lời cầu xin lẫn tâm sự chân tình của vua cha, đức Phật cảm nhận ngay được tình cảm của người cha dành cho con là vô cùng thiêng liêng, thẳm sâu không ngằn mé. Liền đó đức Phật đã chấp nhận ngay lời cầu xin cua vua cha”. Cũng kể từ đây, trong giáo luật của đạo Phật có thêm điều luật là bất cứ người nào đi tu, dù là bao nhiêu tuổi, dù có chức phận gì, nếu còn cha mẹ thì trước hết vẫn phải được sự đồng ý của cha mẹ mình, sau đó mới được giáo hội tiếp nhận. Như vậy, chúng ta thấy rõ là đi tu ở đạo Phat không phải là bất hiếu. Qua câu chuyện này, chúng ta cảm nhận thêm về tình cảm của người cha cũng mãnh liệt, cũng sâu đậm như tình thương của mẹ dành cho con. Trên thực tế đời sống ở nhiều gia đình thì người cha thường không nhu mì, mềm mỏng nâng niu chiều chuộng như người mẹ, ngược lại ở người cha tính cách lại luôn tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn, cương nghị. Chính vì vậy mà trong quan hệ ở gia đình, với tính cách đó, người cha giữ vị trí trụ cột trong việc giáo dục con cái. Dù tình thương của ngươi cha dành cho con cũng sâu đậm không thua kém người mẹ, nhưng do sự khác biệt trong tính cách và trong dụng tâm thể hiện mà tình thương yêu của người mẹ nặng về phần “Từ” và ở người cha thì nặng về phần “Bi”, do vậy mà trong dân gian, người ta thường hay nói: “Mẫu từ – Nhiêm phụ”. Về điều này chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong chương kế tiếp. Ngoài tình yêu thương con cái và trách nhiện làm trụ cột trong mỗi gia đình, thì đức hy sinh chịu đựng ở người cha cũng không thua kém người mẹ. Để minh chứng điều này, chúng tôi xin kể ra đây một câu chuyện rất cảm động về tình yêu thương và đức hy sinh chịu đựng của Bình Sa Vương đối với người con bất hiếu của mình là Hoàng tử A Xà Thế: “Tại vương quốc Ma Kiệt Đà vào thời đức Phật còn tại thế, Bình Sa Vương có người con trai bất hiếu tên là A Xà Thế. Vì nghe lời xúi dục của Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế âm mưu sát hại vua cha để chiếm đoạt ngai vàng. Thế nhưng công việc bị bại lộ. Dù vậy, vua cha cũng vì thương con mà sẵn sàng tha thứ, điều đáng nói là không những tha thứ mà vua cha còn nhường ngôi lại cho con. 19
  • 20. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Để trả ơn, vị hoàng tử bất hiếu này liền ra lệnh hạ ngục vua cha và bỏ đói cho đến khi nào chết thì thôi. Duy chỉ có một đặc ân dành cho cha mình, đó là việc cho phép hoàng hậu được vào thăm. Trong mỗi lần vào thăm vị hoàng đế bất hạnh này, hoàng hậu phải giấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng. Sau nhiều lần như vậy, A Xà Thế biết được liền quở trách mẹ. Vì quá thương chồng và bất lực trước đứa con bất hiếu, hoàng hậu phải lén giấu đồ ăn trong đầu tóc, vậy mà A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường hoàng hậu bèn nghĩ ra cách tắm gội sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong trộn với đường và sữa. Vua cha mới dùng vật cứng gọt lấy đồ ăn này mà sống. Đã vậy mà A Xà Thế cũng bắt được, lúc này y cấm hẳn mẹ không cho vào thăm vua cha nữa. Cuối cùng A Xà Thế quyết định hạ lệnh cho người thợ cạo vào ngục giết chết cha mình. Cũng trong ngày giết chết vua cha, thì vợ A Xà Thế hạ sinh một hoàng nam kháu khỉnh. Tin tốt lành đến tai A Xà Thế cũng là lúc tin cha Bình Sa Vương bị thảm sát trong tù ngục. Khi nghe tin chánh hậu vừa hạ sanh một hoàng nam, thì nỗi vui mừng được làm cha lần đầu tiên của A Xà Thế không kìm hản nỗi. Cả người y ngập tràn một niềm hân hoan sung sướng vô bờ bến. Tình thương của người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng A Xà Thế nó mặn nồng và sâu sắc như thấm sâu vô từng khớp xương ống tủy. Đối với A Xà Thế lúc đó thì cảm giác đầu tiên của người cha mới được đứa con đầu lòng dường như đưa y vào một cảnh giới thánh thiện bất ngờ. Điều này khiến cho y có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã khai sinh ra một dòng sống để nối tiếp đời mình. Tức thì A Xà Thế chạy đi tìm người mẹ và hỏi ngay rằng: - Thưa mẫu hậu, khi con còn nhỏ, phụ vương có thương con không? - Tại sao con hỏi vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không thể tìm đâu ra một người cha thánh thiện hiền lành đạo đức như cha con. Bà nói tiếp: - Để mẹ thuật lại con nghe? Lúc mẹ còn mang bào thai con trong bụng, ngày nọ mẹ bỗng thèm ăn một món lạ lùng kỳ quái, đó là mẹ thèm hút một vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con, dù rất thèm mà nào mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao và sau cùng phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ hút máu. Lúc ấy, nhà tiên tri trong triều tiên tri rằng, con sẽ là người thù của cha con. Do đó, tên con là A Xà Thế, có nghĩa là “kẻ thù chưa sinh”. Khi đó mẹ có ý định giết con trong lòng nhưng cha con không cho. Khi con sinh ra, mẹ nhớ lời tiên tri, nên môt lần nữa muốn giết con. Một lần nữa cha con lại ngăn cản. Một hôm, con có cái nhọt trên đầu ngón tay, đau nhức vô cùng, khóc suốt đêm ngày không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy người cầm lòng không đặng, đã bế con vào lòng và không ngại ngậm ngón tay của con trong miệng, nhè nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay! Cái nhọt bể, máu mủ tuông tràn ra đầy miệng cha con, rồi cha con sợ lấy tay ra thì con sẽ đau, nên cha con nuốt luôn cả mũ lẫn máu vào bụng! Phải, người cha hết lòng yêu thương con, vì tình phụ tử đậm đà, nhè nhẹ nuốt hết vừa máu, vừa mủ của con như vậy đó … Nghe đến đó, A Xà Thế không chịu nỗi nữa, ông bèn đứng phắt dậy, kêu lên như điên, như dại: - Hãy thả ngay lập tức người cha yêu quí của trẫm! Nhưng than ôi! Người cha yêu quí ấy đã ra người thiên cổ. Lúc bấy giờ, A Xà Thế dậm chân than trời nức nở kêu gào như một đứa trẻ lên ba thương cha nhớ mẹ. Và cũng từ khi đó, vua A Xà Thế mới nhận ra rằng chỉ khi bắt đầu làm cha thì mới biết được tình phụ tử mà người cha dành cho con cũng mặn nồng sâu thẳm biết dường nào”. 20
  • 21. Mẹ - từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ Thích Huệ Thơng Trong đời sống nhân gian, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái lúc nào cũng lai láng, dạt dào như vậy, thế thì đối với bậc Thánh nhân xuất thế, suối nguồn yêu thương này có khác chăng? Để tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi xin mời quí vị cùng để tâm đến nội dung của một bộ kinh có tên là “Ma-Ha-Ma-Da” hay còn được gọi là “Phật thăng Đao Lợi Thiên vị mẫu thuyết pháp”. Một phần nội dung trong bản kinh này, đức Thế Tôn đã nói đến tình yêu thương không bờ bến của Hoàng hậu Ma Da dành cho Ngài. Chúng tôi xin tóm lược nội dung câu chuyện trong bản kinh để một lần nữa khẳng định tình thương yêu của người mẹ dành cho con mình là vô biên và vĩnh cửu, dù người mẹ đó có là Thánh nhân như Hoàng hậu Ma Da và người con đó có là đấng Đại Giác như đức Phật của chúng ta: “Tôi nghe như thế này, một thuở nọ đức Phật cùng với 1250 vị Tỳ kheo an cư tại gốc cây Ba-Lợi-Chất-Đa-La, trong vườn Hoan Hỷ, nơi cung trời Đao Lợi. Bấy giơ Phật bảo Văn- Thù-Sư-Lợi: - Ông mau đến chỗ mẫu thân ta báo tin rằng, ta đang ở đây, xin người hãy tạm thời dời gót đến nơi này đảnh lễ Tam Bảo. Ông nhớ đọc thuộc bài kệ này, rồi đến đọc lại cho mẫu thân ta nghe: Thích Ca thành tựu Nhất Thiết Trí. Diêm Phù Đề quang minh suốt thấu. Nay khát ngưỡng gặp mặt mẫu thân. Xưa sinh con chỉ mới bảy ngày. Liền siêu Thiên, di mẫu dưỡng nuôi. Đã thành Chánh Giác, độ chúng sinh. Nay đến thời báo hiếu ơn mẹ. Mong người, quyến thuộc quang lâm đến. Lễ Phật Pháp Tăng, thọ thanh tịnh. Khi Ma-Ha-Ma-Da nghe đức Văn Thù đọc bài kệ đó xong, thì nơi bầu vú của người liền vọt lên dòng sữa. Bà nói: - Nếu bậc Nhất Thiết Trí. ấy là Tất-Đạt-Đa con ta, thì những giọt sữa này hãy rơi vào miệng người ấy. Khi Hoàng hậu Ma Da vừa dứt lời, bỗng nhiên từ nơi bầu vú, những tia sữa trắng tinh khiết như hoa sen vọt ra rồi bay thẳng vào miệng đức Như Lai. Cảm nhận được điều này, gương mặt Hoàng hậu Ma Da trở nên rạng rỡ. Bà nói với Văn-Thù-Sư-Lợi: - Từ khi ta được phúc duyên làm mẹ con với đấng Đại Giác đến nay. Thật chưa có lúc nào lòng ta được an lạc hoan hỷ như giây phút này. Nói xong bà cùng Văn-Thù-Sư-Lợi liền đến chỗ Phật. Từ xa đức Phật nhìn thấy mẫu thân, tự nhiên lòng dậy lên sự cảm kính tột độ. Khi đến gần, Ngài nói với mẹ: - Thưa mẫu từ, tấm thân tứ đại này trải qua vui khổ đã nhiều, nay đến thời cần phải tu tập pháp Niết bàn để vĩnh viễn xa lìa những điều khổ ấy. Nghe lời Phật nói, bà tĩnh lặng suy tư, bất chợt cảm thán: Vô số kiếp uống sữa của ta. Nay chứng vô sanh, vô thượng đạo. Nay báo ân, giúp ta lìa ba độc. Qui mạng đấng Thế Tôn, ban ân huệ. Quy mạng bậc Điều Ngự, không gì sánh. Quy mạng Thiên Nhơn Sư, lìa si ái. Ngày đêm nhớ nghĩ không đoạn tuyệt. Cúi đầu đảnh lễ đấng Pháp Vương. 21