SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  144
Télécharger pour lire hors ligne
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
SẦM THỊ DƯƠNG
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DÒNG HỌ
CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA
Ở XÃ BẠCH NGỌC, HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
HÀ NỘI - 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
SẦM THỊ DƯƠNG
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DÒNG HỌ
CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA
Ở XÃ BẠCH NGỌC, HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG
Ngành: Nhân học
Mã số: 9 31 03 02
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Phạm Quang Hoan
2. PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các
số liệu điều tra, kết quả trong luận án là trung thực, chưa từng được ai công bố trong
bất kỳ một công trình nào khác. Đối với những quan điểm mà luận án kế thừa của các
tác giả đi trước, đều được trích yếu ghi rõ xuất xứ và tên tác giả đã đưa ra luận điểm đó.
Hà Nội, tháng 03 năm 2019
Nghiên cứu sinh
Sầm Thị Dương
LỜI CẢM ƠN
Luận án tiến sỹ được hoàn thành tại Học viện Khoa học Xã hội, với sự giúp đỡ
quý báu của nhiều tổ chức, tập thể cơ quan và cá nhân.
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới Học viện Khoa học
Xã hội, Khoa Nhân học và Dân tộc học, các thầy, cô giáo, các nhà khoa học đã trực
tiếp giảng dạy truyền đạt những kiến thức khoa học chuyên ngành cho tác giả trong
những năm tháng qua.
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đối với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang,
đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã khích lệ, động viên, tạo điều kiện về thời gian,
vật chất tinh thần, cung cấp tư liệu… trong quá trình thực hiện luận án từ năm 2015
đến 2019.
Tác giả cũng xin gửi lời cảm tạ tới lãnh đạo và người dân địa phương xã
Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã nhiệt tình cộng tác, cung cấp số
liệu, tư liệu nghiên cứu cần thiết liên quan tới đề tài trong suốt quá trình tác giả điền
dã, khảo sát tại địa bàn nghiên cứu.
Đặc biệt, tác giả xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới PGS.TS. Phạm Quang
Hoan và PGS. TS. Nguyễn Thị Song Hà đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ
với những chỉ dẫn khoa học quý giá và tạo động lực, khơi dậy niềm say mê nghiên
cứu, học tập trong suốt quá trình triển khai và hoàn thành luận án.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng 03 năm 2019
Nghiên cứu sinh
Sầm Thị Dương
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
THUYẾT, KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN CỨU......10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................10
1.2. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu ................................................................................21
1.3. Một số câu hỏi nghiên cứu.................................................................................30
1.4. Khái quát xã Bạch Ngọc và người Hmông tại địa bàn nghiên cứu....................31
1.5. Một số điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa hai nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa................................................................................................41
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ
HMÔNG HOA.........................................................................................................50
2.1. Sự phân bố của các dòng họ thuộc các nhóm Hmông .......................................50
2.2. Quan niệm về dòng họ .......................................................................................50
2.3. Sự hình thành các dòng họ.................................................................................51
2.4. Các dấu hiệu nhận biết dòng họ.........................................................................53
2.5. Tổ chức dòng họ.................................................................................................81
2.6. So sánh đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa................85
2.7. Sự biến đổi của đặc điểm dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa................90
Chương 3: VAI TRÒ VÀ QUAN HỆ DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG
TRẮNG VÀ HMÔNG HOA ..................................................................................97
3.1. Vai trò của dòng họ............................................................................................97
3.2. Quan hệ dòng họ ..............................................................................................118
3.3. So sánh vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa......124
Chương 4: GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA DÒNG HỌ NHÓM HMÔNG
TRẮNG VÀ HMÔNG HOA, MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA..............................130
4.1. Những giá trị dòng họ của người Hmông Trắng và Hmông Hoa ....................130
4.2. Những hạn chế của dòng họ người Hmông Trắng và Hmông Hoa .................139
4.3. Một số vấn đề đặt ra đối với dòng họ các nhóm Hmông hiện nay và công
tác quản lý ...............................................................................................................144
KẾT LUẬN............................................................................................................149
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........................................................................................152
TÀI TIỆU THAM KHẢO ....................................................................................153
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BCH: Ban chấp hành
CB: Cán bộ
CNH – HĐH: Công nghiệp hóa – hiện đại hóa
CT: Chỉ thị
DTTS: Dân tộc thiểu số
DTH: Dân tộc học
ĐU: Đảng ủy
GS: Giáo sư
HĐND: Hội đồng nhân dân
KT-XH: Kinh tế - xã hội
KHXH: Khoa học xã hội
MTTQ: Mặt trân tổ quốc
NCS: Nghiên cứu sinh
NQ: Nghị quyết
NxB: Nhà xuất bản
PGS: Phó giáo sư
PL Phụ lục
QĐ: Quyết định
QLNN Quản lý nhà nước
TS: Tiến sỹ
TTg: Thủ tướng Chính phủ
TU: Tỉnh ủy
TW: Trung ương
Tr: Trang
UBDT: Ủy ban Dân tộc
UBND: Ủy ban nhân dân
VHDT: Văn hóa dân tộc
XHCN: Xã hội chủ nghĩa
DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1. So sánh một số thuật ngữ về thân tộc của hai nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa ....................................................................................................42
Bảng 1.2. So sánh một số đặc trưng văn hóa truyền thống giữa nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa.....................................................................................46
Bảng 1.3. So sánh một số đặc trưng văn hóa giữa nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa vẫn duy trì tín ngưỡng truyền thống và nhóm Hmông Trắng
và Hmông Hoa đã cải đạo theo Tin Lành ......................................................47
Bảng 2.1: So sánh sự giống và khác nhau về đặc điểm dòng họ của nhóm
Hmông Trắng và dòng họ của nhóm Hmông Hoa còn duy trì tín ngưỡng
truyền thống....................................................................................................85
Bảng số 2.2: So sánh sự giống và khác nhau về đặc điểm dòng họ người Hmông
còn duy trì tín ngưỡng truyền thống và dòng họ người Hmông cải đạo theo
Tin Lành .........................................................................................................88
Bảng 3.1: So sánh sự giống và khác nhau về vai trò và quan hệ dòng họ của
nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa duy trì tín ngưỡng truyền thống ........124
Bảng 3.2: So sánh sự giống/ khác nhau về vai trò, quan hệ dòng họ của
nhóm người Hmông duy trì tín ngưỡng truyền thống và nhóm cải đạo
theo Tin Lành.................................................................................... 126
DANH MỤC SƠ ĐỒ
Sơ đồ 1. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Giàng nhóm Hmông Hoa .....74
Sơ đồ 2. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Thào nhóm Hmông Trắng....74
Sơ đồ 3. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Thào nhóm Hmông Hoa.......75
Sơ đồ 4. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Vàng nhóm Hmông Trắng....75
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Người Hmông là tộc người thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Với đặc thù về nguồn gốc lịch sử tộc người, tâm lý, văn hóa,... người Hmông đã và
đang là mối quan tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức, nhiều ngành khoa học ở trong và
ngoài nước, trong đó có ngành Dân tộc học và Nhân học. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang,
người Hmông phân bố khắp ở 11/11 huyện, thành phố với bốn nhóm gồm: Hmông
Trắng, Hmông Hoa, Hmông Xanh và Hmông Đen, trong đó đông nhất là nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa. Tổng dân số người Hmông của tỉnh là 255.329 người
[8], chiếm tỷ lệ 1/3 dân số, người Hmông là tộc người có dân số đông nhất tỉnh.
Khi nghiên cứu về văn hóa người Hmông, thì dòng họ là một trong những vấn
đề cốt lõi. Mỗi dòng họ người Hmông là một cộng đồng văn hóa với sắc thái riêng và
giữa các nhóm địa phương khác nhau lại có những đặc thù, nhưng vẫn mang trong
mình những yếu tố văn hóa đặc trưng của tộc người. Nghiên cứu dòng họ người
Hmông theo từng nhóm địa phương, để nhận diện bản sắc văn hóa, tìm ra những
điểm tương đồng và khác biệt, đề xuất các biện pháp phù hợp đối với vấn đề phát huy
vai trò thiết chế dòng họ, quản lý xã hội theo từng nhóm tộc người trong bối cảnh
hiện này là rất cần thiết và hữu ích.
Một trong những đặc thù của dòng họ người Hmông là tâm lý cố kết mạnh đến
mức có thể liên/xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Đó là ưu điểm đồng thời cũng là
yếu điểm dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, sự giao lưu,
tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận tôn giáo mới, nhất là đạo Tin Lành trong một bộ phận
người Hmông, đã tác động đến các mối quan hệ dòng họ truyền thống, tạo nên những
thay đổi lớn trong nội bộ tộc người, dòng họ trong một nhóm và giữa các nhóm
Hmông theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Sự cố kết và phân ly tộc người,
dòng họ diễn ra đan xen và ngày càng phức tạp. Chúng ta biết rằng, ngôn ngữ nhóm
Hmông Trắng có sự tương đồng với tiếng Hmông quốc tế, nhưng đối với tỉnh Hà
Giang, nhóm Hmông Trắng lại có tỷ lệ theo đạo Tin Lành ít hơn nhóm Hmông Hoa.
Như vậy, việc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân cốt lõi, lý giải vấn đề có tính chất
thời sự như những hiện tượng trên trong từng nhóm địa phương, cũng là một trong
những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác vùng người Hmông.
Ngày nay, khi xem xét các nguồn lực phát triển xã hội, thì văn hóa được coi
là nguồn lực “mềm”. Từ quan điểm này, thì dòng họ chính là một nguồn vốn xã hội.
2
Bản thân dòng họ các tộc người nói chung, trong đó có tộc người Hmông luôn hàm
chứa những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định. Do vậy, cần có những nghiên
cứu về dòng họ, làm rõ nguồn vốn xã hội và giá trị nguồn lực này. Kết quả nghiên
cứu là minh chứng và cơ sở khoa học, thúc đẩy các cấp quản lý đổi mới tư duy
trong việc huy động và xã hội hóa các nguồn nội lực, để phát triển KT-XH của địa
phương vùng đồng bào Hmông theo hướng bền vững.
Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu về những khía cạnh
khác nhau của tộc người Hmông, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đi sâu so sánh
sự tương đồng và khác biệt về thiết chế dòng họ các nhóm Hmông khác nhau tại địa
bàn một xã. Vì thế, nghiên cứu so sánh dòng họ người Hmông thuộc các nhóm khác
nhau theo tính chất điểm, dưới góc độ chuyên ngành Nhân học là một đề tài mới,
vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc.
Từ những lý do trên, NCS quyết định chọn vấn đề Nghiên cứu so sánh dòng
họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên,
tỉnh Hà Giang làm đề tài luận án tiến sĩ.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
* Mục đích nghiên cứu:
- Tìm hiểu đặc điểm, vai trò, mối quan hệ, giá trị dòng họ của nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa trên địa bàn xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang;
so sánh để nhận diện sự tương đồng và khác biệt của dòng họ giữa hai nhóm.
- Nhận diện sự biến đổi bản sắc văn hóa dân tộc Hmông thông qua nghiên
cứu về dòng họ của hai nhóm Hmông tại địa bàn nghiên cứu.
- Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn trong
quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc - tôn giáo tại vùng người Hmông.
* Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Làm rõ sự tương đồng và khác biệt về dòng họ của nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa.
- Làm rõ sự tương đồng và khác biệt dòng họ của nhóm người Hmông vẫn
duy trì tín ngưỡng truyền thống và dòng họ nhóm Hmông đã cải đạo theo Tin Lành.
- Đề xuất các vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về dân tộc – tôn giáo,
nhất là trong công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc
thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo Chỉ thị 06/CT-TTg; Công
3
cuộc xây dựng nông thôn mới; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa, góp phần bảo tồn văn hóa tộc người Hmông.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đối tượng nghiên cứu: Dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở
xã Bạch Ngọc. Luận án tập trung nghiên cứu 6 dòng họ gồm 3 họ Giàng, 2 dòng họ
Thào và 1 dòng họ Vàng.
- Phạm vi nội dung nghiên cứu: Thiết chế dòng họ, các nghi lễ dòng họ như:
tang ma, tín ngưỡng, cưới xin, vai trò, quan hệ và giá trị dòng họ nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa. Trên cơ sở đó tiến hành so sánh sự giống và khác nhau giữa
dòng họ của hai nhóm.
- Phạm vi địa bàn nghiên cứu: Nghiên cứu tổ chức dòng họ của hai nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa tại 05 thôn có người Hmông sinh sống tập trung gồm:
Khuổi Vài, Khuổi Dò, Minh Thành, Ngọc Lâm và Ngọc Sơn. Xã Bạch Ngọc là địa
bàn nghiên cứu có tính chất mẫu đại diện, đảm bảo thực hiện được mục tiêu và phạm
vi nghiên cứu của đề tài. Bởi xã có cả hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa cùng
sinh sống, đồng thời có cả bộ phận cải đạo và không cải đạo trong hai nhóm. Những
địa bàn tiếp giáp với xã Bạch Ngọc đều có người Hmông sinh sống và một có bộ
phận người Hmông theo đạo Tin Lành.
Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay,
bởi sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đất nước bước vào thời kỳ đổi
mới. Đồng thời kể từ khi đổi mới, quản lý nhà nước về công tác dân tộc được quan
tâm toàn diện. Bên cạnh đó, chiến tranh biên giới Việt - Trung kết thúc, đồng bào
các dân tộc nói chung, trong đó có người Hmông cư trú ở vùng biên giới của tỉnh
Hà Giang có cuộc sống ổn định hơn.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Cơ sở phương pháp luận của luận án là chủ nghĩa duy vật lịch sử, đối tượng
nghiên cứu luôn đặt trong hoàn cảnh cụ thể trên cả phương diện lịch đại và đồng
đại. Bên cạnh đó, các vấn đề nghiên cứu còn được luận giải trên cơ sở phương pháp
luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, đặt đối tượng
nghiên cứu trong mối liên hệ tương tác qua lại với môi trường tự nhiên, kinh tế - xã
hội và luôn xem xét theo chiều hướng vận động, biến đổi không ngừng, nhằm tìm ra
bản chất của vấn đề, tránh tư duy siêu hình, chủ quan, duy ý chí. Đồng thời, các
4
phân tích của đề tài luận án cũng được giải quyết trên quan điểm của Đảng, Nhà
nước ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, luận án đã sử dụng những phương
pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
* Phương pháp thu thập tổng hợp tài liệu hiện có: NCS tiến hành thu thập, hệ
thống hóa và xử lý các nguồn tài liệu đã có từ các sách, báo, tạp chí; Các đề tài, luận
án nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; Báo cáo của các cơ quan trung ương và
địa phương liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở tài liệu thu thập được, NCS
phân tích, chọn lọc, tham khảo, vận dụng, kế thừa các kết quả đó để làm sáng tỏ vấn
đề nghiên cứu. Các tài liệu được sử dụng trong luận án, đều được trích nguồn, liệt
kê rõ ràng, với 120 tài liệu tham khảo.
* Phương pháp điền dã dân tộc học: đây là phương pháp chủ đạo của luận án,
được sử dụng trong khai thác, thu thập các nguồn tư liệu về dòng họ của nhóm
Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa, ở 05 thôn trên địa bàn xã Bạch Ngọc gồm:
Minh Thành, Khuổi Dò, Khuổi Vài, Ngọc Lâm và Ngọc Sơn. NCS vận dụng các thao
tác của phương pháp nghiên cứu này như: quan sát trực tiếp, quan sát tham dự, phỏng
vấn sâu, thảo luận nhóm để thu thập tư liệu, cụ thể như sau:
- Quan sát trực tiếp: NCS xuống cộng đồng, thôn bản, gia đình các dòng họ
thuộc hai nhóm người Hmông Trắng và Hmông Hoa, quan sát kỹ lưỡng cảnh quan,
nhà cửa, các sinh hoạt đời sống hàng ngày, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo
của dòng họ như: ăn, ở, mặc, đi lại, lao động sản xuất, các nghi lễ tang ma, ma trâu,
ma lợn, các nghi lễ cưới xin, sinh hoạt đạo Tin Lành ... NCS vừa quan sát, vừa ghi
chép nhật ký. Đồng thời sử dụng các kỹ thuật như chụp ảnh, vẽ sơ đồ để lưu làm tư
liệu. Thao tác này, thường được NCS sử dụng trong dịp đầu mới đến làm quen địa
bàn, mới gặp gỡ, tiếp cận đối tượng hoặc mới phát hiện vấn đề nghiên cứu. Kết quả
của thao tác quan sát trực tiếp làm cơ sở để chọn lọc những vấn đề cần nghiên cứu
tiếp theo trên thực địa trong thời gian tới, cũng như việc lựa chọn vận dụng phương
pháp, thao tác nghiên cứu phù hợp.
- Quan sát tham dự: Quá trình thực hiện đề tài luận án, NCS đã thiết lập được
mối quan hệ thân thiết với cộng đồng nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa tại
địa bàn nghiên cứu. NCS thường được các hộ gia đình, dòng họ mời dự các sinh hoạt
nghi lễ quan trọng như: đám cưới, hay các nghi lễ tín ngưỡng, trong trường hợp có
5
đám tang cộng đồng cũng thông tin để NCS biết và đến dự. NCS đã quan sát tham dự
các nghi lễ như: Lễ cúng ma trâu, lễ cưới truyền thống, lễ cúng cho trẻ nhanh biết đi,
lễ giải hạn, lễ gọi hồn của họ dòng Giàng, nhóm Hmông Hoa, thôn Minh Thành. Lễ
mừng thọ của hộ gia đình ông Lý Văn Minh (nhóm Hmông Trắng, thôn Khuổi Dò);
Lễ giải hạn của hộ gia đình ông Vàng Mý Sỳ (nhóm Hmông Trắng, thôn Khuổi Dò);
Đám cưới của hộ gia đình họ Giàng, người Hmông Trắng theo đạo Tin Lành ở thôn
Khuổi Vài. Dịp tết âm lịch năm 2017, NCS tham dự tại một số hộ gia đình nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa ở thôn Minh Thành. Với phương châm “3 cùng” là
“cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc”, khi tham dự các sinh hoạt nghi lễ tại cộng đồng,
dòng họ, hộ gia đình của hai nhóm Hmông, NCS được đồng bào coi như thành
viên/khách thân thiết. NCS cũng thực hành các nghi thức trong các nghi lễ theo
hướng dẫn của đồng bào,... Với sự hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục tập quán người
Hmông, đồng thời với mối quan hệ gần gũi với cộng đồng, nghiên cứu sinh đã dần
tiếp cận được đối tượng nghiên cứu từ cái nhìn “bên trong” – “chủ thể”, hạn chế dần
tư duy, lối quan sát từ cái nhìn “bên ngoài” – “khách thể”.
- Phỏng vấn sâu: Để thu thập tài liệu phục vụ đề tài luận án, NCS đã sử dụng
thao tác phỏng vấn sâu. Trên cơ sở nhiệm vụ của đề tài, NCS phỏng vấn nhiều đối
tượng với tiêu chí và nội dung cụ thể như sau:
+ Đối tượng phỏng vấn gồm: Trưởng dòng họ, những người có uy tín trong
dòng họ (người cao tuổi là bậc cha, chú, bà cô, ông cậu, người cầm quyền ma quyền
khách); già làng, trưởng thôn, những người là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đang tham gia
công tác, chủ hộ gia đình, những người hoạt động tín ngưỡng (thầy cúng, thầy kèn,
thấy trống, thầy chỉ đường); Trưởng điểm nhóm Tin Lành, một số chức sắc, chức
việc của các nhóm đạo của các dòng họ ở cả hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.
Trong các đối tượng phỏng vấn có nam, nữ, người già, người trẻ, có độ tuổi, nghề
nghiệp khác nhau.
+ Tiêu chí: Đối tượng phỏng vấn phải là người Hmông của hai nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa; sinh sống hoặc có quan hệ anh em với 06 dòng họ mà đề tài
luận án chọn làm đối tượng nghiên cứu ở 5 thôn của xã Bạch Ngọc. Đồng thời họ
phải là những người am hiểu phong tục tập quán dòng họ, tộc người.
+ Nội dung phỏng vấn: Tập trung vào các nhóm vần đề về quan niệm, sự hình
thành, các dấu hiệu nhận biết, truyền thuyết, kiêng kỵ của các dòng họ; Một số sinh
hoạt dòng họ như: tập tục trong đời sống, cưới xin, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo;
6
Sinh hoạt đạo Tin Lành; Các mối quan hệ dòng họ;... Quá trình thực hiện phỏng vấn
sâu, để trả lời các câu hỏi nghiên cứu của đề tài luận án, NCS đặt những câu hỏi nhỏ,
chi tiết để tìm hiểu và giải thích rõ nguyên nhân, lý do, ý nghĩa của các nội dung
phỏng vấn. Từ đó giải mã những vấn đề ẩn sâu bên trong sự vật, hiện tượng, câu
chuyện... đồng thời tìm ra điểm tương đồng và khác biệt của dòng họ giữa nhóm
Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả, NCS đã thực
hiện được trên 30 cuộc phỏng vấn sâu. Thời gian cuộc phỏng vấn thường là 1 buổi
hoặc 1 ngày, cuộc dài nhất có trường hợp kéo dài 2-3 ngày/cuộc, có những đối tượng,
NCS phỏng vấn sâu nhiều lần.
- Thảo luận nhóm: NCS thường tranh thủ sử dụng thao tác thảo luận nhóm, mỗi
khi có dịp thích hợp. Cơ cấu cuộc thảo luận nhóm phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh
từng lúc, từng nơi. Với các dịp sinh hoạt nghi lễ có nhiều người tham dự, thì sẽ cố
gắng thảo luận nhiều người (5 đến 7 người/nhóm) hoặc tối thiểu là 3 người/nhóm. Có
nhóm nam, nhóm nữ, nhóm hỗn hợp nam - nữ, hỗn hợp độ tuổi, thuần nhóm Hmông
(nghĩa là riêng nhóm Hmông Trắng hoặc nhóm Hmông Hoa); hỗn hợp hai nhóm (có
cả nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa). Thao tác này được sử dụng rất linh
hoạt, thường thảo luận theo một chủ đề nhất định. NCS đặt vấn đề, để các thành viên
tự trao đổi, đồng thời đặt câu hỏi gợi mở và thúc đẩy niềm tự hào, sự hiểu biết của
mỗi cá nhân, để họ thảo luận với tinh thần cởi mở nhất. Thao tác này giúp NCS thu
thập được nhiều thông tin giá trị hữu ích, và làm rõ những vấn đề mà khi thực hiện
phỏng vấn sâu, đối tượng phỏng vấn chưa giải thích rõ hoặc chưa cung cấp đầy đủ
thông tin. Thảo luận nhóm còn là cách kiểm chứng để đảm bảo độ chính xác các
thông tin thu được từ các cuộc phỏng vấn sâu. Chính vì vậy, NCS thường xuyên sử
dụng thao tác này để làm rõ những vấn đề còn chưa hiểu rõ và thiếu thông tin. Kết
quả, NCS đã thảo luận nhóm được trên 20 cuộc.
* Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ các tư liệu thu thập được thông qua
các phương pháp nghiên cứu trên, NCS tiến hành phân tích để làm rõ các nội dung
của đề tài luận án. Qua phân tích giúp NCS luận giải các vấn đề nghiên cứu rõ ràng,
đảm bảo tính khoa học, chính xác. Lập luận có lôgic luận cứ, luận chứng đầy đủ.
Đồng thời với việc phân tích NCS tổng hợp lại toàn bộ tư liệu một cách hệ thống,
theo từng vấn đề. Làm cơ sở đánh giá nguồn từ liệu nào đã đầy đủ, tư liệu nào còn
thiếu, mức độ quan trọng, độ chính xác... từ đó đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu thu thập
tư liệu trong thời gian tiếp theo.
7
* Phương pháp so sánh: để làm rõ vấn đề của đề tài luận án đó là sự giống và khác
nhau giữa dòng họ của nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa, NCS tiến hành so
sánh từng vấn đề, cụ thể gồm: So sánh tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa vật chất (nhà ở, trang
phục), văn hóa tinh thần (sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, cưới xin, tang ma), tổ chức dòng
họ, đặc điểm dòng họ... So sánh trên các phương diện: về thời gian và lịch sử; về không
gian và địa lý; giữa các nguồn tư liệu; giữa các vùng, nhóm người Hmông khác nhau,
nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu đạt mục đích đề ra. Qua so sánh, tìm ra được nguyên
nhân và lý giải sự tương đồng và khác biệt dòng họ của hai nhóm.
* Phương pháp chuyên gia: NCS đã gặp gỡ một số chuyên gia am hiểu về nội
dung đề tài luận án để trao đổi, phỏng vấn, xin ý kiến tư vấn, chỉ dẫn... Đó là các nhà
khoa học, các bậc lão thành, các cán bộ, lãnh đạo là người Hmông đã nghỉ hưu hoặc
đang tham gia công tác, những người có uy tín am hiểu về văn hóa tộc người Hmông...
Thông qua phương pháp chuyên gia, NCS đã kế thừa được rất nhiều kết quả, kinh
nghiệm nghiên cứu và nhiều chỉ dẫn khoa học hữu ích, qua đó tiết kiệm được thời gian
và tranh thủ được trí tuệ, kiến thức của chuyên gia vận dụng vào đề tài luận án.
Để thực hiện các phương pháp nghiên cứu trên có hiệu quả, NCS luôn chú ý
việc lựa chọn các mẫu quan sát, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, theo nguyên tắc
đảm bảo tính đại diện cơ cấu xã hội như: lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, thành
phần, học vấn, điều kiện kinh tế... đó là các yếu tố đảm bảo cho kết quả nghiên cứu
mang tính khách quan và có độ tin cậy. Quá trình vận dụng các phương pháp nghiên
cứu là một nghệ thuật, mỗi đối tượng, vấn đề nghiên cứu đều phải tiếp cận một bằng
phương pháp, thao tác cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp nghiên cứu
phải vận dụng kết hợp nhiều phương pháp mới có thể thu được hiệu quả cao nhất.
4.3. Nguồn tài liệu của luận án
Luận án được hoàn thành chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu mà tác giả thu thập
được qua các đợt điền dã từ năm 2014 đến cuối năm 2018 ở xã Bạch Ngọc, để phân
tích và tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt giữa dòng họ của hai nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa vẫn duy trì các yếu tố văn hóa truyền thống, hay đã cải
đạo theo văn hóa Tin Lành. Ngoài ra, tác giả luận án còn tham khảo ý kiến của các
chuyên gia, các nhà khoa học hiểu biết về vấn đề dòng họ, đồng thời tham khảo các
tài liệu liên quan đến đề tại luận án được thống kê và lưu trữ của các cơ quan, đơn vị
ở Trung ương và địa phương.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
8
- Cung cấp các tư liệu khoa học mới, góp phần làm phong phú thêm hệ thống
tư liệu liên quan đến người Hmông và dòng họ người Hmông.
- Chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của dòng họ ở cả bộ phận vẫn duy
trì văn hóa truyền thống và cải đạo thuộc hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa tại
một địa bàn nghiên cứu cụ thể là xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
- Làm rõ những biến đổi về đặc điểm dòng họ sau khi cải đạo.
- Nhận diện được bản sắc văn hóa dân tộc Hmông thông qua nghiên cứu về
dòng họ trong xã hội đương đại.
- Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học trong quản lý nhà nước đối với
công tác dân tộc - tôn giáo tại vùng người Hmông ở tỉnh Hà Giang. Đề xuất quan
điểm, giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa dòng họ người Hmông.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu chuyên ngành Dân tộc
học và Nhân học với các lý thuyết phù hợp. Nguồn tài liệu được sử dụng là kết quả
nghiên cứu khoa học của nhiều học giả trong và ngoài nước về khoa học xã hội và nhân
văn. Bên cạnh đó luận án còn được bổ sung tài liệu điền dã Dân tộc học tại địa bàn
nghiên cứu. Vì vậy, bên cạnh ý nghĩa cung cấp tài liệu tham khảo về tư liệu, thông tin,
luận án còn mang ý nghĩa khoa học chuyên ngành, do được viết theo cách đưa lý thuyết,
phương pháp nghiên cứu Dân tộc học và Nhân học vào trường hợp cụ thể trên thực địa.
Nội dung đề tài luận án nghiên cứu đặt dòng họ các nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa trong phạm vi, thời gian cụ thể. Đồng thời gắn với việc tìm hiểu việc
thực hiện các cơ chế, chính sách dân tộc – tôn giáo tại địa bàn. Vì vậy, luận án có
giá trị trong việc cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quản lý đánh giá, tổng kết các
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang áp dụng triển khai thực hiện
ở vùng đồng bào dân tộc Hmông.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án là đề tài nghiên cứu so sánh về dòng họ nhóm Hmông Trắng và nhóm
Hmông Hoa đầu tiên tại xã Bạch Ngọc, vì vậy, có những ý nghĩa thực tiễn như sau:
- Nội dung luận án phản ánh trung thực các vấn đề văn hóa dòng họ nhóm
Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa trong bối cảnh đương đại. Kết quả nghiên cứu
chỉ ra những mặt tích cực cần được bảo tồn, phát huy đối với văn hóa dòng họ hai
9
nhóm Hmông, đồng thời cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần được xóa bỏ, thay
đổi trong đời sống sinh hoạt văn hóa đồng bào, thúc đẩy phát triển văn hóa tộc
người và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
- Kết quả nghiên cứu luận án mang giá trị thực tiễn đối với cơ quan quản lý về
công tác dân tộc – tôn giáo và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có người Hmông
cư trú. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, việc ứng xử với bộ phận người Hmông
theo đạo Tin Lành, dưới góc độ quản lý nhà nước trong từng giai đoạn có quan
điểm chỉ đạo và cách giải quyết khác nhau, chủ yếu từ góc độ chính trị mà chưa
quan tâm nhiều đến việc giải quyết vấn đề này từ văn hóa. Với cách tiếp cận và giải
quyết vấn đề từ góc độ văn hóa, luận án bổ sung tư liệu để các nhà quản lý có cơ sở
khoa học tham khảo trong xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước có hiệu
quả về công tác đối với đồng bào Hmông.
- Luận án còn làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu Dân tộc
học, nhân học, văn hóa, tôn giáo…
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, danh mục công trình của tác
giả đã công bố và Phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, khái quát về địa bàn
và tộc người nghiên cứu.
Chương 2. Đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.
Chương 3. Vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.
Chương 4. Giá trị, hạn chế của dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa,
một số vấn đề đặt ra.
10
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT, KHÁI
QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài
Từ thế kỷ XVII, các nhà khoa học Phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về dòng
họ, những người đi đầu đặt nền móng nghiên cứu về dòng họ phải nói đến
Bacophen, Mac Lennan và L.Morgan. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của họ là một
số tộc người sinh sống ngoài các nước Phương Tây. Khi nghiên cứu về lịch sử của
gia đình nguyên thủy, các tác giả này đã phát hiện mối quan hệ thân tộc, quan hệ
hôn nhân và sự phát triển của hình thái gia đình. Các phát hiện trên được tổng hợp
trong tác phẩm kinh điển Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà
nước [54] của Ph.Ănghen. Ông đã trình bày kết quả nghiên cứu của L.Morgan theo
quan điểm duy vật lịch sử. L.Morgan đã phát hiện tính thân tộc và đặc điểm (tục lệ)
của thị tộc (dòng họ) khi nghiên cứu về thị tộc Irôqua (mẫu hệ) và thị tộc Hy Lạp
(phụ hệ). Đó là những tục lệ về bầu và bãi miễn tù trưởng, nguyên tắc hôn nhân, sở
hữu tài sản, quan hệ tương trợ, tín ngưỡng tôn giáo, tên gọi, quyền lực... và bước
đầu, ông đã đưa ra khái niệm về thân tộc (gens). Tuy nhiên, trong khuôn khổ nội
dung tác phẩm L.Morgan mới chỉ luận giải một vài vấn đề liên quan đến dòng họ và
chế độ thân tộc ở một số tộc người cổ đại, nên chưa mang tính hệ thống. Nhưng
những nghiên cứu của L.Morgan đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của
một số môn khoa học sau này, trong đó có Dân tộc học và Nhân học.
Các học giả phương Tây khi nghiên cứu về mô hình quan hệ dòng họ trong
hệ thống thân tộc cho rằng: Các dòng họ được xác định bằng mối quan hệ tổ tiên, vì
vậy chúng có một bề dày thời gian. Nguyên tắc quan hệ dòng họ bao gồm sự truyền
lại và kết hợp; tư cách thành viên được truyền qua mối liên hệ cha mẹ - con cái và
liên kết những người này thành một nhóm xã hội. Trong một số xã hội, tư cách
thành viên trong một dòng họ sẽ quyết định cách thức người ta được huy động để
phục vụ cho hành động xã hội. Có hai cách chính mà người ta thiết lập nên dòng họ:
Cách thứ nhất, dòng họ được thiết lập bởi những người tin rằng, họ liên hệ với nhau
bằng một quan hệ như nhau thông qua bên mẹ và bên cha. Điều này có nghĩa là, họ
tin rằng, những mối quan hệ họ có với phía bên cha cũng giống như những mối
quan hệ họ có với phía bên mẹ. Các nhà nhân học gọi cách tính dòng họ như thế là
11
song hệ. Cách thứ hai, được gọi là dòng họ đơn hệ, được xây dựng trên giả định
rằng, những mối quan hệ thân thuộc quan trọng nhất phải được tính qua hoặc phía
cha hoặc phía mẹ. Những dòng họ này gồm những người có liên hệ với nhau chỉ
thông qua những người nam hoặc chỉ thông qua những người nữ. Đây là loại dòng
họ thông thường nhất trên thế giới hiện nay. Các dòng họ đơn hệ hình thành từ
những quan hệ thông qua phía cha thì được gọi là dòng họ phụ hệ và những dòng họ
dựa trên những quan hệ thông qua phía mẹ thì được gọi là dòng họ mẫu hệ [18].
Những quan điểm trên được trình bày trong cuốn sách Nhân học một quan điểm về
tình trạng nhân sinh. Tuy nhiên chủ yếu được luận giải chuyên sâu về lý thuyết, nên
chỉ có thể tham khảo làm cơ sở nền tảng trong nhận thức về vấn đề dòng họ và thân
tộc ở góc độ lý thuyết Nhân học.
Công trình nghiên cứu Bức khảm văn hóa Châu Á [20] của Grant Evans, đã
trình bày một cách hệ thống về lý thuyết cũng như những vấn đề chung và các vấn đề
cụ thể của ngành Nhân học, được phân tích trên cơ sở của các dẫn liệu dân tộc học
thu thập từ thực địa ở Châu Á. Cuốn sách giành riêng chương 5, phân tích về tổ tiên
và bà con thông gia, quan hệ họ hàng bên ngoài gia đình. Từ tư liệu nghiên cứu về
các gia đình Châu Á, các nhà khoa học phương Tây thấy rằng, có hai loại họ hàng
được tạo ra: họ hàng sinh học hoặc là huyết tộc và họ hàng tạo ra qua hôn nhân hoặc
là quan hệ thân thuộc với họ nhà vợ hay họ nhà chồng. Họ đã sử dụng lý thuyết dòng
họ và lý thuyết thông gia để phân tích về hôn nhân và thông gia đối với trường hợp
người Hmông ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Khi phân tích về các quan hệ hôn nhân
cư trú bên chồng, các tác giả này chỉ ra bốn loại dòng họ: (1). Dòng họ thuộc cùng
một thị tộc (không thể tiến hành hôn nhân trong thị tộc do có quy tắc ngoại hôn); (2).
Dòng họ cho vợ đi, người vợ ra khỏi dòng họ; (3). Dòng họ nhận vợ về, người vợ
chuyển về dòng họ; (4). Những dòng họ khác không có quan hệ gì đặc biệt. Cuốn sách
viết theo hình thức đưa lý thuyết Nhân học vào phân tích các trường hợp cụ thể, qua đó
chúng ta học được cách vận dụng lý thuyết để luận giải các trường hợp nghiên cứu.
Tuy nhiên, do nội dung tự liệu bao trùm diện rộng - toàn Châu Á, nên các phân tích về
dòng họ và thân tộc mặc dù có những ví dụ cụ thể về người Hmông nhưng cũng chỉ
mang tính điểm qua.
Nhà Nhân học người Mỹ, Robert Lowie với công trình Luận về xã hội học
nguyên thủy [63], gồm 15 chương, đã tập trung trình bày về các vấn đề như: hôn
nhân, gia đình, thị tộc, quan hệ họ hàng, tài sản, tổ chức xã hội, chính quyền, pháp
luật... Mặc dù, đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các thổ dân Da Đỏ ở châu Mỹ và
12
khảo cứu các xã hội nguyên thủy. Nhưng với cách tiếp cận bằng phương pháp
nghiên cứu chuyên ngành và vận dụng lý thuyết chức năng để làm rõ các quan hệ
dòng họ, họ hàng hai bên (họ nội, họ ngoại). Công trình thực sự có giá trị đối với
luận án trong việc vận dụng lý thuyết Nhân học vào quá trình nghiên cứu.
Đối với các nghiên cứu về người Hmông, tác giả luận án thừa kế các công
trình nghiên cứu: Lịch sử người Mèo [19] của F.M. Savina, trình bày về nguồn gốc,
sự hình thành tộc người Hmông. Đây là một trong những tài liệu hiếm hoi có sự so
sánh, tác giả đã so sánh thuyết hình hành vũ trụ của người Hmông với một số dân
tộc cổ đại, thấy giống hệt truyền thuyết của người Chaldéc, người Lô Lô và có điểm
tương đồng với những câu truyện kể trong chương đầu của cuốn sách “sáng tạo thế
giới” (Genèse). Ngoài ra, F.M. Savina còn so sánh về trang phục giữa nhóm Hmông
Trắng với các nhóm Hmông khác.
Tác giả Guy Morechand, trong công trình Những đặc điểm của thuật saman
của người Mèo Trắng ở Đông Dương [22], đã mô tả chi tiết về đặc điểm thuật
saman của nhóm Hmông Trắng, với những nghi lễ như lên đồng, bói toán và gọi
hồn... Tác giả phát hiện thuật ra sa man của người Hmông Trắng có sự tương đồng
với đặc điểm cấu trúc của thuật sa man Châu Á, đồng thời nhận định rằng, nguồn
gốc của người Hmông Trắng có mối liên quan đến vùng Trung Á. Khi phân tích tổ
chức chính trị của người Hmông, tác giả đã đề cập đến vấn đề dòng họ, quan hệ của
những người cùng họ và bước đầu đưa ra khái niệm dòng họ với tên gọi là
“Xeem”... Tuy nhiên, do nghiên cứu chủ yếu tập trung vào thuật sa man nên vấn đề
dòng họ chưa được đề cập sâu. Nhưng tài liệu lại có giá trị đối với luận án khi tiến
hành nghiên cứu so sánh, do tập trung nghiên cứu sâu về nhóm Hmông Trắng, nên
trở thành tư liệu để so sánh với nhóm khác. Hơn nữa, việc phát hiện một số đặc
điểm văn hóa của các nhóm Hmông, nhất là về tên gọi của mỗi nhóm được phân
biệt theo trang phục của nữ giới,... là cơ sở để tham khảo trong việc so sánh văn hóa
giữa các nhóm Hmông [22, tr.4].
Nghiên cứu về Một làng người Hmông Xanh ở Thượng Lào [36] của Jacques
Lemoine đã mô tả về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, gia đình, hôn nhân, hệ thống thân
thích của người Hmông Xanh ở làng Pha hok. Trong đó, vấn đề dòng họ được trình
bày riêng và phân tích khá tỷ mỷ, từ cách nhận anh em, một số kiêng kỵ, đến các
mối quan hệ, cũng như nguyên tắc ứng xử... Để làm rõ các thuật ngữ chỉ quan hệ
dòng họ, tác giả đã liệt kê hệ thống thuật ngữ thân thích, đồng thời so sánh hệ thống
thuật ngữ này giữa phương ngôn Hmông Xanh và Hmông Trắng. Mặc dù cuốn sách
13
chủ yếu nghiên cứu về nhóm Hmông Xanh tại một làng, nhưng lại có giá trị đối với
vấn đề nghiên cứu so sánh về mặt thuật ngữ thân thích, cũng như vấn đề dòng họ
đối với đề tài luận án.
Cuốn sách Hmong: History of a people (Hmông: Lịch sử một dân tộc) của
Keith Quincy [39] là một nghiên cứu được phân tích tổng hợp từ nhiều tư liệu liên
quan đến người Hmông trên thế giới. Nội dung được chia làm 11 chương, phán ánh
về nguồn gốc và những biến cố quan trọng trong tiến trình lịch sử tộc người này.
Tuy chưa đề cập sâu đến vấn đề dòng họ, nhưng việc phân tích về truyền thuyết đã
cung cấp tư liệu tham khảo cho luận án ở góc độ tìm hiểu sự hình thành các dòng
họ. Đặc biệt ở truyền thuyết lý giải về sự phân nhóm địa phương (05 nhóm) của
người Hmông, mà cách thức để phân biệt nhóm thông qua trang phục, có ý nghĩa
trong việc khẳng định chức năng của trang phục đối với việc phân loại nhóm và
cũng là cơ sở để so sánh sự khác biệt giữa các nhóm địa phương.
Một nghiên cứu có tính tổng hợp khác của Gary Lee và Nick Tapp với bài
viết Các vấn đề về dân tộc Hmông hiện nay: 10 điểm chính [20], đã đưa ra các vấn
đề cần làm sáng tỏ về người Hmông. Mặc dù các phân tích rất khái quát, nhưng
cũng đã đề cập đến vấn đề dòng họ (luận điểm 5), chỉ ra cách thức người ta xác định
mối quan hệ họ hàng. Đồng thời làm rõ mặt tiêu cực của tâm lý cố kết dòng họ
người Hmông, điểm mà người bên ngoài dễ lợi dụng gây tổn hại tới tộc người. Năm
2010 hai tác giả đồng chủ biên một công trình chuyên khảo, đề cập tới những khía
cạnh khác nhau về người Hmông ở nước Úc [106].
Nixholas Tapp với cuốn sách Chủ quyền và nổi loạn người Hmông
Trắng ở miền Bắc Thái Lan [49]. Với mục đích nghiên cứu quá trình đồng hóa
của người Hmông trở thành thành viên của các nền văn hóa khác nhau. Tác giả
đã trình bày về tình trạng tiến thoái lưỡng nan về kinh tế, chính trị, tôn giáo
vùng người Hmông Trắng ở miền Bắc Thái Lan; Sự phản kháng của người
Hmông Trắng và cuộc nổi loạn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Vấn đề
dòng họ người Hmông được mô tả và phân tích khá sâu, tại làng tiêu điểm có
tên là Nomya, các mối quan hệ họ hàng được phác họa bằng giản đồ cây phả
hệ. Mặc dù tài liệu chỉ tập trung nghiên cứu điểm - một nhóm địa phương,
nhưng đã làm rõ những vấn đề nổi cộm trong đời sống người Hmông nói chung
ở các nước Đông Dương. Nhất là về vấn đề sản xuất và phá bỏ cây thuốc phiện,
hay quá trình người Hmông trở thành tộc người của một quốc gia, sự xâm nhập
của các tôn giáo mới (Công Giáo, Tin Lành). Với cách tiếp cận chuyên ngành
14
Dân tộc học, cuốn sách thực sự có giá trị tham khảo đối với luận án về mặt
phương pháp nghiên cứu và tư liệu so sánh giữa các nhóm Hmông.
Prasit Leepreecha với nghiên cứu chuyên sâu về Dòng họ và bản sắc của
người Hmông ở Thái Lan [113], đã phân tích khá cụ thể về thiết chế xã hội mà
người Hmông gọi là “xênhv” và cho rằng, xã hội Hmông cả trong truyền thống
và hiện nay được điều tiết bởi các mối quan hệ có tính cố kết rất bền chặt, đó là
tổ chức dòng họ.
Người Hmông từ lâu đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu
Trung Quốc. Tác giả Nhan Ân Tuyền với bài viết Trang phục truyền thống và
cách tân của người Hmông tỉnh Vân Nam, cho rằng hàng ngàn năm nay, người
Hmông từ lưu vực sông Hoàng Hà vượt qua núi cao. Sông sâu, tiến vào vùng
đất Tây Nam và Trung Nam – Trung Quốc, trong đó có một bộ phận di cư sang
các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma…[50]. Cũng trong
công trình đồ sộ này tác giả Cổ Văn Phượng với bài viết Văn hóa và kỹ thuật
dệt lanh của người Hmông – Vân Nam đã giới thiệu một cách ấn tượng về một
số tập tục liên quan đến vải lanh và quần áo vải lanh trong tang lễ của người
Hmông. Các bài viết này có giá trị đối với đề tài luận án trong việc so sánh về
trang phục giữa các nhóm Hmông, đặc biệt còn thấy được điểm tương đồng
trong văn hóa dệt vải lanh đối với tộc người Hmông ở Trung Quốc và ở Việt
Nam [50].
Bên cạnh đó còn có một số công trình đã được công bố về người Hmông
có liên quan đến vấn đề tôn giáo, chẳng hạn như: Vayong Moua, Hmông
Christianity: Conversion, Consequnence and Conflict, (người Hmông Thiên Chúa:
Chuyển đổi, hậu quả và xung đột) [119]. Đây là công trình được tác giả công bố dựa
trên kết quả nghiên cứu nhiều năm về người Hmông ở Lào, chuyển đổi tín ngưỡng
sang Thiên Chúa. Hay như James Flewis, đã công bố công trình Messianism as A
Factor in Vietnam’s Hmông Mass Conversion to Christianity (Cứu thế như một
nhân tố đổi mới của người Hmông Việt Nam chuyển sang Thiên Chúa giáo: từ
1990-2005) [109].
1.1.2. Nghiên cứu của các tác giả trong nước
1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu chung về dòng họ của một số dân tộc thiểu
số ở các tỉnh miền núi phía Bắc
15
Nghiên cứu về dòng họ điển hình có các nhà nghiên cứu như Ngô Đức Thịnh
với bài viết Dòng họ trong đời sống xã hội hiện nay [78], đã phân tích sâu về bản chất
của dòng họ và khẳng định sự phát triển “phục hưng” của dòng họ trong những thập
niên gần đây, đồng thời chỉ ra những tác động tích cực, tiêu cực đối với con người và
xã hội. Tuy không đề cập nghiên cứu riêng về tộc người nào, nhưng bài viết đã cung
cấp kiến thức chung nhất về lý luận và thực tiễn để tiếp cận nghiên cứu về vấn đề
dòng họ trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn có bài viết Cơ sở kinh tế và thể chế tông
pháp của dòng họ người Việt [9], trong đó đã tập trung phân tích về thể chế dòng họ
của người Việt, với các quy tắc ứng xử, quan hệ họ hàng (trách nhiệm/nghĩa vụ),
phân biệt ngôi thứ trong quan hệ huyết thống... các quy định trong việc thực hiện
Thọ Mai Gia Lễ. Đồng thời, trong công trình này đã so sánh thể chế dòng họ người
Việt với Trung Quốc, Nhật Bản thông qua một số bộ luật của các triều đại phong
kiến, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt. Sự tồn tại, phát triển của thể chế
dòng họ được tác giả luận giải một cách biện chứng từ việc chia và kế thừa tài sản,
cho thấy vấn đề nghiên cứu được vận dụng chặt chẽ quan điểm của C.Marx (mọi
vấn đề đời sống xã hội đều chịu sự chi phối của kinh tế). Do đó, bên cạnh giá trị về
mặt tư liệu, bài viết còn mang giá trị về mặt phương pháp luận để tham khảo nghiên
cứu về dòng họ các tộc người ở Việt Nam.
Nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn có những nghiên cứu tiêu biểu sau:
Bài viết Bàn về dòng họ người Việt [95], nội dung xoay quanh khái niệm, cách
hiểu về họ và quan niệm ba họ (họ nội, họ ngoại, họ vợ). Mặc dù, đối tượng nghiên
cứu là người Việt, nhưng bài viết được tác giả tiếp cận bằng phương pháp nghiên cứu
dân tộc học, các mối quan hệ thân tộc được phân tích chi tiết với ví dụ cụ thể và minh
họa bằng sơ đồ. Qua đó cung cấp kiến thức cơ bản về nghiên cứu thân tộc, dòng họ.
Một nghiên cứu khác của Đặng Nghiêm Vạn về Dòng họ, gia đình các dân tộc
ít người trước sự phát triển hiện nay [94]. Bài viết đã phản ánh một cách tổng quát,
về thực trạng tình hình gia đình và dòng họ các dân tộc thiểu số nước ta từ nửa cuối thế
kỷ XIX. Dưới tác động của bối cảnh lịch sử, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa... làm
cho chức năng xã hội và giá trị truyền thống của gia đình và dòng họ các dân tộc thiểu số
ở nước ta có những biến đổi, xáo trộn mạnh mẽ, theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu
cực. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra quan điểm đối với việc cải tạo gia đình và dòng họ các
DTTS, với nguyên tắc phải tôn trọng các giá trị nền tảng về đạo đức, bình đẳng giới, tính
16
nhân văn... Mục tiêu hướng đến là xây dựng gia đình, dòng họ thành đơn vị ổn định, tạo
động lực phát triển xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù
bài viết mang tính tổng quát, nhưng có giá trị về cả lý luận và thực tiễn trong quan điểm
phát triển và cải tạo chức năng gia đình và dòng họ đồng bào DTTS.
Công trình Tàn dư văn hóa nguyên thủy liên quan đến dòng họ, gia đình, hôn
nhân người Khơ Mú [93] của Đặng Nghiêm Vạn là một trong những công trình hiếm
hoi nghiên cứu về tộc người Khơ Mú thời điểm trước cách mạng Tháng Tám. Qua
phân tích các tên họ của người Khơ mú, tác giả phát hiện có nhiều tên họ bắt nguồn
từ các loài động vật hoặc thực vật nào đó. Mỗi tôtem dòng họ đều có huyền thoại để
lý giải và những kiêng kỵ riêng. Mặc dù bài viết có phạm vi nghiên cứu dòng họ
người Khơ Mú, nhưng với việc đi sâu phân tích về tôtem và phát hiện dấu vết liên
minh ba thị tộc trong quan hệ dòng họ, đã cung cấp cho chúng ta phương pháp tiếp
cận khi nghiên cứu dòng họ, luôn cần phải xem xét đến yếu tố lịch đại.
Công trình Tín ngưỡng dòng họ với cố kết tộc người ở các dân tộc Hmông và
Khơ Mú [80] của Nguyễn Văn Toàn đi sâu tìm hiểu về tín ngưỡng dòng họ với sự cố
kết tộc người của hai tộc người trên, tác giả nhận thấy rằng: các dòng họ của người
Khơ Mú không được tổ chức chặt chẽ như ở người Hmông. Tuy nhiên, tín ngưỡng
dòng họ là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì sự cố kết tộc người. Mặc dù,
đây là một nghiên cứu chuyên đề mang tính chất điểm về người Hmông và người
Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhưng với việc so sánh chỉ ra sự thống
nhất và khác biệt trong tín ngưỡng dòng họ hai tộc người này, góp phần làm rõ hơn
tín ngưỡng dòng họ người Hmông nên có giá trị tham khảo đối với luận án.
Luận án tiến sĩ của Lê Minh Anh với đề tài Quan hệ dòng họ của người Nùng
Phàn Slình [1], là một nghiên cứu điểm tại xã Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cùng với việc
làm rõ quan niệm, đặc điểm và cấu trúc dòng họ người Nùng Phàn Slình, luận án đã
phân tích sâu các mối quan hệ dòng họ. Mặc dù đối tượng nghiên cứu là người Nùng,
nhưng công trình có giá trị về mặt phương pháp và cách tiếp cận khi nghiên cứu về
dòng họ dưới góc độ chuyên ngành Nhân học.
1.1.2.2. Các nghiên cứu về dòng họ người Hmông
Tác giả Phạm Quang Hoan có nhiều công trình nghiên cứu sâu về dòng họ của
người Hmông, trong đó phải kể đến các bài viết: Vai trò của thiết chế xã hội truyền
thống trong việc quản lý nguồn tài nguyên cộng đồng của người Hmông [31], tập
17
trung trình bày hai loại hình tổ chức xã hội truyền thống cơ bản là bản làng và dòng
họ, phân tích sâu vai trò của các thiết chế xã hội đó đối với việc quản lý xã hội và các
nguồn tài nguyên; Một số nghi lễ liên quan đến dòng họ người Hmông huyện Kỳ Sơn,
Nghệ An [32]; Một số nghi lễ phản ánh bản sắc và tính cố kết dòng họ của người
Hmông [34] giới thiệu về một số nghi lễ quan trọng của dòng họ người Hmông như:
lễ cúng thi su (lễ đuổi tà ma), nhu đa (lễ cúng ma bò)... Các nghiên cứu chuyên đề
này góp phần làm rõ đặc điểm văn hóa và thiết chế dòng họ người Hmông. Một
nghiên cứu khác mang tính tổng hợp của Phạm Quang Hoan và một số tác giả là Đặc
trưng văn hóa và truyền thống cách mạng các dân tộc ở Kỳ Sơn – Nghệ An [33].
Trong nghiên cứu này, các tác giả giành riêng một chương để giới thiệu về dân tộc
Hmông trên các lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, tổ chức xã hội, tổ chức
dòng họ, nghi lễ vòng đời... Công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp này đã cung
cấp thêm tư liệu về người Hmông và dòng họ người Hmông ở các địa phương trên
các vùng miền khác nhau của nước ta.
Tác giả Vương Duy Quang có những nghiên cứu tiêu biểu sau: Quan hệ dòng
họ trong xã hội người Hmông [57] đã phản ánh sâu sắc quan niệm, triết lý và chỉ ra
những mặt tích cực và hạn chế về dòng họ người Hmông; Công trình Văn hóa tâm
linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại [59], đã khảo cứu sâu
về tín ngưỡng truyền thống và những biến đổi của nó trong đời sống tâm linh người
Hmông. Tác giả trình bày mục riêng để giới thiệu về dòng họ qua hệ thống thân tộc,
tổ chức dòng họ, các mối quan hệ dòng họ và các lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến
dòng họ. Công trình có giá trị tham khảo đối với luận án ở cả lĩnh vực dòng họ và
đời sống tâm linh.
Nhà dân tộc học Nguyễn Ngọc Thanh với bài viết Những quy ước của người
Hmông [70], đã giới thiệu chi tiết vệ các quy ước trong tục lệ của cộng đồng dòng họ
người Hmông như: sử dụng đất đai, nguồn nước, bảo vệ mùa màng và chăn nuôi, xử
phạt tội trộm cắp, ngoại tình và ly hôn... Mặc dù, nghiên cứu chỉ tập trung giới thiệu
về các quy ước, nhưng những phân tích đã làm rõ giá trị của thiết chế dòng họ, làng
bản trong quản lý xã hội. Công trình Thiết chế xã hội và vai trò của người có uy tín ở
người Hmông tỉnh Sơn La [25] nghiên cứu về gia đình, dòng họ, những tổ chức quan
phương và phi quan phương trong xã hội truyền thống, để tìm hiểu vai trò của người
có uy tín trong đồng bào dân tộc Hmông. Những nghiên cứu này, đã bổ sung tư liệu
tham khảo cho luận án, khi tìm hiểu về thiết chế dòng họ truyền thống của người
Hmông Trắng và người Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc.
18
Một số tài liệu về tổ chức dòng họ của dân tộc Mèo ở Bắc Hà – Lào Cai [5]
của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Lào Cai, đã cung cấp những tư liệu rất chi tiết và
thực tế về quan niệm, tổ chức, các quan hệ, vai trò, kiêng kỵ của một số dòng họ
người Hmông. Tài liệu hữu ích trong việc so sánh với dòng họ truyền thống giữa
các nhóm Hmông.
Cư Hoà Vần – Hoàng Nam, với cuốn sách Dân tộc Hmông ở Việt Nam [96];
Công trình Người Hmông đôi nét về sinh hoạt tộc người [97] của Từ Ngọc Vụ; Chu
Thái Sơn (chủ biên) cuốn sách Người Hmông [66] là những công trình nghiên cứu
mang tính tổng hợp chung nhất giới thiệu về tộc người Hmông ở Việt Nam. Tuy
nhiên, trong nội dung của các công trình này đều giành riêng một phần giới thiệu về
tổ chức dòng họ của người Hmông, qua đó cho thấy vị trí, cũng như tầm quan trọng
của thiết chế dòng họ đối với tộc người này. Các nghiên cứu trên đã cung cấp tư
liệu và những vấn đề chung nhất khi tìm hiểu về người Hmông và dòng họ người
Hmông ở nước ta.
Nghiên cứu về người Hmông trên từng địa bàn cụ thể có các công trình: Văn
hóa người Hmông ở Nghệ An [41], của Hoàng Xuân Lương. Đây là một nghiên cứu
mang tính ứng dụng, không chỉ giới thiệu về các khía cạnh văn hóa của người
Hmông, mà còn đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa người
Hmông ở tỉnh Nghệ An. Với đối tượng nghiên cứu chính là nhóm Hmông Trắng
(chiếm 95% người Hmông ở Nghệ An), cuốn sách cung cấp tư liệu so sánh giữa
nhóm Hmông Trắng ở Nghệ An và các địa phương khác.
Công trình Văn hoá Hmông [65] của Trần Hữu Sơn, giới thiệu về người
Hmông ở tỉnh Lào Cai, chủ yếu là nhóm Hmông Hoa (Hmông Lềnh). Trong đó tập
trung mô tả chi tiết các đặc điểm về văn hóa tinh thần của tộc người. Tác giả giành
riêng một mục để phân tích về tổ chức và quan hệ xã hội, trong đó có vấn đề dòng
họ. Đây là một trong những tài liệu hiếm hoi viết chủ yếu về nhóm Hmông Hoa, có
giá trị tham khảo đối với luận án, nhất là trong việc so sánh giữa hai nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa.
Tập thể tác giả Trường Lưu – Hùng Đình Quý với cuốn sách Văn hoá dân tộc
Hmông Hà Giang [44], đã cho thấy diện mạo văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, đời
sống tín ngưỡng, tôn giáo... của dân tộc Hmông ở tỉnh Hà Giang, nhưng chủ yếu tập
trung ở nhóm Hmông Trắng. Vấn đề dòng họ được phân tích gắn với các quan hệ trong
đời sống xã hội, giúp người đọc hiểu rõ người Hmông Trắng nơi đây.
19
Đậu Tuấn Nam có cuốn sách chuyên khảo Di cư tự do của người Hmông từ
đổi mới đến nay [48], đã trình bày khái quát về lịch sử, sự phân bố tộc người, thực
trạng, nguyên nhân và ảnh hưởng của vấn đề di cư tự do đối với người Hmông từ
năm 1986 đến nay. Khi trình bày về nguyên nhân di cư, tác giả đề cập đến vấn đề
quan hệ gia đình, dòng họ của tộc người Hmông ở địa bàn miền núi hai tỉnh Thanh
Hóa và Nghệ An.
Gần đây, Võ Thị Mai Phương và nhóm tác giả đã xuất bản cuốn sách Biến
đổi văn hóa tinh thần của người Hmông di cư ở Đăk Lắk [53], trong đó tập trung
làm rõ bức tranh về đời sống văn hóa của người Hmông, di cư từ các tỉnh phía Bắc
vào tỉnh Đắk Lắk trong truyền thống và quá trình biến đổi các khía cạnh của đời
sống văn hóa tinh thần. Nhóm tác giả đã cho thấy những đặc điểm văn hóa đặc
trưng của tộc người, chỉ ra các yếu tố tác động và xu hướng biến đổi văn hóa tinh
thần của người Hmông thời gian tới. Trên cơ sở đó, đã đề xuất những kiến nghị và
giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa của người Hmông trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập hiện nay. Tuy cuốn sách không đề cập trực tiếp đến
vấn đề dòng họ của người Hmông, nhưng đây là nguồn tư liệu có giá trị để tác giả
luận án có những đánh giá và so sánh trong nghiên cứu của mình.
Nguyễn Văn Minh và Hồ Ly Giang có bài viết Một số vấn đề thực tiễn về
đạo Tin Lành ở các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay [45], khái quát về thực
trạng, nguyên nhân và những ảnh hưởng của đạo Tin Lành tới các dân tộc thiểu số
vùng Tây Bắc, trong đó có người Hmông, đồng thời cũng phân tích ảnh hưởng của
đạo Tin Lành tới quan hệ cộng đồng, dòng họ và gia đình.
Một số bài viết của Nguyễn Thị Song Hà, Hồ Xuân Định, Nghi lễ chu kỳ đời
người của người Hmông [27], Rites in the lifimte of Hmong people [28]; Nguyễn
Thị Song Hà, Tác động của luật tục đối với quản lý xã hội người Hmông ở vùng
Tây Bắc Việt Nam [29], trong đó miêu tả một số sự khác biệt trong văn hóa, nghi lễ
của một số dòng họ và vị trí, vai trò của dòng họ trong quản lý xã hội ở cộng đồng
người Hmông vùng Tây Bắc.
Nguyễn Văn Thắng có một số đề tài như: Sự phân chia bên trong ở người
Hmông [72] với đối tượng nghiên cứu là các nhóm Hmông Hoa, Hmông Đen,
Hmông Trắng tại một thôn thuộc tỉnh Đắc Lắk. Tác giả đưa ra các dạng phân chia
trong nội bộ tộc người Hmông, từ những năm 1980 trở lại đây, gồm các hình thức:
sự phân tách tộc người – văn hóa, sự phân tầng kinh tế - xã hội và sự phân chia tôn
giáo, đã dẫn tới những biến đổi trong bản sắc văn hóa tộc người. Nghiên cứu có giá
20
trị đối với việc tìm hiểu nguyên nhân phổ quát, dẫn đến những biến đổi văn hóa của
các nhóm địa phương người Hmông, dưới tác động của qua trình hiện đại hóa/toàn
cầu hóa. Cuốn sách Giữ “Lý cũ” hay theo “Lý mới” bản chất của những cách phản
ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin Lành [73],
đã phân tích tác động của đạo Tin Lành đối với đời sống văn hóa, xã hội truyền
thống của người Hmông thông qua nghiên cứu điểm, tại một số tỉnh có đông người
Hmông cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hà Giang. Các phân
tích đều gắn liền với nghi lễ dòng họ truyền thống (lý cũ) và vấn đề cải đạo theo Tin
Lành (lý mới). Nghiên cứu là tư liệu để so sánh giữa dòng họ truyền thống và dòng
họ cải đạo theo Tin Lành trong các nhóm người Hmông ở xã Bạch Ngọc.
Tác giả luận án có các nghiên cứu như: Dòng họ của người Hmông Trắng ở xã
Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang [12], trong đó tập trung khảo cứu sâu về 5
dòng họ, đồng thời làm rõ các mối quan hệ và vai trò của dòng họ người Hmông
Trắng tại điểm nghiên cứu; Bài viết Vai trò của người có uy tín trong dòng họ Mông
Trắng [11], Trống và khèn của người Mông [10], nội dung các bài viết đều phản ánh
các vần đề liên quan đến dòng họ người Hmông ở Hà Giang. Luận án tiến sĩ Nhân
học về Dòng họ của người Hmông Trắng tỉnh Sơn La [26] của Hồ Ly Giang, đã phân
tích làm rõ các mối quan hệ và vai trò của dòng họ trong đời sống cộng đồng người
Hmông Trắng ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đồng thời có so sánh
với một số địa phương khác. Luận văn thạc sỹ của Mua Hồng Sinh với đề tài Tang
ma dòng họ Giàng người Hmông Trắng, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
[64], đã tập trung trình bày về các nghi lễ trong tang ma của một dòng họ và có so
sánh với dòng họ khác trong nhóm Hmông Trắng trên địa bàn nghiên cứu. Các
nghiên cứu trên có đối tượng là người Hmông Trắng, nên đã góp phần bổ sung thêm
nguồn tư liệu để so sánh với các nhóm Hmông khác.
Từ tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án cho thấy rằng,
vấn đề dòng họ của một số tộc người trên thế giới và dòng họ của các tộc người ở
Việt Nam, trong đó có người Hmông ở một số địa phương thuộc các tỉnh miền núi
phía Bắc, đã được nghiên cứu một cách độc lập và tổng thể. Trong đó một số nghiên
cứu đi sâu vào trình bày và phân tích những vấn đề cấu thành thiết chế dòng họ của
tộc người Hmông hay một nhóm cụ thể của tộc người này. Qua đó cung cấp cho
chuyên ngành Dân tộc học/ Nhân học bức tranh tương đối toàn diện, về dòng họ của
người Hmông trong xã hội truyền thống, cũng như vai trò của nó trong đời sống tộc
người. Những vấn đề được đề cập trong các công trình nghiên cứu trên là nguồn tài
21
liệu tham khảo có giá trị cho đề tài luận án. Tuy nhiên, việc đi sâu nghiên cứu so sánh
dòng họ giữa các nhóm Hmông khác nhau ở Việt Nam và tại một địa bàn cụ thể còn
là một khoảng trống, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào
trên cả góc độ truyền thống và biến đổi.
1.2. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu
1.2.1. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài
* Dòng họ
Theo Đặng Nghiêm Vạn, dòng họ có thể hiểu theo 3 nghĩa sau: (1). Là những
người cùng mang một tên họ, mà không chắc gì hay có một chứng cớ gì có chung một
nguồn gốc; (2). Là những thành viên mang cùng tên họ, được biết chắc chắn là có cùng
nguồn ngốc từ một thủy tổ chung; (3). Là những người thuộc một tông tộc, tức là cùng
thuộc về một ông tổ 5 đời gọi nôm na là chi họ [95].
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho rằng, dòng họ là một thực thể xã hội
mang tính phổ quát của loài người, nó hình thành trên cơ sở quan hệ huyết thống của
một quần thể người nhất định thể hiện qua ý niệm về dòng dõi từ một ông tổ chung,
do vậy dòng họ là một thực thể vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội [78].
Dòng họ là một đơn vị xã hội trường tồn mà các thành viên của nó tự cho là
xuất thân từ một tổ tiên xác định căn cứ vào quan hệ phả hệ và con cháu được nhận
biết rõ ràng [37, tr. 258].
Mặc dù trên thực tế có nhiều loại hình dòng họ khác nhau và mỗi loại hình có
quy tắc liên kết riêng, nhưng cũng có những đặc điểm chung nhất là bản chất hợp
nhất của dòng họ đó là: (1). Một dòng họ là một nhóm hợp nhất duy trì từ thế hệ này
qua thế hệ khác cho dù các thành viên của nó có được sinh ra thêm hay là qua đời. Về
mặt biểu đồ, một dòng họ có khuynh hướng tạo thành một kim tự tháp, vì khi số
lượng các thế hệ hậu sinh gia tăng thì số người họ hàng vì vậy cũng tăng lên. Tổ tiên
của dòng họ, nhân vật để từ đó xác lập phả hệ của dòng họ, phải là nhân vật có thật và
được xác định; (2). Dòng họ có tầm quan trọng trong thực tiễn và tâm lý to lớn trong
cuộc sống thành viên. Nó đóng vai trò liên kết các cá nhân có mối quan hệ huyết
thống chung lại với nhau và chi phối mạnh mẽ đối với mối quan hệ hôn nhân và gia
đình. Không những thế dòng họ còn xác định trách nhiệm và những ràng buộc, theo
những quy tắc nhất định giữa các thành viên. Trong đó, tiêu biểu nhất là những
nguyên tắc về sở hữu tài sản và nguyên tắc hôn nhân; (3). Thường thì tất cả các thành
viên trưởng thành cùng một giới trong một dòng họ có cùng một dạng thức cư trú.
22
Hoặc là họ sống cùng địa phương hoặc là sống phân tán. Dòng họ sống cùng địa
phương sẽ có được lợi thế hơn. Nếu tính theo phụ hệ thì những người đàn ông sẽ
gắn bó với nhau ở trên cùng mảnh đất của tổ tiên, luôn chung tay trong việc ngăn
chặn các dòng họ khác xâm chiếm hay là khai thác các nguồn lợi tự nhiên thuộc
lãnh thổ của mình. Những lợi thế của các nhóm dòng họ cùng địa phương theo mẫu
hệ thì không to lớn lắm, vì thông thường không phải phụ nữ mà là nam giới mới là
người quản lý đất đai, chiến đấu và điều hành công việc chính trị. Tuy nhiên, những
người phụ nữ sống cùng địa phương có thể mang lại lợi ích cho dòng họ của mình
trong việc họ có thể đóng góp trách nhiệm duy trì truyền thống của nhóm (điều này
thể hiện rất rõ đối với người Hmông, đặc biệt vai trò của bà cô, mặc dù đã đi lấy
chồng và cư trú bên gia đình nhà chồng, song bà cô vẫn có tham gia và có quyền
quyết định thay đổi một số tập tục trong tang ma); (4). Dòng họ có nguyên tắc hôn
nhân và thông thường là theo nguyên tắc ngoại hôn. Vì dòng họ là một nhóm hợp
nhất, nên các thành viên của dòng họ không thể kết hôn với nhau mà phải tìm bạn
đời ở bên ngoài nhóm [13, tr. 36, 37].
Tác giả Clark W.Sorensen nhận định: Dòng họ được xác định bằng di duệ
đơn hệ từ một tổ tiên chung và những nhóm họ hàng đơn hệ mà thành viên có thể
vạch được phả hệ, qua những người mà thành viên biết được, đến một tổ tiên thủy
tổ thì gọi là dòng họ (lineage) [21].
Theo Vương Duy Quang, dòng họ người Hmông được hiểu như sau: xét trên
hệ thống thân tộc, khái niệm dòng họ của người Hmông bao gồm những người đàn
ông thuộc các thế hệ khác nhau sinh ra từ một ông tổ và vợ con của họ. Cụ thể hơn,
đó là tất cả những người theo trực hệ tính từ chắt của Ego (xinhz nzưr). Như vậy,
người Hmông tính dòng họ theo hệ cha (phụ hệ) – pênhx chuôz. Để diễn tả hình
tượng từ một ông tổ sinh ra ấy, đồng bào dùng thuật ngữ iz trôngs Hmôngz – “cùng
một cây người”. Theo tiếng Hmông, trôngs có nghĩa là cây, ở đây hàm ý chỉ một
cộng đồng. Từ trôngs lại phân ra thành nhỏ hơn. Tiếp đó, thuật ngữ chêl (cành) gắn
với cấp độ cộng đồng dòng họ thứ hai. Ông tổ của cộng đồng chêl là một trong những
ông tổ trong cộng đồng trôngs. Chêl tiếp tục phát triển trên tuyến trực hệ, các bàng hệ
song song, bàng hệ chéo. Ở cấp độ nhỏ hẹp hơn nữa người Hmông có thuật ngữ
phangx (mái). Ông tổ của cộng đồng phangx là một trong những ông tổ trong cộng
đồng chêl. Phangx là đơn vị nhỏ nhất trong các cấp độ cấu trúc của cộng đồng dòng
họ người Hmông [59, tr.76].
23
Tác giả luận án cho rằng, dòng họ bao gồm: Họ bên nội (quan hệ huyết thống
tính theo dòng cha); Họ bên ngoại (quan hệ huyết thống tính theo dòng mẹ); Họ bên
vợ (là quan hệ tính theo họ của vợ). Đối với dòng họ người Hmông là một cố kết
cộng đồng huyết thống theo dòng cha. Tiêu chuẩn để nhận biết dòng họ là các vị tổ
tiên mà thành viên dòng họ thờ phụng. Ông tổ là người đã chết mà người già ở thế
hệ cao nhất trong phả hệ còn nhớ. Những người này được xem như “cùng họ, cùng
ma” (thồng xểnh thồng đang), có chung một ông tổ, có nghi lễ cúng ma và các
kiêng kỵ giống nhau.
- Chi họ:
Trong bài viết “Bàn về dòng họ người Việt”, Đặng nghiêm Vạn cho rằng,
một chi hay một tông tộc thường chỉ tính theo trực hệ đến đời thứ năm; Từ đời thứ
sáu các nhánh bàng hệ thường tách ra một chi riêng. Thành viên thuộc mỗi chi
riêng, tuy vẫn hiểu biết có những thành viên các chi khác, còn ở trong làng hay cư
trú ở làng khác; Các chi còn biết chung là thuộc về một thủy tổ [95].
Quan niệm về chi họ của người Hmông được nhà nghiên cứu Phạm Quang
Hoan lý giải ở phạm trù “Cố kết hẹp” như đã nêu ở trên, được tính theo dòng cha,
thường từ 3 đến 4 đời.
Tác giả luận án cho rằng, khái niệm chi họ có phạm vi hẹp hơn khái niệm
dòng họ. Tư liệu điền dã thu thập được về một số dòng họ của người Hmông cho
thấy, các thành viên trong một chi họ có quan hệ huyết thống tính theo bên nam và
thường trong phạm vi 3 đời.
- Quan hệ dòng họ:
Hai tác giả Emily A. Schultz và Robert H.Lavenda cho rằng, những quan hệ
dựa trên sinh đẻ được gọi là quan hệ dòng họ và quan hệ dòng họ là phạm trù có tính
chất chọn lọc. Một phần quan trọng của hệ thống thân tộc là quan hệ dòng họ -
nguyên tắc văn hóa quy định các phạm trù xã hội thông qua những mối liên hệ cha
mẹ - con cái được văn hóa thừa nhận [18].
Clark W. Sorensen khi phân tích về các gia đình Châu Á đã luận giải, nếu ta
bắt đầu từ bản thân ta, rồi vạch các mối liên lạc huyết thống như thể trên một sơ
đồ họ hàng với bố mẹ, ông bà và di duệ của họ cả về đằng mẹ lẫn đằng bố của ta,
ta có thể xác định được một nhóm mà các nhà nhân học gọi là họ hàng bà con hai
phía [21, tr.153].
Tác giả luận án quan niệm rằng, quan hệ dòng họ phải được xác định trên ba
phương diện chính bao gồm: (1). Quan hệ dòng họ tính theo dòng cha – bên nội;
24
(2). Quan hệ họ hàng tính theo dòng mẹ - bên ngoại; (3). Quan hệ dòng họ tính theo
họ bên vợ/chồng. Như vậy, quan hệ dòng họ không chỉ trên phương diện huyết
thống, mà còn có các dạng như: quan hệ liên minh dòng họ dựa trên hôn nhân –
thông gia và quan hệ dòng họ theo ma (cùng ông tổ). Đối với người Hmông, quan
hệ dòng họ vừa là một thực thể mang tính sinh học vừa mang tính xã hội, đó là các
mối quan hệ cố kết con người – các thành viên dòng họ với nhau và cũng có sự biến
đổi qua thời gian.
- Thân tộc:
Thân tộc là tổ chức xã hội cơ bản mà trong đó mối quan hệ của các thành
viên được xác lập thông qua hệ thống huyết tộc bao gồm mối quan hệ dòng tộc, hôn
nhân và gia đình [37, tr. 251].
Khái niệm thân tộc dùng để chỉ những người có cùng quan hệ huyết thống,
có thể là trực hệ hoặc cũng có thể là bàng hệ, có thể theo dòng bố (nếu lấy tôi làm
trung tâm thì bao gồm bố tôi, ông nội, cụ nội, cố nội, con và cháu của tôi, hoặc con
của chú và bác anh em trai của bố tôi), có thể tính theo dòng mẹ (bao gồm mẹ, bà
ngoại, cụ ngoại, con gái, cháu ngoại) [51, tr. 46].
Thân tộc là những thuật ngữ dùng để gọi những người có quan hệ thân tộc với
chủ thể. Ví dụ: trong hệ thống thân tộc của người Việt, tôi gọi người sinh ra tôi thuộc
giới nam là cha, người em trai của cha là chú, người vợ của chú là thím. Tôi gọi
người sinh ra tôi thuộc giới nữ là mẹ, người em gái của mẹ là dì, người chồng của dì
là chú hay dượng... Tất cả các từ cha, mẹ, chú, thím, dì, dượng... là thuật ngữ thân
tộc. Các thuật ngữ thân tộc là một nhóm hoàn chỉnh các thuật ngữ mang ý nghĩa về
mối quan hệ thân thuộc tồn tại trong một xã hội, để nhận biết và phân biệt họ hàng.
Đó là cách mà một nền văn hóa đặt ra trật tự trong xã hội của những người có quan
hệ họ hàng thân thích với nhau. Những từ chúng ta vẫn gọi thường ngày như cha, mẹ,
anh, em, chú, bác, cô, dì... không chỉ là thể hiện sự tôn kính của những người có đối
thoại mà từ lâu nó thể hiện ý niệm về mức độ xa hay gần, tính chất giống nhau hay
khác nhau trong quan hệ thân tộc. Những từ đó còn hàm chứa những quyền lợi và
nghĩa vụ rất cụ thể của những người trong mối quan hệ thân tộc đó, nó hợp thành một
bộ phận chủ yếu của quan hệ xã hội [13, tr. 4,5].
Đối với nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc, thuật ngữ thân
tộc cũng được xác định rõ ràng. Ví dụ đối với nhóm Hmông Hoa, anh ta gọi người
25
sinh ra anh ta thuộc giới nam là trớ (cha), người sinh ra bố anh ta là zở (ông nội), vợ
của ông nội là pù (bà nội); Anh trai của cha là zở lâu (bác), vợ của anh trai của bố là
pù lâu (bác gái); Em trai của cha là trí zở (chú), vợ của chú là nả zở (thím); Chị, em
gái của bố là pù nhắng (cô), chồng của cô gọi là sớ cứ zì (chú); Anh ta gọi người
sinh ra anh ta thuộc giới nữ là nả (mẹ), người cha sinh ra mẹ anh ta là zở trớ (ông
ngoại), vợ của ông ngoại là nả tai (bà ngoại), anh và em trai của mẹ được gọi là tsớ
tlắng (cậu, bác), vợ của anh, em trai của mẹ gọi là nả tlắng (mợ), chị và em gái của
mẹ là tai lua (dì), người chồng của dì là tsớ lua (chú).
Theo tác giả luận án, thân tộc là để chỉ mối quan hệ dòng họ, bao gồm những
quan hệ cơ bản như huyết thống, hôn nhân, gia đình. Đồng thời thân tộc còn để xác
định mức độ xa gần của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với cá nhân khác như sinh
thành hay di duệ, huyết thống hay thông gia... và tất cả được thể hiện bằng những
thuật ngữ xác định cụ thể.
1.2.2. Cách tiếp cận
Đề tài luận án được tiếp cận trên cơ sở phương pháp nghiên cứu chuyên
ngành Dân tộc học và Nhân học. Có phương pháp luận và bộ công cụ lý thuyết phù
hợp để luận giải các vấn đề trong phạm vi luận án. Hướng nghiên cứu tập trung vào
dòng họ truyền thống và dòng họ cải đạo của hai nhóm Hmông Trắng và Hmông
Hoa. Đặt trong tương quan so sánh giữa hai nhóm về đặc điểm, sinh hoạt, quan hệ
dòng họ, nhằm phát hiện điểm tương đồng và khác biệt, từ đó nhận diện xu hướng
biến đổi bản sắc văn hóa tộc người.
Bối cảnh và không gian của đề tài nghiên cứu cũng được tiếp cận theo hai
chiều lịch đại và đồng đại, nhằm đảm bảo cho việc so sánh được bao quát nhất và
có cái nhìn xuyên suốt, về sự thay đổi của dòng họ các nhóm người Hmông nơi đây
từ truyền thống đến hiện đại.
Mặt khác, với góc độ là cán bộ làm quản lý công tác dân tộc tại địa phương,
tác giả cố gắng tư duy một cách khách quan nhất trong tiếp cận đề tài. Các quan
điểm chỉ đạo cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang triển
khai, thực hiện tại địa bàn nghiên cứu luôn được đánh giá và nhìn nhận theo góc độ
nhà nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học. Từ đó, có những nhận định khách quan, chỉ
ra những điểm phù hợp cũng như mặt hạn chế trong công tác quản lý, cách ứng xử
26
của cấp ủy, chính quyền đối với các vấn đề nảy sinh trong đời sống của người
Hmông nơi đây và có những đề xuất, kiến nghị mang giá trị khoa học và thực tiễn.
1.2.3. Lý thuyết nghiên cứu
1.2.3.1. Lý thuyết chức năng - cấu trúc
Các đại biểu của trường phái lý thuyết chức năng - cấu trúc mà tiêu biểu là
Malinowski và Ridcliffe – Brown đã phát triển luận điểm của mình trên cơ sở kế
thừa quan điểm của các nhà khoa học đi trước.
Các nhà lý thuyết chức năng nhìn vào bên trong những đơn vị mà Durkheim
trước đó gọi là những “xã hội đa hợp”. Họ tìm hiểu cấu trúc bên trong của những bộ
phận xã hội, xem xét những quan hệ xã hội gắn kết các bộ phận này với nhau và cố
gắng giải thích sự ổn định có thể thấy được của những xã hội phân nhánh.
Durkheim quan niệm, sự tương tác xã hội phải được hiểu một cách có hệ thống,
không phải bằng cách lấy những tập tục riêng lẻ ra khỏi bối cảnh của chúng và ông
lập luận rằng mọi hành vi xã hội được học hỏi mà có và được quyết định bởi những
tập tục truyền thừa bên trong truyền thống xã hội. Các lý thuyết chức năng dùng ba
định nghĩa khác nhau về khái niệm chức năng: (1). Mọi tập tục đều có tương quan
với tất cả tập tục khác trong cộng đồng, vì vậy mỗi tập tục quy định tình trạng của
những tập tục kia; (2). Chức năng của các tập tục này là để thỏa mãn những nhu cầu
sinh học chủ yếu từ cá nhân thông qua phương tiện văn hóa; (3). Chức năng mỗi tập
tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội.
Không giống như C.Marx, cả Malinowski và Ridcliffe – Brown đều không
quan niệm rằng những quan hệ kinh tế chi phối các khía cạnh khác của đời sống xã
hội. Khi không có một lịch sử thành văn hay những bằng chứng khảo cổ học chi
tiết, thì việc suy diễn về lịch sử của những xã hội có quy mô nhỏ là việc làm vô ích.
Khi Malinowski điền dã ở vùng dân đảo Trobriand, ông chứng minh mục đích
nghiên cứu của mình qua quan sát, nghi chép để thấy những tập tục khác nhau tùy
thuộc lẫn nhau như thế nào về mặt chức năng, tìm ra những cơ sở xã hội và tâm lý
mà trên đó các thể chế xã hội được xây dựng. Theo sự đánh giá của Malinowski,
“người bản xứ” tuân theo những “sức mạnh và mệnh lệnh của pháp luật bộ lạc” mà
không hiểu về chúng, điều này thấy rõ trong quan hệ dòng họ người Hmông, mọi
thành viên tự giác thực hiện luật tục tộc họ và có thể trong đó sẽ có nhưng người
không hiểu về nó một cách thấu đáo.
Ridcliffe – Brown cho rằng, chức năng của một tập tục là sự đóng góp của
nó vào đời sống liên tục của “cơ thể xã hội” và định nghĩa sự thống nhất chức năng
27
là “một tình trạng trong đó tất cả mọi thành phần của một hệ thống xã hội cùng làm
việc với nhau ở mức độ hài hòa hoặc thống nhất nội bộ đủ (để tiếp tục như một hệ
thống), tức là không tạo ra những xung đột kéo dài mà không giải quyết hoặc điều
chỉnh được”. Khi nghiên cứu về cơ cấu xã hội, Ridcliffe – Brown đã đưa ra khái
niệm nổi tiếng liên quan đến dòng họ, đó là “nhóm dòng họ đơn hệ”. Phương pháp
mà Ridcliffe – Brown sử dụng chính là “Thuyết chức năng cấu trúc”, thuyết này chú
trọng đến cơ cấu của những quan hệ xã hội và gán cho thể chế những chức năng
nhất định, đồng thời căn cứ vào sự đóng góp của chúng để duy trì cơ cấu đó.
Các nhà lý thuyết chức năng quan niệm về cơ cấu xã hội như một mạng lưới
những vị thế được kết nối bởi những vai trò có liên quan và họ minh họa khái niệm
vị thế và vai trò bằng các nghiên cứu về hệ thống xã hội cụ thể ở bốn nhóm người
gồm: người Sarakatsani là cư dân chăn cừu ở miền Bắc Hy Lạp, người Samburu ở
Kenya là cư dân chăn nuôi đồng cỏ, người Asante ở Ghana và Los Peloteros – một
khu ổ chuột ở Puerto Rico. Bốn minh họa cho lý thuyết chức năng cấu trúc, qua các
khái niệm vị thế và vai trò, đã phân tích các yếu tố cơ bản cấu thành hệ thống xã hội
từ quan hệ sở hữu, thừa kế tài sản, hôn nhân, những kiêng kỵ đến quyền lực… tất cả
đều liên quan đến vấn đề quan hệ thân tộc và quan hệ dòng họ, kể cả dòng họ song
hệ và đơn hệ, mẫu hệ và phụ hệ [62].
Trong nghiên cứu này, tác giả luận án sử dụng lý thuyết chức năng cấu trúc để
giải thích sự tồn tại lâu bền của thiết chế dòng họ người Hmông, tính cố kết tộc người
với những quan hệ dòng họ được xem là cơ sở cấu thành hệ thống xã hội trong truyền
thống cũng như hiện nay, trong đó từng mối quan hệ xã hội đều khoác lên mình chức
năng nhất định, đồng thời có giá trị chi phối ở một khía cạnh nào đó để đóng góp cho
việc duy trì cấu trúc xã hội mà ở đây chính là quan hệ dòng họ.
1.2.3.2. Lý thuyết về giao lưu tiếp biến văn hóa
Từ cuối thể kỷ XIX, các nhà nhân học Phương Tây bắt đầu đề cập đến khái
niệm giao lưu tiếp biến văn hóa, để chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền
văn hóa khác nhau. Sản phẩm của quá trình tiếp xúc, tương tác là sự thay đổi của một
số loại hình văn hóa của một hoặc cả hai nền văn hóa đó.
Tiếp biến văn hóa là quá trình biến đổi văn hóa diễn ra do sự tiếp xúc của hai
hệ thống văn hóa riêng rẽ mà kết quả là làm cho chúng ngày càng trở nên giống nhau
hơn. Tiếp biến văn hóa bao gồm một số các quá trình khác nhau gồm khuếch tán,
thích nghi mang tính ứng phó. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa là quá trình một nền văn
hóa thích nghi, ảnh hưởng từ một nền văn hóa khác bằng cách vay mượn những nét
28
đặc trưng của nền văn hóa ấy. Vì thế, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng là một cơ
chế khác của biến đổi văn hóa, đó là sự trao đổi của những đặc tính văn hóa nảy sinh
khi các cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục [81, tr.12].
Trong trường hợp tộc người Hmông, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trước tiên
phải kể đến sự ảnh hưởng của văn hóa Hán. Mặc dù lịch sử tộc người là những cuộc
giao tranh với người Hán và thiên di để tránh khỏi sự truy sát, nhưng ở một mức độ nào
đó, văn hóa Hmông vẫn có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Hán, nhất là trong ngôn ngữ,
người Hmông đều công nhận ngôn ngữ của mình có sự vay mượn của tiếng Hán.
Gần đây, trong bộ phận cộng đồng người Hmông ở xã Bạch Ngọc và một số
địa phương khác đã có sự tiếp biến về tín ngưỡng, tôn giáo, đó là sự chuyển đổi từ tín
ngưỡng truyền thống sang đạo Tin Lành, bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỷ
trước. Cải đạo chỉ phát sinh trong thời gian ngắn, nhưng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề
trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc – tôn giáo đối với vùng người Hmông.
Trên phương diện văn hóa tộc người, cải đạo theo Tin Lành đã dẫn đến sự biến đổi
cấu trúc dòng họ truyền thống của tộc người Hmông ở một số nơi, trong đó có người
Hmông ở xã Bạch Ngọc.
Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường,
giao lưu và tiếp biến văn hóa tộc người là một xu hướng tất yếu. Song quá trình giao
lưu, tiếp biến đó phải đặt trong tương quan tác động từ hai phía: Thứ nhất, đó là sự
tác động mang tính chất “chính thống” (được Nhà nước và pháp luật công nhận, bằng
các chủ trương, chính sách cụ thể); Thứ hai là những tác động “phi chính thống (có
thể hiểu là bao hàm cả những tác động trái pháp luật), được thực hiện chủ yếu bằng
âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc – tôn giáo... để chống phá sự
nghiệp cách mạng nước ta. Sự du nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, hay tôn giáo
ngoại sinh đã và đang tác động mạnh mẽ đến đồng bào các dân tộc, trong đó có người
Hmông ở xã Bạch Ngọc. Vì thế, áp dụng lý thuyết tiếp biến văn hóa để nghiên cứu
người Hmông sẽ cho phép chúng ta giải thích một cách khoa học về sự biến đổi văn
hóa nói chung và dòng họ nói riêng ở tộc người này.
1.2.3.3. Lý thuyết về mạng lưới xã hội
Lý thuyết về mạng lưới xã hội được các học giả phương Tây bắt đầu đề cập
từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Tiêu biểu có Bourdieu, Coleman, Putnam,
Fukuyama, Na Lin...
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf
NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf

Contenu connexe

Similaire à NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf

Similaire à NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf (20)

Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAYLuận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
 
Văn hóa người Hà Nhì Đen (Nghiên cứu so sánh nhóm cư trú ở Y Tý, Bát Xát, Lào...
Văn hóa người Hà Nhì Đen (Nghiên cứu so sánh nhóm cư trú ở Y Tý, Bát Xát, Lào...Văn hóa người Hà Nhì Đen (Nghiên cứu so sánh nhóm cư trú ở Y Tý, Bát Xát, Lào...
Văn hóa người Hà Nhì Đen (Nghiên cứu so sánh nhóm cư trú ở Y Tý, Bát Xát, Lào...
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
 
Luận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn La
Luận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn LaLuận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn La
Luận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn La
 
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện na
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện naVấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện na
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện na
 
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc MườngLuận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
 
Luận văn thạc sĩ triết học: Chữ hiếu trong đạo Phật và ý nghĩa
Luận văn thạc sĩ triết học: Chữ hiếu trong đạo Phật và ý nghĩaLuận văn thạc sĩ triết học: Chữ hiếu trong đạo Phật và ý nghĩa
Luận văn thạc sĩ triết học: Chữ hiếu trong đạo Phật và ý nghĩa
 
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
 
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyênLuận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
 
Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...
 
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
 
Luận án: Tiếp biến văn hóa trong bối cảnh gia đình hỗn hợp dân tộc
Luận án: Tiếp biến văn hóa trong bối cảnh gia đình hỗn hợp dân tộcLuận án: Tiếp biến văn hóa trong bối cảnh gia đình hỗn hợp dân tộc
Luận án: Tiếp biến văn hóa trong bối cảnh gia đình hỗn hợp dân tộc
 
Luận văn: Vai trò của hệ thống chính trị trong giữ gìn bản sắc văn hóa
Luận văn: Vai trò của hệ thống chính trị trong giữ gìn bản sắc văn hóaLuận văn: Vai trò của hệ thống chính trị trong giữ gìn bản sắc văn hóa
Luận văn: Vai trò của hệ thống chính trị trong giữ gìn bản sắc văn hóa
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...
 
Luận án: So sánh dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và Thái
Luận án: So sánh dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và TháiLuận án: So sánh dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và Thái
Luận án: So sánh dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và Thái
 
Luận văn: Văn hóa của người Hmông theo đạo Tin lành ở Lào Cai
Luận văn: Văn hóa của người Hmông theo đạo Tin lành ở Lào CaiLuận văn: Văn hóa của người Hmông theo đạo Tin lành ở Lào Cai
Luận văn: Văn hóa của người Hmông theo đạo Tin lành ở Lào Cai
 
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca TàyẢnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
 
Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...
Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...
Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...
 
Xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay
Xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nayXung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay
Xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay
 
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đ
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đLễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đ
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đ
 

Plus de HanaTiti

Plus de HanaTiti (20)

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
 

Dernier

SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 

Dernier (20)

Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 

NGHIÊN CỨU SO SÁNH DỊNG HỌ CỦA NHĨM HMƠNG TRẮNG VÀ HMƠNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC.pdf

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI SẦM THỊ DƯƠNG NGHIÊN CỨU SO SÁNH DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC, HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC HÀ NỘI - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI SẦM THỊ DƯƠNG NGHIÊN CỨU SO SÁNH DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA Ở XÃ BẠCH NGỌC, HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG Ngành: Nhân học Mã số: 9 31 03 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Phạm Quang Hoan 2. PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu điều tra, kết quả trong luận án là trung thực, chưa từng được ai công bố trong bất kỳ một công trình nào khác. Đối với những quan điểm mà luận án kế thừa của các tác giả đi trước, đều được trích yếu ghi rõ xuất xứ và tên tác giả đã đưa ra luận điểm đó. Hà Nội, tháng 03 năm 2019 Nghiên cứu sinh Sầm Thị Dương
  • 4. LỜI CẢM ƠN Luận án tiến sỹ được hoàn thành tại Học viện Khoa học Xã hội, với sự giúp đỡ quý báu của nhiều tổ chức, tập thể cơ quan và cá nhân. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới Học viện Khoa học Xã hội, Khoa Nhân học và Dân tộc học, các thầy, cô giáo, các nhà khoa học đã trực tiếp giảng dạy truyền đạt những kiến thức khoa học chuyên ngành cho tác giả trong những năm tháng qua. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đối với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã khích lệ, động viên, tạo điều kiện về thời gian, vật chất tinh thần, cung cấp tư liệu… trong quá trình thực hiện luận án từ năm 2015 đến 2019. Tác giả cũng xin gửi lời cảm tạ tới lãnh đạo và người dân địa phương xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã nhiệt tình cộng tác, cung cấp số liệu, tư liệu nghiên cứu cần thiết liên quan tới đề tài trong suốt quá trình tác giả điền dã, khảo sát tại địa bàn nghiên cứu. Đặc biệt, tác giả xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới PGS.TS. Phạm Quang Hoan và PGS. TS. Nguyễn Thị Song Hà đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ với những chỉ dẫn khoa học quý giá và tạo động lực, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, học tập trong suốt quá trình triển khai và hoàn thành luận án. Xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, tháng 03 năm 2019 Nghiên cứu sinh Sầm Thị Dương
  • 5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT, KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN CỨU......10 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................10 1.2. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu ................................................................................21 1.3. Một số câu hỏi nghiên cứu.................................................................................30 1.4. Khái quát xã Bạch Ngọc và người Hmông tại địa bàn nghiên cứu....................31 1.5. Một số điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa................................................................................................41 Chương 2: ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA.........................................................................................................50 2.1. Sự phân bố của các dòng họ thuộc các nhóm Hmông .......................................50 2.2. Quan niệm về dòng họ .......................................................................................50 2.3. Sự hình thành các dòng họ.................................................................................51 2.4. Các dấu hiệu nhận biết dòng họ.........................................................................53 2.5. Tổ chức dòng họ.................................................................................................81 2.6. So sánh đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa................85 2.7. Sự biến đổi của đặc điểm dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa................90 Chương 3: VAI TRÒ VÀ QUAN HỆ DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA ..................................................................................97 3.1. Vai trò của dòng họ............................................................................................97 3.2. Quan hệ dòng họ ..............................................................................................118 3.3. So sánh vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa......124 Chương 4: GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA DÒNG HỌ NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA, MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA..............................130 4.1. Những giá trị dòng họ của người Hmông Trắng và Hmông Hoa ....................130 4.2. Những hạn chế của dòng họ người Hmông Trắng và Hmông Hoa .................139 4.3. Một số vấn đề đặt ra đối với dòng họ các nhóm Hmông hiện nay và công tác quản lý ...............................................................................................................144 KẾT LUẬN............................................................................................................149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........................................................................................152 TÀI TIỆU THAM KHẢO ....................................................................................153
  • 6. DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT BCH: Ban chấp hành CB: Cán bộ CNH – HĐH: Công nghiệp hóa – hiện đại hóa CT: Chỉ thị DTTS: Dân tộc thiểu số DTH: Dân tộc học ĐU: Đảng ủy GS: Giáo sư HĐND: Hội đồng nhân dân KT-XH: Kinh tế - xã hội KHXH: Khoa học xã hội MTTQ: Mặt trân tổ quốc NCS: Nghiên cứu sinh NQ: Nghị quyết NxB: Nhà xuất bản PGS: Phó giáo sư PL Phụ lục QĐ: Quyết định QLNN Quản lý nhà nước TS: Tiến sỹ TTg: Thủ tướng Chính phủ TU: Tỉnh ủy TW: Trung ương Tr: Trang UBDT: Ủy ban Dân tộc UBND: Ủy ban nhân dân VHDT: Văn hóa dân tộc XHCN: Xã hội chủ nghĩa
  • 7. DANH MỤC BẢNG Bảng 1.1. So sánh một số thuật ngữ về thân tộc của hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ....................................................................................................42 Bảng 1.2. So sánh một số đặc trưng văn hóa truyền thống giữa nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.....................................................................................46 Bảng 1.3. So sánh một số đặc trưng văn hóa giữa nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa vẫn duy trì tín ngưỡng truyền thống và nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa đã cải đạo theo Tin Lành ......................................................47 Bảng 2.1: So sánh sự giống và khác nhau về đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và dòng họ của nhóm Hmông Hoa còn duy trì tín ngưỡng truyền thống....................................................................................................85 Bảng số 2.2: So sánh sự giống và khác nhau về đặc điểm dòng họ người Hmông còn duy trì tín ngưỡng truyền thống và dòng họ người Hmông cải đạo theo Tin Lành .........................................................................................................88 Bảng 3.1: So sánh sự giống và khác nhau về vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa duy trì tín ngưỡng truyền thống ........124 Bảng 3.2: So sánh sự giống/ khác nhau về vai trò, quan hệ dòng họ của nhóm người Hmông duy trì tín ngưỡng truyền thống và nhóm cải đạo theo Tin Lành.................................................................................... 126
  • 8. DANH MỤC SƠ ĐỒ Sơ đồ 1. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Giàng nhóm Hmông Hoa .....74 Sơ đồ 2. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Thào nhóm Hmông Trắng....74 Sơ đồ 3. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Thào nhóm Hmông Hoa.......75 Sơ đồ 4. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Vàng nhóm Hmông Trắng....75
  • 9. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Người Hmông là tộc người thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Với đặc thù về nguồn gốc lịch sử tộc người, tâm lý, văn hóa,... người Hmông đã và đang là mối quan tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức, nhiều ngành khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó có ngành Dân tộc học và Nhân học. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, người Hmông phân bố khắp ở 11/11 huyện, thành phố với bốn nhóm gồm: Hmông Trắng, Hmông Hoa, Hmông Xanh và Hmông Đen, trong đó đông nhất là nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Tổng dân số người Hmông của tỉnh là 255.329 người [8], chiếm tỷ lệ 1/3 dân số, người Hmông là tộc người có dân số đông nhất tỉnh. Khi nghiên cứu về văn hóa người Hmông, thì dòng họ là một trong những vấn đề cốt lõi. Mỗi dòng họ người Hmông là một cộng đồng văn hóa với sắc thái riêng và giữa các nhóm địa phương khác nhau lại có những đặc thù, nhưng vẫn mang trong mình những yếu tố văn hóa đặc trưng của tộc người. Nghiên cứu dòng họ người Hmông theo từng nhóm địa phương, để nhận diện bản sắc văn hóa, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt, đề xuất các biện pháp phù hợp đối với vấn đề phát huy vai trò thiết chế dòng họ, quản lý xã hội theo từng nhóm tộc người trong bối cảnh hiện này là rất cần thiết và hữu ích. Một trong những đặc thù của dòng họ người Hmông là tâm lý cố kết mạnh đến mức có thể liên/xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Đó là ưu điểm đồng thời cũng là yếu điểm dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận tôn giáo mới, nhất là đạo Tin Lành trong một bộ phận người Hmông, đã tác động đến các mối quan hệ dòng họ truyền thống, tạo nên những thay đổi lớn trong nội bộ tộc người, dòng họ trong một nhóm và giữa các nhóm Hmông theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Sự cố kết và phân ly tộc người, dòng họ diễn ra đan xen và ngày càng phức tạp. Chúng ta biết rằng, ngôn ngữ nhóm Hmông Trắng có sự tương đồng với tiếng Hmông quốc tế, nhưng đối với tỉnh Hà Giang, nhóm Hmông Trắng lại có tỷ lệ theo đạo Tin Lành ít hơn nhóm Hmông Hoa. Như vậy, việc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân cốt lõi, lý giải vấn đề có tính chất thời sự như những hiện tượng trên trong từng nhóm địa phương, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác vùng người Hmông. Ngày nay, khi xem xét các nguồn lực phát triển xã hội, thì văn hóa được coi là nguồn lực “mềm”. Từ quan điểm này, thì dòng họ chính là một nguồn vốn xã hội.
  • 10. 2 Bản thân dòng họ các tộc người nói chung, trong đó có tộc người Hmông luôn hàm chứa những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định. Do vậy, cần có những nghiên cứu về dòng họ, làm rõ nguồn vốn xã hội và giá trị nguồn lực này. Kết quả nghiên cứu là minh chứng và cơ sở khoa học, thúc đẩy các cấp quản lý đổi mới tư duy trong việc huy động và xã hội hóa các nguồn nội lực, để phát triển KT-XH của địa phương vùng đồng bào Hmông theo hướng bền vững. Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của tộc người Hmông, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đi sâu so sánh sự tương đồng và khác biệt về thiết chế dòng họ các nhóm Hmông khác nhau tại địa bàn một xã. Vì thế, nghiên cứu so sánh dòng họ người Hmông thuộc các nhóm khác nhau theo tính chất điểm, dưới góc độ chuyên ngành Nhân học là một đề tài mới, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc. Từ những lý do trên, NCS quyết định chọn vấn đề Nghiên cứu so sánh dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm đề tài luận án tiến sĩ. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án * Mục đích nghiên cứu: - Tìm hiểu đặc điểm, vai trò, mối quan hệ, giá trị dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa trên địa bàn xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; so sánh để nhận diện sự tương đồng và khác biệt của dòng họ giữa hai nhóm. - Nhận diện sự biến đổi bản sắc văn hóa dân tộc Hmông thông qua nghiên cứu về dòng họ của hai nhóm Hmông tại địa bàn nghiên cứu. - Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn trong quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc - tôn giáo tại vùng người Hmông. * Nhiệm vụ nghiên cứu: - Làm rõ sự tương đồng và khác biệt về dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. - Làm rõ sự tương đồng và khác biệt dòng họ của nhóm người Hmông vẫn duy trì tín ngưỡng truyền thống và dòng họ nhóm Hmông đã cải đạo theo Tin Lành. - Đề xuất các vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về dân tộc – tôn giáo, nhất là trong công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo Chỉ thị 06/CT-TTg; Công
  • 11. 3 cuộc xây dựng nông thôn mới; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn văn hóa tộc người Hmông. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án - Đối tượng nghiên cứu: Dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc. Luận án tập trung nghiên cứu 6 dòng họ gồm 3 họ Giàng, 2 dòng họ Thào và 1 dòng họ Vàng. - Phạm vi nội dung nghiên cứu: Thiết chế dòng họ, các nghi lễ dòng họ như: tang ma, tín ngưỡng, cưới xin, vai trò, quan hệ và giá trị dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Trên cơ sở đó tiến hành so sánh sự giống và khác nhau giữa dòng họ của hai nhóm. - Phạm vi địa bàn nghiên cứu: Nghiên cứu tổ chức dòng họ của hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa tại 05 thôn có người Hmông sinh sống tập trung gồm: Khuổi Vài, Khuổi Dò, Minh Thành, Ngọc Lâm và Ngọc Sơn. Xã Bạch Ngọc là địa bàn nghiên cứu có tính chất mẫu đại diện, đảm bảo thực hiện được mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của đề tài. Bởi xã có cả hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa cùng sinh sống, đồng thời có cả bộ phận cải đạo và không cải đạo trong hai nhóm. Những địa bàn tiếp giáp với xã Bạch Ngọc đều có người Hmông sinh sống và một có bộ phận người Hmông theo đạo Tin Lành. Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, bởi sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đồng thời kể từ khi đổi mới, quản lý nhà nước về công tác dân tộc được quan tâm toàn diện. Bên cạnh đó, chiến tranh biên giới Việt - Trung kết thúc, đồng bào các dân tộc nói chung, trong đó có người Hmông cư trú ở vùng biên giới của tỉnh Hà Giang có cuộc sống ổn định hơn. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Cơ sở phương pháp luận của luận án là chủ nghĩa duy vật lịch sử, đối tượng nghiên cứu luôn đặt trong hoàn cảnh cụ thể trên cả phương diện lịch đại và đồng đại. Bên cạnh đó, các vấn đề nghiên cứu còn được luận giải trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, đặt đối tượng nghiên cứu trong mối liên hệ tương tác qua lại với môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và luôn xem xét theo chiều hướng vận động, biến đổi không ngừng, nhằm tìm ra bản chất của vấn đề, tránh tư duy siêu hình, chủ quan, duy ý chí. Đồng thời, các
  • 12. 4 phân tích của đề tài luận án cũng được giải quyết trên quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, luận án đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: * Phương pháp thu thập tổng hợp tài liệu hiện có: NCS tiến hành thu thập, hệ thống hóa và xử lý các nguồn tài liệu đã có từ các sách, báo, tạp chí; Các đề tài, luận án nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; Báo cáo của các cơ quan trung ương và địa phương liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở tài liệu thu thập được, NCS phân tích, chọn lọc, tham khảo, vận dụng, kế thừa các kết quả đó để làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu. Các tài liệu được sử dụng trong luận án, đều được trích nguồn, liệt kê rõ ràng, với 120 tài liệu tham khảo. * Phương pháp điền dã dân tộc học: đây là phương pháp chủ đạo của luận án, được sử dụng trong khai thác, thu thập các nguồn tư liệu về dòng họ của nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa, ở 05 thôn trên địa bàn xã Bạch Ngọc gồm: Minh Thành, Khuổi Dò, Khuổi Vài, Ngọc Lâm và Ngọc Sơn. NCS vận dụng các thao tác của phương pháp nghiên cứu này như: quan sát trực tiếp, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm để thu thập tư liệu, cụ thể như sau: - Quan sát trực tiếp: NCS xuống cộng đồng, thôn bản, gia đình các dòng họ thuộc hai nhóm người Hmông Trắng và Hmông Hoa, quan sát kỹ lưỡng cảnh quan, nhà cửa, các sinh hoạt đời sống hàng ngày, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của dòng họ như: ăn, ở, mặc, đi lại, lao động sản xuất, các nghi lễ tang ma, ma trâu, ma lợn, các nghi lễ cưới xin, sinh hoạt đạo Tin Lành ... NCS vừa quan sát, vừa ghi chép nhật ký. Đồng thời sử dụng các kỹ thuật như chụp ảnh, vẽ sơ đồ để lưu làm tư liệu. Thao tác này, thường được NCS sử dụng trong dịp đầu mới đến làm quen địa bàn, mới gặp gỡ, tiếp cận đối tượng hoặc mới phát hiện vấn đề nghiên cứu. Kết quả của thao tác quan sát trực tiếp làm cơ sở để chọn lọc những vấn đề cần nghiên cứu tiếp theo trên thực địa trong thời gian tới, cũng như việc lựa chọn vận dụng phương pháp, thao tác nghiên cứu phù hợp. - Quan sát tham dự: Quá trình thực hiện đề tài luận án, NCS đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết với cộng đồng nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa tại địa bàn nghiên cứu. NCS thường được các hộ gia đình, dòng họ mời dự các sinh hoạt nghi lễ quan trọng như: đám cưới, hay các nghi lễ tín ngưỡng, trong trường hợp có
  • 13. 5 đám tang cộng đồng cũng thông tin để NCS biết và đến dự. NCS đã quan sát tham dự các nghi lễ như: Lễ cúng ma trâu, lễ cưới truyền thống, lễ cúng cho trẻ nhanh biết đi, lễ giải hạn, lễ gọi hồn của họ dòng Giàng, nhóm Hmông Hoa, thôn Minh Thành. Lễ mừng thọ của hộ gia đình ông Lý Văn Minh (nhóm Hmông Trắng, thôn Khuổi Dò); Lễ giải hạn của hộ gia đình ông Vàng Mý Sỳ (nhóm Hmông Trắng, thôn Khuổi Dò); Đám cưới của hộ gia đình họ Giàng, người Hmông Trắng theo đạo Tin Lành ở thôn Khuổi Vài. Dịp tết âm lịch năm 2017, NCS tham dự tại một số hộ gia đình nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở thôn Minh Thành. Với phương châm “3 cùng” là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc”, khi tham dự các sinh hoạt nghi lễ tại cộng đồng, dòng họ, hộ gia đình của hai nhóm Hmông, NCS được đồng bào coi như thành viên/khách thân thiết. NCS cũng thực hành các nghi thức trong các nghi lễ theo hướng dẫn của đồng bào,... Với sự hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục tập quán người Hmông, đồng thời với mối quan hệ gần gũi với cộng đồng, nghiên cứu sinh đã dần tiếp cận được đối tượng nghiên cứu từ cái nhìn “bên trong” – “chủ thể”, hạn chế dần tư duy, lối quan sát từ cái nhìn “bên ngoài” – “khách thể”. - Phỏng vấn sâu: Để thu thập tài liệu phục vụ đề tài luận án, NCS đã sử dụng thao tác phỏng vấn sâu. Trên cơ sở nhiệm vụ của đề tài, NCS phỏng vấn nhiều đối tượng với tiêu chí và nội dung cụ thể như sau: + Đối tượng phỏng vấn gồm: Trưởng dòng họ, những người có uy tín trong dòng họ (người cao tuổi là bậc cha, chú, bà cô, ông cậu, người cầm quyền ma quyền khách); già làng, trưởng thôn, những người là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đang tham gia công tác, chủ hộ gia đình, những người hoạt động tín ngưỡng (thầy cúng, thầy kèn, thấy trống, thầy chỉ đường); Trưởng điểm nhóm Tin Lành, một số chức sắc, chức việc của các nhóm đạo của các dòng họ ở cả hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Trong các đối tượng phỏng vấn có nam, nữ, người già, người trẻ, có độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau. + Tiêu chí: Đối tượng phỏng vấn phải là người Hmông của hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa; sinh sống hoặc có quan hệ anh em với 06 dòng họ mà đề tài luận án chọn làm đối tượng nghiên cứu ở 5 thôn của xã Bạch Ngọc. Đồng thời họ phải là những người am hiểu phong tục tập quán dòng họ, tộc người. + Nội dung phỏng vấn: Tập trung vào các nhóm vần đề về quan niệm, sự hình thành, các dấu hiệu nhận biết, truyền thuyết, kiêng kỵ của các dòng họ; Một số sinh hoạt dòng họ như: tập tục trong đời sống, cưới xin, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo;
  • 14. 6 Sinh hoạt đạo Tin Lành; Các mối quan hệ dòng họ;... Quá trình thực hiện phỏng vấn sâu, để trả lời các câu hỏi nghiên cứu của đề tài luận án, NCS đặt những câu hỏi nhỏ, chi tiết để tìm hiểu và giải thích rõ nguyên nhân, lý do, ý nghĩa của các nội dung phỏng vấn. Từ đó giải mã những vấn đề ẩn sâu bên trong sự vật, hiện tượng, câu chuyện... đồng thời tìm ra điểm tương đồng và khác biệt của dòng họ giữa nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả, NCS đã thực hiện được trên 30 cuộc phỏng vấn sâu. Thời gian cuộc phỏng vấn thường là 1 buổi hoặc 1 ngày, cuộc dài nhất có trường hợp kéo dài 2-3 ngày/cuộc, có những đối tượng, NCS phỏng vấn sâu nhiều lần. - Thảo luận nhóm: NCS thường tranh thủ sử dụng thao tác thảo luận nhóm, mỗi khi có dịp thích hợp. Cơ cấu cuộc thảo luận nhóm phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Với các dịp sinh hoạt nghi lễ có nhiều người tham dự, thì sẽ cố gắng thảo luận nhiều người (5 đến 7 người/nhóm) hoặc tối thiểu là 3 người/nhóm. Có nhóm nam, nhóm nữ, nhóm hỗn hợp nam - nữ, hỗn hợp độ tuổi, thuần nhóm Hmông (nghĩa là riêng nhóm Hmông Trắng hoặc nhóm Hmông Hoa); hỗn hợp hai nhóm (có cả nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa). Thao tác này được sử dụng rất linh hoạt, thường thảo luận theo một chủ đề nhất định. NCS đặt vấn đề, để các thành viên tự trao đổi, đồng thời đặt câu hỏi gợi mở và thúc đẩy niềm tự hào, sự hiểu biết của mỗi cá nhân, để họ thảo luận với tinh thần cởi mở nhất. Thao tác này giúp NCS thu thập được nhiều thông tin giá trị hữu ích, và làm rõ những vấn đề mà khi thực hiện phỏng vấn sâu, đối tượng phỏng vấn chưa giải thích rõ hoặc chưa cung cấp đầy đủ thông tin. Thảo luận nhóm còn là cách kiểm chứng để đảm bảo độ chính xác các thông tin thu được từ các cuộc phỏng vấn sâu. Chính vì vậy, NCS thường xuyên sử dụng thao tác này để làm rõ những vấn đề còn chưa hiểu rõ và thiếu thông tin. Kết quả, NCS đã thảo luận nhóm được trên 20 cuộc. * Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ các tư liệu thu thập được thông qua các phương pháp nghiên cứu trên, NCS tiến hành phân tích để làm rõ các nội dung của đề tài luận án. Qua phân tích giúp NCS luận giải các vấn đề nghiên cứu rõ ràng, đảm bảo tính khoa học, chính xác. Lập luận có lôgic luận cứ, luận chứng đầy đủ. Đồng thời với việc phân tích NCS tổng hợp lại toàn bộ tư liệu một cách hệ thống, theo từng vấn đề. Làm cơ sở đánh giá nguồn từ liệu nào đã đầy đủ, tư liệu nào còn thiếu, mức độ quan trọng, độ chính xác... từ đó đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu thu thập tư liệu trong thời gian tiếp theo.
  • 15. 7 * Phương pháp so sánh: để làm rõ vấn đề của đề tài luận án đó là sự giống và khác nhau giữa dòng họ của nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa, NCS tiến hành so sánh từng vấn đề, cụ thể gồm: So sánh tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa vật chất (nhà ở, trang phục), văn hóa tinh thần (sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, cưới xin, tang ma), tổ chức dòng họ, đặc điểm dòng họ... So sánh trên các phương diện: về thời gian và lịch sử; về không gian và địa lý; giữa các nguồn tư liệu; giữa các vùng, nhóm người Hmông khác nhau, nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu đạt mục đích đề ra. Qua so sánh, tìm ra được nguyên nhân và lý giải sự tương đồng và khác biệt dòng họ của hai nhóm. * Phương pháp chuyên gia: NCS đã gặp gỡ một số chuyên gia am hiểu về nội dung đề tài luận án để trao đổi, phỏng vấn, xin ý kiến tư vấn, chỉ dẫn... Đó là các nhà khoa học, các bậc lão thành, các cán bộ, lãnh đạo là người Hmông đã nghỉ hưu hoặc đang tham gia công tác, những người có uy tín am hiểu về văn hóa tộc người Hmông... Thông qua phương pháp chuyên gia, NCS đã kế thừa được rất nhiều kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu và nhiều chỉ dẫn khoa học hữu ích, qua đó tiết kiệm được thời gian và tranh thủ được trí tuệ, kiến thức của chuyên gia vận dụng vào đề tài luận án. Để thực hiện các phương pháp nghiên cứu trên có hiệu quả, NCS luôn chú ý việc lựa chọn các mẫu quan sát, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, theo nguyên tắc đảm bảo tính đại diện cơ cấu xã hội như: lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, thành phần, học vấn, điều kiện kinh tế... đó là các yếu tố đảm bảo cho kết quả nghiên cứu mang tính khách quan và có độ tin cậy. Quá trình vận dụng các phương pháp nghiên cứu là một nghệ thuật, mỗi đối tượng, vấn đề nghiên cứu đều phải tiếp cận một bằng phương pháp, thao tác cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp nghiên cứu phải vận dụng kết hợp nhiều phương pháp mới có thể thu được hiệu quả cao nhất. 4.3. Nguồn tài liệu của luận án Luận án được hoàn thành chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu mà tác giả thu thập được qua các đợt điền dã từ năm 2014 đến cuối năm 2018 ở xã Bạch Ngọc, để phân tích và tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt giữa dòng họ của hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa vẫn duy trì các yếu tố văn hóa truyền thống, hay đã cải đạo theo văn hóa Tin Lành. Ngoài ra, tác giả luận án còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học hiểu biết về vấn đề dòng họ, đồng thời tham khảo các tài liệu liên quan đến đề tại luận án được thống kê và lưu trữ của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
  • 16. 8 - Cung cấp các tư liệu khoa học mới, góp phần làm phong phú thêm hệ thống tư liệu liên quan đến người Hmông và dòng họ người Hmông. - Chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của dòng họ ở cả bộ phận vẫn duy trì văn hóa truyền thống và cải đạo thuộc hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa tại một địa bàn nghiên cứu cụ thể là xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. - Làm rõ những biến đổi về đặc điểm dòng họ sau khi cải đạo. - Nhận diện được bản sắc văn hóa dân tộc Hmông thông qua nghiên cứu về dòng họ trong xã hội đương đại. - Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học trong quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc - tôn giáo tại vùng người Hmông ở tỉnh Hà Giang. Đề xuất quan điểm, giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dòng họ người Hmông. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Luận án được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu chuyên ngành Dân tộc học và Nhân học với các lý thuyết phù hợp. Nguồn tài liệu được sử dụng là kết quả nghiên cứu khoa học của nhiều học giả trong và ngoài nước về khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó luận án còn được bổ sung tài liệu điền dã Dân tộc học tại địa bàn nghiên cứu. Vì vậy, bên cạnh ý nghĩa cung cấp tài liệu tham khảo về tư liệu, thông tin, luận án còn mang ý nghĩa khoa học chuyên ngành, do được viết theo cách đưa lý thuyết, phương pháp nghiên cứu Dân tộc học và Nhân học vào trường hợp cụ thể trên thực địa. Nội dung đề tài luận án nghiên cứu đặt dòng họ các nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa trong phạm vi, thời gian cụ thể. Đồng thời gắn với việc tìm hiểu việc thực hiện các cơ chế, chính sách dân tộc – tôn giáo tại địa bàn. Vì vậy, luận án có giá trị trong việc cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quản lý đánh giá, tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang áp dụng triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc Hmông. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận án là đề tài nghiên cứu so sánh về dòng họ nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa đầu tiên tại xã Bạch Ngọc, vì vậy, có những ý nghĩa thực tiễn như sau: - Nội dung luận án phản ánh trung thực các vấn đề văn hóa dòng họ nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa trong bối cảnh đương đại. Kết quả nghiên cứu chỉ ra những mặt tích cực cần được bảo tồn, phát huy đối với văn hóa dòng họ hai
  • 17. 9 nhóm Hmông, đồng thời cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần được xóa bỏ, thay đổi trong đời sống sinh hoạt văn hóa đồng bào, thúc đẩy phát triển văn hóa tộc người và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. - Kết quả nghiên cứu luận án mang giá trị thực tiễn đối với cơ quan quản lý về công tác dân tộc – tôn giáo và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có người Hmông cư trú. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, việc ứng xử với bộ phận người Hmông theo đạo Tin Lành, dưới góc độ quản lý nhà nước trong từng giai đoạn có quan điểm chỉ đạo và cách giải quyết khác nhau, chủ yếu từ góc độ chính trị mà chưa quan tâm nhiều đến việc giải quyết vấn đề này từ văn hóa. Với cách tiếp cận và giải quyết vấn đề từ góc độ văn hóa, luận án bổ sung tư liệu để các nhà quản lý có cơ sở khoa học tham khảo trong xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước có hiệu quả về công tác đối với đồng bào Hmông. - Luận án còn làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu Dân tộc học, nhân học, văn hóa, tôn giáo… 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, danh mục công trình của tác giả đã công bố và Phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, khái quát về địa bàn và tộc người nghiên cứu. Chương 2. Đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Chương 3. Vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Chương 4. Giá trị, hạn chế của dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa, một số vấn đề đặt ra.
  • 18. 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT, KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài Từ thế kỷ XVII, các nhà khoa học Phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về dòng họ, những người đi đầu đặt nền móng nghiên cứu về dòng họ phải nói đến Bacophen, Mac Lennan và L.Morgan. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của họ là một số tộc người sinh sống ngoài các nước Phương Tây. Khi nghiên cứu về lịch sử của gia đình nguyên thủy, các tác giả này đã phát hiện mối quan hệ thân tộc, quan hệ hôn nhân và sự phát triển của hình thái gia đình. Các phát hiện trên được tổng hợp trong tác phẩm kinh điển Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước [54] của Ph.Ănghen. Ông đã trình bày kết quả nghiên cứu của L.Morgan theo quan điểm duy vật lịch sử. L.Morgan đã phát hiện tính thân tộc và đặc điểm (tục lệ) của thị tộc (dòng họ) khi nghiên cứu về thị tộc Irôqua (mẫu hệ) và thị tộc Hy Lạp (phụ hệ). Đó là những tục lệ về bầu và bãi miễn tù trưởng, nguyên tắc hôn nhân, sở hữu tài sản, quan hệ tương trợ, tín ngưỡng tôn giáo, tên gọi, quyền lực... và bước đầu, ông đã đưa ra khái niệm về thân tộc (gens). Tuy nhiên, trong khuôn khổ nội dung tác phẩm L.Morgan mới chỉ luận giải một vài vấn đề liên quan đến dòng họ và chế độ thân tộc ở một số tộc người cổ đại, nên chưa mang tính hệ thống. Nhưng những nghiên cứu của L.Morgan đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của một số môn khoa học sau này, trong đó có Dân tộc học và Nhân học. Các học giả phương Tây khi nghiên cứu về mô hình quan hệ dòng họ trong hệ thống thân tộc cho rằng: Các dòng họ được xác định bằng mối quan hệ tổ tiên, vì vậy chúng có một bề dày thời gian. Nguyên tắc quan hệ dòng họ bao gồm sự truyền lại và kết hợp; tư cách thành viên được truyền qua mối liên hệ cha mẹ - con cái và liên kết những người này thành một nhóm xã hội. Trong một số xã hội, tư cách thành viên trong một dòng họ sẽ quyết định cách thức người ta được huy động để phục vụ cho hành động xã hội. Có hai cách chính mà người ta thiết lập nên dòng họ: Cách thứ nhất, dòng họ được thiết lập bởi những người tin rằng, họ liên hệ với nhau bằng một quan hệ như nhau thông qua bên mẹ và bên cha. Điều này có nghĩa là, họ tin rằng, những mối quan hệ họ có với phía bên cha cũng giống như những mối quan hệ họ có với phía bên mẹ. Các nhà nhân học gọi cách tính dòng họ như thế là
  • 19. 11 song hệ. Cách thứ hai, được gọi là dòng họ đơn hệ, được xây dựng trên giả định rằng, những mối quan hệ thân thuộc quan trọng nhất phải được tính qua hoặc phía cha hoặc phía mẹ. Những dòng họ này gồm những người có liên hệ với nhau chỉ thông qua những người nam hoặc chỉ thông qua những người nữ. Đây là loại dòng họ thông thường nhất trên thế giới hiện nay. Các dòng họ đơn hệ hình thành từ những quan hệ thông qua phía cha thì được gọi là dòng họ phụ hệ và những dòng họ dựa trên những quan hệ thông qua phía mẹ thì được gọi là dòng họ mẫu hệ [18]. Những quan điểm trên được trình bày trong cuốn sách Nhân học một quan điểm về tình trạng nhân sinh. Tuy nhiên chủ yếu được luận giải chuyên sâu về lý thuyết, nên chỉ có thể tham khảo làm cơ sở nền tảng trong nhận thức về vấn đề dòng họ và thân tộc ở góc độ lý thuyết Nhân học. Công trình nghiên cứu Bức khảm văn hóa Châu Á [20] của Grant Evans, đã trình bày một cách hệ thống về lý thuyết cũng như những vấn đề chung và các vấn đề cụ thể của ngành Nhân học, được phân tích trên cơ sở của các dẫn liệu dân tộc học thu thập từ thực địa ở Châu Á. Cuốn sách giành riêng chương 5, phân tích về tổ tiên và bà con thông gia, quan hệ họ hàng bên ngoài gia đình. Từ tư liệu nghiên cứu về các gia đình Châu Á, các nhà khoa học phương Tây thấy rằng, có hai loại họ hàng được tạo ra: họ hàng sinh học hoặc là huyết tộc và họ hàng tạo ra qua hôn nhân hoặc là quan hệ thân thuộc với họ nhà vợ hay họ nhà chồng. Họ đã sử dụng lý thuyết dòng họ và lý thuyết thông gia để phân tích về hôn nhân và thông gia đối với trường hợp người Hmông ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Khi phân tích về các quan hệ hôn nhân cư trú bên chồng, các tác giả này chỉ ra bốn loại dòng họ: (1). Dòng họ thuộc cùng một thị tộc (không thể tiến hành hôn nhân trong thị tộc do có quy tắc ngoại hôn); (2). Dòng họ cho vợ đi, người vợ ra khỏi dòng họ; (3). Dòng họ nhận vợ về, người vợ chuyển về dòng họ; (4). Những dòng họ khác không có quan hệ gì đặc biệt. Cuốn sách viết theo hình thức đưa lý thuyết Nhân học vào phân tích các trường hợp cụ thể, qua đó chúng ta học được cách vận dụng lý thuyết để luận giải các trường hợp nghiên cứu. Tuy nhiên, do nội dung tự liệu bao trùm diện rộng - toàn Châu Á, nên các phân tích về dòng họ và thân tộc mặc dù có những ví dụ cụ thể về người Hmông nhưng cũng chỉ mang tính điểm qua. Nhà Nhân học người Mỹ, Robert Lowie với công trình Luận về xã hội học nguyên thủy [63], gồm 15 chương, đã tập trung trình bày về các vấn đề như: hôn nhân, gia đình, thị tộc, quan hệ họ hàng, tài sản, tổ chức xã hội, chính quyền, pháp luật... Mặc dù, đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các thổ dân Da Đỏ ở châu Mỹ và
  • 20. 12 khảo cứu các xã hội nguyên thủy. Nhưng với cách tiếp cận bằng phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và vận dụng lý thuyết chức năng để làm rõ các quan hệ dòng họ, họ hàng hai bên (họ nội, họ ngoại). Công trình thực sự có giá trị đối với luận án trong việc vận dụng lý thuyết Nhân học vào quá trình nghiên cứu. Đối với các nghiên cứu về người Hmông, tác giả luận án thừa kế các công trình nghiên cứu: Lịch sử người Mèo [19] của F.M. Savina, trình bày về nguồn gốc, sự hình thành tộc người Hmông. Đây là một trong những tài liệu hiếm hoi có sự so sánh, tác giả đã so sánh thuyết hình hành vũ trụ của người Hmông với một số dân tộc cổ đại, thấy giống hệt truyền thuyết của người Chaldéc, người Lô Lô và có điểm tương đồng với những câu truyện kể trong chương đầu của cuốn sách “sáng tạo thế giới” (Genèse). Ngoài ra, F.M. Savina còn so sánh về trang phục giữa nhóm Hmông Trắng với các nhóm Hmông khác. Tác giả Guy Morechand, trong công trình Những đặc điểm của thuật saman của người Mèo Trắng ở Đông Dương [22], đã mô tả chi tiết về đặc điểm thuật saman của nhóm Hmông Trắng, với những nghi lễ như lên đồng, bói toán và gọi hồn... Tác giả phát hiện thuật ra sa man của người Hmông Trắng có sự tương đồng với đặc điểm cấu trúc của thuật sa man Châu Á, đồng thời nhận định rằng, nguồn gốc của người Hmông Trắng có mối liên quan đến vùng Trung Á. Khi phân tích tổ chức chính trị của người Hmông, tác giả đã đề cập đến vấn đề dòng họ, quan hệ của những người cùng họ và bước đầu đưa ra khái niệm dòng họ với tên gọi là “Xeem”... Tuy nhiên, do nghiên cứu chủ yếu tập trung vào thuật sa man nên vấn đề dòng họ chưa được đề cập sâu. Nhưng tài liệu lại có giá trị đối với luận án khi tiến hành nghiên cứu so sánh, do tập trung nghiên cứu sâu về nhóm Hmông Trắng, nên trở thành tư liệu để so sánh với nhóm khác. Hơn nữa, việc phát hiện một số đặc điểm văn hóa của các nhóm Hmông, nhất là về tên gọi của mỗi nhóm được phân biệt theo trang phục của nữ giới,... là cơ sở để tham khảo trong việc so sánh văn hóa giữa các nhóm Hmông [22, tr.4]. Nghiên cứu về Một làng người Hmông Xanh ở Thượng Lào [36] của Jacques Lemoine đã mô tả về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, gia đình, hôn nhân, hệ thống thân thích của người Hmông Xanh ở làng Pha hok. Trong đó, vấn đề dòng họ được trình bày riêng và phân tích khá tỷ mỷ, từ cách nhận anh em, một số kiêng kỵ, đến các mối quan hệ, cũng như nguyên tắc ứng xử... Để làm rõ các thuật ngữ chỉ quan hệ dòng họ, tác giả đã liệt kê hệ thống thuật ngữ thân thích, đồng thời so sánh hệ thống thuật ngữ này giữa phương ngôn Hmông Xanh và Hmông Trắng. Mặc dù cuốn sách
  • 21. 13 chủ yếu nghiên cứu về nhóm Hmông Xanh tại một làng, nhưng lại có giá trị đối với vấn đề nghiên cứu so sánh về mặt thuật ngữ thân thích, cũng như vấn đề dòng họ đối với đề tài luận án. Cuốn sách Hmong: History of a people (Hmông: Lịch sử một dân tộc) của Keith Quincy [39] là một nghiên cứu được phân tích tổng hợp từ nhiều tư liệu liên quan đến người Hmông trên thế giới. Nội dung được chia làm 11 chương, phán ánh về nguồn gốc và những biến cố quan trọng trong tiến trình lịch sử tộc người này. Tuy chưa đề cập sâu đến vấn đề dòng họ, nhưng việc phân tích về truyền thuyết đã cung cấp tư liệu tham khảo cho luận án ở góc độ tìm hiểu sự hình thành các dòng họ. Đặc biệt ở truyền thuyết lý giải về sự phân nhóm địa phương (05 nhóm) của người Hmông, mà cách thức để phân biệt nhóm thông qua trang phục, có ý nghĩa trong việc khẳng định chức năng của trang phục đối với việc phân loại nhóm và cũng là cơ sở để so sánh sự khác biệt giữa các nhóm địa phương. Một nghiên cứu có tính tổng hợp khác của Gary Lee và Nick Tapp với bài viết Các vấn đề về dân tộc Hmông hiện nay: 10 điểm chính [20], đã đưa ra các vấn đề cần làm sáng tỏ về người Hmông. Mặc dù các phân tích rất khái quát, nhưng cũng đã đề cập đến vấn đề dòng họ (luận điểm 5), chỉ ra cách thức người ta xác định mối quan hệ họ hàng. Đồng thời làm rõ mặt tiêu cực của tâm lý cố kết dòng họ người Hmông, điểm mà người bên ngoài dễ lợi dụng gây tổn hại tới tộc người. Năm 2010 hai tác giả đồng chủ biên một công trình chuyên khảo, đề cập tới những khía cạnh khác nhau về người Hmông ở nước Úc [106]. Nixholas Tapp với cuốn sách Chủ quyền và nổi loạn người Hmông Trắng ở miền Bắc Thái Lan [49]. Với mục đích nghiên cứu quá trình đồng hóa của người Hmông trở thành thành viên của các nền văn hóa khác nhau. Tác giả đã trình bày về tình trạng tiến thoái lưỡng nan về kinh tế, chính trị, tôn giáo vùng người Hmông Trắng ở miền Bắc Thái Lan; Sự phản kháng của người Hmông Trắng và cuộc nổi loạn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Vấn đề dòng họ người Hmông được mô tả và phân tích khá sâu, tại làng tiêu điểm có tên là Nomya, các mối quan hệ họ hàng được phác họa bằng giản đồ cây phả hệ. Mặc dù tài liệu chỉ tập trung nghiên cứu điểm - một nhóm địa phương, nhưng đã làm rõ những vấn đề nổi cộm trong đời sống người Hmông nói chung ở các nước Đông Dương. Nhất là về vấn đề sản xuất và phá bỏ cây thuốc phiện, hay quá trình người Hmông trở thành tộc người của một quốc gia, sự xâm nhập của các tôn giáo mới (Công Giáo, Tin Lành). Với cách tiếp cận chuyên ngành
  • 22. 14 Dân tộc học, cuốn sách thực sự có giá trị tham khảo đối với luận án về mặt phương pháp nghiên cứu và tư liệu so sánh giữa các nhóm Hmông. Prasit Leepreecha với nghiên cứu chuyên sâu về Dòng họ và bản sắc của người Hmông ở Thái Lan [113], đã phân tích khá cụ thể về thiết chế xã hội mà người Hmông gọi là “xênhv” và cho rằng, xã hội Hmông cả trong truyền thống và hiện nay được điều tiết bởi các mối quan hệ có tính cố kết rất bền chặt, đó là tổ chức dòng họ. Người Hmông từ lâu đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc. Tác giả Nhan Ân Tuyền với bài viết Trang phục truyền thống và cách tân của người Hmông tỉnh Vân Nam, cho rằng hàng ngàn năm nay, người Hmông từ lưu vực sông Hoàng Hà vượt qua núi cao. Sông sâu, tiến vào vùng đất Tây Nam và Trung Nam – Trung Quốc, trong đó có một bộ phận di cư sang các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma…[50]. Cũng trong công trình đồ sộ này tác giả Cổ Văn Phượng với bài viết Văn hóa và kỹ thuật dệt lanh của người Hmông – Vân Nam đã giới thiệu một cách ấn tượng về một số tập tục liên quan đến vải lanh và quần áo vải lanh trong tang lễ của người Hmông. Các bài viết này có giá trị đối với đề tài luận án trong việc so sánh về trang phục giữa các nhóm Hmông, đặc biệt còn thấy được điểm tương đồng trong văn hóa dệt vải lanh đối với tộc người Hmông ở Trung Quốc và ở Việt Nam [50]. Bên cạnh đó còn có một số công trình đã được công bố về người Hmông có liên quan đến vấn đề tôn giáo, chẳng hạn như: Vayong Moua, Hmông Christianity: Conversion, Consequnence and Conflict, (người Hmông Thiên Chúa: Chuyển đổi, hậu quả và xung đột) [119]. Đây là công trình được tác giả công bố dựa trên kết quả nghiên cứu nhiều năm về người Hmông ở Lào, chuyển đổi tín ngưỡng sang Thiên Chúa. Hay như James Flewis, đã công bố công trình Messianism as A Factor in Vietnam’s Hmông Mass Conversion to Christianity (Cứu thế như một nhân tố đổi mới của người Hmông Việt Nam chuyển sang Thiên Chúa giáo: từ 1990-2005) [109]. 1.1.2. Nghiên cứu của các tác giả trong nước 1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu chung về dòng họ của một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc
  • 23. 15 Nghiên cứu về dòng họ điển hình có các nhà nghiên cứu như Ngô Đức Thịnh với bài viết Dòng họ trong đời sống xã hội hiện nay [78], đã phân tích sâu về bản chất của dòng họ và khẳng định sự phát triển “phục hưng” của dòng họ trong những thập niên gần đây, đồng thời chỉ ra những tác động tích cực, tiêu cực đối với con người và xã hội. Tuy không đề cập nghiên cứu riêng về tộc người nào, nhưng bài viết đã cung cấp kiến thức chung nhất về lý luận và thực tiễn để tiếp cận nghiên cứu về vấn đề dòng họ trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn có bài viết Cơ sở kinh tế và thể chế tông pháp của dòng họ người Việt [9], trong đó đã tập trung phân tích về thể chế dòng họ của người Việt, với các quy tắc ứng xử, quan hệ họ hàng (trách nhiệm/nghĩa vụ), phân biệt ngôi thứ trong quan hệ huyết thống... các quy định trong việc thực hiện Thọ Mai Gia Lễ. Đồng thời, trong công trình này đã so sánh thể chế dòng họ người Việt với Trung Quốc, Nhật Bản thông qua một số bộ luật của các triều đại phong kiến, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt. Sự tồn tại, phát triển của thể chế dòng họ được tác giả luận giải một cách biện chứng từ việc chia và kế thừa tài sản, cho thấy vấn đề nghiên cứu được vận dụng chặt chẽ quan điểm của C.Marx (mọi vấn đề đời sống xã hội đều chịu sự chi phối của kinh tế). Do đó, bên cạnh giá trị về mặt tư liệu, bài viết còn mang giá trị về mặt phương pháp luận để tham khảo nghiên cứu về dòng họ các tộc người ở Việt Nam. Nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn có những nghiên cứu tiêu biểu sau: Bài viết Bàn về dòng họ người Việt [95], nội dung xoay quanh khái niệm, cách hiểu về họ và quan niệm ba họ (họ nội, họ ngoại, họ vợ). Mặc dù, đối tượng nghiên cứu là người Việt, nhưng bài viết được tác giả tiếp cận bằng phương pháp nghiên cứu dân tộc học, các mối quan hệ thân tộc được phân tích chi tiết với ví dụ cụ thể và minh họa bằng sơ đồ. Qua đó cung cấp kiến thức cơ bản về nghiên cứu thân tộc, dòng họ. Một nghiên cứu khác của Đặng Nghiêm Vạn về Dòng họ, gia đình các dân tộc ít người trước sự phát triển hiện nay [94]. Bài viết đã phản ánh một cách tổng quát, về thực trạng tình hình gia đình và dòng họ các dân tộc thiểu số nước ta từ nửa cuối thế kỷ XIX. Dưới tác động của bối cảnh lịch sử, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa... làm cho chức năng xã hội và giá trị truyền thống của gia đình và dòng họ các dân tộc thiểu số ở nước ta có những biến đổi, xáo trộn mạnh mẽ, theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra quan điểm đối với việc cải tạo gia đình và dòng họ các DTTS, với nguyên tắc phải tôn trọng các giá trị nền tảng về đạo đức, bình đẳng giới, tính
  • 24. 16 nhân văn... Mục tiêu hướng đến là xây dựng gia đình, dòng họ thành đơn vị ổn định, tạo động lực phát triển xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù bài viết mang tính tổng quát, nhưng có giá trị về cả lý luận và thực tiễn trong quan điểm phát triển và cải tạo chức năng gia đình và dòng họ đồng bào DTTS. Công trình Tàn dư văn hóa nguyên thủy liên quan đến dòng họ, gia đình, hôn nhân người Khơ Mú [93] của Đặng Nghiêm Vạn là một trong những công trình hiếm hoi nghiên cứu về tộc người Khơ Mú thời điểm trước cách mạng Tháng Tám. Qua phân tích các tên họ của người Khơ mú, tác giả phát hiện có nhiều tên họ bắt nguồn từ các loài động vật hoặc thực vật nào đó. Mỗi tôtem dòng họ đều có huyền thoại để lý giải và những kiêng kỵ riêng. Mặc dù bài viết có phạm vi nghiên cứu dòng họ người Khơ Mú, nhưng với việc đi sâu phân tích về tôtem và phát hiện dấu vết liên minh ba thị tộc trong quan hệ dòng họ, đã cung cấp cho chúng ta phương pháp tiếp cận khi nghiên cứu dòng họ, luôn cần phải xem xét đến yếu tố lịch đại. Công trình Tín ngưỡng dòng họ với cố kết tộc người ở các dân tộc Hmông và Khơ Mú [80] của Nguyễn Văn Toàn đi sâu tìm hiểu về tín ngưỡng dòng họ với sự cố kết tộc người của hai tộc người trên, tác giả nhận thấy rằng: các dòng họ của người Khơ Mú không được tổ chức chặt chẽ như ở người Hmông. Tuy nhiên, tín ngưỡng dòng họ là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì sự cố kết tộc người. Mặc dù, đây là một nghiên cứu chuyên đề mang tính chất điểm về người Hmông và người Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhưng với việc so sánh chỉ ra sự thống nhất và khác biệt trong tín ngưỡng dòng họ hai tộc người này, góp phần làm rõ hơn tín ngưỡng dòng họ người Hmông nên có giá trị tham khảo đối với luận án. Luận án tiến sĩ của Lê Minh Anh với đề tài Quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình [1], là một nghiên cứu điểm tại xã Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cùng với việc làm rõ quan niệm, đặc điểm và cấu trúc dòng họ người Nùng Phàn Slình, luận án đã phân tích sâu các mối quan hệ dòng họ. Mặc dù đối tượng nghiên cứu là người Nùng, nhưng công trình có giá trị về mặt phương pháp và cách tiếp cận khi nghiên cứu về dòng họ dưới góc độ chuyên ngành Nhân học. 1.1.2.2. Các nghiên cứu về dòng họ người Hmông Tác giả Phạm Quang Hoan có nhiều công trình nghiên cứu sâu về dòng họ của người Hmông, trong đó phải kể đến các bài viết: Vai trò của thiết chế xã hội truyền thống trong việc quản lý nguồn tài nguyên cộng đồng của người Hmông [31], tập
  • 25. 17 trung trình bày hai loại hình tổ chức xã hội truyền thống cơ bản là bản làng và dòng họ, phân tích sâu vai trò của các thiết chế xã hội đó đối với việc quản lý xã hội và các nguồn tài nguyên; Một số nghi lễ liên quan đến dòng họ người Hmông huyện Kỳ Sơn, Nghệ An [32]; Một số nghi lễ phản ánh bản sắc và tính cố kết dòng họ của người Hmông [34] giới thiệu về một số nghi lễ quan trọng của dòng họ người Hmông như: lễ cúng thi su (lễ đuổi tà ma), nhu đa (lễ cúng ma bò)... Các nghiên cứu chuyên đề này góp phần làm rõ đặc điểm văn hóa và thiết chế dòng họ người Hmông. Một nghiên cứu khác mang tính tổng hợp của Phạm Quang Hoan và một số tác giả là Đặc trưng văn hóa và truyền thống cách mạng các dân tộc ở Kỳ Sơn – Nghệ An [33]. Trong nghiên cứu này, các tác giả giành riêng một chương để giới thiệu về dân tộc Hmông trên các lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, tổ chức xã hội, tổ chức dòng họ, nghi lễ vòng đời... Công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp này đã cung cấp thêm tư liệu về người Hmông và dòng họ người Hmông ở các địa phương trên các vùng miền khác nhau của nước ta. Tác giả Vương Duy Quang có những nghiên cứu tiêu biểu sau: Quan hệ dòng họ trong xã hội người Hmông [57] đã phản ánh sâu sắc quan niệm, triết lý và chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế về dòng họ người Hmông; Công trình Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại [59], đã khảo cứu sâu về tín ngưỡng truyền thống và những biến đổi của nó trong đời sống tâm linh người Hmông. Tác giả trình bày mục riêng để giới thiệu về dòng họ qua hệ thống thân tộc, tổ chức dòng họ, các mối quan hệ dòng họ và các lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến dòng họ. Công trình có giá trị tham khảo đối với luận án ở cả lĩnh vực dòng họ và đời sống tâm linh. Nhà dân tộc học Nguyễn Ngọc Thanh với bài viết Những quy ước của người Hmông [70], đã giới thiệu chi tiết vệ các quy ước trong tục lệ của cộng đồng dòng họ người Hmông như: sử dụng đất đai, nguồn nước, bảo vệ mùa màng và chăn nuôi, xử phạt tội trộm cắp, ngoại tình và ly hôn... Mặc dù, nghiên cứu chỉ tập trung giới thiệu về các quy ước, nhưng những phân tích đã làm rõ giá trị của thiết chế dòng họ, làng bản trong quản lý xã hội. Công trình Thiết chế xã hội và vai trò của người có uy tín ở người Hmông tỉnh Sơn La [25] nghiên cứu về gia đình, dòng họ, những tổ chức quan phương và phi quan phương trong xã hội truyền thống, để tìm hiểu vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hmông. Những nghiên cứu này, đã bổ sung tư liệu tham khảo cho luận án, khi tìm hiểu về thiết chế dòng họ truyền thống của người Hmông Trắng và người Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc.
  • 26. 18 Một số tài liệu về tổ chức dòng họ của dân tộc Mèo ở Bắc Hà – Lào Cai [5] của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Lào Cai, đã cung cấp những tư liệu rất chi tiết và thực tế về quan niệm, tổ chức, các quan hệ, vai trò, kiêng kỵ của một số dòng họ người Hmông. Tài liệu hữu ích trong việc so sánh với dòng họ truyền thống giữa các nhóm Hmông. Cư Hoà Vần – Hoàng Nam, với cuốn sách Dân tộc Hmông ở Việt Nam [96]; Công trình Người Hmông đôi nét về sinh hoạt tộc người [97] của Từ Ngọc Vụ; Chu Thái Sơn (chủ biên) cuốn sách Người Hmông [66] là những công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp chung nhất giới thiệu về tộc người Hmông ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong nội dung của các công trình này đều giành riêng một phần giới thiệu về tổ chức dòng họ của người Hmông, qua đó cho thấy vị trí, cũng như tầm quan trọng của thiết chế dòng họ đối với tộc người này. Các nghiên cứu trên đã cung cấp tư liệu và những vấn đề chung nhất khi tìm hiểu về người Hmông và dòng họ người Hmông ở nước ta. Nghiên cứu về người Hmông trên từng địa bàn cụ thể có các công trình: Văn hóa người Hmông ở Nghệ An [41], của Hoàng Xuân Lương. Đây là một nghiên cứu mang tính ứng dụng, không chỉ giới thiệu về các khía cạnh văn hóa của người Hmông, mà còn đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa người Hmông ở tỉnh Nghệ An. Với đối tượng nghiên cứu chính là nhóm Hmông Trắng (chiếm 95% người Hmông ở Nghệ An), cuốn sách cung cấp tư liệu so sánh giữa nhóm Hmông Trắng ở Nghệ An và các địa phương khác. Công trình Văn hoá Hmông [65] của Trần Hữu Sơn, giới thiệu về người Hmông ở tỉnh Lào Cai, chủ yếu là nhóm Hmông Hoa (Hmông Lềnh). Trong đó tập trung mô tả chi tiết các đặc điểm về văn hóa tinh thần của tộc người. Tác giả giành riêng một mục để phân tích về tổ chức và quan hệ xã hội, trong đó có vấn đề dòng họ. Đây là một trong những tài liệu hiếm hoi viết chủ yếu về nhóm Hmông Hoa, có giá trị tham khảo đối với luận án, nhất là trong việc so sánh giữa hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Tập thể tác giả Trường Lưu – Hùng Đình Quý với cuốn sách Văn hoá dân tộc Hmông Hà Giang [44], đã cho thấy diện mạo văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo... của dân tộc Hmông ở tỉnh Hà Giang, nhưng chủ yếu tập trung ở nhóm Hmông Trắng. Vấn đề dòng họ được phân tích gắn với các quan hệ trong đời sống xã hội, giúp người đọc hiểu rõ người Hmông Trắng nơi đây.
  • 27. 19 Đậu Tuấn Nam có cuốn sách chuyên khảo Di cư tự do của người Hmông từ đổi mới đến nay [48], đã trình bày khái quát về lịch sử, sự phân bố tộc người, thực trạng, nguyên nhân và ảnh hưởng của vấn đề di cư tự do đối với người Hmông từ năm 1986 đến nay. Khi trình bày về nguyên nhân di cư, tác giả đề cập đến vấn đề quan hệ gia đình, dòng họ của tộc người Hmông ở địa bàn miền núi hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Gần đây, Võ Thị Mai Phương và nhóm tác giả đã xuất bản cuốn sách Biến đổi văn hóa tinh thần của người Hmông di cư ở Đăk Lắk [53], trong đó tập trung làm rõ bức tranh về đời sống văn hóa của người Hmông, di cư từ các tỉnh phía Bắc vào tỉnh Đắk Lắk trong truyền thống và quá trình biến đổi các khía cạnh của đời sống văn hóa tinh thần. Nhóm tác giả đã cho thấy những đặc điểm văn hóa đặc trưng của tộc người, chỉ ra các yếu tố tác động và xu hướng biến đổi văn hóa tinh thần của người Hmông thời gian tới. Trên cơ sở đó, đã đề xuất những kiến nghị và giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa của người Hmông trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập hiện nay. Tuy cuốn sách không đề cập trực tiếp đến vấn đề dòng họ của người Hmông, nhưng đây là nguồn tư liệu có giá trị để tác giả luận án có những đánh giá và so sánh trong nghiên cứu của mình. Nguyễn Văn Minh và Hồ Ly Giang có bài viết Một số vấn đề thực tiễn về đạo Tin Lành ở các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay [45], khái quát về thực trạng, nguyên nhân và những ảnh hưởng của đạo Tin Lành tới các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, trong đó có người Hmông, đồng thời cũng phân tích ảnh hưởng của đạo Tin Lành tới quan hệ cộng đồng, dòng họ và gia đình. Một số bài viết của Nguyễn Thị Song Hà, Hồ Xuân Định, Nghi lễ chu kỳ đời người của người Hmông [27], Rites in the lifimte of Hmong people [28]; Nguyễn Thị Song Hà, Tác động của luật tục đối với quản lý xã hội người Hmông ở vùng Tây Bắc Việt Nam [29], trong đó miêu tả một số sự khác biệt trong văn hóa, nghi lễ của một số dòng họ và vị trí, vai trò của dòng họ trong quản lý xã hội ở cộng đồng người Hmông vùng Tây Bắc. Nguyễn Văn Thắng có một số đề tài như: Sự phân chia bên trong ở người Hmông [72] với đối tượng nghiên cứu là các nhóm Hmông Hoa, Hmông Đen, Hmông Trắng tại một thôn thuộc tỉnh Đắc Lắk. Tác giả đưa ra các dạng phân chia trong nội bộ tộc người Hmông, từ những năm 1980 trở lại đây, gồm các hình thức: sự phân tách tộc người – văn hóa, sự phân tầng kinh tế - xã hội và sự phân chia tôn giáo, đã dẫn tới những biến đổi trong bản sắc văn hóa tộc người. Nghiên cứu có giá
  • 28. 20 trị đối với việc tìm hiểu nguyên nhân phổ quát, dẫn đến những biến đổi văn hóa của các nhóm địa phương người Hmông, dưới tác động của qua trình hiện đại hóa/toàn cầu hóa. Cuốn sách Giữ “Lý cũ” hay theo “Lý mới” bản chất của những cách phản ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin Lành [73], đã phân tích tác động của đạo Tin Lành đối với đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của người Hmông thông qua nghiên cứu điểm, tại một số tỉnh có đông người Hmông cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hà Giang. Các phân tích đều gắn liền với nghi lễ dòng họ truyền thống (lý cũ) và vấn đề cải đạo theo Tin Lành (lý mới). Nghiên cứu là tư liệu để so sánh giữa dòng họ truyền thống và dòng họ cải đạo theo Tin Lành trong các nhóm người Hmông ở xã Bạch Ngọc. Tác giả luận án có các nghiên cứu như: Dòng họ của người Hmông Trắng ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang [12], trong đó tập trung khảo cứu sâu về 5 dòng họ, đồng thời làm rõ các mối quan hệ và vai trò của dòng họ người Hmông Trắng tại điểm nghiên cứu; Bài viết Vai trò của người có uy tín trong dòng họ Mông Trắng [11], Trống và khèn của người Mông [10], nội dung các bài viết đều phản ánh các vần đề liên quan đến dòng họ người Hmông ở Hà Giang. Luận án tiến sĩ Nhân học về Dòng họ của người Hmông Trắng tỉnh Sơn La [26] của Hồ Ly Giang, đã phân tích làm rõ các mối quan hệ và vai trò của dòng họ trong đời sống cộng đồng người Hmông Trắng ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đồng thời có so sánh với một số địa phương khác. Luận văn thạc sỹ của Mua Hồng Sinh với đề tài Tang ma dòng họ Giàng người Hmông Trắng, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang [64], đã tập trung trình bày về các nghi lễ trong tang ma của một dòng họ và có so sánh với dòng họ khác trong nhóm Hmông Trắng trên địa bàn nghiên cứu. Các nghiên cứu trên có đối tượng là người Hmông Trắng, nên đã góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu để so sánh với các nhóm Hmông khác. Từ tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án cho thấy rằng, vấn đề dòng họ của một số tộc người trên thế giới và dòng họ của các tộc người ở Việt Nam, trong đó có người Hmông ở một số địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, đã được nghiên cứu một cách độc lập và tổng thể. Trong đó một số nghiên cứu đi sâu vào trình bày và phân tích những vấn đề cấu thành thiết chế dòng họ của tộc người Hmông hay một nhóm cụ thể của tộc người này. Qua đó cung cấp cho chuyên ngành Dân tộc học/ Nhân học bức tranh tương đối toàn diện, về dòng họ của người Hmông trong xã hội truyền thống, cũng như vai trò của nó trong đời sống tộc người. Những vấn đề được đề cập trong các công trình nghiên cứu trên là nguồn tài
  • 29. 21 liệu tham khảo có giá trị cho đề tài luận án. Tuy nhiên, việc đi sâu nghiên cứu so sánh dòng họ giữa các nhóm Hmông khác nhau ở Việt Nam và tại một địa bàn cụ thể còn là một khoảng trống, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào trên cả góc độ truyền thống và biến đổi. 1.2. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu 1.2.1. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài * Dòng họ Theo Đặng Nghiêm Vạn, dòng họ có thể hiểu theo 3 nghĩa sau: (1). Là những người cùng mang một tên họ, mà không chắc gì hay có một chứng cớ gì có chung một nguồn gốc; (2). Là những thành viên mang cùng tên họ, được biết chắc chắn là có cùng nguồn ngốc từ một thủy tổ chung; (3). Là những người thuộc một tông tộc, tức là cùng thuộc về một ông tổ 5 đời gọi nôm na là chi họ [95]. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho rằng, dòng họ là một thực thể xã hội mang tính phổ quát của loài người, nó hình thành trên cơ sở quan hệ huyết thống của một quần thể người nhất định thể hiện qua ý niệm về dòng dõi từ một ông tổ chung, do vậy dòng họ là một thực thể vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội [78]. Dòng họ là một đơn vị xã hội trường tồn mà các thành viên của nó tự cho là xuất thân từ một tổ tiên xác định căn cứ vào quan hệ phả hệ và con cháu được nhận biết rõ ràng [37, tr. 258]. Mặc dù trên thực tế có nhiều loại hình dòng họ khác nhau và mỗi loại hình có quy tắc liên kết riêng, nhưng cũng có những đặc điểm chung nhất là bản chất hợp nhất của dòng họ đó là: (1). Một dòng họ là một nhóm hợp nhất duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác cho dù các thành viên của nó có được sinh ra thêm hay là qua đời. Về mặt biểu đồ, một dòng họ có khuynh hướng tạo thành một kim tự tháp, vì khi số lượng các thế hệ hậu sinh gia tăng thì số người họ hàng vì vậy cũng tăng lên. Tổ tiên của dòng họ, nhân vật để từ đó xác lập phả hệ của dòng họ, phải là nhân vật có thật và được xác định; (2). Dòng họ có tầm quan trọng trong thực tiễn và tâm lý to lớn trong cuộc sống thành viên. Nó đóng vai trò liên kết các cá nhân có mối quan hệ huyết thống chung lại với nhau và chi phối mạnh mẽ đối với mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Không những thế dòng họ còn xác định trách nhiệm và những ràng buộc, theo những quy tắc nhất định giữa các thành viên. Trong đó, tiêu biểu nhất là những nguyên tắc về sở hữu tài sản và nguyên tắc hôn nhân; (3). Thường thì tất cả các thành viên trưởng thành cùng một giới trong một dòng họ có cùng một dạng thức cư trú.
  • 30. 22 Hoặc là họ sống cùng địa phương hoặc là sống phân tán. Dòng họ sống cùng địa phương sẽ có được lợi thế hơn. Nếu tính theo phụ hệ thì những người đàn ông sẽ gắn bó với nhau ở trên cùng mảnh đất của tổ tiên, luôn chung tay trong việc ngăn chặn các dòng họ khác xâm chiếm hay là khai thác các nguồn lợi tự nhiên thuộc lãnh thổ của mình. Những lợi thế của các nhóm dòng họ cùng địa phương theo mẫu hệ thì không to lớn lắm, vì thông thường không phải phụ nữ mà là nam giới mới là người quản lý đất đai, chiến đấu và điều hành công việc chính trị. Tuy nhiên, những người phụ nữ sống cùng địa phương có thể mang lại lợi ích cho dòng họ của mình trong việc họ có thể đóng góp trách nhiệm duy trì truyền thống của nhóm (điều này thể hiện rất rõ đối với người Hmông, đặc biệt vai trò của bà cô, mặc dù đã đi lấy chồng và cư trú bên gia đình nhà chồng, song bà cô vẫn có tham gia và có quyền quyết định thay đổi một số tập tục trong tang ma); (4). Dòng họ có nguyên tắc hôn nhân và thông thường là theo nguyên tắc ngoại hôn. Vì dòng họ là một nhóm hợp nhất, nên các thành viên của dòng họ không thể kết hôn với nhau mà phải tìm bạn đời ở bên ngoài nhóm [13, tr. 36, 37]. Tác giả Clark W.Sorensen nhận định: Dòng họ được xác định bằng di duệ đơn hệ từ một tổ tiên chung và những nhóm họ hàng đơn hệ mà thành viên có thể vạch được phả hệ, qua những người mà thành viên biết được, đến một tổ tiên thủy tổ thì gọi là dòng họ (lineage) [21]. Theo Vương Duy Quang, dòng họ người Hmông được hiểu như sau: xét trên hệ thống thân tộc, khái niệm dòng họ của người Hmông bao gồm những người đàn ông thuộc các thế hệ khác nhau sinh ra từ một ông tổ và vợ con của họ. Cụ thể hơn, đó là tất cả những người theo trực hệ tính từ chắt của Ego (xinhz nzưr). Như vậy, người Hmông tính dòng họ theo hệ cha (phụ hệ) – pênhx chuôz. Để diễn tả hình tượng từ một ông tổ sinh ra ấy, đồng bào dùng thuật ngữ iz trôngs Hmôngz – “cùng một cây người”. Theo tiếng Hmông, trôngs có nghĩa là cây, ở đây hàm ý chỉ một cộng đồng. Từ trôngs lại phân ra thành nhỏ hơn. Tiếp đó, thuật ngữ chêl (cành) gắn với cấp độ cộng đồng dòng họ thứ hai. Ông tổ của cộng đồng chêl là một trong những ông tổ trong cộng đồng trôngs. Chêl tiếp tục phát triển trên tuyến trực hệ, các bàng hệ song song, bàng hệ chéo. Ở cấp độ nhỏ hẹp hơn nữa người Hmông có thuật ngữ phangx (mái). Ông tổ của cộng đồng phangx là một trong những ông tổ trong cộng đồng chêl. Phangx là đơn vị nhỏ nhất trong các cấp độ cấu trúc của cộng đồng dòng họ người Hmông [59, tr.76].
  • 31. 23 Tác giả luận án cho rằng, dòng họ bao gồm: Họ bên nội (quan hệ huyết thống tính theo dòng cha); Họ bên ngoại (quan hệ huyết thống tính theo dòng mẹ); Họ bên vợ (là quan hệ tính theo họ của vợ). Đối với dòng họ người Hmông là một cố kết cộng đồng huyết thống theo dòng cha. Tiêu chuẩn để nhận biết dòng họ là các vị tổ tiên mà thành viên dòng họ thờ phụng. Ông tổ là người đã chết mà người già ở thế hệ cao nhất trong phả hệ còn nhớ. Những người này được xem như “cùng họ, cùng ma” (thồng xểnh thồng đang), có chung một ông tổ, có nghi lễ cúng ma và các kiêng kỵ giống nhau. - Chi họ: Trong bài viết “Bàn về dòng họ người Việt”, Đặng nghiêm Vạn cho rằng, một chi hay một tông tộc thường chỉ tính theo trực hệ đến đời thứ năm; Từ đời thứ sáu các nhánh bàng hệ thường tách ra một chi riêng. Thành viên thuộc mỗi chi riêng, tuy vẫn hiểu biết có những thành viên các chi khác, còn ở trong làng hay cư trú ở làng khác; Các chi còn biết chung là thuộc về một thủy tổ [95]. Quan niệm về chi họ của người Hmông được nhà nghiên cứu Phạm Quang Hoan lý giải ở phạm trù “Cố kết hẹp” như đã nêu ở trên, được tính theo dòng cha, thường từ 3 đến 4 đời. Tác giả luận án cho rằng, khái niệm chi họ có phạm vi hẹp hơn khái niệm dòng họ. Tư liệu điền dã thu thập được về một số dòng họ của người Hmông cho thấy, các thành viên trong một chi họ có quan hệ huyết thống tính theo bên nam và thường trong phạm vi 3 đời. - Quan hệ dòng họ: Hai tác giả Emily A. Schultz và Robert H.Lavenda cho rằng, những quan hệ dựa trên sinh đẻ được gọi là quan hệ dòng họ và quan hệ dòng họ là phạm trù có tính chất chọn lọc. Một phần quan trọng của hệ thống thân tộc là quan hệ dòng họ - nguyên tắc văn hóa quy định các phạm trù xã hội thông qua những mối liên hệ cha mẹ - con cái được văn hóa thừa nhận [18]. Clark W. Sorensen khi phân tích về các gia đình Châu Á đã luận giải, nếu ta bắt đầu từ bản thân ta, rồi vạch các mối liên lạc huyết thống như thể trên một sơ đồ họ hàng với bố mẹ, ông bà và di duệ của họ cả về đằng mẹ lẫn đằng bố của ta, ta có thể xác định được một nhóm mà các nhà nhân học gọi là họ hàng bà con hai phía [21, tr.153]. Tác giả luận án quan niệm rằng, quan hệ dòng họ phải được xác định trên ba phương diện chính bao gồm: (1). Quan hệ dòng họ tính theo dòng cha – bên nội;
  • 32. 24 (2). Quan hệ họ hàng tính theo dòng mẹ - bên ngoại; (3). Quan hệ dòng họ tính theo họ bên vợ/chồng. Như vậy, quan hệ dòng họ không chỉ trên phương diện huyết thống, mà còn có các dạng như: quan hệ liên minh dòng họ dựa trên hôn nhân – thông gia và quan hệ dòng họ theo ma (cùng ông tổ). Đối với người Hmông, quan hệ dòng họ vừa là một thực thể mang tính sinh học vừa mang tính xã hội, đó là các mối quan hệ cố kết con người – các thành viên dòng họ với nhau và cũng có sự biến đổi qua thời gian. - Thân tộc: Thân tộc là tổ chức xã hội cơ bản mà trong đó mối quan hệ của các thành viên được xác lập thông qua hệ thống huyết tộc bao gồm mối quan hệ dòng tộc, hôn nhân và gia đình [37, tr. 251]. Khái niệm thân tộc dùng để chỉ những người có cùng quan hệ huyết thống, có thể là trực hệ hoặc cũng có thể là bàng hệ, có thể theo dòng bố (nếu lấy tôi làm trung tâm thì bao gồm bố tôi, ông nội, cụ nội, cố nội, con và cháu của tôi, hoặc con của chú và bác anh em trai của bố tôi), có thể tính theo dòng mẹ (bao gồm mẹ, bà ngoại, cụ ngoại, con gái, cháu ngoại) [51, tr. 46]. Thân tộc là những thuật ngữ dùng để gọi những người có quan hệ thân tộc với chủ thể. Ví dụ: trong hệ thống thân tộc của người Việt, tôi gọi người sinh ra tôi thuộc giới nam là cha, người em trai của cha là chú, người vợ của chú là thím. Tôi gọi người sinh ra tôi thuộc giới nữ là mẹ, người em gái của mẹ là dì, người chồng của dì là chú hay dượng... Tất cả các từ cha, mẹ, chú, thím, dì, dượng... là thuật ngữ thân tộc. Các thuật ngữ thân tộc là một nhóm hoàn chỉnh các thuật ngữ mang ý nghĩa về mối quan hệ thân thuộc tồn tại trong một xã hội, để nhận biết và phân biệt họ hàng. Đó là cách mà một nền văn hóa đặt ra trật tự trong xã hội của những người có quan hệ họ hàng thân thích với nhau. Những từ chúng ta vẫn gọi thường ngày như cha, mẹ, anh, em, chú, bác, cô, dì... không chỉ là thể hiện sự tôn kính của những người có đối thoại mà từ lâu nó thể hiện ý niệm về mức độ xa hay gần, tính chất giống nhau hay khác nhau trong quan hệ thân tộc. Những từ đó còn hàm chứa những quyền lợi và nghĩa vụ rất cụ thể của những người trong mối quan hệ thân tộc đó, nó hợp thành một bộ phận chủ yếu của quan hệ xã hội [13, tr. 4,5]. Đối với nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc, thuật ngữ thân tộc cũng được xác định rõ ràng. Ví dụ đối với nhóm Hmông Hoa, anh ta gọi người
  • 33. 25 sinh ra anh ta thuộc giới nam là trớ (cha), người sinh ra bố anh ta là zở (ông nội), vợ của ông nội là pù (bà nội); Anh trai của cha là zở lâu (bác), vợ của anh trai của bố là pù lâu (bác gái); Em trai của cha là trí zở (chú), vợ của chú là nả zở (thím); Chị, em gái của bố là pù nhắng (cô), chồng của cô gọi là sớ cứ zì (chú); Anh ta gọi người sinh ra anh ta thuộc giới nữ là nả (mẹ), người cha sinh ra mẹ anh ta là zở trớ (ông ngoại), vợ của ông ngoại là nả tai (bà ngoại), anh và em trai của mẹ được gọi là tsớ tlắng (cậu, bác), vợ của anh, em trai của mẹ gọi là nả tlắng (mợ), chị và em gái của mẹ là tai lua (dì), người chồng của dì là tsớ lua (chú). Theo tác giả luận án, thân tộc là để chỉ mối quan hệ dòng họ, bao gồm những quan hệ cơ bản như huyết thống, hôn nhân, gia đình. Đồng thời thân tộc còn để xác định mức độ xa gần của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với cá nhân khác như sinh thành hay di duệ, huyết thống hay thông gia... và tất cả được thể hiện bằng những thuật ngữ xác định cụ thể. 1.2.2. Cách tiếp cận Đề tài luận án được tiếp cận trên cơ sở phương pháp nghiên cứu chuyên ngành Dân tộc học và Nhân học. Có phương pháp luận và bộ công cụ lý thuyết phù hợp để luận giải các vấn đề trong phạm vi luận án. Hướng nghiên cứu tập trung vào dòng họ truyền thống và dòng họ cải đạo của hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa. Đặt trong tương quan so sánh giữa hai nhóm về đặc điểm, sinh hoạt, quan hệ dòng họ, nhằm phát hiện điểm tương đồng và khác biệt, từ đó nhận diện xu hướng biến đổi bản sắc văn hóa tộc người. Bối cảnh và không gian của đề tài nghiên cứu cũng được tiếp cận theo hai chiều lịch đại và đồng đại, nhằm đảm bảo cho việc so sánh được bao quát nhất và có cái nhìn xuyên suốt, về sự thay đổi của dòng họ các nhóm người Hmông nơi đây từ truyền thống đến hiện đại. Mặt khác, với góc độ là cán bộ làm quản lý công tác dân tộc tại địa phương, tác giả cố gắng tư duy một cách khách quan nhất trong tiếp cận đề tài. Các quan điểm chỉ đạo cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai, thực hiện tại địa bàn nghiên cứu luôn được đánh giá và nhìn nhận theo góc độ nhà nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học. Từ đó, có những nhận định khách quan, chỉ ra những điểm phù hợp cũng như mặt hạn chế trong công tác quản lý, cách ứng xử
  • 34. 26 của cấp ủy, chính quyền đối với các vấn đề nảy sinh trong đời sống của người Hmông nơi đây và có những đề xuất, kiến nghị mang giá trị khoa học và thực tiễn. 1.2.3. Lý thuyết nghiên cứu 1.2.3.1. Lý thuyết chức năng - cấu trúc Các đại biểu của trường phái lý thuyết chức năng - cấu trúc mà tiêu biểu là Malinowski và Ridcliffe – Brown đã phát triển luận điểm của mình trên cơ sở kế thừa quan điểm của các nhà khoa học đi trước. Các nhà lý thuyết chức năng nhìn vào bên trong những đơn vị mà Durkheim trước đó gọi là những “xã hội đa hợp”. Họ tìm hiểu cấu trúc bên trong của những bộ phận xã hội, xem xét những quan hệ xã hội gắn kết các bộ phận này với nhau và cố gắng giải thích sự ổn định có thể thấy được của những xã hội phân nhánh. Durkheim quan niệm, sự tương tác xã hội phải được hiểu một cách có hệ thống, không phải bằng cách lấy những tập tục riêng lẻ ra khỏi bối cảnh của chúng và ông lập luận rằng mọi hành vi xã hội được học hỏi mà có và được quyết định bởi những tập tục truyền thừa bên trong truyền thống xã hội. Các lý thuyết chức năng dùng ba định nghĩa khác nhau về khái niệm chức năng: (1). Mọi tập tục đều có tương quan với tất cả tập tục khác trong cộng đồng, vì vậy mỗi tập tục quy định tình trạng của những tập tục kia; (2). Chức năng của các tập tục này là để thỏa mãn những nhu cầu sinh học chủ yếu từ cá nhân thông qua phương tiện văn hóa; (3). Chức năng mỗi tập tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội. Không giống như C.Marx, cả Malinowski và Ridcliffe – Brown đều không quan niệm rằng những quan hệ kinh tế chi phối các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Khi không có một lịch sử thành văn hay những bằng chứng khảo cổ học chi tiết, thì việc suy diễn về lịch sử của những xã hội có quy mô nhỏ là việc làm vô ích. Khi Malinowski điền dã ở vùng dân đảo Trobriand, ông chứng minh mục đích nghiên cứu của mình qua quan sát, nghi chép để thấy những tập tục khác nhau tùy thuộc lẫn nhau như thế nào về mặt chức năng, tìm ra những cơ sở xã hội và tâm lý mà trên đó các thể chế xã hội được xây dựng. Theo sự đánh giá của Malinowski, “người bản xứ” tuân theo những “sức mạnh và mệnh lệnh của pháp luật bộ lạc” mà không hiểu về chúng, điều này thấy rõ trong quan hệ dòng họ người Hmông, mọi thành viên tự giác thực hiện luật tục tộc họ và có thể trong đó sẽ có nhưng người không hiểu về nó một cách thấu đáo. Ridcliffe – Brown cho rằng, chức năng của một tập tục là sự đóng góp của nó vào đời sống liên tục của “cơ thể xã hội” và định nghĩa sự thống nhất chức năng
  • 35. 27 là “một tình trạng trong đó tất cả mọi thành phần của một hệ thống xã hội cùng làm việc với nhau ở mức độ hài hòa hoặc thống nhất nội bộ đủ (để tiếp tục như một hệ thống), tức là không tạo ra những xung đột kéo dài mà không giải quyết hoặc điều chỉnh được”. Khi nghiên cứu về cơ cấu xã hội, Ridcliffe – Brown đã đưa ra khái niệm nổi tiếng liên quan đến dòng họ, đó là “nhóm dòng họ đơn hệ”. Phương pháp mà Ridcliffe – Brown sử dụng chính là “Thuyết chức năng cấu trúc”, thuyết này chú trọng đến cơ cấu của những quan hệ xã hội và gán cho thể chế những chức năng nhất định, đồng thời căn cứ vào sự đóng góp của chúng để duy trì cơ cấu đó. Các nhà lý thuyết chức năng quan niệm về cơ cấu xã hội như một mạng lưới những vị thế được kết nối bởi những vai trò có liên quan và họ minh họa khái niệm vị thế và vai trò bằng các nghiên cứu về hệ thống xã hội cụ thể ở bốn nhóm người gồm: người Sarakatsani là cư dân chăn cừu ở miền Bắc Hy Lạp, người Samburu ở Kenya là cư dân chăn nuôi đồng cỏ, người Asante ở Ghana và Los Peloteros – một khu ổ chuột ở Puerto Rico. Bốn minh họa cho lý thuyết chức năng cấu trúc, qua các khái niệm vị thế và vai trò, đã phân tích các yếu tố cơ bản cấu thành hệ thống xã hội từ quan hệ sở hữu, thừa kế tài sản, hôn nhân, những kiêng kỵ đến quyền lực… tất cả đều liên quan đến vấn đề quan hệ thân tộc và quan hệ dòng họ, kể cả dòng họ song hệ và đơn hệ, mẫu hệ và phụ hệ [62]. Trong nghiên cứu này, tác giả luận án sử dụng lý thuyết chức năng cấu trúc để giải thích sự tồn tại lâu bền của thiết chế dòng họ người Hmông, tính cố kết tộc người với những quan hệ dòng họ được xem là cơ sở cấu thành hệ thống xã hội trong truyền thống cũng như hiện nay, trong đó từng mối quan hệ xã hội đều khoác lên mình chức năng nhất định, đồng thời có giá trị chi phối ở một khía cạnh nào đó để đóng góp cho việc duy trì cấu trúc xã hội mà ở đây chính là quan hệ dòng họ. 1.2.3.2. Lý thuyết về giao lưu tiếp biến văn hóa Từ cuối thể kỷ XIX, các nhà nhân học Phương Tây bắt đầu đề cập đến khái niệm giao lưu tiếp biến văn hóa, để chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền văn hóa khác nhau. Sản phẩm của quá trình tiếp xúc, tương tác là sự thay đổi của một số loại hình văn hóa của một hoặc cả hai nền văn hóa đó. Tiếp biến văn hóa là quá trình biến đổi văn hóa diễn ra do sự tiếp xúc của hai hệ thống văn hóa riêng rẽ mà kết quả là làm cho chúng ngày càng trở nên giống nhau hơn. Tiếp biến văn hóa bao gồm một số các quá trình khác nhau gồm khuếch tán, thích nghi mang tính ứng phó. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa là quá trình một nền văn hóa thích nghi, ảnh hưởng từ một nền văn hóa khác bằng cách vay mượn những nét
  • 36. 28 đặc trưng của nền văn hóa ấy. Vì thế, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng là một cơ chế khác của biến đổi văn hóa, đó là sự trao đổi của những đặc tính văn hóa nảy sinh khi các cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục [81, tr.12]. Trong trường hợp tộc người Hmông, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trước tiên phải kể đến sự ảnh hưởng của văn hóa Hán. Mặc dù lịch sử tộc người là những cuộc giao tranh với người Hán và thiên di để tránh khỏi sự truy sát, nhưng ở một mức độ nào đó, văn hóa Hmông vẫn có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Hán, nhất là trong ngôn ngữ, người Hmông đều công nhận ngôn ngữ của mình có sự vay mượn của tiếng Hán. Gần đây, trong bộ phận cộng đồng người Hmông ở xã Bạch Ngọc và một số địa phương khác đã có sự tiếp biến về tín ngưỡng, tôn giáo, đó là sự chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang đạo Tin Lành, bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Cải đạo chỉ phát sinh trong thời gian ngắn, nhưng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc – tôn giáo đối với vùng người Hmông. Trên phương diện văn hóa tộc người, cải đạo theo Tin Lành đã dẫn đến sự biến đổi cấu trúc dòng họ truyền thống của tộc người Hmông ở một số nơi, trong đó có người Hmông ở xã Bạch Ngọc. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, giao lưu và tiếp biến văn hóa tộc người là một xu hướng tất yếu. Song quá trình giao lưu, tiếp biến đó phải đặt trong tương quan tác động từ hai phía: Thứ nhất, đó là sự tác động mang tính chất “chính thống” (được Nhà nước và pháp luật công nhận, bằng các chủ trương, chính sách cụ thể); Thứ hai là những tác động “phi chính thống (có thể hiểu là bao hàm cả những tác động trái pháp luật), được thực hiện chủ yếu bằng âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc – tôn giáo... để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Sự du nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, hay tôn giáo ngoại sinh đã và đang tác động mạnh mẽ đến đồng bào các dân tộc, trong đó có người Hmông ở xã Bạch Ngọc. Vì thế, áp dụng lý thuyết tiếp biến văn hóa để nghiên cứu người Hmông sẽ cho phép chúng ta giải thích một cách khoa học về sự biến đổi văn hóa nói chung và dòng họ nói riêng ở tộc người này. 1.2.3.3. Lý thuyết về mạng lưới xã hội Lý thuyết về mạng lưới xã hội được các học giả phương Tây bắt đầu đề cập từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Tiêu biểu có Bourdieu, Coleman, Putnam, Fukuyama, Na Lin...