SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  100
Télécharger pour lire hors ligne
MẤY VẤN ĐỀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
MẤY VẤN ĐỀ THI PHÁP
VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Tác giả: TRẦN ĐÌNH SỬ
PHẦN MỞ ĐẦU
THI PHÁP HỌC HIỆN ĐẠI
VÀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
Văn học trung đại là một giai đoạn lớn trong lịch sử văn học nhân loại
và dân tộc, đồng thời cũng là một trong ba phạm trù lớn của văn học, bên
cạnh văn học cổ đại và văn học cận hiện đại. Chính vì vậy, vấn đề thi pháp
văn học trung đại không chỉ có ý nghĩa để hiểu sâu thêm văn học trung đại,
mà còn gián tiếp giúp làm sáng tỏ đặc điểm văn học cổ đại và hiện đại trong
thế đối sánh.
Văn học trung đại Việt Nam tính từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX lại là giai
đoạn hình thành và phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam, là giai đoạn hình
thành các truyền thống lớn về tư tường và nghệ thuật. Do vậy, việc nghiên
cứu thi pháp văn học giai đoạn này có ý nghĩa giúp cho việc chiếm lĩnh sâu
thêm các truyền thống văn học dân tộc, thúc đẩy việc học tập và kế thừa các
truyền thống tốt đẹp ấy.
Văn học trung đại chiếm một phần không nhỏ trong chương trình văn
học ở phổ thông và đại học, và việc dạy học văn học trung đại sao cho có
hiệu quả đang là một mục tiêu phấn đấu của giáo viên các cấp. Nghiên cứu
thi pháp văn học giai đoạn này sẽ cung cấp thêm tài liệu tham khảo để giải
quyết vấn đề rộng lớn này.
Văn học trung đại có thi pháp của nó. Thi pháp học truyền thống một
phần là lý luận văn học của nền văn học ấy. Để hiểu văn học trung đại, chỉ
riêng việc nghiên cứu thi pháp học lý thuyết truyền thống, trình bày các phạm
trù, khái niệm, phương pháp của nó cũng đã là một việc rất cần thiết và chẳng
dễ dàng chút nào. Vì sao lại còn nghiên cứu thi pháp học truyền thống theo
quan điểm thi pháp học hiện đại?
Ở đây xin được làm sáng tỏ mấy khái niệm sau:
1. Thi pháp là hệ thống các nguyên tắc nghệ thuật chi phối sự tạo thành
của một hệ thống nghệ thuật với các đặc sắc của nó. Thi pháp không phải là
nguyên tắc có trước, nằm bên ngoài, mà là nguyên tắc bên trong, vốn có của
sáng tạo nghệ thuật hình thành cùng với nghệ thuật. Nó là mĩ học nội tại của
sáng tác nghệ thuật gắn liền với sự sáng tạo và một trình độ văn hoá nghệ
thuật nhất định, mang một quan niệm nhất định đối với cuộc đời, con người
và bản thân nghệ thuật. Thi pháp biểu hiện trên các cấp độ: tác phẩm, thể
loại, ngôn ngữ, tác giả và bao trùm là cả nền văn học.
2. Thi pháp học là khoa học nghiên cứu về thi pháp. Khoa học này bao
gồm mấy bộ phận sau:
a) Lý luận về thi pháp của một giai đoạn văn học lịch sử cụ thể. Ở đây
sẽ bao gồm lý luận về thi pháp vốn có của giai đoạn văn học trung đại, được
tác giả của chúng thừa nhận.
b) Hệ thống các nguyên tắc nghệ thuật thể hiện trong bản thân sáng tác
của giai đoạn văn học được xét. Hệ thống này do tồn tại tiềm tàng trong sáng
tác nên cần được miêu tả ra, đồng thời nó cũng không trùng khít với thi pháp
học lý thuyết của giai đoạn văn học ấy.
c) Lý luận thi pháp của người nghiên cứu dùng để miêu tả một cách hệ
thống thi pháp tiêm tàng trong thực tế văn học và lý giải mới đối với lý luận thi
pháp đã có trong lịch sử.
Ba bộ phận của thi pháp học này liên hệ với nhau trong một mối quan
hệ hết sức khăng khít. Lý luận thi pháp lịch sử là siêu ngôn ngữ thành văn
của thi pháp văn học một thời. Lý luận thi pháp học hiện đại là siêu ngôn ngữ
của nghiên cứu văn học hiện đại dùng để miêu tả lý luận thi pháp lẫn thi pháp
văn học của một giai đoạn. Chính vì như vậy, thi pháp học hiện đại có một ý
nghĩa quan trọng, bao trùm. Thiếu một quan niệm thi pháp học hiện đại sáng
tỏ không thể tiến hành phân tích, miêu tả hệ thống thi pháp văn học được.
3. Công trình này sở dĩ được gọi là Mấy vấn đề thi pháp văn học trung
đại Việt Nam là bởi vì nó được gợi ý từ nhiều công trình nghiên cứu thi pháp
văn học trung đại của các tác giả hiện đại nước ngoài, trước hết là các tác giả
Nga.
Thời nào cũng vậy, các công trình nghiên cứu có hiệu quả bao giờ cũng
gợi ý cho người đi sau. Trước đây nhờ có Nghệ Văn Chí của Ban Cố mới có
Nghệ Văn Chí của Lê Quý Đôn; có Lịch sử văn học Pháp của Lăngxông, mới
có Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Dĩ nhiên học tập là
sáng tạo bởi vì phải vận dụng vào đối tượng mới. Ở Nga (Liên Xô cũ) nhà
nghiên cứu M. I. Stebơlin–Camenxki viết Thi pháp học lịch sử trên cơ sở tài
liệu văn học cổ nước Anh theo phương hướng của sách Thi pháp học lịch sử
của A.N. Vêxêlôpxki (1978), còn X. X. Avêrinxép viết Thi pháp văn học
Bidantin trung dại thượng kỳ theo quan niệm và phương pháp của D. X.
Likhatrốp. Ông nói: ông mô phỏng Likhatrốp để khám phá thi pháp một nền
văn học khác. Nhà Việt Nam học N.I.Niculin cũng vận dụng quan điểm của
Likhatrốp để nghiên cứu văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Đến
lượt mình, chúng tôi cũng mô phỏng bước đi, cách làm của các nhà nghiên
cứu Xô viết (Liên Xô trước đây). Tất nhiên khi vận dụng vào văn học trung đại
Việt Nam chúng tôi buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Học tập nước ngoài bao giờ cũng là một việc làm cần thiết để nâng cao
trình độ tiếp cận của mình. Trong bước đầu học tập chắc công trình này
không tránh khỏi những khiếm khuyết, mặc dù chúng tôi cố gắng để tránh
khỏi khiên cưỡng, gò ép.
4. Trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam hiện nay đã có khá
nhiều công trình văn học sử, cũng đã có một số công trình đi sâu vào một số
thể loại, tác giả: Một số công trình bước đầu thăm dò một số quy luật phát
triển của văn học Việt Nam. Tuy nhiên một công trình mang cái nhìn tổng thể
đối với thi pháp văn học trung đại Việt Nam vẫn rất cần thiết. Chính vì vậy,
chúng tôi không ngại kiến thức sơ khoáng, kinh nghiệm ít ỏi, mạo muội thử đi
vào tìm hiểu. Chúng tôi đặt cho mình một mục tiêu khiêm tốn: Bước đầu giới
thiệu một số công trình nghiên cứu thi pháp văn học trung đại của nước
ngoài, tìm kiếm trong đó những khái niệm cần thiết, những cách tiếp cận hữu
hiệu, gợi ra một phương hướng nghiên cứu thi pháp văn học Việt Nam trung
đại.
Trên cơ sở đó, bước đầu nêu ra một số vấn đề cơ bản, như loại hình
văn học, các bình diện đặc trưng, thi pháp một số thể loại văn học với quan
niệm con người, quan niệm thế giới và một số phương thức nghệ thuật.
Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi một mặt tìm đọc các tài liệu văn
học Việt Nam, tham khảo, học tập các tác giả đi trước, tham khảo các kiến
giải nước ngoài, bước đầu nêu kiến giải của mình, tạo thành một cái nhìn hệ
thống.
Muốn tìm hiểu thấu đáo thi pháp văn học trung đại Việt Nam chắc chắn
còn phải dày công nghiên cứu cụ thể hơn nữa, và đòi hỏi sự tham gia tìm tòi
của nhiều học giả và thế hệ nhà nghiên cứu.
Chừng nào còn chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu từng
mặt, thì một công trình như thế này khó tránh khỏi gây cảm giác chung chung.
Nhưng mặt khác một cái nhìn bao quát cũng có ý nghĩa để đi sâu vào từng
mặt cụ thể.
Thi pháp văn học trung đại là một lĩnh vực hết sức khó khăn. Khó khăn
về lý thuyết, về tư liệu, về sự thâm nhập, phân tích. Chúng tôi mong nhận
được nhiều ý kiến chỉ giáo để có thể hoàn thiện thêm nhằm cung cấp tài liệu
tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và những ai quan tâm tới vấn đề.
Chúng tôi trân trọng cảm ơn các GS Trần Thị Băng Thanh, Hoàng Hữu
Yên đã cho những nhận xét quý báu để chúng tôi hoàn thiện bản thảo.
Hà Nội, năm Đinh Sửu, 1997
TÁC GIẢ
Phần I. MẤY VẤN ĐỀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
Chương 1. THI PHÁP HỌC TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI TRONG
CÁCH TIẾP CẬN VỚI THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
I. THI PHÁP HỌC TỪ TRUYỀN THỐNG TỚI HIỆN ĐẠI
1. Thi pháp học truyền thống
Sau mấy nghìn năm tồn tại và phát triển, thi pháp học truyền thống
bước vào thế kỷ XX đã chuyển sang giai đoạn hiện đại với nhiều trường phái
mới, đã làm đổi thay hẳn cách tiếp cận văn học và mở ra những chân trời mới
cho việc nghiên cứu, nhìn nhận văn học nghệ thuật nói chung và văn học
trung đại nói riêng.
Như nhiều người đã có nhận xét, thi pháp học truyền thống từ Arixtốt ở
phương Tây hay Lưu Hiệp ở phương Đông trở đi đều có chung một số đặc
điểm như sau:
Thi pháp học là bộ môn khoa học xuất hiện như là một cẩm nang sắp
xếp những lời dạy về phép tắc đối với nghề sáng tạo nghệ thuật. Miller T.A.
trong sách Lịch sử phê bình văn học thời Hy Lạp cổ điển thế kỷ V – VI cho
rằng: Về thể loại sách Thi pháp học của Arixtốt là một dạng sách giáo khoa,
một thứ cẩm nang về các quy tắc thực tiễn của một nghề như nghề thủ công
cụ thể. Thi pháp là kiến thức dạy nghề cho những ai làm nghề văn học. Thời
cổ đại người ta nhìn văn học dưới góc độ nghề. Nghệ thuật thi ca nằm cùng
dãy với thuật hùng biện (Rhêtorica), thuật tư duy (logica), và thi pháp học
chính là thuật làm văn thơ vậy.
Sau Arixtốt, các công trình thi pháp học của Horaxơ, Longinus,
Caxtenvestrô, Boalô, Létxinh vẫn đi theo quỹ đạo đó. Trong sách Nghệ thuật
thi ca của Antonio Minturnô (Italia) viết năm 1564, thơ vẫn còn đặt cùng dãy
với các nghệ thuật khác như quân sự, y học, kiến trúc, và đến cuối thế kỉ XVIII
ở châu Âu, thơ vẫn nằm trong dãy các “nghệ thuật tự do” như toán pháp,
thiên văn, âm nhạc, hùng biện.
Ở Trung Quốc Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, theo nhận định của
nhà sử học Phạm Văn Lan trong Trung Quốc thông sử, phần hai là sách trình
bày “phép tắc làm văn”. Nhà nghiên cứu Vương Vận Hi cho rằng có thể dịch
tên “Văn tâm điêu long” thành “Nghĩa lý tinh tuý về cách làm văn chương”.
Sau Lưu Hiệp các nhà thi thoại và các nhà bình điểm tiểu thuyết cũng nhận
xét, đánh giá tác phẩm theo “cách làm” của họ. Cách hiểu ấy đã cho thấy rõ
đặc điểm chung của thi pháp học truyền thống là hướng tới truyền thụ phép
tắc làm văn. Tinh thần này đã được lưu truyền và ngự trị hàng nghìn năm.
Thế kỉ XVI, Beneđettô Varki, thành viên Viện Hàn lâm Italia tuyên bố: “Mục
đích của nhà thơ là làm cho tâm hồn của con người được hoàn thiện và hạnh
phúc, và công việc của anh ta là bắt chước, tức là đóng vai (Fingera). và miêu
tả (Rapprsentare) sự vật, nhằm làm cho con người tốt hơn, lương thiện hơn,
và do đó mà hạnh phúc hơn… Thi pháp học – là khoa học (Facoltà) dạy
những cách thức cần thiết để bắt chước các hành động, các dục vọng và các
phong tục bằng các phương tiện nhịp điệu, ngôn từ và hài hoà, gộp lại hay
tách riêng…”.
Tinh thần trên đã dần dần đưa thi pháp học truyền thống vào quỹ đạo
quy phạm hoá mà tiêu biểu nhất là công trình Bàn về nghệ thuật thơ ca của
Boalô, pháp điển của chủ nghĩa cổ điển Pháp.
Ở Trung Quốc nguyên tắc làm văn xây dựng trên nguyên lý thống nhất
giữa văn và đạo, đức, khí, phong, tức nguyên lý vận hành của vũ trụ và giáo
hoá đối với con người. Lục Cửu Uyên (đời Tống) nói “Nghệ tức là đạo, đạo
tức là nghệ”. Lưu Hi Tải (đời Thanh) nói “Nghệ là hình của đạo”. Nghệ đây là
tài năng, kỹ thuật mà hình ảnh tiêu biểu là câu chuyện Bào Đinh làm thịt trâu
của Trang Tử. Nghệ thuật của Trung Quốc biểu hiện ra thành “pháp”. Người
ta nói “kỹ pháp”, “thương pháp”, “đao pháp”, “thư pháp”, “hoạ pháp”. “bút
pháp”, “thi pháp”, “chương pháp”, “cú pháp”, “văn pháp”, “tự pháp”. Pháp sinh
ra từ lý, lý sinh ra từ đạo. Đạo là một phạm trù phổ quát, trừu tượng, cho nên
từ “đạo” mà suy ra “pháp” cũng khác nhau vô vàn. Nghiêm Vũ (đời Tống)
trong sách Thương Lang thi thoại nói thơ có năm pháp: “thể chế, cách lực, khí
tượng, hứng thú, âm tiết”. Khương Quỳ trong Bạch Thạch đạo nhân thi thuyết
nói thơ có bốn pháp. “khí tượng, thể diễn, huyết mạch, vận độ. Khí tượng phải
hồn hậu, hồn hậu quá thì tục; thể diện phải lớn lao, lớn lao quá thì ngông;
huyết mạch phải lưu thông, lưu thông quá thì lộ; vận độ phải phiêu dật, phiêu
dật quá thì hời hợt”. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long trước đó cũng đề ra
“Lục nghĩa”: Tình sâu mà không giả dối, phong cách thuần hậu mà không hỗn
tạp, sự việc chân thật, không hoang đường, nghĩa lý thẳng thắn không quanh
co, bố cục gọn gàng không rối rắm, lời văn đẹp mà không loè loẹt…”
Cũng nói về thơ, Tạ Trăn trong Tứ Minh thi thoại thì cho rằng “Thơ có
bốn cách: một là hứng, hai là thú, ba là ý, bốn là lý”: Diệp Nhiếp đời Thanh
trong Nguyên Thi nói: Ta cho thơ có ba tiếng là nói hết: một là lý, hai là sự, ba
là tình. Được ba điều này mà bất biến thì có được các “pháp” của tự nhiên.
Do đó cái gọi là “pháp”, chỉ là lý xác đáng, sự chính xác, tình đúng mực”.
Cũng theo cách suy nghĩ đó, Lê Quý Đôn nói: “Ta thường cho làm thơ có ba
điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự…”.
Các nhà bình điểm tiểu thuyết thời Minh– Thanh lại càng đúc rút được
nhiều thủ pháp tiểu thuyết. Theo Kim Thánh Thán tiểu thuyết Thuỷ hử có 15
pháp, như đảo sáp pháp (xen ngược), giáp tự pháp (kể xen vào giữa câu nói),
thảo xà khôi tuyến pháp (vẽ đường rắn bò), đại lạc mặc pháp (tô đậm mực),
cẩm châm nê thích pháp (kim gấm châm bùn), bối diện phô phấn pháp (tô
phấn sau lưng), lộng dẫn pháp (đùa dẫn một đoạn nhàn văn viết trước chính
văn), lạt vĩ pháp (thêm dư ba), chính phạm pháp (cố ý tả việc giống nhau, tức
vi phạm cấm kỵ), lược chính phạm (tả việc gần giồng nhau), cực bất tỉnh pháp
(cố rườm rà), cực tỉnh pháp (tước bỏ nhiều), dục hợp túng pháp (muốn hợp
nên buông), hoành vân đoạn sơn pháp (mây che ngang núi), loan giao tục
huyền pháp (dùng giao loan nối dây). Theo Mao Tôn Cương, Tam Quốc diễn
nghĩa có 12 pháp: phép “cùng cây khác cành, cùng cành khác lá, cùng lá
khác hoa”, phép “vật đổi sao dời, mưa che gió lật”, phép “gieo giống cách
năm, sớm cho mai phục”, phép “dùng mây che núi, dùng cầu bít khe”, phép
“sương sa trước tuyết, sấm nổi trước mưa”, phép “sau sóng còn gợn, sau
mưa còn ẩm”, phép ““băng lạnh gió nóng, gió mát quét bụi”, phép “tiếng trống
xen trong tiếng kèn sáo, tiếng chuông chen trong tiếng đàn”, phép “thêu tơ vá
gấm, dời kim thêu đều, phép “đỉnh núi đối nhau, bình phong gấm che nhau,
phép “núi gần tô đậm, núi xa vẽ mờ”, phép “dùng khách tôn chủ”. Các “pháp”
này cho thấy người Trung Quốc xưa thường dùng con mắt hội hoạ hoặc con
mắt không gian để hình dung nghệ thuật ngôn từ.
Những ví dụ trên cho thấy các phép tắc, lời dạy của thi pháp văn học
truyền thống một mặt là rất phong phú, thâm thuý, có ý nghĩa rất lớn để lý giải
văn học đương thời. Nhưng mặt khác là nó mang nặng tính kinh nghiệm, tính
giáo huấn và tính quy phạm. Tính kinh nghiệm làm cho hệ thống thi pháp
được nhìn nhận cô lập trong từng biểu hiện, lắm khi mâu thuẫn nhau. Chẳng
hạn, có người đề xướng “Thi diệu tại hàm hồ” (Tạ Trăn), có người nói ngược
lại: “Thơ không lấy thơ hồ làm điều kỳ diệu (Lý Trọng Hoa, đời Thanh). Có
người nói “thơ lấy ý làm chủ, có người nói “thơ lấy khí làm chủ”. Có người lại
nói “thơ vô ngã là quý”, có người lại nói “thơ quý ở chỗ có ngã”. Viên Mai nói
mạnh hơn: “Thơ không thể vô ngã”. Phân tích đặc điểm thi pháp học trung đại
Khơrápchencô nhận xét: “Cách tiếp cận cô lập đó làm khó khăn cho việc
khám phá tính toàn vẹn của hệ thống thi pháp về mặt hình thành và phát triển
của nó”. Tính giáo huấn khó tránh khỏi sự áp đặt, còn tính quy phạm mâu
thuẫn với sự sáng tạo sinh động, quan niệm nghệ thuật bất biến không phù
hợp vôi quá trình phát triển lịch sử của nghệ thuật. Những đặc điểm ấy làm
cho thi pháp học truyền thống, mặc dù với tất cả giá trị phong phú và uyên
bác, vẫn không đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhận thức về hệ thống nghệ thuật
trung đại của người hiện đại.
2. Thi pháp học hiện đại
Thế kỷ XVIII ở châu Âu với cách mạng xã hội, phong trào Khai sáng,
chủ nghĩa lãng mạn nảy sinh, mỹ học ra đời, quan niệm văn học đã có sự
thay đổi lớn. I.Kăng là người đầu tiên khẳng định nghệ thuật không phải nghề
thủ công, không phải khoa học, mà là hoạt động tự do. Có nhà mỹ học Pháp
đã sử dụng thuật ngữ “nghệ thuật đẹp” (fine arts) để chỉ năm loại hình, âm
nhạc, thi ca, hội hoạ, điêu khắc, vũ đạo nhằm phân biệt với “nghệ thuật cơ
giới”, phục vụ mục đích thực dụng. Tuy vậy cả thế kỷ XIX là thế kỷ quan tâm
tới nội dung xã hội, tư tưởng của nghệ thuật. Phải đến đầu thế kỷ XX hình
thức nghệ thuật mới trở thành sự kiện được chú ý.
Bắt đầu từ thi pháp học lịch sử của nhà nghiên cứu văn học Nga
A.N.Vêxêlôpxki, hình thức nghệ thuật được xem như một đối tượng nghiên
cứu có lịch sử riêng. Nhưng phải từ đầu thế kỷ XX, với ảnh hưởng của quan
niệm hệ thống trong ngôn ngữ học của F. đơ Xốtsuya thi pháp học hiện đại đã
có một đổi thay căn bản. Từ trường phái hình thức Nga đến trường phái phê
bình mới Anh – Mỹ đầu thế kỷ, chuyển sang trường phái cấu trúc, ký hiệu
học, hiện tượng học và trường phái thi pháp học lịch sử theo quan niệm
macxít, thi pháp học hiện đại đã được xác lập như một hệ thống cách tiếp cận
mới đối với văn học.
a) Văn học được xem như một sáng tạo bằng chất liệu, có đời sống lịch
sử độc lập với tác giả.
b) Văn học là một hệ thống ký hiệu, có bản chất biểu trưng, được tổ
chức một cách đặc biệt để biểu hiện một nội dung nghệ thuật đặc thù.
c) Văn học với tư cách là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn hoá
được xác lập bởi một hệ hình tư duy, bắt đầu từ quan niệm về văn học, quan
niệm về thế giới và con người, quan niệm về thể loại và ngôn ngữ.
Quan điểm thứ nhất đề cập tới tính bản thể của văn học, cũng tức là
tính độc lập, tự chủ của nó so với các quan hệ đời sống và với các hình thái ý
thức xã hội khác. Đúng là văn học có quan hệ nhiều mặt với đời sống xã hội.
Tuy nhiên lý luận văn học từ thời cổ đại, trung đại cho đến hết thế kỷ XIX chủ
yếu chỉ tập trung xem xét văn học trong mối quan hệ phụ thuộc với hiện thực,
với ý thức, với văn hoá, nhận thức, tôn giáo, chính trị v.v… Cách xem xét một
chiều đó quả là làm xao nhãng việc nghiên cứu văn học như một hiện tượng
nghệ thuật có tính độc lập, tự chủ, và do đó tính đặc thù của nghệ thuật vẫn
chưa được thực sự quan tâm.
Những lời phát biểu quyết liệt phủ nhận các mối quan hệ văn học và
đời sống của các nhà hình thức chủ nghĩa, cấu trúc chủ nghĩa, theo chúng tôi,
nên hiểu là sự phản ứng lại với cách tiếp cận một chiều để đòi hỏi tiếp cận
văn học nghệ thuật như một nghệ thuật. Chẳng hạn V. Scơlốpxki viết: “Lý
luận văn học của tôi là nghiên cứu các quy luật nội bộ của văn học”. “Thủ
pháp nghệ thuật là thủ pháp làm lạ hóa sự vật”, “Đối tượng của khoa học về
văn học, tức thi pháp học, theo R. Jakobson, là “chất văn học” chứ không phải
là văn học. V. Girmunxki cũng xác định: “Đối tượng của thi pháp học là văn
học với tư cách là một nghệ thuật”. Tuy các quan niệm này có khác nhau,
nhưng tựu trung đều xem văn học như một nghệ thuật trong sự tồn tại của nó,
với những quy luật riêng. Đó là một yêu cầu chính đáng và là một cơ sở để
đổi mới cách tiếp cận. Các định nghĩa về thi pháp học tiếp sau đủ vẻ đều là
sự khẳng định tiếp tục của quan niệm đó. Chẳng hạn như viện sĩ V.V.
Vinôgrađốp chủ trương nghiên cứu tác phẩm cụ thể: “Thi pháp học là một
khoa học nghiên cứu các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương
thức tổ chức tác phẩm sáng tác ngôn từ, các kiểu cấu trúc, các thể loại tác
phẩm”. Học giả T. Tôđôrốp thì ngược lại, viết: “Thi pháp học cấu trúc quan
tâm không phải là các tác phẩm văn học thực tế, mà là một thuộc tính trừu
tượng, các thuộc tính làm thành dấu hiệu của sự thực văn học, – thuộc tính
về tính văn học”. Những định nghĩa ấy sẽ là hình thức chủ nghĩa thuần tuý khi
nào nó phủ nhận các mối quan hệ với đời sống và thực tại, còn trong chừng
mực là một sự trừu tượng hoá để khám phá đặc trưng văn học trong các quy
luật lên trong của nó lại là một tư tưởng quan trọng, cần thiết.
Quan điểm thứ hai đề cập tới một cách tiếp cận mới hoàn toàn chưa có
trong truyền thống. Trong thi pháp học truyền thống các hiện tượng văn học
chủ yếu được giải thích, mô tả theo nguyên tắc nhân quả, từ cội nguồn, sự ra
đời mà phân định về bản chất sự vật. Chẳng hạn từ nguồn gốc của văn học
mà xác định bản chất của văn học. Cách tiếp cận đó có giá trị nhất định,
nhưng không phải là duy nhất và tất yếu. Lý thuyết hệ thống chứng minh bản
chất sự vật do kết quả tác động qua lại của các yếu tố của nó, chứ không phải
do số cộng giản đơn của các yếu tố đó. Phẩm chất sự vật là một thuộc tính
siêu tổng cộng. “Hệ thống là một sự thống nhất cụ thể của các yếu tố trong đó
mỗi cấu trúc hình thái có một kiểu hoạt động chức năng và kiểu phát triển đặc
trưng cụ thể hơn, một hệ thống được xây dựng trên sự kết hợp của ba nhân
tố – yếu tố, quan hệ qua lại, tính chỉnh thể. Có người bổ sung thêm vào hệ
thống những thuộc tính của chỉnh thể hệ thống. Cấu trúc là một kiểu liên hệ
qua lại khách quan độc lập với số lượng và chất lượng của các yếu tố (xem
Xađốpxki và Iuđin, Tlđd). Trong phạm vi tác phẩm hệ thống nghệ thuật bao
gồm các yếu tố ngôn từ, cốt truyện (nhân vật), kết cấu và tư tưởng như là
thuộc tính chỉnh thể. Trong phạm vi một nền văn học thì thi pháp văn học như
văn học Nga cổ là hệ thống của toàn thể, trong đó văn học có quan hệ với
nghệ thuật tạo hình, nó được phản ánh trong nghệ thuật tạo hình và tự nó
cũng phản ánh nghệ thuật tạo hình, đồng thời hệ thống văn học thể hiện ở
kiểu lập luận của nó trong đời sống tinh thần, ở cả phong cách thuyết phục
của nó, mà “phong cách là cả một hệ thống hình thức và nội dung”. Quan hệ
của các thể loại với nhau cũng là một vấn đề của hệ thống văn học, nó có
nguyên tắc tạo thành thể loại riêng và phục tùng nguyên tắc nghi thức của
văn học ấy. Ở đây hệ thống văn học được thống nhất bởi quan niệm văn hoá
về văn học thời ấy. Sẽ là giản đơn nếu đồng nhất hệ thống, cấu trúc của văn
học với khái niệm hệ thống nói chung được vận dụng trong toán học, sinh vật
học. Bởi vì đó là hệ thống và cấu trúc khách thể, vật thể. Là một hiện tượng
của đời sống tinh thần, hệ thống thi pháp là một bộ phận của hệ thống văn
hoá biểu hiện. Văn hoá là siêu ngôn ngữ của văn học. Xét về mặt này văn học
là một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật, có biểu trưng, ký hiệu riêng, có nguyên
tắc tổ chức, kết hợp riêng mà nền tảng của nó là một kiểu mô hình hoá hiện
thực đặc thù, một hệ thống quan niệm về thực tại.
E. Cassirer trong công trình Tổng luận triết học về hình thức ký hiệu đã
có cách hiểu biện chứng về mối quan hệ ký hiệu và nội dung tinh thần. “Trong
bất cứ ký hiệu ngôn ngữ nào, trong bất cứ hình tượng thần thoại hay nghệ
thuật nào, cái nội dung tinh thần mà về bản chất đã vượt qua toàn bộ lĩnh vực
cảm giác đều được phiên dịch thành cái có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy”.
Do đó muốn hiểu các hình thức, hình tượng thì cần phải giải mã để tìm thấy
bản chất tinh thần của chúng, tính nội dung của chúng. lu. Lôtman cũng xác
nhận quan niệm trong nghệ thuật luôn luôn là mô hình, bởi vì quan niệm đó
sáng tạo ra hình tượng về hiện thực. Do đó, hệ thống thi pháp không hề giản
đơn chỉ là hệ thống phép tắc, quy tắc sáng tạo nghệ thuật, mà còn là một
quan niệm, một mô hình tư duy về thế giới và con người. Quan niệm này
không phải bất biến mà mang tính chất lịch sử và mang sắc thái văn hoá
vùng, văn hoá dân tộc và thời đại, sắc thái cá tính.
Quan điểm thứ ba là sự cụ thể hoá hai quan điểm trên. Việc nghiên cứu
hệ thống thi pháp không tách rời với việc khám phá mô hình về con người,
mô hình về thế giới, không gian và thời gian, đồ vật, màu sắc. Không phải
ngẫu nhiên mà trong thi pháp học hiện đại phạm trù quan niệm nghệ thuật về
thế giới và con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nghiên cứu.
Trong công trình Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiépxki M.Bakhtin đặt vấn đề
nghiên cứu nghệ sĩ Đôtxtôiépxki, tức là nghiên cứu chủ thể của hệ thống
nghệ thuật này. Mà muốn làm sáng tỏ nghệ sĩ này, thì việc hàng đầu là khám
phá quan niệm về nhân vật, về con người trong tác phẩm của Đôtxtôiépxki ,
khám phá “cái nhìn nghệ thuật của tác giả”.
Cách tiếp cận này được Đ.X Likhatrốp trình bày trong công trình Thế
giới bên trong của tác phẩm văn học, trong đó tác giả nêu lên việc khám phá
mô hình bên trong tác phẩm về con người, về xã hội, về không gian, thời gian
v.v… Trong quá trình nghiên cứu thi pháp văn học Nga cổ Likhatrốp đã từng
xem xét Con người trong văn học Nga cổ, sau đó ông nghiên cứu cách khái
quát, hệ thống thể loại, không gian, thời gian trong Thi pháp văn học Nga cổ .
Bình diện này được Gurêvích gọi là các phương thức cảm nhận thế giới một
cách trực tiếp tạo thành bình diện văn hoá trong nghiên cứu thi pháp tiếp cận
này đã tỏ ra rất có hiệu quả mà các tác giả nổi tiếng như X. X. Avêrinxép cũng
ra sức vận dụng. Nó thể hiện cách nhìn nhận thi pháp trong sự thống nhất
hình thức và tính nội dung, tính nội dung được phát hiện qua các thủ pháp,
các nguyên tắc nghệ thuật.
Sẽ là không đầy đủ nếu như không nhấn mạnh thêm phương diện sau:
Thi pháp học truyền thống thường được đúc kết theo phương thức diễn dịch,
như kiểu văn học “mô phỏng” hiện thực hay “văn dĩ tải đạo” v.v… Thi pháp
học hiện đại, chủ yếu thực hiện theo phương pháp quy nạp, xuất phát từ các
sự thực của biểu hiện. Thi pháp học hiện đại dựa vào việc phát hiện các yếu
tố lặp lại có quy luật, xem xét cấu trúc bất biến của chúng, để xác lập các
nguyên tắc nghệ thuật. Đồng thời, dựa vào các mã văn hoá chung của vùng
và thời kỳ lịch sử mà giải thích nội dung quan niệm của chúng
Từ cách làm nói trên, thi pháp học hiện đại không hề phủ nhận thi pháp
học truyền thống, mà bổ sung thêm cho nó bởi những vấn đề mới, cách nhìn
mới và kết quả mới.
Trong cách tiếp cận này các biện pháp thống kê, phân tích, so sánh, đối
chiếu là không thể thiếu. Văn bản văn học trung đại là cả một vấn đề hết sức
phức tạp đặt ra cho cả giới nghiên cứu. Chưa đặt vấn đề soát xét về mặt này,
chúng tôi coi đó là vấn đề của văn học sử. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn trong
phạm vi tư liệu đã công bố hướng tới suy nghĩ về những vấn đề chung của thi
pháp văn học giai đoạn này.
II. THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI TRONG THI PHÁP HỌC HIỆN
ĐẠI
1. Cách đặt vấn đề và phương pháp
a) Sự phát triển của văn học và văn hoá hiện đại không bao giờ cắt đứt
quan hệ với truyền thống. Chính vì vậy nhu cầu khám phá cách chiếm lĩnh
thẩm mỹ của các nền văn hoá quá khứ trở thành một nhu cầu bức thiết, đã
thúc đẩy các tác giả đi nghiên cứu thi pháp văn học quá khứ, hướng nó về
tương lai. Bản thân các tác phẩm văn học ưu tú của quá khứ vẫn đang được
đọc, được tiếp nhận, đang tác động đến người đọc.
Lịch sử, theo Ăngghen, chẳng gì khác hơn là sự thay thế các thế hệ,
trong đó thế hệ sau sử dụng được vật liệu, vốn liếng, sức sản xuất do thế hệ
trước truyền lại. Không có tài sản vật chất và tinh thần của đời trước thì đời
sau khó mà phát triển lên trình độ cao được. Mặt khác, một trong những điều
kiện tiến bộ của văn hoá là phát triển sự hiểu biết về các giá trị văn hoá của
quá khứ và của các nền văn hoá dân tộc khác nhằm gìn giữ chúng, phát huy
chúng, tích luỹ chúng để làm giàu cho mình. Lịch sử văn hoá không chỉ là lịch
sử sáng tạo ra sản phẩm mới, mà còn là lịch sử giải thích mới các hiện tượng
đã biết. Nghiên cứu thi pháp học hiện đại chính là nhằm giải thích mới các
hiện tượng quen thuộc đó.
b) Muốn tiếp cận thi pháp học văn học trung đại, điều đầu tiên là phải ý
thức được đó là một nền văn học khác về loại hình so với văn học cổ đại và
văn học cận hiện đại, nhưng đều nằm trong một quá trình liên tục của sự phát
triền.
Ý thức phân biệt loại hình sẽ cho ta thấy tiếp cận thi pháp học trung đại
là tiếp cận một thế giới khác, một ý thức khác, những cách suy nghĩ khác, do
đó không cho phép được hiện đại hoá người xưa và giải thích họ theo khẩu vị
của mình.
Bất cứ tác phẩm nào, một khi bị tách khỏi môi trường xung quanh của
nó sẽ làm nó mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Do vậy việc nghiên cứu thi pháp
đòi hỏi hình dung các nguyên tắc nghệ thuật trong môi trường tự nhiên để giữ
gìn bản sắc thẩm mỹ, nghệ thuật của nó.
2. Loại hình thi pháp trong loại hình văn hoá
Việc nhìn nhận tính chất loại hình tạo tiền đề cho việc nghiên cứu thi
pháp văn học trung đại theo cái nhìn hiện đại. Thi pháp là hệ thống các
nguyên tắc, biện pháp, thể loại tạo thành đặc trưng của văn học, nhưng đó
không bao giờ chỉ là các hình thức kỹ thuật thuần tuý bề ngoài, mà là hệ
thống cảm nhận về thế giới. Chẳng hạn, nói đến thơ cách luật thì không chỉ là
vấn đề vần, luật, niêm, đối mà còn gắn với cả một ý thức cách luật, bởi vì khi
bước vào thời cận, hiện đại, khi ý thức cách luật mất đi thì các nguyên tắc luật
thi hiện hành liền bị thay thế bằng thi pháp thơ mới. Ý thức cách luật gắn với
hình thức lễ nghi. Từ xa xưa bất cứ mọi hoạt động quan trọng nào của con
người như săn bắt, trồng trọt, tế tự, hôn lễ, chiến tranh… người ta đều tiến
hành trong lễ nghi. Nhiều người đã chứng minh rằng thời cổ Hi Lạp, trong
nghi thức tế thần Điônidốt thì thơ, nhạc, múa hoà hợp tam vị nhất thể. Kinh
thi, Nhạc phủ đều phối nhạc. Do đó “vần” gắn với chức năng của yếu tố đánh
dấu một câu nhạc hay một bước nhảy. Vần đều đặn là để phối hợp với tiết tấu
biểu diễn cơ thể. Ý thức nghi lễ tập thể xuất hiện như một vô thức tập thể
nhằm thống nhất hoạt động của mọi thành viên vào một tiết tấu chung, là nền
tảng của “luật thơ”. Ý thức nghi lễ được duy trì bởi những “cấm kỵ” tạo thành
truyền thống, gắn với ý thức về “lễ”, “nghĩa”, “quy củ”, “tư vô tà” của Nho giáo,
với thói quen áp đặt tự bên ngoài. Nhưng một khi ý thức về cá tính phát triền,
nhu cầu tự biểu hiện nâng cao, thi luật mất dần vị trí trong đời sống văn nghệ.
Từ chỗ thích luật, trau chuốt luật đến chỗ cảm thấy luật là điều “khó cho thiên
hạ” là cả một bước chuyển lớn của thi pháp. M.Bakhtin cũng cho rằng thế giới
quan lễ hội Cácnavan với các yếu tố đặc trưng của nó có ảnh hưởng quan
trọng tới hệ thống thể loại văn học dân gian trung đại, và cả văn học viết trung
đại, tạo thành dòng văn học cácnavan hóa. Và ông đã nghiên cứu thi pháp
Rabơle và thi pháp tiểu thuyết Đôtxtôiépxki theo nguyên tắc đó. Có thể nói
nghiên cứu hệ thống các nguyên tắc thống nhất hình thức và nội dung nghệ
thuật trong tính quan niệm của chúng là xu hướng nghiên cứu thi pháp học
hiện đại, một hướng thống nhất trong nó việc nghiên cứu hệ thống hình thức
nghệ thuật với việc nghiên cứu quan niệm văn hoá, thẩm mỹ tiềm tàng của
nền văn học đó, thấm nhuần trong hình thức của nó.
3. Các cấp độ nghiên cứu
Lướt qua một số các công trình nổi tiếng về nghiên cứu thi pháp văn
học trung đại để xem khuynh hướng tìm tòi khoa học thời gian qua như thế
nào, thì có thể nhận thấy, thi pháp văn học trung đại đã được nghiên cứu trên
hai cấp độ lớn: cấp độ vĩ mô, chỉnh thể của văn bản, cũng tức là cấp độ quan
niệm chủ quan của những người sáng tạo và hưởng thụ nền nghệ thuật ấy,
và cấp độ vi mô.
Vĩ mô là cấp độ của những nguyên tắc nghệ thuật – thẩm mỹ lớn chi
phối sáng tạo văn học và hiện diện trong văn học. Thông thường người ta
thưởng thức tác phẩm theo từng đơn vị riêng lẻ, cho nên các quan niệm này
thường trượt ra ngoài tầm quan sát. Thi pháp học truyền thống do khái quát
từ tác phẩm, thể loại riêng lẻ, cho nên thường nặng về kỹ xảo, kỹ thuật, mà
nhẹ về khái quát, quan niệm. Cũng có thể quan niệm là cái mà họ đã quen và
mặc nhận, cho nên giữa họ với độc giả đương thời, không có nhu cầu khám
phá nữa. Còn chúng ta, độc giả của một giai đoạn văn hoá khác, nếu không
nghiên cứu thi pháp ở cấp độ vĩ mô này thì sẽ không có quan niệm đầy đủ về
một nền thi pháp quá khứ.
Cấp độ thứ hai là hệ thống hình thức, phong cách bút pháp, bao gồm
hệ thống thể loại, các biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các phong cách cụ thể
của tác giả cụ thể. Cấp độ này bao gồm “hình thức của hình thức” như các
quy tắc thể loại, các luật phối âm, phối điệu… Và “hình thức của nội dung” –
chức năng biểu đạt của các hình thức, biện pháp nghệ thuật. Trong thi pháp
học cổ điển, truyền thống, các tác giả cổ chú ý nhiều hơn tới các phương diện
“hình thức của hình thức”. Ví dụ Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính, Quốc
văn cụ thể của Bùi Kỷ, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm.
Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức.
Hình thức mang nội dung của nghệ thuật chưa được chú ý nghiên cứu thích
đáng.
4. Các vấn đề đặt ra, các phạm trù trong thực tiễn nghiên cứu
Trong các phạm trù thi pháp cấp vĩ mô, quan niệm nghệ thuật là phạm
trù có tầm quan trọng trung tâm, có tác dụng chi phối các bình diện hình thức
nghệ thuật khác. Viện sĩ Nga D. X. Likhatrốp là một trong những người đầu
tiên vận dụng phạm trù này vào công trình nghiên cứu Con người trong văn
học Nga cổ (Mátxcơva, 1958 tái bản 1970). ông đã nêu lên các phong cách
miêu tả con người trong các thể loại văn xuôi lịch sử, trong truyện sự tích các
thành, trong sử thi dân gian, trong tiểu thuyết.
Ông lần lượt đề cập đến các phong cách nghệ thuật như hoành tráng
kiểu tượng đài trong lịch sử, phong cách biểu cảm trong các sự tích tông đồ,
phong cách lý tưởng hoá, nguyên tắc tâm lý trừu tượng, sự xuất hiện nhân
vật hư cấu, đổi mới miêu tả con người trong văn học Nga thế kỷ XVII. Trong
sách Bảy thế kỷ văn học Nga, ông tiếp tục đi sâu thêm vào các vấn đề trên.
Trong công trình Thi pháp văn học Nga cổ ông sử dụng những phạm trù mới
như thi pháp khái quát nghệ thuật bao gồm các nghi thức văn học, bởi người
ta ý thức rõ sự khác biệt giữa văn chương và khẩu ngữ, tính chất “học thức”
của văn chương. Likhatrốp chú ý tới các nguyên tắc biểu hiện cụ thể của việc
lý tưởng hoá trong văn học trung đại làm cho nó khác với lý tướng hoá lãng
mạn chủ nghĩa. Chẳng hạn ông chú ý tới việc tác giả trung đại với các tiền lệ,
điển tích, các kiểu cách, hành vi… đã được xếp hạng. Đáng chú ý là nghi
thức về trật tự thế giới, về hành vi và về ngôn ngữ. Đặc điểm này làm sản
sinh những hình tượng, biểu tượng, cách diễn đạt cố định có tính truyền
thống. Do đó văn học trung đại chưa coi trọng việc lạ hoá, gây ấn tượng có
tính cá nhân. Nhà văn trung đại viết tác phẩm để phân rõ thứ bậc sự vật, để
xếp hạng con người, do đó họ cần sự thêu dệt, tô vẽ cho trang trọng, lộng lẫy,
có nghi thức. Quá trình phá vỡ tính nghi thức đó cũng được xem xét.
Một phương diện khác của khái quát nghệ thuật là nguyên lắc trừu
tượng hoá – tìm ra các dấu hiệu vĩnh hằng thiêng liêng vĩ đại trong cái nhất
thời, khả hủ. Nhà văn trung đại khát khao cái trừu tượng, hướng tới việc trừu
tượng hoá thế giới, phá hoại tính cụ thể, tính vật chất.
Đặc điểm thứ ba của thi pháp khái quát là sự trang sức làm cho văn
xuôi gần với thơ. Yếu tố hiện thực trong văn học trung đại có ý nghĩa thông
báo các sự việc có thực, cá biệt, lôgích thực tại chi phối nhà văn, chứ chưa
phải là chủ nghĩa hiện thực theo cách hiểu sau này.
Nghiên cứu các nguyên tắc thi pháp như là các nguyên tắc tái hiện con
người và thế giới đã được nhà nghiên cứu người Đức Erích Auerbach thực
hiện trong sách Mimesis (Mô phỏng), Tác giả nghiên cứu phong cách miêu tả
con người trong Kinh Thánh, trong Lịch sử những người Pháp, trong Bài ca
về Rôlăng, trong tiểu thuyết diễm tình Iven của Crêchiêng dơ Troa (thế kỷ
XV), trong vở kịch thần bí trung đại Adam và Eva (cuối thế kỷ XII), Thần Khúc
của Đăngtơ, Câu chuyện mười ngày của Bôcaxiô. Tác giả cố gắng khái quát
các đặc điểm lớn của phong cách châu Âu trong việc miêu tả con người, sự
kiện trong các hiện tượng văn học như là các nguyên tắc nghệ thuật, khác
biệt với các văn học cận hiện đại. Ở đây E. Auerbach đặc biệt hứng thú với
các yếu tố chủ quan như tâm lý, thị hiếu, lý tưởng, thậm chí định kiến…
Trong sách Thi pháp văn học Bidantin thượng kỳ X.X Avêrinxép nghiên
cứu thi pháp trung đại qua hai bình diện: 1) Lịch sử và con người; 2) Con
người và ngôn từ. Bình diện thứ nhất đề cấp tới cách cảm nhận con người
của văn học trung đại: Tác giả đã chỉ rõ ảnh hưởng to lớn của đạo Cơ Đốc đối
với thi pháp văn học, và quan niệm này khác hẳn quan niệm trọng văn học Hy
Lạp cổ đại. Bình diện thứ hai – cách cảm nhận của con người và ngôn từ.
Cũng nghiên cứu quan niệm con người thể hiện qua hệ thống tín hiệu
chân dung nhân vật được B.L.Riftin xem xét trong văn xuôi Trung Quốc, từ
các tập lịch sử, sử ký đến tiểu thuyết lịch sử chương hồi tác giả đã chú ý tới
mô hình cổ xưa dùng để miêu tả các vị tổ tông tiền bối đã chi phối tích cực
việc miêu tả chân dung nhân vật văn học thế kỷ XIV và cả thời cuối trung đại
ở Trung Quốc.
Trong việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại, loại hình học về các
phong cách cảm nhận thế giới có vị trí quan trọng hàng đầu. Nhà nghiên cứu
không giới hạn trong việc chọn lựa các chất liệu hình thức, vạch ra các
phương thức khác thường mà chất liệu ấy được nhìn nhận. Ở đây cần nghiên
cứu cách cảm nhận về tồn tại, về không gian, thời gian, đồ vật chi phối sự
miêu tả.
Đ. X. Likhatrốp trong Thi pháp văn học Nga cổ đã có các chuyên mục
về Thi pháp thời gian nghệ thuật đề cập đến thời gian nghệ thuật của tác
phẩm ngôn từ, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm Folklor (trong dân ca, ca
dao, tráng sĩ ca, thi ca nghi lễ) thời gian biên niên sử, thời gian của văn học
thuyết giáo, thời gian hiện tại trong truyện kể lịch sử; lại có chuyên mục Thi
pháp không gian nghệ thuật đề cập tới phạm trù không gian nghệ thuật của
tác phẩm nói chung và không gian trong văn học cổ Nga. Những nghiên cứu
đó cho thấy cách cảm thụ và tổ chức tác phẩm của thể loại văn học trung đại.
X. X. Avêrinxép chú trọng khám phá quan niệm trung đại của văn học
Bidantin xem tồn tại như một trạng thái ưu việt, lõi sự hoàn thiện. Ông cũng
nêu ra loại hình các cách tiếp cận đối với đồ vật. Theo ông việc cảm nhận đồ
vật là thuộc tính chung của nhân loại. Nhưng mỗi thời có một số yếu tố được
đề cao, trở thành yếu tố của văn hoá, được sùng bái. Thời trung đại cách cảm
thụ trực giác giản đơn được đề cao vì nó thích hợp để cảm nhận vẻ đẹp của
thế giới (xem Tldđ).
A. Ja. Gurêvích nêu vấn đề nghiên cứu kiểu văn hoá như là tảng của
các khoa học nhân văn trong đó có thi pháp học. Nền tảng của lịch sử văn
hoá đó ông cho là khái niệm mentality – tâm thức, thể hiện trong khái niệm
“bức tranh thế giới”, “hình ảnh thế giới” hay “mô hình thế giới”. Theo ông, “sự
cảm thụ thời gian, không gian (hay không – thời gian theo kiểu M. Bakhtin),
cách hiểu về mối quan hệ giữa thế giới trần thế và thế giới bên kia, thế giới
con người và giới tự nhiên, cách đánh giá về việc sinh, tử, về tuổi tác, về địa
vị của các loại người, của phụ nữ, trẻ em, vị trí của gia đình, cách hiểu về cá
nhân, cách giải thích về lịch sử, quyền lợi, tài sản, giàu, nghèo, lao động, về
chuẩn mực đạo đức, về đời sống tình dục… tất cả đều là yếu tố của “bức
tranh về thế giới” đối với con người. Chúng phối hợp với nhau để tạo thành
kiểu văn hoá. Kiểu văn hoá ấy luôn vận động, biến đổi và trở thành đối tượng
của lịch sử văn hoá. Vì vậy nên nghiên cứu thi pháp học lịch sử như là một
thể hiện của lịch sử ý thức con người”.
M. I. Xteblin – Kamenxki trong công trình Thi pháp học lịch sử đã nêu ra
hàng loạt vấn đề quan trọng khác về thi pháp văn học trung đại. Đáng chú ý là
vấn đề hư cấu của văn học trung đại với sự hình thành tác giả văn học trong
nền văn học ấy. Theo ông “bước nhảy vọt từ truyền thống sáng tác văn học
phi cá nhân sang sáng tác của tác giả có ý thức là một trong những bước
nhảy vọt lớn lao nhất mà loài người đã thực hiện trong lịch sử của nó. Nó
đem lại cho nhân loại những khả năng sáng tạo vô cùng”. “Bước nhảy vọt ấy
xảy ra như thế nào, cần được nghiên cứu từ giai đoạn văn học trung đại”
(tr.90), và đó sẽ là một quá trình lâu dài. Sự hình thành văn học cũng cần
được nghiên cứu từ thời trung đại, bởi ý thức về hư cấu là một biểu hiện của
ý thức văn học. Ý thức về hình thức văn học cũng là một vấn đề hết sức quan
trọng, bao gồm ý thức thể loại, ý thức ngôn ngữ và nói chung, ý thức về bản
thân văn học.
Tóm lại, trên cấp độ vĩ mô, cấp độ các nguyên tắc hệ hình (Paradigm)
các nhà nghiên cứu thi pháp văn học trung đại đã đặt ra một loạt vấn đề quan
trọng, bao gồm quan niệm về văn học. về ngôn ngữ, về thể loại, về tác giả –
nghệ sĩ, về con người và thế giới trong văn học. Những vấn đề đó đưa ta vào
chiều sâu của các quy luật văn học trung đại, những vấn đề không dễ dàng
giải quyết được ngay, nhưng không thể không đặt ra và có ý thức tìm hiểu.
Bởi vì chính trên các vấn đề đó văn học trung đại tỏ ra khác biệt với văn học
hiện đại. Do đó vấn đề kế thừa, cách tân cũng sẽ được xem xét sâu hơn. Một
mặt văn học hiện đại phải vượt qua những giới hạn của văn học trung đại như
một loại hình, nhưng mặt khác nó phải kế thừa, phát huy mới có sức mạnh
phát triển, tiến bộ.
Trong cấp độ hình thức vi mô. hệ thống các thể loại và quy tắc các thể
loại là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trong các công trình của mình D. X.
Likhatrốp luôn luôn xem hệ thống thể loại là nơi thể hiện đặc trưng của văn
học trung đại. Việc nghiên cứu hình thức của hình thức tuy vẫn còn có chỗ để
đi sâu thêm, song chức năng nội dung của hình thức, tính nội dung của hình
thức là một lĩnh vực rộng lớn hình như chưa được nghiên cứu bao nhiêu.
G. D. Gachep trong công trình Tính nội dung của hình thức nghệ thuật:
tự sự, trữ tình, kịch (1968) tuy không đi sâu vào nghiên cứu hình thức của văn
học trung đại, nhưng đã đề xuất phương hướng xem hình thức là một quan
điểm, một cái nhìn đối với cuộc sống,”một thế giới quan được ngưng kết”, có
ý nghĩa đối với việc đổi mới nghiên cứu hình thức văn học nói chung và văn
học trung đại nói riêng.
Đối với các nhà văn học so sánh Nga, thể loại văn học trung đại là một
hiện tượng loại hình lịch sử. Theo V M. Girmunxki, ứng với thời thượng kỳ
trung đại tại các nước châu Âu là thể loại sử thi anh hùng dân tộc, bắt đầu từ
sáng tác truyền miệng, sau được ghi lại bằng văn viết. Thể loại này không chỉ
có trong văn học dân tộc Đức, văn học tiếng Rômăng, văn học Nga, mà còn
có cả trong văn học Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Kapcađơ…
Đối với thời trung đại trung kỳ, cái đặc trưng là thể loại tiểu thuyết diễm
tình, trong đó các hiệp sĩ tôn thờ các bà chúa và thực hiện các cuộc phiêu
lưu. Đó là các tiểu thuyết về Lanxelôt, về Trixtăng, về Alexăngđrơ và Ênê,
được sáng tạo bởi Crêchiên đơ Tơroa hay những kẻ mô phỏng, mà mâu
thuẫn chủ đạo là giữa tình yêu hiệp sĩ với nghĩa vụ gia đình hay nghĩa vụ chủ
tớ.
Bên cạnh tiểu thuyết diễm tình là thơ tình yêu diễm tình thể hiện tình
cảm cá nhân bằng hình thức còn che giấu dưới cái vỏ đẳng cấp.
Một thể loại khác khá đặc trưng cho văn học trung đại châu Âu là truyện
thơ mang nội dung sinh hoạt.
Vấn đề đặt ra trong thi pháp các thể loại này là yếu tố dân gian, truyền
miệng và yếu tố văn học viết; các công thức tự sự truyền thống và các yếu tố
tác giả cá nhân. V.Girmunxki đặc biệt chú ý tới vấn đề phong cách tự sự,
phong cách ước lệ của văn học trung đại, đặc trưng bởi các công thức, các
sáo ngữ, các khuôn thức… ứng với việc nhận thức nghệ thuật, tập trung chú
ý vào cái phổ biến, cái điển hình, cái bất biến. Đồng thời, vấn đề mức độ cá
tính của văn học trung đại cũng được tác giả chú ý. Girmunxki cho rằng “Mức
độ cá tính trong thơ ca trung đại, đặc biệt là trong nghệ thuật của các nhà thơ
trữ tình (Troubadour) phải biểu hiện xuyên qua truyền thống các công thức và
sự kết hợp của chúng đang là một vấn đề quan trọng của thi pháp học lịch sử,
nhưng cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu”. D. X. Likhatrốp nhấn mạnh
tới việc nghiên cứu hệ thống thể loại văn học trung đại: “Cần phải nghiên cứu
không chỉ là bản thân các thể loại, mà còn là các nguyên tắc làm cơ sở cho
việc phân chia các thể loại; không phải chỉ nghiên cứu các thể loại riêng lẻ,
mà còn phải nghiên cứu lịch sử của nó, hệ thống các thể loại của một thời
đại”. Bởi vì các thể loại không tồn tại độc lập với nhau, mà kết thành hệ thống
và hệ thống đó diễn biến trong lịch sử. Ông nhấn mạnh tính lịch sử của nó,
phản đối việc hiện đại hoá thể loại văn học trung đại. Ông lưu ý tới hàng loạt
quy luật hình thành thể loại văn học trong văn học Nga cổ như vai trò quyết
định của đề tài, chủ đề, mục đích sử dụng, tên gọi của thể loại, thể loại chính,
thể loại phụ thuộc, trật tự thể loại.
Có thể nói D.X.Likhatrốp đã trình bày một lý luận hoàn chỉnh về thể loại
văn học trung đại trên cứ liệu văn học Nga cổ. Theo ông, khác với thể loại văn
học hiện đại vốn chia tách ra theo sự đa dạng của sáng tạo, thể loại văn học
trung đại hình thành trước hết theo công dụng của nó trong thực tế. Các thể
loại văn học nhà thờ phục vụ các nghi thức tế, lễ. Thể loại biên niên xuất hiện
do nhu cầu ghi chép các sự việc để làm sáng tỏ trạng thái của nó trong hiện
tại. Thể loại truyện các công tước được viết ra để chứng tỏ tính chính nghĩa
trong hành động của họ… Theo Likhatrốp, không được giải thích tính chất
của thể loại văn học trung đại bằng “lối tư duy trung đại” như có người đã làm.
Theo ông, tư duy con người thời nào cũng như nhau, chỉ khác nhau do thế
giới quan, quan điểm chính trị, hình thức cái nhìn nghệ thuật, thị hiếu thẩm
mỹ. Nếu như cội nguồn thể loại văn học nằm ngoài văn học thì đâu là cội
nguồn của tính văn học của thể loại? Theo Likhatrốp, sự phân biệt thể loại về
mặt văn học của văn học trung đại còn rõ rệt hơn văn học hiện đại. Đó là do
mỗi thể loại tự xác định một hình tượng tác giả – người thực hiện thể loại đó:
tác giả trong sám hối, tác giả kể sự tích các thánh, tác giả ghi biên niên… Đó
không phải là tác giả cụ thể, mỗi thể loại thống nhất trong một kiểu phong
cách. Tên thể loại gắn liền với tên tác phẩm. Hệ thống thể loại trung đại biên
chế như hệ thống binh chủng trong quân đội, chúng có nhiệm vụ chiến đấu
riêng và không thể pha trộn với nhau.
Quan hệ giữa hệ thống thể loại văn học dân gian và văn học viết trung
đại cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu hệ thống thể loại văn học hiện đại độc
lập với hệ thống thể loại dân gian, thì hệ thống thể loại văn học trung đại lại
khác. Hệ thống này do nhu cầu cuộc sống của nhà thờ và quý tộc quy định.
Nhưng cuộc sống ấy lại cũng do văn hoá dân gian quy định. Nó không tách
khỏi lễ hội, tín ngưỡng đa thần giáo. Do đó, một số thể loại văn học dân gian
có tác động tích cực tạo thành thể loại văn học viết. Sự xuất hiện của đô thị
cũng làm nảy sinh các hình thức văn học dân gian mới, đến lượt nó lại làm
biến đổi diện mạo văn học viết.
Lý luận thể loại ấy rất có ý nghĩa để tiến hành nghiên cứu văn học trung
đại nói chung và thể loại văn học trung đại Việt Nam nói riêng.
Cùng với quan niệm lý luận ấy, thi pháp thể loại thể hiện ở hệ thống các
thủ pháp nghệ thuật dùng để giới thiệu, nối kết, làm nổi bật hay bỏ qua nhằm
biểu hiện cuộc sống. Mỗi hệ thống nghệ thuật có hệ thống các thủ pháp nghệ
thuật đặc trưng. Đây là lĩnh vực mà Likhatrốp gọi là “phương pháp nghệ
thuật” – phương pháp miêu tả, biểu hiện. Theo lý luận về “phương pháp nghệ
thuật” này, B. L. Riftin đã nghiên cứu phương pháp trong văn học trung đại
phương Đông, cung cấp một cách làm có hiệu quả.
Sau cấp độ thủ pháp (biện pháp) là cấp độ ngôn từ. Thi pháp học hiểu
ngôn từ như là chất liệu tạo thành tính nghệ thuật của văn học. Ứng với một
kiểu văn học có một nhãn quan về ngôn từ và các biện pháp, nguyên tắc sử
dụng ngôn từ trên tất cả các bình diện thẩm mỹ – từ ngữ âm đến văn bản…
Thi pháp học quan tâm không chỉ các nguyên tắc tổ chức văn bản mà còn
quan tâm tới mối quan hệ tác động qua lại của các từ tạo nên vẻ đẹp của cơ
chất (texture). Ở đây việc nghiên cứu ngôn ngữ thơ Đường, thơ Đỗ Phủ của
hai tác giả Mỹ gốc Trung Quốc Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân theo các lý thuyết
ngôn ngữ học hiện đại có một tác dụng gợi ý quý báu. Đây là lĩnh vực của từ
chương học, phong cách học, một bộ phận hợp thành của thi pháp học.
Tóm lại, giới thiệu việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại qua một
số công trình, có thể nhận thấy rằng vấn đề thi pháp học văn học trung đại đã
được đặt ra chủ yếu trên bốn phương diện:.
a) Quan niệm văn hoá thẩm mỹ, bao gồm quan niệm tổng quát về văn
học, về tác giả, về thể loại, về ngôn ngữ nói chung.
b) Thể loại văn học với hệ thống đặc trưng trong loại hình
c) Hệ thống các thủ pháp, các phương pháp nghệ thuật thể hiện cho
cách chiếm lĩnh, cảm nhận đời sống của người trung đại.
d) Hệ thống từ chương học với các nguyên tắc sử dụng ngôn từ trên
các cấp độ.
Đó cũng là cái sườn khái quát để đi vào nghiên cứu thi pháp của một
nền văn học cụ thể.
Việc nghiên cứu hệ thống thi pháp của một nền văn học cụ thể dĩ nhiên
không phải là lặp lại giản đơn các đặc điểm loại hình, mặc dù sự liên hệ, so
sánh luôn luôn là cần thiết. Mục đích của việc nghiên cứu này là nhằm phát
hiện hệ thống thi pháp độc đáo của nền văn học dân tộc nước nhà, một nền
nghệ thuật đã được nghiên cứu chủ yếu về tác giả, tác phẩm cụ thể, nhưng
còn đang thiếu một cái nhìn tổng quan, hệ thống về các đặc trưng nghệ thuật
của nó trong tính chỉnh thể, toàn vẹn về mặt lịch sử
III. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI Ở VIỆT
NAM
Văn học trung đại Việt Nam là một thời kỳ phát triển rất phong phú của
văn học dân tộc Việt Nam, song tài liệu bàn về thi pháp giai đoạn này thì hiện
vẫn còn ít ỏi, không tương xứng.
1. Nghiên cứu sưu tầm, bình luận văn học bao giờ cũng chậm hơn văn
học. Theo các tài liệu hiện có thì có thể nói ngành ngữ văn học Việt Nam đã
hình thành từ thế kỷ XV với các công việc sưu tập, biên soạn. Không phải vô
cớ mà các tác giả của công trình nghiên cứu, sưu tập đồ sộ Thơ văn Lý –
Trần đã trịnh trọng giới thiệu bốn bài tựa: Một bài của Phan Phu Tiên Tân san
Việt âm thi tập tự (1433), một bài của Nguyễn Tử Tấn Tân tuyển Việt âm thi
tập tự (1495), một bài Trích diễm thi tập tự của Hoàng Đức Lương (1497),
sau đó là bài của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII). Nguyễn Tử Tấn đã nói đến tiêu
chuẩn của thơ và nguyên tắc tuyển chọn, chú ý tới các thể đa dạng. Hoàng
Đức Lương đã nói tới 5 cái khó khiến cho văn chương ít được lưu truyền: một
là khó thưởng thức (kén độc giả), hai là tát giả bận việc quan, ít sáng tác, ba
là ai sưu tầm thì bị chê bai, khích bác, bốn là bị cấm đoán, năm là bị binh hoả.
Có thể nói ông Hoàng đã nói đúng năm nguyên nhân làm cho ngữ văn học
Việt Nam chậm phát triển. Đáng chú ý là ông Hoàng đã nói tới “thi học” – cái
học về thơ của ông phải dựa vào kinh nghiệm các lưu phái đời Đường, đã
biết tới lưu phái! Trong văn xuôi, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lý Tế Xuyên cũng
đóng vai trò như vậy. Tuy vậy lý luận và phê bình văn học chưa có điều kiện
phát triển.
2. Trong thời trung đại, tương truyền có cuốn Văn thành bút pháp của
Vũ Quỳnh đời Lê Thánh Tông, nay chưa tìm thấy. Các công trình của Lê Quý
Đôn như Nghệ Văn Chí (Đại Việt thông sử), Vân đài loại ngữ, Toàn Việt thi
lục, của Phan Huy Chú như Văn tịch chí (Lịch triều hiến chương loại chí) có
trình bày ít nhiều quan niệm về văn chương và sự phân loại. Song song với
các tuyển tập đã xuất hiện những ý kiến lẻ tẻ về văn thơ trong các bài tựa,
bạt, ký, luận nhưng trong thời trung đại chưa bao giờ được sưu tầm nghiên
cứu. Mãi dần sau này mới có ý định sưu tập thành sách như Từ trong di sản
(Nxb Tác phẩm mới. Hà Nội, 1981). Người xưa bàn về văn chương (Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993), tức là cuối thế kỷ XX, thật là quá ư muộn
màng. Tuy vậy công việc chỉ mới bắt đầu, còn lâu mới đi vào quy củ và đầy
đủ.
3. Những công trình nghiên cứu, giới thiệu thi pháp văn học truyền
thống Việt Nam một cách tương đối có quy mô có lẽ phải kể đến đầu thế kỷ
này với Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính (1918), Quốc văn cụ thể của Bùi
Kỷ (1932). Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu với các
chương bàn về thể văn và thi pháp của văn học Việt Nam (1941), Đào Nương
Ca của Nguyễn Văn Ngọc (1932), Ca trù thể cách của Xuân Lan (1922),
Chương Dân thi thoại của Phan Khôi (1936). Đây cũng là thời kỳ xuất hiện
nhiều cuốn lịch sử văn học Việt Nam. Ngoài cuốn của Dương Quảng Hàm
nêu trên có thể kể: Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi (1942),
Việt Nam văn học của Ngô Tất Tố (1942)…
Sau năm 1954, bên cạnh việc phiên âm, phiên dịch tác phẩm văn học
chữ Nôm và chữ Hán, các bộ văn học sử Việt Nam có quy mô lớn xuất hiện ở
cả hai miền. Ở miền Bắc có thể kể bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam
của nhóm Lê Quý Đôn (1957), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm
Văn – Sử – Địa (1957 – 1960), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (ĐHSP Hà
Nội, 1961 – 1962). Lịch sử văn học Việt Nam (Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong
1961), Văn học Việt Nam (từ thế kỷ X-XVIII và nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa
đầu thế kỷ XIX) (1989–1990), Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1 của Uỷ ban
Khoa học xã hội Việt Nam (1980), Văn học Việt Nam, t.1, t.2, t.3 của nhóm tác
giả Đại học tổng hợp Hà Nội: Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao
Chương, Nguyễn Lộc (1978), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam
của Cao Huy Đỉnh (1974). Nghiên cứu tiến trình lịch sự của văn học dân gian
Việt Nam của Đỗ Bình Trị (1978). Ở miền Nam có thể kể Việt Nam văn học sử
giản ước tân biên 3 tập của Phạm Thế Ngũ (1961), Bảng lược đồ văn học
Việt Nam của Thanh Lãng (1967), Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm
Toản (1949).
Cũng sau năm 1954 những công trình đi sâu vào thi pháp thể loại cũng
đã xuất hiện. Có thể kể Thơ ca Việt Nam- hình thức và thể loại của Bùi Văn
Nguyên và Hà Minh Đức (1965), Khảo luận về thơ của Lam Giang (1957–
1967), Vệt Nam ca trù biên khảo của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1962).
Từ sau ngày giải phóng miền Nam, việc nghiên cứu tìm hiểu quy luật
văn học Việt Nam và các vấn đề thi pháp cũng được đẩy mạnh thêm. Phương
Lựu có Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam (1985), Góp phần xác lập hệ
thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (1997). Lê Trí Viễn có Đặc điểm
lịch sử văn học Việt Nam (1987), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam
(1996), “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm của Đặng Thanh Lê (1979),
Truyện Nôm –thể loại và thi pháp của Kiều Thu Hoạch (1993), Thi pháp ca
dao của Nguyễn Xuân Kính (1992), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong
“Truyện Kiều” của Phan Ngọc (1985). Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật
(1991), Sử thi thần thoại Mường của Trương Sĩ Hùng (1992). Các công trình
về thơ lục bát của Võ Bình, Mai Ngọc Chừ, Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Văn
Hoàn, Phan Thị Diễm Phương, về thơ song thất lục bát của Phan Ngọc, về thi
pháp thơ Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên, Phạm Luận. Về ảnh hưởng tư
tưởng Nho giáo đối với văn học có công trình của Trần Đình Hượu Nho giáo
và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Văn học Việt Nam giai đoạn giao
thời (1989), Đến hiện đại từ truyền thống (1994).
Một số luận án PTS đã tập trung nghiên cứu một số vấn đề thi pháp
văn học trung đại như truyện văn xuôi chữ Hán của Nguyễn Đăng Na (1987).
Thơ Nôm Đường luật Việt Nam của Lã Nhâm Thìn (1993), Thể loại văn học
Lý – Trần của Nguyễn Phạm Hùng (1995), một số đặc trưng nghệ thuật của
thơ thiền Việt Nam thế kỷ XI–XIV của Đoàn Thị Thu Vân (1994), về nhà nho
tài tử Việt Nam của Trần Ngọc Vương (1994), về quan niệm thơ cổ Việt Nam
của Phạm Quang Trung (1996), về ngôn ngữ nhân vật trong truyện Nôm của
Đinh Thị Khang (1992)…
Một sự kiểm điểm như trên là chưa đầy đủ, nhất là chưa kể hết những
công trình nghiên cứu trên các tạp chí. Tuy vậy, sơ bộ có thể nhận thấy:
– Nghiên cứu thi pháp văn học trung đại Việt Nam là một lĩnh vực cực
kỳ khó khăn vì rất nhiều lý do. Trước hết là việc sưu tầm, dịch thuật cho đến
nay vẫn đang tiếp tục. Vấn đề văn bản tác phẩm, tác giả, niên đại, là vấn đề
nan giải nhất. Một công trình khảo luận văn bản chỉ mới văn thơ Lý – Trần
của giáo sư Nguyễn Huệ Chi gồm 140 trang khổ lớn đã cho thấy tất cả sự khó
khăn trong lĩnh vực này. Những vấn đề tác giả cũng chưa xong xuôi, vấn đề
phân kỳ cũng có nhiều biến động theo thời gian, nhận thức. Cho nên nghiên
cứu thi pháp trung đại ở giai đoạn này chỉ có thể là bước đầu thử nghiệm,
thăm dò, chờ đợi kiểm nghiệm, hoàn chỉnh.
Việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại cho đến nay chủ yếu là tập
trung vào việc miêu tả các đặc điểm thi pháp thể loại thơ (vận, luật, ngôn
ngữ). Về tính nội dung và tính quy luật loại hình chỉ mới được xem xét bước
đầu ở một số phương diện riêng biệt, lẻ tẻ, trên nét lớn.
– Việc nghiên cứu các bình diện quan niệm nghệ thuật và thẩm mỹ
thường được thực hiện bằng cách tường thuật ý kiến theo những chủ đề hiện
đại và bình luận ý nghĩa của chúng. Một số bình diện về quan niệm con
người, không gian, thời gian, hình tượng tác giả chưa được lưu ý đầy đủ.
– Ngôn ngữ văn học trung đại mới được quan tâm qua một số tác phẩm
riêng lẻ. Phong cách học (từ chương học) văn học trung đại vẫn đang là
mảnh đất còn bỏ ngỏ, ngoại trừ một số tìm tòi của Phan Ngọc và một vài tác
giả khác.
Một số tác giả nước ngoài như N. I. Niculin, B. M. Riftin đã chú ý tới tính
loại hình và có cái nhìn bao quát. Họ đã nêu những vấn đề thi pháp văn học
trung dại Việt Nam khá thú vị, song nhìn chung vẫn chi xen vào các công trình
văn học sử.
Từ những nhận xét trên có thể thấy rằng vấn đề thi pháp văn học trung
đại Việt Nam, mặc dù gần đây đã có nhiều thành tựu mới rất đáng trân trọng,
song vẫn còn là một mảnh đất chờ đợi sự khai phá lâu dài của nhiều nhà
nghiên cứu.
Công trình của chúng tôi chỉ là thêm một cố gắng trên con đường dài
gian khổ này, nhằm gây chú ý cho những người cùng quan tâm để cùng đẩy
mạnh việc tìm tòi, suy nghĩ, khái quát, ngõ hầu một ngày kia có thể tiến tới
phác hoạ đầy đủ, chính xác những vấn đề của nó.
Chương 2. THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI NHƯ MỘT ĐỐI TƯỢNG
NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
I. KHÁI NIỆM THỜI TRUNG ĐẠI
1. Trước khi đi vào xác định khái niệm văn học trung đại thiết nghĩ phải
xác định khái niệm thời trung đại về mặt lịch sử
“Thời trung đại” là khái niệm mà các nhà nhân đạo chủ nghĩa châu Âu
thế kỷ XV dùng để chỉ thời đại lịch sử ở giữa thời cổ đại, tính từ khi chế độ đế
quốc Tây La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ V cho đến thời đại Phục hưng vào thế
kỷ XV. Đó là thời kỳ mà sử gia phương Tây gọi là “đêm trường trung cổ” với
sự ngự trị tuyệt đối của thần quyền, quân quyền. Đó là khi toà án giáo hội đưa
lên giàn hoả thiêu bất cứ ai nghi ngờ chân lý, giáo lý nhà thờ, có tư tưởng tự
do hoặc tìm tòi khoa học. Thoạt đầu người ta dùng cụm từ “thời trung đại” với
một ý vị khinh miệt, để chỉ một thời tăm tối, không có ánh sáng của lý tính và
khoa học, đầy chết chóc, hận thù, định kiến, để sau đó là thời Phục hưng, làm
sống lại các giá trị nhân văn thời cổ đại, giải phóng cá tính, phát triển tự do và
sáng tạo của con người. Nhưng dần dần sử học đã phát hiện ý nghĩa khoa
học đích thực của khái niệm này, xua tan những xuyên tạc, định kiến về nó,
trả lại cho nó nội dung lịch sử, văn hoá, văn học mang nội dung nhân văn.
Đúng như nhiều nhà trung đại học đã khẳng định, mỗi thời đại đều lý thú và
đều có nghĩa hệ trọng mà thời khác không thay thế được.
Về mặt thời đại, thời trung đại là thời kỳ sau khi tan rã chế độ chiếm
hữu nô lệ cổ đại cùng với các đế chế hùng mạnh cổ đại, các đế quốc bị chia
nhỏ ra, bị phong kiến hoá. Đó là thời đại của chế độ phong kiến để đến lượt
mình, nó bị thay thế bởi một xã hội có kinh tế hàng hoá và công nghiệp phát
triển của chủ nghĩa tư bản.
Về mặt văn hoá, thời trung đại không giản đơn là một bước lùi trong
tiến trình văn minh mà là một bước tiến. Đó là thời đại văn hoá lớn trong lịch
sử nhân loại, thời đại ra đời của những quốc gia châu Âu, những nhà nước
hiện đại hình thành, những ngôn ngữ dân tộc đa dạng cũng có dịp phát triển
và hiện vẫn dang sử dụng. Đó cũng là thời đại hình thành các giá trị văn hoá
truyền thống có ảnh hưởng đến hôm nay. Đối với các quốc gia phương Đông
như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản… thì thời trung đại là thời hình thành
toàn bộ di sản văn hoá thành văn của mình.
Về mặt thời gian, nhìn chung các sử gia chia thời trung đại châu Âu ra
làm ba giai đoạn. Giai đoạn cơ kỳ từ thế kỷ V đến thế kỷ XI; giai đoạn trung
kỳ, khi chế độ phong kiến phương Tây đạt đến mức toàn thịnh. Từ thế kỷ XII
đến thế kỷ XV; giai đoạn mạt kỳ, khi chế độ phong kiến suy tàn từ thế kỷ XVI
đến thế kỷ XVII. Độ dài cụ thể của thời trung đại trong từng khu vực, từng
quốc gia có những xê xích đáng kể. Văn học trung đại trong từng thời kỳ này
cũng khác nhau. Giai đoạn sơ kỳ văn học hành chức chiếm ưu thế; giai đoạn
trung kỳ văn học đẹp chiếm tỉ trọng cao; giai đoạn mạt kỳ văn học thị dân dần
dần chiếm ưu thế.
2. Với những đặc điểm loại hình, khái niệm thời trung đại có thể được
vận dụng vào lịch sử và văn học phương Đông, có tính tới các yếu tố đặc thù
của từng dân tộc và khu vực. Nhưng đây là vấn đề chưa ngã ngũ. Theo
N.Cônrát, thời cổ đại Trung Quốc ứng với sự đột khởi của đế quốc Tần, Hán.
Từ Nguỵ Tấn Nam Bắc triều trở đi thì bước vào thời trung đại, vào thế kỷ thứ
IV CN. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nhà Trung Quốc học Nga khác,
chẳng hạn như B.L Riptin, Lixêvích.
Các nhà sử học Trung Quốc như Vương Trọng Oánh, mỹ học như Lý
Trạch Hậu cũng xem Lưỡng Hán trở lên là thời đại nô lệ, từ Nguỵ Tấn trở đi,
khởi đầu xã hội phong kiến.
Khác với các nước phương Tây, Cận Đông, ở phương Đông giữa cổ
đại và trung đại không có một khúc gãy như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập. Các
nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Israen không có khúc gẫy, nghĩa là vẫn
giữ được nhịp độ tuần tự, tiệm tiến. Tuy nhiên nó được đánh dấu bằng một
sự mất mát nhất định về thể loại văn học. Chẳng hạn theo Riptin, thời cổ đại
Hy Lạp mất đi mang theo thể loại sử thi cổ đại, bi kịch và thể loại lịch sử kiểu
của Plutác, cũng như loại Sử ký của Tư Mã Thiên cũng mất theo thời cổ đại
Trung Hoa. Nếu không rập khuôn theo lịch sử phương Tây thì bước chuyển
đánh dấu kết thúc thời cổ đại Trung Hoa là tư tưởng đại nhất thống, độc tôn bị
lung lay, mở đầu cho sự xâm nhập tôn giáo ngoại lai và phát triển tôn giáo
bản địa, sự nở rộ của văn học dân gian.
Nhìn chung cũng vào thế kỷ thứ III CN một số nước Trung á, Iran cũng
bước vào thời trung đại. Sự sụp đổ đế chế cổ đại tạo điều kiện cho nhiều
quốc gia ”trẻ” xuất hiện độc lập. Tuy xuất hiện muộn với tư cách quốc gia độc
lập, nhưng chúng lại phát triển nhanh nhờ vào vốn văn hoá dân gian của
mình, và nhờ vào kinh nghiệm của các nền văn học đi trước của các quốc gia
cổ đại lân cận. Đó là văn học Nhật Bản từ thời Hây An (thế kỷ IX – XII) trở đi,
là văn học Nga cổ từ thế kỷ XI trở đi, văn học Việt Nam từ thế kỷ X trở đi.
3. Thời trung đại chuyển sang thời cận đại bằng hàng loạt sự kiện văn
hoá, khoa học. Các phát kiến địa lý làm thay đổi quan niệm về thế giới. Thế
giới rời rạc, phân tán trước đó nay được nối liền. Những phát kiến lịch sử làm
sống lại chủ nghĩa nhân văn cổ điển, ý thức tôn giáo lung lay, ý thức cá tính
trỗi dậy, ý niệm tiến trình lịch sử thay đổi. Người phương Đông nhận biết
được thế giới chủ yếu do bị tư bản phương Tây “phát hiện” do buôn bán và
truyền đạo. Tiếng súng pháo thuyền làm rạn vỡ xã hội phong kiến truyền
thống. Ở Trung Quốc thời cận đại được đánh dấu rõ rệt bằng chiến tranh Nha
phiến 1840, ở Việt Nam nó đánh dấu bằng tiếng đại bác bắn vào đồn biên
phòng của nhà Nguyễn năm 1858
Cũng có người lấy mốc năm 1862 làm điểm quy ước thời cận đại Viết
Nam.
Tuy vậy xét sâu hơn vào quá trình phát triển kinh tế mỗi nước thì người
ta lại nhận thấy dấu hiệu cận đại sớm hơn. Ở Trung Quốc, nhiều nhà nghiên
cứu cho thời trung đại của họ chấm dứt vào thời cuối Minh, từ thế kỷ XV, do
thương nghiệp phát triển, ý thức thị dân trỗi dậy, cũng gần như cùng một lúc
với thời kỳ cận đại châu Âu.
Thời cận đại là thời kỳ quá độ, giao thời, chuyển hoá từ trung đại sang
hiện đại. Ở châu Âu có khi người ta tính từ thế kỷ XVI – XVII. Như vậy là cận
đại được tính từ giai đoạn mạt kỳ thời trung đại. Thời cận đại ở Trung Quốc,
Nhật Bản, Việt Nam tính từ thời điểm xâm nhập của tư bản phương Tây, cũng
tức là thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, xét theo sự phát triển
của đô thị, ý thức thị dân thì thời cận đại Việt Nam có thể tính ngược lên tới
thế kỷ XVII – XVIII. Còn như vấn đề thời cận đại kéo dài đến đâu thì ý kiến lại
chưa nhất trí. Ở Trung Quốc, đó là năm 1911 với cách mạng Tân Hợi, thành
lập Dân Quốc. Ở Việt Nam trước nay học giới xác định là 1930, thời điểm
ngọn cờ lãnh đạo cách mạng chuyển sang giai cấp vô sản, nhưng nếu xét tới
thời điểm chấm dứt chế độ phong kiến thì phải đến 1945. Xét về mặt văn học,
thì văn học trung đại thực sự chấm dứt từ năm 1930–1932. Từ đó trở đi văn
học hoàn toàn chuyển sang phạm trù hiện đại.
Nếu hiểu thời hiện đại là thời đại đánh dấu bằng sự tiếp xúc, giao lưu
toàn diện của tất cả các quốc gia trên thế giới, tất cả tham gia vào một tiến
trình lịch sử chung, các sự kiện lịch sử thế giới tác động trực tiếp tới mọi quốc
gia lớn nhỏ, thì có thể nói việc xác định thời hiện đại từ thế kỷ XX là có cơ sở.
Và với thời này, các quốc gia dù trình độ phát triển khác nhau vẫn đều ở
chung trong một thời đại.
4. Nếu thừa nhận thời hiện đại là thời đại chung của mọi dân tộc và khu
vực, thì có cơ sở để thấy rằng thời cận đại của các nước phương Đông như
Việt Nam. Trung Quốc trên thực tế hoặc mờ nhạt, không thật rõ nét, hoặc bị
teo đi. Bởi vì thời cận đại ở đây không phải xuất hiện do sự phát triển tự thân
mạnh mẽ của các quan hệ xã hội, mà chủ yếu do nguyên nhân bên ngoài,
cho nên nó không thể kéo dài. Đô thị Việt Nam không như đô thị phương Tây.
Nó gắn chủ yếu với trung tâm hành chính, với thương nghiệp, nhưng mối liên
hệ với nông nghiệp và hành chính rất mật thiết. Một khi đổi thay vị trí hành
chính, đô thị trên xuống cấp trở thành nông thôn, do đó sức sống yếu ớt.
Xã hội lạc hậu buộc phải tiến nhanh theo nhịp độ của lịch sử thế giới.
Do đó thời cận đại ở các nước phương Đông không phải chỉ là thời đại phát
triển kinh tế tư bản, tích luỹ tư bản và công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa như
ở phương Tây, mà còn là thời suy tàn của chế độ phong kiến và thời đại giao
thời, chuyển mạnh sang thời hiện đại. Đó không phải là thời cận đại độc lập
đích thực. Về một mặt khác, đó cũng là thời đại chống nạn ngoại xâm của tư
bản phương Tây để duy trì độc lập trong điều kiện lịch sử mới, là thời kỳ vận
động để đuổi theo và hội nhập vào các trào lưu mới.
Xét từ bình diện văn hoá thì phải tính đến cái mốc tiếp nhận và sáng
tạo các hình thái văn hoá mới. Mốc ấy chưa có giữa thế kỷ XIX của lịch sử
Việt Nam. Mặc dù có ảnh hưởng của Pháp và chữ Quốc ngữ bắt đầu truyền
bá rộng rãi dưới dạng hiện đại từ giữa thế kỷ XIX nhưng, phải sang đầu thế
kỷ XX thì mới thực sự được sử dụng phổ biến. Cũng giống như xưa kia, chữ
Hán được truyền bá từ khi người Hán đặt ách thống trị từ đầu công nguyên,
song phải đến thế kỷ X xây dựng quốc gia độc lập, chữ Hán mới trở thành
công cụ của văn học dân tộc. Các phong trào cách mạng đầu thế kỷ đã sử
dụng đắc lực chữ Quốc ngữ. Sự kiện này càng được củng cố thêm bởi sự
kiện bãi bỏ các khoa thi chữ Hán vào năm 1917. Đó là lý do làm cho nhiều
nhà nghiên cứu văn học trước đây tính thời hiện đại của văn học Việt Nam
bắt đầu từ đầu thế kỷ. Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại tính mốc
hiện đại từ 1910. Dương Quảng Hàm xem văn học thế kỷ XIX là cận kim, các
văn gia, thi gia hiện đại thì tính từ đầu thế kỷ XX. Các tác giả Nguyễn Tường
Phượng, Bùi Hữu Sủng trong Văn học sử hiện đại cũng tính mốc hiện đại từ
1910. Tuy vậy nhưng cái mốc 1910, 1907, 1913… đều chưa thật đủ sức
thuyết phục do dựa vào sự kiện cụ thể. Phải chăng chỉ nên nói từ đầu thế kỷ
với các phong trào hiện đại hoá có tính cách mạng như Duy tân, Đông du,
Đông kinh nghĩa thục. Theo chúng tôi, rất khó xác định cụ thể năm nào, mà
chỉ khoảng những năm nào đó. Chúng tôi cũng từng đề nghị xem điểm khởi
đầu thời đại văn học hiện đại từ đầu thế kỷ
5. Xét về nội dung văn học thì có thể nhận thấy những yếu tố mới của
văn học cận đại cuối thế kỷ XIX, cũng như những yếu tố mới trong giai đoạn
giao thời mấy mươi năm đầu thế kỷ XX. Nhưng xét riêng về hệ thống văn học
thì có thể xem văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX thuộc phạm
trù trung đại và từ đầu thế kỷ XX đến nay là thuộc phạm trù hiện đại. Đây
cũng là quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện nay quy ước và
đang chờ đợi sự bàn bạc sâu thêm. Cho đến cuối thế kỷ XIX, mặc dù có
những hiện tượng văn học Quốc ngữ xuất hiện, nhưng về cơ bản văn học
Việt Nam vẫn mang tính chất trung đại.
Việc vận dụng phạm trù trung đại, một phạm trù của lịch sử phương
Tây vào lịch sử phương Đông hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và ý kiến bất
đồng. Chẳng hạn đâu là giới hạn của các thời đại “Phục hưng”, ”Khai sáng”
trong lịch sử Trung Quốc? N. Cônrát từng dựa vào phong trào cổ văn của
Hàn Dũ mà nêu ý kiến về thời Phục hưng ở đời Đường, ý kiến này được một
số nhà Đông phương học Nga khẳng định còn O L. Phitsơman, Hầu Ngoại Lư
cho thời Khai sáng ở Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX,
B. Xêmanốp thì cho thời Khai sáng Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ XVII nhưng
kéo dài đến đầu thế kỷ XX… Những nhận định như vậy chỉ đúng từng điểm,
từng phần. Quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm để nghiên cứu phần còn lại
của thế giới là không đúng, song tìm cái chung loại hình có tính nhân loại lại
là cần thiết. Xây dựng mô hình chung có tính nhân loại, tính đến đặc thù khu
vực và dân tộc có thể cho phép nhìn nhận văn học dân tộc trong bối cảnh
chung của nhân loại.
6. Như vậy việc vận dụng phạm trù “thời trung đại” sẽ đem đến một
kiểu phân kỳ mới và nhận thức mới trong nghiên cứu văn học Việt Nam. Mọi
người đều biết là sẽ không có lịch sử văn học nếu như không có việc phân
chia thời kỳ và phân bố tài liệu văn học thành các chương mục có tính chất
khái quát.
Cách phân kỳ văn học Việt Nam đầu tiên tìm thấy trong Việt âm thi tập
của Phan Phu Tiên (thế kỷ XV), trong đó văn học được xếp theo triều đại
Trần, Lê. Năm 1933 nhà nghiên cứu Pháp là G.Cordier trong sách Nghiên
cứu văn học Việt Nam, rồi tiếp theo đó là các tác giả sách giáo khoa về lịch
sử văn học Việt Nam trong những năm 40 –50 cũng đều phân kỳ theo triều
đại. Từ các tập văn học sử sau năm 1957 các học giả phân kỳ theo thế kỷ
trên cơ sở phân tích quá trình phát triển từ thịnh đến suy của chế độ phong
kiến Việt Nam, và gần đây thì đã chú ý phân kỳ theo loại hình văn học – trung
đại, hiện đại. Trước đây người ta xác định thời trung đại dừng ở giữa thế kỷ
XIX. Còn gần đây nhiều tác giả cho rằng thời trung đại kéo dài đến hết thế kỷ
XIX. Theo cách phân kỳ này cả mười thế kỷ văn học từ thế kỷ X đến hết thế
kỷ XIX đều được coi là văn học trung đại. Đó là một bước tiến quan trọng
trong việc nhận thức loại hình văn học. Tuy nhiên vấn đề phân kỳ trong nội bộ
thời kỳ này lại chưa có kiến giải nhất trí.
Hiện nay về vấn đề phân kỳ có các kiến giải sau. Ông N. I. Niculin trong
công trình Văn học Việt Nam từ các thế kỷ trung đại đến cận đại: X –XIX
(1977) xem giai đoạn thế kỷ X-XII là thời kỳ trên (thượng) trung đại với lý do là
thể loại hành chức ngoài văn học chiếm ưu thế (bia. kệ, thơ bang giao, cáo,
chiếu, hịch…). Từ thế kỷ XIII – XVII là thời kỳ trung đại phát triển, còn khoảng
thời gian thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX – là thời kỳ hạ trung đại – trong khi
vẫn giữ các đặc điểm của thời kỳ trung đại đã có thêm các đặc điểm của văn
học thời Phục hưng và Khai sáng. Tác giả dựa vào tiêu chuẩn chức năng
ngoài văn học là có cơ sở, song mảng văn xuôi mang chức năng ngoài văn
học như Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái vẫn còn
tiếp tục chiếm ưu thế vào thế kỷ XIV, và nói chung văn học mang chức năng
ngoài văn học vẫn có vị trí quan trọng trong suốt thời trung đại. Về mặt này
các giáo trình văn học của các trường đại học Việt Nam xác định thế kỷ X –
XIV là một giai đoạn là có cơ sở dựa vào nội dung xây dựng nhà nước phong
kiến. Tuy nhiên đó là tiêu chuẩn ngoài văn học. Sau này ông Nguyễn Lạc đề
nghị tính mốc từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV là thời kỳ văn học khẳng định
dân tộc trên cơ sở khẳng định chế độ phong kiến. Từ nửa cuối thế kỷ XV đến
nửa đầu thế kỷ XVIII là văn học khẳng định Nhà nước phong kiến. Từ nửa
cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX là thời kỳ văn học khẳng định con
người. Bảo rằng văn học được nửa đầu thế kỷ XVIII là không khẳng định con
người, có lẽ không ổn, đúng hơn, nó khẳng định con người một cách khác.
Các mốc nửa đầu thế kỷ XVIII nên lùi lại vào đầu thế kỷ XVIII mới đúng, bởi
đó là thời điểm của Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào và của Chinh
phụ ngâm khúc và các bản dịch. Theo chúng tôi, nội dung văn học của giai
đoạn X – XIV là sự hình thành khá hoàn bị các thể loại văn thơ chữ Hán. Và
giai đoạn từ thế kỷ XV – đánh dấu sự hình thành và phát triển các thể loại văn
Nôm. Thế kỷ XVIII là khởi đầu của xu hưởng văn học nhân đạo. Truyện Song
Tinh là một truyện tài tử giai nhân, ca ngợi tình yêu nam nữ.
Ông Lê Trí Viên trong công trình mới đây cho rằng thế kỷ X – XV là thời
kỳ văn học trung đại thượng kỳ, còn từ thế kỷ XVI – XIX là văn học trung đại
hạ kỳ. Cách chia này làm mờ cái mốc thế kỷ XVIII, thời điểm đổi thay quan
niệm con người trong văn học và là thời điểm chín muồi toàn thịnh của các
thể loại văn học Nôm.
Chúng tôi tán thành quan điểm phân kỳ của các tác giả Hợp tuyển thơ
văn Việt Nam, chia văn học trung dại Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII là
một giai đoạn lớn, từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX (chứ không phải giữa thế
kỷ XIX như các tác giả Hợp tuyển) là một giai đoạn lớn.
Cách chia này, như sau đây chúng tôi sẽ phân tích thấy, phù hợp với
tiến trình tự ý thức của con người trong văn học. Trước thế kỷ XVIII con
người trong văn học chủ yếu được khẳng định trong các lý tưởng lớn, vì dân
tộc, trong đạo đức phong kiến theo quan điểm Nho giáo hay trong sự siêu
thoát với đạo lão, đạo thiền.
Từ thế kỷ XVIII trở đi con người trong văn học tự khẳng định mình qua
các nhu cầu sống trần tục. Đặc điểm này làm đổi thay căn bản phong cách
văn học. Trong 8 thế kỷ đầu còn có thể chia ra hai chặng. Từ thế kỷ X – XIV:
sự hình thành và chín muồi các thể loại văn học chữ Hán; và từ thế kỷ XV –
XVII là sự manh nha, hình thành và phồn thịnh của văn học Nôm. Còn giai
đoạn đầu thế kỷ XVIII là sự chín muồi đạt đến đỉnh cao của văn học Nôm và
sự phát triển phong phú thêm của văn học chữ Hán với các thể loại truyện ký
mới mang tính chất văn học.
Vấn đề phân kỳ vẫn đang là vấn đề được học giới quan tâm. Xu thế
chung là ngày càng đi sát vào quá trình vận động của bản thân văn học, tìm
dấu hiệu phân kỳ trong bản thân văn học. Về các vấn đề này có thể xem thêm
các tài liệu sau: Trần Đình Hượu: Vấn đề chọn mấy năm mốc trong việc phân
kì lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đỗ Đức Hiếu: Suy nghĩ về phong
cách lớn là phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam; Nguyễn Huệ Chi: Vấn đề phân
kì văn học sử Việt Nam trong Tạp chí Văn học số 3 năm 1985 nói trên. Gần
đây có các bài của các tác giả Trần Đình Hượu: Xác định cái dân tộc, cái cổ
điển làm cơ sở phân kì lịch sử văn học dân tộc trong sách: Nho giáo và văn
học Việt Nam trung cận đại, Hà Nội 1995; Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự
Việt Nam thời trung đại –Những bước đi lịch sử. Tạp chí văn học số 7–1997.
Những cách phân kỳ trước đây còn nhiều ý kiến nặng về tiêu chí xã hội, chính
trị, mặc dù là tiêu chí này có tầm quan trọng không thể coi nhẹ. Dù sao cách
phân kỳ như vậy chủ yếu cũng là căn cứ vào nội dung xã hội, lịch sử của văn
học. Xét về mặt thi pháp, chúng tôi cho rằng chia văn học trung đại Việt Nam
làm hai giai đoạn bằng cái mốc từ đầu thế kỷ XVIII là thích đáng. Mỗi giai
đoạn đều có những quy luật chung về văn học mà chúng tôi sẽ phác hoạ ở
các phần sau.
II. VĂN HỌC TRUNG ĐẠI NHƯ MỘT LOẠI HÌNH VĂN HỌC
1. Vấn đề loại hình văn học trung đại
Vì sao phải xem xét văn học thuộc thời kỳ trung đại như văn học loại
hình trung đại? Điều này có cần thiết hay không, và cần thiết đến mức nào?
Trước hết, khái niệm loại hình văn học trung đại giúp ta nhận rõ đặc
trưng và quy luật chung của các hiện tượng văn học thời trung đại, phân biệt
với loại hình văn học mới, hiện đại. Trong các sách văn học sử, trong các
công trình nghiên cứu các hiện tượng văn học ấy thường được đặt trong
khung biên niên, theo tuần tự triều đại, và do đó nhiều khi không đánh giá
đúng các quy luật loại hình. Việc lý giải tác phẩm trung đại theo lối hiện đại
hoá. theo các phạm trù hiện đại, hoặc phê phán các biểu hiện nghệ thuật ấy
theo các tiêu chuẩn của kiểu văn học hiện đại không phải là hiếm trong giới
nghiên cứu và giảng dạy văn học. Chẳng hạn khái niệm văn học nghệ thuật
(mỹ thuật), chủ nghĩa hiện thực, tính hiện thực, tính điển hình, cá tính, phong
cách cá nhân v.v… đã được sử dụng rộng rãi một thời vào các hiện tượng
văn học cổ, và nảy sinh nhiều nhận định chưa được nhất trí, thậm chí bóp
méo lịch sử.
Thứ hai, khái niệm loại hình văn học trung đại giả thiết xem văn học
trong thời trung đại như một hệ thống trong đó các yếu tố tác giả, thể loại,
ngôn ngữ, người đọc quan hệ với nhau như một cấu trúc, và sự khác biệt của
văn học cổ và văn học hiện đại là do cấu trúc ấy quy định. Cấu trúc văn học
ấy tương ứng với một thời đại văn hoá, với mô hình thế giới, với hệ thống giá
trị, với phương thức cảm nhận xác định, mà chỉ với các đặc trưng văn hoá ấy
người ta mới có thể hiểu được văn học trung đại, như là văn học của một giai
đoạn văn hoá khác.
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam

Contenu connexe

Tendances

Tendances (20)

Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
 
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10
Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10
Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gianLuận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 

Similaire à Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam

Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Thế Giới Tinh Hoa
 
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
💖Nhận Làm Đề Tài Trọn Gói 💖 Liên hệ ZALO/TELE: 0973.287.149
 

Similaire à Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam (20)

Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
 
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
 
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
 
Luận Văn Thạc Sĩ Lịch Sử Tiếp Nhận Tác Phẩm Nguyễn Đình Chiểu.
Luận Văn Thạc Sĩ Lịch Sử Tiếp Nhận Tác Phẩm Nguyễn Đình Chiểu.Luận Văn Thạc Sĩ Lịch Sử Tiếp Nhận Tác Phẩm Nguyễn Đình Chiểu.
Luận Văn Thạc Sĩ Lịch Sử Tiếp Nhận Tác Phẩm Nguyễn Đình Chiểu.
 
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...
 
THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ
THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ
THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ
 
THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ
THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ
THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN ĐỜI VÀ THƠ
 
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOT
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOTLuận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOT
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOT
 
Thi Hào Nguyễn Khuyến Đời Và Thơ.pdf
Thi Hào Nguyễn Khuyến Đời Và Thơ.pdfThi Hào Nguyễn Khuyến Đời Và Thơ.pdf
Thi Hào Nguyễn Khuyến Đời Và Thơ.pdf
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
 
Luận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAYLuận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAY
 
Luận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAYLuận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, HAY
 
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂMLuận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
 
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
 
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
 

Plus de nataliej4

Plus de nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Dernier

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
dangdinhkien2k4
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
dnghia2002
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
ltbdieu
 

Dernier (20)

ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 

Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam

  • 1. MẤY VẤN ĐỀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM MẤY VẤN ĐỀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Tác giả: TRẦN ĐÌNH SỬ PHẦN MỞ ĐẦU THI PHÁP HỌC HIỆN ĐẠI VÀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI Văn học trung đại là một giai đoạn lớn trong lịch sử văn học nhân loại và dân tộc, đồng thời cũng là một trong ba phạm trù lớn của văn học, bên cạnh văn học cổ đại và văn học cận hiện đại. Chính vì vậy, vấn đề thi pháp văn học trung đại không chỉ có ý nghĩa để hiểu sâu thêm văn học trung đại, mà còn gián tiếp giúp làm sáng tỏ đặc điểm văn học cổ đại và hiện đại trong thế đối sánh. Văn học trung đại Việt Nam tính từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX lại là giai đoạn hình thành và phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam, là giai đoạn hình thành các truyền thống lớn về tư tường và nghệ thuật. Do vậy, việc nghiên cứu thi pháp văn học giai đoạn này có ý nghĩa giúp cho việc chiếm lĩnh sâu thêm các truyền thống văn học dân tộc, thúc đẩy việc học tập và kế thừa các truyền thống tốt đẹp ấy. Văn học trung đại chiếm một phần không nhỏ trong chương trình văn học ở phổ thông và đại học, và việc dạy học văn học trung đại sao cho có hiệu quả đang là một mục tiêu phấn đấu của giáo viên các cấp. Nghiên cứu thi pháp văn học giai đoạn này sẽ cung cấp thêm tài liệu tham khảo để giải quyết vấn đề rộng lớn này. Văn học trung đại có thi pháp của nó. Thi pháp học truyền thống một phần là lý luận văn học của nền văn học ấy. Để hiểu văn học trung đại, chỉ riêng việc nghiên cứu thi pháp học lý thuyết truyền thống, trình bày các phạm trù, khái niệm, phương pháp của nó cũng đã là một việc rất cần thiết và chẳng
  • 2. dễ dàng chút nào. Vì sao lại còn nghiên cứu thi pháp học truyền thống theo quan điểm thi pháp học hiện đại? Ở đây xin được làm sáng tỏ mấy khái niệm sau: 1. Thi pháp là hệ thống các nguyên tắc nghệ thuật chi phối sự tạo thành của một hệ thống nghệ thuật với các đặc sắc của nó. Thi pháp không phải là nguyên tắc có trước, nằm bên ngoài, mà là nguyên tắc bên trong, vốn có của sáng tạo nghệ thuật hình thành cùng với nghệ thuật. Nó là mĩ học nội tại của sáng tác nghệ thuật gắn liền với sự sáng tạo và một trình độ văn hoá nghệ thuật nhất định, mang một quan niệm nhất định đối với cuộc đời, con người và bản thân nghệ thuật. Thi pháp biểu hiện trên các cấp độ: tác phẩm, thể loại, ngôn ngữ, tác giả và bao trùm là cả nền văn học. 2. Thi pháp học là khoa học nghiên cứu về thi pháp. Khoa học này bao gồm mấy bộ phận sau: a) Lý luận về thi pháp của một giai đoạn văn học lịch sử cụ thể. Ở đây sẽ bao gồm lý luận về thi pháp vốn có của giai đoạn văn học trung đại, được tác giả của chúng thừa nhận. b) Hệ thống các nguyên tắc nghệ thuật thể hiện trong bản thân sáng tác của giai đoạn văn học được xét. Hệ thống này do tồn tại tiềm tàng trong sáng tác nên cần được miêu tả ra, đồng thời nó cũng không trùng khít với thi pháp học lý thuyết của giai đoạn văn học ấy. c) Lý luận thi pháp của người nghiên cứu dùng để miêu tả một cách hệ thống thi pháp tiêm tàng trong thực tế văn học và lý giải mới đối với lý luận thi pháp đã có trong lịch sử. Ba bộ phận của thi pháp học này liên hệ với nhau trong một mối quan hệ hết sức khăng khít. Lý luận thi pháp lịch sử là siêu ngôn ngữ thành văn của thi pháp văn học một thời. Lý luận thi pháp học hiện đại là siêu ngôn ngữ của nghiên cứu văn học hiện đại dùng để miêu tả lý luận thi pháp lẫn thi pháp văn học của một giai đoạn. Chính vì như vậy, thi pháp học hiện đại có một ý
  • 3. nghĩa quan trọng, bao trùm. Thiếu một quan niệm thi pháp học hiện đại sáng tỏ không thể tiến hành phân tích, miêu tả hệ thống thi pháp văn học được. 3. Công trình này sở dĩ được gọi là Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam là bởi vì nó được gợi ý từ nhiều công trình nghiên cứu thi pháp văn học trung đại của các tác giả hiện đại nước ngoài, trước hết là các tác giả Nga. Thời nào cũng vậy, các công trình nghiên cứu có hiệu quả bao giờ cũng gợi ý cho người đi sau. Trước đây nhờ có Nghệ Văn Chí của Ban Cố mới có Nghệ Văn Chí của Lê Quý Đôn; có Lịch sử văn học Pháp của Lăngxông, mới có Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Dĩ nhiên học tập là sáng tạo bởi vì phải vận dụng vào đối tượng mới. Ở Nga (Liên Xô cũ) nhà nghiên cứu M. I. Stebơlin–Camenxki viết Thi pháp học lịch sử trên cơ sở tài liệu văn học cổ nước Anh theo phương hướng của sách Thi pháp học lịch sử của A.N. Vêxêlôpxki (1978), còn X. X. Avêrinxép viết Thi pháp văn học Bidantin trung dại thượng kỳ theo quan niệm và phương pháp của D. X. Likhatrốp. Ông nói: ông mô phỏng Likhatrốp để khám phá thi pháp một nền văn học khác. Nhà Việt Nam học N.I.Niculin cũng vận dụng quan điểm của Likhatrốp để nghiên cứu văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Đến lượt mình, chúng tôi cũng mô phỏng bước đi, cách làm của các nhà nghiên cứu Xô viết (Liên Xô trước đây). Tất nhiên khi vận dụng vào văn học trung đại Việt Nam chúng tôi buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Học tập nước ngoài bao giờ cũng là một việc làm cần thiết để nâng cao trình độ tiếp cận của mình. Trong bước đầu học tập chắc công trình này không tránh khỏi những khiếm khuyết, mặc dù chúng tôi cố gắng để tránh khỏi khiên cưỡng, gò ép. 4. Trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều công trình văn học sử, cũng đã có một số công trình đi sâu vào một số thể loại, tác giả: Một số công trình bước đầu thăm dò một số quy luật phát triển của văn học Việt Nam. Tuy nhiên một công trình mang cái nhìn tổng thể đối với thi pháp văn học trung đại Việt Nam vẫn rất cần thiết. Chính vì vậy,
  • 4. chúng tôi không ngại kiến thức sơ khoáng, kinh nghiệm ít ỏi, mạo muội thử đi vào tìm hiểu. Chúng tôi đặt cho mình một mục tiêu khiêm tốn: Bước đầu giới thiệu một số công trình nghiên cứu thi pháp văn học trung đại của nước ngoài, tìm kiếm trong đó những khái niệm cần thiết, những cách tiếp cận hữu hiệu, gợi ra một phương hướng nghiên cứu thi pháp văn học Việt Nam trung đại. Trên cơ sở đó, bước đầu nêu ra một số vấn đề cơ bản, như loại hình văn học, các bình diện đặc trưng, thi pháp một số thể loại văn học với quan niệm con người, quan niệm thế giới và một số phương thức nghệ thuật. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi một mặt tìm đọc các tài liệu văn học Việt Nam, tham khảo, học tập các tác giả đi trước, tham khảo các kiến giải nước ngoài, bước đầu nêu kiến giải của mình, tạo thành một cái nhìn hệ thống. Muốn tìm hiểu thấu đáo thi pháp văn học trung đại Việt Nam chắc chắn còn phải dày công nghiên cứu cụ thể hơn nữa, và đòi hỏi sự tham gia tìm tòi của nhiều học giả và thế hệ nhà nghiên cứu. Chừng nào còn chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu từng mặt, thì một công trình như thế này khó tránh khỏi gây cảm giác chung chung. Nhưng mặt khác một cái nhìn bao quát cũng có ý nghĩa để đi sâu vào từng mặt cụ thể. Thi pháp văn học trung đại là một lĩnh vực hết sức khó khăn. Khó khăn về lý thuyết, về tư liệu, về sự thâm nhập, phân tích. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến chỉ giáo để có thể hoàn thiện thêm nhằm cung cấp tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và những ai quan tâm tới vấn đề. Chúng tôi trân trọng cảm ơn các GS Trần Thị Băng Thanh, Hoàng Hữu Yên đã cho những nhận xét quý báu để chúng tôi hoàn thiện bản thảo. Hà Nội, năm Đinh Sửu, 1997 TÁC GIẢ
  • 5. Phần I. MẤY VẤN ĐỀ THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI Chương 1. THI PHÁP HỌC TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI TRONG CÁCH TIẾP CẬN VỚI THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI I. THI PHÁP HỌC TỪ TRUYỀN THỐNG TỚI HIỆN ĐẠI 1. Thi pháp học truyền thống Sau mấy nghìn năm tồn tại và phát triển, thi pháp học truyền thống bước vào thế kỷ XX đã chuyển sang giai đoạn hiện đại với nhiều trường phái mới, đã làm đổi thay hẳn cách tiếp cận văn học và mở ra những chân trời mới cho việc nghiên cứu, nhìn nhận văn học nghệ thuật nói chung và văn học trung đại nói riêng. Như nhiều người đã có nhận xét, thi pháp học truyền thống từ Arixtốt ở phương Tây hay Lưu Hiệp ở phương Đông trở đi đều có chung một số đặc điểm như sau: Thi pháp học là bộ môn khoa học xuất hiện như là một cẩm nang sắp xếp những lời dạy về phép tắc đối với nghề sáng tạo nghệ thuật. Miller T.A. trong sách Lịch sử phê bình văn học thời Hy Lạp cổ điển thế kỷ V – VI cho rằng: Về thể loại sách Thi pháp học của Arixtốt là một dạng sách giáo khoa, một thứ cẩm nang về các quy tắc thực tiễn của một nghề như nghề thủ công cụ thể. Thi pháp là kiến thức dạy nghề cho những ai làm nghề văn học. Thời cổ đại người ta nhìn văn học dưới góc độ nghề. Nghệ thuật thi ca nằm cùng dãy với thuật hùng biện (Rhêtorica), thuật tư duy (logica), và thi pháp học chính là thuật làm văn thơ vậy. Sau Arixtốt, các công trình thi pháp học của Horaxơ, Longinus, Caxtenvestrô, Boalô, Létxinh vẫn đi theo quỹ đạo đó. Trong sách Nghệ thuật thi ca của Antonio Minturnô (Italia) viết năm 1564, thơ vẫn còn đặt cùng dãy với các nghệ thuật khác như quân sự, y học, kiến trúc, và đến cuối thế kỉ XVIII ở châu Âu, thơ vẫn nằm trong dãy các “nghệ thuật tự do” như toán pháp, thiên văn, âm nhạc, hùng biện.
  • 6. Ở Trung Quốc Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, theo nhận định của nhà sử học Phạm Văn Lan trong Trung Quốc thông sử, phần hai là sách trình bày “phép tắc làm văn”. Nhà nghiên cứu Vương Vận Hi cho rằng có thể dịch tên “Văn tâm điêu long” thành “Nghĩa lý tinh tuý về cách làm văn chương”. Sau Lưu Hiệp các nhà thi thoại và các nhà bình điểm tiểu thuyết cũng nhận xét, đánh giá tác phẩm theo “cách làm” của họ. Cách hiểu ấy đã cho thấy rõ đặc điểm chung của thi pháp học truyền thống là hướng tới truyền thụ phép tắc làm văn. Tinh thần này đã được lưu truyền và ngự trị hàng nghìn năm. Thế kỉ XVI, Beneđettô Varki, thành viên Viện Hàn lâm Italia tuyên bố: “Mục đích của nhà thơ là làm cho tâm hồn của con người được hoàn thiện và hạnh phúc, và công việc của anh ta là bắt chước, tức là đóng vai (Fingera). và miêu tả (Rapprsentare) sự vật, nhằm làm cho con người tốt hơn, lương thiện hơn, và do đó mà hạnh phúc hơn… Thi pháp học – là khoa học (Facoltà) dạy những cách thức cần thiết để bắt chước các hành động, các dục vọng và các phong tục bằng các phương tiện nhịp điệu, ngôn từ và hài hoà, gộp lại hay tách riêng…”. Tinh thần trên đã dần dần đưa thi pháp học truyền thống vào quỹ đạo quy phạm hoá mà tiêu biểu nhất là công trình Bàn về nghệ thuật thơ ca của Boalô, pháp điển của chủ nghĩa cổ điển Pháp. Ở Trung Quốc nguyên tắc làm văn xây dựng trên nguyên lý thống nhất giữa văn và đạo, đức, khí, phong, tức nguyên lý vận hành của vũ trụ và giáo hoá đối với con người. Lục Cửu Uyên (đời Tống) nói “Nghệ tức là đạo, đạo tức là nghệ”. Lưu Hi Tải (đời Thanh) nói “Nghệ là hình của đạo”. Nghệ đây là tài năng, kỹ thuật mà hình ảnh tiêu biểu là câu chuyện Bào Đinh làm thịt trâu của Trang Tử. Nghệ thuật của Trung Quốc biểu hiện ra thành “pháp”. Người ta nói “kỹ pháp”, “thương pháp”, “đao pháp”, “thư pháp”, “hoạ pháp”. “bút pháp”, “thi pháp”, “chương pháp”, “cú pháp”, “văn pháp”, “tự pháp”. Pháp sinh ra từ lý, lý sinh ra từ đạo. Đạo là một phạm trù phổ quát, trừu tượng, cho nên từ “đạo” mà suy ra “pháp” cũng khác nhau vô vàn. Nghiêm Vũ (đời Tống) trong sách Thương Lang thi thoại nói thơ có năm pháp: “thể chế, cách lực, khí
  • 7. tượng, hứng thú, âm tiết”. Khương Quỳ trong Bạch Thạch đạo nhân thi thuyết nói thơ có bốn pháp. “khí tượng, thể diễn, huyết mạch, vận độ. Khí tượng phải hồn hậu, hồn hậu quá thì tục; thể diện phải lớn lao, lớn lao quá thì ngông; huyết mạch phải lưu thông, lưu thông quá thì lộ; vận độ phải phiêu dật, phiêu dật quá thì hời hợt”. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long trước đó cũng đề ra “Lục nghĩa”: Tình sâu mà không giả dối, phong cách thuần hậu mà không hỗn tạp, sự việc chân thật, không hoang đường, nghĩa lý thẳng thắn không quanh co, bố cục gọn gàng không rối rắm, lời văn đẹp mà không loè loẹt…” Cũng nói về thơ, Tạ Trăn trong Tứ Minh thi thoại thì cho rằng “Thơ có bốn cách: một là hứng, hai là thú, ba là ý, bốn là lý”: Diệp Nhiếp đời Thanh trong Nguyên Thi nói: Ta cho thơ có ba tiếng là nói hết: một là lý, hai là sự, ba là tình. Được ba điều này mà bất biến thì có được các “pháp” của tự nhiên. Do đó cái gọi là “pháp”, chỉ là lý xác đáng, sự chính xác, tình đúng mực”. Cũng theo cách suy nghĩ đó, Lê Quý Đôn nói: “Ta thường cho làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự…”. Các nhà bình điểm tiểu thuyết thời Minh– Thanh lại càng đúc rút được nhiều thủ pháp tiểu thuyết. Theo Kim Thánh Thán tiểu thuyết Thuỷ hử có 15 pháp, như đảo sáp pháp (xen ngược), giáp tự pháp (kể xen vào giữa câu nói), thảo xà khôi tuyến pháp (vẽ đường rắn bò), đại lạc mặc pháp (tô đậm mực), cẩm châm nê thích pháp (kim gấm châm bùn), bối diện phô phấn pháp (tô phấn sau lưng), lộng dẫn pháp (đùa dẫn một đoạn nhàn văn viết trước chính văn), lạt vĩ pháp (thêm dư ba), chính phạm pháp (cố ý tả việc giống nhau, tức vi phạm cấm kỵ), lược chính phạm (tả việc gần giồng nhau), cực bất tỉnh pháp (cố rườm rà), cực tỉnh pháp (tước bỏ nhiều), dục hợp túng pháp (muốn hợp nên buông), hoành vân đoạn sơn pháp (mây che ngang núi), loan giao tục huyền pháp (dùng giao loan nối dây). Theo Mao Tôn Cương, Tam Quốc diễn nghĩa có 12 pháp: phép “cùng cây khác cành, cùng cành khác lá, cùng lá khác hoa”, phép “vật đổi sao dời, mưa che gió lật”, phép “gieo giống cách năm, sớm cho mai phục”, phép “dùng mây che núi, dùng cầu bít khe”, phép “sương sa trước tuyết, sấm nổi trước mưa”, phép “sau sóng còn gợn, sau
  • 8. mưa còn ẩm”, phép ““băng lạnh gió nóng, gió mát quét bụi”, phép “tiếng trống xen trong tiếng kèn sáo, tiếng chuông chen trong tiếng đàn”, phép “thêu tơ vá gấm, dời kim thêu đều, phép “đỉnh núi đối nhau, bình phong gấm che nhau, phép “núi gần tô đậm, núi xa vẽ mờ”, phép “dùng khách tôn chủ”. Các “pháp” này cho thấy người Trung Quốc xưa thường dùng con mắt hội hoạ hoặc con mắt không gian để hình dung nghệ thuật ngôn từ. Những ví dụ trên cho thấy các phép tắc, lời dạy của thi pháp văn học truyền thống một mặt là rất phong phú, thâm thuý, có ý nghĩa rất lớn để lý giải văn học đương thời. Nhưng mặt khác là nó mang nặng tính kinh nghiệm, tính giáo huấn và tính quy phạm. Tính kinh nghiệm làm cho hệ thống thi pháp được nhìn nhận cô lập trong từng biểu hiện, lắm khi mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, có người đề xướng “Thi diệu tại hàm hồ” (Tạ Trăn), có người nói ngược lại: “Thơ không lấy thơ hồ làm điều kỳ diệu (Lý Trọng Hoa, đời Thanh). Có người nói “thơ lấy ý làm chủ, có người nói “thơ lấy khí làm chủ”. Có người lại nói “thơ vô ngã là quý”, có người lại nói “thơ quý ở chỗ có ngã”. Viên Mai nói mạnh hơn: “Thơ không thể vô ngã”. Phân tích đặc điểm thi pháp học trung đại Khơrápchencô nhận xét: “Cách tiếp cận cô lập đó làm khó khăn cho việc khám phá tính toàn vẹn của hệ thống thi pháp về mặt hình thành và phát triển của nó”. Tính giáo huấn khó tránh khỏi sự áp đặt, còn tính quy phạm mâu thuẫn với sự sáng tạo sinh động, quan niệm nghệ thuật bất biến không phù hợp vôi quá trình phát triển lịch sử của nghệ thuật. Những đặc điểm ấy làm cho thi pháp học truyền thống, mặc dù với tất cả giá trị phong phú và uyên bác, vẫn không đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhận thức về hệ thống nghệ thuật trung đại của người hiện đại. 2. Thi pháp học hiện đại Thế kỷ XVIII ở châu Âu với cách mạng xã hội, phong trào Khai sáng, chủ nghĩa lãng mạn nảy sinh, mỹ học ra đời, quan niệm văn học đã có sự thay đổi lớn. I.Kăng là người đầu tiên khẳng định nghệ thuật không phải nghề thủ công, không phải khoa học, mà là hoạt động tự do. Có nhà mỹ học Pháp đã sử dụng thuật ngữ “nghệ thuật đẹp” (fine arts) để chỉ năm loại hình, âm
  • 9. nhạc, thi ca, hội hoạ, điêu khắc, vũ đạo nhằm phân biệt với “nghệ thuật cơ giới”, phục vụ mục đích thực dụng. Tuy vậy cả thế kỷ XIX là thế kỷ quan tâm tới nội dung xã hội, tư tưởng của nghệ thuật. Phải đến đầu thế kỷ XX hình thức nghệ thuật mới trở thành sự kiện được chú ý. Bắt đầu từ thi pháp học lịch sử của nhà nghiên cứu văn học Nga A.N.Vêxêlôpxki, hình thức nghệ thuật được xem như một đối tượng nghiên cứu có lịch sử riêng. Nhưng phải từ đầu thế kỷ XX, với ảnh hưởng của quan niệm hệ thống trong ngôn ngữ học của F. đơ Xốtsuya thi pháp học hiện đại đã có một đổi thay căn bản. Từ trường phái hình thức Nga đến trường phái phê bình mới Anh – Mỹ đầu thế kỷ, chuyển sang trường phái cấu trúc, ký hiệu học, hiện tượng học và trường phái thi pháp học lịch sử theo quan niệm macxít, thi pháp học hiện đại đã được xác lập như một hệ thống cách tiếp cận mới đối với văn học. a) Văn học được xem như một sáng tạo bằng chất liệu, có đời sống lịch sử độc lập với tác giả. b) Văn học là một hệ thống ký hiệu, có bản chất biểu trưng, được tổ chức một cách đặc biệt để biểu hiện một nội dung nghệ thuật đặc thù. c) Văn học với tư cách là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn hoá được xác lập bởi một hệ hình tư duy, bắt đầu từ quan niệm về văn học, quan niệm về thế giới và con người, quan niệm về thể loại và ngôn ngữ. Quan điểm thứ nhất đề cập tới tính bản thể của văn học, cũng tức là tính độc lập, tự chủ của nó so với các quan hệ đời sống và với các hình thái ý thức xã hội khác. Đúng là văn học có quan hệ nhiều mặt với đời sống xã hội. Tuy nhiên lý luận văn học từ thời cổ đại, trung đại cho đến hết thế kỷ XIX chủ yếu chỉ tập trung xem xét văn học trong mối quan hệ phụ thuộc với hiện thực, với ý thức, với văn hoá, nhận thức, tôn giáo, chính trị v.v… Cách xem xét một chiều đó quả là làm xao nhãng việc nghiên cứu văn học như một hiện tượng nghệ thuật có tính độc lập, tự chủ, và do đó tính đặc thù của nghệ thuật vẫn chưa được thực sự quan tâm.
  • 10. Những lời phát biểu quyết liệt phủ nhận các mối quan hệ văn học và đời sống của các nhà hình thức chủ nghĩa, cấu trúc chủ nghĩa, theo chúng tôi, nên hiểu là sự phản ứng lại với cách tiếp cận một chiều để đòi hỏi tiếp cận văn học nghệ thuật như một nghệ thuật. Chẳng hạn V. Scơlốpxki viết: “Lý luận văn học của tôi là nghiên cứu các quy luật nội bộ của văn học”. “Thủ pháp nghệ thuật là thủ pháp làm lạ hóa sự vật”, “Đối tượng của khoa học về văn học, tức thi pháp học, theo R. Jakobson, là “chất văn học” chứ không phải là văn học. V. Girmunxki cũng xác định: “Đối tượng của thi pháp học là văn học với tư cách là một nghệ thuật”. Tuy các quan niệm này có khác nhau, nhưng tựu trung đều xem văn học như một nghệ thuật trong sự tồn tại của nó, với những quy luật riêng. Đó là một yêu cầu chính đáng và là một cơ sở để đổi mới cách tiếp cận. Các định nghĩa về thi pháp học tiếp sau đủ vẻ đều là sự khẳng định tiếp tục của quan niệm đó. Chẳng hạn như viện sĩ V.V. Vinôgrađốp chủ trương nghiên cứu tác phẩm cụ thể: “Thi pháp học là một khoa học nghiên cứu các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm sáng tác ngôn từ, các kiểu cấu trúc, các thể loại tác phẩm”. Học giả T. Tôđôrốp thì ngược lại, viết: “Thi pháp học cấu trúc quan tâm không phải là các tác phẩm văn học thực tế, mà là một thuộc tính trừu tượng, các thuộc tính làm thành dấu hiệu của sự thực văn học, – thuộc tính về tính văn học”. Những định nghĩa ấy sẽ là hình thức chủ nghĩa thuần tuý khi nào nó phủ nhận các mối quan hệ với đời sống và thực tại, còn trong chừng mực là một sự trừu tượng hoá để khám phá đặc trưng văn học trong các quy luật lên trong của nó lại là một tư tưởng quan trọng, cần thiết. Quan điểm thứ hai đề cập tới một cách tiếp cận mới hoàn toàn chưa có trong truyền thống. Trong thi pháp học truyền thống các hiện tượng văn học chủ yếu được giải thích, mô tả theo nguyên tắc nhân quả, từ cội nguồn, sự ra đời mà phân định về bản chất sự vật. Chẳng hạn từ nguồn gốc của văn học mà xác định bản chất của văn học. Cách tiếp cận đó có giá trị nhất định, nhưng không phải là duy nhất và tất yếu. Lý thuyết hệ thống chứng minh bản chất sự vật do kết quả tác động qua lại của các yếu tố của nó, chứ không phải do số cộng giản đơn của các yếu tố đó. Phẩm chất sự vật là một thuộc tính
  • 11. siêu tổng cộng. “Hệ thống là một sự thống nhất cụ thể của các yếu tố trong đó mỗi cấu trúc hình thái có một kiểu hoạt động chức năng và kiểu phát triển đặc trưng cụ thể hơn, một hệ thống được xây dựng trên sự kết hợp của ba nhân tố – yếu tố, quan hệ qua lại, tính chỉnh thể. Có người bổ sung thêm vào hệ thống những thuộc tính của chỉnh thể hệ thống. Cấu trúc là một kiểu liên hệ qua lại khách quan độc lập với số lượng và chất lượng của các yếu tố (xem Xađốpxki và Iuđin, Tlđd). Trong phạm vi tác phẩm hệ thống nghệ thuật bao gồm các yếu tố ngôn từ, cốt truyện (nhân vật), kết cấu và tư tưởng như là thuộc tính chỉnh thể. Trong phạm vi một nền văn học thì thi pháp văn học như văn học Nga cổ là hệ thống của toàn thể, trong đó văn học có quan hệ với nghệ thuật tạo hình, nó được phản ánh trong nghệ thuật tạo hình và tự nó cũng phản ánh nghệ thuật tạo hình, đồng thời hệ thống văn học thể hiện ở kiểu lập luận của nó trong đời sống tinh thần, ở cả phong cách thuyết phục của nó, mà “phong cách là cả một hệ thống hình thức và nội dung”. Quan hệ của các thể loại với nhau cũng là một vấn đề của hệ thống văn học, nó có nguyên tắc tạo thành thể loại riêng và phục tùng nguyên tắc nghi thức của văn học ấy. Ở đây hệ thống văn học được thống nhất bởi quan niệm văn hoá về văn học thời ấy. Sẽ là giản đơn nếu đồng nhất hệ thống, cấu trúc của văn học với khái niệm hệ thống nói chung được vận dụng trong toán học, sinh vật học. Bởi vì đó là hệ thống và cấu trúc khách thể, vật thể. Là một hiện tượng của đời sống tinh thần, hệ thống thi pháp là một bộ phận của hệ thống văn hoá biểu hiện. Văn hoá là siêu ngôn ngữ của văn học. Xét về mặt này văn học là một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật, có biểu trưng, ký hiệu riêng, có nguyên tắc tổ chức, kết hợp riêng mà nền tảng của nó là một kiểu mô hình hoá hiện thực đặc thù, một hệ thống quan niệm về thực tại. E. Cassirer trong công trình Tổng luận triết học về hình thức ký hiệu đã có cách hiểu biện chứng về mối quan hệ ký hiệu và nội dung tinh thần. “Trong bất cứ ký hiệu ngôn ngữ nào, trong bất cứ hình tượng thần thoại hay nghệ thuật nào, cái nội dung tinh thần mà về bản chất đã vượt qua toàn bộ lĩnh vực cảm giác đều được phiên dịch thành cái có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy”. Do đó muốn hiểu các hình thức, hình tượng thì cần phải giải mã để tìm thấy
  • 12. bản chất tinh thần của chúng, tính nội dung của chúng. lu. Lôtman cũng xác nhận quan niệm trong nghệ thuật luôn luôn là mô hình, bởi vì quan niệm đó sáng tạo ra hình tượng về hiện thực. Do đó, hệ thống thi pháp không hề giản đơn chỉ là hệ thống phép tắc, quy tắc sáng tạo nghệ thuật, mà còn là một quan niệm, một mô hình tư duy về thế giới và con người. Quan niệm này không phải bất biến mà mang tính chất lịch sử và mang sắc thái văn hoá vùng, văn hoá dân tộc và thời đại, sắc thái cá tính. Quan điểm thứ ba là sự cụ thể hoá hai quan điểm trên. Việc nghiên cứu hệ thống thi pháp không tách rời với việc khám phá mô hình về con người, mô hình về thế giới, không gian và thời gian, đồ vật, màu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà trong thi pháp học hiện đại phạm trù quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nghiên cứu. Trong công trình Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiépxki M.Bakhtin đặt vấn đề nghiên cứu nghệ sĩ Đôtxtôiépxki, tức là nghiên cứu chủ thể của hệ thống nghệ thuật này. Mà muốn làm sáng tỏ nghệ sĩ này, thì việc hàng đầu là khám phá quan niệm về nhân vật, về con người trong tác phẩm của Đôtxtôiépxki , khám phá “cái nhìn nghệ thuật của tác giả”. Cách tiếp cận này được Đ.X Likhatrốp trình bày trong công trình Thế giới bên trong của tác phẩm văn học, trong đó tác giả nêu lên việc khám phá mô hình bên trong tác phẩm về con người, về xã hội, về không gian, thời gian v.v… Trong quá trình nghiên cứu thi pháp văn học Nga cổ Likhatrốp đã từng xem xét Con người trong văn học Nga cổ, sau đó ông nghiên cứu cách khái quát, hệ thống thể loại, không gian, thời gian trong Thi pháp văn học Nga cổ . Bình diện này được Gurêvích gọi là các phương thức cảm nhận thế giới một cách trực tiếp tạo thành bình diện văn hoá trong nghiên cứu thi pháp tiếp cận này đã tỏ ra rất có hiệu quả mà các tác giả nổi tiếng như X. X. Avêrinxép cũng ra sức vận dụng. Nó thể hiện cách nhìn nhận thi pháp trong sự thống nhất hình thức và tính nội dung, tính nội dung được phát hiện qua các thủ pháp, các nguyên tắc nghệ thuật.
  • 13. Sẽ là không đầy đủ nếu như không nhấn mạnh thêm phương diện sau: Thi pháp học truyền thống thường được đúc kết theo phương thức diễn dịch, như kiểu văn học “mô phỏng” hiện thực hay “văn dĩ tải đạo” v.v… Thi pháp học hiện đại, chủ yếu thực hiện theo phương pháp quy nạp, xuất phát từ các sự thực của biểu hiện. Thi pháp học hiện đại dựa vào việc phát hiện các yếu tố lặp lại có quy luật, xem xét cấu trúc bất biến của chúng, để xác lập các nguyên tắc nghệ thuật. Đồng thời, dựa vào các mã văn hoá chung của vùng và thời kỳ lịch sử mà giải thích nội dung quan niệm của chúng Từ cách làm nói trên, thi pháp học hiện đại không hề phủ nhận thi pháp học truyền thống, mà bổ sung thêm cho nó bởi những vấn đề mới, cách nhìn mới và kết quả mới. Trong cách tiếp cận này các biện pháp thống kê, phân tích, so sánh, đối chiếu là không thể thiếu. Văn bản văn học trung đại là cả một vấn đề hết sức phức tạp đặt ra cho cả giới nghiên cứu. Chưa đặt vấn đề soát xét về mặt này, chúng tôi coi đó là vấn đề của văn học sử. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn trong phạm vi tư liệu đã công bố hướng tới suy nghĩ về những vấn đề chung của thi pháp văn học giai đoạn này. II. THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI TRONG THI PHÁP HỌC HIỆN ĐẠI 1. Cách đặt vấn đề và phương pháp a) Sự phát triển của văn học và văn hoá hiện đại không bao giờ cắt đứt quan hệ với truyền thống. Chính vì vậy nhu cầu khám phá cách chiếm lĩnh thẩm mỹ của các nền văn hoá quá khứ trở thành một nhu cầu bức thiết, đã thúc đẩy các tác giả đi nghiên cứu thi pháp văn học quá khứ, hướng nó về tương lai. Bản thân các tác phẩm văn học ưu tú của quá khứ vẫn đang được đọc, được tiếp nhận, đang tác động đến người đọc. Lịch sử, theo Ăngghen, chẳng gì khác hơn là sự thay thế các thế hệ, trong đó thế hệ sau sử dụng được vật liệu, vốn liếng, sức sản xuất do thế hệ trước truyền lại. Không có tài sản vật chất và tinh thần của đời trước thì đời sau khó mà phát triển lên trình độ cao được. Mặt khác, một trong những điều
  • 14. kiện tiến bộ của văn hoá là phát triển sự hiểu biết về các giá trị văn hoá của quá khứ và của các nền văn hoá dân tộc khác nhằm gìn giữ chúng, phát huy chúng, tích luỹ chúng để làm giàu cho mình. Lịch sử văn hoá không chỉ là lịch sử sáng tạo ra sản phẩm mới, mà còn là lịch sử giải thích mới các hiện tượng đã biết. Nghiên cứu thi pháp học hiện đại chính là nhằm giải thích mới các hiện tượng quen thuộc đó. b) Muốn tiếp cận thi pháp học văn học trung đại, điều đầu tiên là phải ý thức được đó là một nền văn học khác về loại hình so với văn học cổ đại và văn học cận hiện đại, nhưng đều nằm trong một quá trình liên tục của sự phát triền. Ý thức phân biệt loại hình sẽ cho ta thấy tiếp cận thi pháp học trung đại là tiếp cận một thế giới khác, một ý thức khác, những cách suy nghĩ khác, do đó không cho phép được hiện đại hoá người xưa và giải thích họ theo khẩu vị của mình. Bất cứ tác phẩm nào, một khi bị tách khỏi môi trường xung quanh của nó sẽ làm nó mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Do vậy việc nghiên cứu thi pháp đòi hỏi hình dung các nguyên tắc nghệ thuật trong môi trường tự nhiên để giữ gìn bản sắc thẩm mỹ, nghệ thuật của nó. 2. Loại hình thi pháp trong loại hình văn hoá Việc nhìn nhận tính chất loại hình tạo tiền đề cho việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại theo cái nhìn hiện đại. Thi pháp là hệ thống các nguyên tắc, biện pháp, thể loại tạo thành đặc trưng của văn học, nhưng đó không bao giờ chỉ là các hình thức kỹ thuật thuần tuý bề ngoài, mà là hệ thống cảm nhận về thế giới. Chẳng hạn, nói đến thơ cách luật thì không chỉ là vấn đề vần, luật, niêm, đối mà còn gắn với cả một ý thức cách luật, bởi vì khi bước vào thời cận, hiện đại, khi ý thức cách luật mất đi thì các nguyên tắc luật thi hiện hành liền bị thay thế bằng thi pháp thơ mới. Ý thức cách luật gắn với hình thức lễ nghi. Từ xa xưa bất cứ mọi hoạt động quan trọng nào của con người như săn bắt, trồng trọt, tế tự, hôn lễ, chiến tranh… người ta đều tiến hành trong lễ nghi. Nhiều người đã chứng minh rằng thời cổ Hi Lạp, trong
  • 15. nghi thức tế thần Điônidốt thì thơ, nhạc, múa hoà hợp tam vị nhất thể. Kinh thi, Nhạc phủ đều phối nhạc. Do đó “vần” gắn với chức năng của yếu tố đánh dấu một câu nhạc hay một bước nhảy. Vần đều đặn là để phối hợp với tiết tấu biểu diễn cơ thể. Ý thức nghi lễ tập thể xuất hiện như một vô thức tập thể nhằm thống nhất hoạt động của mọi thành viên vào một tiết tấu chung, là nền tảng của “luật thơ”. Ý thức nghi lễ được duy trì bởi những “cấm kỵ” tạo thành truyền thống, gắn với ý thức về “lễ”, “nghĩa”, “quy củ”, “tư vô tà” của Nho giáo, với thói quen áp đặt tự bên ngoài. Nhưng một khi ý thức về cá tính phát triền, nhu cầu tự biểu hiện nâng cao, thi luật mất dần vị trí trong đời sống văn nghệ. Từ chỗ thích luật, trau chuốt luật đến chỗ cảm thấy luật là điều “khó cho thiên hạ” là cả một bước chuyển lớn của thi pháp. M.Bakhtin cũng cho rằng thế giới quan lễ hội Cácnavan với các yếu tố đặc trưng của nó có ảnh hưởng quan trọng tới hệ thống thể loại văn học dân gian trung đại, và cả văn học viết trung đại, tạo thành dòng văn học cácnavan hóa. Và ông đã nghiên cứu thi pháp Rabơle và thi pháp tiểu thuyết Đôtxtôiépxki theo nguyên tắc đó. Có thể nói nghiên cứu hệ thống các nguyên tắc thống nhất hình thức và nội dung nghệ thuật trong tính quan niệm của chúng là xu hướng nghiên cứu thi pháp học hiện đại, một hướng thống nhất trong nó việc nghiên cứu hệ thống hình thức nghệ thuật với việc nghiên cứu quan niệm văn hoá, thẩm mỹ tiềm tàng của nền văn học đó, thấm nhuần trong hình thức của nó. 3. Các cấp độ nghiên cứu Lướt qua một số các công trình nổi tiếng về nghiên cứu thi pháp văn học trung đại để xem khuynh hướng tìm tòi khoa học thời gian qua như thế nào, thì có thể nhận thấy, thi pháp văn học trung đại đã được nghiên cứu trên hai cấp độ lớn: cấp độ vĩ mô, chỉnh thể của văn bản, cũng tức là cấp độ quan niệm chủ quan của những người sáng tạo và hưởng thụ nền nghệ thuật ấy, và cấp độ vi mô. Vĩ mô là cấp độ của những nguyên tắc nghệ thuật – thẩm mỹ lớn chi phối sáng tạo văn học và hiện diện trong văn học. Thông thường người ta thưởng thức tác phẩm theo từng đơn vị riêng lẻ, cho nên các quan niệm này
  • 16. thường trượt ra ngoài tầm quan sát. Thi pháp học truyền thống do khái quát từ tác phẩm, thể loại riêng lẻ, cho nên thường nặng về kỹ xảo, kỹ thuật, mà nhẹ về khái quát, quan niệm. Cũng có thể quan niệm là cái mà họ đã quen và mặc nhận, cho nên giữa họ với độc giả đương thời, không có nhu cầu khám phá nữa. Còn chúng ta, độc giả của một giai đoạn văn hoá khác, nếu không nghiên cứu thi pháp ở cấp độ vĩ mô này thì sẽ không có quan niệm đầy đủ về một nền thi pháp quá khứ. Cấp độ thứ hai là hệ thống hình thức, phong cách bút pháp, bao gồm hệ thống thể loại, các biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các phong cách cụ thể của tác giả cụ thể. Cấp độ này bao gồm “hình thức của hình thức” như các quy tắc thể loại, các luật phối âm, phối điệu… Và “hình thức của nội dung” – chức năng biểu đạt của các hình thức, biện pháp nghệ thuật. Trong thi pháp học cổ điển, truyền thống, các tác giả cổ chú ý nhiều hơn tới các phương diện “hình thức của hình thức”. Ví dụ Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính, Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức. Hình thức mang nội dung của nghệ thuật chưa được chú ý nghiên cứu thích đáng. 4. Các vấn đề đặt ra, các phạm trù trong thực tiễn nghiên cứu Trong các phạm trù thi pháp cấp vĩ mô, quan niệm nghệ thuật là phạm trù có tầm quan trọng trung tâm, có tác dụng chi phối các bình diện hình thức nghệ thuật khác. Viện sĩ Nga D. X. Likhatrốp là một trong những người đầu tiên vận dụng phạm trù này vào công trình nghiên cứu Con người trong văn học Nga cổ (Mátxcơva, 1958 tái bản 1970). ông đã nêu lên các phong cách miêu tả con người trong các thể loại văn xuôi lịch sử, trong truyện sự tích các thành, trong sử thi dân gian, trong tiểu thuyết. Ông lần lượt đề cập đến các phong cách nghệ thuật như hoành tráng kiểu tượng đài trong lịch sử, phong cách biểu cảm trong các sự tích tông đồ, phong cách lý tưởng hoá, nguyên tắc tâm lý trừu tượng, sự xuất hiện nhân vật hư cấu, đổi mới miêu tả con người trong văn học Nga thế kỷ XVII. Trong
  • 17. sách Bảy thế kỷ văn học Nga, ông tiếp tục đi sâu thêm vào các vấn đề trên. Trong công trình Thi pháp văn học Nga cổ ông sử dụng những phạm trù mới như thi pháp khái quát nghệ thuật bao gồm các nghi thức văn học, bởi người ta ý thức rõ sự khác biệt giữa văn chương và khẩu ngữ, tính chất “học thức” của văn chương. Likhatrốp chú ý tới các nguyên tắc biểu hiện cụ thể của việc lý tưởng hoá trong văn học trung đại làm cho nó khác với lý tướng hoá lãng mạn chủ nghĩa. Chẳng hạn ông chú ý tới việc tác giả trung đại với các tiền lệ, điển tích, các kiểu cách, hành vi… đã được xếp hạng. Đáng chú ý là nghi thức về trật tự thế giới, về hành vi và về ngôn ngữ. Đặc điểm này làm sản sinh những hình tượng, biểu tượng, cách diễn đạt cố định có tính truyền thống. Do đó văn học trung đại chưa coi trọng việc lạ hoá, gây ấn tượng có tính cá nhân. Nhà văn trung đại viết tác phẩm để phân rõ thứ bậc sự vật, để xếp hạng con người, do đó họ cần sự thêu dệt, tô vẽ cho trang trọng, lộng lẫy, có nghi thức. Quá trình phá vỡ tính nghi thức đó cũng được xem xét. Một phương diện khác của khái quát nghệ thuật là nguyên lắc trừu tượng hoá – tìm ra các dấu hiệu vĩnh hằng thiêng liêng vĩ đại trong cái nhất thời, khả hủ. Nhà văn trung đại khát khao cái trừu tượng, hướng tới việc trừu tượng hoá thế giới, phá hoại tính cụ thể, tính vật chất. Đặc điểm thứ ba của thi pháp khái quát là sự trang sức làm cho văn xuôi gần với thơ. Yếu tố hiện thực trong văn học trung đại có ý nghĩa thông báo các sự việc có thực, cá biệt, lôgích thực tại chi phối nhà văn, chứ chưa phải là chủ nghĩa hiện thực theo cách hiểu sau này. Nghiên cứu các nguyên tắc thi pháp như là các nguyên tắc tái hiện con người và thế giới đã được nhà nghiên cứu người Đức Erích Auerbach thực hiện trong sách Mimesis (Mô phỏng), Tác giả nghiên cứu phong cách miêu tả con người trong Kinh Thánh, trong Lịch sử những người Pháp, trong Bài ca về Rôlăng, trong tiểu thuyết diễm tình Iven của Crêchiêng dơ Troa (thế kỷ XV), trong vở kịch thần bí trung đại Adam và Eva (cuối thế kỷ XII), Thần Khúc của Đăngtơ, Câu chuyện mười ngày của Bôcaxiô. Tác giả cố gắng khái quát các đặc điểm lớn của phong cách châu Âu trong việc miêu tả con người, sự
  • 18. kiện trong các hiện tượng văn học như là các nguyên tắc nghệ thuật, khác biệt với các văn học cận hiện đại. Ở đây E. Auerbach đặc biệt hứng thú với các yếu tố chủ quan như tâm lý, thị hiếu, lý tưởng, thậm chí định kiến… Trong sách Thi pháp văn học Bidantin thượng kỳ X.X Avêrinxép nghiên cứu thi pháp trung đại qua hai bình diện: 1) Lịch sử và con người; 2) Con người và ngôn từ. Bình diện thứ nhất đề cấp tới cách cảm nhận con người của văn học trung đại: Tác giả đã chỉ rõ ảnh hưởng to lớn của đạo Cơ Đốc đối với thi pháp văn học, và quan niệm này khác hẳn quan niệm trọng văn học Hy Lạp cổ đại. Bình diện thứ hai – cách cảm nhận của con người và ngôn từ. Cũng nghiên cứu quan niệm con người thể hiện qua hệ thống tín hiệu chân dung nhân vật được B.L.Riftin xem xét trong văn xuôi Trung Quốc, từ các tập lịch sử, sử ký đến tiểu thuyết lịch sử chương hồi tác giả đã chú ý tới mô hình cổ xưa dùng để miêu tả các vị tổ tông tiền bối đã chi phối tích cực việc miêu tả chân dung nhân vật văn học thế kỷ XIV và cả thời cuối trung đại ở Trung Quốc. Trong việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại, loại hình học về các phong cách cảm nhận thế giới có vị trí quan trọng hàng đầu. Nhà nghiên cứu không giới hạn trong việc chọn lựa các chất liệu hình thức, vạch ra các phương thức khác thường mà chất liệu ấy được nhìn nhận. Ở đây cần nghiên cứu cách cảm nhận về tồn tại, về không gian, thời gian, đồ vật chi phối sự miêu tả. Đ. X. Likhatrốp trong Thi pháp văn học Nga cổ đã có các chuyên mục về Thi pháp thời gian nghệ thuật đề cập đến thời gian nghệ thuật của tác phẩm ngôn từ, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm Folklor (trong dân ca, ca dao, tráng sĩ ca, thi ca nghi lễ) thời gian biên niên sử, thời gian của văn học thuyết giáo, thời gian hiện tại trong truyện kể lịch sử; lại có chuyên mục Thi pháp không gian nghệ thuật đề cập tới phạm trù không gian nghệ thuật của tác phẩm nói chung và không gian trong văn học cổ Nga. Những nghiên cứu đó cho thấy cách cảm thụ và tổ chức tác phẩm của thể loại văn học trung đại.
  • 19. X. X. Avêrinxép chú trọng khám phá quan niệm trung đại của văn học Bidantin xem tồn tại như một trạng thái ưu việt, lõi sự hoàn thiện. Ông cũng nêu ra loại hình các cách tiếp cận đối với đồ vật. Theo ông việc cảm nhận đồ vật là thuộc tính chung của nhân loại. Nhưng mỗi thời có một số yếu tố được đề cao, trở thành yếu tố của văn hoá, được sùng bái. Thời trung đại cách cảm thụ trực giác giản đơn được đề cao vì nó thích hợp để cảm nhận vẻ đẹp của thế giới (xem Tldđ). A. Ja. Gurêvích nêu vấn đề nghiên cứu kiểu văn hoá như là tảng của các khoa học nhân văn trong đó có thi pháp học. Nền tảng của lịch sử văn hoá đó ông cho là khái niệm mentality – tâm thức, thể hiện trong khái niệm “bức tranh thế giới”, “hình ảnh thế giới” hay “mô hình thế giới”. Theo ông, “sự cảm thụ thời gian, không gian (hay không – thời gian theo kiểu M. Bakhtin), cách hiểu về mối quan hệ giữa thế giới trần thế và thế giới bên kia, thế giới con người và giới tự nhiên, cách đánh giá về việc sinh, tử, về tuổi tác, về địa vị của các loại người, của phụ nữ, trẻ em, vị trí của gia đình, cách hiểu về cá nhân, cách giải thích về lịch sử, quyền lợi, tài sản, giàu, nghèo, lao động, về chuẩn mực đạo đức, về đời sống tình dục… tất cả đều là yếu tố của “bức tranh về thế giới” đối với con người. Chúng phối hợp với nhau để tạo thành kiểu văn hoá. Kiểu văn hoá ấy luôn vận động, biến đổi và trở thành đối tượng của lịch sử văn hoá. Vì vậy nên nghiên cứu thi pháp học lịch sử như là một thể hiện của lịch sử ý thức con người”. M. I. Xteblin – Kamenxki trong công trình Thi pháp học lịch sử đã nêu ra hàng loạt vấn đề quan trọng khác về thi pháp văn học trung đại. Đáng chú ý là vấn đề hư cấu của văn học trung đại với sự hình thành tác giả văn học trong nền văn học ấy. Theo ông “bước nhảy vọt từ truyền thống sáng tác văn học phi cá nhân sang sáng tác của tác giả có ý thức là một trong những bước nhảy vọt lớn lao nhất mà loài người đã thực hiện trong lịch sử của nó. Nó đem lại cho nhân loại những khả năng sáng tạo vô cùng”. “Bước nhảy vọt ấy xảy ra như thế nào, cần được nghiên cứu từ giai đoạn văn học trung đại” (tr.90), và đó sẽ là một quá trình lâu dài. Sự hình thành văn học cũng cần
  • 20. được nghiên cứu từ thời trung đại, bởi ý thức về hư cấu là một biểu hiện của ý thức văn học. Ý thức về hình thức văn học cũng là một vấn đề hết sức quan trọng, bao gồm ý thức thể loại, ý thức ngôn ngữ và nói chung, ý thức về bản thân văn học. Tóm lại, trên cấp độ vĩ mô, cấp độ các nguyên tắc hệ hình (Paradigm) các nhà nghiên cứu thi pháp văn học trung đại đã đặt ra một loạt vấn đề quan trọng, bao gồm quan niệm về văn học. về ngôn ngữ, về thể loại, về tác giả – nghệ sĩ, về con người và thế giới trong văn học. Những vấn đề đó đưa ta vào chiều sâu của các quy luật văn học trung đại, những vấn đề không dễ dàng giải quyết được ngay, nhưng không thể không đặt ra và có ý thức tìm hiểu. Bởi vì chính trên các vấn đề đó văn học trung đại tỏ ra khác biệt với văn học hiện đại. Do đó vấn đề kế thừa, cách tân cũng sẽ được xem xét sâu hơn. Một mặt văn học hiện đại phải vượt qua những giới hạn của văn học trung đại như một loại hình, nhưng mặt khác nó phải kế thừa, phát huy mới có sức mạnh phát triển, tiến bộ. Trong cấp độ hình thức vi mô. hệ thống các thể loại và quy tắc các thể loại là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trong các công trình của mình D. X. Likhatrốp luôn luôn xem hệ thống thể loại là nơi thể hiện đặc trưng của văn học trung đại. Việc nghiên cứu hình thức của hình thức tuy vẫn còn có chỗ để đi sâu thêm, song chức năng nội dung của hình thức, tính nội dung của hình thức là một lĩnh vực rộng lớn hình như chưa được nghiên cứu bao nhiêu. G. D. Gachep trong công trình Tính nội dung của hình thức nghệ thuật: tự sự, trữ tình, kịch (1968) tuy không đi sâu vào nghiên cứu hình thức của văn học trung đại, nhưng đã đề xuất phương hướng xem hình thức là một quan điểm, một cái nhìn đối với cuộc sống,”một thế giới quan được ngưng kết”, có ý nghĩa đối với việc đổi mới nghiên cứu hình thức văn học nói chung và văn học trung đại nói riêng. Đối với các nhà văn học so sánh Nga, thể loại văn học trung đại là một hiện tượng loại hình lịch sử. Theo V M. Girmunxki, ứng với thời thượng kỳ trung đại tại các nước châu Âu là thể loại sử thi anh hùng dân tộc, bắt đầu từ
  • 21. sáng tác truyền miệng, sau được ghi lại bằng văn viết. Thể loại này không chỉ có trong văn học dân tộc Đức, văn học tiếng Rômăng, văn học Nga, mà còn có cả trong văn học Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Kapcađơ… Đối với thời trung đại trung kỳ, cái đặc trưng là thể loại tiểu thuyết diễm tình, trong đó các hiệp sĩ tôn thờ các bà chúa và thực hiện các cuộc phiêu lưu. Đó là các tiểu thuyết về Lanxelôt, về Trixtăng, về Alexăngđrơ và Ênê, được sáng tạo bởi Crêchiên đơ Tơroa hay những kẻ mô phỏng, mà mâu thuẫn chủ đạo là giữa tình yêu hiệp sĩ với nghĩa vụ gia đình hay nghĩa vụ chủ tớ. Bên cạnh tiểu thuyết diễm tình là thơ tình yêu diễm tình thể hiện tình cảm cá nhân bằng hình thức còn che giấu dưới cái vỏ đẳng cấp. Một thể loại khác khá đặc trưng cho văn học trung đại châu Âu là truyện thơ mang nội dung sinh hoạt. Vấn đề đặt ra trong thi pháp các thể loại này là yếu tố dân gian, truyền miệng và yếu tố văn học viết; các công thức tự sự truyền thống và các yếu tố tác giả cá nhân. V.Girmunxki đặc biệt chú ý tới vấn đề phong cách tự sự, phong cách ước lệ của văn học trung đại, đặc trưng bởi các công thức, các sáo ngữ, các khuôn thức… ứng với việc nhận thức nghệ thuật, tập trung chú ý vào cái phổ biến, cái điển hình, cái bất biến. Đồng thời, vấn đề mức độ cá tính của văn học trung đại cũng được tác giả chú ý. Girmunxki cho rằng “Mức độ cá tính trong thơ ca trung đại, đặc biệt là trong nghệ thuật của các nhà thơ trữ tình (Troubadour) phải biểu hiện xuyên qua truyền thống các công thức và sự kết hợp của chúng đang là một vấn đề quan trọng của thi pháp học lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu”. D. X. Likhatrốp nhấn mạnh tới việc nghiên cứu hệ thống thể loại văn học trung đại: “Cần phải nghiên cứu không chỉ là bản thân các thể loại, mà còn là các nguyên tắc làm cơ sở cho việc phân chia các thể loại; không phải chỉ nghiên cứu các thể loại riêng lẻ, mà còn phải nghiên cứu lịch sử của nó, hệ thống các thể loại của một thời đại”. Bởi vì các thể loại không tồn tại độc lập với nhau, mà kết thành hệ thống và hệ thống đó diễn biến trong lịch sử. Ông nhấn mạnh tính lịch sử của nó,
  • 22. phản đối việc hiện đại hoá thể loại văn học trung đại. Ông lưu ý tới hàng loạt quy luật hình thành thể loại văn học trong văn học Nga cổ như vai trò quyết định của đề tài, chủ đề, mục đích sử dụng, tên gọi của thể loại, thể loại chính, thể loại phụ thuộc, trật tự thể loại. Có thể nói D.X.Likhatrốp đã trình bày một lý luận hoàn chỉnh về thể loại văn học trung đại trên cứ liệu văn học Nga cổ. Theo ông, khác với thể loại văn học hiện đại vốn chia tách ra theo sự đa dạng của sáng tạo, thể loại văn học trung đại hình thành trước hết theo công dụng của nó trong thực tế. Các thể loại văn học nhà thờ phục vụ các nghi thức tế, lễ. Thể loại biên niên xuất hiện do nhu cầu ghi chép các sự việc để làm sáng tỏ trạng thái của nó trong hiện tại. Thể loại truyện các công tước được viết ra để chứng tỏ tính chính nghĩa trong hành động của họ… Theo Likhatrốp, không được giải thích tính chất của thể loại văn học trung đại bằng “lối tư duy trung đại” như có người đã làm. Theo ông, tư duy con người thời nào cũng như nhau, chỉ khác nhau do thế giới quan, quan điểm chính trị, hình thức cái nhìn nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ. Nếu như cội nguồn thể loại văn học nằm ngoài văn học thì đâu là cội nguồn của tính văn học của thể loại? Theo Likhatrốp, sự phân biệt thể loại về mặt văn học của văn học trung đại còn rõ rệt hơn văn học hiện đại. Đó là do mỗi thể loại tự xác định một hình tượng tác giả – người thực hiện thể loại đó: tác giả trong sám hối, tác giả kể sự tích các thánh, tác giả ghi biên niên… Đó không phải là tác giả cụ thể, mỗi thể loại thống nhất trong một kiểu phong cách. Tên thể loại gắn liền với tên tác phẩm. Hệ thống thể loại trung đại biên chế như hệ thống binh chủng trong quân đội, chúng có nhiệm vụ chiến đấu riêng và không thể pha trộn với nhau. Quan hệ giữa hệ thống thể loại văn học dân gian và văn học viết trung đại cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu hệ thống thể loại văn học hiện đại độc lập với hệ thống thể loại dân gian, thì hệ thống thể loại văn học trung đại lại khác. Hệ thống này do nhu cầu cuộc sống của nhà thờ và quý tộc quy định. Nhưng cuộc sống ấy lại cũng do văn hoá dân gian quy định. Nó không tách khỏi lễ hội, tín ngưỡng đa thần giáo. Do đó, một số thể loại văn học dân gian
  • 23. có tác động tích cực tạo thành thể loại văn học viết. Sự xuất hiện của đô thị cũng làm nảy sinh các hình thức văn học dân gian mới, đến lượt nó lại làm biến đổi diện mạo văn học viết. Lý luận thể loại ấy rất có ý nghĩa để tiến hành nghiên cứu văn học trung đại nói chung và thể loại văn học trung đại Việt Nam nói riêng. Cùng với quan niệm lý luận ấy, thi pháp thể loại thể hiện ở hệ thống các thủ pháp nghệ thuật dùng để giới thiệu, nối kết, làm nổi bật hay bỏ qua nhằm biểu hiện cuộc sống. Mỗi hệ thống nghệ thuật có hệ thống các thủ pháp nghệ thuật đặc trưng. Đây là lĩnh vực mà Likhatrốp gọi là “phương pháp nghệ thuật” – phương pháp miêu tả, biểu hiện. Theo lý luận về “phương pháp nghệ thuật” này, B. L. Riftin đã nghiên cứu phương pháp trong văn học trung đại phương Đông, cung cấp một cách làm có hiệu quả. Sau cấp độ thủ pháp (biện pháp) là cấp độ ngôn từ. Thi pháp học hiểu ngôn từ như là chất liệu tạo thành tính nghệ thuật của văn học. Ứng với một kiểu văn học có một nhãn quan về ngôn từ và các biện pháp, nguyên tắc sử dụng ngôn từ trên tất cả các bình diện thẩm mỹ – từ ngữ âm đến văn bản… Thi pháp học quan tâm không chỉ các nguyên tắc tổ chức văn bản mà còn quan tâm tới mối quan hệ tác động qua lại của các từ tạo nên vẻ đẹp của cơ chất (texture). Ở đây việc nghiên cứu ngôn ngữ thơ Đường, thơ Đỗ Phủ của hai tác giả Mỹ gốc Trung Quốc Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân theo các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại có một tác dụng gợi ý quý báu. Đây là lĩnh vực của từ chương học, phong cách học, một bộ phận hợp thành của thi pháp học. Tóm lại, giới thiệu việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại qua một số công trình, có thể nhận thấy rằng vấn đề thi pháp học văn học trung đại đã được đặt ra chủ yếu trên bốn phương diện:. a) Quan niệm văn hoá thẩm mỹ, bao gồm quan niệm tổng quát về văn học, về tác giả, về thể loại, về ngôn ngữ nói chung. b) Thể loại văn học với hệ thống đặc trưng trong loại hình
  • 24. c) Hệ thống các thủ pháp, các phương pháp nghệ thuật thể hiện cho cách chiếm lĩnh, cảm nhận đời sống của người trung đại. d) Hệ thống từ chương học với các nguyên tắc sử dụng ngôn từ trên các cấp độ. Đó cũng là cái sườn khái quát để đi vào nghiên cứu thi pháp của một nền văn học cụ thể. Việc nghiên cứu hệ thống thi pháp của một nền văn học cụ thể dĩ nhiên không phải là lặp lại giản đơn các đặc điểm loại hình, mặc dù sự liên hệ, so sánh luôn luôn là cần thiết. Mục đích của việc nghiên cứu này là nhằm phát hiện hệ thống thi pháp độc đáo của nền văn học dân tộc nước nhà, một nền nghệ thuật đã được nghiên cứu chủ yếu về tác giả, tác phẩm cụ thể, nhưng còn đang thiếu một cái nhìn tổng quan, hệ thống về các đặc trưng nghệ thuật của nó trong tính chỉnh thể, toàn vẹn về mặt lịch sử III. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI Ở VIỆT NAM Văn học trung đại Việt Nam là một thời kỳ phát triển rất phong phú của văn học dân tộc Việt Nam, song tài liệu bàn về thi pháp giai đoạn này thì hiện vẫn còn ít ỏi, không tương xứng. 1. Nghiên cứu sưu tầm, bình luận văn học bao giờ cũng chậm hơn văn học. Theo các tài liệu hiện có thì có thể nói ngành ngữ văn học Việt Nam đã hình thành từ thế kỷ XV với các công việc sưu tập, biên soạn. Không phải vô cớ mà các tác giả của công trình nghiên cứu, sưu tập đồ sộ Thơ văn Lý – Trần đã trịnh trọng giới thiệu bốn bài tựa: Một bài của Phan Phu Tiên Tân san Việt âm thi tập tự (1433), một bài của Nguyễn Tử Tấn Tân tuyển Việt âm thi tập tự (1495), một bài Trích diễm thi tập tự của Hoàng Đức Lương (1497), sau đó là bài của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII). Nguyễn Tử Tấn đã nói đến tiêu chuẩn của thơ và nguyên tắc tuyển chọn, chú ý tới các thể đa dạng. Hoàng Đức Lương đã nói tới 5 cái khó khiến cho văn chương ít được lưu truyền: một là khó thưởng thức (kén độc giả), hai là tát giả bận việc quan, ít sáng tác, ba là ai sưu tầm thì bị chê bai, khích bác, bốn là bị cấm đoán, năm là bị binh hoả.
  • 25. Có thể nói ông Hoàng đã nói đúng năm nguyên nhân làm cho ngữ văn học Việt Nam chậm phát triển. Đáng chú ý là ông Hoàng đã nói tới “thi học” – cái học về thơ của ông phải dựa vào kinh nghiệm các lưu phái đời Đường, đã biết tới lưu phái! Trong văn xuôi, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lý Tế Xuyên cũng đóng vai trò như vậy. Tuy vậy lý luận và phê bình văn học chưa có điều kiện phát triển. 2. Trong thời trung đại, tương truyền có cuốn Văn thành bút pháp của Vũ Quỳnh đời Lê Thánh Tông, nay chưa tìm thấy. Các công trình của Lê Quý Đôn như Nghệ Văn Chí (Đại Việt thông sử), Vân đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục, của Phan Huy Chú như Văn tịch chí (Lịch triều hiến chương loại chí) có trình bày ít nhiều quan niệm về văn chương và sự phân loại. Song song với các tuyển tập đã xuất hiện những ý kiến lẻ tẻ về văn thơ trong các bài tựa, bạt, ký, luận nhưng trong thời trung đại chưa bao giờ được sưu tầm nghiên cứu. Mãi dần sau này mới có ý định sưu tập thành sách như Từ trong di sản (Nxb Tác phẩm mới. Hà Nội, 1981). Người xưa bàn về văn chương (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993), tức là cuối thế kỷ XX, thật là quá ư muộn màng. Tuy vậy công việc chỉ mới bắt đầu, còn lâu mới đi vào quy củ và đầy đủ. 3. Những công trình nghiên cứu, giới thiệu thi pháp văn học truyền thống Việt Nam một cách tương đối có quy mô có lẽ phải kể đến đầu thế kỷ này với Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính (1918), Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ (1932). Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu với các chương bàn về thể văn và thi pháp của văn học Việt Nam (1941), Đào Nương Ca của Nguyễn Văn Ngọc (1932), Ca trù thể cách của Xuân Lan (1922), Chương Dân thi thoại của Phan Khôi (1936). Đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều cuốn lịch sử văn học Việt Nam. Ngoài cuốn của Dương Quảng Hàm nêu trên có thể kể: Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi (1942), Việt Nam văn học của Ngô Tất Tố (1942)… Sau năm 1954, bên cạnh việc phiên âm, phiên dịch tác phẩm văn học chữ Nôm và chữ Hán, các bộ văn học sử Việt Nam có quy mô lớn xuất hiện ở
  • 26. cả hai miền. Ở miền Bắc có thể kể bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quý Đôn (1957), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Văn – Sử – Địa (1957 – 1960), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (ĐHSP Hà Nội, 1961 – 1962). Lịch sử văn học Việt Nam (Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong 1961), Văn học Việt Nam (từ thế kỷ X-XVIII và nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX) (1989–1990), Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1 của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (1980), Văn học Việt Nam, t.1, t.2, t.3 của nhóm tác giả Đại học tổng hợp Hà Nội: Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Nguyễn Lộc (1978), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam của Cao Huy Đỉnh (1974). Nghiên cứu tiến trình lịch sự của văn học dân gian Việt Nam của Đỗ Bình Trị (1978). Ở miền Nam có thể kể Việt Nam văn học sử giản ước tân biên 3 tập của Phạm Thế Ngũ (1961), Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng (1967), Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản (1949). Cũng sau năm 1954 những công trình đi sâu vào thi pháp thể loại cũng đã xuất hiện. Có thể kể Thơ ca Việt Nam- hình thức và thể loại của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức (1965), Khảo luận về thơ của Lam Giang (1957– 1967), Vệt Nam ca trù biên khảo của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1962). Từ sau ngày giải phóng miền Nam, việc nghiên cứu tìm hiểu quy luật văn học Việt Nam và các vấn đề thi pháp cũng được đẩy mạnh thêm. Phương Lựu có Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam (1985), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (1997). Lê Trí Viễn có Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam (1987), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm của Đặng Thanh Lê (1979), Truyện Nôm –thể loại và thi pháp của Kiều Thu Hoạch (1993), Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính (1992), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” của Phan Ngọc (1985). Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật (1991), Sử thi thần thoại Mường của Trương Sĩ Hùng (1992). Các công trình về thơ lục bát của Võ Bình, Mai Ngọc Chừ, Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Văn Hoàn, Phan Thị Diễm Phương, về thơ song thất lục bát của Phan Ngọc, về thi
  • 27. pháp thơ Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên, Phạm Luận. Về ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo đối với văn học có công trình của Trần Đình Hượu Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời (1989), Đến hiện đại từ truyền thống (1994). Một số luận án PTS đã tập trung nghiên cứu một số vấn đề thi pháp văn học trung đại như truyện văn xuôi chữ Hán của Nguyễn Đăng Na (1987). Thơ Nôm Đường luật Việt Nam của Lã Nhâm Thìn (1993), Thể loại văn học Lý – Trần của Nguyễn Phạm Hùng (1995), một số đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỷ XI–XIV của Đoàn Thị Thu Vân (1994), về nhà nho tài tử Việt Nam của Trần Ngọc Vương (1994), về quan niệm thơ cổ Việt Nam của Phạm Quang Trung (1996), về ngôn ngữ nhân vật trong truyện Nôm của Đinh Thị Khang (1992)… Một sự kiểm điểm như trên là chưa đầy đủ, nhất là chưa kể hết những công trình nghiên cứu trên các tạp chí. Tuy vậy, sơ bộ có thể nhận thấy: – Nghiên cứu thi pháp văn học trung đại Việt Nam là một lĩnh vực cực kỳ khó khăn vì rất nhiều lý do. Trước hết là việc sưu tầm, dịch thuật cho đến nay vẫn đang tiếp tục. Vấn đề văn bản tác phẩm, tác giả, niên đại, là vấn đề nan giải nhất. Một công trình khảo luận văn bản chỉ mới văn thơ Lý – Trần của giáo sư Nguyễn Huệ Chi gồm 140 trang khổ lớn đã cho thấy tất cả sự khó khăn trong lĩnh vực này. Những vấn đề tác giả cũng chưa xong xuôi, vấn đề phân kỳ cũng có nhiều biến động theo thời gian, nhận thức. Cho nên nghiên cứu thi pháp trung đại ở giai đoạn này chỉ có thể là bước đầu thử nghiệm, thăm dò, chờ đợi kiểm nghiệm, hoàn chỉnh. Việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại cho đến nay chủ yếu là tập trung vào việc miêu tả các đặc điểm thi pháp thể loại thơ (vận, luật, ngôn ngữ). Về tính nội dung và tính quy luật loại hình chỉ mới được xem xét bước đầu ở một số phương diện riêng biệt, lẻ tẻ, trên nét lớn. – Việc nghiên cứu các bình diện quan niệm nghệ thuật và thẩm mỹ thường được thực hiện bằng cách tường thuật ý kiến theo những chủ đề hiện
  • 28. đại và bình luận ý nghĩa của chúng. Một số bình diện về quan niệm con người, không gian, thời gian, hình tượng tác giả chưa được lưu ý đầy đủ. – Ngôn ngữ văn học trung đại mới được quan tâm qua một số tác phẩm riêng lẻ. Phong cách học (từ chương học) văn học trung đại vẫn đang là mảnh đất còn bỏ ngỏ, ngoại trừ một số tìm tòi của Phan Ngọc và một vài tác giả khác. Một số tác giả nước ngoài như N. I. Niculin, B. M. Riftin đã chú ý tới tính loại hình và có cái nhìn bao quát. Họ đã nêu những vấn đề thi pháp văn học trung dại Việt Nam khá thú vị, song nhìn chung vẫn chi xen vào các công trình văn học sử. Từ những nhận xét trên có thể thấy rằng vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, mặc dù gần đây đã có nhiều thành tựu mới rất đáng trân trọng, song vẫn còn là một mảnh đất chờ đợi sự khai phá lâu dài của nhiều nhà nghiên cứu. Công trình của chúng tôi chỉ là thêm một cố gắng trên con đường dài gian khổ này, nhằm gây chú ý cho những người cùng quan tâm để cùng đẩy mạnh việc tìm tòi, suy nghĩ, khái quát, ngõ hầu một ngày kia có thể tiến tới phác hoạ đầy đủ, chính xác những vấn đề của nó. Chương 2. THI PHÁP VĂN HỌC TRUNG ĐẠI NHƯ MỘT ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC I. KHÁI NIỆM THỜI TRUNG ĐẠI 1. Trước khi đi vào xác định khái niệm văn học trung đại thiết nghĩ phải xác định khái niệm thời trung đại về mặt lịch sử “Thời trung đại” là khái niệm mà các nhà nhân đạo chủ nghĩa châu Âu thế kỷ XV dùng để chỉ thời đại lịch sử ở giữa thời cổ đại, tính từ khi chế độ đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ V cho đến thời đại Phục hưng vào thế kỷ XV. Đó là thời kỳ mà sử gia phương Tây gọi là “đêm trường trung cổ” với sự ngự trị tuyệt đối của thần quyền, quân quyền. Đó là khi toà án giáo hội đưa
  • 29. lên giàn hoả thiêu bất cứ ai nghi ngờ chân lý, giáo lý nhà thờ, có tư tưởng tự do hoặc tìm tòi khoa học. Thoạt đầu người ta dùng cụm từ “thời trung đại” với một ý vị khinh miệt, để chỉ một thời tăm tối, không có ánh sáng của lý tính và khoa học, đầy chết chóc, hận thù, định kiến, để sau đó là thời Phục hưng, làm sống lại các giá trị nhân văn thời cổ đại, giải phóng cá tính, phát triển tự do và sáng tạo của con người. Nhưng dần dần sử học đã phát hiện ý nghĩa khoa học đích thực của khái niệm này, xua tan những xuyên tạc, định kiến về nó, trả lại cho nó nội dung lịch sử, văn hoá, văn học mang nội dung nhân văn. Đúng như nhiều nhà trung đại học đã khẳng định, mỗi thời đại đều lý thú và đều có nghĩa hệ trọng mà thời khác không thay thế được. Về mặt thời đại, thời trung đại là thời kỳ sau khi tan rã chế độ chiếm hữu nô lệ cổ đại cùng với các đế chế hùng mạnh cổ đại, các đế quốc bị chia nhỏ ra, bị phong kiến hoá. Đó là thời đại của chế độ phong kiến để đến lượt mình, nó bị thay thế bởi một xã hội có kinh tế hàng hoá và công nghiệp phát triển của chủ nghĩa tư bản. Về mặt văn hoá, thời trung đại không giản đơn là một bước lùi trong tiến trình văn minh mà là một bước tiến. Đó là thời đại văn hoá lớn trong lịch sử nhân loại, thời đại ra đời của những quốc gia châu Âu, những nhà nước hiện đại hình thành, những ngôn ngữ dân tộc đa dạng cũng có dịp phát triển và hiện vẫn dang sử dụng. Đó cũng là thời đại hình thành các giá trị văn hoá truyền thống có ảnh hưởng đến hôm nay. Đối với các quốc gia phương Đông như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản… thì thời trung đại là thời hình thành toàn bộ di sản văn hoá thành văn của mình. Về mặt thời gian, nhìn chung các sử gia chia thời trung đại châu Âu ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn cơ kỳ từ thế kỷ V đến thế kỷ XI; giai đoạn trung kỳ, khi chế độ phong kiến phương Tây đạt đến mức toàn thịnh. Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV; giai đoạn mạt kỳ, khi chế độ phong kiến suy tàn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Độ dài cụ thể của thời trung đại trong từng khu vực, từng quốc gia có những xê xích đáng kể. Văn học trung đại trong từng thời kỳ này cũng khác nhau. Giai đoạn sơ kỳ văn học hành chức chiếm ưu thế; giai đoạn
  • 30. trung kỳ văn học đẹp chiếm tỉ trọng cao; giai đoạn mạt kỳ văn học thị dân dần dần chiếm ưu thế. 2. Với những đặc điểm loại hình, khái niệm thời trung đại có thể được vận dụng vào lịch sử và văn học phương Đông, có tính tới các yếu tố đặc thù của từng dân tộc và khu vực. Nhưng đây là vấn đề chưa ngã ngũ. Theo N.Cônrát, thời cổ đại Trung Quốc ứng với sự đột khởi của đế quốc Tần, Hán. Từ Nguỵ Tấn Nam Bắc triều trở đi thì bước vào thời trung đại, vào thế kỷ thứ IV CN. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nhà Trung Quốc học Nga khác, chẳng hạn như B.L Riptin, Lixêvích. Các nhà sử học Trung Quốc như Vương Trọng Oánh, mỹ học như Lý Trạch Hậu cũng xem Lưỡng Hán trở lên là thời đại nô lệ, từ Nguỵ Tấn trở đi, khởi đầu xã hội phong kiến. Khác với các nước phương Tây, Cận Đông, ở phương Đông giữa cổ đại và trung đại không có một khúc gãy như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập. Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Israen không có khúc gẫy, nghĩa là vẫn giữ được nhịp độ tuần tự, tiệm tiến. Tuy nhiên nó được đánh dấu bằng một sự mất mát nhất định về thể loại văn học. Chẳng hạn theo Riptin, thời cổ đại Hy Lạp mất đi mang theo thể loại sử thi cổ đại, bi kịch và thể loại lịch sử kiểu của Plutác, cũng như loại Sử ký của Tư Mã Thiên cũng mất theo thời cổ đại Trung Hoa. Nếu không rập khuôn theo lịch sử phương Tây thì bước chuyển đánh dấu kết thúc thời cổ đại Trung Hoa là tư tưởng đại nhất thống, độc tôn bị lung lay, mở đầu cho sự xâm nhập tôn giáo ngoại lai và phát triển tôn giáo bản địa, sự nở rộ của văn học dân gian. Nhìn chung cũng vào thế kỷ thứ III CN một số nước Trung á, Iran cũng bước vào thời trung đại. Sự sụp đổ đế chế cổ đại tạo điều kiện cho nhiều quốc gia ”trẻ” xuất hiện độc lập. Tuy xuất hiện muộn với tư cách quốc gia độc lập, nhưng chúng lại phát triển nhanh nhờ vào vốn văn hoá dân gian của mình, và nhờ vào kinh nghiệm của các nền văn học đi trước của các quốc gia cổ đại lân cận. Đó là văn học Nhật Bản từ thời Hây An (thế kỷ IX – XII) trở đi, là văn học Nga cổ từ thế kỷ XI trở đi, văn học Việt Nam từ thế kỷ X trở đi.
  • 31. 3. Thời trung đại chuyển sang thời cận đại bằng hàng loạt sự kiện văn hoá, khoa học. Các phát kiến địa lý làm thay đổi quan niệm về thế giới. Thế giới rời rạc, phân tán trước đó nay được nối liền. Những phát kiến lịch sử làm sống lại chủ nghĩa nhân văn cổ điển, ý thức tôn giáo lung lay, ý thức cá tính trỗi dậy, ý niệm tiến trình lịch sử thay đổi. Người phương Đông nhận biết được thế giới chủ yếu do bị tư bản phương Tây “phát hiện” do buôn bán và truyền đạo. Tiếng súng pháo thuyền làm rạn vỡ xã hội phong kiến truyền thống. Ở Trung Quốc thời cận đại được đánh dấu rõ rệt bằng chiến tranh Nha phiến 1840, ở Việt Nam nó đánh dấu bằng tiếng đại bác bắn vào đồn biên phòng của nhà Nguyễn năm 1858 Cũng có người lấy mốc năm 1862 làm điểm quy ước thời cận đại Viết Nam. Tuy vậy xét sâu hơn vào quá trình phát triển kinh tế mỗi nước thì người ta lại nhận thấy dấu hiệu cận đại sớm hơn. Ở Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu cho thời trung đại của họ chấm dứt vào thời cuối Minh, từ thế kỷ XV, do thương nghiệp phát triển, ý thức thị dân trỗi dậy, cũng gần như cùng một lúc với thời kỳ cận đại châu Âu. Thời cận đại là thời kỳ quá độ, giao thời, chuyển hoá từ trung đại sang hiện đại. Ở châu Âu có khi người ta tính từ thế kỷ XVI – XVII. Như vậy là cận đại được tính từ giai đoạn mạt kỳ thời trung đại. Thời cận đại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam tính từ thời điểm xâm nhập của tư bản phương Tây, cũng tức là thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, xét theo sự phát triển của đô thị, ý thức thị dân thì thời cận đại Việt Nam có thể tính ngược lên tới thế kỷ XVII – XVIII. Còn như vấn đề thời cận đại kéo dài đến đâu thì ý kiến lại chưa nhất trí. Ở Trung Quốc, đó là năm 1911 với cách mạng Tân Hợi, thành lập Dân Quốc. Ở Việt Nam trước nay học giới xác định là 1930, thời điểm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng chuyển sang giai cấp vô sản, nhưng nếu xét tới thời điểm chấm dứt chế độ phong kiến thì phải đến 1945. Xét về mặt văn học, thì văn học trung đại thực sự chấm dứt từ năm 1930–1932. Từ đó trở đi văn học hoàn toàn chuyển sang phạm trù hiện đại.
  • 32. Nếu hiểu thời hiện đại là thời đại đánh dấu bằng sự tiếp xúc, giao lưu toàn diện của tất cả các quốc gia trên thế giới, tất cả tham gia vào một tiến trình lịch sử chung, các sự kiện lịch sử thế giới tác động trực tiếp tới mọi quốc gia lớn nhỏ, thì có thể nói việc xác định thời hiện đại từ thế kỷ XX là có cơ sở. Và với thời này, các quốc gia dù trình độ phát triển khác nhau vẫn đều ở chung trong một thời đại. 4. Nếu thừa nhận thời hiện đại là thời đại chung của mọi dân tộc và khu vực, thì có cơ sở để thấy rằng thời cận đại của các nước phương Đông như Việt Nam. Trung Quốc trên thực tế hoặc mờ nhạt, không thật rõ nét, hoặc bị teo đi. Bởi vì thời cận đại ở đây không phải xuất hiện do sự phát triển tự thân mạnh mẽ của các quan hệ xã hội, mà chủ yếu do nguyên nhân bên ngoài, cho nên nó không thể kéo dài. Đô thị Việt Nam không như đô thị phương Tây. Nó gắn chủ yếu với trung tâm hành chính, với thương nghiệp, nhưng mối liên hệ với nông nghiệp và hành chính rất mật thiết. Một khi đổi thay vị trí hành chính, đô thị trên xuống cấp trở thành nông thôn, do đó sức sống yếu ớt. Xã hội lạc hậu buộc phải tiến nhanh theo nhịp độ của lịch sử thế giới. Do đó thời cận đại ở các nước phương Đông không phải chỉ là thời đại phát triển kinh tế tư bản, tích luỹ tư bản và công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa như ở phương Tây, mà còn là thời suy tàn của chế độ phong kiến và thời đại giao thời, chuyển mạnh sang thời hiện đại. Đó không phải là thời cận đại độc lập đích thực. Về một mặt khác, đó cũng là thời đại chống nạn ngoại xâm của tư bản phương Tây để duy trì độc lập trong điều kiện lịch sử mới, là thời kỳ vận động để đuổi theo và hội nhập vào các trào lưu mới. Xét từ bình diện văn hoá thì phải tính đến cái mốc tiếp nhận và sáng tạo các hình thái văn hoá mới. Mốc ấy chưa có giữa thế kỷ XIX của lịch sử Việt Nam. Mặc dù có ảnh hưởng của Pháp và chữ Quốc ngữ bắt đầu truyền bá rộng rãi dưới dạng hiện đại từ giữa thế kỷ XIX nhưng, phải sang đầu thế kỷ XX thì mới thực sự được sử dụng phổ biến. Cũng giống như xưa kia, chữ Hán được truyền bá từ khi người Hán đặt ách thống trị từ đầu công nguyên, song phải đến thế kỷ X xây dựng quốc gia độc lập, chữ Hán mới trở thành
  • 33. công cụ của văn học dân tộc. Các phong trào cách mạng đầu thế kỷ đã sử dụng đắc lực chữ Quốc ngữ. Sự kiện này càng được củng cố thêm bởi sự kiện bãi bỏ các khoa thi chữ Hán vào năm 1917. Đó là lý do làm cho nhiều nhà nghiên cứu văn học trước đây tính thời hiện đại của văn học Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ. Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại tính mốc hiện đại từ 1910. Dương Quảng Hàm xem văn học thế kỷ XIX là cận kim, các văn gia, thi gia hiện đại thì tính từ đầu thế kỷ XX. Các tác giả Nguyễn Tường Phượng, Bùi Hữu Sủng trong Văn học sử hiện đại cũng tính mốc hiện đại từ 1910. Tuy vậy nhưng cái mốc 1910, 1907, 1913… đều chưa thật đủ sức thuyết phục do dựa vào sự kiện cụ thể. Phải chăng chỉ nên nói từ đầu thế kỷ với các phong trào hiện đại hoá có tính cách mạng như Duy tân, Đông du, Đông kinh nghĩa thục. Theo chúng tôi, rất khó xác định cụ thể năm nào, mà chỉ khoảng những năm nào đó. Chúng tôi cũng từng đề nghị xem điểm khởi đầu thời đại văn học hiện đại từ đầu thế kỷ 5. Xét về nội dung văn học thì có thể nhận thấy những yếu tố mới của văn học cận đại cuối thế kỷ XIX, cũng như những yếu tố mới trong giai đoạn giao thời mấy mươi năm đầu thế kỷ XX. Nhưng xét riêng về hệ thống văn học thì có thể xem văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX thuộc phạm trù trung đại và từ đầu thế kỷ XX đến nay là thuộc phạm trù hiện đại. Đây cũng là quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện nay quy ước và đang chờ đợi sự bàn bạc sâu thêm. Cho đến cuối thế kỷ XIX, mặc dù có những hiện tượng văn học Quốc ngữ xuất hiện, nhưng về cơ bản văn học Việt Nam vẫn mang tính chất trung đại. Việc vận dụng phạm trù trung đại, một phạm trù của lịch sử phương Tây vào lịch sử phương Đông hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và ý kiến bất đồng. Chẳng hạn đâu là giới hạn của các thời đại “Phục hưng”, ”Khai sáng” trong lịch sử Trung Quốc? N. Cônrát từng dựa vào phong trào cổ văn của Hàn Dũ mà nêu ý kiến về thời Phục hưng ở đời Đường, ý kiến này được một số nhà Đông phương học Nga khẳng định còn O L. Phitsơman, Hầu Ngoại Lư cho thời Khai sáng ở Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX,
  • 34. B. Xêmanốp thì cho thời Khai sáng Trung Quốc bắt đầu từ thế kỷ XVII nhưng kéo dài đến đầu thế kỷ XX… Những nhận định như vậy chỉ đúng từng điểm, từng phần. Quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm để nghiên cứu phần còn lại của thế giới là không đúng, song tìm cái chung loại hình có tính nhân loại lại là cần thiết. Xây dựng mô hình chung có tính nhân loại, tính đến đặc thù khu vực và dân tộc có thể cho phép nhìn nhận văn học dân tộc trong bối cảnh chung của nhân loại. 6. Như vậy việc vận dụng phạm trù “thời trung đại” sẽ đem đến một kiểu phân kỳ mới và nhận thức mới trong nghiên cứu văn học Việt Nam. Mọi người đều biết là sẽ không có lịch sử văn học nếu như không có việc phân chia thời kỳ và phân bố tài liệu văn học thành các chương mục có tính chất khái quát. Cách phân kỳ văn học Việt Nam đầu tiên tìm thấy trong Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên (thế kỷ XV), trong đó văn học được xếp theo triều đại Trần, Lê. Năm 1933 nhà nghiên cứu Pháp là G.Cordier trong sách Nghiên cứu văn học Việt Nam, rồi tiếp theo đó là các tác giả sách giáo khoa về lịch sử văn học Việt Nam trong những năm 40 –50 cũng đều phân kỳ theo triều đại. Từ các tập văn học sử sau năm 1957 các học giả phân kỳ theo thế kỷ trên cơ sở phân tích quá trình phát triển từ thịnh đến suy của chế độ phong kiến Việt Nam, và gần đây thì đã chú ý phân kỳ theo loại hình văn học – trung đại, hiện đại. Trước đây người ta xác định thời trung đại dừng ở giữa thế kỷ XIX. Còn gần đây nhiều tác giả cho rằng thời trung đại kéo dài đến hết thế kỷ XIX. Theo cách phân kỳ này cả mười thế kỷ văn học từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX đều được coi là văn học trung đại. Đó là một bước tiến quan trọng trong việc nhận thức loại hình văn học. Tuy nhiên vấn đề phân kỳ trong nội bộ thời kỳ này lại chưa có kiến giải nhất trí. Hiện nay về vấn đề phân kỳ có các kiến giải sau. Ông N. I. Niculin trong công trình Văn học Việt Nam từ các thế kỷ trung đại đến cận đại: X –XIX (1977) xem giai đoạn thế kỷ X-XII là thời kỳ trên (thượng) trung đại với lý do là thể loại hành chức ngoài văn học chiếm ưu thế (bia. kệ, thơ bang giao, cáo,
  • 35. chiếu, hịch…). Từ thế kỷ XIII – XVII là thời kỳ trung đại phát triển, còn khoảng thời gian thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX – là thời kỳ hạ trung đại – trong khi vẫn giữ các đặc điểm của thời kỳ trung đại đã có thêm các đặc điểm của văn học thời Phục hưng và Khai sáng. Tác giả dựa vào tiêu chuẩn chức năng ngoài văn học là có cơ sở, song mảng văn xuôi mang chức năng ngoài văn học như Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái vẫn còn tiếp tục chiếm ưu thế vào thế kỷ XIV, và nói chung văn học mang chức năng ngoài văn học vẫn có vị trí quan trọng trong suốt thời trung đại. Về mặt này các giáo trình văn học của các trường đại học Việt Nam xác định thế kỷ X – XIV là một giai đoạn là có cơ sở dựa vào nội dung xây dựng nhà nước phong kiến. Tuy nhiên đó là tiêu chuẩn ngoài văn học. Sau này ông Nguyễn Lạc đề nghị tính mốc từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV là thời kỳ văn học khẳng định dân tộc trên cơ sở khẳng định chế độ phong kiến. Từ nửa cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVIII là văn học khẳng định Nhà nước phong kiến. Từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX là thời kỳ văn học khẳng định con người. Bảo rằng văn học được nửa đầu thế kỷ XVIII là không khẳng định con người, có lẽ không ổn, đúng hơn, nó khẳng định con người một cách khác. Các mốc nửa đầu thế kỷ XVIII nên lùi lại vào đầu thế kỷ XVIII mới đúng, bởi đó là thời điểm của Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào và của Chinh phụ ngâm khúc và các bản dịch. Theo chúng tôi, nội dung văn học của giai đoạn X – XIV là sự hình thành khá hoàn bị các thể loại văn thơ chữ Hán. Và giai đoạn từ thế kỷ XV – đánh dấu sự hình thành và phát triển các thể loại văn Nôm. Thế kỷ XVIII là khởi đầu của xu hưởng văn học nhân đạo. Truyện Song Tinh là một truyện tài tử giai nhân, ca ngợi tình yêu nam nữ. Ông Lê Trí Viên trong công trình mới đây cho rằng thế kỷ X – XV là thời kỳ văn học trung đại thượng kỳ, còn từ thế kỷ XVI – XIX là văn học trung đại hạ kỳ. Cách chia này làm mờ cái mốc thế kỷ XVIII, thời điểm đổi thay quan niệm con người trong văn học và là thời điểm chín muồi toàn thịnh của các thể loại văn học Nôm.
  • 36. Chúng tôi tán thành quan điểm phân kỳ của các tác giả Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, chia văn học trung dại Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII là một giai đoạn lớn, từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX (chứ không phải giữa thế kỷ XIX như các tác giả Hợp tuyển) là một giai đoạn lớn. Cách chia này, như sau đây chúng tôi sẽ phân tích thấy, phù hợp với tiến trình tự ý thức của con người trong văn học. Trước thế kỷ XVIII con người trong văn học chủ yếu được khẳng định trong các lý tưởng lớn, vì dân tộc, trong đạo đức phong kiến theo quan điểm Nho giáo hay trong sự siêu thoát với đạo lão, đạo thiền. Từ thế kỷ XVIII trở đi con người trong văn học tự khẳng định mình qua các nhu cầu sống trần tục. Đặc điểm này làm đổi thay căn bản phong cách văn học. Trong 8 thế kỷ đầu còn có thể chia ra hai chặng. Từ thế kỷ X – XIV: sự hình thành và chín muồi các thể loại văn học chữ Hán; và từ thế kỷ XV – XVII là sự manh nha, hình thành và phồn thịnh của văn học Nôm. Còn giai đoạn đầu thế kỷ XVIII là sự chín muồi đạt đến đỉnh cao của văn học Nôm và sự phát triển phong phú thêm của văn học chữ Hán với các thể loại truyện ký mới mang tính chất văn học. Vấn đề phân kỳ vẫn đang là vấn đề được học giới quan tâm. Xu thế chung là ngày càng đi sát vào quá trình vận động của bản thân văn học, tìm dấu hiệu phân kỳ trong bản thân văn học. Về các vấn đề này có thể xem thêm các tài liệu sau: Trần Đình Hượu: Vấn đề chọn mấy năm mốc trong việc phân kì lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đỗ Đức Hiếu: Suy nghĩ về phong cách lớn là phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam; Nguyễn Huệ Chi: Vấn đề phân kì văn học sử Việt Nam trong Tạp chí Văn học số 3 năm 1985 nói trên. Gần đây có các bài của các tác giả Trần Đình Hượu: Xác định cái dân tộc, cái cổ điển làm cơ sở phân kì lịch sử văn học dân tộc trong sách: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Hà Nội 1995; Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại –Những bước đi lịch sử. Tạp chí văn học số 7–1997. Những cách phân kỳ trước đây còn nhiều ý kiến nặng về tiêu chí xã hội, chính trị, mặc dù là tiêu chí này có tầm quan trọng không thể coi nhẹ. Dù sao cách
  • 37. phân kỳ như vậy chủ yếu cũng là căn cứ vào nội dung xã hội, lịch sử của văn học. Xét về mặt thi pháp, chúng tôi cho rằng chia văn học trung đại Việt Nam làm hai giai đoạn bằng cái mốc từ đầu thế kỷ XVIII là thích đáng. Mỗi giai đoạn đều có những quy luật chung về văn học mà chúng tôi sẽ phác hoạ ở các phần sau. II. VĂN HỌC TRUNG ĐẠI NHƯ MỘT LOẠI HÌNH VĂN HỌC 1. Vấn đề loại hình văn học trung đại Vì sao phải xem xét văn học thuộc thời kỳ trung đại như văn học loại hình trung đại? Điều này có cần thiết hay không, và cần thiết đến mức nào? Trước hết, khái niệm loại hình văn học trung đại giúp ta nhận rõ đặc trưng và quy luật chung của các hiện tượng văn học thời trung đại, phân biệt với loại hình văn học mới, hiện đại. Trong các sách văn học sử, trong các công trình nghiên cứu các hiện tượng văn học ấy thường được đặt trong khung biên niên, theo tuần tự triều đại, và do đó nhiều khi không đánh giá đúng các quy luật loại hình. Việc lý giải tác phẩm trung đại theo lối hiện đại hoá. theo các phạm trù hiện đại, hoặc phê phán các biểu hiện nghệ thuật ấy theo các tiêu chuẩn của kiểu văn học hiện đại không phải là hiếm trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học. Chẳng hạn khái niệm văn học nghệ thuật (mỹ thuật), chủ nghĩa hiện thực, tính hiện thực, tính điển hình, cá tính, phong cách cá nhân v.v… đã được sử dụng rộng rãi một thời vào các hiện tượng văn học cổ, và nảy sinh nhiều nhận định chưa được nhất trí, thậm chí bóp méo lịch sử. Thứ hai, khái niệm loại hình văn học trung đại giả thiết xem văn học trong thời trung đại như một hệ thống trong đó các yếu tố tác giả, thể loại, ngôn ngữ, người đọc quan hệ với nhau như một cấu trúc, và sự khác biệt của văn học cổ và văn học hiện đại là do cấu trúc ấy quy định. Cấu trúc văn học ấy tương ứng với một thời đại văn hoá, với mô hình thế giới, với hệ thống giá trị, với phương thức cảm nhận xác định, mà chỉ với các đặc trưng văn hoá ấy người ta mới có thể hiểu được văn học trung đại, như là văn học của một giai đoạn văn hoá khác.