SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  183
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ VÂN ANH
VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG
CHÁO (TRƯỜNG HỢP THÔN NÀ LẦU, XÃ TÂN THANH,
HUYỆN VĂN LÃNG, TỈNH LẠNG SƠN)
Ngành: Văn hóa học
Mã số: 9 22 90 40
LUẬN ÁN TIẾN SỸ VĂN HÓA HỌC
Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Hoàng Cầm
2. TS. Đỗ Lan Phương
Hà Nội - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu đã sử dụng trong luận án là trung thực. Những kết luận trong luận án
chưa có công bố ở bất kỳ công trình khoa học nào.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Nguyễn Thị Vân Anh
LỜI CẢM ƠN
Hoàn thành đề tài, tôi xin trân trọng cảm ơn:
- TS. Hoàng Cầm và TS. Đỗ Lan Phương là những người thầy đã
hướng dẫn trực tiếp cho tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài, cùng các
thầy cô trong Khoa Văn Hóa học của Học viện khoa học xã hội Việt Nam
- Gia đình, bạn bè, những người đồng nghiệp đã luôn sát cánh, tạo mọi
điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình làm nghiên cứu
- Đặc biệt, những người dân, các cán bộ địa phương tại địa bàn tôi
nghiên cứu đã rất nhiệt tình trao đổi, cung cấp thông tin, tư liệu cho tôi để
hoàn thành đề tài này!
DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT
A Ảnh
KH Kế hoạch
NCS Nghiên cứu sinh
Nxb Nhà xuất bản
PL Phụ lục
tr Trang
UB Ủy ban
UBND Ủy ban nhân dân
VHTT Văn hóa thông tin
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
7
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 7
1.2. Cơ sở lý luận 20
1.3. Thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn 26
Chương 2: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG
CHÁO Ở NÀ LẦU TRONG XÃ HỘI CỔ TRUYỀN
40
2.1. Tập tục cộng đồng trong sở hữu và sử dụng tài nguyên 40
2.2. Sản xuất nông nghiệp với các dàn xếp văn hóa – xã hội và kỹ thuật 46
2.3. Các hoạt động buôn bán trao đổi 63
Chương 3: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG
CHÁO Ở NÀ LẦU HIỆN NAY
71
3.1. Bối cảnh chuyển đổi 71
3.2. Quá trình chuyển đổi kinh tế nông – thương nghiệp 79
3.3. Phương thức mưu sinh mới với cơ sở của nền kinh tế trọng tình 88
Chương 4: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG
CHÁO Ở NÀ LẦU: THAY ĐỔI VÀ THÍCH ỨNG
110
4.1. Yếu tố trọng tình trong thực hành sinh kế của người dân Nà Lầu 110
4.2. Yếu tố duy lý trong thực hành sinh kế của người dân Nà Lầu 113
4.3. Văn hóa đảm bảo đời sống – những vấn đề liên quan trong bối cảnh
hiện nay
125
KẾT LUẬN 142
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 147
TÀI LIỆU THAM KHẢO 148
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những chuyến khảo sát thực tế để tìm đề tài cho luận án của
mình về văn hóa ở vùng biên Lạng Sơn sau Đổi mới (1986), một chủ đề đã
từng được phản ánh trong một số công trình gần đây về những thay đổi văn
hóa - xã hội và kinh tế nơi này trong sự thay đổi chung của Việt Nam. Một số
người cho rằng, những thay đổi kinh tế và văn hóa nơi đây theo chiến lược
phát triển vùng biên của nhà nước đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người
dân. Thực tế diễn ra quá trình này đã thu hút tôi tới thôn Nà Lầu (Tân Thanh,
Văn Lãng, Lạng Sơn)- nơi vừa trải qua những năm tháng quy hoạch mở rộng
vùng thương mại cửa khẩu phía Bắc Việt Nam. Tôi đã gặp gỡ và trò chuyện
với những người Nùng Cháo ở đây, quan sát cuộc sống của họ trong những
dãy nhà tại các con phố ở khu buôn bán hay dọc theo tuyến đường giao
thương ở Tân Thanh. Rất khó có thể nhận ra họ đã từng là những người “chân
lấm, tay bùn, một nắng hai sương” trên những thửa ruộng hay mảnh nương
sườn đồi, nay đã thành những “thị dân”. Có lẽ, quá trình thay đổi này đã
không đơn giản khi tôi được nghe tâm sự của bà Xéo, người phụ nữ hơn 60
tuổi có cửa hàng buôn bán ở khu chợ Tân Thanh, rằng: “Bây giờ thì đỡ hơn
nhiều rồi nhưng cũng không phải như mọi người nghĩ là ngày ngày chỉ cần
mở cửa ra là đã có tiền, không còn lo làm ruộng không đủ ăn,... bán hàng lo
lỗ vốn, đi vác hàng bị mệt, bị bắt...”. Bà kể, kinh tế của gia đình trước kia chủ
yếu là từ làm ruộng, làm vườn, thu hoạch chỉ đủ ăn, không có dư thừa. Sau
khi chuyển đổi, bà và các con đã làm rất nhiều nghề: từ làm ruộng, buôn bán
nhỏ cho đến làm “cửu vạn” (vác hàng). Trong quá trình mưu sinh đó, nhà bà
luôn có sự tương trợ giúp đỡ của họ hàng, xóm giềng, song bản thân bà và gia
đình cũng có những toan tính để có một cuộc sống ổn định như hiện nay.
Không chỉ có nhà bà mà hầu hết những người Nùng Cháo sống tại thôn Nà
2
Lầu, sau khi đất nông nghiệp của họ bị chuyển đổi, đều phải trải qua những
giai đoạn tìm kiếm các cách thức mưu sinh không dễ dàng như vậy.
Là một thôn nằm giáp với biên giới Việt - Trung của tỉnh Lạng Sơn và
nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, sinh kế cổ truyền của người Nùng
Cháo ở Nà Lầu, về cơ bản là nền “kinh tế trọng tình” (moral economy), lối
sống thiên về yếu tố tình cảm, sống dựa trên sự tương trợ, giúp đỡ nhau, tính
cố kết cộng đồng cao. Trước những năm 1990, nền kinh tế của họ chủ yếu là
nông nghiệp trồng lúa nước, làm nương rẫy kết hợp với chăn nuôi và buôn
bán nhỏ tại các chợ Na Sầm (huyện Văn Lãng), Đồng Đăng (huyện Cao Lộc),
bên cạnh đó còn thực hiện buôn bán, trao đổi hàng hóa với người dân ở thôn
Pò Chài (Trung Quốc). Khi quan hệ hai nước Việt - Trung trở nên căng thẳng
do cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, hoạt động buôn bán giữa người dân
Nà Lầu (Việt Nam) với người dân Pò Chài (Trung Quốc) bị nghiêm cấm. Từ
năm 1991 trở đi, quan hệ song phương Việt - Trung chuyển sang thời kỳ mới,
chấm dứt cơ bản những căng thẳng, tạo ra sự bình ổn cho cuộc sống người
dân. Năm 1992, khu Kinh tế cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng trên địa bàn
thôn Nà Lầu thì nơi đây đã trở thành nơi giao lưu, trao đổi và mua bán hàng
hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, nhiều hoạt động thương mại
diễn ra rất sôi động. Tác động của việc xây mới và mở rộng vùng cửa khẩu đã
dẫn đến việc toàn bộ người Nùng Cháo ở Nà Lầu mất đất canh tác nông
nghiệp vốn là nguồn tài nguyên chính đã gắn bó với kinh tế nông nghiệp lâu
đời của họ. Hiện nay, các hoạt động sinh kế truyền thống này đã có nhiều thay
đổi so với trước kia, đó là sự đa dạng các phương thức mưu sinh. Kinh tế của
người dân Nà Lầu không còn được xem là “thuần nông” trong tổng thể những
thay đổi về văn hóa bảo đảm đời sống ở đây. Nếu như, trong quá khứ họ phải
tương trợ lẫn nhau để sống, sinh kế của họ vận dụng theo các nguyên lý của
một nền kinh tế trọng tình, thì trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế của đất nước
tuy tạo ra cho họ những cơ hội mới nhưng cũng nhiều gian nan, thử thách. Họ
đã xoay sở để tìm kiếm những phương thức mưu sinh phù hợp, có những ứng
3
xử để có thể đảm bảo được cuộc sống, song cũng không mất đi những cơ sở
đạo lý mà trong quá khứ đã tạo dựng được, đồng thời phải thích ứng với hoạt
động sinh kế trong bối cảnh mới. Vậy, họ đã làm như thế nào để có thể kết
hợp giữa các cơ sở của nền kinh tế trọng tình trước đây với các tính toán kinh
tế mang tính duy lý trong cơ chế thị trường hiện nay? Để nghiên cứu sâu hơn
vấn đề này, tôi chọn đề tài “Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng
Cháo (trường hợp thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh
Lạng Sơn)” làm đề tài luận án Tiến sỹ Văn hóa học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu
Thông qua nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống, trong đó tập trung
chính vào các khía cạnh liên quan đến các thực hành sinh kế, luận án hướng
tới cung cấp một nghiên cứu trường hợp về sự thay đổi trong mô hình sinh kế
và những ứng xử văn hóa đi cùng của người nông dân Việt Nam trong xã hội
đương đại, một chủ đề đã và đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các
nhà khoa học xã hội ở Việt Nam và trên thế giới.
Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khái quát tình hình nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống nói
chung và văn hóa của tộc người Nùng Cháo ở xã Tân Thanh, huyện Văn
Lãng, tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
- Làm rõ các hoạt động sinh kế của người Nùng Cháo trong quá khứ để
nhận thấy vai trò cơ bản của canh tác nông nghiệp trên nền tảng trọng tình của
cư dân nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử.
- Làm rõ các hoạt động sinh kế và các ứng xử liên quan của người
Nùng Cháo hiện nay để nhìn ra sự đa dạng, phong phú, các chiều cạnh chuyển
đổi văn hóa - xã hội và lựa chọn sinh kế trên cơ sở duy lý có sự đan xen với
trọng tình của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế và dịch vụ tại khu
vực cửa khẩu.
4
- Thảo luận về sự kết hợp trọng tình - duy lý trong tư duy và thực hành
sinh kế của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Theo đó là
những vấn đề liên quan đến biến đổi văn hóa - xã hội, nguồn lực lao động,
việc làm, những thách thức trong thực hành sinh kế của người Nùng Cháo.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu
Trọng tâm nghiên cứu của luận án là hoạt động sinh kế của người Nùng
Cháo ở thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) trong
quá khứ và trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay ở vùng biên giới Lạng Sơn.
Phạm vi nghiên cứu
Văn hóa đảm bảo đời sống là khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm ăn,
mặc, ở, đi lại và hoạt động mưu sinh. Trong khuân khổ của luận án này,
Nghiên cứu sinh (NCS) chỉ lựa chọn nghiên cứu và phân tích một trong các
thành tố quan trọng nhất của văn hóa đảm bảo đời sống là các thực hành sinh
kế của người Nùng Cháo cùng những ứng xử văn hóa đi kèm tại thôn Nà Lầu
(Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn) từ trước năm 1986, và sau thời kỳ đổi mới
được tính từ năm 1986 trở lại đây.
4. Phương pháp nghiên cứu của luận án
Từ mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp
nghiên cứu định tính (với phỏng vấn sâu, quan sát tham gia) để thu thập thông
tin, các dữ liệu, cứ liệu phục vụ đề tài. Các câu hỏi phỏng vấn sâu được soạn
thảo dưới hình thức các câu hỏi mở, đôi lúc là gợi ý để đối tượng được phỏng
vấn tự kể chuyện. Nhiều thông tin từ phỏng vấn sâu còn được kiểm tra bằng
thao tác “điều tra chéo”... Phương pháp nghiên cứu định tính cung cấp thông
tin về các tiến trình, động thái, các hành vi kinh tế và các mối quan hệ văn hóa
- xã hội liên quan của người Nùng Cháo ở Nà Lầu. Nguồn tư liệu chính của
luận án là kết quả thu thập thông tin từ quá trình khảo sát điền dã được NCS
thực hiện tại thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn). Cụ thể, từ tháng
1 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017 tác giả đã tiến hành nhiều chuyến điền dã
5
tại địa bàn nghiên cứu, thực hiện được 30 cuộc phỏng vấn sâu và tiến hành
thảo luận nhóm với người dân ở độ tuổi lao động khác nhau, phỏng vấn một
số cán bộ lãnh đạo địa phương. Chủ đề của các cuộc phỏng vấn, thảo luận
nhóm tập trung xoay quanh các vấn đề về chuyển đổi sinh kế và sự thích ứng
trong các loại sinh kế mới, các chính sách liên quan đến môi trường sinh kế
của người dân, mạng lưới xã hội, tập quán và các sinh hoạt văn hóa, quan hệ
cộng đồng. Các nhóm được phỏng vấn bao gồm:
Nhóm thứ nhất, những người già sống trong thôn được phỏng vấn để
tìm hiểu về phương thức mưu sinh mà người dân Nà Lầu đã sử dụng trong
quá khứ, những thói quen, phong tục tập quán, truyền thống tương trợ, chia
sẻ, giúp đỡ nhau trong suốt quá trình chung sống.
Nhóm thứ hai, những phụ nữ ở trong thôn được phỏng vấn để tìm hiểu
về công việc của họ hiện nay, so sánh và đối chiếu với công việc của họ trước
khi xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh có những điểm khác biệt gì?.
Nhóm thứ ba, đối tượng các thanh niên: tìm hiểu công việc hiện tại của
họ, có những chiến lược nào để đảm bảo cuộc sống của bản thân?
Nhóm thứ tư, các các bộ quản lý ở thôn - xã: tập trung tìm hiểu các
quan điểm cá nhân đối với việc chuyển đổi phương thức mưu sinh của người
dân; Những thay đổi trong phong tục và tập quán văn hóa và sinh kế ở địa
phương.
Các cuộc phỏng vấn được thực hiện chủ yếu bằng tiếng phổ thông,
được ghi âm, ghi chép lại với sự đồng ý của những người cung cấp tin. Toàn
bộ tư liệu từ phỏng vấn, ghi chép đều được phục vụ để phân tích, tên của
thông tín viên được mã hóa để đảm bảo nguyên tắc ẩn danh.
Bên cạnh phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, nghiên cứu sinh cũng tham
gia vào các hoạt động văn hóa của người dân, dự các đám tiệc, nghi lễ gia
đình và cộng đồng, tham dự các cuộc hội họp của thôn - bản hay khu kinh
doanh để tìm hiểu thêm các bối cảnh, khơi gợi các vấn đề cho những cuộc
phỏng vấn sâu.
6
Kết hợp với nguồn tư liệu thực địa là tư liệu thứ cấp được tập hợp và hệ
thống, phân tích, từ các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài
nước đã công bố có liên quan tới đề tài. Nghiên cứu sinh cũng tiến hành thu
thập và phân tích các bài báo, tạp chí và các tài liệu có liên quan để có những
thông tin cơ bản về đặc điểm kinh tế, xã hội và bức tranh toàn cảnh về các
loại hình sinh kế mới ở Nà Lầu nói riêng cũng như những thay đổi sinh kế
vùng cửa khẩu Lạng Sơn nói chung. Kèm theo đó là các văn bản, tài liệu, báo
cáo, số liệu thống kê của chính quyền và các ban ngành ở địa phương. Những
ý kiến trao đổi với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa.
Hạn chế của nghiên cứu thực địa: Tuy thông tín viên trong mỗi cuộc
phỏng vấn đều nhiệt tình, hưởng ứng trò chuyện và trả lời câu hỏi do nghiên
cứu sinh đưa ra, nhưng một số thông tin về các dữ kiện xảy ra trong quá khứ
từ phỏng vấn hồi cố không thực sự chính xác. Lý do là, những người già (trên
70 tuổi) hiện còn sống ở Nà Lầu chỉ còn hơn 10 người và không phải tất cả
đều còn minh mẫn. Thêm vào đó, hoạt động sinh kế của một thôn giáp biên
giới Trung Quốc như Nà Lầu là một vấn đề nhạy cảm, NCS đã gặp nhiều khó
khăn khi tiếp cận và phỏng vấn những người chủ hàng, “đầu cửu”, “cửu vạn”.
Việc quan sát và tìm hiểu các cách thức làm ăn, mối hàng, việc vác hàng qua
các đường biên cũng không phải là chuyện dễ dàng, bởi tâm lý đề phòng, e
ngại người lạ của người dân ở đây. Vì vậy, những trình bày và phân tích trong
luận án có thể chưa phản ánh được hết những khía cạnh liên quan đến vấn đề
sinh kế và các ứng xử xoay quanh hoạt động sinh tồn của người Nùng Cháo ở
Nà Lầu.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Là luận án đầu tiên nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống của một
tộc người thiểu số cụ thể, ở một địa bàn mang tính đặc thù là vùng giáp biên
giới Việt - Trung trước những biến đổi về kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện
nay. Kết quả nghiên cứu góp phần phản ánh và giải quyết vấn đề thực tiễn về
7
biến đổi sinh kế - văn hóa nói chung và vùng giáp biên giới nói riêng, đây là
một hướng nghiên cứu mới trong ngành văn hóa.
- Luận án cung cấp một nghiên cứu trường hợp cho bức tranh nghiên
cứu về văn hóa đảm bảo đời sống của người nông dân trong xã hội đương đại.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Về ý nghĩa lý luận: Luận án góp thêm một nghiên cứu về văn hóa đảm
bảo đời sống qua chiến lược sinh kế của người nông dân trong bối cảnh
chuyển đổi, so sánh với các ý kiến đã được thảo luận trong các các công trình
nghiên cứu đi trước ở Việt Nam và Đông Nam Á; cung cấp dữ liệu cụ thể ở
cấp vi mô nhằm bổ sung vào những lý thuyết về sự thích nghi, sự chủ động về
sinh kế của người nông dân ở vùng biên giới.
Về ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn tư
liệu quan trọng, cơ sở thực tiễn để các nhà hoạch định chính sách tham khảo,
vận dụng vào thiết kế, xây dựng các chương trình và chính sách phát triển
sinh kế bền vững ở vùng các tộc người thiểu số Lạng Sơn nói riêng và ở miền
núi Việt Nam nói chung.
7. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục
các công trình của tác giả, phụ lục, luận án bao gồm 04 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa
bàn nghiên cứu
Chương 2: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà
Lầu trong xã hội cổ truyền
Chương 3: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà
Lầu trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay
Chương 4: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà
Lầu: Thay đổi và thích ứng
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Khái quát những nghiên cứu về người Nùng
a. Nguồn gốc, lịch sử
Người Nùng là một trong số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những
nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử của người Nùng cùng với những đặc trưng
văn hóa của họ đã được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau,
trong đó có các công trình đi sâu nghiên cứu từng nhóm Nùng cụ thể.
Về lịch sử của người Nùng các nhà nghiên cứu đề ra hai quan điểm
khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng người Nùng mới di cư sang Việt
Nam được mấy trăm năm. Chẳng hạn, năm 2000, Nguyễn Chí Huyên và các
cộng sự tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, lịch sử tộc người
vùng biên giới phía Bắc Việt Nam đã đưa ra những căn cứ và lý giải về nguồn
gốc của người Nùng một cách chi tiết và cụ thể. Các tác giả chỉ ra rằng:
nguồn gốc xa xưa của tộc danh Nùng có thể bắt nguồn từ dòng họ Nùng- một
trong bốn dòng họ đông người cư trú ở vùng Tả Hữu Giang, tức miền biên
giới Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Những nhóm Nùng
hiện nay vẫn mang tộc danh Nùng mới chỉ di cư sang Việt Nam trong những
thế kỷ gần đây từ 9 - 10 đời, tức khoảng 200 - 300 năm nay. Một trong những
bằng chứng chứng tỏ người Nùng hiện thời cư trú trên lãnh thổ Việt Nam
chưa lâu là những đặc điểm phân bố của họ. Họ ở trong các thung lũng nhỏ
hẹp, không đủ điều kiện làm ruộng nước, thường phải khai thác một phần
thành nương rẫy, còn gọi là thổ canh [38, tr.200]. Trong nghiên cứu trên, các
tác giả còn nhấn mạnh: đại bộ phận người Nùng di cư sang phía Bắc Việt
Nam là từ Quảng Tây (Trung Quốc). Họ đến đây theo từng nhóm và do nhiều
nguyên nhân nhưng chủ yếu là do bị áp bức, bóc lột, bị chèn ép, bị đàn áp và
9
bị tàn sát sau các cuộc khởi nghĩa không thành công. Loạn lạc, cướp bóc cùng
với việc thiếu ruộng đất cũng được cho là nguyên nhân khiến họ thực hiện
những cuộc thiên di lớn sang Việt Nam để mong tìm được nơi sinh sống ổn
định hơn. Quan điểm thứ 2 cho rằng: lịch sử của người Nùng gắn với nguồn
gốc bản địa. Theo Hoàng Nam, tổ tiên của người Nùng chắc chắn đã tham gia
vào việc thành lập nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Lịch sử
còn ghi tên tuổi của Nùng Chí Cao đã một thời là thủ lĩnh của người Tày,
Nùng ở vùng biên giới Việt - Trung [48, tr 8].
Cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) của Viện
Dân tộc học đã đưa ra nhận định: “Người Nùng cùng với các nhóm nói tiếng
Tày - Thái nằm trong khối Bách Việt. Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, ở
lưu vực sông Cầu và sông Hồng, nước Âu Lạc với vị thủ lĩnh Thục Phán đã ra
đời mà người Nùng có thể là một thành phần của nó. Một số các nhà nghiên
cứu khác cho rằng: người Tày và người Nùng là những cư dân có chung một
nguồn gốc, cùng thuộc khối Bách Việt xưa kia” [99, tr.48]. Trong nghiên cứu
về người Nùng Cháo ở Nà Lầu, NCS đồng ý với quan điểm nghiên cứu thứ
nhất cho rằng: người Nùng hiện nay là được di cư từ Trung Quốc sang, với
lịch sử định cư từ 200 đến 300 năm.
Một vấn đề cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đó là tộc danh
Nùng mà trong các công trình của họ đã nêu các tên gọi khác nhau như: Nùng
Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo, Nùng An, Nùng Dín, Nùng Lòi, Nùng
Tùng Slìn, Nùng Quý Rỉn. Sự khác nhau này có liên quan tới các địa danh ở
Trung Quốc trước khi họ di cư vào Việt Nam như: người Nùng Inh di cư từ
Long Anh đến, Nùng Phàn Slình di cư từ Vạn Thành đến, Nùng Cháo di cư từ
Long Châu, Nùng An đến từ An Kết, Nùng Quý Rỉn đi từ Quý Thuận, Nùng
Lòi di cư từ Hạ Lôi, Nùng Tùng Slìn từ Tùng Thiện... Ngoài ra, tên gọi của
các nhóm Nùng còn căn cứ trên đặc điểm về y phục và trang sức của phụ nữ
như: phụ nữ Nùng Phàn Slình Hua Lài thường đội khăn chàm có những chấm
10
trắng; phụ nữ Phàn Slình Cúm Cọt thì mặc áo ngắn ngang mông, đội khăn
chàm có sọc trắng và quấn quanh đầu kiểu khăn xếp.
Liên quan tới người Nùng còn có người Choang đang sinh sống tại
Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) cũng tên gọi khá phức tạp, thể hiện
những ý thức khác nhau trong việc xác định tộc danh. Theo các học giả Trung
Quốc, họ được chia thành nhiều chi, hệ và có nhiều tên tự gọi cũng như tên
gọi khác nhau như: Pu Nong (Bố Nồng), Pù Nong (Bộc Nồng), Pù Lung (Bộc
Long), Long Rén (Long Nhân), Thu Rén (Thổ Nhân), Jin Dai Y (Cân Tải
Y)... Pu hay Pù là hai cách ký tự của một từ gốc, có cách luyến láy khác nhau,
có nghĩa chỉ người hay tộc. Rén là người trong tiếng Hán, còn Jin Dai Y là ý
âm của chữ Cần Tày trong tiếng Tày - Thái [4, tr.104]. Sau năm 1949, tên gọi
thống nhất được xác định ban đầu là Đồng tộc, đến năm 1965 đổi thành Tráng
tộc (nghĩa là người mạnh khỏe). Ở Việt Nam, các nhà dân tộc học thường
dịch theo âm Hán Việt là dân tộc Choang. Trên thực tế, thành phần cơ bản
của dân tộc Choang ở Trung Quốc hiện nay gồm rất nhiều tộc người, trong đó
có các nhóm Tày-Nùng. Người Nùng và người Tày hiện nay vẫn gọi nhau
một cách thân mật là Cần Slửa Khao (người áo trắng- tức người Tày) và Cần
Slửa Đăm (người áo đen - tức người Nùng)
b. Sinh kế
Các nhà nghiên cứu trong nước, khi nghiên cứu về người nông dân Việt
Nam và nhất là cộng đồng người thiểu số sống ở miền núi phía Bắc, đều
khẳng định kinh tế của họ dựa trên những cơ sở của nền kinh tế trọng tình.
Nhận định này được thấy trong công trình của Hoàng Nam (1992), Bế Viết
Đẳng và các cộng sự (1993), Khổng Diễn (1995), Vương Xuân Tình (1993,
2004, 2007), Nguyễn Chí Huyên và các cộng sự (2000), Trần Bình (2005),
Chu Thái Sơn (2006), Ma Ngọc Dung (2007), Bùi Xuân Đính (2009, 2013),
Hoàng Cầm (2014). Các nghiên cứu về dân tộc học, nhân học cũng chỉ ra
rằng, suốt chiều dài lịch sử các tộc người thiểu số sinh sống ở miền núi phía
Bắc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc ở đồng bằng chủ yếu là canh tác lúa
11
nước và làm nương rẫy. Trong đó, những nghiên cứu về dân tộc Nùng cho thấy,
địa bàn cư trú trong tự nhiên là tiền đề quy định hoạt động sinh kế, và nơi sinh
sống của họ là ở các vùng thung lũng. Trong điều kiện như vậy, họ phải vừa
thích nghi với việc khai phá đất bằng để làm ruộng nước (Nà) - tạo nên văn minh
lúa nước, đồng thời vừa phải biết khai thác đất dốc, đất núi để làm nương (Lầy)
và trồng cây khô cạn. Ngoài ra, họ còn có các hoạt động kinh tế mang tính chất
phụ trợ khác như: làm vườn, trồng cây đặc sản, tiểu thủ công nghiệp, săn bắt,
đánh cá. Đặc điểm của canh tác lúa nước ở vùng các dân tộc miền núi là thửa
ruộng nhỏ, thường cách bản làng không xa và nằm ở ven đồi núi, rìa thung lũng
hay ngay trong lòng thung lũng. Họ có kỹ thuật làm đất khá phát triển cũng như
việc dùng phân bón khá thành thạo, có nhiều giống lúa cổ truyền đều cho ra gạo
rất ngon, thơm. Phân công lao động chủ yếu theo giới tính: nam cày bừa, nữ gieo
cấy. Trong canh tác nông nghiệp - ngành kinh tế chủ đạo, cộng đồng nông dân
thường có tập quán tương trợ và giúp đỡ nhau với các hình thức như vần công -
đổi công. Họ thường lập ra các nhóm tương hỗ mà thành viên không chỉ có quan
hệ huyết thống mà còn có quan hệ láng giềng, sự tham gia của mọi người vào
các nhóm đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nền kinh tế nông nghiệp với
các thực hành văn hóa, xã hội và kỹ thuật trong các mối quan hệ mang tính trọng
tình đã giúp cho cư dân miền núi thích ứng với môi trường có độ dốc cao, đem
lại hiệu quả kinh tế, giúp duy trì, bảo vệ khá tốt đa dạng sinh học và môi trường
sinh thái.
Cũng trong công trình nghiên cứu về các dân dân tộc ít người ở Việt
Nam năm 1978, khi giới thiệu thông tin khái quát về văn hóa vật chất của
người Nùng, các nhà dân tộc học mô tả các hoạt động sinh kế của họ một
cách đơn thuần. Ví dụ: “Người Nùng là cư dân nông nghiệp, họ canh tác
ruộng nước một cách thành thạo, tương tự như người Kinh, người Tày. Thế
nhưng, hoàn cảnh cư trú khiến cho người Nùng không thể chỉ sinh sống bằng
nông nghiệp ruộng nước. Nương và rẫy đối với họ có một vai trò quan trọng”
[99, tr.201]. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, kỹ thuật làm rẫy của họ lạc
12
hậu, thô sơ, hoạt động săn bắt, hái lượm tuy giữ một vai trò quan trọng trong
đời sống nhưng chỉ là để bảo vệ mùa màng và cải thiện bữa ăn.
Nghiên cứu của Hoàng Nam (1992) là một trong những tài liệu nghiên
cứu chi tiết đầu tiên về người Nùng. Tác giả đã khái quát toàn bộ những đặc
điểm cơ bản đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần, các phong tục tập quán. Về
đặc điểm kinh tế, tác giả viết: người Nùng “là cư dân sống ở miền núi, có
rừng, có sông, có thung lũng lòng chảo... nguồn sống kinh tế chủ yếu là trồng
trọt các loại cây nhiệt đới; ngoài ra đồng bào còn chăn nuôi gia súc, gia cầm
và phát triển một số ngành nghề thủ công” [48, tr.58]. Tuy nhiên, tác giả cũng
mô tả khá chi tiết các hoạt động canh tác nông nghiệp của người Nùng với
trồng trọt trên ruộng nước và ruộng cạn, các kỹ thuật canh tác, chế tác công
cụ sản xuất, sử dụng đa dạng các giống lúa, các loại hoa màu: đậu xanh, đậu
tương, đậu đũa, lạc, vừng, khoai lang, sắn... các loại cây ăn quả: quýt, hồng,
đào... cây công nghiệp: hồi, trẩu, sở, thuốc lá. Và với người Nùng, trồng trọt
đi cùng chăn nuôi có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống kinh tế của họ cũng như
họ có thêm kinh tế hái lượm, sắn bắt. Ngoài ra, họ còn có đa dạng các nghề
thủ công như: dệt, mộc, đan lát, gốm sứ.
Nghiên cứu về người Nùng của Chu Thái Sơn và Hoàng Hoa Toàn
(2006) đã nêu khái quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến người Nùng như
lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, các ứng xử cộng đồng
trong làng bản, dòng họ, gia đình, hôn nhân, các tập tục trong cưới xin, sinh
và nuôi dạy con, lễ mừng sinh nhật, tập tục ma chay; các hoạt động trong đời
sống tinh thần: tín ngưỡng - tôn giáo, văn học nghệ thuật dân gian, các lễ hội
truyền thống. Về sinh kế của người Nùng, các tác giả cũng chứng minh rằng:
“Dân tộc Nùng là cư dân trồng trọt, cây lương thực chính là cây lúa, sau đến
ngô. Làm ruộng là loại hình kinh tế chủ yếu (nương thổ canh và du canh) ở
nhiều vùng vẫn giữ vị trí đáng kể. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế khác như:
làm vườn, trồng cây đặc sản, tiểu thủ công nghiệp, hái lượm, săn bắt, đánh
cá... là những nghề mang tính chất phụ trợ” [64, tr.24]. Các kỹ thuật canh tác
13
của người Nùng: cày, bừa tương tự như người Tày. Trong quá trình canh tác
họ là những cư dân nắm vững và sử dụng thành thạo các bản tính nông lịch,
biết dựa vào sự thay đổi thời tiết thông qua những biến đổi tự nhiên để điều
chỉnh hoạt động gieo, cấy cho phù hợp. Các tác giả còn có các mô tả về hoạt
động chăn nuôi, giới thiệu các nghề thủ công gia đình như mây tre đan, dệt
vải, rèn, làm ngói. Giống với nghiên cứu của Hoàng Nam (1992), trong
nghiên cứu này, các tác giả cho rằng việc khai thác các sản phẩm có sẵn trong
tự nhiên và hoạt động trao đổi mua bán mang ý nghĩa rất quan trọng trong đời
sống của người Nùng.
Trong một nghiên cứu về tập quán mưu sinh của các dân tộc thiểu số ở
vùng Đông Bắc Việt Nam, Trần Bình (2014) cũng đã chỉ ra những đặc điểm
chung của các dân tộc thiểu số với các mô tả dân tộc học theo các hệ ngôn
ngữ. Sinh kế của người Nùng thuộc nhóm Tày - Thái đều lấy trồng trọt cây
lương thực (trong đó cơ bản là lúa) làm nguồn sống chính. Tác giả khẳng
định: “Với cơ chế vận hành của một nền kinh tế tự cấp, tự túc, được tổ chức
theo quy mô gia đình, cơ cấu các hoạt động mưu sinh của các tộc người nhóm
ngôn ngữ Tày - Thái gồm: trồng trọt cây lương thực, chăn thả gia súc, gia
cầm; thủ công gia đình; khai thác chiếm đoạt tự nhiên” [5,tr.115]. Tác giả
cũng nêu lên việc trao đổi buôn bán được diễn ra trong cộng đồng làng bản và
địa phương, giữa các tộc người với nhau, sản phẩm mang ra trao đổi thường
là các sản phẩm dư thừa.
Tương tự như các nghiên cứu trên khi bàn về sinh kế của người Nùng,
Vương Xuân Tình (2014) nghiên cứu về văn hóa với phát triển vùng biên giới
ở Việt Nam, trong đó tập trung vào nhóm người Nùng ở huyện Cao Lộc
(Lạng Sơn) đã chỉ ra: sinh kế của người Nùng chủ yếu là canh tác ruộng nước,
nương rẫy, làm vườn và trồng rừng. Chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, vịt với
nguồn thức ăn được cung cấp từ sản phẩm trồng trọt (ngô, khoai, sắn). Trồng
rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, với các loại như thông, bạch
14
đàn, sa mộc, chám... Ngoài ra, vào những lúc nông nhàn người dân còn đi làm
thuê: chặt mía, phát bạch đàn, phát rừng bên Trung Quốc [79].
Tóm lại, trong những công trình nghiên cứu về sinh kế của người Nùng
trước đây đều đưa ra những nhận định chung: sản xuất nông nghiệp với trồng
lúa nước, nương rẫy là chính, còn chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và trồng
rừng là phụ. Sinh kế mang tính chất tự cấp tự túc. Bên cạnh những mô tả về
các dạng thức canh tác, việc sử dụng các loại cây, giống,... cũng như chỉ ra
tính chất trọng tình của nền kinh tế tự cấp tự túc với các quan hệ tương trợ,
giúp đỡ nhau trong sản xuất nhưng chưa quan tâm đến những động thái trong
phương thức mưu sinh khi điều kiện sống thay đổi.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử, sinh kế,
những nghiên cứu khác về người Nùng cũng được đề cập đến dưới các khía
cạnh khác nhau: hôn nhân, gia đình, dòng họ, xã hội, phong tục tập quán,
nghệ thuật... của các tác giả như Lã Văn Lô-Đặng Nghiêm Vạn (1968),
Hoàng Quyết (1972), Lê Văn Bé (2001), Hoàng Thị Quỳnh Nha (2003), Nông
Thị Nhình (2004), Hoàng Thị Nhuận, Nguyễn Thị Yên (2005), Đàm Thị
Uyên (2011), Triệu Thị Mai (2007, 2011), Nguyễn Thị Thúy (2012), Hà Đình
Thành (2010), Lê Minh Anh (2014), Nguyễn Thu Minh (2014).... Những
nghiên cứu này góp phần cung cấp thêm thông tin hữu ích về những vẫn đề
liên quan đến đề tài trong quá trình nghiên cứu và viết luận án.
1.1.2. Nghiên cứu về sinh kế của người nông dân trong các bối cảnh
chuyển đổi
Văn hoá đảm bảo đời sống, đặc biệt là hoạt động sinh kế cổ truyền của
người nông dân, nông thôn châu Á là chủ đề nghiên cứu được quan tâm nhiều
trong ngành nhân học, dân tộc học và nghiên cứu văn hoá.
McElwee (2007) trong công trình nghiên cứu về sinh kế của người
nông dân ở vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Việt Nam- “From the Moral Economy
to the World Economy: Revisiting Vietnamese Peasants in the Globalizing
Era”(Từ nền kinh tế đạo đức đến nền kinh tế thế giới: Xem xét lại người nông
15
dân trong bối cảnh toàn cầu hóa) phát hiện ra rằng: mặc dù có những thay đổi
xuyên suốt thế kỷ XX trong cơ cấu lao động làng xã, trong tự nhiên, sở hữu
đất đai, tổ chức kinh tế - chính trị, người nông dân Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục duy
trì nhiều khía cạnh của một nền kinh tế trọng tình. Tác giả chỉ ra, sau những
tàn phá kinh tế trong chiến tranh từ những năm 1950-1970, những người nông
dân ở Nghệ Tĩnh chỉ thực hành một nền kinh tế khép kín, các quan hệ có đi có
lại (vần công, đổi công) vẫn đặc biệt quan trọng đối với những nông dân sở
hữu ít đất đai, duy trì cuộc sống với mô hình gia đình nhỏ. Việc mở cửa
chuyển dịch nền kinh tế thị trường theo xu thế toàn cầu hóa dẫn đến việc mọi
hàng hóa nông nghiệp đều có thể sản xuất và đáp ứng các nhu cầu của toàn
cầu. Song, người dân ở đây không thay đổi hoàn toàn hoạt động sinh kế và
triết lý mưu sinh theo định hướng từ các chính sách chuyển dịch kinh tế được
đưa vào từ bên ngoài. Họ không dựa trên giá trị lợi nhuận của các loại cây mà
chỉ trồng những gì họ thích ăn và dựa vào tập quán trồng cây đã tồn tại lâu dài
trong lịch sử canh tác của họ [113, tr.58]. Đa số nông dân quyết định không
chuyển từ trồng lúa có năng suất thấp sang trồng ngô lai vốn hứa hẹn một thu
nhập cao hơn. Theo tính toán của nông dân ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), “lúa là
loại cây họ biết rõ nhất phải canh tác ra sao, luôn có thị trường do nhà nước
đảm bảo, và là thứ mọi người thích ăn nhất” [113, tr.78], điều này thể hiện
việc họ muốn giữ nguyên những cơ sở đạo lý của nền kinh tế trọng tình.
McElwee chứng minh: “tương hỗ là hành động xã hội”, “tái phân phối thu
nhập là nghĩa vụ xã hội”, “tránh rủi ro là chiến lược xã hội”, “phụ thuộc vào
đất công là quyền xã hội” là những đặc trưng của cộng đồng nông dân Hà
Tĩnh trong truyền thống và trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay. Tác giả kết
luận, mặc dù sinh kế của người dân thay đổi, nhất là người nông dân hiện đại
và nền kinh tế trọng tình, song các quan hệ được duy trì để đảm bảo đời sống
khi sản xuất nông nghiệp truyền thống theo triết lý “an toàn là trên hết” vẫn
còn được thực hành một cách phổ biến, đặc biệt là các dàn xếp kỹ thuật và xã
hội để tương trợ nhau giữa các nhóm xã hội theo hướng “có đi có lại”. Nó
16
không chỉ là hoạt động của lòng nhân ái giữa những người bạn hay là một
nghĩa vụ một cách miễn cưỡng giữa những người họ hàng, mà “có đi có lại”
là một sự trao đổi phức tạp dựa vào các mối quan hệ xã hội. Phân phối và thu
nhập như một nghĩa vụ mà những người nông dân thực hiện để mang lại sự
gắn kết hơn trong làng [113, tr.71].
Jenifer Sowerwine (2006) trong công trình “Changing State and
Market Rules: agrarian transformations and the emergence of a moral-
market economy in the highlands of Ba Vi, Viet Nam” (Việc thay đổi nhà
nước và các quy tắc thị trường: chuyển đổi ruộng đất và sự xuất hiện nền kinh tế
đạo đức- thị trường ở vùng núi Ba Vì, Việt Nam) đã phác thảo việc tái định cư
của người Dao ở vùng núi Ba Vì, mô tả các mô hình và quá trình sử dụng đất
trong các chính sách mới của chính phủ, các nguồn lực kinh tế thị trường xuất
hiện cũng như các quan hệ xã hội chi phối các kết quả của họ. Trong đó là
những phân tích về các mô hình thu nhập, sự chi tiêu cũng như tiếp cận với các
chương trình tín dụng để chứng minh cho chiến lược sinh kế trong bối cảnh căng
thẳng của việc chiếm hữu đất đai còn nhiều bất ổn. Tác giả đã dựa trên khuôn
khổ của nền “kinh tế đạo đức - thị trường” để phân tích các quá trình biến đổi đất
nông nghiệp và đặc biệt là các nguồn lực sản xuất trong chiến lược sinh kế của
người Dao. Không còn sống du canh, du cư, sinh kế của họ chủ yếu dựa vào
vườn, diện tích trồng lúa nước không đáng kể song vẫn chiếm một vị trí quan
trọng ở đây. Các chính sách giao đất, chương trình trồng rừng của nhà nước với
mục đích xóa đói, giảm nghèo đã phản ánh một nỗ lực của nhà nước nhằm kiểm
soát con người và các nguồn lực ở vùng cao. Từ việc nghiên cứu sự tham gia vào
các chương trình trồng rừng, tác giả chỉ ra sự không tương xứng đối với người
dân, vẫn còn sự phân biệt xã hội, sự quan liêu, tất cả đã ảnh hưởng đến cuộc
sống người dân. Nhưng, người dân đã thành công trong việc phát hiện ra ranh
giới để có thể đáp ứng cơ hội thị trường mới và sự tích lũy của cải. Họ biết chủ
động dựa vào các mối quan hệ với lãnh đạo thôn để được tiếp cận nguồn lực sản
17
xuất, góp phần đảm bảo sinh kế, có sự tích lũy nhất định thông qua việc trồng
sắn, trồng lúa và làm vườn [116].
Khi nghiên cứu về “Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp
hóa: Nghiên cứu trường hợp làng Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội”, Nguyễn
Giáo (2016) đã dựa trên quan điểm về tính duy lý trong kinh tế và chứng
minh: người nông dân trong bối cảnh chuyển đổi về kinh tế đã biết tận dụng
các mối quan hệ xã hội để làm ăn. Trong nghiên cứu này, những người nông
dân sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi
bị thua lỗ trong làm ăn họ lại không nhờ vào sự giúp đỡ của các mối quan hệ
họ hàng mà đi vay lãi qua các mối quan hệ bên ngoài để tránh các nguy cơ
ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, họ hàng. Tác
giả cũng phân tích rõ các phương thức để họ tạo dựng, duy trì và phát triển
các mối quan hệ xã hội, người nông dân luôn có những tính toán để gia tăng
tư lợi [28].
Trong bối cảnh về những người nông dân bị thu hồi đất cho các dự án
phát triển đô thị, xây dựng các khu công nghiệp ở ven đô Hà Nội, Nguyễn
Văn Sửu (2014) đã chỉ ra các cơ hội và thách thức đối với sinh kế của họ
trong quá trình chuyển đổi này. Tác giả tìm hiểu về các quá trình, các tác
động từ bên trong và bên ngoài, kết hợp với việc phân tích bối cảnh, hệ quả
của sự chuyển đổi, lý giải việc tiếp cận, sử dụng, phân phối các nguồn vốn,
những cách thức mà cá thể và hộ gia đình đã sử dụng để tận dụng các điều
kiện có thể để ứng phó với những chuyển đổi diễn ra. Tác giả đồng thời nhấn
mạnh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nổi bật là việc thu hồi quyền sử
dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân để xây dựng các khu đô
thị, khu công nghiệp hay cơ sở hạ tầng đô thị đã làm chuyển đổi mạnh mẽ
cuộc sống và chiến lược sinh kế của nhiều hộ nông dân. Các quá trình này
mang lại cho người nông dân những cơ hội sinh kế mới, họ đã thích ứng, chủ
động với việc chuyển sang các loại hình sinh kế mới, chuyển đổi từ nông
18
nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, giúp cải thiện, tăng thêm nguồn thu nhập,
tăng thêm mức sống cho các hộ dân [66].
Nghiên cứu về những nỗ lực kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống
của người dân ở cộng đồng Thái - Lào tại vùng Đông Bắc Thái Lan, Keyes
(1983) trong công trình nghiên cứu “Economic action and Buddhist Morality
in Thai Village”(Hành vi kinh tế và đạo lý Phật giáo ở một làng người Thái)
đã chứng minh: sinh kế của người nông dân được đặt trong mối liên hệ với
văn hóa Phật giáo và kinh tế chính trị. Trong khi đời sống kinh tế của người
dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi so với các khu vực khác ở Thái Lan, họ còn
phải đối phó với các quan chức “hách dịch” đã khiến cho việc tiếp cận các
hoạt động kinh tế một cách khó khăn hơn khi muốn cải thiện cuộc sống. Để
thay đổi, họ đã dựa vào một nền kinh tế trọng tình với thế giới quan Phật giáo.
Các hành vi kinh tế của người nông dân diễn ra chủ yếu trong mối liên hệ với
những hộ gia đình mà họ có các mối quan hệ chính yếu. Họ luôn tìm cách gia
tăng tư lợi, lợi ích của gia đình, không chỉ liên quan đến những điều kiện kinh
tế - chính trị ràng buộc cuộc sống mà còn liên quan nhiều đến những đòi hỏi
của xã hội, đó là việc sống trong một cộng đồng có luân lý và đạo đức. Để gia
tăng mức sinh tồn, những người dân ở Ban Nông Tun đã sử dụng các chiến
lược sinh kế khác nhau như: sử dụng các giống lúa mới, kết hợp bón phân hóa
học, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các nghề thủ công, sản xuất than củi,
chứng tỏ một thực tế rằng: người dân ở đây cũng đã chủ động có những tính
toán để thích ứng với những động cơ thúc đẩy kinh tế mới [111]. Nghiên cứu
của Keyes đã cho thấy, trong chiến lược sinh kế của người dân vùng Đông
Bắc Thái Lan có sự đồng nhất giữa yếu tố trọng tình và duy lý.
Nghiên cứu về quá trình chuyển đổi phương thức mưu sinh của người
dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh
tế nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ với nhiều mô hình chuyển dịch, trong đó nổi
lên là chuyển dịch từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm thương mại,
công trình nghiên cứu “Từ lúa sang tôm - hành vi giảm thiểu rủi ro và khai
19
thác vốn xã hội của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” của Ngô Thị
Phương Lan (2014) đã dựng lại một bức tranh sản xuất thương mại ở đây để
tìm hiểu bản chất hành vi kinh tế của người nông dân. Người nông dân ở vùng
đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh nhạy trong việc thích ứng với việc sản
xuất thị trường. Theo hướng tiếp cận về rủi ro và vốn xã hội, tác giả đã miêu
tả chi tiết và phân tích phương thức mưu sinh nổi bật mới xuất hiện, đặt trong
các khía cạnh lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Trường hợp người
nông dân trong quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm đã thể hiện
rõ lối tư duy duy lý theo hướng tiếp cận của Popkin (1979), song chiến lược
giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như chuyển đổi dần các mảnh ruộng của gia đình
làm đầm nuôi tôm, đầu tư vào các mạng lưới xã hội để phát triển kinh tế và
giảm thiểu rủi ro khi mất mùa, thể hiện sự kết hợp giữa yếu tố trọng tình và
duy lý trong kinh tế để phù hợp với bối cảnh mới [40].
Nghiên cứu về người H’Mông ở làng Lao Chải (Sapa), trong tiểu luận
“Tourism development and changing labor relations in Sa Pa, Northwestern
Viet Nam” (Phát triển du lịch và sự thay đổi quan hệ lao động ở Sa Pa, Tây
Bắc Việt Nam) của Dương Bích Hạnh (2006) cho thấy rõ sự thích ứng nhanh
nhạy với loại hình sinh kế mới của người H’Mông. Trong bối cảnh khi mới di
cư đến Việt Nam, cuộc sống của người H’Mông rất tốt vì có nhiều đất rừng
cho họ khai phá trồng ngũ cốc, trồng thuốc phiện, trồng bông và buôn bán
nhỏ với người dân bên Trung Quốc. Nhưng sau đó, cuộc sống của họ gặp khó
khăn hơn khi đất canh tác ngày càng ít, dân số ngày một tăng lên. Từ những
năm 1990, du lịch ở Sapa phát triển dẫn đến tình hình xã hội ở Lao Chải có sự
thay đổi đột ngột, trong đó có thay đổi về sinh kế của người H’Mông theo
hướng thích ứng với thị trường du lịch. Người H’Mông đã mang bán những
đồ cũ định vứt đi (áo, khăn cũ) nhưng lại phát hiện ra khách nước ngoài rất
thích, do vậy họ đã mang đi bán để kiếm tiền. Một phương thức mưu sinh mới
xuất hiện, đó là, họ trở thành người bán hàng rong và phục vụ chỗ nghỉ cho
khách du lịch. Các cô gái H’Mông tham gia vào các hoạt động du lịch đã
20
đóng góp thêm vào thu nhập ngân sách cho gia đình, song họ lại không có
thời gian để thêu các đồ thêu cho mình vào các dịp lễ tết nên đã thuê những
người phụ nữ lớn tuổi H’Mông làm thay, dẫn đến xuất hiện mối quan hệ lao
động làm thuê [93]. Nghiên cứu này cũng chứng minh, bên cạnh những tính
toán để gia tăng tư lợi thì những người H’Mông vẫn có sự tương trợ lẫn nhau
trong hoạt động kinh tế.
Với công trình “Imaginative and adaptive economic strategies for
Hmong livelihoods in Lao Cai Province, Northern Viet Nam (Các chiến lược
kinh tế mang tính thích ứng và tưởng tượng của người H’Mông ở Lào Cai,
phía Bắc Việt Nam), Jean Michaud và Sarah Turner (2008) đã nghiên cứu
theo hướng tiếp cận sinh kế nhưng không nhằm vào điều tra các lợi ích tài
chính hay sản lượng lương thực. Các tác giả tập trung vào các khía cạnh xã
hội, văn hóa, chính trị ở vùng cao tác động như thế nào tới người H’Mông để
họ có được chiến lược sinh kế và có thể duy trì quyền tự chủ, quyền quyết
định lựa chọn hình thức kinh tế - xã hội cũng như sáng tạo văn hóa. Nhà nước
hỗ trợ chính sách cho những người H’Mông sử dụng giống lúa lai mới để
nhằm hiện đại hóa vùng cao, tăng năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực,
từ đó dẫn đến những biến đổi sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy
nhiên, do điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt nên trồng lúa chỉ đủ để ăn
bởi mỗi năm họ chỉ thu hoạch được một vụ. Để bổ sung cho nguồn thu nhập
của gia đình, họ đã chủ động tham gia vào thương mại quy mô nhỏ thông qua
việc bán sản phẩm dệt may, vật nuôi, gạo và rượu ngô [119].
Trong một nghiên cứu khác của Sarah Turner và Christine Bonnin
(2011): “At what price rice? Food security, livelihood vulnerability and state
interventions in upland Northern Viet Nam” (Thời điểm giá gạo nào? An ninh
lương thực, tổn thương sinh kế và sự can thiệp của nhà nước ở miền núi phía
Bắc Việt Nam), các tác giả đã đề cập đến chiến lược sinh kế thích ứng của
người H’Mông ở tỉnh Lào Cai, chủ yếu dựa trên sự kết hợp hoạt động tự cung
tự cấp và các hoạt động thương mại, ngoài ra còn có săn bắt, hái lượm. Sinh
21
kế hộ gia đình cũng rất đa dạng do việc buôn bán lâm sản, sản phẩm phụ của
nông nghiệp như thảo quả, rượu ngô. Nghiên cứu của hai tác giả còn tập trung
phân tích mạng lưới thương mại và sinh kế của một số phụ nữ H’Mông tại Sa
Pa, chú trọng đến việc tìm hiểu các nguồn vốn, mạng lưới xã hội của họ. Từ
việc buôn bán quần áo, hàng dệt may, người phụ nữ H’Mông đã đan xen kết
hợp việc bán các loại quần áo cũ song song với việc may quần áo mới để tăng
sự đa dạng nguồn tài chính. Họ đã có những tính toán để đa dạng hóa sinh kế
với các lý do bao gồm cả sự hưởng thụ của xã hội trên thị trường. Ngoài ra,
nghiên cứu cũng cho thấy sự tham gia của những phụ nữ trong các hoạt động
lao động tiền lương, khi nào bị bế tắc hoặc rủi ro thì họ lại quay về làm các
công việc gia đình [106]. Các quá trình đan xen của đa dạng sinh kế có chọn
lọc của những người phụ nữ H’Mông diễn ra trong các mối quan hệ xã hội
khác nhau. Mỗi chuỗi hàng hóa họ tham gia cho thấy một phân đoạn của xã
hội, song kinh tế của họ chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp mặc dù có các cơ
hội kinh doanh mới đang được hình thành. Như vậy, đa dạng sinh kế để tăng
thêm nguồn thu nhập cho gia đình cũng là một phương thức được nhiều người
nông dân sử dụng trong quá trình mưu sinh của họ.
Tóm lại, thông qua tổng quan các công trình nghiên cứu đi trước về
người Nùng và sinh kế của người nông dân nói chung, có thể thấy các nghiên
cứu trước đây đã khái quát khá đầy đủ, chi tiết về đời sống kinh tế cũng như
truyền thống văn hóa của người dân một cách có hệ thống. Trong đó, lịch sử
định cư, đời sống xã hội, ứng xử văn hóa, quan hệ hôn nhân và dòng họ, thôn
bản được mô tả khá cụ thể. Sinh kế của người nông dân trong các bối cảnh
khác nhau cũng được chỉ ra theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy
nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc mô tả các hoạt động sinh kế truyền thống hoặc
diễn tả sự thay đổi sinh kế mà chưa đi sâu phân tích cơ sở văn hóa - xã hội
bên trong hoạt động đó thì chưa thể hiểu được rõ lý do của những thay đổi
bên trong nó, nhất là khi nền kinh tế chịu nhiều sự tác động từ bên ngoài dẫn
đến các hoạt động sinh kế truyền thống bị thay đổi. Với tính chất là một luận
22
án thuộc chuyên ngành Văn hóa học, NCS sẽ tiếp thu, kế thừa những luận
điểm của các công trình đã nêu, đồng thời tiếp tục làm rõ những vấn đề chưa
được nghiên cứu, hoặc đã được đề cập nhưng còn ở mức độ tổng quát: các
thực hành sinh kế của người nông dân, các ứng xử văn hóa kèm theo...sẽ được
đưa vào nội dung luận án.
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.1. Một số khái niệm liên quan
Trước khi đi sâu tìm hiểu về văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng
Cháo ở Nà Lầu cùng các vấn đề liên quan, trước hết luận án sẽ khái quát về
mặt khái niệm: văn hóa, văn hóa đảm bảo đời sống để từ đó có cơ sở nghiên
cứu và bàn luận thực tiễn.
Với khái niệm văn hóa, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng văn hóa là những
vấn đề liên quan tới con người, nó xuyên suốt mọi thời đại, chính vì vậy cho tới nay
đã có rất nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa của các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước. Theo Eduard Burnett Tylor: “Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất của
nó là toàn bộ phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp,
phong tục và những tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành
viên của xã hội” [35, tr.7]. Học giả A.A Belik đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Văn
hóa là phương thức hoạt động sống đặc biệt của con người, làm xuất hiện nhiều
phong cách sống, các dạng thức vật chất để biến đổi thiên nhiên và sáng tạo các giá
trị tinh thần” [35, tr.8].
Theo Bách khoa toàn thư Pháp: ‘‘Văn hóa theo nghĩa rộng là tập tục,
tín ngưỡng, ngôn ngữ, tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ, những hiểu biết kỹ thuật
cũng như toàn bộ việc tổ chức môi trường của con người, những công cụ, nhà
ở... và nói chung là toàn bộ công nghiệp có thể truyền lại được, điều tiết
những quan hệ và những ứng xử của một nhóm xã hội với môi trường sinh
thái của nó’’ [35, tr.9]
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội cũng đưa ra các định
nghĩa khác nhau về văn hóa. Định nghĩa về văn hóa của Giáo sư Hà Văn Tấn
23
như sau: “Văn hóa là hệ thống ứng xử của con người với thiên nhiên và xã hội
trong hoạt động sinh tồn của mình. Nói khác đi văn hóa là sản phẩm của con
người trong mối quan hệ tương tác với tự nhiên và xã hội diễn ra trong không
gian, thời gian và hoàn cảnh nhất định” [35,tr10]. Trong công trình Cơ sở văn
hóa Việt Nam, Giáo sư Trần Ngọc Thêm đưa ra định nghĩa: “Văn hóa là một
hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và
tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người
với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [72, tr.12].
Như vậy, các định nghĩa được trình bày ở trên đã đem đến những hiểu
biết và nhận thức phong phú về văn hóa, đều đi đến quan điểm thống nhất
rằng: văn hóa là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần, là kết quả của
các hoạt động của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Văn
hóa còn gắn với một cộng đồng người nhất định, được sáng tạo và tích lũy,
tạo thành bản sắc riêng của cộng đồng đó. Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa
đảm bảo đời sống là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều thành tố bên trong
như: ăn, mặc, ở, sinh kế, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo... góp phần đảm bảo
cuộc sống cho con người. Trong những yếu tố để đảm bảo đời sống đó thì
sinh kế được coi là yếu tố quan trong nhất, bởi khi sinh kế được ổn định thì
các vấn đề kéo theo như ăn, mặc, ở... mới được đảm bảo.
Theo Bách khoa thư mở điện tử (Wikipedia), sinh kế (livelihood) là
hoạt động kiếm sống của con người thông qua việc sử dụng các nguồn lực
(con người, tự nhiên, vật chất, tài chính, xã hội…) trong một môi trường dễ bị
tổn thương có sự quản lý của các tổ chức, định chế, chính sách. Khi hoạt động
sinh kế thích ứng, hoặc tránh được các tác động tiêu cực từ môi trường dễ bị
tổn thương, đồng thời bảo đảm việc duy trì và phát triển được các nguồn lực
trong cả hiện tại và tương lai thì được coi là sinh kế bền vững.
Trong Từ điển tiếng Việt (1999): sinh kế được hiểu theo cách thông
thường nhất là việc làm, kế sinh nhai hay cách mưu sinh, kiếm sống. Với nhà
nghiên cứu Bùi Đình Toái (2004), sinh kế được hiểu là một tập hợp các nguồn
24
lực và khả năng của con người kết hợp với những quyết định và hoạt động mà
họ sẽ thực hiện để không những kiếm sống mà còn đạt đến mục tiêu đa dạng
hơn. Hay nói cách khác, sinh kế của một hộ gia đình, hay một cộng đồng còn
được gọi là kế sinh nhai hộ gia đình hay cộng đồng đó.
Các nhà nghiên cứu Robert Chambers và Gordon Conway (1991) cho
rằng: sinh kế bao gồm những năng lực, tài sản (nguồn lực vật chất và xã hội),
và những hoạt động đáp ứng cho việc sống [108].
Như vậy, sinh kế là hoạt động tất yếu của con người để tồn tại, là cách
thức con người tác động vào tự nhiên, môi trường để tạo ra của cải vật chất
nhằm đảm bảo cho cuộc sống sinh tồn của mình. Sinh kế có quan hệ mật thiết
với văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa nhận thức cũng như có mối
quan hệ mật thiết với các yếu tố môi sinh (tự nhiên và xã hội), có sự giao lưu
và trao đổi với các cộng đồng khác. Nghiên cứu về sinh kế sẽ tìm hiểu được
nhiều dữ kiện quan trọng liên quan đến việc tìm hiểu nguồn gốc, quá trình tộc
người, quá trình thiên di, ảnh hưởng và giao lưu văn hóa, đặc biệt là hiểu
được về hệ thống các tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp đã
được tích lũy và lưu truyền qua nhiều thế hệ, với mỗi tộc người lại có những
phương thức, cách thức ứng xử khác nhau trong việc tồn tại và phát triển để
tạo nên sự đa dạng về sinh kế, góp phần hiểu được sắc thái văn hóa riêng biệt
của từng tộc người.
Ngoài ra, bên trong luận án, nghiên cứu sinh cũng sử dụng một số khái
niệm như: kinh tế trọng tình, là các hoạt động kinh tế dựa trên những quan hệ
tình cảm với sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ngoài những tính toán lợi ích vật
chất, đề cao tính cộng đồng; kinh tế duy lý, là các hoạt động kinh tế được dựa
trên những tính toán để đạt được mục đích vật chất, đề cao tính cá nhân, tư
lợi, chấp nhận rủi ro để gia tăng mức sinh tồn.
1.2.2. Cơ sở lý luận
Ở mỗi một cộng đồng dân cư khi sinh kế của họ bị tác động bởi một
hay nhiều nguyên nhân nào đó, có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ
25
quan, đều dẫn đến họ buộc phải chuyển đổi cách thức mưu sinh vốn đã quen
thuộc hàng ngày sang hình thức mưu sinh mới, diễn ra với nhiều sự thích ứng
khác nhau, nhưng trong đó đều thể hiện rõ sự tính toán và chủ động của người
dân trong quá trình chuyển đổi sinh kế. Để nghiên cứu vấn đề văn hóa bảo
đảm đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong bối cảnh chuyển đổi mà
nội dung chính là các thực hành sinh kế, NCS tiến hành tìm hiểu những công
trình đi trước có hướng tiếp cận liên quan. Việc tập hợp tài liệu, phân tích và
hệ thống lại các kết quả nghiên cứu đi trước được trình bày theo các vấn đề,
làm rõ các hướng tiếp cận để từ đó xác lập cơ sở lý luận, xây dựng khung
phân tích của đề tài.
Trong các công trình nghiên cứu xung quanh vấn đề liên quan đến sinh
kế, các chiến lược thích ứng với sự đa dạng sinh kế của người nông dân ở
những vùng nông thôn trong các bối cảnh khác nhau đã cho thấy, ở mỗi hoàn
cảnh, người dân luôn tìm cách để đảm bảo an ninh sinh tồn, thích ứng để phù
hợp với hoàn cảnh mới. Có hai xu hướng nghiên cứu chính nổi lên:
Hướng thứ nhất cho rằng: người nông dân luôn sống dựa trên những cơ
sở của nền kinh tế trọng tình. Một trong những học giả có ảnh hưởng đến lĩnh
vực nghiên cứu này là nhà nhân học, chính trị học Jame Scott. Trong công
trình nghiên cứu được coi là kinh điển “The moral economy of the Peasant:
Rebellion and Subsistence in Southeast Asia” (Kinh tế trọng tình của nông
dân: nổi loạn và tự cấp tự túc ở Đông Nam Á) đã chỉ ra đặc trưng của nền
kinh tế cổ truyền của người nông dân Đông Nam Á: sinh kế truyền thống của
họ, dù ở đồng bằng hay miền núi, canh tác nương rẫy hay ruộng nước, đều
chia sẻ một nền kinh tế trọng tình và bị chi phối bởi cái mà Jame Scott gọi là
“đạo lý tự cấp tự túc” (subsistant ethic) theo nguyên tắc “an toàn là trên hết”.
Người nông dân có xu hướng tránh thực hành các hành vi có thể tạo ra rủi ro,
đặc biệt là làm cho đời sống kinh tế của gia đình rơi xuống dưới ngưỡng sinh
tồn, nên luôn thực hiện nguyên tắc trên. “Sống cận ngưỡng sinh tồn, phụ
thuộc vào sự thất thường của thời tiết và sự đòi hỏi của người bên ngoài, hộ
26
nông dân không có cơ hội cho việc tính toán tối đa hóa lợi ích theo truyền
thống của kinh tế học tân cổ điển” [115, tr.4]. “Sống dưới mức sinh tồn không
chỉ là vấn đề có nguy cơ thiếu nguồn lương thực, thực phẩm cần thiết mà về
mặt vấn đề văn hóa và xã hội nó là sự chịu đựng một mất mát sâu sắc về vị trí
trong cộng đồng và có thể mãi mãi sống trong tình trạng phụ thuộc” [115,
tr.9]. Vì sống ở cận ngưỡng sinh tồn nên nỗi sợ thiếu lương thực là nguồn gốc
tồn tại của đạo đức sinh tồn. Theo đó, họ muốn sống trong hoàn cảnh dù có
thu nhập thấp nhưng an toàn hơn là thu nhập cao nhưng có thể gặp nhiều rủi
ro, có nguy cơ rơi xuống dưới ngưỡng sinh tồn. Tuy nhiên, cũng theo Jame
Scott, nguyên tắc “an toàn là trên hết” không có nghĩa là người nông dân
không bao giờ chấp nhận rủi ro. Khi nào những cải tiến về mùa màng, hạt
giống, kỹ thuật canh tác hay sản xuất tạo ra thị trường có khả năng đem lại ích
lợi hơn, ít hoặc không gây rủi ro cho an ninh sinh tồn thì họ sẽ sẵn sàng tham
gia. Đối với những người nông dân sống ở cận ngưỡng sinh tồn theo hướng
tiếp cận kinh tế trọng tình này thì nhu cầu sinh tồn mới là mối quan tâm lớn
nhất cuả họ. Nhu cầu này cũng chính là nền tảng chi phối hành vi của nông
dân, khiến cho họ không chấp nhận rủi ro.
Hướng nghiên cứu thứ hai cho rằng: người nông dân luôn duy lý trong
sinh kế, với nghiên cứu của Samuel Popkin (1979) có quan điểm đối lập với
Jame Scott (1976) được trình bày ở trên. Trong công trình nghiên cứu “The
Rational Peasant” (Người nông dân duy lý), với cách tiếp cận “political
economy” (kinh tế chính trị), nông dân Việt Nam được xem là những người
luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội, chấp nhận rủi ro để gia tăng mức sinh tồn. Tác
giả cho rằng, người nông dân thường sẵn sàng đánh cuộc vào các cải tiến khi
vị trí của họ được đảm bảo không bị thất bại [114, tr.21]. Họ tham gia vào các
hoạt động của thị trường không phải đó là giải pháp cuối cùng mà coi đó là
một cách để đáp ứng với những cơ hội mới, vì thị trường và có sự can thiệp
của chính quyền trong một số tình huống có thể gia tăng phúc lợi của nông
dân ở tầng lớp thấp [114, tr.33]. Cũng theo Popkin, khái niệm tư lợi được mở
27
rộng hơn so với kinh tế học tân cổ điển ở chỗ người nông dân không chỉ đơn
thuần quan tâm đến hàng hóa vật chất hay thu nhập tiền bạc. Tính duy lý của
người nông dân được thể hiện trong việc họ sẽ lựa chọn quyết định nào mà họ
tin là sẽ tối đa hóa lợi ích mong đợi của họ một cách tư lợi, mà mối quan tâm
là sự thịnh vượng và an toàn của bản thân và gia đình [114, tr.31].
Ngoài những nghiên cứu về người nông dân theo hướng trọng tình, duy
lý thì cũng có những nghiên cứu chỉ ra không chỉ đơn thuần xem xét về người
nông dân trên hai yếu tố này, mà còn có một khía cạnh khác, đó là sự kết hợp
đan xen của cả yếu tố trọng tình và duy lý, như nghiên cứu của Keyes (1983)
về người nông dân Đông Bắc Thái Lan, hay nghiên cứu của Ngô Thị Phương
Lan (2014) về người nông dân nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã được
trình bày phía trên,...
Do vậy, cơ sở lý luận để nghiên cứu cho mỗi một trường hợp có những
nét tương đồng song cũng có những sự khác biệt. Với trường hợp nghiên cứu
về “Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (trường hợp thôn Nà
Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)” ở phạm vi một luận
án Tiến sỹ, NCS xác định cơ sở lý luận dựa trên việc kế thừa các luận điểm và
các cách tiếp cận khác nhau về sinh kế đã được thảo luận, xung quanh quan
điểm về kinh tế trọng tình, duy lý hay là sự kết hợp của cả hai yếu tố khi
nghiên cứu về người nông dân trước bối cảnh chuyển đổi. Theo đó, nội dung
luận án là những phân tích, bàn luận về sinh kế của người Nùng Cháo ở Nà
Lầu trong bối cảnh chuyển đổi, sự chủ động, thích ứng của họ trong các
phương thức mưu sinh mới. Đồng thời, tìm hiểu và phân tích bối cảnh đã tác
động trực tiếp dẫn đến sự chuyển đổi sinh kế của người dân, cùng với các cơ
sở sinh kế trong xã hội cổ truyền cũng được mô tả và phân tích. Các phương
thức được người dân sử dụng để đảm bảo cuộc sống, các cách ứng phó mà
trong đó có sử dụng nguồn vốn văn hóa (từ truyền thống văn hóa tộc người)
để thích ứng, thể hiện sự chủ động của người dân. Xem xét những cơ sở của
các thực hành sinh kế trong xã hội cổ truyền liệu có còn tồn tại và được sử
28
dụng hay không? Sự phân tích và giải đáp các các vấn đề nêu trên cũng sẽ là
căn cứ để tìm hiểu về văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà
Lầu hiện nay.
1.3. Thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)
1.3.1. Quá trình hình thành và vài nét về dân cư, kinh tế - xã hội
Quá trình hình thành
Theo thống kê dân số Việt Nam năm 2009, người Nùng có 968.800
người, là dân tộc có dân số đứng thứ 7 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63
tỉnh, thành phố, trong đó Lạng Sơn là nơi có số lượng người Nùng sinh sống
nhiều nhất và tập trung nhất, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu các dân tộc của
tỉnh. Căn cứ vào gia phả và chuyện kể của các dòng họ Nùng cho thấy Lạng
Sơn là một trong những địa bàn người Nùng di cư đến sớm nhất, sau đó họ
mới tiếp tục đến định cư ở Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Hà
Giang và các tỉnh khác [87]. Tại Lạng Sơn, có ba nhóm Nùng sinh sống:
Nùng Inh, Nùng Phàn Slình có mặt ở hầu như ở khắp các huyện trong tỉnh,
riêng nhóm Nùng Cháo tập trung chủ yếu ở huyện Văn Lãng và Tràng Định.
Điểm giống nhau giữa ba nhóm Nùng này là đều sử dụng một ngôn ngữ.
Điểm khác biệt rõ nhất được thể hiện ở bộ trang phục của phụ nữ mỗi nhóm,
đó là: trong trang phục thường ngày, áo năm thân của phụ nữ Nùng Inh và
Nùng Cháo có độ dài dài hơn so với phụ nữ Nùng Phàn Slình nhưng áo của
phụ nữ Nùng Phàn Slình được thêu nhiều hoa văn hơn; Về cách đội khăn: phụ
nữ Nùng Inh và Nùng Cháo đội khăn vuông nhuộm chàm đen, choàng qua
mái tóc đã được vấn quanh đầu. Còn phụ nữ Nùng Phàn Slình khi đội khăn
thường gấp dọc khăn lại rồi quấn một vòng từ trước chán ra cài sau gáy, trên
khăn có thêu chỉ sọc màu xanh hoặc trắng. Ở huyện Văn Lãng, xã Tân Thanh
là một trong những nơi tập trung đông người Nùng Cháo, họ sinh sống trong
các thôn Nà Tồng, Nà Han, Nà Ngườm và Nà Lầu.
Thôn Nà Lầu tiếp giáp với thôn Nà Han ở phía Bắc, và thôn Bản Thẩu
ở phía Nam, cách trung tâm xã Tân Thanh 0,5km, cách trung tâm huyện Văn
29
Lãng 15km và cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 30km (A1 - PL1). Đây là
thôn thuộc khu vực vùng biên, có đường tiếp giáp với biên giới Trung Quốc
gần 4km. Vị trí của thôn nằm dựa ngay dưới chân núi, phía trước là các bãi
nương, ruộng để trồng trọt.
Khí hậu ở đây theo khí hậu của Lạng Sơn nói chung, mang tính chất
cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình năm là 17 - 220
C. Mùa hè mưa nhiều từ
tháng 4 đến tháng 10, mùa đông lạnh và hanh khô kéo dài từ tháng 11 đến
tháng 3 năm sau. Trong thôn không có sông hay suối chảy qua mà chỉ nguồn
nước được dẫn về từ các mạch ngầm trong các khe núi đá để phục vụ cho nhu
cầu sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy nên sản xuất nông nghiệp ở Nà Lầu
gặp nhiều khó khăn do khí hậu, địa hình trũng và thiếu nguồn nước.
Nà Lầu là thôn định canh, định cư của nhóm Nùng Cháo. Theo giải
thích của những người già trong thôn thì tên gọi Nà Lầu có nghĩa là “ruộng cỏ
lau”. Khi xưa tổ tiên họ đến định cư ở đây, vùng đất này mọc rất nhiều cỏ lau,
họ phải khai phá để làm nương, làm ruộng và định cư, tên gọi đã được đặt
theo cảnh quan thiên nhiên đó.
Theo những người già nhất hiện nay còn sống ở trong thôn kể lại, tổ
tiên của họ có nguồn gốc bên Trung Quốc, do hạn hán và thiên tai thường
xuyên xảy ra, dẫn đến đói kém, không có cái ăn, buộc họ phải di cư sang Việt
Nam. Như vậy, những nghiên cứu về lịch sử cư trú và tộc người đã được các
nhà nghiên cứu đi trước chỉ ra theo quan điểm thứ nhất trong phần tổng quan
tài liệu về người Nùng đã được nêu ở nội dung trước là hoàn toàn trùng khớp
với nhóm Nùng ở Nà Lầu về thời gian đến định cư tại Việt Nam, tương đương
200 đến 300 năm trở lại đây. Trong quá khứ, những người dân sống trong
thôn ít nhiều cũng đã từng có các mối quan hệ xuyên biên giới Việt - Trung
trong hôn nhân đồng tộc cũng như giao lưu xã hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh
chính trị giữa hai nước những năm 1970, việc phân định đường biên quốc gia
trở nên rõ ràng hơn nên các mối quan hệ họ hàng, bạn bè đến nay đã không
30
còn nữa. Tính đến thời điểm hiện nay, những dòng họ định cư trong thôn
được lâu nhất là được 7 đời.
Vài nét về dân cư, kinh tế - xã hội
Trước đây, trong thôn có hơn 30 gia đình cùng chung sống, thuộc sáu
dòng họ khác nhau: Hoàng, Ngô, Lê, Trần, Lô, Hà. Trưởng thôn do dân thôn
suy tôn từ người của một dòng họ lớn nhất, có uy thế nhất và thường là
trưởng của dòng họ đó. Tại Nà Lầu, dòng họ Hoàng là dòng họ có uy thế,
giàu có và đông nhất trong thôn. Hiện nay, số lượng các gia đình ở trong thôn
đã tăng lên hơn 80 hộ, do các gia đình lớn đã tách cho các con trai, con gái ra
ở riêng, ngoài ra còn có sự cư trú xen kẽ với các dân tộc khác cùng đến Tân
Thanh làm ăn đã tạm trú tại đây.
Khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, toàn bộ người dân trong
thôn đã phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn, thôn Nà Lầu bị bỏ hoang, mười năm
sau người dân toàn thôn mới quay trở lại sinh sống (năm 1989). Năm 1992, khu
kinh tế cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng và mở rộng, thôn Nà Lầu được chia ra
để hình thành nên các khu phố I và II, dọc theo trục đường chính thuộc xã Tân
Thanh, cửa khẩu Tân thanh nằm ngay trên địa bàn của thôn.
Tổng diện tích đất tự nhiên của thôn khoảng 20 ha, trong đó diện tích
rừng và đất rừng chiếm 5 ha. Sinh kế chủ yếu của người Nùng ở Nà Lầu trong
xã hội cổ truyền là sản xuất nông nghiệp. Cây lương thực chính là cây lúa, họ
đã có truyền thống canh tác trồng lúa nước từ rất lâu đời và tích lũy được
nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, được thể hiện ở việc xác định thời vụ, chọn
đất, chọn giống lúa, hệ thống công cụ sản xuất, phương tiện tưới tiêu... Ngoài
lúa, người Nà Lầu trồng ngô, sắn, đỗ tương và một số loại cây khác. Ở đây,
ruộng có hai loại là ruộng nước và ruộng chờ mưa. Ruộng nước (nà nặm) là
ruộng sẵn có nước mạch ngay tại chỗ hay thông qua hệ thống phai, đập,
mương máng dẫn từ các dòng sông, suối hay các mạch nước ngầm trong núi
đưa về tưới cho cây trồng. Ruộng chờ mưa (nà lẹng) thường là những ruộng
cao, khô nước không trồng cấy được bằng biện pháp thủy lợi, chỉ có cách duy
31
nhất là nhờ ở nguồn nước mưa, thường cấy được một vụ. Ngoài ra, họ cũng
tiến hành các hoạt động khai thác các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên như các
loại rau rừng (rau ngót, rau dớn, nấm hương, mộc nhĩ), các loại cây có củ (củ
mài, củ từ, cây báng...) thường được hái lượm về.
Việc trao đổi hàng hóa và buôn bán ở các chợ huyện đã được hình
thành từ lâu đóng góp một phần quan trọng trong sinh kế của họ. Chợ họp
mang tính chất địa phương, thường diễn ra ở các đường cái lớn, được hình
thành và cách nhau khoảng 5 - 10 km. Người dân trong thôn thường mang
nông sản do chính họ sản xuất đem ra chợ bán. Thông thường, đó là các loại
lương thực và hoa màu: gạo, ngô, khoai, sắn, đỗ tương; các loại gia cầm như
gà, vịt, ngan. Trong bối cảnh chuyển đổi, sinh kế của người Nùng Cháo tại Nà
Lầu đã có nhiều chuyển biến về sinh kế. Đây cũng là điểm khác biệt về so với
các thôn người Nùng của xã Tân Thanh, trong khi đa phần các thôn khác vẫn
coi trọng sản xuất nông nghiệp, thì người Nùng ở Nà Lầu đã tiến hành đa
dạng sinh kế, cùng với sự năng động của người dân, quá trình này sẽ được
trình bày ở các chương tiếp theo
Gia đình của người Nùng Cháo ở Nà Lầu là hình thức gia đình nhỏ mở
rộng. Gia đình nhỏ có bố mẹ và các con chưa có gia đình cùng chung sống,
trong đó vai trò của những người đàn ông luôn được đề cao. Người đứng đầu
là ông bố và mọi việc trong nhà chỉ được tiến hành khi được ông chấp nhận,
sau đó là sự quyết định của người con trai trưởng. Thông thường, người phụ
nữ trong gia đình không quyết định được việc gì, có thể nói tính “gia trưởng”
ở người đàn ông Nùng được thấy rất rõ: “Trong nhà đàn ông mới nắm mọi
việc còn đàn bà chỉ có biết đẻ con và đi làm thôi, có việc gì thì mấy anh em
trai cùng bàn trước rồi mới làm”- ông Kha nói.
Việc phân công lao động trong gia đình của người Nùng Cháo trước
đây ở trong thôn Nà Lầu có sự phân biệt rõ rệt về giới tính, như bà Nhì kể:
“Đàn ông thì chủ yếu làm những công việc nặng như: cày, bừa, làm nhà, làm
mộc, đi săn bắn. Còn đàn bà thì cấy lúa, trồng cây, hái củi, dệt vải, may vá.
32
Tới mùa thu hoạch lúa, ngô thì tất cả lại cùng nhau làm, không ai được ngồi
chơi đâu, cùng làm thì mới có mà ăn chứ. Còn người già thường ở nhà giúp
việc trông nom con, cháu, ai nấu được cơm hộ thì nấu, rồi thì hộ chăn gà,
vịt”. Vấn đề sở hữu tài sản của gia đình rất được coi trọng, tất cả đều là sở
hữu chung của mọi thành viên, mọi người cùng lao động và cùng hưởng thụ
như nhau. Tuy nhiên, khi có con lớn đến tuổi xây dựng gia đình riêng thì họ
được ưu tiên trong việc mua sắm quần áo hơn so với các em nhỏ trong nhà.
Việc phân chia về quyền thừa kế tài sản trong gia đình người Nùng Cháo
cũng rất rõ ràng, quyền thừa kế tài sản chủ yếu thuộc về con trai. Những tài
sản như ruộng, rừng, nương, nhà ở chỉ có con trai mới được hưởng thừa kế và
cũng theo thứ tự ưu tiên giữa các anh em trong nhà, người con lớn được phần
nhiều và tốt hơn người con nhỏ. Con gái đi lấy chồng có thể được một ít của
hồi môn, khi ra ở riêng sẽ được chia gia súc như trâu, bò. Việc chia tài sản
cho con gái trong nhà phụ thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình, con gái nhà
giàu được chia nhiều của hơn con gái nhà nghèo.
Bên cạnh gia đình hạt nhân, trong thôn còn có hình thức gia đình mở
rộng, song chỉ mang tính chất tạm thời khi đang chuẩn bị cho việc tách ra ở
riêng của một gia đình nhỏ khác. Loại gia đình mở rộng thứ nhất là các em
trai (gái) hoặc các con thứ đã có vợ (có chồng) nhưng chưa tách ra ở riêng
được vì chưa được tuổi xây nhà, hoặc chưa đủ điều kiện về kinh tế để ra ở
riêng. Con gái đã lấy chồng, nhưng chưa sinh con, vẫn đi lại và có thể về ở
nhà bố mẹ đẻ và cũng là một thành viên của gia đình mở rộng (chỉ khi sinh
con họ mới về nhà chồng). Khi có đủ điều kiện về kinh tế, gia đình mở rộng
này được tách ra thành các gia đình nhỏ/hạt nhân.
Loại gia đình mở rộng thứ hai là con cháu sống cùng ông, bà. Người
Nùng Cháo thường có nhiều con nên khi về già, trở thành ông bà, họ có thể ở
với con này hoặc con khác, thông thường là với con trai út. Vì theo họ, con út
thường có các cháu nhỏ, nên phải ở với con út để giúp trông cháu, trông nhà.
Họ còn quan niệm, khi chết thì ở nhà con trai cả, vì con cả thường ở ngôi nhà
33
cũ của tổ tiên để lại và cũng theo tục lệ anh ta phải có trách nhiệm lớn hơn các
anh em khác trong gia đình trong chăm sóc bố mẹ-ông bà và lo liệu tang lễ
cho những người già ấy. Nhờ còn tồn tại các hình thức gia đình mở rộng như
vậy mà quan hệ anh em trong gia đình cũng như với họ hàng ở người Nùng
tại Nà Lầu còn phát huy được sự gắn kết, tương trợ trong các thực hành sinh
kế khi môi sinh thay đổi.
Trong thôn Nà Lầu, ngoại hôn dòng họ là nguyên tắc cơ bản trong quan
hệ hôn nhân nhưng các quan hệ thân tộc thật chằng chịt. Hầu hết các thanh
niên nam nữ đến tuổi lập gia đình đều lấy vợ, lấy chồng ở các thôn lân cận
như: thôn Nà Tồng, Nà Ngườm, Na Sầm. Những người được gọi là “lượt lài”,
“đúc lượt” (máu mủ) với nhau, nghĩa là thành viên của tổ chức xã hội dựa trên
cơ sở mối quan hệ thân thuộc tính theo huyết thống phía cha-họ nội thì không
được lấy nhau, trừ những người họ xa, khác chi. Các hộ gia đình trong một
dòng họ thường có quan hệ gắn bó mật thiết và giúp đỡ lẫn nhau trong những
sự kiện đặc biệt
Tóm lại, quan hệ họ hàng đóng của người Nùng Cháo tại Nà Lầu một
vai trò rất lớn trong xã hội truyền thống cũng như trong xã hội hiện nay. Nó
luôn chi phối mọi mặt đời sống của từng gia đình, từng thành viên cũng như
liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của cả thôn. Các thành viên ở
trong cùng một dòng họ luôn có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau về
mọi phương diện cuộc sống.
1.3.2. Một số đặc điểm văn hóa
Nhà cửa
Trước đây, nhà cửa của người Nùng ở Nà Lầu là dạng nhà sàn, tầng
dưới được làm theo kiểu trình tường rất chắc chắn, phía trên được xây bằng
gạch chiên, là một loại gạch được làm từ đất sét (xem A3, A4, A5-PL2,3,). Để
làm được loại gạch này, người Nùng phải sử dụng từ 3 đến 5 con trâu quần
cho đất nhão, sau đó cho rơm vào rồi đóng vào các khuôn gỗ, đợi 7 ngày cho
thật khô sau đó đảo lại cắt bằng mặt còn lại. Khi đem xây họ cũng dùng đất
34
sét làm chất kết dính các viên gạch với nhau. Cho tới thời điểm nghiên cứu,
một số ngôi nhà cũ đã bị sụp, đổ chỉ còn lại phần móng (A6,PL4). Hiện nay
ngôi nhà của họ đã có nhiều thay đổi so với kiểu nhà truyền thống trước kia
về kiến trúc cũng như nguyên vật liệu xây dựng. Thôn Nà Lầu đã mang dáng
dấp của một phố thị, có nhiều dãy phố được hình thành với những ngôi nhà
tầng bê tông, mái bằng giống như ngôi nhà của người Kinh trong vùng, quanh
khu cửa khẩu Tân Thanh (A7-PL4). Nhìn qua khó nhận ra được đó là nhà của
người Nùng nếu trước cửa nhà không có con chó đá “canh giữ” (được đặt khi
đất nhà bị xem là xấu hoặc không hợp mệnh chủ nhà) (A8-PL5), hoặc không
thấy những lá bùa giấy màu đỏ, hình chữ nhật trên có chữ Hán dán trên trán
cửa ra vào của nhà khi đầu năm mới đến hoặc khi khánh thành nhà mà nhiều
năm chúng không bị bong mất (A9-PL5). Tuy nhiên, ở khu vực cư trú cũ
trong thôn trước khi quy hoạch xây dựng khu chợ Tân Thanh, dân làng vẫn
còn giữ một số ngôi nhà truyền thống vừa để giữ đất, vừa làm nơi nghỉ tạm
khi về làm vườn (trồng rau) hay trông coi việc nuôi thả gà, chăm lợn,... nhưng
hoạt động kinh tế phụ mang tính “hồi cố” này đang dần mất đi vì nạn trộm
cắp bởi ở Nà Lầu có thêm nhiều nhóm cư dân từ nhiều nơi đến thuê nhà ở để
tham gia buôn bán tại Tân Thanh. Một số gia đình Nà Lầu đã sửa lại những
ngôi nhà cũ hoặc dựng những căn nhà tạm một tầng nhỏ với mái tôn dùng cho
thuê. Chính nhu cầu sinh kế mới đã làm thay đổi lớn diện mạo cảnh quan làng
bản cũng như nhà cửa, kiến trúc nơi cư trú của họ. Xen trong các câu trả lời
phỏng vấn là những câu chuyện của một số người lớn tuổi Nà Lầu tỏ rõ vẫn
luyến tiếc ngôi nhà truyền thống xưa. Họ còn cho rằng, với kiểu nhà cũ, họ có
thể dễ dàng sửa chữa, có thể lợp lại mái, hàn/vá lại những lỗ tường đất bị
thủng, lắp lại thanh chấn song cửa sổ bằng gỗ bị hỏng... Còn với nhà bê tông
mái bằng, do điều kiện kinh tế eo hẹp cũng như không am hiểu về cách xây
dựng kiểu nhà mới, do quy hoạch phố thị của tỉnh với các chuỗi nhà mái bằng
cạnh nhau, nhiều gia đình ở Nà Lầu đã phải ở trong những ngôi nhà tầng bê
tông có chất lượng xây dựng không tốt do không có nhiều tiền đền bù làm nhà
35
mới, được vài năm nhà đã “dột”- mái bằng bị thấm, nứt. Một số nhà không có
tiền sửa phải bỏ tầng hai, cả nhà dồn hết xuống ở tầng một. Tình cảnh đó cùng
với những khó khăn trong hoạt động sinh kế càng làm cho những gia đình
nghèo ở Nà Lầu cảm thấy cuộc sống của họ thêm bấp bênh - rằng “không biết
mấy năm nữa sẽ thế nào, được lúc nào thì được...” như lời than vãn của một
phụ nữ có ngôi nhà dột trên đường vành đai của Tân Thanh. Bà cũng biết và
nói câu thành ngữ “an cư lạc nghiệp” của người Kinh để ước “không biết đến
bao giờ chúng tôi mới ổn...”. Về nhà cửa của người dân ở Nà Lầu hiện nay so
với nhà của người Nùng ở các thôn khác trong xã Tân Thanh (Nà Han, Nà
Tồng, Nà Ngườm), khang trang, to đẹp hơn. Ở các thôn đó, nhà chủ yếu vẫn
là kiểu nhà cấp 4, được lợp bằng ngói âm dương, hoặc mái tôn.
Trang phục
Theo truyền thống, quần áo của người Nà Lầu là do tự sản xuất từ dệt
vải đến tạo hình trang phục, nguyên liệu chính là vải sợi bông được nhuộm
màu chàm. Họ thường mặc những bộ quần áo có ống tay và ống quần rộng
mà theo họ là để phù hợp với việc lao động trên đồng ruộng, lên núi, vào rừng
hay phải leo cây để hái hồi, hái nhãn...
Trang phục truyền thống của phụ nữ ngày thường ít có hoa văn trang
trí, là loại áo năm thân, bốn thân dài và một thân ngắn nằm lót phía bên ngực
phải, phần thân và tay áo rộng, đủ để cử động thoải mái trong mọi tư thế và
nhất là tiện lợi khi đi làm ruộng, làm nương,... tay áo được tạo thành bởi sự
chắp nối các mảnh vải cùng màu lại với nhau. Quần phụ nữ được may theo
kiểu “chân què, cạp lá tọa” và cũng được làm bằng vải chàm đen. Cạp quần
được nối với loại vải mỏng hơn, khi mặc thì gấp cạp lại rồi dùng dây thắt lưng
buộc ngang hông để giữ cho chặt. Phụ nữ thường đội khăn vuông, nhuộm
chàm đen. Áo nam giới là chiếc áo tứ thân, có chiều dài ngang mông, tay áo
rộng dài đến cổ tay. Cổ áo được khoét hình tròn, vải khâu đáp phía trong chân
cổ, xẻ ngực thẳng từ trên xuống dưới và đính bảy chiếc cúc để cài, áo có bốn
túi, hai túi ngực và hai túi phía dưới. Quần nam giới cũng được cắt theo kiểu
36
“chân què” như của phụ nữ. Tuy nhiên, khoảng hơn 30 năm trở lại đây, người
Nùng Cháo ở Nà Lầu đã không còn mặc những bộ trang phục truyền thống.
Họ cho biết, do đất đai ngày càng bị thu hẹp nên việc trồng bông để dệt vải
như xưa là rất khó. Trong khi đó, các loại vải dệt công nghiệp, quần áo Trung
Quốc rất rẻ, mẫu mã và màu sắc đa dạng luôn sẵn có, họ có thể sang chợ Pò
Chài (Trung Quốc) để mua hoặc mua ngay tại chợ Tân Thanh. Do đó, từ lâu
họ đã mặc quần áo giống người Kinh, bộ trang phục truyền thống rất ít người
trong thôn bây giờ còn giữ được ngoại trừ những người già ngoài 70 tuổi song
cũng ít khi đem ra mặc, kể cả dịp lễ tết... Tuy vậy, bộ trang phục truyền thống
của phụ nữ đang trở thành một “nguồn vốn” trong hoạt động sinh kế khi họ
muốn đối tác người Kinh hay các vị quản lý kinh doanh khu cửa khẩu biết
mình là “người dân tộc”- được xem là thật thà, chịu khó, không gian lận trong
làm ăn buôn bán, cần giúp đỡ và ưu tiên... Sử dụng trang phục truyền thống
đã như một ứng xử văn hóa có chủ đích trong hoạt động sinh kế.
Người Nùng quan niệm rằng, tất cả mọi thứ trong thế giới trần gian, từ
con người cho tới động vật, thậm chí cả đất, đá, lửa, nước... đều có linh hồn.
Chính quan niệm như vậy, mỗi một gia đình người Nùng ở Nà Lầu thường tổ
chức nhiều nghi lễ khác nhau trong một năm. Thông qua các nghi lễ đó, đã
tạo nên quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ
và cộng đồng thôn bản.
Tục thờ cúng tổ tiên
Đây là một trong những hình thức tín ngưỡng quan trọng của người
Nùng Cháo ở Nà Lầu để củng cố trật tự trong gia đình cũng như trong dòng
họ, vì vậy, các gia đình ở đây đều đặt bàn thờ tổ tiên ở chính giữa ngôi nhà.
Trước hết phải nói tới hệ thống thờ tự được thờ ở bốn khu vực chính:
(1) Bàn thờ tổ tiên với một bát hương chung; (2) Bàn thờ thổ công - chỉ là một
ống hương cắm ở bên phải của cửa chính ngôi nhà, được coi là vị thần để bảo
vệ cho mùa màng, sức khỏe, con cái và bảo vệ gia đình; (3) Bàn thờ ông Táo
đặt ở khu vực bếp, phía trên bếp nấu, thường là một tấm ván trên để ống tre
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT
Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT

Contenu connexe

Tendances

Tendances (20)

Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Hôn Nhân Của Người Tày Ở Vùng Biên Giới Huyện Phục Hòa, ...
 
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà NộiLuận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
 
Luận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn La
Luận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn LaLuận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn La
Luận văn: Hôn nhân và gia đình của người Khơ mú ở Sơn La
 
Luận án: Hội quán người Hoa ở Nam Bộ từ cuối XVIII đến giữa XX
Luận án: Hội quán người Hoa ở Nam Bộ từ cuối XVIII đến giữa XXLuận án: Hội quán người Hoa ở Nam Bộ từ cuối XVIII đến giữa XX
Luận án: Hội quán người Hoa ở Nam Bộ từ cuối XVIII đến giữa XX
 
Luận văn: Sinh hoạt Tín ngưỡng của người Hoa Triều Châu, HAY
Luận văn: Sinh hoạt Tín ngưỡng của người Hoa Triều Châu, HAYLuận văn: Sinh hoạt Tín ngưỡng của người Hoa Triều Châu, HAY
Luận văn: Sinh hoạt Tín ngưỡng của người Hoa Triều Châu, HAY
 
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam BộLuận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
 
Cong dong cac dan toc Viet nam
Cong dong cac dan toc Viet namCong dong cac dan toc Viet nam
Cong dong cac dan toc Viet nam
 
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc MườngLuận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
 
Luận văn: Hội Châu Quang của người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng, HAY
Luận văn: Hội Châu Quang của người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng, HAYLuận văn: Hội Châu Quang của người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng, HAY
Luận văn: Hội Châu Quang của người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng, HAY
 
Luận văn: Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa
Luận văn: Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà XùaLuận văn: Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa
Luận văn: Hôn nhân hiện nay của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
 
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai ChâuLuận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
 
Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hó...
Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hó...Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hó...
Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hó...
 
CSVHVN C.2 Bài 1
CSVHVN C.2 Bài 1CSVHVN C.2 Bài 1
CSVHVN C.2 Bài 1
 
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt NamĐề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
 
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạngVăn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
Văn hóa việt nam thống nhất trong đa dạng
 
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...
 
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, HOT
 
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồngTrò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
 

Similaire à Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT

Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...
Man_Ebook
 

Similaire à Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT (20)

Đề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAY
Đề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAYĐề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAY
Đề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAY
 
Luận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAY
Luận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAYLuận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAY
Luận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAY
 
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOTLuận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOTLuận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
 
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...
 
Luận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAYLuận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Long
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh LongLuận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Long
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Long
 
Luận văn: Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa, HOT
Luận văn: Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa, HOTLuận văn: Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa, HOT
Luận văn: Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa, HOT
 
Tiểu luận nghiên cứu hiện trạng tiêu dùng văn hóa ở xã quảng sơn , huyện ninh...
Tiểu luận nghiên cứu hiện trạng tiêu dùng văn hóa ở xã quảng sơn , huyện ninh...Tiểu luận nghiên cứu hiện trạng tiêu dùng văn hóa ở xã quảng sơn , huyện ninh...
Tiểu luận nghiên cứu hiện trạng tiêu dùng văn hóa ở xã quảng sơn , huyện ninh...
 
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph... Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
 
Gợi Ý 352+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Nhân Học – Mới Nhất Hiện Nay
Gợi Ý 352+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Nhân Học – Mới Nhất Hiện NayGợi Ý 352+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Nhân Học – Mới Nhất Hiện Nay
Gợi Ý 352+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Nhân Học – Mới Nhất Hiện Nay
 
Luận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội
Luận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà NộiLuận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội
Luận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội
 
Luận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng Sơn
Luận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng SơnLuận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng Sơn
Luận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng Sơn
 
Luận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đ
Luận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đLuận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đ
Luận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đ
 
Tín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
Tín ngưỡng Phồn thực của người ChămTín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
Tín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
 
Chăm phồn thực
Chăm phồn thựcChăm phồn thực
Chăm phồn thực
 
Tang ma của người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Thái Nguyên 6795645.pdf
Tang ma của người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Thái Nguyên 6795645.pdfTang ma của người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Thái Nguyên 6795645.pdf
Tang ma của người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Thái Nguyên 6795645.pdf
 
Luận văn: Quản lý về văn hóa tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn: Quản lý về văn hóa tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng NinhLuận văn: Quản lý về văn hóa tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn: Quản lý về văn hóa tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
 
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa, Nghi...
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Dernier

SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
ChuThNgnFEFPLHN
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 

Dernier (20)

Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 

Luận văn: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo, HOT

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ VÂN ANH VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG CHÁO (TRƯỜNG HỢP THÔN NÀ LẦU, XÃ TÂN THANH, HUYỆN VĂN LÃNG, TỈNH LẠNG SƠN) Ngành: Văn hóa học Mã số: 9 22 90 40 LUẬN ÁN TIẾN SỸ VĂN HÓA HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Hoàng Cầm 2. TS. Đỗ Lan Phương Hà Nội - 2018
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu đã sử dụng trong luận án là trung thực. Những kết luận trong luận án chưa có công bố ở bất kỳ công trình khoa học nào. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Nguyễn Thị Vân Anh
  • 3. LỜI CẢM ƠN Hoàn thành đề tài, tôi xin trân trọng cảm ơn: - TS. Hoàng Cầm và TS. Đỗ Lan Phương là những người thầy đã hướng dẫn trực tiếp cho tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài, cùng các thầy cô trong Khoa Văn Hóa học của Học viện khoa học xã hội Việt Nam - Gia đình, bạn bè, những người đồng nghiệp đã luôn sát cánh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình làm nghiên cứu - Đặc biệt, những người dân, các cán bộ địa phương tại địa bàn tôi nghiên cứu đã rất nhiệt tình trao đổi, cung cấp thông tin, tư liệu cho tôi để hoàn thành đề tài này!
  • 4. DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT A Ảnh KH Kế hoạch NCS Nghiên cứu sinh Nxb Nhà xuất bản PL Phụ lục tr Trang UB Ủy ban UBND Ủy ban nhân dân VHTT Văn hóa thông tin
  • 5. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 7 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 7 1.2. Cơ sở lý luận 20 1.3. Thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn 26 Chương 2: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG CHÁO Ở NÀ LẦU TRONG XÃ HỘI CỔ TRUYỀN 40 2.1. Tập tục cộng đồng trong sở hữu và sử dụng tài nguyên 40 2.2. Sản xuất nông nghiệp với các dàn xếp văn hóa – xã hội và kỹ thuật 46 2.3. Các hoạt động buôn bán trao đổi 63 Chương 3: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG CHÁO Ở NÀ LẦU HIỆN NAY 71 3.1. Bối cảnh chuyển đổi 71 3.2. Quá trình chuyển đổi kinh tế nông – thương nghiệp 79 3.3. Phương thức mưu sinh mới với cơ sở của nền kinh tế trọng tình 88 Chương 4: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG CHÁO Ở NÀ LẦU: THAY ĐỔI VÀ THÍCH ỨNG 110 4.1. Yếu tố trọng tình trong thực hành sinh kế của người dân Nà Lầu 110 4.2. Yếu tố duy lý trong thực hành sinh kế của người dân Nà Lầu 113 4.3. Văn hóa đảm bảo đời sống – những vấn đề liên quan trong bối cảnh hiện nay 125 KẾT LUẬN 142 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 147 TÀI LIỆU THAM KHẢO 148
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong những chuyến khảo sát thực tế để tìm đề tài cho luận án của mình về văn hóa ở vùng biên Lạng Sơn sau Đổi mới (1986), một chủ đề đã từng được phản ánh trong một số công trình gần đây về những thay đổi văn hóa - xã hội và kinh tế nơi này trong sự thay đổi chung của Việt Nam. Một số người cho rằng, những thay đổi kinh tế và văn hóa nơi đây theo chiến lược phát triển vùng biên của nhà nước đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Thực tế diễn ra quá trình này đã thu hút tôi tới thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn)- nơi vừa trải qua những năm tháng quy hoạch mở rộng vùng thương mại cửa khẩu phía Bắc Việt Nam. Tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với những người Nùng Cháo ở đây, quan sát cuộc sống của họ trong những dãy nhà tại các con phố ở khu buôn bán hay dọc theo tuyến đường giao thương ở Tân Thanh. Rất khó có thể nhận ra họ đã từng là những người “chân lấm, tay bùn, một nắng hai sương” trên những thửa ruộng hay mảnh nương sườn đồi, nay đã thành những “thị dân”. Có lẽ, quá trình thay đổi này đã không đơn giản khi tôi được nghe tâm sự của bà Xéo, người phụ nữ hơn 60 tuổi có cửa hàng buôn bán ở khu chợ Tân Thanh, rằng: “Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi nhưng cũng không phải như mọi người nghĩ là ngày ngày chỉ cần mở cửa ra là đã có tiền, không còn lo làm ruộng không đủ ăn,... bán hàng lo lỗ vốn, đi vác hàng bị mệt, bị bắt...”. Bà kể, kinh tế của gia đình trước kia chủ yếu là từ làm ruộng, làm vườn, thu hoạch chỉ đủ ăn, không có dư thừa. Sau khi chuyển đổi, bà và các con đã làm rất nhiều nghề: từ làm ruộng, buôn bán nhỏ cho đến làm “cửu vạn” (vác hàng). Trong quá trình mưu sinh đó, nhà bà luôn có sự tương trợ giúp đỡ của họ hàng, xóm giềng, song bản thân bà và gia đình cũng có những toan tính để có một cuộc sống ổn định như hiện nay. Không chỉ có nhà bà mà hầu hết những người Nùng Cháo sống tại thôn Nà
  • 7. 2 Lầu, sau khi đất nông nghiệp của họ bị chuyển đổi, đều phải trải qua những giai đoạn tìm kiếm các cách thức mưu sinh không dễ dàng như vậy. Là một thôn nằm giáp với biên giới Việt - Trung của tỉnh Lạng Sơn và nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, sinh kế cổ truyền của người Nùng Cháo ở Nà Lầu, về cơ bản là nền “kinh tế trọng tình” (moral economy), lối sống thiên về yếu tố tình cảm, sống dựa trên sự tương trợ, giúp đỡ nhau, tính cố kết cộng đồng cao. Trước những năm 1990, nền kinh tế của họ chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước, làm nương rẫy kết hợp với chăn nuôi và buôn bán nhỏ tại các chợ Na Sầm (huyện Văn Lãng), Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), bên cạnh đó còn thực hiện buôn bán, trao đổi hàng hóa với người dân ở thôn Pò Chài (Trung Quốc). Khi quan hệ hai nước Việt - Trung trở nên căng thẳng do cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, hoạt động buôn bán giữa người dân Nà Lầu (Việt Nam) với người dân Pò Chài (Trung Quốc) bị nghiêm cấm. Từ năm 1991 trở đi, quan hệ song phương Việt - Trung chuyển sang thời kỳ mới, chấm dứt cơ bản những căng thẳng, tạo ra sự bình ổn cho cuộc sống người dân. Năm 1992, khu Kinh tế cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng trên địa bàn thôn Nà Lầu thì nơi đây đã trở thành nơi giao lưu, trao đổi và mua bán hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, nhiều hoạt động thương mại diễn ra rất sôi động. Tác động của việc xây mới và mở rộng vùng cửa khẩu đã dẫn đến việc toàn bộ người Nùng Cháo ở Nà Lầu mất đất canh tác nông nghiệp vốn là nguồn tài nguyên chính đã gắn bó với kinh tế nông nghiệp lâu đời của họ. Hiện nay, các hoạt động sinh kế truyền thống này đã có nhiều thay đổi so với trước kia, đó là sự đa dạng các phương thức mưu sinh. Kinh tế của người dân Nà Lầu không còn được xem là “thuần nông” trong tổng thể những thay đổi về văn hóa bảo đảm đời sống ở đây. Nếu như, trong quá khứ họ phải tương trợ lẫn nhau để sống, sinh kế của họ vận dụng theo các nguyên lý của một nền kinh tế trọng tình, thì trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế của đất nước tuy tạo ra cho họ những cơ hội mới nhưng cũng nhiều gian nan, thử thách. Họ đã xoay sở để tìm kiếm những phương thức mưu sinh phù hợp, có những ứng
  • 8. 3 xử để có thể đảm bảo được cuộc sống, song cũng không mất đi những cơ sở đạo lý mà trong quá khứ đã tạo dựng được, đồng thời phải thích ứng với hoạt động sinh kế trong bối cảnh mới. Vậy, họ đã làm như thế nào để có thể kết hợp giữa các cơ sở của nền kinh tế trọng tình trước đây với các tính toán kinh tế mang tính duy lý trong cơ chế thị trường hiện nay? Để nghiên cứu sâu hơn vấn đề này, tôi chọn đề tài “Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (trường hợp thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)” làm đề tài luận án Tiến sỹ Văn hóa học của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án Mục đích nghiên cứu Thông qua nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống, trong đó tập trung chính vào các khía cạnh liên quan đến các thực hành sinh kế, luận án hướng tới cung cấp một nghiên cứu trường hợp về sự thay đổi trong mô hình sinh kế và những ứng xử văn hóa đi cùng của người nông dân Việt Nam trong xã hội đương đại, một chủ đề đã và đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiệm vụ nghiên cứu - Khái quát tình hình nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống nói chung và văn hóa của tộc người Nùng Cháo ở xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. - Làm rõ các hoạt động sinh kế của người Nùng Cháo trong quá khứ để nhận thấy vai trò cơ bản của canh tác nông nghiệp trên nền tảng trọng tình của cư dân nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử. - Làm rõ các hoạt động sinh kế và các ứng xử liên quan của người Nùng Cháo hiện nay để nhìn ra sự đa dạng, phong phú, các chiều cạnh chuyển đổi văn hóa - xã hội và lựa chọn sinh kế trên cơ sở duy lý có sự đan xen với trọng tình của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế và dịch vụ tại khu vực cửa khẩu.
  • 9. 4 - Thảo luận về sự kết hợp trọng tình - duy lý trong tư duy và thực hành sinh kế của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Theo đó là những vấn đề liên quan đến biến đổi văn hóa - xã hội, nguồn lực lao động, việc làm, những thách thức trong thực hành sinh kế của người Nùng Cháo. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu Trọng tâm nghiên cứu của luận án là hoạt động sinh kế của người Nùng Cháo ở thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) trong quá khứ và trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay ở vùng biên giới Lạng Sơn. Phạm vi nghiên cứu Văn hóa đảm bảo đời sống là khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại và hoạt động mưu sinh. Trong khuân khổ của luận án này, Nghiên cứu sinh (NCS) chỉ lựa chọn nghiên cứu và phân tích một trong các thành tố quan trọng nhất của văn hóa đảm bảo đời sống là các thực hành sinh kế của người Nùng Cháo cùng những ứng xử văn hóa đi kèm tại thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn) từ trước năm 1986, và sau thời kỳ đổi mới được tính từ năm 1986 trở lại đây. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án Từ mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính (với phỏng vấn sâu, quan sát tham gia) để thu thập thông tin, các dữ liệu, cứ liệu phục vụ đề tài. Các câu hỏi phỏng vấn sâu được soạn thảo dưới hình thức các câu hỏi mở, đôi lúc là gợi ý để đối tượng được phỏng vấn tự kể chuyện. Nhiều thông tin từ phỏng vấn sâu còn được kiểm tra bằng thao tác “điều tra chéo”... Phương pháp nghiên cứu định tính cung cấp thông tin về các tiến trình, động thái, các hành vi kinh tế và các mối quan hệ văn hóa - xã hội liên quan của người Nùng Cháo ở Nà Lầu. Nguồn tư liệu chính của luận án là kết quả thu thập thông tin từ quá trình khảo sát điền dã được NCS thực hiện tại thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn). Cụ thể, từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017 tác giả đã tiến hành nhiều chuyến điền dã
  • 10. 5 tại địa bàn nghiên cứu, thực hiện được 30 cuộc phỏng vấn sâu và tiến hành thảo luận nhóm với người dân ở độ tuổi lao động khác nhau, phỏng vấn một số cán bộ lãnh đạo địa phương. Chủ đề của các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm tập trung xoay quanh các vấn đề về chuyển đổi sinh kế và sự thích ứng trong các loại sinh kế mới, các chính sách liên quan đến môi trường sinh kế của người dân, mạng lưới xã hội, tập quán và các sinh hoạt văn hóa, quan hệ cộng đồng. Các nhóm được phỏng vấn bao gồm: Nhóm thứ nhất, những người già sống trong thôn được phỏng vấn để tìm hiểu về phương thức mưu sinh mà người dân Nà Lầu đã sử dụng trong quá khứ, những thói quen, phong tục tập quán, truyền thống tương trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong suốt quá trình chung sống. Nhóm thứ hai, những phụ nữ ở trong thôn được phỏng vấn để tìm hiểu về công việc của họ hiện nay, so sánh và đối chiếu với công việc của họ trước khi xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh có những điểm khác biệt gì?. Nhóm thứ ba, đối tượng các thanh niên: tìm hiểu công việc hiện tại của họ, có những chiến lược nào để đảm bảo cuộc sống của bản thân? Nhóm thứ tư, các các bộ quản lý ở thôn - xã: tập trung tìm hiểu các quan điểm cá nhân đối với việc chuyển đổi phương thức mưu sinh của người dân; Những thay đổi trong phong tục và tập quán văn hóa và sinh kế ở địa phương. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện chủ yếu bằng tiếng phổ thông, được ghi âm, ghi chép lại với sự đồng ý của những người cung cấp tin. Toàn bộ tư liệu từ phỏng vấn, ghi chép đều được phục vụ để phân tích, tên của thông tín viên được mã hóa để đảm bảo nguyên tắc ẩn danh. Bên cạnh phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, nghiên cứu sinh cũng tham gia vào các hoạt động văn hóa của người dân, dự các đám tiệc, nghi lễ gia đình và cộng đồng, tham dự các cuộc hội họp của thôn - bản hay khu kinh doanh để tìm hiểu thêm các bối cảnh, khơi gợi các vấn đề cho những cuộc phỏng vấn sâu.
  • 11. 6 Kết hợp với nguồn tư liệu thực địa là tư liệu thứ cấp được tập hợp và hệ thống, phân tích, từ các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước đã công bố có liên quan tới đề tài. Nghiên cứu sinh cũng tiến hành thu thập và phân tích các bài báo, tạp chí và các tài liệu có liên quan để có những thông tin cơ bản về đặc điểm kinh tế, xã hội và bức tranh toàn cảnh về các loại hình sinh kế mới ở Nà Lầu nói riêng cũng như những thay đổi sinh kế vùng cửa khẩu Lạng Sơn nói chung. Kèm theo đó là các văn bản, tài liệu, báo cáo, số liệu thống kê của chính quyền và các ban ngành ở địa phương. Những ý kiến trao đổi với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa. Hạn chế của nghiên cứu thực địa: Tuy thông tín viên trong mỗi cuộc phỏng vấn đều nhiệt tình, hưởng ứng trò chuyện và trả lời câu hỏi do nghiên cứu sinh đưa ra, nhưng một số thông tin về các dữ kiện xảy ra trong quá khứ từ phỏng vấn hồi cố không thực sự chính xác. Lý do là, những người già (trên 70 tuổi) hiện còn sống ở Nà Lầu chỉ còn hơn 10 người và không phải tất cả đều còn minh mẫn. Thêm vào đó, hoạt động sinh kế của một thôn giáp biên giới Trung Quốc như Nà Lầu là một vấn đề nhạy cảm, NCS đã gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và phỏng vấn những người chủ hàng, “đầu cửu”, “cửu vạn”. Việc quan sát và tìm hiểu các cách thức làm ăn, mối hàng, việc vác hàng qua các đường biên cũng không phải là chuyện dễ dàng, bởi tâm lý đề phòng, e ngại người lạ của người dân ở đây. Vì vậy, những trình bày và phân tích trong luận án có thể chưa phản ánh được hết những khía cạnh liên quan đến vấn đề sinh kế và các ứng xử xoay quanh hoạt động sinh tồn của người Nùng Cháo ở Nà Lầu. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Là luận án đầu tiên nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống của một tộc người thiểu số cụ thể, ở một địa bàn mang tính đặc thù là vùng giáp biên giới Việt - Trung trước những biến đổi về kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu góp phần phản ánh và giải quyết vấn đề thực tiễn về
  • 12. 7 biến đổi sinh kế - văn hóa nói chung và vùng giáp biên giới nói riêng, đây là một hướng nghiên cứu mới trong ngành văn hóa. - Luận án cung cấp một nghiên cứu trường hợp cho bức tranh nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống của người nông dân trong xã hội đương đại. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn Về ý nghĩa lý luận: Luận án góp thêm một nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống qua chiến lược sinh kế của người nông dân trong bối cảnh chuyển đổi, so sánh với các ý kiến đã được thảo luận trong các các công trình nghiên cứu đi trước ở Việt Nam và Đông Nam Á; cung cấp dữ liệu cụ thể ở cấp vi mô nhằm bổ sung vào những lý thuyết về sự thích nghi, sự chủ động về sinh kế của người nông dân ở vùng biên giới. Về ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, cơ sở thực tiễn để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, vận dụng vào thiết kế, xây dựng các chương trình và chính sách phát triển sinh kế bền vững ở vùng các tộc người thiểu số Lạng Sơn nói riêng và ở miền núi Việt Nam nói chung. 7. Kết cấu luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục các công trình của tác giả, phụ lục, luận án bao gồm 04 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu Chương 2: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong xã hội cổ truyền Chương 3: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay Chương 4: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu: Thay đổi và thích ứng
  • 13. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Khái quát những nghiên cứu về người Nùng a. Nguồn gốc, lịch sử Người Nùng là một trong số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử của người Nùng cùng với những đặc trưng văn hóa của họ đã được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, trong đó có các công trình đi sâu nghiên cứu từng nhóm Nùng cụ thể. Về lịch sử của người Nùng các nhà nghiên cứu đề ra hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng người Nùng mới di cư sang Việt Nam được mấy trăm năm. Chẳng hạn, năm 2000, Nguyễn Chí Huyên và các cộng sự tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam đã đưa ra những căn cứ và lý giải về nguồn gốc của người Nùng một cách chi tiết và cụ thể. Các tác giả chỉ ra rằng: nguồn gốc xa xưa của tộc danh Nùng có thể bắt nguồn từ dòng họ Nùng- một trong bốn dòng họ đông người cư trú ở vùng Tả Hữu Giang, tức miền biên giới Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Những nhóm Nùng hiện nay vẫn mang tộc danh Nùng mới chỉ di cư sang Việt Nam trong những thế kỷ gần đây từ 9 - 10 đời, tức khoảng 200 - 300 năm nay. Một trong những bằng chứng chứng tỏ người Nùng hiện thời cư trú trên lãnh thổ Việt Nam chưa lâu là những đặc điểm phân bố của họ. Họ ở trong các thung lũng nhỏ hẹp, không đủ điều kiện làm ruộng nước, thường phải khai thác một phần thành nương rẫy, còn gọi là thổ canh [38, tr.200]. Trong nghiên cứu trên, các tác giả còn nhấn mạnh: đại bộ phận người Nùng di cư sang phía Bắc Việt Nam là từ Quảng Tây (Trung Quốc). Họ đến đây theo từng nhóm và do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do bị áp bức, bóc lột, bị chèn ép, bị đàn áp và
  • 14. 9 bị tàn sát sau các cuộc khởi nghĩa không thành công. Loạn lạc, cướp bóc cùng với việc thiếu ruộng đất cũng được cho là nguyên nhân khiến họ thực hiện những cuộc thiên di lớn sang Việt Nam để mong tìm được nơi sinh sống ổn định hơn. Quan điểm thứ 2 cho rằng: lịch sử của người Nùng gắn với nguồn gốc bản địa. Theo Hoàng Nam, tổ tiên của người Nùng chắc chắn đã tham gia vào việc thành lập nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Lịch sử còn ghi tên tuổi của Nùng Chí Cao đã một thời là thủ lĩnh của người Tày, Nùng ở vùng biên giới Việt - Trung [48, tr 8]. Cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) của Viện Dân tộc học đã đưa ra nhận định: “Người Nùng cùng với các nhóm nói tiếng Tày - Thái nằm trong khối Bách Việt. Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, ở lưu vực sông Cầu và sông Hồng, nước Âu Lạc với vị thủ lĩnh Thục Phán đã ra đời mà người Nùng có thể là một thành phần của nó. Một số các nhà nghiên cứu khác cho rằng: người Tày và người Nùng là những cư dân có chung một nguồn gốc, cùng thuộc khối Bách Việt xưa kia” [99, tr.48]. Trong nghiên cứu về người Nùng Cháo ở Nà Lầu, NCS đồng ý với quan điểm nghiên cứu thứ nhất cho rằng: người Nùng hiện nay là được di cư từ Trung Quốc sang, với lịch sử định cư từ 200 đến 300 năm. Một vấn đề cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đó là tộc danh Nùng mà trong các công trình của họ đã nêu các tên gọi khác nhau như: Nùng Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo, Nùng An, Nùng Dín, Nùng Lòi, Nùng Tùng Slìn, Nùng Quý Rỉn. Sự khác nhau này có liên quan tới các địa danh ở Trung Quốc trước khi họ di cư vào Việt Nam như: người Nùng Inh di cư từ Long Anh đến, Nùng Phàn Slình di cư từ Vạn Thành đến, Nùng Cháo di cư từ Long Châu, Nùng An đến từ An Kết, Nùng Quý Rỉn đi từ Quý Thuận, Nùng Lòi di cư từ Hạ Lôi, Nùng Tùng Slìn từ Tùng Thiện... Ngoài ra, tên gọi của các nhóm Nùng còn căn cứ trên đặc điểm về y phục và trang sức của phụ nữ như: phụ nữ Nùng Phàn Slình Hua Lài thường đội khăn chàm có những chấm
  • 15. 10 trắng; phụ nữ Phàn Slình Cúm Cọt thì mặc áo ngắn ngang mông, đội khăn chàm có sọc trắng và quấn quanh đầu kiểu khăn xếp. Liên quan tới người Nùng còn có người Choang đang sinh sống tại Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) cũng tên gọi khá phức tạp, thể hiện những ý thức khác nhau trong việc xác định tộc danh. Theo các học giả Trung Quốc, họ được chia thành nhiều chi, hệ và có nhiều tên tự gọi cũng như tên gọi khác nhau như: Pu Nong (Bố Nồng), Pù Nong (Bộc Nồng), Pù Lung (Bộc Long), Long Rén (Long Nhân), Thu Rén (Thổ Nhân), Jin Dai Y (Cân Tải Y)... Pu hay Pù là hai cách ký tự của một từ gốc, có cách luyến láy khác nhau, có nghĩa chỉ người hay tộc. Rén là người trong tiếng Hán, còn Jin Dai Y là ý âm của chữ Cần Tày trong tiếng Tày - Thái [4, tr.104]. Sau năm 1949, tên gọi thống nhất được xác định ban đầu là Đồng tộc, đến năm 1965 đổi thành Tráng tộc (nghĩa là người mạnh khỏe). Ở Việt Nam, các nhà dân tộc học thường dịch theo âm Hán Việt là dân tộc Choang. Trên thực tế, thành phần cơ bản của dân tộc Choang ở Trung Quốc hiện nay gồm rất nhiều tộc người, trong đó có các nhóm Tày-Nùng. Người Nùng và người Tày hiện nay vẫn gọi nhau một cách thân mật là Cần Slửa Khao (người áo trắng- tức người Tày) và Cần Slửa Đăm (người áo đen - tức người Nùng) b. Sinh kế Các nhà nghiên cứu trong nước, khi nghiên cứu về người nông dân Việt Nam và nhất là cộng đồng người thiểu số sống ở miền núi phía Bắc, đều khẳng định kinh tế của họ dựa trên những cơ sở của nền kinh tế trọng tình. Nhận định này được thấy trong công trình của Hoàng Nam (1992), Bế Viết Đẳng và các cộng sự (1993), Khổng Diễn (1995), Vương Xuân Tình (1993, 2004, 2007), Nguyễn Chí Huyên và các cộng sự (2000), Trần Bình (2005), Chu Thái Sơn (2006), Ma Ngọc Dung (2007), Bùi Xuân Đính (2009, 2013), Hoàng Cầm (2014). Các nghiên cứu về dân tộc học, nhân học cũng chỉ ra rằng, suốt chiều dài lịch sử các tộc người thiểu số sinh sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc ở đồng bằng chủ yếu là canh tác lúa
  • 16. 11 nước và làm nương rẫy. Trong đó, những nghiên cứu về dân tộc Nùng cho thấy, địa bàn cư trú trong tự nhiên là tiền đề quy định hoạt động sinh kế, và nơi sinh sống của họ là ở các vùng thung lũng. Trong điều kiện như vậy, họ phải vừa thích nghi với việc khai phá đất bằng để làm ruộng nước (Nà) - tạo nên văn minh lúa nước, đồng thời vừa phải biết khai thác đất dốc, đất núi để làm nương (Lầy) và trồng cây khô cạn. Ngoài ra, họ còn có các hoạt động kinh tế mang tính chất phụ trợ khác như: làm vườn, trồng cây đặc sản, tiểu thủ công nghiệp, săn bắt, đánh cá. Đặc điểm của canh tác lúa nước ở vùng các dân tộc miền núi là thửa ruộng nhỏ, thường cách bản làng không xa và nằm ở ven đồi núi, rìa thung lũng hay ngay trong lòng thung lũng. Họ có kỹ thuật làm đất khá phát triển cũng như việc dùng phân bón khá thành thạo, có nhiều giống lúa cổ truyền đều cho ra gạo rất ngon, thơm. Phân công lao động chủ yếu theo giới tính: nam cày bừa, nữ gieo cấy. Trong canh tác nông nghiệp - ngành kinh tế chủ đạo, cộng đồng nông dân thường có tập quán tương trợ và giúp đỡ nhau với các hình thức như vần công - đổi công. Họ thường lập ra các nhóm tương hỗ mà thành viên không chỉ có quan hệ huyết thống mà còn có quan hệ láng giềng, sự tham gia của mọi người vào các nhóm đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nền kinh tế nông nghiệp với các thực hành văn hóa, xã hội và kỹ thuật trong các mối quan hệ mang tính trọng tình đã giúp cho cư dân miền núi thích ứng với môi trường có độ dốc cao, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp duy trì, bảo vệ khá tốt đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Cũng trong công trình nghiên cứu về các dân dân tộc ít người ở Việt Nam năm 1978, khi giới thiệu thông tin khái quát về văn hóa vật chất của người Nùng, các nhà dân tộc học mô tả các hoạt động sinh kế của họ một cách đơn thuần. Ví dụ: “Người Nùng là cư dân nông nghiệp, họ canh tác ruộng nước một cách thành thạo, tương tự như người Kinh, người Tày. Thế nhưng, hoàn cảnh cư trú khiến cho người Nùng không thể chỉ sinh sống bằng nông nghiệp ruộng nước. Nương và rẫy đối với họ có một vai trò quan trọng” [99, tr.201]. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, kỹ thuật làm rẫy của họ lạc
  • 17. 12 hậu, thô sơ, hoạt động săn bắt, hái lượm tuy giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhưng chỉ là để bảo vệ mùa màng và cải thiện bữa ăn. Nghiên cứu của Hoàng Nam (1992) là một trong những tài liệu nghiên cứu chi tiết đầu tiên về người Nùng. Tác giả đã khái quát toàn bộ những đặc điểm cơ bản đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần, các phong tục tập quán. Về đặc điểm kinh tế, tác giả viết: người Nùng “là cư dân sống ở miền núi, có rừng, có sông, có thung lũng lòng chảo... nguồn sống kinh tế chủ yếu là trồng trọt các loại cây nhiệt đới; ngoài ra đồng bào còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển một số ngành nghề thủ công” [48, tr.58]. Tuy nhiên, tác giả cũng mô tả khá chi tiết các hoạt động canh tác nông nghiệp của người Nùng với trồng trọt trên ruộng nước và ruộng cạn, các kỹ thuật canh tác, chế tác công cụ sản xuất, sử dụng đa dạng các giống lúa, các loại hoa màu: đậu xanh, đậu tương, đậu đũa, lạc, vừng, khoai lang, sắn... các loại cây ăn quả: quýt, hồng, đào... cây công nghiệp: hồi, trẩu, sở, thuốc lá. Và với người Nùng, trồng trọt đi cùng chăn nuôi có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống kinh tế của họ cũng như họ có thêm kinh tế hái lượm, sắn bắt. Ngoài ra, họ còn có đa dạng các nghề thủ công như: dệt, mộc, đan lát, gốm sứ. Nghiên cứu về người Nùng của Chu Thái Sơn và Hoàng Hoa Toàn (2006) đã nêu khái quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến người Nùng như lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, các ứng xử cộng đồng trong làng bản, dòng họ, gia đình, hôn nhân, các tập tục trong cưới xin, sinh và nuôi dạy con, lễ mừng sinh nhật, tập tục ma chay; các hoạt động trong đời sống tinh thần: tín ngưỡng - tôn giáo, văn học nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống. Về sinh kế của người Nùng, các tác giả cũng chứng minh rằng: “Dân tộc Nùng là cư dân trồng trọt, cây lương thực chính là cây lúa, sau đến ngô. Làm ruộng là loại hình kinh tế chủ yếu (nương thổ canh và du canh) ở nhiều vùng vẫn giữ vị trí đáng kể. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế khác như: làm vườn, trồng cây đặc sản, tiểu thủ công nghiệp, hái lượm, săn bắt, đánh cá... là những nghề mang tính chất phụ trợ” [64, tr.24]. Các kỹ thuật canh tác
  • 18. 13 của người Nùng: cày, bừa tương tự như người Tày. Trong quá trình canh tác họ là những cư dân nắm vững và sử dụng thành thạo các bản tính nông lịch, biết dựa vào sự thay đổi thời tiết thông qua những biến đổi tự nhiên để điều chỉnh hoạt động gieo, cấy cho phù hợp. Các tác giả còn có các mô tả về hoạt động chăn nuôi, giới thiệu các nghề thủ công gia đình như mây tre đan, dệt vải, rèn, làm ngói. Giống với nghiên cứu của Hoàng Nam (1992), trong nghiên cứu này, các tác giả cho rằng việc khai thác các sản phẩm có sẵn trong tự nhiên và hoạt động trao đổi mua bán mang ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Nùng. Trong một nghiên cứu về tập quán mưu sinh của các dân tộc thiểu số ở vùng Đông Bắc Việt Nam, Trần Bình (2014) cũng đã chỉ ra những đặc điểm chung của các dân tộc thiểu số với các mô tả dân tộc học theo các hệ ngôn ngữ. Sinh kế của người Nùng thuộc nhóm Tày - Thái đều lấy trồng trọt cây lương thực (trong đó cơ bản là lúa) làm nguồn sống chính. Tác giả khẳng định: “Với cơ chế vận hành của một nền kinh tế tự cấp, tự túc, được tổ chức theo quy mô gia đình, cơ cấu các hoạt động mưu sinh của các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái gồm: trồng trọt cây lương thực, chăn thả gia súc, gia cầm; thủ công gia đình; khai thác chiếm đoạt tự nhiên” [5,tr.115]. Tác giả cũng nêu lên việc trao đổi buôn bán được diễn ra trong cộng đồng làng bản và địa phương, giữa các tộc người với nhau, sản phẩm mang ra trao đổi thường là các sản phẩm dư thừa. Tương tự như các nghiên cứu trên khi bàn về sinh kế của người Nùng, Vương Xuân Tình (2014) nghiên cứu về văn hóa với phát triển vùng biên giới ở Việt Nam, trong đó tập trung vào nhóm người Nùng ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã chỉ ra: sinh kế của người Nùng chủ yếu là canh tác ruộng nước, nương rẫy, làm vườn và trồng rừng. Chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, vịt với nguồn thức ăn được cung cấp từ sản phẩm trồng trọt (ngô, khoai, sắn). Trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, với các loại như thông, bạch
  • 19. 14 đàn, sa mộc, chám... Ngoài ra, vào những lúc nông nhàn người dân còn đi làm thuê: chặt mía, phát bạch đàn, phát rừng bên Trung Quốc [79]. Tóm lại, trong những công trình nghiên cứu về sinh kế của người Nùng trước đây đều đưa ra những nhận định chung: sản xuất nông nghiệp với trồng lúa nước, nương rẫy là chính, còn chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và trồng rừng là phụ. Sinh kế mang tính chất tự cấp tự túc. Bên cạnh những mô tả về các dạng thức canh tác, việc sử dụng các loại cây, giống,... cũng như chỉ ra tính chất trọng tình của nền kinh tế tự cấp tự túc với các quan hệ tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất nhưng chưa quan tâm đến những động thái trong phương thức mưu sinh khi điều kiện sống thay đổi. Bên cạnh các công trình nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử, sinh kế, những nghiên cứu khác về người Nùng cũng được đề cập đến dưới các khía cạnh khác nhau: hôn nhân, gia đình, dòng họ, xã hội, phong tục tập quán, nghệ thuật... của các tác giả như Lã Văn Lô-Đặng Nghiêm Vạn (1968), Hoàng Quyết (1972), Lê Văn Bé (2001), Hoàng Thị Quỳnh Nha (2003), Nông Thị Nhình (2004), Hoàng Thị Nhuận, Nguyễn Thị Yên (2005), Đàm Thị Uyên (2011), Triệu Thị Mai (2007, 2011), Nguyễn Thị Thúy (2012), Hà Đình Thành (2010), Lê Minh Anh (2014), Nguyễn Thu Minh (2014).... Những nghiên cứu này góp phần cung cấp thêm thông tin hữu ích về những vẫn đề liên quan đến đề tài trong quá trình nghiên cứu và viết luận án. 1.1.2. Nghiên cứu về sinh kế của người nông dân trong các bối cảnh chuyển đổi Văn hoá đảm bảo đời sống, đặc biệt là hoạt động sinh kế cổ truyền của người nông dân, nông thôn châu Á là chủ đề nghiên cứu được quan tâm nhiều trong ngành nhân học, dân tộc học và nghiên cứu văn hoá. McElwee (2007) trong công trình nghiên cứu về sinh kế của người nông dân ở vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Việt Nam- “From the Moral Economy to the World Economy: Revisiting Vietnamese Peasants in the Globalizing Era”(Từ nền kinh tế đạo đức đến nền kinh tế thế giới: Xem xét lại người nông
  • 20. 15 dân trong bối cảnh toàn cầu hóa) phát hiện ra rằng: mặc dù có những thay đổi xuyên suốt thế kỷ XX trong cơ cấu lao động làng xã, trong tự nhiên, sở hữu đất đai, tổ chức kinh tế - chính trị, người nông dân Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục duy trì nhiều khía cạnh của một nền kinh tế trọng tình. Tác giả chỉ ra, sau những tàn phá kinh tế trong chiến tranh từ những năm 1950-1970, những người nông dân ở Nghệ Tĩnh chỉ thực hành một nền kinh tế khép kín, các quan hệ có đi có lại (vần công, đổi công) vẫn đặc biệt quan trọng đối với những nông dân sở hữu ít đất đai, duy trì cuộc sống với mô hình gia đình nhỏ. Việc mở cửa chuyển dịch nền kinh tế thị trường theo xu thế toàn cầu hóa dẫn đến việc mọi hàng hóa nông nghiệp đều có thể sản xuất và đáp ứng các nhu cầu của toàn cầu. Song, người dân ở đây không thay đổi hoàn toàn hoạt động sinh kế và triết lý mưu sinh theo định hướng từ các chính sách chuyển dịch kinh tế được đưa vào từ bên ngoài. Họ không dựa trên giá trị lợi nhuận của các loại cây mà chỉ trồng những gì họ thích ăn và dựa vào tập quán trồng cây đã tồn tại lâu dài trong lịch sử canh tác của họ [113, tr.58]. Đa số nông dân quyết định không chuyển từ trồng lúa có năng suất thấp sang trồng ngô lai vốn hứa hẹn một thu nhập cao hơn. Theo tính toán của nông dân ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), “lúa là loại cây họ biết rõ nhất phải canh tác ra sao, luôn có thị trường do nhà nước đảm bảo, và là thứ mọi người thích ăn nhất” [113, tr.78], điều này thể hiện việc họ muốn giữ nguyên những cơ sở đạo lý của nền kinh tế trọng tình. McElwee chứng minh: “tương hỗ là hành động xã hội”, “tái phân phối thu nhập là nghĩa vụ xã hội”, “tránh rủi ro là chiến lược xã hội”, “phụ thuộc vào đất công là quyền xã hội” là những đặc trưng của cộng đồng nông dân Hà Tĩnh trong truyền thống và trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay. Tác giả kết luận, mặc dù sinh kế của người dân thay đổi, nhất là người nông dân hiện đại và nền kinh tế trọng tình, song các quan hệ được duy trì để đảm bảo đời sống khi sản xuất nông nghiệp truyền thống theo triết lý “an toàn là trên hết” vẫn còn được thực hành một cách phổ biến, đặc biệt là các dàn xếp kỹ thuật và xã hội để tương trợ nhau giữa các nhóm xã hội theo hướng “có đi có lại”. Nó
  • 21. 16 không chỉ là hoạt động của lòng nhân ái giữa những người bạn hay là một nghĩa vụ một cách miễn cưỡng giữa những người họ hàng, mà “có đi có lại” là một sự trao đổi phức tạp dựa vào các mối quan hệ xã hội. Phân phối và thu nhập như một nghĩa vụ mà những người nông dân thực hiện để mang lại sự gắn kết hơn trong làng [113, tr.71]. Jenifer Sowerwine (2006) trong công trình “Changing State and Market Rules: agrarian transformations and the emergence of a moral- market economy in the highlands of Ba Vi, Viet Nam” (Việc thay đổi nhà nước và các quy tắc thị trường: chuyển đổi ruộng đất và sự xuất hiện nền kinh tế đạo đức- thị trường ở vùng núi Ba Vì, Việt Nam) đã phác thảo việc tái định cư của người Dao ở vùng núi Ba Vì, mô tả các mô hình và quá trình sử dụng đất trong các chính sách mới của chính phủ, các nguồn lực kinh tế thị trường xuất hiện cũng như các quan hệ xã hội chi phối các kết quả của họ. Trong đó là những phân tích về các mô hình thu nhập, sự chi tiêu cũng như tiếp cận với các chương trình tín dụng để chứng minh cho chiến lược sinh kế trong bối cảnh căng thẳng của việc chiếm hữu đất đai còn nhiều bất ổn. Tác giả đã dựa trên khuôn khổ của nền “kinh tế đạo đức - thị trường” để phân tích các quá trình biến đổi đất nông nghiệp và đặc biệt là các nguồn lực sản xuất trong chiến lược sinh kế của người Dao. Không còn sống du canh, du cư, sinh kế của họ chủ yếu dựa vào vườn, diện tích trồng lúa nước không đáng kể song vẫn chiếm một vị trí quan trọng ở đây. Các chính sách giao đất, chương trình trồng rừng của nhà nước với mục đích xóa đói, giảm nghèo đã phản ánh một nỗ lực của nhà nước nhằm kiểm soát con người và các nguồn lực ở vùng cao. Từ việc nghiên cứu sự tham gia vào các chương trình trồng rừng, tác giả chỉ ra sự không tương xứng đối với người dân, vẫn còn sự phân biệt xã hội, sự quan liêu, tất cả đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhưng, người dân đã thành công trong việc phát hiện ra ranh giới để có thể đáp ứng cơ hội thị trường mới và sự tích lũy của cải. Họ biết chủ động dựa vào các mối quan hệ với lãnh đạo thôn để được tiếp cận nguồn lực sản
  • 22. 17 xuất, góp phần đảm bảo sinh kế, có sự tích lũy nhất định thông qua việc trồng sắn, trồng lúa và làm vườn [116]. Khi nghiên cứu về “Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa: Nghiên cứu trường hợp làng Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội”, Nguyễn Giáo (2016) đã dựa trên quan điểm về tính duy lý trong kinh tế và chứng minh: người nông dân trong bối cảnh chuyển đổi về kinh tế đã biết tận dụng các mối quan hệ xã hội để làm ăn. Trong nghiên cứu này, những người nông dân sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi bị thua lỗ trong làm ăn họ lại không nhờ vào sự giúp đỡ của các mối quan hệ họ hàng mà đi vay lãi qua các mối quan hệ bên ngoài để tránh các nguy cơ ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, họ hàng. Tác giả cũng phân tích rõ các phương thức để họ tạo dựng, duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội, người nông dân luôn có những tính toán để gia tăng tư lợi [28]. Trong bối cảnh về những người nông dân bị thu hồi đất cho các dự án phát triển đô thị, xây dựng các khu công nghiệp ở ven đô Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu (2014) đã chỉ ra các cơ hội và thách thức đối với sinh kế của họ trong quá trình chuyển đổi này. Tác giả tìm hiểu về các quá trình, các tác động từ bên trong và bên ngoài, kết hợp với việc phân tích bối cảnh, hệ quả của sự chuyển đổi, lý giải việc tiếp cận, sử dụng, phân phối các nguồn vốn, những cách thức mà cá thể và hộ gia đình đã sử dụng để tận dụng các điều kiện có thể để ứng phó với những chuyển đổi diễn ra. Tác giả đồng thời nhấn mạnh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nổi bật là việc thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân để xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp hay cơ sở hạ tầng đô thị đã làm chuyển đổi mạnh mẽ cuộc sống và chiến lược sinh kế của nhiều hộ nông dân. Các quá trình này mang lại cho người nông dân những cơ hội sinh kế mới, họ đã thích ứng, chủ động với việc chuyển sang các loại hình sinh kế mới, chuyển đổi từ nông
  • 23. 18 nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, giúp cải thiện, tăng thêm nguồn thu nhập, tăng thêm mức sống cho các hộ dân [66]. Nghiên cứu về những nỗ lực kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở cộng đồng Thái - Lào tại vùng Đông Bắc Thái Lan, Keyes (1983) trong công trình nghiên cứu “Economic action and Buddhist Morality in Thai Village”(Hành vi kinh tế và đạo lý Phật giáo ở một làng người Thái) đã chứng minh: sinh kế của người nông dân được đặt trong mối liên hệ với văn hóa Phật giáo và kinh tế chính trị. Trong khi đời sống kinh tế của người dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi so với các khu vực khác ở Thái Lan, họ còn phải đối phó với các quan chức “hách dịch” đã khiến cho việc tiếp cận các hoạt động kinh tế một cách khó khăn hơn khi muốn cải thiện cuộc sống. Để thay đổi, họ đã dựa vào một nền kinh tế trọng tình với thế giới quan Phật giáo. Các hành vi kinh tế của người nông dân diễn ra chủ yếu trong mối liên hệ với những hộ gia đình mà họ có các mối quan hệ chính yếu. Họ luôn tìm cách gia tăng tư lợi, lợi ích của gia đình, không chỉ liên quan đến những điều kiện kinh tế - chính trị ràng buộc cuộc sống mà còn liên quan nhiều đến những đòi hỏi của xã hội, đó là việc sống trong một cộng đồng có luân lý và đạo đức. Để gia tăng mức sinh tồn, những người dân ở Ban Nông Tun đã sử dụng các chiến lược sinh kế khác nhau như: sử dụng các giống lúa mới, kết hợp bón phân hóa học, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các nghề thủ công, sản xuất than củi, chứng tỏ một thực tế rằng: người dân ở đây cũng đã chủ động có những tính toán để thích ứng với những động cơ thúc đẩy kinh tế mới [111]. Nghiên cứu của Keyes đã cho thấy, trong chiến lược sinh kế của người dân vùng Đông Bắc Thái Lan có sự đồng nhất giữa yếu tố trọng tình và duy lý. Nghiên cứu về quá trình chuyển đổi phương thức mưu sinh của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ với nhiều mô hình chuyển dịch, trong đó nổi lên là chuyển dịch từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm thương mại, công trình nghiên cứu “Từ lúa sang tôm - hành vi giảm thiểu rủi ro và khai
  • 24. 19 thác vốn xã hội của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” của Ngô Thị Phương Lan (2014) đã dựng lại một bức tranh sản xuất thương mại ở đây để tìm hiểu bản chất hành vi kinh tế của người nông dân. Người nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh nhạy trong việc thích ứng với việc sản xuất thị trường. Theo hướng tiếp cận về rủi ro và vốn xã hội, tác giả đã miêu tả chi tiết và phân tích phương thức mưu sinh nổi bật mới xuất hiện, đặt trong các khía cạnh lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Trường hợp người nông dân trong quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm đã thể hiện rõ lối tư duy duy lý theo hướng tiếp cận của Popkin (1979), song chiến lược giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như chuyển đổi dần các mảnh ruộng của gia đình làm đầm nuôi tôm, đầu tư vào các mạng lưới xã hội để phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro khi mất mùa, thể hiện sự kết hợp giữa yếu tố trọng tình và duy lý trong kinh tế để phù hợp với bối cảnh mới [40]. Nghiên cứu về người H’Mông ở làng Lao Chải (Sapa), trong tiểu luận “Tourism development and changing labor relations in Sa Pa, Northwestern Viet Nam” (Phát triển du lịch và sự thay đổi quan hệ lao động ở Sa Pa, Tây Bắc Việt Nam) của Dương Bích Hạnh (2006) cho thấy rõ sự thích ứng nhanh nhạy với loại hình sinh kế mới của người H’Mông. Trong bối cảnh khi mới di cư đến Việt Nam, cuộc sống của người H’Mông rất tốt vì có nhiều đất rừng cho họ khai phá trồng ngũ cốc, trồng thuốc phiện, trồng bông và buôn bán nhỏ với người dân bên Trung Quốc. Nhưng sau đó, cuộc sống của họ gặp khó khăn hơn khi đất canh tác ngày càng ít, dân số ngày một tăng lên. Từ những năm 1990, du lịch ở Sapa phát triển dẫn đến tình hình xã hội ở Lao Chải có sự thay đổi đột ngột, trong đó có thay đổi về sinh kế của người H’Mông theo hướng thích ứng với thị trường du lịch. Người H’Mông đã mang bán những đồ cũ định vứt đi (áo, khăn cũ) nhưng lại phát hiện ra khách nước ngoài rất thích, do vậy họ đã mang đi bán để kiếm tiền. Một phương thức mưu sinh mới xuất hiện, đó là, họ trở thành người bán hàng rong và phục vụ chỗ nghỉ cho khách du lịch. Các cô gái H’Mông tham gia vào các hoạt động du lịch đã
  • 25. 20 đóng góp thêm vào thu nhập ngân sách cho gia đình, song họ lại không có thời gian để thêu các đồ thêu cho mình vào các dịp lễ tết nên đã thuê những người phụ nữ lớn tuổi H’Mông làm thay, dẫn đến xuất hiện mối quan hệ lao động làm thuê [93]. Nghiên cứu này cũng chứng minh, bên cạnh những tính toán để gia tăng tư lợi thì những người H’Mông vẫn có sự tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh tế. Với công trình “Imaginative and adaptive economic strategies for Hmong livelihoods in Lao Cai Province, Northern Viet Nam (Các chiến lược kinh tế mang tính thích ứng và tưởng tượng của người H’Mông ở Lào Cai, phía Bắc Việt Nam), Jean Michaud và Sarah Turner (2008) đã nghiên cứu theo hướng tiếp cận sinh kế nhưng không nhằm vào điều tra các lợi ích tài chính hay sản lượng lương thực. Các tác giả tập trung vào các khía cạnh xã hội, văn hóa, chính trị ở vùng cao tác động như thế nào tới người H’Mông để họ có được chiến lược sinh kế và có thể duy trì quyền tự chủ, quyền quyết định lựa chọn hình thức kinh tế - xã hội cũng như sáng tạo văn hóa. Nhà nước hỗ trợ chính sách cho những người H’Mông sử dụng giống lúa lai mới để nhằm hiện đại hóa vùng cao, tăng năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực, từ đó dẫn đến những biến đổi sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt nên trồng lúa chỉ đủ để ăn bởi mỗi năm họ chỉ thu hoạch được một vụ. Để bổ sung cho nguồn thu nhập của gia đình, họ đã chủ động tham gia vào thương mại quy mô nhỏ thông qua việc bán sản phẩm dệt may, vật nuôi, gạo và rượu ngô [119]. Trong một nghiên cứu khác của Sarah Turner và Christine Bonnin (2011): “At what price rice? Food security, livelihood vulnerability and state interventions in upland Northern Viet Nam” (Thời điểm giá gạo nào? An ninh lương thực, tổn thương sinh kế và sự can thiệp của nhà nước ở miền núi phía Bắc Việt Nam), các tác giả đã đề cập đến chiến lược sinh kế thích ứng của người H’Mông ở tỉnh Lào Cai, chủ yếu dựa trên sự kết hợp hoạt động tự cung tự cấp và các hoạt động thương mại, ngoài ra còn có săn bắt, hái lượm. Sinh
  • 26. 21 kế hộ gia đình cũng rất đa dạng do việc buôn bán lâm sản, sản phẩm phụ của nông nghiệp như thảo quả, rượu ngô. Nghiên cứu của hai tác giả còn tập trung phân tích mạng lưới thương mại và sinh kế của một số phụ nữ H’Mông tại Sa Pa, chú trọng đến việc tìm hiểu các nguồn vốn, mạng lưới xã hội của họ. Từ việc buôn bán quần áo, hàng dệt may, người phụ nữ H’Mông đã đan xen kết hợp việc bán các loại quần áo cũ song song với việc may quần áo mới để tăng sự đa dạng nguồn tài chính. Họ đã có những tính toán để đa dạng hóa sinh kế với các lý do bao gồm cả sự hưởng thụ của xã hội trên thị trường. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy sự tham gia của những phụ nữ trong các hoạt động lao động tiền lương, khi nào bị bế tắc hoặc rủi ro thì họ lại quay về làm các công việc gia đình [106]. Các quá trình đan xen của đa dạng sinh kế có chọn lọc của những người phụ nữ H’Mông diễn ra trong các mối quan hệ xã hội khác nhau. Mỗi chuỗi hàng hóa họ tham gia cho thấy một phân đoạn của xã hội, song kinh tế của họ chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp mặc dù có các cơ hội kinh doanh mới đang được hình thành. Như vậy, đa dạng sinh kế để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình cũng là một phương thức được nhiều người nông dân sử dụng trong quá trình mưu sinh của họ. Tóm lại, thông qua tổng quan các công trình nghiên cứu đi trước về người Nùng và sinh kế của người nông dân nói chung, có thể thấy các nghiên cứu trước đây đã khái quát khá đầy đủ, chi tiết về đời sống kinh tế cũng như truyền thống văn hóa của người dân một cách có hệ thống. Trong đó, lịch sử định cư, đời sống xã hội, ứng xử văn hóa, quan hệ hôn nhân và dòng họ, thôn bản được mô tả khá cụ thể. Sinh kế của người nông dân trong các bối cảnh khác nhau cũng được chỉ ra theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc mô tả các hoạt động sinh kế truyền thống hoặc diễn tả sự thay đổi sinh kế mà chưa đi sâu phân tích cơ sở văn hóa - xã hội bên trong hoạt động đó thì chưa thể hiểu được rõ lý do của những thay đổi bên trong nó, nhất là khi nền kinh tế chịu nhiều sự tác động từ bên ngoài dẫn đến các hoạt động sinh kế truyền thống bị thay đổi. Với tính chất là một luận
  • 27. 22 án thuộc chuyên ngành Văn hóa học, NCS sẽ tiếp thu, kế thừa những luận điểm của các công trình đã nêu, đồng thời tiếp tục làm rõ những vấn đề chưa được nghiên cứu, hoặc đã được đề cập nhưng còn ở mức độ tổng quát: các thực hành sinh kế của người nông dân, các ứng xử văn hóa kèm theo...sẽ được đưa vào nội dung luận án. 1.2. Cơ sở lý luận 1.2.1. Một số khái niệm liên quan Trước khi đi sâu tìm hiểu về văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu cùng các vấn đề liên quan, trước hết luận án sẽ khái quát về mặt khái niệm: văn hóa, văn hóa đảm bảo đời sống để từ đó có cơ sở nghiên cứu và bàn luận thực tiễn. Với khái niệm văn hóa, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng văn hóa là những vấn đề liên quan tới con người, nó xuyên suốt mọi thời đại, chính vì vậy cho tới nay đã có rất nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo Eduard Burnett Tylor: “Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó là toàn bộ phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và những tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội” [35, tr.7]. Học giả A.A Belik đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa là phương thức hoạt động sống đặc biệt của con người, làm xuất hiện nhiều phong cách sống, các dạng thức vật chất để biến đổi thiên nhiên và sáng tạo các giá trị tinh thần” [35, tr.8]. Theo Bách khoa toàn thư Pháp: ‘‘Văn hóa theo nghĩa rộng là tập tục, tín ngưỡng, ngôn ngữ, tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ, những hiểu biết kỹ thuật cũng như toàn bộ việc tổ chức môi trường của con người, những công cụ, nhà ở... và nói chung là toàn bộ công nghiệp có thể truyền lại được, điều tiết những quan hệ và những ứng xử của một nhóm xã hội với môi trường sinh thái của nó’’ [35, tr.9] Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội cũng đưa ra các định nghĩa khác nhau về văn hóa. Định nghĩa về văn hóa của Giáo sư Hà Văn Tấn
  • 28. 23 như sau: “Văn hóa là hệ thống ứng xử của con người với thiên nhiên và xã hội trong hoạt động sinh tồn của mình. Nói khác đi văn hóa là sản phẩm của con người trong mối quan hệ tương tác với tự nhiên và xã hội diễn ra trong không gian, thời gian và hoàn cảnh nhất định” [35,tr10]. Trong công trình Cơ sở văn hóa Việt Nam, Giáo sư Trần Ngọc Thêm đưa ra định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [72, tr.12]. Như vậy, các định nghĩa được trình bày ở trên đã đem đến những hiểu biết và nhận thức phong phú về văn hóa, đều đi đến quan điểm thống nhất rằng: văn hóa là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần, là kết quả của các hoạt động của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Văn hóa còn gắn với một cộng đồng người nhất định, được sáng tạo và tích lũy, tạo thành bản sắc riêng của cộng đồng đó. Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa đảm bảo đời sống là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều thành tố bên trong như: ăn, mặc, ở, sinh kế, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo... góp phần đảm bảo cuộc sống cho con người. Trong những yếu tố để đảm bảo đời sống đó thì sinh kế được coi là yếu tố quan trong nhất, bởi khi sinh kế được ổn định thì các vấn đề kéo theo như ăn, mặc, ở... mới được đảm bảo. Theo Bách khoa thư mở điện tử (Wikipedia), sinh kế (livelihood) là hoạt động kiếm sống của con người thông qua việc sử dụng các nguồn lực (con người, tự nhiên, vật chất, tài chính, xã hội…) trong một môi trường dễ bị tổn thương có sự quản lý của các tổ chức, định chế, chính sách. Khi hoạt động sinh kế thích ứng, hoặc tránh được các tác động tiêu cực từ môi trường dễ bị tổn thương, đồng thời bảo đảm việc duy trì và phát triển được các nguồn lực trong cả hiện tại và tương lai thì được coi là sinh kế bền vững. Trong Từ điển tiếng Việt (1999): sinh kế được hiểu theo cách thông thường nhất là việc làm, kế sinh nhai hay cách mưu sinh, kiếm sống. Với nhà nghiên cứu Bùi Đình Toái (2004), sinh kế được hiểu là một tập hợp các nguồn
  • 29. 24 lực và khả năng của con người kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ sẽ thực hiện để không những kiếm sống mà còn đạt đến mục tiêu đa dạng hơn. Hay nói cách khác, sinh kế của một hộ gia đình, hay một cộng đồng còn được gọi là kế sinh nhai hộ gia đình hay cộng đồng đó. Các nhà nghiên cứu Robert Chambers và Gordon Conway (1991) cho rằng: sinh kế bao gồm những năng lực, tài sản (nguồn lực vật chất và xã hội), và những hoạt động đáp ứng cho việc sống [108]. Như vậy, sinh kế là hoạt động tất yếu của con người để tồn tại, là cách thức con người tác động vào tự nhiên, môi trường để tạo ra của cải vật chất nhằm đảm bảo cho cuộc sống sinh tồn của mình. Sinh kế có quan hệ mật thiết với văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa nhận thức cũng như có mối quan hệ mật thiết với các yếu tố môi sinh (tự nhiên và xã hội), có sự giao lưu và trao đổi với các cộng đồng khác. Nghiên cứu về sinh kế sẽ tìm hiểu được nhiều dữ kiện quan trọng liên quan đến việc tìm hiểu nguồn gốc, quá trình tộc người, quá trình thiên di, ảnh hưởng và giao lưu văn hóa, đặc biệt là hiểu được về hệ thống các tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp đã được tích lũy và lưu truyền qua nhiều thế hệ, với mỗi tộc người lại có những phương thức, cách thức ứng xử khác nhau trong việc tồn tại và phát triển để tạo nên sự đa dạng về sinh kế, góp phần hiểu được sắc thái văn hóa riêng biệt của từng tộc người. Ngoài ra, bên trong luận án, nghiên cứu sinh cũng sử dụng một số khái niệm như: kinh tế trọng tình, là các hoạt động kinh tế dựa trên những quan hệ tình cảm với sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ngoài những tính toán lợi ích vật chất, đề cao tính cộng đồng; kinh tế duy lý, là các hoạt động kinh tế được dựa trên những tính toán để đạt được mục đích vật chất, đề cao tính cá nhân, tư lợi, chấp nhận rủi ro để gia tăng mức sinh tồn. 1.2.2. Cơ sở lý luận Ở mỗi một cộng đồng dân cư khi sinh kế của họ bị tác động bởi một hay nhiều nguyên nhân nào đó, có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ
  • 30. 25 quan, đều dẫn đến họ buộc phải chuyển đổi cách thức mưu sinh vốn đã quen thuộc hàng ngày sang hình thức mưu sinh mới, diễn ra với nhiều sự thích ứng khác nhau, nhưng trong đó đều thể hiện rõ sự tính toán và chủ động của người dân trong quá trình chuyển đổi sinh kế. Để nghiên cứu vấn đề văn hóa bảo đảm đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong bối cảnh chuyển đổi mà nội dung chính là các thực hành sinh kế, NCS tiến hành tìm hiểu những công trình đi trước có hướng tiếp cận liên quan. Việc tập hợp tài liệu, phân tích và hệ thống lại các kết quả nghiên cứu đi trước được trình bày theo các vấn đề, làm rõ các hướng tiếp cận để từ đó xác lập cơ sở lý luận, xây dựng khung phân tích của đề tài. Trong các công trình nghiên cứu xung quanh vấn đề liên quan đến sinh kế, các chiến lược thích ứng với sự đa dạng sinh kế của người nông dân ở những vùng nông thôn trong các bối cảnh khác nhau đã cho thấy, ở mỗi hoàn cảnh, người dân luôn tìm cách để đảm bảo an ninh sinh tồn, thích ứng để phù hợp với hoàn cảnh mới. Có hai xu hướng nghiên cứu chính nổi lên: Hướng thứ nhất cho rằng: người nông dân luôn sống dựa trên những cơ sở của nền kinh tế trọng tình. Một trong những học giả có ảnh hưởng đến lĩnh vực nghiên cứu này là nhà nhân học, chính trị học Jame Scott. Trong công trình nghiên cứu được coi là kinh điển “The moral economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia” (Kinh tế trọng tình của nông dân: nổi loạn và tự cấp tự túc ở Đông Nam Á) đã chỉ ra đặc trưng của nền kinh tế cổ truyền của người nông dân Đông Nam Á: sinh kế truyền thống của họ, dù ở đồng bằng hay miền núi, canh tác nương rẫy hay ruộng nước, đều chia sẻ một nền kinh tế trọng tình và bị chi phối bởi cái mà Jame Scott gọi là “đạo lý tự cấp tự túc” (subsistant ethic) theo nguyên tắc “an toàn là trên hết”. Người nông dân có xu hướng tránh thực hành các hành vi có thể tạo ra rủi ro, đặc biệt là làm cho đời sống kinh tế của gia đình rơi xuống dưới ngưỡng sinh tồn, nên luôn thực hiện nguyên tắc trên. “Sống cận ngưỡng sinh tồn, phụ thuộc vào sự thất thường của thời tiết và sự đòi hỏi của người bên ngoài, hộ
  • 31. 26 nông dân không có cơ hội cho việc tính toán tối đa hóa lợi ích theo truyền thống của kinh tế học tân cổ điển” [115, tr.4]. “Sống dưới mức sinh tồn không chỉ là vấn đề có nguy cơ thiếu nguồn lương thực, thực phẩm cần thiết mà về mặt vấn đề văn hóa và xã hội nó là sự chịu đựng một mất mát sâu sắc về vị trí trong cộng đồng và có thể mãi mãi sống trong tình trạng phụ thuộc” [115, tr.9]. Vì sống ở cận ngưỡng sinh tồn nên nỗi sợ thiếu lương thực là nguồn gốc tồn tại của đạo đức sinh tồn. Theo đó, họ muốn sống trong hoàn cảnh dù có thu nhập thấp nhưng an toàn hơn là thu nhập cao nhưng có thể gặp nhiều rủi ro, có nguy cơ rơi xuống dưới ngưỡng sinh tồn. Tuy nhiên, cũng theo Jame Scott, nguyên tắc “an toàn là trên hết” không có nghĩa là người nông dân không bao giờ chấp nhận rủi ro. Khi nào những cải tiến về mùa màng, hạt giống, kỹ thuật canh tác hay sản xuất tạo ra thị trường có khả năng đem lại ích lợi hơn, ít hoặc không gây rủi ro cho an ninh sinh tồn thì họ sẽ sẵn sàng tham gia. Đối với những người nông dân sống ở cận ngưỡng sinh tồn theo hướng tiếp cận kinh tế trọng tình này thì nhu cầu sinh tồn mới là mối quan tâm lớn nhất cuả họ. Nhu cầu này cũng chính là nền tảng chi phối hành vi của nông dân, khiến cho họ không chấp nhận rủi ro. Hướng nghiên cứu thứ hai cho rằng: người nông dân luôn duy lý trong sinh kế, với nghiên cứu của Samuel Popkin (1979) có quan điểm đối lập với Jame Scott (1976) được trình bày ở trên. Trong công trình nghiên cứu “The Rational Peasant” (Người nông dân duy lý), với cách tiếp cận “political economy” (kinh tế chính trị), nông dân Việt Nam được xem là những người luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội, chấp nhận rủi ro để gia tăng mức sinh tồn. Tác giả cho rằng, người nông dân thường sẵn sàng đánh cuộc vào các cải tiến khi vị trí của họ được đảm bảo không bị thất bại [114, tr.21]. Họ tham gia vào các hoạt động của thị trường không phải đó là giải pháp cuối cùng mà coi đó là một cách để đáp ứng với những cơ hội mới, vì thị trường và có sự can thiệp của chính quyền trong một số tình huống có thể gia tăng phúc lợi của nông dân ở tầng lớp thấp [114, tr.33]. Cũng theo Popkin, khái niệm tư lợi được mở
  • 32. 27 rộng hơn so với kinh tế học tân cổ điển ở chỗ người nông dân không chỉ đơn thuần quan tâm đến hàng hóa vật chất hay thu nhập tiền bạc. Tính duy lý của người nông dân được thể hiện trong việc họ sẽ lựa chọn quyết định nào mà họ tin là sẽ tối đa hóa lợi ích mong đợi của họ một cách tư lợi, mà mối quan tâm là sự thịnh vượng và an toàn của bản thân và gia đình [114, tr.31]. Ngoài những nghiên cứu về người nông dân theo hướng trọng tình, duy lý thì cũng có những nghiên cứu chỉ ra không chỉ đơn thuần xem xét về người nông dân trên hai yếu tố này, mà còn có một khía cạnh khác, đó là sự kết hợp đan xen của cả yếu tố trọng tình và duy lý, như nghiên cứu của Keyes (1983) về người nông dân Đông Bắc Thái Lan, hay nghiên cứu của Ngô Thị Phương Lan (2014) về người nông dân nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã được trình bày phía trên,... Do vậy, cơ sở lý luận để nghiên cứu cho mỗi một trường hợp có những nét tương đồng song cũng có những sự khác biệt. Với trường hợp nghiên cứu về “Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (trường hợp thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)” ở phạm vi một luận án Tiến sỹ, NCS xác định cơ sở lý luận dựa trên việc kế thừa các luận điểm và các cách tiếp cận khác nhau về sinh kế đã được thảo luận, xung quanh quan điểm về kinh tế trọng tình, duy lý hay là sự kết hợp của cả hai yếu tố khi nghiên cứu về người nông dân trước bối cảnh chuyển đổi. Theo đó, nội dung luận án là những phân tích, bàn luận về sinh kế của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong bối cảnh chuyển đổi, sự chủ động, thích ứng của họ trong các phương thức mưu sinh mới. Đồng thời, tìm hiểu và phân tích bối cảnh đã tác động trực tiếp dẫn đến sự chuyển đổi sinh kế của người dân, cùng với các cơ sở sinh kế trong xã hội cổ truyền cũng được mô tả và phân tích. Các phương thức được người dân sử dụng để đảm bảo cuộc sống, các cách ứng phó mà trong đó có sử dụng nguồn vốn văn hóa (từ truyền thống văn hóa tộc người) để thích ứng, thể hiện sự chủ động của người dân. Xem xét những cơ sở của các thực hành sinh kế trong xã hội cổ truyền liệu có còn tồn tại và được sử
  • 33. 28 dụng hay không? Sự phân tích và giải đáp các các vấn đề nêu trên cũng sẽ là căn cứ để tìm hiểu về văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu hiện nay. 1.3. Thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) 1.3.1. Quá trình hình thành và vài nét về dân cư, kinh tế - xã hội Quá trình hình thành Theo thống kê dân số Việt Nam năm 2009, người Nùng có 968.800 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 7 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó Lạng Sơn là nơi có số lượng người Nùng sinh sống nhiều nhất và tập trung nhất, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu các dân tộc của tỉnh. Căn cứ vào gia phả và chuyện kể của các dòng họ Nùng cho thấy Lạng Sơn là một trong những địa bàn người Nùng di cư đến sớm nhất, sau đó họ mới tiếp tục đến định cư ở Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Hà Giang và các tỉnh khác [87]. Tại Lạng Sơn, có ba nhóm Nùng sinh sống: Nùng Inh, Nùng Phàn Slình có mặt ở hầu như ở khắp các huyện trong tỉnh, riêng nhóm Nùng Cháo tập trung chủ yếu ở huyện Văn Lãng và Tràng Định. Điểm giống nhau giữa ba nhóm Nùng này là đều sử dụng một ngôn ngữ. Điểm khác biệt rõ nhất được thể hiện ở bộ trang phục của phụ nữ mỗi nhóm, đó là: trong trang phục thường ngày, áo năm thân của phụ nữ Nùng Inh và Nùng Cháo có độ dài dài hơn so với phụ nữ Nùng Phàn Slình nhưng áo của phụ nữ Nùng Phàn Slình được thêu nhiều hoa văn hơn; Về cách đội khăn: phụ nữ Nùng Inh và Nùng Cháo đội khăn vuông nhuộm chàm đen, choàng qua mái tóc đã được vấn quanh đầu. Còn phụ nữ Nùng Phàn Slình khi đội khăn thường gấp dọc khăn lại rồi quấn một vòng từ trước chán ra cài sau gáy, trên khăn có thêu chỉ sọc màu xanh hoặc trắng. Ở huyện Văn Lãng, xã Tân Thanh là một trong những nơi tập trung đông người Nùng Cháo, họ sinh sống trong các thôn Nà Tồng, Nà Han, Nà Ngườm và Nà Lầu. Thôn Nà Lầu tiếp giáp với thôn Nà Han ở phía Bắc, và thôn Bản Thẩu ở phía Nam, cách trung tâm xã Tân Thanh 0,5km, cách trung tâm huyện Văn
  • 34. 29 Lãng 15km và cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 30km (A1 - PL1). Đây là thôn thuộc khu vực vùng biên, có đường tiếp giáp với biên giới Trung Quốc gần 4km. Vị trí của thôn nằm dựa ngay dưới chân núi, phía trước là các bãi nương, ruộng để trồng trọt. Khí hậu ở đây theo khí hậu của Lạng Sơn nói chung, mang tính chất cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình năm là 17 - 220 C. Mùa hè mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 10, mùa đông lạnh và hanh khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Trong thôn không có sông hay suối chảy qua mà chỉ nguồn nước được dẫn về từ các mạch ngầm trong các khe núi đá để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy nên sản xuất nông nghiệp ở Nà Lầu gặp nhiều khó khăn do khí hậu, địa hình trũng và thiếu nguồn nước. Nà Lầu là thôn định canh, định cư của nhóm Nùng Cháo. Theo giải thích của những người già trong thôn thì tên gọi Nà Lầu có nghĩa là “ruộng cỏ lau”. Khi xưa tổ tiên họ đến định cư ở đây, vùng đất này mọc rất nhiều cỏ lau, họ phải khai phá để làm nương, làm ruộng và định cư, tên gọi đã được đặt theo cảnh quan thiên nhiên đó. Theo những người già nhất hiện nay còn sống ở trong thôn kể lại, tổ tiên của họ có nguồn gốc bên Trung Quốc, do hạn hán và thiên tai thường xuyên xảy ra, dẫn đến đói kém, không có cái ăn, buộc họ phải di cư sang Việt Nam. Như vậy, những nghiên cứu về lịch sử cư trú và tộc người đã được các nhà nghiên cứu đi trước chỉ ra theo quan điểm thứ nhất trong phần tổng quan tài liệu về người Nùng đã được nêu ở nội dung trước là hoàn toàn trùng khớp với nhóm Nùng ở Nà Lầu về thời gian đến định cư tại Việt Nam, tương đương 200 đến 300 năm trở lại đây. Trong quá khứ, những người dân sống trong thôn ít nhiều cũng đã từng có các mối quan hệ xuyên biên giới Việt - Trung trong hôn nhân đồng tộc cũng như giao lưu xã hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chính trị giữa hai nước những năm 1970, việc phân định đường biên quốc gia trở nên rõ ràng hơn nên các mối quan hệ họ hàng, bạn bè đến nay đã không
  • 35. 30 còn nữa. Tính đến thời điểm hiện nay, những dòng họ định cư trong thôn được lâu nhất là được 7 đời. Vài nét về dân cư, kinh tế - xã hội Trước đây, trong thôn có hơn 30 gia đình cùng chung sống, thuộc sáu dòng họ khác nhau: Hoàng, Ngô, Lê, Trần, Lô, Hà. Trưởng thôn do dân thôn suy tôn từ người của một dòng họ lớn nhất, có uy thế nhất và thường là trưởng của dòng họ đó. Tại Nà Lầu, dòng họ Hoàng là dòng họ có uy thế, giàu có và đông nhất trong thôn. Hiện nay, số lượng các gia đình ở trong thôn đã tăng lên hơn 80 hộ, do các gia đình lớn đã tách cho các con trai, con gái ra ở riêng, ngoài ra còn có sự cư trú xen kẽ với các dân tộc khác cùng đến Tân Thanh làm ăn đã tạm trú tại đây. Khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, toàn bộ người dân trong thôn đã phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn, thôn Nà Lầu bị bỏ hoang, mười năm sau người dân toàn thôn mới quay trở lại sinh sống (năm 1989). Năm 1992, khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng và mở rộng, thôn Nà Lầu được chia ra để hình thành nên các khu phố I và II, dọc theo trục đường chính thuộc xã Tân Thanh, cửa khẩu Tân thanh nằm ngay trên địa bàn của thôn. Tổng diện tích đất tự nhiên của thôn khoảng 20 ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng chiếm 5 ha. Sinh kế chủ yếu của người Nùng ở Nà Lầu trong xã hội cổ truyền là sản xuất nông nghiệp. Cây lương thực chính là cây lúa, họ đã có truyền thống canh tác trồng lúa nước từ rất lâu đời và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, được thể hiện ở việc xác định thời vụ, chọn đất, chọn giống lúa, hệ thống công cụ sản xuất, phương tiện tưới tiêu... Ngoài lúa, người Nà Lầu trồng ngô, sắn, đỗ tương và một số loại cây khác. Ở đây, ruộng có hai loại là ruộng nước và ruộng chờ mưa. Ruộng nước (nà nặm) là ruộng sẵn có nước mạch ngay tại chỗ hay thông qua hệ thống phai, đập, mương máng dẫn từ các dòng sông, suối hay các mạch nước ngầm trong núi đưa về tưới cho cây trồng. Ruộng chờ mưa (nà lẹng) thường là những ruộng cao, khô nước không trồng cấy được bằng biện pháp thủy lợi, chỉ có cách duy
  • 36. 31 nhất là nhờ ở nguồn nước mưa, thường cấy được một vụ. Ngoài ra, họ cũng tiến hành các hoạt động khai thác các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên như các loại rau rừng (rau ngót, rau dớn, nấm hương, mộc nhĩ), các loại cây có củ (củ mài, củ từ, cây báng...) thường được hái lượm về. Việc trao đổi hàng hóa và buôn bán ở các chợ huyện đã được hình thành từ lâu đóng góp một phần quan trọng trong sinh kế của họ. Chợ họp mang tính chất địa phương, thường diễn ra ở các đường cái lớn, được hình thành và cách nhau khoảng 5 - 10 km. Người dân trong thôn thường mang nông sản do chính họ sản xuất đem ra chợ bán. Thông thường, đó là các loại lương thực và hoa màu: gạo, ngô, khoai, sắn, đỗ tương; các loại gia cầm như gà, vịt, ngan. Trong bối cảnh chuyển đổi, sinh kế của người Nùng Cháo tại Nà Lầu đã có nhiều chuyển biến về sinh kế. Đây cũng là điểm khác biệt về so với các thôn người Nùng của xã Tân Thanh, trong khi đa phần các thôn khác vẫn coi trọng sản xuất nông nghiệp, thì người Nùng ở Nà Lầu đã tiến hành đa dạng sinh kế, cùng với sự năng động của người dân, quá trình này sẽ được trình bày ở các chương tiếp theo Gia đình của người Nùng Cháo ở Nà Lầu là hình thức gia đình nhỏ mở rộng. Gia đình nhỏ có bố mẹ và các con chưa có gia đình cùng chung sống, trong đó vai trò của những người đàn ông luôn được đề cao. Người đứng đầu là ông bố và mọi việc trong nhà chỉ được tiến hành khi được ông chấp nhận, sau đó là sự quyết định của người con trai trưởng. Thông thường, người phụ nữ trong gia đình không quyết định được việc gì, có thể nói tính “gia trưởng” ở người đàn ông Nùng được thấy rất rõ: “Trong nhà đàn ông mới nắm mọi việc còn đàn bà chỉ có biết đẻ con và đi làm thôi, có việc gì thì mấy anh em trai cùng bàn trước rồi mới làm”- ông Kha nói. Việc phân công lao động trong gia đình của người Nùng Cháo trước đây ở trong thôn Nà Lầu có sự phân biệt rõ rệt về giới tính, như bà Nhì kể: “Đàn ông thì chủ yếu làm những công việc nặng như: cày, bừa, làm nhà, làm mộc, đi săn bắn. Còn đàn bà thì cấy lúa, trồng cây, hái củi, dệt vải, may vá.
  • 37. 32 Tới mùa thu hoạch lúa, ngô thì tất cả lại cùng nhau làm, không ai được ngồi chơi đâu, cùng làm thì mới có mà ăn chứ. Còn người già thường ở nhà giúp việc trông nom con, cháu, ai nấu được cơm hộ thì nấu, rồi thì hộ chăn gà, vịt”. Vấn đề sở hữu tài sản của gia đình rất được coi trọng, tất cả đều là sở hữu chung của mọi thành viên, mọi người cùng lao động và cùng hưởng thụ như nhau. Tuy nhiên, khi có con lớn đến tuổi xây dựng gia đình riêng thì họ được ưu tiên trong việc mua sắm quần áo hơn so với các em nhỏ trong nhà. Việc phân chia về quyền thừa kế tài sản trong gia đình người Nùng Cháo cũng rất rõ ràng, quyền thừa kế tài sản chủ yếu thuộc về con trai. Những tài sản như ruộng, rừng, nương, nhà ở chỉ có con trai mới được hưởng thừa kế và cũng theo thứ tự ưu tiên giữa các anh em trong nhà, người con lớn được phần nhiều và tốt hơn người con nhỏ. Con gái đi lấy chồng có thể được một ít của hồi môn, khi ra ở riêng sẽ được chia gia súc như trâu, bò. Việc chia tài sản cho con gái trong nhà phụ thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình, con gái nhà giàu được chia nhiều của hơn con gái nhà nghèo. Bên cạnh gia đình hạt nhân, trong thôn còn có hình thức gia đình mở rộng, song chỉ mang tính chất tạm thời khi đang chuẩn bị cho việc tách ra ở riêng của một gia đình nhỏ khác. Loại gia đình mở rộng thứ nhất là các em trai (gái) hoặc các con thứ đã có vợ (có chồng) nhưng chưa tách ra ở riêng được vì chưa được tuổi xây nhà, hoặc chưa đủ điều kiện về kinh tế để ra ở riêng. Con gái đã lấy chồng, nhưng chưa sinh con, vẫn đi lại và có thể về ở nhà bố mẹ đẻ và cũng là một thành viên của gia đình mở rộng (chỉ khi sinh con họ mới về nhà chồng). Khi có đủ điều kiện về kinh tế, gia đình mở rộng này được tách ra thành các gia đình nhỏ/hạt nhân. Loại gia đình mở rộng thứ hai là con cháu sống cùng ông, bà. Người Nùng Cháo thường có nhiều con nên khi về già, trở thành ông bà, họ có thể ở với con này hoặc con khác, thông thường là với con trai út. Vì theo họ, con út thường có các cháu nhỏ, nên phải ở với con út để giúp trông cháu, trông nhà. Họ còn quan niệm, khi chết thì ở nhà con trai cả, vì con cả thường ở ngôi nhà
  • 38. 33 cũ của tổ tiên để lại và cũng theo tục lệ anh ta phải có trách nhiệm lớn hơn các anh em khác trong gia đình trong chăm sóc bố mẹ-ông bà và lo liệu tang lễ cho những người già ấy. Nhờ còn tồn tại các hình thức gia đình mở rộng như vậy mà quan hệ anh em trong gia đình cũng như với họ hàng ở người Nùng tại Nà Lầu còn phát huy được sự gắn kết, tương trợ trong các thực hành sinh kế khi môi sinh thay đổi. Trong thôn Nà Lầu, ngoại hôn dòng họ là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hôn nhân nhưng các quan hệ thân tộc thật chằng chịt. Hầu hết các thanh niên nam nữ đến tuổi lập gia đình đều lấy vợ, lấy chồng ở các thôn lân cận như: thôn Nà Tồng, Nà Ngườm, Na Sầm. Những người được gọi là “lượt lài”, “đúc lượt” (máu mủ) với nhau, nghĩa là thành viên của tổ chức xã hội dựa trên cơ sở mối quan hệ thân thuộc tính theo huyết thống phía cha-họ nội thì không được lấy nhau, trừ những người họ xa, khác chi. Các hộ gia đình trong một dòng họ thường có quan hệ gắn bó mật thiết và giúp đỡ lẫn nhau trong những sự kiện đặc biệt Tóm lại, quan hệ họ hàng đóng của người Nùng Cháo tại Nà Lầu một vai trò rất lớn trong xã hội truyền thống cũng như trong xã hội hiện nay. Nó luôn chi phối mọi mặt đời sống của từng gia đình, từng thành viên cũng như liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của cả thôn. Các thành viên ở trong cùng một dòng họ luôn có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau về mọi phương diện cuộc sống. 1.3.2. Một số đặc điểm văn hóa Nhà cửa Trước đây, nhà cửa của người Nùng ở Nà Lầu là dạng nhà sàn, tầng dưới được làm theo kiểu trình tường rất chắc chắn, phía trên được xây bằng gạch chiên, là một loại gạch được làm từ đất sét (xem A3, A4, A5-PL2,3,). Để làm được loại gạch này, người Nùng phải sử dụng từ 3 đến 5 con trâu quần cho đất nhão, sau đó cho rơm vào rồi đóng vào các khuôn gỗ, đợi 7 ngày cho thật khô sau đó đảo lại cắt bằng mặt còn lại. Khi đem xây họ cũng dùng đất
  • 39. 34 sét làm chất kết dính các viên gạch với nhau. Cho tới thời điểm nghiên cứu, một số ngôi nhà cũ đã bị sụp, đổ chỉ còn lại phần móng (A6,PL4). Hiện nay ngôi nhà của họ đã có nhiều thay đổi so với kiểu nhà truyền thống trước kia về kiến trúc cũng như nguyên vật liệu xây dựng. Thôn Nà Lầu đã mang dáng dấp của một phố thị, có nhiều dãy phố được hình thành với những ngôi nhà tầng bê tông, mái bằng giống như ngôi nhà của người Kinh trong vùng, quanh khu cửa khẩu Tân Thanh (A7-PL4). Nhìn qua khó nhận ra được đó là nhà của người Nùng nếu trước cửa nhà không có con chó đá “canh giữ” (được đặt khi đất nhà bị xem là xấu hoặc không hợp mệnh chủ nhà) (A8-PL5), hoặc không thấy những lá bùa giấy màu đỏ, hình chữ nhật trên có chữ Hán dán trên trán cửa ra vào của nhà khi đầu năm mới đến hoặc khi khánh thành nhà mà nhiều năm chúng không bị bong mất (A9-PL5). Tuy nhiên, ở khu vực cư trú cũ trong thôn trước khi quy hoạch xây dựng khu chợ Tân Thanh, dân làng vẫn còn giữ một số ngôi nhà truyền thống vừa để giữ đất, vừa làm nơi nghỉ tạm khi về làm vườn (trồng rau) hay trông coi việc nuôi thả gà, chăm lợn,... nhưng hoạt động kinh tế phụ mang tính “hồi cố” này đang dần mất đi vì nạn trộm cắp bởi ở Nà Lầu có thêm nhiều nhóm cư dân từ nhiều nơi đến thuê nhà ở để tham gia buôn bán tại Tân Thanh. Một số gia đình Nà Lầu đã sửa lại những ngôi nhà cũ hoặc dựng những căn nhà tạm một tầng nhỏ với mái tôn dùng cho thuê. Chính nhu cầu sinh kế mới đã làm thay đổi lớn diện mạo cảnh quan làng bản cũng như nhà cửa, kiến trúc nơi cư trú của họ. Xen trong các câu trả lời phỏng vấn là những câu chuyện của một số người lớn tuổi Nà Lầu tỏ rõ vẫn luyến tiếc ngôi nhà truyền thống xưa. Họ còn cho rằng, với kiểu nhà cũ, họ có thể dễ dàng sửa chữa, có thể lợp lại mái, hàn/vá lại những lỗ tường đất bị thủng, lắp lại thanh chấn song cửa sổ bằng gỗ bị hỏng... Còn với nhà bê tông mái bằng, do điều kiện kinh tế eo hẹp cũng như không am hiểu về cách xây dựng kiểu nhà mới, do quy hoạch phố thị của tỉnh với các chuỗi nhà mái bằng cạnh nhau, nhiều gia đình ở Nà Lầu đã phải ở trong những ngôi nhà tầng bê tông có chất lượng xây dựng không tốt do không có nhiều tiền đền bù làm nhà
  • 40. 35 mới, được vài năm nhà đã “dột”- mái bằng bị thấm, nứt. Một số nhà không có tiền sửa phải bỏ tầng hai, cả nhà dồn hết xuống ở tầng một. Tình cảnh đó cùng với những khó khăn trong hoạt động sinh kế càng làm cho những gia đình nghèo ở Nà Lầu cảm thấy cuộc sống của họ thêm bấp bênh - rằng “không biết mấy năm nữa sẽ thế nào, được lúc nào thì được...” như lời than vãn của một phụ nữ có ngôi nhà dột trên đường vành đai của Tân Thanh. Bà cũng biết và nói câu thành ngữ “an cư lạc nghiệp” của người Kinh để ước “không biết đến bao giờ chúng tôi mới ổn...”. Về nhà cửa của người dân ở Nà Lầu hiện nay so với nhà của người Nùng ở các thôn khác trong xã Tân Thanh (Nà Han, Nà Tồng, Nà Ngườm), khang trang, to đẹp hơn. Ở các thôn đó, nhà chủ yếu vẫn là kiểu nhà cấp 4, được lợp bằng ngói âm dương, hoặc mái tôn. Trang phục Theo truyền thống, quần áo của người Nà Lầu là do tự sản xuất từ dệt vải đến tạo hình trang phục, nguyên liệu chính là vải sợi bông được nhuộm màu chàm. Họ thường mặc những bộ quần áo có ống tay và ống quần rộng mà theo họ là để phù hợp với việc lao động trên đồng ruộng, lên núi, vào rừng hay phải leo cây để hái hồi, hái nhãn... Trang phục truyền thống của phụ nữ ngày thường ít có hoa văn trang trí, là loại áo năm thân, bốn thân dài và một thân ngắn nằm lót phía bên ngực phải, phần thân và tay áo rộng, đủ để cử động thoải mái trong mọi tư thế và nhất là tiện lợi khi đi làm ruộng, làm nương,... tay áo được tạo thành bởi sự chắp nối các mảnh vải cùng màu lại với nhau. Quần phụ nữ được may theo kiểu “chân què, cạp lá tọa” và cũng được làm bằng vải chàm đen. Cạp quần được nối với loại vải mỏng hơn, khi mặc thì gấp cạp lại rồi dùng dây thắt lưng buộc ngang hông để giữ cho chặt. Phụ nữ thường đội khăn vuông, nhuộm chàm đen. Áo nam giới là chiếc áo tứ thân, có chiều dài ngang mông, tay áo rộng dài đến cổ tay. Cổ áo được khoét hình tròn, vải khâu đáp phía trong chân cổ, xẻ ngực thẳng từ trên xuống dưới và đính bảy chiếc cúc để cài, áo có bốn túi, hai túi ngực và hai túi phía dưới. Quần nam giới cũng được cắt theo kiểu
  • 41. 36 “chân què” như của phụ nữ. Tuy nhiên, khoảng hơn 30 năm trở lại đây, người Nùng Cháo ở Nà Lầu đã không còn mặc những bộ trang phục truyền thống. Họ cho biết, do đất đai ngày càng bị thu hẹp nên việc trồng bông để dệt vải như xưa là rất khó. Trong khi đó, các loại vải dệt công nghiệp, quần áo Trung Quốc rất rẻ, mẫu mã và màu sắc đa dạng luôn sẵn có, họ có thể sang chợ Pò Chài (Trung Quốc) để mua hoặc mua ngay tại chợ Tân Thanh. Do đó, từ lâu họ đã mặc quần áo giống người Kinh, bộ trang phục truyền thống rất ít người trong thôn bây giờ còn giữ được ngoại trừ những người già ngoài 70 tuổi song cũng ít khi đem ra mặc, kể cả dịp lễ tết... Tuy vậy, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ đang trở thành một “nguồn vốn” trong hoạt động sinh kế khi họ muốn đối tác người Kinh hay các vị quản lý kinh doanh khu cửa khẩu biết mình là “người dân tộc”- được xem là thật thà, chịu khó, không gian lận trong làm ăn buôn bán, cần giúp đỡ và ưu tiên... Sử dụng trang phục truyền thống đã như một ứng xử văn hóa có chủ đích trong hoạt động sinh kế. Người Nùng quan niệm rằng, tất cả mọi thứ trong thế giới trần gian, từ con người cho tới động vật, thậm chí cả đất, đá, lửa, nước... đều có linh hồn. Chính quan niệm như vậy, mỗi một gia đình người Nùng ở Nà Lầu thường tổ chức nhiều nghi lễ khác nhau trong một năm. Thông qua các nghi lễ đó, đã tạo nên quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thôn bản. Tục thờ cúng tổ tiên Đây là một trong những hình thức tín ngưỡng quan trọng của người Nùng Cháo ở Nà Lầu để củng cố trật tự trong gia đình cũng như trong dòng họ, vì vậy, các gia đình ở đây đều đặt bàn thờ tổ tiên ở chính giữa ngôi nhà. Trước hết phải nói tới hệ thống thờ tự được thờ ở bốn khu vực chính: (1) Bàn thờ tổ tiên với một bát hương chung; (2) Bàn thờ thổ công - chỉ là một ống hương cắm ở bên phải của cửa chính ngôi nhà, được coi là vị thần để bảo vệ cho mùa màng, sức khỏe, con cái và bảo vệ gia đình; (3) Bàn thờ ông Táo đặt ở khu vực bếp, phía trên bếp nấu, thường là một tấm ván trên để ống tre