SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  114
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
______________________
Trần Văn Tuân
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
__________________
Trần Văn Tuân
Chuyên ngành : Văn học nước ngoài
Mã số : 60 22 30
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. Đinh Phan Cẩm Vân
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các kết quả trình bày trong luận văn là trung thực.
Trần Văn Tuân
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, tôi xin gởi lời cảm ơn đến:
- Tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân, người trực tiếp và tận tình hướng dẫn
khoa học cho tôi.
- PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp người đã gợi ý cho tôi tìm đề tài luận văn.
- Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Khoa Ngữ văn, Phòng Sau Đại học
và thư viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành luận văn này.
- Gia đình, bạn bè đã ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình
làm luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!
Tác giả luận văn
Trần Văn Tuân
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1. VĂN HÓA DÂN GIAN - NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ
THỰC TIỄN.............................................................................. 14
1.1. Khái niệm văn hóa dân gian.................................................................. 14
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết............................. 17
1.3. Quê hương Cao Mật với hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn............... 24
1.3.1. Tình yêu đối với quê hương............................................................ 24
1.3.2. Quan niệm tiểu thuyết của Mạc Ngôn............................................ 25
Tiểu kết......................................................................................................... 27
Chương 2. VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI THẾ GIỚI NHÂN VẬT VÀ
NGÔN NGỮ ĐÀN HƯƠNG HÌNH.......................................... 28
2.1. Nhân vật Tôn Bính................................................................................ 28
2.1.1. Tôn Bính với làn điệu Miêu Xoang................................................ 30
2.1.2. Tôn Bính và cuộc khởi nghĩa đậm màu sắc dân gian.................... 37
2.2. Nhân vật Tôn Mi Nương....................................................................... 43
2.2.1. Tôn Mi Nương với Miêu Xoang..................................................... 43
2.2.2. Tôn Mi Nương sự phá vỡ văn hóa truyền thống ............................ 45
2.2.2.1. Tôn Mi Nương với “đôi chân bàn cuốc”.................................. 45
2.2.2.2. Tôn Mi Nương với tình yêu vượt lễ giáo ................................. 50
2.3. Miêu Xoang ở ngôn ngữ dân gian ........................................................ 55
2.3.1. Khẩu ngữ......................................................................................... 56
2.3.2. Từ ngữ thô tục................................................................................. 57
2.2.3. Miêu Xoang và giọng mèo.............................................................. 59
Tiểu kết......................................................................................................... 60
Chương 3. VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
ĐÀN HƯƠNG HÌNH.................................................................. 61
3.1. Không gian Miêu Xoang trong Đàn hương hình.................................. 61
3.1.1. Miêu Xoang với không gian đường phố......................................... 62
3.1.2. Miêu Xoang với không gian pháp trường....................................... 65
3.2. Miêu Xoang với kết cấu Đàn hương hình............................................. 70
3.2. 1. Kết cấu đối lập về âm thanh .......................................................... 73
3.2.2. Kết cấu đứt – nối và đảo lộn sự kiện .............................................. 77
3.3. Yếu tố Kỳ - Mỹ trong hình phạt Đàn hương hình ................................ 84
3.3.1. Hình phạt trong Đàn hương hình.................................................... 84
3.3.2. Đàn hương hình sự Kì – Mỹ của hình phạt. ................................... 87
Tiểu kết....................................................................................................... 101
KẾT LUẬN .................................................................................................. 102
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 104
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trung Quốc là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại.
Những thành tựu rực rỡ của nền văn minh ấy được kết tinh từ khoa học kĩ
thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, triết học, tôn giáo, văn học... hết sức
phong phú, đa dạng và đặc sắc. Về lĩnh vực văn học, trong giai đoạn lịch sử
xã hội nào thì Trung Quốc cũng đạt nhiều thành tựu rực rỡ: Sở có Tao (Ly
tao), Hán có Phú, Đường có Thơ, Tống có Từ, Nguyên có Khúc, Minh -
Thanh có Tiểu thuyết. Nếu xét về thơ ca, có thể khẳng định cho đến nay chưa
có một nền thơ ca nào vượt qua thơ Đường, sự đồ sộ về số lượng và đặc sắc
về nội dung nghệ thuật. Còn về thể loại tiểu thuyết, thời Minh - Thanh đã để
lại những bộ tiểu thuyết nổi tiếng như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Thủy
hử, Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị...
Trong nhiều năm trở lại đây, với chính sách cải cách mở cửa về kinh tế,
xã hội, văn học nghệ thuật đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Nhiều nhà
văn Trung Quốc được đông đảo bạn đọc thế giới và Việt Nam biết đến như:
Mao Thuẫn, Ba Kim, Giả Bình Ao, Vương Mông, Quỳnh Dao, Cao Hành
Kiện, Phùng Kí Tài, Kim Dung, Trương Hiền Lượng, Mạc Ngôn, Vệ Tuệ...
Nền văn học Trung Quốc đương đại có một diện mạo mới, với những bước
đột phá và cách tân về thi pháp và thể loại. Nhà văn Mạc Ngôn được coi là
một trong những đại diện tiêu biểu của nền văn học Trung Quốc đương đại.
Sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố văn hóa dân gian
truyền thống với phương pháp sáng tác hiện đại. Tác phẩm của ông thực sự đã
thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả trong cũng như ngoài
nước. Theo Annie Wang: “Mạc Ngôn được coi như một ứng cử viên tiềm
năng của giải Nobel trong con mắt cả giới lãnh đạo Bắc Kinh lẫn các tác giả
2
như Kenzaberô Oe”. [1, tr.114]. Ngày 11 - 10 – 2012 vinh dự lớn nhất cuộc
đời sáng tác, Mạc Ngôn được nhận giải Nobel Văn học 2012.
Trong sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, tiểu thuyết Đàn hương hình là
tác phẩm tiêu biểu cho sự đổi mới của nhà văn trên phương diện thi pháp tiểu
thuyết và những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật sáng tác được tập trung thể
hiện ở cuốn tiểu thuyết này. Đàn hương hình là câu chuyện diễn ra tại vùng
Đông Bắc - Cao Mật vào năm 1900 vào cuối thời kì nhà Thanh. Tác phẩm kể
lại cuộc đấu tranh mang tính tự phát của người dân vùng Đông Bắc - Cao Mật
chống lại quân Đức, khi chúng tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Giao Tế
chạy qua thôn Cao Mật. Tôn Bính là nhân vật trung tâm được xây dựng dựa
trên nguyên mẫu một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng theo Mạc Ngôn,
trong tiểu thuyết, Tôn Bính đã được nâng lên rất nhiều. Ông được xây dựng
thành một nhân vật anh hùng chẳng kém gì Lý Tư Thành. Tác phẩm lấy bối
cảnh thời kì Mãn Thanh, câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp ở vùng
Đông Bắc - Cao Mật với quan hệ giữa ba gia đình Tôn Bính, Triệu Giáp và vị
quan huyện Tiền Đinh. Đặc biệt là nàng Mi Nương con gái Tôn Bính vợ Triệu
Tiểu Giáp, anh chàng đồ tể bất lực chuyện chăn gối, nàng còn là dâu Triệu
Giáp, lại là người tình quan huyện Tiền Đinh. Trớ trêu nhất là khi người Đức
xây tuyến đường sắt Giao Tế đi qua Cao Mật, làm đứt long mạch ảnh hưởng
đến phong thủy và cuộc sống của nhân dân. Tôn Bính đứng lên chống Đức, tri
huyện Tiền Đinh bắt sống ông, giao cho Triệu Giáp xử tử Đàn hương hình.
Nàng Tôn Mi Nương đứng ở trung tâm mối quan hệ, cha ruột bị bắt chờ hành
xử, cha chồng là người đứng ra hành hình, người tình lại là kẻ bắt cha ruột.
Đặc biệt hơn, câu chuyện xoay quanh quan hệ tình yêu vụng trộm mà
cháy bỏng của Mi Nương và quan huyện, cùng với cuộc hành hình man rợ
của Triệu Giáp dành cho Tôn Bính. Nhưng Đàn hương hình đã đặt ra những
vấn đề lớn không chỉ ở thôn Đông Bắc - Cao Mật mà còn của cả lịch sử phát
3
triển đất nước Trung Hoa. Đó là mâu thuẫn gay gắt giữa chính nghĩa là những
người dân đứng lên chống lại quân xâm lược và phi nghĩa là kẻ đi xâm lược và
bọn tay sai bán nước. Cuộc đấu tranh của Tôn Bính, xét theo quan điểm hiện
đại là hành động ngu muội, không chịu tiếp nhận cái mới, nhưng nó đã phản
ánh được thái độ phản ứng của nhân dân Trung Quốc trước quân xâm lược.
Thông qua đó, Mạc Ngôn đã chỉ ra sự vận động trong ý thức hệ của người dân
Cao Mật nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung. Một vấn đề khác được
Mạc Ngôn đề cập đến trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa văn hóa hiện đại và
truyền thống. Vấn đề này không chỉ tồn tại khi đó, mà cho đến nay, nó vẫn là
vấn đề đáng được quan tâm. Trong tác phẩm, để thể hiện vấn đề này, Mạc
Ngôn đã đưa ra hai hệ thống âm thanh tồn tại song song với nhau. Đó là âm
thanh của tuyến đường sắt Giao Tế đại diện cho sự xuất hiện của yếu tố hiện
đại. Đối nghịch với âm thanh đường sắt là làn điệu Miêu Xoang lại vang lên
tiêu biểu cho nền văn hóa dân gian truyền thống, lâu đời. Hai loại âm thanh
này đã trở thành nỗi ám ảnh trong từng trang viết của Mạc Ngôn.
Cũng theo Mạc Ngôn, việc xây dựng kết cấu truyện theo kiểu chương mở
đầu phải đẹp như đầu chim phượng hoàng, phần kết thúc phải mạnh mẽ, có
sức thuyết phục như đuôi con báo, phần giữa phải phình to ra và nhiều mỡ
như bụng của con lợn, (Đầu phụng - Bụng heo - Đuôi beo) không nằm ngoài
ý muốn tôn vinh giá trị nền văn hóa dân gian. Ở đây, nền văn hóa dân gian
là loại hình hí kịch Miêu Xoang, một loại hình nghệ thuật của người dân
Đông Bắc - Cao Mật. Với tư cách là một trong những tác phẩm mới của Mạc
Ngôn, tiểu thuyết Đàn hương hình rất có thể sẽ trở thành cột mốc quan trọng
đánh dấu sự quay trở về với văn hóa truyền thống, với nghệ thuật và phong
tục dân gian trong sáng tác của Mạc Ngôn.
Sức cuốn hút của nền văn hóa truyền thống lâu đời và sự phát triển rực rỡ
từ cổ đến kim của nền văn học Trung Quốc đã làm say mê không biết bao
4
nhiêu thế hệ độc giả. Sự ảnh hưởng của nền văn học này không chỉ ở các thời
đại trước mà ngày hôm nay, văn học Trung Quốc vẫn tỏa hương thơm ngát
đến các nền văn học khác trong khu vực. Ngoài sức cuốn hút về thành tựu thì
văn học Trung Quốc là một trong những nền văn học lớn trên thế giới được
đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam từ cấp trung học phổ thông đến bậc đại
học và sau đại học. Với bản thân là người làm công tác giảng dạy nên việc
nghiên cứu tác giả Mạc Ngôn nhằm mục đích làm thỏa mãn sự đam mê của
bản thân và phục vụ cho công tác chuyên môn. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài
Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình để nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Về lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Mạc Ngôn, đã có rất công trình nghiên
cứu như các bài báo, các bài tham luận về tác phẩm của ông. Ở đây, chúng tôi
xin tổng hợp những bài nghiên cứu và chia lịch sử nghiên cứu về tác giả Mạc
Ngôn thành hai nhóm vấn đề lớn như sau:
2.1. Những công trình nghiên cứu Mạc Ngôn ở Việt Nam
Trong hàng chục cuốn tiểu thuyết Mạc Ngôn đã viết, ba cuốn tiểu thuyết
có tiếng vang và gây xôn xao dư luận nhất. Đó là Cao lương đỏ, Báu vật của
đời và Đàn hương hình. Tác phẩm Cao lương đỏ được giải thưởng toàn quốc
năm 1985- 1986, người ta vẫn thích Cao lương đỏ vì tác phẩm viết hơi nặng
về cái xấu của người Trung Quốc, mãi đến khi nó được đưa lên màn ảnh và
được giải “Cành cọ vàng” tại liên hoan phim Canne năm 1994 thì dư luận
mới tạm lắng xuống. Tiểu thuyết Báu vật của đời có nhiều người không thích
vì nó hơi dung tục, đến Đàn hương hình bên cạnh người khen thì không ít kẻ
chê. Đàn hương hình in năm 2001, song chỉ sau 4 tháng đã được tái bản với
số lượng trên 1000 cuốn. Trong tình hình thị trường sách hiện nay, Đàn
hương hình trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong lĩnh vực xuất bản và
phát hành. Đàn hương hình ở Việt Nam cũng được nhiều nhà văn hoan
5
nghênh. Theo thời gian, những bài viết, những công trình nghiên cứu về tiểu
thuyết Mạc Ngôn ngày càng phong phú và đa dạng. Lịch sử tìm hiểu tiểu
thuyết Mạc Ngôn dần dần có bề dày và tất nhiên chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sẽ có những hướng nghiên cứu được mở rộng từ một hay một vài khía cạnh
đến tổng thể thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhưng dù được
tiếp cận theo hướng nào, hầu hết những nghiên cứu đó đều chạm đến “văn
hóa dân gian” vì gần như mọi phương diện nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn
đều thấm đẫm tính dân gian. Lịch sử nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong
tiểu thuyết Mạc Ngôn vì vậy, có thể nói, gắn liền và song hành với lịch sử
nghiên cứu Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông.
Tác giả Nguyễn Khắc Phê với bài viết "Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết
của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết Báu vật của đời và Đàn Hương hình"
(Tạp chí Sông Hương số 166 năm 2002), đã nhấn mạnh đến khả năng bao
quát hiện thực lịch sử rộng lớn và nêu lên vấn đề xung đột văn hóa Đông –
Tây, trong Đàn hương hình ông quan tâm đến đối chọi Đông - Tây, sẽ nhận
ra từ hai loại âm thanh quyện vào tuổi ấu thơ của tác giả (tiếng xe lửa và làn
điệu Miêu Xoang). Âm thanh đường sắt là làn sóng văn minh phương Tây
đang đe dọa và bóp chết văn hóa dân tộc. Chuyện cũ mà ý nghĩa vẫn rất
"thời sự". Ngoài sự đối nghịch giữa văn hóa Đông - Tây thì trong Đàn
hương hình nhà văn đã dùng phương pháp "lạ hóa" và "huyền thoại hóa" để
cường điệu và phóng đại những cuộc hành hình như: tùng xẻo năm trăm
miếng thịt, mà đặc biệt nhất là cảnh tử hình bằng cọc đàn hương, đâm từ hậu
môn lên miệng để cho phạm nhân đau khổ cùng cực nhưng không thể chết.
Bài viết đã có chú tâm đến vấn đề văn hóa dân gian nhưng chỉ giới hạn ở
phạm vi nhỏ như ngôn ngữ, và những yếu tố dân gian trong hai tác phẩm.
Nhưng vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình vẫn chưa
được khám phá trọn vẹn.
6
Hai bài nghiên cứu có phần toàn diện đầu tiên về tiểu thuyết Mạc Ngôn là
“Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn” (Tạp chí Văn học nước
ngoài, số 4, năm 2003) và "Mạc Ngôn và tiểu thuyết Đàn hương hình" (Tạp
chí Sông Hương số 166 năm 2002). Ở hai bài viết này, giáo sư Lê Huy Tiêu
đã phân tích những đặc trưng của thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc
Ngôn như: phép lạ hóa, nghệ thuật tự sự... Ngoài ra ở hai bài viết tác giả
cũng đã đề cập về ngôn ngữ dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn đượm mùi
dân dã, chen nhiều ca dao thành ngữ, lời văn có nhiều lời hay ý đẹp, có
thanh có tục. Song trong giới hạn của bài nghiên cứu có tính khái quát về
những đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, những biểu hiện cụ
thể của vấn đề văn hóa dân gian vẫn còn nhiều vấn đề tác giả chưa bàn đến.
Nguyễn Thị Minh Quân trong luận văn thạc sỹ Nghệ thuật tự sự trong
tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn (Đại học Sư phạm Hà Nội, năm
2006), ngoài các vấn đề lớn mà tác giả đã phân tích như: người tự sự, không
gian tự sự, thời gian tự sự... luận văn còn phân tích làn điệu dân gian Miêu
Xoang đặc trưng của tác phẩm như giọng “mèo” được sử dựng phổ biến
trong tác phẩm và Miêu Xoang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu
đối với người dân Cao Mật. Người đọc thực sự cuốn hút khi trực tiếp nghe
làn điệu Miêu Xoang. Nhưng ở giới hạn và phạm vi nghiên cứu của đề tài thì
người viết không đi sâu phân tích biểu hiện cụ thể của văn hóa dân gian
trong tác phẩm.
Luận văn thạc sỹ Người kể chuyện trong tiểu thuyết Mạc Ngôn (Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010) Bùi Thị
Thanh Hương cho rằng ngôi kể chuyện và điểm nhìn là một trong những thủ
pháp nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Ngoài ra còn có giọng
điệu kể chuyện như: giọng điệu dân dã, hài hước, dung tục, khoa trương, hoài
nghi, bi phẫn... đây là vấn đề tác giả đã cụ thể hóa ngôn ngữ dân gian một
7
khía cạnh của văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhưng tác giả
chỉ mới khái quát chung về ngôn ngữ dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
nói chung còn vấn đề cụ thể hóa trong tiểu thuyết Đàn hương hình tác giả vẫn
còn để ngỏ.
Luận văn thạc sỹ Tiểu thuyết Mạc Ngôn dưới góc nhìn văn hóa (Đại học
Sư phạm Huế năm 2011) Phan Thị Thanh Tâm đã làm sáng rõ những nội hàm
của văn hóa truyền thống và hiện đại cũng như xung quanh những xung đột
giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Đông - Tây trong tiểu
thuyết Mạc Ngôn nói chung và trong tiểu thuyết Đàn hương hình nói riêng.
Tuy nhiên ở luận văn này người viết chỉ phân tích dưới góc độ văn hóa nói
chung, tác giả chưa đi vào vấn đề cụ thể của văn hóa dân gian trong tiểu
thuyết Mạc Ngôn.
Luận văn thạc sỹ Cái kì trong tiểu thuyết Mạc Ngôn (Đại học Sư phạm
Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2012) của Võ Nguyễn Bích Duyên cho rằng
sức hấp dẫn của tiểu thuyết Mạc Ngôn là do những hình tượng nghệ thuật
đậm chất kì như: kì nhân, kì cảnh, kì tài và những con người kì lạ, không gian
kì lạ, âm thanh kì lạ, mùi vị, sắc màu kì lạ và biết bao câu chuyện chỉ có thể
sinh ra từ sự hư cấu, phóng đại của nhà văn. Cùng với cách viết hiện đại một
mặt Mạc Ngôn chịu ảnh hưởng của cách kể chuyện của những người dân quê
ông, miệng lưỡi của dân gian. Luận văn này chỉ giải quyết vấn đề cái kì nên
yếu tố dân gian chưa được tác giả thật sự chú ý khai thác.
Nhìn chung tất cả những công trình khoa học ở trong nước chúng tôi đã
điểm qua, ít hoặc nhiều người viết có bàn đến văn hóa dân gian trong tiểu
thuyết Mạc Ngôn. Nhưng ở biểu hiện cụ thể hóa vấn đề văn hóa dân gian
trong tiểu thuyết Đàn hương hình thì chưa tác giả nào bàn đến. Vì vậy luận
văn của chúng tôi sẽ cụ thể hóa vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
Đàn hương hình của Mạc Ngôn.
8
2.2. Những công trình nghiên cứu Mạc Ngôn ở Trung Quốc
Những bài trả lời phỏng vấn được Lâm Kiến Phát và Vương Nghiên tập
hợp trong Mạc Ngôn và những lời tự bạch (Nhà xuất bản Văn học Hà Nội
năm 2004) do Nguyễn Thị Thại dịch, đã tập hợp những bài phát biểu, bài diễn
thuyết của Mạc Ngôn và những cuộc trả lời phỏng vấn trong và ngoài nước
như bài nói chuyện Diễn đàn của các nhà văn tại trường Đại học Tô Châu về
vấn đề "Thử bàn về nguồn tư liệu dân gian của sáng tác văn học" Mạc Ngôn
đã khẳng định "Cái gọi là sáng tác dân gian, vấn đề cuối cùng là tâm lí sáng
tác của nhà văn [...] đó là anh viết cho bà con dân thường hay anh là một dân
thường để viết, vì vậy nhà văn phải sáng tác từ vị trí của người dân' [41, tr
29]. Ngoài ra còn có các bài phát biểu "Vì sao tôi lại viết Gia tộc cao lương
đỏ", bài nói chuyện ở Trường Đại học Stan - phooc Mỹ, đã bàn về vấn đề
"Đói khát và cô đơn là tài sản sáng tác của tôi", bài nói chuyện ở Trường Đại
học Colompia, Mỹ "Về Báu vật của đời của tôi" hay bài diễn thuyết ở thư
viện Đài Bắc về vấn đề "Tôi và tư trào văn học chủ nghĩa lịch sử".... Nhìn
chung những bài nói chuyện, những bài phát biểu, đã cung cấp cho chúng tôi
những thông tin bổ ích về động cơ, quan điểm, lập trường sáng tác của nhà
văn Mạc Ngôn. Cũng như việc đề cập đến những ảnh hưởng của William
Faulkner, Gunter Grass, Garcia Marquer đến Mạc Ngôn về đề tài, hiện thực
lịch sử, khuynh hướng sử thi, lịch sử hay phong cách dân gian trong sáng tác
của ông.
Bên cạnh những nghiên cứu có tính chất tổng hợp, khái quát còn có nhiều
bài viết tìm hiểu một số tác phẩm tiêu biểu của Mạc Ngôn như bài trả lời
phỏng vấn với Trương Huệ Mẫn "Cái gì nâng đỡ Đàn hương hình" Có thể
thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều bài viết, công trình nghiên cứu tác giả và
tác phẩm Mạc Ngôn đã chứng minh sức thu hút cũng như vai trò, vị trí của
Mạc Ngôn trên văn đàn Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, do điều kiện và khả
9
năng hạn chế, người viết chưa tiếp xúc được trực tiếp với các bài viết, công
trình này.
Ngoài ra, trên các trang web tiếng Anh cũng có nhiều bài viết đề cập đến
Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên những bài viết này chỉ mang tính
chất giới thiệu khái quát về con người, sự nghiệp cũng như một số tác phẩm
của Mạc Ngôn đã được xuất bản ở các nước phương Tây.
Tóm lại, các công trình nghiên cứu nói trên đều có đề cập đến nội hàm văn
hóa và văn hóa dân gian, song chỉ mới dừng lại trên một số phương diện nhất
định của văn hóa, và vấn đề “văn hóa dân gian”. Tuy nhiên trong tiểu thuyết
Đàn hương hình của Mạc Ngôn văn hóa dân gian là một trong những vấn đề
trọng tâm xuyên suốt tác phẩm. Vì vậy nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong
tiểu thuyết Đàn hương hình, chúng tôi hi vọng sẽ bổ sung thêm một phần nhỏ
vào lịch sử nghiên cứu tác giả, vẫn đang còn để ngỏ. Đặc biệt là những biểu
hiện cụ thể của “văn hóa dân gian” trong tác phẩm này và hàng loạt tiểu
thuyết của ông cùng các tiểu thuyết gia Trung Quốc đương đại.
3. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chủ yếu tập trung nghiên cứu biểu hiện “văn hóa dân gian”
trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn cả hai phương diện nội dung
tư tưởng và hình thức nghệ thuật, biểu hiện ở làn điệu Miêu Xoang, trong xây
dựng hình tượng nhân vật, với những phong tục tập quán, ngôn ngữ dân gian,
đến nghệ thuật hành hình... Để việc nghiên cứu có thể được tiến hành trên một
cơ sở lý thuyết ổn định và rõ ràng, chúng tôi cũng sẽ đi vào giới thuyết nội
hàm khái niệm “văn hóa dân gian” và mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và
văn học. Đồng thời, chứng minh rằng “văn hóa dân gian” là một trong những
yếu tố truyền thống trong văn học Trung Hoa, và trong tiểu thuyết Mạc Ngôn,
đặc biệt là tiểu thuyết Đàn hương hình sẽ giúp ích chúng ta trong việc đánh
giá “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn như một yếu tố quan
10
trọng thể hiện sự kế thừa, tiếp nối và sáng tạo của Mạc Ngôn đối với văn học
dân tộc.
4. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong phạm vi tiểu
thuyết “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn đã được dịch và xuất bản tại Việt
Nam. Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu chúng tôi sẽ tham khảo những sáng
tác ở các thể loại khác như truyện dài, truyện ngắn, tản văn, những bài trả lời
phỏng vấn hay bài nói chuyện của Mạc Ngôn với độc giả… đã được dịch và
xuất bản ở Việt Nam như:
1. Đàn hương hình (2002), Trần Đình Hiến dịch, NXB Phụ nữ
2. Cao lương đỏ (2003), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn học
3. Báu vật của đời (2001), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn nghệ
4. Rừng xanh lá đỏ (2003), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn học
5. Tửu quốc (2004), Trần Đình Hiến dịch, NXB Hội Nhà văn
6. Tổ tiên có màng chân (2006), Thanh Huệ, Bùi Việt Dương dịch, NXB
Văn học
7. Sống đọa thác đày (2007), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Phụ nữ
8. Tứ thập nhất pháo (2007), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn nghệ
Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo thêm một số truyện vừa của Mạc Ngôn
như: Châu Chấu đỏ, Trâu thiến, Ma chiến hữu, Con đường nước mắt...
5. Phương pháp nghiên cứu
Để tìm hiểu vấn đề "văn hóa dân gian " trong tiểu thuyết Đàn hương hình
của Mạc Ngôn, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
5.1. Phương pháp tiểu sử
Phương pháp tiểu sử là phương pháp tìm hiểu và nghiên cứu tiểu sử nhà
văn để lý giải tác phẩm văn học. Các sáng tác của Mạc Ngôn thường chịu sự
chi phối và ảnh hưởng của những trải nghiệm thời tuổi trẻ với những khó
11
khăn của cuộc sống. Do vậy, việc sử dụng phương pháp này vào nghiên cứu
tiểu thuyết Mạc Ngôn, dưới góc độ nó là sản phẩm của một thời tăm tối, đáng
sợ với sự đeo bám của cái đói, cái rét và sự vây bọc của nỗi cô đơn đối với tác
giả.
5.2. Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh là hiểu một sự vật thông qua các sự vật khác, ngoài
ra nó là sự so sánh đối chiếu những sự vật, hiện tượng, hình tượng nghệ thuật
mà nhà văn sử dụng trong tiểu thuyết Đàn hương hình với các phẩm khác của
ông cũng như các nhà văn khác và các nền văn học khác nhau, các thời kì
khác nhau.
5.3. Phương pháp lịch sử - xã hội học
Ưu điểm của phương pháp này là nó đặt hiện tượng văn học vào bối cảnh
xã hội để nghiên cứu, tránh cho chúng ta khỏi sa vào lối nghiên cứu siêu hình,
xa rời thực tiễn. Tiểu thuyết Mạc Ngôn chủ yếu xoay quanh hai đề tài: thế sự
và lịch sử. Tách rời bối cảnh xã hội, chúng ta sẽ không có được những lý giải
xác đáng, mặc dù tiểu thuyết của ông là sản phẩm của hư cấu và tưởng tượng,
nhưng chúng một mặt là sự biến dạng của những hiện tượng, sự kiện có thực;
mặt khác, "văn hóa dân gian" như là một phương thức phản ánh hiện thực của
Mạc Ngôn. Do vậy, nắm bắt bối cảnh xã hội, lịch sử sẽ góp phần nhận ra
những biểu hiện cũng như giá trị nghệ thuật của "văn hóa dân gian" trong tiểu
thuyết của ông.
5.4. Phương pháp liên ngành
Chúng tôi sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu luận văn nhằm vận
dụng các quan điểm và thành tựu văn hóa nói chung, đặc biệt là văn hóa dân
gian để tìm hiểu, lí giải tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn trên một
số phương diện như các loại hình nghệ thuật dân gian Miêu Xoang, phong tục
tập quán, ngôn ngữ dân gian và nghệ thuật hành hình.
12
5.5. Phương pháp phân tích tổng hợp
Trong quá trình thực hiện luận văn chúng tôi sẽ tiếp cận và khảo sát trực
tiếp văn bản, từ đó sẽ phân tích đưa ra những luận điểm tổng hợp khái quát,
của luận văn về vấn đề văn hóa dân gian trong đời sống xã hội và trong tiểu
thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn.
Tất cả các phương pháp nghiên cứu đã nêu, người viết sẽ vận dụng linh
hoạt trong quá trình nghiên cứu, để có một cái nhìn toàn diện, khách quan khi
đánh giá vấn đề, chúng tôi còn phối hợp sử dụng các phương pháp khác nhau
như: đối chiếu, thống kê... để làm rõ vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
Đàn hương hình của Mạc Ngôn.
6. Đóng góp của luận văn
Nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Đàn hương hình của
Mạc Ngôn, chúng tôi hi vọng sẽ chỉ ra những đặc sắc của dấu ấn văn hóa dân
gian với làn điệu Miêu Xoang, cùng với nghệ thuật hành hình man rợ trong
tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn trên cơ sở mối quan hệ giữa văn
hóa dân gian và văn học viết, khẳng định một số nét phong cách cơ bản của
nhà văn cùng với sự đóng góp của ông cho nền văn học đương đại Trung
Quốc.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, cấu trúc luận
văn gồm có 3 chương.
Chương 1. Văn hóa dân gian – vấn đề lí luận và thực tiễn. Chúng tôi
sẽ làm rõ nội hàm khái niệm văn hóa dân gian và mối quan hệ giữa văn hóa
dân gian và văn học viết, cũng như tình yêu quê hương và quan niệm tiểu
thuyết của Mạc Ngôn
13
Chương 2. Văn hóa dân gian với thế giới nhân vật và ngôn ngữ trong
Đàn hương hình. Chương này chúng tôi phân tích ảnh hưởng của Miêu
Xoang đối với thế giới nhân vật và ngôn ngữ Miêu Xoang trong tác phẩm.
Chương 3. Văn hóa dân gian với thế giới nghệ thuật Đàn hương hình.
Chúng tôi làm rõ Miêu Xoang với không gian nghệ thuật, Miêu Xoang với kết
cấu tác phẩm và nghệ thuật hành hình.
14
Chương 1. VĂN HÓA DÂN GIAN - NHỮNG VẤN ĐỀ
LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Khái niệm văn hóa dân gian
Trong một vài thập kỉ gần đây, văn hóa đã trở thành một trong những vấn
đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, văn
hóa gắn bó khăng khít với sự phát triển của lịch sử xã hội của từng quốc gia,
từng dân tộc. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người phát triển
toàn diện về trí tuệ, đạo đức, lòng nhân ái, khoan dung và xây dựng lối sống
có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng xã hội. Văn hóa trở
thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, mỗi người sẽ kế thừa,
chọn lọc những tinh hoa văn hóa dân gian dung hòa với văn hóa đương đại.
Thế nhưng để có khái niệm cụ thể về văn hóa và văn hóa dân gian là việc làm
không hề dễ. Vì vậy chúng tôi sẽ hệ thống lại những định nghĩa về văn hóa và
văn hóa dân gian nhằm làm rõ nội hàm khái niệm.
Có thể nói văn hóa là cái liên quan gắn bó với mọi người, mọi cộng đồng
quốc gia, mọi dân tộc, nhưng vấn đề này có rất nhiều cách hiểu khác nhau.
Sau khi liên Hiệp Quốc phát động phong trào “Thập kỉ quốc tế phát triển văn
hóa” (1987 – 1997) được toàn thế giới hưởng ứng, những vấn đề về văn hóa
lại càng được nghiên cứu tìm hiểu một cách sâu rộng hơn. Người ta đã thấy
rằng văn hóa là người bạn đồng hành của toàn nhân loại và giờ đây văn hóa
đã trở thành nền tảng, động lực, mục tiêu phát triển an toàn của mọi quốc gia
dân tộc trên toàn thế giới.
Nguồn gốc của chữ “văn hóa” có từ thời Tây Hán và tác giả Lưu Hướng
(năm 77 – 6 trước công nguyên) cho rằng: “việc trị thiên hạ của thánh nhân,
trước là văn đức, sau là vũ lực. Phàm dùng vũ lực, lại không phục, văn hóa
không thay đổi, thì sau đó xử chém” [63,tr.18]. Ý nghĩa của từ “văn hóa” thời
15
cổ đại là chỉ văn trị giáo hóa, tức là điều chỉnh và cảm hóa luân lý, đạo đức,
hình thành chế độ điển chương, lễ nhạc đối với con người. Sự giải thích về từ
văn hóa như vậy kéo dài đến thời cận đại.
Tuy nhiên, ngày nay nghĩa của từ văn hóa mà chúng ta thường dùng,
đương nhiên khác với thời cổ đại. Nó được du nhập từ phương Tây, dịch lại
thông qua tiếng Tiếng Anh, tiếng Pháp, từ này đều viết là “culture”, tiếng
Đức viết là “kulture”, chúng đều bắt nguồn từ tiếng Latinh“cultura”. Tiếng
Latinh “cultura” vốn có nghĩa là canh tác, nghĩa mở rộng sau này là cư trú,
luyện tập, lưu tâm hoặc chú ý, kính thần, v.v... hiện nay các loại ngôn ngữ
như Anh, Pháp, Đức còn giữ một số hàm nghĩa đó của tiếng Latinh.
Văn hóa là một từ Việt gốc Hán, theo những cứ liệu xa xưa nhất của Trung
Quốc thì văn có nghĩa là đẹp (cái đẹp, vẻ đẹp) và hóa có nghĩa là làm thay
đổi, làm cho trở nên đẹp, tốt, hoàn thiện.
Theo chúng tôi văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, có từ thuở
bình minh của xã hội loài người, sự tồn tại và phát triển lâu dài cùng với lịch
sử là một phạm trù lịch sử xã hội, là hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài
người. Nó là sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo bởi hoạt động thực tiễn
của con người. Văn hóa là một tiêu chí quan trọng của sự phát triển lịch sử
loài người.
Văn hóa dân gian là cội nguồn của mọi nền văn hóa trên thế giới là cơ sở
rất quan trọng của văn hóa dân tộc, chi phối đời sống con người mọi phương
diện. Do vậy không thể hiểu được bản sắc của một dân tộc nếu như không
hiểu văn hóa dân gian của dân tộc đó.
Thuật ngữ "dân gian" có thể hiểu như sau: Chữ gian có ba nghĩa khác
nhau, chữ gian thứ nhất là dối trá (trong gian tà), chữ gian thứ 2 là vất vả
(trong chữ gian nan), còn chữ gian thứ 3 trong dân gian nghĩa là cái khoảng,
cái khu rộng lớn, cái vùng. Không gian là một hay tất cả khoảng trời đất bao
16
la. Trung gian là cái khoảng chính giữa, và dân gian là trong khu vực trong
địa hạt của dân. Văn hóa dân gian được thể hiện ở mọi lĩnh vực, mọi không
gian mọi thời điểm. Có cuộc sống, có người dân, thì ở đó có văn hóa dân
gian. Tìm hiểu văn hóa dân gian là tiếp cận với cuộc sống của dân tộc đó đi
sâu vào cuộc sống của dân tộc đó, hiểu thế giới xã hội quanh và hiểu được
chính ta.
Để chỉ hiện tượng mà tiếng Việt gọi là văn hóa dân gian thì hiện nay trên
thế giới và cả Việt Nam thường dùng thuật ngữ folklore (flok: dân chúng,
nhân dân, lore: tri thức, trí khôn). Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà khoa
học người Anh là Willam J.Thoms sử dụng trong một bài báo đăng trên tạp
chí “The Athenneum” xuất bản ở Luân Đôn năm 1846. Ông là người đã đặt
cột mốc đầu tiên cho việc xác định một đối tượng và con đường hình thành
khoa học về đối tượng đó. Hơn một thế kỉ trôi qua, các nhà nghiên cứu, các
trường phái khoa học ở nhiều nước vẫn chưa có quan niệm thống nhất về
folklore và có rất nhiều tranh luận về vấn đề này.
Thuật ngữ folklore ít dùng ở Việt Nam, nhưng lại phổ biến ở nhiều nước.
Khi nhà nhân chủng học người Anh Willam J.Thoms đưa ra lần đầu tiên năm
(1846) thì thuật ngữ này có nội dung rộng; đôi khi chỉ cả những di tích của
nền văn hóa vật chất, nhưng chủ yếu là những di tích của nền văn hóa tinh
thần của nhân dân như: phong tục, đạo đức, việc cúng tế, ca dao, truyện cổ
tích, cách ngôn,... của các thời trước.
Qua việc tổng kết lại các công trình trên, theo chúng tôi văn hóa dân gian
(folklore) có trong mọi lĩnh vực đời sống và vẫn diễn ra sống động, có thể
thâu nhận và tiêu hóa những yếu tố mới, trên đường đi của nó. Ở đây chúng
tôi chỉ đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình
ở làn điệu dân gian Miêu Xoang cùng văn hóa tàn khốc được nâng lên thành
17
nghệ thuật chém người. Đó chính là nghiên cứu sự tác động ảnh hưởng của
văn hóa dân gian đến đời sống xã hội trong quá khứ cũng như đương thời.
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết
Văn học nghệ thuật cùng với triết học, chính trị, tôn giáo, đạo đức, tín
ngưỡng, phong tục, tập quán,... là những bộ phận hợp thành của toàn thể cấu
trúc văn hóa. Nếu văn hóa thể hiện những quan niệm, ứng xử của con người
trong cuộc sống thì văn học sẽ là nơi lưu giữ những ứng xử, những quan
niệm, những phong tục của cuộc sống rất sinh động. Văn hóa tác động đến
văn học không chỉ ở đề tài, mà còn biểu hiện ở toàn bộ các hoạt động sáng tạo
của nhà văn và cũng như sự tiếp nhận của người đọc. Văn học là sự tự ý thức
văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa mà còn chịu sự
chi phối, ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa, là một trong những phương tiện
bảo tồn văn hóa.
Quan hệ giữa văn hóa và văn học không chỉ là mối quan hệ một chiều.
Văn học chịu sự ảnh hưởng và chi phối của văn hóa, mối quan hệ này là mối
quan hệ tương hỗ, mối quan hệ của hai hình thái ý thức thuộc kiến trúc
thượng tầng. Vì vậy khi nghiên cứu văn học, người ta có thể lấy tư liệu từ văn
hóa và ngược lại. Văn hóa chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối
yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Sự sáng tạo của nhà văn luôn chịu sự chi
phối của rất nhiều yếu tố trong đó có văn hóa. Những nhà văn tiên phong của
dân tộc bao giờ cũng là những nhà văn hóa lớn. Bằng nghệ thuật ngôn từ, họ
có thể cổ vũ hoặc phê phán những biểu hiện phản văn hóa, đồng thời họ có
thể khẳng định hoặc ca ngợi những giá trị văn hóa dân tộc, của nhân dân khai
phóng. Dù là phản ứng trước những làn sóng văn hóa tiêu cực hay cổ vũ cho
sự tiếp biến văn hóa, giới sáng tác tinh hoa bao giờ cũng là người tiên phong
mở ra hướng nhìn về vận hội mới của văn hóa dân tộc.
18
Giữa văn hóa và văn học có mối quan hệ mật thiết và hữu cơ nên việc
tìm hiểu văn học dưới góc độ văn hóa là một hướng đi rất cần thiết và triển
vọng. Cùng với những cách tiếp cận văn học bằng xã hội học, mỹ học, thi
pháp học... thì cách tiếp cận văn học bằng văn hóa học sẽ giúp chúng ta lí giải
trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật với hệ thống mã văn hóa được bao hàm bên
trong nó. Những yếu tố văn hóa liên quan đến thiên nhiên, lịch sử, địa lí, văn
hóa, xã hội, pháp luật, tôn giáo, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ...
Có thể được vận dụng để cắt nghĩa những phương diện nội dung và hình thức
của tác phẩm. Theo Chu Lập Nguyên “Văn học là một phần của văn hóa, biết
sử dụng cái nhìn văn hóa thích hợp thì sẽ hiểu văn học sâu hơn, cũng có thể
mở rộng phương diện nghiên cứu” [21, tr 51]. Phương pháp nghiên cứu liên
ngành cũng có ý nghĩa đối với lí luận văn học, lúc này lí luận văn học sẽ là bộ
môn mở, bao dung nhiều thành phần. Nó sẽ coi trọng diễn ngôn, văn bản,
phương diện truyền bá, văn học đại chúng. Việc chuyển hướng nghiên cứu
văn hóa trong văn học đang mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tầm
nhìn văn hóa. Có thể nói, định hướng nghiên cứu thi pháp văn hóa bao gồm
thi pháp đối thoại và thi pháp carnaval kiểu M. Bakhtin hay nghiên cứu mẫu
gốc huyền thoại kiểu Northrop Frye, nghiên cứu trần thuật lịch sử kiểu H.
White, hay nghiên cứu mối quan hệ văn học với các truyền thống văn hóa,
chẳng hạn như văn học với Nho học, Đạo học, Phật học, văn hóa với thi ca,
văn hóa với tư duy tiểu thuyết… Đó là những cách nghiên cứu văn học dưới
góc độ văn hóa. Một trong những người khởi xướng xu hướng tiếp cận văn
học dưới góc độ văn hóa là nhà nghiên cứu người Nga Mikhai M. Bakhtin
cho rằng: nghiên cứu văn học phải đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của lịch
sử văn hóa đặc biệt là nghiên cứu thời đại văn hóa mà tác phẩm đó ra đời.
"Khoa học nghiên cứu văn học phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa. Văn
học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài
19
cái mạch (kontest) nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó
tồn tại... Tác phẩm văn học không chỉ sống trong những thế kỉ tiếp, nếu nó
không biết bằng cách nào đó thu hút vào mình những gì của thế kỉ đã qua.
Nếu nó chỉ nảy sinh bằng tất cả những yếu tố của ngày nay (tức xã hội đương
thời của nó) mà không tiếp tục quá khứ và không gắn bó với quá khứ một
cách đáng kể, nó không thể tiếp tục sống trong tương lai" [20,tr.139]. Như
vậy theo cách nói M. Bakhtin quá khứ là một phần của văn hóa dân tộc tức là
văn hóa dân gian. Và vấn đề này từ rất lâu các nhà văn đã tự giác và hoàn
toàn đã ý thức tiếp thu, ảnh hưởng lí giải những vấn đề của văn hóa dân gian
từ văn học dân gian cho đến những vấn đề như tôn giáo, phong tục, tập quán,
tín ngưỡng, pháp luật...
Có thể khẳng định văn hóa dân gian bao đời nay đã ảnh hưởng rất
nhiều đến cuộc sống chính tri, xã hội, trong đó có văn học. Các nền văn học
lớn trên thế giới tồn tại và phát triển luôn chịu ảnh hưởng đậm nét của văn
hóa dân gian. Trong tiến trình lịch sử văn học thế giới các nhà văn, nhà thơ
lớn đều chịu ảnh hưởng, tiếp thu, vận dụng chất liệu dân gian, một cách nhuần
nhuyễn đều gặt hái những thành công nhất định và sẽ trụ vững với thời gian.
Văn hóa dân gian đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh của đời sống nhưng có
lẽ sự ảnh hưởng đó diễn ra đậm nét nhất là trong văn học. Quan hệ tác động
ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa dân gian và văn học viết diễn ra hết sức độc
đáo. Đó là quan hệ mang tính sáng tạo, có tính quy luật và cũng là cơ sở lí
luận cốt yếu cho sự cắt nghĩa một quá trình phát triển, một hiện tượng văn
học. Trong nền văn học Việt Nam mối quan hệ và ảnh hưởng giữa văn hóa
dân gian và văn học viết cũng diễn ra hết sức độc đáo. Trong tiến trình lịch sử
phát triển của văn học dân tộc những nhà văn, nhà thơ chịu ảnh hưởng và tiếp
thu vận dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn đều gặt hái những
thành công nhất định. Tác phẩm của họ sẽ gây được tiếng vang và lưu truyền
20
sâu rộng trong đời sống. Có thể kể đến một số tác giả tiêu biểu như: Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... Việc ảnh hưởng và
tiếp thu văn hóa dân gian không dừng lại ở văn học trung đại Việt Nam mà nó
vẫn còn tiếp nối trong văn xuôi đương đại Việt Nam chúng ta vẫn bắt gặp
những ngôi làng: làng Giếng Chùa (tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma
của Nguyễn Khắc Trường), làng Đình Cổ (tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của
Nguyễn Xuân Khánh), làng Đông (tiểu thuyết Bến không chồng của Dương
Hướng), xóm Nhài (truyện ngắn Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy
Thiệp)… Làng, xóm là cái nôi nảy nở văn hóa dân gian lâu đời, dù ở đồng
bằng, trung du hay miền núi thì mỗi làng quê đều có một ngôi đình. Đó là
trung tâm của làng, vừa là công đường, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân
dân đã đi vào trong những sáng tác văn học.
Sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa dân gian đối với văn học viết
diễn ra rộng khắp không chỉ nền văn học Việt Nam mà các nền văn học lớn
của phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc. Những bộ tiểu thuyết Minh -
Thanh nổi tiếng như: Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây Du kí, Liêu trai chí
dị, Hồng lâu mộng… chứa đầy yếu tố dân gian. Để viết được bộ tiểu thuyết
Tam Quốc diễn nghĩa vĩ đại La Quán Trung không chỉ dựa vào sử sách như
cuốn Tam quốc chí của nhà viết sử Trần Thọ đời Tấn hay cuốn Tam quốc chí
của Bùi Tùng Chi thời Nam Bắc triều. Để có được bộ tiểu thuyết đồ sộ này
tác giả La Quán Trung còn dày công sưu tầm những nguồn tài liệu rất đặc
biệt, đó là những câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian và
dã sử. Không chỉ nguồn gốc lịch sử của tác phẩm mang chất dân gian mà việc
xây dựng hình tượng nhân vật cũng được hun đúc bởi ước vọng của quần
chúng như nhân vật Gia Cát Lượng là con người có trí tuệ hơn người và có lí
tưởng tuyệt vời, một mưu sĩ trác việt. Người đọc dễ dàng nhận thấy dấu ấn
dân gian trong những mưu mẹo của ông mang tính chất hồn hậu của trí tuệ
21
quần chúng như việc Khổng Minh dùng thuyền cỏ mượn tên, tam kích Chu
Du hay kế thành không đánh đuổi Tư Mã Ý.
Như trên đã trình bày mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học
không phải là mối quan hệ một chiều. Văn học là một thành tố rất quan trọng
của văn hóa, nó vừa chịu sự tác động của văn hóa nhưng nó cũng tác động
ngược lại tiến trình phát triển của văn hóa. Nhà văn vừa là chủ thể tiếp nhận
văn hóa, đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo văn hóa, tác phẩm của họ cũng là
nơi sáng tạo văn hóa và Tam Quốc diễn nghĩa là một minh chứng cho điều
đó. Khi bắt tay sáng tác Tam Quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung đã sưu
tầm những truyền thuyết, dã sử trong dân gian nhưng khi tác phẩm đi vào đời
sống thì các hình tượng nhân vật trong tác phẩm lại trở thành những hình
tượng văn hóa sinh động của cuộc sống như: Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Công,
Trương Phi, Gia Cát Lượng, Điêu Thuyền... đã trở thành những tượng đài văn
hóa trong cuộc sống. Đó chính là hiện tượng ảnh hưởng tương tác lẫn nhau
giữa văn hóa dân gian và văn học viết. Điều này đã được Hồ Sĩ Vịnh trong
bài viết Văn hóa ngọn nguồn của văn học nhận định: "Văn hóa dân gian là
ngọn nguồn của tiến trình lịch sử văn học, là bầu sữa nuôi dưỡng nhiều tài
năng văn học. Song mối quan hệ ấy không diễn ra một chiều mà văn học luôn
có sự tác động trở lại đối với văn hóa” [3.tr.29] .
Mối quan hệ ảnh hưởng giữa văn hóa và văn học nói chung hay mối
quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết nói riêng là mối quan hệ mang
tính quy luật. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa mà còn là
một bộ phận tồn tại và bảo lưu văn hóa, sáng tạo văn hóa. Văn học luôn chịu
sự chi phối văn hóa và môi trường văn hóa. Vì thế, khi nhà văn viết về vấn đề
gì, thì họ sẽ mang tâm trạng văn hóa của dân tộc mình. Nhà văn Nga Macxim
Goocki đã từng nói: "Nhà văn không bao giờ là ngẫu nhiên mà thường là tất
yếu của lịch sử, anh ta là một hiện tượng nảy sinh từ sản phẩm tinh thần của
22
dân tộc, biện giải từ yêu cầu của dân tộc để nhìn nhận cuộc sống thể hiện
trong nghệ thuật... Anh ta nhiệt thành với những khát vọng, những lí tưởng và
những hình thức mới. Những khát vọng đó được hình thành và thâm nhập vào
thế giới. Bằng cách đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật nảy sinh từ tinh thần và hi
vọng của dân tộc, của xã hội. Nhà văn sáng tạo từ tài liệu vốn có, do lịch sử
đưa lại cho anh ta, vì thế những tác phẩm sáng tạo của nhà văn là chứa đựng
bản sắc của dân tộc" [49,tr,170]. Thực vậy, trong đời sống văn hóa, đã chứng
minh rất nhiều sáng tác văn học của các tác gia chịu ảnh hưởng sâu sắc văn
hóa dân gian. Tác phẩm của họ bắt nguồn từ những chất liệu dân gian của
cuộc sống đều hướng tới việc xây dựng những hình tượng văn hóa trong đời
sống như Tây du kí của Ngô Thừa Ân bắt nguồn từ câu chuyện có thật về nhà
sư đời Đường là Trần Huyền Trang sang Ấn Độ xin kinh Phật. Đường đi vạn
dặm nhà sư đã vượt qua 28 nước lớn nhỏ, đi về mất 17 năm trời. Câu chuyện
có thật đó vốn đã mang màu sắc huyền thoại và được truyền tụng rộng rãi
trong dân gian. Lâu ngày, nó trở thành truyền thuyết và được thần thoại hóa.
Những nghệ nhân kể chuyện đời Tống phát triển thành những câu chuyện
hoàn chỉnh. Ngô Thừa Ân đã dày công thu thập truyền thuyết và dã sử để xây
dựng nên bộ tiểu thuyết đồ sộ Tây du kí.
Ảnh hưởng của văn hóa dân gian không chỉ dừng lại trong văn học
trung đại mà sự ảnh hưởng này vẫn còn tiếp diễn trong văn học hiện đại và
đương đại. Trong văn học đương đại sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối
với văn học vẫn còn sức sống mãnh liệt. Những nhà văn tiếp nối truyền thống
đó như Giả Bình Ao, Phùng Kí Tài, Mạc Ngôn... họ đã kế thừa và tiếp nối
xuất sắc truyền thống văn hóa dân gian trong những sáng tác. Từ năm 1987
trở lại đây, Giả Bình Ao cho ra đời một số tác phẩm giống với những truyện
Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Đó là tập kí sự Núi Thái Bạch có nhiều
chuyện hoang đường không có thật, như chuyện Quả phụ kể về một người bố
23
đã chết nhưng một đêm trở về với người vợ góa, chuyện chăn gối giữa hai
người chỉ có đứa con nhìn thấy, còn người mẹ thì không hề hay biết gì. Dân
tộc Trung Hoa từ thời hồng hoang thậm chí cho đến tận ngày nay ít nhiều vẫn
còn đắm mình trong văn hóa dân gian thần bí như: âm dương, ngũ hành, bát
quái…Trong các điển tích văn hóa Trung Hoa, lịch sử thường phủ một màu
sắc thần thoại vì hiện tượng thần bí là một hiện tượng khách quan. Trong lời
tựa của cuốn tiểu thuyết Nôn nóng, Giả Bình Ao nói: “Người nông dân có
triết học của họ, người văn minh ở thành phố có thể không thừa nhận, nhưng
dân nhà quê thì vẫn cứ tin” [49, tr. 278]. Nhà văn Trung Quốc không thể quay
lưng làm ngơ trước thực tế hiển nhiên đó.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, trong xã hội Trung
Quốc dấy lên phong trào “phản tư” (suy ngẫm về quá khứ lịch sử). Phong trào
“phản tư” cũng là nguyên nhân thúc đẩy, các nhà văn suy ngẫm về phong tục,
kì dị về nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa là đặc điểm nổi bật trong sáng tác
của Phùng Kí Tài. Tiểu thuyết bộ ba Chuyện kì quái (gồm Chiếc roi thần, Gót
sen ba tấc, Âm dương bát quái) tác giả viết về phong tục bím tóc, bó chân và
tục phong thủy, khí công, tướng thuật… những hiện tượng văn hóa thần bí và
cổ quái của người xưa. Ngoài Phùng Kí Tài thì Mạc Ngôn cũng là một nhà
văn tiêu biểu cho sự tiếp thu văn hóa dân gian trong các sáng tác của mình
Đàn hương hình là tác phẩm chứa nhiều yếu tố dân gian như tục bó chân của
người phụ nữ, làn điệu dân gian Miêu Xoang, hay nghệ thuật hành hình…
Vì vậy, nghiên cứu văn hóa dân gian trong sáng tác của một nhà văn cụ
thể về vai trò tác dụng của yếu tố văn hóa dân gian trong thế giới nhân vật,
hay những đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm. Không đơn thuần chỉ ra hay
thống kê việc ảnh hưởng đó mà nghiên cứu từ góc độ những yếu tố dân gian
nhằm đánh giá đầy đủ về tính dân gian trong văn học.
24
1.3. Quê hương Cao Mật với hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn
1.3.1. Tình yêu đối với quê hương
Sơn Đông cùng với Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Bắc, Hà Nam là một
trong những cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Nơi đây là quê hương của
địa linh nhân kiệt, là quê hương của những nhà tư tưởng, nhà triết học kiệt
xuất của Trung Quốc như: Khổng Tử, Mạnh Tử, những nhà chính trị nổi tiếng
như các vua Tề, Quản Trọng, Lưu Dung... là vùng đất nổi tiếng về truyền
thống anh hùng hào kiệt như Tống Giang, Võ Tòng… có lẽ gần gũi và thân
hiết hơn là quê hương của tác giả bộ biểu thuyết Liêu trai Chí dị của Bồ Tùng
Linh nổi tiếng thời Minh – Thanh.
Mạc Ngôn sinh ra và lớn lên từ vùng đất giàu truyền thống văn hóa,
văn học và đấu tranh chính trị,... vì vậy, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng
của văn hóa truyền thống quê hương đối với tài năng văn chương và con
người của ông. Tài năng của nhà văn nảy nở trên mảnh đất nghèo đói vì các
cuộc chiến tranh, song sức mạnh của truyền thống văn hóa quê hương chính
là nguồn sữa nuôi dưỡng và làm nên sức sống. Vùng quê Cao Mật nghèo đói
về vật chất nhưng lại rất giàu về lòng yêu thương. Ông cũng từng yêu quê
hương Đông Bắc Cao Mật với những gì vốn có, ông cho rằng đây: "là nơi đẹp
đẽ nhất, xấu xa nhất; siêu thoát nhất, thế tục nhất, trong trắng nhất, nhơ bẩn
nhất, anh hùng hảo hán nhất, đểu giả nhất, giỏi uống rượu nhất, biết yêu
đương nhiều nhất trên trái đất này". [23,tr.14-15]. Con người sinh ra và lớn
lên chịu ảnh hưởng sâu sắc về mọi phương diện, nhất là phương diện văn hóa
của mảnh đất nơi họ sinh ra. Bởi xét cho cùng, văn hóa chính là sự thích nghi
một cách chủ động, có ý thức con người với tự nhiên, xã hội đồng thời cũng
chính là kết quả của sự thích nghi ấy. Mạc Ngôn rất có duyên với vùng Sơn
Đông Cao Mật, nơi ông sinh ra và trải qua thời niên thiếu với những biến cố
cay đắng của cuộc đời. Thiên nhiên, con người với những giá trị văn hóa lịch
25
sử nơi đây đã hình thành nên một Mạc Ngôn với phong cách nghệ thuật vừa
truyền thống vừa hiện đại với những quan niệm nhân sinh độc đáo với cách
nhìn cuộc đời, tình yêu, cuộc sống hết sức táo bạo.
Mạc Ngôn là người con tiêu biểu của quê hương xứ sở. Sáng tác của
ông bắt nguồn từ tình yêu sâu đậm đối với quê hương và trở về cội nguồn của
nhân dân. Theo dịch giả Trần Trung Hỉ thì "Mạc Ngôn là vua của vương quốc
Cao Mật”. Những tác phẩm của ông, người đọc dễ dàng nhận thấy hơi thở đất
quê, và mối tình sâu đậm không thể tan chảy giữa ông với "huyết địa" làng
Đông Bắc, Cao Mật. Chính vì vậy, giới bình luận văn học đã gọi ông là "vị
hoàng đế khai phá trời đất của làng Đông Bắc Cao Mật"
Ông đã trở thành vị hoàng đế khai thiên lập địa làng Đông Bắc, để
được tha hồ hò hét hạ lệnh, muốn ai chết là chết, để ai sống được sống, hưởng
đủ cái lạc thú làm vua một vùng. Nào dương cầm, nào bom nguyên tử, nào
bánh mì, thằng Tây rởm, cha cố thật... ông đem nhét tuốt vào trong cánh đồng
cao lương. Có một nhà văn từng nói: Tiểu thuyết của Mạc Ngôn đều được
moi ra từ chiếc bao tải rách của cái làng Đông Bắc - Cao Mật. Chiếc bao tải
này thực sự là của báu, cho tay vào moi mạnh một cái, ra được bộ tiểu thuyết,
moi nhẹ một tí, ra ngay cái truyện vừa, nếu chỉ thò ngón tay vào nhón một cái,
cũng gắp ra được dăm ba truyện ngắn. Mạc Ngôn nói rằng: Tôi không yêu,
cũng chẳng ghét chúng.
1.3.2. Quan niệm tiểu thuyết của Mạc Ngôn
Mỗi nhà văn đều có một quê hương cho riêng mình, hầu hết các sáng
tác của họ đều mang đậm dấu ấn quê hương. Mạc Ngôn là nhà văn tiêu biểu
cho đứa con của quê hương. Sáng tác của ông bắt nguồn từ tình yêu sâu đậm
đối với quê hương và luôn tìm về với cội nguồn của quê hương.
Trong những sáng tác của mình Mạc Ngôn đã đưa người đọc quay trở
về những năm 1900 đến những năm gần đây trên mảnh đất quê hương Cao
26
Mật, với những cuộc chiến tranh chống phát xít Đức và Nhật cùng với những
nạn đói rét, hạn hán, mất mùa… nhà văn đã đưa người đọc chứng kiến những
chuyện vụn vặt, bình thường nhất nhưng riêng nhất, độc đáo nhất của cuộc
sống quê hương ông. Ông lớn lên trên vùng đất nghèo khổ bần cùng nên ông
hiểu hơn ai hết về cái đói và miếng ăn đối với người dân và mọi chuyện lớn
nhỏ từ miếng ăn mà ra cả.
Ông viết về người nông dân và tự nguyện làm nhà văn của người dân.
Vấn đề Mạc Ngôn quan tâm nhất trong tác phẩm của mình chính là hiện thực
sinh tồn, là đời sống của người dân. Quan niệm sáng tác của ông thể hiện rất
nhất quán. Đó là:
Ông đã biến vùng Cao Mật quê hương ông thành một khái niệm văn
học, không phải một khái niệm địa lý, là một khái niệm mở, không phải một
khái niệm khép kín, vùng Cao Mật của ông là một cảnh ảo do ông tưởng
tượng trên cơ sở những kinh nghiệm của tuổi ấu thơ, ông liên tục biến nó
thành một Trung Quốc thu nhỏ, đồng hoá nỗi khổ và niềm vui của nó với nỗi
khổ và niềm vui của nhân loại và bằng tài năng của mình ông ra sức tác động
người đọc trên toàn thế giới quan tâm đến những câu chuyện của ông.
Ông đã quay về sáng tác dân gian chân chính và sáng tác của Mạc
Ngôn phải từ vị trí của người dân. Ông cho rằng “nhà văn sáng tác từ vị trí
người dân, cho dù họ viết văn, làm thơ hay viết kịch, bản chất công việc của
họ chẳng khác gì những người thợ dân gian […] giữa những người thợ dân
gian cũng có sự kế thừa, học hỏi và phát triển […] nhưng họ không bao giờ
quên mình là một người dân bình thường, họ không bao giờ phân biệt mình
với người dân bình thường” [41, tr.341] và “Tôi (Mạc Ngôn) cho rằng sáng
tác dân gian thực sự chính là loại sáng tác với tư cách người dân” [41,tr. 341].
Vì vậy, tiểu thuyết của Mạc Ngôn được viết từ vị trí người dân luôn quay về
cội nguồn văn hóa dân gian của dân tộc, nhưng tình cảm phải được xuất phát
27
từ nơi sâu thẳm tâm hồn, nó chạm đến nơi đau đớn nhất trong trái tim, nó bị
dồn tới đáy sâu của sự đau khổ.
Tiểu kết:
Tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn đánh dấu sự theo đuổi cái
đẹp của phong cách dân gian chân chính. Ông tìm về với những phong tục
xưa đã làm cho không biết bao nhiêu phụ nữ đã rơi nước mắt cùng với làn
điệu dân gian Miêu Xoang làm say đắm lòng người và phê phán sự dã man
mất nhân tính của những hình phạt man rợ được thể hiện bằng ngôn từ của
Miêu Xoang
28
Chương 2. VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI THẾ GIỚI NHÂN VẬT
VÀ NGÔN NGỮ TRONG ĐÀN HƯƠNG HÌNH
2.1. Nhân vật Tôn Bính
Đối tượng chung của văn học là cuộc đời, trong đó con người luôn giữ
vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những lời bình
luận... chỉ góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng của tác phẩm, nhưng cái
quyết định chất lượng của một tác phẩm văn học, chính là việc xây dựng hình
tượng nhân vật. Văn học không thể thiếu nhân vật, vì nhân vật chính là hình
thức cơ bản, để qua đó nhà văn miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản
chất của văn học là mối quan hệ của nhân vật đối với đời sống. Nhà văn tái
hiện được đời sống thông qua những chủ thể nhất định. Chủ thể đóng vai trò
như những tấm gương của cuộc đời và chức năng của nhân vật là khái quát
những quy luật cuộc sống của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước
mơ, và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để thể hiện
những cá nhân của xã hội nhất định và những quan niệm về cá nhân đó. Nói
cách khác, nhân vật là phương diện khái quát có tính cách, số phận và các
quan niệm. Tính cách, trong ý nghĩa rộng nhất, chung nhất là sự thể hiện các
phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua các đặc điểm cá nhân, gắn liền
với phẩm chất tâm sinh lí của họ. Tính cách có một hạt nhân là sự thống nhất
của cá tính và cái chung của xã hội. Trong Nghệ thuật thi ca Arixtot cho rằng
“Tôi hiểu tính cách là cái lí do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một tên nào đó”
[17, tr. 279]. Nhân vật sẽ có tính cách, nếu trong lời nói hay hành động bộc lộ
một khuynh hướng một ý chí nào đó. Trong tính cách bao giờ cũng tìm thấy
một tính tất yếu hay một tính khả nhiên của một hiện tượng lịch sử, xã hội.
Nhân vật không chỉ thể hiện tính cách mà còn là người dẫn dắt ta vào
một thế giới đời sống. Pheedin nói rằng “nhân vật là một công cụ” [17, tr.
29
280]. Đọc tác phẩm văn học, cái đọng lại trong tâm hồn người đọc là hình
tượng nhân vật mà tác giả đã kì công xây dựng. Qua nhân vật nhà văn sẽ gởi
gắm những tư tưởng, những suy nghĩ, những tình cảm và thông qua nhân vật,
nhà văn thể nghiệm tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của mình. Vì vậy, nhân vật
càng chân thật, càng sống động thì sức sống của tác phẩm càng mạnh mẽ và
bền lâu với thời gian. Tiểu thuyết là một thể loại tự sự nên nhân vật cũng
được coi là một trong những yếu tố cốt tử. Nhân vật trong tiểu thuyết là hạt
nhân của sự sáng tạo nghệ thuật, là trung tâm của tiểu thuyết. Những cuốn
tiểu thuyết vượt thời gian đều là những tác phẩm có sự sáng tạo bậc thầy
trong cách xây dựng nhân vật: Đônkihôtê, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Tào
Tháo, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, AQ… là những nhân vật điển hình về
tính cách và hành động. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn ngoài những vấn đề
chiến tranh, đói khổ và con người, thì thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của
ông mang những nét tính cách rất riêng và không bao giờ lặp lại. Mỗi nhân
vật trong tiểu thuyết của ông là một siêu điển hình về tính cách và hành động.
Từ Chiếm Ngao trong tác phẩm Cao lương đỏ mang khí phách ngang tàng,
phóng túng, dám phá bỏ mọi ràng buộc của phong tục, lễ giáo để được đến
với tình yêu tự do. Từ Chiếm Ngao là nhân vật mang khí phách của người anh
hùng. Còn Khoan Kim Cương trong tác phẩm Tửu quốc là một siêu nhân
uống rượu, rượu ông uống nhiều đến nỗi “lượng nước mà chúng ta uống
không bằng lượng rượu mà ông ta đã dùng” [26.tr,55] ông có thể uống một
mạch ba mươi chén mà mặt không đổi sắc. Nếu Khoan Kim Cương là một
siêu nhân uống rượu thì La Tiểu Thông trong tiểu thuyết Tứ thập nhất pháo
lại là một “Nhục Thần” về thịt, một siêu nhân về ăn thịt. Hắn sinh ra trong
một gia đình cha mẹ bất hòa, người cha bỏ mẹ hắn đi theo người con gái khác
nên hắn chỉ sống với người mẹ vô cùng tiết kiệm, suốt đời bà chỉ lo tích góp
từng xu để gây dựng cơ ngơi, sự nghiệp. Vì vậy trong bữa ăn của La Tiểu
30
Thông không bao giờ nghe mùi thịt nên cậu thèm thịt tới mức có thể gọi bất
cứ ai bằng “bố” nếu người ấy cho cậu ăn thịt, không những thèm thịt đến điên
cuồng mà La Tiểu Thông còn có khả năng tương thông với thịt và có khả
năng ăn thịt một cách siêu phàm. Trong cuộc thi ăn thịt cậu ta ăn một lần hết
ba cân thịt. Như vậy ăn và uống là hai nhu cầu đầu tiên của con người nhưng
sự thèm khát miếng ăn cho thấy một giai đoạn lịch sử xã hội cái đói đang ngự
trị cuộc sống con người. Đó cũng chính là hình ảnh tuổi thơ của nhà văn đã
trải qua thời kì lịch sử chiến tranh và cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc
hằn sâu trong kí ức của mỗi người dân.
Nếu La Tiểu Thông thèm thịt, hiểu thịt và yêu thịt, coi thịt như người
bạn tâm giao tri kỉ thì Kim Đồng (trong tiểu thuyết Báu vật của đời) lại say
mê bầu vú đến mức tôn sùng. Chính sự say mê bầu vú đã làm cho Kim Đồng
mắc phải một chứng bệnh, luyến nhũ yếm thực. Kim Đồng lớn lên phụ thuộc
hoàn toàn vào sữa mẹ, anh ta dị ứng với tất cả các loại thức ăn khác. Anh ta
sống và lớn lên, lệ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa của người mẹ và độc chiếm
vú mẹ sẵn sàng dành vú mẹ với bất kì ai xâm phạm dù đó là người chị song
sinh khiếm thị bẩm sinh của mình, anh ta bú mẹ đến năm mười lăm tuổi. Anh
ta say mê đến mức bệnh hoạn bầu vú của phụ nữ, đến nỗi sau này lớn lên mất
cả khả năng làm tình. Sự say mê bầu vú của Kim Đồng có một sự ẩn dụ,
tượng trưng rất lớn.
Sự say mê và dựa dẫm của Kim Đồng đối với nguồn sữa mẹ chính là
văn hóa sống bám của biết bao thế hệ. Có thể nói nhân vật trong tiểu thuyết
Mạc Ngôn thường là những nhân vật siêu tính cách và trong tiểu thuyết Đàn
hương hình nhân vật mang những tính cách hết sức kỳ lạ.
2.1.1. Tôn Bính với làn điệu Miêu Xoang
Nếu La Tiểu Thông yêu thịt, hiểu thịt, Kim Đồng say mê bầu vú, thì
Tôn Bính lại say mê làn điệu Miêu Xoang. Ông sống ca hát Miêu Xoang, đấu
31
tranh bằng Miêu Xoang, chết trong âm thanh đồng vọng của Miêu Xoang.
Đây là làn điệu dân gian đặc trưng của vùng Đông Bắc Cao Mật và là loại hí
kịch có giai điệu du dương diễn xuất độc đáo, mang đậm màu sắc thần bí, là
hóa thân cuộc sống tinh thần, của người dân vùng Đông Bắc Cao Mật. Mỗi
loại hình nghệ thuật đều có nguồn gốc xuất xứ riêng của nó. Lỗ Tấn cho rằng:
“Trong cái thứ tự phát sinh của tác phẩm văn nghệ, có lẽ thơ ca có trước tiểu
thuyết có sau. Thơ ca bắt nguồn từ lao động và tôn giáo. Lẽ thứ nhất là trong
lao động, một mặt thì làm lụng, một mặt thì ca hát, như vậy có thể quên mệt
nhọc và khổ sở đi, cho nên từ tiếng kêu la đơn thuần mà phát triển ra, đi đến
chỗ phát huy cái tâm lí, cái tình cảm của mình lên, đều có vài vần điệu tự
nhiên cả. Lẽ thứ hai dân tộc nguyên thủy đối với thần linh, đi dần từ sợ sệt
đến kính mến rồi ca tụng cái oai linh của nó, ca ngợi cái công lao của nó, như
vậy là tạo thành cái khởi nguyên của thơ ca. Còn tiểu thuyết thì tôi nghĩ
ngược lại, lại khởi nguyên từ sự nghỉ ngơi. Con người lao động đã dùng ca
ngâm để cho vui, nhờ đó mà quên đi nỗi mệt nhọc cực khổ, thì đến lúc nghỉ
ngơi cũng nhất định tìm một cách gì đó tiêu khiển khi nhàn rỗi. Cách đó là
người này người kia, trao đổi với nhau, chuyện đã qua, việc bàn kể trao đổi
chuyện cũ đó chính là khởi nguyên của tiểu thuyết. Vì thế mà thơ ca là văn
vần, từ lao động mà phát sinh, còn tiểu thuyết là văn xuôi, nhân lúc nghỉ ngơi
mà phát sinh” [38.tr.316] sự ra đời của thơ ca và tiểu thuyết gắn liền với hoạt
động lao động và sự nghỉ ngơi của con người. Đó là cuộc sinh tồn với những
bộn bề lo toan của con người, còn sự ra đời của Hí kịch Miêu Xoang thì
ngược lại với thơ ca và tiểu thuyết. Miêu Xoang không phải ra đời trong lúc
con người đang sống và lao động, mà nó ra đời lúc con người từ giã cõi đời,
khi cuộc đời thực của con người không còn nữa, con người đã từ biệt cuộc
sống trần gian đang bước vào thế giới của cõi vĩnh hằng. Đó là lúc người
đang sống hát lên khúc hát bi thương kể về công trạng người đã chết, như lời
32
điếu văn của chính cuộc đời mình, Miêu Xoang như những lời kinh sám hối
tiễn người chết để cho họ được thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.
Miêu Xoang vốn là một làn điệu dân gian có nguồn gốc từ sự khóc
tang của Thường Mậu và sau đó Tôn Bính đã đưa lên thành một loại hình kịch
nghệ, nổi tiếng cả một vùng rộng lớn "phía Bắc đến phủ Lai Châu, phía Nam
đến phủ Giao Châu, phía Tây đến phủ Thanh Châu, phía đông đến phủ Đăng
Châu, tổng cộng mười tám huyện" [22, tr.40]. Miêu Xoang làm say đắm và
lôi cuốn người nghe bởi làn điệu mượt mà và nội dung chân thật như hơi thở
của cuộc sống. Với những vở diễn mang nội dung về cuộc sống nhân tình thế
thái, các đời vua thịnh vượng như Nghiêu Thuấn, cũng như các anh hùng
trong truyền thuyết và trong lịch sử, các vị quan tham vô độ. Các vở diễn tiêu
biểu của Miêu Xoang như “Thường Mậu khóc tang”, hay “Hồng môn yến”…
các vở diễn này luôn gắn với cuộc đời oai hùng và đầy bi kịch của nghệ sĩ
Tôn Bính, một kép hát lừng danh, một ông bầu gánh hát, một nguyên soái của
cuộc khởi nghĩa bi thương, một phạm nhân bị hành quyết dã man trên pháp
trường.
Nếu Triệu Giáp cả cuộc đời sống và chết đều gắn với những cuộc hành
hình thì Tôn Bính cả đời ông gắn liền với làn điệu Miêu Xoang, ông đi đến
đâu làn điệu Miêu Xoang đi theo bước chân của ông vang lên nơi đó. Ông
như một con ong cần mẫn lấy phấn từ trăm hoa để biến Miêu Xoang thành
giọt mật ngọt dâng lên cho đời. Ông đã sáng tác nên các làn điệu như Miêu
Hồ, Miêu Cổ và cải biên các làn điệu với phong cách mới mẻ, phù hợp với
tâm tình của người dân Cao Mật. Từ Tôn Bính, làn điệu Miêu Xoang phổ biến
rộng rãi trong cuộc sống, với ông Miêu Xoang không còn đơn thuần cho
những buổi khóc tang người chết hay những buổi biểu diễn trên sân khấu diễn
những tích tuồng mà Miêu Xoang giống như máu chảy trong huyết quản của
ông.
33
Từ sự đam mê làn điệu Miêu Xoang nên lời hát tang của ông không còn
đơn giản như tổ sư Hùng Mậu là khóc trước quan tài người chết kể về công
lao người chết, mà điều quan trọng và đặc biệt hơn so với vị tổ sư Hùng Mậu.
Khi Tôn Bính cất tiếng hát của mình trước quan tài người chết, sẽ làm cho
người chết phải sống lại như trường hợp ông khóc tang mẹ lão Tần. Khi ông
hát trước quan tài người chết, giọng của ông làm cho con cháu người chết như
đứt từng khúc ruột, trong quan tài có tiếng lục đục, khiến cho con cháu sợ
xanh mắt. Miêu Xoang qua chất giọng của ông nó trở thành liều thuốc cải tử
hoàn sinh, làm cho người chết đã ngồi bật dậy. Không chỉ diễn trên sân khấu
có đạo cụ trợ giúp, có đào kép xướng xô nhau, hát ở đám tang "Chỉ một mình
Tôn Bính, lúc đóng vai nam, khi đóng vai nữ, giọng khóc, giọng cười giữa
chừng lại đệm bao nhiêu tiếng mèo kêu "mi - ao", biến buổi khóc tang thành
cuộc trình diễn sân khấu cực kì sống động, con cháu người chết quên cả đau
thương, những người đến xem quên cả một thi hài đang ngồi nghe hát. Mãi
đến khi Tôn Bính hát xong câu cuối cùng dư âm của nó dài lê thê như một cái
đuôi diều giấy, bà lão từ từ nhắm mắt, thở dài một tiếng tỏ vẻ thỏa mãn, rồi đổ
sụp xuống như một bức tường đổ". [22, tr.504]. Đó là chuyện Tôn Bính hát
Miêu Xoang làm cho người chết sống lại, với cái tài của ông không chỉ đặc
trưng chất giọng thiên phú hát hay, ông là diễn viên đa tài, ông có thể hoán
đổi cuộc đời của mình thành kẻ khác, sống với thân phận con người khác. Ở
người nghệ sĩ này không chỉ sống cho riêng bản thân mình mà có thể nếm trải
cuộc đời những kẻ khác, ông hóa thân vào thân phận của kẻ khác, vui buồn và
đau khổ cùng người khác. Ở đây làn điệu Miêu Xoang trở thành nỗi thông
cảm thấu hiểu tình người với nhau và sự chia sẻ nhau trong cuộc sống. Miêu
Xoang như một liều linh dược xóa tan mọi phiền muộn của cuộc sống khi
được thưởng thức làn điệu này do Tôn Bính biểu diễn.
34
Tôn Bính không chỉ nổi tiếng trong việc hát tang, ông hát làm cho
người chết phải sống lại ngồi nghe ông hát, rồi sau đó ra đi một cách thanh
thản. Đối với Tôn Bính khi ông hát Miêu Xoang phụ nữ nghe thì lệ chảy tràn,
làn điệu Miêu Xoang qua giọng hát của ông rất dễ hớp hồn phụ nữ. Ông lại
một người có chất giọng khàn khàn lạ lùng. Vì vậy ông đã biến Miêu Xoang
thành dưa mật làm mê mẩn không biết bao nhiêu phụ nữ Cao Mật. Đặt biệt là
người mẹ quá cố của Mi Nương, bà một người phụ nữ đẹp nổi tiếng, có rất
nhiều người say mê. Trong đó có một vị cử nhân họ Đỗ từng cầu hôn nhưng
bà không bằng lòng, bà lại mê một kép hát nghèo rớt mồng tơi như Tôn Bính,
bởi vì bà mê cái giọng khàn khàn ấy nên mới lấy ông. Không riêng gì mẹ Mi
Nương mê ông mà Tiểu Hồng hay Hồng Đào... là những cô đào đẹp nhất gánh
hát cũng mê ông. Miêu Xoang đã làm cho cuộc đời ông thấm đẫm chất phong
tình nhưng cũng đầy bi tráng và hào hùng. Có thể nói quãng thời gian hào
hùng nhất của nghệ sĩ Tôn Bính là lúc ông đóng những vai anh hùng, những
khanh tướng "Tôn Bính là một kép hát, quanh năm suốt tháng đóng các vai đế
vương khanh tướng, tài tử giai nhân, hát ra rả những trung hiếu tiết nghĩa,"
[22, tr.182] từ những vai diễn trên sân khấu đã hun đúc cho ông thành "người
có khí chất hiên ngang, mặt mày rạng rỡ, quyết không phải là phường xướng
ca vô loài" [22, tr.375]... Không chỉ đối với những người yêu ông mà ngay cả
Ba Tống người không ưa gì ông cũng phải dành cho ông những lời khen:
"Tôn Bính đa tài, xuất khẩu thành chương, nghe một lần là thuộc. Chỉ tiếc hắn
không biết chữ, nếu biết, hắn đỗ mười bằng tiến sĩ" [22, tr.296].
Vì đóng vai những người anh hùng, những khanh tướng nên cuộc đời
của ông cũng oanh liệt như chính những nhân vật trên sân khấu do chính ông
sắm vai. Ông sống cuộc đời mình vừa thực vừa hư. Thực đó là tính thẳng thắn
ngang tàng, nhưng ông cũng sống trong cuộc đời hư ảo, ông cho mình là con
người trên sân khấu. Chính vì sự ngang tàng nên trong bữa tiệc sinh nhật ông
35
quên rằng mình chỉ là một kép hát, một Tôn Bính bình thường. Khi Lí Vũ
khoe khoang, Tiền Đinh là vị quan có bộ râu đẹp. Để đáp lại sự huênh hoang
của Lí Vũ, Tôn Bính cho rằng râu quan Tiền Đinh "không đẹp bằng bộ lông
trong đũng quần của ta" [22, tr.185]. Ông tự hào mình là người có bộ râu đẹp
nhất (vì khi ông biểu diễn vở Đơn đao phó hội không cần mang râu giả vì râu
ông đẹp hơn người). Miêu Xoang đã ăn sâu vào tâm thức ông, ông thuộc tất
cả các vở diễn và luôn vận dụng nó vào mọi hoàn cảnh mà bản thân ông trải
qua. Khi ông bị Tiền Đinh bắt đến trước công đường để tra hỏi về tội nhục mạ
quan huyện. Trước đòn roi, sự tích bi tráng của những anh hùng hảo hán mà
ông đã sắm vai lại hiện về, ông ưỡng ngự, ngẩng cao đầu trong tiếng mi – ao,
và ông cất cao giọng “Mặc cho hình trượng đả nát thịt, nghiến răng ta chịu
không than van” [22, tr.189]. Miêu Xoang ở đây làm cho ông mang khí chất
của người anh hùng, đứng trước đòn roi và cái chết họ đều xem như không.
Nhưng khi thấy dung mạo đường hoàng của quan huyện ông nảy sinh tình
cảm thân thiết như anh em lâu ngày gặp lại “Anh em gặp nhau tại công
đường, nhớ lại năm xưa lệ vấn vương” [22, tr.189]
Với khí chất như những anh hùng ông sắm vai, vì vậy, khi nghe tin
người Đức làm nhục phụ nữ Trung Quốc, thế là nỗi sợ biến thành cơn giận.
Sự bất bình chất chứa lâu nay như giọt nước tràn ly, cuối cùng đã trở thành
hận thù. Tính khí của người Cao Mật tồn tại trong mỗi con người bùng nổ, lửa
giận bừng bừng, bất kể sống chết, gầm thét chạy theo Tôn Bính ra chợ. Nhìn
thấy "tên Đức bóp vú vợ ông [...] Thọc tay trong quần vợ ông" [22, tr.264]
ông đã nện tên lính Đức một cây gỗ táo vào đầu vì đã sàm sỡ vợ ông, tên lính
Đức toi mạng. Biết trước tai họa sẽ đến nhưng với khí chất người anh hùng,
nhìn thấy những cảnh chướng tai phải ra tay trừ diệt, không thể chịu khuất
phục trước cảnh vợ con mình bị làm nhục.
36
Để trả thù cho tên lính đã bị Tôn Bính đánh chết, người Đức đã giết
chết vợ con ông thả trôi theo dòng sông, cùng hai mươi bảy sinh mạng người
dân vô tội ở trấn Mã Tang. Cái chết của vợ và hai con thơ, cùng hai mươi bảy
sinh mạng người dân trấn Mã Tang, nỗi uất ức trào dâng thành điệu hát Miêu
Xoang như xét lòng: “Tang tang tang tang tang tang… tang bụp tang bụp tang
bụp… tang! Tôn Bính tui ngó về quê nhà phương bắc, cuồn cuộn khói đen
che kín nửa trời. Vợ tui nàng nàng nàng chôn thây nơi bụng cá, các con tui…
thảm lắm trời ơi… một trai một gái mệnh táng suối vàng… đáng hận thay,
bọn giặc tóc trắng mắt xanh, độc như rắn rết, táng tận lương tâm, giết người
vô cớ, khiến tôi tan cửa nát nhà, thân đơn bóng chiếc… tui tui tui… thảm lắm
trời ôi…” [22, tr.279]. Lời Miêu Xoang như tiếng kêu xé lòng của người dân
vô tội đáng thương và như lời ai oán thấu tận trời cao để tố cáo tội ác của kẻ
xâm lược, phá tan đi cuộc sống bình yên. Cuộc đời ông với nhiều thăng trầm
bi kịch, ông mong muốn suốt đời cỡi ngựa hát Miêu Xoang, và đưa Miêu
Xoang trở thành quốc hí. Ước mơ chưa thực hiện được thì ông chịu hành hình
đàn hương. Nhưng thời gian từ nhà tù đến pháp trường và trên Thăng Thiên
Đài đây là thời điểm khúc hát Miêu Xoang, vở "Thường Miêu khóc tang"
được diễn hấp dẫn nhất. Trên đường áp giải đến pháp trường, ông và Út Sơn
diễn đến nửa vở kịch thì người lớn, trẻ con như phát điên. Tất cả đám đông
nhại tiếng mèo mi - ao, mi - ao, mi - ao trên trời dưới đất đâu đâu cũng vang
tiếng mèo. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, mèo thật mèo giả quyện vào
nhau, cuốn lấy nhau thân hình lắc lư, những động tác lúc bình thường không
thể làm nổi. Âm thanh mi- ao kết thúc câu hát cuối cùng của ông vút lên cao,
cao hơn cây đại thụ mấy chục trượng, còn mọi người thì ngả hồn theo tiếng
hát lên tận chín tầng mây.
Trên Thăng Thiên Đài Tôn Bính diễn vở kịch Miêu Xoang cuối cùng
của cuộc đời mình có tên Đàn hương hình lưu danh tên tuổi ông trường tồn
37
với trời đất "ngắm trời cao gió thu lồng lộng, nhìn đất dày cây cỏ xanh rờn, ta
đây vốn anh kiệt hóa thân, dựng cờ nghĩa thay trời hành đạo, cứu Trung Hoa
kiếp nạn trầm luân. Không cho giặc dựng xong đường sắt! ...Vừa ăn xong gan
rồng óc phượng, vừa uống xong ngọc dịch quỳnh tương" [22,tr 575, 576] và
đệm vào tiếng mèo mi - ao, mi - ao, mi - ao. Tất cả những người đến xem
nước mắt tuôn trào, bắt đầu từ trẻ con, rồi đến người lớn đều nhại tiếng mèo
kêu, hàng vạn tiếng kêu quyện làm một như tập trung ở nơi pháp trường là
toàn bộ thế giới của loài mèo. Tiếng ca Miêu Xoang cao vút từng mây và
giống như tiếng con thiên nga hót lần cuối cùng trong cuộc đời ta chết không
ân hận, lửu cháy lên rồi, ta những chờ mong rồi hàng loạt tiếng mèo,… mi -
ao, mi – ao. Hình phạt thường gây nên sự sợ hãi đối với dân chúng nhưng ở
đây hình phạt không trấn áp được người dân mà chỉ tạo cho ngọn lửa hận
bùng cháy to hơn và càng mạnh mẽ hơn.
Người nghệ sĩ dân gian Tôn Bính sống một cuộc đời phong lưu, chiến
đấu oanh liệt, và chết trong huy hoàng như một người anh hùng trong vở kịch.
Vì tình yêu ông muốn đưa Miêu Xoang trở thành hí quốc ước mơ không thực
hiện được. Vì lòng căm thù mong muốn đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ bình yên
cho nhân dân. Ông là một nghệ sĩ, một anh hùng luôn sống và chiến đấu trọn
nghĩa, nhưng cuộc đời lại là một bi kịch. Miêu Xoang chưa thành quốc hí,
đánh đuổi giặc không thành.
2.1.2. Tôn Bính và cuộc khởi nghĩa đậm màu sắc dân gian
Trung Quốc vào cuối đời nhà Thanh mâu thuẫn xã hội xảy ra gay gắt,
do chế độ chuyên chế lỗi thời và phản động cùng với mầm mống nền kinh tế
tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu phát triển, các nước đế quốc phương Tây lần lượt
nhảy vào xâu xé Trung Quốc, biến Trung Quốc trở thành xã hội nửa thuộc
địa, nửa phong kiến. Sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở
Trung Quốc lúc này giống như “cái thai lớn lên trong thân hình nàng công
38
chúa phong kiến Trung Hoa. Tiếc rằng đó là một quái thai giữa chiến thần đế
quốc phương Tây và nàng công chúa phương Đông luống tuổi nên nó không
thể phát triển thành một đứa con bình thường là một quái thai kì hình dị dạng:
chế độ xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân” [33, tr.175]. Đầu thế kỉ hai
mươi, nhà Thanh đang trên đà suy thoái, tàn lụi trước làn sóng văn minh
phương Tây ào ạt tấn công vào Trung Quốc. Nhà Thanh từng bước nhượng
bộ đế quốc phương Tây. Nhân dân nổi lên chống lại ngoại xâm, triều đình
cùng quan lại thỏa hiệp với ngoại xâm quay lại đàn áp nhân dân.
Cùng với tác phẩm Cao lương đỏ, Báu vật của đời thì Đàn hương hình
là cuốn tiểu thuyết tân lịch sử của Mạc Ngôn viết về giai đoạn này. Nhưng
“Tiểu thuyết tân lịch sử không thỏa mãn với việc khái quát, phản ánh học
thuyết đấu tranh giai cấp mà chú ý nhiều đến sự hưng vong của các triều đại,
nhân cách văn hóa, kết cấu tâm lí, xung đột nhân tính, từ đó biểu hiện phong
phú phức tạp của bản thân lịch sử” [50, tr.127]. Xưa kia tiểu thuyết lịch sử
thường phản ánh những vấn đề trọng đại trong chính sử thì nay tiểu thuyết tân
lịch sử cũng đề cập đến những vấn đề trọng đại của lịch sử, nhưng sự giải
thích lịch sử mang đậm màu sắc dân gian. Cái mà tiểu thuyết tân lịch sử chú
trọng là những chuyện vụn vặt, ở bên rìa, như cuộc sống tình cảm, phong tục,
thú vui dân dã. Tiểu thuyết tân lịch sử chú trọng đến những chuyện mang màu
sắc thần kì, lấy từ dân gian hay hư cấu thành dân gian, để trở về trạng thái
thường nhật của cuộc sống dân dã. Tiểu thuyết tân lịch sử xa dần chính sử
hướng tới dã sử, nên cách đánh giá nhân vật khác xa trong chính sử. Trong
Cao lương đỏ nhân vật Từ Chiếm Ngao là một tên thổ phỉ khét tiếng dã man
mà cao thượng, ngang tàng, phóng túng mà yêu nước, mang đậm màu sắc
truyền kì dân gian. Tiểu thuyết lấy chủ nghĩa dân tộc truyền thống, dân gian
làm ngọn cờ tinh thần, những khái niệm đảng phái, chính trị, giai cấp bị nhòa
đi. Đàn hương hình tiếp nối dòng tiểu thuyết tân lịch sử của Cao lương đỏ
39
nên sắc thái của cuộc chiến tranh trong Đàn hương hình do Tôn Bính đã tập
hợp nhân dân đứng lên chống quân Đức xâm lược mang màu sắc dân gian.
Uất ức việc giặc Đức giết chết vợ và hai con cùng những người dân Mã Tang
vô tội nên Tôn Bính đã đi học Nghĩa Hòa Quyền ở Tào Châu phủ, đưa về các
viện binh, diệt giặc Tây Dương để cứu chúng sinh, chấn hưng Trung Hoa.
Cuộc chiến tranh chống giặc của Tôn Bính là cuộc chiến không cân sức.
Nghĩa Hòa Quyền do Tôn Bính lãnh đạo mang đầy màu sắc dân gian và đậm
chất huyền thoại. Để chống lại lực lượng hàng nghìn tân binh của Viên Thế
Khải cùng với những khẩu mode và tàu to, súng lớn của người Đức thì vũ khí
nghĩa quân Tôn Bính với cây gỗ táo, gậy gộc, cuốc xẻng, binh sĩ là những
người dân lao động không biết về nghệ thuật quân sự. Nghĩa quân Tôn Bính
giống với các nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Chiểu chỉ
biết côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó. Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường
nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc
cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng
ngó. Nhưng bù lại họ có những phép thuật siêu phàm, với những con người
“mình đồng da sắt, đao súng không thể xuyên thủng, gươm giáo không dính
thân" [22,tr.287]. Binh sĩ của ông lúc này là con người của thần linh, chứ
không phải là những người phàm xác thịt. Họ được những nhân vật trong
truyền thuyết như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới trợ giúp.
Quân lệnh Tôn Bính có những điều lệ, ban ra với những cấm kị hết sức
thiêng liêng và rất ngây thơ. Đó là việc nghiêm cấm quân sĩ trước khi ra trận
"không được ngủ với vợ, nếu ngủ với vợ đạn sẽ không sợ, liên can đến tính
mạng, khi ra trận mà ngủ với vợ bùa sẽ không thiêng” [22, tr.300] và yêu cầu
trước khi tác chiến "phải ăn ngon chút đỉnh, bánh mì thì bánh mì trắng, trứng
thì phải trứng tráng, đàn ông đi đánh giặc phải ăn bụng no căng”[ 22, tr 303].
Điều lệnh nghiêm cấm trong quân đội của ông không phải là trật tự đội hình,
40
đội ngũ, hay quân lệnh như sơn, hoặc những kế hoạch tác chiến mà điều lệnh
chỉ ở những niềm tin hoang đường. Ông cho lập đàn thần cầu cứu các vị thần
trong truyền thuyết và trong lịch sử, trong dân gian như Nhạc Phi, Tôn Ngộ
Không, Trư Bát Giới... về phù hộ nghĩa quân. Tất cả nghĩa quân không chỉ
cầu cứu những vị anh hùng trong truyền thuyết mà những người học Nghĩa
Hòa Quyền họ sẽ được uống một loại bùa, có phép màu thần kì sẽ tránh được
đạn. Thông thường khi đối diện với quân giặc binh sĩ phải trang bị bằng áo
giáp sắt để chống gươm, tránh đạn còn Tôn Bính thì mặc áo bào trắng, đầu
đội mũ ngân khôi, trên mũ gắn hai chiếc lông chim dùng cho diễn kịch, tay
cầm gậy gỗ táo. Đó không phải là hình ảnh của một chủ soái chỉ huy chiến
trận, hình ảnh chủ soái Tôn Bính mang tính chất khôi hài giống như một kép
hát trên sân khấu, ông cỡi con ngựa màu táo chín, hai chân sau của ngựa bị
trụi một vệt lông vì dây kéo miết vào, chỗ da trụi có màu đen. Cặp mông gầy
giơ xương bám nhoe nhoét phân lỏng... Đây là con ngựa kéo cày chở phân ra
đồng, con ngựa già chốc chốc lại ỉa phân lỏng... nay trở thành ngựa chiến của
Nhạc nguyên soái. Cuộc khởi nghĩa hết sức buồn cười của vị Nhạc nguyên
soái với sự chuẩn bị cho cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, chưa ra
trận đã thấy được sự thất bại. Hình ảnh chủ soái Tôn Bính giống hiệp sĩ
Donkihote với áo giáp, khiên, mũ… của ông tổ bốn đời để lại, ngồi trên con
ngựa gầy còm trên đường làm hiệp sĩ giang hồ phò nguy cứu khổ cho thiên
hạ.
Khi đánh nhau trực diện với quân thù đội quân của Tôn Bính giống như
mấy trò lăng nhăng quen thuộc trên sân khấu ở nông thôn. Đánh với quan
huyện Tiền Đinh ông dùng "máu chó đổ đầy đầu, đầy mặt từ phía sau, tiếp
theo là phân người" [22, tr.438] làm cho quan huyện một phen kinh tởm. Kĩ
thuật đánh giặc của Tôn Bính giống như những trò chơi đánh trận của trẻ con.
Khi gặp Caclot trao trả con tin "Tôn Bính vẫn mặc trang phục sân khấu rách
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY

Contenu connexe

Tendances

Tendances (20)

Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
 
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết ThiệnSự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn KhảiLuận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOTLuận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAYYếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
 
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt NamLuận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
 

Similaire à Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY

Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tốTh s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
https://www.facebook.com/garmentspace
 
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
Thế Giới Tinh Hoa
 
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấnTh s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
https://www.facebook.com/garmentspace
 

Similaire à Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY (20)

Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
 
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tốTh s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
 
Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu, HAY
Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu, HAYLuận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu, HAY
Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu, HAY
 
Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu của Trương Hiền L...
Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu của Trương Hiền L...Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu của Trương Hiền L...
Luận văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Một tỷ sáu của Trương Hiền L...
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần DầnLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
 
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Luận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAYLuận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAY
 
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy NghĩaLuận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
 
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAY
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAYLuận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAY
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAY
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
So sánh hình tượng người anh hùng trong sử thi Êđê và sử thi Mnông.pdf
So sánh hình tượng người anh hùng trong sử thi Êđê và sử thi Mnông.pdfSo sánh hình tượng người anh hùng trong sử thi Êđê và sử thi Mnông.pdf
So sánh hình tượng người anh hùng trong sử thi Êđê và sử thi Mnông.pdf
 
Luận văn: Nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong sáng tác văn học Việt Nam
Luận văn: Nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong sáng tác văn học Việt NamLuận văn: Nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong sáng tác văn học Việt Nam
Luận văn: Nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong sáng tác văn học Việt Nam
 
BÀI MẪU Khóa luận văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
 
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía BắcLuận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
 
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn QuốcLuận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt NamKhoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
 
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấnTh s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Dernier

SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 

Dernier (20)

3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 

Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ______________________ Trần Văn Tuân LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH __________________ Trần Văn Tuân Chuyên ngành : Văn học nước ngoài Mã số : 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. Đinh Phan Cẩm Vân Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả trình bày trong luận văn là trung thực. Trần Văn Tuân
  • 4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn này, tôi xin gởi lời cảm ơn đến: - Tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân, người trực tiếp và tận tình hướng dẫn khoa học cho tôi. - PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp người đã gợi ý cho tôi tìm đề tài luận văn. - Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Khoa Ngữ văn, Phòng Sau Đại học và thư viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành luận văn này. - Gia đình, bạn bè đã ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình làm luận văn. Xin chân thành cảm ơn! Tác giả luận văn Trần Văn Tuân
  • 5. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1. VĂN HÓA DÂN GIAN - NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN.............................................................................. 14 1.1. Khái niệm văn hóa dân gian.................................................................. 14 1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết............................. 17 1.3. Quê hương Cao Mật với hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn............... 24 1.3.1. Tình yêu đối với quê hương............................................................ 24 1.3.2. Quan niệm tiểu thuyết của Mạc Ngôn............................................ 25 Tiểu kết......................................................................................................... 27 Chương 2. VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI THẾ GIỚI NHÂN VẬT VÀ NGÔN NGỮ ĐÀN HƯƠNG HÌNH.......................................... 28 2.1. Nhân vật Tôn Bính................................................................................ 28 2.1.1. Tôn Bính với làn điệu Miêu Xoang................................................ 30 2.1.2. Tôn Bính và cuộc khởi nghĩa đậm màu sắc dân gian.................... 37 2.2. Nhân vật Tôn Mi Nương....................................................................... 43 2.2.1. Tôn Mi Nương với Miêu Xoang..................................................... 43 2.2.2. Tôn Mi Nương sự phá vỡ văn hóa truyền thống ............................ 45 2.2.2.1. Tôn Mi Nương với “đôi chân bàn cuốc”.................................. 45 2.2.2.2. Tôn Mi Nương với tình yêu vượt lễ giáo ................................. 50 2.3. Miêu Xoang ở ngôn ngữ dân gian ........................................................ 55 2.3.1. Khẩu ngữ......................................................................................... 56 2.3.2. Từ ngữ thô tục................................................................................. 57
  • 6. 2.2.3. Miêu Xoang và giọng mèo.............................................................. 59 Tiểu kết......................................................................................................... 60 Chương 3. VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT ĐÀN HƯƠNG HÌNH.................................................................. 61 3.1. Không gian Miêu Xoang trong Đàn hương hình.................................. 61 3.1.1. Miêu Xoang với không gian đường phố......................................... 62 3.1.2. Miêu Xoang với không gian pháp trường....................................... 65 3.2. Miêu Xoang với kết cấu Đàn hương hình............................................. 70 3.2. 1. Kết cấu đối lập về âm thanh .......................................................... 73 3.2.2. Kết cấu đứt – nối và đảo lộn sự kiện .............................................. 77 3.3. Yếu tố Kỳ - Mỹ trong hình phạt Đàn hương hình ................................ 84 3.3.1. Hình phạt trong Đàn hương hình.................................................... 84 3.3.2. Đàn hương hình sự Kì – Mỹ của hình phạt. ................................... 87 Tiểu kết....................................................................................................... 101 KẾT LUẬN .................................................................................................. 102 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 104
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Trung Quốc là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại. Những thành tựu rực rỡ của nền văn minh ấy được kết tinh từ khoa học kĩ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, triết học, tôn giáo, văn học... hết sức phong phú, đa dạng và đặc sắc. Về lĩnh vực văn học, trong giai đoạn lịch sử xã hội nào thì Trung Quốc cũng đạt nhiều thành tựu rực rỡ: Sở có Tao (Ly tao), Hán có Phú, Đường có Thơ, Tống có Từ, Nguyên có Khúc, Minh - Thanh có Tiểu thuyết. Nếu xét về thơ ca, có thể khẳng định cho đến nay chưa có một nền thơ ca nào vượt qua thơ Đường, sự đồ sộ về số lượng và đặc sắc về nội dung nghệ thuật. Còn về thể loại tiểu thuyết, thời Minh - Thanh đã để lại những bộ tiểu thuyết nổi tiếng như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị... Trong nhiều năm trở lại đây, với chính sách cải cách mở cửa về kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Nhiều nhà văn Trung Quốc được đông đảo bạn đọc thế giới và Việt Nam biết đến như: Mao Thuẫn, Ba Kim, Giả Bình Ao, Vương Mông, Quỳnh Dao, Cao Hành Kiện, Phùng Kí Tài, Kim Dung, Trương Hiền Lượng, Mạc Ngôn, Vệ Tuệ... Nền văn học Trung Quốc đương đại có một diện mạo mới, với những bước đột phá và cách tân về thi pháp và thể loại. Nhà văn Mạc Ngôn được coi là một trong những đại diện tiêu biểu của nền văn học Trung Quốc đương đại. Sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố văn hóa dân gian truyền thống với phương pháp sáng tác hiện đại. Tác phẩm của ông thực sự đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả trong cũng như ngoài nước. Theo Annie Wang: “Mạc Ngôn được coi như một ứng cử viên tiềm năng của giải Nobel trong con mắt cả giới lãnh đạo Bắc Kinh lẫn các tác giả
  • 8. 2 như Kenzaberô Oe”. [1, tr.114]. Ngày 11 - 10 – 2012 vinh dự lớn nhất cuộc đời sáng tác, Mạc Ngôn được nhận giải Nobel Văn học 2012. Trong sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, tiểu thuyết Đàn hương hình là tác phẩm tiêu biểu cho sự đổi mới của nhà văn trên phương diện thi pháp tiểu thuyết và những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật sáng tác được tập trung thể hiện ở cuốn tiểu thuyết này. Đàn hương hình là câu chuyện diễn ra tại vùng Đông Bắc - Cao Mật vào năm 1900 vào cuối thời kì nhà Thanh. Tác phẩm kể lại cuộc đấu tranh mang tính tự phát của người dân vùng Đông Bắc - Cao Mật chống lại quân Đức, khi chúng tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Giao Tế chạy qua thôn Cao Mật. Tôn Bính là nhân vật trung tâm được xây dựng dựa trên nguyên mẫu một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng theo Mạc Ngôn, trong tiểu thuyết, Tôn Bính đã được nâng lên rất nhiều. Ông được xây dựng thành một nhân vật anh hùng chẳng kém gì Lý Tư Thành. Tác phẩm lấy bối cảnh thời kì Mãn Thanh, câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp ở vùng Đông Bắc - Cao Mật với quan hệ giữa ba gia đình Tôn Bính, Triệu Giáp và vị quan huyện Tiền Đinh. Đặc biệt là nàng Mi Nương con gái Tôn Bính vợ Triệu Tiểu Giáp, anh chàng đồ tể bất lực chuyện chăn gối, nàng còn là dâu Triệu Giáp, lại là người tình quan huyện Tiền Đinh. Trớ trêu nhất là khi người Đức xây tuyến đường sắt Giao Tế đi qua Cao Mật, làm đứt long mạch ảnh hưởng đến phong thủy và cuộc sống của nhân dân. Tôn Bính đứng lên chống Đức, tri huyện Tiền Đinh bắt sống ông, giao cho Triệu Giáp xử tử Đàn hương hình. Nàng Tôn Mi Nương đứng ở trung tâm mối quan hệ, cha ruột bị bắt chờ hành xử, cha chồng là người đứng ra hành hình, người tình lại là kẻ bắt cha ruột. Đặc biệt hơn, câu chuyện xoay quanh quan hệ tình yêu vụng trộm mà cháy bỏng của Mi Nương và quan huyện, cùng với cuộc hành hình man rợ của Triệu Giáp dành cho Tôn Bính. Nhưng Đàn hương hình đã đặt ra những vấn đề lớn không chỉ ở thôn Đông Bắc - Cao Mật mà còn của cả lịch sử phát
  • 9. 3 triển đất nước Trung Hoa. Đó là mâu thuẫn gay gắt giữa chính nghĩa là những người dân đứng lên chống lại quân xâm lược và phi nghĩa là kẻ đi xâm lược và bọn tay sai bán nước. Cuộc đấu tranh của Tôn Bính, xét theo quan điểm hiện đại là hành động ngu muội, không chịu tiếp nhận cái mới, nhưng nó đã phản ánh được thái độ phản ứng của nhân dân Trung Quốc trước quân xâm lược. Thông qua đó, Mạc Ngôn đã chỉ ra sự vận động trong ý thức hệ của người dân Cao Mật nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung. Một vấn đề khác được Mạc Ngôn đề cập đến trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa văn hóa hiện đại và truyền thống. Vấn đề này không chỉ tồn tại khi đó, mà cho đến nay, nó vẫn là vấn đề đáng được quan tâm. Trong tác phẩm, để thể hiện vấn đề này, Mạc Ngôn đã đưa ra hai hệ thống âm thanh tồn tại song song với nhau. Đó là âm thanh của tuyến đường sắt Giao Tế đại diện cho sự xuất hiện của yếu tố hiện đại. Đối nghịch với âm thanh đường sắt là làn điệu Miêu Xoang lại vang lên tiêu biểu cho nền văn hóa dân gian truyền thống, lâu đời. Hai loại âm thanh này đã trở thành nỗi ám ảnh trong từng trang viết của Mạc Ngôn. Cũng theo Mạc Ngôn, việc xây dựng kết cấu truyện theo kiểu chương mở đầu phải đẹp như đầu chim phượng hoàng, phần kết thúc phải mạnh mẽ, có sức thuyết phục như đuôi con báo, phần giữa phải phình to ra và nhiều mỡ như bụng của con lợn, (Đầu phụng - Bụng heo - Đuôi beo) không nằm ngoài ý muốn tôn vinh giá trị nền văn hóa dân gian. Ở đây, nền văn hóa dân gian là loại hình hí kịch Miêu Xoang, một loại hình nghệ thuật của người dân Đông Bắc - Cao Mật. Với tư cách là một trong những tác phẩm mới của Mạc Ngôn, tiểu thuyết Đàn hương hình rất có thể sẽ trở thành cột mốc quan trọng đánh dấu sự quay trở về với văn hóa truyền thống, với nghệ thuật và phong tục dân gian trong sáng tác của Mạc Ngôn. Sức cuốn hút của nền văn hóa truyền thống lâu đời và sự phát triển rực rỡ từ cổ đến kim của nền văn học Trung Quốc đã làm say mê không biết bao
  • 10. 4 nhiêu thế hệ độc giả. Sự ảnh hưởng của nền văn học này không chỉ ở các thời đại trước mà ngày hôm nay, văn học Trung Quốc vẫn tỏa hương thơm ngát đến các nền văn học khác trong khu vực. Ngoài sức cuốn hút về thành tựu thì văn học Trung Quốc là một trong những nền văn học lớn trên thế giới được đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam từ cấp trung học phổ thông đến bậc đại học và sau đại học. Với bản thân là người làm công tác giảng dạy nên việc nghiên cứu tác giả Mạc Ngôn nhằm mục đích làm thỏa mãn sự đam mê của bản thân và phục vụ cho công tác chuyên môn. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình để nghiên cứu. 2. Lịch sử vấn đề Về lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Mạc Ngôn, đã có rất công trình nghiên cứu như các bài báo, các bài tham luận về tác phẩm của ông. Ở đây, chúng tôi xin tổng hợp những bài nghiên cứu và chia lịch sử nghiên cứu về tác giả Mạc Ngôn thành hai nhóm vấn đề lớn như sau: 2.1. Những công trình nghiên cứu Mạc Ngôn ở Việt Nam Trong hàng chục cuốn tiểu thuyết Mạc Ngôn đã viết, ba cuốn tiểu thuyết có tiếng vang và gây xôn xao dư luận nhất. Đó là Cao lương đỏ, Báu vật của đời và Đàn hương hình. Tác phẩm Cao lương đỏ được giải thưởng toàn quốc năm 1985- 1986, người ta vẫn thích Cao lương đỏ vì tác phẩm viết hơi nặng về cái xấu của người Trung Quốc, mãi đến khi nó được đưa lên màn ảnh và được giải “Cành cọ vàng” tại liên hoan phim Canne năm 1994 thì dư luận mới tạm lắng xuống. Tiểu thuyết Báu vật của đời có nhiều người không thích vì nó hơi dung tục, đến Đàn hương hình bên cạnh người khen thì không ít kẻ chê. Đàn hương hình in năm 2001, song chỉ sau 4 tháng đã được tái bản với số lượng trên 1000 cuốn. Trong tình hình thị trường sách hiện nay, Đàn hương hình trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong lĩnh vực xuất bản và phát hành. Đàn hương hình ở Việt Nam cũng được nhiều nhà văn hoan
  • 11. 5 nghênh. Theo thời gian, những bài viết, những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Mạc Ngôn ngày càng phong phú và đa dạng. Lịch sử tìm hiểu tiểu thuyết Mạc Ngôn dần dần có bề dày và tất nhiên chưa có dấu hiệu dừng lại. Sẽ có những hướng nghiên cứu được mở rộng từ một hay một vài khía cạnh đến tổng thể thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhưng dù được tiếp cận theo hướng nào, hầu hết những nghiên cứu đó đều chạm đến “văn hóa dân gian” vì gần như mọi phương diện nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn đều thấm đẫm tính dân gian. Lịch sử nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn vì vậy, có thể nói, gắn liền và song hành với lịch sử nghiên cứu Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông. Tác giả Nguyễn Khắc Phê với bài viết "Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết Báu vật của đời và Đàn Hương hình" (Tạp chí Sông Hương số 166 năm 2002), đã nhấn mạnh đến khả năng bao quát hiện thực lịch sử rộng lớn và nêu lên vấn đề xung đột văn hóa Đông – Tây, trong Đàn hương hình ông quan tâm đến đối chọi Đông - Tây, sẽ nhận ra từ hai loại âm thanh quyện vào tuổi ấu thơ của tác giả (tiếng xe lửa và làn điệu Miêu Xoang). Âm thanh đường sắt là làn sóng văn minh phương Tây đang đe dọa và bóp chết văn hóa dân tộc. Chuyện cũ mà ý nghĩa vẫn rất "thời sự". Ngoài sự đối nghịch giữa văn hóa Đông - Tây thì trong Đàn hương hình nhà văn đã dùng phương pháp "lạ hóa" và "huyền thoại hóa" để cường điệu và phóng đại những cuộc hành hình như: tùng xẻo năm trăm miếng thịt, mà đặc biệt nhất là cảnh tử hình bằng cọc đàn hương, đâm từ hậu môn lên miệng để cho phạm nhân đau khổ cùng cực nhưng không thể chết. Bài viết đã có chú tâm đến vấn đề văn hóa dân gian nhưng chỉ giới hạn ở phạm vi nhỏ như ngôn ngữ, và những yếu tố dân gian trong hai tác phẩm. Nhưng vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình vẫn chưa được khám phá trọn vẹn.
  • 12. 6 Hai bài nghiên cứu có phần toàn diện đầu tiên về tiểu thuyết Mạc Ngôn là “Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn” (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4, năm 2003) và "Mạc Ngôn và tiểu thuyết Đàn hương hình" (Tạp chí Sông Hương số 166 năm 2002). Ở hai bài viết này, giáo sư Lê Huy Tiêu đã phân tích những đặc trưng của thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn như: phép lạ hóa, nghệ thuật tự sự... Ngoài ra ở hai bài viết tác giả cũng đã đề cập về ngôn ngữ dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn đượm mùi dân dã, chen nhiều ca dao thành ngữ, lời văn có nhiều lời hay ý đẹp, có thanh có tục. Song trong giới hạn của bài nghiên cứu có tính khái quát về những đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, những biểu hiện cụ thể của vấn đề văn hóa dân gian vẫn còn nhiều vấn đề tác giả chưa bàn đến. Nguyễn Thị Minh Quân trong luận văn thạc sỹ Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn (Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2006), ngoài các vấn đề lớn mà tác giả đã phân tích như: người tự sự, không gian tự sự, thời gian tự sự... luận văn còn phân tích làn điệu dân gian Miêu Xoang đặc trưng của tác phẩm như giọng “mèo” được sử dựng phổ biến trong tác phẩm và Miêu Xoang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Cao Mật. Người đọc thực sự cuốn hút khi trực tiếp nghe làn điệu Miêu Xoang. Nhưng ở giới hạn và phạm vi nghiên cứu của đề tài thì người viết không đi sâu phân tích biểu hiện cụ thể của văn hóa dân gian trong tác phẩm. Luận văn thạc sỹ Người kể chuyện trong tiểu thuyết Mạc Ngôn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010) Bùi Thị Thanh Hương cho rằng ngôi kể chuyện và điểm nhìn là một trong những thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Ngoài ra còn có giọng điệu kể chuyện như: giọng điệu dân dã, hài hước, dung tục, khoa trương, hoài nghi, bi phẫn... đây là vấn đề tác giả đã cụ thể hóa ngôn ngữ dân gian một
  • 13. 7 khía cạnh của văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhưng tác giả chỉ mới khái quát chung về ngôn ngữ dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nói chung còn vấn đề cụ thể hóa trong tiểu thuyết Đàn hương hình tác giả vẫn còn để ngỏ. Luận văn thạc sỹ Tiểu thuyết Mạc Ngôn dưới góc nhìn văn hóa (Đại học Sư phạm Huế năm 2011) Phan Thị Thanh Tâm đã làm sáng rõ những nội hàm của văn hóa truyền thống và hiện đại cũng như xung quanh những xung đột giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Đông - Tây trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nói chung và trong tiểu thuyết Đàn hương hình nói riêng. Tuy nhiên ở luận văn này người viết chỉ phân tích dưới góc độ văn hóa nói chung, tác giả chưa đi vào vấn đề cụ thể của văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Luận văn thạc sỹ Cái kì trong tiểu thuyết Mạc Ngôn (Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2012) của Võ Nguyễn Bích Duyên cho rằng sức hấp dẫn của tiểu thuyết Mạc Ngôn là do những hình tượng nghệ thuật đậm chất kì như: kì nhân, kì cảnh, kì tài và những con người kì lạ, không gian kì lạ, âm thanh kì lạ, mùi vị, sắc màu kì lạ và biết bao câu chuyện chỉ có thể sinh ra từ sự hư cấu, phóng đại của nhà văn. Cùng với cách viết hiện đại một mặt Mạc Ngôn chịu ảnh hưởng của cách kể chuyện của những người dân quê ông, miệng lưỡi của dân gian. Luận văn này chỉ giải quyết vấn đề cái kì nên yếu tố dân gian chưa được tác giả thật sự chú ý khai thác. Nhìn chung tất cả những công trình khoa học ở trong nước chúng tôi đã điểm qua, ít hoặc nhiều người viết có bàn đến văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhưng ở biểu hiện cụ thể hóa vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình thì chưa tác giả nào bàn đến. Vì vậy luận văn của chúng tôi sẽ cụ thể hóa vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn.
  • 14. 8 2.2. Những công trình nghiên cứu Mạc Ngôn ở Trung Quốc Những bài trả lời phỏng vấn được Lâm Kiến Phát và Vương Nghiên tập hợp trong Mạc Ngôn và những lời tự bạch (Nhà xuất bản Văn học Hà Nội năm 2004) do Nguyễn Thị Thại dịch, đã tập hợp những bài phát biểu, bài diễn thuyết của Mạc Ngôn và những cuộc trả lời phỏng vấn trong và ngoài nước như bài nói chuyện Diễn đàn của các nhà văn tại trường Đại học Tô Châu về vấn đề "Thử bàn về nguồn tư liệu dân gian của sáng tác văn học" Mạc Ngôn đã khẳng định "Cái gọi là sáng tác dân gian, vấn đề cuối cùng là tâm lí sáng tác của nhà văn [...] đó là anh viết cho bà con dân thường hay anh là một dân thường để viết, vì vậy nhà văn phải sáng tác từ vị trí của người dân' [41, tr 29]. Ngoài ra còn có các bài phát biểu "Vì sao tôi lại viết Gia tộc cao lương đỏ", bài nói chuyện ở Trường Đại học Stan - phooc Mỹ, đã bàn về vấn đề "Đói khát và cô đơn là tài sản sáng tác của tôi", bài nói chuyện ở Trường Đại học Colompia, Mỹ "Về Báu vật của đời của tôi" hay bài diễn thuyết ở thư viện Đài Bắc về vấn đề "Tôi và tư trào văn học chủ nghĩa lịch sử".... Nhìn chung những bài nói chuyện, những bài phát biểu, đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin bổ ích về động cơ, quan điểm, lập trường sáng tác của nhà văn Mạc Ngôn. Cũng như việc đề cập đến những ảnh hưởng của William Faulkner, Gunter Grass, Garcia Marquer đến Mạc Ngôn về đề tài, hiện thực lịch sử, khuynh hướng sử thi, lịch sử hay phong cách dân gian trong sáng tác của ông. Bên cạnh những nghiên cứu có tính chất tổng hợp, khái quát còn có nhiều bài viết tìm hiểu một số tác phẩm tiêu biểu của Mạc Ngôn như bài trả lời phỏng vấn với Trương Huệ Mẫn "Cái gì nâng đỡ Đàn hương hình" Có thể thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều bài viết, công trình nghiên cứu tác giả và tác phẩm Mạc Ngôn đã chứng minh sức thu hút cũng như vai trò, vị trí của Mạc Ngôn trên văn đàn Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, do điều kiện và khả
  • 15. 9 năng hạn chế, người viết chưa tiếp xúc được trực tiếp với các bài viết, công trình này. Ngoài ra, trên các trang web tiếng Anh cũng có nhiều bài viết đề cập đến Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên những bài viết này chỉ mang tính chất giới thiệu khái quát về con người, sự nghiệp cũng như một số tác phẩm của Mạc Ngôn đã được xuất bản ở các nước phương Tây. Tóm lại, các công trình nghiên cứu nói trên đều có đề cập đến nội hàm văn hóa và văn hóa dân gian, song chỉ mới dừng lại trên một số phương diện nhất định của văn hóa, và vấn đề “văn hóa dân gian”. Tuy nhiên trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn văn hóa dân gian là một trong những vấn đề trọng tâm xuyên suốt tác phẩm. Vì vậy nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Đàn hương hình, chúng tôi hi vọng sẽ bổ sung thêm một phần nhỏ vào lịch sử nghiên cứu tác giả, vẫn đang còn để ngỏ. Đặc biệt là những biểu hiện cụ thể của “văn hóa dân gian” trong tác phẩm này và hàng loạt tiểu thuyết của ông cùng các tiểu thuyết gia Trung Quốc đương đại. 3. Đối tượng nghiên cứu Chúng tôi chủ yếu tập trung nghiên cứu biểu hiện “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, biểu hiện ở làn điệu Miêu Xoang, trong xây dựng hình tượng nhân vật, với những phong tục tập quán, ngôn ngữ dân gian, đến nghệ thuật hành hình... Để việc nghiên cứu có thể được tiến hành trên một cơ sở lý thuyết ổn định và rõ ràng, chúng tôi cũng sẽ đi vào giới thuyết nội hàm khái niệm “văn hóa dân gian” và mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học. Đồng thời, chứng minh rằng “văn hóa dân gian” là một trong những yếu tố truyền thống trong văn học Trung Hoa, và trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, đặc biệt là tiểu thuyết Đàn hương hình sẽ giúp ích chúng ta trong việc đánh giá “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn như một yếu tố quan
  • 16. 10 trọng thể hiện sự kế thừa, tiếp nối và sáng tạo của Mạc Ngôn đối với văn học dân tộc. 4. Phạm vi nghiên cứu Chúng tôi tiến hành nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong phạm vi tiểu thuyết “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu chúng tôi sẽ tham khảo những sáng tác ở các thể loại khác như truyện dài, truyện ngắn, tản văn, những bài trả lời phỏng vấn hay bài nói chuyện của Mạc Ngôn với độc giả… đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như: 1. Đàn hương hình (2002), Trần Đình Hiến dịch, NXB Phụ nữ 2. Cao lương đỏ (2003), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn học 3. Báu vật của đời (2001), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn nghệ 4. Rừng xanh lá đỏ (2003), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn học 5. Tửu quốc (2004), Trần Đình Hiến dịch, NXB Hội Nhà văn 6. Tổ tiên có màng chân (2006), Thanh Huệ, Bùi Việt Dương dịch, NXB Văn học 7. Sống đọa thác đày (2007), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Phụ nữ 8. Tứ thập nhất pháo (2007), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn nghệ Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo thêm một số truyện vừa của Mạc Ngôn như: Châu Chấu đỏ, Trâu thiến, Ma chiến hữu, Con đường nước mắt... 5. Phương pháp nghiên cứu Để tìm hiểu vấn đề "văn hóa dân gian " trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: 5.1. Phương pháp tiểu sử Phương pháp tiểu sử là phương pháp tìm hiểu và nghiên cứu tiểu sử nhà văn để lý giải tác phẩm văn học. Các sáng tác của Mạc Ngôn thường chịu sự chi phối và ảnh hưởng của những trải nghiệm thời tuổi trẻ với những khó
  • 17. 11 khăn của cuộc sống. Do vậy, việc sử dụng phương pháp này vào nghiên cứu tiểu thuyết Mạc Ngôn, dưới góc độ nó là sản phẩm của một thời tăm tối, đáng sợ với sự đeo bám của cái đói, cái rét và sự vây bọc của nỗi cô đơn đối với tác giả. 5.2. Phương pháp so sánh Phương pháp so sánh là hiểu một sự vật thông qua các sự vật khác, ngoài ra nó là sự so sánh đối chiếu những sự vật, hiện tượng, hình tượng nghệ thuật mà nhà văn sử dụng trong tiểu thuyết Đàn hương hình với các phẩm khác của ông cũng như các nhà văn khác và các nền văn học khác nhau, các thời kì khác nhau. 5.3. Phương pháp lịch sử - xã hội học Ưu điểm của phương pháp này là nó đặt hiện tượng văn học vào bối cảnh xã hội để nghiên cứu, tránh cho chúng ta khỏi sa vào lối nghiên cứu siêu hình, xa rời thực tiễn. Tiểu thuyết Mạc Ngôn chủ yếu xoay quanh hai đề tài: thế sự và lịch sử. Tách rời bối cảnh xã hội, chúng ta sẽ không có được những lý giải xác đáng, mặc dù tiểu thuyết của ông là sản phẩm của hư cấu và tưởng tượng, nhưng chúng một mặt là sự biến dạng của những hiện tượng, sự kiện có thực; mặt khác, "văn hóa dân gian" như là một phương thức phản ánh hiện thực của Mạc Ngôn. Do vậy, nắm bắt bối cảnh xã hội, lịch sử sẽ góp phần nhận ra những biểu hiện cũng như giá trị nghệ thuật của "văn hóa dân gian" trong tiểu thuyết của ông. 5.4. Phương pháp liên ngành Chúng tôi sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu luận văn nhằm vận dụng các quan điểm và thành tựu văn hóa nói chung, đặc biệt là văn hóa dân gian để tìm hiểu, lí giải tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn trên một số phương diện như các loại hình nghệ thuật dân gian Miêu Xoang, phong tục tập quán, ngôn ngữ dân gian và nghệ thuật hành hình.
  • 18. 12 5.5. Phương pháp phân tích tổng hợp Trong quá trình thực hiện luận văn chúng tôi sẽ tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản, từ đó sẽ phân tích đưa ra những luận điểm tổng hợp khái quát, của luận văn về vấn đề văn hóa dân gian trong đời sống xã hội và trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn. Tất cả các phương pháp nghiên cứu đã nêu, người viết sẽ vận dụng linh hoạt trong quá trình nghiên cứu, để có một cái nhìn toàn diện, khách quan khi đánh giá vấn đề, chúng tôi còn phối hợp sử dụng các phương pháp khác nhau như: đối chiếu, thống kê... để làm rõ vấn đề văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn. 6. Đóng góp của luận văn Nghiên cứu “văn hóa dân gian” trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn, chúng tôi hi vọng sẽ chỉ ra những đặc sắc của dấu ấn văn hóa dân gian với làn điệu Miêu Xoang, cùng với nghệ thuật hành hình man rợ trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn trên cơ sở mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết, khẳng định một số nét phong cách cơ bản của nhà văn cùng với sự đóng góp của ông cho nền văn học đương đại Trung Quốc. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, cấu trúc luận văn gồm có 3 chương. Chương 1. Văn hóa dân gian – vấn đề lí luận và thực tiễn. Chúng tôi sẽ làm rõ nội hàm khái niệm văn hóa dân gian và mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết, cũng như tình yêu quê hương và quan niệm tiểu thuyết của Mạc Ngôn
  • 19. 13 Chương 2. Văn hóa dân gian với thế giới nhân vật và ngôn ngữ trong Đàn hương hình. Chương này chúng tôi phân tích ảnh hưởng của Miêu Xoang đối với thế giới nhân vật và ngôn ngữ Miêu Xoang trong tác phẩm. Chương 3. Văn hóa dân gian với thế giới nghệ thuật Đàn hương hình. Chúng tôi làm rõ Miêu Xoang với không gian nghệ thuật, Miêu Xoang với kết cấu tác phẩm và nghệ thuật hành hình.
  • 20. 14 Chương 1. VĂN HÓA DÂN GIAN - NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Khái niệm văn hóa dân gian Trong một vài thập kỉ gần đây, văn hóa đã trở thành một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, văn hóa gắn bó khăng khít với sự phát triển của lịch sử xã hội của từng quốc gia, từng dân tộc. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, lòng nhân ái, khoan dung và xây dựng lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, mỗi người sẽ kế thừa, chọn lọc những tinh hoa văn hóa dân gian dung hòa với văn hóa đương đại. Thế nhưng để có khái niệm cụ thể về văn hóa và văn hóa dân gian là việc làm không hề dễ. Vì vậy chúng tôi sẽ hệ thống lại những định nghĩa về văn hóa và văn hóa dân gian nhằm làm rõ nội hàm khái niệm. Có thể nói văn hóa là cái liên quan gắn bó với mọi người, mọi cộng đồng quốc gia, mọi dân tộc, nhưng vấn đề này có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Sau khi liên Hiệp Quốc phát động phong trào “Thập kỉ quốc tế phát triển văn hóa” (1987 – 1997) được toàn thế giới hưởng ứng, những vấn đề về văn hóa lại càng được nghiên cứu tìm hiểu một cách sâu rộng hơn. Người ta đã thấy rằng văn hóa là người bạn đồng hành của toàn nhân loại và giờ đây văn hóa đã trở thành nền tảng, động lực, mục tiêu phát triển an toàn của mọi quốc gia dân tộc trên toàn thế giới. Nguồn gốc của chữ “văn hóa” có từ thời Tây Hán và tác giả Lưu Hướng (năm 77 – 6 trước công nguyên) cho rằng: “việc trị thiên hạ của thánh nhân, trước là văn đức, sau là vũ lực. Phàm dùng vũ lực, lại không phục, văn hóa không thay đổi, thì sau đó xử chém” [63,tr.18]. Ý nghĩa của từ “văn hóa” thời
  • 21. 15 cổ đại là chỉ văn trị giáo hóa, tức là điều chỉnh và cảm hóa luân lý, đạo đức, hình thành chế độ điển chương, lễ nhạc đối với con người. Sự giải thích về từ văn hóa như vậy kéo dài đến thời cận đại. Tuy nhiên, ngày nay nghĩa của từ văn hóa mà chúng ta thường dùng, đương nhiên khác với thời cổ đại. Nó được du nhập từ phương Tây, dịch lại thông qua tiếng Tiếng Anh, tiếng Pháp, từ này đều viết là “culture”, tiếng Đức viết là “kulture”, chúng đều bắt nguồn từ tiếng Latinh“cultura”. Tiếng Latinh “cultura” vốn có nghĩa là canh tác, nghĩa mở rộng sau này là cư trú, luyện tập, lưu tâm hoặc chú ý, kính thần, v.v... hiện nay các loại ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức còn giữ một số hàm nghĩa đó của tiếng Latinh. Văn hóa là một từ Việt gốc Hán, theo những cứ liệu xa xưa nhất của Trung Quốc thì văn có nghĩa là đẹp (cái đẹp, vẻ đẹp) và hóa có nghĩa là làm thay đổi, làm cho trở nên đẹp, tốt, hoàn thiện. Theo chúng tôi văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, có từ thuở bình minh của xã hội loài người, sự tồn tại và phát triển lâu dài cùng với lịch sử là một phạm trù lịch sử xã hội, là hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người. Nó là sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo bởi hoạt động thực tiễn của con người. Văn hóa là một tiêu chí quan trọng của sự phát triển lịch sử loài người. Văn hóa dân gian là cội nguồn của mọi nền văn hóa trên thế giới là cơ sở rất quan trọng của văn hóa dân tộc, chi phối đời sống con người mọi phương diện. Do vậy không thể hiểu được bản sắc của một dân tộc nếu như không hiểu văn hóa dân gian của dân tộc đó. Thuật ngữ "dân gian" có thể hiểu như sau: Chữ gian có ba nghĩa khác nhau, chữ gian thứ nhất là dối trá (trong gian tà), chữ gian thứ 2 là vất vả (trong chữ gian nan), còn chữ gian thứ 3 trong dân gian nghĩa là cái khoảng, cái khu rộng lớn, cái vùng. Không gian là một hay tất cả khoảng trời đất bao
  • 22. 16 la. Trung gian là cái khoảng chính giữa, và dân gian là trong khu vực trong địa hạt của dân. Văn hóa dân gian được thể hiện ở mọi lĩnh vực, mọi không gian mọi thời điểm. Có cuộc sống, có người dân, thì ở đó có văn hóa dân gian. Tìm hiểu văn hóa dân gian là tiếp cận với cuộc sống của dân tộc đó đi sâu vào cuộc sống của dân tộc đó, hiểu thế giới xã hội quanh và hiểu được chính ta. Để chỉ hiện tượng mà tiếng Việt gọi là văn hóa dân gian thì hiện nay trên thế giới và cả Việt Nam thường dùng thuật ngữ folklore (flok: dân chúng, nhân dân, lore: tri thức, trí khôn). Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà khoa học người Anh là Willam J.Thoms sử dụng trong một bài báo đăng trên tạp chí “The Athenneum” xuất bản ở Luân Đôn năm 1846. Ông là người đã đặt cột mốc đầu tiên cho việc xác định một đối tượng và con đường hình thành khoa học về đối tượng đó. Hơn một thế kỉ trôi qua, các nhà nghiên cứu, các trường phái khoa học ở nhiều nước vẫn chưa có quan niệm thống nhất về folklore và có rất nhiều tranh luận về vấn đề này. Thuật ngữ folklore ít dùng ở Việt Nam, nhưng lại phổ biến ở nhiều nước. Khi nhà nhân chủng học người Anh Willam J.Thoms đưa ra lần đầu tiên năm (1846) thì thuật ngữ này có nội dung rộng; đôi khi chỉ cả những di tích của nền văn hóa vật chất, nhưng chủ yếu là những di tích của nền văn hóa tinh thần của nhân dân như: phong tục, đạo đức, việc cúng tế, ca dao, truyện cổ tích, cách ngôn,... của các thời trước. Qua việc tổng kết lại các công trình trên, theo chúng tôi văn hóa dân gian (folklore) có trong mọi lĩnh vực đời sống và vẫn diễn ra sống động, có thể thâu nhận và tiêu hóa những yếu tố mới, trên đường đi của nó. Ở đây chúng tôi chỉ đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình ở làn điệu dân gian Miêu Xoang cùng văn hóa tàn khốc được nâng lên thành
  • 23. 17 nghệ thuật chém người. Đó chính là nghiên cứu sự tác động ảnh hưởng của văn hóa dân gian đến đời sống xã hội trong quá khứ cũng như đương thời. 1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết Văn học nghệ thuật cùng với triết học, chính trị, tôn giáo, đạo đức, tín ngưỡng, phong tục, tập quán,... là những bộ phận hợp thành của toàn thể cấu trúc văn hóa. Nếu văn hóa thể hiện những quan niệm, ứng xử của con người trong cuộc sống thì văn học sẽ là nơi lưu giữ những ứng xử, những quan niệm, những phong tục của cuộc sống rất sinh động. Văn hóa tác động đến văn học không chỉ ở đề tài, mà còn biểu hiện ở toàn bộ các hoạt động sáng tạo của nhà văn và cũng như sự tiếp nhận của người đọc. Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa mà còn chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa, là một trong những phương tiện bảo tồn văn hóa. Quan hệ giữa văn hóa và văn học không chỉ là mối quan hệ một chiều. Văn học chịu sự ảnh hưởng và chi phối của văn hóa, mối quan hệ này là mối quan hệ tương hỗ, mối quan hệ của hai hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng. Vì vậy khi nghiên cứu văn học, người ta có thể lấy tư liệu từ văn hóa và ngược lại. Văn hóa chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Sự sáng tạo của nhà văn luôn chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố trong đó có văn hóa. Những nhà văn tiên phong của dân tộc bao giờ cũng là những nhà văn hóa lớn. Bằng nghệ thuật ngôn từ, họ có thể cổ vũ hoặc phê phán những biểu hiện phản văn hóa, đồng thời họ có thể khẳng định hoặc ca ngợi những giá trị văn hóa dân tộc, của nhân dân khai phóng. Dù là phản ứng trước những làn sóng văn hóa tiêu cực hay cổ vũ cho sự tiếp biến văn hóa, giới sáng tác tinh hoa bao giờ cũng là người tiên phong mở ra hướng nhìn về vận hội mới của văn hóa dân tộc.
  • 24. 18 Giữa văn hóa và văn học có mối quan hệ mật thiết và hữu cơ nên việc tìm hiểu văn học dưới góc độ văn hóa là một hướng đi rất cần thiết và triển vọng. Cùng với những cách tiếp cận văn học bằng xã hội học, mỹ học, thi pháp học... thì cách tiếp cận văn học bằng văn hóa học sẽ giúp chúng ta lí giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật với hệ thống mã văn hóa được bao hàm bên trong nó. Những yếu tố văn hóa liên quan đến thiên nhiên, lịch sử, địa lí, văn hóa, xã hội, pháp luật, tôn giáo, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ... Có thể được vận dụng để cắt nghĩa những phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm. Theo Chu Lập Nguyên “Văn học là một phần của văn hóa, biết sử dụng cái nhìn văn hóa thích hợp thì sẽ hiểu văn học sâu hơn, cũng có thể mở rộng phương diện nghiên cứu” [21, tr 51]. Phương pháp nghiên cứu liên ngành cũng có ý nghĩa đối với lí luận văn học, lúc này lí luận văn học sẽ là bộ môn mở, bao dung nhiều thành phần. Nó sẽ coi trọng diễn ngôn, văn bản, phương diện truyền bá, văn học đại chúng. Việc chuyển hướng nghiên cứu văn hóa trong văn học đang mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tầm nhìn văn hóa. Có thể nói, định hướng nghiên cứu thi pháp văn hóa bao gồm thi pháp đối thoại và thi pháp carnaval kiểu M. Bakhtin hay nghiên cứu mẫu gốc huyền thoại kiểu Northrop Frye, nghiên cứu trần thuật lịch sử kiểu H. White, hay nghiên cứu mối quan hệ văn học với các truyền thống văn hóa, chẳng hạn như văn học với Nho học, Đạo học, Phật học, văn hóa với thi ca, văn hóa với tư duy tiểu thuyết… Đó là những cách nghiên cứu văn học dưới góc độ văn hóa. Một trong những người khởi xướng xu hướng tiếp cận văn học dưới góc độ văn hóa là nhà nghiên cứu người Nga Mikhai M. Bakhtin cho rằng: nghiên cứu văn học phải đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của lịch sử văn hóa đặc biệt là nghiên cứu thời đại văn hóa mà tác phẩm đó ra đời. "Khoa học nghiên cứu văn học phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa. Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài
  • 25. 19 cái mạch (kontest) nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại... Tác phẩm văn học không chỉ sống trong những thế kỉ tiếp, nếu nó không biết bằng cách nào đó thu hút vào mình những gì của thế kỉ đã qua. Nếu nó chỉ nảy sinh bằng tất cả những yếu tố của ngày nay (tức xã hội đương thời của nó) mà không tiếp tục quá khứ và không gắn bó với quá khứ một cách đáng kể, nó không thể tiếp tục sống trong tương lai" [20,tr.139]. Như vậy theo cách nói M. Bakhtin quá khứ là một phần của văn hóa dân tộc tức là văn hóa dân gian. Và vấn đề này từ rất lâu các nhà văn đã tự giác và hoàn toàn đã ý thức tiếp thu, ảnh hưởng lí giải những vấn đề của văn hóa dân gian từ văn học dân gian cho đến những vấn đề như tôn giáo, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, pháp luật... Có thể khẳng định văn hóa dân gian bao đời nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống chính tri, xã hội, trong đó có văn học. Các nền văn học lớn trên thế giới tồn tại và phát triển luôn chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa dân gian. Trong tiến trình lịch sử văn học thế giới các nhà văn, nhà thơ lớn đều chịu ảnh hưởng, tiếp thu, vận dụng chất liệu dân gian, một cách nhuần nhuyễn đều gặt hái những thành công nhất định và sẽ trụ vững với thời gian. Văn hóa dân gian đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh của đời sống nhưng có lẽ sự ảnh hưởng đó diễn ra đậm nét nhất là trong văn học. Quan hệ tác động ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa dân gian và văn học viết diễn ra hết sức độc đáo. Đó là quan hệ mang tính sáng tạo, có tính quy luật và cũng là cơ sở lí luận cốt yếu cho sự cắt nghĩa một quá trình phát triển, một hiện tượng văn học. Trong nền văn học Việt Nam mối quan hệ và ảnh hưởng giữa văn hóa dân gian và văn học viết cũng diễn ra hết sức độc đáo. Trong tiến trình lịch sử phát triển của văn học dân tộc những nhà văn, nhà thơ chịu ảnh hưởng và tiếp thu vận dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn đều gặt hái những thành công nhất định. Tác phẩm của họ sẽ gây được tiếng vang và lưu truyền
  • 26. 20 sâu rộng trong đời sống. Có thể kể đến một số tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... Việc ảnh hưởng và tiếp thu văn hóa dân gian không dừng lại ở văn học trung đại Việt Nam mà nó vẫn còn tiếp nối trong văn xuôi đương đại Việt Nam chúng ta vẫn bắt gặp những ngôi làng: làng Giếng Chùa (tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường), làng Đình Cổ (tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh), làng Đông (tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng), xóm Nhài (truyện ngắn Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp)… Làng, xóm là cái nôi nảy nở văn hóa dân gian lâu đời, dù ở đồng bằng, trung du hay miền núi thì mỗi làng quê đều có một ngôi đình. Đó là trung tâm của làng, vừa là công đường, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân đã đi vào trong những sáng tác văn học. Sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa dân gian đối với văn học viết diễn ra rộng khắp không chỉ nền văn học Việt Nam mà các nền văn học lớn của phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc. Những bộ tiểu thuyết Minh - Thanh nổi tiếng như: Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây Du kí, Liêu trai chí dị, Hồng lâu mộng… chứa đầy yếu tố dân gian. Để viết được bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa vĩ đại La Quán Trung không chỉ dựa vào sử sách như cuốn Tam quốc chí của nhà viết sử Trần Thọ đời Tấn hay cuốn Tam quốc chí của Bùi Tùng Chi thời Nam Bắc triều. Để có được bộ tiểu thuyết đồ sộ này tác giả La Quán Trung còn dày công sưu tầm những nguồn tài liệu rất đặc biệt, đó là những câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian và dã sử. Không chỉ nguồn gốc lịch sử của tác phẩm mang chất dân gian mà việc xây dựng hình tượng nhân vật cũng được hun đúc bởi ước vọng của quần chúng như nhân vật Gia Cát Lượng là con người có trí tuệ hơn người và có lí tưởng tuyệt vời, một mưu sĩ trác việt. Người đọc dễ dàng nhận thấy dấu ấn dân gian trong những mưu mẹo của ông mang tính chất hồn hậu của trí tuệ
  • 27. 21 quần chúng như việc Khổng Minh dùng thuyền cỏ mượn tên, tam kích Chu Du hay kế thành không đánh đuổi Tư Mã Ý. Như trên đã trình bày mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học không phải là mối quan hệ một chiều. Văn học là một thành tố rất quan trọng của văn hóa, nó vừa chịu sự tác động của văn hóa nhưng nó cũng tác động ngược lại tiến trình phát triển của văn hóa. Nhà văn vừa là chủ thể tiếp nhận văn hóa, đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo văn hóa, tác phẩm của họ cũng là nơi sáng tạo văn hóa và Tam Quốc diễn nghĩa là một minh chứng cho điều đó. Khi bắt tay sáng tác Tam Quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung đã sưu tầm những truyền thuyết, dã sử trong dân gian nhưng khi tác phẩm đi vào đời sống thì các hình tượng nhân vật trong tác phẩm lại trở thành những hình tượng văn hóa sinh động của cuộc sống như: Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Điêu Thuyền... đã trở thành những tượng đài văn hóa trong cuộc sống. Đó chính là hiện tượng ảnh hưởng tương tác lẫn nhau giữa văn hóa dân gian và văn học viết. Điều này đã được Hồ Sĩ Vịnh trong bài viết Văn hóa ngọn nguồn của văn học nhận định: "Văn hóa dân gian là ngọn nguồn của tiến trình lịch sử văn học, là bầu sữa nuôi dưỡng nhiều tài năng văn học. Song mối quan hệ ấy không diễn ra một chiều mà văn học luôn có sự tác động trở lại đối với văn hóa” [3.tr.29] . Mối quan hệ ảnh hưởng giữa văn hóa và văn học nói chung hay mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết nói riêng là mối quan hệ mang tính quy luật. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa mà còn là một bộ phận tồn tại và bảo lưu văn hóa, sáng tạo văn hóa. Văn học luôn chịu sự chi phối văn hóa và môi trường văn hóa. Vì thế, khi nhà văn viết về vấn đề gì, thì họ sẽ mang tâm trạng văn hóa của dân tộc mình. Nhà văn Nga Macxim Goocki đã từng nói: "Nhà văn không bao giờ là ngẫu nhiên mà thường là tất yếu của lịch sử, anh ta là một hiện tượng nảy sinh từ sản phẩm tinh thần của
  • 28. 22 dân tộc, biện giải từ yêu cầu của dân tộc để nhìn nhận cuộc sống thể hiện trong nghệ thuật... Anh ta nhiệt thành với những khát vọng, những lí tưởng và những hình thức mới. Những khát vọng đó được hình thành và thâm nhập vào thế giới. Bằng cách đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật nảy sinh từ tinh thần và hi vọng của dân tộc, của xã hội. Nhà văn sáng tạo từ tài liệu vốn có, do lịch sử đưa lại cho anh ta, vì thế những tác phẩm sáng tạo của nhà văn là chứa đựng bản sắc của dân tộc" [49,tr,170]. Thực vậy, trong đời sống văn hóa, đã chứng minh rất nhiều sáng tác văn học của các tác gia chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa dân gian. Tác phẩm của họ bắt nguồn từ những chất liệu dân gian của cuộc sống đều hướng tới việc xây dựng những hình tượng văn hóa trong đời sống như Tây du kí của Ngô Thừa Ân bắt nguồn từ câu chuyện có thật về nhà sư đời Đường là Trần Huyền Trang sang Ấn Độ xin kinh Phật. Đường đi vạn dặm nhà sư đã vượt qua 28 nước lớn nhỏ, đi về mất 17 năm trời. Câu chuyện có thật đó vốn đã mang màu sắc huyền thoại và được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Lâu ngày, nó trở thành truyền thuyết và được thần thoại hóa. Những nghệ nhân kể chuyện đời Tống phát triển thành những câu chuyện hoàn chỉnh. Ngô Thừa Ân đã dày công thu thập truyền thuyết và dã sử để xây dựng nên bộ tiểu thuyết đồ sộ Tây du kí. Ảnh hưởng của văn hóa dân gian không chỉ dừng lại trong văn học trung đại mà sự ảnh hưởng này vẫn còn tiếp diễn trong văn học hiện đại và đương đại. Trong văn học đương đại sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với văn học vẫn còn sức sống mãnh liệt. Những nhà văn tiếp nối truyền thống đó như Giả Bình Ao, Phùng Kí Tài, Mạc Ngôn... họ đã kế thừa và tiếp nối xuất sắc truyền thống văn hóa dân gian trong những sáng tác. Từ năm 1987 trở lại đây, Giả Bình Ao cho ra đời một số tác phẩm giống với những truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Đó là tập kí sự Núi Thái Bạch có nhiều chuyện hoang đường không có thật, như chuyện Quả phụ kể về một người bố
  • 29. 23 đã chết nhưng một đêm trở về với người vợ góa, chuyện chăn gối giữa hai người chỉ có đứa con nhìn thấy, còn người mẹ thì không hề hay biết gì. Dân tộc Trung Hoa từ thời hồng hoang thậm chí cho đến tận ngày nay ít nhiều vẫn còn đắm mình trong văn hóa dân gian thần bí như: âm dương, ngũ hành, bát quái…Trong các điển tích văn hóa Trung Hoa, lịch sử thường phủ một màu sắc thần thoại vì hiện tượng thần bí là một hiện tượng khách quan. Trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết Nôn nóng, Giả Bình Ao nói: “Người nông dân có triết học của họ, người văn minh ở thành phố có thể không thừa nhận, nhưng dân nhà quê thì vẫn cứ tin” [49, tr. 278]. Nhà văn Trung Quốc không thể quay lưng làm ngơ trước thực tế hiển nhiên đó. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, trong xã hội Trung Quốc dấy lên phong trào “phản tư” (suy ngẫm về quá khứ lịch sử). Phong trào “phản tư” cũng là nguyên nhân thúc đẩy, các nhà văn suy ngẫm về phong tục, kì dị về nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa là đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Phùng Kí Tài. Tiểu thuyết bộ ba Chuyện kì quái (gồm Chiếc roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái) tác giả viết về phong tục bím tóc, bó chân và tục phong thủy, khí công, tướng thuật… những hiện tượng văn hóa thần bí và cổ quái của người xưa. Ngoài Phùng Kí Tài thì Mạc Ngôn cũng là một nhà văn tiêu biểu cho sự tiếp thu văn hóa dân gian trong các sáng tác của mình Đàn hương hình là tác phẩm chứa nhiều yếu tố dân gian như tục bó chân của người phụ nữ, làn điệu dân gian Miêu Xoang, hay nghệ thuật hành hình… Vì vậy, nghiên cứu văn hóa dân gian trong sáng tác của một nhà văn cụ thể về vai trò tác dụng của yếu tố văn hóa dân gian trong thế giới nhân vật, hay những đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm. Không đơn thuần chỉ ra hay thống kê việc ảnh hưởng đó mà nghiên cứu từ góc độ những yếu tố dân gian nhằm đánh giá đầy đủ về tính dân gian trong văn học.
  • 30. 24 1.3. Quê hương Cao Mật với hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn 1.3.1. Tình yêu đối với quê hương Sơn Đông cùng với Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Bắc, Hà Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Nơi đây là quê hương của địa linh nhân kiệt, là quê hương của những nhà tư tưởng, nhà triết học kiệt xuất của Trung Quốc như: Khổng Tử, Mạnh Tử, những nhà chính trị nổi tiếng như các vua Tề, Quản Trọng, Lưu Dung... là vùng đất nổi tiếng về truyền thống anh hùng hào kiệt như Tống Giang, Võ Tòng… có lẽ gần gũi và thân hiết hơn là quê hương của tác giả bộ biểu thuyết Liêu trai Chí dị của Bồ Tùng Linh nổi tiếng thời Minh – Thanh. Mạc Ngôn sinh ra và lớn lên từ vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn học và đấu tranh chính trị,... vì vậy, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống quê hương đối với tài năng văn chương và con người của ông. Tài năng của nhà văn nảy nở trên mảnh đất nghèo đói vì các cuộc chiến tranh, song sức mạnh của truyền thống văn hóa quê hương chính là nguồn sữa nuôi dưỡng và làm nên sức sống. Vùng quê Cao Mật nghèo đói về vật chất nhưng lại rất giàu về lòng yêu thương. Ông cũng từng yêu quê hương Đông Bắc Cao Mật với những gì vốn có, ông cho rằng đây: "là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất; siêu thoát nhất, thế tục nhất, trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất, anh hùng hảo hán nhất, đểu giả nhất, giỏi uống rượu nhất, biết yêu đương nhiều nhất trên trái đất này". [23,tr.14-15]. Con người sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng sâu sắc về mọi phương diện, nhất là phương diện văn hóa của mảnh đất nơi họ sinh ra. Bởi xét cho cùng, văn hóa chính là sự thích nghi một cách chủ động, có ý thức con người với tự nhiên, xã hội đồng thời cũng chính là kết quả của sự thích nghi ấy. Mạc Ngôn rất có duyên với vùng Sơn Đông Cao Mật, nơi ông sinh ra và trải qua thời niên thiếu với những biến cố cay đắng của cuộc đời. Thiên nhiên, con người với những giá trị văn hóa lịch
  • 31. 25 sử nơi đây đã hình thành nên một Mạc Ngôn với phong cách nghệ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại với những quan niệm nhân sinh độc đáo với cách nhìn cuộc đời, tình yêu, cuộc sống hết sức táo bạo. Mạc Ngôn là người con tiêu biểu của quê hương xứ sở. Sáng tác của ông bắt nguồn từ tình yêu sâu đậm đối với quê hương và trở về cội nguồn của nhân dân. Theo dịch giả Trần Trung Hỉ thì "Mạc Ngôn là vua của vương quốc Cao Mật”. Những tác phẩm của ông, người đọc dễ dàng nhận thấy hơi thở đất quê, và mối tình sâu đậm không thể tan chảy giữa ông với "huyết địa" làng Đông Bắc, Cao Mật. Chính vì vậy, giới bình luận văn học đã gọi ông là "vị hoàng đế khai phá trời đất của làng Đông Bắc Cao Mật" Ông đã trở thành vị hoàng đế khai thiên lập địa làng Đông Bắc, để được tha hồ hò hét hạ lệnh, muốn ai chết là chết, để ai sống được sống, hưởng đủ cái lạc thú làm vua một vùng. Nào dương cầm, nào bom nguyên tử, nào bánh mì, thằng Tây rởm, cha cố thật... ông đem nhét tuốt vào trong cánh đồng cao lương. Có một nhà văn từng nói: Tiểu thuyết của Mạc Ngôn đều được moi ra từ chiếc bao tải rách của cái làng Đông Bắc - Cao Mật. Chiếc bao tải này thực sự là của báu, cho tay vào moi mạnh một cái, ra được bộ tiểu thuyết, moi nhẹ một tí, ra ngay cái truyện vừa, nếu chỉ thò ngón tay vào nhón một cái, cũng gắp ra được dăm ba truyện ngắn. Mạc Ngôn nói rằng: Tôi không yêu, cũng chẳng ghét chúng. 1.3.2. Quan niệm tiểu thuyết của Mạc Ngôn Mỗi nhà văn đều có một quê hương cho riêng mình, hầu hết các sáng tác của họ đều mang đậm dấu ấn quê hương. Mạc Ngôn là nhà văn tiêu biểu cho đứa con của quê hương. Sáng tác của ông bắt nguồn từ tình yêu sâu đậm đối với quê hương và luôn tìm về với cội nguồn của quê hương. Trong những sáng tác của mình Mạc Ngôn đã đưa người đọc quay trở về những năm 1900 đến những năm gần đây trên mảnh đất quê hương Cao
  • 32. 26 Mật, với những cuộc chiến tranh chống phát xít Đức và Nhật cùng với những nạn đói rét, hạn hán, mất mùa… nhà văn đã đưa người đọc chứng kiến những chuyện vụn vặt, bình thường nhất nhưng riêng nhất, độc đáo nhất của cuộc sống quê hương ông. Ông lớn lên trên vùng đất nghèo khổ bần cùng nên ông hiểu hơn ai hết về cái đói và miếng ăn đối với người dân và mọi chuyện lớn nhỏ từ miếng ăn mà ra cả. Ông viết về người nông dân và tự nguyện làm nhà văn của người dân. Vấn đề Mạc Ngôn quan tâm nhất trong tác phẩm của mình chính là hiện thực sinh tồn, là đời sống của người dân. Quan niệm sáng tác của ông thể hiện rất nhất quán. Đó là: Ông đã biến vùng Cao Mật quê hương ông thành một khái niệm văn học, không phải một khái niệm địa lý, là một khái niệm mở, không phải một khái niệm khép kín, vùng Cao Mật của ông là một cảnh ảo do ông tưởng tượng trên cơ sở những kinh nghiệm của tuổi ấu thơ, ông liên tục biến nó thành một Trung Quốc thu nhỏ, đồng hoá nỗi khổ và niềm vui của nó với nỗi khổ và niềm vui của nhân loại và bằng tài năng của mình ông ra sức tác động người đọc trên toàn thế giới quan tâm đến những câu chuyện của ông. Ông đã quay về sáng tác dân gian chân chính và sáng tác của Mạc Ngôn phải từ vị trí của người dân. Ông cho rằng “nhà văn sáng tác từ vị trí người dân, cho dù họ viết văn, làm thơ hay viết kịch, bản chất công việc của họ chẳng khác gì những người thợ dân gian […] giữa những người thợ dân gian cũng có sự kế thừa, học hỏi và phát triển […] nhưng họ không bao giờ quên mình là một người dân bình thường, họ không bao giờ phân biệt mình với người dân bình thường” [41, tr.341] và “Tôi (Mạc Ngôn) cho rằng sáng tác dân gian thực sự chính là loại sáng tác với tư cách người dân” [41,tr. 341]. Vì vậy, tiểu thuyết của Mạc Ngôn được viết từ vị trí người dân luôn quay về cội nguồn văn hóa dân gian của dân tộc, nhưng tình cảm phải được xuất phát
  • 33. 27 từ nơi sâu thẳm tâm hồn, nó chạm đến nơi đau đớn nhất trong trái tim, nó bị dồn tới đáy sâu của sự đau khổ. Tiểu kết: Tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn đánh dấu sự theo đuổi cái đẹp của phong cách dân gian chân chính. Ông tìm về với những phong tục xưa đã làm cho không biết bao nhiêu phụ nữ đã rơi nước mắt cùng với làn điệu dân gian Miêu Xoang làm say đắm lòng người và phê phán sự dã man mất nhân tính của những hình phạt man rợ được thể hiện bằng ngôn từ của Miêu Xoang
  • 34. 28 Chương 2. VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI THẾ GIỚI NHÂN VẬT VÀ NGÔN NGỮ TRONG ĐÀN HƯƠNG HÌNH 2.1. Nhân vật Tôn Bính Đối tượng chung của văn học là cuộc đời, trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những lời bình luận... chỉ góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng của tác phẩm, nhưng cái quyết định chất lượng của một tác phẩm văn học, chính là việc xây dựng hình tượng nhân vật. Văn học không thể thiếu nhân vật, vì nhân vật chính là hình thức cơ bản, để qua đó nhà văn miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất của văn học là mối quan hệ của nhân vật đối với đời sống. Nhà văn tái hiện được đời sống thông qua những chủ thể nhất định. Chủ thể đóng vai trò như những tấm gương của cuộc đời và chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật cuộc sống của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để thể hiện những cá nhân của xã hội nhất định và những quan niệm về cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương diện khái quát có tính cách, số phận và các quan niệm. Tính cách, trong ý nghĩa rộng nhất, chung nhất là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua các đặc điểm cá nhân, gắn liền với phẩm chất tâm sinh lí của họ. Tính cách có một hạt nhân là sự thống nhất của cá tính và cái chung của xã hội. Trong Nghệ thuật thi ca Arixtot cho rằng “Tôi hiểu tính cách là cái lí do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một tên nào đó” [17, tr. 279]. Nhân vật sẽ có tính cách, nếu trong lời nói hay hành động bộc lộ một khuynh hướng một ý chí nào đó. Trong tính cách bao giờ cũng tìm thấy một tính tất yếu hay một tính khả nhiên của một hiện tượng lịch sử, xã hội. Nhân vật không chỉ thể hiện tính cách mà còn là người dẫn dắt ta vào một thế giới đời sống. Pheedin nói rằng “nhân vật là một công cụ” [17, tr.
  • 35. 29 280]. Đọc tác phẩm văn học, cái đọng lại trong tâm hồn người đọc là hình tượng nhân vật mà tác giả đã kì công xây dựng. Qua nhân vật nhà văn sẽ gởi gắm những tư tưởng, những suy nghĩ, những tình cảm và thông qua nhân vật, nhà văn thể nghiệm tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của mình. Vì vậy, nhân vật càng chân thật, càng sống động thì sức sống của tác phẩm càng mạnh mẽ và bền lâu với thời gian. Tiểu thuyết là một thể loại tự sự nên nhân vật cũng được coi là một trong những yếu tố cốt tử. Nhân vật trong tiểu thuyết là hạt nhân của sự sáng tạo nghệ thuật, là trung tâm của tiểu thuyết. Những cuốn tiểu thuyết vượt thời gian đều là những tác phẩm có sự sáng tạo bậc thầy trong cách xây dựng nhân vật: Đônkihôtê, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, AQ… là những nhân vật điển hình về tính cách và hành động. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn ngoài những vấn đề chiến tranh, đói khổ và con người, thì thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của ông mang những nét tính cách rất riêng và không bao giờ lặp lại. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết của ông là một siêu điển hình về tính cách và hành động. Từ Chiếm Ngao trong tác phẩm Cao lương đỏ mang khí phách ngang tàng, phóng túng, dám phá bỏ mọi ràng buộc của phong tục, lễ giáo để được đến với tình yêu tự do. Từ Chiếm Ngao là nhân vật mang khí phách của người anh hùng. Còn Khoan Kim Cương trong tác phẩm Tửu quốc là một siêu nhân uống rượu, rượu ông uống nhiều đến nỗi “lượng nước mà chúng ta uống không bằng lượng rượu mà ông ta đã dùng” [26.tr,55] ông có thể uống một mạch ba mươi chén mà mặt không đổi sắc. Nếu Khoan Kim Cương là một siêu nhân uống rượu thì La Tiểu Thông trong tiểu thuyết Tứ thập nhất pháo lại là một “Nhục Thần” về thịt, một siêu nhân về ăn thịt. Hắn sinh ra trong một gia đình cha mẹ bất hòa, người cha bỏ mẹ hắn đi theo người con gái khác nên hắn chỉ sống với người mẹ vô cùng tiết kiệm, suốt đời bà chỉ lo tích góp từng xu để gây dựng cơ ngơi, sự nghiệp. Vì vậy trong bữa ăn của La Tiểu
  • 36. 30 Thông không bao giờ nghe mùi thịt nên cậu thèm thịt tới mức có thể gọi bất cứ ai bằng “bố” nếu người ấy cho cậu ăn thịt, không những thèm thịt đến điên cuồng mà La Tiểu Thông còn có khả năng tương thông với thịt và có khả năng ăn thịt một cách siêu phàm. Trong cuộc thi ăn thịt cậu ta ăn một lần hết ba cân thịt. Như vậy ăn và uống là hai nhu cầu đầu tiên của con người nhưng sự thèm khát miếng ăn cho thấy một giai đoạn lịch sử xã hội cái đói đang ngự trị cuộc sống con người. Đó cũng chính là hình ảnh tuổi thơ của nhà văn đã trải qua thời kì lịch sử chiến tranh và cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc hằn sâu trong kí ức của mỗi người dân. Nếu La Tiểu Thông thèm thịt, hiểu thịt và yêu thịt, coi thịt như người bạn tâm giao tri kỉ thì Kim Đồng (trong tiểu thuyết Báu vật của đời) lại say mê bầu vú đến mức tôn sùng. Chính sự say mê bầu vú đã làm cho Kim Đồng mắc phải một chứng bệnh, luyến nhũ yếm thực. Kim Đồng lớn lên phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ, anh ta dị ứng với tất cả các loại thức ăn khác. Anh ta sống và lớn lên, lệ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa của người mẹ và độc chiếm vú mẹ sẵn sàng dành vú mẹ với bất kì ai xâm phạm dù đó là người chị song sinh khiếm thị bẩm sinh của mình, anh ta bú mẹ đến năm mười lăm tuổi. Anh ta say mê đến mức bệnh hoạn bầu vú của phụ nữ, đến nỗi sau này lớn lên mất cả khả năng làm tình. Sự say mê bầu vú của Kim Đồng có một sự ẩn dụ, tượng trưng rất lớn. Sự say mê và dựa dẫm của Kim Đồng đối với nguồn sữa mẹ chính là văn hóa sống bám của biết bao thế hệ. Có thể nói nhân vật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn thường là những nhân vật siêu tính cách và trong tiểu thuyết Đàn hương hình nhân vật mang những tính cách hết sức kỳ lạ. 2.1.1. Tôn Bính với làn điệu Miêu Xoang Nếu La Tiểu Thông yêu thịt, hiểu thịt, Kim Đồng say mê bầu vú, thì Tôn Bính lại say mê làn điệu Miêu Xoang. Ông sống ca hát Miêu Xoang, đấu
  • 37. 31 tranh bằng Miêu Xoang, chết trong âm thanh đồng vọng của Miêu Xoang. Đây là làn điệu dân gian đặc trưng của vùng Đông Bắc Cao Mật và là loại hí kịch có giai điệu du dương diễn xuất độc đáo, mang đậm màu sắc thần bí, là hóa thân cuộc sống tinh thần, của người dân vùng Đông Bắc Cao Mật. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có nguồn gốc xuất xứ riêng của nó. Lỗ Tấn cho rằng: “Trong cái thứ tự phát sinh của tác phẩm văn nghệ, có lẽ thơ ca có trước tiểu thuyết có sau. Thơ ca bắt nguồn từ lao động và tôn giáo. Lẽ thứ nhất là trong lao động, một mặt thì làm lụng, một mặt thì ca hát, như vậy có thể quên mệt nhọc và khổ sở đi, cho nên từ tiếng kêu la đơn thuần mà phát triển ra, đi đến chỗ phát huy cái tâm lí, cái tình cảm của mình lên, đều có vài vần điệu tự nhiên cả. Lẽ thứ hai dân tộc nguyên thủy đối với thần linh, đi dần từ sợ sệt đến kính mến rồi ca tụng cái oai linh của nó, ca ngợi cái công lao của nó, như vậy là tạo thành cái khởi nguyên của thơ ca. Còn tiểu thuyết thì tôi nghĩ ngược lại, lại khởi nguyên từ sự nghỉ ngơi. Con người lao động đã dùng ca ngâm để cho vui, nhờ đó mà quên đi nỗi mệt nhọc cực khổ, thì đến lúc nghỉ ngơi cũng nhất định tìm một cách gì đó tiêu khiển khi nhàn rỗi. Cách đó là người này người kia, trao đổi với nhau, chuyện đã qua, việc bàn kể trao đổi chuyện cũ đó chính là khởi nguyên của tiểu thuyết. Vì thế mà thơ ca là văn vần, từ lao động mà phát sinh, còn tiểu thuyết là văn xuôi, nhân lúc nghỉ ngơi mà phát sinh” [38.tr.316] sự ra đời của thơ ca và tiểu thuyết gắn liền với hoạt động lao động và sự nghỉ ngơi của con người. Đó là cuộc sinh tồn với những bộn bề lo toan của con người, còn sự ra đời của Hí kịch Miêu Xoang thì ngược lại với thơ ca và tiểu thuyết. Miêu Xoang không phải ra đời trong lúc con người đang sống và lao động, mà nó ra đời lúc con người từ giã cõi đời, khi cuộc đời thực của con người không còn nữa, con người đã từ biệt cuộc sống trần gian đang bước vào thế giới của cõi vĩnh hằng. Đó là lúc người đang sống hát lên khúc hát bi thương kể về công trạng người đã chết, như lời
  • 38. 32 điếu văn của chính cuộc đời mình, Miêu Xoang như những lời kinh sám hối tiễn người chết để cho họ được thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Miêu Xoang vốn là một làn điệu dân gian có nguồn gốc từ sự khóc tang của Thường Mậu và sau đó Tôn Bính đã đưa lên thành một loại hình kịch nghệ, nổi tiếng cả một vùng rộng lớn "phía Bắc đến phủ Lai Châu, phía Nam đến phủ Giao Châu, phía Tây đến phủ Thanh Châu, phía đông đến phủ Đăng Châu, tổng cộng mười tám huyện" [22, tr.40]. Miêu Xoang làm say đắm và lôi cuốn người nghe bởi làn điệu mượt mà và nội dung chân thật như hơi thở của cuộc sống. Với những vở diễn mang nội dung về cuộc sống nhân tình thế thái, các đời vua thịnh vượng như Nghiêu Thuấn, cũng như các anh hùng trong truyền thuyết và trong lịch sử, các vị quan tham vô độ. Các vở diễn tiêu biểu của Miêu Xoang như “Thường Mậu khóc tang”, hay “Hồng môn yến”… các vở diễn này luôn gắn với cuộc đời oai hùng và đầy bi kịch của nghệ sĩ Tôn Bính, một kép hát lừng danh, một ông bầu gánh hát, một nguyên soái của cuộc khởi nghĩa bi thương, một phạm nhân bị hành quyết dã man trên pháp trường. Nếu Triệu Giáp cả cuộc đời sống và chết đều gắn với những cuộc hành hình thì Tôn Bính cả đời ông gắn liền với làn điệu Miêu Xoang, ông đi đến đâu làn điệu Miêu Xoang đi theo bước chân của ông vang lên nơi đó. Ông như một con ong cần mẫn lấy phấn từ trăm hoa để biến Miêu Xoang thành giọt mật ngọt dâng lên cho đời. Ông đã sáng tác nên các làn điệu như Miêu Hồ, Miêu Cổ và cải biên các làn điệu với phong cách mới mẻ, phù hợp với tâm tình của người dân Cao Mật. Từ Tôn Bính, làn điệu Miêu Xoang phổ biến rộng rãi trong cuộc sống, với ông Miêu Xoang không còn đơn thuần cho những buổi khóc tang người chết hay những buổi biểu diễn trên sân khấu diễn những tích tuồng mà Miêu Xoang giống như máu chảy trong huyết quản của ông.
  • 39. 33 Từ sự đam mê làn điệu Miêu Xoang nên lời hát tang của ông không còn đơn giản như tổ sư Hùng Mậu là khóc trước quan tài người chết kể về công lao người chết, mà điều quan trọng và đặc biệt hơn so với vị tổ sư Hùng Mậu. Khi Tôn Bính cất tiếng hát của mình trước quan tài người chết, sẽ làm cho người chết phải sống lại như trường hợp ông khóc tang mẹ lão Tần. Khi ông hát trước quan tài người chết, giọng của ông làm cho con cháu người chết như đứt từng khúc ruột, trong quan tài có tiếng lục đục, khiến cho con cháu sợ xanh mắt. Miêu Xoang qua chất giọng của ông nó trở thành liều thuốc cải tử hoàn sinh, làm cho người chết đã ngồi bật dậy. Không chỉ diễn trên sân khấu có đạo cụ trợ giúp, có đào kép xướng xô nhau, hát ở đám tang "Chỉ một mình Tôn Bính, lúc đóng vai nam, khi đóng vai nữ, giọng khóc, giọng cười giữa chừng lại đệm bao nhiêu tiếng mèo kêu "mi - ao", biến buổi khóc tang thành cuộc trình diễn sân khấu cực kì sống động, con cháu người chết quên cả đau thương, những người đến xem quên cả một thi hài đang ngồi nghe hát. Mãi đến khi Tôn Bính hát xong câu cuối cùng dư âm của nó dài lê thê như một cái đuôi diều giấy, bà lão từ từ nhắm mắt, thở dài một tiếng tỏ vẻ thỏa mãn, rồi đổ sụp xuống như một bức tường đổ". [22, tr.504]. Đó là chuyện Tôn Bính hát Miêu Xoang làm cho người chết sống lại, với cái tài của ông không chỉ đặc trưng chất giọng thiên phú hát hay, ông là diễn viên đa tài, ông có thể hoán đổi cuộc đời của mình thành kẻ khác, sống với thân phận con người khác. Ở người nghệ sĩ này không chỉ sống cho riêng bản thân mình mà có thể nếm trải cuộc đời những kẻ khác, ông hóa thân vào thân phận của kẻ khác, vui buồn và đau khổ cùng người khác. Ở đây làn điệu Miêu Xoang trở thành nỗi thông cảm thấu hiểu tình người với nhau và sự chia sẻ nhau trong cuộc sống. Miêu Xoang như một liều linh dược xóa tan mọi phiền muộn của cuộc sống khi được thưởng thức làn điệu này do Tôn Bính biểu diễn.
  • 40. 34 Tôn Bính không chỉ nổi tiếng trong việc hát tang, ông hát làm cho người chết phải sống lại ngồi nghe ông hát, rồi sau đó ra đi một cách thanh thản. Đối với Tôn Bính khi ông hát Miêu Xoang phụ nữ nghe thì lệ chảy tràn, làn điệu Miêu Xoang qua giọng hát của ông rất dễ hớp hồn phụ nữ. Ông lại một người có chất giọng khàn khàn lạ lùng. Vì vậy ông đã biến Miêu Xoang thành dưa mật làm mê mẩn không biết bao nhiêu phụ nữ Cao Mật. Đặt biệt là người mẹ quá cố của Mi Nương, bà một người phụ nữ đẹp nổi tiếng, có rất nhiều người say mê. Trong đó có một vị cử nhân họ Đỗ từng cầu hôn nhưng bà không bằng lòng, bà lại mê một kép hát nghèo rớt mồng tơi như Tôn Bính, bởi vì bà mê cái giọng khàn khàn ấy nên mới lấy ông. Không riêng gì mẹ Mi Nương mê ông mà Tiểu Hồng hay Hồng Đào... là những cô đào đẹp nhất gánh hát cũng mê ông. Miêu Xoang đã làm cho cuộc đời ông thấm đẫm chất phong tình nhưng cũng đầy bi tráng và hào hùng. Có thể nói quãng thời gian hào hùng nhất của nghệ sĩ Tôn Bính là lúc ông đóng những vai anh hùng, những khanh tướng "Tôn Bính là một kép hát, quanh năm suốt tháng đóng các vai đế vương khanh tướng, tài tử giai nhân, hát ra rả những trung hiếu tiết nghĩa," [22, tr.182] từ những vai diễn trên sân khấu đã hun đúc cho ông thành "người có khí chất hiên ngang, mặt mày rạng rỡ, quyết không phải là phường xướng ca vô loài" [22, tr.375]... Không chỉ đối với những người yêu ông mà ngay cả Ba Tống người không ưa gì ông cũng phải dành cho ông những lời khen: "Tôn Bính đa tài, xuất khẩu thành chương, nghe một lần là thuộc. Chỉ tiếc hắn không biết chữ, nếu biết, hắn đỗ mười bằng tiến sĩ" [22, tr.296]. Vì đóng vai những người anh hùng, những khanh tướng nên cuộc đời của ông cũng oanh liệt như chính những nhân vật trên sân khấu do chính ông sắm vai. Ông sống cuộc đời mình vừa thực vừa hư. Thực đó là tính thẳng thắn ngang tàng, nhưng ông cũng sống trong cuộc đời hư ảo, ông cho mình là con người trên sân khấu. Chính vì sự ngang tàng nên trong bữa tiệc sinh nhật ông
  • 41. 35 quên rằng mình chỉ là một kép hát, một Tôn Bính bình thường. Khi Lí Vũ khoe khoang, Tiền Đinh là vị quan có bộ râu đẹp. Để đáp lại sự huênh hoang của Lí Vũ, Tôn Bính cho rằng râu quan Tiền Đinh "không đẹp bằng bộ lông trong đũng quần của ta" [22, tr.185]. Ông tự hào mình là người có bộ râu đẹp nhất (vì khi ông biểu diễn vở Đơn đao phó hội không cần mang râu giả vì râu ông đẹp hơn người). Miêu Xoang đã ăn sâu vào tâm thức ông, ông thuộc tất cả các vở diễn và luôn vận dụng nó vào mọi hoàn cảnh mà bản thân ông trải qua. Khi ông bị Tiền Đinh bắt đến trước công đường để tra hỏi về tội nhục mạ quan huyện. Trước đòn roi, sự tích bi tráng của những anh hùng hảo hán mà ông đã sắm vai lại hiện về, ông ưỡng ngự, ngẩng cao đầu trong tiếng mi – ao, và ông cất cao giọng “Mặc cho hình trượng đả nát thịt, nghiến răng ta chịu không than van” [22, tr.189]. Miêu Xoang ở đây làm cho ông mang khí chất của người anh hùng, đứng trước đòn roi và cái chết họ đều xem như không. Nhưng khi thấy dung mạo đường hoàng của quan huyện ông nảy sinh tình cảm thân thiết như anh em lâu ngày gặp lại “Anh em gặp nhau tại công đường, nhớ lại năm xưa lệ vấn vương” [22, tr.189] Với khí chất như những anh hùng ông sắm vai, vì vậy, khi nghe tin người Đức làm nhục phụ nữ Trung Quốc, thế là nỗi sợ biến thành cơn giận. Sự bất bình chất chứa lâu nay như giọt nước tràn ly, cuối cùng đã trở thành hận thù. Tính khí của người Cao Mật tồn tại trong mỗi con người bùng nổ, lửa giận bừng bừng, bất kể sống chết, gầm thét chạy theo Tôn Bính ra chợ. Nhìn thấy "tên Đức bóp vú vợ ông [...] Thọc tay trong quần vợ ông" [22, tr.264] ông đã nện tên lính Đức một cây gỗ táo vào đầu vì đã sàm sỡ vợ ông, tên lính Đức toi mạng. Biết trước tai họa sẽ đến nhưng với khí chất người anh hùng, nhìn thấy những cảnh chướng tai phải ra tay trừ diệt, không thể chịu khuất phục trước cảnh vợ con mình bị làm nhục.
  • 42. 36 Để trả thù cho tên lính đã bị Tôn Bính đánh chết, người Đức đã giết chết vợ con ông thả trôi theo dòng sông, cùng hai mươi bảy sinh mạng người dân vô tội ở trấn Mã Tang. Cái chết của vợ và hai con thơ, cùng hai mươi bảy sinh mạng người dân trấn Mã Tang, nỗi uất ức trào dâng thành điệu hát Miêu Xoang như xét lòng: “Tang tang tang tang tang tang… tang bụp tang bụp tang bụp… tang! Tôn Bính tui ngó về quê nhà phương bắc, cuồn cuộn khói đen che kín nửa trời. Vợ tui nàng nàng nàng chôn thây nơi bụng cá, các con tui… thảm lắm trời ơi… một trai một gái mệnh táng suối vàng… đáng hận thay, bọn giặc tóc trắng mắt xanh, độc như rắn rết, táng tận lương tâm, giết người vô cớ, khiến tôi tan cửa nát nhà, thân đơn bóng chiếc… tui tui tui… thảm lắm trời ôi…” [22, tr.279]. Lời Miêu Xoang như tiếng kêu xé lòng của người dân vô tội đáng thương và như lời ai oán thấu tận trời cao để tố cáo tội ác của kẻ xâm lược, phá tan đi cuộc sống bình yên. Cuộc đời ông với nhiều thăng trầm bi kịch, ông mong muốn suốt đời cỡi ngựa hát Miêu Xoang, và đưa Miêu Xoang trở thành quốc hí. Ước mơ chưa thực hiện được thì ông chịu hành hình đàn hương. Nhưng thời gian từ nhà tù đến pháp trường và trên Thăng Thiên Đài đây là thời điểm khúc hát Miêu Xoang, vở "Thường Miêu khóc tang" được diễn hấp dẫn nhất. Trên đường áp giải đến pháp trường, ông và Út Sơn diễn đến nửa vở kịch thì người lớn, trẻ con như phát điên. Tất cả đám đông nhại tiếng mèo mi - ao, mi - ao, mi - ao trên trời dưới đất đâu đâu cũng vang tiếng mèo. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, mèo thật mèo giả quyện vào nhau, cuốn lấy nhau thân hình lắc lư, những động tác lúc bình thường không thể làm nổi. Âm thanh mi- ao kết thúc câu hát cuối cùng của ông vút lên cao, cao hơn cây đại thụ mấy chục trượng, còn mọi người thì ngả hồn theo tiếng hát lên tận chín tầng mây. Trên Thăng Thiên Đài Tôn Bính diễn vở kịch Miêu Xoang cuối cùng của cuộc đời mình có tên Đàn hương hình lưu danh tên tuổi ông trường tồn
  • 43. 37 với trời đất "ngắm trời cao gió thu lồng lộng, nhìn đất dày cây cỏ xanh rờn, ta đây vốn anh kiệt hóa thân, dựng cờ nghĩa thay trời hành đạo, cứu Trung Hoa kiếp nạn trầm luân. Không cho giặc dựng xong đường sắt! ...Vừa ăn xong gan rồng óc phượng, vừa uống xong ngọc dịch quỳnh tương" [22,tr 575, 576] và đệm vào tiếng mèo mi - ao, mi - ao, mi - ao. Tất cả những người đến xem nước mắt tuôn trào, bắt đầu từ trẻ con, rồi đến người lớn đều nhại tiếng mèo kêu, hàng vạn tiếng kêu quyện làm một như tập trung ở nơi pháp trường là toàn bộ thế giới của loài mèo. Tiếng ca Miêu Xoang cao vút từng mây và giống như tiếng con thiên nga hót lần cuối cùng trong cuộc đời ta chết không ân hận, lửu cháy lên rồi, ta những chờ mong rồi hàng loạt tiếng mèo,… mi - ao, mi – ao. Hình phạt thường gây nên sự sợ hãi đối với dân chúng nhưng ở đây hình phạt không trấn áp được người dân mà chỉ tạo cho ngọn lửa hận bùng cháy to hơn và càng mạnh mẽ hơn. Người nghệ sĩ dân gian Tôn Bính sống một cuộc đời phong lưu, chiến đấu oanh liệt, và chết trong huy hoàng như một người anh hùng trong vở kịch. Vì tình yêu ông muốn đưa Miêu Xoang trở thành hí quốc ước mơ không thực hiện được. Vì lòng căm thù mong muốn đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ bình yên cho nhân dân. Ông là một nghệ sĩ, một anh hùng luôn sống và chiến đấu trọn nghĩa, nhưng cuộc đời lại là một bi kịch. Miêu Xoang chưa thành quốc hí, đánh đuổi giặc không thành. 2.1.2. Tôn Bính và cuộc khởi nghĩa đậm màu sắc dân gian Trung Quốc vào cuối đời nhà Thanh mâu thuẫn xã hội xảy ra gay gắt, do chế độ chuyên chế lỗi thời và phản động cùng với mầm mống nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu phát triển, các nước đế quốc phương Tây lần lượt nhảy vào xâu xé Trung Quốc, biến Trung Quốc trở thành xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến. Sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc lúc này giống như “cái thai lớn lên trong thân hình nàng công
  • 44. 38 chúa phong kiến Trung Hoa. Tiếc rằng đó là một quái thai giữa chiến thần đế quốc phương Tây và nàng công chúa phương Đông luống tuổi nên nó không thể phát triển thành một đứa con bình thường là một quái thai kì hình dị dạng: chế độ xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân” [33, tr.175]. Đầu thế kỉ hai mươi, nhà Thanh đang trên đà suy thoái, tàn lụi trước làn sóng văn minh phương Tây ào ạt tấn công vào Trung Quốc. Nhà Thanh từng bước nhượng bộ đế quốc phương Tây. Nhân dân nổi lên chống lại ngoại xâm, triều đình cùng quan lại thỏa hiệp với ngoại xâm quay lại đàn áp nhân dân. Cùng với tác phẩm Cao lương đỏ, Báu vật của đời thì Đàn hương hình là cuốn tiểu thuyết tân lịch sử của Mạc Ngôn viết về giai đoạn này. Nhưng “Tiểu thuyết tân lịch sử không thỏa mãn với việc khái quát, phản ánh học thuyết đấu tranh giai cấp mà chú ý nhiều đến sự hưng vong của các triều đại, nhân cách văn hóa, kết cấu tâm lí, xung đột nhân tính, từ đó biểu hiện phong phú phức tạp của bản thân lịch sử” [50, tr.127]. Xưa kia tiểu thuyết lịch sử thường phản ánh những vấn đề trọng đại trong chính sử thì nay tiểu thuyết tân lịch sử cũng đề cập đến những vấn đề trọng đại của lịch sử, nhưng sự giải thích lịch sử mang đậm màu sắc dân gian. Cái mà tiểu thuyết tân lịch sử chú trọng là những chuyện vụn vặt, ở bên rìa, như cuộc sống tình cảm, phong tục, thú vui dân dã. Tiểu thuyết tân lịch sử chú trọng đến những chuyện mang màu sắc thần kì, lấy từ dân gian hay hư cấu thành dân gian, để trở về trạng thái thường nhật của cuộc sống dân dã. Tiểu thuyết tân lịch sử xa dần chính sử hướng tới dã sử, nên cách đánh giá nhân vật khác xa trong chính sử. Trong Cao lương đỏ nhân vật Từ Chiếm Ngao là một tên thổ phỉ khét tiếng dã man mà cao thượng, ngang tàng, phóng túng mà yêu nước, mang đậm màu sắc truyền kì dân gian. Tiểu thuyết lấy chủ nghĩa dân tộc truyền thống, dân gian làm ngọn cờ tinh thần, những khái niệm đảng phái, chính trị, giai cấp bị nhòa đi. Đàn hương hình tiếp nối dòng tiểu thuyết tân lịch sử của Cao lương đỏ
  • 45. 39 nên sắc thái của cuộc chiến tranh trong Đàn hương hình do Tôn Bính đã tập hợp nhân dân đứng lên chống quân Đức xâm lược mang màu sắc dân gian. Uất ức việc giặc Đức giết chết vợ và hai con cùng những người dân Mã Tang vô tội nên Tôn Bính đã đi học Nghĩa Hòa Quyền ở Tào Châu phủ, đưa về các viện binh, diệt giặc Tây Dương để cứu chúng sinh, chấn hưng Trung Hoa. Cuộc chiến tranh chống giặc của Tôn Bính là cuộc chiến không cân sức. Nghĩa Hòa Quyền do Tôn Bính lãnh đạo mang đầy màu sắc dân gian và đậm chất huyền thoại. Để chống lại lực lượng hàng nghìn tân binh của Viên Thế Khải cùng với những khẩu mode và tàu to, súng lớn của người Đức thì vũ khí nghĩa quân Tôn Bính với cây gỗ táo, gậy gộc, cuốc xẻng, binh sĩ là những người dân lao động không biết về nghệ thuật quân sự. Nghĩa quân Tôn Bính giống với các nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Chiểu chỉ biết côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó. Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó. Nhưng bù lại họ có những phép thuật siêu phàm, với những con người “mình đồng da sắt, đao súng không thể xuyên thủng, gươm giáo không dính thân" [22,tr.287]. Binh sĩ của ông lúc này là con người của thần linh, chứ không phải là những người phàm xác thịt. Họ được những nhân vật trong truyền thuyết như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới trợ giúp. Quân lệnh Tôn Bính có những điều lệ, ban ra với những cấm kị hết sức thiêng liêng và rất ngây thơ. Đó là việc nghiêm cấm quân sĩ trước khi ra trận "không được ngủ với vợ, nếu ngủ với vợ đạn sẽ không sợ, liên can đến tính mạng, khi ra trận mà ngủ với vợ bùa sẽ không thiêng” [22, tr.300] và yêu cầu trước khi tác chiến "phải ăn ngon chút đỉnh, bánh mì thì bánh mì trắng, trứng thì phải trứng tráng, đàn ông đi đánh giặc phải ăn bụng no căng”[ 22, tr 303]. Điều lệnh nghiêm cấm trong quân đội của ông không phải là trật tự đội hình,
  • 46. 40 đội ngũ, hay quân lệnh như sơn, hoặc những kế hoạch tác chiến mà điều lệnh chỉ ở những niềm tin hoang đường. Ông cho lập đàn thần cầu cứu các vị thần trong truyền thuyết và trong lịch sử, trong dân gian như Nhạc Phi, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... về phù hộ nghĩa quân. Tất cả nghĩa quân không chỉ cầu cứu những vị anh hùng trong truyền thuyết mà những người học Nghĩa Hòa Quyền họ sẽ được uống một loại bùa, có phép màu thần kì sẽ tránh được đạn. Thông thường khi đối diện với quân giặc binh sĩ phải trang bị bằng áo giáp sắt để chống gươm, tránh đạn còn Tôn Bính thì mặc áo bào trắng, đầu đội mũ ngân khôi, trên mũ gắn hai chiếc lông chim dùng cho diễn kịch, tay cầm gậy gỗ táo. Đó không phải là hình ảnh của một chủ soái chỉ huy chiến trận, hình ảnh chủ soái Tôn Bính mang tính chất khôi hài giống như một kép hát trên sân khấu, ông cỡi con ngựa màu táo chín, hai chân sau của ngựa bị trụi một vệt lông vì dây kéo miết vào, chỗ da trụi có màu đen. Cặp mông gầy giơ xương bám nhoe nhoét phân lỏng... Đây là con ngựa kéo cày chở phân ra đồng, con ngựa già chốc chốc lại ỉa phân lỏng... nay trở thành ngựa chiến của Nhạc nguyên soái. Cuộc khởi nghĩa hết sức buồn cười của vị Nhạc nguyên soái với sự chuẩn bị cho cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, chưa ra trận đã thấy được sự thất bại. Hình ảnh chủ soái Tôn Bính giống hiệp sĩ Donkihote với áo giáp, khiên, mũ… của ông tổ bốn đời để lại, ngồi trên con ngựa gầy còm trên đường làm hiệp sĩ giang hồ phò nguy cứu khổ cho thiên hạ. Khi đánh nhau trực diện với quân thù đội quân của Tôn Bính giống như mấy trò lăng nhăng quen thuộc trên sân khấu ở nông thôn. Đánh với quan huyện Tiền Đinh ông dùng "máu chó đổ đầy đầu, đầy mặt từ phía sau, tiếp theo là phân người" [22, tr.438] làm cho quan huyện một phen kinh tởm. Kĩ thuật đánh giặc của Tôn Bính giống như những trò chơi đánh trận của trẻ con. Khi gặp Caclot trao trả con tin "Tôn Bính vẫn mặc trang phục sân khấu rách