SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  217
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ THỊ THANH XUÂN
TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK
TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN
Hà Nội - 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ THỊ THANH XUÂN
TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK
TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Ngành: Văn hóa dân gian
Mã số: 9 22 9041
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN
Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Ngô Đức Thịnh
2. PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương
Hà Nội - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu đã sử dụng trong luận án là trung thực. Những
kết luận nêu trong luận án chưa được công bố ở bất kỳ công
trình khoa học nào.
Tác giả luận án
Lê Thị Thanh Xuân
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận án “Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk
trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên” là một hành
trình dài của sự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi không ngừng. Tôi xin bày tỏ sự biết
ơn đến các cá nhân và tập thể sau:
Trước tiên, tôi xin tri ân sâu sắc đến hai giáo viên hướng dẫn của tôi là
GS.TS. Ngô Đức Thịnh và PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương. GS.TS Ngô Đức Thịnh
là người đã hướng dẫn tôi thực hiện Luận văn thạc sỹ, sau đó không quản ngại tiếp
tục nhận hướng dẫn tôi làm Luận án tiến sỹ. Hai giáo viên hướng dẫn đã đóng góp
những ý kiến quan trọng trong lúc thực hiện và hoàn thành luận án.
Cảm ơn tập thể các nhà khoa học đã và đang công tác tại Viện Nghiên cứu
Văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa Văn hóa học-Học
viện Khoa học Xã hội luôn tận tình hỗ trợ tôi về mặt học thuật, phương pháp nghiên
cứu trong suốt thời gian tôi theo học Thạc sỹ và làm nghiên cứu sinh.
Các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các cơ quan đã có những ý kiến
đóng góp xác đáng cho cho bản dự thảo luận án để tôi có thể bổ sung, hoàn thiện
luận án.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, trường Trung cấp sư phạm Mầm
non Đắk Lắk đã tạo mọi điều kiện để tôi có thể theo đuổi và hoàn thành chương
trình nghiên cứu sinh.
Đặc biệt, tôi không thể hoàn thành luận án nếu thiếu sự cộng tác, giúp đỡ của
các già làng, bà con, họ hàng ở các bon làng của người Mnông; cán bộ của các thôn,
các xã và lãnh đạo UBND huyện Lắk, các sở ban ngành của tỉnh Đắk Lắk.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người bạn, những người đồng
nghiệp đã luôn động viên, hỗ trợ để tôi có thêm động lực tiếp tục nghiên cứu. Và
đặc biệt, tôi cảm ơn sâu sắc đến gia đình tôi, nhất là bố mẹ tôi đã luôn ở bên, tạo
điều kiện về thời gian, là chỗ dựa về mặt tinh thần và vật chất để tôi có thể đi trọn
con đường nghiên cứu của mình.
Tôi vô cùng cảm kích và một lần nữa bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất đối với
tất cả!
Hà Nội, tháng 2 năm 2019
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU....................................................................................................................1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU .......................................................10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu........................................................................10
1.2. Cơ sở lý thuyết...................................................................................................23
1.3. Khái quát địa bàn nghiên cứu ............................................................................37
Chương 2: TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK,
TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG.................50
2.1. Nhận thức luận/Thế giới quan của người Mnông về tự nhiên...........................50
2.2. Luật tục với việc quản lý xã hội và bảo vệ đất rừng..........................................55
2.3. Kỹ thuật canh tác phù hợp với môi trường sinh thái .........................................80
2.4. Nghi lễ củng cố niềm tin, sự tôn trọng đối với tự nhiên....................................85
Chương 3: TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK,
TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NƯỚC ..........................96
3.1. Vai trò của nước trong đời sống của người Mnông...........................................96
3.2. Xác lập quyền sở hữu nguồn nước ..................................................................100
3.3. Vai trò chỉ huy của “Rnoh Rnut” trong việc hướng dẫn dân làng chặn dòng
bắt cá tập thể ...........................................................................................................101
3.4. Tri thức bản địa trong bảo vệ nguồn nước.......................................................102
3.5. Một số nghi lễ liên quan đến nguồn nước........................................................108
Chương 4: NGUYÊN NHÂN SỰ BIẾN ĐỔI, CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA
NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK.....................................112
4.1. Sự biến đổi của tri thức bản địa về quản lý, sử dụng đất rừng và nước ..........112
4.2. Các nhân tố tác động đến sự biến đổi của tri thức bản địa của người Mnông.130
4.3. Những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tri thức bản địa
trong bối cảnh hiện nay...........................................................................................137
KẾT LUẬN............................................................................................................142
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .........................................................................145
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................146
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
CP: Chính phủ
DL: Dương lịch
DTTS: Dân tộc thiểu số
Ha: Hecta
Kg: Kilô gram
KH: Kế hoạch
KHKT: Khoa học kỹ thuật
NCS: Nghiên cứu sinh
NQ: Nghị quyết
PCCR: Phòng chống cháy rừng
PL: Phật lịch
Pl: Phụ lục
PTBV: Phát triển bền vững
QLBVR: Quản lý bảo vệ rừng
Sđd: Sách đã dẫn
TW: Trung ương
UBND: Ủy ban nhân dân
DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ
Bảng 2.1: Phân loại đất trong canh tác lúa rẫy ................................................65
Bảng 2.2: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Gar ở xã Krông Nô).............72
Bảng 2.3: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Rlâm ở buôn Lê)..................72
Bảng 2.4: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Gar ở bon Ji Yôk)................73
Bảng 4.1: Mục đích khai thác lâm sản của người Mnông.............................124
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Huyện Lắk tọa lạc phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, vốn là vùng đất được
thiên nhiên ưu đãi khi ban tặng dãy núi Chư Yang Sin, rừng Nam Ka hùng vĩ, hồ
Lắk thơ mộng như tấm gương lớn cho những ngọn núi duyên dáng nghiêng mình
soi bóng. Từ chính không gian hiền hòa và thơ mộng ấy, người Mnông đã tích lũy
cho mình tri thức về môi trường sinh thái mang đặc trưng văn hóa tộc người. Chính
nhờ tri thức ấy mà rừng đầu nguồn được bảo vệ, quan hệ cộng đồng được cố kết,
các thực hành văn hóa luôn hướng đến việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững của
cộng đồng “chỉ lấy từ rừng đủ dùng, không hề lãng phí” [45].
Người Mnông là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên Cao nguyên
Đắk Lắk. “Chúng tôi ăn rừng” là cách mà người Mnông nói về hoạt động canh tác
lúa rẫy của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người Mnông chọn động từ “ăn” để
nói về cách mà họ canh tác trên các khoảnh rừng, cách mà họ lấy các sản vật từ
rừng để duy trì sự sống. Vì rừng chính là nơi họ sinh ra, là nơi họ kiếm sống, rừng
cũng là nơi chở che mọi tai họa và đưa họ về với tổ tiên. Đất và làng cũng được cắt
ra từ rừng. Sự linh thiêng, huyền bí, dồi dào về nguồn sống của rừng đã tạo nên
“văn hóa rừng”. Hay nói đúng hơn, rừng chính là môi trường góp phần tạo nên tri
thức bản địa và văn hóa của người Mnông.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh xã hội chuyển đổi, đời sống của người
Mnông đang hàng ngày, hàng giờ đối diện với rất nhiều thách thức như: sự tác động
của nền kinh tế thị trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; suy giảm nguồn tài
nguyên rừng và sự thay đổi quyền quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên; áp lực
về tăng dân số cơ học dẫn đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất trở thành vấn đề cấp
thiết đối chính quyền địa phương và người dân địa phương; sự giao lưu, tiếp biến
về văn hóa, sự thâm nhập của tôn giáo mới…đã làm cho kho tàng tri thức bản
địa và văn hóa tộc người dần mai một và nhiều tri thức đã ra đi mãi mãi; điều
này đã tác động sâu sắc đến mối quan hệ sinh thái hài hòa giữa con người và tự
nhiên, tổn hại đến môi trường.
Bên cạnh những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với tri thức bản địa được đề cập ở
trên, dưới góc độ lý luận về tri thức bản địa, cho thấy, ở Việt Nam, nghiên cứu về tri
thức bản địa đã được chú ý từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX và ngày càng có nhiều
nghiên cứu quan tâm đề cập đến vai trò của tri thức này, nhất là trong khía cạnh
2
quản lý môi trường. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt
Nam bị ảnh hưởng bởi mục đích nghiên cứu phục vụ cho điều tra, sưu tầm, tìm hiểu
văn hóa các dân tộc thiểu số dưới góc độ dân tộc học, hoặc chỉ lựa chọn những vấn
đề phù hợp với mục đích của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, dự án phát triển
kinh tế, xã hội, phục vụ cho việc xây dựng chính sách về quản lý và bảo vệ tài
nguyên…nên tiếp cận khái niệm tri thức bản địa như một bản chất ít thay đổi, tập
trung trên một số khía cạnh như: gọi tên và phân loại động thực vật, quản lý tài
nguyên thiên nhiên qua luật tục, sưu tầm, tìm hiểu phong tục tập quán, sưu tầm luật
tục, văn học dân gian…Thế giới nhận thức luận chưa được quan tâm đúng mức,
trong khi chính thế giới quan là yếu tố có sự ảnh hưởng, chi phối toàn bộ các thực
hành văn hóa của cộng đồng. Chính vì cách tiếp cận tri thức bản địa như trên, các
nhà nghiên cứu ở Việt Nam ít quan tâm đến mối tương tác giữa yếu tố kỹ thuật và
phi kỹ thuật hay nói cách khác ít quan tâm mối quan hệ giữa tri thức bản địa và các
thành tố khác của văn hóa. Thậm chí, vẫn còn những nghiên cứu xem tri thức bản
địa là những phong tục tập quán lạc hậu cần loại bỏ…chính cách hiểu về tri thức
bản địa như trên đã bỏ qua việc nhìn nhận tri thức này trong mối quan hệ qua lại với
thế giới quan, vũ trụ quan, với vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, dẫn đến việc xây dựng
một số chính sách về văn hóa, về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số chưa chú ý đến vai trò của tri thức bản địa trong đời sống văn hóa của cộng
đồng. Trong khi các nhà nhân học hiện nay xem “tri thức bản địa cần phải được
hiểu như một hệ thống hoặc thế giới quan hoàn chỉnh gồm cả hiểu biết về tôn giáo,
tín ngưỡng, lễ nghi và các khía cạnh của tri thức bản địa” [70, tr.1].
Qua nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông về quản lý các nguồn tài
nguyên đất, rừng và nguồn nước, luận án sẽ tìm hiểu cách mà người Mnông sử dụng
vũ trụ quan của sự hòa hợp nhằm thể hiện sự tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thần linh
như thế nào? Trong luận án này, tri thức bản địa sẽ được nhìn nhận trong mối liên
hệ với bối cảnh văn hóa của người Mnông nói chung và trong sự mai một của hệ
thống tri thức này nói riêng; bổ khuyết cách hiểu, cách tiếp cận tri thức bản địa còn
nhiều khoảng trống ở Việt Nam. Trên cơ sở nhìn nhận tri thức bản địa là một chỉnh
thể nguyên hợp, không tách rời các thành tố cấu thành tri thức này, không tách rời
yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, quan tâm đến cơ sở hình thành của tri thức bản địa,
tìm hiểu tác động của nhận thức luận đến sinh kế bền vững của tộc người Mnông.
Tìm hiểu hệ thống tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
3
giúp chúng ta hiểu biết hơn về kho tàng văn hóa của đồng bào Mnông, hiểu biết hơn
về cách mà họ ứng xử với môi trường tự nhiên để bàn luận về vai trò của tri thức
bản địa trong đời sống văn hóa tộc người và những vấn đề đặt ra khi kho tàng tri
thức này bị mai một và dần biến mất.
Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của tri thức bản địa đối với văn hóa một tộc
người và sự phát triển bền vững nên tôi chọn đề tài “Tri thức bản địa của người Mnông ở
huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên” để làm Luận
án Tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa dân gian.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Mục đích nghiên cứu của luận án là thông qua việc giới thiệu một cách hệ
thống và toàn diện về tri thức bản địa của người Mnông góp phần làm sáng tỏ đặc
trưng văn hoá của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời nhìn ra quá
trình vận động của kho tàng tri thức bản địa của người Mnông trong bối cảnh xã hội
chuyển đổi hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhận diện một cách hệ thống kho tàng tri thức bản địa Mnông ở huyện Lắk,
tỉnh Đắk Lắk về quản lý và sử dụng tài nguyên.
Chỉ ra quá trình biến đổi và các nhân tố gây biến đổi tri thức bản địa của
người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk từ sau 1975 đến nay.
Bàn luận về những vấn đề đặt ra liên quan đến tri thức bản địa và sự biến đổi
tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh xã hội
chuyển đổi hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là kho tàng tri thức bản địa liên quan tới
quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người Mnông tại huyện Lắk, tỉnh
Đắk Lắk.
3.2. Phạm vi vấn đề nghiên cứu
Tri thức bản địa là một vấn đề rất rộng song, trong luận án này chúng tôi chỉ
tập trung nghiên cứu sâu tri thức bản địa trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên
nhiên bao gồm đất rừng, nguồn nước trên các khía cạnh: xem xét sự phù hợp của kỹ
thuật canh tác với môi trường sinh thái; tập trung nhìn nhận cách quản lý, phân phối
4
tài nguyên qua các thiết chế (luật tục, kiêng kị) với vai trò là bà đỡ cho việc bảo vệ
tài nguyên. Đề tài đặc biệt quan tâm đến nhận thức luận của người Mnông đối với
tài nguyên thiên nhiên thông qua thế giới quan, tín ngưỡng và nghi lễ. Trên cơ sở
đó, chúng tôi xem xét những nguyên nhân, các chiều tác động làm biến đổi tri thức
bản địa. Đặc biệt quan tâm đến chiều tác động của chính sách nhà nước đối với
truyền thống quản lý tài nguyên đất rừng và nguồn nước, nên các văn bản của nhà
nước cũng được tiếp cận giới hạn trong phạm vi những nội dung liên quan đến
quyền sở hữu và quản lý tài nguyên.
3.3. Phạm vi địa bàn nghiên cứu
Huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk là địa bàn khảo sát chính của chúng tôi vì đây
là nơi sinh sống lâu đời của người Mnông với dân số chiếm 63 % dân số toàn
huyện. Nơi đây có địa hình cảnh quan đồi núi xen lẫn các vùng trũng tạo nên sự đa
dạng về địa hình, do đó tri thức bản địa của các nhóm Mnông cũng chịu ảnh hưởng
của môi trường sinh thái nên có những đặc trưng khác nhau. Nhóm Gar cư trú trên
núi cao nổi tiếng với việc “ăn rừng”, nhóm Rlâm cư trú tại các vùng trũng lại thuần
thục với việc sử dụng đàn trâu vào canh tác lúa nước. Hiện nay, không gian xã hội
của người Mnông đã bị tác động, thay đổi khá nhiều, rừng không còn là không gian
bao chiếm, diện tích ruộng lúa bị thu hẹp do tăng dân số và bố trí dân cư xen cài, sự
tiếp nhận kỹ thuật canh tác mới, các thiết chế văn hóa, xã hội thay đổi, du lịch trở
thành nguồn thu nhập cho một bộ phận người dân, sự tác động của chính sách đối
với tài nguyên, sự thâm nhập sâu của các tôn giáo mới…đã làm thay đổi tập quán
ứng xử của người Mnông đối với tài nguyên cũng như việc bảo lưu các yếu tố văn
hóa truyền thống. Trước bối cảnh không ngừng thay đổi và nhiều chiều tác động đối
với các làng của người Mnông, chúng tôi chọn 11 làng để khảo sát gồm:
Buôn Lê (uôn Dlei), buôn Jun (uôn Jun) (Thị trấn Liên Sơn) là làng của
nhóm Rlâm, cư trú ở vùng trũng ven hồ Lắk, canh tác lúa nước, hiện nay có một bộ
phận cư dân tham gia làm du lịch.
Bon Yuk La (xã Đắk Liêng) là làng cư trú trên núi cao, canh tác lúa rẫy,
chịu tác động của chính sách định canh định cư của Nhà nước đã chuyển cư
xuống vùng đất thấp ven thị trấn Lắk, chuyển sang canh tác lúa nước và trồng
các cây công nghiệp.
Bon Ba Yang, R’chai A, Phi Dih Ja (xã Krông Nô); bon Liêng Ké, bon
Tlông, bon Ji Yôk (xã Đắk Phơi), là các làng thuộc nhóm Gar, cư trú trên núi cao,
5
nổi bật với truyền thống quản lý đất rừng, canh tác lúa rẫy. Nhưng hiện nay, các
làng này cũng được sắp xếp xuống vùng đất bằng phẳng, các tôn giáo mới xâm
nhập, tác động khá mạnh đến đời sống tinh thần của một bộ phận người dân. Nhưng
về cơ bản, các làng này vẫn còn duy trì nhiều yếu tố văn hóa truyền thống.
Uôn Diêu (xã Bông Krang), uôn Dâng Băc (xã Yang Tao) là 02 làng của nhóm
Rlâm, canh tác lúa nước, chịu sự tác động mạnh của tôn giáo mới (Tin Lành, Công
giáo), phần lớn văn hóa truyền thống được chuyển đổi sang đức tin và làm theo lời
chúa, nghi thức tôn giáo thay cho các nghi lễ truyền thống. Sự chuyển đổi diễn ra mạnh
mẽ ở các làng có cư dân tin theo đạo Tin Lành.
Để nghiên cứu có thêm tính thuyết phục, chúng tôi còn tiến hành điền dã tại
xã Đắk Rung, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông); xã Đăm Rông, huyện Đăm Rông
(tỉnh Lâm Đồng), qua đó, có sự so sánh những tương đồng và dị biệt về tri thức bản
địa giữa các nhóm Mnông ở những địa phương khác nhau.
3.3. Phạm vi thời gian nghiên cứu
Luận án nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk
Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong tiến trình
phát triển xã hội tộc người; nghĩa là các tri thức bản địa đã và đang tồn tại trong
nhận thức của cộng đồng người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Phạm vi thời gian được trình bày làm hai giai đoạn, từ 1945 đến 1985 và từ
1986 đến nay. Vì từ 1945, ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (chất độc hóa học làm ô nhiễm nguồn nước, tàn phá
rừng, dồn dân lập đồn điền, lập ấp chiến lược…) thì về cơ bản, quyền sở hữu tài
nguyên vẫn thuộc về cộng đồng, nhóm họ, các cá nhân tiến hành khai thác, sử dụng
tài nguyên theo sự phân phối của những người được cộng đồng tôn phong trong
làng, trong rừng. Người Mnông vẫn duy trì tập quán canh tác lúa rẫy và lúa nước
theo đúng truyền thống. Diện tích rừng và độ che phủ rừng đảm bảo cho cộng đồng
thực hiện quyền sở hữu và canh tác theo lối luân khoảnh khép kín. Ở giai đoạn này,
chúng tôi tập trung vào việc nhận diện những đặc trưng của tri thức bản địa của
người Mnông trong quản lý và sử dụng tài nguyên đất rừng và nguồn nước theo
truyền thống. Giai đoạn từ 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước đã triển khai các chương
trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên. Ở huyện Lắk, các nông lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp được thành
lập, diện tích đất khai hoang được mở rộng đã hình thành nên cánh đồng lúa buôn
6
Tría, buôn Triết rộng lớn; chủ trương di dân từ các tỉnh đồng bằng và duyên hải
miền Trung lên phát triển kinh tế đã đặt ra yêu cầu phân bố lại địa bàn cư trú của
người Mnông trên cơ sở vận động bà con bỏ tập quán du canh du cư, hình thành các
bon làng định canh, định cư dọc các con đường quốc lộ và nội huyện. Bên cạnh đó,
sự tác động của nền kinh tế thị trường và nhiều yếu tố khác (tôn giáo, giao lưu văn
hóa, phương tiện truyền thông, khoa học kỹ thuật…) đã tác động trực tiếp và mạnh
mẽ đến nguồn tài nguyên, đây có thể xem là giai đoạn đánh dấu nhiều sự thay đổi
trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người Mnông.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện dựa trên hai nguồn tư liệu cơ bản: thứ nhất là nguồn
tài liệu đã được công bố, thứ hai là nguồn tư liệu do chính NCS thu thập từ thực tế
điền dã tại các địa bàn đã nêu.
Đối với nguồn dữ liệu thứ nhất, NCS thu thập nguồn tư liệu thứ cấp, đọc, xử
lý, phân tích và hệ thống lại những kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nội dung
đề tài, bao gồm các sách, các đề tài, dự án viết về chủ đề tri thức bản địa, về người
Mnông, về huyện Lắk… Nghiên cứu của chúng tôi tập trung tiếp cận vấn đề trên
tính chỉnh thể nguyên hợp trong nghiên cứu văn hóa dân gian, kế thừa sâu sắc quan
điểm tiếp cận “không gian xã hội” của người Mnông và các thông tin được mô tả
trong công trình nghiên cứu về người Mnông của Georges Condominas (Chúng tôi
ăn rừng, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Kỳ lạ mỗi ngày). Cùng với đó là
việc thu thập các tài liệu thống kê, báo cáo liên quan từ cơ quan trung ương đến địa
phương tỉnh, huyện, xã. Có thể nói, đây là những tài liệu hết sức quan trọng, cấu
thành nền tảng cơ sở lý luận của luận án.
Nguồn dữ liệu thứ hai được triển khai bởi các phương pháp nghiên cứu trên
thực địa, đây là phương pháp chủ đạo để thu thập nguồn tư liệu chính và quan trọng
nhất của luận án. Cụ thể là:
Phỏng vấn sâu cán bộ địa phương cấp huyện, xã (lãnh đạo Ủy ban nhân dân,
lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Tài nguyên-Môi trường, Chi cục Kiểm lâm,
Phòng Nông nghiệp, Phòng Dân tộc, Phòng Văn hóa thông tin, các cán bộ đoàn thể
như Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ…), người dân địa phương nhằm
thu thập ý kiến về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hoá.
7
Phỏng vấn hồi cố, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối với đối tượng là các
già làng, trưởng buôn, trưởng thôn, những người am hiểu (trên 60 tuổi), đại diện các
hộ gia đình người Mnông (nhất là các hộ gia đình trẻ, thanh niên Mnông có độ tuổi
từ 18 đến 40 tuổi) để thu thập thông tin về văn hóa truyền thống, về tri thức bản địa,
về lịch sử và quá trình phát triển của cộng đồng làng. Trên cơ sở cách tiếp cận lịch
đại, tác giả sẽ liệt kê, mô tả quá trình hình thành huyện Lắk, nguồn gốc về người
Mnông, điều kiện tự nhiên, bối cảnh văn hóa xã hội (các quy định về quản lý và sử
dụng tài nguyên đất rừng và nguồn nước, sinh kế truyền thống, tổ chức kinh tế xã hội,
sự thay đổi về quan niệm, cách thực hành văn hóa cũng như các chiều tác động đối với
văn hóa và tri thức bản địa về quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước)…
Tri thức bản địa là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn liền
với văn hóa của cộng đồng, do vậy, nhận thức, lý giải tri thức bản địa phải gắn liền
với môi trường hình thành tri thức ấy. Áp dụng phương pháp “chân trần trong bùn”
của Jacques Dournes trong nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên,
tác giả luận án sử dụng triệt để phương pháp quan sát, chụp ảnh cộng đồng làng,
cùng tham dự các sinh hoạt, các nghi lễ, thực hành canh tác… nhằm tái hiện các dữ
liệu trong phần trình bày nội dung chương 2 và chương 3 của luận án. Với lợi thế,
tác giả luận án là người Mnông nên trong quá trình sinh sống cũng như trong quá
trình điền dã đã có dịp quan sát, tham dự, chụp ảnh nhiều hoạt động trong phạm vi
gia đình và cộng đồng làng. Đây là những tư liệu sinh động, giúp cho tư liệu của
luận án có độ tin cậy cao, hạn chế tối đa ảnh hưởng bởi sự có mặt của người ngoài
cộng đồng trong quá trình thu thập dữ liệu.
Phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh đồng đại và lịch đại trong khoa học
xã hội cũng được thực hiện để nhìn nhận các số liệu, sự kiện trong mối quan hệ vốn
có với nhau theo thời gian và không gian để đảm bảo những phân tích đánh giá
trong luận án là khách quan và trung thực.
Phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp nhằm làm rõ đặc trưng của tri
thức bản địa của người Mnông với tri thức bản địa các tộc người khác trong khu vực.
Phương pháp liên ngành là sự kết hợp giữa nghiên cứu dân tộc học, văn hoá
học với phương pháp của ngành lịch sử, tôn giáo học và xã hội học. Bởi vì, văn hóa
dân gian Việt Nam nói chung là tổng thể mọi sáng tạo nên không có cách nào hiệu
quả hơn là cách tiếp cận liên ngành, từ ngả đường lịch đại và đồng đại-nghĩa là cả
về diễn trình lịch sử và cấu trúc [142, tr.575-577].
8
Phương pháp chuyên gia được thực hiện nhằm tranh thủ ý kiến tham vấn của
các chuyên gia ở địa phương và ở Hà Nội đối với chủ đề nghiên cứu. Những hiểu
biết, kinh nghiệm của các chuyên gia thật sự hữu ích đối với quá trình thực hiện
luận án: giúp định hướng cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu; góp ý cho việc xây dựng
cấu trúc luận án đảm bảo tính logic; cung cấp, bổ sung tư liệu…giúp nghiên cứu
được toàn diện và sâu sắc hơn.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Góp phần làm phong phú thêm những vấn đề lý thuyết và khái niệm liên quan
đến tri thức bản địa của người Mnông nói riêng và cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khơ
me nói chung.
Nhận diện kho tàng tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk để từ đó
làm sáng tỏ một số đặc trưng và giá trị văn hoá xã hội của tri thức bản địa người
Mnông, những sự biến đổi, những chiều tương tác cũng như những nhân tố tác động
đến hệ thống tri thức bản địa của người Mnông và những vấn đề đặt ra từ đó.
Cung cấp nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho chủ đề nghiên cứu về tri thức
bản địa, về người Mnông, về Tây Nguyên, giúp ích cho công tác nghiên cứu, giảng
dạy và cả hoạch định chính sách.
Chỉ ra những vấn đề cấp bách, những thách thức đặt ra từ sự biến đổi nhanh
chóng theo chiều hướng thiếu tích cực của tri thức bản địa của người Mnông hiện
nay và kết nối với vấn đề phát triển bền vững Tây Nguyên.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Dưới góc độ văn hóa dân gian, luận án góp phần nhìn nhận tri thức bản địa
của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên đất rừng và
nguồn nước dựa trên tính chỉnh thể nguyên hợp, không tách rời các thành tố cấu
thành tri thức bản địa, không tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, xác định
nhận thức luận đóng vai trò quyết định, chi phối hành vi ứng xử giữa con người với
tự nhiên.
Bổ sung các luận điểm khẳng định vai trò, giá trị của tri thức bản địa trong
quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước, là cơ sở để cộng đồng và các cơ quan
quản lý nhà nước quản lý và bảo vệ tài nguyên một cách bền vững, góp phần bảo
tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian. Nghiên cứu còn góp phần khẳng
định sự phù hợp của cách tiếp cận tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc có sự
9
tham gia của cộng đồng, kết hợp giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học trong
phát triển bền vững.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án chỉ ra những vấn đề cần tập trung chú ý đối với tri thức bản địa như:
những biểu hiện của tri thức bản địa về quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước
thông qua các nguyên tắc xác định ranh giới đất rừng và nguồn nước, cử người phân
phối tài nguyên, việc điều hòa nhu cầu sử dụng tài nguyên, quan niệm, tín ngưỡng,
nghi lễ, luật tục, kiêng kị, sáng tạo văn nghệ dân gian...
Cung cấp cơ sở cho việc phân tích, đánh giá hệ thống chính sách liên quan
đến việc quản lý và bảo vệ tài nguyên, qua đó chỉ ra hạn chế của việc xây dựng một
số chính sách đã bỏ qua sự tham vấn ý kiến của người dân địa phương, chưa xem
xét, tôn trọng và vận dụng hợp lý các khía cạnh của tri thức bản địa vào việc quản
trị tài nguyên ở cấp cộng đồng. Chính điều này đã dẫn tới sự xung đột giữa chính
sách của nhà nước với truyền thống quản lý tài nguyên của cộng đồng, giữa cơ quan
quản lý nhà nước ở địa phương và người dân; giữa người dân thuộc các cộng đồng
khác nhau.
Luận án cũng góp phần làm giàu các nghiên cứu vận dụng tri thức tộc người
vào việc xây dựng chuẩn mực hành vi của cộng đồng và cả xã hội trước thực trạng ô
nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên nghiêm trọng như hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được chia
làm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát địa
bàn nghiên cứu.
Chương 2: Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
trong quản lý, sử dụng đất rừng.
Chương 3: Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
trong quản lý, sử dụng nguồn nước.
Chương 4: Nguyên nhân sự biến đổi, các chiều tương tác và những vấn đề
đặt ra đối với tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
10
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu về tri thức bản địa trên thế giới
Ở phương Tây, thường cho rằng không có cái gọi là tri thức bản địa theo
nghĩa tri thức “dân gian” đã từng tồn tại và biến mất, và theo một cách nào đó khoa
học và công nghệ trở thành tri thức bản địa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho
chúng ta thấy ngay từ thời trung cổ và giai đoạn đầu của thời hiện đại, các kinh
nghiệm cộng đồng, truyền thống truyền miệng, kinh nghiệm cá nhân và quyền hạn
có được thông qua học hỏi hình thành nên tri thức “cô đọng” hay “sự thông thái
được truyền giao” được sắp xếp thành những tri thức chuyên biệt, đặc biệt là tri
thức y học [82, tr.8]. Từ thế kỷ 16 trở đi, tri thức dân gian Châu Âu kết hợp với y
học có nguồn gốc Châu Á và Châu Mỹ. Chính sự vô danh này đã giúp xác định
được những hoạt động mang tính khoa học mới nổi, đối nghịch với tri thức dân
gian. Về mặt phương pháp luận, tri thức khoa học vẫn tiếp tục tận dụng những tri
thức dân gian có tính thực tiễn [Sđd, tr.9]. Trong suốt thế kỷ 17, 18, tri thức khoa
học của thế giới tự nhiên được tạo ra, tiếp tục tiếp thu những tri thức dân gian địa
phương tồn tại trước đó. Một phần tri thức dân gian còn sót lại vào cuối thế kỷ 20
trở thành đối tượng của việc phục hưng hóa. Phần còn lại tiếp tục tồn tại như những
tri thức ẩn cần thiết cho việc tạo ra những cuốn sách và lý thuyết và tiếp tục thể hiện
sự gắn kết thực tiễn của những người thợ thường dân, “tri thức dân gian đã bị hệ
thống hóa thành tri thức khoa học” [Sđd, tr.10].
Những năm1960-1970 của thế kỷ XX, tri thức bản địa bị xem nhẹ, bị bỏ qua
và đánh giá thấp. Tri thức bản địa không chỉ bị đánh giá thấp bởi những nhà quản lý
có trình độ được đào tạo theo phương Tây về những tiềm năng ứng dụng thực tiễn
của nó. Thậm chí, khi tri thức bản địa được dùng hiển nhiên, thì công lao của những
người đưa nó đến với khoa học vẫn bị lờ đi [Sđd, tr.16]. Mặc dù tri thức bản địa bị
ngoài lề hóa như trên nhưng ngay từ giữa thế kỷ 19, quá trình này bị xem xét lại.
Nguyên nhân tri thức bản địa được xem xét lại là do sự bất lực của khoa học và
công nghệ phương Tây trong giải thích thế giới tự nhiên, trong khi người dân bản
địa lại sống hài hòa với thế giới tự nhiên, họ được xem như những nhà sinh thái học
11
thực sự với những hiểu biết sâu sắc về môi trường, những quan niệm, niềm tin và
cách bảo vệ nguồn tài nguyên [Sđd, tr.17]. Tuy nhiên, sự nóng lòng của các nhà
nhân học và các chuyên gia phát triển muốn giúp tri thức bản địa được chấp nhận đã
đẩy tri thức bản địa đến chỗ giải bối cảnh mà ở đó tri thức được hình thành và gắn
chặt, bị biến thành “giải pháp hóa toàn cầu và khái quát hóa”, tri thức bản địa bị mã
hóa và lưu giữ, phổ biến như tri thức khoa học; bị đẩy xa hơn, tri thức bản địa trở
thành một khái niệm vụ lợi và phi cá nhân, cụ thể và bối cảnh [Sđd, tr.26-28].
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trong những năm gần đây có rất nhiều bài viết mang
tính học thuật về tri thức bản địa. Những nghiên cứu này tập trung vào các khía
cạnh khác nhau của tri thức bản địa, từ tri thức về sinh thái áp dụng cho bảo tồn tài
nguyên, cho đến các hệ thống phân loại đất, tri thức về thiên văn học và vũ trụ học,
cho đến lập bản đồ địa lý và đặt tên cho vùng đất. Danh sách các chủ đề có thể dành
cho các nghiên cứu về tri thức bản địa là vô tận [71, tr.2].
Aru Agrawal đặt vấn đề mức độ thích hợp của một thuật ngữ mang tính bao
trùm “tri thức bản địa” bằng cách nêu bật một điểm tương đồng chính mà có vẻ ứng
với nhiều tri thức bản địa khác nhau. Scott tranh luận rằng khái niệm “tri thức bản
địa” được thay thế tốt hơn với các khái niệm như “tri thức địa phương”. Roy Ellen
nỗ lực đưa ra 10 đặc tính chung của tri thức bản địa trong đó nhấn mạnh tính địa
phương, tính chỉnh thể không thể tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, giữa
lý trí và phi lý trí và những tri thức này thường nằm trong các truyền thống văn hóa
rộng lớn hơn. Trong khi đó các nhà nhân học như Posey cũng tham gia tranh luận
làm thế nào để phân loại, bảo tồn tri thức bản địa, làm thế nào để tích hợp tri thức
này vào các dự án và chính sách phát triển. Trong khi đó, Strang thì cho rằng “nhân
học về bản chất là đối thoại và các lý thuyết và thực hành của nhân học cần được
coi là sản phẩm nhận thức luận của sự trao đổi đa văn hóa lâu dài và một sự tổng
hợp của các lý thuyết và các tri thức [dẫn theo 71, tr.4].
Năm 1997, một cuộc hội thảo với chủ đề “Tri thức bản địa về môi trường và
những biến đổi” đã được tổ chức tại trường Đại học Kent (Canterbury, Hoa Kỳ) với
mục đích nhằm thảo luận chuyên sâu về khái niệm “tri thức bản địa” bao gồm các
vấn đề: sự hình thành tri thức, cách thức vận hành nó trong thực tiễn xã hội và các
bước phát triển thăng trầm của nó. Từ đó, các nhà khoa học đánh giá một cách
khách quan và nghiêm túc về thực trạng nghiên cứu tri thức bản địa trong những
ngành khoa học khác nhau cả về phương diện thực tiễn và lý luận. Đồng thời đánh
12
giá lại vai trò của tri thức bản địa trong bối cảnh cụ thể [82, tr. 8]. Các ý kiến phê
bình “các nghiên cứu tri thức bản địa chỉ quan tâm đến phương pháp tiếp cận phân
loại và dân tộc học thực vật” đã góp phần nhìn nhận tri thức bản địa là một hệ thống
tri thức quy mô, tổng thể, có thể kể đến các nghiên cứu của Mokuku, Berkes và các
cộng sự, Stave và các cộng sự, Bollig và Schulte [dẫn theo 71, tr.6].
Qua các nghiên cứu trên, tình hình nghiên cứu tri thức bản địa ở nước ngoài
có nhiều quan điểm tiếp cận trái chiều, thậm chí có cả việc lạm dụng tri thức bản địa
cho mục đích chính trị hoặc phục vụ cho mục đích của các dự án phát triển kinh tế,
bảo tồn tài nguyên. Tuy nhiên, về cơ bản, hầu hết các nghiên cứu đều thừa nhận vai
trò của tri thức bản địa trong việc hình thành bản sắc văn hóa và sinh kế của cộng
đồng và đem đến cách tiếp cận mới với tri thức bản địa và đặt tri thức này trong
tổng thể, quan tâm đến vai trò của thế giới quan đối với hệ thống tri thức này.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu tri thức bản địa ở Việt Nam
1.1.2.1. Các nghiên cứu về tri thức bản địa nói chung và tri thức bản địa qua
các khía cạnh cụ thể
Ở Việt Nam, mối quan tâm, thiện cảm dành cho tri thức bản địa qua các
nghiên cứu ngày càng nhiều lên, hàng loạt hội thảo được tổ chức để khẳng định vai
trò, nêu lên tầm quan trọng của tri thức địa phương đối với vấn đề phát triển bền
vững miền núi. Trong đó, nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tri thức bản địa như là một
nhân tố cốt lõi để đưa vấn đề phát triển bền vững tộc người đến sự thành công.
Về chủ đề này, các tác giả Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Đình Sâm, Trần Hồng
Hạnh, Nguyễn Trường Giang, Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng tập trung nghiên cứu tri
thức dân gian của các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Thái, Mường. Ngô Văn Lệ và
các tác giả [53] đề cập đến tri thức bản địa trên các khía cạnh: hoạt động kinh tế,
sinh hoạt văn hóa-xã hội và vai trò của tri thức bản địa trong đời sống tộc người
thiểu số Đông Nam Bộ. Nguyễn Diệp Mai [61] tập trung vào hệ thống tri thức bản
địa của người Việt rừng U Minh Thượng trong ứng xử với môi trường tạo sự thích
ứng tối ưu trong cuộc sống của họ.
Trần Hồng Hạnh [33] đã tiến hành hệ thống, đánh giá khái niệm tri thức địa
phương của các nhà nghiên cứu trong ngoài nước để cho thấy bức tranh của tình
trạng sử dụng chồng chéo các khái niệm tri thức “bản địa”, “truyền thống” hay “địa
phương” là khá phổ biến, nỗ lực xác định quan niệm về tri thức bản địa của các nhà
nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất và chưa có một định nghĩa nào được toàn cầu
13
chấp nhận. Ngoài ra bài viết cũng đề cập đến vấn đề về mối quan hệ của tri thức địa
phương và cư dân địa phương, bối cảnh và sự phân loại tri thức bản địa. Không nên
đề cao hay đánh giá thấp tri thức hiện đại hay tri thức địa phương…Việc kết hợp
các kiến thức địa phương với các kiến thức kỹ thuật hiện đại là một giải pháp tốt,
cần thiết và thích đáng để đưa lại tính hiệu quả cao cho các dự án phát triển ở vùng
nông thôn và miền núi.
Dưới góc độ lý thuyết cấu trúc, Lê Sỹ Giáo [25] đề cập đến mối quan hệ hết
sức chặt chẽ và biện chứng giữa rừng và quyền kinh tế của người dân: Rừng còn thì
nguồn nước dồi dào, rừng mất thì nguồn nước cạn kiệt. Không có rừng, không có
nước thì cũng có nghĩa là không gian sinh tồn bị đe dọa. “Rừng không phải chỉ là
rừng. Rừng là không gian sinh tồn, là phương tiện đặc biệt để sinh sống. Rừng còn
là môi trường văn hóa”. Vì vậy, không gian sinh tồn và quyền hoạt động kinh tế
phải được xem xét một cách hết sức chu đáo, cả về mặt tự nhiên, cả về mặt xã hội
của nó, không kể đó là dân tại chỗ hay dân từ nơi khác đến. Nguyễn Duy Thụy
[109] hệ thống và đánh giá hiệu quả một số chính sách liên quan đến công tác quản
lý, quy hoạch và sử dụng ruộng đất ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tác giả cho rằng:
việc quản lí đất đai, quản lý kế hoạch sản xuất còn lỏng lẻo, Nhà nước chưa thực sự
kiểm soát được việc sử dụng đất, dẫn đến tình trạng mua bán, lấn chiếm, cấp đất trái
pháp luật diễn ra. Một số diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang đất xây dựng
không theo quy hoạch. Hệ quả tất yếu là hiện tượng tranh chấp đất đai nảy sinh và
diễn ra ngày càng phổ biến, căng thẳng. Mai Thanh Sơn [86] tập trung nghiên cứu
tác động của sự can thiệp từ bên ngoài và chính sách đất đai của Nhà nước đối với
người dân Tây Nguyên trên cơ sở lý thuyết “Ba điểm tựa và đa chiều tác động”. Mô
hình quản lý cộng đồng các nguồn tài nguyên dựa trên nguyên tắc hành động tập thể
được tác giả đề xuất như là một giải pháp hiệu quả nhằm dung hòa những cách tiếp
cận khác nhau về quyền sở hữu, cho phép quan tâm đến các vấn đề văn hóa-xã hội
của các nhóm đối tượng. Bùi Minh Đạo [21], [22], [23], [24] làm sáng tỏ thực trạng
tổ chức và hoạt động của buôn làng Tây Nguyên từ truyền thống đến nay đang đối
mặt với mâu thuẫn giữa sở hữu toàn dân với sở hữu tập thể buôn làng về đất rừng;
Tình trạng thiếu đất sản xuất; Mất rừng, suy giảm môi trường sống, mất nguồn sinh
kế truyền thống; Hệ thống chính trị cơ sở cấp buôn làng hoạt động kém hiệu quả;
Đứt gãy văn hóa và mai một, mất mát nhanh văn hóa; Ảnh hưởng tiêu cực đến lòng
dân Tây Nguyên và sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Mặc dù đánh giá cao
14
hiệu quả của việc quản lý và sử dụng đất rẫy của các dân tộc tại chỗ của Tây
Nguyên, nhưng tác giả cũng nhận xét những tri thức địa phương này chỉ tồn tại và
thích dụng trong điều kiện đất còn rộng, người còn thưa trước đây, còn hiện nay, tri
thức này đã mất dần dần cơ sở tồn tại và trở thành di sản do hệ quả của việc tăng
dân số tự nhiên và cơ học, do việc khai thác đất, rừng ồ ạt, do nhu cầu bảo vệ tài
nguyên và môi sinh trong điều kiện mới.
Trong những nghiên cứu tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số, đáng
chú ý là các nghiên cứu của một số nhà nhân học, tuy không trực tiếp đề cập đến tri
thức bản địa nhưng lại quan tâm nghiên cứu sự tác động của diễn ngôn, chính sách,
tri thức đối với văn hóa, sinh kế và tập quán địa phương trong quản lý môi trường
của người dân tộc thiểu số và về miền núi Việt Nam. Nhóm tác giả cuốn sách Diễn
ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hóa-sinh kế tộc người [10] đứng trên quan điểm
nhân học hiện đại, nhằm thể hiện sự tranh luận với các nghiên cứu tri thức bản địa
dưới quan điểm tiến hóa luận đơn tuyến, định kiến tộc người và hướng tới nghiên
cứu tri thức địa phương cần phải được hiểu như là một hệ thống hoặc thế giới quan
hoàn chỉnh. Các nền văn hóa sẽ được nghiên cứu theo chiều ngang, bằng và hướng
đến sự đa dạng và độc đáo của từng tộc người. Pamela McElwee [71] còn so sánh
giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học để từ đó nêu lên thực trạng nghiên cứu tri
thức bản địa tại Việt Nam “bị giới hạn chủ yếu ở phương pháp tiếp cận phân loại
hoặc liệt kê danh mục và những phương pháp này không nhận ra được sự đa dạng
và tính tổng thể của tri thức bản địa”. Christian Culas [13] đi sâu vào phân tích ảnh
hưởng của diễn ngôn đến các tri thức và tập quán nông nghiệp và quản lý rừng của
các dân tộc miền núi. Tuy có phần hơi tiêu cực khi đánh giá hệ thống chính sách
phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam nhưng bài viết cũng đã thể hiện góc nhìn của
tác giả đối với tình hình nghiên cứu và sự tác động của các nghiên cứu đối với tri
thức bản địa ở Việt Nam. Guérin Mathieu [62] đặt lại vấn đề nghiên cứu đối với
việc đốt rừng làm rẫy của các cư dân vùng cao và ông cho rằng đó là kỹ thuật canh
tác không hề lạc hậu và họ không phải là kẻ phá rừng như chúng ta từng nghĩ. Bài
viết cũng đã góp thêm tiếng nói khẳng định sự phù hợp của kỹ thuật canh tác nương
rẫy trên địa hình rừng núi Việt Nam.
Ngoài các công trình của các học giả, nghiên cứu về tri thức bản địa còn có sự
tham gia của các tổ chức, các dự án về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: Các tổ
chức phi chính phủ (NGO), Trung tâm nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường
15
(ISEE), Trung tâm nghiên cứu khoa học môi trường (CRES), Viện Khoa học lâm
nghiệp (FSI), Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) và Quỹ
Ford tài trợ về “Tri thức bản địa và việc phát triển nông nghiệp miền núi Việt
Nam”. Các dự án này nhằm tìm hiểu khối tri thức bản địa đa dạng đóng vai trò quan
trọng trong việc hướng dẫn các hoạt động nông nghiệp về chiến lược sinh tồn của
cộng đồng dân tộc thiểu số và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến bảo tồn và phát
triển tri thức bản địa [71, tr. 7, 8].
Hầu hết các dự án bảo tồn được nước ngoài tài trợ, triển khai trên các địa
phương miền núi chủ yếu nhằm vào việc nâng cao việc bảo vệ khu bảo tồn, do đó
góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào
rừng của các cộng đồng địa phương, khuyến khích các cộng đồng tôn trọng và
đóng góp vào việc bảo vệ khu bảo tồn nhưng lại bỏ qua nghiên cứu cụ thể về tri
thức bản địa liên quan đến sự hiểu biết, niềm tin, thần linh, nghi lễ, hoạt động
tôn giáo vốn tồn tại với môi trường và chi phối sâu sắc các thực hành của người
dân bản địa [71, tr. 13-14].
1.1.2.2. Các nghiên cứu về tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Việt
Nam trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Mặc dù nghiên cứu tri thức bản địa ngày càng tăng về số lượng và phạm vi đề
cập nhưng Pamela McElwee [71] lại nêu lên một thực trạng nghiên cứu tri thức bản
địa tại Việt Nam “bị giới hạn chủ yếu ở phương pháp tiếp cận phân loại hoặc liệt kê
danh mục và những phương pháp này không nhận ra được sự đa dạng và tính tổng
thể của tri thức bản địa”. Một trong những nghiên cứu chỉ quan tâm tiếp cận tri thức
bản địa dưới góc độ liệt kê, phân loại và giới thiệu kỹ thuật canh tác mà chúng ta có
thể kể đến đó là Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc [121], tác giả cuốn sách này dựa
vào khái niệm kiến thức kỹ thuật bản địa của Warren để giới hạn phạm vi đề cập
gồm: kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; kiến thức về quản lý rừng và tài nguyên
cộng đồng; kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe con người; kiến thức về tổ chức
cộng đồng và truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu… không đề cập các kiến thức
văn hóa như: âm nhạc, tín ngưỡng, đạo đức… Đỗ Đình Sâm, Trần Sỹ Hải, Nguyễn
Hữu Thành cũng chỉ quan tâm nghiên cứu về các hoạt động nông nghiệp hoặc các
giải pháp kỹ thuật địa phương [71].
Một số tác giả quan tâm nghiên cứu tập quán khai thác, quản lý, sử dụng tài
nguyên của một số tộc người cụ thể như: Lò Ngọc Biện [6] Nguyễn Ngọc Thanh
16
[88]…đã mô tả cách thực hành tri thức địa phương trên phương diện kỹ thuật và
thiết chế liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước
của người Mường ở một số huyện của tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Mặc dù các tác
giả có đề cập đến nhận thức về rừng gồm có hai chức năng: nuôi sống, điều hòa môi
trường sống cho con người và thông tin, giới thiệu một số nghi lễ, quy ước bảo vệ
rừng...nhưng nhìn chung, các tài liệu này vẫn tiếp tục cách tiếp cận mô tả, giới thiệu
sự thích ứng của người Mường đối với môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn tài
nguyên thiên nhiên. Nguyễn Thẩm Thu Hà [30] dựa trên thuyết nhân học sinh thái
và thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa để nghiên cứu tri thức địa phương của người
Sán Dìu ở Tuyên Quang trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tác giả tập
trung mô tả tri thức địa phương trong sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước
trên cơ sở đó đánh giá, phân tích những yếu tố tích cực và hạn chế của tri thức này.
Dương Tuấn Nghĩa [68] nghiên cứu tri thức dân gian của người Hà Nhì đen trong
khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển bền vững, tác giả có đề cập
đến cái thiêng, luật tục với vai trò là những yếu tố chi phối hoạt động khai thác và
góp phần bảo vệ rừng.
Một vài cách tiếp cận chính chiếm ưu thế trong khối lượng tài liệu nghiên cứu
về tri thức bản địa tập trung vào việc sưu tầm các tên địa phương của các loài
cây, thuộc tính của chúng, hình thái nguồn gen, liệt kê cách khai thác, chế biến,
sử dụng cây thuốc và bảo quản thuốc, các tri thức, kinh nghiệm, tập quán chăm
sóc sức khỏe (Trần Thiện Ân, Huỳnh Văn Kéo, Trần Hồng Hạnh); giới thiệu,
quảng bá sản phẩm nông nghiệp (Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Nguyễn Bình Minh),
tuy nhiên các tác giả này vẫn chưa quan tâm đề cập đến thế giới quan liên quan
đến các tri thức này [dẫn theo 71, tr.7].
Chương trình nghiên cứu Việt Nam-Hà Lan đề cập đến vai trò của tổ chức
cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước tại đập thủy lợi Thái Long (Cẩm Phú,
Cẩm Thủy, Thanh Hóa); Trần Hồng Thu giới thiệu tri thức địa phương của người
Mường trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước; Vi Văn An giới thiệu tri thức dân
gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Phan Quốc Anh với
bài viết “vai trò tri thức bản địa của người Chăm Ninh Thuận trong ứng xử với môi
trường nước”; Đặng Thị Oanh với bài “Tri thức dân gian về nước của người
Thái...[dẫn theo 53].
17
Qua điểm luận một số tác giả nghiên cứu chủ đề tri thức bản địa về quản lý, sử
dụng, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trên cho thấy có sự tách biệt từng
loại tài nguyên đất, rừng, nước hoặc tập trung quan tâm đến tính hữu dụng về mặt
kỹ thuật của tri thức này trong sản xuất nông nghiệp mà bỏ qua phần trình bày về
thế giới quan, vũ trụ luận. Trong khi đó, các tác giả như Rapaport, Dolmatoff,
Lansing, Janjanapan, Cầm Trọng lại chỉ ra rằng tôn giáo, nghi thức và các biểu
tượng lại chính là thực thể điều hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, rằng
lực lượng siêu nhiên là một cơ chế có sức mạnh đặc biệt trong việc điều hòa mối
quan hệ nói trên [dẫn theo 9, tr.353]. Hoàng Cầm đứng trên hướng lý thuyết nhìn
nhận tôn giáo, nghi thức và các biểu tượng như là một thực thể điều hòa mối quan
hệ giữa con người và tự nhiên bởi vì niềm tin tôn giáo thể hiện vũ trụ quan của các
tộc người bản địa, không phải là sự biểu lộ nỗi sợ hãi của con người trước lực lượng
siêu nhiên. Mối quan hệ khăng khít, nền tảng của vũ trụ quan sinh thái chi phối đến
thực hành của con người đối với tự nhiên, trong đó lực lượng siêu nhiên đóng vai
trò quyết định. Lối tư duy này quy định cách thức con người hành động theo hướng
chia sẻ với môi trường tự nhiên như là một phần của xã hội con người, đây là mô
hình quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt được sự cân bằng sinh
thái trong tương lai [9], [36], [38].
Trên đây là những công trình nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam. Tri
thức bản địa được đề cập trên các khía cạnh, rất phong phú, đa dạng, hữu ích cho
chúng tôi trong tham khảo, tiếp tục nghiên cứu mảng vấn đề này trong luận án.
Cách tiếp cận tập trung vào tập quán khai thác và bảo vệ hiệu quả các nguồn tài
nguyên thiên nhiên của các dân tộc miền núi luôn được các tác giả quan tâm từ rất
sớm và ngày càng chiếm số lượng lớn trong các tài liệu viết về tri thức bản địa. Các
nghiên cứu trên đều khẳng định, đánh giá vai trò quan trọng của tri thức bản địa.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong số các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt
Nam, đó là bàn luận của Pamela McElwee trong bài “Việt Nam có tri thức bản địa
không?” cho rằng: phần lớn các nghiên cứu về tri thức bản địa/tri thức sinh thái
truyền thống cho đến nay ở Việt Nam chỉ sử dụng một cách chọn lọc khái niệm về
tri thức bản địa như một bản chất [ít thay đổi], tập trung vào việc gọi tên và phân
loại [động thực vật] hoặc vào việc quản lý các tài nguyên thiên nhiên qua luật tục,
mà không có nỗ lực để hiểu thế giới nhận thức luận rộng lớn hơn mà nơi đó tri thức
bản địa được hình thành”. Theo Pamela McElwee, các nhà nghiên cứu Việt Nam
18
khi nghiên cứu tri thức bản địa cần phải chú ý đến tính hệ thống của tri thức bản địa,
hoặc cần phải hiểu tri thức bản địa như là thế giới quan hoàn chỉnh bao gồm các
khái niệm không chỉ tên địa phương đặt cho động thực vật và không chỉ hệ phân
loại mà còn cần hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng và lễ nghi, các khía cạnh của tri
thức trước đó không được quan tâm trong bảo tồn môi trường [tr.1]. Chính từ chủ
đề nghiên cứu của Pamela McElwee [71] và Hoàng Cầm [9], xem xét tri thức bản
địa trong tính chỉnh thể, nhìn nhận thế giới quan là cơ sở hình thành đối với tri thức
này đã hướng nghiên cứu của chúng tôi đến với việc hiểu, tiếp cận tri thức bản địa
của người Mnông về quản lý các nguồn tài nguyên đất rừng và nguồn nước như một
chỉnh thể nguyên hợp, trong đó thế giới quan đóng vai trò chi phối mạnh mẽ các
thành tố khác của tri thức bản địa, không tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ
thuật, giữa lý trí và phi lý trí; tập trung làm rõ cơ sở thế giới quan và đặt tri thức này
trong mối quan hệ với văn hóa của người Mnông.
1.1.3. Nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông và tri thức bản địa của
người Mnông ở huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên
thiên nhiên
1.1.3.1. Nghiên cứu về tri thức bản địa của người Mnông
Nghiên cứu về các tộc người Tây Nguyên đã diễn ra từ những năm đầu thế
kỷ XX bởi các học giả và các quan cai trị người Pháp và sau đó là người Mỹ, người
Việt Nam, các công trình này không được gọi là nghiên cứu về tri thức bản địa.
Henri Maitre [35] tập trung cung cấp cứ liệu lịch sử quan trọng của một thời điểm
lịch sử từ những năm 1912 về Cao nguyên miền thượng cũng như về vùng người
Mnông mà không đề cập chút nào về tôn giáo nhưng cuốn sách vẫn là một nghiên
cứu tổng quát không chỉ đầu tiên mà còn chất lượng nhất về Tây Nguyên”. Còn lại
các tác giả như: Georges Condominas, J.Dournes, Gerald Canon Hickey, Joann
L.Schrock, Henry và Evangeline Blood, ngoài những mô tả dân tộc học về đời sống,
sinh kế, phong tục tập quán đều đề cập thế giới quan, tôn giáo, tín ngưỡng, huyền
thoại…của người Mnông.
J.Dournes [46] đã đưa chúng ta lạc vào một thế giới huyền ảo nhưng không
kém phần sống động, qua đó chúng ta thấy được: dáng vẻ con người và lịch sử Tây
Nguyên; các tộc người, các phương ngữ và diện mạo của họ; các kỹ thuật và nghi
thức sáng chế; thuật chữa bệnh; tổ chức đời sống gồm gia đình và xã hội; tính biểu
tượng của luật pháp thể hiện qua sự nghiêm minh của chất thơ; vị trí hàng đầu của
19
cái tinh thần tôn giáo; đêm đêm bên bếp lửa và ý niệm về thế giới đã phản ánh quan
niệm vũ trụ mang tính siêu hình. Cao hơn nữa là những ý niệm được biểu đạt qua
các câu chuyện kể, qua những giấc mơ của người Tây Nguyên đã được J. Dournes
tái hiện sống động trong “Rừng, đàn bà, điên loạn” [45]. Khác với Yersin, Kemlin,
Lavallé, Maitre, Guerlach Sabatier, Altomarchi… vốn chỉ tập trung vào thám hiểm,
cai trị, truyền giáo…Với phương pháp “chân trần trong bùn”, J. Dournes không
nghiêm túc lắm với nhiệm vụ truyền giáo theo cái nghĩa cải đạo cho dân chúng địa
phương mà ông lại rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu xã hội người K’ho, Srê, Mạ,
và đặc biệt là người Gia Rai. Đó là vì “ông e ngại không muốn thay đổi một nền văn
hóa mà ông cho rằng còn gần gũi với Thiên chúa giáo nguyên thủy hơn cả nền văn hóa
phương Tây của ông” [1, tr.163]. Ông dắt chúng ta đi qua miền mơ tưởng Giarai thông
qua các huyền thoại của họ và cho phép chúng ta hiểu rằng “những con người tưởng
chừng chỉ hành động vì miếng ăn thường nhật này, còn có những mối lo toan và một tư
tưởng cao lớn hơn nhiều, khi ngọn lửa trong bếp bùng cháy” [46, tr. 410]. Mặc dù,
không viết về người Mnông, nhưng có thể nói, trong những tư liệu quý giá mà Dam Bo
(bút danh của J.Dournes) thu thập và tái hiện, là những vấn đề cơ bản về Tây Nguyên
được tác giả đặt ra về sự phát triển của xã hội và về số phận con người nơi đây vẫn vẹn
nguyên tính thời sự. Trong luận án chúng tôi kế thừa một số quan điểm, cách tiếp cận
vấn đề của ông khi nói về mối quan hệ giữa con người và rừng, đặc biệt là ý niệm tôn
giáo và chiều sâu minh triết của người Tây Nguyên.
Nhắc đến những nghiên cứu về người Mnông, phải nhắc đến nhà Mnông học
Georges Condominas [27], [28], [160], ngoài việc ghi lại nhiều thông tin quý giá về
nhiều mặt như tín ngưỡng, tập tục, sinh hoạt…ông đặc biệt thành công trong việc đề
cập một số phương diện của một không gian xã hội của người Mnông Gar (ngôn
ngữ, dân ca, thần thoại, quan hệ xã hội, nghi lễ, kiêng kị, sự trao đổi và tôn giáo).
Nếu Chúng tôi ăn rừng [28] được đánh giá là công trình viết về người Mnông Gar
một cách chi tiết và toàn diện nhất dưới con mắt của một nhà dân tộc học chân chính
thì Không gian xã hội Đông Nam Á [27] mới thể hiện đầy đủ quan điểm của
Condominas khi tiếp cận, nghiên cứu văn hóa một tộc người đó là “trong khi nghiên
cứu một xã hội, người ta không thể bỏ qua vị trí của thế giới quan, sự tương tác chặt
chẽ giữa bình diện tôn giáo với những bình diện khác của không gian xã hội động
chạm tới tất cả mọi lĩnh vực của đời sống cộng đồng, những yếu tố hợp thành này đã
duy trì cho người đó luôn ở trong một mạng quan hệ thường xuyên với những sinh linh
20
ở các mức khác nhau”. Trong quá trình nghiên cứu luận án này, chúng tôi tham khảo
khá nhiều tư liệu và dựa trên cách tiếp cận của Condominas để nhìn tri thức bản địa
trong mối quan hệ chỉnh thể, nguyên hợp với các thành tố khác của văn hóa.
Tiếp theo các nhà nghiên cứu, quan cai trị người Pháp, từ cuối thập niên 1950
các học giả người Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến các dân tộc Trường Sơn-Tây
Nguyên. Đầu tiên phải kể đến Gerald Canon Hickey và các nhà nghiên cứu của
Viện Ngôn ngữ học Mùa hè [154] giới thiệu các tiểu nhóm và dân số, mô tả khái
quát về khu định cư của người Mnông, tổ chức chính trị xã hội được biết đến bởi
đơn vị cơ bản là làng, những người đàn ông thiêng trong rừng và làng có trách
nhiệm phân phối các lô canh tác nương rẫy...Năm 1967, Gerald Canon Hickey lại
tiếp tục hướng nghiên cứu các tộc người Tây Nguyên [155] đã mô tả về quyền sử dụng
đất và nông nghiệp của người Mnông. Joann L.Schrock và các tác giả [156] đã cho ra
đời một tập nghiên cứu dân tộc học tổng hợp về các tộc người ở Tây Nguyên trong đó
có người Mnông. Henry và Evangeline Blood [150], [151] giới thiệu về hệ thống đại từ
và sưu tầm huyền thoại của người Mnông. Có thể thấy, qua nguồn tài liệu của các nhà
nghiên cứu người Mỹ mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận cho thấy các học giả người
Mỹ kế thừa khá nhiều từ các học giả người Pháp. Điều dễ nhận thấy trong các công
trình của các học giả nước ngoài đó là chưa có sự thống nhất trong cách phân nhóm tộc
người Mnông; quan điểm và góc nhìn chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính trị thực
dân, đế quốc và chịu sự chi phối mạnh mẽ của tôn giáo chính quốc; đôi chỗ có phần
cực đoan khi nhìn nhận, đánh giá con người và văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây
vẫn là những tài liệu có giá trị tham khảo nhất định, nhất là các tư liệu về bản đồ để các
nhà nghiên cứu đi sau có cơ sở đối chiếu [108, tr.15]
Hầu hết các nghiên cứu của các tác giả Việt Nam về người Mnông chủ yếu tập
trung vào việc sưu tầm và tìm hiểu văn hóa tộc người trên các khía cạnh đời sống
kinh tế, văn hóa, có thể kể đến Cửu Long Giang và Toan Ánh [26], Bế Viết Đẳng
(chủ biên) [20], Lưu Hùng [41], [42]. Rất nhiều thần thoại, truyền thuyết, luật tục,
sử thi, nghi lễ, các phong tục tập quán, trò chơi dân gian được sưu tầm và biên soạn
và đã đem đến một hiểu biết về thế giới quan: Ngô Đức Thịnh [91], [92], [93], [94],
[95], [96], [97], [98], [101], [102], [103]; Đỗ Hồng Kỳ [48], [49], [50], [51], [52];
Trương Bi [4], [5]; Y Tâm, Tô Đình Tuấn [6], Triệu Văn Thịnh [106]; Công trình
Sử thi Tây Nguyên với 100 tác phẩm của các dân tộc Ê đê, Mnông, Ba Na, Ra GLai,
Xê Đăng được sưu tầm, biên dịch và công bố, trong đó sử thi Mnông (được sưu tầm
21
ở tỉnh Đắk Nông) có số lượng nhiều nhất. Tuy nhiên, “những nghiên cứu này không
cho chúng ta một cảm nhận về việc làm thế nào để những luật tục tiếp tục thay đổi
qua thời gian và thích hợp với các vấn đề đương đại như thế nào; những nghiên cứu
này còn bị xem như là tàn tích của quá khứ, truyền thống tĩnh lặng cần được bảo tồn
nguyên vẹn, hiếm có nghiên cứu có hệ thống hơn về toàn bộ nhận thức luận của tri
thức bản địa, nhất là việc sử dụng tri thức bản địa trong bối cảnh thay đổi nhanh
chóng [71, tr.7].
1.1.3.2.Nghiên cứu về tri thức bản địa về quản lý và sử dụng các nguồn tài
nguyên thiên nhiên của người Mnông ở huyện Lắk
Ở Việt Nam, do mức độ quan tâm và mục đích nghiên cứu của các nhà nghiên
cứu nên hiện tại, chúng tôi chưa tìm thấy công trình chuyên biệt nào viết về tri thức
bản địa của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên
nhiên ngoài một số bài báo mang tính giới thiệu một số khía cạnh của tri thức bản
địa. Có thể kể đến Lưu Hùng [42] đã giới thiệu, miêu tả khái quát về tri thức bản địa
của người Mnông trong quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác
giả có đề cập đến sự chi phối của tín niệm tôn giáo đối với việc quản lý và bảo vệ
tài nguyên thiên nhiên.
Bùi Minh Đạo [21] đã giới thiệu tri thức địa phương của các tộc người Tây
Nguyên trong việc quản lý hiệu quả đất rẫy, trong đó có đề cập đến luật tục và kỹ
thuật canh tác theo lối luân khoảnh khép kín của người Mnông. Tác giả còn khẳng
định những tri thức trên là di sản hết sức quý giá, là sự thích ứng với tự nhiên, làm
phong phú kho tàng kinh nghiệm sản xuất, là cơ sở giúp cho việc cải tạo, kế thừa và
chuyển đổi nền trồng trọt, duy trì và bảo vệ tài nguyên; tuy nhiên, những tri thức
này chỉ thích dụng trong điều kiện đất còn rộng, người còn thưa.
Đỗ Hồng Kỳ [51] cho rằng “nỗi ám ảnh tôn giáo” in sâu vào tâm thức đã điều
chỉnh hành vi và cách ứng xử của người Mnông đối với rừng, với thần linh với môi
trường tự nhiên một cách trân trọng và hợp lý.
Lê Thị Thanh Xuân [145] bước đầu giới thiệu mối quan hệ giữa thế giới quan,
môi trường sinh thái và kỹ thuật canh tác nương rẫy của người Mnông “lực lượng
siêu nhiên đóng vai trò chi phối toàn bộ đời sống của người Mnông, từ lối tư duy
cho đến cách thức tác động vào tự nhiên trên cơ sở môi trường tự nhiên là một phần
của mối quan hệ xã hội”, chính điều này đã đảm bảo cho con người có một cuộc
sống hài hòa, cân bằng với tự nhiên.
22
Các nghiên cứu về chủ đề tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk trong
việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên mới chỉ dừng lại ở mức
độ giới thiệu kỹ thuật sinh thái, các tác giả có đề cập đến vai trò của thế giới quan
trong việc bảo vệ tài nguyên, chi phối mối quan hệ giữa con người và tự nhiên
nhưng chưa đủ đậm nét và chưa mang tính hệ thống.
Tóm lại, tài liệu liên quan đến đề tài mà chúng tôi tiếp cận và điểm luận như
trên cho thấy: nguồn tài liệu rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề: từ sinh hoạt kinh
tế, đời sống xã hội đến phong tục tập quán, nghi lễ, sưu tầm các câu chuyện, sử thi,
luật tục, cách chăm sóc sức khỏe, kiến trúc nhà ở…Đa số các công trình tập trung
nghiên cứu về các tộc người khu vực miền Bắc, một số ít nghiên cứu ở miền Trung,
Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nguồn tài liệu nghiên cứu về tri thức bản địa của
người Mnông nói chung cũng được quan tâm, tuy nhiên tài liệu viết về tri thức bản
địa của người Mnông trong quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ
tản mạn, mang tính giới thiệu tập quán canh tác nương rẫy, một số công trình bước
đầu đã thừa nhận mối liên hệ giữa thế giới quan và yếu tố kỹ thuật nhưng vẫn chưa
đủ chuyên sâu, chưa đặt tri thức này trong mối quan hệ mang tính hệ thống với các
thành tố khác của văn hóa. Quan điểm tiếp cận văn hóa theo thuyết tiến hóa đơn
tuyến, hoặc để phục vụ mục đích của các dự án đã dẫn đến “một chuỗi các yếu tố xã
hội bị tách biệt ra khỏi bối cảnh xã hội và lịch sử của việc việc sản sinh ra chúng,
rồi được phân loại theo cách áp đặt tính ưu việt của nhóm này so với những nhóm
khác” [13, tr.306]. Định kiến về canh tác du canh và các chính sách nhằm loại bỏ
hoàn toàn việc đốt rẫy có nguy cơ dần dần làm biến mất các tri thức và các tập quán
địa phương trong việc sử dụng đất rừng và đất sườn đồi là một ví dụ minh họa cho
nhận định trên. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khác nhau về vấn đề này đã được
thực hiện tại một số nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc đã nêu ra được những
mặt tích cực của tập quán canh tác này trong quá trình tái tạo tự nhiên của rừng,
cũng như trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong một số điều kiện [Sđd, tr. 310].
Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác đã dẫn đến hạn chế trong nghiên cứu
tri thức bản địa đó là đại bộ phận các nhà nghiên cứu của Việt Nam không được đào
tạo sâu về nghiên cứu thực địa, không biết tiếng của tộc người nghiên cứu, không
lưu lại đủ lâu để có thể hiểu được sự cân bằng, nhịp sống cũng như những vận hành
xã hội và kinh tế theo chu kỳ hàng năm của những đối tượng nghiên cứu, nhưng
điều này lại rất cần thiết trong sử dụng đất rừng; thiếu quan tâm đến quan điểm của
23
chủ thể để có thể thực sự tiếp cận việc sử dụng rừng miền núi trên tất cả các bình
diện và đôi khi cả mâu thuẫn của chúng [Sđd, tr. 312].
Với mong muốn bổ khuyết cơ sở lý luận, chúng tôi đặt tri thức bản địa trong
mối quan hệ chỉnh thể, nguyên hợp với các thành tố khác của văn hóa, nhìn nhận
thế giới quan có vai trò quyết định chi phối nhận thức và thực hành của các tộc
người qua nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông trong quản lý và sử dụng
tài nguyên thiên nhiên tại một huyện cụ thể. Luận án cũng sẽ chỉ ra những nguyên
nhân tác động đến sự biến đổi của tri thức bản địa để có thể cùng với các cấp chính
quyền địa phương, các nhà nghiên cứu và cộng đồng sản sinh ra tri thức bản địa có
phương cách bảo tồn và phát huy văn hoá giàu bản sắc trong xu thế hội nhập và
phát triển. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có chọn lọc, kế thừa kết quả
nghiên cứu của những người đi trước, tập trung điền dã sưu tầm tư liệu, kết hợp với
trải nghiệm của bản thân để đưa ra những tư liệu mới, những phát hiện mới về tri
thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong việc quản lý và sử
dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
1.2. Cơ sở lý thuyết
Trên thế giới, tri thức bản địa đã được quan tâm nghiên cứu từ năm 1979 của
thế kỷ trước, nhưng ở Việt Nam, năm 1990, những vấn đề có liên quan đến tri thức
bản địa mới được đề cập như là một phần rất nhỏ của các công trình nghiên cứu về
vấn đề nghèo đói ở địa bàn miền núi. Phải đến những năm cuối thế kỷ XX và đầu
thế kỷ XXI, khi vấn đề suy thoái môi trường trở thành vấn đề của toàn cầu thì tri
thức bản địa mới được chú ý trở lại như một cứu cánh cho sự phát triển bền vững.
Khởi đầu bởi Ngân hàng thế giới vào năm 1998 với chương trình “Tri thức bản địa
cho sự phát triển”, tiếp theo đó là các nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá, nhìn
nhận lại tri thức bản địa, vẫn chưa thấy có sự thống nhất hoàn toàn trong việc đưa ra
một khái niệm “Tri thức bản địa” cũng như chưa có một phương pháp phù hợp để
tiếp cận tri thức bản địa. Vì vậy, trong phần này, chúng tôi một mặt bàn luận về
khái niệm “tri thức bản địa”, mặt khác cũng đề cập đến khái niệm “Tài nguyên
thiên nhiên” và “Phát triển bền vững”.
1.2.1. Khái niệm
- Tri thức bản địa
Tri thức bản địa là một trong những thành tố quan trọng góp phần tạo nên
văn hóa của mỗi tộc người. Vì thế tri thức bản địa trở thành mối quan tâm nghiên
24
cứu của các nhà nghiên cứu về lĩnh vực nhân học, văn hóa học, dân tộc học…Bản
thân nội hàm khái niệm “tri thức bản địa” vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Đã
có rất nhiều quan niệm khác nhau về hệ tri thức của người dân, có thể dưới tên gọi
“tri thức bản địa”, “tri thức truyền thống”, “tri thức địa phương”, “tri thức dân
gian”…Trần Hồng Hạnh trong nghiên cứu của mình đã tổng hợp các nghiên cứu
liên quan đến việc nhận diện hệ thống tri thức này: Lesvis-Strauss quan niệm tri
thức địa phương được xác định là các hệ thống phân loại nền tảng về mặt trí tuệ lẫn
khoa học và là “sự logic của thực tế”; Geertz thì cho đó là sự hiểu biết thông
thường-một khung suy nghĩ đặc biệt và khác nhau qua từng vùng; Evans-Pritchard
lại xem đó là các cách thức suy nghĩ và thực hành một cách logic; Còn Warren thì
cho rằng các hệ thống kiến thức và thực hành được phát triển qua các thế thệ, trong
sự độc nhất về một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa hay một xã hội riêng biệt và
là nền tảng thông tin của một xã hội. [33, tr.24]. Ủy Ban quốc tế các Hiệp hội khoa
học cho rằng những tri thức địa phương trên thực tế đã bao hàm tất cả những khía
cạnh khác nhau trong đời sống con người, kể cả đời sống tâm linh, không gian văn
hóa và thực hành văn hóa.[10, tr.15, 16]. Hoàng Xuân Tý trong một nghiên cứu về
các khái niệm và vai trò của tri thức bản địa đã đồng nhất khái niệm của ba hệ tri
thức “địa phương”, “bản địa” và “truyền thống”, ông cho rằng kiến thức bản địa là
hệ thống kiến thức của các dân tộc bản địa, hoặc của một cộng đồng tại một khu
vực nào đó. Nó tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định với sự đóng
góp của mọi thành viên trong cộng đồng ở một vùng địa lý nhất định [121, tr.11,12].
Trong một ý nghĩa hẹp hơn, tri thức địa phương được Brush đề cập đến với tư cách là
kiến thức đại chúng và kiến thức dân gian, hay Ngô Đức Thịnh quan niệm đó là một
nền văn hóa dân gian. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh, tri thức dân gian, một tri thức phi
trường học, là một tổng hòa các kinh nghiệm được loai người tích lũy qua quá trình
hoạt động lâu dài nhằm thích nghi và thay đổi cùng với môi trường tự nhiên và xã hội
theo cách có thể đem lại lợi ích vật chất và tinh thần. [33, tr.24].
Luận án này không nhằm mục đích tranh luận về nội hàm khái niệm tri thức
bản địa, mà thông qua điểm lại quan điểm của một số tác giả về tri thức bản địa,
chúng tôi đưa ra cách hiểu của mình để làm cơ sở cho những nội dung của đề tài.
Tri thức bản địa, theo cách hiểu của một số nhà nghiên cứu là toàn bộ những
hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích lũy trong
25
quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng, thông qua trải nghiệm trong quá trình sản
xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác
nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội [103,
tr.32 ], những cách hiểu, lý giải và các ý nghĩa tinh tế này là một phần của phức hệ
văn hóa bao gồm ngôn ngữ, tên gọi và các hệ thống phân loại, các thói quen sử
dụng tài nguyên, lễ nghi, tín ngưỡng và thế giới quan…Tri thức bản địa tạo cơ sở
cho việc ra quyết định của người địa phương về nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc
sống hàng ngày [71, tr. 2]. Những tri thức này thường nằm trong các truyền thống
văn hóa rộng lớn hơn, vì vậy việc tách rời giữa các yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật,
các yếu tố lý trí và phi lý trí, là một vấn đề khó khăn ” [82, tr.7].
Trên cơ sở kế thừa các quan điểm nghiên cứu về tri thức bản địa trước đây,
chúng tôi cũng đưa ra cách hiểu của mình về tri thức bản địa như sau: Tri thức bản
địa là toàn bộ những hiểu biết của con người về thế giới (tự nhiên, xã hội, con
người) tại một địa phương nhất định. Tri thức bản địa được trao truyền bằng truyền
miệng và bằng thực hành văn hóa. Tri thức bản địa chính là sự thích ứng của con
người đối với tự nhiên, với sự thay đổi của môi trường và bối cảnh văn hóa, xã hội
rộng lớn. Là một thành tố của văn hóa nên khi nghiên cứu tri thức bản địa, chúng ta
không thể tách rời yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, giữa lý tri và phi lý trí, mà tri
thức bản địa phải được hiểu như một thế giới quan hoàn chỉnh.
Trong khuôn khổ phạm vi của đề tài, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu tri thức
bản địa của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài thiên nhiên
qua ba thành tố đất, rừng, nước. Trên cơ sở đặt tri thức bản địa về quản lý và sử
dụng tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh văn hóa truyền thống rộng lớn hơn như:
quan tâm đến cách người Mnông nhận thức về thế giới, cách họ chuyển nhận thức
của mình vào việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cách người Mnông
thích ứng với sự thay đổi của môi trường sinh thái và cách họ thâu nạp những yếu tố
mới vào việc hình thành hệ tri thức chứa đựng toàn bộ hiểu biết của họ về tự nhiên, về
xã hội và con người. Luận án đặc biệt quan tâm đến niềm tin, thực hành tôn giáo và
sinh kế của người Mnông đã thay đổi như thế nào khi quyền sở hữu đất rừng và nguồn
nước bị thay đổi, những yếu tố nào đã tác động và làm biến đổi tri thức nói trên. Trên
cơ sở đó bàn luận về những giá trị và những vấn đề đặt ra đối với tri thức bản địa trong
bối cảnh phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên.
26
Mặt khác, nghiên cứu tri thức bản địa không thể tách rời với những hiểu biết
về văn hóa dân gian tộc người. Văn hóa dân gian thể hiện sự thích nghi của con
người với môi trường tự nhiên, xã hội và bản thân con người. Nghiên cứu văn hóa
nói chung, văn hóa dân gian nói riêng nhằm tìm hiểu, nghiên cứu thế ứng xử và lối
sống ứng xử để góp phần tạo ra thế ứng xử và ứng xử thích hợp [140, tr.114-115].
Những giá trị văn hóa truyền thống là những cái gì sâu lắng, tinh túy nhất đã
tạo nên suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc, nó ăn sâu và tâm thức, tình cảm con
người mà nhiều khi con người của thời đại khác, dân tộc khác khó có thể cảm thụ
được [103, tr.117]. Vì vậy, khi tìm hiểu tri thức bản địa của người Mnông về quản
lý và sử dụng các nguồn tài nguyên đất rừng và nguồn nước, chúng ta không thể
không bàn đến giá trị của tri thức bản địa, mặc dù tri thức này đang hàng ngày hàng
giờ bị mai một, biến đổi, thậm chí nhiều tri thức bị biến mất. Có thể đúc kết một số
giá trị cơ bản của tri thức bản địa của người Mnông như sau:
Tri thức bản địa của người Mnông thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về môi
trường sinh thái. Tri thức bản địa của người Mnông được hình thành từ quá trình
thích ứng với môi trường tự nhiên. Do đặc điểm của địa hình đa dạng, phức tạp đã
tạo ra cảnh quan, hệ sinh thái phong phú, vừa mang đặc thù riêng vừa mang tính đan
xen hòa nhập giữa hai kiểu địa hình. Cũng chính từ địa hình được bao bọc bởi rừng
và các dòng sông, con suối lớn nên toàn bộ sinh kế của người Mnông cũng bắt nguồn
từ việc khai thác tự nhiên để phục vụ cho quá trình sinh tồn của cộng đồng.
Yếu tố sinh thái được xem là cơ sở cho việc hình thành 2 mô thức văn hóa
khác nhau giữa hai nhóm Mnông tại địa bàn huyện Lắk. Nhóm Gar cư trú trên núi
cao, hoạt động kinh tế gắn với việc “ăn rừng”, nhóm Rlâm cư trú ven hồ Lắk, gắn
với hoạt động canh tác lúa nước. “Xét trong tổng thể thì việc làm rẫy không phải là
một phương thức phụ, mà là một phương thức trồng trọt duy nhất” [27, tr. 205],
đảm bảo nguồn lương thực cho các gia đình, phần thừa có thể trao đổi những vật
dụng khác.
Tri thức bản địa chứa đựng thế giới quan, là nơi sáng tạo, trao truyền, lưu
giữ văn hóa truyền thống. Tri thức bản địa của người Mnông cho thấy tương đối
trọn vẹn đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp của văn hóa dân gian tộc người. Tính
nguyên hợp của văn hóa dân gian thể hiện ở sự hòa nhập, gắn kết của đời sống sản
xuất, xã hội và đời sống nghệ thuật [Sđd, tr.115]. Bất kể thời điểm nào, dù là lúc
làm việc mệt nhọc trên rẫy, trên ruộng hay đang trong cuộc dạo chơi trong rừng tìm
27
măng, hái nấm, bắt tổ ong, chặn dòng bắt cá tập thể…người Mnông vẫn có thể
mang theo nhạc cụ, hay hái một số loại lá, chặt một số loại cây bên đường tự tạo
đàn môi, làm dụng cụ gõ tạo nên âm thanh để ca hát, đối đáp, mượn lời ca tiếng
nhạc để thổ lộ tình cảm…Sáng sớm thức giấc, người đàn ông mang mbuôt (kèn sau
ống nứa được gắn vào quả bầu khô) ra thổi để gọi vợ dậy nhen lửa, giả gạo, nấu
cơm cho cả gia đình. Trong lúc nấu ăn, đan lát, hay khi thực hiện các công đoạn
canh tác, chặn dòng bắt cá, vào rừng săn bắt, thu hái lâm sản đều có thể sáng tạo ra
những lời nói vần chứa đựng những nội dung của sự kiêng kị, những câu đố, những
bài dân ca để truyền dạy cho con cái; những sinh hoạt xã hội của gia đình hay của
bon làng, tiếng chiêng vẫn có thể nổi lên. Như vậy, văn hóa dân gian của người
Mnông cũng giống như văn hóa các tộc người khác, đặc biệt là những tộc người
sống dựa vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên thì văn hóa lại càng là một phức
thể nguyên hợp của rất nhiều thành tố đan xen, phụ thuộc lẫn nhau. Tri thức bản địa
luôn tồn tại trong mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng, phụ thuộc và chi phối lẫn nhau
với các thành tố của văn hóa.
Tri thức bản địa của người Mnông là sự phản ánh và hợp thành của nhiều
yếu tố [sđd, tr.112]: nghệ thuật ngôn từ (thể hiện qua các câu truyện cổ, lời nói vần,
luật tục…); nghệ thuật dân gian (các bài chiêng, điệu múa, câu hát, các loại nhạc cụ,
kiến trúc nhà dài, trang trí cây nêu, trang trí trên y phục, trang trí trên các vật dụng
gia đình..); luật tục với vai trò là thiết chế điều chỉnh mối quan hệ giữa con người và
tự nhiên, giữa con người với con người đã góp phần bảo vệ tài nguyên, ổn định trật
tự xã hội; tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội thấm đẫm trong vòng đời con người và vòng
sinh trưởng của cây trồng; kỹ thuật canh tác thể hiện sự thích ứng của con người với
môi trường sinh thái. Trong tất cả các yếu tố trên, thế giới quan đóng vai trò xuyên
suốt, chi phối các yếu tố còn lại.
Tri thức bản địa của người Mnông hàm chứa tính cộng đồng, dân chủ,
bình đẳng và tương trợ . Tri thức đúc kết từ trong quá trình sinh tồn và sản xuất
của người Mnông gắn với mối quan hệ cộng đồng của họ. Là cư dân gắn bó với
rừng, hoạt động kinh tế gắn với canh tác nương rẫy cho thấy sự chi phối của tính
cộng đồng trong mọi công đoạn canh tác là rất lớn. Các công đoạn làm rẫy đều
được cộng đồng tiến hành cùng một lúc, các gia đình thực hiện theo sự điều khiển
28
của ông Rnoh Rnut thể hiện tính cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng nghĩa vụ và
cộng đồng lợi ích rất rõ rệt. Đất rừng là tài sản chung nên cả bon sẽ cùng nhau thăm
khu rừng mà làng sẽ ăn, tất cả thành viên trong làng được huy động phát dọn đường
băng cản lửa quanh khu vực phát rẫy. Ngọn lửa thiêng được tiến hành bằng một
nghi thức mang tính tôn giáo mà cả cộng đồng đều phải chứng kiến, hồ hởi chờ đón.
Chỉ bằng rìu và lửa, người Mnông không thể thực hiện hoạt động canh tác với tư
cách cá nhân, riêng lẻ mà họ cần có sự huy động lớn về nhân lực, sự khẩn trương về
mặt thời gian thì mới có thể hoàn thành vụ gieo trồng. Từ đó hình thành nên “sự
tương trợ trong nông nghiệp” [27, tr.402] và thấm đẫm vào các quan hệ xã hội, tính
dân chủ thể hiện “không có tổ chức chính trị-xã hội nào cao hơn làng, không có
người đứng đầu làng”, chỉ có “những người thiêng” được dân làng tôn phong, thay
mặt dân làng quản lý đất đai và hướng dẫn về mặt tôn giáo cho cộng đồng. Tính dân
chủ, bình đẳng trong sinh hoạt thể hiện qua việc mọi người cùng làm, cùng hưởng,
không có đặc quyền cho riêng cá nhân nào, mọi hoạt động tập thể hay phạm vi gia
đình đều được cả cộng đồng làng cùng hồ hởi, chung lo, gánh vác.
Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên là tất cả “các quà tặng” của thiên nhiên-không khí, đất,
nước, rừng, đời sống hoang dã, khoáng sản-do con người sử dụng trong sản xuất
hoặc tiêu dùng trực tiếp, có thể tái tạo hoặc không tái tạo được. Tài nguyên thiên
nhiên bao gồm vốn tự nhiên cộng thêm các quà tặng của thiên nhiên mà không thể
tích lũy được (như ánh sáng mặt trời), không thể sử dụng trong sản xuất (như các
địa điểm có phong cảnh đẹp). Tài nguyên có thể tái tạo là tài nguyên có thể thay
thế hoặc bổ sung nhờ các quá trình tự nhiên hoặc hành động của con người. Cá
và rừng là các loại tài nguyên có thể tái tạo. Các loại khoáng sản và nhiên liệu
hóa thạch là những tài nguyên không thể tái tạo vì chúng chỉ được tái tạo theo
địa tầng chứ không phải thang thời gian hay con người. Một số khía cạnh môi
trường-chất lượng đất, khả năng đồng hóa, các hệ thống hỗ trợ sinh thái-được gọi
là các tài nguyên nửa tái tạo vì chúng được tái tạo lại rất chậm theo thang thời
gian của con người [67, tr.50].
Trong phạm vi đề tài nghiên cứu, luận án quan tâm đến ba loại tài nguyên cơ
bản: đất, rừng và nguồn nước, vì đây không chỉ đơn thuần là tài nguyên thiên nhiên
mà nó còn là thành tố quan trọng góp phần hình thành nên văn hóa tộc người. Cách
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên
Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên

Contenu connexe

Tendances

Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...jackjohn45
 
La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...
La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...
La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Page 1 100 vh3+4
Page 1 100 vh3+4Page 1 100 vh3+4
Page 1 100 vh3+4Cậu Ấm
 
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...nataliej4
 
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiiChính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiihttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi
Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi
Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi nataliej4
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửMan_Ebook
 

Tendances (19)

Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
 
Đề tài: Phát huy giá trị trang phục truyền thống người Sán Dìu, HAY
Đề tài: Phát huy giá trị trang phục truyền thống người Sán Dìu, HAYĐề tài: Phát huy giá trị trang phục truyền thống người Sán Dìu, HAY
Đề tài: Phát huy giá trị trang phục truyền thống người Sán Dìu, HAY
 
La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...
La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...
La33.007 phong tục và tín ngưỡng, tôn giáo của người nùng ở huyện đồng hỷ tỉn...
 
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOT
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOTLuận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOT
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOT
 
Page 1 100 vh3+4
Page 1 100 vh3+4Page 1 100 vh3+4
Page 1 100 vh3+4
 
Luận văn: Tri thức dân gian trong đánh bắt hải sản hiện nay, 9đ
Luận văn: Tri thức dân gian trong đánh bắt hải sản hiện nay, 9đLuận văn: Tri thức dân gian trong đánh bắt hải sản hiện nay, 9đ
Luận văn: Tri thức dân gian trong đánh bắt hải sản hiện nay, 9đ
 
Luận văn: Công tác quản lý chùa Sùng Thiên tỉnh Hải Dương, HOT
Luận văn: Công tác quản lý chùa Sùng Thiên tỉnh Hải Dương, HOTLuận văn: Công tác quản lý chùa Sùng Thiên tỉnh Hải Dương, HOT
Luận văn: Công tác quản lý chùa Sùng Thiên tỉnh Hải Dương, HOT
 
Luận văn: Hoạt động bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo
Luận văn: Hoạt động bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáoLuận văn: Hoạt động bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo
Luận văn: Hoạt động bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo
 
Luận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa
Luận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô HoaLuận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa
Luận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa
 
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
 
Luận án: Tổ chức bản của người Nùng Phàn Slình ở Thái Nguyên
Luận án: Tổ chức bản của người Nùng Phàn Slình ở Thái NguyênLuận án: Tổ chức bản của người Nùng Phàn Slình ở Thái Nguyên
Luận án: Tổ chức bản của người Nùng Phàn Slình ở Thái Nguyên
 
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
 
Luận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
Luận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm ThủyLuận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
Luận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
 
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiiChính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
 
Luận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Luận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc TrăngLuận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Luận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
 
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOT
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOTĐề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOT
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOT
 
Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi
Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi
Đề Tài Khoa Học Sưu Tầm, Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian Vùng Biển Quảng Ngãi
 
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà NộiLuận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
 

Similaire à Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên

Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533jackjohn45
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...jackjohn45
 
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nay
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nayXây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nay
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;ChiMaiHoang2
 

Similaire à Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên (20)

Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
Khảo sát tục ngữ cổ truyền về thái bình từ góc nhìn văn hóa 6791533
 
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk LắkLuận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk Lắk
 
Luận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOT
Luận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOTLuận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOT
Luận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOT
 
Đề tài: Di sản văn hóa Thái với du lịch lòng hồ sông Đà, HOT
Đề tài: Di sản văn hóa Thái với  du lịch lòng hồ sông Đà, HOTĐề tài: Di sản văn hóa Thái với  du lịch lòng hồ sông Đà, HOT
Đề tài: Di sản văn hóa Thái với du lịch lòng hồ sông Đà, HOT
 
Đề tài: Di tích lịch sử văn hóa đình Giàn Quận Bắc Từ Liêm, HAY
Đề tài: Di tích lịch sử văn hóa đình Giàn Quận Bắc Từ Liêm, HAYĐề tài: Di tích lịch sử văn hóa đình Giàn Quận Bắc Từ Liêm, HAY
Đề tài: Di tích lịch sử văn hóa đình Giàn Quận Bắc Từ Liêm, HAY
 
Luận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội
Luận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà NộiLuận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội
Luận án: Chợ truyền thống trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội
 
Luận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng Sơn
Luận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng SơnLuận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng Sơn
Luận án: Nghi lễ chu kỳ đời người của người Nùng Cháo ở Lạng Sơn
 
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai ChâuLuận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
 
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAYLuận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
 
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nay
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nayXây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nay
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở tỉnh Bắc Giang hiện nay
 
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂM
 
Đề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên Mô
Đề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên MôĐề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên Mô
Đề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên Mô
 
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
 
Đề tài nghiên cứu tài nguyên du lịch tỉnh Điện Biên, RẤT HAY
Đề tài  nghiên cứu tài nguyên du lịch tỉnh Điện Biên,  RẤT HAYĐề tài  nghiên cứu tài nguyên du lịch tỉnh Điện Biên,  RẤT HAY
Đề tài nghiên cứu tài nguyên du lịch tỉnh Điện Biên, RẤT HAY
 
Nghiên cứu tổng thể vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững
Nghiên cứu tổng thể vấn đề dân tộc trong phát triển bền vữngNghiên cứu tổng thể vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững
Nghiên cứu tổng thể vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững
 
Nghiên cứu vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ
Nghiên cứu vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững vùng Tây Nam BộNghiên cứu vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ
Nghiên cứu vấn đề dân tộc trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ
 
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đĐề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đ
 
Luận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đ
Luận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đLuận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đ
Luận văn: Ứng xử của người Cơ Lao với tài nguyên thiên nhiên, 9đ
 
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam Định
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam ĐịnhĐề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam Định
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam Định
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Dernier

sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-KhnhHuyn546843
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Dernier (20)

sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 

Luận án: Tri thức bản địa của người Mnông khi sử dụng tài nguyên

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ THỊ THANH XUÂN TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN Hà Nội - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ THỊ THANH XUÂN TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN Ngành: Văn hóa dân gian Mã số: 9 22 9041 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Ngô Đức Thịnh 2. PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương Hà Nội - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu đã sử dụng trong luận án là trung thực. Những kết luận nêu trong luận án chưa được công bố ở bất kỳ công trình khoa học nào. Tác giả luận án Lê Thị Thanh Xuân
  • 4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án “Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên” là một hành trình dài của sự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi không ngừng. Tôi xin bày tỏ sự biết ơn đến các cá nhân và tập thể sau: Trước tiên, tôi xin tri ân sâu sắc đến hai giáo viên hướng dẫn của tôi là GS.TS. Ngô Đức Thịnh và PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương. GS.TS Ngô Đức Thịnh là người đã hướng dẫn tôi thực hiện Luận văn thạc sỹ, sau đó không quản ngại tiếp tục nhận hướng dẫn tôi làm Luận án tiến sỹ. Hai giáo viên hướng dẫn đã đóng góp những ý kiến quan trọng trong lúc thực hiện và hoàn thành luận án. Cảm ơn tập thể các nhà khoa học đã và đang công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa Văn hóa học-Học viện Khoa học Xã hội luôn tận tình hỗ trợ tôi về mặt học thuật, phương pháp nghiên cứu trong suốt thời gian tôi theo học Thạc sỹ và làm nghiên cứu sinh. Các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các cơ quan đã có những ý kiến đóng góp xác đáng cho cho bản dự thảo luận án để tôi có thể bổ sung, hoàn thiện luận án. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, trường Trung cấp sư phạm Mầm non Đắk Lắk đã tạo mọi điều kiện để tôi có thể theo đuổi và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Đặc biệt, tôi không thể hoàn thành luận án nếu thiếu sự cộng tác, giúp đỡ của các già làng, bà con, họ hàng ở các bon làng của người Mnông; cán bộ của các thôn, các xã và lãnh đạo UBND huyện Lắk, các sở ban ngành của tỉnh Đắk Lắk. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người bạn, những người đồng nghiệp đã luôn động viên, hỗ trợ để tôi có thêm động lực tiếp tục nghiên cứu. Và đặc biệt, tôi cảm ơn sâu sắc đến gia đình tôi, nhất là bố mẹ tôi đã luôn ở bên, tạo điều kiện về thời gian, là chỗ dựa về mặt tinh thần và vật chất để tôi có thể đi trọn con đường nghiên cứu của mình. Tôi vô cùng cảm kích và một lần nữa bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất đối với tất cả! Hà Nội, tháng 2 năm 2019
  • 5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU....................................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU .......................................................10 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu........................................................................10 1.2. Cơ sở lý thuyết...................................................................................................23 1.3. Khái quát địa bàn nghiên cứu ............................................................................37 Chương 2: TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG.................50 2.1. Nhận thức luận/Thế giới quan của người Mnông về tự nhiên...........................50 2.2. Luật tục với việc quản lý xã hội và bảo vệ đất rừng..........................................55 2.3. Kỹ thuật canh tác phù hợp với môi trường sinh thái .........................................80 2.4. Nghi lễ củng cố niềm tin, sự tôn trọng đối với tự nhiên....................................85 Chương 3: TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NƯỚC ..........................96 3.1. Vai trò của nước trong đời sống của người Mnông...........................................96 3.2. Xác lập quyền sở hữu nguồn nước ..................................................................100 3.3. Vai trò chỉ huy của “Rnoh Rnut” trong việc hướng dẫn dân làng chặn dòng bắt cá tập thể ...........................................................................................................101 3.4. Tri thức bản địa trong bảo vệ nguồn nước.......................................................102 3.5. Một số nghi lễ liên quan đến nguồn nước........................................................108 Chương 4: NGUYÊN NHÂN SỰ BIẾN ĐỔI, CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK.....................................112 4.1. Sự biến đổi của tri thức bản địa về quản lý, sử dụng đất rừng và nước ..........112 4.2. Các nhân tố tác động đến sự biến đổi của tri thức bản địa của người Mnông.130 4.3. Những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tri thức bản địa trong bối cảnh hiện nay...........................................................................................137 KẾT LUẬN............................................................................................................142 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .........................................................................145 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................146
  • 6. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT CP: Chính phủ DL: Dương lịch DTTS: Dân tộc thiểu số Ha: Hecta Kg: Kilô gram KH: Kế hoạch KHKT: Khoa học kỹ thuật NCS: Nghiên cứu sinh NQ: Nghị quyết PCCR: Phòng chống cháy rừng PL: Phật lịch Pl: Phụ lục PTBV: Phát triển bền vững QLBVR: Quản lý bảo vệ rừng Sđd: Sách đã dẫn TW: Trung ương UBND: Ủy ban nhân dân
  • 7. DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ Bảng 2.1: Phân loại đất trong canh tác lúa rẫy ................................................65 Bảng 2.2: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Gar ở xã Krông Nô).............72 Bảng 2.3: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Rlâm ở buôn Lê)..................72 Bảng 2.4: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Gar ở bon Ji Yôk)................73 Bảng 4.1: Mục đích khai thác lâm sản của người Mnông.............................124
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Huyện Lắk tọa lạc phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, vốn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi khi ban tặng dãy núi Chư Yang Sin, rừng Nam Ka hùng vĩ, hồ Lắk thơ mộng như tấm gương lớn cho những ngọn núi duyên dáng nghiêng mình soi bóng. Từ chính không gian hiền hòa và thơ mộng ấy, người Mnông đã tích lũy cho mình tri thức về môi trường sinh thái mang đặc trưng văn hóa tộc người. Chính nhờ tri thức ấy mà rừng đầu nguồn được bảo vệ, quan hệ cộng đồng được cố kết, các thực hành văn hóa luôn hướng đến việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cộng đồng “chỉ lấy từ rừng đủ dùng, không hề lãng phí” [45]. Người Mnông là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên Cao nguyên Đắk Lắk. “Chúng tôi ăn rừng” là cách mà người Mnông nói về hoạt động canh tác lúa rẫy của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người Mnông chọn động từ “ăn” để nói về cách mà họ canh tác trên các khoảnh rừng, cách mà họ lấy các sản vật từ rừng để duy trì sự sống. Vì rừng chính là nơi họ sinh ra, là nơi họ kiếm sống, rừng cũng là nơi chở che mọi tai họa và đưa họ về với tổ tiên. Đất và làng cũng được cắt ra từ rừng. Sự linh thiêng, huyền bí, dồi dào về nguồn sống của rừng đã tạo nên “văn hóa rừng”. Hay nói đúng hơn, rừng chính là môi trường góp phần tạo nên tri thức bản địa và văn hóa của người Mnông. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh xã hội chuyển đổi, đời sống của người Mnông đang hàng ngày, hàng giờ đối diện với rất nhiều thách thức như: sự tác động của nền kinh tế thị trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; suy giảm nguồn tài nguyên rừng và sự thay đổi quyền quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên; áp lực về tăng dân số cơ học dẫn đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất trở thành vấn đề cấp thiết đối chính quyền địa phương và người dân địa phương; sự giao lưu, tiếp biến về văn hóa, sự thâm nhập của tôn giáo mới…đã làm cho kho tàng tri thức bản địa và văn hóa tộc người dần mai một và nhiều tri thức đã ra đi mãi mãi; điều này đã tác động sâu sắc đến mối quan hệ sinh thái hài hòa giữa con người và tự nhiên, tổn hại đến môi trường. Bên cạnh những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với tri thức bản địa được đề cập ở trên, dưới góc độ lý luận về tri thức bản địa, cho thấy, ở Việt Nam, nghiên cứu về tri thức bản địa đã được chú ý từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX và ngày càng có nhiều nghiên cứu quan tâm đề cập đến vai trò của tri thức này, nhất là trong khía cạnh
  • 9. 2 quản lý môi trường. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mục đích nghiên cứu phục vụ cho điều tra, sưu tầm, tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số dưới góc độ dân tộc học, hoặc chỉ lựa chọn những vấn đề phù hợp với mục đích của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, dự án phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ cho việc xây dựng chính sách về quản lý và bảo vệ tài nguyên…nên tiếp cận khái niệm tri thức bản địa như một bản chất ít thay đổi, tập trung trên một số khía cạnh như: gọi tên và phân loại động thực vật, quản lý tài nguyên thiên nhiên qua luật tục, sưu tầm, tìm hiểu phong tục tập quán, sưu tầm luật tục, văn học dân gian…Thế giới nhận thức luận chưa được quan tâm đúng mức, trong khi chính thế giới quan là yếu tố có sự ảnh hưởng, chi phối toàn bộ các thực hành văn hóa của cộng đồng. Chính vì cách tiếp cận tri thức bản địa như trên, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam ít quan tâm đến mối tương tác giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật hay nói cách khác ít quan tâm mối quan hệ giữa tri thức bản địa và các thành tố khác của văn hóa. Thậm chí, vẫn còn những nghiên cứu xem tri thức bản địa là những phong tục tập quán lạc hậu cần loại bỏ…chính cách hiểu về tri thức bản địa như trên đã bỏ qua việc nhìn nhận tri thức này trong mối quan hệ qua lại với thế giới quan, vũ trụ quan, với vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, dẫn đến việc xây dựng một số chính sách về văn hóa, về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa chú ý đến vai trò của tri thức bản địa trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Trong khi các nhà nhân học hiện nay xem “tri thức bản địa cần phải được hiểu như một hệ thống hoặc thế giới quan hoàn chỉnh gồm cả hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng, lễ nghi và các khía cạnh của tri thức bản địa” [70, tr.1]. Qua nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông về quản lý các nguồn tài nguyên đất, rừng và nguồn nước, luận án sẽ tìm hiểu cách mà người Mnông sử dụng vũ trụ quan của sự hòa hợp nhằm thể hiện sự tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thần linh như thế nào? Trong luận án này, tri thức bản địa sẽ được nhìn nhận trong mối liên hệ với bối cảnh văn hóa của người Mnông nói chung và trong sự mai một của hệ thống tri thức này nói riêng; bổ khuyết cách hiểu, cách tiếp cận tri thức bản địa còn nhiều khoảng trống ở Việt Nam. Trên cơ sở nhìn nhận tri thức bản địa là một chỉnh thể nguyên hợp, không tách rời các thành tố cấu thành tri thức này, không tách rời yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, quan tâm đến cơ sở hình thành của tri thức bản địa, tìm hiểu tác động của nhận thức luận đến sinh kế bền vững của tộc người Mnông. Tìm hiểu hệ thống tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
  • 10. 3 giúp chúng ta hiểu biết hơn về kho tàng văn hóa của đồng bào Mnông, hiểu biết hơn về cách mà họ ứng xử với môi trường tự nhiên để bàn luận về vai trò của tri thức bản địa trong đời sống văn hóa tộc người và những vấn đề đặt ra khi kho tàng tri thức này bị mai một và dần biến mất. Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của tri thức bản địa đối với văn hóa một tộc người và sự phát triển bền vững nên tôi chọn đề tài “Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên” để làm Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa dân gian. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích Mục đích nghiên cứu của luận án là thông qua việc giới thiệu một cách hệ thống và toàn diện về tri thức bản địa của người Mnông góp phần làm sáng tỏ đặc trưng văn hoá của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời nhìn ra quá trình vận động của kho tàng tri thức bản địa của người Mnông trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Nhận diện một cách hệ thống kho tàng tri thức bản địa Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk về quản lý và sử dụng tài nguyên. Chỉ ra quá trình biến đổi và các nhân tố gây biến đổi tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk từ sau 1975 đến nay. Bàn luận về những vấn đề đặt ra liên quan đến tri thức bản địa và sự biến đổi tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là kho tàng tri thức bản địa liên quan tới quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người Mnông tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. 3.2. Phạm vi vấn đề nghiên cứu Tri thức bản địa là một vấn đề rất rộng song, trong luận án này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu sâu tri thức bản địa trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bao gồm đất rừng, nguồn nước trên các khía cạnh: xem xét sự phù hợp của kỹ thuật canh tác với môi trường sinh thái; tập trung nhìn nhận cách quản lý, phân phối
  • 11. 4 tài nguyên qua các thiết chế (luật tục, kiêng kị) với vai trò là bà đỡ cho việc bảo vệ tài nguyên. Đề tài đặc biệt quan tâm đến nhận thức luận của người Mnông đối với tài nguyên thiên nhiên thông qua thế giới quan, tín ngưỡng và nghi lễ. Trên cơ sở đó, chúng tôi xem xét những nguyên nhân, các chiều tác động làm biến đổi tri thức bản địa. Đặc biệt quan tâm đến chiều tác động của chính sách nhà nước đối với truyền thống quản lý tài nguyên đất rừng và nguồn nước, nên các văn bản của nhà nước cũng được tiếp cận giới hạn trong phạm vi những nội dung liên quan đến quyền sở hữu và quản lý tài nguyên. 3.3. Phạm vi địa bàn nghiên cứu Huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk là địa bàn khảo sát chính của chúng tôi vì đây là nơi sinh sống lâu đời của người Mnông với dân số chiếm 63 % dân số toàn huyện. Nơi đây có địa hình cảnh quan đồi núi xen lẫn các vùng trũng tạo nên sự đa dạng về địa hình, do đó tri thức bản địa của các nhóm Mnông cũng chịu ảnh hưởng của môi trường sinh thái nên có những đặc trưng khác nhau. Nhóm Gar cư trú trên núi cao nổi tiếng với việc “ăn rừng”, nhóm Rlâm cư trú tại các vùng trũng lại thuần thục với việc sử dụng đàn trâu vào canh tác lúa nước. Hiện nay, không gian xã hội của người Mnông đã bị tác động, thay đổi khá nhiều, rừng không còn là không gian bao chiếm, diện tích ruộng lúa bị thu hẹp do tăng dân số và bố trí dân cư xen cài, sự tiếp nhận kỹ thuật canh tác mới, các thiết chế văn hóa, xã hội thay đổi, du lịch trở thành nguồn thu nhập cho một bộ phận người dân, sự tác động của chính sách đối với tài nguyên, sự thâm nhập sâu của các tôn giáo mới…đã làm thay đổi tập quán ứng xử của người Mnông đối với tài nguyên cũng như việc bảo lưu các yếu tố văn hóa truyền thống. Trước bối cảnh không ngừng thay đổi và nhiều chiều tác động đối với các làng của người Mnông, chúng tôi chọn 11 làng để khảo sát gồm: Buôn Lê (uôn Dlei), buôn Jun (uôn Jun) (Thị trấn Liên Sơn) là làng của nhóm Rlâm, cư trú ở vùng trũng ven hồ Lắk, canh tác lúa nước, hiện nay có một bộ phận cư dân tham gia làm du lịch. Bon Yuk La (xã Đắk Liêng) là làng cư trú trên núi cao, canh tác lúa rẫy, chịu tác động của chính sách định canh định cư của Nhà nước đã chuyển cư xuống vùng đất thấp ven thị trấn Lắk, chuyển sang canh tác lúa nước và trồng các cây công nghiệp. Bon Ba Yang, R’chai A, Phi Dih Ja (xã Krông Nô); bon Liêng Ké, bon Tlông, bon Ji Yôk (xã Đắk Phơi), là các làng thuộc nhóm Gar, cư trú trên núi cao,
  • 12. 5 nổi bật với truyền thống quản lý đất rừng, canh tác lúa rẫy. Nhưng hiện nay, các làng này cũng được sắp xếp xuống vùng đất bằng phẳng, các tôn giáo mới xâm nhập, tác động khá mạnh đến đời sống tinh thần của một bộ phận người dân. Nhưng về cơ bản, các làng này vẫn còn duy trì nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Uôn Diêu (xã Bông Krang), uôn Dâng Băc (xã Yang Tao) là 02 làng của nhóm Rlâm, canh tác lúa nước, chịu sự tác động mạnh của tôn giáo mới (Tin Lành, Công giáo), phần lớn văn hóa truyền thống được chuyển đổi sang đức tin và làm theo lời chúa, nghi thức tôn giáo thay cho các nghi lễ truyền thống. Sự chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ ở các làng có cư dân tin theo đạo Tin Lành. Để nghiên cứu có thêm tính thuyết phục, chúng tôi còn tiến hành điền dã tại xã Đắk Rung, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông); xã Đăm Rông, huyện Đăm Rông (tỉnh Lâm Đồng), qua đó, có sự so sánh những tương đồng và dị biệt về tri thức bản địa giữa các nhóm Mnông ở những địa phương khác nhau. 3.3. Phạm vi thời gian nghiên cứu Luận án nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong tiến trình phát triển xã hội tộc người; nghĩa là các tri thức bản địa đã và đang tồn tại trong nhận thức của cộng đồng người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Phạm vi thời gian được trình bày làm hai giai đoạn, từ 1945 đến 1985 và từ 1986 đến nay. Vì từ 1945, ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (chất độc hóa học làm ô nhiễm nguồn nước, tàn phá rừng, dồn dân lập đồn điền, lập ấp chiến lược…) thì về cơ bản, quyền sở hữu tài nguyên vẫn thuộc về cộng đồng, nhóm họ, các cá nhân tiến hành khai thác, sử dụng tài nguyên theo sự phân phối của những người được cộng đồng tôn phong trong làng, trong rừng. Người Mnông vẫn duy trì tập quán canh tác lúa rẫy và lúa nước theo đúng truyền thống. Diện tích rừng và độ che phủ rừng đảm bảo cho cộng đồng thực hiện quyền sở hữu và canh tác theo lối luân khoảnh khép kín. Ở giai đoạn này, chúng tôi tập trung vào việc nhận diện những đặc trưng của tri thức bản địa của người Mnông trong quản lý và sử dụng tài nguyên đất rừng và nguồn nước theo truyền thống. Giai đoạn từ 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước đã triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ở huyện Lắk, các nông lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, diện tích đất khai hoang được mở rộng đã hình thành nên cánh đồng lúa buôn
  • 13. 6 Tría, buôn Triết rộng lớn; chủ trương di dân từ các tỉnh đồng bằng và duyên hải miền Trung lên phát triển kinh tế đã đặt ra yêu cầu phân bố lại địa bàn cư trú của người Mnông trên cơ sở vận động bà con bỏ tập quán du canh du cư, hình thành các bon làng định canh, định cư dọc các con đường quốc lộ và nội huyện. Bên cạnh đó, sự tác động của nền kinh tế thị trường và nhiều yếu tố khác (tôn giáo, giao lưu văn hóa, phương tiện truyền thông, khoa học kỹ thuật…) đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nguồn tài nguyên, đây có thể xem là giai đoạn đánh dấu nhiều sự thay đổi trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người Mnông. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án được thực hiện dựa trên hai nguồn tư liệu cơ bản: thứ nhất là nguồn tài liệu đã được công bố, thứ hai là nguồn tư liệu do chính NCS thu thập từ thực tế điền dã tại các địa bàn đã nêu. Đối với nguồn dữ liệu thứ nhất, NCS thu thập nguồn tư liệu thứ cấp, đọc, xử lý, phân tích và hệ thống lại những kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nội dung đề tài, bao gồm các sách, các đề tài, dự án viết về chủ đề tri thức bản địa, về người Mnông, về huyện Lắk… Nghiên cứu của chúng tôi tập trung tiếp cận vấn đề trên tính chỉnh thể nguyên hợp trong nghiên cứu văn hóa dân gian, kế thừa sâu sắc quan điểm tiếp cận “không gian xã hội” của người Mnông và các thông tin được mô tả trong công trình nghiên cứu về người Mnông của Georges Condominas (Chúng tôi ăn rừng, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Kỳ lạ mỗi ngày). Cùng với đó là việc thu thập các tài liệu thống kê, báo cáo liên quan từ cơ quan trung ương đến địa phương tỉnh, huyện, xã. Có thể nói, đây là những tài liệu hết sức quan trọng, cấu thành nền tảng cơ sở lý luận của luận án. Nguồn dữ liệu thứ hai được triển khai bởi các phương pháp nghiên cứu trên thực địa, đây là phương pháp chủ đạo để thu thập nguồn tư liệu chính và quan trọng nhất của luận án. Cụ thể là: Phỏng vấn sâu cán bộ địa phương cấp huyện, xã (lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Tài nguyên-Môi trường, Chi cục Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Phòng Dân tộc, Phòng Văn hóa thông tin, các cán bộ đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ…), người dân địa phương nhằm thu thập ý kiến về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá.
  • 14. 7 Phỏng vấn hồi cố, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối với đối tượng là các già làng, trưởng buôn, trưởng thôn, những người am hiểu (trên 60 tuổi), đại diện các hộ gia đình người Mnông (nhất là các hộ gia đình trẻ, thanh niên Mnông có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi) để thu thập thông tin về văn hóa truyền thống, về tri thức bản địa, về lịch sử và quá trình phát triển của cộng đồng làng. Trên cơ sở cách tiếp cận lịch đại, tác giả sẽ liệt kê, mô tả quá trình hình thành huyện Lắk, nguồn gốc về người Mnông, điều kiện tự nhiên, bối cảnh văn hóa xã hội (các quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên đất rừng và nguồn nước, sinh kế truyền thống, tổ chức kinh tế xã hội, sự thay đổi về quan niệm, cách thực hành văn hóa cũng như các chiều tác động đối với văn hóa và tri thức bản địa về quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước)… Tri thức bản địa là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn liền với văn hóa của cộng đồng, do vậy, nhận thức, lý giải tri thức bản địa phải gắn liền với môi trường hình thành tri thức ấy. Áp dụng phương pháp “chân trần trong bùn” của Jacques Dournes trong nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tác giả luận án sử dụng triệt để phương pháp quan sát, chụp ảnh cộng đồng làng, cùng tham dự các sinh hoạt, các nghi lễ, thực hành canh tác… nhằm tái hiện các dữ liệu trong phần trình bày nội dung chương 2 và chương 3 của luận án. Với lợi thế, tác giả luận án là người Mnông nên trong quá trình sinh sống cũng như trong quá trình điền dã đã có dịp quan sát, tham dự, chụp ảnh nhiều hoạt động trong phạm vi gia đình và cộng đồng làng. Đây là những tư liệu sinh động, giúp cho tư liệu của luận án có độ tin cậy cao, hạn chế tối đa ảnh hưởng bởi sự có mặt của người ngoài cộng đồng trong quá trình thu thập dữ liệu. Phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh đồng đại và lịch đại trong khoa học xã hội cũng được thực hiện để nhìn nhận các số liệu, sự kiện trong mối quan hệ vốn có với nhau theo thời gian và không gian để đảm bảo những phân tích đánh giá trong luận án là khách quan và trung thực. Phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp nhằm làm rõ đặc trưng của tri thức bản địa của người Mnông với tri thức bản địa các tộc người khác trong khu vực. Phương pháp liên ngành là sự kết hợp giữa nghiên cứu dân tộc học, văn hoá học với phương pháp của ngành lịch sử, tôn giáo học và xã hội học. Bởi vì, văn hóa dân gian Việt Nam nói chung là tổng thể mọi sáng tạo nên không có cách nào hiệu quả hơn là cách tiếp cận liên ngành, từ ngả đường lịch đại và đồng đại-nghĩa là cả về diễn trình lịch sử và cấu trúc [142, tr.575-577].
  • 15. 8 Phương pháp chuyên gia được thực hiện nhằm tranh thủ ý kiến tham vấn của các chuyên gia ở địa phương và ở Hà Nội đối với chủ đề nghiên cứu. Những hiểu biết, kinh nghiệm của các chuyên gia thật sự hữu ích đối với quá trình thực hiện luận án: giúp định hướng cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu; góp ý cho việc xây dựng cấu trúc luận án đảm bảo tính logic; cung cấp, bổ sung tư liệu…giúp nghiên cứu được toàn diện và sâu sắc hơn. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Góp phần làm phong phú thêm những vấn đề lý thuyết và khái niệm liên quan đến tri thức bản địa của người Mnông nói riêng và cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khơ me nói chung. Nhận diện kho tàng tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk để từ đó làm sáng tỏ một số đặc trưng và giá trị văn hoá xã hội của tri thức bản địa người Mnông, những sự biến đổi, những chiều tương tác cũng như những nhân tố tác động đến hệ thống tri thức bản địa của người Mnông và những vấn đề đặt ra từ đó. Cung cấp nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho chủ đề nghiên cứu về tri thức bản địa, về người Mnông, về Tây Nguyên, giúp ích cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và cả hoạch định chính sách. Chỉ ra những vấn đề cấp bách, những thách thức đặt ra từ sự biến đổi nhanh chóng theo chiều hướng thiếu tích cực của tri thức bản địa của người Mnông hiện nay và kết nối với vấn đề phát triển bền vững Tây Nguyên. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn 6.1. Ý nghĩa lý luận Dưới góc độ văn hóa dân gian, luận án góp phần nhìn nhận tri thức bản địa của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên đất rừng và nguồn nước dựa trên tính chỉnh thể nguyên hợp, không tách rời các thành tố cấu thành tri thức bản địa, không tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, xác định nhận thức luận đóng vai trò quyết định, chi phối hành vi ứng xử giữa con người với tự nhiên. Bổ sung các luận điểm khẳng định vai trò, giá trị của tri thức bản địa trong quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước, là cơ sở để cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước quản lý và bảo vệ tài nguyên một cách bền vững, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian. Nghiên cứu còn góp phần khẳng định sự phù hợp của cách tiếp cận tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc có sự
  • 16. 9 tham gia của cộng đồng, kết hợp giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học trong phát triển bền vững. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận án chỉ ra những vấn đề cần tập trung chú ý đối với tri thức bản địa như: những biểu hiện của tri thức bản địa về quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước thông qua các nguyên tắc xác định ranh giới đất rừng và nguồn nước, cử người phân phối tài nguyên, việc điều hòa nhu cầu sử dụng tài nguyên, quan niệm, tín ngưỡng, nghi lễ, luật tục, kiêng kị, sáng tạo văn nghệ dân gian... Cung cấp cơ sở cho việc phân tích, đánh giá hệ thống chính sách liên quan đến việc quản lý và bảo vệ tài nguyên, qua đó chỉ ra hạn chế của việc xây dựng một số chính sách đã bỏ qua sự tham vấn ý kiến của người dân địa phương, chưa xem xét, tôn trọng và vận dụng hợp lý các khía cạnh của tri thức bản địa vào việc quản trị tài nguyên ở cấp cộng đồng. Chính điều này đã dẫn tới sự xung đột giữa chính sách của nhà nước với truyền thống quản lý tài nguyên của cộng đồng, giữa cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và người dân; giữa người dân thuộc các cộng đồng khác nhau. Luận án cũng góp phần làm giàu các nghiên cứu vận dụng tri thức tộc người vào việc xây dựng chuẩn mực hành vi của cộng đồng và cả xã hội trước thực trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên nghiêm trọng như hiện nay. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được chia làm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát địa bàn nghiên cứu. Chương 2: Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong quản lý, sử dụng đất rừng. Chương 3: Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong quản lý, sử dụng nguồn nước. Chương 4: Nguyên nhân sự biến đổi, các chiều tương tác và những vấn đề đặt ra đối với tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
  • 17. 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Nghiên cứu về tri thức bản địa trên thế giới Ở phương Tây, thường cho rằng không có cái gọi là tri thức bản địa theo nghĩa tri thức “dân gian” đã từng tồn tại và biến mất, và theo một cách nào đó khoa học và công nghệ trở thành tri thức bản địa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho chúng ta thấy ngay từ thời trung cổ và giai đoạn đầu của thời hiện đại, các kinh nghiệm cộng đồng, truyền thống truyền miệng, kinh nghiệm cá nhân và quyền hạn có được thông qua học hỏi hình thành nên tri thức “cô đọng” hay “sự thông thái được truyền giao” được sắp xếp thành những tri thức chuyên biệt, đặc biệt là tri thức y học [82, tr.8]. Từ thế kỷ 16 trở đi, tri thức dân gian Châu Âu kết hợp với y học có nguồn gốc Châu Á và Châu Mỹ. Chính sự vô danh này đã giúp xác định được những hoạt động mang tính khoa học mới nổi, đối nghịch với tri thức dân gian. Về mặt phương pháp luận, tri thức khoa học vẫn tiếp tục tận dụng những tri thức dân gian có tính thực tiễn [Sđd, tr.9]. Trong suốt thế kỷ 17, 18, tri thức khoa học của thế giới tự nhiên được tạo ra, tiếp tục tiếp thu những tri thức dân gian địa phương tồn tại trước đó. Một phần tri thức dân gian còn sót lại vào cuối thế kỷ 20 trở thành đối tượng của việc phục hưng hóa. Phần còn lại tiếp tục tồn tại như những tri thức ẩn cần thiết cho việc tạo ra những cuốn sách và lý thuyết và tiếp tục thể hiện sự gắn kết thực tiễn của những người thợ thường dân, “tri thức dân gian đã bị hệ thống hóa thành tri thức khoa học” [Sđd, tr.10]. Những năm1960-1970 của thế kỷ XX, tri thức bản địa bị xem nhẹ, bị bỏ qua và đánh giá thấp. Tri thức bản địa không chỉ bị đánh giá thấp bởi những nhà quản lý có trình độ được đào tạo theo phương Tây về những tiềm năng ứng dụng thực tiễn của nó. Thậm chí, khi tri thức bản địa được dùng hiển nhiên, thì công lao của những người đưa nó đến với khoa học vẫn bị lờ đi [Sđd, tr.16]. Mặc dù tri thức bản địa bị ngoài lề hóa như trên nhưng ngay từ giữa thế kỷ 19, quá trình này bị xem xét lại. Nguyên nhân tri thức bản địa được xem xét lại là do sự bất lực của khoa học và công nghệ phương Tây trong giải thích thế giới tự nhiên, trong khi người dân bản địa lại sống hài hòa với thế giới tự nhiên, họ được xem như những nhà sinh thái học
  • 18. 11 thực sự với những hiểu biết sâu sắc về môi trường, những quan niệm, niềm tin và cách bảo vệ nguồn tài nguyên [Sđd, tr.17]. Tuy nhiên, sự nóng lòng của các nhà nhân học và các chuyên gia phát triển muốn giúp tri thức bản địa được chấp nhận đã đẩy tri thức bản địa đến chỗ giải bối cảnh mà ở đó tri thức được hình thành và gắn chặt, bị biến thành “giải pháp hóa toàn cầu và khái quát hóa”, tri thức bản địa bị mã hóa và lưu giữ, phổ biến như tri thức khoa học; bị đẩy xa hơn, tri thức bản địa trở thành một khái niệm vụ lợi và phi cá nhân, cụ thể và bối cảnh [Sđd, tr.26-28]. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trong những năm gần đây có rất nhiều bài viết mang tính học thuật về tri thức bản địa. Những nghiên cứu này tập trung vào các khía cạnh khác nhau của tri thức bản địa, từ tri thức về sinh thái áp dụng cho bảo tồn tài nguyên, cho đến các hệ thống phân loại đất, tri thức về thiên văn học và vũ trụ học, cho đến lập bản đồ địa lý và đặt tên cho vùng đất. Danh sách các chủ đề có thể dành cho các nghiên cứu về tri thức bản địa là vô tận [71, tr.2]. Aru Agrawal đặt vấn đề mức độ thích hợp của một thuật ngữ mang tính bao trùm “tri thức bản địa” bằng cách nêu bật một điểm tương đồng chính mà có vẻ ứng với nhiều tri thức bản địa khác nhau. Scott tranh luận rằng khái niệm “tri thức bản địa” được thay thế tốt hơn với các khái niệm như “tri thức địa phương”. Roy Ellen nỗ lực đưa ra 10 đặc tính chung của tri thức bản địa trong đó nhấn mạnh tính địa phương, tính chỉnh thể không thể tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, giữa lý trí và phi lý trí và những tri thức này thường nằm trong các truyền thống văn hóa rộng lớn hơn. Trong khi đó các nhà nhân học như Posey cũng tham gia tranh luận làm thế nào để phân loại, bảo tồn tri thức bản địa, làm thế nào để tích hợp tri thức này vào các dự án và chính sách phát triển. Trong khi đó, Strang thì cho rằng “nhân học về bản chất là đối thoại và các lý thuyết và thực hành của nhân học cần được coi là sản phẩm nhận thức luận của sự trao đổi đa văn hóa lâu dài và một sự tổng hợp của các lý thuyết và các tri thức [dẫn theo 71, tr.4]. Năm 1997, một cuộc hội thảo với chủ đề “Tri thức bản địa về môi trường và những biến đổi” đã được tổ chức tại trường Đại học Kent (Canterbury, Hoa Kỳ) với mục đích nhằm thảo luận chuyên sâu về khái niệm “tri thức bản địa” bao gồm các vấn đề: sự hình thành tri thức, cách thức vận hành nó trong thực tiễn xã hội và các bước phát triển thăng trầm của nó. Từ đó, các nhà khoa học đánh giá một cách khách quan và nghiêm túc về thực trạng nghiên cứu tri thức bản địa trong những ngành khoa học khác nhau cả về phương diện thực tiễn và lý luận. Đồng thời đánh
  • 19. 12 giá lại vai trò của tri thức bản địa trong bối cảnh cụ thể [82, tr. 8]. Các ý kiến phê bình “các nghiên cứu tri thức bản địa chỉ quan tâm đến phương pháp tiếp cận phân loại và dân tộc học thực vật” đã góp phần nhìn nhận tri thức bản địa là một hệ thống tri thức quy mô, tổng thể, có thể kể đến các nghiên cứu của Mokuku, Berkes và các cộng sự, Stave và các cộng sự, Bollig và Schulte [dẫn theo 71, tr.6]. Qua các nghiên cứu trên, tình hình nghiên cứu tri thức bản địa ở nước ngoài có nhiều quan điểm tiếp cận trái chiều, thậm chí có cả việc lạm dụng tri thức bản địa cho mục đích chính trị hoặc phục vụ cho mục đích của các dự án phát triển kinh tế, bảo tồn tài nguyên. Tuy nhiên, về cơ bản, hầu hết các nghiên cứu đều thừa nhận vai trò của tri thức bản địa trong việc hình thành bản sắc văn hóa và sinh kế của cộng đồng và đem đến cách tiếp cận mới với tri thức bản địa và đặt tri thức này trong tổng thể, quan tâm đến vai trò của thế giới quan đối với hệ thống tri thức này. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu tri thức bản địa ở Việt Nam 1.1.2.1. Các nghiên cứu về tri thức bản địa nói chung và tri thức bản địa qua các khía cạnh cụ thể Ở Việt Nam, mối quan tâm, thiện cảm dành cho tri thức bản địa qua các nghiên cứu ngày càng nhiều lên, hàng loạt hội thảo được tổ chức để khẳng định vai trò, nêu lên tầm quan trọng của tri thức địa phương đối với vấn đề phát triển bền vững miền núi. Trong đó, nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tri thức bản địa như là một nhân tố cốt lõi để đưa vấn đề phát triển bền vững tộc người đến sự thành công. Về chủ đề này, các tác giả Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Đình Sâm, Trần Hồng Hạnh, Nguyễn Trường Giang, Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng tập trung nghiên cứu tri thức dân gian của các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Thái, Mường. Ngô Văn Lệ và các tác giả [53] đề cập đến tri thức bản địa trên các khía cạnh: hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa-xã hội và vai trò của tri thức bản địa trong đời sống tộc người thiểu số Đông Nam Bộ. Nguyễn Diệp Mai [61] tập trung vào hệ thống tri thức bản địa của người Việt rừng U Minh Thượng trong ứng xử với môi trường tạo sự thích ứng tối ưu trong cuộc sống của họ. Trần Hồng Hạnh [33] đã tiến hành hệ thống, đánh giá khái niệm tri thức địa phương của các nhà nghiên cứu trong ngoài nước để cho thấy bức tranh của tình trạng sử dụng chồng chéo các khái niệm tri thức “bản địa”, “truyền thống” hay “địa phương” là khá phổ biến, nỗ lực xác định quan niệm về tri thức bản địa của các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất và chưa có một định nghĩa nào được toàn cầu
  • 20. 13 chấp nhận. Ngoài ra bài viết cũng đề cập đến vấn đề về mối quan hệ của tri thức địa phương và cư dân địa phương, bối cảnh và sự phân loại tri thức bản địa. Không nên đề cao hay đánh giá thấp tri thức hiện đại hay tri thức địa phương…Việc kết hợp các kiến thức địa phương với các kiến thức kỹ thuật hiện đại là một giải pháp tốt, cần thiết và thích đáng để đưa lại tính hiệu quả cao cho các dự án phát triển ở vùng nông thôn và miền núi. Dưới góc độ lý thuyết cấu trúc, Lê Sỹ Giáo [25] đề cập đến mối quan hệ hết sức chặt chẽ và biện chứng giữa rừng và quyền kinh tế của người dân: Rừng còn thì nguồn nước dồi dào, rừng mất thì nguồn nước cạn kiệt. Không có rừng, không có nước thì cũng có nghĩa là không gian sinh tồn bị đe dọa. “Rừng không phải chỉ là rừng. Rừng là không gian sinh tồn, là phương tiện đặc biệt để sinh sống. Rừng còn là môi trường văn hóa”. Vì vậy, không gian sinh tồn và quyền hoạt động kinh tế phải được xem xét một cách hết sức chu đáo, cả về mặt tự nhiên, cả về mặt xã hội của nó, không kể đó là dân tại chỗ hay dân từ nơi khác đến. Nguyễn Duy Thụy [109] hệ thống và đánh giá hiệu quả một số chính sách liên quan đến công tác quản lý, quy hoạch và sử dụng ruộng đất ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tác giả cho rằng: việc quản lí đất đai, quản lý kế hoạch sản xuất còn lỏng lẻo, Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được việc sử dụng đất, dẫn đến tình trạng mua bán, lấn chiếm, cấp đất trái pháp luật diễn ra. Một số diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang đất xây dựng không theo quy hoạch. Hệ quả tất yếu là hiện tượng tranh chấp đất đai nảy sinh và diễn ra ngày càng phổ biến, căng thẳng. Mai Thanh Sơn [86] tập trung nghiên cứu tác động của sự can thiệp từ bên ngoài và chính sách đất đai của Nhà nước đối với người dân Tây Nguyên trên cơ sở lý thuyết “Ba điểm tựa và đa chiều tác động”. Mô hình quản lý cộng đồng các nguồn tài nguyên dựa trên nguyên tắc hành động tập thể được tác giả đề xuất như là một giải pháp hiệu quả nhằm dung hòa những cách tiếp cận khác nhau về quyền sở hữu, cho phép quan tâm đến các vấn đề văn hóa-xã hội của các nhóm đối tượng. Bùi Minh Đạo [21], [22], [23], [24] làm sáng tỏ thực trạng tổ chức và hoạt động của buôn làng Tây Nguyên từ truyền thống đến nay đang đối mặt với mâu thuẫn giữa sở hữu toàn dân với sở hữu tập thể buôn làng về đất rừng; Tình trạng thiếu đất sản xuất; Mất rừng, suy giảm môi trường sống, mất nguồn sinh kế truyền thống; Hệ thống chính trị cơ sở cấp buôn làng hoạt động kém hiệu quả; Đứt gãy văn hóa và mai một, mất mát nhanh văn hóa; Ảnh hưởng tiêu cực đến lòng dân Tây Nguyên và sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Mặc dù đánh giá cao
  • 21. 14 hiệu quả của việc quản lý và sử dụng đất rẫy của các dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên, nhưng tác giả cũng nhận xét những tri thức địa phương này chỉ tồn tại và thích dụng trong điều kiện đất còn rộng, người còn thưa trước đây, còn hiện nay, tri thức này đã mất dần dần cơ sở tồn tại và trở thành di sản do hệ quả của việc tăng dân số tự nhiên và cơ học, do việc khai thác đất, rừng ồ ạt, do nhu cầu bảo vệ tài nguyên và môi sinh trong điều kiện mới. Trong những nghiên cứu tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số, đáng chú ý là các nghiên cứu của một số nhà nhân học, tuy không trực tiếp đề cập đến tri thức bản địa nhưng lại quan tâm nghiên cứu sự tác động của diễn ngôn, chính sách, tri thức đối với văn hóa, sinh kế và tập quán địa phương trong quản lý môi trường của người dân tộc thiểu số và về miền núi Việt Nam. Nhóm tác giả cuốn sách Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hóa-sinh kế tộc người [10] đứng trên quan điểm nhân học hiện đại, nhằm thể hiện sự tranh luận với các nghiên cứu tri thức bản địa dưới quan điểm tiến hóa luận đơn tuyến, định kiến tộc người và hướng tới nghiên cứu tri thức địa phương cần phải được hiểu như là một hệ thống hoặc thế giới quan hoàn chỉnh. Các nền văn hóa sẽ được nghiên cứu theo chiều ngang, bằng và hướng đến sự đa dạng và độc đáo của từng tộc người. Pamela McElwee [71] còn so sánh giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học để từ đó nêu lên thực trạng nghiên cứu tri thức bản địa tại Việt Nam “bị giới hạn chủ yếu ở phương pháp tiếp cận phân loại hoặc liệt kê danh mục và những phương pháp này không nhận ra được sự đa dạng và tính tổng thể của tri thức bản địa”. Christian Culas [13] đi sâu vào phân tích ảnh hưởng của diễn ngôn đến các tri thức và tập quán nông nghiệp và quản lý rừng của các dân tộc miền núi. Tuy có phần hơi tiêu cực khi đánh giá hệ thống chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam nhưng bài viết cũng đã thể hiện góc nhìn của tác giả đối với tình hình nghiên cứu và sự tác động của các nghiên cứu đối với tri thức bản địa ở Việt Nam. Guérin Mathieu [62] đặt lại vấn đề nghiên cứu đối với việc đốt rừng làm rẫy của các cư dân vùng cao và ông cho rằng đó là kỹ thuật canh tác không hề lạc hậu và họ không phải là kẻ phá rừng như chúng ta từng nghĩ. Bài viết cũng đã góp thêm tiếng nói khẳng định sự phù hợp của kỹ thuật canh tác nương rẫy trên địa hình rừng núi Việt Nam. Ngoài các công trình của các học giả, nghiên cứu về tri thức bản địa còn có sự tham gia của các tổ chức, các dự án về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: Các tổ chức phi chính phủ (NGO), Trung tâm nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường
  • 22. 15 (ISEE), Trung tâm nghiên cứu khoa học môi trường (CRES), Viện Khoa học lâm nghiệp (FSI), Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) và Quỹ Ford tài trợ về “Tri thức bản địa và việc phát triển nông nghiệp miền núi Việt Nam”. Các dự án này nhằm tìm hiểu khối tri thức bản địa đa dạng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các hoạt động nông nghiệp về chiến lược sinh tồn của cộng đồng dân tộc thiểu số và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến bảo tồn và phát triển tri thức bản địa [71, tr. 7, 8]. Hầu hết các dự án bảo tồn được nước ngoài tài trợ, triển khai trên các địa phương miền núi chủ yếu nhằm vào việc nâng cao việc bảo vệ khu bảo tồn, do đó góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào rừng của các cộng đồng địa phương, khuyến khích các cộng đồng tôn trọng và đóng góp vào việc bảo vệ khu bảo tồn nhưng lại bỏ qua nghiên cứu cụ thể về tri thức bản địa liên quan đến sự hiểu biết, niềm tin, thần linh, nghi lễ, hoạt động tôn giáo vốn tồn tại với môi trường và chi phối sâu sắc các thực hành của người dân bản địa [71, tr. 13-14]. 1.1.2.2. Các nghiên cứu về tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mặc dù nghiên cứu tri thức bản địa ngày càng tăng về số lượng và phạm vi đề cập nhưng Pamela McElwee [71] lại nêu lên một thực trạng nghiên cứu tri thức bản địa tại Việt Nam “bị giới hạn chủ yếu ở phương pháp tiếp cận phân loại hoặc liệt kê danh mục và những phương pháp này không nhận ra được sự đa dạng và tính tổng thể của tri thức bản địa”. Một trong những nghiên cứu chỉ quan tâm tiếp cận tri thức bản địa dưới góc độ liệt kê, phân loại và giới thiệu kỹ thuật canh tác mà chúng ta có thể kể đến đó là Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc [121], tác giả cuốn sách này dựa vào khái niệm kiến thức kỹ thuật bản địa của Warren để giới hạn phạm vi đề cập gồm: kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; kiến thức về quản lý rừng và tài nguyên cộng đồng; kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe con người; kiến thức về tổ chức cộng đồng và truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu… không đề cập các kiến thức văn hóa như: âm nhạc, tín ngưỡng, đạo đức… Đỗ Đình Sâm, Trần Sỹ Hải, Nguyễn Hữu Thành cũng chỉ quan tâm nghiên cứu về các hoạt động nông nghiệp hoặc các giải pháp kỹ thuật địa phương [71]. Một số tác giả quan tâm nghiên cứu tập quán khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên của một số tộc người cụ thể như: Lò Ngọc Biện [6] Nguyễn Ngọc Thanh
  • 23. 16 [88]…đã mô tả cách thực hành tri thức địa phương trên phương diện kỹ thuật và thiết chế liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước của người Mường ở một số huyện của tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Mặc dù các tác giả có đề cập đến nhận thức về rừng gồm có hai chức năng: nuôi sống, điều hòa môi trường sống cho con người và thông tin, giới thiệu một số nghi lễ, quy ước bảo vệ rừng...nhưng nhìn chung, các tài liệu này vẫn tiếp tục cách tiếp cận mô tả, giới thiệu sự thích ứng của người Mường đối với môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguyễn Thẩm Thu Hà [30] dựa trên thuyết nhân học sinh thái và thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa để nghiên cứu tri thức địa phương của người Sán Dìu ở Tuyên Quang trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tác giả tập trung mô tả tri thức địa phương trong sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước trên cơ sở đó đánh giá, phân tích những yếu tố tích cực và hạn chế của tri thức này. Dương Tuấn Nghĩa [68] nghiên cứu tri thức dân gian của người Hà Nhì đen trong khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển bền vững, tác giả có đề cập đến cái thiêng, luật tục với vai trò là những yếu tố chi phối hoạt động khai thác và góp phần bảo vệ rừng. Một vài cách tiếp cận chính chiếm ưu thế trong khối lượng tài liệu nghiên cứu về tri thức bản địa tập trung vào việc sưu tầm các tên địa phương của các loài cây, thuộc tính của chúng, hình thái nguồn gen, liệt kê cách khai thác, chế biến, sử dụng cây thuốc và bảo quản thuốc, các tri thức, kinh nghiệm, tập quán chăm sóc sức khỏe (Trần Thiện Ân, Huỳnh Văn Kéo, Trần Hồng Hạnh); giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp (Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Nguyễn Bình Minh), tuy nhiên các tác giả này vẫn chưa quan tâm đề cập đến thế giới quan liên quan đến các tri thức này [dẫn theo 71, tr.7]. Chương trình nghiên cứu Việt Nam-Hà Lan đề cập đến vai trò của tổ chức cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước tại đập thủy lợi Thái Long (Cẩm Phú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa); Trần Hồng Thu giới thiệu tri thức địa phương của người Mường trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước; Vi Văn An giới thiệu tri thức dân gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Phan Quốc Anh với bài viết “vai trò tri thức bản địa của người Chăm Ninh Thuận trong ứng xử với môi trường nước”; Đặng Thị Oanh với bài “Tri thức dân gian về nước của người Thái...[dẫn theo 53].
  • 24. 17 Qua điểm luận một số tác giả nghiên cứu chủ đề tri thức bản địa về quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trên cho thấy có sự tách biệt từng loại tài nguyên đất, rừng, nước hoặc tập trung quan tâm đến tính hữu dụng về mặt kỹ thuật của tri thức này trong sản xuất nông nghiệp mà bỏ qua phần trình bày về thế giới quan, vũ trụ luận. Trong khi đó, các tác giả như Rapaport, Dolmatoff, Lansing, Janjanapan, Cầm Trọng lại chỉ ra rằng tôn giáo, nghi thức và các biểu tượng lại chính là thực thể điều hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, rằng lực lượng siêu nhiên là một cơ chế có sức mạnh đặc biệt trong việc điều hòa mối quan hệ nói trên [dẫn theo 9, tr.353]. Hoàng Cầm đứng trên hướng lý thuyết nhìn nhận tôn giáo, nghi thức và các biểu tượng như là một thực thể điều hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên bởi vì niềm tin tôn giáo thể hiện vũ trụ quan của các tộc người bản địa, không phải là sự biểu lộ nỗi sợ hãi của con người trước lực lượng siêu nhiên. Mối quan hệ khăng khít, nền tảng của vũ trụ quan sinh thái chi phối đến thực hành của con người đối với tự nhiên, trong đó lực lượng siêu nhiên đóng vai trò quyết định. Lối tư duy này quy định cách thức con người hành động theo hướng chia sẻ với môi trường tự nhiên như là một phần của xã hội con người, đây là mô hình quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt được sự cân bằng sinh thái trong tương lai [9], [36], [38]. Trên đây là những công trình nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam. Tri thức bản địa được đề cập trên các khía cạnh, rất phong phú, đa dạng, hữu ích cho chúng tôi trong tham khảo, tiếp tục nghiên cứu mảng vấn đề này trong luận án. Cách tiếp cận tập trung vào tập quán khai thác và bảo vệ hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc miền núi luôn được các tác giả quan tâm từ rất sớm và ngày càng chiếm số lượng lớn trong các tài liệu viết về tri thức bản địa. Các nghiên cứu trên đều khẳng định, đánh giá vai trò quan trọng của tri thức bản địa. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong số các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam, đó là bàn luận của Pamela McElwee trong bài “Việt Nam có tri thức bản địa không?” cho rằng: phần lớn các nghiên cứu về tri thức bản địa/tri thức sinh thái truyền thống cho đến nay ở Việt Nam chỉ sử dụng một cách chọn lọc khái niệm về tri thức bản địa như một bản chất [ít thay đổi], tập trung vào việc gọi tên và phân loại [động thực vật] hoặc vào việc quản lý các tài nguyên thiên nhiên qua luật tục, mà không có nỗ lực để hiểu thế giới nhận thức luận rộng lớn hơn mà nơi đó tri thức bản địa được hình thành”. Theo Pamela McElwee, các nhà nghiên cứu Việt Nam
  • 25. 18 khi nghiên cứu tri thức bản địa cần phải chú ý đến tính hệ thống của tri thức bản địa, hoặc cần phải hiểu tri thức bản địa như là thế giới quan hoàn chỉnh bao gồm các khái niệm không chỉ tên địa phương đặt cho động thực vật và không chỉ hệ phân loại mà còn cần hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng và lễ nghi, các khía cạnh của tri thức trước đó không được quan tâm trong bảo tồn môi trường [tr.1]. Chính từ chủ đề nghiên cứu của Pamela McElwee [71] và Hoàng Cầm [9], xem xét tri thức bản địa trong tính chỉnh thể, nhìn nhận thế giới quan là cơ sở hình thành đối với tri thức này đã hướng nghiên cứu của chúng tôi đến với việc hiểu, tiếp cận tri thức bản địa của người Mnông về quản lý các nguồn tài nguyên đất rừng và nguồn nước như một chỉnh thể nguyên hợp, trong đó thế giới quan đóng vai trò chi phối mạnh mẽ các thành tố khác của tri thức bản địa, không tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, giữa lý trí và phi lý trí; tập trung làm rõ cơ sở thế giới quan và đặt tri thức này trong mối quan hệ với văn hóa của người Mnông. 1.1.3. Nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông và tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên 1.1.3.1. Nghiên cứu về tri thức bản địa của người Mnông Nghiên cứu về các tộc người Tây Nguyên đã diễn ra từ những năm đầu thế kỷ XX bởi các học giả và các quan cai trị người Pháp và sau đó là người Mỹ, người Việt Nam, các công trình này không được gọi là nghiên cứu về tri thức bản địa. Henri Maitre [35] tập trung cung cấp cứ liệu lịch sử quan trọng của một thời điểm lịch sử từ những năm 1912 về Cao nguyên miền thượng cũng như về vùng người Mnông mà không đề cập chút nào về tôn giáo nhưng cuốn sách vẫn là một nghiên cứu tổng quát không chỉ đầu tiên mà còn chất lượng nhất về Tây Nguyên”. Còn lại các tác giả như: Georges Condominas, J.Dournes, Gerald Canon Hickey, Joann L.Schrock, Henry và Evangeline Blood, ngoài những mô tả dân tộc học về đời sống, sinh kế, phong tục tập quán đều đề cập thế giới quan, tôn giáo, tín ngưỡng, huyền thoại…của người Mnông. J.Dournes [46] đã đưa chúng ta lạc vào một thế giới huyền ảo nhưng không kém phần sống động, qua đó chúng ta thấy được: dáng vẻ con người và lịch sử Tây Nguyên; các tộc người, các phương ngữ và diện mạo của họ; các kỹ thuật và nghi thức sáng chế; thuật chữa bệnh; tổ chức đời sống gồm gia đình và xã hội; tính biểu tượng của luật pháp thể hiện qua sự nghiêm minh của chất thơ; vị trí hàng đầu của
  • 26. 19 cái tinh thần tôn giáo; đêm đêm bên bếp lửa và ý niệm về thế giới đã phản ánh quan niệm vũ trụ mang tính siêu hình. Cao hơn nữa là những ý niệm được biểu đạt qua các câu chuyện kể, qua những giấc mơ của người Tây Nguyên đã được J. Dournes tái hiện sống động trong “Rừng, đàn bà, điên loạn” [45]. Khác với Yersin, Kemlin, Lavallé, Maitre, Guerlach Sabatier, Altomarchi… vốn chỉ tập trung vào thám hiểm, cai trị, truyền giáo…Với phương pháp “chân trần trong bùn”, J. Dournes không nghiêm túc lắm với nhiệm vụ truyền giáo theo cái nghĩa cải đạo cho dân chúng địa phương mà ông lại rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu xã hội người K’ho, Srê, Mạ, và đặc biệt là người Gia Rai. Đó là vì “ông e ngại không muốn thay đổi một nền văn hóa mà ông cho rằng còn gần gũi với Thiên chúa giáo nguyên thủy hơn cả nền văn hóa phương Tây của ông” [1, tr.163]. Ông dắt chúng ta đi qua miền mơ tưởng Giarai thông qua các huyền thoại của họ và cho phép chúng ta hiểu rằng “những con người tưởng chừng chỉ hành động vì miếng ăn thường nhật này, còn có những mối lo toan và một tư tưởng cao lớn hơn nhiều, khi ngọn lửa trong bếp bùng cháy” [46, tr. 410]. Mặc dù, không viết về người Mnông, nhưng có thể nói, trong những tư liệu quý giá mà Dam Bo (bút danh của J.Dournes) thu thập và tái hiện, là những vấn đề cơ bản về Tây Nguyên được tác giả đặt ra về sự phát triển của xã hội và về số phận con người nơi đây vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Trong luận án chúng tôi kế thừa một số quan điểm, cách tiếp cận vấn đề của ông khi nói về mối quan hệ giữa con người và rừng, đặc biệt là ý niệm tôn giáo và chiều sâu minh triết của người Tây Nguyên. Nhắc đến những nghiên cứu về người Mnông, phải nhắc đến nhà Mnông học Georges Condominas [27], [28], [160], ngoài việc ghi lại nhiều thông tin quý giá về nhiều mặt như tín ngưỡng, tập tục, sinh hoạt…ông đặc biệt thành công trong việc đề cập một số phương diện của một không gian xã hội của người Mnông Gar (ngôn ngữ, dân ca, thần thoại, quan hệ xã hội, nghi lễ, kiêng kị, sự trao đổi và tôn giáo). Nếu Chúng tôi ăn rừng [28] được đánh giá là công trình viết về người Mnông Gar một cách chi tiết và toàn diện nhất dưới con mắt của một nhà dân tộc học chân chính thì Không gian xã hội Đông Nam Á [27] mới thể hiện đầy đủ quan điểm của Condominas khi tiếp cận, nghiên cứu văn hóa một tộc người đó là “trong khi nghiên cứu một xã hội, người ta không thể bỏ qua vị trí của thế giới quan, sự tương tác chặt chẽ giữa bình diện tôn giáo với những bình diện khác của không gian xã hội động chạm tới tất cả mọi lĩnh vực của đời sống cộng đồng, những yếu tố hợp thành này đã duy trì cho người đó luôn ở trong một mạng quan hệ thường xuyên với những sinh linh
  • 27. 20 ở các mức khác nhau”. Trong quá trình nghiên cứu luận án này, chúng tôi tham khảo khá nhiều tư liệu và dựa trên cách tiếp cận của Condominas để nhìn tri thức bản địa trong mối quan hệ chỉnh thể, nguyên hợp với các thành tố khác của văn hóa. Tiếp theo các nhà nghiên cứu, quan cai trị người Pháp, từ cuối thập niên 1950 các học giả người Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên. Đầu tiên phải kể đến Gerald Canon Hickey và các nhà nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học Mùa hè [154] giới thiệu các tiểu nhóm và dân số, mô tả khái quát về khu định cư của người Mnông, tổ chức chính trị xã hội được biết đến bởi đơn vị cơ bản là làng, những người đàn ông thiêng trong rừng và làng có trách nhiệm phân phối các lô canh tác nương rẫy...Năm 1967, Gerald Canon Hickey lại tiếp tục hướng nghiên cứu các tộc người Tây Nguyên [155] đã mô tả về quyền sử dụng đất và nông nghiệp của người Mnông. Joann L.Schrock và các tác giả [156] đã cho ra đời một tập nghiên cứu dân tộc học tổng hợp về các tộc người ở Tây Nguyên trong đó có người Mnông. Henry và Evangeline Blood [150], [151] giới thiệu về hệ thống đại từ và sưu tầm huyền thoại của người Mnông. Có thể thấy, qua nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu người Mỹ mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận cho thấy các học giả người Mỹ kế thừa khá nhiều từ các học giả người Pháp. Điều dễ nhận thấy trong các công trình của các học giả nước ngoài đó là chưa có sự thống nhất trong cách phân nhóm tộc người Mnông; quan điểm và góc nhìn chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính trị thực dân, đế quốc và chịu sự chi phối mạnh mẽ của tôn giáo chính quốc; đôi chỗ có phần cực đoan khi nhìn nhận, đánh giá con người và văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây vẫn là những tài liệu có giá trị tham khảo nhất định, nhất là các tư liệu về bản đồ để các nhà nghiên cứu đi sau có cơ sở đối chiếu [108, tr.15] Hầu hết các nghiên cứu của các tác giả Việt Nam về người Mnông chủ yếu tập trung vào việc sưu tầm và tìm hiểu văn hóa tộc người trên các khía cạnh đời sống kinh tế, văn hóa, có thể kể đến Cửu Long Giang và Toan Ánh [26], Bế Viết Đẳng (chủ biên) [20], Lưu Hùng [41], [42]. Rất nhiều thần thoại, truyền thuyết, luật tục, sử thi, nghi lễ, các phong tục tập quán, trò chơi dân gian được sưu tầm và biên soạn và đã đem đến một hiểu biết về thế giới quan: Ngô Đức Thịnh [91], [92], [93], [94], [95], [96], [97], [98], [101], [102], [103]; Đỗ Hồng Kỳ [48], [49], [50], [51], [52]; Trương Bi [4], [5]; Y Tâm, Tô Đình Tuấn [6], Triệu Văn Thịnh [106]; Công trình Sử thi Tây Nguyên với 100 tác phẩm của các dân tộc Ê đê, Mnông, Ba Na, Ra GLai, Xê Đăng được sưu tầm, biên dịch và công bố, trong đó sử thi Mnông (được sưu tầm
  • 28. 21 ở tỉnh Đắk Nông) có số lượng nhiều nhất. Tuy nhiên, “những nghiên cứu này không cho chúng ta một cảm nhận về việc làm thế nào để những luật tục tiếp tục thay đổi qua thời gian và thích hợp với các vấn đề đương đại như thế nào; những nghiên cứu này còn bị xem như là tàn tích của quá khứ, truyền thống tĩnh lặng cần được bảo tồn nguyên vẹn, hiếm có nghiên cứu có hệ thống hơn về toàn bộ nhận thức luận của tri thức bản địa, nhất là việc sử dụng tri thức bản địa trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng [71, tr.7]. 1.1.3.2.Nghiên cứu về tri thức bản địa về quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Mnông ở huyện Lắk Ở Việt Nam, do mức độ quan tâm và mục đích nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nên hiện tại, chúng tôi chưa tìm thấy công trình chuyên biệt nào viết về tri thức bản địa của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài một số bài báo mang tính giới thiệu một số khía cạnh của tri thức bản địa. Có thể kể đến Lưu Hùng [42] đã giới thiệu, miêu tả khái quát về tri thức bản địa của người Mnông trong quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác giả có đề cập đến sự chi phối của tín niệm tôn giáo đối với việc quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bùi Minh Đạo [21] đã giới thiệu tri thức địa phương của các tộc người Tây Nguyên trong việc quản lý hiệu quả đất rẫy, trong đó có đề cập đến luật tục và kỹ thuật canh tác theo lối luân khoảnh khép kín của người Mnông. Tác giả còn khẳng định những tri thức trên là di sản hết sức quý giá, là sự thích ứng với tự nhiên, làm phong phú kho tàng kinh nghiệm sản xuất, là cơ sở giúp cho việc cải tạo, kế thừa và chuyển đổi nền trồng trọt, duy trì và bảo vệ tài nguyên; tuy nhiên, những tri thức này chỉ thích dụng trong điều kiện đất còn rộng, người còn thưa. Đỗ Hồng Kỳ [51] cho rằng “nỗi ám ảnh tôn giáo” in sâu vào tâm thức đã điều chỉnh hành vi và cách ứng xử của người Mnông đối với rừng, với thần linh với môi trường tự nhiên một cách trân trọng và hợp lý. Lê Thị Thanh Xuân [145] bước đầu giới thiệu mối quan hệ giữa thế giới quan, môi trường sinh thái và kỹ thuật canh tác nương rẫy của người Mnông “lực lượng siêu nhiên đóng vai trò chi phối toàn bộ đời sống của người Mnông, từ lối tư duy cho đến cách thức tác động vào tự nhiên trên cơ sở môi trường tự nhiên là một phần của mối quan hệ xã hội”, chính điều này đã đảm bảo cho con người có một cuộc sống hài hòa, cân bằng với tự nhiên.
  • 29. 22 Các nghiên cứu về chủ đề tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu kỹ thuật sinh thái, các tác giả có đề cập đến vai trò của thế giới quan trong việc bảo vệ tài nguyên, chi phối mối quan hệ giữa con người và tự nhiên nhưng chưa đủ đậm nét và chưa mang tính hệ thống. Tóm lại, tài liệu liên quan đến đề tài mà chúng tôi tiếp cận và điểm luận như trên cho thấy: nguồn tài liệu rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề: từ sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội đến phong tục tập quán, nghi lễ, sưu tầm các câu chuyện, sử thi, luật tục, cách chăm sóc sức khỏe, kiến trúc nhà ở…Đa số các công trình tập trung nghiên cứu về các tộc người khu vực miền Bắc, một số ít nghiên cứu ở miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nguồn tài liệu nghiên cứu về tri thức bản địa của người Mnông nói chung cũng được quan tâm, tuy nhiên tài liệu viết về tri thức bản địa của người Mnông trong quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ tản mạn, mang tính giới thiệu tập quán canh tác nương rẫy, một số công trình bước đầu đã thừa nhận mối liên hệ giữa thế giới quan và yếu tố kỹ thuật nhưng vẫn chưa đủ chuyên sâu, chưa đặt tri thức này trong mối quan hệ mang tính hệ thống với các thành tố khác của văn hóa. Quan điểm tiếp cận văn hóa theo thuyết tiến hóa đơn tuyến, hoặc để phục vụ mục đích của các dự án đã dẫn đến “một chuỗi các yếu tố xã hội bị tách biệt ra khỏi bối cảnh xã hội và lịch sử của việc việc sản sinh ra chúng, rồi được phân loại theo cách áp đặt tính ưu việt của nhóm này so với những nhóm khác” [13, tr.306]. Định kiến về canh tác du canh và các chính sách nhằm loại bỏ hoàn toàn việc đốt rẫy có nguy cơ dần dần làm biến mất các tri thức và các tập quán địa phương trong việc sử dụng đất rừng và đất sườn đồi là một ví dụ minh họa cho nhận định trên. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khác nhau về vấn đề này đã được thực hiện tại một số nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc đã nêu ra được những mặt tích cực của tập quán canh tác này trong quá trình tái tạo tự nhiên của rừng, cũng như trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong một số điều kiện [Sđd, tr. 310]. Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác đã dẫn đến hạn chế trong nghiên cứu tri thức bản địa đó là đại bộ phận các nhà nghiên cứu của Việt Nam không được đào tạo sâu về nghiên cứu thực địa, không biết tiếng của tộc người nghiên cứu, không lưu lại đủ lâu để có thể hiểu được sự cân bằng, nhịp sống cũng như những vận hành xã hội và kinh tế theo chu kỳ hàng năm của những đối tượng nghiên cứu, nhưng điều này lại rất cần thiết trong sử dụng đất rừng; thiếu quan tâm đến quan điểm của
  • 30. 23 chủ thể để có thể thực sự tiếp cận việc sử dụng rừng miền núi trên tất cả các bình diện và đôi khi cả mâu thuẫn của chúng [Sđd, tr. 312]. Với mong muốn bổ khuyết cơ sở lý luận, chúng tôi đặt tri thức bản địa trong mối quan hệ chỉnh thể, nguyên hợp với các thành tố khác của văn hóa, nhìn nhận thế giới quan có vai trò quyết định chi phối nhận thức và thực hành của các tộc người qua nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại một huyện cụ thể. Luận án cũng sẽ chỉ ra những nguyên nhân tác động đến sự biến đổi của tri thức bản địa để có thể cùng với các cấp chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu và cộng đồng sản sinh ra tri thức bản địa có phương cách bảo tồn và phát huy văn hoá giàu bản sắc trong xu thế hội nhập và phát triển. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có chọn lọc, kế thừa kết quả nghiên cứu của những người đi trước, tập trung điền dã sưu tầm tư liệu, kết hợp với trải nghiệm của bản thân để đưa ra những tư liệu mới, những phát hiện mới về tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. 1.2. Cơ sở lý thuyết Trên thế giới, tri thức bản địa đã được quan tâm nghiên cứu từ năm 1979 của thế kỷ trước, nhưng ở Việt Nam, năm 1990, những vấn đề có liên quan đến tri thức bản địa mới được đề cập như là một phần rất nhỏ của các công trình nghiên cứu về vấn đề nghèo đói ở địa bàn miền núi. Phải đến những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khi vấn đề suy thoái môi trường trở thành vấn đề của toàn cầu thì tri thức bản địa mới được chú ý trở lại như một cứu cánh cho sự phát triển bền vững. Khởi đầu bởi Ngân hàng thế giới vào năm 1998 với chương trình “Tri thức bản địa cho sự phát triển”, tiếp theo đó là các nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá, nhìn nhận lại tri thức bản địa, vẫn chưa thấy có sự thống nhất hoàn toàn trong việc đưa ra một khái niệm “Tri thức bản địa” cũng như chưa có một phương pháp phù hợp để tiếp cận tri thức bản địa. Vì vậy, trong phần này, chúng tôi một mặt bàn luận về khái niệm “tri thức bản địa”, mặt khác cũng đề cập đến khái niệm “Tài nguyên thiên nhiên” và “Phát triển bền vững”. 1.2.1. Khái niệm - Tri thức bản địa Tri thức bản địa là một trong những thành tố quan trọng góp phần tạo nên văn hóa của mỗi tộc người. Vì thế tri thức bản địa trở thành mối quan tâm nghiên
  • 31. 24 cứu của các nhà nghiên cứu về lĩnh vực nhân học, văn hóa học, dân tộc học…Bản thân nội hàm khái niệm “tri thức bản địa” vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về hệ tri thức của người dân, có thể dưới tên gọi “tri thức bản địa”, “tri thức truyền thống”, “tri thức địa phương”, “tri thức dân gian”…Trần Hồng Hạnh trong nghiên cứu của mình đã tổng hợp các nghiên cứu liên quan đến việc nhận diện hệ thống tri thức này: Lesvis-Strauss quan niệm tri thức địa phương được xác định là các hệ thống phân loại nền tảng về mặt trí tuệ lẫn khoa học và là “sự logic của thực tế”; Geertz thì cho đó là sự hiểu biết thông thường-một khung suy nghĩ đặc biệt và khác nhau qua từng vùng; Evans-Pritchard lại xem đó là các cách thức suy nghĩ và thực hành một cách logic; Còn Warren thì cho rằng các hệ thống kiến thức và thực hành được phát triển qua các thế thệ, trong sự độc nhất về một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa hay một xã hội riêng biệt và là nền tảng thông tin của một xã hội. [33, tr.24]. Ủy Ban quốc tế các Hiệp hội khoa học cho rằng những tri thức địa phương trên thực tế đã bao hàm tất cả những khía cạnh khác nhau trong đời sống con người, kể cả đời sống tâm linh, không gian văn hóa và thực hành văn hóa.[10, tr.15, 16]. Hoàng Xuân Tý trong một nghiên cứu về các khái niệm và vai trò của tri thức bản địa đã đồng nhất khái niệm của ba hệ tri thức “địa phương”, “bản địa” và “truyền thống”, ông cho rằng kiến thức bản địa là hệ thống kiến thức của các dân tộc bản địa, hoặc của một cộng đồng tại một khu vực nào đó. Nó tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định với sự đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng ở một vùng địa lý nhất định [121, tr.11,12]. Trong một ý nghĩa hẹp hơn, tri thức địa phương được Brush đề cập đến với tư cách là kiến thức đại chúng và kiến thức dân gian, hay Ngô Đức Thịnh quan niệm đó là một nền văn hóa dân gian. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh, tri thức dân gian, một tri thức phi trường học, là một tổng hòa các kinh nghiệm được loai người tích lũy qua quá trình hoạt động lâu dài nhằm thích nghi và thay đổi cùng với môi trường tự nhiên và xã hội theo cách có thể đem lại lợi ích vật chất và tinh thần. [33, tr.24]. Luận án này không nhằm mục đích tranh luận về nội hàm khái niệm tri thức bản địa, mà thông qua điểm lại quan điểm của một số tác giả về tri thức bản địa, chúng tôi đưa ra cách hiểu của mình để làm cơ sở cho những nội dung của đề tài. Tri thức bản địa, theo cách hiểu của một số nhà nghiên cứu là toàn bộ những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích lũy trong
  • 32. 25 quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng, thông qua trải nghiệm trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội [103, tr.32 ], những cách hiểu, lý giải và các ý nghĩa tinh tế này là một phần của phức hệ văn hóa bao gồm ngôn ngữ, tên gọi và các hệ thống phân loại, các thói quen sử dụng tài nguyên, lễ nghi, tín ngưỡng và thế giới quan…Tri thức bản địa tạo cơ sở cho việc ra quyết định của người địa phương về nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc sống hàng ngày [71, tr. 2]. Những tri thức này thường nằm trong các truyền thống văn hóa rộng lớn hơn, vì vậy việc tách rời giữa các yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, các yếu tố lý trí và phi lý trí, là một vấn đề khó khăn ” [82, tr.7]. Trên cơ sở kế thừa các quan điểm nghiên cứu về tri thức bản địa trước đây, chúng tôi cũng đưa ra cách hiểu của mình về tri thức bản địa như sau: Tri thức bản địa là toàn bộ những hiểu biết của con người về thế giới (tự nhiên, xã hội, con người) tại một địa phương nhất định. Tri thức bản địa được trao truyền bằng truyền miệng và bằng thực hành văn hóa. Tri thức bản địa chính là sự thích ứng của con người đối với tự nhiên, với sự thay đổi của môi trường và bối cảnh văn hóa, xã hội rộng lớn. Là một thành tố của văn hóa nên khi nghiên cứu tri thức bản địa, chúng ta không thể tách rời yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, giữa lý tri và phi lý trí, mà tri thức bản địa phải được hiểu như một thế giới quan hoàn chỉnh. Trong khuôn khổ phạm vi của đề tài, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài thiên nhiên qua ba thành tố đất, rừng, nước. Trên cơ sở đặt tri thức bản địa về quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh văn hóa truyền thống rộng lớn hơn như: quan tâm đến cách người Mnông nhận thức về thế giới, cách họ chuyển nhận thức của mình vào việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cách người Mnông thích ứng với sự thay đổi của môi trường sinh thái và cách họ thâu nạp những yếu tố mới vào việc hình thành hệ tri thức chứa đựng toàn bộ hiểu biết của họ về tự nhiên, về xã hội và con người. Luận án đặc biệt quan tâm đến niềm tin, thực hành tôn giáo và sinh kế của người Mnông đã thay đổi như thế nào khi quyền sở hữu đất rừng và nguồn nước bị thay đổi, những yếu tố nào đã tác động và làm biến đổi tri thức nói trên. Trên cơ sở đó bàn luận về những giá trị và những vấn đề đặt ra đối với tri thức bản địa trong bối cảnh phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên.
  • 33. 26 Mặt khác, nghiên cứu tri thức bản địa không thể tách rời với những hiểu biết về văn hóa dân gian tộc người. Văn hóa dân gian thể hiện sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên, xã hội và bản thân con người. Nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng nhằm tìm hiểu, nghiên cứu thế ứng xử và lối sống ứng xử để góp phần tạo ra thế ứng xử và ứng xử thích hợp [140, tr.114-115]. Những giá trị văn hóa truyền thống là những cái gì sâu lắng, tinh túy nhất đã tạo nên suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc, nó ăn sâu và tâm thức, tình cảm con người mà nhiều khi con người của thời đại khác, dân tộc khác khó có thể cảm thụ được [103, tr.117]. Vì vậy, khi tìm hiểu tri thức bản địa của người Mnông về quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên đất rừng và nguồn nước, chúng ta không thể không bàn đến giá trị của tri thức bản địa, mặc dù tri thức này đang hàng ngày hàng giờ bị mai một, biến đổi, thậm chí nhiều tri thức bị biến mất. Có thể đúc kết một số giá trị cơ bản của tri thức bản địa của người Mnông như sau: Tri thức bản địa của người Mnông thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về môi trường sinh thái. Tri thức bản địa của người Mnông được hình thành từ quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên. Do đặc điểm của địa hình đa dạng, phức tạp đã tạo ra cảnh quan, hệ sinh thái phong phú, vừa mang đặc thù riêng vừa mang tính đan xen hòa nhập giữa hai kiểu địa hình. Cũng chính từ địa hình được bao bọc bởi rừng và các dòng sông, con suối lớn nên toàn bộ sinh kế của người Mnông cũng bắt nguồn từ việc khai thác tự nhiên để phục vụ cho quá trình sinh tồn của cộng đồng. Yếu tố sinh thái được xem là cơ sở cho việc hình thành 2 mô thức văn hóa khác nhau giữa hai nhóm Mnông tại địa bàn huyện Lắk. Nhóm Gar cư trú trên núi cao, hoạt động kinh tế gắn với việc “ăn rừng”, nhóm Rlâm cư trú ven hồ Lắk, gắn với hoạt động canh tác lúa nước. “Xét trong tổng thể thì việc làm rẫy không phải là một phương thức phụ, mà là một phương thức trồng trọt duy nhất” [27, tr. 205], đảm bảo nguồn lương thực cho các gia đình, phần thừa có thể trao đổi những vật dụng khác. Tri thức bản địa chứa đựng thế giới quan, là nơi sáng tạo, trao truyền, lưu giữ văn hóa truyền thống. Tri thức bản địa của người Mnông cho thấy tương đối trọn vẹn đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp của văn hóa dân gian tộc người. Tính nguyên hợp của văn hóa dân gian thể hiện ở sự hòa nhập, gắn kết của đời sống sản xuất, xã hội và đời sống nghệ thuật [Sđd, tr.115]. Bất kể thời điểm nào, dù là lúc làm việc mệt nhọc trên rẫy, trên ruộng hay đang trong cuộc dạo chơi trong rừng tìm
  • 34. 27 măng, hái nấm, bắt tổ ong, chặn dòng bắt cá tập thể…người Mnông vẫn có thể mang theo nhạc cụ, hay hái một số loại lá, chặt một số loại cây bên đường tự tạo đàn môi, làm dụng cụ gõ tạo nên âm thanh để ca hát, đối đáp, mượn lời ca tiếng nhạc để thổ lộ tình cảm…Sáng sớm thức giấc, người đàn ông mang mbuôt (kèn sau ống nứa được gắn vào quả bầu khô) ra thổi để gọi vợ dậy nhen lửa, giả gạo, nấu cơm cho cả gia đình. Trong lúc nấu ăn, đan lát, hay khi thực hiện các công đoạn canh tác, chặn dòng bắt cá, vào rừng săn bắt, thu hái lâm sản đều có thể sáng tạo ra những lời nói vần chứa đựng những nội dung của sự kiêng kị, những câu đố, những bài dân ca để truyền dạy cho con cái; những sinh hoạt xã hội của gia đình hay của bon làng, tiếng chiêng vẫn có thể nổi lên. Như vậy, văn hóa dân gian của người Mnông cũng giống như văn hóa các tộc người khác, đặc biệt là những tộc người sống dựa vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên thì văn hóa lại càng là một phức thể nguyên hợp của rất nhiều thành tố đan xen, phụ thuộc lẫn nhau. Tri thức bản địa luôn tồn tại trong mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng, phụ thuộc và chi phối lẫn nhau với các thành tố của văn hóa. Tri thức bản địa của người Mnông là sự phản ánh và hợp thành của nhiều yếu tố [sđd, tr.112]: nghệ thuật ngôn từ (thể hiện qua các câu truyện cổ, lời nói vần, luật tục…); nghệ thuật dân gian (các bài chiêng, điệu múa, câu hát, các loại nhạc cụ, kiến trúc nhà dài, trang trí cây nêu, trang trí trên y phục, trang trí trên các vật dụng gia đình..); luật tục với vai trò là thiết chế điều chỉnh mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa con người với con người đã góp phần bảo vệ tài nguyên, ổn định trật tự xã hội; tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội thấm đẫm trong vòng đời con người và vòng sinh trưởng của cây trồng; kỹ thuật canh tác thể hiện sự thích ứng của con người với môi trường sinh thái. Trong tất cả các yếu tố trên, thế giới quan đóng vai trò xuyên suốt, chi phối các yếu tố còn lại. Tri thức bản địa của người Mnông hàm chứa tính cộng đồng, dân chủ, bình đẳng và tương trợ . Tri thức đúc kết từ trong quá trình sinh tồn và sản xuất của người Mnông gắn với mối quan hệ cộng đồng của họ. Là cư dân gắn bó với rừng, hoạt động kinh tế gắn với canh tác nương rẫy cho thấy sự chi phối của tính cộng đồng trong mọi công đoạn canh tác là rất lớn. Các công đoạn làm rẫy đều được cộng đồng tiến hành cùng một lúc, các gia đình thực hiện theo sự điều khiển
  • 35. 28 của ông Rnoh Rnut thể hiện tính cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng nghĩa vụ và cộng đồng lợi ích rất rõ rệt. Đất rừng là tài sản chung nên cả bon sẽ cùng nhau thăm khu rừng mà làng sẽ ăn, tất cả thành viên trong làng được huy động phát dọn đường băng cản lửa quanh khu vực phát rẫy. Ngọn lửa thiêng được tiến hành bằng một nghi thức mang tính tôn giáo mà cả cộng đồng đều phải chứng kiến, hồ hởi chờ đón. Chỉ bằng rìu và lửa, người Mnông không thể thực hiện hoạt động canh tác với tư cách cá nhân, riêng lẻ mà họ cần có sự huy động lớn về nhân lực, sự khẩn trương về mặt thời gian thì mới có thể hoàn thành vụ gieo trồng. Từ đó hình thành nên “sự tương trợ trong nông nghiệp” [27, tr.402] và thấm đẫm vào các quan hệ xã hội, tính dân chủ thể hiện “không có tổ chức chính trị-xã hội nào cao hơn làng, không có người đứng đầu làng”, chỉ có “những người thiêng” được dân làng tôn phong, thay mặt dân làng quản lý đất đai và hướng dẫn về mặt tôn giáo cho cộng đồng. Tính dân chủ, bình đẳng trong sinh hoạt thể hiện qua việc mọi người cùng làm, cùng hưởng, không có đặc quyền cho riêng cá nhân nào, mọi hoạt động tập thể hay phạm vi gia đình đều được cả cộng đồng làng cùng hồ hởi, chung lo, gánh vác. Tài nguyên thiên nhiên Tài nguyên thiên nhiên là tất cả “các quà tặng” của thiên nhiên-không khí, đất, nước, rừng, đời sống hoang dã, khoáng sản-do con người sử dụng trong sản xuất hoặc tiêu dùng trực tiếp, có thể tái tạo hoặc không tái tạo được. Tài nguyên thiên nhiên bao gồm vốn tự nhiên cộng thêm các quà tặng của thiên nhiên mà không thể tích lũy được (như ánh sáng mặt trời), không thể sử dụng trong sản xuất (như các địa điểm có phong cảnh đẹp). Tài nguyên có thể tái tạo là tài nguyên có thể thay thế hoặc bổ sung nhờ các quá trình tự nhiên hoặc hành động của con người. Cá và rừng là các loại tài nguyên có thể tái tạo. Các loại khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch là những tài nguyên không thể tái tạo vì chúng chỉ được tái tạo theo địa tầng chứ không phải thang thời gian hay con người. Một số khía cạnh môi trường-chất lượng đất, khả năng đồng hóa, các hệ thống hỗ trợ sinh thái-được gọi là các tài nguyên nửa tái tạo vì chúng được tái tạo lại rất chậm theo thang thời gian của con người [67, tr.50]. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu, luận án quan tâm đến ba loại tài nguyên cơ bản: đất, rừng và nguồn nước, vì đây không chỉ đơn thuần là tài nguyên thiên nhiên mà nó còn là thành tố quan trọng góp phần hình thành nên văn hóa tộc người. Cách