SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  168
Télécharger pour lire hors ligne
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
NGUYỄN THÙY TRANG
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986 – 2014
TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số : 62 22 01 21
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS ĐỖ LAI THÚY
2. TS. TÔN THẤT DỤNG
HUẾ - NĂM 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan luận án này hoàn toàn do tôi thực hiện. Các kết quả nghiên cứu,
đoạn trích dẫn và số liệu sử dụng trong luận án đều được dẫn nguồn và có độ chính
xác cao nhất trong phạm vi hiểu biết của tôi.
TP. Huế, tháng 8 năm 2018
Người viết cam đoan
Nguyễn Thùy Trang
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Đỗ Lai Thúy và TS. Tôn Thất
Dụng, người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, động viên, khích lệ tôi trong suốt quá
trình thực hiện luận án.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa Ngữ Văn và Phòng Đào tạo Sau Đại học,
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi
trong suốt quá trình tôi theo học Nghiên cứu sinh, khóa 2014-2017.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm
Huế, Ban Chủ nhiệm và các đồng nghiệp Khoa Ngữ Văn đã tạo mọi điều kiện thuận
lợi để tôi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã khích lệ, ủng hộ tôi trong suốt
thời gian thực hiện luận án.
TP. Huế, tháng 8 năm 2018
Tác giả
Nguyễn Thùy Trang
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Lí do chọn đề tài......................................................................................................1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................2
2.1. Đối tượng nghiên cứu...........................................................................................2
2.2. Phạm vi nghiên cứu .............................................................................................2
3. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu...........................................................2
3.1. Cơ sở lí thuyết......................................................................................................2
3.2. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................................3
4. Đóng góp của luận án...............................................................................................4
5. Kết cấu luận án ........................................................................................................4
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU...................................5
1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái...............................................................5
1.1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên thế giới.......................................5
1.1.2. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái ở Việt Nam ......................................15
1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái.......23
1.2.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 – quá trình đổi mới và tiến dần đến văn học
sinh thái .....................................................................................................................23
1.2.2. Phê bình sinh thái – một lối tiếp cận mới vào tiểu thuyết Việt Nam sau 1986.......27
1.3. Đánh giá tình hình nghiên cứu và hướng triển khai đề tài.................................29
1.3.1. Về tình hình nghiên cứu..................................................................................29
1.3.2. Hướng triển khai đề tài....................................................................................30
CHƯƠNG 2. MỘT CÁI NHÌN HẬU/ GIẢI CẤU TRÚC VỀ PHÊ BÌNH SINH THÁI
TRONGTIỂUTHUYẾTVIỆTNAMGIAIĐOẠN1986–2014 ........................................32
2.1. Phê bình sinh thái và đặc tính hậu/ giải cấu trúc................................................32
2.1.1. Về khái niệm và cội nguồn của phê bình sinh thái .........................................32
2.1.2. Đặc tính hậu/ giải cấu trúc của phê bình sinh thái ..........................................38
2.2. Những phương diện hậu/ giải cấu trúc của phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt
Nam sau 1986 ............................................................................................................42
2.2.1. Phi trung tâm – dạng thức tồn tại của văn hóa hậu hiện đại ...............................42
2.2.2. Cái chết của chủ thể - tính liên chủ thể...........................................................47
CHƯƠNG 3. ĐỊNH GIÁ CHUẨN TẮC ĐẠO ĐỨC SINH THÁI TỪ HỆ
THỐNG NHÂN VẬT..............................................................................................60
3.1. Kiểu nhân vật xâm phạm tự nhiên – khát vọng bành trướng.............................60
3.1.1. Tư tưởng nhân loại trung tâm và sai lạc hành vi..........................................................61
3.1.2. Sự mơ hồ sinh thái – những ngộ nhận trong quy luật sinh tồn .......................67
3.2. Kiểu nhân vật nạn nhân sinh thái – hậu quả của văn minh................................74
3.2.1. Nông dân, người nghèo và dấu ấn của sinh thái giai cấp................................75
3.2.2. Thị dân, trí thức và làn sóng sinh thái đô thị...................................................81
3.2.3. Nữ giới và những thấu chạm sinh thái nữ quyền ............................................86
3.3. Kiểu nhân vật thức tỉnh – ý niệm về sự hợp nhất ..............................................91
3.3.1. Sám hối, trăn trở – niềm kính sợ sinh mệnh ...................................................91
3.3.2. Bảo vệ tự nhiên – nỗ lực tái thiết Trái đất.......................................................95
3.3.3. Hướng đến lối sống điền viên – cuộc hành hương về với tự nhiên ..............100
CHƯƠNG 4. PHỤC HƯNG TINH THẦN SINH THÁI TỪ QUYỀN LỰC
VĂN HÓA..............................................................................................................105
4.1. Quyền lực của diễn ngôn – những khai mở nhãn quan văn minh đương đại................107
4.1.1. Định hình diễn ngôn lãng mạn tự nhiên trong tầm nhận thức mới ..........................108
4.1.2. Kiến tạo diễn ngôn sinh thái hiện đại – tưởng tượng khác về môi trường...............117
4.2.1. Sự biện chứng giữa văn chương và thực tế...................................................124
4.2.2. Những huyền tích, tập tục như cách thức điều chỉnh tư duy về Trái đất.................131
C. KẾT LUẬN .......................................................................................................141
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........................................................................................145
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................146
PHẦN PHỤ LỤC
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Bước sang thế kỉ XXI, khi khoa học kĩ thuật – công nghệ và văn minh nhân loại
đã đạt những thành tựu vượt bậc, và khi con người trở thành “bá chủ” trong hành tinh
Trái đất, thì cũng chính là lúc nhân loại phải đối mặt với một vấn nạn bức thiết: Sự hủy
hoại môi trường sinh thái ngày càng tàn khốc. Cái giá mà nhân loại phải trả cho những
phương tiện máy móc tân tiến, thiết bị điện tử thông minh, từng tòa cao ốc chọc trời,
các nhà máy có quy mô đồ sộ… là sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, cạn
kiệt nguồn nước, thiên tai khó lường, rừng biến mất, dịch bệnh tràn lan… Đó là những
hệ lụy đau lòng, khiến con người phải nhìn nhận lại hành động và trách nhiệm của
chính mình đối với hệ sinh thái trong bối cảnh hiện nay. Khi Trái đất đang bị đe dọa
nghiêm trọng, không thể nói rằng văn học hoàn toàn vô cảm trong sự phá hủy ấy.
Ra đời từ những năm 70 của thế kỉ XX, phê bình sinh thái là kết quả của chuỗi
“phản ứng muộn màng” (so với các ngành khoa học xã hội – nhân văn khác) đối với nguy
cơ sinh thái. Mãi đến những năm 90, phê bình sinh thái mới thực sự phát triển sâu rộng,
sôi nổi khi các hoạt động văn học gắn kết với môi trường liên tục diễn ra: Hội thảo “Phê
bình sinh thái: làm xanh lại nghiên cứu văn học” (1991), thành lập “Hội nghiên cứu văn
học và môi trường” (1992), xuất bản công trình Nghiên cứu liên ngành về văn học và môi
trường (1993), ấn phẩm kỉ niệm hai mươi năm thành lập Hội nghiên cứu Văn học và Môi
trường – Sổ tay Oxford Phê bình sinh thái (2013)… Những hoạt động trên đã khiến phê
bình sinh thái trở thành một phong trào có tiếng vang trong giới học thuật.
Giáo sư Laurence Buell nhận định: “Văn học sinh thái là văn học viết về nguy cơ
của thế giới”. Ở Việt Nam, có thể thấy rõ dấu ấn của văn chương sinh thái qua những tiểu
thuyết tiêu biểu như: Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu
(Nguyễn Khắc Phê), Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế
Hùng), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Gần như là sống, Ruồi là ruồi (Đỗ Phấn), Săn cá thần
(Đặng Thiều Quang), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Nhắm mắt nhìn trời (Nguyễn Xuân
Thủy), Thân xác (A Sáng), Thiên đường ảo vọng (Nguyễn Trí), Chúa đất (Đỗ Bích
Thúy), Vết thương hoa hồng (Nguyễn Văn Học), Con chim joong bay từ A đến Z (Đỗ
Tiến Thụy)… Với số lượng tác phẩm đáng kể, các nhà văn Việt Nam đã thể hiện được sự
nhạy bén của mình trong việc tri nhận những vấn đề thời sự mang tính nhân loại.
2
Hướng đến môi trường, phải chăng văn học đang hướng đến sự sống còn của toàn
nhân loại? Đó cũng chính là sứ mệnh của văn học sinh thái. Vì lẽ đó, chúng tôi lựa chọn
đề tài: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái. Hướng
nghiên cứu này sẽ góp phần khỏa lấp mảng trống của phê bình sinh thái trong văn học
Việt Nam; đồng thời thúc đẩy các nhà văn chú ý nhiều hơn đến đề tài môi trường và mối
quan hệ giữa văn học với môi trường, trách nhiệm của nhà văn với giới tự nhiên và sự an
nguy, tồn vong của dân tộc, nhân loại; thể hiện sự gắn kết giữa khoa học với thực tiễn,
đưa văn học Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986.
Đặc biệt luận án khảo sát những tiểu thuyết của một số tác giả mà cảm thức sinh thái
hiện lên khá rõ nét, tiêu biểu như: Đỗ Phấn (Gần như là sống; Ruồi là ruồi, Rụng xuống
ngày hư ảo), Nguyễn Khắc Phê (Thập giá giữa rừng sâu); Trần Duy Phiên (Trăm năm
còn lại); Nguyễn Ngọc Tư (Sông); Đỗ Bích Thúy (Bóng của cây sồi, Chúa đất), Ma Văn
Kháng (Chó Bi, đời lưu lạc), Nguyễn Thế Hùng (Họ vẫn chưa về), Đặng Thiều Quang
(Săn cá thần), Bùi Ngọc Tấn (Biển và chim bói cá), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt
nhìn trời), A Sáng (Thân xác), Đỗ Tiến Thụy (Con chim joong bay từ A đến Z)… Danh
mục cụ thể các tác phẩm khảo sát trong luận án chúng tôi sẽ đưa vào phần Phụ lục 1.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Dù luận án có tên: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê
bình sinh thái, nhưng mốc giai đoạn 1986 – 2014 chỉ mang tính chất đánh dấu bước khởi
đầu một thời kì văn học sau Đổi mới cho đến năm 2014 – là thời điểm chúng tôi tiếp nhận
đề tài nghiên cứu. Về cơ bản, những vấn đề sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam thể hiện
rõ nét vào những năm đầu thế kỉ XXI cho đến tận bây giờ. Vì thế, chúng tôi cũng khảo sát
thêm cả những tiểu thuyết sau năm 2014 (cụ thể là 2015, 2016, 2017).
Luận án tập trung nghiên cứu những yếu tố thể hiện dấu ấn sinh thái trong tiểu
thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 đến nay trên các phương diện cơ bản sau: hệ sinh
thái, hình tượng con người và các hình thức nghệ thuật thể hiện góc nhìn sinh thái.
3. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu
3.1.Cơ sở lí thuyết
Để nghiên cứu đề tài Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn
phê bình sinh thái, chúng tôi hệ thống hóa lí thuyết phê bình sinh thái trong văn học đã
được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước công bố trên các chuyên luận, các tạp
3
chí có uy tín. Bên cạnh đó, chúng tôi xem xét những sáng tác thuộc thể loại tiểu thuyết
giai đoạn Đổi mới đến nay nằm trong sự vận động, giao lưu giữa văn học đương đại
với các nền văn học khác trên thế giới. Đặc biệt, chúng tôi chú ý dấu ấn và ảnh hưởng
của lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này, những yếu tố
đậm nhạt thể hiện góc nhìn sinh thái ở những tác giả, tác phẩm cụ thể, riêng lẻ.
Từ đó, chúng tôi tổng hợp, đánh giá khách quan những vấn đề chung liên quan
đến lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đồng thời, trong
quá trình thực hiện đề tài chúng tôi chú trọng đến những đặc điểm nổi bật nhất của một
số cây bút tiểu thuyết đương đại trong sự giao thoa với những đặc trưng cơ bản của
văn học hậu hiện đại.
3.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Đây là phương pháp giúp chúng tôi định hình,
đặt các yếu tố tương quan, có những dấu hiệu lặp lại và đồng đẳng với nhau trong một chỉnh
thể thống nhất, nhằm minh giải cho các phương diện của luận án. Cụ thể, chúng tôi sẽ luận
giải khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới trong sự liên hệ
đa chiều với các đặc trưng của phê bình sinh thái. Đồng thời, khi phân tích tác phẩm và
những biểu hiện của thi pháp sinh thái, người viết không xem xét vấn đề theo hướng cô lập
mà đặt trong hệ thống để xác định các sắc độ tiếp biến nghệ thuật sinh thái ở mỗi nhà văn.
- Phương pháp liên ngành: Mối quan hệ giữa phê bình sinh thái và văn học là lĩnh
vực thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa, tự nhiên, sinh học, dân tộc học, chính
trị… Vì thế, khi nghiên cứu một hiện tượng văn học từ góc nhìn phê bình sinh thái, các
nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp liên ngành để phân tích tác phẩm văn
chương, từ đó rút ra những cảnh báo về môi trường.
- Phương pháp so sánh: Bằng cách đối chiếu với văn học nhiều nước khác,
người nghiên cứu có thể khẳng định vai trò quan trọng của lí thuyết phê bình sinh thái
trong việc thay đổi nhận thức, thái độ của nhà văn, độc giả, cũng như cộng đồng trên
thế giới về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong thế bình đẳng, tương trợ,
giao hòa. Phương pháp này còn giúp tiến hành nghiên cứu văn chương được toàn diện
hơn khi liên hệ với các lĩnh vực khác liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất,
như sinh học, địa lí, vật lí…
4
4. Đóng góp của luận án
Thứ nhất, từ sau năm 1986 đến nay, văn học Việt Nam đã hòa mình trong xu
thế toàn cầu hóa, không ngừng giao lưu, tiếp nhận những lí thuyết phê bình mới mẻ,
nhân văn và ứng dụng tinh chọn, hiệu quả như: thi pháp học, tự sự học, phân tâm học,
hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền luận… Tuy nhiên, phê bình sinh thái vẫn còn là
mảng đề tài, sáng tác, phê bình ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cho nên, triển
khai đề tài “Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh
thái” sẽ đưa ra những minh chứng về mối liên hệ mật thiết giữa văn học với môi
trường sinh thái, và vai trò quan trọng của văn chương đối với sự thức tỉnh của con
người trong việc tàn phá, xâm lấn môi sinh.
Thứ hai, vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái, chúng tôi minh giải những đặc trưng
tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới đến nay qua những vấn đề căn bản:
- Tiểu thuyết Việt Nam đang bước vào quỹ đạo mới của kỉ nguyên hậu hiện đại
qua những phân nhánh như phê bình sinh thái. Điều này thể hiện rõ ở tính chất giải cấu
trúc phê bình sinh thái trong tiểu thuyết.
- Quá trình tái thiết quan niệm mới về tự nhiên thông qua sự lật đổ quan niệm “nhân
loại trung tâm”. Trên cơ sở này, xác lập hệ chuẩn tắc đạo đức sinh thái của con người.
- Gợi mở vấn đề sinh thái tinh thần như một hành trình phục hưng lại giá trị cao
đẹp của văn hóa nhân loại trong tâm thức và lối hành xử với tự nhiên.
- Khẳng định văn học cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự sinh tồn và phát
triển của nhân loại.
5. Kết cấu luận án
Luận án gồm những phần chính: mở đầu, nội dung, kết luận, danh mục tài liệu tham
khảo và phụ lục. Trong đó, phần nội dung là trọng tâm, được triển khai thành 4 chương:
- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
- Chương 2: Một cái nhìn hậu/ giải cấu trúc về phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt
Nam giai đoạn 1986 - 2014
- Chương 3: Định giá chuẩn tắc đạo đức sinh thái từ hệ thống nhân vật
- Chương 4: Phục hưng tinh thần sinh thái từ quyền lực văn hóa
5
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình
sinh thái là một hướng triển khai mang lại nhiều kiến giải mới, đồng thời cũng rất thiết
thực và quan trọng. Nó cho thấy, các nhà văn, nhà phê bình đã bắt đầu nắm bắt được
xu hướng của thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi vấn đề môi trường và nguy cơ
sinh thái đang ở mức báo động, đe dọa sự sống còn của Trái đất. Vì vậy, tìm hiểu tổng
quan tình hình nghiên cứu của đề tài phải xem xét từ bình diện khái quát đến cụ thể.
Về cơ bản, những thành tựu trong nghiên cứu phê bình sinh thái trên thế giới nói
chung, ở Việt Nam nói riêng được khởi thành, đóng góp từ những công trình, những
bài nghiên cứu đáng chú ý sau:
1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái
1.1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên thế giới
Từ khi ra đời đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu – phê bình có liên
quan luận bàn về lí thuyết và ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu văn học/
văn hóa. Do khuôn khổ của luận án và khả năng tư liệu, chúng tôi chỉ quan tâm đến
những nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên mảng tư liệu tiếng Anh. Hơn nữa,
nhìn nhận quá trình hoạt động và phát triển của phê bình sinh thái, chúng tôi xin chia
thành ba chặng đường nghiên cứu cơ bản sau:
1.1.1.1. Chặng một từ 1972 đến 1991: Thời kì manh nha
Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận, phê bình sinh thái chính thức bắt
nguồn từ Mĩ, cụ thể vào năm 1972, cuốn sách Hài kịch của sinh tồn: nghiên cứu sinh thái
học văn học (The Comedy of Survival: Studies in Literary Ecology) của W. Meeker xuất
bản, ông đã chú ý đến vấn đề sinh thái trong văn học. Bằng việc phân tích một số sáng tác
của Dante Alighieri, William Shakespeare, cùng một số nhà văn đương đại, Meeker nhận
thấy văn học như là một sự mô phỏng, bắt chước những phạm trù căn bản của cuộc sống
con người. Hơn nữa, soi chiếu kịch Hi Lạp cổ đại, kịch của William Shakespeare, Meeker
còn tìm thấy những điểm khác biệt đáng kể giữa hài kịch và bi kịch liên quan đến cái nhìn
về tự nhiên: bi kịch hầu như chỉ là sự sáng tạo của nền văn minh phương Tây, phát sinh từ
những huyền thoại anh hùng, ca ngợi sự vĩ đại của con người; trong khi đó hài kịch “gần
như phổ biến, xảy ra bất cứ nơi nào có văn minh nhân loại hiện hữu”. Bi kịch tập trung
6
vào một anh hùng cá nhân “chịu chết và sẵn sàng chết vì lí tưởng của mình”. Hài kịch lại
nhìn những lí tưởng, những siêu việt hay chiến thắng của một cá nhân với cái nhìn giễu
cợt, “chán nản”, và đúc rút rằng sự thành công của con người luôn được khởi sinh từ sự
tiếp nối cộng đồng. Theo quan điểm của Meeker, bi kịch là một sản phẩm của chủ nghĩa
nhân loại phương Tây, đồng thời có mối quan hệ thảm khốc với tự nhiên, nó ca ngợi tầm
quan trọng của mỗi cá nhân và đặt ra “giả thuyết về sự vượt trội của con người đối với
quá trình phát triển của tự nhiên nhằm chứng minh sự khai phá của con người về thiên
nhiên mà không quan tâm đến hậu quả”. Qua đó, Meeker nhận ra, “từ quan điểm không
khoan nhượng của sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, văn học đóng góp nhiều cho sự tồn
tại của chúng ta hơn là sự tuyệt chủng của nhân loại”, và ông đề xuất: “Con người đang
là những sinh vật thuộc về văn học duy nhất trên trái đất. Nếu sự sáng tạo văn học là
một đặc điểm quan trọng của loài người, nó cần được kiểm tra một cách cẩn thận và
trung thực để khám phá ảnh hưởng của nó đối với hành vi của con người và môi trường
tự nhiên – để xác định vai trò gì, nếu có, nó đóng vai trò trong sự bảo vệ và sự tồn tại
của nhân loại, và những gì nó cho thấy một cái nhìn sâu sắc vào các mối quan hệ của
con người với các loài khác và với thế giới xung quanh chúng ta” [77, tr.3-4].
Trên cơ sở này, năm 1978, trong tiểu luận Văn học và Sinh thái học: Một thử
nghiệm trong Phê bình sinh thái (Literature and Ecology: An Experiment in
Ecocriticism), thuật ngữ “Phê bình sinh thái” (Ecocriticism) lần đầu tiên được William
Rueckert sử dụng, gợi ý rằng đây là sự “kết hợp văn học và sinh thái học”. Ông kiến
nghị, lí luận văn học hiện đại nên “xây dựng được một hệ thống thi pháp sinh thái” để
tạo nên một “tầm nhìn sinh thái” kết nối văn học với sinh thái học.
Tuy nhiên, phải đến một thập niên sau, lí thuyết phê bình sinh thái mới được
nhắc đến mạnh mẽ trong cuốn Giảng dạy văn học môi trường: Tài liệu, Phương pháp
và Tiềm năng (Teaching Environmental Literature: Materials, Methods, Resources) do
Frederick O. Waage chủ biên, xuất bản năm 1985 bởi Hội ngôn ngữ học hiện đại; công
trình đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu ở Mĩ tiến hành mở bộ môn liên quan đến văn học
sinh thái và tiến hành nghiên cứu lĩnh vực này.
Sau đó, trong Đại hội “Hội văn học miền Tây” nước Mỹ năm 1989, Cheryll
Glotfelty với báo cáo Vì một nền phê bình văn học sinh thái (Toward an Ecological literary
criticism) và Glen. A. Love với báo cáo Định giá lại tự nhiên: Vì một nền phê bình sinh thái
7
học (Revaluing Nature: Toward an ecological criticism) đã lần nữa khẳng định sự hiện diện
của phê bình sinh thái rất thiết thực trong văn học và lí luận phê bình hiện đại.
Năm 1990, cuốn The Norton: Cuốn sách của lối viết tự nhiên (The Norton: book
of nature writing) do Robert Finch và John Elder chủ biên ra đời, đã giới thiệu những
tác phẩm quan trọng viết về tự nhiên của Âu Mĩ từ thế kỉ XVIII. Hiệu ứng cuốn sách
mang lại là sự mở rộng hiểu biết của độc giả về phê bình sinh thái, đưa lí thuyết này đến
gần hơn với mọi người.
Đến năm 1991, hội thảo “Phê bình sinh thái: Xanh hóa nghiên cứu văn học”
(Ecocriticism: The Greening of Literary Studies) do Harold Fromm chủ trì đã diễn ra
tại Hội Ngôn ngữ học Hiện đại Mĩ, tập hợp những công trình nghiên cứu về “lối viết tự
nhiên” và văn học viết về môi trường. Cũng trong năm này, tại Anh, Jonathan Bate
(Đại học Liverpool) xuất bản chuyên luận Sinh thái học lãng mạn: Wordsworth và
truyền thống môi trường (Romantic Ecology: Wordsworth and the Environmental
Tradition). Khi nghiên cứu, J. Bate đã sử dụng thuật ngữ “phê bình sinh thái văn học”
(literary ecocriticism). Các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của cuốn sách này đánh
dấu bước mở đầu của phê bình sinh thái Anh.
Ở giai đoạn này, phê bình sinh thái vẫn đang bước những bước đầu tiên chậm
rãi và chưa có hệ thống. Các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa đã phát triển lí thuyết
và phê bình về phương diện sinh thái bằng cách tiếp cận liên ngành. Nhưng các nghiên
cứu của họ được coi là “những nghiên cứu của lối viết tự nhiên” (the study of nature
writing) xuất hiện đơn lẻ với những tên gọi khác nhau như: chủ nghĩa đồng quê, sinh
thái học nhân văn, chủ nghĩa địa phương (regionalism), phong cảnh trong văn học,
nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary studies)… Cho nên, hai mươi năm đầu tiên
vẫn là giai đoạn manh nha hình thành của phê bình sinh thái.
1.1.1.2. Chặng hai từ 1992 đến 2004: bùng nổ lí thuyết phê bình sinh thái
Năm 1992, một sự kiện quan trọng tạo nên bước chuyển cho phê bình sinh thái là
Hội nghiên cứu văn học và môi trường (The Association for the Study of literature and
Environment), gọi tắt là ASLE được thành lập ở trường đại học Nevada (Mĩ). Đây là
một tổ chức học thuật phê bình sinh thái mang tính quốc tế, với hơn nghìn hội viên đến
từ các nước khác nhau. Bằng việc tổ chức các hội thảo quốc tế, các cuộc thảo luận quy
mô nhỏ, xuất bản tập san, giới thiệu những thành quả phê bình sinh thái mới nhất,… hội
8
ASLE đã làm cho khuynh hướng phê bình sinh thái ngày càng lan rộng và phát triển
mạnh mẽ. Hội trưởng đầu tiên của ASLE - Scott Slovic là một trong những người có
nhiều thành tựu nghiên cứu về phê bình sinh thái. Scott Slovic bắt đầu tiếp cận phê bình
sinh thái năm 1989. Đến năm 1992, ông xuất bản chuyên luận Tìm kiếm ý thức sinh thái
trong văn bản viết về tự nhiên ở Mỹ (Seeking Awareness on America Nature writing), có
ảnh hưởng rất lớn ở Mĩ. Các nhà văn sinh thái nổi tiếng như Annie, Edward, Abbey,
Wedell Bery, Bary Lopez đều được Slovic quan tâm tìm hiểu. Ông chú ý đến những
sách viết về tự nhiên và nguyên nhân tâm lí của văn học sinh thái, đồng thời cũng quan
tâm đến cơ chế bên trong sự giao lưu giữa con người và tự nhiên.
Tiếp đó, một loạt công trình về phê bình sinh thái được công bố và tạo dấu ấn đặc
biệt, như: cuốn sách Bản đồ cảnh quan vô hình: Văn học dân gian, Văn học viết và Ý
thức nơi chốn (Mapping the Invisible Landscape: Folklore, Writing and the Sense of
Place) của Kent C. Ryden xuất bản năm 1993 đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô và
cặn kẽ về nơi chốn. Dựa vào các phương pháp và tư liệu địa lí, truyện kể dân gian và
văn học viết, cuốn sách là những phân tích liên ngành sâu rộng về nơi chốn, nhận thức
vai trò quan trọng của vị trí địa lí trong việc hình thành nên văn hóa địa phương cũng
như cách thức nơi chốn tác động đến cuộc sống cá nhân. Qua đó, Ryden phát hiện mối
liên hệ biện chứng giữa một vùng địa phương và sự thể hiện địa phương đó trong văn
học, đóng góp một tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực phê bình. Năm 1994, chuyên luận
Phê bình văn học sinh thái: tưởng tượng lãng mạn và Sinh học tư duy (Ecological
literary criticism: romantic imagining and the Biology of mind) của Karl Kroeber biên
soạn đã bàn luận những vấn đề chính yếu của phê bình sinh thái như nguyên nhân hình
thành, đặc trưng, tiêu chuẩn và mục đích của phê bình sinh thái. Năm 1995, chuyên luận
Tưởng tượng về môi trường: Thoreau, văn viết tự nhiên và sự hình thành của văn hóa
Mĩ (The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Writing, and the Formation of
American Culture) của Lawence Buell xuất bản đã nghiên cứu trường hợp nhà văn
Thoreau qua tác phẩm Walden và kiến nghị vai trò, trách nhiệm của văn học đối với môi
trường, vì ông cho rằng, “nguy cơ môi trường bao gồm cả nguy cơ trong tưởng tượng”.
Tuy nhiên, tác phẩm được xem như tài liệu nhập môn của phê bình sinh thái là
Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học (The
Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology), xuất bản năm 1996, do Cheryll
9
Glotfelty và Harold Fromm chủ biên. Cuốn sách gồm hai mươi sáu bài viết, là kết hợp
những bài tái bản lẫn mới công bố, được chia làm ba phần: Phần một – Lí thuyết sinh thái
học: Sự phản ánh thiên nhiên và văn hóa; Phần hai – Những quan tâm phê bình sinh thái
trong tiểu thuyết và kịch; Phần ba – Các nghiên cứu quan trọng của Văn học Môi trường.
Đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật lí, công trình đã chỉ ra Sinh
thái văn học là nghiên cứu những cách thức của lối viết vừa phản ánh lại vừa ảnh hưởng
tương tác như thế nào giữa con người với thế giới tự nhiên. Tác phẩm đã cung cấp một hệ
thống tổng quan về những vấn đề then chốt xung quanh lí thuyết mới này, như: khái niệm
phê bình sinh thái, nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển trong hơn hai mươi năm qua
và đưa ra những diễn giải tại sao phê bình sinh thái lại có vai trò quan trọng trong nghiên
cứu văn học hôm nay. Đây chính là công trình đầu tiên chiếu sáng vào một lĩnh vực
nghiên cứu có sự tham gia một cách đầy đủ của các ngành khoa học – xã hội với các vấn
đề đương đại cấp bách của chúng ta – cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu.
Năm 1999, công trình chuyên sâu về phê bình sinh thái đô thị được ấn hành do
Michael Bennett và David W. Teague biên soạn có tên Bản chất của các thành phố: Phê
bình sinh thái và Môi trường đô thị (The Nature of Cities: Ecocriticism and Urban
Environments). Vốn là những nhà nghiên cứu xuất thân từ thành thị, Michael Bennett và
David W. Teague đã trình bày trên tinh thần đưa phê bình sinh thái từ vùng hoang dã trở
về nhà. Qua 6 phần chính: phần 1 – Bản chất của các thành phố, phần 2 – Lối viết bản
chất đô thị, phần 3 – Công viên thành phố, phần 4 – Đô thị “hoang dã”, phần 5 – Sinh thái
học nữ quyền và Thành phố, phần 6 – Lí thuyết không gian đô thị, cuốn sách này đã chỉ ra
rằng, các thành phố thường được cho là tách biệt với thiên nhiên, nhưng xu hướng gần
đây của phê bình sinh thái đòi hỏi chúng ta xem xét thành phố cũng là một phần của hệ
sinh thái. Và rõ ràng, sự tương tác của văn hóa và tự nhiên ở các thành phố và vùng ngoại
ô cũng phong phú, đa dạng không kém gì những vùng nông thôn, hoang dã. Soi chiếu từ
góc độ này, các nhà nghiên cứu cũng truyền tải thông điệp gửi gắm những thị dân về vị trí
của họ trong việc cân bằng môi trường sống.
Bước sang thế kỉ XXI, phê bình sinh thái thực sự phát triển sâu rộng, trở thành một
hiện tượng lí luận phê bình văn học – văn hóa toàn cầu. Nhiều hội thảo liên tiếp được diễn
ra: Tháng 6 năm 2000 tại Đại học Cork tiến hành Hội thảo khoa học Quốc tế đa ngành với
chủ đề “Giá trị của môi trường”. Tháng 10 năm đó, tại Đại học Danjiang Đài Loan đã tổ
chức Hội thảo Quốc tế phê bình sinh thái với chủ đề “Diễn ngôn sinh thái”.
10
Các chuyên luận phê bình sinh thái giai đoạn này mang tính cô đúc, đi sâu hơn về
học thuật. Tiêu biểu: cuốn Tuyển tập Nghiên cứu Xanh: từ Chủ nghĩa lãng mạn đến Phê
bình sinh thái (The Green Studies Reader: From Romanticism to Ecocriticism) của
Laurence Coupe. Tác phẩm chứng minh rằng, phê bình sinh thái của Anh được sinh ra từ
phong trào Lãng mạn Anh những năm 90 thế kỉ XVIII hơn là phong trào Tiên nghiệm Mỹ
trong thập kỉ 40 thế kỉ XIX. Và không giống với các nhà phê bình Mĩ, các nhà phê bình
Anh quốc ngay thời kì đầu đã nghiêng hơn về “nghiên cứu xanh” chứ không phải “phê
bình sinh thái”. Đồng thời, nếu phê bình sinh thái Mỹ thiên về ca tụng tự nhiên thì phê
bình sinh thái Anh thiên về cảnh báo môi trường.
Cũng cần phải kể thêm công trình tiếp theo của Lawrence Buell là: Viết vì một
Thế giới lâm nguy: Văn học, Văn hóa, Môi trường nước Mĩ và các quốc gia khác
(Writing for an Endangered World: Literature, Culture, and Environment in the
United States and Beyond, 2001). Cuốn sách có điểm khác so với các trước tác khác là
không chỉ đơn phương bàn luận văn học có khuynh hướng tự nhiên nữa, mà tuyển
chọn cũng như thảo luận tác phẩm văn học có khuynh hướng tự nhiên tiêu biểu và
những tác phẩm văn học có khuynh hướng văn hóa, làm rõ quan điểm tư tưởng khác
nhau trên hệ thống diễn ngôn luân lí sinh thái, hiện đại hóa, phát triển, tài nguyên, ô
nhiễm. Phương pháp nghiên cứu như vậy có lợi đối với việc thúc đẩy sự hình thành
những tri thức chung cơ bản trong quá trình đối thoại của những quan điểm khác nhau,
đồng thời làm cho phê bình sinh thái càng có tính sắc bén, mang đến mô hình có ý
nghĩa cho văn học truyền thống từ góc nhìn sinh thái.
Greg Garrard, giáo sư tại Đại học British Columbia, thành viên sáng lập và là
cựu chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu về Văn học và Môi trường (Anh và Ireland). Ông là
tác giả cuốn sách Phê bình sinh thái (Ecocriticism) xuất bản năm 2004, trong đó lưu ý
việc: phê bình sinh thái nhấn mạnh cách thức mà chúng ta tưởng tượng và miêu tả mối
quan hệ giữa con người và môi trường trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Sự
tiếp cận của Greg Garrard dựa trên sự phát triển của phong trào và nghiên cứu những
khái niệm mà các nhà phê bình sinh thái đang sử dụng nhiều nhất, bao gồm: Sự ô
nhiễm; Vùng hoang dã; Tận thế; Nơi trú ngụ; Động vật; Trái đất, cùng với một danh
mục thuật ngữ và những đề xuất để tham khảo thêm. Ông chứng minh rằng không có
quan điểm duy nhất hay đơn giản hợp nhất tất cả các nhà phê bình sinh thái. Chuyên
11
luận này được xem là một bước đi ý nghĩa trong phát triển nghiên cứu văn học và văn
hóa gần đây, tạo tiền đề cho những nghiên cứu mới về phê bình sinh thái sau này.
Ngoài ra còn có một số giáo trình lí luận đề cập đến phê bình sinh thái như một lí
thuyết văn học mới nổi cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, chẳng hạn như: Giới thiệu Phê
bình đầu thế kỉ XXI (Introducing Criticism at the Twenty-First Century) do Julian
Wolfreys biên tập, có Chương 7 - “Phê bình sinh thái” được Kate Rigby viết đã giới
thiệu tường tận về phê bình sinh thái. Giáo trình Nhập môn lí thuyết: dẫn luận lí luận
văn học và văn hóa (Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural
Theory) tái bản năm 2002, cũng có một chương mới là “Phê bình sinh thái” do Peter
Barry soạn thêm (ấn phẩm xuất bản năm 1995 chưa có chương này). Ngoài ra, còn có
một số bài viết tiêu biểu khác như: Phê bình sinh thái: Thế giới tự nhiên trong kính
ngắm văn học (Ecocriticism: Natural world in the literary viewfinder) của Serpil
Oppermann; Bài ca trái đất (The Song of the Earth) của Jonathan Bate...
1.1.1.3. Chặng ba từ 2005 đến nay: sự hoàn thiện và mở rộng phê bình sinh thái
Mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển của lí thuyết này bắt nguồn từ sự ra đời
chuyên luận phê bình sinh thái thứ ba của Lawrence Buell mang tên: Tương lai của
phê bình môi trường: khủng hoảng môi trường và tưởng tượng văn học (The Future of
Environmental Criticism: Environmental Crisis and Literary Imagination). Lawrence
đặt phê bình sinh thái vào chỉnh thể lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và văn học để khảo
sát, chỉ ra một cách rõ ràng “sự chuyển hướng của sinh thái môi trường trong những
nghiên cứu về văn học và văn hóa” (the environment turn in literary and cultural
studies), “diễn ngôn sinh thái của văn học” (literary ecodiscourse) được sử dụng rộng
rãi hơn, hình thành hệ thống toàn cầu hóa hơn, được thảo luận liên ngành nhiều hơn,
được cấu thành từ nhiều phương diện hơn”.
Đến năm 2006, phê bình sinh thái tiếp tục được mở rộng khi công trình Tự nhiên
trong nghiên cứu văn học và văn hóa – Cuộc đàm luận bên kia Đại Tây Dương về phê
bình sinh thái (Nature in literary and cultural studies – Transatlantic conversations on
ecocriticism) được biên soạn bởi Catrin Gersdorf và Sylvia Mayer xuất bản. Tác phẩm
này đã khẳng định phê bình sinh thái là phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đón đầu xu
thế thời đại trong bối cảnh ngày nay, gồm bốn phần: Lí thuyết tự nhiên của phê bình
sinh thái; Định vị tự nhiên trong ngôn ngữ, văn học và văn hóa hằng ngày; Tự nhiên,
12
văn học và không gian quốc gia; Những đạo đức của tự nhiên. Nó đã cung cấp thêm
một số lí thuyết và khái niệm liên quan đến phê bình sinh thái nhằm hướng đến một sự
nghiên cứu nghiêm ngặt hơn về tự nhiên bằng một thách thức thiết lập văn hóa, chính trị
và những quy chuẩn đạo đức. Công trình này ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của phê
bình sinh thái như một phương pháp tái xem xét lịch sử về ý thức hệ, về mặt thẩm mĩ và
đạo đức có động cơ thúc đẩy những khái niệm của tự nhiên, chức năng xây dựng và sự
ẩn dụ của nó trong các hoạt động văn học và văn hóa khác. Từ đó, tác phẩm tạo ra một
cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương đã từng được diễn ra từ thập niên cuối thế kỉ XX,
chủ yếu là giữa các nhà phê bình sinh thái Mĩ và Anh; đồng thời cũng mở rộng cuộc trò
chuyện này với những tiếng nói mới (từ Đức, Estonia, Lithuania) và đối tượng khu vực
khác (văn học bằng tiếng Đức, ngôn ngữ học định hướng về mặt sinh thái).
Năm 2008, Scott Slovic xuất bản cuốn Đi xa để suy nghĩ: Nhập thế, xuất thế và
trách nhiệm của phê bình sinh thái (Going Away to Think: Engagement, Retreat, and
Ecocritical Responsibility) gợi mở tầm quan trọng của phê bình sinh thái trong việc
tham gia vào đời sống xã hội. Qua 17 tiểu luận, tác giả đưa người đọc phiêu lưu cùng
những chuyến đi thâm nhập thực tiễn từ Oregon, Mexico, Nevada… để chứng minh
rằng ngôn ngữ và truyền thông là mấu chốt tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường,
trong đó, các nhà phê bình sinh thái là người có vai trò quan trọng điều phối phê bình
sinh thái đến gần hơn với công chúng bằng cách hòa nhập vào tự nhiên, vào cộng đồng
hoặc cống hiến nghiêm túc, chuyên sâu vào nghiên cứu khoa học. Không đơn thuần là
một cuốn sách về học thuật, cuốn sách đã mở đầu cho những chuyển hướng sau này
của phê bình sinh thái từ góc nhìn trải nghiệm của nhà nghiên cứu.
Năm 2011, giáo sư Susan Rowland ra mắt tác phẩm Tinh thần phê bình sinh
thái: Văn học, sự phức tạp của tiến hóa và Jung (The Ecocritical Psyche: Literature,
Evolutionary Complexity and Jung) được xem là “bước đột phá” của phê bình sinh
thái, bởi đây là lần đầu tiên, nghiên cứu phê bình sinh thái đã có sự kết hợp liên ngành
với tâm lí học, cùng các ý tưởng của Jung, huyền thoại và lí thuyết tiến hóa của
Shakespeare và Jane Austen. Thông qua việc nghiên cứu sự sản sinh những biểu
tượng, huyền thoại và tiến hóa trong các văn bản như Khu vườn bí mật (The Secret
Garden), Giông tố (The Tempest), Đỉnh cao lộng gió và Sư tử (Wuthering Heights and
The Lion), Phù thủy và tủ quần áo (The Witch and the Wardrobe), Susan đã chứng
13
minh văn học là nơi tưởng tượng, xa rời với tự nhiên, mà khởi nguồn của nó là từ một
thế giới phi-nhân-loại khác. Nhận thấy, “biểu tượng không chỉ là thuộc tính của một
mình bản ngã hay tinh thần, nó còn là tiếng nói của tự nhiên xuyên qua chúng ta”,
Susan đã phân tích những ý tưởng của C. Jung trong việc sáng tạo ra những hình ảnh
tưởng tượng đã kết nối nhân loại và tự nhiên như thế nào.
Đến năm 2013, cuốn Sổ tay Oxford về Phê bình sinh thái (The Oxford handbook of
Ecocriticism) do Greg Garrard biên tập được ghi nhận như công trình đánh dấu thời kì
phát triển vượt trội của phong trào phê bình sinh thái, phát hành nhằm kỉ niệm hai mươi
năm thành lập Hiệp hội nghiên cứu về Văn học và Môi trường (ASLE). Tác phẩm được tổ
chức hợp lí, rõ ràng, đi từ lịch sử vấn đề, đến phạm trù lí thuyết và sau cùng là đưa ra
những quan điểm về phê bình sinh thái tại một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn
Độ, Trung Quốc, Đức… Điểm nổi bật của Sổ tay Oxford về Phê bình sinh thái chính là đã
tập hợp những bài nghiên cứu của các học giả chuyên sâu bàn luận về sự hình thành lí
thuyết phê bình sinh thái diễn ra như thế nào, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các triết gia và
nhà tư tưởng ra sao, tiêu biểu như Gaston Bachelard, Roland Barthes, Jacques Derrida,
Michel Foucault, Sigmund Freud, David Harvey, Martin Heidegger, Edmund Husserl,
Wolfgang Iser, Fredric Jameson, Jacques Lacan, Ferdinand de Saussure, Raymond
Williams... Những nguồn này giúp cho các nhà phê bình sinh thái tạo ra các lí thuyết kết
nối giữa văn học và môi trường, ví dụ: bản chất của ngôn ngữ, tính văn bản, nhận thức về
không gian, xây dựng sự khác biệt, ranh giới các loài, tầng lớp xã hội, quyền lực, rủi ro, ý
thức hệ, phân điểm, tâm lí con người, nhận thức luận, và bản thể học. Khi biên tập,
Garrard đã tạo ra sự cân bằng hợp lí giữa những bài khái quát trọng tâm và những đột phá
thử nghiệm vào lãnh thổ mới. Độc giả sẽ được dẫn nhập những cách tiếp cận mới vào giai
đoạn nghiên cứu khả thi phê bình sinh thái như chủ nghĩa lãng mạn và văn học thế kỉ
XIX, cũng như mạo hiểm vào giai đoạn ít được nghiên cứu, như thời trung cổ và hậu hiện
đại. Tác phẩm còn đi sâu vào lí thuyết mới, như phê bình sinh thái hậu thuộc địa, công
bằng môi trường, khoa học nữ quyền, và giới thiệu các bài viết đã táo bạo vào địa hạt mới
như kí hiệu học sinh học (biosemiotics) và khoa học siêu nhiên (paraphysics). Bên cạnh
đó còn có một số công trình đưa ra lập luận mới về những thể loại định hướng tự nhiên,
chẳng hạn: “Có phải là Cái chết của Lối viết Tự nhiên?” của Daniel J. Philippon tìm hiểu
tất cả thể loại đã từng có trước đây nhưng bị các nhà phê bình sinh thái bỏ qua, như truyện
14
hài, âm nhạc thời xưa, văn học thiếu nhi, và phương tiện truyền thông kĩ thuật số. Tác
phẩm đã thu hút nhiều mối quan tâm của nhiều nhà phê bình trong những năm cuối thế kỉ
XX về vấn đề sinh thái trong văn học, tạo ra một hiệu ứng phát triển của lĩnh vực này tới
từng khu vực, quốc gia.
Năm 2014, cuốn sách Sự mơ hồ sinh thái, Cộng đồng và Phát triển: Hướng tới một
Phê bình sinh thái Chính trị (Ecoambiguity, Community, and Development: Toward a
Politicized Ecocriticism) do Scott Sloviic, S. Rangarajan và V. Sarveswaran biên tập lại là
một công trình được đóng góp bởi rất nhiều nhà lí luận hàng đầu về văn hóa – môi trường
ở các nước đang phát triển, từ Nam Á đến Mĩ Latin. Mười hai chương của cuốn sách được
gắn kết với nhau thông qua sự nhất trí của các tác giả về sự phức tạp của “văn hóa tự
nhiên”, làm sáng tỏ mối tương quan của các vấn đề nhân quyền và suy thoái môi trường.
Một số tác giả giải quyết sự mơ hồ trong vai trò biểu hiện ngôn ngữ và văn học, nghiên
cứu tương phản ngôn ngữ của chính nó “để đưa ra sự truyền đạt thế giới vật chất mà các
nền văn hóa tìm kiếm để tồn tại”. Qua đó, công trình thiết lập nhận thức mới trong mối
quan hệ giữa địa chính trị và bảo vệ môi trường và xã hội. Tuyển tập này áp dụng một
diễn thuyết của Nam Địa cầu như một cấu trúc chuẩn để điều hướng về cách thức suy biến
sinh thái và áp bức văn hóa bị lây lan ở cộng đồng địa phương lẫn toàn cầu.
Từ những công trình mà chúng tôi tiếp cận được trong nghiên cứu về phê bình
sinh thái, có thể nhận thấy đây là vấn đề đang được nhiều chuyên gia văn hóa – văn
học từ khắp nơi trên thế giới quan tâm; hơn nữa lí thuyết về phê bình sinh thái vẫn còn
đang ở quá trình định hình, hoàn thiện hơn. Cho nên, tương lai của phê bình sinh thái
gắn với bối cảnh toàn cầu hóa. Nhìn vào những công trình ban đầu, các nhà phê bình
sinh thái tập trung tìm hiểu những văn bản tại quốc gia họ sinh sống (gồm văn bản
tiếng Anh, Đức, và những ngôn ngữ thuộc Tây phương), sau đó, phê bình sinh thái dần
dần rời khỏi địa hạt trung tâm, lưu ý đến các văn bản ngoài Âu – Mĩ để khai mở những
tiềm năng lí thuyết mới trong nội tại chính nó. Cũng trong quá trình nghiên cứu những
văn bản ngoài Âu – Mĩ, cụ thể ở đây là những văn bản Đông Á, các nhà phê bình sinh
thái còn phát hiện ra “sự mơ hồ” trong thái độ, tình cảm của người phương Đông đối
với thiên nhiên (trường hợp của Karen Thornber). Đồng thời, bắt nhịp về với phương
Đông, phê bình sinh thái đã kết nối với các tư tưởng triết học sinh thái môi trường hiện
đại và nguồn mạch tư tưởng văn hóa phương Đông ngàn xưa (Nho giáo, Đạo giáo,
15
Phật giáo) để đề xuất một cách ứng xử mới với tự nhiên, tái thiết môi sinh. Từ đó cho
thấy sự cần thiết và cấp bách hiện nay trong việc dẫn nhập, áp dụng lí thuyết phê bình
sinh thái vào nghiên cứu văn học các nước châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng.
1.1.2. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái ở Việt Nam
Văn học Việt Nam từ sau Đổi mới đã rất cởi mở trong việc tiếp thu những lí
thuyết phê bình khác của thế giới và có những chuyển biến đáng kể. Các vấn đề như thi
pháp học, tự sự học, phân tâm học, cấu trúc, nữ quyền luận, hậu hiện đại… được nhiều
học giả, nhà nghiên cứu và nhà văn đón nhận sôi nổi, tạo nên dấu ấn riêng. Nhưng đối
với trào lưu phê bình sinh thái vẫn còn ở dạng “tiềm năng cần khai thác”. Tại sao lại
trong trạng thái tiềm năng mà không phát triển sâu rộng như những lí thuyết vừa kể
trên? Một phần vì ban đầu, lí thuyết phê bình sinh thái được những học giả sử dụng để
nghiên cứu văn học viết về tự nhiên, nhằm nhấn mạnh văn học nên làm cho độc giả
quay lại “tiếp xúc” với tự nhiên, hướng tới xây dựng một nền văn học sinh thái. Trong
khi đó, thiên nhiên vốn dĩ là đề tài quen quá quen thuộc trong văn chương phương
Đông. Nên người ta hồ nghi rằng, văn học sinh thái liệu có khác gì văn học viết về thiên
nhiên đã có từ ngàn năm trước, như những áng sử thi hùng tráng Ramayana,
Mahabharata đã ca ngợi vẻ đẹp con người và tự nhiên, như những bài thơ Thiền đời
Đường, những bài thơ Haiku Nhật Bản? Hơn nữa, một câu hỏi được đặt ra: phê bình
sinh thái khi nghiên cứu về tự nhiên sẽ mang lại điểm khác biệt gì so với những lí thuyết
văn học trước đây, chẳng hạn như thi pháp học cũng đã từng đề cập đến không gian,
thời gian, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên? Một phần cũng bởi nhiều học giả
cho rằng đây là một lí thuyết “gượng ép”, đánh đồng phê bình sinh thái như một ngành
thuộc sinh thái học, một phong trào văn hóa – xã hội bảo vệ môi trường. Những điều
này cũng đã được Nguyễn Văn Dân đề cập trong bài viết “Các lí thuyết nghiên cứu văn
học và tính khả dụng” (Văn nghệ, số 15/ 2014). Tác giả cho rằng, phê bình sinh thái
trước hết là một phong trào văn hóa – xã hội bảo vệ môi trường, và “nếu cứ lấy một vấn
đề xã hội bất kì để gắn một cách gượng ép với văn học và gọi nó là mỹ học thì chúng ta
sẽ có vô vàn lí thuyết mỹ học nhưng không áp dụng được” [11]. Chỉ khi làm rõ những
định kiến và mập mờ trên, phê bình sinh thái mới được chấp thuận và xem như là một
ngành nghiên cứu văn học mới có tính khả dụng, cấp bách.
16
Nhìn chung có thể thấy, phê bình sinh thái vận dụng quan điểm sinh thái học hiện
đại khảo sát mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và tự nhiên, xã hội và trạng thái tinh
thần con người; chất vấn quan hệ giữa ba yếu tố: con người, tự nhiên, nghệ thuật, qua đó
thể hiện chủ nghĩa sinh thái nhân văn mới, tái cấu trúc các quan niệm cũ để có được các
quan niệm mới. Lấy vấn đề sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần trong nghiên cứu
văn học làm trọng yếu, phê bình sinh thái muốn tác phẩm văn chương phải chuyển tải
những chiều hướng phức tạp của con người và tự nhiên, cũng như quan hệ tương tác
giữa chúng. Hơn nữa, từ góc độ sinh thái, độc giả tiến hành “đọc lại” những tác phẩm
quen thuộc trong văn học truyền thống, đồng thời tìm ra ý nghĩa văn hóa sinh thái và ý
nghĩa mĩ học sinh thái từng bị che lấp, phớt lờ, và “tái xây dựng” (re-construction) mối
quan hệ thẩm mĩ giữa tự nhiên và con người, con người và xã hội, con người và Trái
đất, con người và tự ngã. Ngoài ra, cần phải hiểu, đây là một lí thuyết liên ngành, có sự
kết hợp giữa văn chương và các ngành khoa học khác để đưa ra những kiến nghị về vấn
nạn sinh thái. Qua những diễn ngôn về tự nhiên và môi trường, lí thuyết này tác động
đến nhận thức và điều chỉnh quan niệm, hành xử của con người với thế giới tự nhiên.
Hiểu một cách đơn giản, phê bình sinh thái là sự thức tỉnh của văn học sau khi nhân loại
đối mặt với thảm họa sinh thái, là sự định vị lại vị trí con người trên Trái đất của các nhà
tư tưởng, nhà nghiên cứu - phê bình văn học hiện đại.
Tất nhiên, bất kì phương pháp nghiên cứu mới hình thành nào cũng đều có
những điểm thiếu rõ ràng về lí luận, phê bình sinh thái cũng không ngoại lệ. Phê bình
sinh thái cũng có một số điểm yếu về tính lí luận và thực hành nghiên cứu. Nhưng dù
thế nào đi nữa, phê bình sinh thái đã bước ra khỏi sự cầm tù của văn bản, khỏi lối
nghiên cứu nội quan, khép kín, để đến với thực tế đời sống – thấy được điều Trái đất
đang khẩn thiết kêu gọi. Viết về tự nhiên, về nguy cơ hủy diệt môi sinh, cũng là đề cập
đến sự tồn vong của nhân loại. Chính vì vậy, dù có những trở ngại bước đầu, phê bình
sinh thái vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn. Tuy
nhiên, ở nước ta, những lưu tâm của các học giả về lí thuyết này vẫn chưa sôi nổi như
nhiều nước trên thế giới. Xét về thời gian xuất hiện lẫn số lượng công trình công bố,
đó là một sự “phản ứng chậm”.
17
Trước hết, về mặt du nhập lí thuyết, phê bình sinh thái đã được dịch thuật và
giới thiệu sang tiếng Việt với một số lượng tương đối, mang tính chất cá nhân và có sự
phân giãn thời gian.
Tháng 3 năm 2011, Viện Văn học tổ chức thuyết trình vấn đề phê bình sinh thái,
Karen Thornber (Khoa Văn học so sánh, Đại học Havard) đã trình bày bài giảng
Ecocriticism, giới thiệu tổng quan nội dung, ý nghĩa và lịch sử phát triển của nghiên cứu
văn chương môi trường. Karen Thornber đưa ra những luận điểm cơ bản mà phê bình
sinh thái hiện nay đang lưu tâm, như sau: Thứ nhất, sự tưởng tượng về nơi chốn, từ địa
phương đến toàn cầu; thứ hai, việc sử dụng và phê phán những mô hình nghiên cứu
khoa học trong nghiên cứu văn chương và nghệ thuật; thứ ba, sự khác biệt về giới trong
cảm quan và tưởng tượng về môi trường; thứ tư, sự tương tác qua lại về học thuật giữa
phê bình sinh thái và hậu thuộc địa; thứ năm, sự khác biệt giữa “dân bản xứ” và “dân
khai hoang”; thứ sáu, “văn chương và tưởng tượng mĩ học trong những mối quan hệ
xuyên loài”. Đây chính là báo cáo đầu tiên về lí thuyết phê bình sinh thái tại Việt Nam.
Năm 2012, bài viết của Đỗ Văn Hiểu - Phê bình sinh thái - cội nguồn và sự phát
triển là bản dịch được tổng hợp từ tài liệu tiếng Trung: Phê bình sinh thái Âu Mĩ (Nxb
Học Lâm, 2008) và Phê bình sinh thái: Phát triển và nguồn gốc (trong Tuyển tập văn
luận văn học sinh thái Trung quốc và thế giới, Nxb Đại học Công thương Chiết Giang,
2010). Tác giả giới thiệu một cách hệ thống diễn trình phát triển của phê bình sinh thái
từ những năm 70 của thế kỉ XX cho đến nay, cũng như chỉ ra cội nguồn tư tưởng, triết
học sinh thái.
Năm 2013, một công trình nữa của Karen Thornber được Trần Ngọc Hiếu dịch
là Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, in trong tập Phê bình sinh thái
Đông Á: Tuyển tập phê bình (Các nền văn học, văn hóa và môi trường) (East Asian
Ecocriticism: A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment)).Qua bản
dịch này, chúng ta thấy tiềm năng cũng như triển vọng của phong trào phê bình sinh
thái trong văn học mà Karen Thornber nhấn mạnh. Đặc biệt, khu vực Đông Á là nơi
chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc của những bất công môi trường, xuống cấp tự nhiên.
Chính lẽ đó, Karen Thornber yêu cầu nhận thức lại về mối quan hệ giữa con người và
tự nhiên trong văn học, để chấm dứt tình trạng “mơ hồ sinh thái”, xây dựng “ý thức
hành tinh” trong nghiên cứu văn chương.
18
Năm 2014, Trần Thị Ánh Nguyệt đóng góp bản dịch Nghiên cứu văn học trong
thời đại khủng hoảng môi trường được lấy từ lời giới thiệu của Cheryll Glotfelty trong
Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học văn học (The
Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology) do Cheryll Glotfelty và Harold
Fromm chủ biên – một cuốn sách được xem là tài liệu nhập môn của phê bình sinh
thái, bởi công trình này có giá trị tổng thuật và khái quát sâu rộng, rõ ràng về lí thuyết.
Năm 2017, cuốn sách Phê bình sinh thái là gì? do Hoàng Tố Mai chủ biên xuất
bản, tập hợp những bản dịch và tổng thuật của các nhà nghiên cứu như Phạm Phương
Chi, Đặng Thị Thái Hà, Lê Quốc Hiếu, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Tố Mai, Nguyễn
Trường Sinh. Qua những công trình nổi tiếng về phê bình sinh thái của các chuyên gia
văn học có uy tín trên thế giới, cuốn sách đã mang đến những tri thức nền tảng về phê
bình sinh thái, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về lí thuyết này.
Về mặt thực hành phê bình sinh thái, nhiều nhà nghiên cứu cũng bày tỏ sự quan
tâm đến lối tiếp cận mới mẻ này. Chẳng hạn như “Phê bình sinh thái – khuynh hướng
nghiên cứu văn học mang tính cách tân” (Tạp chí Nhà văn, 12/ 2012) của Đỗ Văn Hiểu
đã khẳng định phê bình sinh thái ra đời mang đến cho nghiên cứu văn học, mĩ học một
góc nhìn mới, tạo ra một động lực phát triển mới, bổ sung cho những khoảng trống trong
nghiên cứu văn học từ trước đến nay. Bài viết làm sáng tỏ một số cách tân cơ bản của phê
bình sinh thái trên phương diện: Tư tưởng nòng cốt, mang một sứ mệnh mới, xây dựng
trên nguyên tắc mĩ học riêng, xác lập đối tượng – phạm vi nghiên cứu riêng; bên cạnh đó
cũng lưu tâm đến hạn chế, khó khăn trong việc phát triển khuynh hướng nghiên cứu này.
Năm 2013, trong cuốn sách có tựa đề Văn học Hậu hiện đại – Lí thuyết và thực
tiễn (Lê Huy Bắc chủ biên), Nguyễn Thị Tịnh Thy có bài Phê bình sinh thái – nhìn từ lí
thuyết giải cấu trúc. Tác giả đã chứng minh phê bình sinh thái mang cảm quan hậu hiện
đại và biểu hiện rõ nhất là ở đặc điểm giải cấu trúc qua những khía cạnh: lệch tâm, tản
quyền, cái chết của chủ thể, lật đổ và tái thiết, tính đối thoại… Bài viết nhấn mạnh giải cấu
trúc trong phê bình sinh thái là những tín hiệu nhận biết sự cách tân, phản tư của trào lưu
văn học gắn với những vấn đề thiết thực của đời sống nhân loại trong thời đại ngày nay.
Đi vào tìm hiểu cấu trúc và lịch sử phát triển của phê bình sinh thái, không thể
không nhắc đến bài báo Cần tìm hiểu sự chuyển hướng của Phê bình sinh thái (Văn nghệ,
số 40, 2015) của Phương Lựu. Tác giả cho thấy ngoài ưu điểm cơ bản, phê bình sinh thái
19
thời kì đầu “chưa nhận thấy được chính quan hệ giữa con người và con người quyết định
mối quan hệ giữa con người với tự nhiên”, và chống đối nguy cơ về sinh thái trong thế
giới hiện đại bằng việc “tiến hành theo phương châm phải thay thế chủ nghĩa nhân loại
trung tâm, bằng chủ nghĩa sinh thái trung tâm”, tuy nhiên tôn vinh chủ nghĩa sinh thái
trung tâm nhưng lại chưa giải thích rõ trung tâm của ai. Sau đó, tác giả ghi nhận điểm tiến
bộ của phê bình sinh thái trung tâm đã dần chuyển hướng, đưa vấn đề công bằng về hoàn
cảnh vào tư tưởng học thuật; vì nhận ra, “trên thực tế, sinh thái thoái hóa là hậu quả từ hai
nguyên nhân chính khác. Một là sự tiêu xài quá độ của các nước phát triển cùng một số đô
thị phồn hoa của thế giới thứ ba. Hai là việc quân sự hóa không ngừng tăng trưởng trong
ngắn hạn (chiến tranh khu vực liên miên) lẫn dài hạn (chạy đua vũ trang, trong đó có vũ
khí hạt nhân hủy diệt)” [24, tr.17]. Kết thúc, Phương Lựu đưa ra những hướng nghiên cứu
chuyên sâu của phê bình sinh thái trong tương lai, như Chủ nghĩa Mác sinh thái, bày tỏ lí
thuyết này là một khuynh hướng văn học với nhiều bổ ích và cần được khám phá sâu hơn.
Đến đầu năm 2017, Nguyễn Thị Tịnh Thy ra mắt cuốn sách Rừng khô, suối cạn,
biển độc… và văn chương – Phê bình sinh thái, được đánh giá là công trình nghiên
cứu quy mô về phê bình sinh thái ở nước ta. Với hơn 500 trang sách, những vấn đề
xung quanh các khái niệm tiền đề, các đặc trưng, đặc tính của phê bình sinh thái, văn
học sinh thái được tác giả diễn giải tường tận, công phu. Hơn nữa, Nguyễn Thị Tịnh
Thy còn đề xuất phương pháp nghiên cứu thích hợp đối với phê bình sinh thái: “Phê
bình sinh thái là một kiểu tiếp cận văn chương theo chủ đề. Vấn đề sinh thái trong tác
phẩm, quan điểm sinh thái, trách nhiệm sinh thái của nhà phê bình là mục đích chính.
Điều này giống như phê bình văn hóa, phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân… Vì
thế, vấn đề phương pháp không quá phức tạp, và cũng không có nhiều khác biệt so đặc
điểm chung của nghiên cứu văn học. Điều cốt yếu là xác định mục tiêu, nhiệm vụ
nghiên cứu, sau đó tùy vào đối tượng khảo sát là văn bản văn học cụ thể, người nghiên
cứu có thể chọn, kết hợp những phương pháp thích hợp” [60, tr.277]. Từ đó, tác giả
đưa ra những công trình ứng dụng và thực hành tham khảo qua những sáng tác cụ thể
ở Việt Nam và các nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản.
Về ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu văn học, có rất nhiều công
trình, bài viết đã phân tích các hiện tượng văn học từ góc nhìn sinh thái, tiêu biểu như:
Bài báo Bước đầu tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – Từ điểm nhìn phê bình sinh
thái của Đặng Thị Thái Hà (đăng trên http:/ / vietvan.vn), đã soi chiếu truyện ngắn
20
Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn phê bình sinh thái. Tác giả phát hiện và trình bày những
phản ứng cụ thể của diễn ngôn văn học đương đại (thông qua tác phẩm của một nhà văn
tiêu biểu) trước thực trạng môi trường, và trước cả những tạo dựng đã có về môi trường.
Mọi sự xem xét trong bài viết đều bắt đầu từ sự đối sánh những cách “phản ứng”, “kiến
tạo”, “trình hiện” trong văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp với chính hệ thống phân cấp nhị
nguyên luận đã trở thành cố hữu, như chất vấn cặp đối lập nhị nguyên: Nhân loại
(human) – Tự nhiên phi nhân (non-human Nature). Bên cạnh đó, tác giả còn phân loại,
liệt kê những không gian sinh thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: không gian
thôn dã, không gian hoang dã. Tìm hiểu cách kiến tạo không gian trong diễn ngôn cũng
có nghĩa tác giả hướng đến tìm hiểu những quy ước văn học, và cùng với nó, những giả
định văn hóa về sự tồn tại của con người giữa giới tự nhiên phi nhân.
Đưa lí thuyết phê bình sinh thái vào diễn giải thơ ca, Nguyễn Đăng Điệp có bài
Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2014). Tác
giả cho rằng, thiên nhiên là một đề tài có vị trí quan trọng trong thơ lãng mạn nói
chung, Thơ mới Việt Nam nói riêng. Những vần thơ về đồng quê của Thơ mới thể hiện
tình yêu mà các thi sĩ dành cho thiên nhiên với tư cách là những vẻ đẹp thanh tân. “Về
phương diện nào đó, đây cũng chính là ý thức chống lại sự tàn phá môi trường của văn
minh công nghiệp. Con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ mang vẻ đẹp “hoài cổ” qua
khối ẩn ức lớn dần vì ý thức được sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa tự do và bị
tước đoạt tự do, giữa tự nhiên hoang sơ rộng lớn và môi trường nhân tạo nhỏ hẹp.
Người đọc dễ dàng cảm nhận “khối sầu đô thị” của Xuân Diệu (Lời kĩ nữ), Vũ Hoàng
Chương (Say), Đinh Hùng (Bài ca man rợ)…” [12].
Đề tài khoa học Tôtem sói của Khương Nhung nhìn từ lí thuyết phê bình sinh
thái (Đại học Sư phạm Huế, 2013) của Nguyễn Thị Tịnh Thy đã nghiên cứu một tác
phẩm của văn học Trung Quốc từ lí thuyết phê bình sinh thái. Tôtem sói là tác phẩm
văn học sinh thái gây tranh cãi. Một số người cho rằng tác phẩm tập trung quá nhiều
vào vấn đề chủng loài, vào cuộc đấu tranh sinh tồn, giành giật sự sống và ngôi thứ
trong thế giới tự nhiên. Cũng có ý kiến khác rằng, Khương Nhung thể hiện ý đồ muốn
hồi sinh tinh thần đại Hán; hay cáo buộc tác giả kích động sự đối kháng dân tộc thiểu
số tại một thời điểm khi chính phủ Trung Quốc ủng hộ việc xây dựng một “xã hội hài
hòa Xã hội chủ nghĩa” dựa trên Khổng giáo bởi vì thông qua hình tượng chó sói của
21
thảo nguyên Nội Mông. Thực ra, Tôtem sói mang lại cho độc giả một cái nhìn sâu sắc
mang tính phản tư về một nền văn hóa “man rợ” (được gọi là phi Hán) thuộc các dân
tộc thiểu số, bị người Hán cai trị, khinh miệt, hiểu lầm, xâm phạm và bức tử.
Soi chiếu phê bình sinh thái vào văn học Trung đại – mảnh đất vốn được xem là
ít khả dụng của lí thuyết này, bài báo Biến đổi môi trường sống – nhân tố thúc đẩy
không gian văn hóa mới trong thơ Tú Xương (Nghiên cứu văn học, số 5/ 2015) của
Dương Thu Hằng đã nhấn mạnh việc vận dụng một lí thuyết phương Tây hiện đại vào
nghiên cứu các sáng tác văn học mang đậm dấu ấn tư tưởng, văn hóa phương Đông,
đặc biệt là văn học Việt Nam thời trung đại, xét trên một khía cạnh nhất định là những
khả giải thú vị, đầy mới mẻ. Vì thế, thơ Tú Xương vắng bóng những hình ảnh thiên
nhiên thân thuộc vốn cho là quy phạm, chuẩn mực, thay vào đó là sự phác thảo một
bức tranh toàn cảnh về đô thị Việt Nam thời kì đầu, thể hiện sự bức bối với môi trường
sống ngột ngạt, khắc khoải mong chờ cuộc chuyển đổi.
Phê bình sinh thái không chỉ được các nhà nghiên cứu vận dụng trong thơ ca,
truyện ngắn và tiểu thuyết mà còn áp dụng trên các thể loại khác như phóng sự, tản
văn… Chẳng hạn, Luận án Phóng sự Việt Nam trong môi trường sinh thái văn hóa
thời kì đổi mới (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008) của Trịnh Thị Bích Liên, trên cơ sở
khảo sát những công trình liên quan trực tiếp phóng sự Việt Nam từ những năm 30 thế
kỉ XX trên hai lĩnh vực văn học và báo chí, đặc biệt là các tác phẩm phóng sự tiêu biểu
của thời kì đổi mới, đặt phóng sự trong mối tương tác với các yếu tố thuộc môi sinh
văn hóa để nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra bước phát triển mới của giai đoạn phóng sự
này dưới tác động trực tiếp của các yếu tố môi sinh hiện đại. Hay Luận án Tản văn
Việt Nam thế kỉ XX (từ cái nhìn thể loại) (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2009) của Lê Trà
My, trong chương ba, tác giả đề cập đến tản văn trong diễn tiến môi trường sinh thái
văn hóa thế kỉ XX. Bài viết của Trần Đình Sử - Phê bình sinh thái tinh thần (Nghệ
thuật 360, Nxb Hội Nhà văn, 2016), trong bài này tác giả vận dụng tư tưởng sinh thái
để xem xét quan hệ giữa văn học và môi trường văn hóa, tinh thần xã hội như một vấn
đề sinh thái, không tập trung vào quan hệ con người và tự nhiên, mà xem xét môi
trường tinh thần xã hội như là môi trường sống của văn nghệ, sự tương tác giữa môi
trường văn hóa tinh thần với sáng tạo văn nghệ.
22
Ngoài ra, còn có rất nhiều bài viết đã phân tích các hiện tượng văn học từ lí
thuyết sinh thái, tiêu biểu: Khí quyển thơ – sinh thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời và
những linh hồn của Nhã Thuyên (đăng trong Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, Nxb Hội
Nhà văn, 2011); Luận văn Cái tự nhiên từ điểm nhìn phê bình sinh thái (Qua tác phẩm
của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư) (Đại học Sư phạm Hà Nội,
2014) của Đặng Thị Thái Hà; Luận văn Cảm quan sinh thái trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp (Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2014) của Ngô Thị Thu Giang; bài báo Thiên
nhiên – nguồn cảm hứng bất tận trong văn chương phương Đông của Trần Thị Ánh
Nguyệt (Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, 2014); bài báo Tiểu thuyết
“Cá hồi” – Cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái của Trần Xuân Tiến (Tạp
chí Khoa học số 5(83)/ 2016 – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)… là
những phân tích mới mẻ, lí thú, tuy nhiên, những nghiên cứu như vậy chưa nhiều.
Về ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là văn
hóa và khoa học xã hội - nhân văn, các nhà nghiên cứu văn hóa có lẽ là những người tiên
phong trong việc đưa lí thuyết sinh thái vào tìm hiểu các hiện tượng văn hóa – văn học:
nhóm bài của Trần Quốc Vượng trong công trình Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm
(2003): Triết lí môi trường, Văn hóa ẩm thực trên nền cảnh môi trường sinh thái nhân văn
Việt Nam ba miền Nam Trung Bắc, Một cái nhìn sinh thái nhân văn Việt Nam với các di
tích - lịch sử - văn hóa Việt Nam đã phân tích “lối sống hòa điệu với tự nhiên” qua những
hiện tượng văn hóa cụ thể như tục thờ cây, mô hình vườn, văn hóa ẩm thực.... Hay bài viết
Nghiên cứu phê bình sinh thái hiện đại và di sản văn hóa: nhìn từ cách Sinh thái học tìm
về Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Trần Hải Yến, 2014); Văn hóa của cư dân
miền Đông Nam Bộ - tiếp cận sinh thái văn hóa (Phan Thị Yến Tuyết, 2015, nguồn http:/ /
www.vanhoahoc.vn/ nghien-cuu/ van-hoa-viet-nam/ van-hoa-nam-bo). Trên một lĩnh vực
khác, Hoàng Diệu Thảo phân tích quan niệm về môi trường trong tư tưởng Hồ Chí Minh
(Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và vấn đề an ninh
môi trường ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Th.S, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014).
Cho đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, phê bình sinh thái đang dần được các
học giả, nhà nghiên cứu quan tâm, đón nhận và tìm hiểu. Số lượng những công trình, bài
viết nghiên cứu phê bình sinh thái ở Việt Nam ngày càng tăng lên. Đã có những công
23
trình chuyên sâu, đúng hướng với phê bình sinh thái và gợi mở nhiều điểm thú vị; nhưng
vẫn chưa có những chuyên luận về tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết từ sau Đổi mới – một
giai đoạn văn học đang phát triển của văn học sinh thái Việt Nam.
1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái
1.2.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 – quá trình đổi mới và tiến dần đến văn học
sinh thái
Văn học Việt Nam từ sau 1986 đã có những biến chuyển rõ nét và toàn diện,
đặc biệt tiểu thuyết là thể loại đạt được thành tựu vượt bậc, để lại những ấn tượng sâu
sắc trong công cuộc “hiện đại hóa”, “dân chủ hóa”. Khi các nhà văn được “cởi trói” và
bắt đầu “nhìn thẳng vào sự thật”, những vấn đề nhức nhối của đời sống, những trăn trở
suy tư trong tâm hồn con người được phơi trải, giãi bày một cách thành thực, thấm thía
và táo bạo. Những điều “cấm kị”, khó nói hay không thể nói trong giai đoạn văn học
trước, giờ đây được bung tỏa, bộc bạch qua nhiều trang viết.
Trước đây, tiểu thuyết mang tính chất sử thi hóa, tái hiện lại những vấn đề có ý
nghĩa lịch sử, liên quan đến vận mệnh dân tộc, với âm hưởng chung là sự ngợi ca, tự
hào, tin yêu thông qua những nhân vật lí lưởng, có phẩm chất anh hùng, đại diện cho
tinh hoa cộng đồng. Các tiểu thuyết như Sóng gầm (Nguyên Hồng, 1961), Đất lửa
(Nguyễn Quang Sáng, 1963), Hòn đất (Anh Đức, 1965), Gia đình má Bảy (Phan Tứ,
1968), Bão biển (Chu Văn, 1969), Rừng U Minh (Trần Hiếu Minh, 1970), Chớp trắng
(Thu Bồn, 1970), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu, 1972)… là những tác
phẩm phản ánh khí thế, tinh thần của thời đại trong khúc ca hào sảng, sục sôi tinh thần
lao động, chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ trong bối cảnh chiến tranh.
So với truyện ngắn, phóng sự, thơ ca, tùy bút, tiểu thuyết là thể loại có nhiều
khả năng thay đổi nhất. Bởi đặc thù không “đông cứng” (như quan niệm của Bakhtin),
tiểu thuyết dễ dàng làm mới “diện mạo” từ quan niệm nghệ thuật, hệ thống thi pháp,
tương tác thể loại, phương thức phản ánh, kết cấu và ngôn ngữ… để phù hợp hơn với
thời đại. Sự mở cửa và hội nhập toàn cầu đã đặt đất nước trước những triển vọng và
thách thức lớn. Dưới áp lực của nền kinh tế thị trường, sự thông thoáng giao lưu văn
hóa, sự lên ngôi của đồng tiền và những nhu cầu bản năng,… tất cả đã khiến cho nhiều
chuẩn mực đạo đức, thang giá trị trong đời sống tinh thần có sự đảo lộn, vừa mang đến
tích cực lại vừa có một số mặt tiêu cực. Nghiên cứu và sáng tác văn chương cũng cần
24
chuyển biến theo. Cảm hứng sử thi, ngợi ca cùng với những đề tài xây dựng chủ nghĩa
xã hội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn trước mỗi lúc nhạt dần; thay vào đó, tiểu thuyết
hướng vào thế sự, đời tư. Đó là dấu hiệu cho thấy ý thức đổi mới thể loại đang hiện rõ.
Nhiều tác phẩm đã lật giở từng vỉa ngầm thực tế, từng góc khuất của quá khứ, như:
Thời xa vắng (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Đám cưới không có giấy giá thú
(Ma Văn Kháng), Một cõi nhân gian bé tý (Nguyễn Khải), Cuốn gia phả để lại (Đoàn
Lê), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm
người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Hồ Quý
Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Cơ hội của chúa (Nguyễn
Việt Hà),… Dù đề tài được mở rộng phong phú, chung quy tiểu thuyết vẫn đề cập đến
đời sống con người. Nhà văn thường đặt ra trong tác phẩm những câu hỏi về con
người. Chất vấn về nhân vị trở thành cảm hứng, làm nảy sinh nhiều dạng nhân vật,
nhiều cảm thức văn học, đa giọng điệu, đa sắc thái ngôn ngữ.
Chính sự thay đổi trong tư duy và quan niệm của nhà văn lẫn độc giả đã khiến cho
tiểu thuyết đương đại đạt nhiều giá trị nội dung và nghệ thuật. Tiểu thuyết thể hiện rõ vai
trò, sứ mệnh của mình, là phản ánh sinh động, đầy đủ một hiện thực đa chiều, vừa hữu lí
vừa phi lí, vừa trật tự vừa hỗn loạn, vừa nằm trong không gian thực tại vừa huyền ảo, siêu
linh. Tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng có thể thấy rõ nỗ lực cách tân, đổi mới không
ngừng của các tiểu thuyết gia trong ba thập kỉ qua. Bên cạnh sự đông đảo về đội ngũ sáng
tác, dồi dào về số lượng, phải kể đến sự đa dạng về bút pháp, phong phú về đề tài, chủ đề.
Những thành tựu này gặt hái được một phần cũng bởi thế hệ nhà văn Việt Nam sau Đổi
mới đã nhanh chóng tiếp thu nhiều trường phái và tư tưởng phê bình văn nghệ mới trên cơ
sở học hỏi, chọn lọc và tiếp biến để phù hợp hơn với bối cảnh văn hóa. Nếu trước Đổi
mới, những khái niệm lí luận văn học như hậu hiện đại, hậu thuộc địa, giải cấu trúc, phân
tâm học, nữ quyền luận,… hầu như vắng bóng trên các diễn đàn văn nghệ; thì đến nay các
thuật ngữ này đã trở nên thông dụng, được nhắc đến thường xuyên. Đồng thời, trước làn
sóng chuyển biến liên tục của nghiên cứu văn học trên thế giới, nghiên cứu văn học Việt
Nam cũng bị cuốn theo như một sự hiển nhiên, tất yếu. Phần lớn những lí thuyết văn
chương nổi bật đều được hấp thụ chọn lọc, truyền tải vào đời sống sáng tác và phê bình.
Trong đó, phê bình sinh thái được xem là một trong những lí thuyết có “khớp nối” phù
hợp, “ăn ý” với thực tiễn sáng tác và nghiên cứu ở Việt Nam, bởi chúng ta đang sống
25
trong thời đại có quá nhiều biến động. Khi bước vào “thế giới phẳng”, mọi khoảng cách
trên địa cầu này đều trở nên ngắn lại, và nhân loại nhanh chóng nhận được sự tương
thông, liên đới với nhau. Một câu chuyện từ nơi xa xôi cách nửa vòng Trái đất cũng có thể
được biết đến tường tận. Một thảm họa tự nhiên ở bất kì nơi nào cũng đều dễ dàng trở
thành thảm họa chung cho nhân loại. Do vậy, khi giữa tâm bão của khủng hoảng môi
trường diễn ra trên thế giới, phê bình sinh thái nổi lên như một trào lưu văn hóa - văn học
chuyển tải thông điệp bảo vệ Trái đất, cứu lấy tương lai nhân loại, thì văn học Việt Nam
cũng có sự nhạy bén, cảm nhận được với ý thức sinh thái rõ rệt. Cũng thật dễ hiểu, vì
nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tình trạng biến đổi khí
hậu, cạn kiệt tài nguyên ở mức báo động. Hiển nhiên, là “thư kí của thời đại”, nhà văn sẽ
ánh xạ vào tác phẩm như một hiện thực phũ phàng, trăn trở giữa đời sống hôm nay.
Bắt đầu là những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, như Chim én bay (Nguyễn
Trí Huân, 1988), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh, 1991), Phố (Chu Lai, 1992)… đã cho
thấy mặt trái của chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống con người thời hậu chiến
mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Bom đạn, chất độc da cam thải ra khiến những
cánh rừng bạt ngàn hoang sơ trở nên xơ xác, rụng úa, tàn lụi. “Mùa khô ấy, nắng to gió
lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục”, “đến ngày nay cỏ cây vẫn
chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng” (Nỗi
buồn chiến tranh). Và dư âm chiến tranh còn để lại giữa cuộc sống thời hậu chiến, khi
người lính trở về mang nhiều bỡ ngỡ, “mới cách đây chừng vài ba năm chứ mấy, cảnh
sắc nơi này còn thâm trầm vắng lặng. Trải qua bao biến thiên khắc nghiệt của thời
gian, thời tiết, của chiến tranh hay hòa bình, của những cơn bão đốn gục tới phân nửa
số lượng gốc cây…” (Phố). Dẫu chiến tranh lùi xa, nhưng khí độc, dioxin, những vết
tích, tàn tro… vẫn còn gây ra những tổn thất về môi trường dài lâu mà con người chưa
thể khắc phục ngay được, nó ngấm ngầm bào mòn nhiều thế hệ và tàn phá tự nhiên. Vì
vậy, dưới góc nhìn sinh thái, việc phản đối chiến tranh, khắc phục những hậu quả của
năm tháng “mưa bom bão đạn” vừa là hành động phục sinh cuộc sống hòa bình cho
con người, đồng thời xa hơn và bao quát hơn, đấy còn là bảo vệ, tái thiết tự nhiên. Xây
dựng ngôi nhà chung Trái đất bình yên. Hình ảnh chim én bay và câu đề từ đầu tiểu
thuyết Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, “Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở
bốn mùa/ Em mong sao trên trái đất không còn sự chia lìa/ Em mong sao trên trái
26
đất mọi con người/ Như em đây là chim trắng bay giữa trời/ Sống để yêu thương…”
dường như đã truyền tải sâu sắc ý niệm này.
Tiếp đến, những nhà văn như Tạ Duy Anh (Lão Khổ, Đi tìm nhân vật), Hoàng
Minh Tường (Gia phả của đất), Đào Thắng (Dòng sông Mía), Nguyễn Khắc Trường
(Mảnh đất lắm người nhiều ma), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế), Nguyễn
Bình Phương (Thoạt kì thủy)… dù đề tài chính trong các sáng tác này là những phức tạp
trong đời sống con người ở nông thôn và thành thị từ hệ lụy công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, nhưng ẩn giấu trong mạch ngầm văn bản là những cảnh báo về môi sinh: đất nông
nghiệp sẽ ngày càng thu hẹp, các khu đô thị dần mọc lên, con người ngột ngạt và bức tử
trong thế giới “số hóa” do chính mình tạo dựng, lạc lõng, xa cách đồng loại.
Càng về sau, tiểu thuyết càng thể hiện tính chất sinh thái rõ nét, với sự đóng góp
của những nhà văn dày dặn kinh nghiệm về tuổi đời và tuổi nghề như Nguyễn Khắc Phê
(Thập giá giữa rừng sâu), Trần Duy Phiên (Trăm năm còn lại), Ma Văn Kháng (Chó Bi,
đời lưu lạc), Bùi Ngọc Tấn (Biển và chim bói cá), sau đến các cây bút trẻ như Nguyễn
Ngọc Tư (Sông), Thiên Sơn (Dòng sông chết), Đặng Thiều Quang (Săn cá thần), Đỗ
Phấn (Ruồi là ruồi), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt nhìn trời), A Sáng (Thân xác), Đỗ
Bích Thúy (Chúa đất), Nguyễn Trí (Thiên đường ảo vọng), Nguyễn Văn Học (Vết
thương hoa hồng), Đỗ Tiến Thụy (Con chim joong bay từ A đến Z)…
Như vậy, ý thức sinh thái trong văn học Việt Nam sau 1986 nói chung, tiểu
thuyết Việt Nam nói riêng bắt đầu manh nha từ dòng chảy văn học hậu chiến. Qua việc
tố cáo tội ác chiến tranh, những di chứng chất độc màu da cam đã tàn phá thiên nhiên,
để lại những khu rừng trơ trụi lá, dioxin thấm vào đất, vào nước, cỏ cây qua hàng chục
năm, gây nguy hại cho nhiều thế hệ người Việt, nhiều nhà văn đã dự cảm một từ trường
sinh thái sẽ lan tỏa trong văn học đương đại. Về sau, văn học thời kì Đổi mới bắt đầu
xuất hiện và chú ý đến vị thế trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Nhiều nhà
văn đã ngầm cảnh báo rằng nguồn gốc của nguy cơ sinh thái chính là tính hiện đại và
căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng – sự tiêu xài quá độ, sự lên ngôi của đồng tiền. Cụ thể
qua sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Thủy, Đặng Thiều Quang, Đỗ Phấn,
Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học, Đỗ Tiến Thụy… đã chỉ ra sự
hủy hoại môi sinh dẫn tới việc mất cân bằng tự nhiên; quá trình đô thị hóa khiến con
người rời xa môi trường sinh thái, trở thành nạn nhân, công cụ của thương mại.
27
Do vậy, từ những năm 90 đến nay, văn học có khuynh hướng tìm về biểu hiện mối
quan hệ giữa con người và tự nhiên trong cái nhìn mới, bằng một tư duy sinh thái hiện đại
trong việc nhận diện, phân tích và thể hiện những nỗi đau môi trường, số phận con người
trong cuộc khủng hoảng môi sinh cũng như hướng con người sống có ý thức bảo vệ thiên
nhiên, biết hòa mình vào tự nhiên để được thanh thản, cân bằng trong cuộc sống.
Thấy rõ dấu ấn sinh thái đã manh nha phát triển trong tiểu thuyết Việt Nam sau
1986, nhiều nhà phê bình, nghiên cứu khám phá một cách tiếp cận mới, qua đó kết nối
văn học nước ta với những vấn đề thiết yếu của nhân loại về trách nhiệm mỗi con
người trước khủng hoảng môi sinh.
1.2.2. Phê bình sinh thái – một lối tiếp cận mới vào tiểu thuyết Việt Nam sau 1986
Việc nghiên cứu các tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ lí thuyết phê
bình sinh thái hiện nay là một cách tiếp cận mới mẻ. Qua quá trình tìm hiểu và thu
thập tư liệu, chúng tôi nhận thấy rất ít công trình chuyên sâu vấn đề này. Xin điểm qua
một số bài báo, đề tài nổi bật có liên quan như:
Bài báo Sáng tác và phê bình sinh thái – Tiềm năng cần khai thác của văn học Việt
Nam của Nguyễn Thị Tịnh Thy đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (25/ 10/ 2014) đã
đưa ra những dẫn chứng cho thấy những tiềm năng trong sáng tác, phê bình sinh thái của
văn học Việt Nam. Tác giả nhận thấy: trên thực tế, dù số lượng tác phẩm văn học sinh thái
của nước ta còn rất ít, nhưng vấn đề sinh thái vẫn hiện hữu trong các tác phẩm từ xưa đến
nay. Điều này thể hiện qua thái độ trân trọng, yêu quý và bảo vệ tự nhiên, các hành động
tước đoạt và phá hoại tự nhiên, điều kiện sống không đảm bảo (ô nhiễm không khí, ô
nhiễm tiếng ồn, kiến trúc đô thị tùy tiện, không gian nhà ở tù túng…), bi kịch của việc
thành thị hóa nông thôn, thái độ kính sợ tự nhiên, quan niệm “mưu sự tại nhân thành sự tại
thiên”. Bài viết còn nhắc đến một số tiểu thuyết ở Việt Nam có khuynh hướng sinh thái,
như Trăm năm còn lại, Thập giá giữa rừng sâu… Đây là những nhận định mang tính chất
khái quát, tổng hợp nhằm gợi ý để áp dụng lí thuyết phê bình sinh thái vào tìm hiểu,
nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Năm 2016, Trần Thị Ánh Nguyệt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài
“Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh
thái” (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Qua luận án, tác giả khảo sát văn học Việt
Nam sau 1975 và thấy có sự xuất hiện khuynh hướng văn xuôi sinh thái. Khuynh hướng
28
ấy thể hiện ở việc tồn tại các chủ đề sinh thái, có lực lượng sáng tác riêng và có những
thay đổi đáng kể trong những thể nghiệm nghệ thuật vận động về phía sinh thái. Văn
xuôi sinh thái có những dấu ấn nhất định vào khoảng những năm 1980, đó cũng là thời
kì của công cuộc đổi mới, Việt Nam bắt đầu tăng tốc về phía nền kinh tế thị trường,
những áp lực của việc biến đổi tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
bắt đầu xuất hiện. Tác giả chỉ ra, chính thái độ nhập cuộc, dấn thân của văn xuôi sau
1975 đã làm cho văn học xích lại gần hơn với những vấn đề thời sự, thể hiện tính dân
chủ của văn học qua những cách tân nghệ thuật mà văn xuôi sinh thái thể nghiệm. Có
thể xem đây là công trình đầu tiên nghiên cứu văn xuôi sau 1975 từ góc nhìn sinh thái
được đầu tư công phu, kĩ lưỡng và đầy thuyết phục.
Đến cuối năm 2016, cuốn sách Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam
sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái được xuất bản do Trần Thị Ánh Nguyệt và
Lê Lưu Oanh kết hợp, biên tập lại từ Luận án đã bảo vệ, có bổ sung thêm một số bài
nghiên cứu của Lê Lưu Oanh. Một lần nữa các tiểu thuyết như Trăm năm còn lại (Trần
Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Sông (Nguyễn Ngọc Tư),
Dòng sông chết (Thiên Sơn), Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn) được nhắc đến và lưu
tâm như một hiện tượng của văn học mang dấu ấn sinh thái tại Việt Nam. Nhưng xét
trên tinh thần khách quan, ngoài một số tiểu thuyết tiêu biểu, công trình này còn chú
trọng nhiều đến truyện ngắn mang cảm thức sinh thái. Hơn nữa, nhiều tiểu thuyết chứa
nội dung sinh thái vẫn chưa được nghiên cứu và đi sâu giải mã như Nhắm mắt nhìn trời
(Nguyễn Xuân Thủy), Thân xác (A Sáng), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng)… Đặc
biệt, trường hợp Đỗ Phấn – một hiện tượng “nhà văn sinh thái” với hàng loạt tác phẩm
là những phẫn uất của lớp thị dân trước cảnh đô thị hóa ồ ạt, như Gần như là sống, Dằng
dặc triền sông mưa, Chảy qua bóng tối, Ruồi là ruồi… đều không nằm trong diện khảo
sát của cuốn sách này.
Tháng 12 năm 2017, Hội thảo Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói
toàn cầu do Viện Văn học tổ chức đã khẳng định sức lan tỏa của phê bình sinh thái
trong giới nghiên cứu Việt Nam. Kỷ yếu của Hội thảo tập hợp 84 bài viết, trong đó có
những công trình cũng đã chú ý đến tiểu thuyết như: Tinh thần sinh thái trong văn xuôi
Nam Bộ (Bùi Thanh Truyền), Tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam đầu thế kỉ XXI – Từ
góc nhìn sinh thái (Lê Thị Hường), Khủng hoảng môi trường và số phận của cộng đồng
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY

Contenu connexe

Tendances

Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...nataliej4
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 

Tendances (20)

Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAYLuận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAYLuận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAYLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
 
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
 
BÀI MẪU Khóa luận ngành văn học, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận ngành văn học, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận ngành văn học, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận ngành văn học, HAY, 9 ĐIỂM
 
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Luận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đ
Luận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đLuận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đ
Luận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đ
 

Similaire à Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY

Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpMan_Ebook
 
TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019
TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019
TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019phamhieu56
 
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945anh hieu
 
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdfĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdfNuioKila
 
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Hiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.Márquez
Hiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.MárquezHiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.Márquez
Hiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.Márquezhttps://www.facebook.com/garmentspace
 

Similaire à Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY (20)

Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAYLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY
 
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAYLuận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Luận văn: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ dưới góc nhìn thể loại, 9đ
Luận văn: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ dưới góc nhìn thể loại, 9đLuận văn: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ dưới góc nhìn thể loại, 9đ
Luận văn: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ dưới góc nhìn thể loại, 9đ
 
Luận văn: Nghiên cứu Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của Paul Theroux
Luận văn: Nghiên cứu Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của Paul TherouxLuận văn: Nghiên cứu Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của Paul Theroux
Luận văn: Nghiên cứu Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của Paul Theroux
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
 
TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019
TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019
TƢ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH_10303312052019
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bảnLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
 
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
 
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
 
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdfĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
 
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
 
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAY
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAYDấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAY
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAY
 
Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm khúc đến Truyện Kiều
Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm khúc đến Truyện KiềuBút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm khúc đến Truyện Kiều
Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm khúc đến Truyện Kiều
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Luận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt Nam
Luận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt NamLuận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt Nam
Luận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt Nam
 
Hiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.Márquez
Hiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.MárquezHiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.Márquez
Hiện tượng song trùng trong "Trăm Năm Cô Đơn của G.Márquez
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Dernier

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfXem Số Mệnh
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiNgocNguyen591215
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptPhamThiThuThuy1
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoidnghia2002
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfXem Số Mệnh
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfhoangtuansinh1
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 

Dernier (20)

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 

Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY

  • 1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN THÙY TRANG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986 – 2014 TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số : 62 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS ĐỖ LAI THÚY 2. TS. TÔN THẤT DỤNG HUẾ - NĂM 2018
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan luận án này hoàn toàn do tôi thực hiện. Các kết quả nghiên cứu, đoạn trích dẫn và số liệu sử dụng trong luận án đều được dẫn nguồn và có độ chính xác cao nhất trong phạm vi hiểu biết của tôi. TP. Huế, tháng 8 năm 2018 Người viết cam đoan Nguyễn Thùy Trang
  • 3. LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Đỗ Lai Thúy và TS. Tôn Thất Dụng, người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, động viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án. Tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa Ngữ Văn và Phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình tôi theo học Nghiên cứu sinh, khóa 2014-2017. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Huế, Ban Chủ nhiệm và các đồng nghiệp Khoa Ngữ Văn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã khích lệ, ủng hộ tôi trong suốt thời gian thực hiện luận án. TP. Huế, tháng 8 năm 2018 Tác giả Nguyễn Thùy Trang
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 1. Lí do chọn đề tài......................................................................................................1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................2 2.1. Đối tượng nghiên cứu...........................................................................................2 2.2. Phạm vi nghiên cứu .............................................................................................2 3. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu...........................................................2 3.1. Cơ sở lí thuyết......................................................................................................2 3.2. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................................3 4. Đóng góp của luận án...............................................................................................4 5. Kết cấu luận án ........................................................................................................4 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU...................................5 1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái...............................................................5 1.1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên thế giới.......................................5 1.1.2. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái ở Việt Nam ......................................15 1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái.......23 1.2.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 – quá trình đổi mới và tiến dần đến văn học sinh thái .....................................................................................................................23 1.2.2. Phê bình sinh thái – một lối tiếp cận mới vào tiểu thuyết Việt Nam sau 1986.......27 1.3. Đánh giá tình hình nghiên cứu và hướng triển khai đề tài.................................29 1.3.1. Về tình hình nghiên cứu..................................................................................29 1.3.2. Hướng triển khai đề tài....................................................................................30 CHƯƠNG 2. MỘT CÁI NHÌN HẬU/ GIẢI CẤU TRÚC VỀ PHÊ BÌNH SINH THÁI TRONGTIỂUTHUYẾTVIỆTNAMGIAIĐOẠN1986–2014 ........................................32 2.1. Phê bình sinh thái và đặc tính hậu/ giải cấu trúc................................................32 2.1.1. Về khái niệm và cội nguồn của phê bình sinh thái .........................................32 2.1.2. Đặc tính hậu/ giải cấu trúc của phê bình sinh thái ..........................................38 2.2. Những phương diện hậu/ giải cấu trúc của phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 ............................................................................................................42 2.2.1. Phi trung tâm – dạng thức tồn tại của văn hóa hậu hiện đại ...............................42 2.2.2. Cái chết của chủ thể - tính liên chủ thể...........................................................47
  • 5. CHƯƠNG 3. ĐỊNH GIÁ CHUẨN TẮC ĐẠO ĐỨC SINH THÁI TỪ HỆ THỐNG NHÂN VẬT..............................................................................................60 3.1. Kiểu nhân vật xâm phạm tự nhiên – khát vọng bành trướng.............................60 3.1.1. Tư tưởng nhân loại trung tâm và sai lạc hành vi..........................................................61 3.1.2. Sự mơ hồ sinh thái – những ngộ nhận trong quy luật sinh tồn .......................67 3.2. Kiểu nhân vật nạn nhân sinh thái – hậu quả của văn minh................................74 3.2.1. Nông dân, người nghèo và dấu ấn của sinh thái giai cấp................................75 3.2.2. Thị dân, trí thức và làn sóng sinh thái đô thị...................................................81 3.2.3. Nữ giới và những thấu chạm sinh thái nữ quyền ............................................86 3.3. Kiểu nhân vật thức tỉnh – ý niệm về sự hợp nhất ..............................................91 3.3.1. Sám hối, trăn trở – niềm kính sợ sinh mệnh ...................................................91 3.3.2. Bảo vệ tự nhiên – nỗ lực tái thiết Trái đất.......................................................95 3.3.3. Hướng đến lối sống điền viên – cuộc hành hương về với tự nhiên ..............100 CHƯƠNG 4. PHỤC HƯNG TINH THẦN SINH THÁI TỪ QUYỀN LỰC VĂN HÓA..............................................................................................................105 4.1. Quyền lực của diễn ngôn – những khai mở nhãn quan văn minh đương đại................107 4.1.1. Định hình diễn ngôn lãng mạn tự nhiên trong tầm nhận thức mới ..........................108 4.1.2. Kiến tạo diễn ngôn sinh thái hiện đại – tưởng tượng khác về môi trường...............117 4.2.1. Sự biện chứng giữa văn chương và thực tế...................................................124 4.2.2. Những huyền tích, tập tục như cách thức điều chỉnh tư duy về Trái đất.................131 C. KẾT LUẬN .......................................................................................................141 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........................................................................................145 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................146 PHẦN PHỤ LỤC
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Bước sang thế kỉ XXI, khi khoa học kĩ thuật – công nghệ và văn minh nhân loại đã đạt những thành tựu vượt bậc, và khi con người trở thành “bá chủ” trong hành tinh Trái đất, thì cũng chính là lúc nhân loại phải đối mặt với một vấn nạn bức thiết: Sự hủy hoại môi trường sinh thái ngày càng tàn khốc. Cái giá mà nhân loại phải trả cho những phương tiện máy móc tân tiến, thiết bị điện tử thông minh, từng tòa cao ốc chọc trời, các nhà máy có quy mô đồ sộ… là sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, cạn kiệt nguồn nước, thiên tai khó lường, rừng biến mất, dịch bệnh tràn lan… Đó là những hệ lụy đau lòng, khiến con người phải nhìn nhận lại hành động và trách nhiệm của chính mình đối với hệ sinh thái trong bối cảnh hiện nay. Khi Trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng, không thể nói rằng văn học hoàn toàn vô cảm trong sự phá hủy ấy. Ra đời từ những năm 70 của thế kỉ XX, phê bình sinh thái là kết quả của chuỗi “phản ứng muộn màng” (so với các ngành khoa học xã hội – nhân văn khác) đối với nguy cơ sinh thái. Mãi đến những năm 90, phê bình sinh thái mới thực sự phát triển sâu rộng, sôi nổi khi các hoạt động văn học gắn kết với môi trường liên tục diễn ra: Hội thảo “Phê bình sinh thái: làm xanh lại nghiên cứu văn học” (1991), thành lập “Hội nghiên cứu văn học và môi trường” (1992), xuất bản công trình Nghiên cứu liên ngành về văn học và môi trường (1993), ấn phẩm kỉ niệm hai mươi năm thành lập Hội nghiên cứu Văn học và Môi trường – Sổ tay Oxford Phê bình sinh thái (2013)… Những hoạt động trên đã khiến phê bình sinh thái trở thành một phong trào có tiếng vang trong giới học thuật. Giáo sư Laurence Buell nhận định: “Văn học sinh thái là văn học viết về nguy cơ của thế giới”. Ở Việt Nam, có thể thấy rõ dấu ấn của văn chương sinh thái qua những tiểu thuyết tiêu biểu như: Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Gần như là sống, Ruồi là ruồi (Đỗ Phấn), Săn cá thần (Đặng Thiều Quang), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Nhắm mắt nhìn trời (Nguyễn Xuân Thủy), Thân xác (A Sáng), Thiên đường ảo vọng (Nguyễn Trí), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), Vết thương hoa hồng (Nguyễn Văn Học), Con chim joong bay từ A đến Z (Đỗ Tiến Thụy)… Với số lượng tác phẩm đáng kể, các nhà văn Việt Nam đã thể hiện được sự nhạy bén của mình trong việc tri nhận những vấn đề thời sự mang tính nhân loại.
  • 7. 2 Hướng đến môi trường, phải chăng văn học đang hướng đến sự sống còn của toàn nhân loại? Đó cũng chính là sứ mệnh của văn học sinh thái. Vì lẽ đó, chúng tôi lựa chọn đề tài: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái. Hướng nghiên cứu này sẽ góp phần khỏa lấp mảng trống của phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam; đồng thời thúc đẩy các nhà văn chú ý nhiều hơn đến đề tài môi trường và mối quan hệ giữa văn học với môi trường, trách nhiệm của nhà văn với giới tự nhiên và sự an nguy, tồn vong của dân tộc, nhân loại; thể hiện sự gắn kết giữa khoa học với thực tiễn, đưa văn học Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986. Đặc biệt luận án khảo sát những tiểu thuyết của một số tác giả mà cảm thức sinh thái hiện lên khá rõ nét, tiêu biểu như: Đỗ Phấn (Gần như là sống; Ruồi là ruồi, Rụng xuống ngày hư ảo), Nguyễn Khắc Phê (Thập giá giữa rừng sâu); Trần Duy Phiên (Trăm năm còn lại); Nguyễn Ngọc Tư (Sông); Đỗ Bích Thúy (Bóng của cây sồi, Chúa đất), Ma Văn Kháng (Chó Bi, đời lưu lạc), Nguyễn Thế Hùng (Họ vẫn chưa về), Đặng Thiều Quang (Săn cá thần), Bùi Ngọc Tấn (Biển và chim bói cá), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt nhìn trời), A Sáng (Thân xác), Đỗ Tiến Thụy (Con chim joong bay từ A đến Z)… Danh mục cụ thể các tác phẩm khảo sát trong luận án chúng tôi sẽ đưa vào phần Phụ lục 1. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Dù luận án có tên: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái, nhưng mốc giai đoạn 1986 – 2014 chỉ mang tính chất đánh dấu bước khởi đầu một thời kì văn học sau Đổi mới cho đến năm 2014 – là thời điểm chúng tôi tiếp nhận đề tài nghiên cứu. Về cơ bản, những vấn đề sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam thể hiện rõ nét vào những năm đầu thế kỉ XXI cho đến tận bây giờ. Vì thế, chúng tôi cũng khảo sát thêm cả những tiểu thuyết sau năm 2014 (cụ thể là 2015, 2016, 2017). Luận án tập trung nghiên cứu những yếu tố thể hiện dấu ấn sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 đến nay trên các phương diện cơ bản sau: hệ sinh thái, hình tượng con người và các hình thức nghệ thuật thể hiện góc nhìn sinh thái. 3. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu 3.1.Cơ sở lí thuyết Để nghiên cứu đề tài Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái, chúng tôi hệ thống hóa lí thuyết phê bình sinh thái trong văn học đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước công bố trên các chuyên luận, các tạp
  • 8. 3 chí có uy tín. Bên cạnh đó, chúng tôi xem xét những sáng tác thuộc thể loại tiểu thuyết giai đoạn Đổi mới đến nay nằm trong sự vận động, giao lưu giữa văn học đương đại với các nền văn học khác trên thế giới. Đặc biệt, chúng tôi chú ý dấu ấn và ảnh hưởng của lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này, những yếu tố đậm nhạt thể hiện góc nhìn sinh thái ở những tác giả, tác phẩm cụ thể, riêng lẻ. Từ đó, chúng tôi tổng hợp, đánh giá khách quan những vấn đề chung liên quan đến lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi chú trọng đến những đặc điểm nổi bật nhất của một số cây bút tiểu thuyết đương đại trong sự giao thoa với những đặc trưng cơ bản của văn học hậu hiện đại. 3.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Đây là phương pháp giúp chúng tôi định hình, đặt các yếu tố tương quan, có những dấu hiệu lặp lại và đồng đẳng với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, nhằm minh giải cho các phương diện của luận án. Cụ thể, chúng tôi sẽ luận giải khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới trong sự liên hệ đa chiều với các đặc trưng của phê bình sinh thái. Đồng thời, khi phân tích tác phẩm và những biểu hiện của thi pháp sinh thái, người viết không xem xét vấn đề theo hướng cô lập mà đặt trong hệ thống để xác định các sắc độ tiếp biến nghệ thuật sinh thái ở mỗi nhà văn. - Phương pháp liên ngành: Mối quan hệ giữa phê bình sinh thái và văn học là lĩnh vực thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa, tự nhiên, sinh học, dân tộc học, chính trị… Vì thế, khi nghiên cứu một hiện tượng văn học từ góc nhìn phê bình sinh thái, các nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp liên ngành để phân tích tác phẩm văn chương, từ đó rút ra những cảnh báo về môi trường. - Phương pháp so sánh: Bằng cách đối chiếu với văn học nhiều nước khác, người nghiên cứu có thể khẳng định vai trò quan trọng của lí thuyết phê bình sinh thái trong việc thay đổi nhận thức, thái độ của nhà văn, độc giả, cũng như cộng đồng trên thế giới về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong thế bình đẳng, tương trợ, giao hòa. Phương pháp này còn giúp tiến hành nghiên cứu văn chương được toàn diện hơn khi liên hệ với các lĩnh vực khác liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất, như sinh học, địa lí, vật lí…
  • 9. 4 4. Đóng góp của luận án Thứ nhất, từ sau năm 1986 đến nay, văn học Việt Nam đã hòa mình trong xu thế toàn cầu hóa, không ngừng giao lưu, tiếp nhận những lí thuyết phê bình mới mẻ, nhân văn và ứng dụng tinh chọn, hiệu quả như: thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền luận… Tuy nhiên, phê bình sinh thái vẫn còn là mảng đề tài, sáng tác, phê bình ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cho nên, triển khai đề tài “Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái” sẽ đưa ra những minh chứng về mối liên hệ mật thiết giữa văn học với môi trường sinh thái, và vai trò quan trọng của văn chương đối với sự thức tỉnh của con người trong việc tàn phá, xâm lấn môi sinh. Thứ hai, vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái, chúng tôi minh giải những đặc trưng tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới đến nay qua những vấn đề căn bản: - Tiểu thuyết Việt Nam đang bước vào quỹ đạo mới của kỉ nguyên hậu hiện đại qua những phân nhánh như phê bình sinh thái. Điều này thể hiện rõ ở tính chất giải cấu trúc phê bình sinh thái trong tiểu thuyết. - Quá trình tái thiết quan niệm mới về tự nhiên thông qua sự lật đổ quan niệm “nhân loại trung tâm”. Trên cơ sở này, xác lập hệ chuẩn tắc đạo đức sinh thái của con người. - Gợi mở vấn đề sinh thái tinh thần như một hành trình phục hưng lại giá trị cao đẹp của văn hóa nhân loại trong tâm thức và lối hành xử với tự nhiên. - Khẳng định văn học cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự sinh tồn và phát triển của nhân loại. 5. Kết cấu luận án Luận án gồm những phần chính: mở đầu, nội dung, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. Trong đó, phần nội dung là trọng tâm, được triển khai thành 4 chương: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu - Chương 2: Một cái nhìn hậu/ giải cấu trúc về phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 - 2014 - Chương 3: Định giá chuẩn tắc đạo đức sinh thái từ hệ thống nhân vật - Chương 4: Phục hưng tinh thần sinh thái từ quyền lực văn hóa
  • 10. 5 NỘI DUNG CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái là một hướng triển khai mang lại nhiều kiến giải mới, đồng thời cũng rất thiết thực và quan trọng. Nó cho thấy, các nhà văn, nhà phê bình đã bắt đầu nắm bắt được xu hướng của thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi vấn đề môi trường và nguy cơ sinh thái đang ở mức báo động, đe dọa sự sống còn của Trái đất. Vì vậy, tìm hiểu tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài phải xem xét từ bình diện khái quát đến cụ thể. Về cơ bản, những thành tựu trong nghiên cứu phê bình sinh thái trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng được khởi thành, đóng góp từ những công trình, những bài nghiên cứu đáng chú ý sau: 1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái 1.1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên thế giới Từ khi ra đời đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu – phê bình có liên quan luận bàn về lí thuyết và ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu văn học/ văn hóa. Do khuôn khổ của luận án và khả năng tư liệu, chúng tôi chỉ quan tâm đến những nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên mảng tư liệu tiếng Anh. Hơn nữa, nhìn nhận quá trình hoạt động và phát triển của phê bình sinh thái, chúng tôi xin chia thành ba chặng đường nghiên cứu cơ bản sau: 1.1.1.1. Chặng một từ 1972 đến 1991: Thời kì manh nha Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận, phê bình sinh thái chính thức bắt nguồn từ Mĩ, cụ thể vào năm 1972, cuốn sách Hài kịch của sinh tồn: nghiên cứu sinh thái học văn học (The Comedy of Survival: Studies in Literary Ecology) của W. Meeker xuất bản, ông đã chú ý đến vấn đề sinh thái trong văn học. Bằng việc phân tích một số sáng tác của Dante Alighieri, William Shakespeare, cùng một số nhà văn đương đại, Meeker nhận thấy văn học như là một sự mô phỏng, bắt chước những phạm trù căn bản của cuộc sống con người. Hơn nữa, soi chiếu kịch Hi Lạp cổ đại, kịch của William Shakespeare, Meeker còn tìm thấy những điểm khác biệt đáng kể giữa hài kịch và bi kịch liên quan đến cái nhìn về tự nhiên: bi kịch hầu như chỉ là sự sáng tạo của nền văn minh phương Tây, phát sinh từ những huyền thoại anh hùng, ca ngợi sự vĩ đại của con người; trong khi đó hài kịch “gần như phổ biến, xảy ra bất cứ nơi nào có văn minh nhân loại hiện hữu”. Bi kịch tập trung
  • 11. 6 vào một anh hùng cá nhân “chịu chết và sẵn sàng chết vì lí tưởng của mình”. Hài kịch lại nhìn những lí tưởng, những siêu việt hay chiến thắng của một cá nhân với cái nhìn giễu cợt, “chán nản”, và đúc rút rằng sự thành công của con người luôn được khởi sinh từ sự tiếp nối cộng đồng. Theo quan điểm của Meeker, bi kịch là một sản phẩm của chủ nghĩa nhân loại phương Tây, đồng thời có mối quan hệ thảm khốc với tự nhiên, nó ca ngợi tầm quan trọng của mỗi cá nhân và đặt ra “giả thuyết về sự vượt trội của con người đối với quá trình phát triển của tự nhiên nhằm chứng minh sự khai phá của con người về thiên nhiên mà không quan tâm đến hậu quả”. Qua đó, Meeker nhận ra, “từ quan điểm không khoan nhượng của sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, văn học đóng góp nhiều cho sự tồn tại của chúng ta hơn là sự tuyệt chủng của nhân loại”, và ông đề xuất: “Con người đang là những sinh vật thuộc về văn học duy nhất trên trái đất. Nếu sự sáng tạo văn học là một đặc điểm quan trọng của loài người, nó cần được kiểm tra một cách cẩn thận và trung thực để khám phá ảnh hưởng của nó đối với hành vi của con người và môi trường tự nhiên – để xác định vai trò gì, nếu có, nó đóng vai trò trong sự bảo vệ và sự tồn tại của nhân loại, và những gì nó cho thấy một cái nhìn sâu sắc vào các mối quan hệ của con người với các loài khác và với thế giới xung quanh chúng ta” [77, tr.3-4]. Trên cơ sở này, năm 1978, trong tiểu luận Văn học và Sinh thái học: Một thử nghiệm trong Phê bình sinh thái (Literature and Ecology: An Experiment in Ecocriticism), thuật ngữ “Phê bình sinh thái” (Ecocriticism) lần đầu tiên được William Rueckert sử dụng, gợi ý rằng đây là sự “kết hợp văn học và sinh thái học”. Ông kiến nghị, lí luận văn học hiện đại nên “xây dựng được một hệ thống thi pháp sinh thái” để tạo nên một “tầm nhìn sinh thái” kết nối văn học với sinh thái học. Tuy nhiên, phải đến một thập niên sau, lí thuyết phê bình sinh thái mới được nhắc đến mạnh mẽ trong cuốn Giảng dạy văn học môi trường: Tài liệu, Phương pháp và Tiềm năng (Teaching Environmental Literature: Materials, Methods, Resources) do Frederick O. Waage chủ biên, xuất bản năm 1985 bởi Hội ngôn ngữ học hiện đại; công trình đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu ở Mĩ tiến hành mở bộ môn liên quan đến văn học sinh thái và tiến hành nghiên cứu lĩnh vực này. Sau đó, trong Đại hội “Hội văn học miền Tây” nước Mỹ năm 1989, Cheryll Glotfelty với báo cáo Vì một nền phê bình văn học sinh thái (Toward an Ecological literary criticism) và Glen. A. Love với báo cáo Định giá lại tự nhiên: Vì một nền phê bình sinh thái
  • 12. 7 học (Revaluing Nature: Toward an ecological criticism) đã lần nữa khẳng định sự hiện diện của phê bình sinh thái rất thiết thực trong văn học và lí luận phê bình hiện đại. Năm 1990, cuốn The Norton: Cuốn sách của lối viết tự nhiên (The Norton: book of nature writing) do Robert Finch và John Elder chủ biên ra đời, đã giới thiệu những tác phẩm quan trọng viết về tự nhiên của Âu Mĩ từ thế kỉ XVIII. Hiệu ứng cuốn sách mang lại là sự mở rộng hiểu biết của độc giả về phê bình sinh thái, đưa lí thuyết này đến gần hơn với mọi người. Đến năm 1991, hội thảo “Phê bình sinh thái: Xanh hóa nghiên cứu văn học” (Ecocriticism: The Greening of Literary Studies) do Harold Fromm chủ trì đã diễn ra tại Hội Ngôn ngữ học Hiện đại Mĩ, tập hợp những công trình nghiên cứu về “lối viết tự nhiên” và văn học viết về môi trường. Cũng trong năm này, tại Anh, Jonathan Bate (Đại học Liverpool) xuất bản chuyên luận Sinh thái học lãng mạn: Wordsworth và truyền thống môi trường (Romantic Ecology: Wordsworth and the Environmental Tradition). Khi nghiên cứu, J. Bate đã sử dụng thuật ngữ “phê bình sinh thái văn học” (literary ecocriticism). Các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của cuốn sách này đánh dấu bước mở đầu của phê bình sinh thái Anh. Ở giai đoạn này, phê bình sinh thái vẫn đang bước những bước đầu tiên chậm rãi và chưa có hệ thống. Các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa đã phát triển lí thuyết và phê bình về phương diện sinh thái bằng cách tiếp cận liên ngành. Nhưng các nghiên cứu của họ được coi là “những nghiên cứu của lối viết tự nhiên” (the study of nature writing) xuất hiện đơn lẻ với những tên gọi khác nhau như: chủ nghĩa đồng quê, sinh thái học nhân văn, chủ nghĩa địa phương (regionalism), phong cảnh trong văn học, nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary studies)… Cho nên, hai mươi năm đầu tiên vẫn là giai đoạn manh nha hình thành của phê bình sinh thái. 1.1.1.2. Chặng hai từ 1992 đến 2004: bùng nổ lí thuyết phê bình sinh thái Năm 1992, một sự kiện quan trọng tạo nên bước chuyển cho phê bình sinh thái là Hội nghiên cứu văn học và môi trường (The Association for the Study of literature and Environment), gọi tắt là ASLE được thành lập ở trường đại học Nevada (Mĩ). Đây là một tổ chức học thuật phê bình sinh thái mang tính quốc tế, với hơn nghìn hội viên đến từ các nước khác nhau. Bằng việc tổ chức các hội thảo quốc tế, các cuộc thảo luận quy mô nhỏ, xuất bản tập san, giới thiệu những thành quả phê bình sinh thái mới nhất,… hội
  • 13. 8 ASLE đã làm cho khuynh hướng phê bình sinh thái ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ. Hội trưởng đầu tiên của ASLE - Scott Slovic là một trong những người có nhiều thành tựu nghiên cứu về phê bình sinh thái. Scott Slovic bắt đầu tiếp cận phê bình sinh thái năm 1989. Đến năm 1992, ông xuất bản chuyên luận Tìm kiếm ý thức sinh thái trong văn bản viết về tự nhiên ở Mỹ (Seeking Awareness on America Nature writing), có ảnh hưởng rất lớn ở Mĩ. Các nhà văn sinh thái nổi tiếng như Annie, Edward, Abbey, Wedell Bery, Bary Lopez đều được Slovic quan tâm tìm hiểu. Ông chú ý đến những sách viết về tự nhiên và nguyên nhân tâm lí của văn học sinh thái, đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế bên trong sự giao lưu giữa con người và tự nhiên. Tiếp đó, một loạt công trình về phê bình sinh thái được công bố và tạo dấu ấn đặc biệt, như: cuốn sách Bản đồ cảnh quan vô hình: Văn học dân gian, Văn học viết và Ý thức nơi chốn (Mapping the Invisible Landscape: Folklore, Writing and the Sense of Place) của Kent C. Ryden xuất bản năm 1993 đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô và cặn kẽ về nơi chốn. Dựa vào các phương pháp và tư liệu địa lí, truyện kể dân gian và văn học viết, cuốn sách là những phân tích liên ngành sâu rộng về nơi chốn, nhận thức vai trò quan trọng của vị trí địa lí trong việc hình thành nên văn hóa địa phương cũng như cách thức nơi chốn tác động đến cuộc sống cá nhân. Qua đó, Ryden phát hiện mối liên hệ biện chứng giữa một vùng địa phương và sự thể hiện địa phương đó trong văn học, đóng góp một tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực phê bình. Năm 1994, chuyên luận Phê bình văn học sinh thái: tưởng tượng lãng mạn và Sinh học tư duy (Ecological literary criticism: romantic imagining and the Biology of mind) của Karl Kroeber biên soạn đã bàn luận những vấn đề chính yếu của phê bình sinh thái như nguyên nhân hình thành, đặc trưng, tiêu chuẩn và mục đích của phê bình sinh thái. Năm 1995, chuyên luận Tưởng tượng về môi trường: Thoreau, văn viết tự nhiên và sự hình thành của văn hóa Mĩ (The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Writing, and the Formation of American Culture) của Lawence Buell xuất bản đã nghiên cứu trường hợp nhà văn Thoreau qua tác phẩm Walden và kiến nghị vai trò, trách nhiệm của văn học đối với môi trường, vì ông cho rằng, “nguy cơ môi trường bao gồm cả nguy cơ trong tưởng tượng”. Tuy nhiên, tác phẩm được xem như tài liệu nhập môn của phê bình sinh thái là Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology), xuất bản năm 1996, do Cheryll
  • 14. 9 Glotfelty và Harold Fromm chủ biên. Cuốn sách gồm hai mươi sáu bài viết, là kết hợp những bài tái bản lẫn mới công bố, được chia làm ba phần: Phần một – Lí thuyết sinh thái học: Sự phản ánh thiên nhiên và văn hóa; Phần hai – Những quan tâm phê bình sinh thái trong tiểu thuyết và kịch; Phần ba – Các nghiên cứu quan trọng của Văn học Môi trường. Đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật lí, công trình đã chỉ ra Sinh thái văn học là nghiên cứu những cách thức của lối viết vừa phản ánh lại vừa ảnh hưởng tương tác như thế nào giữa con người với thế giới tự nhiên. Tác phẩm đã cung cấp một hệ thống tổng quan về những vấn đề then chốt xung quanh lí thuyết mới này, như: khái niệm phê bình sinh thái, nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển trong hơn hai mươi năm qua và đưa ra những diễn giải tại sao phê bình sinh thái lại có vai trò quan trọng trong nghiên cứu văn học hôm nay. Đây chính là công trình đầu tiên chiếu sáng vào một lĩnh vực nghiên cứu có sự tham gia một cách đầy đủ của các ngành khoa học – xã hội với các vấn đề đương đại cấp bách của chúng ta – cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu. Năm 1999, công trình chuyên sâu về phê bình sinh thái đô thị được ấn hành do Michael Bennett và David W. Teague biên soạn có tên Bản chất của các thành phố: Phê bình sinh thái và Môi trường đô thị (The Nature of Cities: Ecocriticism and Urban Environments). Vốn là những nhà nghiên cứu xuất thân từ thành thị, Michael Bennett và David W. Teague đã trình bày trên tinh thần đưa phê bình sinh thái từ vùng hoang dã trở về nhà. Qua 6 phần chính: phần 1 – Bản chất của các thành phố, phần 2 – Lối viết bản chất đô thị, phần 3 – Công viên thành phố, phần 4 – Đô thị “hoang dã”, phần 5 – Sinh thái học nữ quyền và Thành phố, phần 6 – Lí thuyết không gian đô thị, cuốn sách này đã chỉ ra rằng, các thành phố thường được cho là tách biệt với thiên nhiên, nhưng xu hướng gần đây của phê bình sinh thái đòi hỏi chúng ta xem xét thành phố cũng là một phần của hệ sinh thái. Và rõ ràng, sự tương tác của văn hóa và tự nhiên ở các thành phố và vùng ngoại ô cũng phong phú, đa dạng không kém gì những vùng nông thôn, hoang dã. Soi chiếu từ góc độ này, các nhà nghiên cứu cũng truyền tải thông điệp gửi gắm những thị dân về vị trí của họ trong việc cân bằng môi trường sống. Bước sang thế kỉ XXI, phê bình sinh thái thực sự phát triển sâu rộng, trở thành một hiện tượng lí luận phê bình văn học – văn hóa toàn cầu. Nhiều hội thảo liên tiếp được diễn ra: Tháng 6 năm 2000 tại Đại học Cork tiến hành Hội thảo khoa học Quốc tế đa ngành với chủ đề “Giá trị của môi trường”. Tháng 10 năm đó, tại Đại học Danjiang Đài Loan đã tổ chức Hội thảo Quốc tế phê bình sinh thái với chủ đề “Diễn ngôn sinh thái”.
  • 15. 10 Các chuyên luận phê bình sinh thái giai đoạn này mang tính cô đúc, đi sâu hơn về học thuật. Tiêu biểu: cuốn Tuyển tập Nghiên cứu Xanh: từ Chủ nghĩa lãng mạn đến Phê bình sinh thái (The Green Studies Reader: From Romanticism to Ecocriticism) của Laurence Coupe. Tác phẩm chứng minh rằng, phê bình sinh thái của Anh được sinh ra từ phong trào Lãng mạn Anh những năm 90 thế kỉ XVIII hơn là phong trào Tiên nghiệm Mỹ trong thập kỉ 40 thế kỉ XIX. Và không giống với các nhà phê bình Mĩ, các nhà phê bình Anh quốc ngay thời kì đầu đã nghiêng hơn về “nghiên cứu xanh” chứ không phải “phê bình sinh thái”. Đồng thời, nếu phê bình sinh thái Mỹ thiên về ca tụng tự nhiên thì phê bình sinh thái Anh thiên về cảnh báo môi trường. Cũng cần phải kể thêm công trình tiếp theo của Lawrence Buell là: Viết vì một Thế giới lâm nguy: Văn học, Văn hóa, Môi trường nước Mĩ và các quốc gia khác (Writing for an Endangered World: Literature, Culture, and Environment in the United States and Beyond, 2001). Cuốn sách có điểm khác so với các trước tác khác là không chỉ đơn phương bàn luận văn học có khuynh hướng tự nhiên nữa, mà tuyển chọn cũng như thảo luận tác phẩm văn học có khuynh hướng tự nhiên tiêu biểu và những tác phẩm văn học có khuynh hướng văn hóa, làm rõ quan điểm tư tưởng khác nhau trên hệ thống diễn ngôn luân lí sinh thái, hiện đại hóa, phát triển, tài nguyên, ô nhiễm. Phương pháp nghiên cứu như vậy có lợi đối với việc thúc đẩy sự hình thành những tri thức chung cơ bản trong quá trình đối thoại của những quan điểm khác nhau, đồng thời làm cho phê bình sinh thái càng có tính sắc bén, mang đến mô hình có ý nghĩa cho văn học truyền thống từ góc nhìn sinh thái. Greg Garrard, giáo sư tại Đại học British Columbia, thành viên sáng lập và là cựu chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu về Văn học và Môi trường (Anh và Ireland). Ông là tác giả cuốn sách Phê bình sinh thái (Ecocriticism) xuất bản năm 2004, trong đó lưu ý việc: phê bình sinh thái nhấn mạnh cách thức mà chúng ta tưởng tượng và miêu tả mối quan hệ giữa con người và môi trường trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Sự tiếp cận của Greg Garrard dựa trên sự phát triển của phong trào và nghiên cứu những khái niệm mà các nhà phê bình sinh thái đang sử dụng nhiều nhất, bao gồm: Sự ô nhiễm; Vùng hoang dã; Tận thế; Nơi trú ngụ; Động vật; Trái đất, cùng với một danh mục thuật ngữ và những đề xuất để tham khảo thêm. Ông chứng minh rằng không có quan điểm duy nhất hay đơn giản hợp nhất tất cả các nhà phê bình sinh thái. Chuyên
  • 16. 11 luận này được xem là một bước đi ý nghĩa trong phát triển nghiên cứu văn học và văn hóa gần đây, tạo tiền đề cho những nghiên cứu mới về phê bình sinh thái sau này. Ngoài ra còn có một số giáo trình lí luận đề cập đến phê bình sinh thái như một lí thuyết văn học mới nổi cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, chẳng hạn như: Giới thiệu Phê bình đầu thế kỉ XXI (Introducing Criticism at the Twenty-First Century) do Julian Wolfreys biên tập, có Chương 7 - “Phê bình sinh thái” được Kate Rigby viết đã giới thiệu tường tận về phê bình sinh thái. Giáo trình Nhập môn lí thuyết: dẫn luận lí luận văn học và văn hóa (Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory) tái bản năm 2002, cũng có một chương mới là “Phê bình sinh thái” do Peter Barry soạn thêm (ấn phẩm xuất bản năm 1995 chưa có chương này). Ngoài ra, còn có một số bài viết tiêu biểu khác như: Phê bình sinh thái: Thế giới tự nhiên trong kính ngắm văn học (Ecocriticism: Natural world in the literary viewfinder) của Serpil Oppermann; Bài ca trái đất (The Song of the Earth) của Jonathan Bate... 1.1.1.3. Chặng ba từ 2005 đến nay: sự hoàn thiện và mở rộng phê bình sinh thái Mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển của lí thuyết này bắt nguồn từ sự ra đời chuyên luận phê bình sinh thái thứ ba của Lawrence Buell mang tên: Tương lai của phê bình môi trường: khủng hoảng môi trường và tưởng tượng văn học (The Future of Environmental Criticism: Environmental Crisis and Literary Imagination). Lawrence đặt phê bình sinh thái vào chỉnh thể lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và văn học để khảo sát, chỉ ra một cách rõ ràng “sự chuyển hướng của sinh thái môi trường trong những nghiên cứu về văn học và văn hóa” (the environment turn in literary and cultural studies), “diễn ngôn sinh thái của văn học” (literary ecodiscourse) được sử dụng rộng rãi hơn, hình thành hệ thống toàn cầu hóa hơn, được thảo luận liên ngành nhiều hơn, được cấu thành từ nhiều phương diện hơn”. Đến năm 2006, phê bình sinh thái tiếp tục được mở rộng khi công trình Tự nhiên trong nghiên cứu văn học và văn hóa – Cuộc đàm luận bên kia Đại Tây Dương về phê bình sinh thái (Nature in literary and cultural studies – Transatlantic conversations on ecocriticism) được biên soạn bởi Catrin Gersdorf và Sylvia Mayer xuất bản. Tác phẩm này đã khẳng định phê bình sinh thái là phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đón đầu xu thế thời đại trong bối cảnh ngày nay, gồm bốn phần: Lí thuyết tự nhiên của phê bình sinh thái; Định vị tự nhiên trong ngôn ngữ, văn học và văn hóa hằng ngày; Tự nhiên,
  • 17. 12 văn học và không gian quốc gia; Những đạo đức của tự nhiên. Nó đã cung cấp thêm một số lí thuyết và khái niệm liên quan đến phê bình sinh thái nhằm hướng đến một sự nghiên cứu nghiêm ngặt hơn về tự nhiên bằng một thách thức thiết lập văn hóa, chính trị và những quy chuẩn đạo đức. Công trình này ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của phê bình sinh thái như một phương pháp tái xem xét lịch sử về ý thức hệ, về mặt thẩm mĩ và đạo đức có động cơ thúc đẩy những khái niệm của tự nhiên, chức năng xây dựng và sự ẩn dụ của nó trong các hoạt động văn học và văn hóa khác. Từ đó, tác phẩm tạo ra một cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương đã từng được diễn ra từ thập niên cuối thế kỉ XX, chủ yếu là giữa các nhà phê bình sinh thái Mĩ và Anh; đồng thời cũng mở rộng cuộc trò chuyện này với những tiếng nói mới (từ Đức, Estonia, Lithuania) và đối tượng khu vực khác (văn học bằng tiếng Đức, ngôn ngữ học định hướng về mặt sinh thái). Năm 2008, Scott Slovic xuất bản cuốn Đi xa để suy nghĩ: Nhập thế, xuất thế và trách nhiệm của phê bình sinh thái (Going Away to Think: Engagement, Retreat, and Ecocritical Responsibility) gợi mở tầm quan trọng của phê bình sinh thái trong việc tham gia vào đời sống xã hội. Qua 17 tiểu luận, tác giả đưa người đọc phiêu lưu cùng những chuyến đi thâm nhập thực tiễn từ Oregon, Mexico, Nevada… để chứng minh rằng ngôn ngữ và truyền thông là mấu chốt tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường, trong đó, các nhà phê bình sinh thái là người có vai trò quan trọng điều phối phê bình sinh thái đến gần hơn với công chúng bằng cách hòa nhập vào tự nhiên, vào cộng đồng hoặc cống hiến nghiêm túc, chuyên sâu vào nghiên cứu khoa học. Không đơn thuần là một cuốn sách về học thuật, cuốn sách đã mở đầu cho những chuyển hướng sau này của phê bình sinh thái từ góc nhìn trải nghiệm của nhà nghiên cứu. Năm 2011, giáo sư Susan Rowland ra mắt tác phẩm Tinh thần phê bình sinh thái: Văn học, sự phức tạp của tiến hóa và Jung (The Ecocritical Psyche: Literature, Evolutionary Complexity and Jung) được xem là “bước đột phá” của phê bình sinh thái, bởi đây là lần đầu tiên, nghiên cứu phê bình sinh thái đã có sự kết hợp liên ngành với tâm lí học, cùng các ý tưởng của Jung, huyền thoại và lí thuyết tiến hóa của Shakespeare và Jane Austen. Thông qua việc nghiên cứu sự sản sinh những biểu tượng, huyền thoại và tiến hóa trong các văn bản như Khu vườn bí mật (The Secret Garden), Giông tố (The Tempest), Đỉnh cao lộng gió và Sư tử (Wuthering Heights and The Lion), Phù thủy và tủ quần áo (The Witch and the Wardrobe), Susan đã chứng
  • 18. 13 minh văn học là nơi tưởng tượng, xa rời với tự nhiên, mà khởi nguồn của nó là từ một thế giới phi-nhân-loại khác. Nhận thấy, “biểu tượng không chỉ là thuộc tính của một mình bản ngã hay tinh thần, nó còn là tiếng nói của tự nhiên xuyên qua chúng ta”, Susan đã phân tích những ý tưởng của C. Jung trong việc sáng tạo ra những hình ảnh tưởng tượng đã kết nối nhân loại và tự nhiên như thế nào. Đến năm 2013, cuốn Sổ tay Oxford về Phê bình sinh thái (The Oxford handbook of Ecocriticism) do Greg Garrard biên tập được ghi nhận như công trình đánh dấu thời kì phát triển vượt trội của phong trào phê bình sinh thái, phát hành nhằm kỉ niệm hai mươi năm thành lập Hiệp hội nghiên cứu về Văn học và Môi trường (ASLE). Tác phẩm được tổ chức hợp lí, rõ ràng, đi từ lịch sử vấn đề, đến phạm trù lí thuyết và sau cùng là đưa ra những quan điểm về phê bình sinh thái tại một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Đức… Điểm nổi bật của Sổ tay Oxford về Phê bình sinh thái chính là đã tập hợp những bài nghiên cứu của các học giả chuyên sâu bàn luận về sự hình thành lí thuyết phê bình sinh thái diễn ra như thế nào, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các triết gia và nhà tư tưởng ra sao, tiêu biểu như Gaston Bachelard, Roland Barthes, Jacques Derrida, Michel Foucault, Sigmund Freud, David Harvey, Martin Heidegger, Edmund Husserl, Wolfgang Iser, Fredric Jameson, Jacques Lacan, Ferdinand de Saussure, Raymond Williams... Những nguồn này giúp cho các nhà phê bình sinh thái tạo ra các lí thuyết kết nối giữa văn học và môi trường, ví dụ: bản chất của ngôn ngữ, tính văn bản, nhận thức về không gian, xây dựng sự khác biệt, ranh giới các loài, tầng lớp xã hội, quyền lực, rủi ro, ý thức hệ, phân điểm, tâm lí con người, nhận thức luận, và bản thể học. Khi biên tập, Garrard đã tạo ra sự cân bằng hợp lí giữa những bài khái quát trọng tâm và những đột phá thử nghiệm vào lãnh thổ mới. Độc giả sẽ được dẫn nhập những cách tiếp cận mới vào giai đoạn nghiên cứu khả thi phê bình sinh thái như chủ nghĩa lãng mạn và văn học thế kỉ XIX, cũng như mạo hiểm vào giai đoạn ít được nghiên cứu, như thời trung cổ và hậu hiện đại. Tác phẩm còn đi sâu vào lí thuyết mới, như phê bình sinh thái hậu thuộc địa, công bằng môi trường, khoa học nữ quyền, và giới thiệu các bài viết đã táo bạo vào địa hạt mới như kí hiệu học sinh học (biosemiotics) và khoa học siêu nhiên (paraphysics). Bên cạnh đó còn có một số công trình đưa ra lập luận mới về những thể loại định hướng tự nhiên, chẳng hạn: “Có phải là Cái chết của Lối viết Tự nhiên?” của Daniel J. Philippon tìm hiểu tất cả thể loại đã từng có trước đây nhưng bị các nhà phê bình sinh thái bỏ qua, như truyện
  • 19. 14 hài, âm nhạc thời xưa, văn học thiếu nhi, và phương tiện truyền thông kĩ thuật số. Tác phẩm đã thu hút nhiều mối quan tâm của nhiều nhà phê bình trong những năm cuối thế kỉ XX về vấn đề sinh thái trong văn học, tạo ra một hiệu ứng phát triển của lĩnh vực này tới từng khu vực, quốc gia. Năm 2014, cuốn sách Sự mơ hồ sinh thái, Cộng đồng và Phát triển: Hướng tới một Phê bình sinh thái Chính trị (Ecoambiguity, Community, and Development: Toward a Politicized Ecocriticism) do Scott Sloviic, S. Rangarajan và V. Sarveswaran biên tập lại là một công trình được đóng góp bởi rất nhiều nhà lí luận hàng đầu về văn hóa – môi trường ở các nước đang phát triển, từ Nam Á đến Mĩ Latin. Mười hai chương của cuốn sách được gắn kết với nhau thông qua sự nhất trí của các tác giả về sự phức tạp của “văn hóa tự nhiên”, làm sáng tỏ mối tương quan của các vấn đề nhân quyền và suy thoái môi trường. Một số tác giả giải quyết sự mơ hồ trong vai trò biểu hiện ngôn ngữ và văn học, nghiên cứu tương phản ngôn ngữ của chính nó “để đưa ra sự truyền đạt thế giới vật chất mà các nền văn hóa tìm kiếm để tồn tại”. Qua đó, công trình thiết lập nhận thức mới trong mối quan hệ giữa địa chính trị và bảo vệ môi trường và xã hội. Tuyển tập này áp dụng một diễn thuyết của Nam Địa cầu như một cấu trúc chuẩn để điều hướng về cách thức suy biến sinh thái và áp bức văn hóa bị lây lan ở cộng đồng địa phương lẫn toàn cầu. Từ những công trình mà chúng tôi tiếp cận được trong nghiên cứu về phê bình sinh thái, có thể nhận thấy đây là vấn đề đang được nhiều chuyên gia văn hóa – văn học từ khắp nơi trên thế giới quan tâm; hơn nữa lí thuyết về phê bình sinh thái vẫn còn đang ở quá trình định hình, hoàn thiện hơn. Cho nên, tương lai của phê bình sinh thái gắn với bối cảnh toàn cầu hóa. Nhìn vào những công trình ban đầu, các nhà phê bình sinh thái tập trung tìm hiểu những văn bản tại quốc gia họ sinh sống (gồm văn bản tiếng Anh, Đức, và những ngôn ngữ thuộc Tây phương), sau đó, phê bình sinh thái dần dần rời khỏi địa hạt trung tâm, lưu ý đến các văn bản ngoài Âu – Mĩ để khai mở những tiềm năng lí thuyết mới trong nội tại chính nó. Cũng trong quá trình nghiên cứu những văn bản ngoài Âu – Mĩ, cụ thể ở đây là những văn bản Đông Á, các nhà phê bình sinh thái còn phát hiện ra “sự mơ hồ” trong thái độ, tình cảm của người phương Đông đối với thiên nhiên (trường hợp của Karen Thornber). Đồng thời, bắt nhịp về với phương Đông, phê bình sinh thái đã kết nối với các tư tưởng triết học sinh thái môi trường hiện đại và nguồn mạch tư tưởng văn hóa phương Đông ngàn xưa (Nho giáo, Đạo giáo,
  • 20. 15 Phật giáo) để đề xuất một cách ứng xử mới với tự nhiên, tái thiết môi sinh. Từ đó cho thấy sự cần thiết và cấp bách hiện nay trong việc dẫn nhập, áp dụng lí thuyết phê bình sinh thái vào nghiên cứu văn học các nước châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. 1.1.2. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái ở Việt Nam Văn học Việt Nam từ sau Đổi mới đã rất cởi mở trong việc tiếp thu những lí thuyết phê bình khác của thế giới và có những chuyển biến đáng kể. Các vấn đề như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, cấu trúc, nữ quyền luận, hậu hiện đại… được nhiều học giả, nhà nghiên cứu và nhà văn đón nhận sôi nổi, tạo nên dấu ấn riêng. Nhưng đối với trào lưu phê bình sinh thái vẫn còn ở dạng “tiềm năng cần khai thác”. Tại sao lại trong trạng thái tiềm năng mà không phát triển sâu rộng như những lí thuyết vừa kể trên? Một phần vì ban đầu, lí thuyết phê bình sinh thái được những học giả sử dụng để nghiên cứu văn học viết về tự nhiên, nhằm nhấn mạnh văn học nên làm cho độc giả quay lại “tiếp xúc” với tự nhiên, hướng tới xây dựng một nền văn học sinh thái. Trong khi đó, thiên nhiên vốn dĩ là đề tài quen quá quen thuộc trong văn chương phương Đông. Nên người ta hồ nghi rằng, văn học sinh thái liệu có khác gì văn học viết về thiên nhiên đã có từ ngàn năm trước, như những áng sử thi hùng tráng Ramayana, Mahabharata đã ca ngợi vẻ đẹp con người và tự nhiên, như những bài thơ Thiền đời Đường, những bài thơ Haiku Nhật Bản? Hơn nữa, một câu hỏi được đặt ra: phê bình sinh thái khi nghiên cứu về tự nhiên sẽ mang lại điểm khác biệt gì so với những lí thuyết văn học trước đây, chẳng hạn như thi pháp học cũng đã từng đề cập đến không gian, thời gian, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên? Một phần cũng bởi nhiều học giả cho rằng đây là một lí thuyết “gượng ép”, đánh đồng phê bình sinh thái như một ngành thuộc sinh thái học, một phong trào văn hóa – xã hội bảo vệ môi trường. Những điều này cũng đã được Nguyễn Văn Dân đề cập trong bài viết “Các lí thuyết nghiên cứu văn học và tính khả dụng” (Văn nghệ, số 15/ 2014). Tác giả cho rằng, phê bình sinh thái trước hết là một phong trào văn hóa – xã hội bảo vệ môi trường, và “nếu cứ lấy một vấn đề xã hội bất kì để gắn một cách gượng ép với văn học và gọi nó là mỹ học thì chúng ta sẽ có vô vàn lí thuyết mỹ học nhưng không áp dụng được” [11]. Chỉ khi làm rõ những định kiến và mập mờ trên, phê bình sinh thái mới được chấp thuận và xem như là một ngành nghiên cứu văn học mới có tính khả dụng, cấp bách.
  • 21. 16 Nhìn chung có thể thấy, phê bình sinh thái vận dụng quan điểm sinh thái học hiện đại khảo sát mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và tự nhiên, xã hội và trạng thái tinh thần con người; chất vấn quan hệ giữa ba yếu tố: con người, tự nhiên, nghệ thuật, qua đó thể hiện chủ nghĩa sinh thái nhân văn mới, tái cấu trúc các quan niệm cũ để có được các quan niệm mới. Lấy vấn đề sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học làm trọng yếu, phê bình sinh thái muốn tác phẩm văn chương phải chuyển tải những chiều hướng phức tạp của con người và tự nhiên, cũng như quan hệ tương tác giữa chúng. Hơn nữa, từ góc độ sinh thái, độc giả tiến hành “đọc lại” những tác phẩm quen thuộc trong văn học truyền thống, đồng thời tìm ra ý nghĩa văn hóa sinh thái và ý nghĩa mĩ học sinh thái từng bị che lấp, phớt lờ, và “tái xây dựng” (re-construction) mối quan hệ thẩm mĩ giữa tự nhiên và con người, con người và xã hội, con người và Trái đất, con người và tự ngã. Ngoài ra, cần phải hiểu, đây là một lí thuyết liên ngành, có sự kết hợp giữa văn chương và các ngành khoa học khác để đưa ra những kiến nghị về vấn nạn sinh thái. Qua những diễn ngôn về tự nhiên và môi trường, lí thuyết này tác động đến nhận thức và điều chỉnh quan niệm, hành xử của con người với thế giới tự nhiên. Hiểu một cách đơn giản, phê bình sinh thái là sự thức tỉnh của văn học sau khi nhân loại đối mặt với thảm họa sinh thái, là sự định vị lại vị trí con người trên Trái đất của các nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu - phê bình văn học hiện đại. Tất nhiên, bất kì phương pháp nghiên cứu mới hình thành nào cũng đều có những điểm thiếu rõ ràng về lí luận, phê bình sinh thái cũng không ngoại lệ. Phê bình sinh thái cũng có một số điểm yếu về tính lí luận và thực hành nghiên cứu. Nhưng dù thế nào đi nữa, phê bình sinh thái đã bước ra khỏi sự cầm tù của văn bản, khỏi lối nghiên cứu nội quan, khép kín, để đến với thực tế đời sống – thấy được điều Trái đất đang khẩn thiết kêu gọi. Viết về tự nhiên, về nguy cơ hủy diệt môi sinh, cũng là đề cập đến sự tồn vong của nhân loại. Chính vì vậy, dù có những trở ngại bước đầu, phê bình sinh thái vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn. Tuy nhiên, ở nước ta, những lưu tâm của các học giả về lí thuyết này vẫn chưa sôi nổi như nhiều nước trên thế giới. Xét về thời gian xuất hiện lẫn số lượng công trình công bố, đó là một sự “phản ứng chậm”.
  • 22. 17 Trước hết, về mặt du nhập lí thuyết, phê bình sinh thái đã được dịch thuật và giới thiệu sang tiếng Việt với một số lượng tương đối, mang tính chất cá nhân và có sự phân giãn thời gian. Tháng 3 năm 2011, Viện Văn học tổ chức thuyết trình vấn đề phê bình sinh thái, Karen Thornber (Khoa Văn học so sánh, Đại học Havard) đã trình bày bài giảng Ecocriticism, giới thiệu tổng quan nội dung, ý nghĩa và lịch sử phát triển của nghiên cứu văn chương môi trường. Karen Thornber đưa ra những luận điểm cơ bản mà phê bình sinh thái hiện nay đang lưu tâm, như sau: Thứ nhất, sự tưởng tượng về nơi chốn, từ địa phương đến toàn cầu; thứ hai, việc sử dụng và phê phán những mô hình nghiên cứu khoa học trong nghiên cứu văn chương và nghệ thuật; thứ ba, sự khác biệt về giới trong cảm quan và tưởng tượng về môi trường; thứ tư, sự tương tác qua lại về học thuật giữa phê bình sinh thái và hậu thuộc địa; thứ năm, sự khác biệt giữa “dân bản xứ” và “dân khai hoang”; thứ sáu, “văn chương và tưởng tượng mĩ học trong những mối quan hệ xuyên loài”. Đây chính là báo cáo đầu tiên về lí thuyết phê bình sinh thái tại Việt Nam. Năm 2012, bài viết của Đỗ Văn Hiểu - Phê bình sinh thái - cội nguồn và sự phát triển là bản dịch được tổng hợp từ tài liệu tiếng Trung: Phê bình sinh thái Âu Mĩ (Nxb Học Lâm, 2008) và Phê bình sinh thái: Phát triển và nguồn gốc (trong Tuyển tập văn luận văn học sinh thái Trung quốc và thế giới, Nxb Đại học Công thương Chiết Giang, 2010). Tác giả giới thiệu một cách hệ thống diễn trình phát triển của phê bình sinh thái từ những năm 70 của thế kỉ XX cho đến nay, cũng như chỉ ra cội nguồn tư tưởng, triết học sinh thái. Năm 2013, một công trình nữa của Karen Thornber được Trần Ngọc Hiếu dịch là Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, in trong tập Phê bình sinh thái Đông Á: Tuyển tập phê bình (Các nền văn học, văn hóa và môi trường) (East Asian Ecocriticism: A Critical Reader (Literatures, Cultures, and the Environment)).Qua bản dịch này, chúng ta thấy tiềm năng cũng như triển vọng của phong trào phê bình sinh thái trong văn học mà Karen Thornber nhấn mạnh. Đặc biệt, khu vực Đông Á là nơi chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc của những bất công môi trường, xuống cấp tự nhiên. Chính lẽ đó, Karen Thornber yêu cầu nhận thức lại về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong văn học, để chấm dứt tình trạng “mơ hồ sinh thái”, xây dựng “ý thức hành tinh” trong nghiên cứu văn chương.
  • 23. 18 Năm 2014, Trần Thị Ánh Nguyệt đóng góp bản dịch Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường được lấy từ lời giới thiệu của Cheryll Glotfelty trong Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học văn học (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology) do Cheryll Glotfelty và Harold Fromm chủ biên – một cuốn sách được xem là tài liệu nhập môn của phê bình sinh thái, bởi công trình này có giá trị tổng thuật và khái quát sâu rộng, rõ ràng về lí thuyết. Năm 2017, cuốn sách Phê bình sinh thái là gì? do Hoàng Tố Mai chủ biên xuất bản, tập hợp những bản dịch và tổng thuật của các nhà nghiên cứu như Phạm Phương Chi, Đặng Thị Thái Hà, Lê Quốc Hiếu, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Tố Mai, Nguyễn Trường Sinh. Qua những công trình nổi tiếng về phê bình sinh thái của các chuyên gia văn học có uy tín trên thế giới, cuốn sách đã mang đến những tri thức nền tảng về phê bình sinh thái, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về lí thuyết này. Về mặt thực hành phê bình sinh thái, nhiều nhà nghiên cứu cũng bày tỏ sự quan tâm đến lối tiếp cận mới mẻ này. Chẳng hạn như “Phê bình sinh thái – khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân” (Tạp chí Nhà văn, 12/ 2012) của Đỗ Văn Hiểu đã khẳng định phê bình sinh thái ra đời mang đến cho nghiên cứu văn học, mĩ học một góc nhìn mới, tạo ra một động lực phát triển mới, bổ sung cho những khoảng trống trong nghiên cứu văn học từ trước đến nay. Bài viết làm sáng tỏ một số cách tân cơ bản của phê bình sinh thái trên phương diện: Tư tưởng nòng cốt, mang một sứ mệnh mới, xây dựng trên nguyên tắc mĩ học riêng, xác lập đối tượng – phạm vi nghiên cứu riêng; bên cạnh đó cũng lưu tâm đến hạn chế, khó khăn trong việc phát triển khuynh hướng nghiên cứu này. Năm 2013, trong cuốn sách có tựa đề Văn học Hậu hiện đại – Lí thuyết và thực tiễn (Lê Huy Bắc chủ biên), Nguyễn Thị Tịnh Thy có bài Phê bình sinh thái – nhìn từ lí thuyết giải cấu trúc. Tác giả đã chứng minh phê bình sinh thái mang cảm quan hậu hiện đại và biểu hiện rõ nhất là ở đặc điểm giải cấu trúc qua những khía cạnh: lệch tâm, tản quyền, cái chết của chủ thể, lật đổ và tái thiết, tính đối thoại… Bài viết nhấn mạnh giải cấu trúc trong phê bình sinh thái là những tín hiệu nhận biết sự cách tân, phản tư của trào lưu văn học gắn với những vấn đề thiết thực của đời sống nhân loại trong thời đại ngày nay. Đi vào tìm hiểu cấu trúc và lịch sử phát triển của phê bình sinh thái, không thể không nhắc đến bài báo Cần tìm hiểu sự chuyển hướng của Phê bình sinh thái (Văn nghệ, số 40, 2015) của Phương Lựu. Tác giả cho thấy ngoài ưu điểm cơ bản, phê bình sinh thái
  • 24. 19 thời kì đầu “chưa nhận thấy được chính quan hệ giữa con người và con người quyết định mối quan hệ giữa con người với tự nhiên”, và chống đối nguy cơ về sinh thái trong thế giới hiện đại bằng việc “tiến hành theo phương châm phải thay thế chủ nghĩa nhân loại trung tâm, bằng chủ nghĩa sinh thái trung tâm”, tuy nhiên tôn vinh chủ nghĩa sinh thái trung tâm nhưng lại chưa giải thích rõ trung tâm của ai. Sau đó, tác giả ghi nhận điểm tiến bộ của phê bình sinh thái trung tâm đã dần chuyển hướng, đưa vấn đề công bằng về hoàn cảnh vào tư tưởng học thuật; vì nhận ra, “trên thực tế, sinh thái thoái hóa là hậu quả từ hai nguyên nhân chính khác. Một là sự tiêu xài quá độ của các nước phát triển cùng một số đô thị phồn hoa của thế giới thứ ba. Hai là việc quân sự hóa không ngừng tăng trưởng trong ngắn hạn (chiến tranh khu vực liên miên) lẫn dài hạn (chạy đua vũ trang, trong đó có vũ khí hạt nhân hủy diệt)” [24, tr.17]. Kết thúc, Phương Lựu đưa ra những hướng nghiên cứu chuyên sâu của phê bình sinh thái trong tương lai, như Chủ nghĩa Mác sinh thái, bày tỏ lí thuyết này là một khuynh hướng văn học với nhiều bổ ích và cần được khám phá sâu hơn. Đến đầu năm 2017, Nguyễn Thị Tịnh Thy ra mắt cuốn sách Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương – Phê bình sinh thái, được đánh giá là công trình nghiên cứu quy mô về phê bình sinh thái ở nước ta. Với hơn 500 trang sách, những vấn đề xung quanh các khái niệm tiền đề, các đặc trưng, đặc tính của phê bình sinh thái, văn học sinh thái được tác giả diễn giải tường tận, công phu. Hơn nữa, Nguyễn Thị Tịnh Thy còn đề xuất phương pháp nghiên cứu thích hợp đối với phê bình sinh thái: “Phê bình sinh thái là một kiểu tiếp cận văn chương theo chủ đề. Vấn đề sinh thái trong tác phẩm, quan điểm sinh thái, trách nhiệm sinh thái của nhà phê bình là mục đích chính. Điều này giống như phê bình văn hóa, phê bình nữ quyền, phê bình hậu thực dân… Vì thế, vấn đề phương pháp không quá phức tạp, và cũng không có nhiều khác biệt so đặc điểm chung của nghiên cứu văn học. Điều cốt yếu là xác định mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, sau đó tùy vào đối tượng khảo sát là văn bản văn học cụ thể, người nghiên cứu có thể chọn, kết hợp những phương pháp thích hợp” [60, tr.277]. Từ đó, tác giả đưa ra những công trình ứng dụng và thực hành tham khảo qua những sáng tác cụ thể ở Việt Nam và các nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản. Về ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu văn học, có rất nhiều công trình, bài viết đã phân tích các hiện tượng văn học từ góc nhìn sinh thái, tiêu biểu như: Bài báo Bước đầu tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – Từ điểm nhìn phê bình sinh thái của Đặng Thị Thái Hà (đăng trên http:/ / vietvan.vn), đã soi chiếu truyện ngắn
  • 25. 20 Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn phê bình sinh thái. Tác giả phát hiện và trình bày những phản ứng cụ thể của diễn ngôn văn học đương đại (thông qua tác phẩm của một nhà văn tiêu biểu) trước thực trạng môi trường, và trước cả những tạo dựng đã có về môi trường. Mọi sự xem xét trong bài viết đều bắt đầu từ sự đối sánh những cách “phản ứng”, “kiến tạo”, “trình hiện” trong văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp với chính hệ thống phân cấp nhị nguyên luận đã trở thành cố hữu, như chất vấn cặp đối lập nhị nguyên: Nhân loại (human) – Tự nhiên phi nhân (non-human Nature). Bên cạnh đó, tác giả còn phân loại, liệt kê những không gian sinh thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: không gian thôn dã, không gian hoang dã. Tìm hiểu cách kiến tạo không gian trong diễn ngôn cũng có nghĩa tác giả hướng đến tìm hiểu những quy ước văn học, và cùng với nó, những giả định văn hóa về sự tồn tại của con người giữa giới tự nhiên phi nhân. Đưa lí thuyết phê bình sinh thái vào diễn giải thơ ca, Nguyễn Đăng Điệp có bài Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2014). Tác giả cho rằng, thiên nhiên là một đề tài có vị trí quan trọng trong thơ lãng mạn nói chung, Thơ mới Việt Nam nói riêng. Những vần thơ về đồng quê của Thơ mới thể hiện tình yêu mà các thi sĩ dành cho thiên nhiên với tư cách là những vẻ đẹp thanh tân. “Về phương diện nào đó, đây cũng chính là ý thức chống lại sự tàn phá môi trường của văn minh công nghiệp. Con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ mang vẻ đẹp “hoài cổ” qua khối ẩn ức lớn dần vì ý thức được sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa tự do và bị tước đoạt tự do, giữa tự nhiên hoang sơ rộng lớn và môi trường nhân tạo nhỏ hẹp. Người đọc dễ dàng cảm nhận “khối sầu đô thị” của Xuân Diệu (Lời kĩ nữ), Vũ Hoàng Chương (Say), Đinh Hùng (Bài ca man rợ)…” [12]. Đề tài khoa học Tôtem sói của Khương Nhung nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái (Đại học Sư phạm Huế, 2013) của Nguyễn Thị Tịnh Thy đã nghiên cứu một tác phẩm của văn học Trung Quốc từ lí thuyết phê bình sinh thái. Tôtem sói là tác phẩm văn học sinh thái gây tranh cãi. Một số người cho rằng tác phẩm tập trung quá nhiều vào vấn đề chủng loài, vào cuộc đấu tranh sinh tồn, giành giật sự sống và ngôi thứ trong thế giới tự nhiên. Cũng có ý kiến khác rằng, Khương Nhung thể hiện ý đồ muốn hồi sinh tinh thần đại Hán; hay cáo buộc tác giả kích động sự đối kháng dân tộc thiểu số tại một thời điểm khi chính phủ Trung Quốc ủng hộ việc xây dựng một “xã hội hài hòa Xã hội chủ nghĩa” dựa trên Khổng giáo bởi vì thông qua hình tượng chó sói của
  • 26. 21 thảo nguyên Nội Mông. Thực ra, Tôtem sói mang lại cho độc giả một cái nhìn sâu sắc mang tính phản tư về một nền văn hóa “man rợ” (được gọi là phi Hán) thuộc các dân tộc thiểu số, bị người Hán cai trị, khinh miệt, hiểu lầm, xâm phạm và bức tử. Soi chiếu phê bình sinh thái vào văn học Trung đại – mảnh đất vốn được xem là ít khả dụng của lí thuyết này, bài báo Biến đổi môi trường sống – nhân tố thúc đẩy không gian văn hóa mới trong thơ Tú Xương (Nghiên cứu văn học, số 5/ 2015) của Dương Thu Hằng đã nhấn mạnh việc vận dụng một lí thuyết phương Tây hiện đại vào nghiên cứu các sáng tác văn học mang đậm dấu ấn tư tưởng, văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn học Việt Nam thời trung đại, xét trên một khía cạnh nhất định là những khả giải thú vị, đầy mới mẻ. Vì thế, thơ Tú Xương vắng bóng những hình ảnh thiên nhiên thân thuộc vốn cho là quy phạm, chuẩn mực, thay vào đó là sự phác thảo một bức tranh toàn cảnh về đô thị Việt Nam thời kì đầu, thể hiện sự bức bối với môi trường sống ngột ngạt, khắc khoải mong chờ cuộc chuyển đổi. Phê bình sinh thái không chỉ được các nhà nghiên cứu vận dụng trong thơ ca, truyện ngắn và tiểu thuyết mà còn áp dụng trên các thể loại khác như phóng sự, tản văn… Chẳng hạn, Luận án Phóng sự Việt Nam trong môi trường sinh thái văn hóa thời kì đổi mới (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008) của Trịnh Thị Bích Liên, trên cơ sở khảo sát những công trình liên quan trực tiếp phóng sự Việt Nam từ những năm 30 thế kỉ XX trên hai lĩnh vực văn học và báo chí, đặc biệt là các tác phẩm phóng sự tiêu biểu của thời kì đổi mới, đặt phóng sự trong mối tương tác với các yếu tố thuộc môi sinh văn hóa để nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra bước phát triển mới của giai đoạn phóng sự này dưới tác động trực tiếp của các yếu tố môi sinh hiện đại. Hay Luận án Tản văn Việt Nam thế kỉ XX (từ cái nhìn thể loại) (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2009) của Lê Trà My, trong chương ba, tác giả đề cập đến tản văn trong diễn tiến môi trường sinh thái văn hóa thế kỉ XX. Bài viết của Trần Đình Sử - Phê bình sinh thái tinh thần (Nghệ thuật 360, Nxb Hội Nhà văn, 2016), trong bài này tác giả vận dụng tư tưởng sinh thái để xem xét quan hệ giữa văn học và môi trường văn hóa, tinh thần xã hội như một vấn đề sinh thái, không tập trung vào quan hệ con người và tự nhiên, mà xem xét môi trường tinh thần xã hội như là môi trường sống của văn nghệ, sự tương tác giữa môi trường văn hóa tinh thần với sáng tạo văn nghệ.
  • 27. 22 Ngoài ra, còn có rất nhiều bài viết đã phân tích các hiện tượng văn học từ lí thuyết sinh thái, tiêu biểu: Khí quyển thơ – sinh thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời và những linh hồn của Nhã Thuyên (đăng trong Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, Nxb Hội Nhà văn, 2011); Luận văn Cái tự nhiên từ điểm nhìn phê bình sinh thái (Qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư) (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2014) của Đặng Thị Thái Hà; Luận văn Cảm quan sinh thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2014) của Ngô Thị Thu Giang; bài báo Thiên nhiên – nguồn cảm hứng bất tận trong văn chương phương Đông của Trần Thị Ánh Nguyệt (Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, 2014); bài báo Tiểu thuyết “Cá hồi” – Cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái của Trần Xuân Tiến (Tạp chí Khoa học số 5(83)/ 2016 – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)… là những phân tích mới mẻ, lí thú, tuy nhiên, những nghiên cứu như vậy chưa nhiều. Về ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là văn hóa và khoa học xã hội - nhân văn, các nhà nghiên cứu văn hóa có lẽ là những người tiên phong trong việc đưa lí thuyết sinh thái vào tìm hiểu các hiện tượng văn hóa – văn học: nhóm bài của Trần Quốc Vượng trong công trình Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm (2003): Triết lí môi trường, Văn hóa ẩm thực trên nền cảnh môi trường sinh thái nhân văn Việt Nam ba miền Nam Trung Bắc, Một cái nhìn sinh thái nhân văn Việt Nam với các di tích - lịch sử - văn hóa Việt Nam đã phân tích “lối sống hòa điệu với tự nhiên” qua những hiện tượng văn hóa cụ thể như tục thờ cây, mô hình vườn, văn hóa ẩm thực.... Hay bài viết Nghiên cứu phê bình sinh thái hiện đại và di sản văn hóa: nhìn từ cách Sinh thái học tìm về Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Trần Hải Yến, 2014); Văn hóa của cư dân miền Đông Nam Bộ - tiếp cận sinh thái văn hóa (Phan Thị Yến Tuyết, 2015, nguồn http:/ / www.vanhoahoc.vn/ nghien-cuu/ van-hoa-viet-nam/ van-hoa-nam-bo). Trên một lĩnh vực khác, Hoàng Diệu Thảo phân tích quan niệm về môi trường trong tư tưởng Hồ Chí Minh (Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và vấn đề an ninh môi trường ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Th.S, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014). Cho đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, phê bình sinh thái đang dần được các học giả, nhà nghiên cứu quan tâm, đón nhận và tìm hiểu. Số lượng những công trình, bài viết nghiên cứu phê bình sinh thái ở Việt Nam ngày càng tăng lên. Đã có những công
  • 28. 23 trình chuyên sâu, đúng hướng với phê bình sinh thái và gợi mở nhiều điểm thú vị; nhưng vẫn chưa có những chuyên luận về tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết từ sau Đổi mới – một giai đoạn văn học đang phát triển của văn học sinh thái Việt Nam. 1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái 1.2.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 – quá trình đổi mới và tiến dần đến văn học sinh thái Văn học Việt Nam từ sau 1986 đã có những biến chuyển rõ nét và toàn diện, đặc biệt tiểu thuyết là thể loại đạt được thành tựu vượt bậc, để lại những ấn tượng sâu sắc trong công cuộc “hiện đại hóa”, “dân chủ hóa”. Khi các nhà văn được “cởi trói” và bắt đầu “nhìn thẳng vào sự thật”, những vấn đề nhức nhối của đời sống, những trăn trở suy tư trong tâm hồn con người được phơi trải, giãi bày một cách thành thực, thấm thía và táo bạo. Những điều “cấm kị”, khó nói hay không thể nói trong giai đoạn văn học trước, giờ đây được bung tỏa, bộc bạch qua nhiều trang viết. Trước đây, tiểu thuyết mang tính chất sử thi hóa, tái hiện lại những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, liên quan đến vận mệnh dân tộc, với âm hưởng chung là sự ngợi ca, tự hào, tin yêu thông qua những nhân vật lí lưởng, có phẩm chất anh hùng, đại diện cho tinh hoa cộng đồng. Các tiểu thuyết như Sóng gầm (Nguyên Hồng, 1961), Đất lửa (Nguyễn Quang Sáng, 1963), Hòn đất (Anh Đức, 1965), Gia đình má Bảy (Phan Tứ, 1968), Bão biển (Chu Văn, 1969), Rừng U Minh (Trần Hiếu Minh, 1970), Chớp trắng (Thu Bồn, 1970), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu, 1972)… là những tác phẩm phản ánh khí thế, tinh thần của thời đại trong khúc ca hào sảng, sục sôi tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ trong bối cảnh chiến tranh. So với truyện ngắn, phóng sự, thơ ca, tùy bút, tiểu thuyết là thể loại có nhiều khả năng thay đổi nhất. Bởi đặc thù không “đông cứng” (như quan niệm của Bakhtin), tiểu thuyết dễ dàng làm mới “diện mạo” từ quan niệm nghệ thuật, hệ thống thi pháp, tương tác thể loại, phương thức phản ánh, kết cấu và ngôn ngữ… để phù hợp hơn với thời đại. Sự mở cửa và hội nhập toàn cầu đã đặt đất nước trước những triển vọng và thách thức lớn. Dưới áp lực của nền kinh tế thị trường, sự thông thoáng giao lưu văn hóa, sự lên ngôi của đồng tiền và những nhu cầu bản năng,… tất cả đã khiến cho nhiều chuẩn mực đạo đức, thang giá trị trong đời sống tinh thần có sự đảo lộn, vừa mang đến tích cực lại vừa có một số mặt tiêu cực. Nghiên cứu và sáng tác văn chương cũng cần
  • 29. 24 chuyển biến theo. Cảm hứng sử thi, ngợi ca cùng với những đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn trước mỗi lúc nhạt dần; thay vào đó, tiểu thuyết hướng vào thế sự, đời tư. Đó là dấu hiệu cho thấy ý thức đổi mới thể loại đang hiện rõ. Nhiều tác phẩm đã lật giở từng vỉa ngầm thực tế, từng góc khuất của quá khứ, như: Thời xa vắng (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Một cõi nhân gian bé tý (Nguyễn Khải), Cuốn gia phả để lại (Đoàn Lê), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Cơ hội của chúa (Nguyễn Việt Hà),… Dù đề tài được mở rộng phong phú, chung quy tiểu thuyết vẫn đề cập đến đời sống con người. Nhà văn thường đặt ra trong tác phẩm những câu hỏi về con người. Chất vấn về nhân vị trở thành cảm hứng, làm nảy sinh nhiều dạng nhân vật, nhiều cảm thức văn học, đa giọng điệu, đa sắc thái ngôn ngữ. Chính sự thay đổi trong tư duy và quan niệm của nhà văn lẫn độc giả đã khiến cho tiểu thuyết đương đại đạt nhiều giá trị nội dung và nghệ thuật. Tiểu thuyết thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình, là phản ánh sinh động, đầy đủ một hiện thực đa chiều, vừa hữu lí vừa phi lí, vừa trật tự vừa hỗn loạn, vừa nằm trong không gian thực tại vừa huyền ảo, siêu linh. Tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng có thể thấy rõ nỗ lực cách tân, đổi mới không ngừng của các tiểu thuyết gia trong ba thập kỉ qua. Bên cạnh sự đông đảo về đội ngũ sáng tác, dồi dào về số lượng, phải kể đến sự đa dạng về bút pháp, phong phú về đề tài, chủ đề. Những thành tựu này gặt hái được một phần cũng bởi thế hệ nhà văn Việt Nam sau Đổi mới đã nhanh chóng tiếp thu nhiều trường phái và tư tưởng phê bình văn nghệ mới trên cơ sở học hỏi, chọn lọc và tiếp biến để phù hợp hơn với bối cảnh văn hóa. Nếu trước Đổi mới, những khái niệm lí luận văn học như hậu hiện đại, hậu thuộc địa, giải cấu trúc, phân tâm học, nữ quyền luận,… hầu như vắng bóng trên các diễn đàn văn nghệ; thì đến nay các thuật ngữ này đã trở nên thông dụng, được nhắc đến thường xuyên. Đồng thời, trước làn sóng chuyển biến liên tục của nghiên cứu văn học trên thế giới, nghiên cứu văn học Việt Nam cũng bị cuốn theo như một sự hiển nhiên, tất yếu. Phần lớn những lí thuyết văn chương nổi bật đều được hấp thụ chọn lọc, truyền tải vào đời sống sáng tác và phê bình. Trong đó, phê bình sinh thái được xem là một trong những lí thuyết có “khớp nối” phù hợp, “ăn ý” với thực tiễn sáng tác và nghiên cứu ở Việt Nam, bởi chúng ta đang sống
  • 30. 25 trong thời đại có quá nhiều biến động. Khi bước vào “thế giới phẳng”, mọi khoảng cách trên địa cầu này đều trở nên ngắn lại, và nhân loại nhanh chóng nhận được sự tương thông, liên đới với nhau. Một câu chuyện từ nơi xa xôi cách nửa vòng Trái đất cũng có thể được biết đến tường tận. Một thảm họa tự nhiên ở bất kì nơi nào cũng đều dễ dàng trở thành thảm họa chung cho nhân loại. Do vậy, khi giữa tâm bão của khủng hoảng môi trường diễn ra trên thế giới, phê bình sinh thái nổi lên như một trào lưu văn hóa - văn học chuyển tải thông điệp bảo vệ Trái đất, cứu lấy tương lai nhân loại, thì văn học Việt Nam cũng có sự nhạy bén, cảm nhận được với ý thức sinh thái rõ rệt. Cũng thật dễ hiểu, vì nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tình trạng biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên ở mức báo động. Hiển nhiên, là “thư kí của thời đại”, nhà văn sẽ ánh xạ vào tác phẩm như một hiện thực phũ phàng, trăn trở giữa đời sống hôm nay. Bắt đầu là những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, như Chim én bay (Nguyễn Trí Huân, 1988), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh, 1991), Phố (Chu Lai, 1992)… đã cho thấy mặt trái của chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống con người thời hậu chiến mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Bom đạn, chất độc da cam thải ra khiến những cánh rừng bạt ngàn hoang sơ trở nên xơ xác, rụng úa, tàn lụi. “Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục”, “đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng” (Nỗi buồn chiến tranh). Và dư âm chiến tranh còn để lại giữa cuộc sống thời hậu chiến, khi người lính trở về mang nhiều bỡ ngỡ, “mới cách đây chừng vài ba năm chứ mấy, cảnh sắc nơi này còn thâm trầm vắng lặng. Trải qua bao biến thiên khắc nghiệt của thời gian, thời tiết, của chiến tranh hay hòa bình, của những cơn bão đốn gục tới phân nửa số lượng gốc cây…” (Phố). Dẫu chiến tranh lùi xa, nhưng khí độc, dioxin, những vết tích, tàn tro… vẫn còn gây ra những tổn thất về môi trường dài lâu mà con người chưa thể khắc phục ngay được, nó ngấm ngầm bào mòn nhiều thế hệ và tàn phá tự nhiên. Vì vậy, dưới góc nhìn sinh thái, việc phản đối chiến tranh, khắc phục những hậu quả của năm tháng “mưa bom bão đạn” vừa là hành động phục sinh cuộc sống hòa bình cho con người, đồng thời xa hơn và bao quát hơn, đấy còn là bảo vệ, tái thiết tự nhiên. Xây dựng ngôi nhà chung Trái đất bình yên. Hình ảnh chim én bay và câu đề từ đầu tiểu thuyết Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, “Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa/ Em mong sao trên trái đất không còn sự chia lìa/ Em mong sao trên trái
  • 31. 26 đất mọi con người/ Như em đây là chim trắng bay giữa trời/ Sống để yêu thương…” dường như đã truyền tải sâu sắc ý niệm này. Tiếp đến, những nhà văn như Tạ Duy Anh (Lão Khổ, Đi tìm nhân vật), Hoàng Minh Tường (Gia phả của đất), Đào Thắng (Dòng sông Mía), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế), Nguyễn Bình Phương (Thoạt kì thủy)… dù đề tài chính trong các sáng tác này là những phức tạp trong đời sống con người ở nông thôn và thành thị từ hệ lụy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng ẩn giấu trong mạch ngầm văn bản là những cảnh báo về môi sinh: đất nông nghiệp sẽ ngày càng thu hẹp, các khu đô thị dần mọc lên, con người ngột ngạt và bức tử trong thế giới “số hóa” do chính mình tạo dựng, lạc lõng, xa cách đồng loại. Càng về sau, tiểu thuyết càng thể hiện tính chất sinh thái rõ nét, với sự đóng góp của những nhà văn dày dặn kinh nghiệm về tuổi đời và tuổi nghề như Nguyễn Khắc Phê (Thập giá giữa rừng sâu), Trần Duy Phiên (Trăm năm còn lại), Ma Văn Kháng (Chó Bi, đời lưu lạc), Bùi Ngọc Tấn (Biển và chim bói cá), sau đến các cây bút trẻ như Nguyễn Ngọc Tư (Sông), Thiên Sơn (Dòng sông chết), Đặng Thiều Quang (Săn cá thần), Đỗ Phấn (Ruồi là ruồi), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt nhìn trời), A Sáng (Thân xác), Đỗ Bích Thúy (Chúa đất), Nguyễn Trí (Thiên đường ảo vọng), Nguyễn Văn Học (Vết thương hoa hồng), Đỗ Tiến Thụy (Con chim joong bay từ A đến Z)… Như vậy, ý thức sinh thái trong văn học Việt Nam sau 1986 nói chung, tiểu thuyết Việt Nam nói riêng bắt đầu manh nha từ dòng chảy văn học hậu chiến. Qua việc tố cáo tội ác chiến tranh, những di chứng chất độc màu da cam đã tàn phá thiên nhiên, để lại những khu rừng trơ trụi lá, dioxin thấm vào đất, vào nước, cỏ cây qua hàng chục năm, gây nguy hại cho nhiều thế hệ người Việt, nhiều nhà văn đã dự cảm một từ trường sinh thái sẽ lan tỏa trong văn học đương đại. Về sau, văn học thời kì Đổi mới bắt đầu xuất hiện và chú ý đến vị thế trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Nhiều nhà văn đã ngầm cảnh báo rằng nguồn gốc của nguy cơ sinh thái chính là tính hiện đại và căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng – sự tiêu xài quá độ, sự lên ngôi của đồng tiền. Cụ thể qua sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Thủy, Đặng Thiều Quang, Đỗ Phấn, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học, Đỗ Tiến Thụy… đã chỉ ra sự hủy hoại môi sinh dẫn tới việc mất cân bằng tự nhiên; quá trình đô thị hóa khiến con người rời xa môi trường sinh thái, trở thành nạn nhân, công cụ của thương mại.
  • 32. 27 Do vậy, từ những năm 90 đến nay, văn học có khuynh hướng tìm về biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong cái nhìn mới, bằng một tư duy sinh thái hiện đại trong việc nhận diện, phân tích và thể hiện những nỗi đau môi trường, số phận con người trong cuộc khủng hoảng môi sinh cũng như hướng con người sống có ý thức bảo vệ thiên nhiên, biết hòa mình vào tự nhiên để được thanh thản, cân bằng trong cuộc sống. Thấy rõ dấu ấn sinh thái đã manh nha phát triển trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, nhiều nhà phê bình, nghiên cứu khám phá một cách tiếp cận mới, qua đó kết nối văn học nước ta với những vấn đề thiết yếu của nhân loại về trách nhiệm mỗi con người trước khủng hoảng môi sinh. 1.2.2. Phê bình sinh thái – một lối tiếp cận mới vào tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 Việc nghiên cứu các tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái hiện nay là một cách tiếp cận mới mẻ. Qua quá trình tìm hiểu và thu thập tư liệu, chúng tôi nhận thấy rất ít công trình chuyên sâu vấn đề này. Xin điểm qua một số bài báo, đề tài nổi bật có liên quan như: Bài báo Sáng tác và phê bình sinh thái – Tiềm năng cần khai thác của văn học Việt Nam của Nguyễn Thị Tịnh Thy đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (25/ 10/ 2014) đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy những tiềm năng trong sáng tác, phê bình sinh thái của văn học Việt Nam. Tác giả nhận thấy: trên thực tế, dù số lượng tác phẩm văn học sinh thái của nước ta còn rất ít, nhưng vấn đề sinh thái vẫn hiện hữu trong các tác phẩm từ xưa đến nay. Điều này thể hiện qua thái độ trân trọng, yêu quý và bảo vệ tự nhiên, các hành động tước đoạt và phá hoại tự nhiên, điều kiện sống không đảm bảo (ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, kiến trúc đô thị tùy tiện, không gian nhà ở tù túng…), bi kịch của việc thành thị hóa nông thôn, thái độ kính sợ tự nhiên, quan niệm “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Bài viết còn nhắc đến một số tiểu thuyết ở Việt Nam có khuynh hướng sinh thái, như Trăm năm còn lại, Thập giá giữa rừng sâu… Đây là những nhận định mang tính chất khái quát, tổng hợp nhằm gợi ý để áp dụng lí thuyết phê bình sinh thái vào tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Năm 2016, Trần Thị Ánh Nguyệt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái” (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Qua luận án, tác giả khảo sát văn học Việt Nam sau 1975 và thấy có sự xuất hiện khuynh hướng văn xuôi sinh thái. Khuynh hướng
  • 33. 28 ấy thể hiện ở việc tồn tại các chủ đề sinh thái, có lực lượng sáng tác riêng và có những thay đổi đáng kể trong những thể nghiệm nghệ thuật vận động về phía sinh thái. Văn xuôi sinh thái có những dấu ấn nhất định vào khoảng những năm 1980, đó cũng là thời kì của công cuộc đổi mới, Việt Nam bắt đầu tăng tốc về phía nền kinh tế thị trường, những áp lực của việc biến đổi tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu xuất hiện. Tác giả chỉ ra, chính thái độ nhập cuộc, dấn thân của văn xuôi sau 1975 đã làm cho văn học xích lại gần hơn với những vấn đề thời sự, thể hiện tính dân chủ của văn học qua những cách tân nghệ thuật mà văn xuôi sinh thái thể nghiệm. Có thể xem đây là công trình đầu tiên nghiên cứu văn xuôi sau 1975 từ góc nhìn sinh thái được đầu tư công phu, kĩ lưỡng và đầy thuyết phục. Đến cuối năm 2016, cuốn sách Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái được xuất bản do Trần Thị Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh kết hợp, biên tập lại từ Luận án đã bảo vệ, có bổ sung thêm một số bài nghiên cứu của Lê Lưu Oanh. Một lần nữa các tiểu thuyết như Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn) được nhắc đến và lưu tâm như một hiện tượng của văn học mang dấu ấn sinh thái tại Việt Nam. Nhưng xét trên tinh thần khách quan, ngoài một số tiểu thuyết tiêu biểu, công trình này còn chú trọng nhiều đến truyện ngắn mang cảm thức sinh thái. Hơn nữa, nhiều tiểu thuyết chứa nội dung sinh thái vẫn chưa được nghiên cứu và đi sâu giải mã như Nhắm mắt nhìn trời (Nguyễn Xuân Thủy), Thân xác (A Sáng), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng)… Đặc biệt, trường hợp Đỗ Phấn – một hiện tượng “nhà văn sinh thái” với hàng loạt tác phẩm là những phẫn uất của lớp thị dân trước cảnh đô thị hóa ồ ạt, như Gần như là sống, Dằng dặc triền sông mưa, Chảy qua bóng tối, Ruồi là ruồi… đều không nằm trong diện khảo sát của cuốn sách này. Tháng 12 năm 2017, Hội thảo Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu do Viện Văn học tổ chức đã khẳng định sức lan tỏa của phê bình sinh thái trong giới nghiên cứu Việt Nam. Kỷ yếu của Hội thảo tập hợp 84 bài viết, trong đó có những công trình cũng đã chú ý đến tiểu thuyết như: Tinh thần sinh thái trong văn xuôi Nam Bộ (Bùi Thanh Truyền), Tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam đầu thế kỉ XXI – Từ góc nhìn sinh thái (Lê Thị Hường), Khủng hoảng môi trường và số phận của cộng đồng