SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  126
Télécharger pour lire hors ligne
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
--------------------
HOÀNG THỊ THANH XUÂN
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG
“TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA
NGUYỄN DU
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. LÊ THU YẾN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ thể hiện quan niệm độc đáo, nghệ thuật tài
hoa của tác giả mà còn ở chỗ nó mang một tầm vóc văn hóa, mang tính lịch sử và truyền thống văn
hóa thời đại. Thật vậy! Lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam mấy trăm năm qua đã bao phen “gió
dập, sóng dồi”, nhưng chừng ấy năm trôi qua mà hai viên ngọc Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của
Nguyễn Du vẫn giữ nguyên được chân giá trị của nó. Nhân dân Việt Nam yêu quí Truyện Kiều
không chỉ vì có nàng Kiều tài sắc bị xã hội vùi dập, làm cho “ngọc nát, trâm chìm”, làm cho “hoa
tàn, nhị rữa”, yêu quí Văn chiêu hồn không chỉ vì đau đớn trước những mảnh đời bất hạnh, mong
manh mà vượt lên biên độ của giới hạn, Truyện Kiều và Văn chiêu hồn với nét đẹp văn hóa tâm
linh - một khía cạnh của truyền thống văn hóa Việt sẽ sống mãi trong lòng người bao thế hệ, trở
thành một phần máu thịt của người dân.
Thế nhưng, vẫn có ý kiền cho rằng: với Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã làm theo đơn đặt hàng
của một ngôi chùa nào đó? Và Truyện Kiều cũng giản đơn chỉ là sự vay mượn của văn hóa Trung
Hoa?
Nhằm tìm hiểu truyền thống văn hóa Việt trong quá trình tiếp biến văn hóa ngoại lai, nhằm
góp phần trả lời những câu hỏi trên, cũng như mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân
tộc, vốn đã được lưu truyền hàng trăm năm nay, chúng tôi chọn đề tài “Văn hóa tâm linh trong
Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du” để làm luận văn tốt nghiệp cao học văn học Việt
Nam của mình.
2. Mục đích nghiên cứu
Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du ra đời và vận động trong một môi trường văn
hóa có những đặc trưng loại hình khác biệt. Đó là một nền văn hóa trung đại với mô hình hai thế
giới, với hệ thống giá trị, với phương thức cảm nhận và tư duy khác chúng ta ngày nay. Bên cạnh
thế giới hiện hữu, người xưa hình dung ra một thế giới tâm linh với niềm tin vào sự huyền bí, những
điều kì lạ siêu nhiên. Chính thế giới thứ hai này đã qui định cách nhìn, cách cảm của người xưa
trong đó có tác giả Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Cho nên mục đích mà người viết luận văn hướng
đến là cố gắng chỉ ra, hệ thống lại những biểu hiện của thế giới tâm linh trong các tác phẩm một
cách rõ nét nhất, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của
người xưa đồng thời cho thấy văn hóa tâm linh có giá trị như thế nào trong thời đại mới.
Khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tiếp thu truyền thống văn hóa Việt. Từ đó
góp thêm tiếng nói lí giải về sức sống lâu bền của hai tác phẩm trong lòng dân tộc.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng khoa học luận văn nghiên cứu “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn
Chiêu hồn của Nguyễn Du”.
Phạm vi khảo sát chủ yếu căn cứ trên cơ sở những ý kiến của các bậc nghiên cứu tiền bối,
chúng tôi chỉ tập trung khai thác thêm ở những vấn đề, những khiá cạnh có liên quan đến đề tài văn
hóa tâm linh trong tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn.
Về phạm vi tư liệu: ngày nay có quá nhiều văn bản Truyện Kiều và Văn chiêu hồn được lưu
hành trên thị trường, rất khó có thể tìm được cơ sở chính xác. Do đó, để công việc nghiên cứu được
tiến hành thuận lợi, chúng tôi xin chọn văn bản Truyện Kiều và Văn chiêu hồn được in trong cuốn
“Nguyễn Du toàn tập” (tập 2) do Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Lê Thu Yến và nhiều tác
giả khác biên soạn năm 1996. Ngoài ra, để có cái nhìn tổng quát hơn, khi cần, luận văn có thể đề
cập thêm một số tác phẩm của một số tác giả khác.
4. Lịch sử vấn đề
Tìm hiểu “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du” là một
vấn đề khá thú vị nhưng cũng rất phức tạp. Bởi Truyện Kiều, Văn chiêu hồn là những tuyệt tác mà
hầu như mọi cây bút tầm cỡ đã khai thác, thi thố tài năng. Còn tâm linh, đời sống tâm linh lại vô
cùng phong phú, phức tạp. Cho nên khảo sát đề tài này, chúng tôi tập trung vào hai phương diện:
văn hóa tâm linh nói chung và một số công trình, bài báo có liên quan đến tâm linh trong Truyện
Kiều, Văn chiêu hồn.
4.1. Những nghiên cứu về văn hóa tâm linh.
Trong những năm gần đây, các vấn đề về văn hóa, tâm linh, mối quan hệ giữa văn hóa với
văn học đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học nước nhà. Đúng
hơn, vấn đề về văn hóa tâm linh thực sự được bàn luận ở góc độ khoa học chỉ từ khoảng đầu thập
niên 90 đến nay. Điển hình nổi bật có thể kể đến các công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học
sau:
Công trình nghiên cứu “Văn hóa tâm linh” của Nguyễn Đăng Duy xuất bản năm 2005[12]
đã đề xuất khái niệm tâm linh, văn hóa tâm linh khá đầy đủ nhất “Tâm linh là cái linh thiêng cao cả
trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái
thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý
niệm”[12, tr.11]. “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống
đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”[12, tr.26]. Công
trình chủ yếu viết về văn hóa tâm linh người Việt ở miền Bắc trong các lĩnh vực như: tín ngưỡng
thần thánh, trời, đất, thờ mẫu, tang ma, thờ cúng tổ tiên, các tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo, Thiên
chúa giáo. Tác giả cũng điểm qua tâm linh trong mọi mặt của đời sống cá nhân, gia đình, tín
ngưỡng, tôn giáo và cả mê tín dị đoan.
Tâm linh cũng được Sơn Nam đề cập trong bài “Nói thêm về tâm linh trong liên hệ với văn
hóa Việt Nam” [62]. “Tâm linh tồn tại trong mọi mặt đời sống từ xưa cho tới nay, từ trong truyền
thuyết, các bài văn tế, các tác phẩm văn học, trong việc thờ cúng tổ tiên, cúng cô hồn cho tới những
ca khúc về tổ quốc và cả những hành động, mọi việc làm, nghĩa cử cao đẹp của con người bình
thường trong cuộc sống”. Tâm linh của con người ngưng đọng trong trí nhớ và con người luôn tâm
niệm, thành kính về điều mình đã tin, đã làm. “Trí nhớ không phải đứng dừng một chỗ, lâu ngày
phát triển thêm rồi tồn đọng trở thành tâm linh” [23, tr.130].
Gần với quan niệm tâm linh của hai tác giả trên, có thể nói đến công trình “Tìm hiểu văn
hóa tâm linh Nam Bộ” của Nguyễn Hữu Hiếu [29]. Tác giả chú ý đến văn hóa tâm linh ở khía cạnh
đời thường của người Việt Nam bộ không theo tôn giáo. “Trong cuộc sống tâm linh đời thường,
niềm tin thiêng liêng phong phú, đa dạng hơn nhiều và đối tượng mà họ đặt niềm tin có khi gần gũi
và thân thiết hơn”. Trên cơ sở tiếp biến văn hóa Chăm, Khmer, Hoa, người Việt có hình thức sinh
hoạt văn hóa tâm linh đa dạng: hiện tượng thờ Phật và thờ Mẫu, hiện tượng đồng bóng... đặc biệt là
sinh hoạt tâm linh tại gia.
Hồ Bá Thâm trong bài viết “Tín ngưỡng dân gian- một lĩnh vực trong đời sống tâm linh
cần sự quan tâm của xã hội” [87], tác giả khẳng định “Tín ngưỡng dân gian là một bộ phận cơ bản
của văn hóa tâm linh, một lĩnh vực nhạy cảm mà trong lịch sử nhận thức và giao tiếp văn hóa đã có
những nhận thức , đánh giá khác nhau”. Cho nên theo tác giả, chúng ta cần phải có sự quan tâm
đúng mức đối với lĩnh vực này.
4.2. Văn hóa là cội nguồn của văn học. Tính văn hóa là thước đo giá trị của tác phẩm
văn học. Từ văn học hiểu về văn hóa. Trần Nho Thìn “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn
văn hóa” xuất bản năm 2002 [90]. Trong đó, bài viết “Mô hình hai thế giới và vấn đề phương pháp
nghiên cứu văn học Việt Nam thời trung đại (khảo sát qua Truyện Kiều), tác giả đưa ra hai mô hình
cụ thể là thế giới trời- quyền năng vô hạn và thế giới linh hồn, ma quỷ - tuy không có quyền nhưng
lại chi phối, ảnh hưởng rất lớn đối với người đang sống. Từ đó cho thấy một đặc điểm cơ bản của
người Phương Đông là xem xét con người và thế giới trong mối quan hệ hữu cơ không tách rời
nhau, xem thiên địa nhân là một thể thống nhất. Bài viết này, tác giả dường như hóa giải được chỗ
mà lâu nay người ta cho Nguyễn Du là mê tín, yếm thế, nặng về luân hồi nghiệp báo, thuyết thiên
mệnh…
Tín ngưỡng, tôn giáo là những biểu hiện của văn hóa tâm linh. Hà Như Chi trong bài viết
“Các giá trị truyện Kiều” trích trong cuốn “Việt Nam thi văn giảng luận” [7] đã phân tích ở ba mặt
rõ ràng: tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Nho giáo và đáng chú ý là tư tưởng bình dân thông thường.
Tác giả kết luận: “Nguyễn Du mặc dù vận dụng tư tưởng của Phật giáo, Nho giáo nhưng cũng
không cố vượt khỏi tư tưởng bình dân. Do đó ta có thể nói rằng tác giả Truyện Kiều không có tham
vọng chủ trương bênh vực một học thuyết tư tưởng cao siêu mà chỉ làm cái công việc thông ngôn
diễn đạt tất cả các ước vọng, xu hướng và tin tưởng của quần chúng”[7, tr.32]. Tác giả đứng về
phía nhân dân, phủ nhận các giáo lý tôn giáo, tiếc rằng tác giả chưa nói đến như một vấn đề bức
thiết.
Cao Huy Đỉnh qua bài viết “Triết lí đạo Phật trong Truyện Kiều” in trong cuốn Nguyễn Du
về tác gia và tác phẩm do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu)
[17] đã không thừa nhận sự hiện diện một cách trọn vẹn, trực tiếp của Nho giáo và Phật giáo trong
Truyện Kiều mà tác giả hướng đến triết lý hành động của nhân dân.
Gần đây, năm 2007, Lê Nguyên Cẩn đã cho xuất bản cuốn “Tiếp cận Truyện Kiều từ góc
nhìn văn hóa” [6]. Trong đó, tác giả để dành một phân mục viết về “văn hoá tâm linh trong
Truyện Kiều”. Trên cơ sở tiếp thu bài viết “mô hình hai thế giới ...” của Trần Nho Thìn, tác giả đề
xuất mô hình ba thế giới. Đó là thế của trời, thế giới của con người, thế giới của ma quỷ. Tuy nhiên
ở vấn đề này, tác giả chỉ mới dừng lại ở Truyện Kiều. Lời nhận xét của Phan Ngọc khi xem công
trình này thật đáng ghi nhận “Tôi tiếc rằng anh đã nhìn Truyện Kiều gần như cô lập. Ví thử anh kết
hợp phần giải thích với những tác phẩm của chính Nguyễn Du, đặc biệt là bài Văn tế thập loại
chúng sinh thì giá trị thuyết phục sẽ tăng hơn” [6, tr.127].
Dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu văn học trung đại, có lẽ phải nói đến PGS.TS Lê
Thu Yến với chuyên đề “Truyền thống văn hóa Việt trong sáng tác của Nguyễn Du” [108]. Bằng
giọng văn mượt mà, sâu lắng, tác giả đem lại cho người đọc những rung động, những cảm xúc và cả
niềm tri ân đối với thiên tài Nguyễn Du. “Trong tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ có không khí lễ
hội mà còn có thế giới trời, Phật, thần thánh, ma quỷ; không chỉ có mồ mả, tha ma, nghĩa địa mà
còn có chiêm bao, mộng mị, bói toán”.
Nguyễn Du đã nói hộ chúng ta. Trong tác phẩm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, tác giả nhấn
mạnh đến bản chất văn hóa tâm linh của người Việt “Dù Nguyễn Du tự sáng tác hay sáng tác theo
lời xin của một nhà chùa nào đó thì qua tác phẩm này vẫn thấy rõ quan niệm của ông. Ông đang
làm công việc mà mỗi người dân Việt vẫn làm”. Đây là ý kiến xác đáng, có tính chất gợi mở trực
tiếp trong công việc nghiên cứu đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn
của Nguyễn Du”. Chúng tôi xin trân trọng lĩnh hội.
Nếu như Truyện Kiều thu hút khách thơ bao nhiêu, thì Văn chiêu hồn lại như vì sao tinh tú
chỉ mới được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng từ xa, hoặc là đặt những bước chân dè dặt mà chưa đi đến
tận cùng để thấy hết vẻ đẹp của nó. Xin đơn cử một ví dụ: cuốn sách “Nguyễn Du về tác gia tác
phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17]. Ngoài phần
giới thiệu chung thì phần nội dung có đến 74 bài viết về sáng tác của Nguyễn Du. Trong đó có
65/74 bài viết về Truyện Kiều; 2/74 bài viết về Văn chiêu hồn. Chúng tôi nhận thấy, dường như các
tác giả đã dành quá nhiều ưu ái cho Truyện Kiều mà chưa có sự đánh giá cụ thể cho tác phẩm Văn
chiêu hồn.
Hoài Thanh trong bài viết “Văn chiêu hồn” trích trong cuốn “nghiên cứu Văn- Sử -Địa” do
Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn [81, tr.237] đã cho rằng “chủ nghĩa nhân đạo ở đây không có sức
chiến đấu như trong truyện Kiều, nó đi vào chỗ hoàn toàn bế tắc”. Và “Bài văn tế rất dồi dào tính
quần chúng, nó dựng lên những hình ảnh rút ra từ trong trí tưởng tượng và trong cuộc đời thực của
quần chúng… Nhưng về mặt tinh thần nó biểu hiện cái tiêu cực, phần mê tín dị đoan nhiều hơn là
cái phần hăng hái, tráng kiện trong tinh thần quần chúng”. Như vậy, đứng trên lập trường ý thức hệ
phong kiến, Hòai Thanh chỉ ra được lớp vỏ vật chất của đời sống con người mà quên đi phần tâm
linh, phần tâm hồn của người dân Việt “Sống về mồ về mả. Ai sống về cả bát cơm”
Nguyễn Lộc trong bài viết “Văn chiêu hồn - một bản tổng kết” trích trong cuốn “Nguyễn Du
về tác gia và tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu
[17], tác giả đã nói về tục cúng cô hồn và sự ra đời của tác phẩm Văn chiêu hồn. Theo tác giả, tục
thờ cúng người qua đời “một mặt là biểu hiện tình cảm nhớ thương, lòng biết ơn và sự kính trọng
của người sống đối với người đã khuất, mặt khác cúng là sự cần thiết đối với người đã khuất” [17,
tr.132]. Song tác giả lại kết luận “Với Văn chiêu hồn, nhà thơ đã nói thẳng những điều xảy ra trên
đất nước mình nhưng dưới một hình thức tôn giáo”. Tiếc rằng tác giả chưa gọi tên được vấn đề.
Cũng viết về Văn chiêu hồn, Đinh Hùng với bài viết “Người thơ thuần túy Nguyễn Du
trong văn tế thập loại chúng sinh” trích trong cuốn “Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm” do Trịnh
Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17] đã đề cao Văn chiêu hồn (Văn
tế thập loại chúng sinh) như là “viên ngọc quý”. Tác giả đưa ra một nhận định xác đáng “Cả Truyện
Kiều cùng văn tế thập loại chúng sinh đều giúp cho ta tìm hiểu con người nguyên vẹn của Nguyễn
Du”. Và chỉ với cả hai, thì “sắc thái cây bút Hồng Lĩnh” mới thực sự tỏa hết ánh sáng xuất thần của
“viên ngọc liên thành không viết”. Theo đó tác giả khẳng định “ở chiêu hồn, đã dâng cao thành một
niềm tin tín ngưỡng thiêng liêng”.
Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo ở bộ phận văn xuôi trung đại, PGS.TS Nguyễn Đăng Na
qua bài viết “Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - những bước đi lịch sử” [61] nhận xét khái
quát “Cùng với các loại hình văn học khác, văn xuôi tự sự đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà thời
đại giao phó: phản ánh tâm linh của người Việt Nam thời trung đại” [61, tr.77].
Mới đây, luận văn thạc sĩ “Văn hóa tâm linh trong văn xuôi trung đại” của Hoàng Thị
Minh Phương, năm 2007 [73] là công trình rất đáng để tham khảo. Chúng tôi xin ghi nhận.
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, chúng tôi nhận thấy thực sự chưa có một công
trình cụ thể nào nghiên cứu về văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn
Du cả. Song các bài viết cũng như các công trình nghiên cứu khoa học trên đây, do phạm vi đề tài
hoặc quá rộng hoặc là quá hẹp nên chỉ mới đưa ra những nhận định khái quát về phương diện tâm
linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Trong công trình này, chúng tôi cố gắng
hệ thống và làm rõ những vấn đề trên.
5. Phương pháp nghiên cứu
Triển khai đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du”,
chúng tôi đã vận dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
Phương pháp thống kê phân loại: Là phương pháp chính, nhằm thống kê và phân loại các yếu tố
tâm linh sau đó rút ra nhận xét.
Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận và khảo sát trực
tiếp văn bản và đưa ra những luận điểm khái quát của luận văn.
Phương pháp cấu trúc - hệ thống: Xem xét các yếu tố tạo nên cấu trúc tác phẩm, tìm ra nguyên
tắc chi phối sự hình thành của chúng. Từ đó, rút ra kết luận về nguyên tắc chi phối việc sáng tạo
toàn bộ cấu trúc tác phẩm.
Phương pháp so sánh - đối chiếu: Là phương pháp nhằm làm nổi bật nét tương đồng cũng như
sự khác biệt của tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du so với các nhà văn khác
trên phương diện thế giới quan, nhân sinh quan.
Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và văn hóa để có cơ sở
đánh giá khách quan tác dụng của văn học trong việc phản ánh văn hóa dân tộc.
Những phương pháp này sẽ được chúng tôi vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình nghiên
cứu.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần dẫn nhập, kết luận, thư mục tham khảo, nội dung luận văn gồm ba chương:
Chương 1. Những vấn đề chung về văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của
Nguyễn Du.
1.1 Văn hóa tâm linh:
1.2. Cơ sở hình thành văn hóa tâm linh
1.3. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn.
Chương 2. Yếu tố tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du
2.1. Lễ hội
2.2. Lực lượng siêu nhiên
2.3. Cõi âm, hồn ma
2.4. Mồ mả, tha ma
2.5. Cầu cúng, khấn vái
2.6. Chiêm bao (mộng)
2.7. Bói toán
2.8. Thề nguyền
Chương 3: Ý nghĩa của các yếu tố tâm linh trong Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn của Nguyễn
Du.
3.1. Yếu tố tâm linh phản ánh hiện thực đời sống
3.2. Yếu tố tâm linh - Ý nghĩa giáo dục và ước mơ của con người
3.3. Sức sống lâu bền của các tác phẩm mang yếu tố tâm linh
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Phát hiện vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa tâm linh. Một phương diện
không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của con người thông qua hai tác phẩm Truyện Kiều và
Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Từ đó luận văn góp phần tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa và văn
học, khẳng định vai trò của văn học việc phản ánh văn hóa.
Văn hóa tâm linh là khía cạnh tinh thần rất cần thiết của con người, nhưng đây lại là một vấn
đề phong phú, phức tạp và khá nhạy cảm, mấp mé với mê tín dị đoan. Do đó trên cơ sở tìm hiểu văn
hóa tâm linh trong tác phẩm văn học, người viết luận văn góp phần chỉ rõ các biểu hiện tâm linh của
người Việt thể hiện trong sáng tác của Nguyễn Du. Từ đó có những nhìn nhận đánh giá khách quan
về các hiện tượng này, đồng thời có ý thức trân trọng, nâng niu giá trị tinh thần của cha ông để lại.
Mặt khác, luận văn góp thêm tiếng nói lý giải về sức sống trường tồn của hai tác phẩm Truyện Kiều
và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du suốt hơn hai trăm năm qua.
Chương 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN
KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU
1.1 Văn hóa tâm linh
1.1.1. Khái niệm văn hóa:
Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Nó là toàn bộ cuộc
sống; cả vật chất, tinh thần của từng cộng đồng người. Như vậy, có thể khẳng định rằng: tất cả
những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa.
Riêng ở nước ta, cũng có khá nhiều quan niệm về văn hóa:
Từ đầu thế kỉ XX, Đào Duy Anh đã phát hiện văn hóa phải gắn liền với sinh hoạt của con
người nảy sinh trong quá trình lao động và trong từng hoàn cảnh địa lí nhất định: Theo ông, nghiên
cứu “Các điều kiện địa lí có ảnh hưởng lớn đối với cách sinh hoạt của con người, song người là
giống hoạt động cho nên trở lại cũng có thể dùng sức mình mà xử trí và biến những điều kiện ấy cho
thích hợp với những điều kiện cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế mà cũng biến chuyển và
khiến văn hóa cũng biến chuyển theo. Nghiên cứu xem sự hoạt động để sinh hoạt về các phương
diện của một dân tộc xưa nay biến chuyển thế nào, là nghiên cứu văn hóa lịch sử của dân tộc ấy”.[1,
tr.3]
Trong giáo trình “cơ sở văn hóa Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm đã định nghĩa về văn hóa như
sau: “văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích
lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và
xã hội của mình” [89, tr. 17].
Từ định nghĩa của Trần Ngọc Thêm, có thể thấy bốn đặc trưng cơ bản của văn hóa: tính hệ
thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử. Ở đây chúng tôi căn cứ vào tính giá trị của văn hóa.
Theo đó có thể chia giá trị văn hóa làm hai loại: giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
Theo nghĩa hẹp, các tác giả cho rằng văn hóa tinh thần là những dấu ấn tinh thần, những giá
trị tinh thần đặc thù của một quốc gia dân tộc nhằm phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tiêu
biểu cho cách hiểu này là khái niệm văn hóa của UNESCO được thừa nhận rộng rãi: Văn hóa là
“tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang
diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống
các giá trị, truyền thống thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản
sắc riêng của mình”
Năm 2002, UNESCO cho rằng: “Văn hóa nên được xem là tập hợp các đặc trưng tâm linh,
vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và ngoài
văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin”.
Ở khía cạnh này, đầu tiên phải kể đến khái niệm văn hóa của nhà nhân học E.B. Tylor trong
công trình “văn hóa nguyên thủy” năm 1871: “Văn hóa như một phức hợp bao gồm trí thức, tín
ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục cũng như mọi khả năng và thói quen khác mà
con người như một thành viên của xã hội tiếp thu được” [99, tr.21]
Tiêu biểu cho cách hiểu này là A.K Vlêđốp: “Việc coi văn hóa tinh thần chỉ là tổng hợp
những giá trị tinh thần là phiến diện. Văn hóa tinh thần như là sự hoạt động sáng tạo tích cực của
con người, như là sự sản xuất cất giữ và sử dụng những giá trị tinh thần”.
Với đối tượng là văn hóa tâm linh, chúng tôi căn cứ trên hai định nghĩa của UNESCO để
định hướng cho việc tìm hiểu các phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng… Những vấn đề gắn liền
với yếu tố tâm linh - vấn đề cơ bản trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc.
1.1.2 Khái niệm tâm linh
Tâm linh gồm chữ “tâm” và chữ “linh” tạo nên. Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu,
“tâm” có nghĩa là tim (lòng), thuộc về thế giới bên trong. “Linh” có rất nhiều nét nghĩa như: “linh”
trong linh hoạt, nhạy bén; “linh” trong thần linh; người chết cũng được gọi là “linh”; “linh” còn
dùng để nói đến những ứng nghiệm, bói toán.
Hoàng Phê cũng cho rằng tâm linh là “tâm hồn, tinh thần” hoặc là “khả năng biết trước một
biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm” [72,tr.897].
Vậy tâm linh là niềm tin của con người vào sự linh thiêng. Một trong những xác định súc tích
và khá chuẩn về tâm linh phải kể đến, là khái niệm tâm linh của Nguyễn Đăng Duy: “Tâm linh là
cái linh thiêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín
ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những
biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”[12; tr.11].
Từ khái niệm của Nguyễn Đăng Duy, chúng ta nhận thấy tâm linh trước hết phải gắn liền với
ý thức con người. Cũng tức là sẽ không có tâm linh nằm ngoài ý thức con người. Nhưng ý thức nói
chung của con người hết sức rộng lớn. Nên chỉ khi nào con người có ý thức về cái thiêng, cái cao cả
thì mới gọi đó ý thức tâm linh. Không như các dạng ý thức khác, ý thức tâm linh tựa như mạch suối
ngầm nuôi dưỡng tâm hồn người, làm thăng hoa đời sống tâm linh của con người. Đẹp hơn. Lung
linh hơn. Ý thức tâm linh không chỉ tồn tại ở dạng ý niệm mà nó còn được biểu hiện ra ở những
hình ảnh, những biểu tượng phát ra tín hiệu thiêng về cội nguồn đất nước, tổ tiên, tình yêu quê
hương... như cây đa, bến nước, đình, đền, miếu mạo... Rồi tới lúc nào đó, các biểu tượng thiêng
liêng này quay trở lại tác động vào tâm hồn người những rung cảm thẩm mĩ, khiến nó tự bộc lộ ra
bằng những hoạt động hành động cụ thể như cúng vái, cầu nguyện, tham gia hội hè... Tâm linh do
đó, tự bản thân nó có sức truyền cảm, tập hợp to lớn khó cưỡng lại được. Tâm linh có trong mọi mặt
đời sống con người từ phạm vi cá nhân, gia đình đến phạm vi cộng đồng làng xã, tổ quốc, từ các
loại hình nghệ thuật đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Một câu hỏi đặt ra là, tâm linh bắt nguồn từ đâu? Phải chăng tâm linh có cơ sở từ niềm tin!
Thật vậy, nói đến tâm linh là nói đến niềm tin của con người. Bởi không ai sống mà không có niềm
tin. Nó là hạt nhân cơ bản xác lập mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người
với thiên nhiên. Theo Nguyễn Đăng Duy, niềm tin được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, song có
thể quy về ba cấp độ: “niềm tin trao đổi”, “niềm tin lý tưởng” và “niềm tin tâm thức”. Trong đó
niềm tin tâm thức gắn liền với tâm linh, gắn liền với niềm tin thiêng liêng vì nó có sự “hòa quyện cả
tình cảm và lí trí, dẫn đến sự say đắm, say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy” [12; 16]. Đó
là niềm tin thiêng liêng về tổ tiên, niềm tin về Mẫu, Phật, Chúa, niềm tin về các thần thành hoàng
v.v.. Niềm tin thiêng liêng do vậy, được xem là yếu tố then chốt tạo nên đời sống tâm linh, văn hóa
tâm linh đúng nghĩa và trang trọng. Một xã hội văn minh, phát triển, niềm tin thiêng liêng, niềm tin
cao cả càng có giá trị bền vững.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn nội hàm tâm linh, thiết nghĩ chúng ta nên đặt nó trong mối tương
quan với các khái niệm khác: tâm linh với tín ngưỡng - tôn giáo, tâm linh với mê tín dị đoan.
Tâm linh với tín ngưỡng - tôn giáo:
Hoàng Phê, tác giả của từ điển Tiếng Việt, cho rằng tôn giáo có hai nghĩa: Một là “hình thái
ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên,
cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên định đoạt tất cả, con người phải phục tùng tôn thờ. Tôn
giáo nảy sinh từ rất sớm, từ trong xã hội nguyên thủy”. Hai là “hệ thống những quan niệm tín
ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy”[72,
tr.1011]. Thiết nghĩ, ở đây Hoàng Phê đã vô hình chung đã gộp tôn giáo với tín ngưỡng vào nhau.
Nhưng thực chất tôn giáo không đồng nhất với tín ngưỡng.
Tín ngưỡng (tin tưởng và ngưỡng mộ) là “một cách từ thực tế cuộc sống cộng đồng con
người ý thức về một dạng thần linh nào đó, rồi cộng đồng con người đó tin theo tôn thờ lễ bái, cầu
mong cho hiện thực cuộc sống, gây thành một nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng” [12].
Cùng quan điểm này, Mai Thanh Hải cho rằng, “dù ở những trình độ khác nhau, tín ngưỡng đều có
hai đặc tính: một là tin vào cái gì thiêng liêng có sức mạnh chi phối số phận con người; hai là niềm
tin ấy được nhiều người thừa nhận và cùng tin theo, cùng làm theo một số nghi thức gì đó để bày tỏ
niềm tin chung” [24, tr.33].
Từ các định nghĩa trên, chúng ta nhận thấy tín ngưỡng và tôn giáo đều có chung niềm tin
thiêng liêng nhưng tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất với nhau. Điểm khác biệt giữa tín
ngưỡng và tôn giáo là: tín ngưỡng không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội cụ thể và đình, đền, miếu,
phủ cũng không phải là giáo đường, không phải là nơi giảng kinh thuyết pháp mà chỉ là nơi thờ tự,
cúng tế, hội hè... Ở tín ngưỡng, con người ta thấy mọi vật chung quanh đều trở nên linh thiêng, và
chỉ tập trung giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, chứ không thiết kế một thiên đàng
hay một miền cực lạc nào cả. Trong khi tôn giáo có giáo chủ, giáo lí, giáo hội, có giới luật, thì tín
ngưỡng vẫn bó kết con người vào sự sùng kính đơn sơ với niềm tin ngóng đợi đơn giản vào thần,
mẫu, tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho họ được mạnh khỏe, bình yên, ăn nên làm ra. Tín ngưỡng mang
tính địa phương nhỏ hẹp, gần gũi với đời sống nhân dân nên có sức cuốn hút mạnh mẽ với đại đa số
người dân còn tôn giáo cũng là một hiện tượng xã hội nhưng mang tính tổ chức cao, hướng đến một
đời sống tâm linh siêu việt nên phạm vi ảnh hưởng và lan tỏa của tôn giáo rộng khắp thế giới. Suy
cho cùng, tín ngưỡng và tôn giáo tuy có khác nhau nhưng không loại trừ nhau mà vẫn cùng tồn tại
xen kẻ bổ sung cho nhau.
Như vậy, tín ngưỡng hướng con người tới sự thịnh vượng của cuộc sống. Tức là tín ngưỡng
đồng nghĩa với tâm linh (niềm tin thiêng liêng) còn tôn giáo không hoàn toàn là tâm linh mà chỉ là
một dạng đặc biệt của tâm linh, tôn giáo cũng phải cứu cánh ở tâm linh. Cùng phát ra tín hiệu thiêng
nhưng tín ngưỡng gắn liên với đời sống trần tục một cách chặt chẽ thông qua tiềm thức của cá nhân
và đều hướng đến chân, thiện, mỹ cho cuộc đời này. Qua đây, chúng ta cũng phân biệt được tín
ngưỡng (niềm tin thiêng liêng) còn gọi là tín ngưỡng dân gian hay tín ngưỡng truyền thống để phân
biệt với tín ngưỡng (niềm tin thiêng liêng) tôn giáo.
Tâm linh và mê tín dị đoan
Trong từ điển tôn giáo, Mai Thanh Hải đã nói rất rõ về mê tín dị đoan: “Mê tín là tin nhảm,
tin xằng bậy, không thấy, không hiểu mà nhắm mắt tin theo mù quáng, tin theo một cách mê muội,
viễn vông, quàng xiên cả những việc, những hiện tượng trái lẽ tự nhiên, không có suy xét theo lẽ
phải thông thường; dị đoan là suy luận, suy đoán một cách nhảm nhí, bậy bạ khác thường, rồi hành
động bừa bãi, không lường trước được những hậu quả xấu về sức khỏe, tài sản, thời gian, có khi cả
tính mạng cho mình...Nói chung là những ý thức, hành vi mê muội, tin và dựa vào những biểu tượng
trái lẽ tự nhiên, có những hành vi lễ bái, ứng xử mang tính chất cuồng tín, nhảm nhí, trái với lẽ phải
và hành vi thông thường của mọi người chung quanh, làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần
của mọi người” [24, tr.107]. Đơn cử ví dụ, gần đây nhất, được truyền hình Việt Nam đưa tin hiện
tượng đi cầu con ở tu viện Biển Đức Thiên Phước thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM), hiện tượng “truyền
năng lượng” chữa bách bệnh của “cậu cò” Phạm Thị Phú ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên:
“bất kể người già, người trẻ, cả gái lẫn trai đều được “cậu cò” bẻ cổ, xoay tay, vạch mắt, vặn tai,
thổi phù phù, kéo áo lên quá đầu, tụt quần xuống dưới mông rồi phải nằm dưới đất để “thần y” giẫm
lên “truyền năng lượng chữa bệnh”. Rõ ràng đây là những việc làm phản khoa học, các tin đồn thất
thiệt, làm mất thời gian, tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ. Thậm chí dẫn tới mất mạng như chơi! Thế
nhưng không ít người vẫn tìm đến.
Phải chăng tâm linh là mê tín dị đoan? Tâm linh không phải là mê tín dị đoan. Nhưng cũng
phải thừa nhận rằng có niềm tin thì mê tín mới tồn tại được. Vậy mê tín dị đoan tồn tại là do đâu?
Sở dĩ mê tín tồn tại được là do yếu kém về khoa học, con người không đủ trình độ để phân tích lí
giải đúng sai nhảm nhí… hoặc lợi dụng khi tình trạng quẩn bách, mụ mẫm của con người không
được kịp thời giải tỏa. Hoặc là một trong những giây phút thăng hoa như lạc vào thế giới khác khiến
cho con người mất tỉnh táo, tin vào sự nhảm nhí. Nói cách khác đây là hiện tượng nhắm mắt tin mò,
chứ không có cơ sở khách quan.
Từ những điều vừa trình bày, chúng ta thấy được sự khác nhau giữa tâm linh với mê tín dị
đoan ở chỗ, tâm linh là niềm tin thiêng liêng trong đời sống tinh thần của con người tin vào tổ tiên,
thần thánh, phật, chúa...hay những người không đi tu mà họ vẫn đi chùa, đền, đình; vẫn lễ Phật, ăn
chay, vẫn tin vào những điều thiêng liêng của Phật, thần thánh. Niềm tin vào cái thiêng vì thế đã
đánh thức trong tâm hồn con người ý chí, bản ngã để sống và làm việc, xử sự tốt hơn, xứng đáng
với truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Còn mê tín dị đoan là dựa vào thần Phật để kiếm chác,
thương mại hóa niềm tin, hoặc đặt ra bao nhiêu điều kì quái khác thường như trên chúng tôi vừa đề
cập khiến cho người khác tin theo một cách mê muội, hành động theo sự tin ấy không những hao
tốn về tiền bạc mà còn có khi thiệt hại về tính mạng bản thân.
Giữa tâm linh và mê tín dị đoan chỉ cách nhau ranh giới nhỏ hẹp. Điển hình như hiện tượng
nói chuyện với người âm của các nhà ngoại cảm, trước đây được cho là mê tín phù phiếm thì nay đã
được khoa học thừa nhận “khả năng ngoại cảm” và bước đầu được nhà nước quan tâm đặc biệt. Vì
thế có những trường hợp không thể qui hoàn toàn tâm linh là mê tín dị đoan, là những ngộ nhận của
con người. Chẳng qua đấy chỉ là những vấn đề mà khoa học không hoặc chưa có cách nào chứng
minh đúng hay sai mà thôi. Vì vậy tâm linh luôn là một bí ẩn. Điều chúng ta nên làm và có thể làm
là cố gắng đẩy lùi và xóa bỏ dần dần hiện tượng “nghe ở đâu có ông nọ, bà tê linh thiêng lắm” rồi
đổ xô kéo đến cúng viếng mà chẳng biết rõ gốc tích thế nào...
Qua sự phân biệt trên, chúng ta thấy tâm linh là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của
con người với tất cả sự phong phú và phức tạp của nó. Do đó không nên đơn giản hóa cho rằng tâm
linh là mê tín dị đoan, cũng không nên thần bí hóa, tuyệt đối hóa khái niệm tâm linh, gán cho nó
những đặc tính cao siêu phi thường coi đó là cứu cánh của nhân loại. Cần phải có thái độ nhận thức
đúng đắn vấn đề nhạy cảm này, đồng thời khẳng định tâm linh là phương diện quan trọng, rất cần
thiết cho đời sống tinh thần của nhân loại. Ở đó, con người tin vào tín ngưỡng, vào tôn giáo, và có
cả niềm tin về chính cuộc sống trần thế này. “không chỉ có Thượng đế, có Chúa, Trời, Thần, Phật
mới thiêng liêng, mà cả Tổ quốc, lòng yêu thương con người, sự thật công lí cũng thiêng liêng
không kém”[20, tr8]
1.1.3 Khái niệm văn hóa tâm linh
Từ việc giới thuyết về khái niệm văn hóa và khái niệm tâm linh, chúng tôi nhận thấy tất cả
những gì liên quan đến đời sống tâm linh con người sẽ tạo nên văn hóa tâm linh. Hơn nữa đã gọi là
tâm linh thì nó không thể mất đi được. Tâm linh là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con
người và khi đó họ ứng xử với tâm linh một cách có văn hóa. Chẳng hạn như những dịp xuân về, tết
đến, dù xa xôi cách trở, dù đi đâu và ở đâu, thì ai cũng muốn về sum họp với gia đình, với làng quê
để thắp những nén hương lên trên bàn thờ gia tiên, trước là báo cáo với tổ tiên ông bà, con đã về;
sau nữa là cầu khấn vong linh những người thân quá cố phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, ăn
nên làm ra. Cũng có khi do điều kiện, hoàn cảnh con người ta không được về nơi chôn nhau cắt rốn,
về với gia đình trong ngày thiêng liêng nhất, họ vẫn một lòng hướng về cội nguồn bằng cách lập bàn
thờ “vọng” kính cẩn dâng lên những nén hương để tưởng niệm, khấn vái, cầu nguyện, tâm tình, chia
sẻ với ông bà, cha mẹ, người thân đã qua đời. Hoặc cứ đến ngày 15/7 âm lịch hằng năm, mọi nhà
đều cúng cô hồn... Những việc làm này không biết tự bao giờ đã đồng hành cùng với con người Việt
Nam.
Như vậy, có thể khẳng định rằng đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần, ở đó
con người tin vào cái thiêng. Ở đó con người chủ yếu sống với phần tâm linh của mình. Đó là không
gian của những thần cây đa, ma cây gạo, của thần thánh, Phật tiên… Đó là thời gian giỗ, tết, các lễ
hội với phần lễ thiêng liêng, những thời điểm giúp con người giao hòa với trời đất, thiên nhiên và
các thế lực thánh thần. Sống trong không gian, thời gian mang tính tâm linh ấy, con người được giải
tỏa, cởi bỏ phiền muộn lo âu, cầu những điều tốt đẹp cho mình và người thân.
Từ cách hiểu trên, theo chúng tôi, khái niệm văn hóa tâm linh của Nguyễn Đăng Duy là
tương đối đầy đủ: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc
sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo” [12, tr.26].
Thuộc lĩnh vực tinh thần, nhưng văn hóa tâm linh không chỉ gồm giá trị văn hóa vô hình
(nghi lễ, tập tục, ý niệm..) mà cả những văn hóa hữu hình phát tín hiệu thiêng liêng (đình, đền,
miếu, phủ, chùa, nhà thờ...).
Tóm lại, với những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng nhưng vẫn có thể khẳng định, văn
hóa tâm linh là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái và tinh thần
hướng thiện đã góp phần tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa dân tộc.
Trong điều kiện về thời gian và khả năng của người viết, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi
nghiên cứu văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng người Việt không theo tôn giáo.
1.2. Cơ sở hình thành văn hóa tâm linh
1.2.1Từ trong tín ngưỡng dân gian
*Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là một trong những cơ sở hình thành văn hóa tâm linh, bắt
nguồn và chịu ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử, tâm lí, thói quen và tính cách của
người Việt.
Sinh sống trong điều kiện địa lí sinh thái đầy khắc nghiệt, khí hậu thời tiết thay đổi thất
thường, khi hạn hán, lúc lũ lụt… suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng nhiều khi kết
quả chỉ là con số không tròn trĩnh. Điều này tất yếu dẫn đến tâm lí phụ thuộc, ý thức tôn sùng và
thái độ hòa hợp với thiên nhiên. Đầu tiên phải kể đến “đất” và “nước” là hai thành tố có vai trò
quyết định, mà cư dân nông nghiệp lúa nước luôn quyện chặt với nó tựa như “Người ta là hoa đất”.
Nhưng để có nước (mưa) thì cần đến “trời”, do vậy người xưa tín ngưỡng tôn thờ Trời, Đất, Nước
và các hiện tượng thiên nhiên có liên quan đến đời sống nông nghiệp như mây, mưa, sấm, chớp...
Trong đó Trời là trên hết, vì theo người xưa trời sinh ra mọi vật “Trời sinh voi sinh cỏ”. Cái gì cũng
phải xin trời, lạy trời:
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày”
Khi đã có mưa, người ta hân hoan biết ơn, cần cù làm việc:
"Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu.
"Nhờ trời mưa gió thuận hòa,
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Hình ảnh mặt trời vì thế đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống của cư dân lúa nước đến mức
tôn sùng, quy phục:
“Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”
Chính sự phụ thuộc này đã đưa người Việt cổ hình thành lối tư duy tổng hợp và tín ngưỡng
thờ đa thần! Cùng với triết lí âm dương, chú trọng yếu tố nữ - âm tính nên các vị thần được tôn vinh
trở thành các nữ thần là bà trời, bà đất, bà nước rất gần gũi gắn bó với cư dân lúa nuớc. Khi có ảnh
hưởng của văn hóa ngoại lai thì bộ ba nữ thần vẫn tồn tại trong dân gian dưới dạng tam phủ (mẫu
thượng thiên, mẫu thượng ngàn, mẫu thoải) cai quản muôn loài. Khi Phật giáo du nhập vào ta, trong
phương thức tồn tại, nó cộng sinh ngay với tín ngưỡng bản địa thì nhóm nữ thần này được nhào nặn
thành hế thống Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Diện.
Hình 1.1
Tranh thờ tam phủ
Cũng như hệ thống nữ thần thiên nhiên được xem như là bà đỡ của nghề nông, thì núi, sông,
biển cũng được cư dân lúa nước nhân cách hóa thành thần núi, thần sông, thần biển... Những vị thần
tự nhiên thờ ở nhiều làng, hầu như chỉ thấy có nghi thức thờ cúng chứ chưa có tích về thần. Có lẽ do
con người nguyên thuỷ chưa có nhiều khả năng tư duy, hư cấu các chuyện về thần để chúng trở
thành các pho thần thoại có sức sống mãnh liệt hơn. Thần núi Tản Viên, lúc đầu cũng chỉ đơn giản
là thần núi được thờ để che chở cho con người nhưng vì thần núi cao, nên uy linh hơn các thần tự
nhiên khác. Bước vào nhà nước Văn Lang thời cổ đại, Tản Viên được nhân hóa và lịch sử hóa trở
thành vị anh hùng truyền thuyết của cả cộng đồng quốc gia dân tộc Tản Viên sơn thánh.
Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, từ con người đến con vật, cây cối, từ những vật
vô cơ như đất, đá, nước, lửa đến cả những vật do con người tạo ra như xe, chum vại… đều có linh
hồn. Nên trong tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên của người xưa còn có việc thờ động vật và thực
vật – vật thiêng.
Nếu như ở loại hình văn hóa gốc du mục, người ta thờ con vật có sức mạnh như chó sói, hổ,
chim ưng, đại bàng.... thì ở loại hình văn hóa nông nghiệp dẫn người Việt Nam đến tục thờ các con
vật hiền lành hơn như chim, rùa, rắn, cá sấu… là các con vật gần gũi với cuộc sống của cư dân lúa
nước. Người Việt quan niệm “nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” nên đã nâng các con vật này lên
mức biểu trưng : Tiên, Rồng thông qua các truyền thuyết về họ Hồng Bàng. Trong đó Tiên được
trừu tượng hoá từ giống chim sống ở trên cạn, còn Rồng được trừu tượng hoá từ hai loại bò sát rắn
và cá sấu sống ở dưới nước. Theo nguyên lí âm – dương và lối sống hòa hợp, thích nghi với thiên
nhiên, người nông nghiệp đã biến con vật thành chim mẹ, rồng cha làm nên cội nguồn tổ tiên của
người Việt. Con rồng, rắn, rùa…vì thế đã đi vào các câu chuyện thần thoại trong dân gian về con vật
thiêng phù hộ cho con người trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Hình tương rồng cũng được
các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo của
nó càng thể hiện uy quyền phong kiến. Ngày nay, rồng dùng để đặt tên cho nhiều địa danh trong
nước: Hàm Rồng, Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long v.v. Tất cả việc làm này thể hiện ý thức bảo
toàn nòi giống và lòng tôn kính, tự hào dân ta thuộc dõng dõi con rồng cháu tiên.
Ở thời thượng cổ, cư dân trồng lúa nước quan niệm rằng lúa sinh ra thóc gạo để nuôi sống
con người nên người ta gắn lúa với hình ảnh của người phụ nữ. Vì tin rằng lúa là một loại cây có
“hồn” nên dân ta nảy sinh tín ngưỡng thờ thần lúa. Để được mùa, hằng năm cư dân lúa nước phải
làm lễ rước mạ, gọi hồn lúa, lễ nhập lúa vào kho. Thứ đến các loài cây xuất hiện sớm ở vùng nông
nghiệp lúa nước như cây đa, cây dâu, quả bầu...cũng được người dân tôn thờ. Dân gian thường
truyền tụng: “thần cây đa, ma cây gạo” hay “cây thị có ma, cây đa có thần”. Tin rằng cây có linh
hồn, nên có tục, hễ nhà nào có đám ma, có người chết thì gia chủ phải đeo tang cho cây, vì sợ cây
buồn, héo mà chết. Cây cũng là nơi ngự trị của các thần, ma. Loại cây sống lâu năm đều có thể
thành tinh- mộc tinh. Nên với đặc tính cộng sinh, sống hòa hợp với thiên nhiên thì dù thần hay ma,
người Việt cũng kính trọng, cúng vái rất trang nghiêm.
Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và thờ vật thiêng tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng người
Việt, như nhắc nhỡ người dân Việt sống chan hòa như dây bầu dây bí cũng đều chung một dàn, và
đầy tính bao dung. Ngoài ra, trong tâm linh người dân Việt còn tin thờ thần không gian- Bà Ngũ
hành nương nương và thần thời gian – mười hai vị thần (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Múi,
Thân, Dậu, Tuất, Hợi) và mười hai bà mụ có nhiệm vụ làm cho mọi vật sinh sôi phát triển.
Từ thời nguyên thuỷ người Việt cổ đã biết nhận thức về thế giới khách quan nhưng với khả
năng tư duy trừu tượng của buổi đầu, con người chưa thật sự phân biệt được giữa mình với giới tự
nhiên mà mình đang cùng sống, đang phải phụ thuộc. Khi ấy con người đã đồng nhất giữa mình với
các vật thể của thiên nhiên. Tác giả cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang chỉ rõ quan
niệm người xưa: “Ông Trời ở trên cao có thể nhìn thấy mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ làm ác,
giúp đỡ kẻ làm lành … Ông Trời có những thuộc hạ gần xa. Gần thì có ông Sấm, bà Sét. Xa có Sơn
Tinh, Thủy Tinh, thần cây đa, ông Táo, ông Địa v.v. . ..Rồi linh hồn con người không hẳn là bất
diệt, nhưng có thể tồn tại một thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác người chết và có thể ở chung
với người thân thích còn sống trong một thời gian để che chở, bảo hộ.”
*Tín ngưỡng sùng bái con người
Con người được cấu tạo bởi hai phần: thể xác và linh hồn. Người Việt còn tách linh hồn ra
làm hai yếu tố “hồn” và “vía” (ba hồn chín vía). Có người lành vía, người dữ vía. Vía phụ thuộc
nhiều vào thể xác, nên khi gặp người có vía độc thì cần phải đốt vía, giải vía (thường gặp nhất ở
hoạt động buôn bán). Khi chết thì vía theo xác mà tan ra. Còn “hồn” trừu tượng hơn nên có thể xem
như tồn tại độc lập với thể xác. Quan niệm dân gian cho rằng khi ngủ thì hồn lìa khỏi xác đi đây đi
đó, do vậy mà nảy sinh hiện tượng chiêm bao, mộng mị, giấc mơ..vì thế lúc ngủ, theo dân gian con
người không được bôi vật lạ lên mặt vì sợ hồn không nhập được vào xác…
Cũng vậy, khi chết thì chỉ chết về phần xác nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, được thần linh
mang đi sống ở một thế giới khác- thế giới âm phủ. Nói theo triết lý âm dương thì khi chết là hồn đi
từ miền dương gian đến cõi âm ty, âm phủ. Tuy thuộc về thế giới khác nhưng linh hồn vẫn dõi theo
gây họa hay tác phúc cho người đang sống. Chính điều này đã hình thành tín ngưỡng thờ cúng
người chết. Tín ngưỡng sùng bái con người được biểu hiện qua hình thức: thờ cúng tổ tiên, thờ các
anh hùng liệt sĩ, thờ tà thần.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Trước khi Nho giáo du nhập, người Việt Nam đã có truyền thống cúng giỗ tổ tiên. Cúng giỗ
tổ tiên không phải là biểu hiện tôn giáo mà là biểu hiện huyết thống. Huyết thống thì bao giờ cũng
có nguồn gốc. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa truyền thống đẹp nhất của người Việt, là
một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chúng ta. Đó là đạo lí, là phong tục, tập
quán của một dân tộc và còn chỉ rõ ta là người có cội có nguồn, có tổ có tông, chứ không phải là
một tay ma cà bông… không có gia phả. Người xưa cũng từng nói “cây có gốc mới nở cành xanh
ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” như nhắc nhỡ chúng ta khắc sâu ý thức về cội nguồn
tổ tiên trong đời sống tâm linh của mình. Đồng thời cũng răn dạy con cháu mai hậu nhất thiết không
được đánh mất cái mà tổ tông đã có “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Nếu như người phương Tây chú trọng vào ngày sinh thì người Việt Nam lại chú trọng vào
ngày giỗ (ngày mất). Bởi theo quan niệm của người xưa đây là ngày con người đi vào cõi vĩnh
hằng. Người xưa tin rằng thể xác tuy tiêu tan nhưng linh hồn thì bất diệt nên sau khi chết linh hồn
của con người vẫn tiếp tục sống với tổ tiên, ông bà ở nơi chín suối. Tin rằng nơi đó, tổ tiên, ông bà,
cha mẹ, người thân đã qua đời vẫn có thể đi về thăm nom, phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình.
Tin rằng ở đó, người chết cũng có một cuộc sống như cuộc sống ở trần gian, tức là cũng cần đến
nhu cầu sinh hoạt như ăn, mặc, ở, đi lại .. theo quan niệm “dương sao âm vậy”. Chính vì vậy, ngoài
mồ mả tổ tiên ở nghĩa địa, thì trong mỗi gia đình gia chủ đều dành vị trí sang trọng, đẹp nhất của thế
nhà lập nên bàn thờ cúng tổ tiên. Từ việc thờ cúng, người xưa cho rằng giữa thế giới thực tại, hữu
hình với thế giới siêu nhiên, vô hình; giữa con cháu với tổ tiên, ông bà, những người thân đã mất
luôn luôn như có một sợi dây liên hệ mật thiết. Đây cũng là dịp để người sống giao tiếp – thông linh
với người đã khuất. Trong khi cúng bái, người sống khấn vái, cầu nguyện một điều gì đó với tổ tiên,
ông bà, người thân qua đời. Nhưng nhìn chung niềm tin vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là họ mong
muốn tổ tiên phù hộ cho họ được sức khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, gặp rủi hóa may, vạn sự như
ý… Qua thờ cúng, con cháu một mặt thể hiện lòng tôn kính, biết ơn, tri ơn đối với tổ tiên mình, Mặt
khác thờ cúng tổ tiên là một nhu cầu tinh thần bù đắp những thiếu hụt trong cuộc sống thực tại khó
khăn, đau khổ, hiểm nguy của chính họ.
Thờ cúng các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước.
Nếu như trong phạm vi gia đình, dòng họ, người Việt thờ cúng tổ tiên thì trong phạm vi cả
nước, dân ta cũng thờ cúng vua Hùng và anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Người Việt
Nam vẫn thường nhắc nhỡ nhau ý thức về tổ Hùng Vương - cội nguồn của dân tộc:
“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
“Dù ai sinh sống gần xa,
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười”
Đến với lễ hội vua Hùng, người dân hân hoan trong không khí thiêng liêng và bằng tấm lòng
thành thắp những nén nhang cảm tạ ơn nghĩa Vua cha đất tổ đã mở đường cho con cháu Lạc Hồng
xây nền đất Việt trời Nam. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhỡ thế hệ sau: “Vua Hùng có
công dựng nước, Bác cháu ta phải có công giữ nước”.
Thật vậy! dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm sóng gió, bao gian khổ hiểm
nguy, bao tủi nhục đắng cay trong suốt một thời gian lịch sử rất dài mới có được một đất nước đẹp
và thanh bình như ngày hôm nay. Trong cuộc chiến trường kì đẫm máu và nước mắt đó, đã biết bao
người đã ngã xuống vì tổ quốc, vì nhân dân. Công lao của họ đời đời được đất nước, nhân dân ghi
công. Máu và nước mắt của họ đã thấm sâu vào lòng đất và đi vào lịch sử, vào cõi bất tử của miền
nhân gian. Để rồi với sự ngưỡng vọng và tôn kính, dân gian đã linh thiêng hóa các anh hùng tiết liệt
để họ trở thành những vị thần được thờ phụng, tưởng nhớ một cách uy linh, trân trọng.
Từ nhiều thế kỉ nay, ông cha ta đã dành phần thiêng liêng nhất cho việc thờ cúng biết ơn các
anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Lạc Long Quân, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng đến
Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung,... bất kể là những vị anh hùng có nguồn gốc từ tự nhiên
hay có thật trong lịch sử thì họ cũng là những con người sống khôn thác thiêng, lập công trạng khi
sống và hiển linh phù trợ giúp dân giúp nước khi chết.
Vì thế, thờ cúng tổ tiên – gia đình và thờ cúng tổ tiên - đất nước là điều linh thiêng, hết sức
quan trọng không thể thiếu được trong phong tục của người Việt Nam. Qua đó, khẳng định lòng yêu
nước, tinh thần đoàn kết của cư dân Việt.
Tục cúng cô hồn. Xuất phát từ việc tôn kính người chết và lòng nhân ái bao dung, người
Việt có tục cúng cô hồn. Cô hồn là những linh hồn cô đơn, cô độc “vô gia cư” khổ sở, đói rách,
ngày đêm lang thang đi tìm miếng ăn, thức uống, kiếm chỗ ở… Nhưng mấy ai biết mà cho, mà
cúng. Đói rét, vất vưởng. Những lúc ấy, oan hồn có thể bằng hình thức này hay hình thức khác về
quấy nhiễu người sống, làm cho người ở cõi trần gian không thể sống yên ổn… Vậy nên, quan niệm
“dương sao âm thế”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” dân ta đã xây am chúng sinh và cúng cô
hồn, một mặt làm vơi bớt phần nào sự cực khổ của những linh hồn kém may mắn không người cúng
vái, mặt khác cầu cho cô hồn sớm được giải thoát, không còn quấy nhiễu người dương thế.
*Tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên và con người dẫn đến việc hình thành lễ hội dân gian
Có lẽ không một nền văn hóa truyền thống của dân tộc nào lại không có lễ hội. Cũng như
Trung Quốc và các nước khác, Việt Nam là một đất nước có rất nhiều lễ hội. Theo thống kê của các
nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì Việt Nam có tới 500 lễ hội lớn nhỏ trải dài theo lịch sử dân tộc,
rộng khắp ở mọi miền đất nước và suốt cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Lễ hội chiếm một vị trí vô
cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu
biểu và giá trị riêng: Tết Nguyên đán (1-1): buổi sáng đầu năm (tính theo Âm lịch), Tết Nguyên tiêu
(15-1): đêm rằm đầu tiên trong năm, treo đèn, còn gọi là thượng nguyên, Tết Thanh minh (5-3): rẩy
mã, viếng mộ, chơi xuân, hội đố lá, Tết Đoan ngọ (5-5): tết hoa quả, diệt sâu bọ, mừng con nước,
đua thuyền, Tết Thất tịch (7-7): hoặc Vu lan, xá tội vong nhân, cúng cô hồn (15-7) còn gọi Trung
nguyên, Tết Trung thu (15-8): thưởng trăng, gia đình đoàn tụ, múa lân rồng, Tết Trùng cửu (9-9):
còn gọi là trùng dương, số 9 là con số của trời, cầu trời mưa thuận gió hòa, Tết Hạ nguyên (15-10):
tết cơm mới, mừng mùa màng thu hoạch...; Lễ hội tái hiện lịch sử nhằm suy tôn những con nguời,
những anh hùng dân tộc như Lễ Hội Đền Hùng, Hội Hai Bà Trưng, Hội Gióng… và Lễ hội tái hiện
phong tục tín ngưỡng như Hội chùa Dâu, hội chùa Keo, Hội chùa Hương, Hội bà chúa Sam…
Lễ Hội luôn đan xen xoắn xuýt nhau. Lễ đi kèm với hội dưới hình thức cúng kiến, bái viếng
đối với thần thánh, tiên, phật, hoặc người dưới cõi âm như lễ rước thần lúa, lễ cầu mưa, nghi lễ phồn
thực, lễ tảo mộ, lễ cúng cầu siêu cho các vong hồn… lễ diễn ra trong một không gian thời gian nhất
định. Người tham gia lễ thường có thái độ nghiêm túc và có một ý thức lễ nghi rõ rệt. Hội là cuộc
chơi, thường mang tính chất hội hè. Hội thường gắn với những trò chơi dân gian, gắn với những
cuộc thi thố, tranh tài trong một số lĩnh vực nào đó. Tính chất vui, trào tiếu trong hội là nét nổi bật.
Con người không chỉ sống trong cái thiêng mà còn sống trong cái vui. Vì vậy lễ phải có hội mới
cuốn hút, hội phải có lễ thì mới linh thiêng, mới đi vào nề nếp. Lễ hội còn là một ngôn ngữ hoạt
động làm phong phú, hấp dẫn hơn và dễ đi sâu vào tâm thức con người hơn nhưng triết lí giáo điều
khô khan của các tôn giáo, tín ngưỡng. Không có lễ hội thì cũng không còn tôn giáo và tín ngưỡng.
Do đó nhân dân ta rất thích lễ hội. Dù con người ta có ở xa đến mấy, mỗi khi có lễ hội họ đều tìm
đến. Lúc ấy, họ được sống trong một không gian thiêng, một khoảnh khắc thời gian thiêng. Chỉ là
khoảnh khắc thôi, nhưng để lại niềm lưyến lưu trong tâm hồn người để từ đó thêm có trách nhiệm
với cộng đồng, thêm gắn bó với xung quanh. Lễ hội là dịp để để các giai nhân tri ngộ, nam thanh nữ
tú gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn, vui chơi, hẹn hò…, cũng là dịp biểu dương sức mạnh, đoàn kết, gắn
bó mọi thành viên với cộng đồng. Mỗi dịp lễ hội là một dịp chuyển giao văn hóa, sáng tạo văn hóa.
Vì thế, người Việt Nam rất cần đến lễ hội. Đó là sợi dây tâm linh kết nối tình cảm giữa con người
với con người, là nhịp cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Cho nên, với sự kết hợp sâu sắc
giữa cái thiêng và cái phàm, giữa thần thánh cao xa và ước muốn bình dị của con người, lễ hội luôn
sống mãi với thời gian. Nói như GS Phùng Quý Nhâm lễ hội chính là “bảo tàng sống của văn hóa
dân tộc ta”. Vì vậy chúng ta cũng như thế hệ mai sau phải biết trân trọng, bảo tồn di sản văn hóa
thiêng liêng này.
*Tín ngưỡng dân gian chi phối đời sống xã hội
Do có niềm tin đặc biệt vào tín ngưỡng dân gian, nên người dân Việt tin rằng tín ngưỡng dân
gian có sự chi phối sâu sắc đời sống của họ. Biểu hiện dễ thấy nhất trong hoạt động xem bói, chấm
tử vi, phong thủy, coi ngày giờ.
Dẫu biết rằng chuyện gì đến sẽ đến, không nên lo lắng, sầu thương, vấn vương! Hãy để nó
đến tự nhiên rồi đi tự nhiên. Con người ai rồi cũng phải chết! Thế nhưng trong thực tế cuộc sống,
tuyệt nhiên, không ai bằng lòng với điều đó cả! Dẫu biết rằng thiên cơ bất khả lậu, nhưng không ai
là không muốn biết trước vận mệnh của cuộc đời mình. Phải chăng những băn khoăn này đã thôi
thúc con người đi tìm ẩn số bằng cách xem tử vi, xem tướng, xem tuổi, xem ngày cưới hỏi, xem giờ
động thổ làm nhà, xem giờ hạ huyệt v.v… Những việc làm này không thể thiếu trong cuộc sống của
người dân Việt. Đây là vấn đề tâm linh, xét cho cùng ranh giới giữa nó với mê tín di đoan gần nhau
trong gang tấc. Xưa đã thế mà nay cũng chẳng có gì khác hơn! Dù cho đây là thời đại của công nghệ
thông tin, của khoa học nhưng đây cũng chính là thời mà con người ta bàn về tâm linh, đời sống tâm
linh, văn hóa tâm linh nhiều nhất. Và có chăng cái điều mà các nhà khoa học đang làm là tìm cách
rút ngắn khoảng cách tâm linh với khoa học mà thôi. Tâm linh là mảnh đất vô cùng phong phú và
phức tạp như chính sự phức tạp và phong phú có trong cuộc đời của mỗi con người vậy! Chừng nào
con người còn đau khổ chừng đó tâm linh vẫn còn giá trị thiêng liêng. Cho nên, bỏ qua những gì gọi
là mê tín dị đoan, mụ mị thiết nghĩ đây là việc làm đáng quý, đáng trân trọng. Bởi phàm sinh ra
trong kiếp con người, bất luận như thế nào con người ta cũng ý thức được giá trị của bản thân, của
sự sống. Tránh xa cái rủi ro đem lại điều may mắn cho người đang sống mà không xúc phạm người
đã khuất quả là một việc rất nên làm. Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng: Niềm tin linh thiêng
chi phối sâu sắc đời sống xã hội, đời sống tinh thần của con người.
Lời thề cũng là một yếu tố thuộc về tâm linh. Lời thề được thể hiện giữa con người với con
người trong cuộc sống hàng ngày. Khi chứng minh một điều gì đó là đúng là chân xác, người Việt
thường nói “thề có trời đất chứng giám…”, “tôi thề, tôi mà nói sai sự thật thì…”. Hay cao xa hơn,
đó lời thề của công dân đối với đất nước. Trong hoàn cảnh chống giặc ngoại xâm, lời tuyên thệ của
các anh hùng vì tổ quốc quên thân trở nên thiêng liêng vô cùng… Và rõ nhất, dễ thấy nhất là trong
tình yêu, đôi lứa yêu nhau thường hay thề nguyền. Tin vào lời thề mà họ có thể chờ đợi nhau, hy
sinh cho nhau. Họ cũng rất sợ bị trừng phạt, quả báo nếu phản bội, phá vỡ lời thề. Cho nên lời thề
chính là khía cạnh tâm linh không thể không có ở mỗi con người.
Tóm lại, tín ngưỡng dân gian người Việt vô cùng đa dạng, bao gồm tín ngưỡng thờ thánh
thần, trời đất (thành hoàng làng, thần hộ mệnh cá nhân, thánh tổ nghề, thờ các vị phúc thần, các anh
hùng lịch sử văn hoá…); tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu…; niềm tin tướng số phép
thuật…Các tín ngưỡng song hành tồn tại trong đời sống nhân dân và trở thành những sinh hoạt văn
hoá tạo nên bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam. Và điều này cũng rất dễ thấy trong sáng tác của
Nguyễn Du đặc biệt là Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Trong ấy ta thấy cả một thế giới tâm linh ẩn
hiện, bàng bạc mang nhiều nét tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đó là niềm tin thiêng liêng đối
với một số hiện tượng thiêng trong cuộc sống (trời, phật, cầu cúng cầu hồn, báo mộng…), đó là tập
tục khấn nguyện hay tướng số, tử vi… Cho dù sau này các tôn giáo khác từ bên ngoài du nhập vào
như : Đạo Phật, Thiên Chúa… thì cũng không thể nào xóa bỏ được văn hóa bản địa này, mà rốt
cuộc phải sống chung với nó, nếu muốn thu phục tín đồ…
1.2.2 Từ sự tiếp biến tư tưởng Nho – Phật – Đạo
Việt Nam nằm ở ngã tư đường thuộc khu vực Đông Nam Á, là nơi gặp gỡ giữa các nền văn
minh và đã có lịch sử ngàn năm Bắc thuộc do đó không tránh khỏi bị Trung Quốc hóa. Trên cái vốn
sẵn có của dân tộc là nền tảng yêu nước, thương nòi, ta tiếp thu những yếu tố ngoại lai, biến đổi nó,
đồng hóa nó để tự xây dựng và phát triển. Biểu hiện cụ thể là việc tiếp nhận và biến đổi ba hệ tư
tưởng Nho, Phật, Đạo và hòa trộn chúng theo cách thức của người Việt.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng. Đầu tiên,
Phật giáo Tiểu thừa được truyền trực tiếp từ Ấn Độ. Khoảng đầu công nguyên và hạ bán thế kỉ thứ
hai đã có một trung tâm văn hóa Phật giáo ở Luy Lâu. Về sau Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc
truyền vào nước ta với nhiều tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.
Phái Thiền tông đề cao cái tâm, Phật tại tâm, tâm là Phật, là niết bàn, nên nó đòi hỏi người tu
thiền phải mất nhiều công phu và có trí tuệ, giữ tâm tĩnh lặng, suy nghĩ để tự mình tìm ra chân lí. Do
đó, Thiền tông chủ yếu gắn với tầng lớp trí thức, thượng lưu.
Khác với Thiền tông, Tịnh độ tông gần gũi và phổ biến trong đời sống quần chúng nhân dân
hơn. Đi đâu ta cũng gặp người dân tụng niệm câu: “Nam mô A - Di - Đà Phật”. Tịnh độ tông ra đời
ví như con thuyền bát nhã nâng đỡ con người đến với niết bàn tịch tịnh. Bởi quan niệm cho rằng,
đời sống của người bình dân khốn khó, vất vả, suốt ngày bận lo việc cơm áo nên không thể tự mình
tĩnh tâm thiền được và do đó sẽ khó lòng đạt được bản thể chân như.
Riêng Mật tông, chủ trương sử dụng những phép tu huyền bí (linh phù, mật chú, ấn quyết…)
mau chóng được giải thoát để đến niết bàn. Do vậy khi vào nước ta, Mật tông hòa nhập vào dòng tín
ngưỡng của cư dân Việt như dùng pháp thuật yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh…
Đạo giáo gồm hai phái: phái thần tiên và phái phù thuỷ. Phái thần tiên có hai cách tu: nội tu
và dưỡng sinh. Dưỡng sinh thì người tu đạo dùng thuốc linh đan để được trường sinh. Nội tu là cách
con người chủ yếu dựa vào mình, tự mình rèn luyện khí công mà chứng ngộ Đạo. Phái Tu tiên khá
thịnh hành nhưng chủ yếu dành cho giai cấp thống trị. Phái phù thủy lấy bùa chú, phương thuật,
nước phép và cỏ dại chữa bệnh để thu hút mọi người.
Cũng như Phật giáo, Đạo giáo vào Việt Nam vào khoảng cuối thế kỉ thứ II gắn liền với tích
Cao Biền lùng tìm yểm huyệt, hy vọng cắt đứt long mạch hòng triệt tiêu nhân tài đất Việt. Đạo giáo
khi vào Việt Nam đã tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người Việt
xưa như việc sùng bái ma thuật, phù phép, tin rằng có thể dùng bùa chú để chữa bệnh, trừ tà, làm
tăng sức mạnh…vì vậy đạo giáo phù thủy rất dễ dàng len lõi vào cuộc sống của người bình dân còn
phái tu tiên vì gắn liền với thoát tục nên chỉ thịnh hành với tầng lớp trên. Các nhà Nho ở nước ta, do
ảnh hưởng của phái tu tiên, nên có khuynh hướng ưa thanh tịnh, thích nhàn lạc. Nhất là đối với
những nhà nho sinh bất phùng thời, gặp chuyện bất bình nơi chốn quan trường nên thường cáo quan
lui về ở ẩn, sống cuộc đời thanh bần, giản dị, làm bạn với thiên nhiên.
Khác với Phật, Đạo, Nho giáo với thế mạnh “trị quốc bình thiên hạ” không đi sâu được vào
các tầng lớp lao động mà chỉ đến với tầng lớp trí thức trong xã hội. Nhưng khi nhà nước giành lại
được chủ quyền, các triều đại phong kiến Việt Nam, nhất là triều Lê, Nguyễn đã học tập rất nhiều
cách tổ chức triều đình và hệ thống pháp luật của người Trung Hoa. Giáo dục và khoa cử lúc đầu
còn lấy nội dung của ba giáo Phật, Đạo, Nho, nhưng từ đời Hậu Lê trở đi chỉ dùng Nho học. Nho
học do đó lan rộng trong xã hội. Từ thế kỉ XVI về sau, chế độ phong kiến suy thoái, Nho giáo sa sút
trở thành một lực cản trong sự phát triển của xã hội.
Người Việt Nam ta đã tiếp thu tích cực ba hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo và biến đổi nó cho phù
hợp với mục đích yêu cầu cuộc sống của dân tộc ta. Từ đó mới nảy sinh chủ trương “tam giáo đồng
nguyên”. Đây là một sản phẩm văn hóa thông minh và sáng tạo, cho thấy khả năng điều hòa và
dung hòa của dân tộc đối với các hệ tư tưởng du nhập từ bên ngoài để làm giàu bản sắc dân tộc
mình.
Về Đạo Nho, dân tộc ta đã tiếp thu quan niệm sống tích cực nhập thế, trung quân đi liền với
ái quốc, trung quân hiếu thân (nghĩa là tận tụy với đất nước làm thỏa chí nguyện của ông cha). Mặt
khác, trung hiếu của Nho gia cũng bị chi phối bởi tư tưởng nhân đạo của dân tộc ta: Chữ “trung”
trong nho giáo chỉ một chiều, còn chữ “trung” ở Việt Nam đòi hỏi mối quan hệ hai chiều đầy tình
nghĩa. Trong tuồng của người Việt có câu: “Quân đãi thần như thủ túc, thần sự quân như phụ mẫu.
Quân thị thần như thảo giác, thần thị quân như khấu thù”. Nhân nghĩa của ta là phải gắn liền với yêu
nước thương dân, vì dân mà trừ bạo ngược chứ không giản đơn chỉ quan hệ người và người:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
(Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi)
Ngư rằng tôi chẳng lòng sờn
Xin tròn nhân nghĩa còn hơn bạc vàng”
(Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)
Chữ “nghĩa” trong quan niệm của người Việt có nội dung gần như trùng khít với chữ “tình”:
“Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người dưng có nghĩa trăm năm cũng chờ”
(Ca dao)
Bài ca dao dưới đây phần nào cho thấy khả năng đồng hóa Nho giáo mãnh liệt của truyền
thống văn hóa Việt Nam:
“Mình về em chẳng cho về
Em nắm vạt áo em đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba
Chữ Trung thì để phần cha
Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình”
Đối với Phật giáo, ta tiếp thu sự bình đẳng, lòng từ bi, bác ái. Những điều này phù hợp với
tinh thần nhân ái dân chủ truyền thống của dân tộc.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”
Nó hiện thành ông bụt, bà tiên cứu giúp người hoạn nạn như các câu chuyện cổ tích Tấm
Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa lưu truyền mãi muôn đời… Đồng thời cũng loại bỏ chủ trương tu hành
khổ hạnh, diệt dục giáo điều mà nhập thế giúp đời như nhà sư Vạn Hạnh, Mãn Giác thiền sư...
Như vậy, Phật giáo là sự lựa chọn tối ưu của người Việt, bởi họ nhận thấy tư tưởng Phật giáo
không phải là một hệ thống lí thuyết phức tạp mà căn bản là dựa vào con người, lấy con người làm
trung tâm. Trước Phật, tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, ai cũng có thể tìm đến Phật. Tìm
đến với Phật là tìm đến ông bụt, Phật bà, Mẫu để được cảm thông, chia sẻ, được chở che, bảo vệ,
được phù hộ độ trì cho cuộc sống hằng ngày đầy khó khăn vất vả nhưng cũng rất hạnh phúc này.
Cho nên người Việt chỉ tiếp nhân đạo Phật chủ yếu như một phương thức làm giàu cuộc sống tinh
thần, làm đẹp thêm mối quan hệ giữa người với người theo quan niệm “ở hiền gặp lành”, “tu nhân
tích đức” để đức cho con cháu mai sau hoặc lấy triết lí nhân quả “ác giả ác báo” để răn mình không
phạm điều sai quấy. Sống tin tưởng vào lẽ phải ở đời, có lòng yêu tương cuộc sống làm điều thiện,
giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, sống vị tha nhân ái, hiếu thảo với bố mẹ ông bà…là niềm tin thiêng
liêng cao cả không khác gì niềm tin tôn giáo cao siêu.
Sống trong một xã hội luôn có những bất trắc rình rập, đe dọa, con người bất lực trước những
mối hiểm họa không ngờ, khi đó Đạo giáo đến và giúp con người ta những biện pháp cầu khẩn, lễ
bái, trừ ta ma để con người cảm thấy yên tâm rằng có thể khống chế mọi nguy hiểm. Vì vậy người
Việt rất tin thuật bói toán, phong thủy, tướng số. Người Việt còn tiếp thu tinh thần thanh cao, trong
sạch, an bần lạc đạo, tu dưỡng tinh tình khí tiết chứ không đề cao chủ trương xuất thế một cách tiêu
cực. Khi xã hội có nạn xâm lăng, các đạo sĩ, thiền sư, nho sĩ đều cầm giáo diệt giặc.
Từ sự hội nhập ý thức ấy cho thấy, các mặt tích cực của ba hệ tư tưởng góp phần tỏa sáng hai
mặt yêu nước, thương người trong bản lĩnh tư tưởng của dân tộc, phục vụ đắc lực cho đời sống dân
tộc ta. Đã đưa tới sự gặp gỡ với tín ngưỡng dân gian nhất là ở Phật và Đạo, rồi trở thành hành vi, lễ
tục ở từng cộng đồng làng xóm. Dân gian truyền tụng câu “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”.
Quả vậy! Bất kì ở làng nào cũng có đình thờ các vị thần có sắc vua phong, đền thờ các vị tiên thánh,
các bậc có công đức lớn như Quan Thánh Đế quân, như Hưng Đạo Đại vương… Chùa không chỉ là
không gian dành riêng cho việc thờ Phật mà còn là nơi thờ Mẫu, thánh hiền Đạo Nho, các tiên thánh
Đạo Lão và cả các linh hồn người đã khuất. Sự chung cùng ấy có từ xưa và tồn tại mãi đến ngày
hôm nay trong đời sống dân gian Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, cảnh chùa đẹp, hội chùa
vui, cửa chùa rộng mở và đó còn là nơi phong cảnh hữu tình để cho bao chàng trai cô gái tình tự
như lời ca dao xưa “Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.
Người Việt nhận ra rằng, tam giáo thoạt đầu thì thấy khác nhau nhưng nhìn kĩ thì thấy nhiều
khi chỉ là cách diễn đạt khác nhau về cùng một khái niệm. Đàn ông dương tính thiên về Nho. Phụ
nữ âm tính thiên về Phật. Cùng một con người Việt Nam, khi trai trẻ thì học Nho để ra giúp nước;
khi khổ ải trầm luân thì cầu trời khấn phật; khi ốm đau già yếu thì mời đạo sĩ chữa bệnh, trừ tà. Ca
dao Việt Nam có câu:
Dân tộc ta bốn nghìn năm lịch sử
Từ Đinh, Lý cho đến Trần, Lê
Dân ta giữ đạo bồ đề
Nữa tu chân chính, nữa tề quốc gia.
Hay như bài thơ được lưu truyền trong nhân gian nói về việc vua Lý Nhân Tông ca ngợi bản
lĩnh cao cường của thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền:
“Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo diệc huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất Phật, nhất thần tiên”
Khi Nho giáo được coi là khuôn vàng thước ngọc trong việc xây dựng thể chế nhà nước thì
Phật giáo và Đạo giáo vẫn có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống quần chúng nhân dân. Có thể kể
đến vua Lê Thánh Tông là một người tôn sùng đạo Nho, ấy thế mà ông vua này lại hay giao du với
thần tiên. Có truyền thuyết cho rằng vua Lê Thánh Tông đến thăm chùa Ngọc Hồ, gặp một nàng tiên
đẹp tuyệt trần, vua cảm hứng đề tặng bài thơ trong đó có hai câu đến nay vẫn được lưu truyền
“Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời”
Có thể truyền thuyết này chỉ là hư cấu nhưng cảnh ông vua “Nho” đi lễ chùa “Phật” lại gặp
nàng tiên “Đạo” quả thật đã phản sự thực hiện tượng Nho, Phật, Đạo sống chan hòa với nhau trong
tâm thức người dân Việt.
Đáng chú ý là, ở chùa Dâu và lễ hội chùa Dâu thì tập quán phong tục, tín ngưỡng lễ thức dân
gian giữ vai trò chủ đạo. Trong hội chùa Dâu, các lễ thức liên quan đến Phật giáo rất mờ nhạt. Trái
lại các lễ thức và các trò diễn xướng dân gian liên quan đến các nữ thần: Mẫu Man Nương, Pháp
Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi lại nổi bật lên hàng đầu.
Tựu chung lại, ba học thuyết Phật, Đạo, Nho khi vào nước ta đã bị đồng hoá thành “tam giáo
đồng nguyên”. Quần chúng nhân dân vẫn giữ vai trò chủ đạo. Họ tiếp nhận các giáo theo cách của
mình, theo cảm xúc tâm hồn của mình về cuộc sống.
Sống thoải mái trong thế giới tam giáo đồng nguyên ấy, người Việt tỏ ra không bị ràng buộc
nhiều bởi một giáo nào. Họ được tự do lựa chọn điều mình muốn, tin theo điều mình cần. Tuy thế
vẫn còn chút phân biệt, trong gia đình, đặc biệt là các gia đình nho sĩ, khuôn phép, nho giáo là yếu
tố ràng buộc; còn trong xã hội, niềm tin vào phật giáo, vào khả năng luân hồi chuyển kiếp thông qua
con đường tu nhân tích đức thì đức tin giữ vai trò quan trọng. Tin vào kiếp sau là một niềm tin lạc
quan, cổ vũ cho cuộc sống hướng thiện và tích cực làm điều thiện. Trong thực tế cuộc sống, chùa,
đền, đình…là trung tâm văn hóa của làng xã. Tại đây diễn ra các lễ hội dân gian mà trong đó các tín
ngưỡng, các tôn giáo đan quyện vào nhau tạo nên phần hồn linh thiêng của lễ hội, là tác nhân đoàn
kết cộng đồng. Người Việt luôn tâm niệm “Phật tức tâm, phật tại tâm” và cũng định chuẩn: thứ nhất
tu nhà, thứ nhì tu chợ , thứ ba tu chùa. Đối với người Việt Nam, đạo nào cũng đuợc coi trọng, miễn
là không đi ngược lại đạo đức căn bản của dân tộc, trái với thuần phong mĩ tục của nhân dân, không
phản lại lợi ích của cộng đồng, của đất nước.
1.2. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn
Hình 1.2
Tượng đài thi hào Nguyễn Du
(1766-1820)
1.2.1.Quan niệm và cách nhìn của Nguyễn Du
Một sự thật hiển nhiên rằng tư tưởng của Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều là rất phức
tạp và lắm khi mâu thuẫn nhau. Nhưng tựu chung lại, nghiên cứu tác phẩm của ông, người ta cho
rằng ở đó có sự chi phối mạnh mẽ của ba luồng tư tưởng Nho- Phật – Đạo. Điều này không sai.
Song vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có thể qui tất cả mọi sự, việc xảy ra trong sáng tác của Nguyễn
Du nói chung, Truyện Kiều và Văn chiêu hồn nói riêng vào trong vòng cương tỏa của tam giáo? Khi
mà Nguyễn Du là người Việt, huyết mạch chảy trong người ông là dòng máu Tiên Rồng? Và khi mà
các hệ tư tưởng tôn giáo du nhập vào nước ta đã có quá trình thích nghi và hỗn dung với tín ngưỡng
dân gian, được dân gian hóa mặc nhiên trở thành chất truyền thống văn hóa đậm đà sắc Việt? Và
nếu thế, hạt nhân thực sự làm chất mới, sắc màu mới cho truyện Kiều phải có cơ sở từ truyền thống
văn hóa Việt. Cho nên trước hết và trên hết, phải khẳng định rằng quan niệm và cách nhìn của người
con xứ Nghệ chịu sự chi phối của tín ngưỡng dân gian- tín ngưỡng truyền thống của người Việt chứ
không phải là những triết lí, những học thuyết cao siêu kia. Thật vậy, yếu tố tâm linh gắn liền với tín
ngưỡng truyền thống bàng bạc khắp sáng tác của ông không chỉ có trời, Phật, thần linh trong vũ trụ
hay linh hồn người đã chết mà còn có không khí Lễ hội; không chỉ có mồ mã tha ma, nghĩa địa hay
chiêm bao, mộng mị, bói toán mà còn có cả khấn vái, thề nguyền…Dù rằng trừ Văn chiêu hồn, nội
dung chính của Truyện Kiều không nói đến vấn đề này, cũng không phải do sự sắp xếp định lượng
trước mà dường như tất cả cứ chực tuôn trào tư trong sâu thẳm tiềm thức của thi nhân.
1.2.2. Truyện Kiều
Cũng như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du là một trong những thiên tài sớm được
hấp thụ tinh hoa từ văn học, văn hóa dân gian kết hợp với chất xúc tác của thời đại “lịch sử đầy biến
động” đã làm thăng hoa, hiện hữu một tác phẩm mang dấu ấn văn hóa Việt sâu đậm “Truyện Kiều”.
“Truyện Kiều” hay “Đoạn trường tân thanh” là do Nguyễn Du sáng tạo lại từ tác phẩm Kim Vân
Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Tình tiết, cốt truyện, những biến cố, những địa danh đều được
tác giả vay mượn từ Kim Vân Kiều truyện. Nhưng một tác phẩm văn học khi ra đời, bao giờ cũng
ảnh hưởng nền văn hóa nước đó. Nguyễn Du là người Việt, nên văn hóa Việt thấm sâu vào máu thịt
của ông. Do đó, dù Truyện Kiều có đề cập đến địa danh, tình tiết của Trung Quốc thì cũng không
ảnh hưởng gì đến giá trị tác phẩm. Cuộc sống, cách sống và thái độ sống của các nhân vật trong
Truyện Kiều là của người Việt Nam.
Thật thế! Nếu Truyện Kiều chỉ giản đơn là câu chuyện về cuộc đời khổ nhục, bị đày đọa của một
người con gái như trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thì chắc chắn rằng Truyện
Kiều không thể có sức sống mãnh liệt, hay có vị trí sâu sắc trong lòng quần chúng nhân dân đến thế.
Truyện Kiều là cả một bức tranh xã hội rộng lớn về cuộc sống dưới thời phong kiến thối nát. Mà
Nguyễn Du đã nói lên được nỗi day dứt đến đau đớn, khi nhìn thấy quyền sống của con người trong
cảnh dâu bể, trong những đổi thay trớ trêu khôn lường của cuộc đời, trong sự áp bức bạo tàn của chế
độ phong kiến. Trong cơn dâu bể, thân phận của con người thật mỏng manh, bị quăng quật, bị vùi
dập, bị dày xéo đến xác xơ mà ở đó đâu chỉ có thế lực hữu hình, đồng tiền, nhà chứa mà còn có cả
thế lực vô hình, đủ mọi tầng lớp hùa vào nhau để hành hạ con người, nhất là đối với người tài sắc.
Đọc Truyện Kiều, hẳn không ai không xót xa trước cảnh ngộ của Thúy Kiều, cuộc đời của nàng là
một tấm gương oan khổ, một câu chuyện thê thảm về vận mệnh con người trong xã hội cũ. Đó là lí
do giải thích vì sao đến một người Việt, dù không biết chữ cũng thuộc dăm ba câu Kiều. Người bình
dân thích Kiều không chỉ vì Truyện Kiều dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc mà sâu hơn vì ít nhiều đã bắt gặp
mình trong đó. Bắt gặp mình trong những lời buồn thương, trong những câu oán thán, trong thân thế
trầm luân của Thúy Kiều, trong niềm tin tín ngưỡng về lực lượng siêu nhiên, linh hồn người đã
khuất… Những tình, những cảnh trong đời Kiều cũng là những tình, những cảnh trong đời họ. Nói
rộng ra, người bình dân thấy cuộc sống diễn ra muôn hình vạn trạng trong Truyện Kiều cũng như
trong thực tế. Với tình thương vô bờ bến, Nguyễn Du đã phẫn nộ trước những thế lực chà đạp con
người, hủy hoại tài năng, là sự đồng cảm vượt không gian thời gian bênh vực con người tài sắc
trong xã hội mục ruỗng thối nát. Cái xã hội ấy không dung nổi hồng nhan và “hồng nhan bạc mệnh”
đâu phải là một thành kiến để thở than, bốn chữ này là bản tổng kết kinh nghiệm của sự đời ngàn
năm dưới chế độ phong kiến. Do đó, như có một sợi dây vô hình ràng buộc những con người đồng
hội đồng thuyền “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” lại với nhau, cảm thông nỗi niềm của nhau.
Truyện Kiều là cả một thế giới. Người ta bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều…
Từ những cách nhìn nhận đánh giá trên cho thấy, Truyện Kiều của Nguyễn Du dường như đã
ăn sâu vào trong từng nếp nghĩ của mọi người dân Việt Nam và có một ý nghĩa khá quan trọng
trong đời sống tâm linh của họ. Vì vậy, theo chúng tôi, một trong những yếu tố làm nên sức sống
của Truyện Kiều do bởi tác phẩm đã mang trong mình những nét đặc sắc của truyền thống văn hóa
Việt, đặc biệt là văn hóa tâm linh (văn hóa tín ngưỡng).
1.2.3.Văn chiêu hồn
Văn tế là hình thức khá quen thuộc trong văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Nó thể
hiện tâm trạng tiếc thương của người sống đối với người đã chết. Đó là nỗi đau xót trước sự mất
mát, tan vỡ của mỗi con người, là nhu cầu thể hiện lòng mình và cũng là để gieo vào lòng người
một sự cảm hoài và sâu lắng.
Trong giai đoạn thế kỉ XVIII này văn tế xuất hiện rất nhiều: Văn tế chị của Nguyễn Hữu
Chỉnh, văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, văn tế Quang Trung của Lê Ngọc Hân… Song có
lẽ văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du là một tác phẩm có một không hai trong nền văn học
chúng ta. Bởi với Chiêu hồn, cả loài người được bàn đến. Chiêu hồn từng con người trong cái chết,
từng giới, từng loài với những nét riêng khác nhau. Nói như Chế Lan Viên: “Nghĩ mà xem, trước
“Chiêu hồn” chưa hề có bài văn nào đem cái “run rẩy mới” ấy vào văn học. Sau “Chiêu hồn”, lại
càng không. “Truyện Kiều” nâng cao lịch sử thơ ca, thì “Chiêu hồn” đã mở rộng địa dư của nó
qua một vùng xưa nay ít ai động tới: cõi chết”[11,tr245]
Với 184 câu thơ, Văn chiêu hồn đem lại sức sống mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Mở
đầu là cái nhìn bi thiết về cuộc đời, tiếp đó là hàng loạt cô hồn hiện ra, mỗi loài mỗi khác nhưng đều
thở than dưới đất ăn nằm trên sương, cuối cùng là tác giả đã nguyện cầu phép Phật tế độ các oan
hồn sớm được siêu thoát. Thử lùi xa hơn, ta không quên, văn học Việt Nam từng có một Thập giới
cô hồn quốc ngữ văn của vua Lê Thánh Tông. Vị vua giàu đức nhân này nghĩ về những kiếp người,
vì mệnh bạc phải ra cô hồn vất vưởng. Nhưng tác phẩm của ông, với lối văn biền ngẫu, qua bài kệ
luật Đường, đã không len lỏi được, lan rộng tới quảng đại quần chúng. Lại nữa, tác phẩm ấy còn
mang lời lẽ, khẩu khí của một ông vua, ngồi từ ngôi cao, mà khuyên răn bá tánh, thành ra khó chan
hòa cùng nước mắt sùi sụt của lê dân. Trong khi đó, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du lại tuôn chảy
theo thể thơ song thất lục bát, thiết tha trầm bổng. Tác phẩm này mới thật sự là tiếng khóc (tế).
Nguyễn Du viết về mười sáu loại người bất hạnh, trong tư cách một số phận đã, đang, rồi cũng phải
chìm trong bể khổ. Viết Văn chiêu hồn, Nguyễn Du viết cho người mà thành ra như viết cho mình.
Gan ruột và nước mắt giãi bày cả ra, chính vì lẽ đó.
* *
*
Văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần có một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển
của văn hóa Việt Nam. Hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội nhưng trên
hết tâm linh vẫn là của con người, ở niềm tin thiêng liêng của con người vào cuộc sống, vào tín
ngưỡng, tôn giáo. Văn học là một biểu hiện của văn hóa, là sản phẩm của văn hóa, là nơi lưu giữ
những giá trị văn hóa của dân tộc. Do đó, việc tìm hiểu và phản ánh văn hóa thông qua tác phẩm
văn học là rất cần thiết. Nó vừa thể hiện hiện tư tưởng, cách nhìn, quan niệm của tác giả khi sáng tác
tác phẩm, đồng thời khẳng định sức sống, sức ảnh hưởng của tác phẩm trong trái tim người dân Việt
cũng như khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam với bạn bè thế giới. Dựa vào
những vấn đề chung về văn hóa tâm linh, chúng tôi đi vào thống kê, phân loại và đánh giá các biểu
hiện của tâm linh trong tác phẩm Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du.
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

Contenu connexe

Tendances

Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAYĐề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAYViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...nataliej4
 

Tendances (20)

Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
 
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAYĐề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người TàyThi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
 
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt NamLuận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai ChâuLuận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đLuận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 

Similaire à VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...NuioKila
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ nataliej4
 
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình ChiểuTriết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình ChiểuDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNuioKila
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...OnTimeVitThu
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfHanaTiti
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM nataliej4
 

Similaire à VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149 (20)

Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
 
Luận án: Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của Nguyễn Du
Luận án: Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của Nguyễn DuLuận án: Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của Nguyễn Du
Luận án: Nhân sinh quan phật giáo trong truyện kiều của Nguyễn Du
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
 
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình ChiểuTriết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
 
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...
 
Tư Tưởng Nho Giáo Trong Truyện Lục Vân Tiên Của Nguyễn Đình Chiểu.doc
Tư Tưởng Nho Giáo Trong Truyện Lục Vân Tiên Của Nguyễn Đình Chiểu.docTư Tưởng Nho Giáo Trong Truyện Lục Vân Tiên Của Nguyễn Đình Chiểu.doc
Tư Tưởng Nho Giáo Trong Truyện Lục Vân Tiên Của Nguyễn Đình Chiểu.doc
 
Cơ sở lí luận cơ bản và hành trình sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng.docx
Cơ sở lí luận cơ bản và hành trình sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng.docxCơ sở lí luận cơ bản và hành trình sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng.docx
Cơ sở lí luận cơ bản và hành trình sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng.docx
 
Thế Giới Biểu Tƣợng Trong Đội Gạo Lên Chùa Của Nguyễn Xuân Khánh.doc
Thế Giới Biểu Tƣợng Trong Đội Gạo Lên Chùa Của Nguyễn Xuân Khánh.docThế Giới Biểu Tƣợng Trong Đội Gạo Lên Chùa Của Nguyễn Xuân Khánh.doc
Thế Giới Biểu Tƣợng Trong Đội Gạo Lên Chùa Của Nguyễn Xuân Khánh.doc
 
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAYLuận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA  QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO  Ở ĐỒNG BẰNG...
LUẬN VĂN: HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA MỘT SỐ VĂN BIA HÁN NÔM CÔNG GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG...
 
Hội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đ
Hội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đHội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đ
Hội nhập văn hóa qua một số văn bia Hán Nôm công giáo, 9đ
 
Luân Văn Triết Lý Nhân Sinh Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du.doc
Luân Văn Triết Lý Nhân Sinh Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du.docLuân Văn Triết Lý Nhân Sinh Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du.doc
Luân Văn Triết Lý Nhân Sinh Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du.doc
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

Plus de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Dernier

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-KhnhHuyn546843
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfhoangtuansinh1
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 

Dernier (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 

VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH -------------------- HOÀNG THỊ THANH XUÂN VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
  • 2. DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ thể hiện quan niệm độc đáo, nghệ thuật tài hoa của tác giả mà còn ở chỗ nó mang một tầm vóc văn hóa, mang tính lịch sử và truyền thống văn hóa thời đại. Thật vậy! Lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam mấy trăm năm qua đã bao phen “gió dập, sóng dồi”, nhưng chừng ấy năm trôi qua mà hai viên ngọc Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du vẫn giữ nguyên được chân giá trị của nó. Nhân dân Việt Nam yêu quí Truyện Kiều không chỉ vì có nàng Kiều tài sắc bị xã hội vùi dập, làm cho “ngọc nát, trâm chìm”, làm cho “hoa tàn, nhị rữa”, yêu quí Văn chiêu hồn không chỉ vì đau đớn trước những mảnh đời bất hạnh, mong manh mà vượt lên biên độ của giới hạn, Truyện Kiều và Văn chiêu hồn với nét đẹp văn hóa tâm linh - một khía cạnh của truyền thống văn hóa Việt sẽ sống mãi trong lòng người bao thế hệ, trở thành một phần máu thịt của người dân. Thế nhưng, vẫn có ý kiền cho rằng: với Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã làm theo đơn đặt hàng của một ngôi chùa nào đó? Và Truyện Kiều cũng giản đơn chỉ là sự vay mượn của văn hóa Trung Hoa? Nhằm tìm hiểu truyền thống văn hóa Việt trong quá trình tiếp biến văn hóa ngoại lai, nhằm góp phần trả lời những câu hỏi trên, cũng như mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vốn đã được lưu truyền hàng trăm năm nay, chúng tôi chọn đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du” để làm luận văn tốt nghiệp cao học văn học Việt Nam của mình. 2. Mục đích nghiên cứu Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du ra đời và vận động trong một môi trường văn hóa có những đặc trưng loại hình khác biệt. Đó là một nền văn hóa trung đại với mô hình hai thế giới, với hệ thống giá trị, với phương thức cảm nhận và tư duy khác chúng ta ngày nay. Bên cạnh thế giới hiện hữu, người xưa hình dung ra một thế giới tâm linh với niềm tin vào sự huyền bí, những điều kì lạ siêu nhiên. Chính thế giới thứ hai này đã qui định cách nhìn, cách cảm của người xưa trong đó có tác giả Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Cho nên mục đích mà người viết luận văn hướng đến là cố gắng chỉ ra, hệ thống lại những biểu hiện của thế giới tâm linh trong các tác phẩm một cách rõ nét nhất, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của người xưa đồng thời cho thấy văn hóa tâm linh có giá trị như thế nào trong thời đại mới. Khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tiếp thu truyền thống văn hóa Việt. Từ đó góp thêm tiếng nói lí giải về sức sống lâu bền của hai tác phẩm trong lòng dân tộc. 3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
  • 3. Đối tượng khoa học luận văn nghiên cứu “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du”. Phạm vi khảo sát chủ yếu căn cứ trên cơ sở những ý kiến của các bậc nghiên cứu tiền bối, chúng tôi chỉ tập trung khai thác thêm ở những vấn đề, những khiá cạnh có liên quan đến đề tài văn hóa tâm linh trong tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Về phạm vi tư liệu: ngày nay có quá nhiều văn bản Truyện Kiều và Văn chiêu hồn được lưu hành trên thị trường, rất khó có thể tìm được cơ sở chính xác. Do đó, để công việc nghiên cứu được tiến hành thuận lợi, chúng tôi xin chọn văn bản Truyện Kiều và Văn chiêu hồn được in trong cuốn “Nguyễn Du toàn tập” (tập 2) do Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Lê Thu Yến và nhiều tác giả khác biên soạn năm 1996. Ngoài ra, để có cái nhìn tổng quát hơn, khi cần, luận văn có thể đề cập thêm một số tác phẩm của một số tác giả khác. 4. Lịch sử vấn đề Tìm hiểu “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du” là một vấn đề khá thú vị nhưng cũng rất phức tạp. Bởi Truyện Kiều, Văn chiêu hồn là những tuyệt tác mà hầu như mọi cây bút tầm cỡ đã khai thác, thi thố tài năng. Còn tâm linh, đời sống tâm linh lại vô cùng phong phú, phức tạp. Cho nên khảo sát đề tài này, chúng tôi tập trung vào hai phương diện: văn hóa tâm linh nói chung và một số công trình, bài báo có liên quan đến tâm linh trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn. 4.1. Những nghiên cứu về văn hóa tâm linh. Trong những năm gần đây, các vấn đề về văn hóa, tâm linh, mối quan hệ giữa văn hóa với văn học đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học nước nhà. Đúng hơn, vấn đề về văn hóa tâm linh thực sự được bàn luận ở góc độ khoa học chỉ từ khoảng đầu thập niên 90 đến nay. Điển hình nổi bật có thể kể đến các công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học sau: Công trình nghiên cứu “Văn hóa tâm linh” của Nguyễn Đăng Duy xuất bản năm 2005[12] đã đề xuất khái niệm tâm linh, văn hóa tâm linh khá đầy đủ nhất “Tâm linh là cái linh thiêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”[12, tr.11]. “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”[12, tr.26]. Công trình chủ yếu viết về văn hóa tâm linh người Việt ở miền Bắc trong các lĩnh vực như: tín ngưỡng thần thánh, trời, đất, thờ mẫu, tang ma, thờ cúng tổ tiên, các tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo. Tác giả cũng điểm qua tâm linh trong mọi mặt của đời sống cá nhân, gia đình, tín ngưỡng, tôn giáo và cả mê tín dị đoan.
  • 4. Tâm linh cũng được Sơn Nam đề cập trong bài “Nói thêm về tâm linh trong liên hệ với văn hóa Việt Nam” [62]. “Tâm linh tồn tại trong mọi mặt đời sống từ xưa cho tới nay, từ trong truyền thuyết, các bài văn tế, các tác phẩm văn học, trong việc thờ cúng tổ tiên, cúng cô hồn cho tới những ca khúc về tổ quốc và cả những hành động, mọi việc làm, nghĩa cử cao đẹp của con người bình thường trong cuộc sống”. Tâm linh của con người ngưng đọng trong trí nhớ và con người luôn tâm niệm, thành kính về điều mình đã tin, đã làm. “Trí nhớ không phải đứng dừng một chỗ, lâu ngày phát triển thêm rồi tồn đọng trở thành tâm linh” [23, tr.130]. Gần với quan niệm tâm linh của hai tác giả trên, có thể nói đến công trình “Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ” của Nguyễn Hữu Hiếu [29]. Tác giả chú ý đến văn hóa tâm linh ở khía cạnh đời thường của người Việt Nam bộ không theo tôn giáo. “Trong cuộc sống tâm linh đời thường, niềm tin thiêng liêng phong phú, đa dạng hơn nhiều và đối tượng mà họ đặt niềm tin có khi gần gũi và thân thiết hơn”. Trên cơ sở tiếp biến văn hóa Chăm, Khmer, Hoa, người Việt có hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh đa dạng: hiện tượng thờ Phật và thờ Mẫu, hiện tượng đồng bóng... đặc biệt là sinh hoạt tâm linh tại gia. Hồ Bá Thâm trong bài viết “Tín ngưỡng dân gian- một lĩnh vực trong đời sống tâm linh cần sự quan tâm của xã hội” [87], tác giả khẳng định “Tín ngưỡng dân gian là một bộ phận cơ bản của văn hóa tâm linh, một lĩnh vực nhạy cảm mà trong lịch sử nhận thức và giao tiếp văn hóa đã có những nhận thức , đánh giá khác nhau”. Cho nên theo tác giả, chúng ta cần phải có sự quan tâm đúng mức đối với lĩnh vực này. 4.2. Văn hóa là cội nguồn của văn học. Tính văn hóa là thước đo giá trị của tác phẩm văn học. Từ văn học hiểu về văn hóa. Trần Nho Thìn “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa” xuất bản năm 2002 [90]. Trong đó, bài viết “Mô hình hai thế giới và vấn đề phương pháp nghiên cứu văn học Việt Nam thời trung đại (khảo sát qua Truyện Kiều), tác giả đưa ra hai mô hình cụ thể là thế giới trời- quyền năng vô hạn và thế giới linh hồn, ma quỷ - tuy không có quyền nhưng lại chi phối, ảnh hưởng rất lớn đối với người đang sống. Từ đó cho thấy một đặc điểm cơ bản của người Phương Đông là xem xét con người và thế giới trong mối quan hệ hữu cơ không tách rời nhau, xem thiên địa nhân là một thể thống nhất. Bài viết này, tác giả dường như hóa giải được chỗ mà lâu nay người ta cho Nguyễn Du là mê tín, yếm thế, nặng về luân hồi nghiệp báo, thuyết thiên mệnh… Tín ngưỡng, tôn giáo là những biểu hiện của văn hóa tâm linh. Hà Như Chi trong bài viết “Các giá trị truyện Kiều” trích trong cuốn “Việt Nam thi văn giảng luận” [7] đã phân tích ở ba mặt rõ ràng: tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Nho giáo và đáng chú ý là tư tưởng bình dân thông thường. Tác giả kết luận: “Nguyễn Du mặc dù vận dụng tư tưởng của Phật giáo, Nho giáo nhưng cũng không cố vượt khỏi tư tưởng bình dân. Do đó ta có thể nói rằng tác giả Truyện Kiều không có tham
  • 5. vọng chủ trương bênh vực một học thuyết tư tưởng cao siêu mà chỉ làm cái công việc thông ngôn diễn đạt tất cả các ước vọng, xu hướng và tin tưởng của quần chúng”[7, tr.32]. Tác giả đứng về phía nhân dân, phủ nhận các giáo lý tôn giáo, tiếc rằng tác giả chưa nói đến như một vấn đề bức thiết. Cao Huy Đỉnh qua bài viết “Triết lí đạo Phật trong Truyện Kiều” in trong cuốn Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu) [17] đã không thừa nhận sự hiện diện một cách trọn vẹn, trực tiếp của Nho giáo và Phật giáo trong Truyện Kiều mà tác giả hướng đến triết lý hành động của nhân dân. Gần đây, năm 2007, Lê Nguyên Cẩn đã cho xuất bản cuốn “Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa” [6]. Trong đó, tác giả để dành một phân mục viết về “văn hoá tâm linh trong Truyện Kiều”. Trên cơ sở tiếp thu bài viết “mô hình hai thế giới ...” của Trần Nho Thìn, tác giả đề xuất mô hình ba thế giới. Đó là thế của trời, thế giới của con người, thế giới của ma quỷ. Tuy nhiên ở vấn đề này, tác giả chỉ mới dừng lại ở Truyện Kiều. Lời nhận xét của Phan Ngọc khi xem công trình này thật đáng ghi nhận “Tôi tiếc rằng anh đã nhìn Truyện Kiều gần như cô lập. Ví thử anh kết hợp phần giải thích với những tác phẩm của chính Nguyễn Du, đặc biệt là bài Văn tế thập loại chúng sinh thì giá trị thuyết phục sẽ tăng hơn” [6, tr.127]. Dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu văn học trung đại, có lẽ phải nói đến PGS.TS Lê Thu Yến với chuyên đề “Truyền thống văn hóa Việt trong sáng tác của Nguyễn Du” [108]. Bằng giọng văn mượt mà, sâu lắng, tác giả đem lại cho người đọc những rung động, những cảm xúc và cả niềm tri ân đối với thiên tài Nguyễn Du. “Trong tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ có không khí lễ hội mà còn có thế giới trời, Phật, thần thánh, ma quỷ; không chỉ có mồ mả, tha ma, nghĩa địa mà còn có chiêm bao, mộng mị, bói toán”. Nguyễn Du đã nói hộ chúng ta. Trong tác phẩm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, tác giả nhấn mạnh đến bản chất văn hóa tâm linh của người Việt “Dù Nguyễn Du tự sáng tác hay sáng tác theo lời xin của một nhà chùa nào đó thì qua tác phẩm này vẫn thấy rõ quan niệm của ông. Ông đang làm công việc mà mỗi người dân Việt vẫn làm”. Đây là ý kiến xác đáng, có tính chất gợi mở trực tiếp trong công việc nghiên cứu đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du”. Chúng tôi xin trân trọng lĩnh hội. Nếu như Truyện Kiều thu hút khách thơ bao nhiêu, thì Văn chiêu hồn lại như vì sao tinh tú chỉ mới được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng từ xa, hoặc là đặt những bước chân dè dặt mà chưa đi đến tận cùng để thấy hết vẻ đẹp của nó. Xin đơn cử một ví dụ: cuốn sách “Nguyễn Du về tác gia tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17]. Ngoài phần giới thiệu chung thì phần nội dung có đến 74 bài viết về sáng tác của Nguyễn Du. Trong đó có 65/74 bài viết về Truyện Kiều; 2/74 bài viết về Văn chiêu hồn. Chúng tôi nhận thấy, dường như các
  • 6. tác giả đã dành quá nhiều ưu ái cho Truyện Kiều mà chưa có sự đánh giá cụ thể cho tác phẩm Văn chiêu hồn. Hoài Thanh trong bài viết “Văn chiêu hồn” trích trong cuốn “nghiên cứu Văn- Sử -Địa” do Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn [81, tr.237] đã cho rằng “chủ nghĩa nhân đạo ở đây không có sức chiến đấu như trong truyện Kiều, nó đi vào chỗ hoàn toàn bế tắc”. Và “Bài văn tế rất dồi dào tính quần chúng, nó dựng lên những hình ảnh rút ra từ trong trí tưởng tượng và trong cuộc đời thực của quần chúng… Nhưng về mặt tinh thần nó biểu hiện cái tiêu cực, phần mê tín dị đoan nhiều hơn là cái phần hăng hái, tráng kiện trong tinh thần quần chúng”. Như vậy, đứng trên lập trường ý thức hệ phong kiến, Hòai Thanh chỉ ra được lớp vỏ vật chất của đời sống con người mà quên đi phần tâm linh, phần tâm hồn của người dân Việt “Sống về mồ về mả. Ai sống về cả bát cơm” Nguyễn Lộc trong bài viết “Văn chiêu hồn - một bản tổng kết” trích trong cuốn “Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17], tác giả đã nói về tục cúng cô hồn và sự ra đời của tác phẩm Văn chiêu hồn. Theo tác giả, tục thờ cúng người qua đời “một mặt là biểu hiện tình cảm nhớ thương, lòng biết ơn và sự kính trọng của người sống đối với người đã khuất, mặt khác cúng là sự cần thiết đối với người đã khuất” [17, tr.132]. Song tác giả lại kết luận “Với Văn chiêu hồn, nhà thơ đã nói thẳng những điều xảy ra trên đất nước mình nhưng dưới một hình thức tôn giáo”. Tiếc rằng tác giả chưa gọi tên được vấn đề. Cũng viết về Văn chiêu hồn, Đinh Hùng với bài viết “Người thơ thuần túy Nguyễn Du trong văn tế thập loại chúng sinh” trích trong cuốn “Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17] đã đề cao Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) như là “viên ngọc quý”. Tác giả đưa ra một nhận định xác đáng “Cả Truyện Kiều cùng văn tế thập loại chúng sinh đều giúp cho ta tìm hiểu con người nguyên vẹn của Nguyễn Du”. Và chỉ với cả hai, thì “sắc thái cây bút Hồng Lĩnh” mới thực sự tỏa hết ánh sáng xuất thần của “viên ngọc liên thành không viết”. Theo đó tác giả khẳng định “ở chiêu hồn, đã dâng cao thành một niềm tin tín ngưỡng thiêng liêng”. Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo ở bộ phận văn xuôi trung đại, PGS.TS Nguyễn Đăng Na qua bài viết “Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - những bước đi lịch sử” [61] nhận xét khái quát “Cùng với các loại hình văn học khác, văn xuôi tự sự đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà thời đại giao phó: phản ánh tâm linh của người Việt Nam thời trung đại” [61, tr.77]. Mới đây, luận văn thạc sĩ “Văn hóa tâm linh trong văn xuôi trung đại” của Hoàng Thị Minh Phương, năm 2007 [73] là công trình rất đáng để tham khảo. Chúng tôi xin ghi nhận. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, chúng tôi nhận thấy thực sự chưa có một công trình cụ thể nào nghiên cứu về văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du cả. Song các bài viết cũng như các công trình nghiên cứu khoa học trên đây, do phạm vi đề tài
  • 7. hoặc quá rộng hoặc là quá hẹp nên chỉ mới đưa ra những nhận định khái quát về phương diện tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Trong công trình này, chúng tôi cố gắng hệ thống và làm rõ những vấn đề trên. 5. Phương pháp nghiên cứu Triển khai đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du”, chúng tôi đã vận dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: Phương pháp thống kê phân loại: Là phương pháp chính, nhằm thống kê và phân loại các yếu tố tâm linh sau đó rút ra nhận xét. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản và đưa ra những luận điểm khái quát của luận văn. Phương pháp cấu trúc - hệ thống: Xem xét các yếu tố tạo nên cấu trúc tác phẩm, tìm ra nguyên tắc chi phối sự hình thành của chúng. Từ đó, rút ra kết luận về nguyên tắc chi phối việc sáng tạo toàn bộ cấu trúc tác phẩm. Phương pháp so sánh - đối chiếu: Là phương pháp nhằm làm nổi bật nét tương đồng cũng như sự khác biệt của tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du so với các nhà văn khác trên phương diện thế giới quan, nhân sinh quan. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và văn hóa để có cơ sở đánh giá khách quan tác dụng của văn học trong việc phản ánh văn hóa dân tộc. Những phương pháp này sẽ được chúng tôi vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình nghiên cứu. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần dẫn nhập, kết luận, thư mục tham khảo, nội dung luận văn gồm ba chương: Chương 1. Những vấn đề chung về văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. 1.1 Văn hóa tâm linh: 1.2. Cơ sở hình thành văn hóa tâm linh 1.3. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Chương 2. Yếu tố tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du 2.1. Lễ hội 2.2. Lực lượng siêu nhiên 2.3. Cõi âm, hồn ma
  • 8. 2.4. Mồ mả, tha ma 2.5. Cầu cúng, khấn vái 2.6. Chiêm bao (mộng) 2.7. Bói toán 2.8. Thề nguyền Chương 3: Ý nghĩa của các yếu tố tâm linh trong Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du. 3.1. Yếu tố tâm linh phản ánh hiện thực đời sống 3.2. Yếu tố tâm linh - Ý nghĩa giáo dục và ước mơ của con người 3.3. Sức sống lâu bền của các tác phẩm mang yếu tố tâm linh 7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Phát hiện vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa tâm linh. Một phương diện không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của con người thông qua hai tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Từ đó luận văn góp phần tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, khẳng định vai trò của văn học việc phản ánh văn hóa. Văn hóa tâm linh là khía cạnh tinh thần rất cần thiết của con người, nhưng đây lại là một vấn đề phong phú, phức tạp và khá nhạy cảm, mấp mé với mê tín dị đoan. Do đó trên cơ sở tìm hiểu văn hóa tâm linh trong tác phẩm văn học, người viết luận văn góp phần chỉ rõ các biểu hiện tâm linh của người Việt thể hiện trong sáng tác của Nguyễn Du. Từ đó có những nhìn nhận đánh giá khách quan về các hiện tượng này, đồng thời có ý thức trân trọng, nâng niu giá trị tinh thần của cha ông để lại. Mặt khác, luận văn góp thêm tiếng nói lý giải về sức sống trường tồn của hai tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du suốt hơn hai trăm năm qua.
  • 9. Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU 1.1 Văn hóa tâm linh 1.1.1. Khái niệm văn hóa: Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Nó là toàn bộ cuộc sống; cả vật chất, tinh thần của từng cộng đồng người. Như vậy, có thể khẳng định rằng: tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa. Riêng ở nước ta, cũng có khá nhiều quan niệm về văn hóa: Từ đầu thế kỉ XX, Đào Duy Anh đã phát hiện văn hóa phải gắn liền với sinh hoạt của con người nảy sinh trong quá trình lao động và trong từng hoàn cảnh địa lí nhất định: Theo ông, nghiên cứu “Các điều kiện địa lí có ảnh hưởng lớn đối với cách sinh hoạt của con người, song người là giống hoạt động cho nên trở lại cũng có thể dùng sức mình mà xử trí và biến những điều kiện ấy cho thích hợp với những điều kiện cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế mà cũng biến chuyển và khiến văn hóa cũng biến chuyển theo. Nghiên cứu xem sự hoạt động để sinh hoạt về các phương diện của một dân tộc xưa nay biến chuyển thế nào, là nghiên cứu văn hóa lịch sử của dân tộc ấy”.[1, tr.3] Trong giáo trình “cơ sở văn hóa Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm đã định nghĩa về văn hóa như sau: “văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [89, tr. 17]. Từ định nghĩa của Trần Ngọc Thêm, có thể thấy bốn đặc trưng cơ bản của văn hóa: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử. Ở đây chúng tôi căn cứ vào tính giá trị của văn hóa. Theo đó có thể chia giá trị văn hóa làm hai loại: giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Theo nghĩa hẹp, các tác giả cho rằng văn hóa tinh thần là những dấu ấn tinh thần, những giá trị tinh thần đặc thù của một quốc gia dân tộc nhằm phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tiêu biểu cho cách hiểu này là khái niệm văn hóa của UNESCO được thừa nhận rộng rãi: Văn hóa là “tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình”
  • 10. Năm 2002, UNESCO cho rằng: “Văn hóa nên được xem là tập hợp các đặc trưng tâm linh, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin”. Ở khía cạnh này, đầu tiên phải kể đến khái niệm văn hóa của nhà nhân học E.B. Tylor trong công trình “văn hóa nguyên thủy” năm 1871: “Văn hóa như một phức hợp bao gồm trí thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục cũng như mọi khả năng và thói quen khác mà con người như một thành viên của xã hội tiếp thu được” [99, tr.21] Tiêu biểu cho cách hiểu này là A.K Vlêđốp: “Việc coi văn hóa tinh thần chỉ là tổng hợp những giá trị tinh thần là phiến diện. Văn hóa tinh thần như là sự hoạt động sáng tạo tích cực của con người, như là sự sản xuất cất giữ và sử dụng những giá trị tinh thần”. Với đối tượng là văn hóa tâm linh, chúng tôi căn cứ trên hai định nghĩa của UNESCO để định hướng cho việc tìm hiểu các phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng… Những vấn đề gắn liền với yếu tố tâm linh - vấn đề cơ bản trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc. 1.1.2 Khái niệm tâm linh Tâm linh gồm chữ “tâm” và chữ “linh” tạo nên. Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “tâm” có nghĩa là tim (lòng), thuộc về thế giới bên trong. “Linh” có rất nhiều nét nghĩa như: “linh” trong linh hoạt, nhạy bén; “linh” trong thần linh; người chết cũng được gọi là “linh”; “linh” còn dùng để nói đến những ứng nghiệm, bói toán. Hoàng Phê cũng cho rằng tâm linh là “tâm hồn, tinh thần” hoặc là “khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm” [72,tr.897]. Vậy tâm linh là niềm tin của con người vào sự linh thiêng. Một trong những xác định súc tích và khá chuẩn về tâm linh phải kể đến, là khái niệm tâm linh của Nguyễn Đăng Duy: “Tâm linh là cái linh thiêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”[12; tr.11]. Từ khái niệm của Nguyễn Đăng Duy, chúng ta nhận thấy tâm linh trước hết phải gắn liền với ý thức con người. Cũng tức là sẽ không có tâm linh nằm ngoài ý thức con người. Nhưng ý thức nói chung của con người hết sức rộng lớn. Nên chỉ khi nào con người có ý thức về cái thiêng, cái cao cả thì mới gọi đó ý thức tâm linh. Không như các dạng ý thức khác, ý thức tâm linh tựa như mạch suối ngầm nuôi dưỡng tâm hồn người, làm thăng hoa đời sống tâm linh của con người. Đẹp hơn. Lung linh hơn. Ý thức tâm linh không chỉ tồn tại ở dạng ý niệm mà nó còn được biểu hiện ra ở những hình ảnh, những biểu tượng phát ra tín hiệu thiêng về cội nguồn đất nước, tổ tiên, tình yêu quê hương... như cây đa, bến nước, đình, đền, miếu mạo... Rồi tới lúc nào đó, các biểu tượng thiêng liêng này quay trở lại tác động vào tâm hồn người những rung cảm thẩm mĩ, khiến nó tự bộc lộ ra
  • 11. bằng những hoạt động hành động cụ thể như cúng vái, cầu nguyện, tham gia hội hè... Tâm linh do đó, tự bản thân nó có sức truyền cảm, tập hợp to lớn khó cưỡng lại được. Tâm linh có trong mọi mặt đời sống con người từ phạm vi cá nhân, gia đình đến phạm vi cộng đồng làng xã, tổ quốc, từ các loại hình nghệ thuật đến tín ngưỡng, tôn giáo. Một câu hỏi đặt ra là, tâm linh bắt nguồn từ đâu? Phải chăng tâm linh có cơ sở từ niềm tin! Thật vậy, nói đến tâm linh là nói đến niềm tin của con người. Bởi không ai sống mà không có niềm tin. Nó là hạt nhân cơ bản xác lập mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Theo Nguyễn Đăng Duy, niềm tin được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, song có thể quy về ba cấp độ: “niềm tin trao đổi”, “niềm tin lý tưởng” và “niềm tin tâm thức”. Trong đó niềm tin tâm thức gắn liền với tâm linh, gắn liền với niềm tin thiêng liêng vì nó có sự “hòa quyện cả tình cảm và lí trí, dẫn đến sự say đắm, say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy” [12; 16]. Đó là niềm tin thiêng liêng về tổ tiên, niềm tin về Mẫu, Phật, Chúa, niềm tin về các thần thành hoàng v.v.. Niềm tin thiêng liêng do vậy, được xem là yếu tố then chốt tạo nên đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh đúng nghĩa và trang trọng. Một xã hội văn minh, phát triển, niềm tin thiêng liêng, niềm tin cao cả càng có giá trị bền vững. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn nội hàm tâm linh, thiết nghĩ chúng ta nên đặt nó trong mối tương quan với các khái niệm khác: tâm linh với tín ngưỡng - tôn giáo, tâm linh với mê tín dị đoan. Tâm linh với tín ngưỡng - tôn giáo: Hoàng Phê, tác giả của từ điển Tiếng Việt, cho rằng tôn giáo có hai nghĩa: Một là “hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên định đoạt tất cả, con người phải phục tùng tôn thờ. Tôn giáo nảy sinh từ rất sớm, từ trong xã hội nguyên thủy”. Hai là “hệ thống những quan niệm tín ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy”[72, tr.1011]. Thiết nghĩ, ở đây Hoàng Phê đã vô hình chung đã gộp tôn giáo với tín ngưỡng vào nhau. Nhưng thực chất tôn giáo không đồng nhất với tín ngưỡng. Tín ngưỡng (tin tưởng và ngưỡng mộ) là “một cách từ thực tế cuộc sống cộng đồng con người ý thức về một dạng thần linh nào đó, rồi cộng đồng con người đó tin theo tôn thờ lễ bái, cầu mong cho hiện thực cuộc sống, gây thành một nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng” [12]. Cùng quan điểm này, Mai Thanh Hải cho rằng, “dù ở những trình độ khác nhau, tín ngưỡng đều có hai đặc tính: một là tin vào cái gì thiêng liêng có sức mạnh chi phối số phận con người; hai là niềm tin ấy được nhiều người thừa nhận và cùng tin theo, cùng làm theo một số nghi thức gì đó để bày tỏ niềm tin chung” [24, tr.33]. Từ các định nghĩa trên, chúng ta nhận thấy tín ngưỡng và tôn giáo đều có chung niềm tin thiêng liêng nhưng tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất với nhau. Điểm khác biệt giữa tín
  • 12. ngưỡng và tôn giáo là: tín ngưỡng không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội cụ thể và đình, đền, miếu, phủ cũng không phải là giáo đường, không phải là nơi giảng kinh thuyết pháp mà chỉ là nơi thờ tự, cúng tế, hội hè... Ở tín ngưỡng, con người ta thấy mọi vật chung quanh đều trở nên linh thiêng, và chỉ tập trung giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, chứ không thiết kế một thiên đàng hay một miền cực lạc nào cả. Trong khi tôn giáo có giáo chủ, giáo lí, giáo hội, có giới luật, thì tín ngưỡng vẫn bó kết con người vào sự sùng kính đơn sơ với niềm tin ngóng đợi đơn giản vào thần, mẫu, tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho họ được mạnh khỏe, bình yên, ăn nên làm ra. Tín ngưỡng mang tính địa phương nhỏ hẹp, gần gũi với đời sống nhân dân nên có sức cuốn hút mạnh mẽ với đại đa số người dân còn tôn giáo cũng là một hiện tượng xã hội nhưng mang tính tổ chức cao, hướng đến một đời sống tâm linh siêu việt nên phạm vi ảnh hưởng và lan tỏa của tôn giáo rộng khắp thế giới. Suy cho cùng, tín ngưỡng và tôn giáo tuy có khác nhau nhưng không loại trừ nhau mà vẫn cùng tồn tại xen kẻ bổ sung cho nhau. Như vậy, tín ngưỡng hướng con người tới sự thịnh vượng của cuộc sống. Tức là tín ngưỡng đồng nghĩa với tâm linh (niềm tin thiêng liêng) còn tôn giáo không hoàn toàn là tâm linh mà chỉ là một dạng đặc biệt của tâm linh, tôn giáo cũng phải cứu cánh ở tâm linh. Cùng phát ra tín hiệu thiêng nhưng tín ngưỡng gắn liên với đời sống trần tục một cách chặt chẽ thông qua tiềm thức của cá nhân và đều hướng đến chân, thiện, mỹ cho cuộc đời này. Qua đây, chúng ta cũng phân biệt được tín ngưỡng (niềm tin thiêng liêng) còn gọi là tín ngưỡng dân gian hay tín ngưỡng truyền thống để phân biệt với tín ngưỡng (niềm tin thiêng liêng) tôn giáo. Tâm linh và mê tín dị đoan Trong từ điển tôn giáo, Mai Thanh Hải đã nói rất rõ về mê tín dị đoan: “Mê tín là tin nhảm, tin xằng bậy, không thấy, không hiểu mà nhắm mắt tin theo mù quáng, tin theo một cách mê muội, viễn vông, quàng xiên cả những việc, những hiện tượng trái lẽ tự nhiên, không có suy xét theo lẽ phải thông thường; dị đoan là suy luận, suy đoán một cách nhảm nhí, bậy bạ khác thường, rồi hành động bừa bãi, không lường trước được những hậu quả xấu về sức khỏe, tài sản, thời gian, có khi cả tính mạng cho mình...Nói chung là những ý thức, hành vi mê muội, tin và dựa vào những biểu tượng trái lẽ tự nhiên, có những hành vi lễ bái, ứng xử mang tính chất cuồng tín, nhảm nhí, trái với lẽ phải và hành vi thông thường của mọi người chung quanh, làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người” [24, tr.107]. Đơn cử ví dụ, gần đây nhất, được truyền hình Việt Nam đưa tin hiện tượng đi cầu con ở tu viện Biển Đức Thiên Phước thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM), hiện tượng “truyền năng lượng” chữa bách bệnh của “cậu cò” Phạm Thị Phú ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên: “bất kể người già, người trẻ, cả gái lẫn trai đều được “cậu cò” bẻ cổ, xoay tay, vạch mắt, vặn tai, thổi phù phù, kéo áo lên quá đầu, tụt quần xuống dưới mông rồi phải nằm dưới đất để “thần y” giẫm lên “truyền năng lượng chữa bệnh”. Rõ ràng đây là những việc làm phản khoa học, các tin đồn thất
  • 13. thiệt, làm mất thời gian, tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ. Thậm chí dẫn tới mất mạng như chơi! Thế nhưng không ít người vẫn tìm đến. Phải chăng tâm linh là mê tín dị đoan? Tâm linh không phải là mê tín dị đoan. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có niềm tin thì mê tín mới tồn tại được. Vậy mê tín dị đoan tồn tại là do đâu? Sở dĩ mê tín tồn tại được là do yếu kém về khoa học, con người không đủ trình độ để phân tích lí giải đúng sai nhảm nhí… hoặc lợi dụng khi tình trạng quẩn bách, mụ mẫm của con người không được kịp thời giải tỏa. Hoặc là một trong những giây phút thăng hoa như lạc vào thế giới khác khiến cho con người mất tỉnh táo, tin vào sự nhảm nhí. Nói cách khác đây là hiện tượng nhắm mắt tin mò, chứ không có cơ sở khách quan. Từ những điều vừa trình bày, chúng ta thấy được sự khác nhau giữa tâm linh với mê tín dị đoan ở chỗ, tâm linh là niềm tin thiêng liêng trong đời sống tinh thần của con người tin vào tổ tiên, thần thánh, phật, chúa...hay những người không đi tu mà họ vẫn đi chùa, đền, đình; vẫn lễ Phật, ăn chay, vẫn tin vào những điều thiêng liêng của Phật, thần thánh. Niềm tin vào cái thiêng vì thế đã đánh thức trong tâm hồn con người ý chí, bản ngã để sống và làm việc, xử sự tốt hơn, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Còn mê tín dị đoan là dựa vào thần Phật để kiếm chác, thương mại hóa niềm tin, hoặc đặt ra bao nhiêu điều kì quái khác thường như trên chúng tôi vừa đề cập khiến cho người khác tin theo một cách mê muội, hành động theo sự tin ấy không những hao tốn về tiền bạc mà còn có khi thiệt hại về tính mạng bản thân. Giữa tâm linh và mê tín dị đoan chỉ cách nhau ranh giới nhỏ hẹp. Điển hình như hiện tượng nói chuyện với người âm của các nhà ngoại cảm, trước đây được cho là mê tín phù phiếm thì nay đã được khoa học thừa nhận “khả năng ngoại cảm” và bước đầu được nhà nước quan tâm đặc biệt. Vì thế có những trường hợp không thể qui hoàn toàn tâm linh là mê tín dị đoan, là những ngộ nhận của con người. Chẳng qua đấy chỉ là những vấn đề mà khoa học không hoặc chưa có cách nào chứng minh đúng hay sai mà thôi. Vì vậy tâm linh luôn là một bí ẩn. Điều chúng ta nên làm và có thể làm là cố gắng đẩy lùi và xóa bỏ dần dần hiện tượng “nghe ở đâu có ông nọ, bà tê linh thiêng lắm” rồi đổ xô kéo đến cúng viếng mà chẳng biết rõ gốc tích thế nào... Qua sự phân biệt trên, chúng ta thấy tâm linh là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người với tất cả sự phong phú và phức tạp của nó. Do đó không nên đơn giản hóa cho rằng tâm linh là mê tín dị đoan, cũng không nên thần bí hóa, tuyệt đối hóa khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu phi thường coi đó là cứu cánh của nhân loại. Cần phải có thái độ nhận thức đúng đắn vấn đề nhạy cảm này, đồng thời khẳng định tâm linh là phương diện quan trọng, rất cần thiết cho đời sống tinh thần của nhân loại. Ở đó, con người tin vào tín ngưỡng, vào tôn giáo, và có cả niềm tin về chính cuộc sống trần thế này. “không chỉ có Thượng đế, có Chúa, Trời, Thần, Phật mới thiêng liêng, mà cả Tổ quốc, lòng yêu thương con người, sự thật công lí cũng thiêng liêng
  • 14. không kém”[20, tr8] 1.1.3 Khái niệm văn hóa tâm linh Từ việc giới thuyết về khái niệm văn hóa và khái niệm tâm linh, chúng tôi nhận thấy tất cả những gì liên quan đến đời sống tâm linh con người sẽ tạo nên văn hóa tâm linh. Hơn nữa đã gọi là tâm linh thì nó không thể mất đi được. Tâm linh là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người và khi đó họ ứng xử với tâm linh một cách có văn hóa. Chẳng hạn như những dịp xuân về, tết đến, dù xa xôi cách trở, dù đi đâu và ở đâu, thì ai cũng muốn về sum họp với gia đình, với làng quê để thắp những nén hương lên trên bàn thờ gia tiên, trước là báo cáo với tổ tiên ông bà, con đã về; sau nữa là cầu khấn vong linh những người thân quá cố phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Cũng có khi do điều kiện, hoàn cảnh con người ta không được về nơi chôn nhau cắt rốn, về với gia đình trong ngày thiêng liêng nhất, họ vẫn một lòng hướng về cội nguồn bằng cách lập bàn thờ “vọng” kính cẩn dâng lên những nén hương để tưởng niệm, khấn vái, cầu nguyện, tâm tình, chia sẻ với ông bà, cha mẹ, người thân đã qua đời. Hoặc cứ đến ngày 15/7 âm lịch hằng năm, mọi nhà đều cúng cô hồn... Những việc làm này không biết tự bao giờ đã đồng hành cùng với con người Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần, ở đó con người tin vào cái thiêng. Ở đó con người chủ yếu sống với phần tâm linh của mình. Đó là không gian của những thần cây đa, ma cây gạo, của thần thánh, Phật tiên… Đó là thời gian giỗ, tết, các lễ hội với phần lễ thiêng liêng, những thời điểm giúp con người giao hòa với trời đất, thiên nhiên và các thế lực thánh thần. Sống trong không gian, thời gian mang tính tâm linh ấy, con người được giải tỏa, cởi bỏ phiền muộn lo âu, cầu những điều tốt đẹp cho mình và người thân. Từ cách hiểu trên, theo chúng tôi, khái niệm văn hóa tâm linh của Nguyễn Đăng Duy là tương đối đầy đủ: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo” [12, tr.26]. Thuộc lĩnh vực tinh thần, nhưng văn hóa tâm linh không chỉ gồm giá trị văn hóa vô hình (nghi lễ, tập tục, ý niệm..) mà cả những văn hóa hữu hình phát tín hiệu thiêng liêng (đình, đền, miếu, phủ, chùa, nhà thờ...). Tóm lại, với những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng nhưng vẫn có thể khẳng định, văn hóa tâm linh là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái và tinh thần hướng thiện đã góp phần tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa dân tộc. Trong điều kiện về thời gian và khả năng của người viết, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng người Việt không theo tôn giáo. 1.2. Cơ sở hình thành văn hóa tâm linh 1.2.1Từ trong tín ngưỡng dân gian
  • 15. *Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là một trong những cơ sở hình thành văn hóa tâm linh, bắt nguồn và chịu ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử, tâm lí, thói quen và tính cách của người Việt. Sinh sống trong điều kiện địa lí sinh thái đầy khắc nghiệt, khí hậu thời tiết thay đổi thất thường, khi hạn hán, lúc lũ lụt… suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng nhiều khi kết quả chỉ là con số không tròn trĩnh. Điều này tất yếu dẫn đến tâm lí phụ thuộc, ý thức tôn sùng và thái độ hòa hợp với thiên nhiên. Đầu tiên phải kể đến “đất” và “nước” là hai thành tố có vai trò quyết định, mà cư dân nông nghiệp lúa nước luôn quyện chặt với nó tựa như “Người ta là hoa đất”. Nhưng để có nước (mưa) thì cần đến “trời”, do vậy người xưa tín ngưỡng tôn thờ Trời, Đất, Nước và các hiện tượng thiên nhiên có liên quan đến đời sống nông nghiệp như mây, mưa, sấm, chớp... Trong đó Trời là trên hết, vì theo người xưa trời sinh ra mọi vật “Trời sinh voi sinh cỏ”. Cái gì cũng phải xin trời, lạy trời: “Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày” Khi đã có mưa, người ta hân hoan biết ơn, cần cù làm việc: "Ơn Trời mưa nắng phải thì, Nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu. "Nhờ trời mưa gió thuận hòa, Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau. Hình ảnh mặt trời vì thế đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống của cư dân lúa nước đến mức tôn sùng, quy phục: “Trông trời trông đất trông mây Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm Trông cho chân cứng đá mềm Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng” Chính sự phụ thuộc này đã đưa người Việt cổ hình thành lối tư duy tổng hợp và tín ngưỡng thờ đa thần! Cùng với triết lí âm dương, chú trọng yếu tố nữ - âm tính nên các vị thần được tôn vinh trở thành các nữ thần là bà trời, bà đất, bà nước rất gần gũi gắn bó với cư dân lúa nuớc. Khi có ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai thì bộ ba nữ thần vẫn tồn tại trong dân gian dưới dạng tam phủ (mẫu thượng thiên, mẫu thượng ngàn, mẫu thoải) cai quản muôn loài. Khi Phật giáo du nhập vào ta, trong phương thức tồn tại, nó cộng sinh ngay với tín ngưỡng bản địa thì nhóm nữ thần này được nhào nặn thành hế thống Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Diện.
  • 16. Hình 1.1 Tranh thờ tam phủ Cũng như hệ thống nữ thần thiên nhiên được xem như là bà đỡ của nghề nông, thì núi, sông, biển cũng được cư dân lúa nước nhân cách hóa thành thần núi, thần sông, thần biển... Những vị thần tự nhiên thờ ở nhiều làng, hầu như chỉ thấy có nghi thức thờ cúng chứ chưa có tích về thần. Có lẽ do con người nguyên thuỷ chưa có nhiều khả năng tư duy, hư cấu các chuyện về thần để chúng trở thành các pho thần thoại có sức sống mãnh liệt hơn. Thần núi Tản Viên, lúc đầu cũng chỉ đơn giản là thần núi được thờ để che chở cho con người nhưng vì thần núi cao, nên uy linh hơn các thần tự nhiên khác. Bước vào nhà nước Văn Lang thời cổ đại, Tản Viên được nhân hóa và lịch sử hóa trở thành vị anh hùng truyền thuyết của cả cộng đồng quốc gia dân tộc Tản Viên sơn thánh. Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, từ con người đến con vật, cây cối, từ những vật vô cơ như đất, đá, nước, lửa đến cả những vật do con người tạo ra như xe, chum vại… đều có linh hồn. Nên trong tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên của người xưa còn có việc thờ động vật và thực vật – vật thiêng. Nếu như ở loại hình văn hóa gốc du mục, người ta thờ con vật có sức mạnh như chó sói, hổ, chim ưng, đại bàng.... thì ở loại hình văn hóa nông nghiệp dẫn người Việt Nam đến tục thờ các con vật hiền lành hơn như chim, rùa, rắn, cá sấu… là các con vật gần gũi với cuộc sống của cư dân lúa nước. Người Việt quan niệm “nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” nên đã nâng các con vật này lên mức biểu trưng : Tiên, Rồng thông qua các truyền thuyết về họ Hồng Bàng. Trong đó Tiên được trừu tượng hoá từ giống chim sống ở trên cạn, còn Rồng được trừu tượng hoá từ hai loại bò sát rắn và cá sấu sống ở dưới nước. Theo nguyên lí âm – dương và lối sống hòa hợp, thích nghi với thiên nhiên, người nông nghiệp đã biến con vật thành chim mẹ, rồng cha làm nên cội nguồn tổ tiên của người Việt. Con rồng, rắn, rùa…vì thế đã đi vào các câu chuyện thần thoại trong dân gian về con vật
  • 17. thiêng phù hộ cho con người trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Hình tương rồng cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo của nó càng thể hiện uy quyền phong kiến. Ngày nay, rồng dùng để đặt tên cho nhiều địa danh trong nước: Hàm Rồng, Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long v.v. Tất cả việc làm này thể hiện ý thức bảo toàn nòi giống và lòng tôn kính, tự hào dân ta thuộc dõng dõi con rồng cháu tiên. Ở thời thượng cổ, cư dân trồng lúa nước quan niệm rằng lúa sinh ra thóc gạo để nuôi sống con người nên người ta gắn lúa với hình ảnh của người phụ nữ. Vì tin rằng lúa là một loại cây có “hồn” nên dân ta nảy sinh tín ngưỡng thờ thần lúa. Để được mùa, hằng năm cư dân lúa nước phải làm lễ rước mạ, gọi hồn lúa, lễ nhập lúa vào kho. Thứ đến các loài cây xuất hiện sớm ở vùng nông nghiệp lúa nước như cây đa, cây dâu, quả bầu...cũng được người dân tôn thờ. Dân gian thường truyền tụng: “thần cây đa, ma cây gạo” hay “cây thị có ma, cây đa có thần”. Tin rằng cây có linh hồn, nên có tục, hễ nhà nào có đám ma, có người chết thì gia chủ phải đeo tang cho cây, vì sợ cây buồn, héo mà chết. Cây cũng là nơi ngự trị của các thần, ma. Loại cây sống lâu năm đều có thể thành tinh- mộc tinh. Nên với đặc tính cộng sinh, sống hòa hợp với thiên nhiên thì dù thần hay ma, người Việt cũng kính trọng, cúng vái rất trang nghiêm. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và thờ vật thiêng tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt, như nhắc nhỡ người dân Việt sống chan hòa như dây bầu dây bí cũng đều chung một dàn, và đầy tính bao dung. Ngoài ra, trong tâm linh người dân Việt còn tin thờ thần không gian- Bà Ngũ hành nương nương và thần thời gian – mười hai vị thần (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Múi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) và mười hai bà mụ có nhiệm vụ làm cho mọi vật sinh sôi phát triển. Từ thời nguyên thuỷ người Việt cổ đã biết nhận thức về thế giới khách quan nhưng với khả năng tư duy trừu tượng của buổi đầu, con người chưa thật sự phân biệt được giữa mình với giới tự nhiên mà mình đang cùng sống, đang phải phụ thuộc. Khi ấy con người đã đồng nhất giữa mình với các vật thể của thiên nhiên. Tác giả cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang chỉ rõ quan niệm người xưa: “Ông Trời ở trên cao có thể nhìn thấy mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ làm ác, giúp đỡ kẻ làm lành … Ông Trời có những thuộc hạ gần xa. Gần thì có ông Sấm, bà Sét. Xa có Sơn Tinh, Thủy Tinh, thần cây đa, ông Táo, ông Địa v.v. . ..Rồi linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại một thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác người chết và có thể ở chung với người thân thích còn sống trong một thời gian để che chở, bảo hộ.” *Tín ngưỡng sùng bái con người Con người được cấu tạo bởi hai phần: thể xác và linh hồn. Người Việt còn tách linh hồn ra làm hai yếu tố “hồn” và “vía” (ba hồn chín vía). Có người lành vía, người dữ vía. Vía phụ thuộc nhiều vào thể xác, nên khi gặp người có vía độc thì cần phải đốt vía, giải vía (thường gặp nhất ở hoạt động buôn bán). Khi chết thì vía theo xác mà tan ra. Còn “hồn” trừu tượng hơn nên có thể xem
  • 18. như tồn tại độc lập với thể xác. Quan niệm dân gian cho rằng khi ngủ thì hồn lìa khỏi xác đi đây đi đó, do vậy mà nảy sinh hiện tượng chiêm bao, mộng mị, giấc mơ..vì thế lúc ngủ, theo dân gian con người không được bôi vật lạ lên mặt vì sợ hồn không nhập được vào xác… Cũng vậy, khi chết thì chỉ chết về phần xác nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, được thần linh mang đi sống ở một thế giới khác- thế giới âm phủ. Nói theo triết lý âm dương thì khi chết là hồn đi từ miền dương gian đến cõi âm ty, âm phủ. Tuy thuộc về thế giới khác nhưng linh hồn vẫn dõi theo gây họa hay tác phúc cho người đang sống. Chính điều này đã hình thành tín ngưỡng thờ cúng người chết. Tín ngưỡng sùng bái con người được biểu hiện qua hình thức: thờ cúng tổ tiên, thờ các anh hùng liệt sĩ, thờ tà thần. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Trước khi Nho giáo du nhập, người Việt Nam đã có truyền thống cúng giỗ tổ tiên. Cúng giỗ tổ tiên không phải là biểu hiện tôn giáo mà là biểu hiện huyết thống. Huyết thống thì bao giờ cũng có nguồn gốc. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa truyền thống đẹp nhất của người Việt, là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chúng ta. Đó là đạo lí, là phong tục, tập quán của một dân tộc và còn chỉ rõ ta là người có cội có nguồn, có tổ có tông, chứ không phải là một tay ma cà bông… không có gia phả. Người xưa cũng từng nói “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” như nhắc nhỡ chúng ta khắc sâu ý thức về cội nguồn tổ tiên trong đời sống tâm linh của mình. Đồng thời cũng răn dạy con cháu mai hậu nhất thiết không được đánh mất cái mà tổ tông đã có “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Nếu như người phương Tây chú trọng vào ngày sinh thì người Việt Nam lại chú trọng vào ngày giỗ (ngày mất). Bởi theo quan niệm của người xưa đây là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Người xưa tin rằng thể xác tuy tiêu tan nhưng linh hồn thì bất diệt nên sau khi chết linh hồn của con người vẫn tiếp tục sống với tổ tiên, ông bà ở nơi chín suối. Tin rằng nơi đó, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã qua đời vẫn có thể đi về thăm nom, phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình. Tin rằng ở đó, người chết cũng có một cuộc sống như cuộc sống ở trần gian, tức là cũng cần đến nhu cầu sinh hoạt như ăn, mặc, ở, đi lại .. theo quan niệm “dương sao âm vậy”. Chính vì vậy, ngoài mồ mả tổ tiên ở nghĩa địa, thì trong mỗi gia đình gia chủ đều dành vị trí sang trọng, đẹp nhất của thế nhà lập nên bàn thờ cúng tổ tiên. Từ việc thờ cúng, người xưa cho rằng giữa thế giới thực tại, hữu hình với thế giới siêu nhiên, vô hình; giữa con cháu với tổ tiên, ông bà, những người thân đã mất luôn luôn như có một sợi dây liên hệ mật thiết. Đây cũng là dịp để người sống giao tiếp – thông linh với người đã khuất. Trong khi cúng bái, người sống khấn vái, cầu nguyện một điều gì đó với tổ tiên, ông bà, người thân qua đời. Nhưng nhìn chung niềm tin vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là họ mong muốn tổ tiên phù hộ cho họ được sức khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, gặp rủi hóa may, vạn sự như ý… Qua thờ cúng, con cháu một mặt thể hiện lòng tôn kính, biết ơn, tri ơn đối với tổ tiên mình, Mặt
  • 19. khác thờ cúng tổ tiên là một nhu cầu tinh thần bù đắp những thiếu hụt trong cuộc sống thực tại khó khăn, đau khổ, hiểm nguy của chính họ. Thờ cúng các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Nếu như trong phạm vi gia đình, dòng họ, người Việt thờ cúng tổ tiên thì trong phạm vi cả nước, dân ta cũng thờ cúng vua Hùng và anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Người Việt Nam vẫn thường nhắc nhỡ nhau ý thức về tổ Hùng Vương - cội nguồn của dân tộc: “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba” “Dù ai sinh sống gần xa, Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười” Đến với lễ hội vua Hùng, người dân hân hoan trong không khí thiêng liêng và bằng tấm lòng thành thắp những nén nhang cảm tạ ơn nghĩa Vua cha đất tổ đã mở đường cho con cháu Lạc Hồng xây nền đất Việt trời Nam. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhỡ thế hệ sau: “Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải có công giữ nước”. Thật vậy! dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm sóng gió, bao gian khổ hiểm nguy, bao tủi nhục đắng cay trong suốt một thời gian lịch sử rất dài mới có được một đất nước đẹp và thanh bình như ngày hôm nay. Trong cuộc chiến trường kì đẫm máu và nước mắt đó, đã biết bao người đã ngã xuống vì tổ quốc, vì nhân dân. Công lao của họ đời đời được đất nước, nhân dân ghi công. Máu và nước mắt của họ đã thấm sâu vào lòng đất và đi vào lịch sử, vào cõi bất tử của miền nhân gian. Để rồi với sự ngưỡng vọng và tôn kính, dân gian đã linh thiêng hóa các anh hùng tiết liệt để họ trở thành những vị thần được thờ phụng, tưởng nhớ một cách uy linh, trân trọng. Từ nhiều thế kỉ nay, ông cha ta đã dành phần thiêng liêng nhất cho việc thờ cúng biết ơn các anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Lạc Long Quân, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng đến Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung,... bất kể là những vị anh hùng có nguồn gốc từ tự nhiên hay có thật trong lịch sử thì họ cũng là những con người sống khôn thác thiêng, lập công trạng khi sống và hiển linh phù trợ giúp dân giúp nước khi chết. Vì thế, thờ cúng tổ tiên – gia đình và thờ cúng tổ tiên - đất nước là điều linh thiêng, hết sức quan trọng không thể thiếu được trong phong tục của người Việt Nam. Qua đó, khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của cư dân Việt. Tục cúng cô hồn. Xuất phát từ việc tôn kính người chết và lòng nhân ái bao dung, người Việt có tục cúng cô hồn. Cô hồn là những linh hồn cô đơn, cô độc “vô gia cư” khổ sở, đói rách, ngày đêm lang thang đi tìm miếng ăn, thức uống, kiếm chỗ ở… Nhưng mấy ai biết mà cho, mà cúng. Đói rét, vất vưởng. Những lúc ấy, oan hồn có thể bằng hình thức này hay hình thức khác về quấy nhiễu người sống, làm cho người ở cõi trần gian không thể sống yên ổn… Vậy nên, quan niệm
  • 20. “dương sao âm thế”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” dân ta đã xây am chúng sinh và cúng cô hồn, một mặt làm vơi bớt phần nào sự cực khổ của những linh hồn kém may mắn không người cúng vái, mặt khác cầu cho cô hồn sớm được giải thoát, không còn quấy nhiễu người dương thế. *Tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên và con người dẫn đến việc hình thành lễ hội dân gian Có lẽ không một nền văn hóa truyền thống của dân tộc nào lại không có lễ hội. Cũng như Trung Quốc và các nước khác, Việt Nam là một đất nước có rất nhiều lễ hội. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì Việt Nam có tới 500 lễ hội lớn nhỏ trải dài theo lịch sử dân tộc, rộng khắp ở mọi miền đất nước và suốt cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Lễ hội chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng: Tết Nguyên đán (1-1): buổi sáng đầu năm (tính theo Âm lịch), Tết Nguyên tiêu (15-1): đêm rằm đầu tiên trong năm, treo đèn, còn gọi là thượng nguyên, Tết Thanh minh (5-3): rẩy mã, viếng mộ, chơi xuân, hội đố lá, Tết Đoan ngọ (5-5): tết hoa quả, diệt sâu bọ, mừng con nước, đua thuyền, Tết Thất tịch (7-7): hoặc Vu lan, xá tội vong nhân, cúng cô hồn (15-7) còn gọi Trung nguyên, Tết Trung thu (15-8): thưởng trăng, gia đình đoàn tụ, múa lân rồng, Tết Trùng cửu (9-9): còn gọi là trùng dương, số 9 là con số của trời, cầu trời mưa thuận gió hòa, Tết Hạ nguyên (15-10): tết cơm mới, mừng mùa màng thu hoạch...; Lễ hội tái hiện lịch sử nhằm suy tôn những con nguời, những anh hùng dân tộc như Lễ Hội Đền Hùng, Hội Hai Bà Trưng, Hội Gióng… và Lễ hội tái hiện phong tục tín ngưỡng như Hội chùa Dâu, hội chùa Keo, Hội chùa Hương, Hội bà chúa Sam… Lễ Hội luôn đan xen xoắn xuýt nhau. Lễ đi kèm với hội dưới hình thức cúng kiến, bái viếng đối với thần thánh, tiên, phật, hoặc người dưới cõi âm như lễ rước thần lúa, lễ cầu mưa, nghi lễ phồn thực, lễ tảo mộ, lễ cúng cầu siêu cho các vong hồn… lễ diễn ra trong một không gian thời gian nhất định. Người tham gia lễ thường có thái độ nghiêm túc và có một ý thức lễ nghi rõ rệt. Hội là cuộc chơi, thường mang tính chất hội hè. Hội thường gắn với những trò chơi dân gian, gắn với những cuộc thi thố, tranh tài trong một số lĩnh vực nào đó. Tính chất vui, trào tiếu trong hội là nét nổi bật. Con người không chỉ sống trong cái thiêng mà còn sống trong cái vui. Vì vậy lễ phải có hội mới cuốn hút, hội phải có lễ thì mới linh thiêng, mới đi vào nề nếp. Lễ hội còn là một ngôn ngữ hoạt động làm phong phú, hấp dẫn hơn và dễ đi sâu vào tâm thức con người hơn nhưng triết lí giáo điều khô khan của các tôn giáo, tín ngưỡng. Không có lễ hội thì cũng không còn tôn giáo và tín ngưỡng. Do đó nhân dân ta rất thích lễ hội. Dù con người ta có ở xa đến mấy, mỗi khi có lễ hội họ đều tìm đến. Lúc ấy, họ được sống trong một không gian thiêng, một khoảnh khắc thời gian thiêng. Chỉ là khoảnh khắc thôi, nhưng để lại niềm lưyến lưu trong tâm hồn người để từ đó thêm có trách nhiệm với cộng đồng, thêm gắn bó với xung quanh. Lễ hội là dịp để để các giai nhân tri ngộ, nam thanh nữ tú gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn, vui chơi, hẹn hò…, cũng là dịp biểu dương sức mạnh, đoàn kết, gắn bó mọi thành viên với cộng đồng. Mỗi dịp lễ hội là một dịp chuyển giao văn hóa, sáng tạo văn hóa.
  • 21. Vì thế, người Việt Nam rất cần đến lễ hội. Đó là sợi dây tâm linh kết nối tình cảm giữa con người với con người, là nhịp cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Cho nên, với sự kết hợp sâu sắc giữa cái thiêng và cái phàm, giữa thần thánh cao xa và ước muốn bình dị của con người, lễ hội luôn sống mãi với thời gian. Nói như GS Phùng Quý Nhâm lễ hội chính là “bảo tàng sống của văn hóa dân tộc ta”. Vì vậy chúng ta cũng như thế hệ mai sau phải biết trân trọng, bảo tồn di sản văn hóa thiêng liêng này. *Tín ngưỡng dân gian chi phối đời sống xã hội Do có niềm tin đặc biệt vào tín ngưỡng dân gian, nên người dân Việt tin rằng tín ngưỡng dân gian có sự chi phối sâu sắc đời sống của họ. Biểu hiện dễ thấy nhất trong hoạt động xem bói, chấm tử vi, phong thủy, coi ngày giờ. Dẫu biết rằng chuyện gì đến sẽ đến, không nên lo lắng, sầu thương, vấn vương! Hãy để nó đến tự nhiên rồi đi tự nhiên. Con người ai rồi cũng phải chết! Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, tuyệt nhiên, không ai bằng lòng với điều đó cả! Dẫu biết rằng thiên cơ bất khả lậu, nhưng không ai là không muốn biết trước vận mệnh của cuộc đời mình. Phải chăng những băn khoăn này đã thôi thúc con người đi tìm ẩn số bằng cách xem tử vi, xem tướng, xem tuổi, xem ngày cưới hỏi, xem giờ động thổ làm nhà, xem giờ hạ huyệt v.v… Những việc làm này không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt. Đây là vấn đề tâm linh, xét cho cùng ranh giới giữa nó với mê tín di đoan gần nhau trong gang tấc. Xưa đã thế mà nay cũng chẳng có gì khác hơn! Dù cho đây là thời đại của công nghệ thông tin, của khoa học nhưng đây cũng chính là thời mà con người ta bàn về tâm linh, đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh nhiều nhất. Và có chăng cái điều mà các nhà khoa học đang làm là tìm cách rút ngắn khoảng cách tâm linh với khoa học mà thôi. Tâm linh là mảnh đất vô cùng phong phú và phức tạp như chính sự phức tạp và phong phú có trong cuộc đời của mỗi con người vậy! Chừng nào con người còn đau khổ chừng đó tâm linh vẫn còn giá trị thiêng liêng. Cho nên, bỏ qua những gì gọi là mê tín dị đoan, mụ mị thiết nghĩ đây là việc làm đáng quý, đáng trân trọng. Bởi phàm sinh ra trong kiếp con người, bất luận như thế nào con người ta cũng ý thức được giá trị của bản thân, của sự sống. Tránh xa cái rủi ro đem lại điều may mắn cho người đang sống mà không xúc phạm người đã khuất quả là một việc rất nên làm. Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng: Niềm tin linh thiêng chi phối sâu sắc đời sống xã hội, đời sống tinh thần của con người. Lời thề cũng là một yếu tố thuộc về tâm linh. Lời thề được thể hiện giữa con người với con người trong cuộc sống hàng ngày. Khi chứng minh một điều gì đó là đúng là chân xác, người Việt thường nói “thề có trời đất chứng giám…”, “tôi thề, tôi mà nói sai sự thật thì…”. Hay cao xa hơn, đó lời thề của công dân đối với đất nước. Trong hoàn cảnh chống giặc ngoại xâm, lời tuyên thệ của các anh hùng vì tổ quốc quên thân trở nên thiêng liêng vô cùng… Và rõ nhất, dễ thấy nhất là trong tình yêu, đôi lứa yêu nhau thường hay thề nguyền. Tin vào lời thề mà họ có thể chờ đợi nhau, hy
  • 22. sinh cho nhau. Họ cũng rất sợ bị trừng phạt, quả báo nếu phản bội, phá vỡ lời thề. Cho nên lời thề chính là khía cạnh tâm linh không thể không có ở mỗi con người. Tóm lại, tín ngưỡng dân gian người Việt vô cùng đa dạng, bao gồm tín ngưỡng thờ thánh thần, trời đất (thành hoàng làng, thần hộ mệnh cá nhân, thánh tổ nghề, thờ các vị phúc thần, các anh hùng lịch sử văn hoá…); tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu…; niềm tin tướng số phép thuật…Các tín ngưỡng song hành tồn tại trong đời sống nhân dân và trở thành những sinh hoạt văn hoá tạo nên bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam. Và điều này cũng rất dễ thấy trong sáng tác của Nguyễn Du đặc biệt là Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Trong ấy ta thấy cả một thế giới tâm linh ẩn hiện, bàng bạc mang nhiều nét tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đó là niềm tin thiêng liêng đối với một số hiện tượng thiêng trong cuộc sống (trời, phật, cầu cúng cầu hồn, báo mộng…), đó là tập tục khấn nguyện hay tướng số, tử vi… Cho dù sau này các tôn giáo khác từ bên ngoài du nhập vào như : Đạo Phật, Thiên Chúa… thì cũng không thể nào xóa bỏ được văn hóa bản địa này, mà rốt cuộc phải sống chung với nó, nếu muốn thu phục tín đồ… 1.2.2 Từ sự tiếp biến tư tưởng Nho – Phật – Đạo Việt Nam nằm ở ngã tư đường thuộc khu vực Đông Nam Á, là nơi gặp gỡ giữa các nền văn minh và đã có lịch sử ngàn năm Bắc thuộc do đó không tránh khỏi bị Trung Quốc hóa. Trên cái vốn sẵn có của dân tộc là nền tảng yêu nước, thương nòi, ta tiếp thu những yếu tố ngoại lai, biến đổi nó, đồng hóa nó để tự xây dựng và phát triển. Biểu hiện cụ thể là việc tiếp nhận và biến đổi ba hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo và hòa trộn chúng theo cách thức của người Việt. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng. Đầu tiên, Phật giáo Tiểu thừa được truyền trực tiếp từ Ấn Độ. Khoảng đầu công nguyên và hạ bán thế kỉ thứ hai đã có một trung tâm văn hóa Phật giáo ở Luy Lâu. Về sau Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc truyền vào nước ta với nhiều tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Phái Thiền tông đề cao cái tâm, Phật tại tâm, tâm là Phật, là niết bàn, nên nó đòi hỏi người tu thiền phải mất nhiều công phu và có trí tuệ, giữ tâm tĩnh lặng, suy nghĩ để tự mình tìm ra chân lí. Do đó, Thiền tông chủ yếu gắn với tầng lớp trí thức, thượng lưu. Khác với Thiền tông, Tịnh độ tông gần gũi và phổ biến trong đời sống quần chúng nhân dân hơn. Đi đâu ta cũng gặp người dân tụng niệm câu: “Nam mô A - Di - Đà Phật”. Tịnh độ tông ra đời ví như con thuyền bát nhã nâng đỡ con người đến với niết bàn tịch tịnh. Bởi quan niệm cho rằng, đời sống của người bình dân khốn khó, vất vả, suốt ngày bận lo việc cơm áo nên không thể tự mình tĩnh tâm thiền được và do đó sẽ khó lòng đạt được bản thể chân như. Riêng Mật tông, chủ trương sử dụng những phép tu huyền bí (linh phù, mật chú, ấn quyết…) mau chóng được giải thoát để đến niết bàn. Do vậy khi vào nước ta, Mật tông hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của cư dân Việt như dùng pháp thuật yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh…
  • 23. Đạo giáo gồm hai phái: phái thần tiên và phái phù thuỷ. Phái thần tiên có hai cách tu: nội tu và dưỡng sinh. Dưỡng sinh thì người tu đạo dùng thuốc linh đan để được trường sinh. Nội tu là cách con người chủ yếu dựa vào mình, tự mình rèn luyện khí công mà chứng ngộ Đạo. Phái Tu tiên khá thịnh hành nhưng chủ yếu dành cho giai cấp thống trị. Phái phù thủy lấy bùa chú, phương thuật, nước phép và cỏ dại chữa bệnh để thu hút mọi người. Cũng như Phật giáo, Đạo giáo vào Việt Nam vào khoảng cuối thế kỉ thứ II gắn liền với tích Cao Biền lùng tìm yểm huyệt, hy vọng cắt đứt long mạch hòng triệt tiêu nhân tài đất Việt. Đạo giáo khi vào Việt Nam đã tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người Việt xưa như việc sùng bái ma thuật, phù phép, tin rằng có thể dùng bùa chú để chữa bệnh, trừ tà, làm tăng sức mạnh…vì vậy đạo giáo phù thủy rất dễ dàng len lõi vào cuộc sống của người bình dân còn phái tu tiên vì gắn liền với thoát tục nên chỉ thịnh hành với tầng lớp trên. Các nhà Nho ở nước ta, do ảnh hưởng của phái tu tiên, nên có khuynh hướng ưa thanh tịnh, thích nhàn lạc. Nhất là đối với những nhà nho sinh bất phùng thời, gặp chuyện bất bình nơi chốn quan trường nên thường cáo quan lui về ở ẩn, sống cuộc đời thanh bần, giản dị, làm bạn với thiên nhiên. Khác với Phật, Đạo, Nho giáo với thế mạnh “trị quốc bình thiên hạ” không đi sâu được vào các tầng lớp lao động mà chỉ đến với tầng lớp trí thức trong xã hội. Nhưng khi nhà nước giành lại được chủ quyền, các triều đại phong kiến Việt Nam, nhất là triều Lê, Nguyễn đã học tập rất nhiều cách tổ chức triều đình và hệ thống pháp luật của người Trung Hoa. Giáo dục và khoa cử lúc đầu còn lấy nội dung của ba giáo Phật, Đạo, Nho, nhưng từ đời Hậu Lê trở đi chỉ dùng Nho học. Nho học do đó lan rộng trong xã hội. Từ thế kỉ XVI về sau, chế độ phong kiến suy thoái, Nho giáo sa sút trở thành một lực cản trong sự phát triển của xã hội. Người Việt Nam ta đã tiếp thu tích cực ba hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo và biến đổi nó cho phù hợp với mục đích yêu cầu cuộc sống của dân tộc ta. Từ đó mới nảy sinh chủ trương “tam giáo đồng nguyên”. Đây là một sản phẩm văn hóa thông minh và sáng tạo, cho thấy khả năng điều hòa và dung hòa của dân tộc đối với các hệ tư tưởng du nhập từ bên ngoài để làm giàu bản sắc dân tộc mình. Về Đạo Nho, dân tộc ta đã tiếp thu quan niệm sống tích cực nhập thế, trung quân đi liền với ái quốc, trung quân hiếu thân (nghĩa là tận tụy với đất nước làm thỏa chí nguyện của ông cha). Mặt khác, trung hiếu của Nho gia cũng bị chi phối bởi tư tưởng nhân đạo của dân tộc ta: Chữ “trung” trong nho giáo chỉ một chiều, còn chữ “trung” ở Việt Nam đòi hỏi mối quan hệ hai chiều đầy tình nghĩa. Trong tuồng của người Việt có câu: “Quân đãi thần như thủ túc, thần sự quân như phụ mẫu. Quân thị thần như thảo giác, thần thị quân như khấu thù”. Nhân nghĩa của ta là phải gắn liền với yêu nước thương dân, vì dân mà trừ bạo ngược chứ không giản đơn chỉ quan hệ người và người: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
  • 24. (Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi) Ngư rằng tôi chẳng lòng sờn Xin tròn nhân nghĩa còn hơn bạc vàng” (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu) Chữ “nghĩa” trong quan niệm của người Việt có nội dung gần như trùng khít với chữ “tình”: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm Người dưng có nghĩa trăm năm cũng chờ” (Ca dao) Bài ca dao dưới đây phần nào cho thấy khả năng đồng hóa Nho giáo mãnh liệt của truyền thống văn hóa Việt Nam: “Mình về em chẳng cho về Em nắm vạt áo em đề câu thơ Câu thơ ba chữ rành rành Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba Chữ Trung thì để phần cha Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình” Đối với Phật giáo, ta tiếp thu sự bình đẳng, lòng từ bi, bác ái. Những điều này phù hợp với tinh thần nhân ái dân chủ truyền thống của dân tộc. “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông” Nó hiện thành ông bụt, bà tiên cứu giúp người hoạn nạn như các câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa lưu truyền mãi muôn đời… Đồng thời cũng loại bỏ chủ trương tu hành khổ hạnh, diệt dục giáo điều mà nhập thế giúp đời như nhà sư Vạn Hạnh, Mãn Giác thiền sư... Như vậy, Phật giáo là sự lựa chọn tối ưu của người Việt, bởi họ nhận thấy tư tưởng Phật giáo không phải là một hệ thống lí thuyết phức tạp mà căn bản là dựa vào con người, lấy con người làm trung tâm. Trước Phật, tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, ai cũng có thể tìm đến Phật. Tìm đến với Phật là tìm đến ông bụt, Phật bà, Mẫu để được cảm thông, chia sẻ, được chở che, bảo vệ, được phù hộ độ trì cho cuộc sống hằng ngày đầy khó khăn vất vả nhưng cũng rất hạnh phúc này. Cho nên người Việt chỉ tiếp nhân đạo Phật chủ yếu như một phương thức làm giàu cuộc sống tinh thần, làm đẹp thêm mối quan hệ giữa người với người theo quan niệm “ở hiền gặp lành”, “tu nhân tích đức” để đức cho con cháu mai sau hoặc lấy triết lí nhân quả “ác giả ác báo” để răn mình không phạm điều sai quấy. Sống tin tưởng vào lẽ phải ở đời, có lòng yêu tương cuộc sống làm điều thiện, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, sống vị tha nhân ái, hiếu thảo với bố mẹ ông bà…là niềm tin thiêng liêng cao cả không khác gì niềm tin tôn giáo cao siêu.
  • 25. Sống trong một xã hội luôn có những bất trắc rình rập, đe dọa, con người bất lực trước những mối hiểm họa không ngờ, khi đó Đạo giáo đến và giúp con người ta những biện pháp cầu khẩn, lễ bái, trừ ta ma để con người cảm thấy yên tâm rằng có thể khống chế mọi nguy hiểm. Vì vậy người Việt rất tin thuật bói toán, phong thủy, tướng số. Người Việt còn tiếp thu tinh thần thanh cao, trong sạch, an bần lạc đạo, tu dưỡng tinh tình khí tiết chứ không đề cao chủ trương xuất thế một cách tiêu cực. Khi xã hội có nạn xâm lăng, các đạo sĩ, thiền sư, nho sĩ đều cầm giáo diệt giặc. Từ sự hội nhập ý thức ấy cho thấy, các mặt tích cực của ba hệ tư tưởng góp phần tỏa sáng hai mặt yêu nước, thương người trong bản lĩnh tư tưởng của dân tộc, phục vụ đắc lực cho đời sống dân tộc ta. Đã đưa tới sự gặp gỡ với tín ngưỡng dân gian nhất là ở Phật và Đạo, rồi trở thành hành vi, lễ tục ở từng cộng đồng làng xóm. Dân gian truyền tụng câu “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Quả vậy! Bất kì ở làng nào cũng có đình thờ các vị thần có sắc vua phong, đền thờ các vị tiên thánh, các bậc có công đức lớn như Quan Thánh Đế quân, như Hưng Đạo Đại vương… Chùa không chỉ là không gian dành riêng cho việc thờ Phật mà còn là nơi thờ Mẫu, thánh hiền Đạo Nho, các tiên thánh Đạo Lão và cả các linh hồn người đã khuất. Sự chung cùng ấy có từ xưa và tồn tại mãi đến ngày hôm nay trong đời sống dân gian Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, cảnh chùa đẹp, hội chùa vui, cửa chùa rộng mở và đó còn là nơi phong cảnh hữu tình để cho bao chàng trai cô gái tình tự như lời ca dao xưa “Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Người Việt nhận ra rằng, tam giáo thoạt đầu thì thấy khác nhau nhưng nhìn kĩ thì thấy nhiều khi chỉ là cách diễn đạt khác nhau về cùng một khái niệm. Đàn ông dương tính thiên về Nho. Phụ nữ âm tính thiên về Phật. Cùng một con người Việt Nam, khi trai trẻ thì học Nho để ra giúp nước; khi khổ ải trầm luân thì cầu trời khấn phật; khi ốm đau già yếu thì mời đạo sĩ chữa bệnh, trừ tà. Ca dao Việt Nam có câu: Dân tộc ta bốn nghìn năm lịch sử Từ Đinh, Lý cho đến Trần, Lê Dân ta giữ đạo bồ đề Nữa tu chân chính, nữa tề quốc gia. Hay như bài thơ được lưu truyền trong nhân gian nói về việc vua Lý Nhân Tông ca ngợi bản lĩnh cao cường của thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền: “Giác Hải tâm như hải Thông Huyền đạo diệc huyền Thần thông kiêm biến hóa Nhất Phật, nhất thần tiên” Khi Nho giáo được coi là khuôn vàng thước ngọc trong việc xây dựng thể chế nhà nước thì Phật giáo và Đạo giáo vẫn có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống quần chúng nhân dân. Có thể kể
  • 26. đến vua Lê Thánh Tông là một người tôn sùng đạo Nho, ấy thế mà ông vua này lại hay giao du với thần tiên. Có truyền thuyết cho rằng vua Lê Thánh Tông đến thăm chùa Ngọc Hồ, gặp một nàng tiên đẹp tuyệt trần, vua cảm hứng đề tặng bài thơ trong đó có hai câu đến nay vẫn được lưu truyền “Gió thông đưa kệ tan niềm tục Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời” Có thể truyền thuyết này chỉ là hư cấu nhưng cảnh ông vua “Nho” đi lễ chùa “Phật” lại gặp nàng tiên “Đạo” quả thật đã phản sự thực hiện tượng Nho, Phật, Đạo sống chan hòa với nhau trong tâm thức người dân Việt. Đáng chú ý là, ở chùa Dâu và lễ hội chùa Dâu thì tập quán phong tục, tín ngưỡng lễ thức dân gian giữ vai trò chủ đạo. Trong hội chùa Dâu, các lễ thức liên quan đến Phật giáo rất mờ nhạt. Trái lại các lễ thức và các trò diễn xướng dân gian liên quan đến các nữ thần: Mẫu Man Nương, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi lại nổi bật lên hàng đầu. Tựu chung lại, ba học thuyết Phật, Đạo, Nho khi vào nước ta đã bị đồng hoá thành “tam giáo đồng nguyên”. Quần chúng nhân dân vẫn giữ vai trò chủ đạo. Họ tiếp nhận các giáo theo cách của mình, theo cảm xúc tâm hồn của mình về cuộc sống. Sống thoải mái trong thế giới tam giáo đồng nguyên ấy, người Việt tỏ ra không bị ràng buộc nhiều bởi một giáo nào. Họ được tự do lựa chọn điều mình muốn, tin theo điều mình cần. Tuy thế vẫn còn chút phân biệt, trong gia đình, đặc biệt là các gia đình nho sĩ, khuôn phép, nho giáo là yếu tố ràng buộc; còn trong xã hội, niềm tin vào phật giáo, vào khả năng luân hồi chuyển kiếp thông qua con đường tu nhân tích đức thì đức tin giữ vai trò quan trọng. Tin vào kiếp sau là một niềm tin lạc quan, cổ vũ cho cuộc sống hướng thiện và tích cực làm điều thiện. Trong thực tế cuộc sống, chùa, đền, đình…là trung tâm văn hóa của làng xã. Tại đây diễn ra các lễ hội dân gian mà trong đó các tín ngưỡng, các tôn giáo đan quyện vào nhau tạo nên phần hồn linh thiêng của lễ hội, là tác nhân đoàn kết cộng đồng. Người Việt luôn tâm niệm “Phật tức tâm, phật tại tâm” và cũng định chuẩn: thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ , thứ ba tu chùa. Đối với người Việt Nam, đạo nào cũng đuợc coi trọng, miễn là không đi ngược lại đạo đức căn bản của dân tộc, trái với thuần phong mĩ tục của nhân dân, không phản lại lợi ích của cộng đồng, của đất nước. 1.2. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn
  • 27. Hình 1.2 Tượng đài thi hào Nguyễn Du (1766-1820) 1.2.1.Quan niệm và cách nhìn của Nguyễn Du Một sự thật hiển nhiên rằng tư tưởng của Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều là rất phức tạp và lắm khi mâu thuẫn nhau. Nhưng tựu chung lại, nghiên cứu tác phẩm của ông, người ta cho rằng ở đó có sự chi phối mạnh mẽ của ba luồng tư tưởng Nho- Phật – Đạo. Điều này không sai. Song vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có thể qui tất cả mọi sự, việc xảy ra trong sáng tác của Nguyễn Du nói chung, Truyện Kiều và Văn chiêu hồn nói riêng vào trong vòng cương tỏa của tam giáo? Khi mà Nguyễn Du là người Việt, huyết mạch chảy trong người ông là dòng máu Tiên Rồng? Và khi mà các hệ tư tưởng tôn giáo du nhập vào nước ta đã có quá trình thích nghi và hỗn dung với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hóa mặc nhiên trở thành chất truyền thống văn hóa đậm đà sắc Việt? Và nếu thế, hạt nhân thực sự làm chất mới, sắc màu mới cho truyện Kiều phải có cơ sở từ truyền thống văn hóa Việt. Cho nên trước hết và trên hết, phải khẳng định rằng quan niệm và cách nhìn của người con xứ Nghệ chịu sự chi phối của tín ngưỡng dân gian- tín ngưỡng truyền thống của người Việt chứ không phải là những triết lí, những học thuyết cao siêu kia. Thật vậy, yếu tố tâm linh gắn liền với tín ngưỡng truyền thống bàng bạc khắp sáng tác của ông không chỉ có trời, Phật, thần linh trong vũ trụ hay linh hồn người đã chết mà còn có không khí Lễ hội; không chỉ có mồ mã tha ma, nghĩa địa hay chiêm bao, mộng mị, bói toán mà còn có cả khấn vái, thề nguyền…Dù rằng trừ Văn chiêu hồn, nội
  • 28. dung chính của Truyện Kiều không nói đến vấn đề này, cũng không phải do sự sắp xếp định lượng trước mà dường như tất cả cứ chực tuôn trào tư trong sâu thẳm tiềm thức của thi nhân. 1.2.2. Truyện Kiều Cũng như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du là một trong những thiên tài sớm được hấp thụ tinh hoa từ văn học, văn hóa dân gian kết hợp với chất xúc tác của thời đại “lịch sử đầy biến động” đã làm thăng hoa, hiện hữu một tác phẩm mang dấu ấn văn hóa Việt sâu đậm “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” hay “Đoạn trường tân thanh” là do Nguyễn Du sáng tạo lại từ tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Tình tiết, cốt truyện, những biến cố, những địa danh đều được tác giả vay mượn từ Kim Vân Kiều truyện. Nhưng một tác phẩm văn học khi ra đời, bao giờ cũng ảnh hưởng nền văn hóa nước đó. Nguyễn Du là người Việt, nên văn hóa Việt thấm sâu vào máu thịt của ông. Do đó, dù Truyện Kiều có đề cập đến địa danh, tình tiết của Trung Quốc thì cũng không ảnh hưởng gì đến giá trị tác phẩm. Cuộc sống, cách sống và thái độ sống của các nhân vật trong Truyện Kiều là của người Việt Nam. Thật thế! Nếu Truyện Kiều chỉ giản đơn là câu chuyện về cuộc đời khổ nhục, bị đày đọa của một người con gái như trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thì chắc chắn rằng Truyện Kiều không thể có sức sống mãnh liệt, hay có vị trí sâu sắc trong lòng quần chúng nhân dân đến thế. Truyện Kiều là cả một bức tranh xã hội rộng lớn về cuộc sống dưới thời phong kiến thối nát. Mà Nguyễn Du đã nói lên được nỗi day dứt đến đau đớn, khi nhìn thấy quyền sống của con người trong cảnh dâu bể, trong những đổi thay trớ trêu khôn lường của cuộc đời, trong sự áp bức bạo tàn của chế độ phong kiến. Trong cơn dâu bể, thân phận của con người thật mỏng manh, bị quăng quật, bị vùi dập, bị dày xéo đến xác xơ mà ở đó đâu chỉ có thế lực hữu hình, đồng tiền, nhà chứa mà còn có cả thế lực vô hình, đủ mọi tầng lớp hùa vào nhau để hành hạ con người, nhất là đối với người tài sắc. Đọc Truyện Kiều, hẳn không ai không xót xa trước cảnh ngộ của Thúy Kiều, cuộc đời của nàng là một tấm gương oan khổ, một câu chuyện thê thảm về vận mệnh con người trong xã hội cũ. Đó là lí do giải thích vì sao đến một người Việt, dù không biết chữ cũng thuộc dăm ba câu Kiều. Người bình dân thích Kiều không chỉ vì Truyện Kiều dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc mà sâu hơn vì ít nhiều đã bắt gặp mình trong đó. Bắt gặp mình trong những lời buồn thương, trong những câu oán thán, trong thân thế trầm luân của Thúy Kiều, trong niềm tin tín ngưỡng về lực lượng siêu nhiên, linh hồn người đã khuất… Những tình, những cảnh trong đời Kiều cũng là những tình, những cảnh trong đời họ. Nói rộng ra, người bình dân thấy cuộc sống diễn ra muôn hình vạn trạng trong Truyện Kiều cũng như trong thực tế. Với tình thương vô bờ bến, Nguyễn Du đã phẫn nộ trước những thế lực chà đạp con người, hủy hoại tài năng, là sự đồng cảm vượt không gian thời gian bênh vực con người tài sắc trong xã hội mục ruỗng thối nát. Cái xã hội ấy không dung nổi hồng nhan và “hồng nhan bạc mệnh” đâu phải là một thành kiến để thở than, bốn chữ này là bản tổng kết kinh nghiệm của sự đời ngàn
  • 29. năm dưới chế độ phong kiến. Do đó, như có một sợi dây vô hình ràng buộc những con người đồng hội đồng thuyền “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” lại với nhau, cảm thông nỗi niềm của nhau. Truyện Kiều là cả một thế giới. Người ta bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều… Từ những cách nhìn nhận đánh giá trên cho thấy, Truyện Kiều của Nguyễn Du dường như đã ăn sâu vào trong từng nếp nghĩ của mọi người dân Việt Nam và có một ý nghĩa khá quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Vì vậy, theo chúng tôi, một trong những yếu tố làm nên sức sống của Truyện Kiều do bởi tác phẩm đã mang trong mình những nét đặc sắc của truyền thống văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa tâm linh (văn hóa tín ngưỡng). 1.2.3.Văn chiêu hồn Văn tế là hình thức khá quen thuộc trong văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Nó thể hiện tâm trạng tiếc thương của người sống đối với người đã chết. Đó là nỗi đau xót trước sự mất mát, tan vỡ của mỗi con người, là nhu cầu thể hiện lòng mình và cũng là để gieo vào lòng người một sự cảm hoài và sâu lắng. Trong giai đoạn thế kỉ XVIII này văn tế xuất hiện rất nhiều: Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh, văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, văn tế Quang Trung của Lê Ngọc Hân… Song có lẽ văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du là một tác phẩm có một không hai trong nền văn học chúng ta. Bởi với Chiêu hồn, cả loài người được bàn đến. Chiêu hồn từng con người trong cái chết, từng giới, từng loài với những nét riêng khác nhau. Nói như Chế Lan Viên: “Nghĩ mà xem, trước “Chiêu hồn” chưa hề có bài văn nào đem cái “run rẩy mới” ấy vào văn học. Sau “Chiêu hồn”, lại càng không. “Truyện Kiều” nâng cao lịch sử thơ ca, thì “Chiêu hồn” đã mở rộng địa dư của nó qua một vùng xưa nay ít ai động tới: cõi chết”[11,tr245] Với 184 câu thơ, Văn chiêu hồn đem lại sức sống mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Mở đầu là cái nhìn bi thiết về cuộc đời, tiếp đó là hàng loạt cô hồn hiện ra, mỗi loài mỗi khác nhưng đều thở than dưới đất ăn nằm trên sương, cuối cùng là tác giả đã nguyện cầu phép Phật tế độ các oan hồn sớm được siêu thoát. Thử lùi xa hơn, ta không quên, văn học Việt Nam từng có một Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của vua Lê Thánh Tông. Vị vua giàu đức nhân này nghĩ về những kiếp người, vì mệnh bạc phải ra cô hồn vất vưởng. Nhưng tác phẩm của ông, với lối văn biền ngẫu, qua bài kệ luật Đường, đã không len lỏi được, lan rộng tới quảng đại quần chúng. Lại nữa, tác phẩm ấy còn mang lời lẽ, khẩu khí của một ông vua, ngồi từ ngôi cao, mà khuyên răn bá tánh, thành ra khó chan hòa cùng nước mắt sùi sụt của lê dân. Trong khi đó, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du lại tuôn chảy theo thể thơ song thất lục bát, thiết tha trầm bổng. Tác phẩm này mới thật sự là tiếng khóc (tế). Nguyễn Du viết về mười sáu loại người bất hạnh, trong tư cách một số phận đã, đang, rồi cũng phải chìm trong bể khổ. Viết Văn chiêu hồn, Nguyễn Du viết cho người mà thành ra như viết cho mình. Gan ruột và nước mắt giãi bày cả ra, chính vì lẽ đó.
  • 30. * * * Văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần có một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội nhưng trên hết tâm linh vẫn là của con người, ở niềm tin thiêng liêng của con người vào cuộc sống, vào tín ngưỡng, tôn giáo. Văn học là một biểu hiện của văn hóa, là sản phẩm của văn hóa, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Do đó, việc tìm hiểu và phản ánh văn hóa thông qua tác phẩm văn học là rất cần thiết. Nó vừa thể hiện hiện tư tưởng, cách nhìn, quan niệm của tác giả khi sáng tác tác phẩm, đồng thời khẳng định sức sống, sức ảnh hưởng của tác phẩm trong trái tim người dân Việt cũng như khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam với bạn bè thế giới. Dựa vào những vấn đề chung về văn hóa tâm linh, chúng tôi đi vào thống kê, phân loại và đánh giá các biểu hiện của tâm linh trong tác phẩm Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du.