SlideShare une entreprise Scribd logo
1  sur  31
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
"NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI ?"
Kính thăm cha già Louis Nguyễn Văn Qui, và quý anh chị Gia
Đình An Phong,
Một ngày đầu tháng 7 năm nay, con đang dự Công Hội Tỉnh
DCCT tại Kỳ Đồng thì được tin có khách tìm con, đông lắm, ngồi đầy
cả nhà khách Tu Viện. Đúng lúc được nghỉ giải lao, con vội chạy ra,
ngỡ ngàng và mừng vui, tưởng ai, hoá ra là cha Fabiano Lê Văn
Hào, Dòng Thánh Bosco, cùng các anh chị Gia Đình An Phong.
Vậy là năm nay nữa, cha lại không thể về với con cái được.
Chỉ có mấy phút bàn bạc, con liền đề nghị ngoài việc tĩnh tâm và
dâng Thánh Lễ đúng ngày Lễ Thánh An Phong 1 tháng 8 tại Nhà
Nguyện Dòng Xitô trên núi Vũng Tàu, Gia Đình mình hãy cùng nhau
làm một tập kỷ yếu ghi dấu 50 năm Gia Đình An Phong và mừng
thượng thọ cha già Louis 90 tuổi. Thời gian chỉ còn chưa tới một
tháng, chắc chắn không thể kịp ra mắt một tập sách hoàn hảo trang
trọng, nhưng có được đến đâu ta cứ làm đến đấy, đúng tinh thần của "dân Bụi", miễn là cha già vui, anh
chị em mình vui là được, có dịp hồi ôn kỷ niệm xưa mà tạ ơn Chúa, biết ơn cha già và cám ơn nhau…
Vậy là đã hai năm liền con được làm quen, hoà mình vào với Gia Đình, ít là trong ngày mừng Lễ
kính Thánh An Phong, cũng là ngày truyền thống kỷ niệm thành lập Gia Đình An Phong. Thật ra, tuy
không được ở "thâm niên" với cha, không được làm con của cha như nhiều anh chị tại Vũng Tàu,
nhưng con cũng may mắn có được nhiều cơ duyên tuyệt vời với cha.
Kỷ niệm đầu tiên…
Chúa Nhật 26.8.2001, con đưa một thông tin cần trợ giúp khẩn cấp lên tờ báo điện tử mang tên
Gospelnet số 23 ( nghĩa là Mạng Lưới Tin Mừng ) như sau:
"Có một em dân tộc ở Kon Tum tên là A Vương, sinh ngày 26.11.1982, là cháu của một chị Nữ
Tu Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum, ngụ tại làng Kon Hra Chot. Em A Vương là một trong những người dân
tộc đầu tiên là học sinh giỏi thi đậu liền 2 trường Đại Học Y Tây Nguyên và Đại Học Giao Thông Vận Tải
Sàigòn. Vào năm học mới em sẽ phải đóng học phí 1.800.000 đồng cho trọn năm học, tính theo giá bây
giờ phải gấp mười lần thế. Gia đình A Vương lại có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không thể lo liệu nổi
số tiền lớn như thế. Đã gần hết thời hạn quy định, và chắc chắn em sẽ bị nhà trường loại bỏ không
thương tiếc…"
Lúc ấy, con chỉ có trong tay đúng 500.000 đồng nên nhờ anh em trong Dòng chuyển ngay lên
Kon Tum, coi như một phần nhỏ khích lệ gia đình em A Vương đừng vội nản lòng nhưng cứ kiên trì cậy
trông vào Chúa. Như vậy, vẫn còn cần thêm 1.300.000 VND mới đủ !
Báo gửi đi vào lúc 22g buổi tối khuya Chúa Nhật 26.8.2001 bên Việt Nam, không ngờ bên Pháp
lúc ấy là 17g chiều cùng ngày, cha già Louis mở chiếc computer cũ kỹ do chính tay các em Bụi Đời Việt
Nam bên Pháp tận dùng đồ phế thải lắp ráp, cha nhận được số báo Gospelnet qua Email, đọc thông tin
về em A Vương xong, cha gọi điện thoại về Việt Nam cho chị Trần Thị Nghiêm, Gia Đình An Phong tại
Vũng Tàu, lúc ấy đã là nửa đêm bên Việt Nam…
Sáng tinh mơ thứ hai 27.8, lúc 6g30 sáng, con vừa dâng Lễ trong Tu Viện xong, một chiếc
Honda cũ mèm đỗ xịch trong sân Nhà Dòng, tài xế chắc cũng là dân An Phong, hỏi con có phải là cha
Quang Uy không rồi đưa luôn số tiền 1.300.000 VND, bảo là cha Quy từ bên Pháp nhắn anh em Gia
Đình An Phong Vũng Tàu lo vụ này, dứt lời anh quành xe phóng luôn, đúng phong cách… Bụi !
1
NĂM THỨ 15 – SỐ 630 – CHÚA NHẬT 2.11.2014
Con mừng quá, vào gọi điện thoại ngay, nhờ thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, cũng gốc
Kon Tum ( nay đã là Linh Mục truyền giáo bên Paraguay ) tìm cách chuyển khoản ngay số tiền này lên
Tây Nguyên. 10g sáng hôm ấy, khi em A Vương đến văn phòng Trường Đại Học Y Tây Nguyên đóng
xong 1.800.000 VND, thì không ngờ, cũng là vừa lúc hết thời hạn. Hú vía !
Hiện nay, em A Vương đã là một bác sĩ trẻ Nhi Khoa. Cách đây mấy năm, khi cha già đang về
thăm Việt Nam thì ngã bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Con có báo tin cho bác sĩ A Vương, A Vương đã
tìm cách vào tận nhà thương chào cha để nói lời tri ân. Mười năm trước, nếu cha già đã không chạnh
thương và quyết đoán nhanh nhạy, và nếu các anh chị An Phong Vũng Tàu cũng không chạnh thương
kèm theo lòng nhiệt thành xốc vác, phóng xe hơn một trăm hai mươi cây số từ khi trời chưa rạng sáng
để kịp góp một món tiền lớn, thì em A Vương đã phải dở dang việc học, thiệt thòi cho bản thân, cho
Giáo Hội, cho cả cộng đồng dân tộc của em…
Kỷ niệm thứ nhì…
Sau đó mấy tháng, cuối năm 2001, con được dịp lang thang sang Pháp. Cha Qui từ Ermont-
Eaubonne gọi điện thoại lên Paris hỏi con có muốn theo cha một chuyến viếng Đức Mẹ Lourdes ( Lộ
Đức ) không, con mừng như bắt được vàng, ước mơ bao lâu nay thế là được toại nguyện. Cũng xuất
phát từ một lần lâu lắm rồi cha già chạnh thương cưu mang một cô gái Việt ở trại tỵ nạn vượt biên. Bây
giờ cô đã định cư tại một nước Bắc Âu, lập gia đình nhưng lại mong mãi mà chưa có con, cô ấy muốn
hành hương về Lourdes xin Mẹ Maria ban ơn cho khỏi hiếm muộn, cô không giàu có, chỉ vừa đủ sống,
nhưng sẵn sàng lo mọi sự, miễn là có cha già Louis kính yêu cùng đi. Cha già lại muốn cho cha trẻ bên
Việt Nam được "ăn theo" chứ cha già biết rõ con chẳng có tiền túi rủng rỉnh đâu mà dám đi một mình.
Từ Paris ba cha con đi xe lửa xuôi xuống miền Nam nước Pháp trong đêm. Đến Lourdes, cha
quen biết rộng nên xin trọ được tại một nhà nghỉ bình dân nhỏ bé của AED ( Aide à l'Église en Détresse
– Hội trợ giúp các Giáo Hội đang bị bách hại ). Chị phụ trách là một người đặc biệt thánh thiện, chị chỉ
ăn mỗi ngày 3 khoanh bánh mì khô với nước lã, còn hơn người Phật Giáo ăn chay trường. Chị gầy tong
teo nhưng khoẻ lắm, đi thoăn thoắt. Cả ngày lo mọi sự tại nhà nghỉ thật chu đáo, xong là chị lại mấy
phen xải chân cuốc bộ ra cầu nguyện Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức.
Tội nghiệp cha già Louis, năm ấy đã 78 tuổi, trong suốt 3 ngày ở Lourdes vẫn cố gắng ì ạch lặc
lè chậm bước theo sau ông cha trẻ 42 tuổi và chị ân nhân 45 tuổi từ nhà nghỉ ra với Đức Mẹ, một ngày
ba bận đi đi về về.
Dạo ấy trời đã tàn Thu lập Đông, mưa chỉ còn lâm thâm dai dẳng, mây xám, gió heo may bắt đầu
se se lạnh, cây cối đã trụi lá khẳng khiu, lạ thay, tất cả lại làm cho khách hành hương càng cảm thấy tha
thiết gắn bó với Mẹ Maria, có những người tận Philippines sang, quỳ gối lết đến với Mẹ cả quãng đường
6, 7 trăm mét từ cổng vào, có người từ bên Đông Âu sang phủ phục xuống nền gạch trước Hang Đá lúc
nào cũng ướt đầm nước mưa…
Một hôm, con với cha già Louis đứng hai bên đồng tế với ông cha Tây ngay trong Hang Đá nơi
Đức Mẹ hiện ra ngày xưa với chị Bernadette Soubirous năm 1858. Thánh Lễ được truyền trực tiếp trên
sóng radio đi tất cả các nước nói tiếng Pháp ( Francophone ) và con được dâng lời cầu nguyện bằng
tiếng Pháp cho quê hương Việt Nam.
Với cha già Qui thì có một câu chuyện vừa vui vừa thấm thía. Một hôm cha già dắt con leo dốc
lên phía trên Hang Đá Lộ Đức, nơi tọa lạc một Vương Cung Thánh Đường hết sức nguy nga dâng kính
Đức Mẹ. Cha mệt quá, thở phì phò, ngồi uệch luôn xuống trước bậc thềm trước cửa Nhà Thờ, còn con
thì đứng gần đó ngơ ngẩn dõi mắt ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên cuối Thu với đồi núi chập trùng,
sông suối hiền hoà và rừng cây an nhiên.
Bỗng có một bà già chắc cũng trạc tuổi cha Qui bước tới ngay chỗ cha ngồi, chạnh lòng thương vì
ngỡ cha là một ông cụ hành khất người Trung Quốc nghèo khổ và khuyết tật, bà mở ví lấy tiền bố thí cho
cha, hình như nhiều lắm, cũng đến mấy chục Francs ( lúc ấy chưa đổi Euros ). Cha mỉm cười cám ơn bà
cụ bằng tiếng Pháp rất ư là lịch thiệp của dân Tây, xong xuôi cha lồm cồm ngồi dậy, ì ạch chậm rãi bước
tới hòm tiền công đức trước cổng Đền Thờ. Bà già Tây há hốc mồm nhìn rồi kêu lên ( đương nhiên bằng
tiếng Pháp ) ý là: "Ơ ! Cái ông già này, tôi cho ông chứ có cho Nhà Thờ đâu !" Cha già ôn tồn mỉm cười
lần nữa bảo bà: "Vâng, cám ơn, bà đã cho tôi rồi thì là của tôi, tôi muốn cho lại Nhà Thờ là quyền của tôi
chứ !" Và cha bỏ tọt luôn số tiền vào hòm công đức trong sự hậm hực bất bình của bà già kia.
Bà kia bỏ đi rồi, cha già mới bảo tôi: "Bên Tây này nó vậy đó, giúp người nghèo, làm việc bác ái
cỡ nào họ cũng sẵn sàng, họ coi như một nghĩa vụ xã hội tự nhiên, nhưng bảo giúp cho Giáo Hội thì dứt
khoát không, họ bảo Giáo Hội giàu quá rồi !" Con cứ phải ngẫm nghĩ mãi về lời nhận định này của cha.
Biết đâu rồi có ngày không khéo Giáo Hội Việt Nam mình cũng sẽ rơi vào bi kịch này khi người ta mất
lòng tin tưởng đối với hàng Giáo Sĩ, mất sự gắn bó gần gũi với cả Giáo Hội…
2
Rời Lourdes về lại Paris, con còn được mấy dịp đi với cha già Louis, ngồi xe hơi do chính cha cầm
lái, toàn đồ cũ lắp ráp tái chế nhưng chạy bon bon trên xa lộ, qua mỗi nơi nào đặc biệt cha đều giải thích
và kèm theo một câu chuyện lý thú, mở mang trí óc cho ông cha trẻ. Con được đến và ở lại ngồi nhà thị
trưởng Ermont-Eaubonne tặng cho cha làm "Biệt Thự Bụi", nuôi đến mấy chục anh chị em Việt Nam đủ
"thể loại": sinh viên, bệnh nhân tâm thần nhẹ, người vô gia đình, mỗi người một hoàn cảnh, một tính khí,
một khát vọng, họ cùng dâng Thánh Lễ, cùng cầu nguyện, cùng làm việc để mưu sinh, cùng ăn bữa cơm
huynh đệ, cùng trùm chăn ngủ chung dưới một tầng hầm, và có cùng một người cha già biết trân trọng và
luôn yêu thương từng mảnh đời Bụi trên đất khách quê người…
Truyện Kiều có câu: "Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không ?” Con
mang máng nhận ra cũng có một cái "duyên" gì đấy giữa con với cha, giữa con với các anh chị Gia Đình
An Phong, để khi cha yếu mệt không về Việt Nam năm ngoái, cha Fabiano Hào đến DCCT có ý xin cha
Giám Tỉnh cử một cha tạm thời thay mặt cha già Louis để lo cho Gia Đình An Phong dịp Lễ truyền thống
1 tháng 8, tự dưng con lại lơn tơn đi ra, cha Hào ngỏ ý, con liều lĩnh nhận lời ngay, có lẽ tất cả chỉ vin
vào cái "duyên" con từng có được với cha già từ năm 2001 như con vừa kể trên đây…
Vậy, tuy con không phải là dân "Bụi", con vẫn xin cha già công nhận cho con từ hôm nay được
làm thành viên của Gia Đình An Phong. Con tin cha không nỡ nào từ chối, cha nhỉ ?
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT 27.7.2013
MỤC LỤC TÌM BÀI:
"NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI ?" ( Lm. Giuse Lê Quang Uy ) .......................................................... 01
NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN ( Thanhcavietnam.net ) ....... 03
CÁC THÁNH NAM NỮ LÀ AI ? ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ............................................................. 04
CÁC THÁNH LÀ AI VẬY ? ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ..................................................................... 07
SINH VÀ TỬ HIỆP THÔNG ( AM. Trần Bình An ) ................................................................................. 08
HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT ( J. Chuyên ) ....................................................................... 10
CÓ TÔI KHÔNG ? ( Pio X Lê Hồng Bảo ) ............................................................................................. 11
SỐNG VÀ YÊU ( Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) .................................................................................. 12
CÁO PHÓ: Lm. LOUIS NGUYỄN VĂN QUI, DCCT ĐÃ VỀ NHÀ CHA TRÊN TRỜI .............................. 13
GIA ĐÌNH AN PHONG: GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI… ( Lm. Louis Nguyễn Văn Qui ) ................. 13
HỒI ỨC MỘT GIA ĐÌNH BỤI ( Nguyễn Thị Lan ) .................................................................................. 15
KỶ NIỆM TUỔI THƠ ( Mai Trâm ) ......................................................................................................... 16
BÔNG HỒNG BÁO ÂN ( Kết – Quỳnh – Long ) ..................................................................................... 16
NÍU BƯỚC THỜI GIAN ( Catê ) ............................................................................................................ 17
NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ 6 ( Góc Nhìn từ Vatican ) .............. 19
ĐỨC PHANXICÔ LÊN TIẾNG VỀ TÌNH TRẠNG TỒI TỆ CỦA NHÀ TÙ ( Góc Nhìn từ Vatican ) .......... 20
GIA ĐÌNH TRUYỀN GIÁO ( Trầm Thiên Thu ) ...................................................................................... 21
PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 24: DỰNG LẠI NHÀ CHO ĐẤNG… ( Nguyễn Trung ) ..................... 22
NHỮNG QUẢ NHO DỮ DỘI ! ( Nancy Nguyen ) ................................................................................... 27
PHÍA SAU HỌ LÀ NHỮNG BẬC CHA MẸ CAN ĐẢM ! ( Nguyệt Quỳnh ) ............................................. 28
QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ...................................................................... 30
NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ ( 1 tháng 11 )
Ở Hoa Kỳ, ngày 31.10 là Halloween, ngày lễ đã bị tục hóa thành một ngày có tính cách ma quái
bí ẩn, mà thật ra tên gọi đúng là Halloween, cách gọi tắt gồm nhóm từ All Hallow Even, ( All Hallow là
Các Thánh; Even, Lễ Vọng ), có nghĩa "Lễ Vọng Các Thánh".
Theo Francis Mershman, qua Thánh Truyền, Lễ Các Thánh Nam Nữ đã có từ lâu đời trong Giáo
Hội do lòng mến mộ của giáo hữu đối với các Thánh. Trong hai ba thế kỷ đầu, người Kitô hữu có thói
quen mừng lễ kính nhớ một vị Tử Đạo vào chính ngày vị Thánh ấy hy sinh mạng sống vì Chúa, tại nơi
chịu chết vì đạo. Từ thế kỷ thứ 4, khởi đầu có thể thức các giáo phận lân cận hiệp thông với nhau về
ngày lễ, rước hài cốt các Thánh và mừng lễ các nhóm Tử Đạo chung cùng một ngày với nhau.
Tuy vậy, Giáo Hội muốn vị Thánh nào biết rõ ngày tử đạo thì có lễ riêng, còn các vị không rõ ngày
thì lễ chung vào một ngày. Ví dụ: Có ngày lễ riêng kính Thánh Gioan Tẩy Giả bị xử trảm, và lễ chung kính
các Thánh Tử Đạo vào Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống. Ðến khi thể thức phong Thánh được thiết lập, số
các Thánh tăng thêm, và trong lịch Phụng Vụ có Lễ Các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẩn Tu, v.v..
3
CÙNG TÌM HIỂU
Chính Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III ( 731-41 ) đã dành một Nhà Nguyện tại Vương Cung Thánh
Ðường Thánh Phêrô, ở Rôma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1.11 cố định là Lễ
Các Thánh Nam Nữ.
Về sau, Ðức Grêgôriô IV ( 827-44 ) mở rộng Lễ 1.11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV
( 1261-64 ) minh định: “Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các
thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh
vào các ngày lễ trong năm phụng vụ” ( Cat. Enc., Volume I, by Kevin Knight 1999 ).
NGUỒN GỐC LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN ( 2 tháng 11 )
Cũng theo Francis Mershman, lễ
tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được
Giáo Hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần
học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những
ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của
Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy
cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về Ơn
Cứu Độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu
một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt
được sự thánh thiện cần thiết để bước vào
niềm vui thiên đàng.
Giáo Hội gọi cuộc thanh luyện sau
cùng này của các người được chọn, hoàn
toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án
phạt. Khi trình bày Giáo Lý của Đức Tin về
việc thanh luyện tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh (
1Cr 3, 15; 1Pr 1, 7 ), Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: “Ðối với một số lỗi lầm nhẹ,
ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã
dạy...” ( Giáo Lý, 1030-1031 ).
Vào thời Giáo Hội tiên khởi, người Kitô hữu có thói quen ghi tên các giáo hữu đã qua đời vào
“danh sách những người đã ra đi” để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Các Dòng Bênêđitô có nghi
thức tưởng nhớ đến các thành viên Tu Sĩ đã qua đời. Tại Tây Ban Nha, có ngày cầu cho các linh hồn
vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, hoặc Thứ Bảy trước Lễ Hiện Xuống. Tại Ðức, từ khoảng cuối thế kỷ 10, có
lễ cầu hồn vào 1.10. Lễ này được Giáo Hội chấp thuận.
Khởi đầu từ tu viện Cluny, năm 1080, các Tu Hội Bênêđitô mỗi năm dành một ngày cầu cho Các
Ðẳng Linh Hồn. Sau đó, lễ lan qua Bỉ, Pháp, Ý vào ngày 15.10 và chuyển đến ngày 2.11. Riêng tại Tây
Ban Nha, Đồ Đào Nha và Mỹ Latinh, ngày 2.11, các Linh Mục làm ba lễ. Giáo hữu trình thỉnh nguyện
thư xin tổ chức lễ cầu hồn trong Giáo Hội hoàn vũ và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ( 1878-1903 ) ban chỉ thị
làm lễ Cầu Hồn “Requiem” cho Các Ðẳng.
Trong các Giáo Hội theo nghi lễ Hy Lạp và Acmenia cũng có ngày Lễ Cầu Hồn.
Từ thanhcavietnam.net
CÁC THÁNH NAM NỮ LÀ AI ?
Năm Phụng Vụ diễn tả Lịch Sử Cứu Độ và tuyệt đỉnh của lịch sử này là cuộc Vượt Qua của
Chúa Giêsu Kitô. Năm Phụng Vụ có năm Mùa nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất –
mầu nhiệm cứu độ: Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ
chúng ta. Năm Mùa Phụng Vụ đều quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ. Ngài là Con Thiên Chúa nhập
thể, đã sinh ra, đã chết, đã sống lại, lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha, và gởi Thánh Thần đến với Giáo Hội.
Các ngày lễ về các Thánh nói lên thành quả của Ơn Cứu Độ. Mỗi vị Thánh được tôn phong hàng
ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của Ơn Cứu Độ. Các ngày lễ này có hai cao điểm:
- Lễ Đức Maria hồn xác lên Trời là chiều cao và chiều sâu của ơn cứu độ. Thiên Chúa cứu độ là
cứu cả hồn xác, toàn diện con người: “Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ… Người đã làm
những điều cao cả”.
4
CÙNG SUY NIỆM
- Lễ các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của Ơn Cứu Độ: “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ
đời nọ đến đời kia”.
Theo lời Sách Khải Huyền, các Thánh trên Trời là “một đoàn
người đông đảo, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi
ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và
Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta.
Các Thánh Nam Nữ là ai ?
Các Thánh Nam Nữ là những phúc nhân ( chữ của Đức
Cha Phaolô Bùi Văn Đọc ), những người đang hưởng hạnh phúc
đời đời bên cạnh Thiên Chúa. Các Ngài là tất cả những người đã
chết trong ơn nghĩa Chúa, đang thuộc trọn về Chúa. Các Ngài
sung sướng, vui mừng vì thấy mình được Thiên Chúa yêu
thương, được thấy Thiên Chúa tốt lành.
Các Thánh Nam Nữ là những người đã thực hiện những
điều mà Thánh Phanxicô Assisi dệt thành Kinh Hòa Bình: Đem
yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem
an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…
Các Thánh Nam Nữ đông vô kể: “Tôi lại thấy một Thiên
Thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời
mọc đi lên… Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn
người được đóng ấn” ( Kh 7, 2 – 4 ). Con số “một trăm bốn mươI bốn ngàn” chỉ là một cách nói để bày tỏ
sự viên mãn và hoàn hảo của dân Thiên Chúa, dân mới được Thiên Chúa cứu chuộc, thuộc về Thiên
Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa số học, số lượng. “Một trăm bốn mươn bốn ngàn” trong Khải
Huyền là một con số tượng trưng, một con số tròn đầy ( 12 x 12 = 144 ). Số kẻ được niêm ấn là tròn
đầy. Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như
nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa, 12 ngàn thuộc chi tộc Ruben, 12 ngàn thuộc chi tộc Gad… không
tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ. Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ. Bởi
ngay sau đó, Thánh Gioan viết tiếp: “tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi,
thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo
trắng, tay cầm nhành thiên tuế” ( Kh 7, 4 ).
Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Đó là cộng đoàn các Thánh Nam Nữ. Quả là
đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta
bảo thật các ngươi, nhiều kẻ tự phương đông, phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham,
Ixaác và Giacóp trong Nước Trời”.
Chính vì thế, ngoài những vị Thánh mà Giáo Hội đã xác định được và đã kính nhớ các Ngài vào
các ngày lễ trong năm, Giáo Hội còn dành ra một ngày lễ đặc biệt để long trọng kính nhớ hằng hà sa số
các vị Thánh mà Giáo Hội chưa hoặc không thể xác định được, gọi chung là các Thánh Nam Nữ. Chúng
ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chỗ cho mọi dân tộc.
Bí quyết nên thánh
Thánh Gioan viết: “Một trong các kỳ mục lên tiếng hỏi tôi: những người mặc áo trắng kia là ai
vậy ? Họ từ đâu tới ? Tôi trả lời: thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau
khi trải qua cơn thử thách lớn lao” ( Kh 7, 13 ). Thánh Tông Đồ đã nhìn thấy họ trên Thiên đàng, tràn
đầy hân hoan, ca hát chúc tụng Thiên Chúa: “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con
Chiên” ( Kh 7, 14 ).
Quả thực, việc thanh tẩy tội lỗi chỉ thành tựu nhờ máu Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, các
Thánh đã phải trải qua cuộc gian truân lớn. Vì tình yêu Đức Kitô, tất cả đã phải giao chiến với quyền lực
của sự dữ, với muôn nghìn đau khổ và khó nhọc. Nhưng Thánh Gioan cũng giới thiệu phần thưởng lớn
lao của các Ngài: “Họ đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Thiên Chúa… Họ sẽ không còn phải đói,
phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở
giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” ( Kh 7, 15 – 17 ).
Các Thánh “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Như thế, họ không phải là
những con người hoàn hảo, thánh thiện, tinh tuyền, không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào.
Không ai bẩm sinh đã là Thánh. Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, không là những con
người phi thường vượt trên đám đông nhân loại. Các Thánh càng không phải là những người bất thường
kỳ dị. Các Thánh là những con người bình thường như mọi người, nhưng các Ngài đã sống những điều
tầm thường một cách phi thường. Nhờ Ơn Chúa trợ lực, các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình
5
là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật, là đón nhận ân sủng của
Chúa vô điều kiện, hợp tác với ân sủng đó, vâng theo ý Chúa, chọn điều thiện, luyện tập nhân đức.
Có rất nhiều vị Thánh bởi vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong
bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được
hạnh phúc đích thực.
Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là
thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa. Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với
mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai. Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau
khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ
nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ
quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác. Có
người nên thánh, vì khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa. Có người nên thánh vì tâm
hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ. Có người
nên thánh vì hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình
an cho mọi người. Có người nên thánh, vì sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo
huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa.
Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị Thánh không có tên trong lịch,
nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị Thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị
Thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị Thánh là những người
con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị
Thánh là Nữ Tu, là Chủng Sinh, là Linh Mục, là Giám Mục. Có những vị Thánh là những con người đam
mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị Thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc
đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người. ( Đức Tgm. Phaolô Bùi Văn Đọc ).
Tuy có nhiều cách thức nên thánh, có vị nên thánh trong bậc tu trì, có vị lại nên thánh trong đời
sống gia đình, có vị nên thánh bằng các hoạt động tông đồ năng nổ, có vị nên thánh trong một đời sống
âm thầm, lặng lẽ, có vị nên thánh nơi pháp trường đẫm máu, có vị nên thánh chốn sa mạc cô liêu…
Nhưng tựu trung, tất cả các thánh đã gặp nhau trên một con đường. Đó là con đường hẹp, con đường
thập giá, Chúa Giêsu đã đi “qua đau khổ đến vinh quang”.
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.
Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người
được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy
nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc
Hiển Thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản
chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người
ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin Mừng,
người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có
thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo
Hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh
thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện
cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc,
dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của
Chúa Kitô. Giáo Hội phong thánh để tôn vinh Thiên Chúa và
khuyến khích chúng ta noi theo gương sống của Các Thánh.
Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là
một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên
hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" ( Mt 5, 48 ). Công Ðồng Vatican 2 cũng lập lại ý
tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh
thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" ( GH 11. 3 ). Trong các thư của Thánh
Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị Thánh. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, mọi tín hữu được tham dự vào
sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô 2 nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời
là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu
sẽ nên thánh.
Trong Năm Phụng Vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ,
Giáo hội tôn kính tất cả các vị Thánh, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước
chúng ta và đã trở nên Thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo Hội tuyên phong.
6
Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên Trời, trở nên thánh, đó là ơn
gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua
ngày lễ kính các Thánh Nam Nữ.
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
CÁC THÁNH LÀ AI VẬY ?
Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ ở trên Trời. Có thể
nói, hôm nay là ngày hội lớn, ngày vui mừng hân hoan của tất cả mọi thành phần con cái trong đại gia đình
Giáo Hội. Mừng kính các Thánh, nghĩa là mừng kính những người đang sống sự sống của Thiên Chúa,
những vị đang hưởng phúc vinh quan tràn đầy trước tòa cao sang của Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng.
Thiên đàng là gì ? Thiên đàng là nơi đầy dẫy những sự vui vẻ vô cùng, mà phúc nhất trên thiên
đàng là xem thấy mặt Đức Chúa Trời liên ( Sách Bổn Hà Nội tr. 21 ). Thiên đàng là nơi người ta yêu
thương nhau, là nơi chỉ còn tình yêu là đáng kể, nơi có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với
nhau, nơi không còn chết chóc, chiến tranh, hận thù và nước mắt. Trái lại chỉ có hòa thuận và thương
yêu, các Thánh là những người đã đạt tới hạnh phúc đó.
Các Thánh là ai vậy ? Là những người không bằng lòng với sự kém cỏi; với những biện pháp
nửa vời. Các Thánh là những người đói và khát sự công chính, theo ngôn ngữ Kinh Thánh là khát khao
sự thánh thiện. Vì khao khát nên Thiên Chúa đã cho các ngài thỏa chí toại lòng đúng như mối phúc trong
Tin Mừng tuyên bố: “Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả” ( Mt 5, 6 ).
Chi tiết trong bài đọc thứ nhất của ngày lễ giúp chúng ta hiểu thêm các Thánh là ai. Các Thánh là
“những người giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên” ( Kh 7,14 ). Như thế, sự thánh thiện mà các
ngài có được là từ Chúa Kitô. Trong Cựu Ước, làm thánh có nghĩa là “tách biệt” khỏi tất cả những gì ô
uế. Chữ “thánh” có nghĩa chung là “Kitô hữu”, hợp thành cộng đoàn qui tụ chung quanh Đức Giêsu làm
thành Dân Thánh.. Các Thánh tràn đầy sự thánh, còn người phàm mang đầy sự phàm. Các Thánh là
những người đã được Thiên Chúa làm gia nghiệp.
Các Thánh làm gì trên thiên đàng ? Câu trả lời cũng được tìm thấy trong bài đọc 1: “Họ đứng
trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn
tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”. Ca đoàn
các ngài được Đức Mẹ Maria hướng dẫn, Mẹ tiếp tục thánh thi ca ngợi của Mẹ trên trời, “ Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa…” ( Lc 1, 46 ). Chính trong sự ca ngợi này mà các Thánh gặp được hạnh phúc và
niềm vui của, “Thần trí tôi hơn hở vui mừng trong Chúa Đấng Cứu Độ tôi” ( Lc 1, 47 ). Vinh quang và
hạnh phúc của Thiên Chúa ngập tràn các ngài.
Các Thánh mặc áo màu gì ? Các Thánh mặc áo chùng trắng, giặt áo mình trong máu Con
Chiên. Các Thánh mạc áo đỏ, mặc áo theo con đường tử đạo của Đức Kitô. Các Thánh mạc áo xanh vì
đã xây dựng hòa bình, yêu thương và phục vụ công bình đạo lý. Các Thánh mạc áo vàng khi tham dự
vào thánh chức huy hoàng của Đức Kitô, và hy vọng vào Thiên Chúa.
Các Thánh gồm bao nhiêu vị ? Sách Khải Huyền kể: “số người được đóng ấn là một trăm bốn
mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel” ( Kh 7, 4 ). Tôn chỉ của họ là Tám Mối Phúc Thật. Phúc cho
những ai hiền lành, nghèo khó; họ là những người khóc lóc nay tìm được sự ủi an ở nơi Thiên Chúa; họ
là những người biết thương xót người nay được Chúa xót thương; họ là những người trong sạch nay
được nhìn thấy Thiên Chúa; họ là những người xây dựng hòa bình nên được gọi là con Thiên Chúa; họ là
những người bị bắt bớ, “họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến” ( Kh 7, 14 ). Họ là các Tổ Phụ, các
Ngôn Sứ, các Tông Đồ, các vị Tử Đạo,
Đồng Trinh, Hiển Tu, Ẩn Tu…
Tuy nhiên nếu con số chỉ có thế
thôi, thì quả là một điều đáng lo sợ, bởi
vì người tín hữu như ta đâu có hy vọng
được vào sổ những người đó ? Vậy
con số đó là thế nào ? Số một trăm bốn
mươi bốn ngàn là con số biểu tượng
cao đầy đủ, chỉ những người được cứu
rỗi. Theo hệ thống đếm của người Do
thái, một người có thể đếm cao tới
mười hai ngàn. Mười hai ngàn nhân
với mười hai, thành một trăm bốn
7
mươi bốn ngàn, một con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm bốn
mươi bốn ngàn mà thôi.
Thánh Gioan đã nhìn thấy: “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước,
mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng” ( Kh 7, 9 ). Họ thuộc đủ mọi thành phần và mọi tầng lớp trong
xã hội. Ðó là lý do tại sao hôm nay Giáo Hội thiết lập ngày lễ các Thánh, để mừng kính chung các Thánh
gồm cả các Thánh không tên tuổi, trong đó phải có tổ tiên, họ hàng gần xa của mỗi chúng ta.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính toàn thể các Thánh, có những vị rõ ràng là Thánh, những vị được
tôn phong Hiển Thánh, những vị có tên trong kinh cầu các Thánh với đỉnh cảo sáng rực. Nhưng cũng
nhớ và kính mừng những vị Thánh chìm sâu trong lòng đất, trong xác thịt mồ hôi nước mắt của kiếp
người. Vì mọi người đều được kêu gọi nên thánh trong Đức Kitô. Các Thánh đã đạt tới hạnh phúc đó,
giờ đây trên Thiên Quốc vui mừng hân hoan tận hưởng phần thưởng trọng đại Chúa dành cho các ngài.
Đó cũng là niềm hy vọng của tất cả chúng ta đang sống phận lữ hành tiến về Quê Trời vinh phúc.
Mừng kính các Thánh, chúng ta cậy nhờ các ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta bao lâu
còn sống ở đời tạm nay, biết noi gương các ngài sống Hiến Chương Nước Trời, thực hành Tám Mối
Phúc như Chúa Giêsu dạy, để mai sau cũng được Chúa ân thưởng Thiên Đàng.
Với niềm hy vọng, cùng với gương sáng và sự trợ giúp của các Thánh, chúng ta cũng có thể làm
Thánh, và phải nên thánh bằng cách tự thánh hóa bản thân như các Thánh đã làm, tức là sống theo tinh
thần và mệnh lệnh của Tin Mừng là: hiền lành, bác ái, hòa thuận, trong sạch, với tâm hồn luôn hướng về
những thực tại siêu nhiên, chịu đựng những vất vả, đau khổ tự nhiên hay do người khác mang đến, luôn
tìm kiếm Chúa và cố gắng sống phù hợp với thánh ý Chúa.
Được như thế, chúng ta có thể “vui mừng hân hoan vì phần thưởng của chúng ta sẽ trọng đại ở
trên trời như Các Thánh hiện nay là những anh em chúng ta đang ca tụng Chúa muôn đời” ( Mt 5, 12a ).
Lạy Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
SINH VÀ TỬ HIỆP THÔNG
Lúc 7 giờ rưỡi sáng ngày 2.9.1918 có
tiếng chuông reo ở Phòng Thánh. Mẹ Maria
Teresa di Gesù ( 1878 – 1948 ) liền đến xem.
Mẹ vừa là Bề Trên vừa là người phụ trách
Phòng Thánh, nơi có chiếc bàn quay của Đan
Viện để liên lạc với bên ngoài và nhận các vật
dâng cúng của tín hữu. Sau lời chào thường
lệ: "Ngợi Khen Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ
Maria – Siano lodati Gesù e Maria” của Mẹ Bề
Trên thì có tiếng nói vừa bi ai vừa cay đắng
đáp lại: “Tôi phải để lại đây của bố thí này !” Đó là tờ giấy bạc 10 lire của thời bấy giờ tức là tương
đương với 200 euros. Khi Mẹ Bề Trên hỏi danh tánh thì tiếng nói trả lời không cần biết tên tuổi.
Đây là lần xuất hiện đầu tiên trong tổng số 28 lần. Các cuộc viếng thăm sau đó đi kèm tờ giấy bạc
10 lire khiến các Nữ Tu Kín đơn sơ nghĩ rằng có lẽ vị ân nhân không muốn tỏ lộ danh tánh. Ngày
16.9.1919 tiếng chuông Phòng Thánh lại reo vang sau khi các Nữ Tu đã cẩn thận đóng kín các cửa ra vào
và cửa Nhà Nguyện. Không có tiếng nói nhưng chỉ có tờ giấy bạc 10 lire. Mẹ Bề Trên không lấy tờ giấy
bạc. Nhưng khi Chị kia quay đi thì Mẹ lại nghe tiếng chuông báo hiệu. Mẹ Bề Trên một mình trở lại bàn
quay thì lần này có tiếng nói: “Việc lấy tờ giấy bạc là để làm nguôi Phép Công Thẳng của Thiên Chúa !”
Ngày 3.10.1919 chuông Phòng Thánh lại reo. Thể theo lời Cha Giải Tội dặn, vì sợ rằng đây là trò
đùa của ma quỉ chăng, nên Mẹ Maria Teresa di Gesù từ chối không nhận tờ giấy bạc 10 lire. Trước sự
kiện này, tiếng nói vừa buồn sầu vừa áo nảo trấn an Mẹ Bề Trên: “Không, tôi là một Linh Hồn Luyện
Tội, từ 40 năm qua, tôi phải ở trong Lửa Luyện Hình vì tội đã phung phí tài sản của Hội Thánh !”
Trước lần hiện về sau cùng, chuông Phòng Thánh reo vào lúc 2 giờ 45 phút sáng. Mẹ Maria
Teresa di Gesù trịnh trọng nói: “Theo lệnh của Cha Giải Tội, xin nói cho con biết ngài là ai: có phải là
Linh Mục không ?” Tiếng nói bên ngoài bàn quay đáp lại: “Đúng thế !” Lần hiện về cuối cùng Linh Hồn
báo tin đã được giải thoát khỏi Lửa Luyện Tội. Lúc ấy là 4 giờ 45 phút sáng ngày 9.11.1919. ( Sr. Jean
Berchmans Minh Nguyệt, Radio Vatican ).
Ai cũng chỉ một thời cõi trần, rồi sống mãi với linh hồn bất tử. Người Kitô hữu thì luôn tâm niệm
sinh ký tử quy, cố gắng sống tạm dương thế sao cho tử tế, tốt lành, đức hạnh, xứng đáng làm con
8
Chúa, để khi thác được trở về quê hương Nước Trời. Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay thật vắn tắt gói
ghém bốn câu Lời Chúa phán dạy về đời sau. “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến
với tôi, và ai đến với tôi sẽ không bị loại ra ngoài” ( Ga 6, 37 ).
Như thế, Đức Giêsu chính thức long trọng hứa với những ai đến với Người, đều được hưởng
phúc trường sinh. Người đã mở toang cánh cửa Thiên Đàng cho những ai chân thành theo Người. Vấn
đề chỉ còn tùy thuộc con người tự do chọn lựa, có đến với Người hay dại dột chối từ.
Tuy nhiên, con người thật khó dứt khoát chọn theo Người, dù đã được thanh tẩy làm con Chúa, dù
đã lãnh nhận các bí tích nhiệm mầu, nhất là Mình Máu Chúa làm của ăn đi đàng. Do vậy, con người vẫn
khó tránh khỏi lửa luyện ngục, để thanh tẩy lần cuối, trước khi vinh dự diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa.
Cầu nguyện cho kẻ khuất bóng
“Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” ( 2 Mcb
12, 46 ) Còn ông Gióp cũng xác tín quyết liệt: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày sau
hết khi thân xác tiêu tan, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Người” ( G 19, 25 – 27 ).
Công Đồng Vaticanô 2 dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người
đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…" ( GH 50 ).
Vào Tháng Các Đẳng, Kitô hữu nhớ đến những người khuất núi, ông bà, cha mẹ, anh chị em,
con cái, bạn bè, thân bằng quyến thuộc, để báo hiếu, tri ân, cảm tạ và thương yêu bằng cầu nguyện,
dâng lễ và làm những việc lành phúc đức với ý chỉ dành cho các linh hồn đang chịu thanh luyện.
“Đối với Kitô hữu, không có người chết. Tất cả kẻ chết của chúng ta đang sống. Họ là chi thể của
Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi hiệp thông với nhau trong đức tin” ( Đường Hy Vọng, số 690 ).
Cầu nguyện cho kẻ đang sống
Người Kitô hữu lữ hành hiệp thông chặt chẽ nguyện cầu cho người quá cố trong Giáo Hội Thanh
Luyện, cũng chính là cầu nguyện cho bản thân thuộc Giáo Hội Chiến Đấu. Mỗi khi cầu nguyện cho
người đã khuất, lại thêm cơ hội ý thức rõ ràng cuộc sống quá phù du, hay thay đổi, bất an, bất trắc.
Mỗi ngày, mỗi gần thêm nấm mộ. Vậy thì hằng ngày mỗi chết đi những thói hư tật xấu, tội lỗi
nhớp nhơ, mỗi chết đi tánh xác thịt, đam mê, tham sân si, vị kỷ, kiêu căng, ngạo mạn, bất chính, bất
nhân, để sau này được sống viên mãn. Thánh Phaolô đã thân thương và tha thiết cảnh báo:”Vì nếu anh
em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành
vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” ( Rm 8, 13 ).
Mặc dù dưới mắt người đời, người Kitô hữu đang yếu
đuối, thất thế, bị rẻ rúng, bị vu oan cáo vạ, và nhất là “bị coi là sắp
chết, nhưng kỳ thực ( chúng tôi ) vẫn sống” ( 2 Cr 6, 9 ). Hằng
ngày Kitô hữu đang chết dần để có thể sống theo Đức Kitô, như
Thánh Phaolô khẳng nhận: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái
chết” ( 1 Cr 15, 31 ). Bởi vì: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết
là mối lợi” ( Pl 1, 21 ).
Mặt khác, Giáo Hội Chiến Thắng gồm các Thánh, các linh
hồn vinh hiển trên Thiên Đàng, vẫn luôn liên lỉ an ủi, cầu bầu, phù
hộ cho Kitô hữu lữ hành, đang còn phải gian nan chiến đấu, như
Kinh Tin Kính hằng xác tín với niềm hy vọng: “Thần Khí của Đấng
đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần
Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của
anh em được sống mới” ( Rm 8, 11 ).
“Trên Thiên Đàng, người tông đồ mới thôi lao nhọc. Nhưng
ngay ở Thiên Đàng, người tông đồ vẫn tiếp tục cứu giúp trần gian”
( Đường Hy Vọng, số 677 ).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con hiệp thông với Giáo Hội
Thanh Luyện, kính dâng lên Chúa lời nguyện cầu, Thánh Lễ
và những việc tốt lành, hy sinh, bác ái, để khẩn cầu Chúa
thương xót đoái thương những linh hồn, đang chịu thanh tẩy,
sớm được về hưởng Thánh Nhan Chúa.
Lạy Mẹ Maria, tràn đầy Chúa Thánh Thần, kính xin Mẹ
cầu bầu cùng Chúa Thánh Thần, ban cho chúng con ơn sáng suốt, luôn thức tỉnh, nhớ rằng thế
gian phù du, chóng qua, và ơn ăn năn, thống hối, để chúng con có thể hiệp thông cầu nguyện
cho những linh hồn đang chịu luyện tội, sớm được thanh thỏa về Nước Trời. Amen.
9
AM. TRẦN BÌNH AN
HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT
Mạc Khải Kitô Giáo cho biết: Cái chết như cánh cổng mở vào chánh điện niềm vui Vĩnh
Hằng,như Thánh Phaolô xác định: “Vào ngày cuối cùng,cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả
tử trong ta sẽ trở thành bất tử” ( 1 Cr 15, 53 ). Chúa Giêsu gọi giờ chết của mình là giờ được tôn vinh.
"Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” ( Ga 12, 23 ). Sư tôn vinh của Ngài cũng là sự tôn vinh của con
người trong Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. "Phần tôi, khi bị dương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người
về với tôi” ( Ga 12, 32 ) và để được tôn vinh, con người phải thông phần vào sự Chết với Chúa Kitô,
phải dám chết đi con người cũ tội lỗi của mình, dám hy sinh chính bản thân mình.
Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng sự dữ là cái chết Thập Giá của mình, và loài người
cũng cần biết thêm rằng: Ngài không thể chiến thắng sự dữ tại nơi bản thân mỗi con người chúng ta ! Vì
đó là một hệ lụy ! trong thực tế, ta phải gánh chịu những khổ đau trong thân phận kiếp phàm nhân !
Niềm tin và hy vọng, cho dù không diệt nổi cái bản năng sinh tồn, nhưng sẽ đem lại tâm tình đón nhận
một cách nhẹ nhàng hơn, khi biết sống vui trong Ân Sủng, sẽ đón nhận cái chết an bình thảnh thơi..,
Thực tế trong cuộc đời, ít ai có thể nói vui với cuộc sống, bởi vì nó tràn đầy những bi đát và khổ
đau, giành giật, bạo tàn, hà khắc, với những nỗi sợ vây quanh: sống bấp bênh, cô đơn, tật bệnh, già yếu
và cuối cùng là cái chết ! Nhưng trong niềm tin, nhờ cái chết của Chúa Giesu, cái chết nơi con người đã
trở thành một tiến trình khai sinh sự sống, tiếp nhận một điều tự nhiên nhất nẩy sinh sự siêu nhiên.
Sự Phục Sinh, khắc họa trong Bí Tích Thánh Tẩy, xác tín đó. Người Kitô hữu được định nghĩa
đơn giản là những người "tận tình với sự chết và nhiệt tình với cuộc sống".
Chết là một sự biến hóa. Hết đời con sâu xấu xí, thì chào đời một cánh bướm mỹ miều. Trong
sự tinh luyện đời sống tâm linh, ta cũng có cảm nhận như thế, nếu biết chết đi từng giây phút trong quá
khứ, ta sẽ gặp được sự sống phục sinh hoàn hảo hơn. Vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đơi”
một khi biết giũ bỏ mọi đam mê bất chính, ta sẽ được sống trọn vẹn cùng với vinh quang của Chúa phục
Sinh trong giây phút cuối cùng đời mình, vì “nếu hạt lúc gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn
trơ trọi một mình, còn nếu nó mục nát chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” ( Ga 12, 24 ).
Lời Chúa là Chân Lý, “ai tin và thực hành như vậy thì
được sống muôn đời”.
Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng ham sống sợ chết,
chẳng ai có thể an nhiên bình thản trước cái chết và còn mãi
những thao thức ước mong là hạt lúa trơ trọi cô đơn, dù nói là
để sinh nhiều hạt khác thì nào có ích gì một khi chinh bản thân
phải tan vỡ, chính mình phải hy sinh !?! Vì thế, sống và chết sẽ
còn mãi là một mầu nhiệm bí ẩn với con người, cho dù ai cũng
biết cuộc sống này chỉ là tạm bợ chóng qua.
Thực tế trong một đám tang, miệng thì hát ca vang "khi
Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc
mơ” và có lẽ chỉ là một giấc mơ, khi nhìn xung quanh chỉ toàn là
một mau tang tóc ảm đạm, chỉ thấy toàn là nước mắt và khổ
đau, từ những vòng hoa phúng viếng đến nhưng lời phân ưu
chia buồn ! Rất hiếm họa bắt gặp một một vòng hoa mang sứ
điệp của niềm vui hân hoan như “Hân hoan bước về nhà Cha”.
Nghịch lý chăng ? Vâng, có thể nghịch lý trong đời thường
nhưng lại thuận tình với niềm tin và hy vọng của Tin Mừng.
Sự chết mãi là điều ám ảnh hãi hùng với mọi người !
Chính Đức Giêsu trong thân phận phàm nhân, cũng đã từng trải qua những giây phút đau thương ấy !
"Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con mà theo ý Cha !"
( Mt 26, 39 ). Rồi trước giờ ly biệt, Ngài cũng từng xao xuyến tâm tình với các Môn Đệ rằng: “Tâm hồn
Thầy buồn đến chết được !” Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng tử thần là sự chết, để những
ai tin vào Ngài, và cùng chết với Ngài cũng sẽ bước vào vinh quang sự sống vĩnh hằng.” Dù sự chết
luôn tràn đầy khổ đau và nước mắt, nhưng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh sẽ dẫn đến nguồn hy
vọng với cái nhìn lạc quan hơn.
Sinh và tử, sống và chết luôn song hành trong một con người về sinh học, mỗi phút giây qua đi
có hằng triệu triệu tế bào chết rời bỏ ta và song song triệu triệu tế bào mới phát sinh. Vì thế R. Tagore
10
cảm nghiệm rằng: "Tôi yêu cuộc sống và tôi yêu cả sự chết. Khi mẹ giằng con khỏi bầu vú bên này, con
òa khóc, nhưng liền đó con lại thấy niềm an ủi nơi bầu vú bên kia".
J. CHUYÊN
CÓ TÔI KHÔNG ?
Thật là hả hê ! Sau bao nhiêu mánh lới để
thử thách Chúa Giêsu, giờ đến lúc đám kinh sư và
Pharisiêu bị Chúa Giêsu lật tẩy một cách công khai.
Cũng đáng thôi, họ là những người “ngôn hành bất
nhất”, chuyên sống trên sự sợ hãi của kẻ khác. Họ
đem Kinh Thánh và Lề luật ra đe nẹt thiên hạ nhưng
chính bản thân họ lại chẳng làm, chẳng giữ. Trong
suốt 3 năm giảng dạy, Chúa Giêsu chưa từng lên
án ai; từ một tay thu thuế gian ác như Giakêu,
người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cho đến những kẻ đã nhạo báng và hành hình Người… Người
chỉ lên án đám kinh sư và Pharisiêu ! Người lại còn dùng họ như tấm gương nghịch chiều để ngăn ngừa
chúng ta đi theo “vết xe đổ” đó.
Tại sao lại cần phải ngăn ngừa nhỉ ? Phải rồi, tuy là “vết xe đổ” nhưng lại rất hấp dẫn người ta
đi theo nó. Nó như một thứ “trái cấm” thời hiện đại, vì nó tôn vinh cái “Tôi” và đem lại nhiều đặc quyền
đặc lợi ! Nó là cách giữ đạo nhẹ nhàng và thoải mái. Nó giúp tôi không phải vác Thánh giá vì đã chất
lên vai người khác:
- Áo quần chỉnh tề, đeo thẻ Ban Tổ Chức để đón Đức Cha nhưng treo băng rôn thì… không có tôi !
- Đại diện Ban Hành Giáo để đọc lời chào mừng nhưng kê bàn ghế thì… không có tôi !
- Tham gia đoàn thể để đi giao lưu, hành hương nhưng quét nhà thờ thì… không có tôi !
- Đóng vai Giuse, Maria trong hoạt cảnh Giáng sinh nhưng thu dọn đạo cụ thì… không có tôi !
- Hát solo trong ca đoàn nhưng đọc kinh cho kẻ liệt thì… không có tôi !
Cứ như thế, càng lúc tôi càng giống những người Pharisiêu ngày xưa lúc nào không hay. Họ
may hộp kinh trên mũ, còn tôi thì sách kinh kè kè trên tay, “thẻ bài” trước ngực, phù hiệu hội đoàn trên
ve áo. Họ may tua áo thật dài, còn tôi cũng khăn choàng, cravat, thắt nơ hoặc bất cứ thứ gì tôi nghĩ ra
để đánh dấu mình khác mọi người. Họ thích được gọi là “rabbi” thì tôi cũng thích được chào là ông cố,
bà cố, ông chánh, cụ trùm, chị trưởng, anh phó… Còn chuyện ngồi cỗ nhất trong bàn tiệc và ghế đầu
trong hội đường thì xưa nay vẫn “thế gian sự thường”, có ai làm khác đâu ?
Tôi tự vạch ra cho mình một vị trí, một thế đứng, một phong cách, một chân dung độc đáo và
đóng khung nghiêm cẩn. Chiếc khung sơn son thếp vàng khiến mọi người kính ngưỡng. Tôi không dám
bước ra khỏi chiếc khung đó, sợ… đánh mất mình ! Tôi đã quá quen với sự kính trọng của người khác
đến nỗi không nhận ra mình tầm thường, tội lỗi. Tôi đã quá quen với sự ngưỡng mộ của người khác
đến nỗi quên rằng mình dốt nát, hèn kém… Bấy lâu nay tôi sống trong hoang tưởng mà không hề hay
biết !
Hai tay thợ may lém lỉnh trong câu chuyện “Hoàng đế ở truồng” của nhà văn Andersen đã biết lợi
dụng điều đó để phỉnh cả một triều đình về một thứ vải mà chỉ có người khôn ngoan mới nhìn thấy. Tất
cả vua quan trong triều đều chẳng nhìn thấy gì nhưng không dám nói, vì thú nhận điều đó khác nào tự
nhận mình ngu. Thế là cứ hết lời ca ngợi bộ long bào “độc nhất vô nhị” kia, cho đến khi một đứa bé reo
lên: “Hoàng Đế ở truồng”. Vậy mà, cả đoàn tùy tùng cứ làm như chẳng nghe thấy gì !
Khi ta làm nô lệ cho cái “Tôi” cũng chính là lúc ta chối bỏ chân lý. Tôi cũng muốn được cứu rỗi
nhưng theo cách của tôi chứ không phải theo cách của Chúa. Tôi muốn làm lãnh đạo nhưng hầu hạ anh
em thì… bần tiện quá, không xứng đáng với phẩm cách của tôi, làm sao tôi có thể làm việc lâu dài ?
Trong thời đại mà mọi người sẵn sàng dẫm đạp nhau để ngoi lên thì việc hạ mình xuống để chờ người
khác nâng lên rõ là… ảo tưởng ! Không khéo còn bị đạp mất xác nữa chứ.
Tôi quên mất rằng chính Chúa Giêsu đã nêu gương phục vụ bằng cách rửa chân cho các môn
đệ, chứ không phải Chúa chỉ dạy suông và áp đặt chúng ta noi theo. Từ thân phận một vì Thiên Chúa tối
cao vô thượng, Chúa đã chấp nhận thân phận con người rồi chịu sỉ nhục, cực hình, chết treo Thập Giá
thảm thương để tha thứ và cứu rỗi tội lỗi của toàn nhân loại. Bản thân tôi không thể đoái công chuộc tội
cho mình, Chúa chỉ cần tôi cúi mình một chút để đón nhận ơn Cứu Chuộc đó cho chính tôi mà tôi còn
nặng lòng cân nhắc sao ?
11
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi khắc điều Chúa truyền dạy trong bữa ăn cuối
cùng với các môn đệ. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em
cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã
làm cho anh em” ( Ga 13, 14 – 15 ). Chúa không mong chúng con dạy dỗ lề luật cho bằng sống
yêu thương và phục vụ anh em. Xin cho chúng con biết phân biệt được đâu là cốt lõi trong đời
sống Đức Tin để ngày sau chúng con được thực sự hưởng ơn Cứu Độ của Chúa. Amen.
Pio X LÊ HỒNG BẢO
SỐNG VÀ YÊU
Chị Brittany Maynard, 29 tuổi, được
chẩn đoán có khối u ác tính trong não ở giai
đoạn 4 từ hồi tháng 4 năm 2014, và bác sĩ nói
chị chỉ còn sống thêm trong vòng 6 tháng.
Ngày 1.11.2014, chị sẽ kết thúc cuộc
đời với sự trợ tử của bác sĩ bằng phương pháp
“an tử” ( làm cho chết êm ái ). Chị cho biết
rằng chị không muốn chị và gia đình chịu
nỗi đau khổ vì chứng ung thư não của chị.
Chắc chắn đây là tình cảm tốt đẹp khi người ta
không muốn những người thân chịu đau khổ,
nhưng đó không phải là cách yêu thương !
Các phương tiện truyền thông hết lời ca tụng quyết định của Brittany là can đảm. Thật mắc cười
khi các phương tiện truyền thông khen chị dám chết vì không muốn gia đình đau khổ, và kêu gọi những
người khác hủy hoại sự sống mà không cần bác sĩ trợ tử. Nhưng các phương tiện truyền thông ca tụng
một phụ nữ trẻ mới kết hôn mà lại muốn chết chứ không muốn sống. Các phương tiện truyền thông ca
tụng sự chết, dù đó là phá thai, an tử, hoặc trợ tử, họ gọi đó là sự chọn lựa, sự tự do, hoặc sự can đảm.
Tuy nhiên, Thiên Chúa cấm chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể là gánh nặng cho người khác vì
sức khỏe giảm sút hoặc cần được chăm sóc về y tế.
Sợ hãi là động lực có thật: Sợ những gì ở phía trước, sợ đau khổ, sợ không thể kiềm chế... Các
phương tiện truyền thông và xã hội muốn chúng ta sống trong nỗi lo sợ vì nỗi lo sợ khiến chúng ta phải
kiểm soát. Nỗi lo sợ biến chúng ta thành nô lệ dưới chiêu bài của sự tự do, sự can đảm, và sự tự tha
thứ cho mình. Nỗi lo sợ xoay chúng ta hướng vào bên trong ( tự hướng nội ) và làm cho chúng ta tin
rằng mình đáng bị thu nhỏ lại.
Chân Phước Chiara Luce Badano đã không sống trong nỗi lo sợ mặc dù Chị chịu đau khổ và
chết vì chứng ung thư xương rất đau nhức khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Thay vì đầu hàng nỗi đau đớn
thể lý, Chị đã chịu đựng đau khổ và nhìn cha mẹ thấy Chị chống chọi với bệnh tật. Chị dùng đau khổ
để thánh hóa chính mình và những người khác. Chị dùng đau khổ làm phương tiện để hy vọng.
Ngược lại, chị Brittany Maynard lại dùng đau khổ làm phương tiện để tuyệt vọng ! Buồn biết bao
khi Brittany cho phép bóng tối làm tiêu tan chính mình. Chân Phước Chiara được một người bạn đặt
cho biệt danh Luce khi Chị gia nhập phong trào Focolare, vì Chị là ánh sáng cho người khác. Chị như
ánh đuốc soi sáng trong bóng đêm của cuộc sống này để đi tới Chúa Giêsu và sự sống đời đời.
Các phương tiện truyền thông chẳng bao giờ ca tụng những loại ánh sáng này của con người.
Bạn sẽ không bao giờ nghe nói về những con người thầm lặng chịu đau khổ trên đời này, hoặc thời gian
kỳ diệu mà họ cố gắng sống tốt, và hôm nay họ vẫn sống vô thường dù ngày mai họ sẽ chết, họ sống
như thể là bất tử. Những con người này là những ánh đuốc sáng thực sự trong thế giới này, họ đối diện
với bóng tối và tuyên bố: “Mi cứ làm điều tồi tệ nhất ! Tôi sẽ không bị hủy diệt”. Những người này sống
trọn vẹn tình yêu thương, hoàn toàn biết từ bỏ mình, ngay cả khi họ phải đối diện với tử thần, họ không
bao giờ chịu thua sự cám dỗ của nỗi thất vọng, vì họ biết rằng SỰ SỐNG và TÌNH YÊU đáng tận
hưởng. Dù sao thì cuộc đời cũng vẫn đáng sống, không đáng chấm dứt.
Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe nói về những con người như Ginnie Levin. Chị được chẩn đoán bị
ung thư vú, mặc dù cắt cả hai vú và các khối u, chứng ung thư vẫn di căn tới nhiều bộ phận khác trên
cơ thể. Chỉ còn ít thời gian ngắn ngủi trên thế gian này, chị muốn dành tất cả cho gia đình. Người bà và
người mẹ của chị đã chết vì ung thư, người cha của chị cũng đang phải điều trị ung thư. Ginnie muốn
tới thế giới của Walt Disney với gia đình một lần nữa, tạo ký ức vui mừng một lần cuối. Xin mọi người
hãy cầu nguyện nhiều cho chị Gennie Levin !
12
Trong một thế giới ca tụng việc hủy hoại sự sống, chúng ta hãy ca tụng Sự Sống. Hãy tạo
sự khác biệt trong cách sống của chúng ta hôm nay !
Thánh nữ Teresa Margaret Thánh Tâm Chúa ( Dòng Kín Chân Đất, 1747-1770 ) nói: “Không có
gì phải than phiền, tôi sẽ chịu đựng mọi thứ vì yêu mến Chúa, tôi không có gì phải lo sợ”. Chân Phước
Chiara Luce được an táng với chiếc áo cưới vì Chị sẽ đi gặp Đức Lang Quân là Chúa Giêsu trong cõi
trường sinh. Chết lúc mới 19 tuổi vì bệnh trầm kha, nhưng Chân Phước Chiara Luce vẫn khả dĩ nói: “Tôi
không còn lại gì, nhưng tôi vẫn còn trái tim, và tôi có thể yêu thương bằng trái tim đó”.
Chị Chiara Luce Badano sinh ngày 29.10.1971 tại ngôi làng nhỏ Sassello ở Ý quốc, qua đời ngày
7.10.1990 sau một năm đau đớn vì chứng ung thư xương. Chị được Giáo Hội tôn phong Chân Phước
ngày 25.9.2010.
TRẦM THIÊN THU, chuyển ngữ từ IgnitumToday.com
CÁO PHÓ
Tỉnh DCCT Việt Nam, gia đình huyết tộc và thiêng liêng An
Phong – Gió Lành, trân trọng báo tin cha LOUIS NGUYỄN VĂN QUI
Sinh ngày 21.5.1923, tại Gia Định, Sàigòn.
Gia nhập Đệ Tử DCCT năm 1942 tại Huế
Khấn lần đầu ngày 27.10.1947 tại Hà Nội
Học tại Học Viện DCCT tại Hà Nội và Đà Lạt năm 1947 – 1951
Nhận sứ vụ Linh Mục ngày 20.7.1952
1953 – 1956: Giáo sư Đệ Tử Viện DCCT và Tuyên uý phong trào
Hùng Tâm tại Huế.
1956 – 1964: Phó Giám đốc kiêm Giáo sư Đệ Tử Viện DCCT
Vũng Tàu, Phụ tá Bề trên kiêm Quản lý DCCT Vũng Tàu
1963 – 1978: Thành lập Gia đình An Phong tại Vũng Tàu, sống chung với các em Bụi Đời và
những bà con xấu số. Qua Pháp năm 1978, tiếp tục đón nhận và nuôi dưỡng anh chị em vô gia cư từ
năm 1978 – 2014.
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 8g00, ngày 29 tháng 10 năm 2014 tại Ermont – Pháp, sau 91 năm
làm con Chúa trên trần gian, 67 năm Khấn Dòng, 62 năm Linh Mục và 50 năm chăm lo phục vụ người
nghèo qua các trẻ em Bụi Đời.
Sinh thời, cha Louis chia sẻ cảm nghĩ về đời sống Tu Sĩ DCCT như sau:
“Noi gương Chúa Cứu Thế, đi tìm chiên lạc ( linh hồn tất bạt ) và ăn nói, đối xử làm sao ( thương
làm sao ) để những anh chị em đó tự ý mình, dùng tự do của mình để trở về với Thầy Chí Thánh, Vua
Tình Thương. Không có cách nào có kết quả hơn “thí mạng mình vì người mình thương”. Thánh
Anphongsô dạy Thầy giữ cửa: Phải ăn nói đối xử làm sao ( khi cho cũng như khi không cho ) để người
nghèo đến với Thầy, ra đi mà không buồn.”
Cha Louis được quàn tại: Funérarium, 7 Rue Tarbé dé Sablons, 95600 Eaubonne, Pháp
Nghi thức tẩn liệm lúc 13g30, thứ hai, ngày 3.11.2014, tại: Funérarium.
Thánh Lễ An Táng lúc 14g30, thứ hai, 3.11.2014, tại Chapelle Notre Dame des Chênes, 2 Place
Courbet, 95120 Ermont, Pháp.
Sau Thánh Lễ An Táng, cha sẽ được hoả táng lúc 17g, tại
Crématorium, 35 Avenue de Verdun, 95310 St. Ouen l’aumône,
Pháp.
Xin cầu nguyện cho cha Louis Nguyễn Văn Qui.
Văn phòng Tỉnh DCCT Việt Nam
13
CÙNG TƯỞNG NHỚ
GIA ĐÌNH AN PHONG:
GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI
KHÔNG GIA ĐÌNH
Con người sinh ra, ai cũng có cha, có mẹ, có một gia đình... Không có ai từ đất nẻ mà chui lên...
Nhưng vì hoàn cảnh, vì xã hội, vì giáo dục v.v... có một số người kém may mắn, mất hoặc xa cha mẹ
sớm, nên phải sống lang thang, không gia đình... Đó là trường hợp các em mà người ta gọi tắt là bụi
đời; nghề sinh sống của các em thường là đi đánh giầy...
Lúc đó, năm 1963, tôi làm quản lý trong Dòng Chúa Cứu Thế ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Trong
những lúc đi chợ cho Nhà Dòng, tôi có dịp gặp nhiều em đánh giầy, và lần lần quen thân với các em...
Một hôm, tám em đánh giầy tới xin tôi ở... Tôi cười và nói: "Bộ tụi con muốn đi tu hả, nhà này là
một Tu Viện mà ?" Các em trả lời: "Không, tụi con muốn ở với cha"... Ở với cha mà không chịu đi tu: đó
là cả một vấn đề. May phước tôi làm quản lý Nhà Dòng, nên có một khu riêng dành cho gia nhân, những
người giúp việc cho Nhà Dòng. Để tám đứa ở chung với những gia nhân đó, trong bụng tôi nghĩ thầm: ở
đây buồn chết, chúng nó ở ít ngày rồi sẽ đi sống lại ngoài chợ, vui nhộn hơn...
Dè đâu, chúng nó không đi, mà còn rủ thêm các đứa khác đến ở... Thấm thoát, con số lên tới
hơn hai chục. Bấy giờ "Chúa mới can thiệp vào vấn đề".
Trước mặt Nhà Dòng là một phi trường. Phi cơ và trực thăng của quân đội Mỹ bốc lên đáp
xuống liên lỷ, làm các Cha dạy học ở Đệ Tử Viện, không dạy được. Các Cha phàn nàn với Cha Bề Trên
Giám Tỉnh, và Cha Bề Trên Giám Tỉnh mới giải quyết: đưa Nhà Đệ Tử lên Sàigòn.Thế là cả Nhà Dòng
và Nhà Đệ Tử ra đi di tản, để lại mấy chục em bụi đời. Và tôi ở lại với các em...
GIA ĐÌNH AN PHONG bắt đầu tự túc: nuôi gà để nuôi nhau; khởi sự với hai mươi con, đến ngày
30 tháng 4 năm 1975, số gà lên tới hơn 6.000 con, và từ trước đến lúc đó đã ăn không biết bao nhiêu và
đã bán biết bao nhiêu... Bàn tay của Chúa thấy rõ ràng. Chúa sinh Chúa dưỡng.
Nhờ đường lối Chúa soi sáng mà số các em mỗi ngày mỗi tăng thêm. Tôi nói với các em: Chúa
dựng nên con người và cho hoàn toàn tự do. Cho nên trong nhà của mình, chúng con muốn làm gì thì
làm. Đứa nào muốn đi học, cha cho đi học. Đứa nào muốn học nghề, cha cho học nghề. Còn đứa nào
muốn ở không chơi, không làm gì hết, vẫn cứ được như thường. Không làm gì hết mà đến bữa ăn, có
quyền đến ăn như mọi người, vì mình là đứa con trong nhà thì mình có quyền ăn, còn làm việc là
chuyện khác. Nghe vậy, đứa nào cũng thích, và tụi nó mới rủ nhau đến ở càng ngày càng đông...
Một hôm, mấy anh lớn có ý kiến giáo dục hay, mới
bàn với tôi. Chúng con muốn chia nhóm. Chia nhóm là
làm sao ? Tất cả tụi con đều là bụi đời. Vậy thì mấy em
nhỏ, đi học, là nhóm "Bụi Non". Còn các anh lớn, học
nghề, là nhóm "Bụi Già". Còn mấy anh em không làm gì
hết là nhóm "Bụi Cà Nhỏng" ! Nói rồi và làm liền... Mấy
anh em nhóm "Cà Nhỏng" hơi quê xệ một chút. Nên từ từ
rồi mấy anh em đó gia nhập nhóm "Bụi Học Trò" hay "Bụi
Học Nghể"... Thế là ý kiến giáo dục của mấy anh lớn đã
thành công mỹ mãn.
Lúc ấy, cơ quan viện trợ Công Giáo Mỹ có cho bột
mì, làm bánh mì cho học sinh nghèo. Tôi mới kêu một ông
thợ làm bánh mì người Trung Hoa, Chú Hai. Chú Hai xây
một cái lò củi nướng bánh mì. Tôi nói với các em: đứa nào
muốn học làm bánh mì thì đi với Chú Hai. Một số mấy anh
lớn đi với Chú Hai... Tôi cũng có mướn hai ông thợ máy: anh Hai và anh Ba. Tôi nói với các em: đứa nào
muốn học nghề thợ máy sửa xe hơi thì đi với anh Hai, anh Ba... Thế là mấy tháng sau, trong nhà có hai
băng thợ làm bánh mì và thợ máy sửa xe hơi... Như thế là GIA ĐÌNH AN PHONG đã khai trương Lò Bánh
Mì AN PHONG và Garage AN PHONG, thêm phương tiện nuôi sống các em.
Với thời gian, theo đường dây Radio-Á Rập, GIA ĐÌNH AN PHONG và xe camionnette Peugeot
404 của cha Qui được các em đánh giầy chẳng những ở Vũng Tàu mà cả Sàigòn-Chợ Lớn biết và nhận
diện. Các em rủ nhau vô ở càng đông... Một hôm tôi đi chợ ở Chợ Lớn. Đi chợ xong, trở lại xe, tôi thấy
mười một em với thùng giầy trên tay, ngồi sẵn trên xe: các em ngồi chơi vì biết là xe của cha Qui. Tôi
ngó các em, các em nhìn tôi cười, chào nhau. Tôi mới buột miệng hỏi các em: "Cha đi về Vũng Tàu nè,
đứa nào muốn đi Vũng Tàu tắm biển vài ngày rồi trở về Chợ Lớn lại, cha sẽ chở về... Các em dòm
nhau, hỏi ý kiến, rồi bảo nhau: Mình phải đi trả thùng giầy cho "anh nuôi" đã... Mỗi em có "anh nuôi" và
14
thùng giầy riêng của anh đó. Mấy em nhanh chân, nhẩy xuống xe và trong mấy phút, chạy trở lại, nhẩy
lên xe, ngồi gọn gàng, vui cười khoái chí...Thế là 11 em đánh giầy ở Chợ Lớn, không cần tính toán lâu,
bắt đầu đi Vũng Tàu tắm biển... Thứ hai tuần sau, tôi có dịp lên Sàigòn. Tôi gọi 11 em hôm trước đến và
hỏi: "Cha đi Sàigòn đây, tụi con muốn về thì lên xe". Các em ngó nhau, cười và đồng thanh: "Không, tụi
con không về, tụi con ở lại đây với cha..." Vậy là GIA ĐÌNH AN PHONG tăng số thêm 11 người nữa...
Cùng với các em bụi đời, có nhiều gia đình nghèo, cũng đến xin ở. Dần dần số những người này cũng
lên đến mấy chục gia đình...
Lại có những em sơ sinh: cha mẹ sinh ra, rồi không thể nuôi được, đem đến gởi GIA ĐÌNH AN
PHONG nuôi giúp. Hoặc các bà mẹ ôm con ra ngoài chợ, rồi nhờ các bà biết đường giây, ẵm vào GIA
ĐÌNH AN PHONG giùm... Thành phần thứ ba này gia tăng cũng nhanh; cuối cùng trong nhà cũng được
ba phòng, mỗi phòng 40 chục cái nôi... Cùng với các em, Chúa cũng gởi mấy bà, mấy chị đến tình
nguyện nuôi các em... Việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng...
Thêm các gia đình nghèo và các em
sơ sinh, thì thêm miệng ăn. Chúa lại gởi quân
đội Mỹ, Úc đem đồ giặt đến: GIA ĐÌNH AN
PHONG lại thêm nhà giặt ủi để nuôi sống
nhau... Tạ ơn Chúa.
Nhờ Chúa soi sáng và dẫn dắt, đường
lối làm việc trong GIA ĐÌNH AN PHONG tóm
tắt trong một câu: "Tôn trọng tự do và yêu
thương lẫn nhau". Cho nên GIA ĐÌNH AN
PHONG không từ chối một người nào đến xin
giúp đỡ. Kết quả: ngày 30 tháng 4 năm 1975,
con cái Chúa, tính ra được: hơn 300 em bụi
đời, hơn 100 ông bà gia đình nghèo, và hơn
100 em bé cô nhi...
Đó là tiểu sử ngắn gọn của GIA ĐÌNH
AN PHONG, hôm nay được gởi lên mạng internet. Hy vọng ông bà anh chị nào đã sống cùng nhau thời
gian ngắn dài nào đó, tìm dịp về gặp lại nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Liên lạc với GIA ĐÌNH AN
PHONG ở Pháp: Lm. Nguyễn Văn Qui, 11 rue des Bornes – 95120 Ermont – France.
Lm. Louis NGUYỄN VĂN QUI, DCCT
HỒI ỨC MỘT GIA ĐÌNH BỤI
Chiếc xe đò đỗ lại Trung Tâm vào một buổi trưa trời gay gắt nắng. Trên xe, mọi người tay xách
nách mang lủ khủ bước xuống, già trẻ tổng cộng bảy người. Đó là một gia đình có đầy đủ ba thế hệ: Bà
ngoại, cha mẹ và anh chị em.
Đầu tiên là một tấm bảng đập vào mắt tôi với hàng chữ: "Gia đình An Phong: gia đình của những
người không gia đình". Đó là nỗi ám ảnh, lo sợ nhất của tôi lúc bấy giờ. Thú thật, những hàng chữ đó
mãi mãi vẫn còn theo tôi đến ngày hôm nay… "Gia đình của những người không gia đình" !?! Nhiều câu
hỏi đột nhiên vây quanh trí óc non nớt của tôi: mình có đầy đủ một gia đình, thì làm sao mà xin vào đây
được ? Tiền bạc… nhà cửa… cũng không, gia đình minh rồi sẽ đi về đâu ? Ba mình sao mà liều đến
thế, trong khi gia đình đang được ở trong trại tị nạn Hạnh Thông Tây, có ai đuổi đâu mà phải ra đi…
Càng nghĩ, càng lo và nước mắt cứ thế tuôn tràn.
Từ trong căn nhà ngang, sau hàng dương liễu. Một ông Cha bước ra, với chiếc áo chùng đen,
cổ trắng. Dáng Ngài cao, gầy, lưng hơi còng, khuôn mặt khắc khổ. Nhưng có vẻ hiền từ. Sau vài câu
hỏi, với cái nhìn thân thiện, đầu Ngài khẽ gật, thế là thủ tục gia nhập đã xong. Cha thấy tôi khóc, đã hỏi:
"Sao con khóc ?" Tôi đã không trả lời vì bận nuốt nước mắt. Cha biết không, lúc đó con đã khóc vì
mừng chứ không phải sợ nữa. Sau đó, Cha gọi một anh dẫn gia đình tôi qua căn nhà còn trống, bên dãy
"Nhà Gà". Thế là từ đó, gia đình tôi đã có một mái nhà. Khi bình tĩnh lại, tôi mới thấy không phải chỉ một
gia đình mình, mà còn rất nhiều, rất nhiều gia đình ở đây với hoàn cảnh khác nhau. Có đến ba dãy nhà,
phải trên ba bốn chục căn ( chứ không phải chỉ có anh em bụi đời thôi đâu nhé ! ).
Từ đó, gia đình nhỏ của tôi chính thức gia nhập Đại Gia Đình Bụi Đời. Bà ngoại và ba tôi đã già
yếu rồi không làm gì được. Chỉ một mình má làm ở nhà giặt ủi, kế đến phụ cô Mari bán bánh mì ở Nam
Đồng, sau đó vào làm ở bếp Cha. Chỉ một mình má làm thôi, mà cứ trưa, chiều tới giờ cơm, hễ nghe
15
tiếng kẻng là xách nồi niêu đi lãnh cơm về cho cả nhà ăn. Bốn anh em, Cha cho đi học. Áo quần, sách
vở, tiền học, tiền xe... chẳng phải lo gì, mọi việc đã có Cha.
Ba thì không lao động được, nên Cha giới thiệu chỗ quen ở Vũng Tàu, mỗi ngày ba lấy vé số đi
bán, kiếm tiền phụ thêm những chi tiêu trong gia đình. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi không phải lo gì cả,
vì đã có Cha. Và cứ thế, anh em tôi lớn dần trong vòng tay ấm áp của ngài. Cho đến khi Gia Đình An
Phong phải tan rã mấy năm sau biến cố 1975, chúng tôi mỗi người mỗi hướng, tha phương khắp mọi
miền. Đi xây đắp cuộc sống cho riêng mình.
Cha ơi ! Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những dòng chữ "Gia Đình An Phong”, và cái dáng cao
gầy lưng còng đó, vẫn theo mãi trong trái tim con suốt cuộc đời này.
NGUYỄN THỊ LAN, Phước Long, 31.7.2010
KỶ NIỆM TUỔI THƠ
Đến bây giờ, mặc dù cuộc sống và ý tưởng đã khác xưa, nhưng có những lúc nhìn thấy các em
nhỏ chơi đùa vui vẻ những trò chơi xưa, tôi lại thấy nhớ và tiếc nuối những kỷ niệm tuổi thơ đã trôi qua
quá. Nơi ở thân quen Gia Đình An Phong xưa… mới tám tuổi gia đình tôi đã tới ở đó rồi, được Cha cho
đi học, nuôi nấng, dạy bảo, tất cả đều có một mái nhà chung ấm áp tình thương thì còn gì bằng !
Tôi còn nhớ ngoài giờ đi học, chúng tôi,
những đứa trẻ trong An Phong ( Bây giờ đã già
nhưng cũng cố nhớ lại nhé ) luôn chơi đùa trước sân
nhà Cha, những trò chơi dân gian như: con gái thì
chơi ô quan, lò cò, nhảy dây, còn con trai chơi tạt
lon, bắn bi, trốn tìm v.v… nhiều trò lắm và ngày nào
cũng chơi nhưng không thấy chán, có những lúc rủ
nhau xuống biển khi nước cạn, chúng tôi lội sình bắt
ốc, bắt sò, bọn con trai thì bắt cua, bị kẹp tay la oai
oái, và nhất là luôn luôn bị con bù mắc nó cắn rất
ngứa, nếu gãi thì bùn sẽ trây tèm lem nhìn đứa nào
cũng thấy mà ghê, nhưng thật là vui, khi nước lên thì
nhảy tùm xuống tắm biển và tạt nước lẫn nhau.
Vào kỳ nghỉ hè, suốt ngày chúng tôi thường
dang nắng dầm mưa, vậy nên đứa nào cũng ốm
nhom và đen thui, nhưng thật khỏe mạnh là tốt rồi. Đến tối, gặp lại Cha và tất cả mọi người cùng tham
dự Thánh Lễ thật sốt sắng trong căn Nhà Nguyện nhỏ xinh, sát bên hang đá Đức Mẹ mà tôi thấy rất
giống với hang đá ở Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.
Các anh chị em trong Gia Đình An Phong ơi, có ai nhớ lại và nhận xét giống như tôi không nhỉ ?
MAI TRÂM, Vũng Tàu, 1.7.2013
BÔNG HỒNG BÁO ÂN
Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ. Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương. Dù bao năm,
dù có hóa vô thường. Công dạy dưỡng là công lớn nhất. Cả cuộc đời cha tất bật, cho chúng con lẽ sống
tình yêu. Đại dương bao la đâu là nhiều. Với chúng con, cha là tất cả. Có đôi lúc mải mê quay với dòng
đời ồn ã, những đô hội thị thành, những phương trời lạ, chợt giật mình tỉnh giấc nhớ đến cha.
Con nợ cha những ngày vui bất tận, rong ruổi suốt cuộc đời không định hướng tương lai. Con nợ
những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi. Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ. Con nợ căn nhà
sập sệ bàn tay cha mòn tháng năm. Để con lớn khôn mắt xanh hồn lữ thứ. Con nợ những trưa hè oi
bức cha gồng gánh gia đình. Con đứng đó dửng dưng để thấy từng nhát đau xuyên qua ngực. Con nợ
lòng dũng cảm, đâu đó cần một thâm tình. Con nợ những giản đơn đời thường để che đi lòng kiêu
hãnh. Con nợ đời sắp 50 mươi vẫn chưa góp nhặt. Huênh hoang giữa mọi người để cô đơn đầy ắp cõi
lòng. Con nợ sự tri âm ai đó yêu qua lời thơ tiếng nhạc. Con nợ Cha không bao giờ trả hết. Những nỗi
nhọc nhằn con chỉ biêt cắn vào môi. Bài học đầu đời thật vất vả, Cha ơi.
Xin cho con im lặng để mắt con cay. Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc. Xin cho con
góp nhặt để còn chút lương tâm. Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng. Con sẽ không đợi một
ngày kia. Khi Cha mất đi mới giật mình khóc lóc. Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ ? Con hốt
16
hoảng trước thời gian khắc nghiệt. Chạy điên cuồng qua tuổi già nua. Mỗi ngày qua đi con lại thấy bơ
vơ. Ai níu nổi thời gian ? Ai níu nổi ?
Con mỗi ngày một lớn lên. Cha mỗi ngày thêm già cõi. Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con ra đi 30 năm xa vòng tay của Cha sống tự do như cánh chim bằng. Con làm thơ cho đời và biết bao
người con gái. Có bao giờ thơ cho Cha ta không ? Những bài thơ chất ngập tâm hồn. Đau khổ chia lìa
buồn vui hạnh phúc. Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta tội ác. Mà vẫn cứ đêm về thao thức làm
thơ. Ta quên mất thềm xưa dáng Cha ngồi chờ đợi. Giọt nước mắt già nua không ứa nổi. Con mê man
trên bàn chân rong ruổi. Mắt Cha già thầm lặng dõi sau lưng, khi gai đời đâm ứa máu bàn chân.
Mấy kẻ đi qua ? Mấy người dừng lại ? Sao Cha già ở cách xa đến vậy ? Trái tim lo âu đã giục
giã đi tìm. Con vẫn vô tình. Con vẫn thản nhiên ? Bài thơ này xin thắp một bình minh trên đời Cha bao
năm rồi mệt mỏi. Bài thơ như một nụ hồng. Con cài sẵn cho thấy ngày sẽ tới !
KẾT – QUỲNH – LONG, 21.7.2013
NÍU BƯỚC THỜI GIAN
Cố nhân xa rồi, có ai về lối… Bụi gia trang… Trong đời
biết có mấy lần ta được quay về với những kỷ niệm êm đềm xa
xưa. Chút hoài niệm làm ta ước mong đặt bước chân quay về
chốn xưa để tìm lại hình bóng chính mình trong không gian
ngày cũ. Năm nay kỷ niệm 50 năm Gia Đình An Phong được
khai sinh, tôi muốn một lần thả hồn về với ngày xưa…
Mỗi người có một lối rẽ để vào đời, tôi xem Mùa Hè
1973 thực sự là lối rẽ đời tôi.
Ngày đó tôi chỉ là một cậu bé mới lớn đang trong
những ngày dài khủng hoảng và bế tắc. Cảnh sống trong gia
đình tại một tỉnh miền Trung đối với tôi sao quá nặng nề. Tôi muốn vứt tung cuộc đời mình, mong tìm một
cửa thoát hiểm. Trong lúc loay hoay tìm kiếm, thật tình cờ tôi đọc được thiên phóng sự viết về Gia Đình
An Phong trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( gia đình tôi vẫn đặt mua báo năm ). Thời đó Cô Nhi Viện thì
nhiều nhưng một mái nhà cho những kẻ bụi đời chưa hề có. Phải chăng Cha trên Trời đã chỉ cho tôi một
lối thoát. Đọc đi đọc lại nhiều lần và ghi lại địa chỉ Gia Đình An Phong Vũng Tàu. Vài ngày sau, tôi lên xe
đò xuôi vào Sàigòn, rồi xuống Vũng Tàu, đây là lần đầu tiên tôi vào miền Nam.
Suốt chuyến hành trình tôi luôn lo lắng: Liệu ông cha đó có nhận mình không ? Nếu không thì
mình sẽ phải làm gì ? Sống thế nào ? Lúc rời khỏi gia đình đã trót nguyền là chỉ quay về khi công thành
danh toại mà thôi.
Cám ơn Chúa, chuyến đi rất thuận lợi, trên xe về Vũng Tàu tôi bảo anh lơ xe cho xuống Gia Đình
An Phong, sợ anh không biết nhưng anh nhìn lại tôi một lần nữa và bảo OK. Khoảng 4 giờ chiều, xe bỏ
tôi xuống ngay tấm bảng bên đường: Gia Đình An Phong – Cơ quan bảo trợ giáo huấn hướng nghiệp
các thanh thiếu niên không gia cư.
Tôi đã đứng đó rất lâu, đọc nhiều lần những dòng chữ này đến thuộc lòng, nhìn vào thấy các
cửa đều đóng, lòng thấy lo lo. Lúc sau thấy có một anh ở trần ra ngồi ở hành lang nhịp chân hát nghêu
ngao. Tôi rón rén vào chào anh và hỏi thăm thì anh cho biết hôm nay Cha đi Sàigòn chưa về, nhưng cứ
vào đây đi, tối Cha về. Người anh em đầu tiên tôi gặp này chính là anh Tuấn Tây lai, sau này học chung
với tôi tại trường Tam Nguyên nhưng anh đã rời Gia Đình An Phong sau nửa năm học.
Ngồi nói chuyện thăm dò một lúc thì nghe có tiếng kẻng, anh Tuấn kéo tay tôi đi xuống nhà ăn,
thấy rất nhiều người đến nhận phần ăn rồi mang về nhà, rất ít người ngồi ăn ở đó. Anh Tuấn mượn nhà
bếp cho tôi một thau nhôm nhỏ và chiếc thìa, cơm và thức ăn đều ở đó. Tôi và anh ngồi lại ăn, sau đó
anh chỉ cho tôi phòng Cha và đi mất.
Tôi ra hành lang trước phòng Cha ngồi chờ mãi đến khoảng 8 giờ tối Cha mới về. Không biết có
ai nói với Cha hay Cha đã thấy tôi khi lái xe về, Cha ra gọi tôi vào ăn cơm với Cha. Tôi thưa đã ăn rồi
nhưng Cha vẫn xới cơm ép tôi ăn thêm một chén. Sau bữa cơm, Cha dẫn tôi vào phòng, vừa hỏi vừa
đánh máy. Cha gợi ý: hay để Cha liên lạc với gia đình vào đón con về đi học tiếp. Tôi đã thưa với Cha:
con muốn được ở với Cha, nếu Cha báo tin cho nhà con thì ngày mai con sẽ ra đi. Cha bảo: "Thôi, vậy
con cứ ở đây, đây là gia đình con, con có quyền tự do của một người con…" Sau đó Cha đưa tôi một
tấm drap Mỹ và dẫn tôi xuống căn phòng gần đó ngủ chung với mấy anh em.
17
Từ đêm đó tôi đã là thành viên Gia Đình An Phong tại nông trại Rạch Dừa. Ở cùng phòng với tôi
ngày đó có Tâm Quảng Ngãi, Bắc đen, Tiếp ù… Thời gian rỗi cả ngày, Tiếp ù dẫn tôi đi câu cá bống về
kho lên trong chiếc lon sữa bò làm thức ăn thêm cho bữa cơm.
Đang thoải mái cả ngày rong chơi, một hôm Cha gọi lên bảo tôi chuẩn bị đi học. Tôi xin Cha cho tôi
học nghề vì đã chán học. Cha bảo tôi: học nghề lúc nào học cũng được nhưng học văn hóa chỉ có thời hạn.
Thấy tôi cứ cương quyết muốn học nghề nên Cha để tôi tiếp tục suy nghĩ. Nhưng ăn chơi mãi cũng chán,
lúc đó garage gần như đã đóng cửa, một số anh lớn làm lò bánh mì, tôi chẳng biết sẽ được học nghề gì. Rồi
một hôm Cha lại gọi lên gợi ý chuyện đi học tiếp, lần này tôi đồng ý nhưng… "Thưa Cha, con không mang
học bạ theo, mà con không muốn về nhà lấy." Cha bảo: "Thôi con cứ học dự thính và đi thi như một thí sinh
tự do." Thấy thuận lợi nên tôi gật đầu.
Tối hôm sau, Cha chở tôi lên Bãi Dâu, đêm đó là đêm Trung Thu mọi người đang tụ họp ở nền
đúc đón Trung Thu. Cha đưa tôi đến gặp chị Tho, sau đó cùng Cha đến vui Trung Thu với anh em.
Những ngày đầu tôi ngủ ở phòng chung, ít lâu sau Báu già rủ tôi về ở chung nhà ( sau này đi học Báu
cùng học chung trường Tam Nguyên với tôi ). Như vậy đời tôi sang trang mới.
Vài ngày sau, Cha đưa tôi đến trường Nghĩa Thục Tam Nguyên ( nằm gần ngã tư Giếng Nước ) làm
thủ tục nhập học. Tôi vào học khá muộn so với các bạn nhưng vì là dân học dự thính nên các thầy cô chẳng
quan tâm nhiều đến chuyện này. Cùng học ở Tam Nguyên có Linh, Bình, Báu già và Thắng, Tuấn Tây lai ở
nông trại, nhưng con số cứ rơi rụng dần, còn mình tôi đi học cũng buồn, trường lại quá xa nên sang nửa học
kỳ hai tôi cũng bỏ học nốt. Năm sau có thêm Trinh đểu cùng đi học chung và vì Cha mua cho chiếc xe đạp
mới nên tôi mới chịu đi học đều cho đến Hè 75.
Hôm nay nghĩ lại mới thấy thấm lời Cha và cũng dùng lời Cha để dạy các con: học văn hóa chỉ
có một thời điểm tốt nhất trong một đời người. Và hết sức biết ơn Cha đã cho tôi được sống nốt quãng
đời học sinh vô tư ngà ngọc…
Tôi thuộc lớp sinh sau đẻ muộn, sau các đàn anh lớp đầu tiên những 10 năm. Nhưng nhìn lại tôi
cũng đã gắn kết với gia đình 40 năm. Cuộc đời tôi đang đi xuống phía bên kia ngọn đồi, nhưng tôi vẫn
đang đi cùng anh chị em trong Gia Đình An Phong. Ký ức tôi không chút phai mờ, tôi nhớ rõ từng kỷ
niệm với Cha và với từng anh chị em đã từng chung sống gặp gỡ suốt 40 năm qua. Tôi không định kể
lại tất cả vì quá dài dòng nhưng thực sự nó luôn là hành trang tôi mang theo suốt đời. Vì thế, sau mùa
Hè 75, nhiều người anh em đã quay về với gia đình của mình nhưng tôi thì không. Tôi đã chọn con
đường cùng một số anh chị em nhóm Bụi học trò tiếp tục nương tựa nhau để sống, để trưởng thành, để
gìn giữ hơi ấm ngày nào của Gia Đình An Phong trong trái tim mình.
40 năm làm người con An Phong, tôi và tất cả anh chị
em đã cùng Cha đi qua những bước thăng trầm: miệt mài tin
tưởng làm Bụi học trò, sau 75 theo Cha hăm hở làm anh nông
dân vào Tầm Bó, Kim Long; cùng chị Tho với nhóm nhỏ Bụi học
trò về Vinh Thanh, Bình Giả… Dù nhiều gian khổ, đắng cay và
thất bại, tôi luôn tự hào về chiếc nôi Gia Đình An Phong của
mình. Và, tôi biết rằng tất cả ông bà anh chị em mình đều như
vậy. Trong 50 năm thành lập và trưởng thành, dù có lúc chúng
ta sinh hoạt theo từng nhóm: Bụi lão, Bụi già, Bụi lính, Bụi non,
Bụi học trò, Bụi cô nhi… Biết bao người đã bước chân vào mái
nhà An Phong mà hôm nay anh chị em mình không thể nhớ hết
tên ( vì thời gian lưu lại ngắn ), nhưng dù thế nào tất cả đều có
thể tự hào nhận mình là con dân An Phong.
Cha kính yêu !
Mừng đại thọ Cha 90 tuổi, mừng Gia Đình An Phong mình tròn 50 năm thành lập để thấy thời gian
và công sức Cha dành cho chúng con lớn lao như thế nào. Hôm nay trong dòng hồi tưởng của con vẫn hiện
rõ từng chi tiết ngày đầu tiên con được trở thành công dân An Phong.
Thời gian con được gần Cha liên tục chỉ có khoảng 5 năm. Trong thời gian ấy nhiều lầm lỗi của
con đã làm buồn lòng Cha rất nhiều, nhưng con đặc biệt nhớ đến hai lần con đốt rác vô ý làm cháy
rừng, lan sang đất chùa bên kia núi Lớn làm cha bị mắng vốn, và lần con tự ý bỏ học nửa chừng là Cha
giận con nhất, nhưng cha vẫn chưa cho con bợp tai nào, lại còn mua cho chiếc xe đạp để năm sau con
đi học trở lại.
Sau mùa Hè 75, Cha thay chiếc áo dòng bằng bộ bà ba đen ngắn tay, thay xe hơi bằng chiếc
Honda 67 kéo rờ moóc tiếp tế thực phẩm cho chúng con… nhưng lúc nào Cha cũng lạc quan. Bài học
lớn đó đến nay chúng con vẫn chưa học được đó Cha.
18
Cha ơi ! Kể làm sao cho hết những kỷ niệm yêu thương êm đềm, nói sao cho hết những tâm tình
của từng người con. Con xin một lần để ký ức quay về với con, với Cha… để con nhìn thấy rõ hơn Tình
Cha và để tin tưởng tình thân từ mái ấm ngôi nhà An Phong luôn còn mãi trong tim tất cả chúng con.
CATÊ, 2013
NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ 6
Đức Hồng Y Montini đã rất lo lắng trong thời gian Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, vì ngài biết rõ
những gì sắp diễn ra. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm triều Giáo Hoàng của ngài, ngài không sợ hãi phải
đối mặt với những thách đố của một giai đoạn đặc biệt khó khăn thông qua 7 cử chỉ đáng ngạc nhiên.
Ngài là vị Giáo Hoàng đã bán vương miện của mình
Tin rằng Đức Giáo Hoàng không phải là một
vị vua, ngài đã từ bỏ vương miện ba tầng chỉ một
năm sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Số tiền
bán được đã dành để giúp đỡ các công việc bác ái
của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Từ đó, đến nay không
có vị Giáo Hoàng nào sử dụng vương miện nữa.
Một nhóm người Công Giáo Mỹ đã mua lại
vương miện này với giá 1 triệu Mỹ Kim. Quý vị nào có
dịp đến Washington DC, ghé thăm Đền Thánh Quốc
Gia Hoa Kỳ, nơi cũng có một nhà nguyện kính Mẹ La
Vang của người Việt Nam sẽ thấy vương miện này
được trưng bày ở đó.
Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện
các chuyến tông du trên thế giới
Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới
bên ngoài nước Ý. Trên tờ bìa số ra ngày 4.1.2004, tờ Quan Sát Viên Rôma đã trình bày những suy tư
về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục xảy ra trước đó 40 năm, tức là 50 năm tại thời
điểm năm 2014 này. Tờ báo này nhận định rằng dù ngắn ngủi ( chỉ có 3 ngày ), đây là chuyến tông du
"hết sức quan trọng".
Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét: "Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng dùng phi cơ, và thực
hiện một chuyến đi đến miền đất của Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ".
Ngài đã đến thăm 19 quốc gia trên khắp năm châu trong 9 chuyến tông du. Ngài đã viếng thăm
New York, Iran, Philippines, Colombia, và Bồ Đào Nha. Khi trở về từ Thánh Địa, ngài gặp gỡ dân chúng
trên đường phố Rôma với vòng tay rộng mở.
Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói: "Trong mỗi chuyến tông
du, ngài thường yêu cầu những nhà tổ chức để ngài được tiếp xúc trực tiếp với người dân và các gia
đình. Ngài cũng yêu cầu đến thăm các vùng ngoại ô của thành phố."
Ngài là vị Giáo Hoàng chỉ còn cách Trung Quốc có 29km
Năm 1970, ngài tới thăm Hương Cảng. Phần đất này lúc đó vẫn còn dưới quyền cai trị của
người Anh. Thống đốc David Trench, người đã chính thức mời ngài sang thăm Hương Cảng đã chịu
một áp lực nặng nề và những lời hăm dọa của Mao Trạch Đông đến mức ông phải làm bộ cáo ốm đi
nghỉ hè để không chính thức tiếp đón Ngài.
Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói thêm: "Ngài là vị Giáo
Hoàng đầu tiên rất gần với Trung Quốc về mặt địa lý. Ngài đã có thể nói chuyện trực tiếp với mọi người,
với những từ ngữ của hòa bình và tình yêu."
Ngài là vị Giáo Hoàng đã bãi bỏ danh mục các sách bị cấm
Năm 1966, Đức Phaolô 6 đã loại bỏ danh mục các sách cấm người Công Giáo đọc, vốn đã tồn
tại bốn thế kỷ. Cha Gianfranco Grieco, tác giả, cuốn "Pablo VI, he visto, he creído" nói: "Ngài là một nhà
19
CÙNG TRÂN TRỌNG
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630
Ephata 630

Contenu connexe

Tendances

Vo gia dinh
Vo gia dinhVo gia dinh
Vo gia dinh
cohtran
 
Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016
Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016
Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016
Banmaischool
 
Nhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat DungNhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat Dung
van11112233
 
Thoi Tho Au
Thoi Tho AuThoi Tho Au
Thoi Tho Au
phuongkh
 
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh daoChuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
Nguyễn Quang
 
Tap lam van . linh
Tap lam van . linhTap lam van . linh
Tap lam van . linh
congquyenxd
 
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO ITBMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
Banmaischool
 

Tendances (18)

Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.netKể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
 
Vo gia dinh
Vo gia dinhVo gia dinh
Vo gia dinh
 
Ngày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên đi họcNgày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên đi học
 
Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016
Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016
Nội san Ban Mai số 13 - tháng 5/2016
 
Nhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat DungNhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat Dung
 
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
 
Thoi Tho Au
Thoi Tho AuThoi Tho Au
Thoi Tho Au
 
Những bài văn tả mẹ
Những bài văn tả mẹNhững bài văn tả mẹ
Những bài văn tả mẹ
 
Thay co
Thay coThay co
Thay co
 
Nội san Ban Mai - tháng 12/2016: LÒNG TỐT & SỰ DŨNG CẢM
Nội san Ban Mai - tháng 12/2016: LÒNG TỐT & SỰ DŨNG CẢMNội san Ban Mai - tháng 12/2016: LÒNG TỐT & SỰ DŨNG CẢM
Nội san Ban Mai - tháng 12/2016: LÒNG TỐT & SỰ DŨNG CẢM
 
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh daoChuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
 
Tap lam van . linh
Tap lam van . linhTap lam van . linh
Tap lam van . linh
 
Kỷ yếu Ban Mai school: 10 năm TẦM CAO MỚI
Kỷ yếu Ban Mai school: 10 năm TẦM CAO MỚIKỷ yếu Ban Mai school: 10 năm TẦM CAO MỚI
Kỷ yếu Ban Mai school: 10 năm TẦM CAO MỚI
 
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 2
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 2[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 2
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 2
 
Xin Cám Ơn Cuộc Ðời‏
Xin Cám Ơn Cuộc Ðời‏Xin Cám Ơn Cuộc Ðời‏
Xin Cám Ơn Cuộc Ðời‏
 
[Sách] Nghệ thuật sống 3
[Sách] Nghệ thuật sống 3[Sách] Nghệ thuật sống 3
[Sách] Nghệ thuật sống 3
 
Số 3
Số 3Số 3
Số 3
 
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO ITBMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
 

En vedette

China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...
China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...
China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...
Qianzhan Intelligence
 
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
Qianzhan Intelligence
 
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
Qianzhan Intelligence
 
China clothing industry production & marketing demand and development forecas...
China clothing industry production & marketing demand and development forecas...China clothing industry production & marketing demand and development forecas...
China clothing industry production & marketing demand and development forecas...
Qianzhan Intelligence
 
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
Qianzhan Intelligence
 
China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...
China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...
China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...
Qianzhan Intelligence
 

En vedette (20)

Back To School Night 2014
Back To School Night 2014Back To School Night 2014
Back To School Night 2014
 
China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...
China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...
China fluorine chemical industry indepth research and investment strategic pl...
 
China midwestern cement industry production and marketing demand and investme...
China midwestern cement industry production and marketing demand and investme...China midwestern cement industry production and marketing demand and investme...
China midwestern cement industry production and marketing demand and investme...
 
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
 
China diagnostic reagent industry production & marketing and investment forec...
China diagnostic reagent industry production & marketing and investment forec...China diagnostic reagent industry production & marketing and investment forec...
China diagnostic reagent industry production & marketing and investment forec...
 
Danny Bluestone - Agile UX – a digital agency’s view’.
Danny Bluestone - Agile UX – a digital agency’s view’.Danny Bluestone - Agile UX – a digital agency’s view’.
Danny Bluestone - Agile UX – a digital agency’s view’.
 
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
 
Marketo Protips 3: New Advice You Can Implement Today
Marketo Protips 3: New Advice You Can Implement TodayMarketo Protips 3: New Advice You Can Implement Today
Marketo Protips 3: New Advice You Can Implement Today
 
concierge services
concierge services concierge services
concierge services
 
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
China accounting firm indepth research and investment strategic planning repo...
 
China clothing industry production & marketing demand and development forecas...
China clothing industry production & marketing demand and development forecas...China clothing industry production & marketing demand and development forecas...
China clothing industry production & marketing demand and development forecas...
 
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
China cardiovascular system drugs industry market demand forecast and investm...
 
Job analysis-bharat-employment
Job analysis-bharat-employmentJob analysis-bharat-employment
Job analysis-bharat-employment
 
China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...
China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...
China rfid industry market forecast and investment strategy planning report, ...
 
Ephata 619
Ephata 619Ephata 619
Ephata 619
 
Cómo medir resultados en la red
Cómo medir resultados en la redCómo medir resultados en la red
Cómo medir resultados en la red
 
Ephata 614
Ephata 614Ephata 614
Ephata 614
 
School work
School workSchool work
School work
 
Purity 2016
Purity 2016Purity 2016
Purity 2016
 
Mar martinez. Case study (portugues)
Mar martinez. Case study (portugues)Mar martinez. Case study (portugues)
Mar martinez. Case study (portugues)
 

Similaire à Ephata 630

Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Hoa Bien
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Hoa Bien
 
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chếtJenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny Phương
 
Suoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuongSuoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuong
Hung Duong
 

Similaire à Ephata 630 (20)

Ephata 615
Ephata 615Ephata 615
Ephata 615
 
Chua Bai Dinh
Chua Bai DinhChua Bai Dinh
Chua Bai Dinh
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
 
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMTCám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
 
Tâm Bút
Tâm BútTâm Bút
Tâm Bút
 
Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25
 
Tư tưởng HCM - tấm lòng nhân ái của Bác
Tư tưởng HCM - tấm lòng nhân ái của Bác Tư tưởng HCM - tấm lòng nhân ái của Bác
Tư tưởng HCM - tấm lòng nhân ái của Bác
 
Bong Hong Cai Ao.pdf
Bong Hong Cai Ao.pdfBong Hong Cai Ao.pdf
Bong Hong Cai Ao.pdf
 
Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25 Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25
 
Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25 Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25
 
Cathedral total vhn
Cathedral total vhnCathedral total vhn
Cathedral total vhn
 
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chếtJenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Hạnh phúc dâng mẹ
Hạnh phúc dâng mẹHạnh phúc dâng mẹ
Hạnh phúc dâng mẹ
 
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămTổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
 
Người thầy đầu tiên
Người thầy đầu tiênNgười thầy đầu tiên
Người thầy đầu tiên
 
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
 
BO CUA XI MONG
BO CUA XI MONGBO CUA XI MONG
BO CUA XI MONG
 
Suoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuongSuoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuong
 

Plus de Vu Mai JMV

Plus de Vu Mai JMV (20)

Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
Ephata 635
Ephata 635Ephata 635
Ephata 635
 
Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
Ephata 628
Ephata 628Ephata 628
Ephata 628
 
Ephata 627
Ephata 627Ephata 627
Ephata 627
 
Ephata 626
Ephata 626Ephata 626
Ephata 626
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
Ephata 623
Ephata 623Ephata 623
Ephata 623
 
Ephata 622
Ephata 622Ephata 622
Ephata 622
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 618
Ephata 618Ephata 618
Ephata 618
 
Ephata 617
Ephata 617Ephata 617
Ephata 617
 
Ephata 616
Ephata 616Ephata 616
Ephata 616
 

Ephata 630

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com "NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI ?" Kính thăm cha già Louis Nguyễn Văn Qui, và quý anh chị Gia Đình An Phong, Một ngày đầu tháng 7 năm nay, con đang dự Công Hội Tỉnh DCCT tại Kỳ Đồng thì được tin có khách tìm con, đông lắm, ngồi đầy cả nhà khách Tu Viện. Đúng lúc được nghỉ giải lao, con vội chạy ra, ngỡ ngàng và mừng vui, tưởng ai, hoá ra là cha Fabiano Lê Văn Hào, Dòng Thánh Bosco, cùng các anh chị Gia Đình An Phong. Vậy là năm nay nữa, cha lại không thể về với con cái được. Chỉ có mấy phút bàn bạc, con liền đề nghị ngoài việc tĩnh tâm và dâng Thánh Lễ đúng ngày Lễ Thánh An Phong 1 tháng 8 tại Nhà Nguyện Dòng Xitô trên núi Vũng Tàu, Gia Đình mình hãy cùng nhau làm một tập kỷ yếu ghi dấu 50 năm Gia Đình An Phong và mừng thượng thọ cha già Louis 90 tuổi. Thời gian chỉ còn chưa tới một tháng, chắc chắn không thể kịp ra mắt một tập sách hoàn hảo trang trọng, nhưng có được đến đâu ta cứ làm đến đấy, đúng tinh thần của "dân Bụi", miễn là cha già vui, anh chị em mình vui là được, có dịp hồi ôn kỷ niệm xưa mà tạ ơn Chúa, biết ơn cha già và cám ơn nhau… Vậy là đã hai năm liền con được làm quen, hoà mình vào với Gia Đình, ít là trong ngày mừng Lễ kính Thánh An Phong, cũng là ngày truyền thống kỷ niệm thành lập Gia Đình An Phong. Thật ra, tuy không được ở "thâm niên" với cha, không được làm con của cha như nhiều anh chị tại Vũng Tàu, nhưng con cũng may mắn có được nhiều cơ duyên tuyệt vời với cha. Kỷ niệm đầu tiên… Chúa Nhật 26.8.2001, con đưa một thông tin cần trợ giúp khẩn cấp lên tờ báo điện tử mang tên Gospelnet số 23 ( nghĩa là Mạng Lưới Tin Mừng ) như sau: "Có một em dân tộc ở Kon Tum tên là A Vương, sinh ngày 26.11.1982, là cháu của một chị Nữ Tu Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum, ngụ tại làng Kon Hra Chot. Em A Vương là một trong những người dân tộc đầu tiên là học sinh giỏi thi đậu liền 2 trường Đại Học Y Tây Nguyên và Đại Học Giao Thông Vận Tải Sàigòn. Vào năm học mới em sẽ phải đóng học phí 1.800.000 đồng cho trọn năm học, tính theo giá bây giờ phải gấp mười lần thế. Gia đình A Vương lại có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không thể lo liệu nổi số tiền lớn như thế. Đã gần hết thời hạn quy định, và chắc chắn em sẽ bị nhà trường loại bỏ không thương tiếc…" Lúc ấy, con chỉ có trong tay đúng 500.000 đồng nên nhờ anh em trong Dòng chuyển ngay lên Kon Tum, coi như một phần nhỏ khích lệ gia đình em A Vương đừng vội nản lòng nhưng cứ kiên trì cậy trông vào Chúa. Như vậy, vẫn còn cần thêm 1.300.000 VND mới đủ ! Báo gửi đi vào lúc 22g buổi tối khuya Chúa Nhật 26.8.2001 bên Việt Nam, không ngờ bên Pháp lúc ấy là 17g chiều cùng ngày, cha già Louis mở chiếc computer cũ kỹ do chính tay các em Bụi Đời Việt Nam bên Pháp tận dùng đồ phế thải lắp ráp, cha nhận được số báo Gospelnet qua Email, đọc thông tin về em A Vương xong, cha gọi điện thoại về Việt Nam cho chị Trần Thị Nghiêm, Gia Đình An Phong tại Vũng Tàu, lúc ấy đã là nửa đêm bên Việt Nam… Sáng tinh mơ thứ hai 27.8, lúc 6g30 sáng, con vừa dâng Lễ trong Tu Viện xong, một chiếc Honda cũ mèm đỗ xịch trong sân Nhà Dòng, tài xế chắc cũng là dân An Phong, hỏi con có phải là cha Quang Uy không rồi đưa luôn số tiền 1.300.000 VND, bảo là cha Quy từ bên Pháp nhắn anh em Gia Đình An Phong Vũng Tàu lo vụ này, dứt lời anh quành xe phóng luôn, đúng phong cách… Bụi ! 1 NĂM THỨ 15 – SỐ 630 – CHÚA NHẬT 2.11.2014
  • 2. Con mừng quá, vào gọi điện thoại ngay, nhờ thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, cũng gốc Kon Tum ( nay đã là Linh Mục truyền giáo bên Paraguay ) tìm cách chuyển khoản ngay số tiền này lên Tây Nguyên. 10g sáng hôm ấy, khi em A Vương đến văn phòng Trường Đại Học Y Tây Nguyên đóng xong 1.800.000 VND, thì không ngờ, cũng là vừa lúc hết thời hạn. Hú vía ! Hiện nay, em A Vương đã là một bác sĩ trẻ Nhi Khoa. Cách đây mấy năm, khi cha già đang về thăm Việt Nam thì ngã bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Con có báo tin cho bác sĩ A Vương, A Vương đã tìm cách vào tận nhà thương chào cha để nói lời tri ân. Mười năm trước, nếu cha già đã không chạnh thương và quyết đoán nhanh nhạy, và nếu các anh chị An Phong Vũng Tàu cũng không chạnh thương kèm theo lòng nhiệt thành xốc vác, phóng xe hơn một trăm hai mươi cây số từ khi trời chưa rạng sáng để kịp góp một món tiền lớn, thì em A Vương đã phải dở dang việc học, thiệt thòi cho bản thân, cho Giáo Hội, cho cả cộng đồng dân tộc của em… Kỷ niệm thứ nhì… Sau đó mấy tháng, cuối năm 2001, con được dịp lang thang sang Pháp. Cha Qui từ Ermont- Eaubonne gọi điện thoại lên Paris hỏi con có muốn theo cha một chuyến viếng Đức Mẹ Lourdes ( Lộ Đức ) không, con mừng như bắt được vàng, ước mơ bao lâu nay thế là được toại nguyện. Cũng xuất phát từ một lần lâu lắm rồi cha già chạnh thương cưu mang một cô gái Việt ở trại tỵ nạn vượt biên. Bây giờ cô đã định cư tại một nước Bắc Âu, lập gia đình nhưng lại mong mãi mà chưa có con, cô ấy muốn hành hương về Lourdes xin Mẹ Maria ban ơn cho khỏi hiếm muộn, cô không giàu có, chỉ vừa đủ sống, nhưng sẵn sàng lo mọi sự, miễn là có cha già Louis kính yêu cùng đi. Cha già lại muốn cho cha trẻ bên Việt Nam được "ăn theo" chứ cha già biết rõ con chẳng có tiền túi rủng rỉnh đâu mà dám đi một mình. Từ Paris ba cha con đi xe lửa xuôi xuống miền Nam nước Pháp trong đêm. Đến Lourdes, cha quen biết rộng nên xin trọ được tại một nhà nghỉ bình dân nhỏ bé của AED ( Aide à l'Église en Détresse – Hội trợ giúp các Giáo Hội đang bị bách hại ). Chị phụ trách là một người đặc biệt thánh thiện, chị chỉ ăn mỗi ngày 3 khoanh bánh mì khô với nước lã, còn hơn người Phật Giáo ăn chay trường. Chị gầy tong teo nhưng khoẻ lắm, đi thoăn thoắt. Cả ngày lo mọi sự tại nhà nghỉ thật chu đáo, xong là chị lại mấy phen xải chân cuốc bộ ra cầu nguyện Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức. Tội nghiệp cha già Louis, năm ấy đã 78 tuổi, trong suốt 3 ngày ở Lourdes vẫn cố gắng ì ạch lặc lè chậm bước theo sau ông cha trẻ 42 tuổi và chị ân nhân 45 tuổi từ nhà nghỉ ra với Đức Mẹ, một ngày ba bận đi đi về về. Dạo ấy trời đã tàn Thu lập Đông, mưa chỉ còn lâm thâm dai dẳng, mây xám, gió heo may bắt đầu se se lạnh, cây cối đã trụi lá khẳng khiu, lạ thay, tất cả lại làm cho khách hành hương càng cảm thấy tha thiết gắn bó với Mẹ Maria, có những người tận Philippines sang, quỳ gối lết đến với Mẹ cả quãng đường 6, 7 trăm mét từ cổng vào, có người từ bên Đông Âu sang phủ phục xuống nền gạch trước Hang Đá lúc nào cũng ướt đầm nước mưa… Một hôm, con với cha già Louis đứng hai bên đồng tế với ông cha Tây ngay trong Hang Đá nơi Đức Mẹ hiện ra ngày xưa với chị Bernadette Soubirous năm 1858. Thánh Lễ được truyền trực tiếp trên sóng radio đi tất cả các nước nói tiếng Pháp ( Francophone ) và con được dâng lời cầu nguyện bằng tiếng Pháp cho quê hương Việt Nam. Với cha già Qui thì có một câu chuyện vừa vui vừa thấm thía. Một hôm cha già dắt con leo dốc lên phía trên Hang Đá Lộ Đức, nơi tọa lạc một Vương Cung Thánh Đường hết sức nguy nga dâng kính Đức Mẹ. Cha mệt quá, thở phì phò, ngồi uệch luôn xuống trước bậc thềm trước cửa Nhà Thờ, còn con thì đứng gần đó ngơ ngẩn dõi mắt ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên cuối Thu với đồi núi chập trùng, sông suối hiền hoà và rừng cây an nhiên. Bỗng có một bà già chắc cũng trạc tuổi cha Qui bước tới ngay chỗ cha ngồi, chạnh lòng thương vì ngỡ cha là một ông cụ hành khất người Trung Quốc nghèo khổ và khuyết tật, bà mở ví lấy tiền bố thí cho cha, hình như nhiều lắm, cũng đến mấy chục Francs ( lúc ấy chưa đổi Euros ). Cha mỉm cười cám ơn bà cụ bằng tiếng Pháp rất ư là lịch thiệp của dân Tây, xong xuôi cha lồm cồm ngồi dậy, ì ạch chậm rãi bước tới hòm tiền công đức trước cổng Đền Thờ. Bà già Tây há hốc mồm nhìn rồi kêu lên ( đương nhiên bằng tiếng Pháp ) ý là: "Ơ ! Cái ông già này, tôi cho ông chứ có cho Nhà Thờ đâu !" Cha già ôn tồn mỉm cười lần nữa bảo bà: "Vâng, cám ơn, bà đã cho tôi rồi thì là của tôi, tôi muốn cho lại Nhà Thờ là quyền của tôi chứ !" Và cha bỏ tọt luôn số tiền vào hòm công đức trong sự hậm hực bất bình của bà già kia. Bà kia bỏ đi rồi, cha già mới bảo tôi: "Bên Tây này nó vậy đó, giúp người nghèo, làm việc bác ái cỡ nào họ cũng sẵn sàng, họ coi như một nghĩa vụ xã hội tự nhiên, nhưng bảo giúp cho Giáo Hội thì dứt khoát không, họ bảo Giáo Hội giàu quá rồi !" Con cứ phải ngẫm nghĩ mãi về lời nhận định này của cha. Biết đâu rồi có ngày không khéo Giáo Hội Việt Nam mình cũng sẽ rơi vào bi kịch này khi người ta mất lòng tin tưởng đối với hàng Giáo Sĩ, mất sự gắn bó gần gũi với cả Giáo Hội… 2
  • 3. Rời Lourdes về lại Paris, con còn được mấy dịp đi với cha già Louis, ngồi xe hơi do chính cha cầm lái, toàn đồ cũ lắp ráp tái chế nhưng chạy bon bon trên xa lộ, qua mỗi nơi nào đặc biệt cha đều giải thích và kèm theo một câu chuyện lý thú, mở mang trí óc cho ông cha trẻ. Con được đến và ở lại ngồi nhà thị trưởng Ermont-Eaubonne tặng cho cha làm "Biệt Thự Bụi", nuôi đến mấy chục anh chị em Việt Nam đủ "thể loại": sinh viên, bệnh nhân tâm thần nhẹ, người vô gia đình, mỗi người một hoàn cảnh, một tính khí, một khát vọng, họ cùng dâng Thánh Lễ, cùng cầu nguyện, cùng làm việc để mưu sinh, cùng ăn bữa cơm huynh đệ, cùng trùm chăn ngủ chung dưới một tầng hầm, và có cùng một người cha già biết trân trọng và luôn yêu thương từng mảnh đời Bụi trên đất khách quê người… Truyện Kiều có câu: "Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không ?” Con mang máng nhận ra cũng có một cái "duyên" gì đấy giữa con với cha, giữa con với các anh chị Gia Đình An Phong, để khi cha yếu mệt không về Việt Nam năm ngoái, cha Fabiano Hào đến DCCT có ý xin cha Giám Tỉnh cử một cha tạm thời thay mặt cha già Louis để lo cho Gia Đình An Phong dịp Lễ truyền thống 1 tháng 8, tự dưng con lại lơn tơn đi ra, cha Hào ngỏ ý, con liều lĩnh nhận lời ngay, có lẽ tất cả chỉ vin vào cái "duyên" con từng có được với cha già từ năm 2001 như con vừa kể trên đây… Vậy, tuy con không phải là dân "Bụi", con vẫn xin cha già công nhận cho con từ hôm nay được làm thành viên của Gia Đình An Phong. Con tin cha không nỡ nào từ chối, cha nhỉ ? Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT 27.7.2013 MỤC LỤC TÌM BÀI: "NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI ?" ( Lm. Giuse Lê Quang Uy ) .......................................................... 01 NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN ( Thanhcavietnam.net ) ....... 03 CÁC THÁNH NAM NỮ LÀ AI ? ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ............................................................. 04 CÁC THÁNH LÀ AI VẬY ? ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ..................................................................... 07 SINH VÀ TỬ HIỆP THÔNG ( AM. Trần Bình An ) ................................................................................. 08 HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT ( J. Chuyên ) ....................................................................... 10 CÓ TÔI KHÔNG ? ( Pio X Lê Hồng Bảo ) ............................................................................................. 11 SỐNG VÀ YÊU ( Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) .................................................................................. 12 CÁO PHÓ: Lm. LOUIS NGUYỄN VĂN QUI, DCCT ĐÃ VỀ NHÀ CHA TRÊN TRỜI .............................. 13 GIA ĐÌNH AN PHONG: GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI… ( Lm. Louis Nguyễn Văn Qui ) ................. 13 HỒI ỨC MỘT GIA ĐÌNH BỤI ( Nguyễn Thị Lan ) .................................................................................. 15 KỶ NIỆM TUỔI THƠ ( Mai Trâm ) ......................................................................................................... 16 BÔNG HỒNG BÁO ÂN ( Kết – Quỳnh – Long ) ..................................................................................... 16 NÍU BƯỚC THỜI GIAN ( Catê ) ............................................................................................................ 17 NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ 6 ( Góc Nhìn từ Vatican ) .............. 19 ĐỨC PHANXICÔ LÊN TIẾNG VỀ TÌNH TRẠNG TỒI TỆ CỦA NHÀ TÙ ( Góc Nhìn từ Vatican ) .......... 20 GIA ĐÌNH TRUYỀN GIÁO ( Trầm Thiên Thu ) ...................................................................................... 21 PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 24: DỰNG LẠI NHÀ CHO ĐẤNG… ( Nguyễn Trung ) ..................... 22 NHỮNG QUẢ NHO DỮ DỘI ! ( Nancy Nguyen ) ................................................................................... 27 PHÍA SAU HỌ LÀ NHỮNG BẬC CHA MẸ CAN ĐẢM ! ( Nguyệt Quỳnh ) ............................................. 28 QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ...................................................................... 30 NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ ( 1 tháng 11 ) Ở Hoa Kỳ, ngày 31.10 là Halloween, ngày lễ đã bị tục hóa thành một ngày có tính cách ma quái bí ẩn, mà thật ra tên gọi đúng là Halloween, cách gọi tắt gồm nhóm từ All Hallow Even, ( All Hallow là Các Thánh; Even, Lễ Vọng ), có nghĩa "Lễ Vọng Các Thánh". Theo Francis Mershman, qua Thánh Truyền, Lễ Các Thánh Nam Nữ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội do lòng mến mộ của giáo hữu đối với các Thánh. Trong hai ba thế kỷ đầu, người Kitô hữu có thói quen mừng lễ kính nhớ một vị Tử Đạo vào chính ngày vị Thánh ấy hy sinh mạng sống vì Chúa, tại nơi chịu chết vì đạo. Từ thế kỷ thứ 4, khởi đầu có thể thức các giáo phận lân cận hiệp thông với nhau về ngày lễ, rước hài cốt các Thánh và mừng lễ các nhóm Tử Đạo chung cùng một ngày với nhau. Tuy vậy, Giáo Hội muốn vị Thánh nào biết rõ ngày tử đạo thì có lễ riêng, còn các vị không rõ ngày thì lễ chung vào một ngày. Ví dụ: Có ngày lễ riêng kính Thánh Gioan Tẩy Giả bị xử trảm, và lễ chung kính các Thánh Tử Đạo vào Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống. Ðến khi thể thức phong Thánh được thiết lập, số các Thánh tăng thêm, và trong lịch Phụng Vụ có Lễ Các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẩn Tu, v.v.. 3 CÙNG TÌM HIỂU
  • 4. Chính Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III ( 731-41 ) đã dành một Nhà Nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, ở Rôma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1.11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ. Về sau, Ðức Grêgôriô IV ( 827-44 ) mở rộng Lễ 1.11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV ( 1261-64 ) minh định: “Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ” ( Cat. Enc., Volume I, by Kevin Knight 1999 ). NGUỒN GỐC LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN ( 2 tháng 11 ) Cũng theo Francis Mershman, lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được Giáo Hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về Ơn Cứu Độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng. Giáo Hội gọi cuộc thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Khi trình bày Giáo Lý của Đức Tin về việc thanh luyện tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh ( 1Cr 3, 15; 1Pr 1, 7 ), Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: “Ðối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã dạy...” ( Giáo Lý, 1030-1031 ). Vào thời Giáo Hội tiên khởi, người Kitô hữu có thói quen ghi tên các giáo hữu đã qua đời vào “danh sách những người đã ra đi” để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Các Dòng Bênêđitô có nghi thức tưởng nhớ đến các thành viên Tu Sĩ đã qua đời. Tại Tây Ban Nha, có ngày cầu cho các linh hồn vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, hoặc Thứ Bảy trước Lễ Hiện Xuống. Tại Ðức, từ khoảng cuối thế kỷ 10, có lễ cầu hồn vào 1.10. Lễ này được Giáo Hội chấp thuận. Khởi đầu từ tu viện Cluny, năm 1080, các Tu Hội Bênêđitô mỗi năm dành một ngày cầu cho Các Ðẳng Linh Hồn. Sau đó, lễ lan qua Bỉ, Pháp, Ý vào ngày 15.10 và chuyển đến ngày 2.11. Riêng tại Tây Ban Nha, Đồ Đào Nha và Mỹ Latinh, ngày 2.11, các Linh Mục làm ba lễ. Giáo hữu trình thỉnh nguyện thư xin tổ chức lễ cầu hồn trong Giáo Hội hoàn vũ và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ( 1878-1903 ) ban chỉ thị làm lễ Cầu Hồn “Requiem” cho Các Ðẳng. Trong các Giáo Hội theo nghi lễ Hy Lạp và Acmenia cũng có ngày Lễ Cầu Hồn. Từ thanhcavietnam.net CÁC THÁNH NAM NỮ LÀ AI ? Năm Phụng Vụ diễn tả Lịch Sử Cứu Độ và tuyệt đỉnh của lịch sử này là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Năm Phụng Vụ có năm Mùa nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất – mầu nhiệm cứu độ: Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Năm Mùa Phụng Vụ đều quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ. Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể, đã sinh ra, đã chết, đã sống lại, lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha, và gởi Thánh Thần đến với Giáo Hội. Các ngày lễ về các Thánh nói lên thành quả của Ơn Cứu Độ. Mỗi vị Thánh được tôn phong hàng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của Ơn Cứu Độ. Các ngày lễ này có hai cao điểm: - Lễ Đức Maria hồn xác lên Trời là chiều cao và chiều sâu của ơn cứu độ. Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác, toàn diện con người: “Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ… Người đã làm những điều cao cả”. 4 CÙNG SUY NIỆM
  • 5. - Lễ các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của Ơn Cứu Độ: “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”. Theo lời Sách Khải Huyền, các Thánh trên Trời là “một đoàn người đông đảo, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta. Các Thánh Nam Nữ là ai ? Các Thánh Nam Nữ là những phúc nhân ( chữ của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc ), những người đang hưởng hạnh phúc đời đời bên cạnh Thiên Chúa. Các Ngài là tất cả những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa, đang thuộc trọn về Chúa. Các Ngài sung sướng, vui mừng vì thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, được thấy Thiên Chúa tốt lành. Các Thánh Nam Nữ là những người đã thực hiện những điều mà Thánh Phanxicô Assisi dệt thành Kinh Hòa Bình: Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm… Các Thánh Nam Nữ đông vô kể: “Tôi lại thấy một Thiên Thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên… Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” ( Kh 7, 2 – 4 ). Con số “một trăm bốn mươI bốn ngàn” chỉ là một cách nói để bày tỏ sự viên mãn và hoàn hảo của dân Thiên Chúa, dân mới được Thiên Chúa cứu chuộc, thuộc về Thiên Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa số học, số lượng. “Một trăm bốn mươn bốn ngàn” trong Khải Huyền là một con số tượng trưng, một con số tròn đầy ( 12 x 12 = 144 ). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy. Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa, 12 ngàn thuộc chi tộc Ruben, 12 ngàn thuộc chi tộc Gad… không tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ. Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ. Bởi ngay sau đó, Thánh Gioan viết tiếp: “tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế” ( Kh 7, 4 ). Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Đó là cộng đoàn các Thánh Nam Nữ. Quả là đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo thật các ngươi, nhiều kẻ tự phương đông, phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời”. Chính vì thế, ngoài những vị Thánh mà Giáo Hội đã xác định được và đã kính nhớ các Ngài vào các ngày lễ trong năm, Giáo Hội còn dành ra một ngày lễ đặc biệt để long trọng kính nhớ hằng hà sa số các vị Thánh mà Giáo Hội chưa hoặc không thể xác định được, gọi chung là các Thánh Nam Nữ. Chúng ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chỗ cho mọi dân tộc. Bí quyết nên thánh Thánh Gioan viết: “Một trong các kỳ mục lên tiếng hỏi tôi: những người mặc áo trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu tới ? Tôi trả lời: thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” ( Kh 7, 13 ). Thánh Tông Đồ đã nhìn thấy họ trên Thiên đàng, tràn đầy hân hoan, ca hát chúc tụng Thiên Chúa: “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” ( Kh 7, 14 ). Quả thực, việc thanh tẩy tội lỗi chỉ thành tựu nhờ máu Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, các Thánh đã phải trải qua cuộc gian truân lớn. Vì tình yêu Đức Kitô, tất cả đã phải giao chiến với quyền lực của sự dữ, với muôn nghìn đau khổ và khó nhọc. Nhưng Thánh Gioan cũng giới thiệu phần thưởng lớn lao của các Ngài: “Họ đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Thiên Chúa… Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” ( Kh 7, 15 – 17 ). Các Thánh “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Như thế, họ không phải là những con người hoàn hảo, thánh thiện, tinh tuyền, không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là Thánh. Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, không là những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại. Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị. Các Thánh là những con người bình thường như mọi người, nhưng các Ngài đã sống những điều tầm thường một cách phi thường. Nhờ Ơn Chúa trợ lực, các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình 5
  • 6. là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật, là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện, hợp tác với ân sủng đó, vâng theo ý Chúa, chọn điều thiện, luyện tập nhân đức. Có rất nhiều vị Thánh bởi vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được hạnh phúc đích thực. Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa. Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai. Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác. Có người nên thánh, vì khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa. Có người nên thánh vì tâm hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ. Có người nên thánh vì hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình an cho mọi người. Có người nên thánh, vì sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị Thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị Thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị Thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị Thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị Thánh là Nữ Tu, là Chủng Sinh, là Linh Mục, là Giám Mục. Có những vị Thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị Thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người. ( Đức Tgm. Phaolô Bùi Văn Đọc ). Tuy có nhiều cách thức nên thánh, có vị nên thánh trong bậc tu trì, có vị lại nên thánh trong đời sống gia đình, có vị nên thánh bằng các hoạt động tông đồ năng nổ, có vị nên thánh trong một đời sống âm thầm, lặng lẽ, có vị nên thánh nơi pháp trường đẫm máu, có vị nên thánh chốn sa mạc cô liêu… Nhưng tựu trung, tất cả các thánh đã gặp nhau trên một con đường. Đó là con đường hẹp, con đường thập giá, Chúa Giêsu đã đi “qua đau khổ đến vinh quang”. “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc Hiển Thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin Mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo Hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội phong thánh để tôn vinh Thiên Chúa và khuyến khích chúng ta noi theo gương sống của Các Thánh. Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" ( Mt 5, 48 ). Công Ðồng Vatican 2 cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" ( GH 11. 3 ). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị Thánh. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô 2 nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh. Trong Năm Phụng Vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Giáo hội tôn kính tất cả các vị Thánh, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên Thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo Hội tuyên phong. 6
  • 7. Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên Trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua ngày lễ kính các Thánh Nam Nữ. Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN CÁC THÁNH LÀ AI VẬY ? Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ ở trên Trời. Có thể nói, hôm nay là ngày hội lớn, ngày vui mừng hân hoan của tất cả mọi thành phần con cái trong đại gia đình Giáo Hội. Mừng kính các Thánh, nghĩa là mừng kính những người đang sống sự sống của Thiên Chúa, những vị đang hưởng phúc vinh quan tràn đầy trước tòa cao sang của Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng. Thiên đàng là gì ? Thiên đàng là nơi đầy dẫy những sự vui vẻ vô cùng, mà phúc nhất trên thiên đàng là xem thấy mặt Đức Chúa Trời liên ( Sách Bổn Hà Nội tr. 21 ). Thiên đàng là nơi người ta yêu thương nhau, là nơi chỉ còn tình yêu là đáng kể, nơi có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau, nơi không còn chết chóc, chiến tranh, hận thù và nước mắt. Trái lại chỉ có hòa thuận và thương yêu, các Thánh là những người đã đạt tới hạnh phúc đó. Các Thánh là ai vậy ? Là những người không bằng lòng với sự kém cỏi; với những biện pháp nửa vời. Các Thánh là những người đói và khát sự công chính, theo ngôn ngữ Kinh Thánh là khát khao sự thánh thiện. Vì khao khát nên Thiên Chúa đã cho các ngài thỏa chí toại lòng đúng như mối phúc trong Tin Mừng tuyên bố: “Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả” ( Mt 5, 6 ). Chi tiết trong bài đọc thứ nhất của ngày lễ giúp chúng ta hiểu thêm các Thánh là ai. Các Thánh là “những người giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên” ( Kh 7,14 ). Như thế, sự thánh thiện mà các ngài có được là từ Chúa Kitô. Trong Cựu Ước, làm thánh có nghĩa là “tách biệt” khỏi tất cả những gì ô uế. Chữ “thánh” có nghĩa chung là “Kitô hữu”, hợp thành cộng đoàn qui tụ chung quanh Đức Giêsu làm thành Dân Thánh.. Các Thánh tràn đầy sự thánh, còn người phàm mang đầy sự phàm. Các Thánh là những người đã được Thiên Chúa làm gia nghiệp. Các Thánh làm gì trên thiên đàng ? Câu trả lời cũng được tìm thấy trong bài đọc 1: “Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”. Ca đoàn các ngài được Đức Mẹ Maria hướng dẫn, Mẹ tiếp tục thánh thi ca ngợi của Mẹ trên trời, “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” ( Lc 1, 46 ). Chính trong sự ca ngợi này mà các Thánh gặp được hạnh phúc và niềm vui của, “Thần trí tôi hơn hở vui mừng trong Chúa Đấng Cứu Độ tôi” ( Lc 1, 47 ). Vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa ngập tràn các ngài. Các Thánh mặc áo màu gì ? Các Thánh mặc áo chùng trắng, giặt áo mình trong máu Con Chiên. Các Thánh mạc áo đỏ, mặc áo theo con đường tử đạo của Đức Kitô. Các Thánh mạc áo xanh vì đã xây dựng hòa bình, yêu thương và phục vụ công bình đạo lý. Các Thánh mạc áo vàng khi tham dự vào thánh chức huy hoàng của Đức Kitô, và hy vọng vào Thiên Chúa. Các Thánh gồm bao nhiêu vị ? Sách Khải Huyền kể: “số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel” ( Kh 7, 4 ). Tôn chỉ của họ là Tám Mối Phúc Thật. Phúc cho những ai hiền lành, nghèo khó; họ là những người khóc lóc nay tìm được sự ủi an ở nơi Thiên Chúa; họ là những người biết thương xót người nay được Chúa xót thương; họ là những người trong sạch nay được nhìn thấy Thiên Chúa; họ là những người xây dựng hòa bình nên được gọi là con Thiên Chúa; họ là những người bị bắt bớ, “họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến” ( Kh 7, 14 ). Họ là các Tổ Phụ, các Ngôn Sứ, các Tông Đồ, các vị Tử Đạo, Đồng Trinh, Hiển Tu, Ẩn Tu… Tuy nhiên nếu con số chỉ có thế thôi, thì quả là một điều đáng lo sợ, bởi vì người tín hữu như ta đâu có hy vọng được vào sổ những người đó ? Vậy con số đó là thế nào ? Số một trăm bốn mươi bốn ngàn là con số biểu tượng cao đầy đủ, chỉ những người được cứu rỗi. Theo hệ thống đếm của người Do thái, một người có thể đếm cao tới mười hai ngàn. Mười hai ngàn nhân với mười hai, thành một trăm bốn 7
  • 8. mươi bốn ngàn, một con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm bốn mươi bốn ngàn mà thôi. Thánh Gioan đã nhìn thấy: “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng” ( Kh 7, 9 ). Họ thuộc đủ mọi thành phần và mọi tầng lớp trong xã hội. Ðó là lý do tại sao hôm nay Giáo Hội thiết lập ngày lễ các Thánh, để mừng kính chung các Thánh gồm cả các Thánh không tên tuổi, trong đó phải có tổ tiên, họ hàng gần xa của mỗi chúng ta. Hôm nay Giáo Hội mừng kính toàn thể các Thánh, có những vị rõ ràng là Thánh, những vị được tôn phong Hiển Thánh, những vị có tên trong kinh cầu các Thánh với đỉnh cảo sáng rực. Nhưng cũng nhớ và kính mừng những vị Thánh chìm sâu trong lòng đất, trong xác thịt mồ hôi nước mắt của kiếp người. Vì mọi người đều được kêu gọi nên thánh trong Đức Kitô. Các Thánh đã đạt tới hạnh phúc đó, giờ đây trên Thiên Quốc vui mừng hân hoan tận hưởng phần thưởng trọng đại Chúa dành cho các ngài. Đó cũng là niềm hy vọng của tất cả chúng ta đang sống phận lữ hành tiến về Quê Trời vinh phúc. Mừng kính các Thánh, chúng ta cậy nhờ các ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta bao lâu còn sống ở đời tạm nay, biết noi gương các ngài sống Hiến Chương Nước Trời, thực hành Tám Mối Phúc như Chúa Giêsu dạy, để mai sau cũng được Chúa ân thưởng Thiên Đàng. Với niềm hy vọng, cùng với gương sáng và sự trợ giúp của các Thánh, chúng ta cũng có thể làm Thánh, và phải nên thánh bằng cách tự thánh hóa bản thân như các Thánh đã làm, tức là sống theo tinh thần và mệnh lệnh của Tin Mừng là: hiền lành, bác ái, hòa thuận, trong sạch, với tâm hồn luôn hướng về những thực tại siêu nhiên, chịu đựng những vất vả, đau khổ tự nhiên hay do người khác mang đến, luôn tìm kiếm Chúa và cố gắng sống phù hợp với thánh ý Chúa. Được như thế, chúng ta có thể “vui mừng hân hoan vì phần thưởng của chúng ta sẽ trọng đại ở trên trời như Các Thánh hiện nay là những anh em chúng ta đang ca tụng Chúa muôn đời” ( Mt 5, 12a ). Lạy Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen. Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ SINH VÀ TỬ HIỆP THÔNG Lúc 7 giờ rưỡi sáng ngày 2.9.1918 có tiếng chuông reo ở Phòng Thánh. Mẹ Maria Teresa di Gesù ( 1878 – 1948 ) liền đến xem. Mẹ vừa là Bề Trên vừa là người phụ trách Phòng Thánh, nơi có chiếc bàn quay của Đan Viện để liên lạc với bên ngoài và nhận các vật dâng cúng của tín hữu. Sau lời chào thường lệ: "Ngợi Khen Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria – Siano lodati Gesù e Maria” của Mẹ Bề Trên thì có tiếng nói vừa bi ai vừa cay đắng đáp lại: “Tôi phải để lại đây của bố thí này !” Đó là tờ giấy bạc 10 lire của thời bấy giờ tức là tương đương với 200 euros. Khi Mẹ Bề Trên hỏi danh tánh thì tiếng nói trả lời không cần biết tên tuổi. Đây là lần xuất hiện đầu tiên trong tổng số 28 lần. Các cuộc viếng thăm sau đó đi kèm tờ giấy bạc 10 lire khiến các Nữ Tu Kín đơn sơ nghĩ rằng có lẽ vị ân nhân không muốn tỏ lộ danh tánh. Ngày 16.9.1919 tiếng chuông Phòng Thánh lại reo vang sau khi các Nữ Tu đã cẩn thận đóng kín các cửa ra vào và cửa Nhà Nguyện. Không có tiếng nói nhưng chỉ có tờ giấy bạc 10 lire. Mẹ Bề Trên không lấy tờ giấy bạc. Nhưng khi Chị kia quay đi thì Mẹ lại nghe tiếng chuông báo hiệu. Mẹ Bề Trên một mình trở lại bàn quay thì lần này có tiếng nói: “Việc lấy tờ giấy bạc là để làm nguôi Phép Công Thẳng của Thiên Chúa !” Ngày 3.10.1919 chuông Phòng Thánh lại reo. Thể theo lời Cha Giải Tội dặn, vì sợ rằng đây là trò đùa của ma quỉ chăng, nên Mẹ Maria Teresa di Gesù từ chối không nhận tờ giấy bạc 10 lire. Trước sự kiện này, tiếng nói vừa buồn sầu vừa áo nảo trấn an Mẹ Bề Trên: “Không, tôi là một Linh Hồn Luyện Tội, từ 40 năm qua, tôi phải ở trong Lửa Luyện Hình vì tội đã phung phí tài sản của Hội Thánh !” Trước lần hiện về sau cùng, chuông Phòng Thánh reo vào lúc 2 giờ 45 phút sáng. Mẹ Maria Teresa di Gesù trịnh trọng nói: “Theo lệnh của Cha Giải Tội, xin nói cho con biết ngài là ai: có phải là Linh Mục không ?” Tiếng nói bên ngoài bàn quay đáp lại: “Đúng thế !” Lần hiện về cuối cùng Linh Hồn báo tin đã được giải thoát khỏi Lửa Luyện Tội. Lúc ấy là 4 giờ 45 phút sáng ngày 9.11.1919. ( Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, Radio Vatican ). Ai cũng chỉ một thời cõi trần, rồi sống mãi với linh hồn bất tử. Người Kitô hữu thì luôn tâm niệm sinh ký tử quy, cố gắng sống tạm dương thế sao cho tử tế, tốt lành, đức hạnh, xứng đáng làm con 8
  • 9. Chúa, để khi thác được trở về quê hương Nước Trời. Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay thật vắn tắt gói ghém bốn câu Lời Chúa phán dạy về đời sau. “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi sẽ không bị loại ra ngoài” ( Ga 6, 37 ). Như thế, Đức Giêsu chính thức long trọng hứa với những ai đến với Người, đều được hưởng phúc trường sinh. Người đã mở toang cánh cửa Thiên Đàng cho những ai chân thành theo Người. Vấn đề chỉ còn tùy thuộc con người tự do chọn lựa, có đến với Người hay dại dột chối từ. Tuy nhiên, con người thật khó dứt khoát chọn theo Người, dù đã được thanh tẩy làm con Chúa, dù đã lãnh nhận các bí tích nhiệm mầu, nhất là Mình Máu Chúa làm của ăn đi đàng. Do vậy, con người vẫn khó tránh khỏi lửa luyện ngục, để thanh tẩy lần cuối, trước khi vinh dự diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa. Cầu nguyện cho kẻ khuất bóng “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” ( 2 Mcb 12, 46 ) Còn ông Gióp cũng xác tín quyết liệt: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày sau hết khi thân xác tiêu tan, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Người” ( G 19, 25 – 27 ). Công Đồng Vaticanô 2 dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…" ( GH 50 ). Vào Tháng Các Đẳng, Kitô hữu nhớ đến những người khuất núi, ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái, bạn bè, thân bằng quyến thuộc, để báo hiếu, tri ân, cảm tạ và thương yêu bằng cầu nguyện, dâng lễ và làm những việc lành phúc đức với ý chỉ dành cho các linh hồn đang chịu thanh luyện. “Đối với Kitô hữu, không có người chết. Tất cả kẻ chết của chúng ta đang sống. Họ là chi thể của Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi hiệp thông với nhau trong đức tin” ( Đường Hy Vọng, số 690 ). Cầu nguyện cho kẻ đang sống Người Kitô hữu lữ hành hiệp thông chặt chẽ nguyện cầu cho người quá cố trong Giáo Hội Thanh Luyện, cũng chính là cầu nguyện cho bản thân thuộc Giáo Hội Chiến Đấu. Mỗi khi cầu nguyện cho người đã khuất, lại thêm cơ hội ý thức rõ ràng cuộc sống quá phù du, hay thay đổi, bất an, bất trắc. Mỗi ngày, mỗi gần thêm nấm mộ. Vậy thì hằng ngày mỗi chết đi những thói hư tật xấu, tội lỗi nhớp nhơ, mỗi chết đi tánh xác thịt, đam mê, tham sân si, vị kỷ, kiêu căng, ngạo mạn, bất chính, bất nhân, để sau này được sống viên mãn. Thánh Phaolô đã thân thương và tha thiết cảnh báo:”Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” ( Rm 8, 13 ). Mặc dù dưới mắt người đời, người Kitô hữu đang yếu đuối, thất thế, bị rẻ rúng, bị vu oan cáo vạ, và nhất là “bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực ( chúng tôi ) vẫn sống” ( 2 Cr 6, 9 ). Hằng ngày Kitô hữu đang chết dần để có thể sống theo Đức Kitô, như Thánh Phaolô khẳng nhận: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” ( 1 Cr 15, 31 ). Bởi vì: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là mối lợi” ( Pl 1, 21 ). Mặt khác, Giáo Hội Chiến Thắng gồm các Thánh, các linh hồn vinh hiển trên Thiên Đàng, vẫn luôn liên lỉ an ủi, cầu bầu, phù hộ cho Kitô hữu lữ hành, đang còn phải gian nan chiến đấu, như Kinh Tin Kính hằng xác tín với niềm hy vọng: “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sống mới” ( Rm 8, 11 ). “Trên Thiên Đàng, người tông đồ mới thôi lao nhọc. Nhưng ngay ở Thiên Đàng, người tông đồ vẫn tiếp tục cứu giúp trần gian” ( Đường Hy Vọng, số 677 ). Lạy Chúa Giêsu, chúng con hiệp thông với Giáo Hội Thanh Luyện, kính dâng lên Chúa lời nguyện cầu, Thánh Lễ và những việc tốt lành, hy sinh, bác ái, để khẩn cầu Chúa thương xót đoái thương những linh hồn, đang chịu thanh tẩy, sớm được về hưởng Thánh Nhan Chúa. Lạy Mẹ Maria, tràn đầy Chúa Thánh Thần, kính xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Thánh Thần, ban cho chúng con ơn sáng suốt, luôn thức tỉnh, nhớ rằng thế gian phù du, chóng qua, và ơn ăn năn, thống hối, để chúng con có thể hiệp thông cầu nguyện cho những linh hồn đang chịu luyện tội, sớm được thanh thỏa về Nước Trời. Amen. 9
  • 10. AM. TRẦN BÌNH AN HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT Mạc Khải Kitô Giáo cho biết: Cái chết như cánh cổng mở vào chánh điện niềm vui Vĩnh Hằng,như Thánh Phaolô xác định: “Vào ngày cuối cùng,cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử trong ta sẽ trở thành bất tử” ( 1 Cr 15, 53 ). Chúa Giêsu gọi giờ chết của mình là giờ được tôn vinh. "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” ( Ga 12, 23 ). Sư tôn vinh của Ngài cũng là sự tôn vinh của con người trong Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. "Phần tôi, khi bị dương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người về với tôi” ( Ga 12, 32 ) và để được tôn vinh, con người phải thông phần vào sự Chết với Chúa Kitô, phải dám chết đi con người cũ tội lỗi của mình, dám hy sinh chính bản thân mình. Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng sự dữ là cái chết Thập Giá của mình, và loài người cũng cần biết thêm rằng: Ngài không thể chiến thắng sự dữ tại nơi bản thân mỗi con người chúng ta ! Vì đó là một hệ lụy ! trong thực tế, ta phải gánh chịu những khổ đau trong thân phận kiếp phàm nhân ! Niềm tin và hy vọng, cho dù không diệt nổi cái bản năng sinh tồn, nhưng sẽ đem lại tâm tình đón nhận một cách nhẹ nhàng hơn, khi biết sống vui trong Ân Sủng, sẽ đón nhận cái chết an bình thảnh thơi.., Thực tế trong cuộc đời, ít ai có thể nói vui với cuộc sống, bởi vì nó tràn đầy những bi đát và khổ đau, giành giật, bạo tàn, hà khắc, với những nỗi sợ vây quanh: sống bấp bênh, cô đơn, tật bệnh, già yếu và cuối cùng là cái chết ! Nhưng trong niềm tin, nhờ cái chết của Chúa Giesu, cái chết nơi con người đã trở thành một tiến trình khai sinh sự sống, tiếp nhận một điều tự nhiên nhất nẩy sinh sự siêu nhiên. Sự Phục Sinh, khắc họa trong Bí Tích Thánh Tẩy, xác tín đó. Người Kitô hữu được định nghĩa đơn giản là những người "tận tình với sự chết và nhiệt tình với cuộc sống". Chết là một sự biến hóa. Hết đời con sâu xấu xí, thì chào đời một cánh bướm mỹ miều. Trong sự tinh luyện đời sống tâm linh, ta cũng có cảm nhận như thế, nếu biết chết đi từng giây phút trong quá khứ, ta sẽ gặp được sự sống phục sinh hoàn hảo hơn. Vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đơi” một khi biết giũ bỏ mọi đam mê bất chính, ta sẽ được sống trọn vẹn cùng với vinh quang của Chúa phục Sinh trong giây phút cuối cùng đời mình, vì “nếu hạt lúc gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó mục nát chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” ( Ga 12, 24 ). Lời Chúa là Chân Lý, “ai tin và thực hành như vậy thì được sống muôn đời”. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng ham sống sợ chết, chẳng ai có thể an nhiên bình thản trước cái chết và còn mãi những thao thức ước mong là hạt lúa trơ trọi cô đơn, dù nói là để sinh nhiều hạt khác thì nào có ích gì một khi chinh bản thân phải tan vỡ, chính mình phải hy sinh !?! Vì thế, sống và chết sẽ còn mãi là một mầu nhiệm bí ẩn với con người, cho dù ai cũng biết cuộc sống này chỉ là tạm bợ chóng qua. Thực tế trong một đám tang, miệng thì hát ca vang "khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ” và có lẽ chỉ là một giấc mơ, khi nhìn xung quanh chỉ toàn là một mau tang tóc ảm đạm, chỉ thấy toàn là nước mắt và khổ đau, từ những vòng hoa phúng viếng đến nhưng lời phân ưu chia buồn ! Rất hiếm họa bắt gặp một một vòng hoa mang sứ điệp của niềm vui hân hoan như “Hân hoan bước về nhà Cha”. Nghịch lý chăng ? Vâng, có thể nghịch lý trong đời thường nhưng lại thuận tình với niềm tin và hy vọng của Tin Mừng. Sự chết mãi là điều ám ảnh hãi hùng với mọi người ! Chính Đức Giêsu trong thân phận phàm nhân, cũng đã từng trải qua những giây phút đau thương ấy ! "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con mà theo ý Cha !" ( Mt 26, 39 ). Rồi trước giờ ly biệt, Ngài cũng từng xao xuyến tâm tình với các Môn Đệ rằng: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được !” Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng tử thần là sự chết, để những ai tin vào Ngài, và cùng chết với Ngài cũng sẽ bước vào vinh quang sự sống vĩnh hằng.” Dù sự chết luôn tràn đầy khổ đau và nước mắt, nhưng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh sẽ dẫn đến nguồn hy vọng với cái nhìn lạc quan hơn. Sinh và tử, sống và chết luôn song hành trong một con người về sinh học, mỗi phút giây qua đi có hằng triệu triệu tế bào chết rời bỏ ta và song song triệu triệu tế bào mới phát sinh. Vì thế R. Tagore 10
  • 11. cảm nghiệm rằng: "Tôi yêu cuộc sống và tôi yêu cả sự chết. Khi mẹ giằng con khỏi bầu vú bên này, con òa khóc, nhưng liền đó con lại thấy niềm an ủi nơi bầu vú bên kia". J. CHUYÊN CÓ TÔI KHÔNG ? Thật là hả hê ! Sau bao nhiêu mánh lới để thử thách Chúa Giêsu, giờ đến lúc đám kinh sư và Pharisiêu bị Chúa Giêsu lật tẩy một cách công khai. Cũng đáng thôi, họ là những người “ngôn hành bất nhất”, chuyên sống trên sự sợ hãi của kẻ khác. Họ đem Kinh Thánh và Lề luật ra đe nẹt thiên hạ nhưng chính bản thân họ lại chẳng làm, chẳng giữ. Trong suốt 3 năm giảng dạy, Chúa Giêsu chưa từng lên án ai; từ một tay thu thuế gian ác như Giakêu, người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cho đến những kẻ đã nhạo báng và hành hình Người… Người chỉ lên án đám kinh sư và Pharisiêu ! Người lại còn dùng họ như tấm gương nghịch chiều để ngăn ngừa chúng ta đi theo “vết xe đổ” đó. Tại sao lại cần phải ngăn ngừa nhỉ ? Phải rồi, tuy là “vết xe đổ” nhưng lại rất hấp dẫn người ta đi theo nó. Nó như một thứ “trái cấm” thời hiện đại, vì nó tôn vinh cái “Tôi” và đem lại nhiều đặc quyền đặc lợi ! Nó là cách giữ đạo nhẹ nhàng và thoải mái. Nó giúp tôi không phải vác Thánh giá vì đã chất lên vai người khác: - Áo quần chỉnh tề, đeo thẻ Ban Tổ Chức để đón Đức Cha nhưng treo băng rôn thì… không có tôi ! - Đại diện Ban Hành Giáo để đọc lời chào mừng nhưng kê bàn ghế thì… không có tôi ! - Tham gia đoàn thể để đi giao lưu, hành hương nhưng quét nhà thờ thì… không có tôi ! - Đóng vai Giuse, Maria trong hoạt cảnh Giáng sinh nhưng thu dọn đạo cụ thì… không có tôi ! - Hát solo trong ca đoàn nhưng đọc kinh cho kẻ liệt thì… không có tôi ! Cứ như thế, càng lúc tôi càng giống những người Pharisiêu ngày xưa lúc nào không hay. Họ may hộp kinh trên mũ, còn tôi thì sách kinh kè kè trên tay, “thẻ bài” trước ngực, phù hiệu hội đoàn trên ve áo. Họ may tua áo thật dài, còn tôi cũng khăn choàng, cravat, thắt nơ hoặc bất cứ thứ gì tôi nghĩ ra để đánh dấu mình khác mọi người. Họ thích được gọi là “rabbi” thì tôi cũng thích được chào là ông cố, bà cố, ông chánh, cụ trùm, chị trưởng, anh phó… Còn chuyện ngồi cỗ nhất trong bàn tiệc và ghế đầu trong hội đường thì xưa nay vẫn “thế gian sự thường”, có ai làm khác đâu ? Tôi tự vạch ra cho mình một vị trí, một thế đứng, một phong cách, một chân dung độc đáo và đóng khung nghiêm cẩn. Chiếc khung sơn son thếp vàng khiến mọi người kính ngưỡng. Tôi không dám bước ra khỏi chiếc khung đó, sợ… đánh mất mình ! Tôi đã quá quen với sự kính trọng của người khác đến nỗi không nhận ra mình tầm thường, tội lỗi. Tôi đã quá quen với sự ngưỡng mộ của người khác đến nỗi quên rằng mình dốt nát, hèn kém… Bấy lâu nay tôi sống trong hoang tưởng mà không hề hay biết ! Hai tay thợ may lém lỉnh trong câu chuyện “Hoàng đế ở truồng” của nhà văn Andersen đã biết lợi dụng điều đó để phỉnh cả một triều đình về một thứ vải mà chỉ có người khôn ngoan mới nhìn thấy. Tất cả vua quan trong triều đều chẳng nhìn thấy gì nhưng không dám nói, vì thú nhận điều đó khác nào tự nhận mình ngu. Thế là cứ hết lời ca ngợi bộ long bào “độc nhất vô nhị” kia, cho đến khi một đứa bé reo lên: “Hoàng Đế ở truồng”. Vậy mà, cả đoàn tùy tùng cứ làm như chẳng nghe thấy gì ! Khi ta làm nô lệ cho cái “Tôi” cũng chính là lúc ta chối bỏ chân lý. Tôi cũng muốn được cứu rỗi nhưng theo cách của tôi chứ không phải theo cách của Chúa. Tôi muốn làm lãnh đạo nhưng hầu hạ anh em thì… bần tiện quá, không xứng đáng với phẩm cách của tôi, làm sao tôi có thể làm việc lâu dài ? Trong thời đại mà mọi người sẵn sàng dẫm đạp nhau để ngoi lên thì việc hạ mình xuống để chờ người khác nâng lên rõ là… ảo tưởng ! Không khéo còn bị đạp mất xác nữa chứ. Tôi quên mất rằng chính Chúa Giêsu đã nêu gương phục vụ bằng cách rửa chân cho các môn đệ, chứ không phải Chúa chỉ dạy suông và áp đặt chúng ta noi theo. Từ thân phận một vì Thiên Chúa tối cao vô thượng, Chúa đã chấp nhận thân phận con người rồi chịu sỉ nhục, cực hình, chết treo Thập Giá thảm thương để tha thứ và cứu rỗi tội lỗi của toàn nhân loại. Bản thân tôi không thể đoái công chuộc tội cho mình, Chúa chỉ cần tôi cúi mình một chút để đón nhận ơn Cứu Chuộc đó cho chính tôi mà tôi còn nặng lòng cân nhắc sao ? 11
  • 12. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi khắc điều Chúa truyền dạy trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13, 14 – 15 ). Chúa không mong chúng con dạy dỗ lề luật cho bằng sống yêu thương và phục vụ anh em. Xin cho chúng con biết phân biệt được đâu là cốt lõi trong đời sống Đức Tin để ngày sau chúng con được thực sự hưởng ơn Cứu Độ của Chúa. Amen. Pio X LÊ HỒNG BẢO SỐNG VÀ YÊU Chị Brittany Maynard, 29 tuổi, được chẩn đoán có khối u ác tính trong não ở giai đoạn 4 từ hồi tháng 4 năm 2014, và bác sĩ nói chị chỉ còn sống thêm trong vòng 6 tháng. Ngày 1.11.2014, chị sẽ kết thúc cuộc đời với sự trợ tử của bác sĩ bằng phương pháp “an tử” ( làm cho chết êm ái ). Chị cho biết rằng chị không muốn chị và gia đình chịu nỗi đau khổ vì chứng ung thư não của chị. Chắc chắn đây là tình cảm tốt đẹp khi người ta không muốn những người thân chịu đau khổ, nhưng đó không phải là cách yêu thương ! Các phương tiện truyền thông hết lời ca tụng quyết định của Brittany là can đảm. Thật mắc cười khi các phương tiện truyền thông khen chị dám chết vì không muốn gia đình đau khổ, và kêu gọi những người khác hủy hoại sự sống mà không cần bác sĩ trợ tử. Nhưng các phương tiện truyền thông ca tụng một phụ nữ trẻ mới kết hôn mà lại muốn chết chứ không muốn sống. Các phương tiện truyền thông ca tụng sự chết, dù đó là phá thai, an tử, hoặc trợ tử, họ gọi đó là sự chọn lựa, sự tự do, hoặc sự can đảm. Tuy nhiên, Thiên Chúa cấm chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể là gánh nặng cho người khác vì sức khỏe giảm sút hoặc cần được chăm sóc về y tế. Sợ hãi là động lực có thật: Sợ những gì ở phía trước, sợ đau khổ, sợ không thể kiềm chế... Các phương tiện truyền thông và xã hội muốn chúng ta sống trong nỗi lo sợ vì nỗi lo sợ khiến chúng ta phải kiểm soát. Nỗi lo sợ biến chúng ta thành nô lệ dưới chiêu bài của sự tự do, sự can đảm, và sự tự tha thứ cho mình. Nỗi lo sợ xoay chúng ta hướng vào bên trong ( tự hướng nội ) và làm cho chúng ta tin rằng mình đáng bị thu nhỏ lại. Chân Phước Chiara Luce Badano đã không sống trong nỗi lo sợ mặc dù Chị chịu đau khổ và chết vì chứng ung thư xương rất đau nhức khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Thay vì đầu hàng nỗi đau đớn thể lý, Chị đã chịu đựng đau khổ và nhìn cha mẹ thấy Chị chống chọi với bệnh tật. Chị dùng đau khổ để thánh hóa chính mình và những người khác. Chị dùng đau khổ làm phương tiện để hy vọng. Ngược lại, chị Brittany Maynard lại dùng đau khổ làm phương tiện để tuyệt vọng ! Buồn biết bao khi Brittany cho phép bóng tối làm tiêu tan chính mình. Chân Phước Chiara được một người bạn đặt cho biệt danh Luce khi Chị gia nhập phong trào Focolare, vì Chị là ánh sáng cho người khác. Chị như ánh đuốc soi sáng trong bóng đêm của cuộc sống này để đi tới Chúa Giêsu và sự sống đời đời. Các phương tiện truyền thông chẳng bao giờ ca tụng những loại ánh sáng này của con người. Bạn sẽ không bao giờ nghe nói về những con người thầm lặng chịu đau khổ trên đời này, hoặc thời gian kỳ diệu mà họ cố gắng sống tốt, và hôm nay họ vẫn sống vô thường dù ngày mai họ sẽ chết, họ sống như thể là bất tử. Những con người này là những ánh đuốc sáng thực sự trong thế giới này, họ đối diện với bóng tối và tuyên bố: “Mi cứ làm điều tồi tệ nhất ! Tôi sẽ không bị hủy diệt”. Những người này sống trọn vẹn tình yêu thương, hoàn toàn biết từ bỏ mình, ngay cả khi họ phải đối diện với tử thần, họ không bao giờ chịu thua sự cám dỗ của nỗi thất vọng, vì họ biết rằng SỰ SỐNG và TÌNH YÊU đáng tận hưởng. Dù sao thì cuộc đời cũng vẫn đáng sống, không đáng chấm dứt. Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe nói về những con người như Ginnie Levin. Chị được chẩn đoán bị ung thư vú, mặc dù cắt cả hai vú và các khối u, chứng ung thư vẫn di căn tới nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Chỉ còn ít thời gian ngắn ngủi trên thế gian này, chị muốn dành tất cả cho gia đình. Người bà và người mẹ của chị đã chết vì ung thư, người cha của chị cũng đang phải điều trị ung thư. Ginnie muốn tới thế giới của Walt Disney với gia đình một lần nữa, tạo ký ức vui mừng một lần cuối. Xin mọi người hãy cầu nguyện nhiều cho chị Gennie Levin ! 12
  • 13. Trong một thế giới ca tụng việc hủy hoại sự sống, chúng ta hãy ca tụng Sự Sống. Hãy tạo sự khác biệt trong cách sống của chúng ta hôm nay ! Thánh nữ Teresa Margaret Thánh Tâm Chúa ( Dòng Kín Chân Đất, 1747-1770 ) nói: “Không có gì phải than phiền, tôi sẽ chịu đựng mọi thứ vì yêu mến Chúa, tôi không có gì phải lo sợ”. Chân Phước Chiara Luce được an táng với chiếc áo cưới vì Chị sẽ đi gặp Đức Lang Quân là Chúa Giêsu trong cõi trường sinh. Chết lúc mới 19 tuổi vì bệnh trầm kha, nhưng Chân Phước Chiara Luce vẫn khả dĩ nói: “Tôi không còn lại gì, nhưng tôi vẫn còn trái tim, và tôi có thể yêu thương bằng trái tim đó”. Chị Chiara Luce Badano sinh ngày 29.10.1971 tại ngôi làng nhỏ Sassello ở Ý quốc, qua đời ngày 7.10.1990 sau một năm đau đớn vì chứng ung thư xương. Chị được Giáo Hội tôn phong Chân Phước ngày 25.9.2010. TRẦM THIÊN THU, chuyển ngữ từ IgnitumToday.com CÁO PHÓ Tỉnh DCCT Việt Nam, gia đình huyết tộc và thiêng liêng An Phong – Gió Lành, trân trọng báo tin cha LOUIS NGUYỄN VĂN QUI Sinh ngày 21.5.1923, tại Gia Định, Sàigòn. Gia nhập Đệ Tử DCCT năm 1942 tại Huế Khấn lần đầu ngày 27.10.1947 tại Hà Nội Học tại Học Viện DCCT tại Hà Nội và Đà Lạt năm 1947 – 1951 Nhận sứ vụ Linh Mục ngày 20.7.1952 1953 – 1956: Giáo sư Đệ Tử Viện DCCT và Tuyên uý phong trào Hùng Tâm tại Huế. 1956 – 1964: Phó Giám đốc kiêm Giáo sư Đệ Tử Viện DCCT Vũng Tàu, Phụ tá Bề trên kiêm Quản lý DCCT Vũng Tàu 1963 – 1978: Thành lập Gia đình An Phong tại Vũng Tàu, sống chung với các em Bụi Đời và những bà con xấu số. Qua Pháp năm 1978, tiếp tục đón nhận và nuôi dưỡng anh chị em vô gia cư từ năm 1978 – 2014. Đã an nghỉ trong Chúa lúc 8g00, ngày 29 tháng 10 năm 2014 tại Ermont – Pháp, sau 91 năm làm con Chúa trên trần gian, 67 năm Khấn Dòng, 62 năm Linh Mục và 50 năm chăm lo phục vụ người nghèo qua các trẻ em Bụi Đời. Sinh thời, cha Louis chia sẻ cảm nghĩ về đời sống Tu Sĩ DCCT như sau: “Noi gương Chúa Cứu Thế, đi tìm chiên lạc ( linh hồn tất bạt ) và ăn nói, đối xử làm sao ( thương làm sao ) để những anh chị em đó tự ý mình, dùng tự do của mình để trở về với Thầy Chí Thánh, Vua Tình Thương. Không có cách nào có kết quả hơn “thí mạng mình vì người mình thương”. Thánh Anphongsô dạy Thầy giữ cửa: Phải ăn nói đối xử làm sao ( khi cho cũng như khi không cho ) để người nghèo đến với Thầy, ra đi mà không buồn.” Cha Louis được quàn tại: Funérarium, 7 Rue Tarbé dé Sablons, 95600 Eaubonne, Pháp Nghi thức tẩn liệm lúc 13g30, thứ hai, ngày 3.11.2014, tại: Funérarium. Thánh Lễ An Táng lúc 14g30, thứ hai, 3.11.2014, tại Chapelle Notre Dame des Chênes, 2 Place Courbet, 95120 Ermont, Pháp. Sau Thánh Lễ An Táng, cha sẽ được hoả táng lúc 17g, tại Crématorium, 35 Avenue de Verdun, 95310 St. Ouen l’aumône, Pháp. Xin cầu nguyện cho cha Louis Nguyễn Văn Qui. Văn phòng Tỉnh DCCT Việt Nam 13 CÙNG TƯỞNG NHỚ
  • 14. GIA ĐÌNH AN PHONG: GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÔNG GIA ĐÌNH Con người sinh ra, ai cũng có cha, có mẹ, có một gia đình... Không có ai từ đất nẻ mà chui lên... Nhưng vì hoàn cảnh, vì xã hội, vì giáo dục v.v... có một số người kém may mắn, mất hoặc xa cha mẹ sớm, nên phải sống lang thang, không gia đình... Đó là trường hợp các em mà người ta gọi tắt là bụi đời; nghề sinh sống của các em thường là đi đánh giầy... Lúc đó, năm 1963, tôi làm quản lý trong Dòng Chúa Cứu Thế ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Trong những lúc đi chợ cho Nhà Dòng, tôi có dịp gặp nhiều em đánh giầy, và lần lần quen thân với các em... Một hôm, tám em đánh giầy tới xin tôi ở... Tôi cười và nói: "Bộ tụi con muốn đi tu hả, nhà này là một Tu Viện mà ?" Các em trả lời: "Không, tụi con muốn ở với cha"... Ở với cha mà không chịu đi tu: đó là cả một vấn đề. May phước tôi làm quản lý Nhà Dòng, nên có một khu riêng dành cho gia nhân, những người giúp việc cho Nhà Dòng. Để tám đứa ở chung với những gia nhân đó, trong bụng tôi nghĩ thầm: ở đây buồn chết, chúng nó ở ít ngày rồi sẽ đi sống lại ngoài chợ, vui nhộn hơn... Dè đâu, chúng nó không đi, mà còn rủ thêm các đứa khác đến ở... Thấm thoát, con số lên tới hơn hai chục. Bấy giờ "Chúa mới can thiệp vào vấn đề". Trước mặt Nhà Dòng là một phi trường. Phi cơ và trực thăng của quân đội Mỹ bốc lên đáp xuống liên lỷ, làm các Cha dạy học ở Đệ Tử Viện, không dạy được. Các Cha phàn nàn với Cha Bề Trên Giám Tỉnh, và Cha Bề Trên Giám Tỉnh mới giải quyết: đưa Nhà Đệ Tử lên Sàigòn.Thế là cả Nhà Dòng và Nhà Đệ Tử ra đi di tản, để lại mấy chục em bụi đời. Và tôi ở lại với các em... GIA ĐÌNH AN PHONG bắt đầu tự túc: nuôi gà để nuôi nhau; khởi sự với hai mươi con, đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, số gà lên tới hơn 6.000 con, và từ trước đến lúc đó đã ăn không biết bao nhiêu và đã bán biết bao nhiêu... Bàn tay của Chúa thấy rõ ràng. Chúa sinh Chúa dưỡng. Nhờ đường lối Chúa soi sáng mà số các em mỗi ngày mỗi tăng thêm. Tôi nói với các em: Chúa dựng nên con người và cho hoàn toàn tự do. Cho nên trong nhà của mình, chúng con muốn làm gì thì làm. Đứa nào muốn đi học, cha cho đi học. Đứa nào muốn học nghề, cha cho học nghề. Còn đứa nào muốn ở không chơi, không làm gì hết, vẫn cứ được như thường. Không làm gì hết mà đến bữa ăn, có quyền đến ăn như mọi người, vì mình là đứa con trong nhà thì mình có quyền ăn, còn làm việc là chuyện khác. Nghe vậy, đứa nào cũng thích, và tụi nó mới rủ nhau đến ở càng ngày càng đông... Một hôm, mấy anh lớn có ý kiến giáo dục hay, mới bàn với tôi. Chúng con muốn chia nhóm. Chia nhóm là làm sao ? Tất cả tụi con đều là bụi đời. Vậy thì mấy em nhỏ, đi học, là nhóm "Bụi Non". Còn các anh lớn, học nghề, là nhóm "Bụi Già". Còn mấy anh em không làm gì hết là nhóm "Bụi Cà Nhỏng" ! Nói rồi và làm liền... Mấy anh em nhóm "Cà Nhỏng" hơi quê xệ một chút. Nên từ từ rồi mấy anh em đó gia nhập nhóm "Bụi Học Trò" hay "Bụi Học Nghể"... Thế là ý kiến giáo dục của mấy anh lớn đã thành công mỹ mãn. Lúc ấy, cơ quan viện trợ Công Giáo Mỹ có cho bột mì, làm bánh mì cho học sinh nghèo. Tôi mới kêu một ông thợ làm bánh mì người Trung Hoa, Chú Hai. Chú Hai xây một cái lò củi nướng bánh mì. Tôi nói với các em: đứa nào muốn học làm bánh mì thì đi với Chú Hai. Một số mấy anh lớn đi với Chú Hai... Tôi cũng có mướn hai ông thợ máy: anh Hai và anh Ba. Tôi nói với các em: đứa nào muốn học nghề thợ máy sửa xe hơi thì đi với anh Hai, anh Ba... Thế là mấy tháng sau, trong nhà có hai băng thợ làm bánh mì và thợ máy sửa xe hơi... Như thế là GIA ĐÌNH AN PHONG đã khai trương Lò Bánh Mì AN PHONG và Garage AN PHONG, thêm phương tiện nuôi sống các em. Với thời gian, theo đường dây Radio-Á Rập, GIA ĐÌNH AN PHONG và xe camionnette Peugeot 404 của cha Qui được các em đánh giầy chẳng những ở Vũng Tàu mà cả Sàigòn-Chợ Lớn biết và nhận diện. Các em rủ nhau vô ở càng đông... Một hôm tôi đi chợ ở Chợ Lớn. Đi chợ xong, trở lại xe, tôi thấy mười một em với thùng giầy trên tay, ngồi sẵn trên xe: các em ngồi chơi vì biết là xe của cha Qui. Tôi ngó các em, các em nhìn tôi cười, chào nhau. Tôi mới buột miệng hỏi các em: "Cha đi về Vũng Tàu nè, đứa nào muốn đi Vũng Tàu tắm biển vài ngày rồi trở về Chợ Lớn lại, cha sẽ chở về... Các em dòm nhau, hỏi ý kiến, rồi bảo nhau: Mình phải đi trả thùng giầy cho "anh nuôi" đã... Mỗi em có "anh nuôi" và 14
  • 15. thùng giầy riêng của anh đó. Mấy em nhanh chân, nhẩy xuống xe và trong mấy phút, chạy trở lại, nhẩy lên xe, ngồi gọn gàng, vui cười khoái chí...Thế là 11 em đánh giầy ở Chợ Lớn, không cần tính toán lâu, bắt đầu đi Vũng Tàu tắm biển... Thứ hai tuần sau, tôi có dịp lên Sàigòn. Tôi gọi 11 em hôm trước đến và hỏi: "Cha đi Sàigòn đây, tụi con muốn về thì lên xe". Các em ngó nhau, cười và đồng thanh: "Không, tụi con không về, tụi con ở lại đây với cha..." Vậy là GIA ĐÌNH AN PHONG tăng số thêm 11 người nữa... Cùng với các em bụi đời, có nhiều gia đình nghèo, cũng đến xin ở. Dần dần số những người này cũng lên đến mấy chục gia đình... Lại có những em sơ sinh: cha mẹ sinh ra, rồi không thể nuôi được, đem đến gởi GIA ĐÌNH AN PHONG nuôi giúp. Hoặc các bà mẹ ôm con ra ngoài chợ, rồi nhờ các bà biết đường giây, ẵm vào GIA ĐÌNH AN PHONG giùm... Thành phần thứ ba này gia tăng cũng nhanh; cuối cùng trong nhà cũng được ba phòng, mỗi phòng 40 chục cái nôi... Cùng với các em, Chúa cũng gởi mấy bà, mấy chị đến tình nguyện nuôi các em... Việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng... Thêm các gia đình nghèo và các em sơ sinh, thì thêm miệng ăn. Chúa lại gởi quân đội Mỹ, Úc đem đồ giặt đến: GIA ĐÌNH AN PHONG lại thêm nhà giặt ủi để nuôi sống nhau... Tạ ơn Chúa. Nhờ Chúa soi sáng và dẫn dắt, đường lối làm việc trong GIA ĐÌNH AN PHONG tóm tắt trong một câu: "Tôn trọng tự do và yêu thương lẫn nhau". Cho nên GIA ĐÌNH AN PHONG không từ chối một người nào đến xin giúp đỡ. Kết quả: ngày 30 tháng 4 năm 1975, con cái Chúa, tính ra được: hơn 300 em bụi đời, hơn 100 ông bà gia đình nghèo, và hơn 100 em bé cô nhi... Đó là tiểu sử ngắn gọn của GIA ĐÌNH AN PHONG, hôm nay được gởi lên mạng internet. Hy vọng ông bà anh chị nào đã sống cùng nhau thời gian ngắn dài nào đó, tìm dịp về gặp lại nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Liên lạc với GIA ĐÌNH AN PHONG ở Pháp: Lm. Nguyễn Văn Qui, 11 rue des Bornes – 95120 Ermont – France. Lm. Louis NGUYỄN VĂN QUI, DCCT HỒI ỨC MỘT GIA ĐÌNH BỤI Chiếc xe đò đỗ lại Trung Tâm vào một buổi trưa trời gay gắt nắng. Trên xe, mọi người tay xách nách mang lủ khủ bước xuống, già trẻ tổng cộng bảy người. Đó là một gia đình có đầy đủ ba thế hệ: Bà ngoại, cha mẹ và anh chị em. Đầu tiên là một tấm bảng đập vào mắt tôi với hàng chữ: "Gia đình An Phong: gia đình của những người không gia đình". Đó là nỗi ám ảnh, lo sợ nhất của tôi lúc bấy giờ. Thú thật, những hàng chữ đó mãi mãi vẫn còn theo tôi đến ngày hôm nay… "Gia đình của những người không gia đình" !?! Nhiều câu hỏi đột nhiên vây quanh trí óc non nớt của tôi: mình có đầy đủ một gia đình, thì làm sao mà xin vào đây được ? Tiền bạc… nhà cửa… cũng không, gia đình minh rồi sẽ đi về đâu ? Ba mình sao mà liều đến thế, trong khi gia đình đang được ở trong trại tị nạn Hạnh Thông Tây, có ai đuổi đâu mà phải ra đi… Càng nghĩ, càng lo và nước mắt cứ thế tuôn tràn. Từ trong căn nhà ngang, sau hàng dương liễu. Một ông Cha bước ra, với chiếc áo chùng đen, cổ trắng. Dáng Ngài cao, gầy, lưng hơi còng, khuôn mặt khắc khổ. Nhưng có vẻ hiền từ. Sau vài câu hỏi, với cái nhìn thân thiện, đầu Ngài khẽ gật, thế là thủ tục gia nhập đã xong. Cha thấy tôi khóc, đã hỏi: "Sao con khóc ?" Tôi đã không trả lời vì bận nuốt nước mắt. Cha biết không, lúc đó con đã khóc vì mừng chứ không phải sợ nữa. Sau đó, Cha gọi một anh dẫn gia đình tôi qua căn nhà còn trống, bên dãy "Nhà Gà". Thế là từ đó, gia đình tôi đã có một mái nhà. Khi bình tĩnh lại, tôi mới thấy không phải chỉ một gia đình mình, mà còn rất nhiều, rất nhiều gia đình ở đây với hoàn cảnh khác nhau. Có đến ba dãy nhà, phải trên ba bốn chục căn ( chứ không phải chỉ có anh em bụi đời thôi đâu nhé ! ). Từ đó, gia đình nhỏ của tôi chính thức gia nhập Đại Gia Đình Bụi Đời. Bà ngoại và ba tôi đã già yếu rồi không làm gì được. Chỉ một mình má làm ở nhà giặt ủi, kế đến phụ cô Mari bán bánh mì ở Nam Đồng, sau đó vào làm ở bếp Cha. Chỉ một mình má làm thôi, mà cứ trưa, chiều tới giờ cơm, hễ nghe 15
  • 16. tiếng kẻng là xách nồi niêu đi lãnh cơm về cho cả nhà ăn. Bốn anh em, Cha cho đi học. Áo quần, sách vở, tiền học, tiền xe... chẳng phải lo gì, mọi việc đã có Cha. Ba thì không lao động được, nên Cha giới thiệu chỗ quen ở Vũng Tàu, mỗi ngày ba lấy vé số đi bán, kiếm tiền phụ thêm những chi tiêu trong gia đình. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi không phải lo gì cả, vì đã có Cha. Và cứ thế, anh em tôi lớn dần trong vòng tay ấm áp của ngài. Cho đến khi Gia Đình An Phong phải tan rã mấy năm sau biến cố 1975, chúng tôi mỗi người mỗi hướng, tha phương khắp mọi miền. Đi xây đắp cuộc sống cho riêng mình. Cha ơi ! Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những dòng chữ "Gia Đình An Phong”, và cái dáng cao gầy lưng còng đó, vẫn theo mãi trong trái tim con suốt cuộc đời này. NGUYỄN THỊ LAN, Phước Long, 31.7.2010 KỶ NIỆM TUỔI THƠ Đến bây giờ, mặc dù cuộc sống và ý tưởng đã khác xưa, nhưng có những lúc nhìn thấy các em nhỏ chơi đùa vui vẻ những trò chơi xưa, tôi lại thấy nhớ và tiếc nuối những kỷ niệm tuổi thơ đã trôi qua quá. Nơi ở thân quen Gia Đình An Phong xưa… mới tám tuổi gia đình tôi đã tới ở đó rồi, được Cha cho đi học, nuôi nấng, dạy bảo, tất cả đều có một mái nhà chung ấm áp tình thương thì còn gì bằng ! Tôi còn nhớ ngoài giờ đi học, chúng tôi, những đứa trẻ trong An Phong ( Bây giờ đã già nhưng cũng cố nhớ lại nhé ) luôn chơi đùa trước sân nhà Cha, những trò chơi dân gian như: con gái thì chơi ô quan, lò cò, nhảy dây, còn con trai chơi tạt lon, bắn bi, trốn tìm v.v… nhiều trò lắm và ngày nào cũng chơi nhưng không thấy chán, có những lúc rủ nhau xuống biển khi nước cạn, chúng tôi lội sình bắt ốc, bắt sò, bọn con trai thì bắt cua, bị kẹp tay la oai oái, và nhất là luôn luôn bị con bù mắc nó cắn rất ngứa, nếu gãi thì bùn sẽ trây tèm lem nhìn đứa nào cũng thấy mà ghê, nhưng thật là vui, khi nước lên thì nhảy tùm xuống tắm biển và tạt nước lẫn nhau. Vào kỳ nghỉ hè, suốt ngày chúng tôi thường dang nắng dầm mưa, vậy nên đứa nào cũng ốm nhom và đen thui, nhưng thật khỏe mạnh là tốt rồi. Đến tối, gặp lại Cha và tất cả mọi người cùng tham dự Thánh Lễ thật sốt sắng trong căn Nhà Nguyện nhỏ xinh, sát bên hang đá Đức Mẹ mà tôi thấy rất giống với hang đá ở Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn. Các anh chị em trong Gia Đình An Phong ơi, có ai nhớ lại và nhận xét giống như tôi không nhỉ ? MAI TRÂM, Vũng Tàu, 1.7.2013 BÔNG HỒNG BÁO ÂN Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ. Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương. Dù bao năm, dù có hóa vô thường. Công dạy dưỡng là công lớn nhất. Cả cuộc đời cha tất bật, cho chúng con lẽ sống tình yêu. Đại dương bao la đâu là nhiều. Với chúng con, cha là tất cả. Có đôi lúc mải mê quay với dòng đời ồn ã, những đô hội thị thành, những phương trời lạ, chợt giật mình tỉnh giấc nhớ đến cha. Con nợ cha những ngày vui bất tận, rong ruổi suốt cuộc đời không định hướng tương lai. Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi. Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ. Con nợ căn nhà sập sệ bàn tay cha mòn tháng năm. Để con lớn khôn mắt xanh hồn lữ thứ. Con nợ những trưa hè oi bức cha gồng gánh gia đình. Con đứng đó dửng dưng để thấy từng nhát đau xuyên qua ngực. Con nợ lòng dũng cảm, đâu đó cần một thâm tình. Con nợ những giản đơn đời thường để che đi lòng kiêu hãnh. Con nợ đời sắp 50 mươi vẫn chưa góp nhặt. Huênh hoang giữa mọi người để cô đơn đầy ắp cõi lòng. Con nợ sự tri âm ai đó yêu qua lời thơ tiếng nhạc. Con nợ Cha không bao giờ trả hết. Những nỗi nhọc nhằn con chỉ biêt cắn vào môi. Bài học đầu đời thật vất vả, Cha ơi. Xin cho con im lặng để mắt con cay. Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc. Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm. Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng. Con sẽ không đợi một ngày kia. Khi Cha mất đi mới giật mình khóc lóc. Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ ? Con hốt 16
  • 17. hoảng trước thời gian khắc nghiệt. Chạy điên cuồng qua tuổi già nua. Mỗi ngày qua đi con lại thấy bơ vơ. Ai níu nổi thời gian ? Ai níu nổi ? Con mỗi ngày một lớn lên. Cha mỗi ngày thêm già cõi. Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn. Con ra đi 30 năm xa vòng tay của Cha sống tự do như cánh chim bằng. Con làm thơ cho đời và biết bao người con gái. Có bao giờ thơ cho Cha ta không ? Những bài thơ chất ngập tâm hồn. Đau khổ chia lìa buồn vui hạnh phúc. Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta tội ác. Mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ. Ta quên mất thềm xưa dáng Cha ngồi chờ đợi. Giọt nước mắt già nua không ứa nổi. Con mê man trên bàn chân rong ruổi. Mắt Cha già thầm lặng dõi sau lưng, khi gai đời đâm ứa máu bàn chân. Mấy kẻ đi qua ? Mấy người dừng lại ? Sao Cha già ở cách xa đến vậy ? Trái tim lo âu đã giục giã đi tìm. Con vẫn vô tình. Con vẫn thản nhiên ? Bài thơ này xin thắp một bình minh trên đời Cha bao năm rồi mệt mỏi. Bài thơ như một nụ hồng. Con cài sẵn cho thấy ngày sẽ tới ! KẾT – QUỲNH – LONG, 21.7.2013 NÍU BƯỚC THỜI GIAN Cố nhân xa rồi, có ai về lối… Bụi gia trang… Trong đời biết có mấy lần ta được quay về với những kỷ niệm êm đềm xa xưa. Chút hoài niệm làm ta ước mong đặt bước chân quay về chốn xưa để tìm lại hình bóng chính mình trong không gian ngày cũ. Năm nay kỷ niệm 50 năm Gia Đình An Phong được khai sinh, tôi muốn một lần thả hồn về với ngày xưa… Mỗi người có một lối rẽ để vào đời, tôi xem Mùa Hè 1973 thực sự là lối rẽ đời tôi. Ngày đó tôi chỉ là một cậu bé mới lớn đang trong những ngày dài khủng hoảng và bế tắc. Cảnh sống trong gia đình tại một tỉnh miền Trung đối với tôi sao quá nặng nề. Tôi muốn vứt tung cuộc đời mình, mong tìm một cửa thoát hiểm. Trong lúc loay hoay tìm kiếm, thật tình cờ tôi đọc được thiên phóng sự viết về Gia Đình An Phong trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( gia đình tôi vẫn đặt mua báo năm ). Thời đó Cô Nhi Viện thì nhiều nhưng một mái nhà cho những kẻ bụi đời chưa hề có. Phải chăng Cha trên Trời đã chỉ cho tôi một lối thoát. Đọc đi đọc lại nhiều lần và ghi lại địa chỉ Gia Đình An Phong Vũng Tàu. Vài ngày sau, tôi lên xe đò xuôi vào Sàigòn, rồi xuống Vũng Tàu, đây là lần đầu tiên tôi vào miền Nam. Suốt chuyến hành trình tôi luôn lo lắng: Liệu ông cha đó có nhận mình không ? Nếu không thì mình sẽ phải làm gì ? Sống thế nào ? Lúc rời khỏi gia đình đã trót nguyền là chỉ quay về khi công thành danh toại mà thôi. Cám ơn Chúa, chuyến đi rất thuận lợi, trên xe về Vũng Tàu tôi bảo anh lơ xe cho xuống Gia Đình An Phong, sợ anh không biết nhưng anh nhìn lại tôi một lần nữa và bảo OK. Khoảng 4 giờ chiều, xe bỏ tôi xuống ngay tấm bảng bên đường: Gia Đình An Phong – Cơ quan bảo trợ giáo huấn hướng nghiệp các thanh thiếu niên không gia cư. Tôi đã đứng đó rất lâu, đọc nhiều lần những dòng chữ này đến thuộc lòng, nhìn vào thấy các cửa đều đóng, lòng thấy lo lo. Lúc sau thấy có một anh ở trần ra ngồi ở hành lang nhịp chân hát nghêu ngao. Tôi rón rén vào chào anh và hỏi thăm thì anh cho biết hôm nay Cha đi Sàigòn chưa về, nhưng cứ vào đây đi, tối Cha về. Người anh em đầu tiên tôi gặp này chính là anh Tuấn Tây lai, sau này học chung với tôi tại trường Tam Nguyên nhưng anh đã rời Gia Đình An Phong sau nửa năm học. Ngồi nói chuyện thăm dò một lúc thì nghe có tiếng kẻng, anh Tuấn kéo tay tôi đi xuống nhà ăn, thấy rất nhiều người đến nhận phần ăn rồi mang về nhà, rất ít người ngồi ăn ở đó. Anh Tuấn mượn nhà bếp cho tôi một thau nhôm nhỏ và chiếc thìa, cơm và thức ăn đều ở đó. Tôi và anh ngồi lại ăn, sau đó anh chỉ cho tôi phòng Cha và đi mất. Tôi ra hành lang trước phòng Cha ngồi chờ mãi đến khoảng 8 giờ tối Cha mới về. Không biết có ai nói với Cha hay Cha đã thấy tôi khi lái xe về, Cha ra gọi tôi vào ăn cơm với Cha. Tôi thưa đã ăn rồi nhưng Cha vẫn xới cơm ép tôi ăn thêm một chén. Sau bữa cơm, Cha dẫn tôi vào phòng, vừa hỏi vừa đánh máy. Cha gợi ý: hay để Cha liên lạc với gia đình vào đón con về đi học tiếp. Tôi đã thưa với Cha: con muốn được ở với Cha, nếu Cha báo tin cho nhà con thì ngày mai con sẽ ra đi. Cha bảo: "Thôi, vậy con cứ ở đây, đây là gia đình con, con có quyền tự do của một người con…" Sau đó Cha đưa tôi một tấm drap Mỹ và dẫn tôi xuống căn phòng gần đó ngủ chung với mấy anh em. 17
  • 18. Từ đêm đó tôi đã là thành viên Gia Đình An Phong tại nông trại Rạch Dừa. Ở cùng phòng với tôi ngày đó có Tâm Quảng Ngãi, Bắc đen, Tiếp ù… Thời gian rỗi cả ngày, Tiếp ù dẫn tôi đi câu cá bống về kho lên trong chiếc lon sữa bò làm thức ăn thêm cho bữa cơm. Đang thoải mái cả ngày rong chơi, một hôm Cha gọi lên bảo tôi chuẩn bị đi học. Tôi xin Cha cho tôi học nghề vì đã chán học. Cha bảo tôi: học nghề lúc nào học cũng được nhưng học văn hóa chỉ có thời hạn. Thấy tôi cứ cương quyết muốn học nghề nên Cha để tôi tiếp tục suy nghĩ. Nhưng ăn chơi mãi cũng chán, lúc đó garage gần như đã đóng cửa, một số anh lớn làm lò bánh mì, tôi chẳng biết sẽ được học nghề gì. Rồi một hôm Cha lại gọi lên gợi ý chuyện đi học tiếp, lần này tôi đồng ý nhưng… "Thưa Cha, con không mang học bạ theo, mà con không muốn về nhà lấy." Cha bảo: "Thôi con cứ học dự thính và đi thi như một thí sinh tự do." Thấy thuận lợi nên tôi gật đầu. Tối hôm sau, Cha chở tôi lên Bãi Dâu, đêm đó là đêm Trung Thu mọi người đang tụ họp ở nền đúc đón Trung Thu. Cha đưa tôi đến gặp chị Tho, sau đó cùng Cha đến vui Trung Thu với anh em. Những ngày đầu tôi ngủ ở phòng chung, ít lâu sau Báu già rủ tôi về ở chung nhà ( sau này đi học Báu cùng học chung trường Tam Nguyên với tôi ). Như vậy đời tôi sang trang mới. Vài ngày sau, Cha đưa tôi đến trường Nghĩa Thục Tam Nguyên ( nằm gần ngã tư Giếng Nước ) làm thủ tục nhập học. Tôi vào học khá muộn so với các bạn nhưng vì là dân học dự thính nên các thầy cô chẳng quan tâm nhiều đến chuyện này. Cùng học ở Tam Nguyên có Linh, Bình, Báu già và Thắng, Tuấn Tây lai ở nông trại, nhưng con số cứ rơi rụng dần, còn mình tôi đi học cũng buồn, trường lại quá xa nên sang nửa học kỳ hai tôi cũng bỏ học nốt. Năm sau có thêm Trinh đểu cùng đi học chung và vì Cha mua cho chiếc xe đạp mới nên tôi mới chịu đi học đều cho đến Hè 75. Hôm nay nghĩ lại mới thấy thấm lời Cha và cũng dùng lời Cha để dạy các con: học văn hóa chỉ có một thời điểm tốt nhất trong một đời người. Và hết sức biết ơn Cha đã cho tôi được sống nốt quãng đời học sinh vô tư ngà ngọc… Tôi thuộc lớp sinh sau đẻ muộn, sau các đàn anh lớp đầu tiên những 10 năm. Nhưng nhìn lại tôi cũng đã gắn kết với gia đình 40 năm. Cuộc đời tôi đang đi xuống phía bên kia ngọn đồi, nhưng tôi vẫn đang đi cùng anh chị em trong Gia Đình An Phong. Ký ức tôi không chút phai mờ, tôi nhớ rõ từng kỷ niệm với Cha và với từng anh chị em đã từng chung sống gặp gỡ suốt 40 năm qua. Tôi không định kể lại tất cả vì quá dài dòng nhưng thực sự nó luôn là hành trang tôi mang theo suốt đời. Vì thế, sau mùa Hè 75, nhiều người anh em đã quay về với gia đình của mình nhưng tôi thì không. Tôi đã chọn con đường cùng một số anh chị em nhóm Bụi học trò tiếp tục nương tựa nhau để sống, để trưởng thành, để gìn giữ hơi ấm ngày nào của Gia Đình An Phong trong trái tim mình. 40 năm làm người con An Phong, tôi và tất cả anh chị em đã cùng Cha đi qua những bước thăng trầm: miệt mài tin tưởng làm Bụi học trò, sau 75 theo Cha hăm hở làm anh nông dân vào Tầm Bó, Kim Long; cùng chị Tho với nhóm nhỏ Bụi học trò về Vinh Thanh, Bình Giả… Dù nhiều gian khổ, đắng cay và thất bại, tôi luôn tự hào về chiếc nôi Gia Đình An Phong của mình. Và, tôi biết rằng tất cả ông bà anh chị em mình đều như vậy. Trong 50 năm thành lập và trưởng thành, dù có lúc chúng ta sinh hoạt theo từng nhóm: Bụi lão, Bụi già, Bụi lính, Bụi non, Bụi học trò, Bụi cô nhi… Biết bao người đã bước chân vào mái nhà An Phong mà hôm nay anh chị em mình không thể nhớ hết tên ( vì thời gian lưu lại ngắn ), nhưng dù thế nào tất cả đều có thể tự hào nhận mình là con dân An Phong. Cha kính yêu ! Mừng đại thọ Cha 90 tuổi, mừng Gia Đình An Phong mình tròn 50 năm thành lập để thấy thời gian và công sức Cha dành cho chúng con lớn lao như thế nào. Hôm nay trong dòng hồi tưởng của con vẫn hiện rõ từng chi tiết ngày đầu tiên con được trở thành công dân An Phong. Thời gian con được gần Cha liên tục chỉ có khoảng 5 năm. Trong thời gian ấy nhiều lầm lỗi của con đã làm buồn lòng Cha rất nhiều, nhưng con đặc biệt nhớ đến hai lần con đốt rác vô ý làm cháy rừng, lan sang đất chùa bên kia núi Lớn làm cha bị mắng vốn, và lần con tự ý bỏ học nửa chừng là Cha giận con nhất, nhưng cha vẫn chưa cho con bợp tai nào, lại còn mua cho chiếc xe đạp để năm sau con đi học trở lại. Sau mùa Hè 75, Cha thay chiếc áo dòng bằng bộ bà ba đen ngắn tay, thay xe hơi bằng chiếc Honda 67 kéo rờ moóc tiếp tế thực phẩm cho chúng con… nhưng lúc nào Cha cũng lạc quan. Bài học lớn đó đến nay chúng con vẫn chưa học được đó Cha. 18
  • 19. Cha ơi ! Kể làm sao cho hết những kỷ niệm yêu thương êm đềm, nói sao cho hết những tâm tình của từng người con. Con xin một lần để ký ức quay về với con, với Cha… để con nhìn thấy rõ hơn Tình Cha và để tin tưởng tình thân từ mái ấm ngôi nhà An Phong luôn còn mãi trong tim tất cả chúng con. CATÊ, 2013 NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ 6 Đức Hồng Y Montini đã rất lo lắng trong thời gian Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, vì ngài biết rõ những gì sắp diễn ra. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm triều Giáo Hoàng của ngài, ngài không sợ hãi phải đối mặt với những thách đố của một giai đoạn đặc biệt khó khăn thông qua 7 cử chỉ đáng ngạc nhiên. Ngài là vị Giáo Hoàng đã bán vương miện của mình Tin rằng Đức Giáo Hoàng không phải là một vị vua, ngài đã từ bỏ vương miện ba tầng chỉ một năm sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Số tiền bán được đã dành để giúp đỡ các công việc bác ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Từ đó, đến nay không có vị Giáo Hoàng nào sử dụng vương miện nữa. Một nhóm người Công Giáo Mỹ đã mua lại vương miện này với giá 1 triệu Mỹ Kim. Quý vị nào có dịp đến Washington DC, ghé thăm Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ, nơi cũng có một nhà nguyện kính Mẹ La Vang của người Việt Nam sẽ thấy vương miện này được trưng bày ở đó. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới bên ngoài nước Ý. Trên tờ bìa số ra ngày 4.1.2004, tờ Quan Sát Viên Rôma đã trình bày những suy tư về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục xảy ra trước đó 40 năm, tức là 50 năm tại thời điểm năm 2014 này. Tờ báo này nhận định rằng dù ngắn ngủi ( chỉ có 3 ngày ), đây là chuyến tông du "hết sức quan trọng". Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét: "Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng dùng phi cơ, và thực hiện một chuyến đi đến miền đất của Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ". Ngài đã đến thăm 19 quốc gia trên khắp năm châu trong 9 chuyến tông du. Ngài đã viếng thăm New York, Iran, Philippines, Colombia, và Bồ Đào Nha. Khi trở về từ Thánh Địa, ngài gặp gỡ dân chúng trên đường phố Rôma với vòng tay rộng mở. Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói: "Trong mỗi chuyến tông du, ngài thường yêu cầu những nhà tổ chức để ngài được tiếp xúc trực tiếp với người dân và các gia đình. Ngài cũng yêu cầu đến thăm các vùng ngoại ô của thành phố." Ngài là vị Giáo Hoàng chỉ còn cách Trung Quốc có 29km Năm 1970, ngài tới thăm Hương Cảng. Phần đất này lúc đó vẫn còn dưới quyền cai trị của người Anh. Thống đốc David Trench, người đã chính thức mời ngài sang thăm Hương Cảng đã chịu một áp lực nặng nề và những lời hăm dọa của Mao Trạch Đông đến mức ông phải làm bộ cáo ốm đi nghỉ hè để không chính thức tiếp đón Ngài. Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói thêm: "Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên rất gần với Trung Quốc về mặt địa lý. Ngài đã có thể nói chuyện trực tiếp với mọi người, với những từ ngữ của hòa bình và tình yêu." Ngài là vị Giáo Hoàng đã bãi bỏ danh mục các sách bị cấm Năm 1966, Đức Phaolô 6 đã loại bỏ danh mục các sách cấm người Công Giáo đọc, vốn đã tồn tại bốn thế kỷ. Cha Gianfranco Grieco, tác giả, cuốn "Pablo VI, he visto, he creído" nói: "Ngài là một nhà 19 CÙNG TRÂN TRỌNG